Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

200 tác giả, 8 thế hệ: Phê bình thơ Việt hậu Đổi mới

Đỗ Quyên
“Hãy đánh chết nó đi, nhà phê bình văn học – cái thằng khốn!”
(J.W. Goethe)
*
A. MỘT MỐC “CHUẨN” CHO THỜI KỲ HẬU ĐỔI MỚI?
Hậu Đổi mới. Đã có nhiều cố gắng từ các nhà nghiên cứu lý luận và văn học sử đặng tìm ra đường biên cho giai đoạn đương đại này của văn học Việt, tính từ sau mốc lịch sử và mạnh mẽ 1986-1989 của thời kỳ Đổi mới. Song, dường như tới nay chưa có “cột mốc” nào chuẩn xác và dễ đồng thuận?[1]
Chúng ta thử kiên nhẫn dùng 5 loại phân kỳ để tạo “khu vực biên giới” giữa 2 giai đoạn Đổi mới (1986-1989) và hậu Đổi mới (từ khoảng giữa thập niên 1990 đến nay).
+ Phân kỳ kỹ thuật - công nghệ: Cuối năm 1997, Internet đã tới Việt Nam như mang lại đôi hài vạn dặm, đưa đất nước vào xa lộ toàn cầu hóa và giao lưu văn hóa - xã hội quốc tế.
+ Phân kỳ chính trị - xã hội: Giữa năm 1995, nước CHXHCN Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN như một biểu hiện bình thường hóa quốc gia khi “muốn làm bạn với tất cả các nước”, “đa dạng hóa quan hệ”, “chủ động hội nhập khu vực và thế giới”…
+ Phân kỳ tư tưởng: “[...] vào tháng 7/1990, Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN thông qua chỉ thị ‘Về một số vấn đề trong công tác quản lý văn học, nghệ thuật hiện nay’, đây là văn kiện ấn định toàn bộ đời sống văn học ở CHXHCN Việt Nam. [...] Với sự xuất hiện văn kiện này, trong văn học Việt Nam trên thực tế đã kết liễu giai đoạn mà nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi gọi là giai đoạn ‘khủng hoảng’. Bắt đầu chuyển sang thời ‘dân chủ hóa một cách có lãnh đạo’ xã hội Việt Nam.”[2]
+ Phân kỳ cơ cấu - tổ chức: Đầu năm 1995, Hội Nhà văn Việt Nam họp Đại hội lần 5, bầu ra (và sau bổ sung) Ban Chấp hành gồm 7 người với sự phân công Tổng Thư ký - Nguyễn Khoa Điềm, Phó Tổng Thư ký thường trực - Hữu Thỉnh. Trong Ban Chấp hành mới đó, không còn Nguyên Ngọc cùng một số vị thường được xem là “phe Đổi mới”.
+ Phân kỳ văn học - văn học sử: Có thể xem các thời điểm khởi phát hậu Đổi mới trùng với quãng thời gian mà đề tài Hậu hiện đại trên thế giới đến được cộng đồng văn chương Việt.
Ở trong nước, ngay từ năm 1991 trên tạp chí Văn Học đã có bài dịch Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại của A. Blach; năm 1997 có bài dịch Về chủ nghĩa hậu hiện đại (J. Verhaar). Tới năm 2000 tạp chí Nhà Văn có bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại của Phương Lựu. (Xem: Nguyễn Hưng Quốc[3], và Phan Tuấn Anh[4])
Ở ngoài nước, Tạp chí Thơ trong 2 năm 1997-1998 có hai bài dịch của Phan Tấn Hải là Giới thiệu thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ (P. Hoover), và Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn chương (S. Connor). Còn Tạp chí Việt số đầu năm 2000 có tiểu luận Viết, từ hiện đại đến hậu hiện đại của Hoàng Ngọc-Tuấn. Đặc biệt, như một trong vài người đi đầu quảng bá và giới thiệu, Nguyễn Hưng Quốc từng vài lần nói về chủ nghĩa hậu hiện đại từ năm 1996 trong hai cuốn sách Võ Phiến, Thơ, v.v. và v.v. và đáng kể là cuốn tiểu luận Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại in năm 2000.[5]
B. MỘT DANH SÁCH[6] NHÌN NHẬN NHANH PHÊ BÌNH THƠ VIỆT TRONG THỜI HẬU ĐỔI MỚI
Riết róng mà tương đối, chúng ta hãy xem xét mức độ sau đây: trong các công việc định giá, hướng dẫn văn học thì người phê bình có chức phận (nghề nghiệp), người bình luận có bổn phận (cơ duyên), và người giới thiệu có thẩm quyền (nhiệm vụ) về đối tượng mà họ quan tâm.
Theo đó, vài năm qua chúng tôi thu thập tài liệu và xây dựng quan niệm cho một Bảng sơ lược tiếp nhận (nhận diện, nhận dạng, nhận giọng, nhận giới) và phân loại (thế hệ, phạm vi, thể loại, khuynh hướng) các tác giả Việt Nam hiện đại và đương đại trong lĩnh vực phê bình, bình luận, giới thiệu thơ Việt và thế giới. (Ở đây gọi chung là phê bình).
Phạm vi về thời cuộc và niên đại là thời kỳ hậu Đổi mới (từ khoảng giữa thập niên 1990 đến nay).
Xin dẫn ra trước nơi đây một danh sách sơ bộ và tóm tắt về những tác giả Việt ở trong và ngoài nước có tác phẩm, bài vở, diễn đàn với ảnh hưởng nhất định (tạo dư luận nơi độc giả, gây ấn tượng giữa văn giới…) trong chừng 20 năm qua theo phân loại thế hệ/độ tuổi.
1910s: Hoàng Như Mai (sách), v.v.
1920s: Lê Đình Kỵ (sách), Trần Ngọc Ninh, Đỗ Đức Hiểu (sách), Võ Phiến (sách), Khổng Ðức, Huỳnh Sanh Thông, Lê Đạt (sách), Mai Thảo, v.v.
1930s: Hoàng Ngọc Hiến, Dương Tường, Vân Long (sách), Trần Văn Tích, Phan Cự Đệ (sách), Văn Tâm (sách), Hồ Sĩ Vịnh (sách), Hà Minh Đức (sách), Thi Vũ (sách), Đặng Hiển, Phong Lê (sách), Hoài Anh (sách), Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, Viên Linh, Nguyễn Huệ Chi (sách), Nguyễn Tiến Văn, Trần Văn Nam (sách), v.v.
1940s: Đặng Tiến (sách), Vũ Quần Phương (sách), Trần Đình Sử (sách), Nguyễn Vũ Tiềm, Trúc Thông, Yến Nhi, Đào Trung Đạo, Gia Dũng, Phạm Tiến Duật (sách), Nguyễn Nguyên Bảy (sách), Mai Quốc Liên (sách), Bằng Việt (sách), Luân Hoán, Ngô Thảo (sách), Mã Giang Lân (sách), Đặng Phùng Quân (sách), Vương Trí Nhàn, Du Tử Lê (sách), Hữu Thỉnh (sách), Hoàng Hưng (sách), Thái Doãn Hiểu (sách), Anh Ngọc, Kiều Văn (sách), Nam Dao, Trần Ninh Hồ, Vương Trọng (sách), Thụy Khuê (sách), Trần Nhuận Minh (sách), Vũ Duy Thông, Trần Trương, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh, Ngô Nguyên Nghiễm (sách), Vũ Văn Sỹ, Ngô Văn Tao, Lại Nguyên Ân (sách), Lò Ngân Sủn (sách), Hồng Diệu (sách), Thái Kim Lan, Phạm Đình Ân, Khế Iêm (sách), Thanh Thảo, Văn Chinh (sách), Trần Mạnh Hảo (sách), Nguyễn Ngọc Thiện (sách), Lê Quang Trang (sách), Nguyễn Trọng Tạo (sách), Dư Thị Hoàn, Anh Chi, Kim Chuông, Nguyễn Đức Mậu, Đỗ Lai Thúy (sách), Nguyễn Duy, Trịnh Thanh Sơn (sách), Vũ Nho, Nguyễn Văn Lưu (sách), Đặng Văn Sinh, Trần Nghi Hoàng, Nguyễn Thụy Kha, Đỗ Hoàng, Mai Văn Hoan, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Hoàng Sơn (sách), Vũ Bình Lục, Lê Thành Nghị (sách), Đường Văn, Hoàng Liên (sách), Nguyễn Văn Long (sách), v.v.
1950s: Lã Nguyên (sách), Khuất Bình Nguyên, Nguyễn Huy Thiệp (sách), Đỗ Ngọc Yên, Phan Nguyên, Phan Trọng Thưởng (sách), Bùi Việt Thắng, Phạm Quang Trung (sách), Đinh Quang Tốn (sách), Nguyễn Vy-Khanh (sách), Chân Phương, Nguyễn Văn Dân (sách), Đỗ Minh Tuấn (sách), Ngu Yên (sách), Võ Chân Cửu, Triệu Lam Châu, Trần Hoàng Vy, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tà Cúc, Ngô Vĩnh Bình, Lý Hoài Thu, Bùi Vĩnh Phúc (sách), Lê Vũ, Lê Thị Huệ, Đào Duy Hiệp, Nguyên An, Nguyễn Việt Chiến (sách), Hữu Đạt, Thế Dũng, Nguyễn Hồng Nhung, Đoàn Đức Phương (sách), Huỳnh Như Phương, Trần Quang Quý, Thu Tứ (sách), Hồ Thế Hà, Đỗ Kh., Tâm Nhiên, Đặng Huy Giang, Nguyễn Đức Tùng (sách), Mai Văn Phấn, Đỗ Quyên, Phạm Xuân Nguyên (sách), Hoàng Ngọc-Tuấn (sách), Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Hữu Quý, Inrasara (sách), Thường Quán, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Hưng Quốc (sách), Nguyễn Hoàng Đức, Trần Đăng Khoa (sách), Lưu Khánh Thơ (sách), Chu Văn Sơn, Nguyễn Hòa (sách), Văn Giá, Trần Hoài Anh (sách), Nguyễn Hữu Sơn (sách), Nguyễn Thanh Tú, Đông La (sách), Phạm Kỳ Đăng, Nguyễn Lương Ngọc, Hiền Nguyễn, Nguyễn Đỗ, v.v.
1960s: Dương Kiều Minh, Nguyễn Chí Hoan, Phạm Thị Hoài, Đỗ Trọng Khơi, Nguyễn Đăng Điệp (sách), Thận Nhiên, Hồng Thanh Quang, Ngô Tự Lập (sách), Chu Thị Thơm, Đinh Linh, Trần Đình Thu (sách), Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Huy Thông, Nguyễn Bình Phương, Đặng Thân (sách), Đoàn Cầm Thi (sách), Phan Nhiên Hạo, Phạm Khải (sách), Lê Đình Nhất-Lang, v.v.
1970s: Nguyễn Thanh Sơn (sách), Thiên Sơn, Nguyễn Thanh Tâm (sách), Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Văn Toàn, Phùng Văn Khai, Nguyễn Thuỵ Anh, Hoài Nam (sách), Mai Bá Ấn, Khánh Phương (sách), Trần Vũ Long, Văn Bảy/Lý Đợi, Lê Thiếu Nhơn (sách), Lê Hồ Quang (sách), v.v.
1980s: Cao Việt Dũng, Đoàn Minh Tâm, Hoàng Đăng Khoa, Mai Anh Tuấn, Trần Thiện Khanh, Hoàng Thụy Anh, Đoàn Ánh Dương (sách), Ngô Hương Giang (sách), Nhã Thuyên, v.v.
Như thế, với dung sai cho phép, con số cập nhật đang là chẵn 200 tác giả ở độ tuổi trong 8 thập niên.
Nhiều nhất là 67 vị được sinh hạ trong kỷ nguyên hậu Thơ mới, thuộc vào thời kỳ Cách mạng mùa Thu, tức là thế hệ 4X.
Kỷ nguyên tiền Thơ mới còn gửi lại chút âm điệu của mình qua “Con khủng long lãng mạn cuối cùng” vừa qua đời hai năm nay: Giáo-sư-thi-ca Hoàng Như Mai.
Kỷ nguyên toàn cầu hóa 8X mới chỉ tạm gửi vào đội ngũ này 9 “nhà phê bình trẻ”.[7]
Có thể xem đây như một trong các danh sách nhìn nhận nhanh phê bình thơ Việt Nam trong thời hậu Đổi mới – cái thời vụ văn học đã và đang nở trên bàn tay ánh mắt mỗi chúng ta mà lại chẳng được chầm bập tương xứng.[8]
Với khả năng ít ỏi và tầm nhìn eo hẹp của một kẻ ở xa các trung điểm văn nghệ nước nhà hẳn sẽ phạm phải khiếm khuyết, chân thành cảm tạ mọi góp ý, chỉnh lý từ quý bạn đọc và bạn văn gần xa!
(Trích bản thảo Nhìn nhận nhanh phê bình thơ Việt)
Vancouver, cập nhật 4/1/2016
Đỗ Quyên
Chú thích

[1] Ví dụ như một số nhận định dưới đây (với các nhấn mạnh của chúng tôi – ĐQ):
- “Đổi mới trên mặt văn hóa ở Việt Nam thì được biết dưới tên Cởi mở, tương tự như chính sách Glastnost của Nga Xô. Quá trình này bắt đầu cùng với Đổi mới Kinh tế nhưng sau đó dừng lại trong thập niên 1990”. (Bách khoa toàn thư mở, vi.wikipedia.org).
- “[...] trong sự thoái trào của làn sóng Đổi mới và bối cảnh toàn cầu hóa, từ khoảng những năm 1990 đến nay.” (Nhã Thuyên, Đặng Thân, Phạm Xuân Nguyên; Tọa đàm “Những tiếng nói ngầm: thơ Việt Nam Hậu Đổi Mới”, vanchuongviet.org).
- “Phong trào văn học Đổi mới được tính từ năm 1986, đạt tới cao trào vào những năm 1988-1989, cho đến nay không có một kết thúc chính thức. Khái niệm ‘Hậu Đổi mới’ dùng ở đây cho khoảng thời gian từ nửa cuối thập niên 90 đến nay, không thật cụ thể từ năm, tháng nào; mong được cung cấp một chỉ dẫn chính xác từ các nhà quan sát và nghiên cứu lịch sử giai đoạn này. Nếu có một Đổi mới 2, đương nhiên khái niệm đang dùng phải được chuyển thành Hậu Đổi mới 1. Thay vì một định nghĩa, xin đi vào một số vấn đề của Hậu Đổi mới đối với văn học mà theo tôi là đáng lưu ý.” (Phạm Thị Hoài; Nhà văn thời Hậu Đổi Mới, talawas.org 10/2/2004).
- “[…] thế hệ thơ có một định phận kì lạ, họ đã thổi làn gió mới vào khí hậu thơ Việt Nam. Nó đã thổi như thế suốt 15 năm… cho đến khi Internet xuất hiện, thì thơ Việt Nam mới dịch chuyển theo hướng khác hẳn! […] Hậu Đổi mới: Chuyển hướng, khi các Website văn chương cấp tập ra đời, cả trong lẫn ngoài nước: Tienve.org (từ đầu năm 2002), Evan (từ năm 2004 đến năm 2005, sau đó chuyển thành báo đưa tin là chính), Vannghesongcuulong.org (từ 2004, năm 2007 đổi tên là Vanchuongviet.org), Damau.org (từ cuối năm 2006)… Tạm lấy mốc: 2001 để vạch một đường biên, dẫu mờ.” (Inrasara; Văn chương TP. Hồ Chí Minh thời hậu Đổi mới, khởi đầu cho một khởi đầu, 4phuong.net).
- “Sự phân kỳ về mốc thời gian có thể khác nhau giữa các nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, cũng như ngay trong lĩnh vực mỹ thuật. Trong bài viết này, thuật ngữ Hậu Đổi mới được xem xét và xác định trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2014.” (Bùi Thị Thanh Mai; Nghiên cứu xác định thời gian và đặc điểm Mỹ thuật Hậu Đổi mới ở Việt Nam, vietnamese-arts.com 23/11/2014). Trong bài, Bùi Thị Thanh Mai đã phân tích các ý kiến của Phạm Thị Hoài, Inrasara, nhóm Nhã Thuyên, và Đỗ Lai Thúy.
[2] A. A. Sokolov; Văn hóa và văn học Việt Nam trong những năm đổi mới (1986-1996), Vân Trang dịch, talawas.org 25/5/2004. Nhận định của Nguyễn Đình Thi là từ bài báo Văn học Việt Nam, trăn trở người trong nghề, được in vào cuối năm 1996 như chú thích trong bài đã dẫn.
[4] Phan Tuấn Anh; H/ậu-ại hiện đại trong văn học Việt Nam - công viên những lối đi hai ngã rẽ, Tạp chí Sông Hương số 289 tháng 3/2013, tapchisonghuong.com.vn 29/3/2013.
[5] Chú thích 3.
[6] Trích và bổ sung từ bản đầy đủ (chưa công bố) của Lời bạt trong sách Thơ cần thiết cho ai, (Nguyễn Đức Tùng, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2015; vanchuongviet.org 8/8/2015). Có sửa chữa và viết thêm so với phiên bản 3/12/2015 đã đăng trên vanviet.info 1/1/2016.
[7] Trẻ – con chữ cuối cùng khiến cả cụm từ trên bị để trong nháy nháy – là cách gọi rất phi văn học và cực phản thi ca những khi nó trần trùng trục tung tăng trong các bài vở mà chúng ta đang phải mục sở thị trên mọi báo chí, thậm chí ở không ít bài lý luận, sách phê bình hàn lâm và khoa bảng. Họ – không ai khác – là chủ nhân ông của thời hậu Đổi mới. Trẻ tuổi đời (tất nhiên!) song các bạn í đã phải rất cứng cựa (cựa chìm hay cựa ẩn, tùy nghi) trên văn đàn mà một phần ba danh sách đã từng sứt đầu mẻ trán. “Không phải dạng vừa đâu!” Hi hi…
[8] Xét về độ dài hạn định và chu kỳ hoạt động, lướt lịch sử văn học Việt Nam hiện đại chúng tôi cả nghĩ khoảng thời gian trên dưới hai thập niên là vừa đủ cho một giai đoạn/thời kỳ văn học Việt ra đời, phát triển và chấm dứt.
Vậy để tạm kết thúc phác thảo hôm nay, kẻ hèn đâu dám liều mình “cầm chuột/mouse chạy trước ô tô”, chỉ nhân cơ hội tết Tây mà chuyện vãn bói văn qua 5 câu hỏi thế vầy:
1) Giai đoạn sau-hậu-Đổi-mới sẽ mang tên gì?
2) Tức là, sự kiện/động lực chính trị, xã hội, văn hóa hay văn học nào của Việt Nam và quốc tế sẽ khiến văn học Việt sang chương hồi mới?
3) Liệu 4 sự kiện/vấn đề chính trị, xã hội, an ninh, văn hóa của đất nước ở tầm khu vực và quốc tế sau đây có thể sinh sự ít nhiều chăng: Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP sắp được chính thức ký kết tại New Zealand trong đầu tháng tới – ngày 4/2/2016; Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 sẽ diễn ra trong 2 tuần tới - 20-28/1/2016; Tình thế không biết đâu mà lần từ khủng hoảng Biển Đông vài năm qua như đang châm mồi cho cái “đèn cù thiên thu” Trung-Việt Việt-Trung; Sự lớn lên trong còi cọc của xã hội dân sự ở Việt Nam qua hàng chục tổ chức không chính thức và gây ảnh hưởng đáng ghi nhận, trong đó có Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam với trang mạng Văn Việt vanviet.info / vandoanviet.blogspot.com?
4) Phải chăng thời kỳ sau-hậu-Đổi-mới rồi cũng sẽ hiện diện từ tốn và dàn trải hệt như “phụ huynh” của nó - thời kỳ hậu Đổi mới?
5) Có thể dự báo ra sao về dòng Văn học Việt sau hậu Đổi mới: Đặc trưng văn chương? Tác giả: thế hệ, quan điểm, vùng miền, giới tính? Tác phẩm: khuynh hướng sáng tác, nội dung và hình thức nghệ thuật, thể loại? Tiếp nhận, phá bỏ, sáng tạo gì so với hai dòng Văn học Đổi mới và hậu Đổi mới?