Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Lê Minh Hà kể chuyện (4)

Ừ thì mình nhát

Nhát. Phải, không sợ ma, sợ người thì chỉ in ít. Nhưng nhát thật. Tính nhát chỉ không bắt được tôi từ bỏ đôi ba nguyên tắc sống thiết thân nhất, còn thì… Tóm lại, ngồi tiếc rẻ bao nhiêu cơ may ở đời rồi cũng chỉ đến tặc lưỡi: nhát thế thì làm được gì. Vì nhát, mà không dám sống theo cảm xúc thăng giáng hàng ngày, tự vệ bằng trò bạ cái gì cũng giễu cợt, kể cả mình. Vì nhát, thà bước lùi còn hơn phải tranh giành, dẫu thật lòng tiếc vì biết thiệt thân quá. Vì nhát, mà thành ra hay do dự.
Cái tính này, có, chắc vì ốm yếu từ bé, và vì chiến tranh. Chắc chắn vì chiến tranh.

Cứ tưởng đi sơ tán là một cuộc đi chơi dài hạn, mà không ngờ dài thế, ngút ngàn thương nhớ. Nhà. Phố. Những hàng cây. Sen chiều. Ổi chín. Bỏng ngô và chè lam cổng trường. Ốc mút. Tào phớ. Kem que. Cô giáo vừa quen. Những đêm nhung nhăng theo bọn con trai đi sính ve, nhân thể quấy rầy chúng nó. Những đứa bạn xa đi rồi không bao giờ gặp lại. Cái cảm giác cô độc với những ý nghĩ riêng này, rất nhiều khi tôi tự hỏi những anh chị khác, những đứa khác chỉ phải xa gia đình nhưng sơ tán theo trường hay cơ quan bố mẹ có bị mắc trầm trọng như tôi.

Khi đó, có lẽ cả làng chỉ có chị em tôi là trẻ con sơ tán. Đêm nằm, bà chỉ có hai hõm nách, hai mạn sườn, hai cánh tay thay nhau phe phẩy quạt cho mấy đứa cháu, tôi được ưu tiên nằm một bên bà. Cái giường đôi mấy bà cháu nằm ngang cho rộng. Chỗ gần cửa sổ nhìn ra vườn dong giềng mênh mông sát bờ đê, tuy có chấn song, vẫn hãi, chỉ sợ có bàn tay nào luồn qua đó nắm tóc mình, bắt hồn mình, bà chẳng thể đuổi theo cứu về. Thế nên dẫu chỗ nằm đó mát nhất tôi vẫn rất vui lòng nhường cho con em họ và bà chị gái.
Và tôi chọn mé bên kia giường gần cửa ra vào. Nhà gạch, mái ngói, nhưng có khung cửa mà lại không làm cánh cửa. Ngày đó thành phố nhà quê người người ai cũng thật là lành. Chẳng cần cửa giả gì, dắt cháu đi đâu, đi chợ phiên họp ở hai bên bờ sông chỗ đầu cầu, đi đám ma đám hỏi, bà chỉ cần kéo cái nong cũ cũ lấy cây gậy gảy rơm chống vào cạp, dựng che ngang cửa. Chẳng cốt ngăn người. Chỉ là để ngăn mấy con gà mái dắt bầy con vào làm loạn ị lung tung. Ban ngày thì không sao. Không có cửa, nhót đi chơi rồi lúc về lẩn thẳng vào nhà không phải gọi bà, tiện phết. Nhưng đêm thì kinh hoàng. Tôi sợ đến nỗi chọn nằm mé giường bên này mà đêm hết sấp lại ngửa không ngủ nổi. Nóng như thiêu, muốn ngủ vẫn phải lấy cái chiếu sạch bà vắt thành giường rũ ra, làm thành cái mái tùm hum hở đầu hở đuôi rồi co quắp trong đó, tay với với ra lần sờ bà. Vừa thiếp đi, động người, chiếu tụt khỏi thành giường, lúc rơi xuống đất, lúc phủ lên thân mình đứa trẻ bé tin hin, bà mắng nằm thế khác gì người chết mà chỉ biết im thin thít không dám cãi. Đến mùa đông thì mới thực là tệ hại, vì cái chiếu của riêng đó bà sẽ trưng dụng đắp thêm lên tấm chăn bông tôi co bên này bà chị với con em họ co bên kia. Chăn lớn mấy thì cái hạnh phúc ấm thân người cũng là quá nhỏ. Còn nỗi sợ thì nguyên đó. Có khi còn sợ hơn. Ngoài kia, gió hanh, lá chuối tự xé mình phần phật, chốc chốc mấy con gà ở cái chuồng mé bếp đạp nhau, cánh vỗ phành phạch một hồi chỉ càng làm cho cái im lặng đặc sệt của làng quê có gì như trắc trở. Bé bằng mắt muỗi mà tôi khó ngủ đến mức đêm đêm bà phải luồn xuống chiếu chỗ tôi nằm con dao bầu. Nhờ con dao, và nhờ những ngày đông nước ngoài sông chỉ mấp máy vờn dưới gió lạnh đến mức bà phải gây thêm bếp sưởi bằng củi gộc với lõi ngô, với tôi, lửa không phải để ấm, lửa để xua đi nỗi bất an, mà tôi dìm được mình vào giấc ngủ.
Khổ nỗi khó ngủ thì hay buồn tè. Cả một nỗi kinh hoàng. Lồm cồm bò dậy chui ra khỏi cái chiếu đắp mình, tụt xuống giường xỏ chân vào guốc lần mò ra cửa. Hôm nào trăng suông còn khá. Chứ lúc hạ huyền, trời đất tối om, vườn chuối ban ngày hiền đến thế mà trong đêm thì khác hẳn. Những thân chuối đứng im lìm, thân thẳng, thân nghiêng, cây nào có buồng phải chống cho không đổ thì càng dị dạng. Y như người. Bà biết trẻ mỏ đêm hôm hay sợ nên cho tè ngay gốc chuối. Giá có chim thì chắc bà đã cho ngồi tè thẳng từ thềm. Được ưu tiên đến thế mà run đến mức tè không thông bãi. Cứ xập xè xập xè, hãi đến cả âm thanh mình gây ra.

Nhát vậy mà tôi không sợ ma. Mà cũng có thể sự dũng cảm đột xuất tôi có buổi đêm đó là bất đắc dĩ. Bà bị viêm tụy cấp. Nhà lúc đó có thêm bà thím con mọn nghỉ làm không ăn lương về sơ tán luôn. Hàng xóm đổ sang, ai cũng cầm theo cái đèn hoa kì. Dăm bảy ngọn lửa liu riu sau cái thông phong ám toàn muội khói mà nhà sáng khác thường. Bàn cãi chán chê toàn giọng đàn bà, đến tận lúc ông Thập Lúa lò dò vạch rào sang nghe mãi ngứa tai gầm lên thì quyết định mượn võng nhà hàng xóm khênh bà đi bệnh viện huyện. Nhưng còn phải gọi bà cô xóm trên, cách xóm tôi ở một bãi tha ma, một cái lô cốt Tây xây, nơi khi xưa bao nhiêu lần du kích bị tra tấn trong đó rồi mang ra mom sông bắn, xác bị đạp thẳng xuống sông. Bàn xong rồi thì ra sự không ai dám đi. Bây giờ ngồi ngẫm lại mới thấy làng xóm lúc đó bao nhiêu điều kì quặc, chỉ toàn đàn bà con gái. Chứ nếu có một ông trai trẻ nào, chắc con bé con là tôi đã không phải xung phong một mình đi suốt dải đê toàn là ma như các bà vẫn bảo. Sau vụ đó, tiếng tăm tôi nổi lềnh phềnh, như sung rụng dạt đầy bến nước. Chỉ có một mình con bé biết, nỗi sợ trong lòng nó cứ mỗi ngày một dầy thêm lên và vì sao.

Cái hôm hoảng loạn vì vỡ chợ lúc máy bay Mỹ sạt qua, thả bom ở ngoài Thạch Bích, bà mãi chưa về. Lúc bà về rồi, cơm nước xong rồi, tôi lang thang lên đầu cầu, thấy lổng chổng tre pheo, củi cành, thúng mủng người ta bỏ lại, chẳng khác gì một bãi tha ma hàng hóa, tự dưng nghẹn ngực. Hay như cái hôm có người ra phía ngoài Chuông ngoài Miêng, về kể nghe đài galen nhà nào, bảo Hà Nội bị oanh tạc. Đấy là lúc bắt đầu cuộc chiến tranh đánh phá lần thứ hai và chị tôi chưa về sơ tán. Bao nhiêu chiều tôi một mình dật dờ dọc bờ sông bên này ngóng sang bờ kia, tít tắp nơi ấy là nhà, là phố. Bao nhiêu lần tôi ngồi thu lu trong cái hõm chân đống rơm dưới lùm tre nhà ông lang Mạch ngóng từng bóng xe đạp qua cầu từ bên ấy, khóc không thành tiếng một mình. Rồi kiệt quệ đứng dậy phủi đít đi về, vơ vẩn bên bà, không dám nói, biết lòng bà cũng vời vợi những lo là lo.

Chắc vì dáng vẻ lẩn thà lẩn thẩn đó, và vì cắt tóc ngắn rẽ ngôi lệch, mặc quần phăng không dải rút, áo hoa dù là màu tối om om, tôi bị trẻ con trong làng gọi là con Hà Nội ngớ ngẩn mắt ốc nhồi. Cùng xóm, vẫn bì bũm với nhau nơi bến nước, vẫn chơi với nhau, móc túi cho nhau nắm thóc rang hay hạt lạc trong hộp mứt tết mua bằng bìa gia đình dành cho người nhà nước, thế nhưng đi học thì chúng nó lại vào hùa với nhau tránh tôi, nhất là mấy thằng con trai thối tai. Ngày thứ hai chào cờ, con gái một hàng con giai một hàng, mấy thằng đáng lẽ phải đứng ngang tôi thì tự động tách ra, khoảng trống còn dài hơn hai phần còn lại của hàng chúng nó nối lại. May mà sân trường rộng, chứ đùn đẩy kiểu đó khéo có thằng tụt thẳng xuống giao thông hào. Chao ôi tuổi nhỏ. Làm người ta nhớ thế, nhiều khi chẳng phải vì dễ thương và vô tư lự, mà vì… Cái cách cư xử trẻ con độc ác một cách vô tâm này, sau này, tôi gặp lại ngay ở Hà Nội, khi mà chiến tranh biên giới nổ ra và lớp tôi có một đứa con gái áo hồng vào ra như cái bóng. Nhà nó ở Lạng Sơn, lúc quân Tàu tràn sang thì bố mẹ nó ở lại giữ đất giữ nhà, nó được gửi theo xe tản cư về Hà Nội. Chưa đứa nào trong chúng tôi, những đứa con gái con trai mười sáu mười bảy tuổi đã hai lần đi sơ tán kịp thật sự làm quen với nó, hỏi thăm nó, mới nhấm nháy với nhau là người miền ngược mà điệu thế, đã áo hồng còn thêu còn ren thì nó đi rồi. Công nhận người ta dễ quên, quên được thì hình như ác được.

Tất cả những chuyện nho nhỏ đó, từng ngày, đã làm cho con bé vốn nhút nhát vì yếu càng thêm nhát. Và nó biết, tất cả những chuyện đó chưa phải là tất cả, bất quá chỉ là những khó khăn đã vượt qua rồi. Và nó biết, từ đâu mà mình thế, từ đâu, cái cảm giác bất an, hoang mang khiến cho những lúc cay đắng nhất nó chỉ có thể tìm về với chính mình.
Chỉ tại vì chiến tranh thôi.

Năm đó con bé chắc chừng năm tuổi. Dân mình, rời nhà không tìm về quê thì đi đâu, dẫu quê đó xa xôi mấy đời chẳng biết. Thế là thành ra sơ tán mà bà cháu lại nhao về đúng nơi có mục tiêu oanh tạc của máy bay Mỹ. Là cái cầu bắc qua sông Đáy, nối Hà Nội với sân bay Miếu Môn, ngược tới Hòa Bình. Có phải ngẫu nhiên mà ngày đó Pháp xua cả làng, dồn dân xây mấy cái lô cốt trấn ngay ngã ba sông này đâu.
Thế là lại lốc thốc ra đi. Hôm trước bom rơi ở đâu gần lắm, tường nhà sau trận bom rạn một vệt dài từ mái ngói xuống tận nền. Bà dậy thổi cơm nắm sẵn bọc lá chuối khô từ nửa đêm, giục bầy cháu đi trước với đứa em họ, tiếng là em nhưng đã là thiếu nữ, cùng lũ trẻ con trong xóm. Đi đâu? Một lũ trẻ con kéo nhau ra chỗ có cái điếm canh nằm dưới bóng cây gạo chỗ Cầu Đồng Bán, ngồi đó chờ hoàng hôn xuống mới được về nhà.

Tôi không còn nhớ rõ cái gì nữa cả, không nhớ tại sao lúc đó chỉ có một mình mình. Chỉ nhớ đồng không mông quạnh, chỉ nhớ trời xanh và cao, chỉ nhớ đằng rừng núi không ngất ngư xanh thâm u mà vạc từng vệt trắng, và tiếng mìn phá đá từ phía đó vọng lại ầm ì. Chỉ nhớ không có bà. Chỉ nhớ một mình cô độc không biết đi đâu, giữa cánh đồng có cái gì đen đen như quái vật chổng hai chân, còn đằng xuôi cánh đồng trắng bạc cứ thỉnh thoảng lại chớp lên từng vạch sáng.

Chắc là vì nước mắt. Bởi sau đó, khi bà tìm vào Cầu Đồng Bán, rồi lại hớt hải tìm ra cháu giữa đồng trưa đã xế qua chiều, thì con bé con mới vỡ ra quái vật là cái xe ba gác chổng càng, và những vạch sáng ma quái giữa cánh đồng phía Vĩnh Lạc là đàn cò ở đâu về lặn lội.

Nhưng cảm giác ấy không nhờ biết mà con bé thôi không bị ám. Tận cùng cô đơn. Tận cùng cô độc. Lúc à à đuổi nhau ngoài ngõ, lúc toòng teng cái sọt nhỏ lót lá chuối đua đòi theo chúng bạn đi hót phân trâu bò, một mình một bờ kênh xanh thầm thì với nước, với chuồn chuồn, với con rắn hoa nằm vắt ngang đường. Nỗi bất an ấy theo con bé, giờ đây đã là một bà tuổi héo rồi. Bà ấy vẫn nhận mình một nửa là nhà quê, nhưng sâu trong lòng, chỉ thấy yên tâm khi sống giữa lòng phố lớn. Khổ thân bà.

Berlin 22.12.2014