Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (164): NHẤT LINH (16) – XÓM CẦU MỚI (KỲ 8)[i]

Chương XII
Siêu thu xếp xong mọi việc
Từ hôm về xóm, Siêu không đả động gì đến việc làm nhà. Một là mới về làm nhà ngay, thiên hạ họ sẽ biết là mình có tiền, hai là ở riêng chàng sẽ phải bận bịu về bao nhiêu công việc vô ích mất cả thì giờ nghiên cứu và câu cá. Ở đây có Mùi trông nom săn sóc đủ hết mọi thứ Siêu thấy dễ chịu lắm. Mùi đã lấy cái phên dại che một phía hiên nhà thờ để Siêu kê một cái giường ngủ và để sách vở cùng cách chai lọ đựng các chất hoá học. Đêm nằm ngủ, gió thổi vù vù tuy có lạnh đôi chút nhưng từ xưa đến nay bao giờ Siêu cũng thích sống ở hiên, vả lại ở chỗ ấy khuất và yên tĩnh chàng không bị ai quấy rầy cả. Hai bữa cơm chàng ra ăn rồi lại trở về hiên làm việc. Siêu cũng chưa lần nào ra đến phố. Vì chưa có nhà rộng nên việc dậy học tư cũng tạm gác lại. Có làm nhà, Siêu nghĩ cũng không nên ra mặt, phải làm như chính Mùi đứng ra làm nhà rồi cho chàng thuê lại. Nghĩ thế Siêu tưởng như việc làm nhà hoàn toàn là việc của Mùi, khi nào nàng thấy cần làm thì nàng làm. Thấy cả đến Mùi cũng không nhắc gì đến việc làm nhà, Siêu lấy làm lạ nhưng chàng cũng tránh không hỏi.
Mùi cũng thấy việc làm nhà ngay là nguy hiểm; cho dẫu là nàng đứng ra làm nữa. Nàng có nói chuyện với ông Lang và ông Lang cũng cho thế là phải. Ông phiền hết sức khi thấy Siêu kê đồ đạc cẩn thận như là ở đây suốt cả đời. Ông bảo Siêu cho Mạch đi học ngay đi không ở nhà táy máy, nhưng Siêu vì thấy ngại việc đưa em sang gặp ông đốc trường nên trù trừ và mỗi lần ông Lang nhắc tới chàng lại khất ông Lang như là người khất nợ.
Thấy Siêu mãi không ra phố để xem xét về việc dậy học tư, Mùi nhắc:
"Thỉnh thoảng anh ra phố một tí".
Siêu hỏi:
"Để làm gì?"
"Anh quên chuyện dậy học tư à?"
Siêu cười:
"Cô không có óc thực tế tí nào. Đã có nhà đâu mà dậy học".
"Nhưng ít ra cũng cần phải xem xét. Đi chơi mỗi nhà một tí làm quen trước với họ".
"Ừ thì đi, nhưng cần gì phải vội. Bây giờ gần tết tôi phải cố chế ít chè mạn sen uống và làm pháo đốt".
Mùi vui sướng:
"Anh cũng làm được pháo thật à?"
"Tôi làm được đủ các thứ pháo, pháo tràng, pháo tép, pháo chuột, pháo xiết, pháo quay, pháo thăng thiên. Rồi cô xem".
"Phải đấy, anh có làm pháo bán về dịp tết chắc được vô khối tiền".
Miệng nói vậy nhưng trong lòng thì Mùi không tin Siêu có tài làm được pháo. Dẫu sao nàng cũng hỏi Siêu về cách thức làm pháo và hai người lại nói chuyện về pháo quên cả việc dậy học tư. Mùi thấy Siêu nói về cách thức làm các thứ pháo thạo như đã làm qua nhiều lần rồi; thứ thuốc nào bao nhiêu lạng, giấy gói thế nào, dây tết ra sao, rành mạch rõ ràng đến nỗi nghe xong Mùi tưởng mình cũng có thể làm được pháo dễ dàng như không".
Siêu nói:
"Làm pháo không khó gì. Cái khó nhất là mình phải làm cho tan xác. Pháo Tàu đốt, xác pháo cứ tan vụn ra từng miếng nhỏ và đều, trông đến đẹp mắt. Pháo ta lúc đốt còn nguyên cả vỏ. Nhưng tôi cũng sẽ có cách chế xác pháo tan đều như pháo Tàu. Tết này cô sẽ xem. Nếu làm được thì sang năm giầu to".
"Thế à anh? Thích nhỉ".
Mùi cười hóm hỉnh, Siêu nhìn Mùi và thấy Mùi không có vẻ gì tin mình cả.
"Rồi cô xem, sang năm thì giầu to. Với lại, xác pháo tan không cần bằng mùi khói pháo. Mùi khói pháo ta ngửi khét như thuốc súng, khói pháo Tàu ngửi thơm như nước hoa. À lại còn nước hoa nữa chế được nước hoa Cô Ty thì giầu hơn cả ông Ký Bưởi".
Mùi hỏi:
"Ông Ký Bưởi là ông nào?"
Siêu đáp:
"Ông Ký Bưởi là ai không cần, chỉ biết ông ấy giầu chỉ vì ông đã có tài khai được mỏ và đóng được tàu thuỷ. Nếu bây giờ mình làm được khói pháo thành thơm thì..."
Mùi ngắt lời:
"Anh thong thả đã. Anh đương nói chuyện pháo tại sao tự nhiên bỏ sang nước hoa và ông Ký Bưởi".
Siêu bật lên cười:
"Thôi bây giờ tạm gác nước hoa và ông Ký Bưởi lại. Tôi đã tìm được cớ vì sao khói pháo Tàu thơm. Cô cho vào thuốc pháo một ít Sulfure de Potassium".
Mùi lẩm bẩm nhắc lại:
"Phên phên đờ bồ tát son. Có cả Bồ tát nghe như tên niệm phật ấy nhỉ".
Nàng lại hỏi Siêu:
"Anh nhắc lại thong thả cho em nghe".
Siêu nhắc lại và Mùi lẩm bẩm nhắc lại ba lần. Bỗng Siêu giật mình nói:
"Này, đừng có nói ra cho ông giáo Đông biết đấy!"
Mùi cười:
"Sao anh lại nghĩ là em định bảo ông giáo Đông?"
"Tôi sợ cô tưởng Suyn fuya đờ pô tát siom cũng như ông Hôm-Be. Ông Hôm-Be khác. Nếu ông giáo Đông biết được cách ấy thì ông ấy sẽ giầu to. Có khi chẳng bao giờ biết được nó là chất gì nhưng đối với mọi người nó là một chất rất thường. Cái khó là phải nghĩ ra. Cô xem như quả trứng của ông Kha Luân Bố, dễ thế mà không ai nghĩ ra".
Mùi hỏi:
"Quả trứng gì?"
"Cô không biết à? Bây giờ cô muốn để một quả trứng đứng dựng trên đĩa, cô làm thế nào?"
"Em chẳng bao giờ để nó đứng cả. Để nó nằm tiện hơn".
Siêu cười nói:
"Cô ngớ ngẩn lắm, đây là nói thí dụ thế. Ông Kha Luân Bố ông ấy ấn mạnh cho đầu quả trứng bẹp đi một tí thì là quả trứng đứng được. Dễ lắm nhưng phải nghĩ ra".
"Nhưng ông Kha Luân Bố nào mà lẩn thẩn thế. Để quả trứng đứng để làm gì để nó vỡ ra như thế".
"Cô chẳng hiểu một tí gì về lịch sử cả. Hôm nào tôi phải giảng cho cô nghe. Ông Kha Luân Bố đã tìm ra được châu Mỹ. Thôi bây giờ lấy một thí dụ gần hơn. Cô xem như cái kim băng... rất dễ nhưng người đầu tiên đã nghĩ ra cái kim đó, người ấy giầu bạc vạn ngay".
Mùi thì cố sức nhưng vẫn chưa hiểu tại sao ông Kha Luân Bố vì đặt được quả trứng đứng mà lại tìm ra được châu Mỹ. Nàng thấy chính đầu óc Siêu không có thứ tự gì cả; nói chuyện có một lúc mà từ xác pháo, khói pháo, nhẩy sang nước hoa và ông Ký Bưởi lại nhẩy đến quả trứng và cái ghim băng. Nàng mỉm cười một cách sung sướng vì nghiệm ra rằng Siêu cả ngày chỉ loay hoay làm việc ở hiên, hoặc không làm việc thì ra bờ sông câu cá, sáng dậy uống nước chè với ông Lang thì chỉ thỉnh thoảng lắm khi ông Lang hỏi mới chịu nói, thế mà buổi chiều khi nàng về đến ngồi ở hiên thì Siêu bỏ cả công việc và mê mải nói chuyện với nàng, về tất cả các thứ chàng biết, chàng đương làm và định làm. Từ hôm Siêu về xóm, thường thường Mùi hay về nhà sớm hơn. Trưa nào nàng cũng nấu cháo hay làm bún cá bún riêu, hoặc các thứ bánh mặn bánh ngọt, nàng đã học của Duyên và cả bánh xèo theo lối cụ Huế để bà Cai, ông Lang ăn nhưng nàng chỉ cốt có cái thú đi bưng thức ăn sang bên hiên nhà thờ cho Siêu và đứng nhìn Siêu ăn một cách ngon lành. Siêu ít nói nhưng ăn thì ăn rất nhiều và bất cứ lúc nào cũng ăn như là người đói lắm. Đương giở bận gì mặc lòng, Siêu cũng ngừng lại khi Mùi đem quà ăn đến. Có một lần thấy Mùi bưng một cái mâm đi qua, Siêu gọi lại. Mở cái vung thấy là canh bún cá, chàng đòi ăn ngay.
"Trời rét như hôm nay mà ăn bún cá thì ngon tuyệt".
Chàng nói thế, múc một bát ăn và múc thêm một bát đưa cho Mùi. Siêu vừa ăn vừa nói chuyện về các thứ quà ở Hải Phòng, Hà Nội cho Mùi nghe và hai anh em vừa mải nói chuyện vừa mải ăn. Mùi giật mình nhìn vào liễn canh mới biết là đã ăn hết cả phần của ông Lang và bà Cai. Trong liễn chỉ còn độ một bát, Siêu giải quyết sự thắc mắc của Mùi bằng cách đổ nốt chỗ canh vào bát ăn hết và bảo Mùi đem đi rửa và lờ đi làm như trưa nay không có quà.
Mùi cũng vui mừng vì thấy Triết đã bắt đầu ăn một cách ngon lành, ông Lang mỗi bữa cũng ăn thêm được bát cơm vì có đồ ăn ngon. Thỉnh thoảng có lúc Mùi chợt nghĩ:
"Cứ ăn như thế này chả mấy lúc hết cả bạc nhị mất".
Nhưng nàng vẫn không bớt tiền chợ và tiền quà. Nàng chưa bao giờ sống những ngày vui vẻ như những ngày vừa qua, nên nàng cũng không áy náy gì mỗi khi đếm tiền thấy số bạc cánh đã lâu không tăng nữa. Vả lại nàng sẽ có số tiền vốn của Siêu để đi cân gạo và giầu to. Nghĩ đến đấy, Mùi chợt lấy làm lạ là Siêu không nghĩ gì đến việc đi Hải Phòng đổi tiền cả. Một hôm Mùi phải xoay câu chuyện mãi đến chỗ câu hỏi về việc đổi tiền được tự nhiên. Hỏi xong, nàng thấy Siêu nhìn mình như không hiểu:
"Cô bảo đổi tiền làm gì cơ?"
"Để làm nhà chứ?"
"Nhà đã làm đâu".
Mùi không dám hỏi thêm nữa. Nàng sợ hỏi dằn quá, Siêu sực nghĩ đến chỗ không đưa giúp nàng tiền về việc ăn uống của gia đình chàng ở đây và chàng sẽ cho là nàng giục chàng đổi tiền để nhắc chàng nghĩ đến chỗ đó. Còn vay số tiền ba trăm làm vốn thì nàng muốn lắm nhưng tối hôm đầu nàng đã nói gián tiếp ngỏ ý vay mà Siêu hình như muốn lờ đi nên Mùi thấy mình sẽ không bao giờ hỏi vay Siêu nữa.
Siêu không nói ra, nhưng cũng thắc mắc về chỗ nhận thấy Mùi muốn hỏi vay tiền mà không dám ngỏ lời hỏi. Chàng khó chịu là thấy Mùi không được hài lòng về chàng. Và cả ông Lang nữa, buổi sáng ngồi uống nước chè, ông Lang cũng có ý nhắc gần nhắc xa đến số tiền và hình như muốn hỏi vay mà chưa dám hỏi. Có lần ông đã thốt ra câu:
"Tết đến cần tiền mà lão chánh Nhiếp nợ mình hơn chục bạc tự nhiên lăn đùng ra ốm không biết làm thế nào bây giờ".
Lẽ ra lúc đó, cái câu tất nhiên phải nói ra của chàng phải là:
"Cháu có tiền chưa dùng đến. Chú lấy một ít mà tiêu tạm".
Nhưng không hiểu tại sao, chàng lại ngồi yên không nói gì cả. Ông Lang có ý ngượng và khó chịu, với điếu hút và nói lảng sang chuyện khác. Siêu thấy nếu ông Lang hỏi vay thẳng thì thế nào chàng cũng đưa mặc dầu chàng khó chịu, nhưng ông lại nói bóng, chàng có thể lờ đi như là không hiểu nên chàng lờ đi. Dẫu sao, chàng vẫn khó chịu cảm thấy rõ ông Lang đã cho mình là một anh chàng keo bẩn và không có ý tứ. Chàng chắc Mùi cũng nghĩ như cha.
Từ hôm về xóm, Siêu đã sống những ngày hoàn toàn sung sướng nghĩa là những ngày không phải bận bịu giao thiệp với người lạ nào. Thỉnh thoảng nhà có khách đến nhưng khách của ông Lang chàng không phải đón tiếp chào hỏi họ. Mẹ chàng đã có Mùi và u già săn sóc đến, ăn uống chi tiêu mọi thứ cũng không phải bận tâm, chất thuốc ướp chè mạn chàng đã chế được giống mùi sen hơn và đỡ lợm giọng. Chỉ cố tìm tòi một ít nữa, chàng sẽ giầu to; chàng chỉ mong giầu có vì chàng tưởng có nhiều tiền thì không có cái gì bận bịu vào thân nữa. Chàng có thể trả nợ cho ông Cai và ông Cai lại trở về cùng cả nhà đoàn tụ. Việc dậy học tư, việc mà chàng tự nhiên bịa ra nói với ông Lang và Mùi để cốt cho hai người ấy vui lòng, thì vì sự chưa có nhà nên tạm thời có thể không phải nghĩ đến nó. Chỉ còn mỗi một việc sang gặp ông đốc trường để xin cho Mạch đi học làm chàng ngần ngại đôi chút, mỗi lần nghĩ đến nó. Nhưng khó chịu nhất là cả số tiền ba trăm để ở ngực mà có hai người cứ rình rình định vay, mà hai người ấy lại ở cùng nhà với chàng.
Ba ngày sau khi Mùi nói đến việc đổi tiền, Siêu thấy Mùi đến, vội rút cái gói giấy ba trăm đưa cho Mùi. Chàng nghĩ chỉ có cách ấy là tiện hơn cả, chàng bảo Mùi:
"Cô giữ lấy hộ rồi mỗi tháng tiêu hết bao nhiêu thì cô trừ dần đi cho đến khi nào hết thì thôi".
Mùi nhìn Siêu, vẻ mặt nghĩ ngợi. Thấy Mùi trù trừ, Siêu quẳng cái gói giấy vào lòng Mùi:
"Đấy cô cầm lấy".
Mùi thì cho Siêu ngay từ hôm nàng bảo đổi tiền đã cho là nàng nhắc đến việc chi tiêu nhưng đợi mấy hôm sau chàng mới đưa tiền để làm như tự ý chàng đưa chứ không phải vì nàng nhắc đến. Siêu lại đưa nàng tất cả số tiền và quẳng vào người mình như muốn cho xong chuyện đi. Nàng thấy hình như Siêu có vẻ dỗi là nàng đã nhắc khéo đến Siêu cái ý tưởng ấy.
"Anh nói làm gì cái việc chi tiêu. Khi nào anh có nhà ở riêng hẵng hay".
Mùi vứt trả lại gói giấy tiền, hai tay run run trong lòng rơm rớm tức.
"Anh cứ cầm lấy. Em không cần mà..."
Siêu lại đẩy gói giấy về phía Mùi:
"Cô cứ cầm lấy làm vốn buôn bán".
Câu nói ấy Siêu nói ra chỉ cốt cho Mùi nhận tiền vì đã nhận thấy Mùi có vẻ giận mình trả tiền ăn uống, nhưng câu nói vô tình cũng đã gợi chàng nghĩ đến việc đem số tiền ấy buôn bán để lấy lời. Biết đâu số tiền ấy mỗi tháng lại không có một số lời đủ để sống cả nhà mà ba trăm vẫn còn nguyên. Chàng đưa mắt nhìn Mùi làm như nhìn Mùi thì có thể biết được số tiền ấy mỗi tháng sinh lợi bao nhiêu. Nhìn nét mặt Mùi lúc đó, chàng thấy Mùi có vẻ chắc chắn cẩn thận, số tiền trong tay nàng không tài nào mất được và số lời tất lớn. Mùi đã gom góp được một số tiền vốn bốn năm chục bạc, chắc là buôn bán phải giỏi lắm. Chàng tiếp:
"Cô xem có gì buôn bán thì buôn. Tôi mới về đây chưa thuộc thông thổ".
Nghe Siêu nói vậy Mùi đã thấy nguôi nguôi tức. Siêu đưa nàng số tiền để buôn bán mà nàng không cần hỏi.
"Sao anh bảo em không biết một tí gì về buôn bán cả".
"Cô thì vẫn không biết một tí gì về buôn bán cả nhưng tôi thì tôi bận và ngoài cô ra không còn ai nữa".
Mùi cầm lấy gói, mở ra ngắm nghía những tờ giấy bạc, rồi bỏ nó vào túi áo cánh và lấy tay khẽ khẽ đập mấy cái vào túi. Từ bé đến giờ nàng chưa có số tiền nào to đến thế. Nàng sung sướng như chính nàng đã làm giầu được ba trăm chứ không phải là tiền vay. Nàng nghĩ bây giờ nàng cũng giầu không kém gì bà Ký Ân và nghĩ đến chỗ ấy nàng lại thấy thích chí hơn và bảo Siêu:
"Em sẽ đi cân gạo, nhàn mà kiếm được nhiều lãi hơn. Em sẽ đem số bạc cánh của em ra, cộng với số này, lời bao nhiêu anh lấy sáu phần, em lấy một. Thế có được không anh".
Siêu cười:
"Thế không được. Tôi để trong túi áo tôi có được đồng xu nào thêm không? Bây giờ để nó trong túi áo cô cũng vậy".
"Thì bây giờ lời lãi chia đôi có được không anh?"
"Cũng không công bình. Tôi lấy nhiều quá".
"Thế bây giờ lời lãi tiêu chung có được không anh?"
"Phải đấy, tiêu chung".
Siêu thấy cách tiêu chung ổn thoả nhất. Nhưng nghĩ ngợi một lát, chàng nói:
"Nhưng tiêu chung nghĩa là thế nào cơ?"
"Nghĩa là anh tiêu sáu phần, em tiêu một phần".
Câu chuyện lại trở lại chỗ cũ và hai người cùng bật cười. Mùi nói sang cách thức cân gạo; vì cách thức cân gạo thì nàng thạo lắm, còn Siêu thì nàng thấy không hiểu một tí gì. Nàng nói đến việc thuê toa xe lửa và bán thẳng xuống Hải Phòng, chứ không phải bán qua hiệu khách ở phố Phủ Lệ, như thế sẽ nhiều lãi hơn, tiền vốn một ngày một tăng và có thể mỗi ngày một buôn to hơn và giầu to.
"Nhưng giầu quá cũng phiền. Khi nào kiếm đủ thì thôi. Em sẽ về quê ở, làm cho anh một cái nhà tây và em..."
Siêu ngắt lời:
"Tôi không thích ở nhà tây. Làm một cái nhà lối ta, nhưng cần có cái hiên rộng, rộng hơn cả cái hiên này và có hàng rào găng che khuất".
Thế rồi hai người ngồi nói chuyện về cách thức làm nhà, làm vườn, sung sướng xếp đặt đời sống như là đã giầu hẳn rồi.
Siêu nói:
"Tôi cần nhất là chung quanh hiên trồng đủ các thứ hoa".
"Đừng trồng hoa anh ạ. Có bao nhiêu anh Mạch anh ấy ngắt hết".
"Không sao. Lúc đó Mạch nó nhớn rồi, không loăng quăng nữa".
"Anh có chắc không? Em thấy dù lúc ấy anh ấy vẫn loăng quăng như bây giờ. Em thì không trồng hoa. Em cần có một cái vườn rộng để trồng rau và một cái ao nuôi cá để rán cho thầy em ăn và nấu canh bún cho anh ăn. Thế có được không? Em lại làm một cái chuồng rộng như ở nhà cụ Hường và nuôi một đôi công".
Hai năm trước, có dịp sang nhà cụ Hường làng Trò, Mùi đã xem được đôi chim công của cụ và nàng thấy ở đời không có thứ chim gì đẹp bằng chim công. Nhưng nàng không được ngắm lâu; từ hôm đó nàng vẫn ao ước có được công ở trong nhà để suốt ngày ngắm nghía nhưng nàng cho là chim công đắt tiền lắm chỉ những người giầu như cụ Hường mới nuôi được.
"Hôm nào anh vẽ cho em một cái kiểu lồng thật đẹp nhé".
Chợt nghĩ đến việc thuê toa chở gạo rất khó khăn, còn phải làm quen với ông xếp ga, lại cần có Siêu làm các giấy má bằng chữ Pháp, Mùi bảo Siêu:
"Mai kia anh nên lại chơi ông xếp ga".
Siêu hỏi:
"Ông ta có chim công?"
"Không, ông xếp ga thì có thế nào được chim công. Ông ấy cho thuê toa. Mà thuê toa khó lắm; anh phải đến chơi luôn làm quen với ông ta và khi nào có toa về anh phải ra biên các giấy má. Tết này anh đem chè mạn sen và pháo anh chế được biếu ông ta. Cần nhất là anh đừng để bà Ký Ân tranh mất toa, em sẽ tức chết".
Siêu yên lặng nhìn Mùi nói. Câu nói của Mùi kéo chàng trở lại đời sống thực tế hiện tại. Phải đến thăm ông Đốc xin cho Mạch học, bây giờ Mùi lại bảo chàng đến chơi ông xếp ga và đến chơi để nịnh ông ta, biên các giấy má thuê toa và tranh nhau với bà Ký Ân nữa. Siêu cũng cố mỉm cười để Mùi khỏi nhận rõ sự phiền muộn trong lòng mình lúc đó. Chàng kiếm cớ:
"Tôi rất ghét xếp ga".
Mùi hỏi:
"Anh có quen ông ta trước kia?"
"Không, nhưng cô không thấy các ông xếp ga, ông nào cũng đáng ghét cả à? Điều thứ nhất là các ông xếp ga bao giờ cũng học dở dang, nói chuyện nhạt nhẽo mà đầy tự cao tự đại, ông ấy lại lúc nào cũng vội; có gì tức bằng phải nói chuyện với một người tay lăm le cầm cái cờ như lúc nào cũng sắp chạy ra sân ga phất, và chốc chốc nghe tiếng chuông lại chạy vào buồng giấy và bỏ mình đứng trơ một mình. Ông ấy đứng nói chuyện với mình mà chỉ nghĩ đến chạy đi, lúc nào cũng như có ý bảo mình: ông có nói gì thì nói mau lên, tầu sắp đậu rồi, chuông sắp kêu rồi. Cô nghĩ thế có chán không?"
Mùi thấy những lời nói của Siêu rất đúng với ông xếp ga Phủ Lệ. Trước khi Siêu nói, những lúc đi với bà Ký Ân ra ga, nàng cũng thấy ông xếp ga có cái gì khác thường nhưng nàng không nghĩ ra.
"Kể thì cũng chán thật. Thế còn điều thứ hai?"
"Điều thứ hai à?"
Siêu chợt nhớ mình đã nói điều thứ nhất còn điều thứ hai không có.
"Thôi một điều cũng đủ ghét rồi. Giá buôn cái gì không có các ông Ký ga ở trong thì thích hơn. Có lẽ cô ra thuê toa, ông ấy lại nể hơn".
Siêu nói thế vì nghĩ đến vẻ đẹp của Mùi. Chàng sợ lộ quá và tiếp ngay:
"Bao giờ người ta cũng nể đàn bà hơn. Tôi thì không tranh được bà Ký Ân đâu".
Nghĩ đến cái thích tự mình tranh được toa của bà Ký Ân, Mùi bảo Siêu:
"Phải đấy, anh không cần ra ga. Em sẽ ra và em có cách".
Siêu nghĩ thầm:
"Nhưng còn gặp ông đốc trường? Mùi thì không thể đi thay mình được. Cố nhiên".
Chàng cất tiếng hỏi Mùi:
"Cho Mạch đi học ở đây thể lệ phải thế nào".
Mùi đáp:
"Chẳng có thể lệ gì cả. Và cũng chẳng có gì khó khăn. Anh viết một lá đơn rồi bảo em Triết đưa anh Mạch đến nhà trường nộp đơn và vào học".
Siêu nhẹ hẳn người:
"Giản dị thế à?"
Chàng nhủ thầm có Triết mà sao chàng không nghĩ ra. Chàng nói với Mùi:
"Tôi muốn đi gặp ông ta một tí. Tiện hơn. Có người lớn đưa đến vẫn có vẻ long trọng hơn có phải không cô?"
"Cái đó tuỳ anh, nếu anh thích gặp họ".
"Các ông giáo thì tôi thích gặp không như các ông xếp ga".
Bỗng Mùi chợt nghĩ ra:
"Nhưng anh không nên gặp các ông giáo. Anh định dậy tư mà làm quen với họ, ngày sau tranh nhau học trò với họ, khó xử".
"Ừ nhỉ, tôi không nên đi. Để chú Triết đi tiện hơn. Cô nghĩ thế rất phải. À, trưa hôm nay có gì ăn không?"
Mùi đứng lên:
"Hôm nay lại có canh bún cá. Để em đi nấu".
Nàng vỗ vỗ vào chỗ túi để tiền rồi rút giấy bạc ra vứt trả lại Siêu:
"Rõ thật lú ruột. Anh giữ lấy vì anh còn phải đi đổi kia mà?"
Siêu vội nói:
"Thôi cô cứ cầm lấy. Thế là cô nợ tôi ba trăm. Hôm nào tôi đi, cô lại đưa tôi làm như tôi đi đổi hộ cô".
Mùi đi khỏi, Siêu giở quyển sách dậy cách thức làm pháo ra. Nhưng lại gấp lại ngay, dựa lưng vào thành ghế và hai chân ruỗi thẳng nhìn ra vườn. Chàng khoan khoái vì mọi việc đã giải quyết một cách ổn thoả. Trước ngực chàng không còn cái gói ba trăm để có người định vay nữa. Tết xong không phải đi gặp ông Đốc trường Phủ, Mùi buôn bán mỗi tháng chắc có số tiền đủ sống, chàng không phải đi dậy học tư nữa. Đời sống ở nhà quê lại yên tĩnh có thể cả năm không phải tiếp người khách nào. Cái hiên chàng ở cũng vừa vặn; ở cùng nhà mà chàng vẫn có riêng một thế giới. Ngồi ở hiên nhìn ra bất cứ về phía nào phong cảnh cũng đẹp. Lại còn Mùi... cô em họ cũng rất đẹp và hình như rất hợp tính chàng.
Chàng mỉm cười khi tìm ra cái cớ tại sao Mùi lại hợp tính chàng: Mùi hợp chàng chính vì Mùi thích làm những cái trái ngược hẳn những cái chàng thích làm. Sống gần Mùi chàng thấy đời sống dễ dàng và bình tĩnh. Chàng thấy yêu Mùi, nhưng cái tình ấy khác hẳn tình yêu của chàng đã cảm đối với Chi ở Hà Nội. Chi ở ngay cạnh chỗ chàng trọ nhưng chàng đã đi hàng mấy cây số một ngày chỉ để đến nhìn cái cửa sổ nhà trường mà chàng đoán là Chi ngồi học ở trong. Hôm nào bạo dạn lắm, chàng mới dám đón đường để gặp mặt Chi và quả tim chàng đập mạnh như người phạm tội gì. Câu chào của Chi "cậu đi chơi" cũng làm chàng sung sướng ran cả người; gặp rồi chàng không có cớ gì đi xa nữa nhưng chàng không dám quay về sợ nàng đoán biết là mình đi về phía ấy chỉ cốt gặp mặt nàng; chàng cứ đi thẳng hai ba cây số nữa và sự sung sướng làm chàng quên mỏi chân. Bây giờ không yêu nữa, chàng không biết tại sao đã yêu vô lý như thế và mỗi lần nghĩ đến chàng còn thấy mình ngượng với mình. Nhưng lúc mà chàng yêu thì cái tình yêu mạnh mẽ lắm, làm cả người chàng biến đổi khác hẳn. Sống gần Mùi, chàng thấy lòng mình không có cái gì hồi hộp, mỗi lần nhìn nét mặt Mùi chàng chỉ thấy thoảng một nỗi vui nhè nhẹ và chàng cũng có khi nhìn vào mắt nàng mà không nghĩ đến nhìn; không như độ yêu Chi, bất cứ có dịp nào là hai người cũng nhìn nhau yên lặng và mê đắm như mất cả hồn.
Siêu đưa mắt nhìn lên và thấy Mùi tay cầm đôi đũa đi lại phía hiên, hai má còn đỏ hồng vì ánh lửa bếp:
"Gì thế cô. Canh được rồi à?"
"Chưa. Một lát nữa thôi. À, hôm nào anh đi anh mua một cái cân cho em".
"Một cái cân à? Cân gì?"
"Cân để cân gạo chứ còn cần gì".
"Cân gạo à? Nặng chết tôi mang thế nào được".
Mùi mỉm cười:
"Ai bắt anh xách mà nặng. Mà anh xách nổi thế nào. Phải thuê hai người gánh lên tàu, xuống tàu".
Siêu cũng nhếch mép gượng cười:
"Thuê người thì đem được".
Chàng nghĩ thầm Mùi không biết mình khó chịu chính vì phải thuê người gánh. Chàng nói tiếp:
"Ở đây không có cân bán à?"
"Không có anh ạ. Hôm đi Hà Nội anh nhớ nhé? Anh đi ngay nhé?"
Rồi Mùi vội vã quay trở vào bếp. Đi đổi tiền chàng đã ngại nhưng được cái đằng nào chàng cũng phải đi mua các thứ thuốc hoá học và lại đi ăn các thứ quà ở Hà Nội. Bây giờ chàng lại phải mang một cái cân từ Hà Nội về cho đến đây. Chàng tắc lưỡi búng ngón tay một cái, tự an ủi:
"Chỉ còn cái cân là hết!"
Chàng mỉm cười một mình nghĩ đến chỗ Mùi đương nấu canh bún cũng bỏ chạy vào để dặn một câu mà mấy ngày sau nàng dặn cũng được. Chàng chắc Mùi vừa làm bếp vừa nghĩ bụng về việc buôn bán, cái cân mới sẽ mua về - mà chàng rất ghét - chắc là làm nàng sung sướng lắm.
Ăn bún xong, Mùi nói với ông Lang:
"Thưa thầy nay mai con đi cân gạo. Con đã bảo anh Siêu đi Hà Nội mua cái cân".
Ông Lang ngạc nhiên:
"Đi cân gạo à? Vốn ở đâu ra?"
Mùi mỉm cười:
"Con lại thuê cả toa tầu nữa. Còn vốn..."
Nàng hạ giọng sợ bà Cai ngồi bên kia nghe thấy:
"Vốn, thầy không nhớ à, anh Siêu anh ấy đưa con cả ba trăm để buôn bán lấy lãi chi tiêu. Con đã nhận lời và định đi cân gạo. Chắc là lời to".
Ông Lang thì phiền hết sức; gần Tết ông cần tiền để sắm sửa cho người vợ goá ông Ký Thu, người mà ông đã lấy làm vợ nhưng còn để ở bên làng Yên Ninh giấu giếm chưa dám đưa về nhà. Đã mấy lần ông định hỏi vay Siêu nhưng còn ngại chưa dám hỏi vì Siêu mới về được ít lâu; ông định bụng gần Tết sẽ hỏi và chắc sẽ có món tiền đó. Bây giờ tiền đã ở trong tay Mùi ông hết cả hy vọng. Ông không bao giờ dám hỏi vay con gái cả, vì Mùi biết ông có đủ tiền để tiêu riêng còn tiền tiêu cả nhà đã có nàng lo liệu rồi. Nếu hỏi vay, Mùi tất sinh nghi. Mùi thấy nét mặt cha không vui khi nghe tin nàng bảo đi cân gạo tưởng là cha lo ngại sợ lỗ vốn. Nàng vội nói chắc:
"Cân gạo thì không thể lỗ được, thầy xem các bà Huyện Thanh, bà Ký Ân, cụ Hai Sinh người nào cân gạo cũng lãi to cả. Mà con mua toa, buôn thẳng đi Hải Phòng còn lãi gấp hai thế nữa".
Mùi đứng lên đi ra ngoài Xóm. Thấy cửa hàng mình đã đóng cửa, nàng bảo Bé chống cả các phên cửa lên. Bé không hiểu vì cớ gì và cũng không hỏi. Mùi cũng không nói gì với Bé; nàng nhìn ngang nhìn ngửa rồi giơ hai tay hất hất như muốn vất hết cả lò bánh, chõng bán nước đi. Mùi làm thế để tưởng tượng xem cái gian nếu bỏ trống thì có đủ rộng để đổ gạo không. Mùi lại đi sang bên gian bầy bàn có phủ khăn trắng, làm điệu bộ như dẹp cái bàn ép vào tường rồi nàng nhìn Bé và gật đầu mấy cái. Rồi Mùi cho ngón tay chỏ vào mồm, cắn vào ngón tay, dáng suy nghĩ. Nàng chạy vội ra ngoài đường đứng nhìn vào trong gian hàng, lại quay nhìn sang tay trái ra phía chợ và lắc đầu.
"Không được, ở đây xa, họ đón các hàng sáo cân hết, mình chẳng còn gì. Với lại bỏ cửa hàng bánh cuốn thì thiệt khá tiền".
Mùi nghĩ thầm thế, nhưng còn việc bỏ cái bàn phủ khăn trắng cả năm chỉ có một ông Ký Đông đến ngồi thì nàng không nghĩ tới. Nàng chỉ định dẹp nó lại một bên nhưng nếu thế nhà không đủ chỗ để đổ gạo.
Bé đứng trong nhà lật khăn che mắt lên nhìn Mùi và cố đoán xem Mùi định làm gì nhưng không đoán ra. Ông Ninh Ký cũng nhìn tròng trọc vào Mùi. Mùi mỉm cười với Bé rồi giơ tay làm hiệu bảo hạ phên cửa xuống. Nàng quay nhìn ông Ninh Ký một cái và bất giác mỉm cười với ông ta.
"Ít nữa đi cân gạo thì hết cả nhìn nhé?"
Rồi Mùi đi thẳng về phía chợ, qua nhà nào nàng cũng nhìn vào lần lượt cho đến nhà ông Năm Bụng ở cuối phố. Tuy nhà nào nàng cũng vào nhiều lần, quen lắm nhưng bây giờ nàng nhìn bằng con mắt người đi tìm chỗ tiện để cân gạo, nên trông vào các nhà một cách khác: người và đồ đạc nàng coi như không có và vì thế nàng không chào hỏi ai cả, chỉ chú ý đến cái nền đất. Mọi người ở phố thì tưởng nàng đi tìm người. Mùi thấy có hai cái nhà có thể thuê được, trong đó tốt nhất là nhà ông Năm Bụng ở cuối phố. Nhưng nàng cũng không hỏi dạm ai cả. Lúc trở về, Mùi rẽ vào thăm bà Ký Ân. Tuy chưa phải là đến để nói cho bà ta biết nàng cũng sẽ đi cân gạo nhưng nàng thấy được nhìn mặt bà ta lúc đó là một cái thích cho nàng.
Trong lúc Mùi nói chuyện với bà Ký Ân và hỏi xa gần về cách thức cân gạo của bà như là hỏi chơi cho biết thì Siêu ở nhà băn khoăn đi ra đi vào, đợi Mùi về. Chàng vừa chợt nghĩ ra được một ý kiến hay cho đời sống của chàng ở đây được yên ổn hẳn, nên định nói ra với Mùi ngay. Chàng thấy chưa nói ra được với Mùi và chưa được Mùi tán thành thì ý kiến ấy chưa chắc chắn đúng hẳn. Siêu tức Mùi tại sao lúc đó Mùi lại không có nhà, bỏ nhà đi chơi và đi chơi lâu thế.
Gần đến giờ ăn cơm chiều, Mùi mới về nhưng lại còn ngồi nói chuyện thì thầm với ông Lang. Đợi lâu lắm Siêu mới thấy Mùi đi qua sân xuống bếp. Chàng làm như ngẫu nhiên gặp Mùi và nói chuyện chứ không tỏ ra vẻ gì mong đợi đến tức cả mình.
"À này, cô nghĩ lại xem có nên cân gạo ngay không?"
Mùi lo lắng:
"Tại sao thế anh?"
"Tôi sợ tôi mới về đây mà đột nhiên cô lại có vốn đi cân gạo, thuê toa người ta sinh nghi chăng".
Mùi gật gật rồi chậm rãi bước theo chân Siêu đi về phía hiên nhà thờ. Trong lúc háo hức vì cái thích sắp được mua cân, đi buôn, nàng đã quên không nghĩ đến chỗ đó.
"Phiền nhỉ".
Mùi vén áo ngồi xuống giường, tựa tay trên bàn, nét mặt thờ thẫn. Siêu nhìn Mùi và biết là Mùi đã trúng kế mình:
"Cô thích đi cân gạo lắm à? Tôi nghĩ có cách này..."
Mùi ngửng lên nhìn Siêu. Siêu hỏi:
"Ở đây, đã có ai biết chuyện về thầy tôi chưa?"
Mùi đáp nhanh:
"Chưa".
"Cả bà chủ Nhật Trình mà cô nói là cái gì cũng biết".
Mùi cố nhớ lại hôm kể cho bà Ký Ân nghe về chuyện phải thuê nhà. Nàng không nhớ rõ lắm nhưng cũng đáp:
"Bà ấy chỉ biết là anh với bác về đây thôi".
Siêu nhìn ra sân, nét mặt làm ra có dáng suy nghĩ. Chàng gật đầu, lẩm bẩm:
"Thế thì tốt. Chỉ hơi phiền cho tôi một tí thôi".
Chàng yên lặng và đợi xem Mùi có hiểu ý mình không. Nhưng không thấy Mùi nói gì và xem chừng Mùi cũng chưa hiểu ý mình, chàng lại thong thả nói tiếp:
"Tôi về đây không nên đi giao du với mọi người. Cô nghĩ xem điều thứ nhất bác thì như thế, không nên để nhiều người đến chơi nhà. Điều thứ hai tôi đi lại giao thiệp nhiều với họ, họ sẽ biết đến chuyện thầy tôi. Cứ như bây giờ, ở đây, không ai chú ý đến mình, cũng chẳng biết mình là ai, thì cô vẫn có thể đi cân gạo được, và thầy tôi lúc nào trốn về thăm nhà cũng kín đáo hơn. Nhưng tôi cần là cứ phải ở đây. Ở ngoài xóm lộ quá. Việc làm nhà, trong một lúc nghĩ viển vông nói mà chơi thôi. Cũng vì thế, mà từ hôm tôi về muốn lắm mà có dám đi ra phố Phủ chơi đâu. Cô thì cứ lại giục tôi đi chơi nhà này nhà khác...
Mùi thì cho Siêu nói là phải chỉ vì lý ấy nàng vẫn đi cân gạo được. Nàng cũng thấy trong lúc này cân gạo mà Siêu đi thăm hết nhà nọ đến nhà kia, người ta sẽ dễ dàng đem chắp hai việc bà Cai mới về và việc nàng bắt đầu có vốn lại với nhau. Mùi tươi hẳn nét mặt, bảo Siêu:
"Em thật viển vông như người ở trên cung trăng".
Nói đến đây, nàng mỉm cười nghĩ thầm chính Siêu viển vông như người ở trên cung trăng mà thỉnh thoảng lại có óc thực tế hơn nàng nhiều.
"Như lúc nẫy em lại lú ruột bảo anh ra thăm ông xếp ga. Thăm ông ấy cũng không nên, rồi lại còn bảo anh ra thuê toa. Anh mà có tiền thuê toa thì còn lộ bằng mấy lần cái nhà tây hai từng ở ngoài xóm".
Siêu hất cằm tự đắc:
"Đấy cô xem. Cô cũng chưa nói với ai là tôi định dậy học tư chứ?"
"Chưa anh ạ. Nhưng phiền nhỉ, anh không đi lại thì dậy học tư thế nào được".
Siêu thở dài một cái như buồn phiền:
"Kể thì phiền thực. Nhưng làm thế nào. Một đằng cô đi cân gạo lãi trông thấy ngay, một đằng dậy học trẻ phải làm cái nhà rộng, lộ quá mà học trò chắc đâu đã có mống nào. Lại gây xích mích với ông Đốc trường Phủ, với nhà nước mà mình thì đương là một người có tội".
Cái lý nhẽ sau cùng, lúc đó chàng mới bật nghĩ ra và lý đó chàng thấy chắc chắn lắm.
"Đấy cô xem, giá cô không đi cân gạo tôi cũng chẳng dậy được học tư. Phiền thực nhưng ở đời vẫn có những cái phiền thế, làm thế nào. Được cái đã có cô đi cân gạo".
Siêu lại lấy làm bằng lòng mình lắm. Trước khi Mùi về, chàng mang máng thấy việc không nên giao thiệp với ai là đúng chỉ vì nó tiện cho chàng; không ngờ lúc nói với Mùi những lý nhẽ ấy lại thành cứng lắm, được Mùi nhận là phải ngay. Siêu thích nhất là đã tìm được thêm một lý nhẽ mới làm cho chàng từ nay về sau được hoàn toàn yên tâm hẳn; chàng phải tránh đụng chạm với đời vì chàng là một người có tội.
Mùi nói:
"Thế thì phiền cho anh thật. Nhưng đã có em".
Siêu thì mừng rằng Mùi không nhận thấy cái ý ngầm của mình, nàng vẫn tưởng chàng thích dậy tư, thích đi lại chỉ vì việc nàng cân gạo mà không được toại ý. Chàng nghĩ bây giờ chỉ còn làm xong việc mua cân là hết và nghĩ đến đây chàng định tâm làm cho xong ngay việc đi:
"À cô đưa tôi ba trăm. Mai tôi đi Hà Nội đổi tiền và mua cân".
Ngày hôm sau Siêu đi Hà Nội và đem được cái cân lên xe lửa mà không bị việc gì khó chịu. Nhà bán cân bán với giá bao nhiêu và phu khuân đòi bao nhiêu, chàng trả theo đúng giá họ nói. Tuy biết là hớ, bị họ đánh lừa mình, nhưng vì mới đổi ba trăm ra bạc lẻ chàng thấy mình giầu lắm và không khó chịu vì thiệt tiền như trước kia. Vả lại chàng đã định tâm trước là họ có nói bao nhiêu thì trả bấy nhiêu chàng cứ đúng thế mà làm, không nghĩ ngợi gì. Đến ga Phủ Lệ đã có Mùi ra đón và chàng đã dặn trước Mùi khi tàu đến thì Mùi cứ bảo người lên khuân xuống và chàng cứ việc đi thẳng về nhà trước.
Xe lửa đến ga, Siêu nhìn ra thấy Mùi ngơ ngác nhìn hết toa nọ đến toa kia và khi trông thấy chàng thì tươi hẳn nét mặt và rón rén bảo Nhỡ đứng bên cạnh:
"Đây rồi, đây rồi".
Siêu vờ như không quen biết gì Mùi cả. Lúc đó chàng thấy sắc đẹp của Mùi là bất tiện. Mấy người con trai đứng cạnh chàng nhìn Mùi và thì thầm. Họ không dám nói to vì có lẽ họ tưởng chàng là chồng hay là anh cô gái nhưng chàng cũng đoán là họ đương khen Mùi đẹp. Siêu thấy trong lòng vừa vui thích vừa khó chịu. Lần đầu tiên nhìn Mùi đứng ở giữa một đám đông, chàng càng nhận thấy Mùi đẹp và đối với chàng có vẻ là lạ như một người con gái thường không phải là em họ chàng nữa. Nhưng chàng khó chịu vì tưởng như cả toa xe lửa, cả sân ga ai cũng chú ý vào đôi mắt đen, hai gò má hồng của Mùi, vào cái cân và chàng. Siêu cau đôi lông mày lại. Chàng sợ Mùi cười hay nói với chàng, không làm đúng như đã dặn trước nên chàng phải cau sẵn lông mày để Mùi nhớ. Tàu đỗ, chàng vội xách va li đựng tiền đi xuống trước khi Mùi và Nhỡ lên toa, rồi đi thẳng về phía cửa ga làm như cả cái cân và cả Mùi không phải thuộc về chàng. Mùi đã phải lôi thôi một lúc với ông Ký thu vé vì việc không có vé trước. Đối với người quen khác thì ông Ký cho đem đi ngay nhưng đối với Mùi ông muốn làm khó dễ để cốt được nói chuyện và nhìn mặt Mùi lâu đôi chút.
Nhỡ đặt cái cân lên xe kéo đi trước và Mùi đi theo sát cạnh xe. Những người quen ở phố ai cũng nhìn ra.
"Cân cô mua đấy à?"
"Cô mua cân làm gì thế?"
"Cô Mùi chắc mua cân để cân gạo".
Mỗi người hỏi, Mùi lại quay mặt vào, mỉm cười và trả lời vắn tắt:
"Vâng. Cháu mua cân, cân gạo".
Mùi thấy vui thích trong lòng vì tưởng tượng mọi người đương thầm khen mình đảm đang, buôn bán giỏi, mẹ chết sớm mà nuôi được cả nhà lại còn để dành được vốn cân gạo. Mùi càng nghĩ càng thấy cái cách của Siêu là hay vì làm thế ai cũng tưởng là nàng có tài buôn bán, tự mình để dành được vốn. Nàng nghĩ thầm:
"Anh ấy lờ phờ thế mà nghĩ được cái gì là chính mực cái ấy. Còn mình thì chỉ được cái nóng tính hão".
Còn đảm đang thì lúc đó nàng cũng tự thấy mình là đảm đang thật. Nàng đi nhanh sát lên gần xe và giơ tay đẩy xe giúp Nhỡ. Cái cân mới bóng loáng dưới ánh mặt trời Mùi thấy như là có một cái tương lai rực rỡ. Nàng đưa mắt nhìn xem có Siêu đi ở đằng xa không và ngạc nhiên hết sức thấy Siêu đã đi tới gần cổng nhà. Siêu xách cái va li nặng mà đi được nhanh thế.
Nhỡ vác cái cân vào nhà. Mùi cho tay vào túi lấy tiền, nàng trù trừ ngẫm nghĩ một lát và lấy ra hai hào đưa Nhỡ, làm Nhỡ ngạc nhiên hết sức. Ra đến ngõ Nhỡ tung hai hào lên rồi lại bắt lại miệng lẩm bẩm:
"Công trả bằng bốn lần tiền. Cuộc phù thế nhân sinh ơi..."
Thấy cái cân đã đặt ở giữa nhà rồi, Mùi đứng chống tay ngắm nghía và lúc đó nàng mới có cái cảm tưởng việc cân gạo của nàng là một sự thực chắc chắn rồi. Bà Cai cũng ngắm nghía cái cân rồi cười gắt lên một tiếng bảo Mùi:
"Bảo thằng Quý nó cất đi, đừng để trẻ nó làm hỏng cái cân si mo. Lần sau lấy gì mà cân".
Mùi mỉm cười chạy lại chỗ bà Cai ngồi:
"Thưa bác đấy là cái cân cân gạo của cháu đấy ạ. Cháu sắp đi cân gạo. Bác có thích cân gạo không?"
Nàng nhận thấy nói với bà Cai như nói với một đứa trẻ. Nàng nhìn bà Cai và thấy lòng dịu dịu thương yêu bà Cai như một người mẹ. Nàng giơ tay sửa lại mép khăn vuông của bà Cai và phủi phủi mấy cái trên vai áo:
"Nó đã đun thuốc bác xơi chưa?"
Câu ấy tình cờ giống như hệt một câu nàng đã nói với mẹ nàng độ mẹ nàng ốm chết. Mùi thấy trong lòng nao nao vội đứng lên vì nàng thấy trước nếu nói thêm một câu gì thân yêu với bà Cai nữa thì không sao nhịn được khóc. Mà Siêu đã dặn nàng không nên để ai khóc trước mặt bà Cai vì sợ cơn bệnh của bà lại tăng lên.
Mùi chạy vào buồng, khép cửa lại rồi mở cái hòm chân lấy ra cái hộp đựng tiền. Nàng tháo cái gói giấy đỏ bọc những đồng bạc của mẹ nàng cho làm vốn trước khi chết. Có một đồng bạc mới còn toàn là bạc cũ, lại có cả một đồng còn xám đen vì đã dùng đánh cảm cho mẹ nàng. Mùi nhớ lại câu mẹ nàng dặn trước khi chết: "Nếu mẹ chết thì con thắt lưng cho chặt cố làm ăn nuôi em đi học và săn sóc thầy. Đây mẹ chỉ còn số tiền này thôi cho con làm vốn. Con chịu khó làm ăn thì không bao giờ sợ chết đói". Mùi chợt thấy nhói ở tim nghĩ đến chỗ bây giờ mẹ nàng không còn sống nữa để được trông thấy nàng đi cân gạo; chắc là mẹ nàng vui lòng lắm. Mùi không bao giờ khóc ra nước mắt. Sợ bà Cai nghe thấy, Mùi há miệng thở thật mạnh và thật lâu cho khỏi khóc to tiếng và nước mắt nàng chẩy xuống ướt cả cái gói giấy đỏ. Nàng ngửng nhìn lên chỗ khe sáng ở gần mái nhà, rồi thì thầm nói như là nói với bà Lang mà nàng tưởng như ở trên trời sau cái khe hở sáng ấy:
"Bây giờ đẻ đi đâu?"
Siêu đợi mãi không thấy Mùi xuống để nhận tiền. Chàng mỉm cười vì thấy Mùi mê mệt về cái cân mới quên cả cái thích lớn hơn là xem ba trăm bạc đồng còn mới nguyên vừa lấy ở nhà băng ra. Chính Siêu cũng thấy ba trăm đồng bạc đồng tuy nặng thật nhưng thích hơn ba tờ giấy một trăm nhiều. Siêu xách cái va li tiền, khẽ ẩy cửa buồng Mùi bước vào rồi lại khép ngay cửa lại. Chàng đứng dừng ngơ ngác; thấy Mùi ngồi trước cái hộp tiền để ngỏ, nước mắt ròng ròng trên má và mắt thì nhìn lên cái khe hở ở mái nhà, chàng tưởng là Mùi đã bị mất trộm cả số tiền để dành. Mùi quay mặt và khi thấy Siêu và nàng vội gạt nước mắt và mỉm cười:
"Em hay mau nước mắt lắm, phải không anh?"
Siêu biết là không phải Mùi mất tiền. Chàng nói:
"Tôi tưởng là cô mất hết cả tiền. Cũng không sao, đã có số tiền này. Thế tại sao cô khóc?"
Mùi lấy vạt áo lau mắt và má nhưng ngực vẫn phập phồng nức nở một hồi lâu. Nàng làm hiệu bảo Siêu đặt cái va li tiền xuống giường:
"Em có khóc đâu. Nước mắt trào ra đấy chứ. Đây anh xem, đồng bạc này trước để dành đánh cảm cho đẻ em trước khi đẻ em mất. Cả số tiền này em vẫn cố giữ nguyên, có chết đói cũng không tiêu đến nó. Bây giờ lại có thêm chỗ này".
Nàng mở va li, tháo những gói giấy rồi đưa tay sờ những đồng bạc còn mới nguyên sáng loáng, miệng nàng vẫn nói tiếp:
"Không bao giờ phải tiêu đến tiền đẻ em cho em. Em sẽ giữ nó suốt đời. Khổ, mẹ em làm ăn vất vả mà cả đời gặp toàn việc không may, đến lúc chết cũng chỉ còn có mười đồng bạc này. Đẻ em không sống đến bây giờ để được trông thấy số tiền này, đẻ em chắc mừng lắm. Đẻ em cũng không bao giờ tưởng em lại có đủ vốn để đi cân gạo... Nhưng thôi không nói nữa, em lại sắp khóc bây giờ".
Siêu nói:
"Tại sao cô lại cứ nhắc đến những việc qua rồi. Chỉ thêm làm khổ mình..."
"Nhưng em có khổ đâu. Những lúc nào em không khóc được em mới khổ. Em khóc xong trong người nó nhẹ hẳn đi, dễ chịu lắm. Anh không biết, khóc thích lắm cơ".
Chương XIII
Tý thông minh
Bác Lê gái sực thức dậy nhưng bác chưa tỉnh hẳn. Thấy lành lạnh ở hai vai, bác lui người để vai mình chạm vào vai Út và một lúc lâu, hơi nóng của người Út truyền sang làm bác ấm áp dễ chịu và thiu thiu ngủ lại. Bác giơ tay với cái đầu chiếu nhưng quờ quạng một lúc không sờ thấy, bác mở hé mắt để tìm. Bỗng bác giật nẩy mình, tung chiếu ngồi nhỏm dậy, cốc một cái vào đầu Út làm Út cũng giật mình ngồi nhổm dậy theo.
"Chết tôi rồi. Sáng bảnh mắt rồi còn gì nữa".
Bác nghiêng người tung chăn của Thêm và Nữa và ra cốc đầu đánh thức Tý dậy.
Sau hôm Tý ốm, được một độ bác không cốc đầu các con nữa; những lúc tay ngứa ngáy bác chỉ đập đập vào vai các con mấy cái, nhưng dần dần những lúc nào có cái gì thích chí quá, bác lại xoay ra cốc đầu vì bác thấy cốc đầu như thế chúng nó mới nhận thấy cái thích của mình truyền sang một cách thấm thía hơn nhiều. Chúng nó đau, dúi đầu xuống một cái nhưng miệng thì cười xoà như tán đồng cái vui của thím Thế rồi lâu dần, cả những lúc tức bác cũng cốc đầu vì bác chỉ thấy làm thế mới hả được tức. Lũ trẻ con cũng không lấy thế làm lạ và chính bác cũng không để ý là mình đã trở lại tính cũ.
Bác lấy rá ra đong gạo thổi cơm sáng, quên cả rửa mặt. Hôm qua bác Lê trai sang bên phố Phủ uống rượu say về, cả nhà lục đục thức khuya, vì thế bác mới ngủ quên. Nhìn chồng thấy chồng hãy còn ngủ nhưng bác không đánh thức và định bụng nếu chốc nữa đem cơm lên mà chồng chưa dậy thì bác sẽ ăn hết phần để chồng đói cho biết thân.
Tý ngồi thủ tay vào bọc, mỉm cười một cách hơi buồn vì nhớ lại tối hôm qua nó đã sợ hãi hết sức và vì thế không dám nhìn bố mẹ đánh nhau. Nó nhắm nghiền mắt lại và cố ngủ trong khi tai nghe những tiếng huỳnh huỵch và kêu thét. May quá nó ngủ đi được và sáng nay thức dậy nó lấy làm lạ là mọi việc đã trở lại như thường; mẹ nó đi lấy gạo thổi cơm và cha nó vẫn nằm kia quấn chiếu ngủ như là việc hôm qua đã không xẩy ra. Tý nhìn bác Lê nằm thẳng quấn tròn cái chiếu, đầu thò ra ngoài, trông giống một cái gì nó đã được nhìn thấy nhiều lần và nghĩ một lúc nó lẩm bẩm:
"Trông như con sâu kèn".
Thêm và Nữa thì đương bận lấy cái bao tải phủ lên chỗ chiếu ướt nước giải. Chính chúng cũng không biết là ai đã đái dầm đêm qua và cũng không nghĩ đến sự đổ lẫn cho nhau nữa; đã nhiều lần chúng cãi nhau nhưng vì cả hai đều cởi truồng mà bác Lê gái không sao phân biệt được và đánh đòn cả hai đứa, vì vậy nên lâu dần chúng coi như là cái tội chung cùng chịu. Cũng có lần, một đứa nhớ lại là ban đêm chính nó đái nhưng vì thấy đứa kia không nói gì nên nó cũng lờ đi. Hôm nay chúng mừng là mẹ đã không để ý đến chỗ chiếu ướt; chúng dậy xong, chạy đi chơi, hy vọng đến lúc mẹ chúng giở đến bao tải thì nước giải đã khô rồi. Dẫu sao, sang bên cửa hàng, xem cô Mùi hấp bánh cuốn, chúng cũng sợ hãi và ngường ngượng như là cái tội chúng đái dầm cô Mùi cũng đã biết và tất cả mọi người trong xóm đều biết hết cả rồi.
Bác Lê trai cũng thức dậy, cầm cái khăn tay ra sông rửa mặt. Lúc trở vào thì mâm cơm đã dọn và cả nhà đã ngồi quanh mâm cơm. Bác nhìn vào mâm cơm một cái rồi đi về phía ổ rơm với điếu thuốc hút. Hút xong, bác ngồi yên.
Bác Lê gái nhìn chồng và cũng ngồi yên đợi. Bác không hiểu vì cớ gì mọi người đều đã ngồi vào mâm mà chồng chưa ăn lại còn bắt mọi người đợi. Bác không muốn cất tiếng mời chồng hay bảo con ra mời sợ như thế là mình làm lành trước, điều mà bao giờ bác cũng tránh mặc dầu bác đã hết cơn tức chồng uống rượu. Còn nếu cứ bảo con ăn trước thì tức là dậy cả lũ con không cần gì đến bố. Thành thử cả nhà cứ ngồi yên quanh mâm cơm và nhìn lẫn nhau một cách khó chịu. Tý nhìn mẹ, thấy mẹ ngồi yên nhìn mâm cơm, nó ngẫm nghĩ không biết có nên cất tiếng mời bố không sợ mẹ đương giận bố, mời bố biết đâu không bị mẹ cốc đầu, nhất là lúc đó nó lại ngồi ngay bên tay phải mẹ nó. Tý lại đưa mắt nhìn bác Lê trai và thấy bố cũng ngồi yên nhìn mâm cơm, nó ngẫm nghĩ không biết cha mình còn đợi gì.
Cứ như thế một lúc lâu lắm và trong lúc đó óc Tý làm việc rất dữ dội Bác Lê gái đợi lâu và bắt đầu tức chồng cho là chồng đã có lỗi lại còn làm cao, ngồi đợi để bác phải mời mới chịu lại ăn cho. Bác tức nhất Tý và lại thấy Tý là ngu ngốc vì đã lớn tuổi mà không biết tự ý mời bố, không cần đợi mẹ bảo. Bác thì nhất định bác không thèm mời. Bác cầm lấy đôi đũa toan gắp ăn nhưng nếu bác ăn thì tất cả trẻ đều ăn. Bác lại chống đũa xuống mâm, giận đã bắt đầu ứ lên cổ, bác thấy trước là bác không thể yên được nữa, bác sẽ vứt cả đũa, hất cả mâm cơm đi rồi muốn ra sao thì ra. Vừa lúc tình thế đương rất găng thì Tý thấy bố như xuống bếp, nó nghĩ ra và cất tiếng nói:
"Thưa thầy anh Nhỡ hôm qua kéo xe không về".
Bác Lê trai đáp:
"Thế à? Tao cứ ngỡ nó ở dưới bếp nên cả nhà còn ngồi đợi nó lên, chưa ăn".
Bác Lê gái thở mạnh một cái:
"À ra chồng mình tưởng cả nhà đợi Nhỡ lên nên cũng ngồi đợi chứ không phải định làm cao. Thế mà mình không biết".
Bác lại thấy hết cả giận. Bỗng bác giật nẩy mình, quay nhìn Tý:
"Nhưng sao cái thằng ranh con này nó lại biết".
Bác Lê trai đi lại phía mâm cơm ngồi xuống chỗ của mình. Bác cũng vừa chợt nghĩ đến chỗ lạ lùng ấy, hỏi Tý:
"Nhưng sao mày lại biết là tao đợi thằng Nhỡ".
Không đợi Tý trả lời, bác nói luôn như nói một mình, giọng đùa:
"Ừ, thằng này thông minh. Ngày sau làm nên và cũng được uống rượu tây như tao độ nào".
Bác quay lại nói với vợ:
"U mày cứ bảo nó ngớ ngẩn mãi đi. Ngày sau già không khéo lại nhờ nó".
Bác Lê gái bĩu môi:
"Nó chẳng vẫn cứ ngớ ngẩn thế là gì. Lần này may trúng. Thằng ngáp phải ruồi".
Hai vợ chồng đã phá tan được sự ngượng nghịu. Câu nói ngáp phải ruồi của thằng Tý cũng đã có cái may ngăn được một sự lục đục vừa xẩy ra sau một đêm đã khổ sở lắm rồi.
Ăn cơm xong, Tý bưng mâm đi ra phía sông rửa bát. Nó ngước mặt nhìn trời một cách sung sướng vì đã được cha khen là thông minh.
Tý đi khỏi, bác Lê trai nói với vợ:
"Hay u mày nói phải, chứ nó đâu lại tinh ý quá như thế. Nó phải chú ý đến chỗ bao giờ cũng đợi ăn một lúc, cái đó thì dễ đoán, nhưng về chỗ chỉ có mình tôi vì say hôm qua mà không biết là Nhỡ không về, nhất là nghĩ ra được là tôi đợi thằng Nhỡ, chỗ ấy nó đoán được thì thật là tài quá".
Ngẫm nghĩ một lát, bác lại cất tiếng:
"Ờ, nhưng không phải nó nói một câu ngáp phải ruồi. Nó phải biết là tôi đương ngồi đợi thằng Nhỡ nó mới bảo tôi là thằng Nhỡ hôm qua không về chứ. Ừ, nó thông minh thật đấy; một đứa trẻ mới lên chín mà nhanh ý thế, thật ít có. Bu mày ạ, phải cố sống cố chết cho nó đi học, ừ cho nó đi học bu mày ạ ..."
Nhất là lúc đó bác còn hơi men nên bác lại càng cao hứng, bác nói chuyện với vợ về cái hy vọng Tý sẽ thi đỗ cũng như con ông Năm Bụng:
"Ông Năm Bụng nghèo thế cũng nuôi con đi học tận Hà Nội nữa là. Nó mà thi đỗ thì mình tha hồ danh giá với làng nước, về làng tậu rung tậu nương. Bu mày xem".
Bác Lê gái nói:
"Ông Năm Bụng là con một ông Bố, mình bì thế nào được".
Bác Lê trai cãi:
"Thế ngày xưa chả có con anh Mõ làng đỗ Trạng là gì?"
"Đấy là chuyện phường chèo".
"Chuyện phường chèo đâu, chuyện thật đấy chứ. Cô Mùi có kể cho tôi nghe mà".
Bác Lê gái đứng dậy. Chính bác cũng thấy Tý thông minh nghĩ ra được là chồng mình ngồi đợi Nhỡ mà mình thì không nghĩ ra và bác cũng mang máng nhận thấy Tý cũng đã biết để ý đến cả cái khó chịu của bác lúc đó nữa; nên mới nói ra câu ấy để chồng mình đến ăn cơm và mình hết khó chịu. Nhưng nghe chồng nói, bác không tin lắm và tên Mùi tình cờ nhắc đến làm bác nghĩ ra việc chạy sang hỏi Mùi, người mà bác vẫn phục và tin nhất. Mùi thấy bác Lê gái chạy vội sang, giật mình hỏi:
"Việc gì thế bác Lê?"
Bác Lê mỉm cười cho Mùi khỏi lo và đáng lẽ hỏi Mùi về Tý bác lại nói ngay:
"Thằng Tý nó thông minh lắm cô ạ".
Mùi mỉm cười tự hỏi không biết vì cớ gì bác Lê đã nhận thấy Tý thông minh. Nàng nói:
"Thế à? Tại sao bác biết nó thông minh".
"Cô ạ, nó biết là thầy nó đợi thằng Nhỡ".
Mùi không hiểu tại sao Tý biết bác Lê trai đợi Nhỡ lại thông minh nhưng nàng cũng không hỏi thêm và gật đầu như hiểu thấu cả. Nói chuyện với bác Lê gái, nhiều lúc nàng thấy khó hiểu vô cùng. Việc gì bác biết bác cũng tưởng như người khác biết rồi và có khi đương nói chuyện bác yên lặng ngẫm nghĩ rồi thốt ra một câu không có liên can gì đến câu chuyện cả. Bác nghĩ rồi bác nói tiếp theo ý nghĩ của bác làm như người kia cũng đã biết những ý nghĩ thầm của bác rồi. Mùi nói:
"Thế tôi đã bảo nó thông minh bác không nghe tôi. Nó mà được đi học..."
Bác Lê vội ngắt lời Mùi:
"Nó đi học có được không?"
"Sao không được, nó mà được đi học thì có thể đỗ đến Đít-Lôm".
"Thế à cô? Thầy nó định cho nó đi học".
Bác sợ Mùi cười bác ngông cuồng, dám có ý tưởng cho con đi học, nên vội đổ cho đó là ý của chồng. Mùi mới chợt nghe cũng cho là một ý tưởng ngông cuồng, nhưng nghĩ thật ra cho Tý đi học cũng chỉ thiệt ít công việc giúp đỡ ở nhà chứ cũng không tốn kém mấy. Nàng sẽ bảo Triết cho Tý ít giấy bút, sách vở cũ. Tý không học được cũng không hại gì, nhỡ ra nó học giỏi thì hai bác Lê tha hồ sung sướng. Mùi thấy mình cảm động và vội nói ngay với bác Lê tuy biết là sau này chắc sẽ hối hận vì nóng tính:
"Tôi sẽ cố giúp bác cho nó đi học. Tôi độ này làm ăn khá chắc có thể giúp bác được ít nhiều".
Thế rồi Mùi nói về việc cho Tý đi học và háo hức không kém gì bác Lê gái.
"Để tôi về hỏi lại thầy nó. Cô đợi tôi một tí".
Bác Lê gái chạy về, lại quay trở lại hỏi:
"Cô bảo nó đỗ đến gì cơ?"
"Đỗ Đít-Lôm, bổ đi làm ông Thông ông Phán".
Bác Lê vội chạy về nhà bảo chồng:
"Phải đấy, thầy mày nói phải, phải cố sống cố chết cho nó đi học. Cô Mùi bảo nó ngày sau đỗ đến Đít-Lôm, bổ đi làm ông Thông, ông Phán. Cô Mùi cô ấy lại bảo giúp thêm cho nó đi học nữa".
Hai vợ chồng sung sướng như là Tý đã đỗ rồi. Bác Lê gái nghĩ hai vợ chồng cả đời làm ăn vất vả mà vẫn nghèo khổ, Nhỡ rất chăm chỉ nhưng cũng chỉ đủ nuôi miệng. Phải có đứa con đi học, thi đỗ. Bác tưởng đến một ngày kia, Tý đỗ rồi, được bổ đi làm ông Giáo, ông Phán, hai vợ chồng bác, cùng đinh trong xã hội, khố rách áo ôm, được cái danh giá làm bố mẹ một ông Giáo, về làng nở mặt với họ hàng, lại tậu được ruộng, làm được một cái nhà tây hai từng.
Nghĩ đến cả một đời nghèo đói, khổ sở; bác hạ giọng, nuốt nước bọt nói với chồng:
"Thầy mày ạ... nhà mình..."
Nhưng bác nghẹn ngào ở cổ không nói được và ứa nước mắt khóc. Tý vác rổ bát vào và đứng dừng lại ở cửa, ngơ ngác nhìn. Bác Lê trai vẫy nó lại. Bác định hỏi lại nó xem có thật nó đã đoán được hay là nó ngáp phải ruồi. Tý đặt rổ bát, sợ hãi chưa dám tiến vì thấy mẹ nó khóc và bố lại gọi đến. Bác Lê trai nhắc:
"Lại đây".
Tý đứng cạnh ổ rơm. Bác Lê trai hỏi:
"Sao lúc nẫy tự nhiên mày bảo tao là thằng Nhỡ không về".
Thấy cha đột ngột hỏi đến việc Nhỡ không về trong lúc mẹ nó nức nở khóc, Tý hơi lo:
"Hay là anh Nhỡ chết rồi".
Nhưng Tý không dám hỏi. Bác Lê gái nhắc:
"Sao mày không trả lời câu thầy hỏi?"
Tý vội đáp:
"Thưa thầy con thấy thầy không lại ăn cơm con lấy làm lạ; thấy thầy nhòm xuống bếp con tưởng là thầy đợi anh Nhỡ".
Bác Lê trai hỏi:
"Thế tại sao mày lại tưởng tao đợi thằng Nhỡ?"
Tý đứng yên ngẫm nghĩ lại càng làm hai bác Lê hồi hộp đợi. Tý đứng ngẫm nghĩ là ngẫm nghĩ không hiểu tại sao cha lại hỏi vặn về chỗ ấy, chứ không phải nó nghĩ về câu trả lời. Sau cùng vì bác Lê trai giục, Tý đáp:
"Cả nhà đủ cả chỉ thiếu một mình anh Nhỡ".
"Thế là khá".
Thấy cha mẹ vui vẻ nét mặt, Tý nghĩ thầm:
"À không phải anh Nhỡ chết".
Bác Lê trai lại hỏi:
"Thế mày có đợi anh Nhỡ mày không?"
"Thưa thầy không".
"Thế bu mày có đợi thằng Nhỡ không. Thế con Út thằng Thêm thằng Nữa có đợi thằng Nhỡ không?"
"Thưa thầy không".
"Thế sao mày lại cho là tao đợi thằng Nhỡ".
Câu sau cùng bác Lê trai hỏi dằn từng tiếng nên Tý lo sợ tưởng mình đã có gì hỗn đối với cha khi bảo cha đợi anh Nhỡ.
Bác Lê gái thấy chồng hỏi to tiếng quá, vội dịu giọng nói với Tý:
"Mày nghĩ thế nào thì mày cứ nói thật như thế. Không sợ gì".
Tý nghe mẹ nói, yên tâm vội vàng trả lời nhưng nó cũng không dám nói hẳn là cha say rượu mê man sợ như thế hỗn với cha:
"Thưa thầy chúng con không đợi vì chúng con biết anh Nhỡ không về".
Bác Lê trai nhìn vợ rồi hất hàm một cái, vẻ mặt đắc thắng và đầy vui sướng. Bác Lê gái lại oà lên khóc. Tý vò đầu không hiểu một tí gì cả.
Bác Lê trai vẫy Tý bảo ngồi xuống cạnh mình.
"Từ hôm nay mày không phải đi câu tôm nữa".
Tý hơi lo sợ tưởng có lỗi gì nên cha không cho đi câu tôm nữa, nhưng có hai tiếng ‘‘không phải’’ nên Tý yên tâm.
"Hôm nay mày ở nhà, bu mày cho quần áo, mua bút giấy cho mày đi học".
Nghe câu nói của cha bảo đi học, Tý không biết là thích hay khó chịu. Nó đưa mắt nhìn mẹ, dò hỏi. Bác Lê gái lấy vạt áo lau nước mắt rồi kéo Tý về phía mình:
"Con cố chịu khó học cho thầy bu vui lòng. Thầy bu biết là..."
Bác Lê trai làm hiệu bảo vợ yên vì bác sợ nói khen con quá làm Tý đâm ra kiêu căng. Bác gái không hiểu tại sao nhưng thấy chồng làm hiệu bảo đừng nói thì bác cũng ngừng lại. Bác ngắm nghía nét mặt Tý và thấy nét mặt Tý lúc đó đầy thông minh, không có vẻ ngớ ngẩn như trước nữa. Bác nhớ lại câu Thần Đa nói với bác đêm hôm đầu tiên ngủ ở gốc đa và đoán có lẽ cành hoa Thần Đa cho bác là một đứa quí tử và Tý là đứa quí tử ấy. Nghĩ ra chỗ đó, bác hoàn toàn tin là Tý thông minh và nhà bác Lê sau này khá là nhờ Tý.
Bác Lê trai bảo Tý:
"Thôi cho mày đi chơi".
Tý cũng muốn đứng lên chạy đi nơi khác ngẫm nghĩ. Nó mang máng thấy đi học là khó chịu nhưng cũng không chắc hẳn như thế. Từ trước đến giờ không bao giờ Tý ngờ có ngày bố mẹ lại cho đi học nên cái tin đột ngột làm Tý hoang mang thấy có một sự gì thay đổi lớn nhưng không biết sự thay đổi ấy có lợi hay không có lợi cho mình. Hai vợ chồng bác Lê sau một lúc háo hức lại bắt đầu lo ngại, chỉ mới nghĩ đến chỗ có một đứa con đi học hai bác đã thấy sợ hãi và ngượng với tất cả mọi người trong xóm tưởng như họ chê mình là ngông cuồng, kỳ quái. Mấy năm trước, dẫu cho đứa con thông minh đến đâu đi nữa, hai bác cũng chịu không tài nào cho con đi học. Gần đây làm ăn đã khá, có ít tiền để dành, cố sức thì có thể cho Tý đi học được nhưng hai bác vẫn thấy là việc ấy cao xa quá không phải vừa tầm những hạng người như hai bác.
Vì băn khoăn thế nên bác Lê gái thỉnh thoảng lại chạy ra cửa nhìn sang hàng Mùi xem Mùi có ngồi một mình không. Cửa hàng Mùi đã đông khách nên đợi lâu lắm không có dịp, bác vác chổi ra quét lá đa, quét sạch hơn mọi hôm như để tạ Thần Đa, rồi ra miếu thờ thắp hương khấn đi khấn lại hai ba lần. Bác đi ra cánh đồng nhặt lờ, nhưng về ngay chứ không đi bắt cua như mọi hôm.
Thấy Mùi ngồi một mình ở cửa hàng, bác rẽ vào và nói chuyện với Mùi về việc Tý đi học. Mùi thấy bác Lê có vẻ lo ngại, rụt rè nên bảo bác ta:
"Bác cứ làm như chính tôi bảo cho nó đi học và giúp nó đi học. Nếu nó học không được là lỗi tại tôi, không ai nói gì hai bác cả".
Rồi Mùi đứng lên bảo bác Lê gái đi theo mình về nhà. Có bao nhiêu giấy thừa, bút cũ của Triết và Siêu, nàng lấy đưa cả bác Lê. Rồi nàng giấu giếm đưa bác Lê hai đồng bạc để sắm sửa cho Tý.
Thế là hai bác Lê nhất quyết hẳn cho Tý đi học. Tối hôm ấy, đợi cả nhà ngủ say, bác Lê gái lần sang bên ổ rơm chồng nằm. Đã lâu lắm bác chưa ngủ chung với chồng lần nào nên bác hồi hộp lo sợ các con biết. Bác lắng tai nghe tiếng Nhỡ thở đều đều, có vẻ ngủ say, bác yên tâm. Đến gần chỗ chồng nằm, bác hắng giọng cho chồng khỏi giật mình hỏi to. Bác khẽ nhấc chiếu lên rồi chui người vào nằm sát cạnh chồng.
"Chưa ngủ chứ?"
Bác Lê trai đặt tay lên vai vợ, đáp:
"Chưa, cái gì thế?"
Biết là vợ sang chỉ cốt ngủ chung với mình chứ không có việc gì, bác thích lắm nhưng bác cũng cứ hỏi thế để cho vợ tưởng mình chưa hiểu ý vợ. Từ độ đẻ thêm thằng Thôi, hai vợ chồng bác vì sợ có thêm con nên kiêng ngủ chung. Bác Lê trai ban đêm khó chịu lắm nhưng không biết làm thế nào vì bác Lê gái đã tránh chồng nên đêm nào cũng ngủ chung với Út.
Bác Lê gái để ngón tay vào trán chồng, nói:
"Thôi, từ rầy đừng uống rượu nữa nhé, để tiền cho con nó đi học".
Bác Lê trai cãi:
"Tôi uống rượu có bao giờ mất tiền đâu. Đáng lẽ có con đi học phải uống rượu mừng chứ. À mà mai phải mua con gà cúng khai tâm cho nó chứ. Cúng xong tôi uống rượu. Bác Lê gái cốc một cái vào đầu chồng:
"Đùa mãi. Này, phải xin cho nó đi học trước Tết".
"Cần gì vội thế".
"Cần lắm chứ. Cần nó đi học trước khi mình về thăm bà con, làng nước".
Bác Lê trai cất tiếng vui vẻ:
"Ừ phải đấy. Đằng ấy nghĩ chu đáo lắm".
Bác vừa nói thế vừa đặt chân lên đùi vợ. Bác Lê gái lấy tay hất chân chồng xuống:
"Này, tôi càng nghĩ càng nhớ ra là nó thông minh. Hôm nọ tôi lấy tay đo quần đo người nó, nó bảo sao không ướm thử có nhanh hơn không".
Bác Lê trai nghĩ bụng cho là không phải Tý thông minh mà chính vợ mình ngốc nghếch nhưng bác không nói ra. Bác lại gác chân lên đùi vợ, nói:
"Đẻ đứa nào cũng thông minh như nó thì đẻ bao nhiêu cũng không sợ".
Bác Lê gái hất chân chồng xuống và gắt:
"Thôi ngủ đi. Tán mãi. Hôm qua thức khuya thành ra buồn ngủ díu cả mắt".
Bác nằm sát vào người chồng nhắm mắt và cố yên lặng không nhúc nhích như đương thiu thiu ngủ. Bác Lê trai hiểu ý, mỉm cười rồi cũng vờ nằm yên như là mình cũng đã sắp ngủ rồi. Nhưng cả hai người đều thức và người nọ tưởng người kia ngủ. Nửa giờ sau, bác Lê trai cũng vẫn còn thức nhưng đã đủ thiu thiu say ngủ để đặt chân lên người vợ được tự nhiên và bác Lê gái thì chắc là chồng mình ngủ rồi, không cần nghĩ đến việc hất chân chồng ra nữa. 
Nguồn: Nhất Linh - Trong Tự lực Văn đoàn. Xóm Cầu Mới (Bèo giạt). Nhà xuất bản Văn Mới, California, Hoa Kỳ, 2002. Bìa: Nhất Linh. Hoạ bản: Nhất Linh. Trình bày: Nguyễn Tường Thiết. Copyright © Nguyễn Tường Thiết. Bản điện tử đăng trên talawas do Nguyễn Tường Thiết cung cấp.
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10117&rb=08

[i] Tiểu thuyết “Xóm Cầu Mới” có 23 chương, được talawas.org đưa lên thành 18 kỳ, Văn Việt chỉ xin trích từ kỳ 1 đến 4, từ kỳ 8 đến 10 và từ kỳ 15 đến 18