Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Hội nhập & bản sắc dân tộc

Nguyễn Văn Trọng

Trên trang mạng Văn Việt có bài viết Bàn về việc là / không là người Việt Nam của tác giả Nguyễn Thanh Việt. Tôi nhận thấy bài viết hàm chứa nhiều ý tưởng sâu sắc về vấn đề Hội nhập & bản sắc dân tộc vốn đang là vấn đề thời sự gây nhiều tranh cãi hiện nay. Nhân đây tôi muốn giới thiệu một số bàn luận về chủ đề này của triết gia Nga Nikolay Berdyaev (1874-1948). Dưới đây là những trích đoạn lấy ra từ tác phẩm Bàn về nô lệ và tự do (О РАБСТВЕ И СВОБОДЕ ЧЕЛОВЕКА) của ông, xuất bản lần đầu ở Paris năm 1939.

Ý tưởng hiện hữu những khởi nguyên vĩnh hằng của đời sống có hai ý nghĩa. Nó sẽ có ý nghĩa tích cực, khi những khởi nguyên vĩnh hằng được thừa nhận là tự do, công bằng, tình huynh đệ của con người, là giá trị tối thượng của bản diện cá nhân của con người, và không được biến bản diện cá nhân ấy thành phương tiện. Nhưng nó có ý nghĩa tiêu cực, khi những khởi nguyên vĩnh hằng được thừa nhận là những hình thức xã hội và chính trị mang tính lịch sử tương đối, khi những hình thức tương đối ấy bị tuyệt đối hóa, khi những thân xác lịch sử được hình dung có tính "hữu cơ", được phong thánh, thí dụ như nền quân chủ hay một hình thức sở hữu nhất định.

...

Xã hội bao giờ cũng là xã hội không phải chỉ của những người đang sống, mà còn là của những người đã chết nữa. Cái ký ức ấy về những người đã chết, mà lý thuyết thông thường về tiến bộ vốn thiếu nó, hoàn toàn không phải là ký ức tĩnh tại - bảo thủ, đó là ký ức năng động - sáng tạo. Không phải cái chết mà phục sinh mới có lời nói cuối cùng. Nhưng phục sinh không phải là phục hồi lại quá khứ ở trong cái ác và dối trá của nó, mà là biến cải. Chúng ta liên kết với quá khứ được biến cải - sáng tạo. Và quá khứ ấy đối với chúng ta không thể là gánh nặng của hạn định nô dịch. Chúng ta muốn cùng với quá khứ và những con người đã đi vào quá vãng bước vào một trật tự khác, đã được biến cải, vào một trật tự hiện sinh.

...

J. de Maistre nói rằng ông ta không biết con người nói chung, ông ta chỉ biết người Pháp, người Anh, người Đức, người Nga thôi. Ông ta có ý muốn nói rằng, con người cụ thể chứa đựng trong bản thân mình những nét dân tộc đặc thù, mà không được bỏ qua những nét ấy khi nói về con người. Marx nói rằng không có con người nói chung, mà chỉ có nhà quý tộc, gã tư sản, người nông dân, gã tiểu thị dân, người công nhân, tức là không được bỏ qua những chỉ dấu giai tầng, giai cấp xã hội của con người cụ thể. Và rồi cũng có thể nói được rằng, không có con người nói chung, mà chỉ có kỹ sư, thầy thuốc, luật sư, quan chức, giáo sư, nhà văn, v.v., tức là những chỉ dấu thiên chức nghề nghiệp của con người cũng đi vào con người cụ thể. Có thể còn đi xa hơn nữa và nói rằng, con người cụ thể là con người kia, có tên riêng, chứa đựng trong mình số lượng cực đại các chỉ dấu dân tộc, xã hội, nghề nghiệp và những thứ khác. Đó là một cách tiếp cận con người cụ thể, trong đó tập hợp lại số lượng tối đa các định phẩm dị thường. Thế nhưng có cách tiếp cận khác đối với tính cụ thể, theo cách tiếp cận này thì con người cụ thể nhất được thừa nhận là người vượt qua được nhiều nhất tính đặc thù và đạt được nhiều nhất tính phổ quát. Tính phổ quát không phải là cái trừu tượng, mà là cái cụ thể. Cụ thể nhiều nhất không có tính bộ phận, mà là phổ quát. Số lượng các chỉ dấu đặc thù có thể là chỉ dấu của tính nghèo nàn, chứ không phải tính phong phú, tức là chỉ dấu của tính trừu tượng. Con người, mà ở trong anh ta nổi trội thuần túy cái đặc tính anh ta là người Pháp, người Anh, người Đức hay người Nga, nổi trội cái đặc tính nhà quý tộc hay gã tư sản, vị giáo sư hay gã quan chức, hoàn toàn không phải là con người phong phú và về ưu thế không phải là con người cụ thể. Tính cụ thể là tính toàn vẹn, vì vậy mà nó không xác định bằng số lượng các chỉ dấu đặc thù. Con người cụ thể nhất là con người phổ quát, vượt qua tính hiếm có, tính cô lập, vượt qua tự khẳng định những chỉ dấu dân tộc, xã hội hay nghề nghiệp. Thế nhưng tất cả những chỉ dấu đặc thù được trình bày trong tính hiếm có của mình đều gia nhập vào tính phổ quát của con người cụ thể. Là người Nga thì tốt, là triết gia thì tốt, nhưng tính đặc thù hiếm hoi trong sứ mệnh triết học và tính chuyên môn thì lại là tính chất rất tệ, và cản trở tính cụ thể, tính toàn vẹn của con người. Tính phổ quát là đạt được sự đầy đủ. Con người cụ thể là con người có tính xã hội và không được tách con người ra khỏi tính xã hội. Thế nhưng tính xã hội thuần túy của con người biến anh ta thành một hữu thể trừu tượng, cũng y hệt như điều ngược lại: tách anh ta hoàn toàn khỏi tính xã hội. Xem xét con người như một hữu thể xã hội thuần túy là tình trạng nô lệ của con người. Khách thể hóa bản chất con người, biến con người thành hữu thể hợp thành từ những tính chất bộ phận, dân tộc, xã hội, nghề nghiệp, nhưng lại đòi được là tính toàn vẹn. Nhưng chính đó lại không phải là con người cụ thể, tính cụ thể là cập nhật hóa tính phổ quát. Con người cụ thể không thể là con người bị hạn định nhiều nhất, đó là con người tự do nhất. Con người có xu hướng tự nâng cao mình thông qua nhóm xã hội của mình, đảng phái, nghề nghiệp của mình, nhưng chính đó lại không phải là nâng cao bản diện cá nhân, mà là nâng cao vô diện mạo.

*

Tôi cũng muốn nhận xét thêm rằng con người lý tưởng trong các tôn giáo lớn như Phật giáo hay Kitô giáo đều không có liên hệ với một bản sắc dân tộc nào đó cả. Phải chăng có thể hiểu đó cũng là con người "vượt qua được nhiều nhất tính đặc thù và đạt được nhiều nhất tính phổ quát" như ý kiến của Berdyaev?