Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 25)

Lại Nguyên Ân

2/8/1988

Họp ở Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương

TRẦN ĐỘ: phổ biến

Phát biểu:

NGUYỄN KHẮC VIỆN:

- Vấn đề video: Vấn đề là thuế. Ta để thất thu… Ở Pháp khác: đăng ký mặt hàng nào bán mặt hàng ấy, bày thêm một mặt hàng chưa đăng ký kinh doanh: bị phạt.

- Thực chất vấn đề cởi trói là giải các tabou. Hai tabou: 1/ tình dục; 2/ những chấn thương lịch sử.

1/ Tình dục. Cấm Tình yêu thời thổ tả, cho là hại, nhưng không phải. Có cấm người ta vẫn thường xuyên mơ tưởng chuyện xác thịt; con trai con gái 15 - 16 tuổi là đã mơ tưởng đụng chạm xác thịt. Sex là vấn đề lớn, là phổ biến, bịt lại không đi đến đâu. Mở ra không sao cả. Phim con heo, xem vài phim là chán, vì có rất ít động tác. Đừng sợ chuyện này mới đúng.

Nhưng ở ta đã có sự cấm kỵ hàng ngàn năm. Người bác sĩ khám phụ nữ, sờ vào người, nhưng nếu không hỏi "chị ăn nằm với chồng có thoải mái không?" thì cũng không tìm ra được bệnh. Tình dục là văn hóa; quyện nó với văn hóa như thế nào, là khôn ngoan của ta. Quyển sách của Marquez chỉ có vài trang tình dục, nhưng cả quyển sách là một cuốn lớn. Nếu một thanh niên vì tò mò đọc để tìm vài trang ấy rồi đọc cả tác phẩm thì tốt bao nhiêu.

2/ Cấm kỵ (tabou) về những chấn thương lịch sử. Ví dụ một tác phẩm về cải cách ruộng đất được viết ra thì sao, có cho đăng không? Phỏng vấn Trần Dần trên Sông Hương (28) làm cho người ta khó chịu, vì tên của Trần Dần, vì giọng kênh kiệu. Nhưng ôn lại lịch sử, ôn lại một chấn thương lịch sử là nên hay không nên? Cái chính là ở đấy. Phương cách là thứ yếu; không phải ai ai cũng có giọng nhũn nhặn cả.

Xu hướng thương mại thường dựa vào việc kích thích những giác quan thấp nhưng sâu, dễ vào. Phải lấy văn nghệ với một chỗ sâu khác để chọi lại chứ không phải cấm là hay nhất.

HOÀI LAM: Giới văn nghệ phàn nàn vì bị coi nhẹ. Hãy tạo cho mình một sức mạnh lớn để khỏi bị xem thường.

Ta đứng trước 5 cuộc khủng hoảng:

- Sau chiến thắng vĩ đại, sai lầm của Đảng làm thêm trầm trọng;

- Khủng hoảng CNXH chung;

- Khủng hoảng ở các nước mới được độc lập;

[…]

HỒ NGỌC […]

Chiều 2/8/1988

Họp ở Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương, tiếp theo phiên họp buổi sáng.

PHẠM KHIÊM ÍCH: - Hội đồng nghệ thuật có phải tên gọi khác của Hôi đồng kiểm duyệt trá hình không?

- Những cuộc họp, ý kiến chỗ này chỗ khác gần đây làm cho cả sáng tác và phê bình bị chững lại.

VĂN KÝ: - Âm nhạc chưa có đổi mới gì. Quần chúng không quan tâm. Người ta hướng về sân khấu, văn học, điện ảnh.

Âm nhạc tự hạ thấp vai trò, nhấn mạnh vai trò quảng cáo thực dụng (làm nhạc cho xổ số).

Nếu do một số tác gia hứng thú làm −> có thể hay.

Nếu tổ chức rầm rộ, nhất là do các hội đồng tổ chức −> không hay.

Nội dung âm nhạc nghèo đi. Ca sĩ đói. Thanh Hoa phải đi buôn trứng vịt.

- Hội đồng đồng nghệ thuật phải gồm những nghệ sĩ có uy tín, được thừa nhận cao, có quyền, được bảo vệ, được kiểm tra bởi dư luận.

- Báo “Văn nghệ” là một sự thành công lớn của chúng ta trong thời gian qua.

LẠI NGUYÊN ÂN (nói, không ghi lại)

LÊ CÔNG THÀNH: - Những ý kiến chưa được giải quyết.

10/8/1988

Tại Ban Văn hóa văn nghệ trung ương

Thảo luận về dự thảo chỉ thị về phê bình văn nghệ

Sau khi nghe đọc dự thảo (Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương soạn, chỉ thị sẽ lấy ý kiến, trình Ban bí thư TW; là chỉ thị của Ban bí thư TW)

PHAN HỒNG GIANG: - Về lâu dài nên để một đoàn thể (Hội…) ra văn bản loại này, không nên để Đảng ra. Nay đành tạm ra dưới hình thức này: là chỉ thị của Ban Bí thư TW Đảng.

- Chỉ thị về công tác phê bình văn nghệ, nhưng không thể tránh nói đến lý luận, nghiên cứu.

- Phê bình gồm những gì? Chỉ thị gọi là vấn đề phê bình.

Nói phê bình là đánh giá, phát ngôn, xử sự.

Vậy phê bình = - báo chí, xuất bản

- quản lý, đánh giá nội bộ

- đánh giá của A.25

- đánh giá của sách giáo khoa

- đánh giá của TV (truyền hình)

=> sự đa dạng của giới thuyết, của các hình thức hoạt động.

- Nói ban Văn hóa văn nghệ của Đảng là trung tâm tập hợp lực lượng phê bình nghệ thuật: liên quan ra sao đến các Viện thuộc Ủy ban KHXH, phê bình của các Hội sáng tác?

TRẦN ĐỘ: - Chủ trương của Ban bí thư: sau Nghị quyết 05 có một loạt chỉ thị

- Văn bản giữ một đoạn bao quát của Nghị quyết, sau đó là đi vào nội dung cụ thể của chỉ thị này. […]

Các phát biểu góp ý: Hồ Ngọc, Lại Nguyên Ân, Hà Minh Đức, v.v.

24/8/1988

Tại Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương Đảng

Thảo luận: Về sự lãnh đạo của Đảng với văn học nghệ thuật.

NGUYỄN VĂN HẠNH: 4 vấn đề:

- thực hiện công khai, tranh luận

- các vấn đề cấm/không cấm cho rõ ràng

- giao quyền quản lý cho chính quyền; Đảng lãnh đạo về tư tưởng.

- […]

TÀO MẠT: - Phải có luật, rồi có người được học về luật quản lý.

- Quan hệ người quản lý với người nghệ sĩ, người tuyên huấn với người nghệ sĩ phải trên tư cách người cộng sản, trọng nhân cách nhau mà làm việc, không thể lấy quyền hơn…

TẠ VĂN THÀNH: Ở Liên Xô có những lý luận mới: Ở lĩnh vực văn nghệ, Đảng chỉ khuyến khích, còn các vấn đề cụ thể do nhà nước quản lý làm.

Lãnh đạo: - nguyên tắc tập trung dân chủ

- quan hệ Đảng và các cơ quan nhà nước

- nắm khâu cơ bản

- đảm bảo tính khách quan của sự lãnh đạo; lãnh đạo việc phải hiểu việc; tính hệ thống toàn diện và tính khoa học của sự lãnh đạo.

Vận dụng vào văn nghệ:

- Lênin chủ trương dân chủ nhiều hơn tập trung (khác các lĩnh vực khác).

- Phát huy các đoàn thể xã hội, các hội sáng tác, quan trọng hơn cả cơ quan nhà nước (về văn hóa văn nghệ). Nhà nước làm khâu đào tạo cán bộ, đầu tư, kế hoạch, vạch luật quản lý.

- Trong cách mạng văn hóa tư tưởng, khâu cơ bản là gì? ở ta chưa rõ. Liên Xô: giáo dục.

Đối với lãnh đạo, đáng chú ý là khâu huấn luyện. Đảng lãnh đạo tất cả các khâu của văn học nghệ thuật, từ đào tạo đến lập cơ sở, nhà hát, bồi dưỡng công chúng, đào tạo nhà phê bình.

Lý luận về sự lãnh đạo phải chú ý mục đích lãnh đạo văn học nghệ thuật là gì? Là xây dựng văn hóa nghệ thuât XHCN (xây là chính, tạo không khí dân chủ cho người làm việc).

Không can dự vào một tác phẩm, vào những việc rất cụ thể, chỉ nêu những đường hướng chung …

Tiếp xúc cá nhân giữa cán bộ lãnh đạo chính trị cao cấp với các nghệ sĩ lớn. Lãnh đạo thông qua phê bình, dư luận, thảo luận, tranh luận…

Lãnh đạo thông qua cơ chế: nhà nước, các đoàn thể…

Ở Liên Xô nói sự lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Đảng và Nhà nước, chứ không nói sự lãnh đạo chỉ của Đảng.

Ở Liên Xô trước đây có quan niệm: nghệ sĩ ít chính trị −> đưa tuyên huấn vào quản lý. Nay: thông qua nghệ sĩ có uy tín đứng đầu các Hội sáng tác để quản lý. Trong cơ chế phải có luật để quản lý.

Cái mới ở Liên Xô là:

+ Đặt vấn đề: chỉ có 1 đảng, vậy có sự độc tài không? Làm thế nào dự phòng? Họ nói thời Lênin nhiều đảng, thời Stalin: 1 đảng. Lỗi do cá tính độc đoán của Stalin. Ta có nên tìm người phản biện không (đảng xã hội, đảng dân chủ), hoặc làm sao có người phản biện trong đảng?

+ Kinh nghiệm lịch sử cho thấy văn hóa văn nghệ đi đôi với dân chủ, phải làm sao khơi được dân chủ.

Lãnh đạo văn hóa văn nghệ là lãnh đạo của Đảng chính trị đối với văn hóa văn nghệ: Phải lãnh đạo sao cho văn hóa văn nghệ này không chống chính trị của Đảng, thế thôi. Các lĩnh vực khác, phải để xã hội, để quản lý làm.

+ Lựa chọn, bố trí, điều động cán bộ lãnh đạo văn hóa văn nghệ.

NGUYỄN THỤ: - Muốn có tự do sáng tác, phải có chuyển biến ở cả 2 chiều: phía nghệ sĩ và phía người quản lý. Hiện nay trong xã hội ta nôn nóng quá. Truyền thống về tự do chưa có bao nhiêu, vì vậy không thể nhanh.

- Vừa qua người ta đề cao Chuyện tử tế, Cô gái trên sông, Thằng Bờm… những phim có tác dụng trong xã hội, được nói đến như những hiện tượng xã hội.

Không có công khai bàn bạc thì không quản lý được. Ta phải làm cho dư luận được công khai trên báo chí, trong các câu lạc bộ. Thời gian qua có những tác phẩm hơi quá một tý. Nhưng ta phải lắng nghe nhau. Khi tác phẩm ra đời phải tính đến tác động xã hội. Có những phim phải sửa tí chút. Cách làm dễ là tìm được cách thông tin giữa nghệ sĩ và người quản lý. Đề nghị Ban tăng cường thông tin. Nghệ sĩ không được thông tin đầy đủ về các nghệ thuật với nhau.

TRẦN QUỐC VƯỢNG: - Không ai đặt vấn đề Đảng không lãnh đạo, chỉ đặt vấn đề lãnh đạo như thế nào.

- Các anh lãnh đạo cao nhất có ý kiến gì khác nhau xin các anh công khai nói ra, từ Hội đồng tư tưởng đến các cơ quan lãnh đạo văn hóa văn nghệ, cho anh em biết. Khác nhau là hay.

- Vừa rồi các giới khác nhau có chạm mát nhau. Vậy không nên né tránh. Ý kiến khác nhau nên nói ra, thế mới khởi sắc.

XUÂN TRÌNH: - Vấn đề lãnh đạo vẫn đang đặt ra. Lãnh đạo rất quan trọng. Tự nghệ sĩ không thể thấy hết…

Nếu lãnh đạo = gác cửa thì có nên đặt ra không? Nhưng lãnh đạo là làm vườn, trồng vườn. Nói lãnh đạo là nói định hướng −> sự định hướng được nghệ sĩ tán thành.

(Đọc bài viết sẵn: Vấn đề quan hệ giữa quản lý và tự do sáng tác)

- Cấm "phản động về chính trị" nhưng có cấm văn nghệ "phi nhân bản" không?

- Có hiện tượng từng nơi địa phương cấm, ví dụ các vở Hồn Trương Ba…, Em đẹp dần trong mắt anh.

−> Quyền tự do tác phẩm được ra mắt kèm theo việc các đơn vị nghệ thuật có quyền lựa chọn tác phẩm có chất lượng, hợp với đơn vị nghệ thuật của mình. Việc thành ủy Hà Nội dừng lại việc diễn Em đẹp dần trong mắt anh là hợp lý. Người xét duyệt có quyền chủ động. Nhà nước quản lý có quyền ấy.

- Hiện có 2 dòng sân khấu: 1/ dòng nghệ thuật chân chính dựa trên giá trị nghệ thuật, phản ánh thời đại, xây dựng con người thời đại; 2/ dòng nghệ thuật chỉ cốt mua vui, kiếm tiền. Dòng 2 lấn dòng 1, xô đẩy người viết.

Quản lý, định hướng phải đi kèm chủ trương chính sách, nếu không người ta phải làm ngơ để sống.

ĐẶNG NHẬT MINH: Tôi là người sáng tác, ý kiến có thể chủ quan, một chiều. Sáng tác là một nghề, quản lý cũng là một nghề. Ý kiến người sáng tác là để người quản lý tham khảo.

Người sáng tác nào bước đầu cũng sáng tác từ thôi thúc của đời sống, sáng tác là tự đối diện chính mình. Lúc đó quan hệ lãnh đạo - quản lý chưa xuất hiện. Chỉ có quan hệ tự thân của người sáng tạo bên trang giấy trước đèn khuya. Nhưng ở giai đoạn này, lãnh đạo là khí hậu chung của đời sống văn nghệ, nó có tác động, nó như không khí lúc nào đó, nóng, ẩm, lạnh, khô… Nó cho biết hạt có nảy mầm được không. Không có khí hậu tốt không nảy mầm sáng tạo được. Giai đoạn này không định kế hoạch được. Như 10 năm trước, một anh giáo viên ở Sơn La âm thầm quyết định thành nhà văn, về sau sẽ xuất hiện với Tướng về hưu. Không có khí hậu thời gian vừa qua không có Nguyễn Huy Thiệp.

Giai đoạn sau cụ thể hơn: Giai đoạn duyệt kịch bản. Có được duyệt mới được làm. Sự lãnh đạo là tất nhiên, không phải bàn. Một đoàn làm phim đi làm, chi tới 40-60 triệu, đó là tiền và phương tiện của nhà nước, không thể không có tác động của sự lãnh đạo mà có. Nay quyền được giao cho giám đốc, vì áp dụng quy tắc quản lý mới −> sự tinh nhạy của giám đốc là rất quan trọng. Làm sao để nó không chỉ tập trung vào một người.

Giai đoạn duyệt phim hiện nay lại là giai đoạn quá phức tạp. Tâm trạng của người có phim là lơ lửng. Không phải các đồng chí lãnh đạo cùng một lúc đều rỗi, đi xem phim để có ý kiến. Ví dụ phim Bao giờ cho đến tháng Mười, anh Đình Quang đã duyệt cho chiếu, nhưng vẫn có cấp dưới đề nghị cấp cao hơn duyệt. Tôi theo 14 nấc duyệt, để đến đ/c Trường Chinh xem, xem xong, đi về phía Lê Vân bảo "Thương lắm, thương lắm", tôi mới dám tin là xong rồi.

Vậy làm sao nhanh chóng? Chúng tôi bao giờ cũng lắng nghe mọi ý kiến. Chúng tôi thấy đám mây của những kẻ cơ hội tung ra, dèm pha để sát hại nhau. Thường chính là trong giới nghệ thuật với nhau chứ không phải ngoài giới. Chính không khí bị đầu độc là vì lớp người này. Vì trong phim có cảnh chợ âm dương, lúc có chỉ thị cấm mê tín dị đoan, sau phải cắt đi, để lại ít thôi. Nhưng đến khi đem chiếu ra ngoài, đây lại là chỗ họ quý nhất. Mỗi lần tôi lại tiếc ngẩn ngơ. Về phim Cô gái trên sông, những cảnh trần truồng, hở hang, tôi đã cắt, vì không ảnh hưởng gì đến phim. Nhưng rồi ý kiến cứ tung ra là nó hở hang. Những người xem nói ấn tượng cuối cùng không ở những cảnh đó.

Trong sáng tác, tôi chưa vấp với cấp cao, chỉ vấp ở các cấp trung gian, chỉ ở đấy mới gây ra sự thiếu thông tin, tung hỏa mù, mâu thuẫn nhau như thế.

- Quan hệ người lãnh đạo - người nghệ sĩ là thước đo để người nước ngoài đo tình hình trong nước, xem đã có cởi mở đến đâu…

- Đề nghị: lập lại một hội đồng duyệt kịch bản gồm những người am hiểu nhất; lập lại một hội đồng duyệt phim. Sau khi duyệt chỉ còn là vấn đề với công chúng, không để thành vụ việc.

TRẦN VĂN THỦY: Tự sự và kiến nghị

Nghị quyết 05 làm chấn động lòng người. Nhưng cũng có những người không thích. Và có người cho là đến bây giờ thì không ra được. Công lao ra được Nghị quyết 05 là ở Ban Văn hóa văn nghệ trung ương, là anh Trần Độ. Sau Nghị quyết thì có những chuyển động, những người không bằng lòng cũng có cách nói khác, không phủ nhận thẳng thừng nghị quyết được.

Ở các tỉnh cũng có những nơi cấm phim Hà Nội trong mắt ai. Anh em quý tôi phải lén tiếp tôi ở nơi rất lén lút. Cho nên Nghị quyết 05 phải được phổ biến ở các địa phương. Nếu với những người quản lý có tư chất, chúng tôi sẵn sàng chơi đến chỗ chỉ còn cái quần đùi, thất bại thì làm việc khác kiếm sống. Chỉ với tư cách công dân, chúng tôi đã thấy cái phong kiến. Tôi có cảm tưởng những lo lắng chúng ta đã nói với đồng chí Tổng bí thư…

Tôi vẫn chưa biết quan điểm đích thực của người quản lý: họ muốn gì, thích gì? Nếu bảo họ nói đi, nói chuyện đó đi, họ sẽ bảo để lần khác. Những chuyện lằng nhằng sau Hà Nội trong mắt ai hồi 1984. Anh Đặng Xuân Kỳ, trong cuộc gặp có ông Trường Chinh, Đặng Xuân Kỳ nói "Vấn đề không phải phim này mà là sau phim này là một lực lượng chính trị". Khi tiễn ra, ông Trường Chinh nói: "Tôi chưa thể nói được, phải xem một lần nữa". Lại còn cho tôi một gói kẹo to. Nhưng về đến 52 Hàng Bún nhà tôi thì tôi thấy mình như sa xuống hố. Những dư luận đã thành sự thật. Người ta không cho chiếu. […]

Tôi đề nghị: 1/ Công khai hóa những ý kiến của các cấp cao nhất về các vấn đề, các hiện tượng nghệ thuật. 2/ Phải đưa các nội dung này vào Hiến pháp, pháp luật. Nếu không, Nghị quyết chỉ là sự tùy hứng.


(28) Chỗ này nhắc đến bài Hoàng Phủ Ngọc Tường ghi cuộc nói chuyện với Trần Dần của Nguyễn Quang Lập, Vĩnh Nguyên, Phùng Quán, Ngô Minh tại Huế, tháng 5/1988, nhan đề: Với Trần Dần: đối thoại mất ngủ (Sông Hương , Huế, s. 31, tháng 5+6/1988)