Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

KHẢO SÁT CÔNG TRẠNG CỦA NHỮNG NGƯỜI PHÁP GIÚP VUA GIA LONG (23)


Thụy Khuê

Chương 17: Chính sách đối ngoại của vua Gia Long
Trước khi viết bốn chân dung chót của Olivier, Barisy, Vannier và Chaigneau, chúng tôi muốn nhìn lại sự giao dịch của vua Gia Long trong khoảng thập niên 1790-1800, qua chính những thư từ nhà vua để lại. Đó là cách trực tiếp và trung thành nhất để trình bày cùng độc giả:
1- Sự mua bán vũ khí và các tàu, thuyền, của Gia Long.
2- Tính cách tự lập của Gia Long về chính trị và ngoại thương.
3- Uy tín của Gia Long đối với các chính quyền trong vùng.
4- Phản ứng của Gia Long trước biến cố tàu Armide của nhà vua bị một tàu Anh bắt ở Ấn Độ Dương, hay cách ứng xử của nhà vua đối với một cường quốc.
*
Chúng ta biết rất ít về sự đối ngoại của Gia Long khi còn là Nguyễn Vương, cũng như việc ông mua súng đạn và vật liệu chiến tranh như thế nào. Thực Lực quá vắn tắt về những việc này, cho nên các sử gia thuộc địa tha hồ vung bút, họ đã viết những dòng khó tin về việc Bá Đa Lộc “cung cấp” súng đạn và chiến cụ cho Nguyễn Ánh bằng cách “ra lệnh” cho công ty Pháp Ấn và các tàu Pháp đến Nam Hà giao khí giới cho nhà vua, như trường hợp Maybon trong cuốn Histoire moderne du pays d’Annammà chúng tôi đã trình bày trong chương 14.
Tệ hơn nữa, những thư từ ngoại giao của vua Gia Long cũng được Maybon “chiếm lãnh” làm sản phẩm của Bá Đa Lộc. Thực ra, việc này Maybon cũng chỉ sao lại “tinh thần” Alexis Faure, trong cuốnMonseigneur Pigneau de Béhaine, từng dựng đứng Bá Đa Lộc là Richelieu của Nguyễn Ánh, đặc biệt trong vụ tàu Armide, sẽ nói tới dưới đây.
Louis-Eugène Louvet, tác giả La Cochinchine Religieuse (Đạo giáo ở Nam Kỳ), in tại Paris năm 1885, cũng không phải là một “sử gia” đáng tin cậy; những đoạn ông viết về Bá Đa Lộc, hoặc về các việc “tàn sát” đạo Chúa dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, v.v. đều khả nghi, cần phải xem lại. Ngay khi đăng Hịch Quang Trung, ông cũng thẳng tay cắt bỏ đoạn Quang Trung mạt sát bọn người Âu đến giúp Nguyễn Ánh.
Tuy nhiên, Louvet cũng như Faure, ngoài những đoạn viết vô bằng, họ vẫn còn sưu tầm được một số tư liệu gốc đáng quý. Trong La Cochinchine Religieuse, phần Chứng từ (Pièces justificatives) ở cuối cuốn I, Louvet đã sưu tầm được một số chỉ dụ và văn bằng vua Gia Long phát cho những người Pháp ngày 27/6/1790, mà chúng tôi đã sử dụng khá nhiều trong các chương trước. Phần còn lại, là một số thư từ vua viết cho các nhà buôn lớn, các quan trấn thủ hay toàn quyền đại diện cho các chính phủ Âu châu trong vùng Ấn Độ Dương và hai thư vua viết cho vua Anh và vua Đan Mạch.
Những thư từ này, theo nguyên tắc có từ thời các chúa Nguyễn ngày trước, thường viết bằng chữ Nho, và các cơ quan công quyền hoặc tư nhân ngoại quốc khi nhận được đều có người dịch sang tiếng nước họ. Chắc chắn thời Gia Long và triều Nguyễn sau này cũng vẫn giữ đúng như vậy; vì lá thư Gia Long viết cho Louis XVI để cám ơn việc ông đã bãi bỏ hiệp định Versailles, cũng viết bằng chữ Hán (Launay, III, t. 204). Nội dung lá thư tất nhiên do vua chỉ định, còn người chấp bút thường là “đổng lý văn phòng” của vua, hay một chức vụ tương tự; cũng có thể các vị đại thần hay chữ như Ngô Tòng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Văn Định, v.v. phụ trách, hoặc có thể do tham mưu Đặng Đức Siêu viết, giống như trường hợp Trần Văn Kỷ viết thay Quang Trung.
Maybon, trong sự tham lam muốn vơ vét tất cả công lao về tay người Pháp, không ngại vơ cả chuyện thư từ này về tay Bá Đa Lộc! (Kể cả thư chữ Hán Gia Long viết cho Louis XVI, có văn bản gốc được in lại rõ ràng, cũng là do Bá Đa Lộc viết!); ông viết như sau: “Pigneau [Bá Đa Lộc] không chỉ thỏa mãn với vai trò lãnh đạo, ông còn quan tâm đến cả những chi tiết; ta đã biết lá thư của Nguyễn Ánh viết cho Louis XVI, rõ ràng Giám Mục là người cổ xuý, nếu không muốn nói là người viết lá thư này; còn những trường hợp khác, dường như lại rõ ràng ông làm cố vấn khôn khéo cho mối liên hệ với đại diện các nước Âu châu trong biển Ấn Độ và Trung Hoa, với những chính quyền Macao, Phi Luật Tân, Bengale; từ thư gửi vua Anh đến vua Đan Mạch cũng mang dấu ấn thiên tài của ông. (Maybon, t. 283).
Như trên đã nói, Maybon cũng không “sáng tác” được gì mới, ông chỉ sao chép Alexis Faure, khi ông này kể lại biến cố tàu Armide, đã đã xuyên tạc phản ứng của Gia Long thành phản ứng của Bá Đa Lộc, với câu: “Điều này [biến cố tàu Armide] đã gây ra sự phản đối mãnh liệt của chính phủ Nam Hà do Giám mục Adran lãnh đạo (Faure, t. 223). Rồi Maybon nhân cơ hội, nhận vơ luôn tất cả thư từ giao dịch của vua Gia Long, đều là do ông Bá viết cả! Thực là lòng tham không đáy, cái gì cũng nhận vơ được. Họ đã từng nhận vơ các thành trì vua xây, rồi lại nhận vơ cả thư tín của nhà vua nữa, thực là quá tệ. Điều này cho thấy Maybon bất chấp các quy luật ngoại giao của một nước tự chủ: vua Gia Long không việc gì phải viết thư bằng tiếng Pháp cho vua Anh và vua Đan Mạch, mà phải nhờ đến giám mục Bá Đa Lộc viết hộ. Vua viết thư bằng chữ Nôm hoặc chữ Nho. Các thư quan trọng dùng chữ Nho là chữ chính thức của triều đình. Ngoài ra cũng nên nhắc lại rằng: theo lời linh mục Le Labousse, giám mục Bá Đa Lộc chỉ đến chầu vua trung bình mỗi năm khoảng một lần, thì có muốn làm thư ký cho vua cũng khó.
Chúng tôi tin rằng các bản gốc bằng chữ Hán của những lá thư này, vẫn còn ở trong văn khố hoàng gia, hoặc đã được dịch sang chữ quốc ngữ rồi mà chúng tôi không có điều kiện tiếp xúc. Trong khi chờ đợi, xin tạm dịch lại một số thư từ này (đã được dịch ra tiếng Pháp, do Louvet sưu tầm và in lại). Có ba tiêu đề sẽ được trình bày ở đây: 1- Việc mua vũ khí và tàu thuyền. 2- Thư giao thiệp với nước Anh và Đan Mạch. 3- Biến cố tàu Armide bị tàu Anh bắt.
I- Việc mua vũ khí và tàu thuyền
Như chúng ta đã biết, Nguyễn Ánh liên tục sai người đi bán hàng hoá (phần lớn là gạo) để mua khí giới và đôi khi cả tàu, thuyền ngoại quốc. Sự kiện này đã thể hiện trong lá thư sai Dayot đi Phi Luật Tân, tháng 6/1790, mà chúng tôi đã trình bày trong chương 16. Nhưng sau đó vì Dayot thâm lạm ngân quỹ trong chuyến đi Phi lần thứ nhì (1791-1792), cho nên bị loại trừ khỏi đội ngũ mua bán ở nước ngoài. Một trong những người trung thành và được vua tin dùng là Laurent Barisy, trong 9 năm từ 1793 đến 1802, khi anh mất. Các chỉ dụ còn lưu lại dưới đây, liên hệ tới những công tác mà vua giao cho Barisy, thể hiện cách Gia Long bán hàng hoá để mua khí giới, đồng thời trực tiếp đánh đổ những luận điệu cho rằng Bá Đa Lộc đã giúp đỡ Gia Long trong bất cứ phương diện gì về việc mua bán vũ khí này.
1- Chỉ dụ cho M. Barisy
Lệnh cho Barisy-man, đang phục vụ dưới trướng, mua tất cả những hàng hoá y thấy tại đây [Sài Gòn]chuyển lên tàu ô đi Malacca và Poulo-Pinang để dùng vào việc mua súng ống và tất cả những khí giới khác mà y thấy. Cẩn thận đi càng sớm càng tốt, trong dịp đang thuận gió mùa này, và phải hết sức đề phòng để tránh mọi tai nạn. Làm xong nhiệm vụ, y phải tức khắc trở về đây.
Lệnh từ Saigon, Cảnh Hưng năm 54, ngày 15, tuần trăng 11 (17/12/1793). Ấn niêm phong. (Louvet, I, t. 545)
Qua lệnh chỉ ngắn ngủi này, ta thấy loại tàu được gọi là tàu ô, làm trong nước (chưa phải là tàu đại hiệu hay tàu đi biển) cũng dùng chở hàng ra ngoại quốc bán để mua vũ khí.
2- Chỉ dụ cho M. Januario-Phượng
Lệnh cho Januario-Phượng, cai đội đang phục vụ dưới trướng, đem một lá thư cho ngài toàn quyền quản lãnh những cơ sở Bồ Đào Nha ở Á Châu, tại thủ đô Goa, và chất xuống tàu 4.000 tạ [ta] gạo của vua và những hàng hoá khác, thuận theo gió mùa năm nay, đem đến tất cả các bến tàu ở nam Ấn Độ [bán], và mua súng ống và những thứ vũ khí khác mà y thấy, bao nhiêu cũng được. Trong chuyến đi này, nếu gặp thuyền Anh hay bất cứ nước nào khác có súng mới tốt hạng nhất, giống như những súng trường mà các cường quốc Âu Châu trang bị cho quân đội của họ, thì cứ trả giá 10 đồng một khẩu, về đây sẽ trả, để cho họ chọn những hàng hoá có sẵn trong các kho. Cẩn thận đi càng sớm càng tốt trong dịp đang thuận gió mùa này, và phải hết sức đề phòng để tránh mọi tai nạn. Làm xong nhiệm vụ, phải tức khắc về ngay…
Lệnh từ Sài Gòn, Cảnh Hưng năm 54, ngày 15, tuần trăng 11, (Sài Gòn, ngày 17/12/1793) (Louvet I, t. 545-546)
Thực Lục việc tháng 12/1793, có ghi: “Sai cai đội Quảng Nói Vè, đội trưởng Pa Đơ Chê (đều người Tây) sang thành Cô Á [Goa] và xứ Mã La Kha [Malacca] để tìm mua đồ binh khí” (TL, t. 302). Vậy Quảng Nói Vè chắc là phiên âm tên Januario, còn Pa Đơ Chê, chưa biết là ai.
Lá thư này chứng tỏ Gia Long không chỉ mua bán vũ khí ở các nước gần như Mã Lai, mà còn sai người sang Ấn Độ bán hàng và mua vũ khí của người Bồ ở Ấn Độ. Januario-Phượng hay Quảng Nói Vèchắc là người Bồ lai Việt. Trong thư này vua cũng sai đi mua thứ súng hạng tốt nhất đang được dùng trong quân đội ở Châu Âu; điều này phù hợp với lá thư ngày 14/4/1800 của linh mục Le Labousse, đã dẫn ở chương 6, viết về Gia Long, có câu: “Những công binh xưởng, và những bến tàu chiến của ông làm cho người ngoại quốc thán phục và con mắt cả châu Âu sẽ khen ngợi nếu châu Âu đến đây chứng kiến. Một bên, người ta thấy súng ống, đại bác đủ kiểu [...] mà phần lớn chỉ thua kiểu mẫu đẹp nhất.
3- Thư của các đại thương gia ở Madras gửi vua Nam Hà
Tâu Bệ hạ,
Trung tá (le lieutenant-colonel) Barisy cho chúng tôi biết Bệ hạ đã ân cần tiếp đón thư của chúng tôi; với sự đại lượng che chở mà Bệ hạ dành cho tàu Generous friend của chúng tôi, cùng sự bao dung mà ngài đã chiếu cố đến lợi ích của chúng tôi, đó là những bằng chứng vững bền tỏ rõ lòng nhân từ của Bệ hạ đối với người ngoại quốc.
Tấu xin Bệ hạ đoái nhận nơi đây lòng kính cẩn cám tạ tất cả những ơn đức này, và xin Bệ hạ thấu cho tấm lòng chúng tôi hết sức cố gắng để được xứng đáng, bằng nhiệt tâm phụng sự Bệ hạ và sự gắn bó hết sức với lợi ích của vương quốc. Tâu Bệ hạ, chúng tôi xin được phép tán dương Bệ hạ đã đoạt những chiến thắng trên ngụy quân, và chúng tôi luôn luôn có những nguyện ước chân thành cầu trời cho sự thịnh vượng của hoàng gia và hoàng triều.
Tấu xin Bệ hạ nhận nơi đây, lòng tri ân sâu sắc của những kẻ trung thành và hết sức phụng sự Bệ hạ.
Albotl-Maitlang. (Louvet, I, t. 546)
Abbott-Maitland là công ty Anh mà Barisy là đại diện ở Nam Hà. Barisy, trong suốt thời gian chiến tranh, tuy phục vụ Nguyễn Ánh dưới chức vụ khâm sai cai đội, còn là nhân viên của hãng Abbott-Maitland, cung cấp vũ khí cho nhà vua. Vị trí này làm cho những thương nhân Bồ ganh tỵ và sau này, một người trong bọn họ sẽ làm hại Barisy.
4- Thư gửi quan toàn quyền Đan Mạch ở Ấn Độ
Lá thư các hạ thực đã làm quả nhân hết sức vui lòng và cảm kích vì thiện ý mà các hạ dành cho. Quả nhân gửi kèm đây hai lá thư, một cho vua Đan Mạch, một cho vua Anh. Quả nhân xin các hạ vui lòng chuyển đến người nhận một cách an toàn và ủng hộ lời gửi gắm của quả nhân. Khâm sai cai đội Barisy sẽ cho các hạ biết những chi tiết các việc nêu lên trong hai thư này.
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày thứ 13, tuần trăng thứ 10 (20/11/1798) (Louvet, I, t. 548-549).
Mua bán với hãng Abbott-Maitland của Anh vẫn chưa đủ, Gia Long còn muốn mở rộng địa bàn, mua khí giới của Đan Mạch nữa. Hai lá thư Gia Long viết cho vua Anh và vua Đan Mạch, nhờ toàn quyền Đan Mạch ở Tranquebar [gần Pondichéry] chuyển, sẽ nói đến ở dưới, chứng tỏ tài chính trị và ngoại giao của Gia Long.
5- Thư gửi quan trấn thủ Bengale
Các hạ,
Các ông Rocbueck, Abbott và Công ty đã viết thư cho ta với ý muốn giúp đỡ ta ở vùng bờ biển Coromandel [bờ biển miền Đông Ấn Độ, phiá vịnh Bengale] để ta có thể mua được súng ống và các chiến cụ khác; nhưng họ không làm gì được nếu không có phép của các hạ; vậy ta yêu cầu các hạ vui lòng cho họ một đặc ân, là bãi bỏ những phiền toái ngăn cản việc chuyên chở những vũ khí này đến Nam Hà. Đó là một ân huệ mà ta sẽ không bao giờ quên, khi ta khôi phục được toàn vẹn lãnh thổ. Ta gửi Laurent Barisy, khâm sai cai đội, tới Ấn Độ trên chiếc thuyền bàn [lougre, tàu chuyên chở], để lo mọi việc. Sự xa cách không cho phép chúng ta hội kiến, khiến ta phải viết thư này.
Cảnh Hưng năm thứ 61, ngày 24, tháng 2 (20/3/1800) (Louvet, I, t. 556)
Năm 1800, Nguyễn Ánh phải đương đầu với những khó khăn lớn: Trần Quang Diệu vẫn kiên quyết vây thành Bình Định, Võ Tánh và Ngô Tòng Châu tử thủ trong thành. Nguyễn Ánh cần nhiều khí giới hơn để đánh những trận cuối cùng, đặc biệt trận Thị Nại 1801 sắp tới, cho đến chiến thắng toàn diện. Vì vậy ông mở rộng thêm địa bàn mua bán khí giới nước ngoài. Những lá thư kế tiếp sau đây cho thấy chính sách mở rộng ngoại giao để sửa soạn chiến tranh ấy.
2- Dụ sai phái Barisy
Hoàng thượng lệnh cho khâm sai cai đội Barisy sang Ấn Độ với chiếc thuyền bàn (lougre), mang theo ba thư; một của vua, y sẽ đưa cho tàu đầu tiên đi Calcutta; hai thư kia của quan tham tri ngoại giao Nam Hà, y sẽ giao cho tàu đầu tiên đi Madras. Hoàng thượng còn truyền lệnh cho Khâm sai cai đội Barisy phải nhanh chóng trở về.
Khâm tai đặc chiếu.
Cảnh Hưng năm thứ 61, ngày 24, tuần trăng thứ 2 (2/3/1800) (Louvet, I, t. 556-557)
3- Thư của tham tri ngoại giao gửi đại thương gia ở Madras
Phái viên của vua Nam Hà, từ Madras trở về, đã giao cho tôi một trong những lá thư của các ông, và tôi đã đệ trình lên Hoàng thượng. Người rất cảm động và khâm phục thiện ý mà các ông tỏ ra muốn phụng sự người, mặc dù các ông ở rất xa Hoàng thượng. Vì vậy, người đã ra lệnh cho tôi viết thư này gửi tới các ông, mong bảo toàn thiện ý, vì đó sẽ là cội nguồn của lòng tín nhiệm giữa đôi bên, rất cần thiết cho việc giao thương. Còn về những vật dụng mà Hoàng thượng muốn [mua], Khâm sai cai đội Barisy đã được chỉ định để thông báo cho các ông ý định của người. Mặc dù chúng ta rất xa nhau, tôi viết thư này cho các ông như thể chúng ta hội đàm trước mặt nhau(Louvet, I, t.557)
4- Sổ sách của M. Barisy kê khai với vua
960 súng trường hạng nhất, giá 10 đồng
9.600 đồng
1.120 súng trường có khuyết điểm, giá 8 đồng…
8.960
918 súng trường, giá 6 đồng
5.508
6 cặp súng lục, giá 8 đồng
48
12 cặp súng lục, thứ tồi, giá 6 đồng
72
29 cặp súng lục, thứ rất tồi, giá 5 đồng
145
956 viên đạn, 1.167 thương (piques), 71 caty (?)
11.167
245 tấm dra (drap), giá 4 đồng ….
9800
Bán cho vua tổng cộng
45.800
Đã nhận của vua
32.240
(Louvet, I, t.557-558)
5- Đề nghị của các thương gia Madras
Điều Một – Họ có nghiã vụ phải cung cấp cho chính phủ Nam Hà hai mươi ngàn súng trường làm ba lần, trong vòng sáu tháng hay tám tháng là nhiều nhất.
Điều Hai- Họ phải cung cấp tất cả số súng lục mà nhà vua muốn, cùng thuốc súng, đạn dược… ngoài tơ lụa (Louvet, I, t.558) .
Cuối cùng, có thể nói, chiến tranh càng “leo thang”, Gia Long càng củng cố điạ vị ngoại giao với vùng lân cận để họ gia tăng việc bán vũ khí cho ông.
II- Thư giao thiệp với các cường quốc – chính sách đối ngoại
Phần quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao này là lá thư còn giữ lại được của Gia Long gửi cho vua Đan Mạch và vua Anh. Hai lá thư này được viết cùng ngày 20/11/1798. Trong một bối cảnh khá khẩn cấp, sẽ được giải thích rõ hơn ở dưới.
1- Thư gửi vua Đan Mạch
Thưa Bệ hạ,
Từ mấy năm nay, mỗi vụ gió mùa, tôi đều gửi [tàu] đến Tranquebar, để mua vũ khí và đạn dược. Quả thực tôi chỉ có lời khen ngợi tướng Anker, người của Bệ hạ, cầm đầu ở đấy, đã không ngừng tỏ thiện chí hết sức đối với tôi. Năm nay tôi nhận được thư của hai đại thương gia Hamops và Stevenson, cùng ở tỉnh này, thường giao thương với tôi. Họ cho tôi biết họ không thể tìm thấy ở Ấn Độ những vũ khí mà tôi đòi hỏi và bắt buộc phải gửi một chiếc tàu đi Âu Châu. Họ cũng nói thêm rằng họ đã mua được ở Copenhague năm nghìn súng trường và những khí giới khác, nhưng chính phủ [Đan Mạch] không cho phép xuất cảng. Vì lý do đó mà tôi viết thư này gửi đến Bệ hạ để chứng nhận rằng, năm nghìn khẩu súng này và những khí giới khác đích thực đã do chính tôi mua. Tôi tin rằng Bệ hạ, sẽ vui lòng cho phép, để những đại lý của tôi được quyền chuyển về cho tôi; Bệ hạ đã thấy những bất hạnh của tôi và thấy chiến cuộc mà tôi phải đương đầu với những thần dân nổi loạn, sẽ không từ chối lời yêu cầu này; coi như tờ khế ước đầu tiên mà tôi mong muốn ký kết với Bệ hạ. Nếu, sau đặc ân đầu, Bệ hạ vui lòng thêm một đặc ân thứ nhì, cho phép tôi, sau đó, mua tất cả những gì mà tôi cần, tôi sẽ không bao giờ quên ơn lớn lao mà Bệ hạ dành cho tôi. Trong nghìn trùng xa cách giữa chúng ta, tôi không có cách nào khác liên lạc với Bệ hạ ngoài thư từ. Tôi xin Bệ hạ vui lòng đọc lá thư này với lòng hảo tâm vốn sẵn.
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày thứ 13, tuần trăng thứ 10 (20/11/1798). (Louvet, I, t. 547-548)
Lá thư trên viết vào cuối năm 1798, cũng là năm Nguyễn Ánh tạm ngừng chiến để củng cố lực lượng, sau khi thất bại trong chiến dịch đánh nhau với Trần Quang Diệu ở Qui Nhơn lần thứ hai, năm 1797. Tháng 3-4/1798, Nguyễn Ánh sai đóng các chiến thuyền lớn và thuyền kiểu Tây dương (TL, t. 366). Khi viết thư cho vua Đan Mạch và vua Anh, ông đang sửa soạn đại binh để tấn công Quy Nhơn lần thứ ba, vào tháng 4/1799. Trần Quang Diệu vẫn cố thủ trong thành Quy Nhơn. Nguyễn Ánh chưa có cách phá thành, tuy thế, lực quân sự của ông ngày càng mạnh, ông cần những vũ khí tối tân hơn. Vì những khí giới hiện có ở Ấn Độ không làm ông thoả mãn, nên ông đã đòi các nhà buôn Đan Mạch ở Tranquebar phải gửi tàu về Âu Châu, tức là về xứ Đan Mạch mua cho ông những khí giới mới; do đó, ông viết thư yêu cầu vua Đan Mạch cho phép những nhà buôn này xuất cảng vũ khí để chở về Nam Hà, như ta đã thấy trên đây. Lá thư viết cho vua Anh, đề cùng ngày, có một nội dung và chủ đích khác hơn.
2- Thư gửi vua Anh
Thư này gửi cho vua George III (1760-1820). Từ khi Pháp xảy ra cách mạng 1789, vua Louis XVI bị lên đoạn đầu đài; trong suốt thời gian 13 năm, 1789-1802, vua Anh dẫn đầu Âu Châu trong cuộc chiến chống lại nước Pháp Cách Mạng. Kể từ năm 1796, sự giao dịch với người Anh ở Ấn Độ của Nguyễn Ánh bị gián đoạn, có thể vì nước Anh đã chọn giao thiệp và bán vũ khí cho Cảnh Thịnh. Đến năm 1798, sự kiện tàu Armide của Gia Long bị tàu Anh chiếm đoạt, đã khiến Nguyễn Ánh quyết định liên lạc với Anh Hoàng, thuyết phục Anh Hoàng không những bán vũ khí cho mình, mà còn ngừng bán vũ khí cho Tây Sơn. Lá thư dưới đây của Gia Long gửi George III, nằm trong mục đích và bối cảnh khó khăn đó.
Thưa Bệ hạ,
Khoảng cách phân chia nước tôi với nước của Bệ hạ, từ trước đến nay, đã không cho phép tôi liên lạc trực tiếp với Bệ hạ. Mặc dù rất muốn, nhưng tôi đã không dám mạn phép, nếu như không có vụ việc liên quan đến viên trấn thủ vịnh Bengale của Bệ hạ, [vụ Anh chiếm tàu Armide] tạo ra dịp này. Dưới thời người Hoà Lan [cầm đầu ở đây], hàng năm tôi đã gửi thuyền đến Batavia, Malacca và tới cả Ấn Độ để mua khí giới và các thứ quân nhu khác mà tôi cần. Từ khi những hạm đội vinh hiển của Bệ hạ đã lấy được những đất là chấp hữu của Hoà Lan [possessions hollandaises], tôi vẫn tiếp tục gửi như thế. Những tướng tá và quan trấn thủ Malacca đều đã biết thuyền kỳ của tôi và họ không làm trở ngại gì. Chỉ từ năm 1796, hoà khí này mới bị gián đoạn. Bệ hạ sẽ thấy trong lá thư kèm theo, tôi viết cho viên toàn quyền ở vịnh Bengale của Bệ hạ về vụ việc này. Thanh danh lừng lẫy về sự công minh của Bệ hạ khiến cho tôi hoàn toàn tin tưởng sự khiếu nại của tôi sẽ đạt kết quả. Để Bệ hạ lưu ý hơn nữa, tôi sẽ xin nói một câu về tôi.
Đã hơn hai trăm hai mươi năm, tiền nhân của tôi trị vì an bình đất Nam Hà, cho đến khi có nội loạn, và cuộc chiến với Bắc Hà, đất Nam Hà của chúng tôi mới hoàn toàn bị xâm chiếm. Nhờ trời, tôi được nối ngôi, và sau nhiều gian khó, với sự hậu thuẫn của dân tộc, tôi đã chiếm lại được gần nửa phần lãnh thổ. Bệ hạ hẳn không thể không biết đến mối thiện cảm lớn lao mà ngày trước Louis XVI, vua Pháp nay đã ra người thiên cổ, đối với tôi. Chính vị vua lớn này, với lòng tốt nổi tiếng của ông, đã tiếp đón con trai tôi trong lúc nguy nan. Chính ông đã chăm sóc và gửi nó về cho tôi với đầy ân huệ. Thêm vào đó, còn viện trợ lớn cho tôi đã gửi về Ấn Độ; sự trợ giúp này, vì bất hạnh không đến được tay tôi, bởi trời không chứng giám. Nếu vị quân vương này trị vì lâu dài và may mắn hơn, thì có lẽ tôi đã được yên bình từ lâu trên toàn thể lãnh thổ của tổ tiên tôi. Lòng biết ơn thấm đậm khiến tôi ngậm ngùi rơi lệ, mỗi khi nhớ đến đạo đức và tấm lòng cao thượng của vị quân vương này, tôi muốn tỏ lòng mến thương đối với ông, nhưng hoàn cảnh riêng của tôi và nhất là sự ngàn trùng xa cách khiến, chỉ để lại những ước muốn suông cho con cháu của hoàng gia trứ danh này. Lòng tôi chỉ thực thụ được an ủi nếu họ lấy lại được di sản của tiền nhân. Tôi cũng biết rằng Bệ hạ, rất thân với vua Louis XVI. Tôi thường được nghe kể rằng, ở thời kỳ còn thịnh, vua Pháp đã có Bệ hạ là người bạn trung thành nhất, là người nhiệt tâm bảo vệ ông nhất và ngay cả khi ông đã bị tội ác cướp đi, Bệ hạ vẫn hết sức cố gắng để trả thù cho ông. Thưa Bệ hạ, niềm vinh quang mà nước Anh có được qua thái độ này của Bệ hạ, không chỉ kích thích niềm thán phục của cả Châu Âu, mà còn làm rạng ngời những tán thành của chúng tôi ở tận viễn Đông này. Tôi dám mong rằng, như người thợ săn ngại bắn sẻ động rừng, Bệ hạ, vì lòng kính mến vua Louis XVI, sẽ vui lòng chiếu cố đến nỗi bất hạnh của tôi mà coi tôi là bạn. Việc hay nhất mà Bệ hạ có thể làm được cho tôi trong tình trạng hiện nay, là ra lệnh cho các quan trấn thủ khác nhau của Bệ hạ ở Ấn Độ, để họ cho phép những phái viên của tôi có thể mua được tất cả các thứ khí giới và chiến cụ mà tôi cần nhất. Nếu tôi có thể mua được từ mười đến hai mươi nghìn súng (fusils de munition) tốt, tôi nghĩ là cũng đủ. Cách đây mấy năm, phái đoàn ngoại giao của Bệ hạ gửi sang Trung Hoa, đã ghé vào một trong những cửa biển Nam Hà [phái bộ Macartney, sứ thần Anh đầu tiên ở Trung Quốc, ngừng lại ở Đà Nẵng từ 14/5 đến 16/6/1793, dưới triều vua Cảnh Thịnh, đã được Barrow ghi lại trong hồi ký, xem chương 4, Barrow] không may cho họ, họ đã chỉ gặp được bọn thần dân nổi loạn của tôi, và chúng hãy còn đang chiếm giữ phần đất này của triều đình tôi. Nếu may mắn được gặp họ, tôi đã không quên tỏ cho họ biết lòng kính trọng sâu xa của tôi đối với Bệ hạ. Chỉ còn một mối quan ngại mà tôi cần thông báo với Bệ hạ, là những nhà buôn lớn ở Ấn Độ, vì ham lời, đi bán khí giới cho bọn phản loạn, chúng đã nghiền nát dân tộc tôi từ hơn hai mươi năm nay. Làm như vậy tức là cứu kẻ tán ác, là nối giáo cho giặc. Tôi khẩn khoản xin Bệ hạ vui lòng cho lệnh nghiêm cấm để bọn giặc bị tiêu diệt một cách đích đáng. Xa cách Bệ hạ muôn trùng, tôi đã không thể nói thẳng hết như được cùng diện kiến.
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày 13, tuần trăng 10 (20/11/1798). Thư niêm phong dấu ấn của vua Gia Long và ấn của quân đội Nam Hà. (Louvet, I, t. 549-552)
Lá thư này, viết và gửi cùng ngày với thư cho vua Đan Mạch, trong tình trạng khá “khẩn cấp”, càng cho thấy biệt tài chính trị và ngoại giao của Gia Long.
- Thứ nhất, việc giao thiệp với nước Anh đã bị gián đoạn từ năm1796, và hai năm sau, 1798, tàu của Nguyễn Ánh bị tàu Anh bắt. Có thể vì nước Anh cho rằng Nguyễn Ánh thân Pháp (Cách Mạng), “kẻ thù” của Anh. Vì thế, Nguyễn Ánh phải nhấn mạnh đến quan hệ giữa ông và Louis XVI, để Anh Hoàng phân biệt rõ bạn, thù.
- Thứ hai, nước Anh đang làm “bá chủ hoàn cầu”. Pháp và Hoà Lan quá lụn bại, không còn sức lực để đối chọi với Anh. Thương lượng với “bá chủ hoàn cầu” không phải là chuyện dễ.
- Thứ ba, Anh đã ngả theo giúp Tây Sơn, bán súng đạn cho Tây Sơn, điều này đối với Nguyễn Ánh là một đại nạn, trong khi đang phải đương đầu với Trần Quang Diệu, một Nguyễn Huệ thứ nhì.
Không biết lá thư của Nguyễn Ánh có hiệu quả gì chăng, nhưng về mặt chính trị là một văn bản cực kỳ khôn khéo, có tính cách thuyết phục, khiến Maybon muốn chiếm làm sở hữu của Bá Đa Lộc.
Tuy nhiên, vừa nhã nhặn tới độ gần như nài nỉ vua Anh, nhún mình như con “chim sẻ”, trong lá thư này, vậy mà, đối diện với việc tàu Anh bắt tàu Armide, vua Gia Long đã có những quyết định thực là đanh thép, sau đây.
III- Việc tàu Armide
Tàu Armide của Gia Long giao cho Barisy đi công cán ở ngoại quốc, bị tàu Anh bắt. Vụ việc xẩy ra trước tháng 4/1798 (vì thư của Olivier gửi Lefèbvre ngày 10/4/1798, có câu: “Barisy, thuyền trưởng tàu Armide, bị người Anh bắt, hàng hoá chở trên tàu bị bán hết…” (Archives Lefèbvre de Béhaine, Doc. Salles, BAVH, 1939, III, t. 232)
Vua bèn sai Olivier (đi công cán ở Ấn Độ) phải điều tra rõ sự kiện này và tường trình cho vua biết. Đây là lá thư Olivier gửi cho ông Aguiton, chắc là người có trách nhiệm của chính phủ Anh về vụ việc này. Lá thư này tóm tắt toàn bộ sự việc mà Olivier đã điều tra được, đồng thời nói rõ đường lối chính trị trung lập của Gia Long trong vùng bán đảo Ấn Độ đang có tranh chấp gay go giữa Anh và Pháp.
1- Thư của Olivier gửi ông Aguiton
Tôi viết thư cho ông để báo tin ông biết rằng vua Nam Hà đã gửi tôi tới chính quyền Anh và Đan Mạch để thương lượng nhiều vụ việc quan trọng, và đã nghiêm ngặt chỉ thị cho tôi, ngoài những việc khác, còn phải tìm kiếm xem chiếc tàu Armide hiện nay biến thành cái gì, chiếc tàu này do khâm sai cai đội Barisy điều khiển; thời gian dài [không tin tức] của chiếc tàu này làm nảy ý là nó đã bị nạn. Ở Malacca, tôi rất ngạc nhiên, được biết rằng chiếc tàu này đã bị chiếm đoạt và đưa về đảo của ông hoàng Wabs, dưới hiệu kỳ nước Anh; không thể biết thêm tin tức sâu rộng hơn tại nơi này, tôi đã buộc phải quay trở lại Pinang để thu lượm đầy đủ tình tiết hơn, và tôi lại càng ngạc nhiên khi nhận được ở đấy không những sự xác nhận về vụ bắt bớ này, và còn được biết là người ta đã bán chiếc tàu này với cả hàng hoá trên tàu, và giải tán toàn bộ thủy thủ đoàn người Mã Lai và người Việt Nam. Tới Tranquebar, tôi lại biết thêm rằng, khinh thường đế hiệu, người ta đã tịch thu, mở ra và sang đoạt thư từ của quốc vương Nam Hà. Sở dĩ nhà vua đã không cho tôi một lệnh nào liên quan tới những trường hợp bất ngờ như thế, vì ông không thể tưởng tượng được rằng tàu của ông có thể bị một nước Âu châu nào sỉ nhục như thế; ông chỉ muốn cho việc buôn bán ở nước ông được phồn thịnh, bằng cách giữ hoà hiếu với tất cả các cường quốc, nhất là với nước Anh. Cho tới bây giờ, những quan toàn quyền ở Madras, Malacca, Batavia, Manille và Tranquebar, đều sốt sắng [đón tiếp] trong những hoàn cảnh khác nhau, tàu của vua Nam Hà. Nhà vua cũng thế, ngài không quên khen ngợi các vị thuỷ sư đô đốc Stéphenston, Rainier, Sercé, v.v. ở nhiều đoạn văn [trong các thư từ trao đổi]. Sự tiếp đón nồng hậu này còn phá tan trong óc nhà vua sự nghi ngờ [người Tây phương] khá phổ biến nơi những vua chúa Á Châu, và đã khích lệ nhà vua tìm cách kết hợp lợi ích của ông với những nước mạnh mà ông có thể tiếp nhận những đặc lợi. Vua Nam Hà vẫn theo những nguyên tắc như thế, dùng làm quy luật tiếp đón nồng hậu những tàu khắp nơi đến các hải cảng của ông. Vì vậy, ông không bao giờ ngờ rằng người ta có thể bắt chiếc tàu Armide. Con tàu này, trong 5 năm liên tiếp, vẫn do viên khâm sai cai đội này [Barisy] cầm đầu, đã gặp biết bao tàu chiến khác của tất cả các nước, nó vẫn được nhìn nhận là hoàn toàn trung lập; vậy vì lý do gì mà ngày nay người ta lại nhìn nó như thế? Tôi viết lá thư này để khuyên ông kiên quyết giữ đúng quyền lợi hợp pháp của vua Nam Hà, xây dựng trên lẽ công bình. Tôi, v.v. “ (Louvet, I, t. 554-555)
Lá thư của Olivier de Puymanel trên đây, rất tiếc là không thấy Louvet ghi rõ ngày tháng, có thể đã được soạn sau khi Olivier về bẩm báo triều đình mọi việc, và có thể đã có một hội nghị để bàn cách đối phó. Lá thư này nói rõ chiến thuật đó: trình bày quan điểm chính trị trung lập của vua Gia Long trong cuộc đụng độ Anh-Pháp ở Ấn Độ Dương, và yêu cầu chính phủ Anh xử sự theo đúng luật pháp. Đồng thời, khi nhận được báo cáo đầy đủ của Puymanel, ngày 20/10/1798, vua Gia Long hạ lệnh cho Gibsons và Barisy, tức khắc đi Ấn Độ trên tàu Loan Phi. Và sau đây là hai chỉ dụ sai phái:
1- Chỉ dụ cho M. Gibsons
Lệnh cho Gibsons, Cai đội chất trực hầu đang phục vụ dưới trướng, điều khiển Loan phi tiên tàu của Hoàng thượng, vì công chuyện của Hoàng thượng, lái tới Tranquebar cho Barisy, Khâm sai cai đội thiềng tín hầu. Xong nhiệm vụ, y bán chiếc tàu này, cùng với những hàng hoá trên tàu để mua hai chiếc tàu khác lớn hơn, chở đầy súng đạn và chiến cụ mà những đại lý của Hoàng thượng sẽ chu cấp; mang cả về đây. Tuyệt đối không được bất cẩn, để được xứng đáng với lòng tin của Hoàng thượng. Khâm tai đặc chỉ.
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày thứ 13, tuần trăng thứ 10 (20/10/1798). (Louvet, I, t. 547)
2- Chỉ dụ cho Barisy
Lệnh cho Barisy, Khâm sai cai đội thiềng tín hầu, phục vụ dưới trướng, tức thì sang ngay Ấn Độ, đem theo năm lá thư của vua, trên tàu Loan phi tiên tàu của Hoàng thượng. Xong nhiệm vụ, y khởi tố viên trung tá hải quân Anh của tàu Nom-Such tên là Thomas, về vụ chiếm tàu Armide của Hoàng thượng. Yđòi phải bồi thường cho sự xúc phạm đến tàu của nhà vua và buộc phải trả lại những thư từ và giấy tờ quan pháp của vua, mà trung tá Thomas đã ăn cắp. Y bắt phải hoàn lại giá tiền chiếc tàu Armide và những hàng hoá chứa trên tàu, cả vốn lẫn lời. Y trao tất cả số tiền này tận tay những đại lý của Hoàng thượng là Hanops và Stevenson, đại thương gia ở Tranquebar, để mua một chiếc tàu, khí giới và chiến cụ khác. Y chở ngay về đây. Y phải chấp lệnh này một cách triệt để và phải mau lẹ hoàn thành nhiệm vụ.
Kính cẩn nhận lệnh.
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày 13, tuần trăng 10 (20/10/1798). Ấn niêm phong. (Louvet, I, t. 553-554)
Hai dụ này được viết cùng ngày 20/10/1798. Gibsons (chắc là người Anh). Vua sai Gibsons chỉ huy tàu Loan Phi, chở đồ sang Tranquebar (chắc vì Loan Phi là tàu lớn, Barisy không thể điểu khiển được) bán cả tàu lẫn hàng hoá, để mua hai tàu lớn hơn, và chở vũ khí súng đạn vua đã đặt mua của các đại lý tại đây đem về Việt Nam.
- Tàu Loan Phi là tàu đại hiệu, vua cho lệnh đóng vào tháng 2-3/1793, cùng với các tàu: Long Ngự, Long Thượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phượng Phi [Bằng Phi, Phượng Phi đã có từ năm 1784], Hồng Phi, Loan Phi, Ưng Phi. (TL, I, t. 290). Nay vua sai bán Loan Phi đi để mua tàu khác, vậy, tàu, thuyền do nhà vua sản xuất ra, không chỉ dùng vào việc chiến tranh mà còn đem bán ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ giá trị của thuyền tàu, nước ta thời đó.
3- Thư gửi cựu toàn quyền Malacca
Cai đội Gibsons đã giao lại cho công binh xưởng của ta tất cả những vật dụng mà y được những chủ tàu chất hàng cho, ta thấy có ít lưu huỳnh quá. Ta tiếc nhất là không thấy súng trường (fusils de munition) mà hiện nay ta cần nhất. .. Còn về chiếc tàu Armide, mà viên đại uý Thomas đã chiếm đoạt một cách bất công như thế, ta đã viết thư cho Anh hoàng và cho chính phủ trung ương ở Bengale…
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày 13, tuần trăng 10 (20/11/1798) (Louvet, I, t. 549)
Thư này chắc nói về một trong những chuyến đi trước đây của Gibsons, về giao hàng, nhưng vua không bằng lòng cho nên trong lá thư này, vua có ý trách, đồng thời nói đến chuyện chiếc tàu Armide.
5- Thư gửi toàn quyền Anh ở Ấn Độ
Các hạ,
Quả nhân rất ngạc nhiên khi biết tin chiếc tàu Anh Nom-Such, do thuyền trưởng Thomas cai quản, đã bất chấp luật nhân quần, chiếm chiếc tàu Armide, do Laurent Barisy, một trong những cai đội của ta, chỉ huy, mà ta đã gửi đến những hải cảng khác nhau ở Ấn Độ để mua khí giới và quân nhu cho ta. Người thuyền trưởng này, tưởng y là kẻ mạnh nhất, có thể coi thường tất cả, đã hạ cờ của ta xuống và treo cờ Anh lên hay thế; y đã, không biên bản, không có phán định của toà án hải quân, đem bán chiếc tàu này, cùng với hoàng hoá mà nó chuyên chở, và lấy sạch số tiền thu được. Y đã, bất chấp công pháp, bất chấp luật của các quốc gia, khinh thường luật xã hội, chận thư có quốc ấn niêm phong mà ta gửi cho tướng Anker, trấn thủ Tranguebar và cho ông Couperus, trước đây là trấn thủ Hoà Lan ở Malacca. Lối hành xử bất chấp này không hề bị trừng phạt: những lời khiếu nại nhiều lần của thuyền trưởng Barisy lên tướng chỉ huy và lên hội đồng hoàng gia Anh ở Bengale đều vô hiệu. Ta không cần nói, các hạ cũng biết rằng, ta không ngờ một cách ứng xử như thế. Cho tới bây giờ, ta chưa bao giờ có chuyện hiềm khích với một quốc gia Tây phương nào. Nếu ta có giao thiệp với một vài hạm đội đến đây, cũng là để tạo cơ hội thuận tiện cho họ, khi hoàn cảnh cho phép. Ta viết thư này cho các hạ để hỏi vì lý do gì mà các hạ cho phép thuyền trưởng Thomas hành xử kiểu hải tặc như y vừa làm. Ta yêu cầu các hạ bồi thường cho hải hạm của ta theo luật pháp Anh đòi hỏi trong hoàn cảnh tương tự. Ta yêu cầu phải trả lại những thư từ và giấy tờ quan pháp của ta để trên tàu Armide. Thêm nữa, ta đòi hỏi, phải bồi thường giá chiếc tàu này và hàng hoá chuyên chở, cả vốn lẫn lời, theo đúng giá cả mà luật pháp quy định. Vệ uý Olivier và cai đội Barisy được ta trao thẩm quyền để theo dõi việc này cho tới khi hoàn toàn thoả đáng. Ta mong các hạ, tin rằng, sở dĩ ta viết thư cho các hạ về việc này là chỉ vì lòng lính trọng sâu sắc của ta đối với hoàng đế Anh quốc. Các hạ phải thấy rằng nếu ta muốn bồi thường bằng luật bù trừ, ta chẳng thiếu gì phương tiện. [Vous devez sentir que si je voulais me dédommager par la voie de compensation, j'en trouverais facilement les moyens].
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày 13, tuần trăng 10 (20/11/1798). Ấn niêm phong của Quân Đội. (Louvet, I, t. 552-533)
Thư này viết cùng ngày với thư gửi vua Đan Mạch và vua Anh, chúng ta đã thấy giọng thư gửi vua Anh như thế nào rồi. Lá thư này, gửi toàn quyền Anh ở Ấn Độ, giọng khác hẳn, Gia Long chuyển từ nhu, sang cương: từ đầu đến cuối là một bản buộc tội của công tố, cuối cùng chuyển sang đe doạ thẳng: nếu ngươi không giải quyết chuyện này, thì đừng trách ta sẽ có cách trả đũa. Thư này không chỉ gửi cho toàn quyền Anh, mà còn gửi kèm một bản cho hoàng đế nước Anh. Đế quốc Anh lúc đó đang làm bá chủ thế giới, đã phải chấp nhận công lý mà Gia Long đòi hỏi.
Faure đã chẳng nề hà, cướp ngay công này cho Bá Đa Lộc, “kể” lại như sau:
Khi chiếc tàu này [Armide] bị người Anh bắt ở Ấn Độ Dương, việc này đưa đến sự phản đối mãnh liệt của chính phủ Nam Hà do Giám mục Adran điều khiển (Faure, t. 223).
Và sau khi trích dẫn dài rộng lá thư của Gia Long, Faure kết luận:
Và người Anh đã chịu thua trước những lời hăm doạ này. Tàu Armide được trả về Sài Gòn và những đòi hỏi của tàu Nam Hà có kết quả mỹ mãn (Faure, t. 224).
Tất cả cách hành xử và ứng xử của vua Gia Long đối với ngoại bang ngay từ khi chưa thống nhất đất nước, đã khiến người ngoại quốc nể trọng, do đó mà những tác giả ngoại quốc đương thời như Barrow, Montyon, Le Labousse, đều nhất loạt coi Gia Long là ông vua lớn trong vùng Á Châu và trong lịch sử Việt Nam.
Thụy Khuê
(Còn tiếp)
Chú thích về Tư liệu của Louvet
Trong phần Pièces justificatives (Chứng từ) Louvet trong cuốn La Cochinchine Religieuse, I đã sưu tầm được các tài liệu gốc sau đây:
Văn bằng: JM Dayot (t. 532). Philippe Vannier (t. 534-535). Julien Girard de L’Isle Sellé (t. 535). Théodore Lebrun (t. 536). Jean-Marie Despiaux (t. 537). Louis Guillon (t. 537). J. Guilloux (t. 538).
Thư: của Nguyễn Ánh gửi toàn quyền Phi Luật Tân để uỷ nhiệm Dayot (t. 543). Thư triều đình cám ơn toàn quyền Phi (t. 544)
Chỉ dụ sai phái: JM Dayot (t. 533). Barisy (t. 545). Januario Phượng (t. 545). Gibsons (t. 547).
Thư: của những nhà buôn ở Madras gửi cho vua Gia Long (t. 546)
Thư Gia Long gửi vua Đan Mạch (t. 547)
Thư Gia Long gửi toàn quyền Đan Mạch ở Ấn Độ (t. 548)
Thư Gia Long gửi toàn quyền Đan Mạch ở Malacca (t. 549)
Thư Gia Long gửi vua Anh (t. 549)
Vụ tàu Armide: Thư Gia Long gửi toàn quyền Anh ở Ấn Độ, (t. 552). Chỉ dụ cho Barisy (t. 553), Thư Gia Long gửi trấn thủ Bengale (t. 553). Thư của Olivier gửi ông d’Aguiton Esquire (t. 554).
Thư của tham tri ngoại giao gởi những nhà buôn ở Madras (t. 557)
Đề nghị của những nhà buôn ở Madras (t. 558)
Chỉ dụ cho phép Chaigneau đi dưỡng bệnh ở Malacca (t. 558)
Thư của tham tri ngoại giao của Gia Long gửi toàn quyền Malacca để gửi gấm Chaigneau (t. 559)
Chúc thư của Olivier gửi Bá Đa Lộc (t. 560)
Thư của những người thi hành chúc thư cuả Olivier gửi cho Bá Đa Lộc (t. 562)
Bài vị ghi trên mộ Bá Đa Lộc (t. 564)

Xem các kỳ trước: