Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Hỗn độn (kỳ 2)

Nguyễn Khắc Phục
HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA
SỰ CHU ĐÁO CỦA CÁC ĐẤNG, BẬC
VÀ VIỆC TẨY MỤN CÓC
Cho đến giờ chưa ai đụng đến Rơm nhưng các Đấng, Bậc vốn là những người theo chủ nghĩa nhân đạo vô bờ bến và trân trọng những tài năng văn nghệ, gợi ý rằng: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Người xưa dậy thế. Do thời tiết biến chuyển bất lợi, dấu hiệu rối loạn tâm thần của Kẻ Phao Tin có cơ tái phát, rất nên đưa Rơm trở lại trại Quá Cảnh tiếp tục điều trị thần kinh, nơi mà hơn một lần, một hội đồng giám định y khoa đã trực tiếp xem xét trường hợp bệnh tật của Rơm, sơ bộ đã có kết luận: Kẻ Phao Tin đã mắc phải hội chứng hoang tưởng và biến thái nhân cách? Nếu đúng vậy thì phải kịp thời điều trị, chăm sóc Rơm tận tình, tốn kém bao nhiêu lấy công quỹ trang trải. Chứ để Rơm bên ngoài, mỗi lần lên cơn, Rơm có thể có những hành động bột phát nguy hiểm với chính Rơm và đe dọa tính mạng, sự an toàn của những người chung quanh hoặc gây rối loạn trật tự công cộng. Lũ Rơm ngờ rằng, như những lần trước, Đấng Không Cảm lại kiếm cớ đưa Kẻ Phao Tin đi chữa bệnh tập trung ngoài ý muốn. Rơm sẽ trở thành một tên tù không án dưới cái lốt con bệnh miễn cưỡng và được ưu ái nhập kho ngày này qua ngày khác. Nhưng thật bất ngờ, chính Kẻ Phao Tin lại cũng hơn một lần, viết đơn xin đi điều trị tâm thần. Những nhà bảo trợ hiền tài là nguyên khí quốc gia, nhanh chóng giải quyết mọi thủ tục, rước Rơm lên trại cuồng Quá Cảnh - Nơi đã quá quen thuộc với Rơm. Và hai tên Người Xanh - Ngợm Xám buộc phải quay lại nghề chăm điên một lần nữa... Lần này, trông chính thầy chúng.
Nàng sướng như điên khi tình cờ tìm được cách tốt nhất dứt bỏ Rơm khỏi tâm trí mình... Nàng không ngờ cái mà nàng tưởng là sẽ vật vã, đau đớn lắm thì hóa ra rất dễ dàng và đơn giản. Còn dễ hơn tẩy mụn cóc khỏi mu bàn chân.
Chỉ cần những buổi mật đàm trên mạng diễn ra ông chẳng bà chuộc vài ba lần liên tục là Rơm đoán ra ngay. Nàng không còn thiết tha với Rơm nữa. Rằng nàng đã chán Rơm như cơm nếp nát. Rằng nếu còn đôi chút tự trọng thì Rơm phải kiếm đường kiếm nẻo khẩn trương ra khỏi tầm mắt nàng...
Trước kia nàng cứ tưởng hạnh phúc là được yêu, được sống với Rơm mãi mãi, bây giờ nàng chợt hiểu ra một điều: Hạnh phúc là được bất ngờ bỏ rơi Rơm ngay tức khắc, không vương vấn kể cả với một chút thương xót...
Đấy mới thực là hạnh phúc bất ngờ...
- Em đang viết thư cho anh kể chuyện Bởi Chưng.
- Em mất công quá.
- Sao lại mất công hả anh?
- Vì em bận nhiều chuyện quan trọng hơn.
- Anh không thích nghe chuyện Bởi Chưng à?
- Không, nó quá xa lạ với anh.
- Lúc đầu em cũng nghĩ như mọi người, muốn đi vào sa mạc thì phải chuẩn bị ghê gớm lắm... Nhưng em không ngờ sa mạc hay thế và quan trọng thế đối với em.
- Anh đọc thư em rồi, những ngôi đền ấy xa xôi với anh, còn ngôi đền Xã Tắc ở ngay dưới chân anh.
- Có thể nó rất quan trọng với em, nhưng với anh, nó chỉ gợi ra cảm giác của một cuộc từ bỏ vĩnh viễn.
- Từ bỏ gì hả anh?
- Từ bỏ cái gì đấy.
- Ở đây em học vẽ tranh chấm đốt như thổ dân.
- Anh không muốn nói gì quá lời khiến em không vui, nhưng cuộc sống của em đã ổn thỏa và thành nhịp, em hãy làm, hãy học, hãy tiếp tục con đường em đang đi.
- Em mê vùng ấy lắm, chỉ muốn ở lại, học tiếng thổ dân. Anh có tưởng tượng được không, cả một vùng đỏ rực như màu em yêu.
- Bức thư cuối cùng em gửi anh đúng một tháng rồi.
- Đến đó em thấy như được nạp năng lượng nguyên thủy từ hàng triệu năm . Kỳlạ lắm.
- Chúc mừng em!
- Em xúc động vô cùng khi đến Bởi Chưng, cứ xúc động miên man mãi, chẳng gọi điện thư từ cho ai cả.
- Phải, anh hiểu.
- Đến đấy em chỉ muốn sà xuống đất ôm lấy tất cả cát ấy mà đắp lên người, cát nóng và tinh khiết.
- Em đã tìm được năng lượng nguyên thủy, thấy cái tĩnh lặng mà em từng muốn và có thể bỏ quên mọi cuộc liên lạc (ồ, anh chỉ là một trong những mối ấy thôi), mừng cho em.
- Em tiếp tục đi nhé, đừng mất công viết cho anh dài dòng, thỉnh thoảng nhắn tin cũng tốt rồi.
- Núi Chót là ngọn núi mà con trai thổ dân muốn thành đàn ông thì phải trải qua thử thách. Con đường hẻm đi vào đấy gọi là thung lũng Choáng rất hiểm trở. Khi đi vào mình là người này, khi đi ra mình là người khác.
- Em đang đầy cảm hứng, nói tiếp đi.
- Hai bên vách núi hiện lên những hình khắc tự nhiên mà với em, chúng gợi lại tất cả những gì em đã sống. Em leo trèo như trong một cuộc suy ngẫm. Khi đi ra em hiểu những gì em vừa trải qua trong thung lũng Choáng đã làm em lớn lên một chút.
- Anh bỗng hiểu thế này: Nàng sướng điên lên vì kinh ngạc. Trước kia nàng cứ tưởng chắc chắn việc từ bỏ mọi cái vừa diễn ra phải rắc rối, đau đớn lắm. Hóa ra không phải thế mà ngược lại. Chỉ cần nhắn vu vơ vài câu và sau đó, bặt đi, không liên lạc nữa. Xong. Nàng nhẹ nhõm thật bất ngờ.
- Núi Chót đúng là một trường học để trưởng thành. Buổi chiều hôm đó, xem mặt trời lặn trước Chót, em ngồi thiền, em tập ngồi thiền từ gần hai tháng nay và chỉ hôm ấy em mới thực sự đi vào một không gian êm đềm, tĩnh lặng đến mức không muốn đi ra nữa. Sau đó, người nhẹ như bong bóng xà phòng, dễ chịu vô biên.
Sau đó, nàng tìm đến Bởi Chưng và... hai lần dễ chịu. Việc quăng cái của nợ đi thành công một cách ngoài sự tưởng tượng và tìm được nơi mà thân hình nhẹ như bong bóng.
- Anh biết không, em vớ được một cuốn sách thiền, thế là em tập điều thân một tháng, bây giờ đến thở, tuyệt vời lắm. Bởi Chưng và Núi Chót đã giúp em rất nhiều.
- Mỗi lần suy ngẫm và ngồi thiền như thế đều giúp cho em rất nhiều.
Mọi cái cứ đến với nàng tuần tự, hợp lý và đơn giản đến bất ngờ. Im lặng sau cú nhắn vu vơ, đến thánh địa thổ dân và vớ lấy sách dậy Thiền... A, a, sự đời giản dị vô cùng. Điều mà nàng trước kia tưởng là rối ren vô kể.
- A, Bởi Chưng thay đổi màu sắc vào mỗi giờ của ngày. Anh có tưởng tượng được không.
Nàng hỏi Rơm rằng Rơm có thể tưởng tượng ra những điều kỳ diệu ở Bởi Chưng hay không, nàng hỏi và biết chắc, Rơm chỉ là một con mối chui rúc trong thân gỗ quá khứ nhai cọt kẹt từng hạt bụi và những sợi xen-luy-lô dai ngoách.
- Mọi sự không đơn giản như thế đâu anh ạ. Bước một, em tập thiền với Klee. Bước đường sáng tạo của Klee là một sự im lặng của thiên thần. Thiền và Klee, rồi Bởi Chưng với cát đỏ.
- Rồi thung lũng gió của Núi Chót và các truyền thuyết thổ dân.
Tất nhiên, Rơm chỉ đủ sức tưởng tượng vậy thôi, nàng trải qua những cung đường phức tạp và đầy suy tưởng hơn nhiều. Bây giờ thì nàng đang lơ lửng, người nhẹ bẫng, còn Rơm trở nên nặng nhọc vì hờn dỗi và hậm hực.
- Bởi Chưng, cát, gió và hơi thở nguyên thuỷ từ hàng triệu năm. Sau khi đi Bởi Chưng về, lồng ngực em như bị nén, mà không nói được, hay không muốn nói, không thể nói bằng lời thì đúng hơn.
- Không thể nói bằng lời cái đẹp khoẻ khoắn, tinh khiết của thung lũng Choáng. Em hoàn toàn bị ngợp thở trước Bởi Chưng.
Nàng vẫn không khó chịu, vì ít ra, bất kể việc Rơm nói năng lảm nhảm, nàng vẫn cần có một thằng ngốc nghe nàng ca tụng vẻ đẹp của Klee, của rừng núi Bởi Chưng, nghệ thuật thổ dân và tình trạng siêu thoát của nàng. A, dù bay trên trời, nàng vẫn cần một con lừa dưới đất, ngẩng đầu lên chiêm ngưỡng nàng.
- A, thế thì thôi em không kể nữa nhé.
- Cứ tiếp tục cảm hứng, con lừa ngẩng lên và sau đó lại vục mặt xuống đất ăn cỏ rác, chấp làm gì.
- Bởi Chưng và Núi Chót đối với em thiêng liêng lắm anh ạ.
Thật kỳ quặc, trong khi nàng đang hướng tới cái thiêng liêng thì Rơm lại phá bĩnh bằng ngôn ngữ lừa ngựa, mối mọt.
- Đến đó, em biết là Bởi Chưng và Núi Chót sẽ mãi mãi ở trong em.
Bởi Chưng và Núi Chót lấp đầy lòng nàng choán mất chỗ tá túc của Rơm, đẩy Rơm tuột ra ngoài, rơi đánh bịch xuống bãi đất ngổn ngang, rác rưởi.
- Mỗi lúc đi bộ trên sa mạc, em đều nghĩ rất nhiều, em tự bảo rằng em đã có lỗi với anh, em đã học những bài học sống với anh, em phải tự tha thứ cho những lỗi lầm của mình và ngọn gió mạnh ở Núi Chót đã rửa lọc cho em.
- Rửa sạch bóng và tống khứ.
- Em tha thứ cho mình và cho anh, tất cả đều được rửa lọc.
- Khóa học đã hoàn tất, chúc em may mắn và bình yên.
- Bây giờ anh nói chuyện anh đi, em kể nhiều quá rồi.
- Có gì mà kể, vẫn bùn lầy nước đọng, những cơn vạ vật.
- Anh có tài lắm.
- Cảm ơn em, anh biết rõ đó chỉ là những cơn giẫy đành đạch trên giấy.
- Đúng là viết cũng cần phải tập trung rất nhiều.
- Em đừng mất thì giờ với anh nữa, tiếp tục nhịp em đang đi.
- Sao anh lại nói thế, nói chuyện với anh, em rất hứng thú.
- Thế à, em không sợ mất thần hứng sao?
- Anh viết đi, anh đang viết hay đấy.
- A, tiện thì nói vậy thôi, anh chẳng còn thấy hăng hái gì hết, ngoài uống bia bí tỉ.Câu mở đầu làm anh khoái chí: Nàng sướng phát điên lên vì kinh ngạc...
- Em không sợ anh ạ, tất cả chìm vào im lặng anh ạ. Em nghĩ chỉ từ im lặng, từng tí một sẽ nảy nở, như một cái mầm cây. Im lặng và nhẫn nại, có lẽ.
- Bây giờ đến lượt em an ủi, động viên anh.
- Không, em tự nói với em đấy chứ. Em học được điều đó ở Klee.
- Đã đến giờ anh ngất nghểu ra đường và nốc bia rồi.
- Kandinsky giống anh hơn, tràn trề các ý tưởng. Em thích tranh trừu tượng của Klee và Kandinsky lắm.
- Vâng, anh đi đi. Cảm ơn anh đã nghĩ đến em.
- Sao anh chưa đi uống bia à?
- Chắc đây là phiên chat cuối cùng dài dòng.
- Em cứ lo việc của em cho ổn thỏa, anh không làm phiền đâu.
- Anh không phiền em đâu, em chỉ báo vậy thôi.
- Ồ, anh cũng có đôi chút tự ái chứ.
- Anh đừng tự ái và giận em.
- Ồ, từ nay đừng chat nữa.
- Vâng, anh đi uống bia vui nhé.
- Cảm ơn em!
- Tạm biệt anh!
TRONG CŨI SẮT
Tại trại cuồng Quá Cảnh, như mọi lần, người ta tống ngay Rơm vào cũi sắt cùng đám bệnh nhân nặng nhất.
Với Rơm giờ đây nằm trong cũi sắt, mặc áo rằn rện, sòng sọc những vệt màu đen hoặc nâu, hay ở nhà trọ, mặc đồ ngủ thì cũng chả khác gì nhau. Rơm vẫn cứ là Kẻ Phao Tin. Rơm vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tự phân hủy, xác được bảo quản trong những bức tường hay song sắt đấy mà hồn vía đã vữa ra thất tán đâu đó. Rồi người biết mang máng nguồn cơn dẫn Kẻ Phao Tin đến tình trạng này cũng chưa chịu hé răng.
Đành chờ vậy...
Trước khi trở thành gánh nặng của nàng, Rơm đã từng là Zombi nồng nàn và hoang dã.
Và Zombi chỉ sống để yêu...
Nếu không yêu thì Zombi đã không thể nuôi nàng tới tận từng tế bào gốc của nàng như thế. Và yêu với một cường độ thế nào? Với tất cả chiều sâu, sự bao la của một đại dương đang ủ trong mình quả núi lửa trong cơn vần vũ sắp phụt tung nham thạch.
Vì sao Zombi yêu nàng?
Vì sao Zombi dám khẳng định rằng yêu nàng đến chết, tình yêu của Rơm chỉ mỗi ngày tăng lên, ngày mai nhiều hơn ngày hôm nay, tình yêu của Rơm chỉ đi theo một con đường: Tiến hoá. Zombi sáng suốt và có khả năng xuyên thấu thời gian và cả bản thân.
Nàng ngập ngừng, sợ sệt trước những khẳng định to tát và quá lý tưởng ấy. Nàng không dám khẳng định điều gì, ngay cả chính bản thân mình cũng là cuộc khám phá mới mẻ đối với nàng, nàng không biết mình sẽ thế nào. Nàng lần lần đi trên con đường tình yêu này, mỗi bước là một cuộc khám phá, nhưng hình như Rơm đã đợi nàng ở cuối con đường, hay ít ra cũng đã hình dung rõ ràng toàn bộ con đường đó và cái đích sẽ đến.
Phía trước nàng mờ mịt, nàng chỉ lần lần đi theo tiếng gọi thẳm sâu trong mình, không lúc nào nàng không cảm thấy hơi ấm tình yêu của Rơm. Việc dò dẫm của nàng gây nên tình trạng lên xuống hình sin chứ không tiến hoá theo chiều đi lên như của Rơm. Dù lên lên xuống xuống, hình như nàng vẫn nhích được, bởi trước sau nàng chỉ nghe theo tiếng gọi ấy. Nàng giống như con chim nhỏ lộp độp lúc xà xuống, lúc vỗ cánh bay đi. Nó không bay xa, chỉ bước vài bước ngần ngừ trên bờ rồi lại trở về ngay với Rơm.
Trên bờ chỉ có cát, những vỏ ốc đã khô cứng và những tiếng ồn ã, rập rình trên lồng ngực rộng lớn rạo rực của Rơm, chúng mới cảm nhận ngây ngất hơi thở phập phồng của sự sống mãnh liệt, chỉ ở trong lòng Rơm, nắng mới vỡ thành vạn vạn ngôi sao lấp lánh, gió mới vi vút kéo violon trên những con sóng, sóng mới giỡn đùa như những đứa trẻ hăng say.
Zombi cũng không ngừng trải ra trước mắt nàng tầng tầng lớp lớp màu sắc huyền diệu của mình, xanh lam, xanh biếc, ngọc bích, lá cây, tím nhạt, tím thẫm, đỏ rực, da cam, hồng nhạt, cánh sen.
Vớt từ đáy sâu khôn dò của mình, những viên đá muôn hình dạng, những cây hải quỳvàng nhạt, trắng ngà hay xanh biếc giống những cái gai mềm oặt của quả chôm chôm. Cây hải quỳvàng nhạt đang nhai nuốt những con cua nhỏ tí xíu, cây trắng ngà lại điềm nhiên vững chãi làm nhà che chở cho những con cá nhỏ màu da cam vằn trắng tung tăng bơi ra bơi vào.
Chẳng có gì là Rơm không nhấc lên, cậy lên khoe với nàng, cả những cây hải miên đỏ da cam như những hình nhũ trong hang động quay ngược đầu đuôi, những cây mầu hồng như những ngón tay chuối mắn xếp cạnh nhau. Trông thì mềm oặt mà khi động vào lại dai chắc như một tấm vải dệt. Những cây san hô muôn hình, muôn vẻ, muôn màu sắc.
Zombi không lúc nào ngưng tìm một món quà độc đáo, ngày hôm nay phải hay hơn ngày hôm qua. Dù thế giới của mình bao la, vô tận, Rơm vẫn vò đầu, bứt tai ngẫm nghĩ để tìm ra những món quà độc đáo hơn, thú vị hơn, một mảng thế giới mà nàng chưa biết. Thình lình Rơm rẽ sóng đưa đến những con rùa biển trên một trăm năm mươi tuổi, một cặp cá voi dài hơn mười sáu mét, đàn cá heo nhẩy tưng tưng trên sóng, cũng có khi là những con cá sư tử vây mong manh tua tủa như những cái quạt, những ngôi sao biển đủ màu, những con ốc biển rực rỡ.
Zombi chẳng ngần ngại vắt óc chế tạo những món quà, chẳng bao giờ thấy sự bao la, vô tận của mình là đủ. Chẳng có gì đo được cũng như giúp Zombi diễn đạt được hết tình yêu với con chim nhỏ đậu ấm áp trên ngực mình.
Cậy cục mãi lũ Rơm cũng được phép lên thăm Rơm. Tất nhiên, chúng chỉ được nhìn Rơm qua một lớp kính chắn và hai nhân viên lực lưỡng đứng kèm, sẵn sàng can thiệp ngay lập tức nếu nguyên khí quốc gia giở trò quậy phá... Chúng được trao đổi dăm ba câu với Rơm qua điện thoại. Rơm không nhận ra ai, cứ đờ đẫn như bị gây mê. Tình trạng của Rơm khiến chúng rùng mình liên tưởng đến hiện tượng hoạt cương thi.
Xưa kia có những khách thương đi buôn bán xa nhà chả may lâm bệnh rồi chết. Người đi cùng không muốn chôn kẻ quá cố nơi đất khách quê người bèn nhờ đến các pháp sư. Thoạt đầu các pháp sư bôi lên cơ thể nạn nhân một lớp dung dịch được trộn với bột cà độc dược, bột gan cá nóc phơi khô và bột xương người hoặc thú vật, tán nhỏ. Xong xuôi pháp sư chôn xác chết xuống đất, ba ngày sau đào lên, xác chết ấy bỗng cử động, đi lại được như người sống. Chỉ không nói năng, ăn uống gì hết. Vậy là hoạt cương thi - xác chết biết cử động, đã ra đời.
Lúc đó, người ta mới đưa hoạt cương thi theo mình về cố hương. Trên đường hồi hương, phải tuyệt đối tránh để hoạt cương thibị ướt mưa hay phơi nắng. Mỗi tối, khi dừng lại ở một lữ điếm, người tháp tùng đặt hoạt cương thi vào góc nhà kín đáo, thắp hương, đọc thần chú và dán bùa yểm ngoài cửa buồng.
Dĩ nhiên chỉ có người mới ăn, còn hoạt cương thi thì chả cần. Vì vậy mới có câu tục ngữ: Hai người đi đường, một người ăn cơm!
Chỉ khi nào về đến quê nhà, hoạt cương thi mới lăn quay ra đất. Và bây giờ thì chết thật, kết thúc hành trình của một cái xác chết biết cử động...
Vâng, bây giờ thì chúng nổi gai ốc khắp người, khiếp đảm hình dung ra thân phận tác giả Thời Đại Hôn Ám đang được các pháp sư hiện đại biến thành một hoạt cương thi!
Bây giờ thì mỗi cuộc trò chuyện trên mạng trở thành một cuộc hành xác với nàng. Chả nhẽ không chat với Rơm chứ thực lòng, mỗi lần thấy Rơm đỏ đèn, nàng lại thở dài thườn thượt...
- Ô, anh đấy à?
- Em không muốn nghe tới anh nữa à?
- Em sợ là anh xoá sổ em rồi.
- Em rất vui thấy anh vẫn chưa ghét em đến mức ấy.
- Anh muốn vậy lắm nhưng không thể làm nổi, nói với em những lời hôm trước xong, về tê tái quá, buồn vô hạn.
- Em không thấy anh đâu, nghĩ rằng anh đã xoá sổ mình rồi.
- Xóa được thì anh đỡ khổ thế này.
- Thôi bây giờ mình không nói chuyện buồn ấy nữa, thấy anh thế này là em vui rồi.
- Có đọc đoạn thơ bốn chữ không?
Khúc kha khúc khích
Không thích cũng cười
Cười rơi nước mắt
Cười tắt tiếng than
Tự cù vào nách
Khanh khách cười vang
Kẻ đi ngoài đàng
Cười mình điên nặng
Người trong cũi sắt
Cười mơ Niết Bàn...
- Bài này hay nhỉ.
- Thì tự cù vào nách thôi mà.
- Bài này đọc ở trại cuồng Quá Cảnh thì hợp.
- Đúng, Kẻ Phao Tin tự cù vào nách, tự cười khanh khách trong cũi sắt.
- Vì động đến Xứ Mộng, mấy hôm nay em đang vùi đầu vào Phục hưng, học được bao nhiêu thứ, cả về Botticelli và Simonetta.
- Tất cả những tên tuổi, địa danh, trích dẫn với anh giờ đây xa lạ khủng khiếp, anh có cảm giác đang lìa sự sống từng giây phút .
- Em có cảm giác rằng thời gian vừa rồi anh phung phí rất nhiều năng lượng. Anh chỉ cần tĩnh lại để cho năng lượng tụ về đã.
- Không phải phung phí mà giống như con bạc đánh canh bạc cuối cùng dù biết chắc mình thua trắng tay, càng gỡ gạc càng cay cú, và cuối cùng, ra khỏi sòng với tâm trạng buồn chán.
- Anh ơi, giờ em bận rồi.
- Chào!
Người Xanh và Ngợm Xám thì thào kể cho lũ Rơm hay. Trừ lúc ngủ hay bị gây mê bởi các loại thuốc an thần, còn cứ mở mắt ra là thầy chúng lẩm nhẩm gọi tên ai đó... Với mớ ký ức đang bị mài mòn, Rơm cảm thấy sống chỉ là một chuỗi dừng chân tạm thời trong lúc tâm thế liên tục chuyển dời cho đến khi đạt tới cảnh giới Chót. Đó chính là tình trạng quá cảnh...
Quả vậy. Giờ đây Kẻ Phao Tin thân xác nằm trong cũi, hồn víachờ quá cảnh băng qua mười hainghìn cây số, đến vịnh Tiên Cá...
Ngày cuối năm ảm đạm ấy. Bầu không khí lầy nhầy như bị hóa lỏng thành những khối thạch sền sệt trong suốt màu xám gio. Lẽ ra trong khung cảnh này, Rơm phải thấy mình vô cùng diễm phúc khi được một người đàn bà vừa vượt qua cả một đại dương, bay về với mình. Bay về để không ngớt rừng rực lửa tình, hiến dâng tất cả cho Rơm. Nhưng Rơm lại thất thần, ngơ ngác. Chập tối, Rơm và nàng chen chúc giữa đám đông trong khuôn viên Thánh Đường Đá, nàng loay hoay với chiếc máy quay phim nhỏ xíu bằng bàn tay, ghi lia lịa khung cảnh mừng Giáng Sinh, mà chẳng biết mình đang quay cái gì, để làm gì. Còn Rơm thì hết thọc tay vào lại rút tay ra khỏi một lô một lốc những cái túi trên chiếc blu-dông nhàu nát của mình. Rơm cũng chẳng biết làm như vậy để làm gì, có ý nghĩa gì, hay chỉ đơn giản để nàng thấy Rơm rất lăng xăng bận rộn. Mà quái quỷ thật, có gã ăn cắp ranh ma nào đó lại móc trúng chiếc điện thoại di động vốn nằm lọt thỏm dưới đáy một trong những cái túi của Rơm. Rơm chỉ biết đến sự cố này ít phút sau, khi chính kẻ móc túi gọi trúng số điện thoại di động của nàng ghi sẵn trong danh bạ chiếc mô-bai vừa bị mất cắp:
- Muốn chuộc không?
Nàng ngơ ngác hỏi lại:
- Chuộc cái gì?
Kẻ đầu kia im bặt. Nàng ngạc nhiên thuật lại. Rơm sực nhớ, thọc tay tìm điện thoại. Và khi cả hai quay về nhà trọ của Rơm, nàng cuống quýt cởi bỏ hết quần áo, hăm hở chờ Rơm âu yếm, vuốt ve, thì Rơm lại thầm so sánh mình với kẻ móc túi, lấy trộm chiếc điện thoại di động rẻ tiền. Rơm đã móc túi của nàng bao nhiêu thời gian, những ước vọng cháy bỏng cùng dự cảm tình yêu?
Cả hai không một mảnh vải trên người. Tất cả đã sẵn sàng cho cuộc giao hoan trong một căn phòng ấm áp, kín đáo và an toàn. Nhưng Rơm lại ngồi đần mặt và liên tục rít thuốc...
Rơm cảm thấy Rơm đã đắc tội với nàng nhiều lắm. Làm sao chuộc được? Với tâm thế ấy, cuộc làm tình chưa thực hiện đã cầm chắc thảm hại.
Không biết ở đây có bàn tay sắp xếp của Định Mệnh hay không? Thoạt nhìn mọi thứ có vẻ ngẫu nhiên đến mức khó tin. Hai thân xác chung đụng trong đêm Nô-en ấy, vốn tồn tại cách nhau mười lăm nghìn cây số, chênh nhau cỡ một phần tư thế kỷ, diện mạo, tính khí và thân phận trái ngược nhau như nước với lửa, mang hai quốc tịch khác nhau. Trước khi có mặt trong căn phòng hộp diêm này ở giữa một cái ngõ hẻm Rốn Rồng, cả hai chỉ vẻn vẹn gặp nhau ít lần nhoáng nhoàng trong những hoàn cảnh không thuận lợi cho những cảm xúc yêu đương. Cũng chẳng có cú sét đánh nào... Chuyện này hoàn toàn có thể không xảy ra nếu nữ văn sĩ Đồng Á không bỗng nhiên cao hứng, nảy sinh ý đồ sáng tác một cuốn tiểu thuyết sắp đặt mới lạ, ấn tượng, mà trong đó Rơm và nàng trở thành hai kẻ được chọn...
Mọi chuyện chỉ tình cờ bột khởi do ý muốn của một nhà văn. Nhưng khi xảy ra thì nó lại phát triển theo chiều hướng mà chính nhà văn cũng tá hỏa tam tinh và chẳng thích thú gì cho lắm. Nó vốn được sắp đặt trong thế giới ảo, nhưng những diễn biến vần vũ bạo liệt tiếp theo đã biến nó thành một sinh thể trần trụi. Điều này đã từng được ghi trong “Trành quỷ hiển linh truyện” tương truyền của Trần Thế Pháp - một danh sỹ thời Trần, nhưng chẳng ai tin.
Và dù chẳng ai tin, câu chuyện về Rơm và nàng vẫn cứ trở thành con đẻ của Định Mệnh! Nàng không hay biết tí gì về ý đồ sắp đặt của bà mẹ nuôi, cũng không ngờ mình đã trở thành con thỏ thứ haiđược sắp đặt, cứ hùng hục lao vào mê đắm Rơm.
Chỉ đơn giản vì Rơm, nàng đã bay vọt qua mười lămnghìn cây số, bỏ lại sau lưng cả một trại tị nạn trong rừng, nơi những “người Rơm” (dân tị nạn) không tiền bạc, thức ăn, áo quần, chỉ còn biết trông mong vào việc nàng vận động những nhà từ thiện địa phương, bố thí cho họ... Mà đáng lý nàng phải quây quần bên họ, ăn bữa tiệc đêm Giáng Sinh dưới ánh nến lung linh và những ngọn đèn nhỏ xíu nhiều màu gắn trên cây thông Nô-en, nghe những bản thánh ca ngân nga ngợi khen Đức Mẹ Đồng Trinh và giấc mơ được cứu rỗi của những người Rơm khốn khổ... Và hệ trọng hơn, cầu ơn phúc của Thánh Linh ban cho những người Rơm, sức mạnh và nghị lực vượt qua tình trạng vất vưởng khủng khiếp này...
Thì nàng lại nằm đây, trên một tấm nệm nhếch nhác, ẩm mốc, chăn gối nhàu nhĩ, ngắn chủn và hẹp như chiếc giường cá nhân trong một quán trọ rẻ tiền, háo hức chờ đợi con thỏ thứ nhất...
Mà Rơm hào hoa, khỏe mạnh gì cho cam. Người Rơm nhỏ bé, mặt mũi nhăn nhó, hai bên cánh mũi và đuôi mắt bị nấm ăn đỏ bợn từng đám cộng với lối ăn vận lôi thôi, càng nhấn mạnh thêm vẻ hạ tiện của con người Rơm. Dưới ánh điện còn đỡ, chứ nhìn Rơm giữa ban ngày ban mặt còn gớm hơn. Loang lổ, nám đen chen mốc trắng, lồi lõm, nhăn nheo...
Ấy vậy mà Rơm cũng đã thèm yêu nàng ngay đâu. Cứ ngồi xổm hút thuốc vặt, cười ngây ngô như một thằng dại. Mắt nhìn tận đẩu tận đâu, tay chân quờ quạng, lóng nga lóng ngóng phát lộn ruột lên được. Thỉnh thoảng lại vớ lấy cái ấm trà đâu như pha từ sáng, ngậm luôn mồm vào vòi tu ừng ực rồi lấy tay chùi những giọt nước trà chua loét dây vào mép. Rõ là nàng như một mẻ bột mì thượng hạng, trộn với váng sữa, dầu thơm va-ni và tỉ lệ thích hợp rượu cô-nhắc chính hiệu, được đánh nhuyễn thành kem thơm ngọt đang lên men, chỉ còn chờ đưa vào lò nướng thì bị ngâu vầy ma vọc...
Nàng mặc áo xanh da trời và quàng khăn cũng da trời, đi giày vải cũng thiên thanh nốt. Ngay cả khi thân thể nàng trải ra trần trụi phô bày những đường nét quyến rũ, gợi tình, hừng hực cảm xúc mộc mạc và rất đàn bà, với Rơm vẫn chẳng mảy may có ý nghĩa gì. Trong mắt Rơm nàng mãi mãi là con bé mà Rơm đã gặp trong mơ. Và bây giờ, khi nàng đã bước ra ngoài cõi mộng, hiện hình bằng xương bằng thịt, gào thét yêu đương nhức nhối và không trì hoãn, Rơm đâm ra hốt hoảng, ngỡ ngàng... Chẳng nên cơm cháo gì. Cả hai cố giữ vẻ bình thản, mặc lại quần áo và làm như chẳng có gì quan trọng...
Từ sau đêm Giáng Sinh đắc tội ấy, Rơm mắc phải một căn bệnh kỳ quặc. Căn bệnh sợ đồng hồ và những cuốn lịch. Rơm tháo gỡtất cả những chiếc đồng hồ và lịch ở những nơi mà Rơm có thể trông thấy chúng: trên tay, trên tường, trên điện thoại di động, trên ti-vi, thậm chí nghe ai tình cờ nhắc đến đồng hồ hay lịch cũng khiến Rơm ngây ngấy sốt...
NGƯỜI VÀ NGỢM
Chắc là giời hành các bác ạ...
Ngợm Xám thở dài bình phẩm trong lúc lũ Rơm ngao ngán nhìn Kẻ Phao Tin đang múa may giữa cũi sắt. Ừ, ngoài ông giời, ai có thể bày đặt những chuyện trớ trêu thế này. Chả vậy Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã thốt lên cách đây ba trăm năm :
Con quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm...
Hai tên Người và Ngợm vốn chẳng phải máu mủ, ruột rà quen thuộc nhưng lại gắn bó với Rơm lạ lùng. Rơm đã gặp hai tên này lần đầu tiên cũng chính ở trại điên này. Cách đây nhiều năm , Rơm lần đầu tiên đến trại Quá Cảnh thăm bạn y là Con Tin. Trại cuồng chật chội, những người bệnh nặng bị nhốt chung trong một cũi sắt. Các gia đình khá giả không muốn con em mình bị đối xử như vậy, bèn xin điều trị bán trú. Ngoài giờ vào viện làm thuốc, khám bệnh, những kẻ tâm thần được ở những ngôi nhà thuê sát bên hàng rào trại. Đó là khu chăm điên. Có khu chăm điên thì ắt có nghề chăm điên. Hai tên Xanh và Xám sống bằng nghề này. Đó là lý do vì sao Rơm gặp hai tên này ở đấy. Xanh và Xám sau đó kiếm được tiền tậu mỗi đứa một cái xe máy Tầu, bèn bỏ nghề chăm điên rắc rối, nguy hiểm mà sinh nhai bằng dịch vụ xe ôm. Tình cờ thế nào, hai tên này lại tụ về ngõ Vong, ngoài lúc đi chở khách diễu hành khắp các phố phường, đêm về ngủ trên những sạp gỗ vốn ban ngày dùng để bầy bán cơm bụi...
Gặp lại nhau, cả ba tay bắt mặt mừng. Vì Rơm sống độc thân, thỉnh thoảng cần đến sự giúp đỡ của cánh trai tráng, như vận chuyển mấy cái thùng sách, chống đám mối xông, sửa điện hoặc bắc thang đóng đinh treo lịch lên tường nhà trọ...
Thế là hai tên thành đệ tử của Rơm. Một tên Người Xanh và tên kia, Ngợm Xám.
Vì sao Rơm lại gán cho chúng hai cái đại danh hùng dũng và trớ trêu như vậy? Người và Ngợm có hình dáng bên ngoài giống nhau như hai giọt nước cất. Lắm lúc người ta cứ tưởng chúng là anh em sinh đôi. Nhưng thực ra thì chúng chỉ là hai mặt sấp ngửa của một đồng xu. Cùng giúp đỡ Rơm cùng hưởng thứ công xá còm nhom (vì chính ông chủ hờ của chúng cũng chẳng dư dảgì cho cam, ngoài khoản trợ cấp hưu trí thỉnh thoảng Rơm cũng được khách văn chương thập phương bố thí một cách rất hào phóng, những lời nhận xét khoa trương hơn là tiền bạc, vật dụng hay áo quần)...
Tóm lại là chúng cùng cảnh ngộ và thụ hưởng những điều kiện sống mà ngay cả những công dân ở các nước nghèo đói nhất Phi châu cũng rất bất mãn nếu bắt họ phải sống như vậy.
Nhưng chúng lại không biết sống hòa thuận với nhau. Cứ ngơi ra là cãi nhau ỏm tỏi như sừng với mỏ.
Mà có phải vì những lý do to tát, trọng đại thì đã đi một nhẽ?
Đằng này, chúng luôn nhọc lòng tranh đấu chỉ vì những khác biệt nhỏ mọn trong quan niệm của chúng.
Khổ, mà quan niệm của chúng phần nhớn còn xưa hơn cả những bộ xác ướp Ai Cập.
Khổ, mà có phải vì chúng không thương nhau đâu. Thằng này mà sổ mũi thì thằng kia cũng nhức đầu. Thằng kia mà té re thì thằng này cũng phải ôm bụng chạy theo có cờ...
Ấy nhưng mà khốn nỗi cả hai đứa đều hiếu thắng và hiếu danh. Khổ, mà được hay thua với nhau thì cũng có ăn giải gì đâu. Nhưng cứ hơn được nhau một ly ông cụ là khoái rồi. Đúng là gà hơn nhau tiếng gáy...
Nếp sống của Rơm và hai kẻ đệ tử trong cái ngõ hẻm này của thành Rốn Rồng dường như êm thấm, bình lặng đến mức đơn điệu... Bỗng dưng nhân viên Cục Khảo Thuế ghé vào ngõ Vong để thu thuế trị giá gia tăng. Khái niệm mọi người hay lẫn lộn: trị giá là cái giá trị ta gán cho hàng hóa, đồ vật, dựa vào đấy, người ta định ra mức thuế, nên đúng ra phải gọi là thuế “trị giá gia tăng”mà ta quen gọi là “giá trị gia tăng”.
Cuộc sống của Rơm bị xáo tung lên. Thật ra cái nguyên do và sự ngạc nhiên không nằm ở chỗ Rơm phải đóng thuế. Khổ, mà ở chỗ mức thuế dành cho Người Xanh bỗng cao vọt ngất ngưởng so với suất thuế bổ lên đầu Ngợm Xám (0%)... dù hai tên cùng hành nghề xe ôm, cùng thu nhập bấp bênh như nhau? Tất nhiên, Rơm vốn kính trọng luật pháp và sợ sệt đủ các loại nhân viên công lực, thì dù có thấy sự bất công tô hô hiện ra cũng ngửa cổ cắn răng nhẫn nhục, vét sạch sành sanh hầu bao, cho tên đệ tử Người Xanh vay nóng để đóng thuế.
Đêm ấy, Rơm bảo hai đệ tử về ngủ trong nhà trọ của Rơm chứ không ngủ trên sạp gỗ như mọi đêm... Người và Ngợm cãi nhau chí chóe khi đụng đến khoản thuế “trị giá gia tăng”. Vốn hay mất ngủ, Rơm tình cờ chứng kiến cuộc đối thoại có tính chất nội bộ này giữa chúng. Rơm thấy Ngợm chẳng có lý lẽ gì mà toàn lảm nhảm, chỉ phần phản biện của Người mới đáng chú ý…
Ngợm ạ,
Chẳng cần chờ đến lúc phải đóng thuế “trị giá gia tăng”mới có cuộc chuyện trò này.
Cuộc quyết đấu Xanh và Xám, liên tục diễn ra trong con người Rơm...
Tôi chẳng còn ngạc nhiên khi Ngợm luôn nói chuyện với tôi như thế. Ngợm cho rằng mức thuế ưu đãi (0%) nhà nước dành cho Ngợm chứng tỏ là nhà nước đánh giá Ngợm cao hơn tôi. Chứng tỏ là nhà nước dễ cảm thông với Ngợm hơn là với Người. Chứng tỏ là nhà nước đứng về phía Ngợm.
Chỗ này tôi ngờ là cả nhà nước lẫn Ngợm đều bé cái nhầm. Ở những xã hội lành mạnh, công dân đóng thuế cao bao giờ cũng được xã hội kính trọng hơn kẻ chả góp được cắc nào vào công quỹ chứ.
Tôi rất thương Ngợm, và tôi chưa bao giờ coi thường bất cứ điều gì, bất cứ ai trong cuộc sống mà tôi gặp và tôi chơi. Kể cả Ngợm cũng vậy thôi. Nhưng tôi không thể không mở mắt cho Ngợm thấy, khi nhà nước toa rập với Ngợm, khinh miệt hay gây khó dễ cho Người, là nhà nước ấy có vấn đề đấy...
Hãy gạt vụ thuế suất sang một bên. Công việc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, chợ búa phục vụ ông chủ, hay sự bận bịu chăm chút, làm dáng cho cá nhân nào đó, theo tôi đều như nhau. Tôi chưa từng mạt sát ai hay khinh thường ai vì họ không biết chữ hay không được đi học. Này, tôi không ám chỉ tình trạng thất học của Ngợm đâu nhá, dù chính Ngợm chưa bao giờ được ghé đít ngồi trên ghế nhà trường...
Họ làm nghề xe ôm hay nhà khoa học, họ sống ở gầm cầu thang hay biệt thự một triệu đô. Tôi không đánh giá ai qua cách ăn ở hay ngồi đứng. Tôi không đánh giá ai vì tôi không ở trên ai, không ở dưới ai, tôi như bất cứ ai trong số đang sống. Sao Ngợm lại hậm hực với tôi? Hay là chỉ vì tôi luôn luôn có ý thức giúp Ngợm tìm về đúng chỗ của Ngợm?
Siêu việt hay lêu lổng - Vĩ nhân hay Ngợm, không phải điều tôi quan tâm để sống. Vì lẽ đương nhiên chả cần nói ra thì ai cũng biết, Ngợm ở đâu, đẳng cấp nào và tôi ở đâu, đẳng cấp nào.
Sao lại phải mang những thứ hiển nhiên đó ra để nói chuyện và cho đó là việc vui buồn?
Ngợm bảo Ngợm khinh thường xe ôm vì chúng chính là Ngợm? Ngợm cứ coi thường Ngợm theo cách của Ngợm, nhưng tôi không đánh đồng như thế. Tại sao Ngợm cho Ngợm là xe ôm và Ngợm coi thường cả những Ngợm đó.
Ngợm cứ tôn vinh cái chết là quyền của Ngợm. Tôi không hoan hô cũng chẳng đi theo. Tôi đáng giá hay không với ai đó không quan trọng, tôi là một đồng chinh hay một trămtriệu đô la, cũng chả khác bao nhiêu. Tại sao cứ bắt ai thẩm định giá trị của mình nhiều hay ít? Tôi có phải nhân viên cục thuế đâu mà phải quan tâm đến “trị giá gia tăng”.
Người và Ngợm cũng vậy thôi, luôn được gán cho những giá trị từ bên ngoài và sau đó, căn cứ vào đấy mà đánh thuế “trị giá gia tăng”lên phần người và phần ngợm. Phần Người đóng thuế “trị giá gia tăng”cho những ngây thơ, mơ mộng, khát vọng yêu, lòng trung thực, sự cảm thông và lòng xót thương. Phần Ngợm đóng thuế “trị giá gia tăng”cho những hỗn hào, thô lỗ, tham ăn tục uống, đố kỵ, háo danh, thích nói xấu sau lưng đồng bọn, chớt nhả, u ám, hỗn mang... Nhưng luôn luôn (thật bất công), phần thuế “trị giá gia tăng”của Người bị tính quá cao trong khi các nhân viên khảo thuế có vẻ nương tay cho Ngợm! Thế mới biết, làm người quân tử giữa thời buổi này thật tốn kém và lắm phiền muộn, suy tư.
Ngợm tôn vinh thần chết và Ngợm lại vẫn thấy nợ đời dài dằng dặc phải trả? Ngợm cứ làm theo ý Ngợm, để lại cho đời những gì Ngợm thấy Ngợm công cốc dã tràng qua cuộc vật lộn của Ngợm với Người.
Cuộc sống của tôi không có giá trị để lại.
Tôi không đau khổ và cũng không vui vì điều đó.
Mỗi ai có một số phận. Tôi chấp nhận bởi tôi sống như thế nào sẽ tạo ra cuộc sống như thế đó.
“Người cứ sống còn Ngợm đi về chỗ chết - Người cứ sống vì hy vọng và Ngợm cứ đi vì hy vọng qua rồi!”
Ngợm nói câu này vì Ngợm hờn lẫy như một đứa trẻ sợ bị thầy u bỏ rơi hoặc gửi vào trại trẻ mồ côi do nghèo túng, dù sao cũng khiến tôi rất vui, vì Ngợm còn hờn dỗi thì tức là còn nuôi hy vọng và muốn để lại cho đời nhiều thứ quá chứ không thảnh thơi vô nghĩa như tôi.
Và như thế, Ngợm ắt không dễ để cuộc sống lôi Ngợm đi đến cái chết.
Đó là sự khác nhau của tôi và Ngợm.
Luôn ngược nhau khi nói và làm. Ngợm còn để ý đến sinh nhật và đám ma.
Với tôi sự sinh ra và chết đi của bản thân mình không để tôi nhớ và khao khát. Sự thanh thản với những yêu thương xa vời qua lâu lắm rồi. Tôi không buồn và không đau khổ nữa. Chỉ thương Ngợm, lo cho Ngợm vì sự ngu đần của một bộ óc đậu phụ và chẳng bao giờ biết thăng hoa của Ngợm. Khổ thân Ngợm, bởi tâm hồn Ngợm không có những trăn trở và những ý tưởng sáng tạo.
Nhưng Ngợm là thế.
Tôi so với Ngợm là trẻ con, vì Ngợm ra đời trước Người hàng triệu năm. Ngợm có mặt trước cả khi những con khỉ thông thái chưa đứng thẳng lên được, chưa tìm thấy lửa và còn chui rúc trong hang đá…
Nhưng so với cuộc đời thì tôi không còn ảo tưởng về bản thân nữa vì tôi không phải siêu nhân hay vĩ nhân ở một lĩnh vực nào đó để tự tin trước cuộc sống. Điều đó mới là giá trị thực của tôi - Đó là không có giá trị gì để lại. Trừ cái “trị giá gia tăng”cục thuế gán cho tôi. Khi tôi chết, tức là mọi dấu vết về tôi biến mất như chính hình hài tôi. Tôi an tâm vì điều đó. Tôi không huyễn hoặc mình ở một cái thế giới mà bây giờ tôi chưa biết và không hề nhìn thấy.
Có lẽ vì thế tôi không sợ ma như Ngợm.
Ngợm đừng so sánh với tôi ở tận trên cùng và dưới cùng bất cứ lĩnh vực nào. So sánh kiểu gì, Ngợm cũng thuộc bậc đại hạ đẳng. Khổ, sự thật là như vậy. Ngợm đừng vội nổi giận vì tôi thành thực chỉ cho Ngợm thấy chỗ bất cập của Ngợm.
Vạn vật đồng nhất tính.
Vạn vật giai không.
Tất cả đều bình đẳng trước Tạo Hóa...
Ông chủ biết Ngợm cực đoan, hay sa đà vào nỗi tự ái mù quáng nên xúi Ngợm tin như vậy để Ngợm tự trấn an, đỡ tủi thân thôi. Làm sao tất cả lại như nhau được khi tôi tôn thờ các giá trị cao cả, còn Ngợm toàn sống theo những đòi hỏi hạ cấp: ăn, uống, hút xách, bia bọt, tình dục. Tôi không vui không buồn, đúng hơn là không chấp những điều Ngợm nói, nhưng tôi hơi băn khoăn: Sao Ngợm không an phận ở vị trí CON của mình mà cứ nhất định phải chòi lên, đứng ở chỗ của NGƯỜI? Tôi vẫn ăn cơm bụi, chở khách kiếm từng xu, đêm về ngủ trên sạp gỗ tanh tưởi, nhớp nháp và thỉnh thoảng giúp việc vặt cho ông chủ, như Ngợm. Tôi không khinh mình và không quá kính trọng hay coi thường ai, kể cả Ngợm. Tôi đã từng được đi học, được sống đủ đầy như chính những kẻ đã thuê tôi chở nhưng mặt mũi luôn vênh váo và tỏ vẻ ghê tởm mùi mồ hôi dầu từ quần áo tôi phả ra... Tại sao tôi lại không yêu những con người đó? Mọi người đối xử với tôi tràn đầy thông cảm và yêu thương. Tôi nhờ họ rất nhiều thì làm sao tôi khinh thường ai?
Nhưng khi Ngợm nói chuyện theo cáchngang bằng sổ thẳng, bỗ bã với tôi như thế, tôi phải thú thật là rất đau lòng. Tôi tự hỏi, tôi đến nỗi nào mà để Ngợm đối xử với tôi theo kiểu cá mè một lứa? Từ lúc nào tôi vốn cao siêu, Ngợm vốn tầm thường, bây giờ lại bằng vai phải lứa với nhau? Dù Ngợm và tôi ở chung trong cái ngõ Vong này với ông chủ, chúng ta vẫn chẳng vì thế mà danh giá ngang nhau được.
Ngợm muốn tôi thế nào? Tôi thế nào thì Ngợm mới không cay cú, khăng khăng đòi tuyệt giao?
Ngợm sau lúc điên khùng, ăn nói hàm hồ cũng biết nghĩ lại đấy chứ khi bảo, Ngợm lo lắng cho tôi. Ừ, cứ cho là Ngợm thật lòng đi, sao Ngợm lại giở quẻ ngay sau đó, mặt nặng mày nhẹ với tôi? Tôi phải hạ mình xuống ngang với Ngợm và ca tụng Ngợm thì Ngợm mới mãn nguyện sao? Tôi hài lòng vì được sống và còn sống. Mà sống với tôi là hạnh phúc. Hạnh phúc với tôi là cho. Tôi cho Ngợm được ở bên tôi, Ngợm đừng quên điều đó nhé. Tôi sẽ sống không phải chỉ đơn giản là thở hít khí trời, ăn cơm, uống nước, bài tiết như Ngợm. Tôi sống có lý tưởng. Còn Ngợm, đành phải thành thật với nhau thôi, Ngợm sống trong tăm tối của dục vọng. Tính tôi thẳng thắn nhưng không chua chát, tôi không nhìn cuộc sống cay nghiệt oán thán như Ngợm vì cuộc sống của tôi do chính tôi tạo ra.
Hãy bình thường với tôi cả khi Ngợm tỉnh lẫn khi Ngợm căm hận, đố kỵnhé. Không phải chỉ các nhà thơ mới cần cảm hứng anh hùng, cảm hứng nhân văn, tôi cũng cần. Cần để sống chứ không phải để ghép vần. Mà để sống như Người... Chả thế mà cái nhà ông Đề-các, triết gia khét tiếng bên kia giời Tây mới quả quyết:Tôi tư duy tức là tôi tồn tại!
Nghe đến đây, Ngợm phá lên cười, nước mắt nước mũi giàn giụa, hỏi lại. Thế tớ đếch tư duy tức là tớ đếch tồn tại à? Người dõng dạc gật đầu. Ngợm ghé sát mặt Người nói thì thầm gì đó, chỉ thấy Người ớ ra, mặt nghệt như ngỗng ỉa...
Người bỏ cơm mất mấy ngày, mặt mũi xanh xao vàng vọt.
Rơm lo quá, tra hỏi mãi. Ngợm mới chịu thú nhận. Nó bảo. Nó tư duy tức là nó tồn tại. Còn con đếch tư duy tức là con đếch tồn tại. Con bảo nó. Tớ đếch tồn tại thì đằng ấy cũng đếch sống nổi. Chính thầy chả bảo hai đứa con phải sống dựa vào nhau đấy thôi? Có hôm thầy còn bảo: Hai con môi hở răng lạnh, chả đứa nào sống nổi nếu thiếu đứa kia.
Nghe xong Rơm thở dài thườn thượt, bỏ vào trong dỗ dành Người chịu ngồi dậy, húp cháo loãng và uống liền mấy thang thuốc Nam toàn lá lẩu, cỏ rả và rễ cây để tẩm bổ. Cũng từ đấy, Rơm bắt đầu dè chừng tên Ngợm. Hình như Ngợm có vẻ đã túm được thóp của chủ nó và tên đầy tớ quá kiêu căng là Người...
Được ông chủ tận tình chăm sóc, vỗ về an ủi, Người Xanh cũng mau lại sức. Mấy hôm sau, hai tên này có việc phải làm cùng nhau, liên tiếp trong ngõ lại xảy ra khá nhiều chuyện lộn xộn, mọi sự càng trở nên hỗn loạn khi Người và Ngợm lại cãi nhau ỏm tỏi.
Lúc đầu chúng còn kiêng dè, chỉ dám dẫn nhau ra thật xa ngõ Vong để tranh luận đủ thứ vấn nạn trên giời dưới bể, từ ý nghĩa đời sống đến việc các bà trong ngõ suốt ngày viếng chùa chiền, hương khói nghi ngút liệu có ích gì không hay là chỉ tổ tốn tiền, toét mắt cay mũi mà chả đánh động được thần linh ứng nghiệm.
Tệ hại hơn, chúng chí chóe chỉ vì tị nạnh đứa nào vất vả hơn, tận tình hơn đứa nào trong việc hầu hạ ông chủ...
Mọi chuyện ngày càng trở nên bung bét.
Quá mù ra mưa, chúng chả thèm ý tứ nữa, sẵn sàng đối thoại soang soảng ngay trước mặt Rơm thậm chí có bận chúng còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau hăng đến nỗi, nếu Rơm không kịp giở võ mồm ra can ngăn, chúng đã phải tập tễnh dìu nhau vào cái bệnh xá gần ngõ Vong, để rồi vừa được các thầy lang bó xương, vá da sau cái cuộc hội thảo sặc mùi hàng tôm hàng cá, chúng vừa tiếp tục trao đổi những luận cứ khoa học bằng cái giọng hiếu chiến tuy đã khản đặc vì gào thét...
Ối giời ôi, những kẻ càng ít học thì càng hay nói chữ. Nếu Quý Bạn tình cờ chứng kiến những cuộc đấu khẩu của Người và Ngợm trong nhà trọ của Rơm hẳn không thể không phì cười vì sự ngô nghê của chúng, chữ nghĩa chúng dùng lòe loẹt không thể tưởng tượng được mà lại ngọng líu ngọng lô và sai be bét, càng rác tai thiên hạ làm sao. Mà chúng còn táo gan và rách việc đến mức vác cả những điều nghe lỏm được từ những vị khách khả kính đến thăm và đàm đạo với chủ chúng, đốp chát với nhau. Khổ thật, đã nghe chả đến đầu đến đũa những khái niệm vốn bị các nhà triết học làm cho rối tinh rối xòe về “cái tôi”với “cái siêu tôi”, rồi “cái li-bi-đô”với “cái chủ nghĩa hưởng lạc”, “cái hiện đại”với “cái hậu hiện đại”, “cái sắp đặt”với “cái bị sắp đặt”, “cái được nhìn”với “cái nhìn”, cuối cùng, cái nọ xọ cái kia…, đứa nọ khăng khăng chê đứa kia ngu, đứa kia quả quyết đứa này điếc. Khi thước đo chân lý bất lực, chúng quyết định thực thi công đạo bằng tay chân. Dĩ nhiên, trong những hoàn cảnh gay cấn như vậy, phần lớn kết cuộc rất chóng vánh và dứt khoát, Ngợm giã cho Người nhừ đòn. Vì như Quý Bạn biết, nói chung, về sức khỏe cơ bắp, Ngợm thường có ưu thế rõ rệt so với Người...
Cười xong nghĩ lại, đâm ra thương hại chúng. Chúng có được học hành gì đâu, đẻ ra từ thời tao loạn, nhớn lên trong hoàn cảnh nhá nhem, chúng chả biết mình đang còn là thần dân của vương quốc Đại Ngu hay đã tiến lên thành công dân của quốc gia Nửa Dơi Nửa Chuột, lại được ông chủ nhồi nhét vào đầu óc chúng đủ thứ tạp phí lù, chúng càng trở nên mù mịt, chả biết là mình theo chủ nghĩa gì nữa, duy tâm hay duy vật, các cặp phạm trù cứ nháo nhào nhào hết cả lên. Lúc thì chúng tưởng mình còn đang ăn lông ở lỗ, sống theo bầy đàn, lúc chúng lại ngỡ mình cùng thời với những nhà tư tưởng vĩ đại Tiền Hán. Có lúc chúng lại tưởng mình thuộc thế hệ 8X, 9X thậm chí 10X..., trong thế giới phẳng. Lúc thì chúng tin sái cổ vào các phép màu và sự hiển thánh của các Đấng Giáo Chủ, lúc thì chúng lại băm bổ chạy theo các nhà thực dụng chủ nghĩa, chỉ chực xem những vị khách ghé thăm nhà trọ có chịu mua bản thảo hay cho chủ chúng vay tiền để đong gạo và giả tiền nhà không...
Quý Bạn có thể đặt ra ngay câu hỏi: Nhà dột từ nóc, Rơm có biết điều này không? Với hai tâm phúc chủng choẳng như chó với mèo, là Người với Ngợm, Rơm có kế sách gì để uốn nắn, dậy dỗ, đưa chúng vào khuôn phép không?
Xin thưa, Rơm có biết, thậm chí còn học thuộc lòng phương châm: Nước có phép nước, nhà có gia phong, không thể chấp nhận tình trạng tôm chà lộn cứt lên đầu. Nhưng khốn nỗi, mỗi lần phải đứng ra tài phán những cuộc thư hùng nảy lửa của hai tên đầy tớ Người và Ngợm, Rơm lại rơi vào tình trạng rất khó xử. Căn cứ vào các tiêu chuẩn lý trí thì Rơm thấy Người đúng, nhưng trong quá trình xét xử, thẩm vấn, hơi tụt xuống ngực và dưới bụng, vị trí đặt 2 cái vật hết sức vô tích sự nhưng lại rất nũng nịu, ỏn thót, bất thường, quyến rũ và hào hùng là Con Tim Con Chim, thì Rơm lại ngả về phía Ngợm.
N.K.P.
(Xem tiếp kỳ sau)