Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (127): Con Thúy (kỳ 6)

Duyên Anh

Chương 6

Giấc ngủ trưa thật ngắn. Vũ định tắm gội xong sẽ mang tặng Thúy ít hình đề can cô ma mi mà Vũ mua ở Hà Nội, chắc Thúy sẽ thích. Nhưng chưa bước khỏi giường, tiếng mi cô rè rè đã léo nhéo trước cửa:
- Đồng bao thân mến, phát xít Nhật vừa đánh vỡ đầu một cụ già của chúng ta ở bên kia cầu Bo. Cụ già sắp chết. Yêu cầu đồng bào đi biểu tình đả đảo phát xít Nhật để trả thù cho cụ già của chúng ta. Chú ý, chú ý... Đồng bào thân mến, phát xít Nhật...
Vũ vùng dậy, chụp khẩu súng và cái còi nhét vào túi quần xoóc rồi mở cửa chạy ra đầu phố. Côn, Luyến, Long, Lộc đã đứng chờ dưới cột điện. Một lát, nhi đồng cầu Kiến Xương ào ào kéo tới. Ở các phố khác, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng cũng đã đổ xô ra đường. Tất cả đều háo hức trả thù Nhật. Thị xã không còn bình thản như xưa. Luôn náo nhiệt. Ngày và đêm. Ngày mít tinh, biểu tình .Đêm ca hát, hội họp. Không ai hướng dẫn ai cả. Mạnh người nào người ấy tụ tập một nhóm đông để biểu dương lòng yêu nước. Chẳng ai xúi giục bọn thằng Vũ. Tự chúng nó, chúng nó quyến rũ hết nhi đồng cầu Kiến Xương.
- Nhi đồng cầu Kiến Xương phải chiến nhất tỉnh. Chúng mày mua kẹo chưa?
- Mua rồi.
- Kẹo đựng trong súng thủy tinh chứ?
- Ừ.
- Ăn hết kẹo chưa?
- Rồi.
- Đổ nước vào súng, lấy nút li-e đút kín chưa?
- Rồi.
- Chiến lắm. Bỏ áo vào quần rồi giắt súng trước bụng. Nhật lùn sẽ lác mắt.
Ba mươi ông nhãi, võ trang súng lục thủy tinh đầy nước lã, nhét trước bụng, hiên ngang đi biểu tình phản đối Nhật lùn. Đoàn người dài nửa cây số tuần hành từ đầu cầu Bo, vừa đi vừa hô các khẩu hiệu đã hô từ hôm cách mạng thành công. Những khẩu hiệu cũ rích mà ai cũng tưởng còn mới tinh. Nhi đồng cầu Kiến Xương đi sau rốt. Đến câu lạc bộ, đoàn biểu tình dừng lại, hướng mặt vào, hô các khẩu hiệu đả đảo Nhật rồi hát lớn bài "Diệt phát xít".
Việt Nam, bao năm ròng rên siết lầm than
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang
Loài phát xít cướp thóc lúa, cướp đời sống dân mình
Nào nhà tù nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình
Đồng bào tuốt gươm vung lên
Đã tới ngày trả mối thù chung...
Lính Nhật đứng bên trong tường sân vận động nhe răng cười. Đoàn biểu tình bỏ đi. Nhi đồng cầu Kiến Xương ở lại, bài hát:
- Này công dân ơi, nhớ chăng những ngày năm ấy. Giặc lùn tràn sang ngang nhiên rút bòn xương máu...
Tới câu chót:
-... Dắt tay đồng tâm trừ giống giặc lùn...
Ba mươi ông nhãi nhất loại rút súng lục thủy tinh đạn nước, chĩa vào câu lạc bộ. Nhiều đứa rút súng mạnh quá, nút li e bật ra, nước chảy văng tóe. Nhưng lính Nhật không cười. Lính Nhật mở to mắt một mí nhìn bọn thằng Vũ. Vài tên quen mặt Côn, Luyến, Lộc, Long, ném kẹo ra đường. Bọn thằng Vũ nghiến răng giẵm nát kẹo Nhật quăng. Rồi bỏ đi, Vũ ngoái lại:
- Sư bố Nhật lùn!
Nhi đồng quen miệng, hô luôn:
- Sư bố...
Vũ dẫn nhi đồng cầu Kiến Xương tới Vọng Cung. Ở đây, đoàn biểu tình tụ họp đông đúc. Người nọ kháo người kia sắp xử tử Việt gian. Côn nhẩy cỡn:
- Sắp xử tử Việt gian!
Tiếng mi cô rè léo nhéo:
- Cách mạng sắp xử tử thằng Ban, Việt gian, tay sai của phát xít Nhật!
Côn mừng rỡ:
- Đáng đời "thằng" Ban. Ai bảo nó đánh anh Đạo.
Côn chợt nhớ hình ảnh đau đớn hôm giổ tổ Hùng Vương năm ngoái. Anh Đạo bị lính Nhật giáng báng súng vào mặt, máu chảy ứa ra chỉ vì anh dám nhổ nước bọt vào mặt thằng Việt gian Ban. Không biết anh Đạo còn sống không. Chắc anh Đạo đã chết. Nhưng thầy Đàn sao chưa về, sao chưa thấy thầy ở Thái Bình?
- Thằng Ban bị bịt mắt, trói tay dẫn tới kia kìa...
Bọn thằng Vũ bỏ rơi nhi đồng khu cầu Kiến Xương. Năm đứa lách đám đông để vào nhìn rõ mặt. Việt gian Ban. Ông ta bị trói chặt cánh khuỷu. Quần áo lếch thếch, chân không, đầu tóc bơ phờ mặt tái mét. Ông ta quỳ gối, lưng dựa vào tường cổng Vọng Cung. Ông chủ tịch tỉnh đọc bản án xử tử, kể hết tội "liếm gót giầy phát xít Nhật" của ông Ban. Ông ta còn nói ông Ban trốn ở đâu và bị cô đầu Vũ Tiên chỉ chỗ trốn. Nói một hơi dài, ông chủ tịch hỏi:
- Đồng bào bằng lòng xử tử tên Việt gian này không?
Cô đầu Vũ Tiên hò hét:
- Bằng lòng.
Ông chủ tịch hỏi:
- Tại sao đồng bào thích xử tử tên Ban?
Một cô đầu già đáp:
- Nó đã hát quỵt còn đánh đập chị em.
Ông chủ tịch nói:
- Vậy giết nó.
Cô đầu hoan hô nồng nhiệt. Rồi dân thị xã hoan hô theo. Ông Ban được nâng dậy. Nhưng ông sợ quá, vừa đứng đã quỵ ngã.
Người ta lại nâng ông dậy. Ông lại quỵ. Cuối cùng, người ta phải tìm cái ghế, bắt ông Ban ngồi. Ông Ban khóc lóc, van xin. Dân thị xã cười đùa, chế nhạo ông. Một cô đầu xỉa nói:
- Dạo nọ mày cậy thế Nhật mày bắt nạt các bà, mày không khóc. Tại sao bây giờ mày khóc?
Một cô đầu khác thích chí:
- Thằng Việt gian... tè ra quần!
Dân thị xã mở căng mắt nhìn tử tội. Ông Ban ngồi trên ghế dựa, đầu ngoẹo một bên. Nước mắt đầm đìa ở khuôn mặt tái xanh. Côn không còn nhớ hình ảnh anh Đạo trong ngày giỗ tổ Hùng Vương nữa. Côn cũng không thể mường tượng đôi mắt long lanh thù giận của ông Ban khi ông bị anh Đạo nhổ nước miếng trúng mặt. Nó quên luôn cái bánh súng lính Nhật đánh vỡ má anh Đạo. Côn chỉ nghĩ đến những giọt nước mắt của ông Ban. Ông ấy ngồi kia, thảm não như một cao bồi bị trói dộng đầu chờ mọi da đỏ lột da.
Côn níu vai Vũ:
- Ông Ban sắp chết rồi...
Vũ nói:
- Ừ, ông ấy sắp chết.Tao không ghét ông Ban nữa. Tao muốn bỏ tù ông Ban thôi.
Luyến lắc đầu:
- Tao về đây, tao sợ xem xử tử lắm.
Luyến lách đám đông, bỏ về. Long và Lộc theo Luyến. Ông chủ tịch bước gần chỗ ông Ban, ngoảnh mặt ra đám đông:
- Đồng bào có xin khoan hồng cho thằng Ban không?
Cô đầu Vũ Tiên nhao nhao giơ tay:
- Không.
Không khí cuồng loạn lúc đầu đã lắng đọng. Dân thị xã im lặng, hết cười cợt, reo hò. Ông chủ tịch hỏi tử tội:
- Ban, anh muốn nói gì thì nói đi!
Tự nhiên, ông Ban đứng lên .Ông đòi tháo miếng vải bịt mắt ông. Người ta chiều ông, tháo miếng vải. Ông Ban trừng mắt ngó đám đông.Nhiều người sợ ông Ban hóa thành ma trả thù, quay đi chỗ khác.
- Bịt mắt nó lại!
Người ta lại bịt mắt ông Ban. Hai người lính khố xanh cũ, bây giờ là quân Việt Minh, mặc quần áo nâu, xách hai khẩu mút cơ tông, đứng trước mặt ông Ban, cách chừng ba mươi thước. Đám đông hai bên, dạt xuống một phía, sau lưng hai người lính, sợ đạn lạc. Súng đã nạp đạn sẵn. Hai người lính, quỳ gối trên mặt đường, súng đặt ngang vai, nhắm đích. Ông chủ tịch hằn học:
- Giờ đến tội phản quốc của Việt gian đã điểm!
Ông chủ tịch tỉnh Thái Bình vung tay. Hai phát súng nổ chói tai. Ông Ban vẫn đứng sừng sững. Côn và Vũ nhắm mắt trước khi súng nổ. Chúng nó tưởng ông Ban trúng đạn ngã rồi. Nhưng ông Ban chưa trúng đạn. Côn lẩm bẩm "Lính khố xanh bắn như củ thìu biu". Hai ông cách mạng lên đạn lách cách. Hai cái vỏ đạn rơi xuống đường nhựa kêu leng keng.Tử tội thản nhiên như không biết chuyện gì.
Côn đập vai Vũ:
- Ông Ban can đảm ghê!
Vũ nhăn nhó:
- Ông ấy sợ quá chết đứng rồi.
Hai phát súng thứ nhì nổ tiếp. Không trúng. Cô đầu cười khanh khách, bình phẩm:
- Lính khố xanh lười tập bắn bia nên bắn sai hết.
Ông chủ tịch giậm chân:
- Ai còn gọi quân cách mạng là lính khố xanh sẽ bị xử tử.
Bọn cô đầu Vũ Tiên nín thinh. Hai ông cách mạng xấu hổ, đứng dậy, tiến tới thật gần tử tội. Lần này, hai ông bắn đứng. Đạn trúng bụng ông Ban. Ông ta kêu "ối" một tiếng rồi ngã lăn, giẫy giụa. Hai ông cách mạng mừng rỡ, cắp súng vào nách, chìa tay bắt tay nhau. Tử tội vừa lăn vừa hét y hệt con lợn bị chọc tiết, y hệt con gà cắt cổ chưa chết hẳn. Côn đã thấy bao nhiêu người chết đói dưới gầm cầu Bo. Nó đã gớm ghiếc song không gớm ghiếc bằng cái chết của ông Ban. Côn nhắm mắt, thề sẽ không nhìn ông Ban vật vã, giẫy giụa. Nó bịt chặt tai để khỏi nghe ông Ban rống lên những tiếng thảm thiết.
Thằng Vũ nhiều lần phiệu rằng, ở Hà Nội, nó đã thấy dân Hà Nội giết Nhật lùn giữa phố. Vũ chỉ được cái nước nói phét, trộ bạn bè. Chứ, nó cũng chưa hề trông rõ cảnh tượng người giết người.
Nhưng Vũ không nhắm mắt, không bịt tai. Hai ông cách mạng chúc mũi súng hai bên mang tai ông Ban. Đạn nổ. Ông Ban hết giẫy, hết hét. Máu và óc ông văng ra, dính lên cả tường Vọng Cung. Ông Ban đã chết thật. Dân thị xã tự ý giải tán, chẳng chịu ở lại hoan hô cách mạng thành công. Bọn nhi đồng cầu Kiến Xương biến mất từ nãy.

Vũ và Côn nhìn nhau.Tự dưng, nước mắt hai đứa ứa ra. Sau lưng chúng nó, một khoảng đất mênh mông. Ông Ban nằm chết cùng với những người còn sống hoan hô cách mạng. Vũ rút khẩu súng thủy tinh ném trúng cột điện. Tiếng vỡ nghe buồn buồn.