Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

40 năm thơ Việt hải ngoại (23): Cung Trầm Tưởng



* Tiểu sử (do tác giả cung cấp):
Cung Trầm Tưởng, tên thật là Cung Thức Cần, sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi (1947), ông bắt đầu làm thơ, và có tập thơ đầu tay tên là “Sóng đầu dòng” (chưa in).
Năm 1949, ông rời Hà Nội vào Sài Gòn, học tiếp trung học tại trường Chasseloup Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 1952, sau một năm học đại học, ông sang Pháp du học tại Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence.
Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước làm trong ngành không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong năm này, hai bài thơ của ông là "Mùa thu Paris" và "Vô đề" (thơ trường thiên) xuất hiện trong tuyển tập “Đất đứng” của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc ĐỗVũ Khắc KhoanNghiêm Xuân Hồng), và đã làm người đọc chú ý.
Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn nghệ mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại, Nghệ thuật, Văn, Khởi hành...
Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một số bài thơ của ông, đó là những bài "Mùa thu Paris", "Chưa bao giờ buồn thế" (Phạm Duy gộp lại và lấy tên là "Tiễn em"), "Bên ni bên nớ", "Khoác kín" (Phạm Duy lấy tên "Chiều đông"), "Kiếp sau", "Về đây"...[1] Tổng cộng trong 13 bài thơ trong tập Tình ca của ông thì 6 bài Phạm Duy chọn phổ nhạc.[2]
Năm 1962, ông sang Hoa Kỳ học về khí tượng, đậu Tiến sĩ khí tượng học tại Đại học Saint Louis. Sau đó, ông trở về Sài Gòn tiếp tục làm trong binh chủng Không quân Việt Nam Cộng hòa với cấp bực cuối cùng là Trung tá (1975). Dưới chế độ cộng sản, ông bị bắt đưa đi cải tạo 10 năm[3] trong 8 trại giam và thả về với thêm 3 năm quản chế.[2]
Năm 1993, ông sang Hoa Kỳ định cư.
*
Cung Trầm Tưởng tiêu biểu cho trường hợp những người đi xuyên qua lịch sử từ thời tiền chiến, kháng chiến chống Pháp, nội chiến Nam Bắc, ngục tù, lưu vong. Viết sớm và đến nay vẫn còn viết, như một dòng chảy không dứt của nền văn học tự do.
Từ khi mới xuất hiện, thơ Cung Trầm Tưởng đã là một thành tựu của ngôn ngữ giàu vần điệu mà không cũ.Thực ra đó là thơ tình mới, và nhiều bài, trong đó có lục bát, đã được chứng minh là tồn tại qua thời gian. Thơ có ba đề tài chính yếu: tình yêu, thời cuộc đất nước, tình yêu thiên nhiên. Đối với giai đoạn chiến tranh và tù cải tạo, chúng có giá trị nhân chứng.Thật ra Cung Trầm Tưởng không sáng tác nhiều, nhưng tác phẩm được công chúng yêu mến, một phần nhờ ca khúc phổ thơ.Một nhà thơ chỉ cần một bài như thế để lưu lại tên tuổi, nhưng ông có nhiều hơn một bài.
Những tác phẩm sau năm 1975 và ở hải ngoại ít được phổ biến và chưa được giới phê bình chú ý. Một điều đáng tiếc. Tuy nhiên bản thân sự tiếp tục sáng tác, dù lặng lẽ, trong hoàn cảnh ly hương, là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, vì Cung Trầm Tưởng là người của hai dòng văn học, miền Nam, hải ngoại. Thơ dùng nhiều yếu tố tiểu sử như một chất liệu nghệ thuật, có tính cách thân mật.Đó là loại thơ ngày càng được chiếu sáng bằng cả suy nghĩ lẫn tình cảm, gần như những ngẫm nghĩ của một người im lặng quan sát các bước chân của mình. Cung Trầm Tưởng mở rộng rất nhanh những mối quan tâm so với thời kỳ trước; mặc dù, đôi khi vì vậy, ngôn ngữ thơ chưa theo kịp.
Thơ đầy màu sắc, như của một họa sĩ, đặc biệt khi ta so sánh những bài thơ được viết gần đây với thời kỳ đầu, vốn giàu tính nhạc hơn. Chúng nhắc ta về chiến tranh, sự bất lực của trí thức, sự đày đọa nhân phẩm, tình cảnh xa lìa cố xứ, nhưng mặt khác gợi lại tấm gương dũng cảm của người lính. Cung Trầm Tưởng tìm thấy con đường để trở lại với quá khứ, can dự vào bi kịch của dân tộc.Những bài thơ hay được chia đều qua các thời kỳ, du học, đi lính, tù đầy, hải ngoại.
Sau nhiều năm dâu biển, chúng ta vui mừng thấy tác giả lên xe tiễn em đi vẫn còn sáng tác, với cách viết, trong nhiều bài, ngày càng mới.
Văn Việt trân trọng giới thiệu.


NGÔN NGỮ ĐÔI

Điển chế thơ bằng ngôn ngữ đôi,
Ý nâu xen lẫn nghĩa hung vàng.
Như trong xanh hứa của màu mận
Nghe vỡ eo sèo trái nẫu đen.

Thơ là nho mà cũng là sim,
Mỗi chữ buông sang tiếng hạc cầm.
Như trong vó cất của ngựa bạch
Có nhạc chim hồng vỗ cánh cam.

Nên hãy lắng nghe tim vi vo
Trăm câu ong chúa túa tung hồn.
Như trong nhưng nhức lửa hương thị (1)
Tiếng hát son vàng của đam mê.

Miết, mài, giũa gợn lên vân đá;
Chuốt gọt thi từ như bút hoa
Trong pho sách ngát hương kinh điển
Viết lại cho đời khí huyết thơ.

Hà hồn vào ấm miếu thiêng nghiêng,
Chiết tự ra xem cấu trúc thời.
Ngan ngát trầm và nhang kỷ niệm
Một vừng vu sử thơm an nhiên.

(1) Một chi của họ thị


TIẾNG GỌI

Ta đi trong chữ tình ta,
Thắp nhang trầm niệm đọc ra linh hồn.
Còn nồng ấm nụ đời hôn
Thuở tròn trĩnh mẹ đỏ hòn máu thơ.
Dẫu âm môi ấy ẫm ờ
Mà nghe tiếng gọi nứt bờ thời gian.
Con yêu tiếng mẹ vô vàn,
Một lời mẹ rót ra ngàn cổ thư.
Nhớ này giòn giã tâm tư,
Chữ thi nhân đốt hư vô lửa bùng.
Si ca ta cũng một dòng,
Vần thơ điên ném làm chùng không gian.
(Saint Paul 1998, Đêm nghe tin Bùi Giáng qua đời)


BỘ TAM

Ngủ bầm trời sẫm bầm mây,
Con dao gió róc tách dầy vỏ mai.
Ngủ còng liễu cõng trần ai,
Du nghiêng ngả một giấc dài buồn thiu.
Ngủ bên phố ngái ngủ chiều,
Bàn tay mù nống nới nhiều âm u.
Ngủ hồ thiêm thiếp cô chu,
Bóng nhăn nheo nếp tử tù thời gian.
Ngủ trầm tích đá miên man,
Cánh chim nào vụt dợn làn hôn mê.
Ngủ quàn ván tít sao Khuê,
Vô can đến thế còn khê mùi phần!
Ngủ chập chờn lửa bồ quân,
Áo sương sữa vén ở trần mênh mông.
Một nà nõn ngực thinh không
Với huyên thuyên sáo hót phồng ngày lên.
Với liên miên gió toàn miền;
Với thầm thì máu ấm liền thịt da;
Với trời, đất nhịp nhàng ta;
Với ba, một khải hoàn ca chào đời.
(Minnesota Xuan 2000)


MÙA CHAY
(Tặng vợ)

Chín năm tinh khiết tình ta
Ướp ươm tim một hương hoa nồng nàn
Trời vào thu thở mơn man
Người yêu dấu đến gợn làn hơi may
Hồn còn dấu siết vòng tay
Trinh nguyên, thánh thiện những ngày đồng dao
Người đi khuya khoắt rì rào
Thướt tha sâu lắng, thanh cao bồng bềnh
Chín mua trái gió lênh đênh
Sắt son chưa lạt, thệ tình chưa phai
Anh chờ em giữa trần ai
Lễ dâng nhà nguyện miệt mài mùa chay
Em vào lấp lánh sương bay
Và se sắt thổi heo may đầy giường
Hai người hóa một thịt xương
Dắt nhau đi tới cùng đường thương đau
Lứa đôi ý hợp tâm đầu
Chín năm chung một gánh sầu trĩu vai
Chết xin chia sẻ quan tài
Dương gian ngang trái, tuyền đài thuận xuôi
Chín năm một giấc mơ chuồi
Tình như tình đã chín muồi thiên thu.
(Trại tù Hàm Tân 1984)


ĐÊM TÙ NHỚ ĐỖ PHỦ

Sinh ra trong thời loạn
Trần thế lửa hỗn mang,
Nhân tâm hận ly tán,
Thơ ông buồn để tang.

Đời ông lắm gian truân
Nên thơ đẹp vô ngần,
Ngọc đem lồng soi chữ,
Nhạc xám đệm đưa vần.

Ngày đi rầu rĩ quyên
Hót trong vườn tang lục
Đưa chàng lòng thiếp đứt
Thơ trào đỏ máu quyên.

Dòng thơ ông xô lệ,
Sóng vỗ biển hoàng hôn,
Chim sương vọng kêu hồn
Người nghìn năm vinh hiển.

Xưa ông đi đày ải
Nay tôi biệt tù khe
Ải cách khe ngàn lý
Mây vạn kỷ còn nghe
Hồn thơ ông gần gũi
Với lòng tôi thương tủi

Đêm đêm thoát vòng vây
Của bầy người phản phúc
Biến thế gian thành ngục
Tôi chờ ông thao thức
Về dắt tôi lên mây
Trên lao xao rừng trúc
Ngồi nghe vịnh thơ Thầy.

Thời mưa buồn nao nức
Nằm nhớ ông ngẩn ngơ,
Thương thơ ông sẫn sờ,
Đỗ Phủ ơi! Đỗ Phủ

Hiện góp ý Hiện góp ýĐÊM SINH NHẬT

mơi rơi đêm lạnh Saigon
mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi?
mưa hay trời cũng thế thôi
đời nay biển lạnh, mưa bồi đất hoang.
hồn tu kín xứ đa mang
chóng hao tâm thể, sớm vàng lượng xuân
niềm tin tay trắng cơ bần
cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa.
đêm nay trời khóc trời mưa
gió lùa ầm đục, trời đưa thu về
trời hay thi khóc ủ ê?
cổ cao áo kín đi về buồn tôi.


ĐIỆU NGHỆ

tặng Nguyễn Thanh Nhã
Nước dâng lớn, núi vươn cao phù phép
Ðời nhịp nhàng từng nụ ghép ra hoa
Tuổi ngân lên ví vút tiếng tre ngà
Tóc tiêu muối nhưng hồn xanh lá mạ
Ngọt đi em, cho thơm giòng sữa lạ
Búng một dây, dao động cả đàn trời
Kìa xuân bay vằng vặc khí chơi vơi
Khi mai sớm cũng thành sương nạm ngọc
Hãy ngây ngất cho cỏ say từng đọt
Cứ dạt dào độn lấy đợt mưa mê
Rồi đêm khuya chiếc đũa phép mang về
Trên mâm bạc ví đời ngon như yến
Vào tình ái như bước vào cung điện
Tuổi bốn mươi đeo vương miện ở hồn
Con thiên nga trong tím vút hoàng hôn
Vẫn điệu nghệ hình thơ và dáng nhạc
Vẫn tha thướt bay lên hồ nguyệt bạc
Cánh tay chèo cũng mềm vạt xiêm y
Tuổi bốn mươi ôi chuyến nữa dậy thì
Reo điễm huyệt như ngàn thông vi vút


NÚI NHỚ

Chiều đầu sông ngóng cuối sông
Quê ai một rẻo lau bồng lẻ loi
Nước nguồn cuốn lá nguồn trôi
Thừng côi cút buộc thuyền côi cút bờ
Bơ vơ này níu bơ vơ
Kia mây núi vấn mây chờ nẻo mây
Nhớ khôn nguôi với dặm dài
Trước sau cách một miên trường
Còn chong đèn nhỏ lửa giường nhớ nhung
Nhớ vời một thoáng chân dung
Bao giờ hết được Vô Cùng thì thôi
Thuyền soi nước cũng bồi hồi
Núi kiên tâm vấn mây ngồi để tang
Chim tha thế kỉ bộn bàng
Chiều về trọ nghỉ nóc hoàng hôn cao
Nao nao sóng bóng thuở nào
Dặt dìu nước tỏ tường sao đậm đà


THAI NGHÉN

Da em thai nghén trái mơ xanh
Xót vị cay chua đến ngái mình
Qua trong muốt ấy của bình ngọc
Chực vỡ cái gì thật mỏng manh
Môi tái hay không và bải hoải
Sơ sơ vẫn thể vỡ nhân giòn
Dẫu là mớm nhẹ lên hồng bích
Sợ đổ bạo tàn lầu non
Thương yêu sóng óc buồn ơi buồn
Hình ảnh mây vần chiều tịch thôn
Yêu em dáng vóc mềm như lụa
Gió thổi nay lên tóc cỏ bồng
Anh dấu em trong cánh tay dang
Rào em biệt hẳn không gian
Quanh em chỉ có hồ im lặng
Không ắt và không nước lũ ngàn
Thức anh đèn thắp suốt đêm thâu ...Em ạ
Ngực đây em gối đầu
Vai đây ấm nệm kề nhung má
Rồi lặng lẽ chờ phút khổ đau
Cứ ngủ đi em yên giấc mộng
Ðắp trên bụng mẹ yêu và thiêng
Hồn anh che chở làm nệm ấm
Mang nặng đẻ đau ! Ôi đức mẹ hiền !


THẦM LẶNG

Người nhìn thuyền lượn quên nhìn sóng
Sóng nhả lực đưa trót lọt thuyền
người ngắm buồm căng quên bẵng gió
Sóng còng lưng, gió lả triền miên
Hoa nở để chờ mùa kết trái
Cành năng tâm tiếp vận an lành
Nhựa từ rễ xoắn sâu lòng đất
Hút mạch ngầm âm ỉ vô danh
Trời khô ráo, nắng thiều quang rực
Ðã trả mưa cho lúa được vàng
Kiến Tạo đơm đan dàn thượng thặng
Nắng lòng thầm lặng góp vinh quang
Thiện nguyện hóa thân làm chén hứng
Hứng nguyên điêu đứng lệ ai đầy
Tim se rót trả về tinh khiết
Rượu ấm, rượu nồng, hiền ngất ngây
Hãy nghiền ngẫm não như nghiền nho
Vắt kiệt cho trong nước rượu vò
Nào hỡi ai! Xin cùng cạn chén
Một ai đâu đó đụng chung đò
Ðau đớn lần hồi rồi biết ra
Lấy đêm im lặng làm ngôi nhà
Ðêm rơi trắng noãn, gieo trù mật
Thụ phấn ngày rồi chửa sữa hoa
Ðêm tròn trĩnh ngực, hoi dâng hiến
Bé úp mặt nhay vú mẹ hiền
Sáng Thế truyền lưu gien bất tử
Như Thần Linh Lửa gửi lòng lim
Suối róc rách kêu rừng thức dậy
Ðêm quằn quại dạ đẻ vừng đông
Một ngày như mọi ngày dương thế
Eo óc kim kê gáy rạng hồng


THU NGÂY

Về đây tôi gặp lại mùa
Thu nghìn thu cũ về lùa nắng trong
Thu về bằng lối rêu phong
Bánh xe diệu nghệ khép vòng thời niên
Trời nong chật nỗi thu phiền
Hồn cây hồng mộc ngợp miền thu Tây
Tôi về lạc lối thu ngây
Rừng thu tiếng sóc nghe gầy tim hao
Ôi thông xanh ôi hồng đào
Phong rêu mấy thuở hồn nào không đau


TRONG TRỜI ANH XANH VÚT

Mở cửa đón em vào
Xem sông núi hồn anh
Tình yêu không năm tháng
Như hương rừng cẩm lai.
Anh là cây thao lao
Xuân thu dầm mưa nắng
Vào em xem thạch động
Tình yêu đội mũ hồng.
Vào em nghe thương điệu
Bông Quỳnh một đêm trăng
Em như dây thập lục
Rưng rưng tỳ bà hành.
Anh sớm núi chiều khơi
Cho tình em hóa biển
Ngón tay em vây sứa
Ngực môi em cá hồng
Mắt em nghiêng hướng gió
Tóc em xuôi chiều mây
Anh hát lớn du ca
Cho tình em vời vợi
Như thuở đất sơ khai
Trong trời anh xanh vút
Em bay như chim hạc
Em tuyệt như mây hồng.


TRUYỆN TÌNH

Trời ngoài mưa dầm đục
Dây trùng dây đan nhau
Thương yêu thành ngã bốn
Quán trong nhỏ môi thầm
Tình nhân đôi gặp gỡ
Đan nhau bằng ngón tay
Ý riêng tôi nhân ái
Chứng kiến ngồi vu vơ
Tình nhân đôi nho nhỏ
Đan nhau bằng mắt ngơ
Phút ấy thật hiện sinh
Truyện tình ôi dung ái!


TƯƠNG PHẢN

Đêm chớm ngày tàn
theo tiếng xe lăn về viễn phố
Em ơi !
Sương rơi
ngoài song đêm hạ
ôi buồn phố xá...
Hoang liêu về chết tha ma
tiếng chân guốc : người xa vắng người.
Em có nghe dồn dã
bước ai vất vả
bóng ai chập chờn
hồn ai cô đơn
say sưa tìm về ấm cúng
Em có nghe bi ai
tình ai ấp úng
thương ai lạc loài
ăn mày xán lạn một ngày mai
Đêm ni say đất lở,
em có nghe rạn vỡ
ra muôn mảnh ly rơi
pha lê vạn chuỗi cười ?
Bên nớ dạ thành khoe tráng lệ,
trơ trẽn giai nhân phô loã thể
Bên ni phố vãng lòng ngoại ô
Em có nghe mơ hồ
bước ai thao thức
gõ nhịp hẹn hò
in dài ngõ cụt
bóng ai giang hồ ?
Bên nớ bên ni đêm lạnh cả,
lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng.
Em ơi !bên trong
dù chia ly đôi phút
đồng mang nhớ đèo mong
hai tâm hồn giam kín
bốn mắt xanh bịn rịn,
anh ngồi làm thơ
em ngồi bấm đốt con thơ ra đời
Bên ngoài liếp ngõ sương rơi
bên trong kín gió, ấm ơi là tình !...


VÔ VÀN
tặng vợ
em là nàng Mạnh Quan thời Hán
mặc quần vải bố, cài gai trâm
đương lúc anh mong rầu rĩ ruột
lòng em đứt đoạn lệ tuôn thầm
đứng thế làm cha nuôi con dại
để nhà có nóc lúc chồng xa
em đứng thay nam tròn chữ hiếu
thờ cha phải đạo, dưỡng mẹ già
chải gió dầm mưa chưa hết hạ
vai chồng em thử áo ngừa đông
cắn chỉ luồn kim may gấp gấp
vuông khăn còn ấm lệ đưa chồng
khoảng cách Sâm Thương bao ánh sáng
tình em chẳng ngại nước sông dài
em điểm màu lê lên rêu ám
của đời nhạt mận, rữa đào phai
mỗi chữ thư em gầy nét liễu
anh ôm trên núi, ấp trong khe
em là lửa ấm đêm đông rét
trận gió đem mưa đến hạn hè
là nắng thu hanh, mây lững thững
thông reo trầm vút đỉnh trời cao
em giăng mộc thảo xanh triền núi
ly cách lòng anh khói lũ trào
biển động thuyền lay, em vững lái
anh thương hạt gạo xẻ làm đôi
tình nghĩa em như sau bão thổi
bãi yên bể lặng, cát về bồi


CHÚC THƯ CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH VÔ DANH

Nếu ngày mai cam phận tôi lên đường
Về một miền trời nồng mùi thuốc súng
Xin các người đừng tụ tập lăng xăng
Đừng đọc diễn văn, trương cờ xí
Đừng uý lạo tặng quà
Quàng vòng hoa chiến sĩ
Đừng chu choa tiếng kèn đồng
Bởi cái chết là một món hàng vô giá
Không lễ tiễn đưa nào chuộc được
Nếu ngày mai tâm lí chiên đàn
Lùa toán quân lao vào chiến địa
Mìn mù loà xé xác chiên ngoan
Xin các người đừng đến lầm rầm trước linh vị
Vinh danh tôi anh hùng liệt sĩ
Bởi cái chết giờ là
Một quan tài gỗ tạp – nếu có –
Đóng bằng ván lạnh lùng
Và đinh sắt lãng quên – vô ơn
Màu thời đại
Nếu ngày mai say mùi thuốc súng
Tôi miên du trong mưa đạn
Phiến ngực gầy làm tấm khiên che
Thân bung tung như xác pháo
Theo nhịp cười rồ dại cỗ liên thanh
Của một xạ thủ nằm rình
Bên chiến hào đối mặt
Hắn cũng như tôi
Đang say mùi thuốc súng
Mùi mê yên mị dược
Đánh thuốc lú hồn ta
Đang vô thức miên du
Trước khổ đau đồng loại
Vậy
Nếu vì cuồng vọng một người
Một triệu người phải ngã xuống
Vải tang sô không đủ để quấn đầu
Muộn sầu triệu nàng goá phụ
Vật vờ triệu mụn con côi
Tôi xin các người đừng đến cúi đầu mặc niệm
Tỏ tiếc vong linh người chồng / cha vắn số
Rồi ra về ngồi kí lệnh trưng quân
Lấy thịt đồng bào làm mồi cho súng ngoại
Bởi giết chóc này vô luân và phi lí
Chân lí không hồng, cứu cánh không xanh
Tôi muốn ngã xuống máu trắng
Trên một lằn ranh màu trắng
Nếu ngày mai giữa khói lửa đỏ rực trời
Tôi bị hút vào từ trường phía trước
Viên đạn nào vô giác xoáy đầu tôi
Xin các người đừng làm trò thiểu não
Đặt vòng hoa phúng điếu, phân ưu
Biểu dương công trạng trước quân kỳ
Bởi mạng Việt Nam các người coi rẻ rúng
Tấm bạt thô phủ vội xác gầy gùa
Khách bộ hành hấp tấp bước băng qua
Không ngoảnh lại
Di ảnh tôi
Xin các người đừng phóng lớn, phô bày
Trong công viên, ngoài phố xá
Bởi sinh thời thường tránh chốn lao xao
Chỗ chợ người bon chen bát nháo
Tôi muốn được chết âm thầm, tan loãng giữa vô danh
Một vết xước nhợt nhoà
Trên vô tình lịch sử
Nay
Để hồn nhẹ nhõm lúc ra đi
Xin trả đủ lại các người
Những huy chương láng coóng
Những chiến tích mạ kền
Những hoa hoè hoa sói
Những loá mắt lập loè
Một thiên đàng mộng hoạn
Một chiến sử không vui
Một nghĩa địa hoang vùi
Triệu anh hùng mê muội
Phận mỏng con thiêu thân
Lao vào lòng hoả ngục


KHOẢNG CÁCH

Dịch tễ nào cấm cố người thân
Ðồng thuyền mà cách xa khôn tả
Biệt ly nội trú ở ngay hồn
Kẻ lữ thứ thường xuyên chung chạ
Ta đi lạ lẫm gót minh lương
Chiếc bóng đeo lưng khắp dặm trường
Có một đi xa nào chẳng rớm
Ngỡ ngàng đôi chút phiêu-lưu-vong
Ngay từ lúc bước trượt ra ta
Ðiểm bất quy hồi đã vượt qua
Khoảng cách ngàn ngàn năm lãng đãng
Còn đi cầu khất một ngôi nhà
Con tàu khởi động đã từ lâu
Nên chuyến ra đi lại lỡ tàu
Ta ở lại lần mò bất động
Vẽ đồ trình ngược bến xa sâu
Bớt khoảng cách li ta quá đỗi
Hâm hơ hồn buốt nám thiên thu
Chầy khua mõ gõ vòm vong ức
Thoáng gợn buồn lâm râm váng nước


ĐÊM MÙI CỎ DAO

Đêm mùi cỏ dao
Thở nồng trang sách
Gió cuốn ào ào
Mùa tất bật

Vịnh ngoài lốc
Xoáy đêm
Đêm
Gió gào đập cửa
Mở cho tôi vào!
"Ouvrez-moi cette porte où je frappe en pleurant." (1)

Xưa quế hoa rơi
Giờ sầu đông rụng
Nhìn lên dạt cụm mây trôi
Lao đao viễn mộng một côi cút tàu
Ngoảnh về ngơ ngác phơi đau
Một trăng con ướp gầy hai ngô đồng
"Khuyết nguyệt quải sơ đồng." (2)

Đã đi là mất
Hút vào thiên thu
Trầm u bằn bặt
Hoàng Khủng (3)!

Nắng quái cồn nam
Lẻ hồng gập cánh
Hỷ Hoan Hỷ Hoan (4) !
Tuyết tuyết bạt ngàn
Sa mạc bắc

Thế sự nhiêu khê
Ùn ùn chướng ngất
Lữ sự bộn bề
Gót lừa mỏi

Vịnh ngoài lốc
Xoáy đêm
Đêm
Gió gào đập cửa
Mở cho tôi vào

Mừng nào bằng gặp cố tri
Nỗi xưa: hiện tại chia thì đã qua
Thơ người phế phủ sầu ra
Lại gây sầu phế phủ ta bây giờ
"Thi tùng phế phủ xuất
Xuất triếp sầu phế phủ." (5)

(1) Thơ Apollinaire
(2) Thơ Tô Đông Pha
(3)-(4) Địa danh trong thơ Tô Đông Pha
(5) Thơ Tô Đông


Một Bài Thơ Để Nhớ Một Thời:
CHƯA BAO GIỜ BUỒN THẾ

lên xe tiễn em đi
chưa bao giờ buồn thế
trời mùa đông Paris
suốt đời làm chia ly
tiễn em về xứ mẹ
anh nói bằng tiếng hôn
không còn gì lâu hơn
một trăm ngày xa cách
ga Lyon đèn vàng
tuyết rơi buồn mênh mang
cầm tay em muốn khóc
nói chi cũng muộn màng
hôn nhau phút này rồi
chia tay nhau tức khắc
khóc đi em. khóc đi em
hỡi người yêu xóm học
để sương thấm bờ đêm
đường anh đi tràn ngập lệ buồn em...
ôi đêm nay
chưa bao giờ buồn thế
trời mùa đông Paris
suốt đời làm chia ly
tàu em đi tuyết phủ
toa anh lạnh gió đầy
làm sao anh không rét
cho ấm mộng đêm nay
và mơ ngon trên khắp nẻo đường rầy !
trời em mơ có sao
mình anh đêm ở lại
trời mùa đông Paris
không bao giờ có sao
trời mùa đông Paris
chưa bao giờ buồn thế !