Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Hồ sơ Biên bản so sánh – bài 04: Hoàng Sa – Trường Sa: hai cảm thức, hai loài thơ, hai hưởng thụ

Inrasara

1. Xung đột và tranh chấp ở Biển Đông vào cuối năm 2007 và giữa năm 2011 cùng các hệ quả của nó, là một sự kiện chính trị xã hội lớn nhất Việt Nam trong thập niên đầu thế kỉ XXI qua hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở Sài Gòn, Hà Nội với những vụ bắt bớ, giam cầm tác động mạnh đến tâm thức người Việt khắp toàn cầu, qua đó tạo nên một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn chương tiếng Việt(1).

Cứ tưởng yêu nước là thứ tình tự phát, nằm yên trong sâu thẳm trái tim mỗi công dân để bất ngờ bột phát khi nó bị động đến. Nghĩa là thuần cảm tính. Nhưng ở xã hội Việt Nam hiện đại nó đã rất khác. Tình kia luôn bị lí trí can thiệp. Bản năng tính sơ khai được định hướng và định mức, từ đó nảy sinh chủ nghĩa yêu nước, rồi là phong trào thi đua yêu nước với đủ món phái sinh ra đời.

Đây biển Việt Nam, cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc do báo VietNamNet, Hội Nhạc sĩ và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức, là một trong những. Nó đã “tạo ra một cơn lốc về sáng tác, cắm cột mốc chủ quyền bằng tinh thần, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc trong lòng văn nghệ sĩ, người sáng tác trên toàn quốc...” – nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá(2). Non ngàn bài thơ và bốn trăm ca khúc đồng loạt ra đời chỉ qua nửa năm khai cuộc, đã khiến Ban Giám khảo phải “vật vã” (chữ của Trần Đăng Khoa) làm việc. Từ cuộc thi này ba bài thơ: “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến (đăng ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 5-2009); “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc (Vietnamnet, 8-2011) và “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai (Lethieunhon.com, 23-6-2011) nổi lên như hiện tượng.

Rồi khi hiện tượng thơ kia bắt tay với âm nhạc để tạo nên ca khúc thời thượng, thi sĩ càng nổi tiếng hơn. Riêng “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai do Đinh Trung Cẩn phổ nhạc [với tên “Tổ quốc gọi tên mình”] được trình bày vô số lượt ở các lễ hội lớn, nhỏ tỏ rõ tính định hướng thẩm mĩ độc giả được đẩy đến cao độ. Nó quá nổi tiếng để bất ngờ trở thành… tai tiếng(3).

Bỏ qua mấy nỗi người với bao bất trắc khó lường, ở đây ta nói về tâm thế của thi sĩ trước thời cuộc, và phương thức thể hiện nó qua thơ ca. Lâu nay ta cứ chủ trương (lại chủ trương) văn chương phải "bám sát thực tế cuộc sống". Nhưng dù cố bám sát tới đâu, do vướng định hướng và định mức, thái độ của các nhà thơ chính thống vẫn cứ chừng mực và đúng mực, thủ pháp mãi dừng lại ở cổ điển hay lãng mạn hậu thời. Bên cạnh “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc chắt lọc, Nguyễn Việt Chiến với "Tổ quốc nhìn từ biển” dàn trải với chung chung:

Nếu tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Cái chung chung kéo dài đến tận Nguyễn Phan Quế Mai, không khác.

Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình

Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá

Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả

Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây

Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi!

Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ

Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã

Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông

Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình

Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc

Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước

Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau

Sóng chẳng còn bình yên dẫn lối những con tàu

Sóng quặn đỏ máu những người đã mất

Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc

Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”

Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng

Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố

Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa

Tôi lắng nghe

Tổ quốc

gọi tên mình!

Vẫn là bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Dù thơ cũng biết chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước, cũng tin chắc chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng, hiện thực đời sống cứ như xa vời vợi với nỗi chung chung ấy.

2. Trong khi đó, ở phía ngoại vi đã rất khác. Nhà thơ không chỉ nhìn thấy những gì diễn ra ngoài biển xa, mà thức nhận cả hiện thực lồ lộ trong nước, trên đường phố trước mắt họ - hàng ngày. Không ai định hướng ai ở đó, thơ tự do phát tiết tương thích với đề tài này trong hoàn cảnh trớ trêu này, một trớ trêu có thể xếp vào hàng vô địch: “Tôi yêu Tổ quốc tôi mà tôi bị bắt”, như tên một bài thơ của Trần Mạnh Hảo. Có thi sĩ trích nguyên văn của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, cắt, thay đổi vài chữ để giễu nhại như Lê Vĩnh Tài, tạo nên hiệu quả nghệ thuật đặc biệt:

Ông Lê Dũng năm 2007: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"

Ông Lê ... năm 2027: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đảo Phú Quốc"

Ông Lê ... năm 2047: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền thành phố Sài Gòn"

(Lê Vĩnh Tài, "Khi nào bà muốn - xin hãy đến!")

P.K. có cách làm khác. Cũng trích "diễn văn" ấy: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, nhưng bài thơ tạo ấn tượng ở chính tiêu đề của nó: "Chỉ thiếu mỗi can đảm". Thế thôi, cũng đã nói lên được nhiều.

Nguyễn Quốc Chánh làm khác nữa. Bài thơ “Hoàng & trường sa [hành] đương thời” gồm các hình ảnh thời sự mang tính báo động, còn ngôn từ chỉ như một chú thích cho các hình ảnh trên, hiệu quả không kém. Tất cả đều cùng giọng giễu nhại cay đắng.

Vẫn còn là chưa đủ. Vẫn còn là chưa đủ với mười bài thơ bằng đủ giọng cười đau khóc hận khác nhau của Nguyễn Đăng Thường. Nguyễn Viện bày ra trò chơi “Game”:

1. Quốc hội Việt Nam người Tàu hay người Việt?

2. Chính phủ Việt Nam người Tàu hay người Việt?

3. Báo chí và Truyền hình Việt Nam quan tâm đến cái gì nhất:

A- Bóng đá?

        B- Sexy show Hoàng Thùy Linh, Yến Vi?

        C- Tàu chiếm Hoàng Sa & Trường Sa?

4. Bao nhiêu người có câu trả lời giống bạn?(4)

Cùng thế hệ, cùng đề tài, nhưng do khác tâm thức và khác thế đứng [trung tâm/ ngoại vi], trong khi Nguyễn Phan Quế Mai đầy chung chung hời hợt, thì Chiêu Anh Nguyễn cận cảnh, cụ thể đến từng chi tiết. Cũng chung một khí phách, cũng hừng hực lòng yêu nước, nhưng không giống Quế Mai, Chiêu đã biết tới xuống đường, đã đau lòng và khốn đốn trước những hàng rào chắn, xe công an, dùi cui, hiệu trưởng doạ nạt sinh viên, bạn bè tôi bị bao vây nhà, hạch hỏi bắt bớ, mời uống trà, theo dõi hành hung… (Chiêu Anh Nguyễn, “Đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước”.

3. Tại sao?

Bởi kẻ sáng tạo đích thực nằm ngoài sự định hướng và định mức nào bất kì. Họ viết, thế thôi, không cần phải đợi được ai đó cho phép hay không cho phép. Họ tự do trước mọi sự kiện, mọi chủ đề. Sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa kì 1 (2007), khi tình yêu nước của thi sĩ bị đánh động, họ nhập cuộc, bằng thơ văn và cả xuống đường.

Chưa trọn tháng, từ ngày 5-12-2007 đến 2-1-2008, mạng Tienve.org xuất hiện 59 lượt với 64 bài thơ của các khuôn mặt đã hay chưa thành danh, tạo nên một phong trào sáng tác tự nguyện chưa từng có về một chủ đề liên quan trực tiếp đến sự kiện chính trị xã hội. Trong khi đó phía chính thống hoàn toàn im lặng, một sự im lặng đầy ngờ vực. Mãi 40 tháng đi qua, sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa tái diễn, khi hành động ở phía Trung Quốc ngang nhiên và bạo ngược hơn đẩy sự kiện vào thế bấp bênh mang chứa nhiều nguy cơ bùng nổ hơn; và khi Nhà nước Việt Nam – nói như PK – đã "can đảm" hơn, để khi được “cởi trói”, các nhà thơ chính thống mới ồ ạt làm thơ yêu nước.

Như Quế Mai, mãi năm 2010 (?) sau khi “nghe thông tin về tình hình bất ổn ngoài biển Đông, cảm xúc trào dâng, chị đã viết “Tổ quốc gọi tên” ngay trên giấy ăn của hàng không dành cho hành khách”(5). Mà đâu chỉ mỗi Quế Mai.

4. Yêu nước và làm thơ yêu nước, thi đua với giải thưởng, thi sĩ còn đăng đàn [đủ loại diễn đàn] để bày tỏ lòng yêu nước đang trào dâng của họ trước khán thính giả hâm mộ. Cơ hội đến, nhà thơ càng có nhiều đất diễn hơn bao giờ. Bởi, họ yêu nước, mà không bị bắt!

Dẫu tình yêu nước là thiêng liêng, mỗi nhà thơ mỗi vị thế và tâm thế khác nhau sẽ thể hiện tình yêu đó khác nhau, thế nhưng ta vẫn dễ nhận ra ở đó bao nhiêu nhà thơ cơ hội và thơ cơ hội chen chân, có mặt.

Trong khi đó trớ trêu thay, ở phía khác – cũng mũi tẹt với máu đỏ da vàng – diễn đàn của “đồng nghiệp” họ không gì hơn ngoài website và blog; và thứ thù lao họ đón nhận cũng hoàn toàn khác: lịch sự thì được mời uống cà phê, muốn giải quyết nhanh gọn thì cho xơi dùi cui, chắc cú hơn cả là mời về nhà [đá] nghỉ.

Một sự kiện – hai thời điểm. Hai tâm thế và tâm thức sáng tạo khác biệt ấy – qua một sự kiện chung kết nối bởi tình cảm chung – tưởng sẽ là cơ hội đưa văn nghệ sĩ Việt [trong nước và hải ngoại, chính thống và phi chính thống] xích lại gần nhau, thế mà nhìn ở bề sâu, nó như đang đào sâu thêm cái hố phân cách ngoại vi/ trung tâm của văn học Việt Nam đương đại.

Buồn không?

______

(1) Inrasara, “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa”, BBC, 9-7-2011; và Tienve.orgn,

http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=13067

(2) Vienamnet, 17-2-2012 http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/60603/truyen-hinh-truc-tiep-le-trao-giai-day-bien-viet-nam.html.

(3) http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/to-quoc-goi-ten-minh-bi-to-dao-tho-nguyen-phan-que-mai-khang-dinh-bi-vu-khong-n20151002121059032.htm

(4) Các đoạn thơ trích từ website Tienve.org.

(5) “Tổ quốc gọi tên mình”: Cuộc giao duyên của thơ và nhạc”, báo Công an Nhân dân, 24-7-2015.