Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Người gù

Truyện

Tru Sa

Một tủ gỗ chẳng có gì ngoài những cuốn sách đã nát bươm tới mức không thành một trang giấy. Là loại gỗ gụ nên rất bền. Theo lời kể, cái tủ này là gia bảo của dòng họ ông. Từ đời tằng tổ để lại. Riêng thứ sách cũ mốc thì do ông tích trữ. Rất nhiều sách. Nếu đếm từng quyển có lẽ tôi phải mất hơn ngày. Cái tủ cao sát trần và kéo dài ốp quanh bốn bức tường. Lúc mới bước vào, trừ việc ho sù sụ vì bụi thì tôi đã lầm tưởng rằng tường hầm được khoét sâu để cất sách. Như mọi tủ kệ, cái tủ này cũng được chia tầng. Các ngăn bằng phẳng và sâu ướm vừa một bàn tay. Sách chất chật cứng. Chúng xếp ngang, chếch chéo, nằm chồng lên nhau, quay gáy ra ngoài. Bụi và mạng nhện bện dày như cái kén màu xám đục. Lối ra vào, cũng là cửa thông gió duy nhất luôn mở. Tôi nghĩ cổng cầu thang mở để người vào không chết ngộp trong hầm.

Ông, một người quá già so với những thượng tuế ở Phố. Tôi ít được nghe về ông ngoài việc ông từng giết vợ. Ngộ sát, hoặc đại loại thế khi ông cố rút mũi tên cắm trong lồng ngực vợ mình. Có lẽ ông đã rút quá mạnh, hoặc vợ ông quá yếu để trụ vững sau lực chấn động khi rút tên. Phố này kéo dài, nối liên miên. Tôi ở dãy đầu còn ông ở cuối. Thời thơ ấu, tôi đã chẳng biết ông. Mọi bàn tay trong phố ít nhiều đã sờ lên người tôi, trừ ông. Tôi chắc ông đã chẳng để ý dãy phố có bao nhiêu đứa trẻ và là con nhà ai. Ngày đầu gặp tôi đã nói tên, số nhà, tên cha mẹ như một sự thành thật. Tiếng “Vào đi” thay giấy thông hành để từ đó tôi lui tới thường xuyên chỗ ông. Cũng ngày đầu, ông đã mời tôi kẹo, bánh. Một ấm trà được pha lại từ bã buổi sáng.

Trong nhà ông chẳng còn ai. Người nhà ông li tán khắp năm châu. Đứa con ông chết trong bụng mẹ trong lần sơ tán cuối cùng, trước khi về Phố. Vợ cũng đã qua đời. Ông không bị tù, chỉ nhận án treo. Với ông, mất đi người vợ đã là bản án nghiệt ngã nhất. Ông bị gù, không do tuổi già. Râu tóc ông bạc phếch, da bèo nhẽo với những chấm đồi mồi và gân xanh, đấy là tuổi già. Vốn là người siêng lao động nên đến từng tuổi này bước chân ông vẫn vững. Chuyện cắt tỉa sân vườn, nhổ cỏ dại hay sửa mái ngói ông đều tự làm. Cái lưng gù của ông nhiều khi như đường móc của cầu vồng. Tôi nói với ông “Gù bẩm sinh, có phải trò đùa của Tạo Hóa”. Ông nói “Tạo Hóa chẳng bao giờ nghiêm túc, còn con người thì luôn thích đùa”.

Ông ít giao du với người ở Phố. Thực ra những người đồng tuế thì đã quá yếu và chỉ quanh quẩn trong nhà bằng những bước chầm chậm như con rùa kéo lê bộ mai. Lớp người sau ông một chút, thuộc thế hệ tiếp nối hoặc hạt giống như tôi, ông cũng không bắt chuyện, ai chào thì ông chào lại còn thì đường ai nấy đi. Ông như con đại bàng ẩn dật cả cái bóng dù vẫn đủ vuốt, mỏ để lột xác một lần nữa. Có lẽ vì vậy không mấy người chú ý đến ông. Những ngày lễ bắn pháo hoa, cả phố tưng bừng. Ai cũng ra đường sau khi đã trang trí cửa nhà thật đẹp. Ông ở nhà cấp bốn, mái nhà nửa ngói nửa tôn, gạch nhà nứt toác thành những rãnh dài, tường rụng rời. Từ ngày buồng vệ sinh bị sập ông thành khách quen của vệ sinh công cộng. Việc tắm giặt ở ngay ngoài trời, với một chậu một gáo. May rằng bể nước nhà ông không hỏng chứ khéo ông phải tắm lúc trời mưa hoặc tắm khô như mèo. Ông có cái sân rộng nhưng ông chỉ tỉa cỏ dại, loại cây nào vô tình mọc trên đất nhà ông thì ông chăm chút. Tôi gõ cửa. Ông bảo tôi vào với ông hoặc giúp ông kéo cửa như một lần đóng cửa thật chặt.

“Ông không thích người ta à?”.

“Con người, quý lắm. Chỉ là càng sống càng khó kiếm người”.

“Ở đâu chẳng có người hở ông”.

“Ở đâu chả có người nhưng người ở đâu”.

Hầm sách của ông luôn làm tôi khó thở. Dường như đã quá lâu ông không quét dọn. Tủ chưa hề mục. Riêng sách thì đã mủn nát. Mấy cuốn lành thì cũng nham nhở như bị xé nhỏ. Tôi chẳng đọc được chữ nào. Cuốn long bìa, cuốn bìa đã bạc hết màu, có cuốn thì vừa cầm lên đã rụng lả tả. Mở trang nào cũng thấy bụi. Nhiều lúc tôi còn thấy mọt chạy thành đàn. Giữa gian hầm có dựng cái ghế mây. Ghế cũng cũ, bụi đóng trắng như một mô hình tuyết. Dù ghế lúc nào cũng cót két nhưng ngồi vẫn chắc. Cạnh ghế luôn có một ngọn đèn cầy. Thứ ánh sáng vàng mỡ cháy quanh hầm như một mặt trời tí hon. Đã nhiều lần tôi vào đây rồi ho sù sụ. Mấy lần sau tôi đeo khẩu trang. Riêng ông thì vẫn lui tới thường xuyên. Không một mảnh khẩu trang hay khăn tay. Nhiều khi ông còn hít ngửi rất sâu. Lúc tôi mang đến cây phất trần và chổi để cùng ông dọn hầm, ông đã bẻ đôi từng thứ một.

“Cũng phải dọn dẹp cho sáng sủa chứ ông”.

“Kì cọ, lau rửa, chỉ làm gương sáng chứ chẳng sạch bụi. Hầu hết chúng ta tin cậy ảnh chiếu trong gương là mặt mình. Trăng trong hồ cũng là trăng nhưng chẳng phải trăng. Các bản sao đã thống trị cả sơn hà này và đội lốt bằng ti tỉ thế thân”.

“Bụi bặm thế sẽ sinh bệnh đấy ông”.

“Quỷ đồng lõa với bụi bặm hơn là dịch bệnh”.

Lối cầu thang lên xuống hầm luôn mở. Ông ngồi trên ghế mây, lửa đèn cầy chao nghiêng như điệu nhảy chú lùn. Mắt ông nhìn quanh những giá sách. Bụi bặm rụng từng mảng hễ ông giậm chân quá mạnh. Tay ông lúc vắt trái, khi vắt phải. Rồi ông ôm đầu. Tôi từng thấy ông mở sách. Từng cuốn, từng cuốn. Không cuốn nào nguyên vẹn, dù chỉ một phần tư trang. Tôi tự hỏi ông tìm gì ở số sách cũ đã nát bươm đó. Hay, ông vốn đọc làu chỗ sách đấy. Ông mở sách chỉ để kiểm tra lại trí nhớ. Suy nghĩ của tôi bị bẻ ngoặt khi thấy ông sờ lên mặt sách. Ông lật từng trang. Lật bìa, rồi lật đi lật lại. Mắt ông nhìn đăm đăm, thế rồi ông gấp sách và cất trở vào tủ. Ông đi lại một lúc quanh tủ sách bốn mặt, lần tay vào từng gáy sách. Ông lấy đúng cuốn mình đã cất trước đó và mở. Việc quan sát ông chầm chậm, không để vang tiếng thật thích thú. Bụi và mạng nhện lúc nào cũng dính trên tóc, vương mảnh trên mặt, vai áo. Những lúc ông trầm ngâm nhìn trang sách, tôi tưởng rằng ông đang mặc niệm cho một thế kỷ bị lãng quên. Một lần nữa, ý nghĩ tôi bị bẻ ngoặt. Đấy là khi tôi thấy ông miết nhẹ ngón tay lên cuốn sách và liếm. Cái liếm chậm rãi lúc thì lên bìa, khi thì ở gáy, có lúc lại ở một trang bất kì. Một cái vấp chân, rồi tiếng ho vì bụi hầm không làm ông giật mình. Vẫn cử chỉ dấu yêu bằng cái liếm, cái dụi mặt. Sự nâng niu quá đà của ông với tủ sách cũ khiến tôi nghĩ đến việc ông đang ngấu nghiến những hồi ức về người vợ. Đã nhiều lần tôi hồ nghi việc liếm sách đấy là một tưởng tượng về cuộc tái sinh các phế tích từ một cái lưỡi lão hóa. Nếu còn đủ răng, liệu ông có nhai…

Người ở Phố bảo ông gàn. Số sách của ông vẫn nhiều người biết. Hẳn có người còn thấy nó khi còn vẹn nguyên. Mấy bô lão chỉ xua tay, tránh né lời thắc mắc của tôi. Sách gì, thể loại gì. Chữ gì, và viết gì. Những câu hỏi đổ dồn, chạy vòng quanh đầu tôi trong những ô trống.

Có lần, ông nói với tôi:

“Sách là cái tim đen luôn bị đánh tráo của quá khứ. Dù bao nhiêu thời đại nữa thì sách vẫn là bửu bối của trời. Văn minh của loài người là ngôn ngữ và chữ viết, trong đấy chữ viết là thứ trường cửu khi đóng thành sách. Những điển thư bất tử. Thập kỷ qua, chữ viết đã xuống mồ và bị quật mả nhiều lần để thành bù nhìn, đồng sự của quỷ dữ. Chúng tụng ca bằng những bài hát nhai xương uống máu, nhảy nhót trên những xác người còn ấm, còn nhúc nhích, chúng trồng cây trong óc người sống và tận diệt thủy tổ bằng năm mươi cuộc săn trên rừng, năm mươi cuộc săn dưới biển. Sách đổ máu không đổ chữ. Chữ là máu không là sách”.

Trong lúc ông ngồi trong hầm, huơ hoắng tay, hít ngửi thứ bụi chồng chất hàng thế kỷ thì tôi đi lùi phía cầu thang. Nếu đèn cầy đột ngột tắt, ông vẫn ngồi. Ông hỏi tôi thấy gì khi đèn đã tắt.

“Không gì cả”.

“Thế khi đèn bật?”.

“Tất cả”.

“Chắc không?”.

“Cháu nhìn được. Trời sáng hơn bởi đèn”.

“Người mù luôn thấy tối nhưng không phải trời phủ bóng đêm. Người mắt sáng khó nhìn ra bóng tối của người mù và không thấy đường dù không mù. Nguyên thủy của bóng tối không màu đen”.

“Sau cơn mưa trời lại sáng mà ông”.

“Sau cơn mưa, trời tạnh. Vẫn tối”.

Vợ ông chết vào một buổi tàn minh, tôi tin thế. Viễn cảnh của sự lìa đời là hơi thở trút cạn không còn gì. Cái chết chậm rãi như cánh cửa khép từ từ, hoặc đột ngột như mặt trời cuối cùng bị bắn rụng giữa ban ngày. Hơi thở vợ ông sẽ bay vút như đôi cánh, mỏng mảnh như khói thuốc lá hay chờn vờn đứt đoạn như con cá bay khỏi mặt biển chốc lát rồi lại chìm xuống biển? Tôi không biết, cũng không dám hỏi ông. Vườn nhà ông nhiều bia mộ. Chia hai dãy và chẳng có tên. Người nhà ông chẳng nhiều đến thế. Ông vẫn nói rằng sinh mạng là những gì sống và từng được sống. Một nhành hoa, một xác người đều bình đẳng khi vùi trong đất. Người ở Phố đã quên béng ông. Tôi nghĩ họ vờ quên. Một dị hợm so với những đồng đẳng bằng nhau. Phần khác vì cái sân với đầy rẫy bia mộ lại là một xúi quẩy. Mỗi tai ương xảy đến, người ta có quyền đổ thừa ông. Trước những vu khống ông đều im lặng. Cái bóng gù lẩn khuất trong cộng đồng lưng thẳng, lưng dài nhưng sẵn sàng còng xuống trước mũ cánh chuồn. Nhà ông không treo biển Gia Đình Văn Hóa. Phố không cấp cho ông và ông cũng không xin, mặt khác một ông già sống cô độc thì chẳng thể gọi là có gia đình. Tôi vẫn tìm đến ông. Một ngày, tôi thấy ông cắm bia sau vườn. Không hề có áo quan. Dưới lòng đất chỉ có sỏi và đất. Ông đào một rãnh, rồi táng mộ. Tôi hỏi ông “Tại sao nhiều bia mộ đến thế”. Một tiếng thở nửa chừng, rồi một cái cười nhẹ cũng tiêu biến nửa chừng nhường chỗ cho một tiếng ho ngắt quãng. “Quả đất này đã quá nhiều ma. Chúng ta sinh sống, ăn lộc từ ma và tranh luôn đất của ma”.

“Bởi vậy ma đành nương náu trên thân xác người”. – Tôi nói với ông.

“Nguồn gốc của ma là người”.- Ông nói với tôi, nói với vườn bia mộ. Rồi, ông xòe đôi bàn tay – “Hóa thân của người?”. – Lời ông rót vào hai lòng bàn tay dày kín những lớp sẹo. Chẳng thể thấy dù nửa cái hoa tay hay nửa nét chỉ tay.

Ông không ở ngoài vườn. Lúc này, ông xuống hầm. Những cuốn sách sẽ được lật ra và ông hít hà lớp bụi đóng. Ông vươn người, xòe tay trong tủ sách bốn mặt. Có thể lúc này ông đang xâm nhập vào những thế kỉ cũ, đối ẩm với các đế vương và và vụng trộm với những vưu vật thời hồng hoang.

Ông. Một người gù.

Dãy Phố nhộn nhịp cờ đèn. Biểu ngữ giăng khắp nơi. Các lễ hội, những tiệc tùng thâu đêm, rồi thì những cuộc đua xe mừng thắng bóng đá, pháo hoa đỏ ngầu trời nối dài từng ngày, tháng. Đâu đấy, những trung tâm nạo phá thai mọc chồng chéo để đồ tể giống người. Đâu đấy, bạt ngàn cây bị chém đổ cùng lúc như bản án tru di dòng tộc. Đâu đấy, mỗi giây Thần Chết bắt được một hồn. Cũng đâu đấy, đàn đàn người quần tụ, lắc lư trên bàn nhậu như lật đật. Cái hầm sách cùng hai hàng bia mộ là điềm gở của Phố. Một thứ lạc hậu, hão huyền và nằm ngoài lề thời đại này. Đám trẻ lớn lên, già đi mà chẳng biết có một người gù luôn lang thang trong bóng tối, mong tìm một bát nước cứu khát.

Tôi về lại chỗ ông. Lần này ông không đón tôi. Cửa xuống hầm vẫn mở. Bụi đóng dọc quanh lối lên xuống. Đèn cầy đã tắt. Tôi mang theo một ngọn nến. Bụi đóng dày mặt sàn, ngập đến mắt cá chân. Tơ nhện giăng khắp ngóc ngách và cũng dày lên, trắng đục như lớp mây khổng lồ. Không thấy bóng nhện nào. Một cái hắt hơi làm bụi rụng từng mảng. Như tiếng hét trong xứ tuyết phủ, bụi chuyển động rồi rơi ầm ầm. Tôi phẩy tay, hất mạnh để tránh những mảng bụi quá to nện vào đầu. Ông ngồi trên ghế mây. Ông đã chết. Bụi kết tảng, vùi lấp chỉ để chừa cái đầu lâu. Phủi bụi, tôi thấy một bàn tay xương chống cằm. Không thể gỡ bàn tay khỏi cằm, tôi để thế. Một khung xương người gù suy tư.

Tôi gạt ngọn đèn cầy trên bàn và nhỏ sáp, cắm nến. Hầm sáng rõ. Sách đã không còn trên bốn mặt tủ. Chúng nằm xếp thành những hàng, những tầng dài dưới đất và bao quanh chỗ ông ngồi. Tủ sách ngủ trong lớp bụi dày. Số sách nằm mặt đất không biết đã ngủ chưa hay hẵng còn thoi thóp chừng nào những chữ bị cắt xẻo còn chưa bạch hóa. Tôi hít một hơi sâu. Bụi đi vào mũi và tôi nuốt lấy như đang nhai một phần quá khứ ông. Trong kho sách tàn mục, rách nát ông là một nét phẩy.

Mang theo hài cốt ông, tôi lên cầu thang và ra sân. Những bia mộ rêu phủ. Cỏ mọc rậm cả mảnh sân. Nhiều cây dại mọc chồi, đâm xẻ um tùm thành bụi gai. Mạng nhện và bụi thời gian kết trắng vườn mộ.

Vợ ông, một mũi tên trước ngực. Theo lời ông, tên đâm qua ngực vợ từ rất lâu. Cơn đau luôn hành hạ vợ ông. Mũi tên không cắt đôi quả tim mà xuyên thấu và tồn tại như một chi trên cơ thể. Ông đã rút mũi tên khỏi lồng ngực vợ. Mũi tên được ông bẻ đôi. Vợ ông vẫn sống. Bà được giải thoát nhưng cái tự do này đã không mang bà đến nước Trời. Mất mũi tên trên ngực, vợ ông thấy rỗng tuếch. Sẽ không còn cơn đau nào âm ỉ lồng ngực. Những liều thuốc giảm đau và cơn oằn mình quy thuận không còn nữa. Cơ thể bà nhẹ như được Chúa trao cánh nhưng bà đã không biết phải làm gì với đôi cánh. Cái chân này là của bà, cái tay này là của bà. Lưng bà không gù nhưng vẫn cong xuống như bị bẻ cột sống. Ông chỉ ngón tay. Mắt vợ ông nhìn vào đầu ngón tay ông. Chưa thấy đường. Vợ ông khiếp sợ cuộc sống mới mẻ cùng hai bàn tay trắng. Bà đã lấy trộm hai nửa mũi tên. Khi cắm lại tên vào ngực, bà gục xuống.

Hóa thân của người…

Hóa thân của người…

Tôi nhìn hai hàng mộ. Phần mộ trái bảy mươi tư bia, mộ phải sáu mươi tư bia. Tôi đứng ở phần sân chia đôi hai cánh mộ. Phố vẫn huyên náo như mọi ngày. Người ở Phố đi lại như đàn người cô độc. Tôi đứng mãi ở mảnh sân. Mấy người nhìn thấy tôi qua hàng rào cửa. Họ xì xào, lẩm bẩm và cười the thé cùng nhau. Theo lời họ, người ngợm tôi trắng phau. Cả áo quần, tóc tai lẫn mắt, mũi, miệng. Tôi như cái bóng gác mộ cỗi tuổi.

Người, vốn một hóa thân…

Bình minh lên rồi tàn. Hoàng hôn tưới vàng đỏ hai lối mộ rồi cũng tàn. Bóng đêm đổ dày, kéo chìm muôn nơi như cái xòe cánh khổng lồ của con sâu hóa bướm. Trời chưa tối. Cõng trên lưng bộ xương người gù, tôi vòng vào vườn mộ. Mỗi một tấm bia tôi đặt một cái khấu đầu. Tôi sẽ bước ra bằng cổng lớn để tìm và tắm trong thứ ánh sáng chưa từng biết đến.