Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Nhân một dự án dịch thuật của Adam Thirlwell: Dịch thuật có thể...

Trần Ngọc Hiếu

Trong dự án Multiples, những truyện ngắn chưa từng được xuất bản ở dạng bản dịch được đưa cho các nhà văn viết bằng những ngôn ngữ khác nhau, dịch sang thứ tiếng mà họ vẫn dùng để sáng tác. Sau đó, lại lấy bản dịch này đưa cho một tác giả khác dịch sang tiếng Anh, từ đây, độc giả Anh ngữ sẽ kiểm chứng những biến đổi đã xảy ra trên văn bản.

Những suy tư về dịch thuật trong bài viết này được khơi nguồn từ một dự án do Adam Thirlwell (sinh năm 1978), một tiểu thuyết gia được đánh giá cao của văn chương Anh quốc, khởi xướng, mang tên Multiples (Những sự đa bội). Dự án này còn có tiêu đề phụ: “12 truyện ngắn trong 18 ngôn ngữ của 61 tác giả”. Tính thể nghiệm của dự án được Thirlwell mô tả như sau: ông lựa chọn những truyện ngắn chưa từng được xuất bản ở dạng bản dịch, đưa cho các nhà văn viết bằng những ngôn ngữ khác nhau, dịch sang thứ tiếng mà họ vẫn dùng để sáng tác. Sau đó, lại lấy bản dịch này đưa cho một tác giả khác dịch sang tiếng Anh, từ đây, độc giả Anh ngữ sẽ kiểm chứng những biến đổi đã xảy ra trên văn bản.
Hợp tác với Thirlwell ở dự án này có nhiều tên tuổi đáng chú ý của văn chương đương đại thế giới như Zadie Smith, Dave Eggers, Ma Jian, Alejandro Zambra, Lydia Davis... Trong số này, có những người đồng thời là dịch giả, có những người chưa từng làm công việc dịch thuật bao giờ, thậm chí có người không hoàn toàn thuần thục thứ ngôn ngữ của tác phẩm gốc mà họ sẽ dịch (họ có thể đọc hiểu nhưng không viết thạo hoặc không giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ đó). Câu hỏi trọng tâm cần phải được trả lời ở đây là: liệu phong cách của tác giả nguyên tác – vấn đề phức tạp bậc nhất trong chuyển ngữ tác phẩm văn chương –  có thể “sống sót” chăng sau khi nó được tái tưởng tượng bằng những lối viết khác nhau, trong những ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau? Từ đây, chúng ta cần phải hiểu lại khái niệm dịch như thế nào và nên dựa vào tiêu chí nào để phê bình dịch thuật?


Giải phóng dịch thuật khỏi thân phận phục tòng bản gốc*

Trước hết, dự án Multiples đưa ra một nhận thức khác về bản dịch. Thông thường, một bản dịch đi từ ngôn ngữ A đến ngôn ngữ B, nhưng trong thể nghiệm của Thirlwell và các đồng nghiệp, một câu hỏi khác được đặt ra khi ông tiếp tục lấy bản dịch ở ngôn ngữ B để dịch tiếp sang ngôn ngữ C. Trong trường hợp ấy, “C có phải là bản dịch của A? Người ta có thể tạo ra một bản dịch từ ngôn ngữ thứ ba?”. Câu trả lời của Thirlwell như sau: “Tôi hoàn toàn tin rằng một bản dịch từ ngôn ngữ thứ ba vẫn là một bản dịch. Lý do khiến người ta lấn cấn là vì ý niệm về dịch của chúng ta quá hạn chế. Ý tôi muốn nói là, điều quan trọng nhất khi dịch hư cấu – hay ít nhất, hư cấu nghệ thuật – là phải giữ được bản chất của phong cách, mà bản chất ấy thì rộng hơn rất nhiều so với những tiểu tiết ngữ âm của câu văn trong nguyên tác: phong cách ấy nằm trong trò chơi kiến tạo và tái kết cấu. Do đó, người ta có thể nhìn thấy sự kiến tạo ấy không chỉ trong bản dịch từ ngôn ngữ thứ ba, mà còn từ ngôn ngữ thứ tư, thứ năm.”1

Thể nghiệm của Thirlwell và các đồng nghiệp mang tham vọng giải phóng dịch thuật khỏi định kiến của một thân phận phục tòng bản gốc; trái lại, nó thiết lập một quan hệ bình đẳng, đến mức, nói như lời của nhà văn, dịch thuật tạo ra cả “một chuỗi các nguyên tác”. Nó thách thức những quan niệm chính thống về dịch thuật, song theo Thirlwell, thì thực ra việc dịch thuật thơ ca từ lâu đã nằm trong truyền thống này.

Một ý niệm về dịch thuật, như thế, rất rộng rãi: nó được hiểu như là “sự tái cấu trúc tổng thể”, “một sự bắt đầu từ con số không”2. Văn bản nguyên tác không còn giữ tính chất của một khuôn mẫu, thuộc một địa vị cao hơn bản dịch như những ẩn dụ thường thấy về công việc dịch thuật. Nó như một chất liệu để dịch giả thao túng, nhào nặn, tổ chức lại. Nhưng ở đây, tự do của dịch giả có phần mâu thuẫn với lý tưởng của dự án là phải bảo lưu được phong cách của nhà văn trong nguyên tác ở bản dịch. Frances Riddle nhận thấy trong nhiều trường hợp, các nhà văn tham gia vào dự án đã đem vào bản dịch phong cách của chính họ hơn là của tác giả nguyên tác, thậm chí có người còn “sử dụng nguyên tác như một xuất phát điểm cho mục đích diễn giải của mình”.3 Thirlwell đã trả lời cho băn khoăn này như sau:
Ý đồ của dự án là xem xét điều gì sẽ xảy ra đối với phong cách trong nguyên tác, khi nó bị phụ thuộc vào một tiểu thuyết gia kiêm dịch giả vốn dĩ đã sở hữu một phong cách đặc thù của riêng mình. Tôi chủ ý chọn những nhà văn mà đi đâu cũng kéo theo phong cách của họ. Bởi câu hỏi mà tôi đặt ra là: Liệu Kafka, khi được nhân bội bởi John Wray/Etgar Keret/Nathan Englander/Alejandro Zambra/Dave Eggers, thì có còn là Kafka? Đó là lý do tại sao tôi cố tình để cho mỗi nhà văn một khoảng tự do nhất định: họ có thể săm soi hoặc nuốt trọn bao nhiêu cũng được, tùy thuộc vào quan điểm đạo đức của mình. Tôi luôn cho rằng đây là vấn đề phức tạp, bởi xét đến cùng, dịch là công việc chuyên chở tài sản của một người khác, mà trong lĩnh vực này, cái luân lý và cái thẩm mỹ lại chồng chéo nhau.

Và vì thế, về ý niệm nguyên tác mà tôi cho là “đã sờn rách dẫu cố giữ vẻ lịch thiệp” (politely frazzling), thì ý của tôi là muốn khám phá mọi bản dịch đều có thể cấu tạo nên một nguyên tác của riêng mình đến mức độ nào? Tại sao lại có sự phân biệt thứ bậc giữa nguyên tác và bản sao? Và thay vào đó, đối với tôi, trong dịch thuật, có cả một chuỗi các nguyên tác (a series of originals).4
Thể nghiệm của Thirlwell và các đồng nghiệp mang tham vọng giải phóng dịch thuật khỏi định kiến của một thân phận phục tòng bản gốc; trái lại, nó thiết lập một quan hệ bình đẳng, đến mức, nói như lời của nhà văn, dịch thuật tạo ra cả “một chuỗi các nguyên tác”. Nó thách thức những quan niệm chính thống về dịch thuật, song theo Thirlwell, thì thực ra việc dịch thuật thơ ca từ lâu đã nằm trong truyền thống này, khi các dịch giả như Robert Lowell xáo trộn trật tự các khổ thơ cùng với thêm nhiều nét phóng túng điên rồ khác vào văn bản thơ của Baudelaire. Và xa hơn nữa là những phiên bản của Alexander Pope dịch Horace hay Samuel Johnson dịch Juvenal. Với hai trường hợp vừa nhắc đến sau, Thirlwell cho rằng quyền năng sáng tạo của dịch giả không bị chất vấn bởi nền tảng đa ngữ của công chúng thời kỳ của Pope hay Johnson tương đối vững chắc. Pope và Johnson có thể giả định công chúng của mình đã có ý niệm về tác phẩm của Horace và Juvenal và vì thế họ mong đợi ở bản dịch một cái gì đó xa hơn sự chuyển tải trung thành. Sự suy giảm nền tảng đa ngữ của công chúng đọc hiện thời đã tạo áp lực khiến dịch giả phải kìm hãm tự do của mình.5 Một chút liên hệ ở đây: câu chuyện về mối liên hệ giữa tự do dịch thuật trong địa hạt thơ ca với nền tảng đa ngữ của công chúng cho phép ta có thể suy nghĩ về chính những hiện tượng quan trọng trong lịch sử dịch thuật Việt Nam như trào lưu dịch Chinh phụ ngâm ở cuối thế kỷ XVIII, hiện tượng diễn nôm các truyện vốn có gốc gác từ tiểu thuyết Trung Hoa mà Truyện Kiều là trường hợp điển hình, hay những sáng tạo trong việc dịch thơ Đường.

… và nguy cơ mất đi những đặc trưng văn hóa

Các nhà văn tham gia dự án của Thirlwell không phải ai cũng hào hứng với thứ tự do được cho phép đối với việc dịch thuật. Có những bản dịch bám rất sát nguyên tác như trường hợp bản dịch tác phẩm của nhà văn Italia Pontiggia do Zadie Smith thực hiện. Nhưng cũng có những trường hợp, người dịch không ngần ngại cải biên tác phẩm gốc một cách phóng khoáng. Ma Jian biến toàn bộ bối cảnh đời sống hằng ngày ở nước Ý trong truyện ngắn của Pontiggia thành cảnh quan của Trung Hoa hay Dave Eggers trong khi cố gắng duy trì cấu trúc của truyện ngắn Kafka thì đồng thời lại thay đổi những từ khóa quan trọng nhất trong đó. Với trường hợp của Ma Jian, việc thay đổi bối cảnh trong nguyên tác gắn liền với những ẩn ý chính trị về lịch sử Trung Hoa đương đại. Để thận trọng, với những trường hợp này, người ta gọi đó là những phiên bản phóng tác hơn là bản dịch. Song như Corrine Lhermitte trong nghiên cứu của mình cho biết, khái niệm dịch được cơ giới hóa với những nội hàm chặt chẽ, rắn chắc và được đặt trong trục nhị nguyên với nguyên tác chỉ hình thành từ thế kỷ XVIII.6 Dịch, từ đó, được duy lý hóa. Kháng cự lại tính chất duy lý hóa này không chỉ nhằm mở ra không gian sáng tạo nhiều hơn cho dịch thuật mà còn giải cấu trúc các quan hệ tôn ti tiềm tàng trong dịch thuật.

Dự án của Thirlwell cho thấy nếu phong cách của nguyên tác như một thứ siêu ngôn ngữ được xem là thứ khó chuyên chở nhất qua dịch thuật thì giờ nó lại là yếu tố bền vững, thậm chí dễ xử lý hơn, nhất là khi dịch giả được phép phóng túng hơn, tự do hơn. Nhưng tự do này cũng gắn liền với nguy cơ những đặc trưng văn hóa của nguyên tác bị đồng hóa, bị mất đi tính địa phương.

Một thể nghiệm dịch như vậy đương nhiên sẽ vấp phải những phê bình vốn dựa trên tiêu chí về sự mất mát trong dịch thuật. Theo Thirlwell, tranh cãi về mất mát trong dịch thuật có lẽ xuất phát từ ý niệm cho rằng “dịch thuật là một dạng bài tập đọc hiểu” (translation as a comprehension exercise), theo đó, sự mất mát về nghĩa đen thường bị coi là điều tồi tệ nhất. Không phủ nhận dịch là mất mát, thậm chí là “sự mất mát ngay từ đầu, bởi không một từ nào giống hệt, may ra có tên riêng”, nhưng nếu đương nhiên như thế, thì câu hỏi đặt ra cần phải khác đi. Thirlwell tán đồng quan điểm của David Bellos – một dịch giả uy tín khác – cho rằng bản dịch không phải là một sự thay thế mà là một sự tương ứng (a match). Giống như một bức chân dung, nhân vật trong tranh chỉ có thể tương ứng với nguyên mẫu trên một số phương diện, dịch giả cũng chỉ có thể lựa chọn trong mỗi văn bản những điểm quan trọng nào mà mình thấy cần phải bảo lưu trong quá trình chuyển ngữ. Mỗi bản dịch vì thế là một cách đọc: “Thường, trong văn chương, trực nghĩa có thể ít quan trọng hơn những thứ gì đó xa lạ hơn, hình thức hơn hay khó nắm bắt, khó hiểu hơn. Tài năng của dịch giả không chỉ nằm ở ngôn ngữ, mà còn nằm ở năng lực diễn giải – để hiểu được cái gì là quan trọng và cái gì không: để chọn xem cái gì mình sẽ đánh mất.”7

Dự án này, từ phía Adam Thirlwell, đã thu nhận lại được điều gì? Những bản dịch trong dự án trong khi mở rộng sự tự do và khả năng can thiệp của dịch giả vào nguyên tác thì đồng thời lại có nguy cơ đánh mất trữ lượng văn hóa tiềm tàng trong từng câu chữ của bản gốc. Sự rơi rụng những yếu tố văn hóa trong bản gốc là điều không tránh khỏi trong dịch thuật và ở đây không phải Thirlwell không nhận ra nguy cơ dịch thuật rất có thể đi những bước đi giống như tham vọng bá quyền của toàn cầu hóa, áp đặt một thứ đồng phục lên những cảnh quan văn hóa đa dạng. Dẫu rằng ở đây, tiểu thuyết gia người Anh này vẫn nuôi dưỡng niềm tin vào một cảnh quan không tưởng mà dịch thuật có thể đem đến: một ý niệm về cái phổ quát. Nhưng chính anh cũng hoài nghi vào giả thiết ban đầu mà dự án Multiples thiết lập: hóa ra điều tưởng như quan trọng nhất, phức tạp nhất trong dịch thuật – vấn đề phong cách – lại không phải là thứ khó chuyển tải, chuyên chở. “Điều thật sự không thể dịch lại là nội dung... Nội dung có thể là vấn đề rộng hơn, bề bộn hơn rất nhiều.”8

Dịch thuật, như một nghệ thuật, phải được phép thể nghiệm và như một thể nghiệm, nó được quyền cực đoan. Dự án của Adam Thirlwell cho thấy nếu phong cách của nguyên tác như một thứ siêu ngôn ngữ được xem là thứ khó chuyên chở nhất qua dịch thuật thì giờ nó lại là yếu tố bền vững, thậm chí dễ xử lý hơn, nhất là khi dịch giả được phép phóng túng hơn, tự do hơn. Nhưng tự do này cũng gắn liền với nguy cơ những đặc trưng văn hóa của nguyên tác bị đồng hóa, bị mất đi tính địa phương.

Khả năng can dự của dịch thuật vào đời sống văn hóa-xã hội

Câu chuyện của Adam Thirlwell, với cá nhân tôi, gợi ra một suy ngẫm khác để nghiên cứu lịch sử dịch thuật của Việt Nam. Như đã nói, với dự án Multiples, Thirlwell chỉ chọn các tiểu thuyết gia tham gia. Lịch sử dịch thuật văn chương của thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng, luôn có những dấu mốc được xác lập bởi các dịch giả đồng thời là các nhà văn, nhà thơ có tiếng, thậm chí đã định hình về phong cách ngôn ngữ từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà... cho đến những trường hợp hiện đại từ Bùi Giáng, Trần Dần đến Phạm Thị Hoài..., những người khó lòng chấp nhận việc tự vô hình hóa trong dịch thuật, xem bản dịch là sự mô phỏng phong cách nguyên tác. Ở những nhà văn - dịch giả ta vừa nói đến này, rất cần những nghiên cứu sâu về khả năng tương thích giữa phong cách của họ với phong cách của nguyên tác. Bằng cách nào một bản dịch như Hoàng tử bé của Bùi Giáng vừa không giấu giếm việc nhà thơ đóng dấu vân chữ của mình lên nguyên tác, vừa có thể tái tạo được phong cách như một thứ siêu ngôn ngữ đặc trưng trong tác phẩm của Saint-Exupery? Bản dịch kịch bản Bà lớn về thăm (Friedrich Durrenmatt) của Phạm Thị Hoài nên được đánh giá như thế nào khi với phương pháp dịch nội hóa triệt để, dịch giả đã đánh đổi ngữ cảnh lịch sử của nguyên tác bằng bối cảnh thời sự của Việt Nam? Giữa các nhà văn được đánh giá là những dấu mốc trong tiến trình đổi mới ngôn ngữ thi ca và văn xuôi này với hoạt động dịch thuật của họ có những liên hệ bề sâu nào? Nghiên cứu dịch thuật ở Việt Nam, do đó, còn rất nhiều chuyện để nói.
Thể nghiệm của Adam Thirlwell dù sao cũng chủ yếu thăm dò những gì dịch thuật “có thể” làm trong phạm vi của tính văn bản (textuality). Trên thực tế, câu chuyện “dịch thuật có thể...” cần được nhìn xa hơn, hướng đến khả năng can dự của dịch thuật vào đời sống văn hóa-xã hội. Quan sát từ phương diện này, những người làm dịch thuật không đơn thuần chỉ thực hiện công việc chuyển ngữ mà còn tái định nghĩa khái niệm dịch thuật, bổ sung những phẩm chất mới cho nó. Dịch thuật được xem là đọc lại, viết lại, diễn giải lại, kiến tạo, phá vỡ, thao túng, đồng hóa... Với những tính chất và chức năng mới như thế, dịch thuật trở thành hoạt động gắn bó mật thiết với các phong trào như nữ quyền, giải thuộc địa, bình đẳng sắc tộc... Nó có thể phá vỡ nguy cơ xơ cứng của văn hóa, tạo nẻo thoát cho những khối vô thức xã hội ra khỏi những tôn ti áp đặt. Nó đồng hành cùng với những nỗ lực của con người trong việc tạo ra sự đa dạng, bình đẳng, công bằng và dân chủ về văn hóa. Những gì “dịch thuật có thể...” làm được này sẽ là chủ đề cho một bài viết khác.
---
* Các tiêu đề phụ do Tia Sáng đặt.
1 Frances Riddle, “An Interview with Adam Thirlwell”, http://www.asymptotejournal.com/article.php?cat=Interview&id=25
2,3,4,5,8 tlđd.
6 Corrine Lhermitte, “Adaptation as Rewriting: Evolution of a Concept”, Revue LISA/LISA e-journal [Online], Vol. II – n°5 | 2004
7 Frances Riddle, tlđd.

Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=8838&CategoryID=41