Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

VÕ HỒNG NGƯỜI LUÔN NẶNG LÒNG VỚI QUÊ HƯƠNG

Nguyễn Lệ Uyên

clip_image002

Nửa thế kỷ cầm bút, Võ Hồng viết trên 30 tập truyện ngắn, truyện dài, thơ… không kể đến một số bài báo có tính cách nghiên cứu… Suốt chừng ấy năm với chừng ấy đầu sách, người ta biết nhiều đến ông, báo chí viết nhiều về ông, bạn đọc tìm đến ông như người thân yêu, bởi nhân cách của ông trong cuộc sống và trên những trang giấy.

Có những độc giả, sau khi đọc truyện ông bỗng nhớ đến da diết về chốn quê hương cỏ lá, có người “dám cả gan” vào thư viện xé vài trang truyện (ông mô tả một làng quê với viên cốm đầu năm mới) mang về để thấy quê hương thật gần gũi bên mình, để tận hưởng hương vị ngày tết cổ truyền dân tộc như thể mình đang sống trên mảnh đất còn đầy khốn khó này (trường hợp một nữ độc giả ở Úc khoảng năm 87-88). Và có lẽ ông cũng là nhà văn duy nhất sau năm 1975 được nhiều độc giả mến mộ, thư từ, thăm viếng; được các thế hệ sau luôn gọi ông bằng Thầy mỗi khi tiếp xúc.

Nhân cách sống và viết của Võ Hồng làm cho độc giả cảm thấy luôn được gần gũi với ông, sách vở của ông để ông trở thành nhà văn của tất cả mọi người. Trong tận cùng sâu thẳm suy nghĩ của độc giả mọi lứa tuổi, ông là người ông, người bác, người chú, người cha, người anh, người thầy đáng kính, vì trải qua bao cuộc bể dâu, nhân cách ông vẫn giữ nguyên vẹn sự kính trọng đó.

Thế hệ trước và sau Võ Hồng đều sống trong một xã hội chập chững tập làm quen với dân chủ, có những ông mặc áo dài khăn đóng, đi guốc mộc che dù đứng ra hô hào cải cách, pha trộn một ít chữ Hán, chữ Tây, chữ Anh vừa nhổ toèn toẹt bã cổ trầu đỏ xuống gầm bàn trước mắt các cử toạ vừa trích cú những Trung Dung, Luận Ngữ, Đại Học … để kết án đám trị vì phong kiến giam hãm sự phát triển chung của đất nước. Rồi những anh Tây học áo vét, cà vạt lên tàu về nước mang theo bao điều lạ hoắc, những chủ nghĩa ngu dân cùng những nôn mửa, buồn chán, xộc xệch máy móc dựng lên một rào chắn kiên cố mà họ gọi là thiên đường… xổ toẹt cả nền văn hoá văn minh đất nước. Tất cả trộn lại thành vòng xoáy cùng với vòng xoáy của chiến tranh nghi ngút khói lửa đẩy người dân đi hết ngẩn ngơ này đến những ê chề, đau khổ khác, không biết số phận sẽ “đi đâu, về đâu”?.

Võ Hồng đã sống trong một bối cảnh bi thương như vậy, nhưng ông đã vượt lên trên để nhìn ngắm quan sát rồi bắt chữ nghĩa cõng chúng ra nơi quang đãng cho mọi người thưởng lãm và tự ngắm lại mình, cảnh sống quanh mình. Ông sống và viết. Viết bằng những kinh nghiệm có thật của cuộc đời có thật, xảy ra chung quanh ông bằng một giọng văn dung dị đến mộc mạc như quê hương ông nghèo khó vậy. Những năm ông đi theo kháng chiến chống Pháp làm công tác bình dân giáo dục, rồi làm hiệu trưởng một trường trung học luôn phải di chuyển, người dân gồng gánh tản cư tránh giặc, ngôi trường kia cũng chạy theo, học trò ôm sách vở, mang ruột nghé gạo chạy theo, ông cũng chạy theo ngôi trường, chạy theo học trò để làm tròn thiên chức một nhà giáo.

Những năm tháng xuôi ngược này, ông cùng sống với những người dân lam lũ, quan sát cảnh đời cơ cực của họ, quan sát những hành động, tìm hiểu suy nghĩ của những trí thức trẻ đi theo kháng chiến. Gom góp, tích lũy làm vốn sống cho mình. Chính với vốn sống phong phú đó, hàng loạt tác phẩm ông viết ra được đón nhận như đón nhận những người thân yêu lưu lạc, nay được trở về nơi chốn bình yên.

Tất cả những điều này được các nhà phê bình văn học lớn nhỏ phân tích mổ xẻ khá là căn kẽ. Chỉ tội thân ông, một ông cụ già trong sáng, hồn nhiên, bỗng sau năm 1975 bị giới phê bình miền Bắc gán cho cái vòng lấp lánh : “nhà văn tiến bộ trong vùng đô thị tạm chiếm”.

Đọc những dòng viết tràng giang này, ông chỉ mỉm cười mà không bộc lộ một thái độ nào, coi đó như những lời nhàn đàm trong buổi trà dư tửu hậu, mà thông qua những câu chuyên vui, ông thường dùng từ “bá xàm, bá láp” để chỉ cho những nhận xét, kết luận vội vàng dưới bất kỳ hình thức nào. Ông không quan tâm những gì người ta nói về Võ Hồng theo kiểu cách “bần cố nông đấu tố địa chủ phong kiến”. Cuộc đời của ông là ngòi bút và trang giấy để trả nợ quê hương từng nuôi dưỡng ông. Và ông tiếp tục viết. Viết vì những cảm xúc không thể dằn lòng, viết vì trách nhiệm trước ngòi bút như ông đã từng viết và người đọc đã từng khóc với những trang sách của ông (Một Bông Hồng Cho Cha, Áo Em Cài Hoa Trắng…) chứ không vì cái xảo ngôn “tiến bộ” kia.

Những lần được hầu chuyện ông trên căn gác nhỏ bừa bộn sách báo, mền gối, bút mực, chén đũa, bàn ủi, lược gương, kim chỉ… bày la liệt, tứ tung như gánh hàng xén trong phiên chợ quê cuối ngày (ông ngồi trên chiếc ghế đẩu long chân, khách tự tìm chỗ ngồi), bình thản nhắc lại “khu Xóm Mới hồi đó toàn cát, gai bàn chải, lộn xộn mà êm”, hỏi thăm Lò Gốm quê ông còn hay mất. Và rồi ông nhắm mắt lại: “Suốt cuộc đời tôi, chỉ có một tâm niệm duy nhất là trả được Hiếu cho quê hương qua từng trang sách. Tôi còn nợ quá nhiều, tôi sẽ cố gắng ”. Và ông đã nhẫn nại làm công việc đó bằng thứ ngôn ngữ đặc sệt nhà quê của quê hương ông.

Lấy bối cảnh cho một cốt truyện, ông cũng đưa vào tên làng tên xóm nơi ông từng sinh ra và lớn lên và rời xa nó; chọn tên một nhân vật, ông cũng tìm những cái tên chơn chất cha mẹ đặt cho bạn bè ông thời thơ ấu. Ông mang tất cả vào những trang sách với niềm vui tột cùng, bởi Nha Trang-Tuy Hoà chỉ cách một ngọn đèo nhưng với ông nó thăm thẳm, khiến tâm can luôn cồn cào, nao nao để hoài nhớ, để thổn thức…

Ta hãy nghe những dòng chữ mang nỗi lòng của ông: “Từ quê tôi ở Tuy Hoà, tôi mang ruột nghé gạo đi ra Tuy An để theo học trường Lương Văn Chánh. Đi bộ bốn mươi cây số, từ nhà ra tới Định Trung, xã An Định, nơi mở trường. Khi ra đi, tiền túi còn đầy, có hồi tôi cao hứng leo ngồi xe ngựa. Lọc cọc… Lọc cọc… Vút!… Trót!… Rầm rầm… Lịch kịch. Đường cái bị phá hoại, đồng bào được huy động đào xới, có đoạn vết đào chạy xiên xiên, sóng sóng nhau, rất ngay ngắn, rất mỹ thuật, như cái xương cá. Có đoạn thì hăng quá, hốt gọn luôn một quãng, phi tang biến mất tiêu, khiến lòng đường còn sâu hơn mặt ruộng xung quanh. Và nước đọng thành ao. Cỏ gấu, cỏ mực, cỏ may, cỏ chỉ… rau chóc, rau sam, móc mèo, móc ó… vội vàng xâm chiếm, xây dựng thành an toàn khu. Và khi hoàng hôn xuống thì biến thành hội trường cho ễnh ương toàn vùng hoà tấu” (Những Ngày Lương Văn Chánh).

Trong truyện ngắn Bên Đập Đồng Cháy (được cả độc giả và giới phê bình thời bấy giờ đánh giá là truyện ngắn đặc sắc nhất, cảm động nhất) mô tả cảnh những người dân quê lam lũ, nghèo khó gồng gánh nhau chạy giặc ở quê ông trong cuộc chiến khốc liệt trước năm 1975, mà nghe chừng như chính ông cùng gồng gánh chạy theo những bà Xự, trùm Đẹt, bà thủ Hai…. Những hoảng loạn của họ chính là nỗi hoảng loạn của bản thân ông: “Đã đến nước cùng rồi, đã đến mức chót rồi, không còn trì hoãn được nữa. Bà con lối xóm đi đâu hết. Vơ vét gạo củi, đùm túm quần áo đi hết. Lùa bò, dắt trâu đi hết. Quẩy lúa gánh đường đi hết. Trên xóm Dương không còn tiếng người nói. Dưới Đồng Dài không có tiếng gà gáy trưa.

Bà Xự ngồi yên trên ngạch cửa, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má”.

Cái làng quê thất thần giữa sự sống và cái chết mà ông mô tả, dường như người đọc có thể bất gặp bất kỳ nơi làng quê nào trong cảnh chiến tranh tương tàn trước đây. Nhưng khi đọc đoạn mở đầu của truyện (Bên Đập Đồng Cháy), người đọc dễ nhận ra những giọt nước mắt lặng lẽ  chảy trên gò má của bà Xự, đấy chính là giọt nước mắt tủi cực của ông. Rồi ông lại để cho nhân vật bà Xự thay ông làm cái việc mà ông không thể làm được, luôn có mặc cảm như người quay lưng lại với quê nhà, một thứ mặc cảm luôn dày vò ông mỗi khi có dịp thố lộ với người quen thân: “Tôi không còn đủ sức để chống chọi. Cho tôi an nghỉ. Tôi sẽ không về ở trên xóm, tôi sẽ về ở cái chòi tranh giữ bắp nhỏ trên doi đất này, nơi đó tôi đã gặp chồng tôi, ngày xưa. Tôi sẽ sống lây lất với củ lang củ mì, với rau má rau dền, với hến với ốc. Thôi, bà con đi đi. Chúc bà con mạnh giỏi. Cho tôi ở lại. Không, xin cho tôi ở lại. Tội nghiệp thân tôi. Tôi đã” (Bên Đập Đồng Cháy).

Trong hầu hết các tác phẩm của mình, Võ Hồng luôn nhắc đến quê hương Phú Yên, lúc thì tan nát khói lửa, khi thì trong trẻo tuổi thơ. Ông luôn hoài nhớ với nhiều tâm trạng khác nhau, như cái cớ để được giải bày, thương nhớ xa gần.

Lùi chút xíu về quá khứ thuở thanh bình, thì vùng quê Tuy An, Phú Yên, của ông là những cánh đồng trải dài, nước lấp xấp, là những ngọn núi xanh lơ, là những dòng sông, chiếc thuyền nan cùng cái xóm nghèo nàn với những bà con nghèo đến xác xơ: “Tôi thương yêu cái xóm nhỏ của tôi, con đò bằng nan tre chèo qua lại trên dòng sông, những người láng giềng nghèo nàn. Tôi thương yêu những đứa trẻ chăn bò vốn là bạn chơi đáo, chơi bi…” (Hoa Bươm Bướm).

Ông luôn nghĩ về họ, những số phận hẩm hiu, bị trói buộc trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của thời chiến, và điều đó khiến ông day dứt, bắt ông phải nghĩ về họ, làm được điều gì đó để mọi người bớt cảnh cơ cực. Tuy nhiên ông không phải là triệu phú theo nghĩa thông thường để ra tay cứu vớt, ông chỉ có tấm lòng và triệu phú chữ nghĩa để nghĩ về họ, những thân phận bọt bèo trong guồng máy chiến tranh phi nghĩa, bạo tàn đè nghiến đến xác xơ, vật vờ: “Biết bao nhiêu bà con khác ở quê tôi phân tán đi đến miền nào tôi chưa biết hết. Giống như những mảnh giấy vụn bị gió lốc cuốn đi, có mảnh bay xa, có mảnh tấp gần, trên các chặng đường ra vô lên xuống họ đều hiện diện. Và xơ xác như những mảnh giấy” (Khoảng Mát).

Tại sao nhà văn lại thiết tha với quê hương đến như vậy? Phải chăng là chữ Hiếu phải đền đáp như ông vẫn thường tâm sự, hay đó là một khoảng trống của sự mất mát quá lâu, quá dài để cảm thấy mình là người ngoại cuộc, không có mặt để sẻ chia những đau khổ với đồng bào từng là bạn ông thời nhỏ?

Bốn mươi ba năm trước đây, trả lời phỏng vấn của tạp chí Văn, ông đã hé lộ những dằn vặt xót xa không cùng của mình đối với Phú Yên, với Tuy An, An Thạch, với Gò Duối, Đồng Dài, Phong Thăng, Long Hoà, Đồng Miếu… và nhiều nơi khác nữa: “Nếp sống của quê tôi chưa hề được một nhà văn nào nhắc đến… Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ bị lần lượt xoá đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái Dĩ vãng đó cũng vẫn còn chưa đủ… Vậy viết về những kỷ niệm Dĩ vãng tôi nhằm vào việc lấp một cái hố trống. Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp thiết tha gắn bó với quê hương hơn,,,” (tạp chí Văn số 299 ngày 1.9.1972).

Sau năm 1975, có 14 đầu sách của ông được các nhà xuất bản ấn hành, gồm truyện ngắn, truyện thiếu nhi, thơ và tiểu thuyết…, nhưng hầu hết, hoặc ông đã viết trước kia như tiểu thuyết Thiên Đường Ở Trên Cao (đã được tạp chí Văn trích đăng trước 75), hay các tập truyện Vẫy Tay Ngậm Ngùi, Trong Vùng Rêu Im Lặng, Chia Tay Người Bạn Nhỏ… Những truyện viết mới hầu hết là những phác thảo được sửa chữa viết lại, kể cả tập Chúng Tôi Có Mặt (khởi viết từ 1972) và Trầm Tư là gom lại những suy nghĩ nhận xét của ông về các vấn đề quanh cuộc sống thường ngày. Duy nhất chỉ có tập tuỳ bút Một Bông Hồng Cho Cha và tập thơ cho thiếu nhi Hồn Nhiên Tuổi Ngọc là viết mới hoàn toàn. Đây cũng là trường hợp chung của hầu hết các nhà văn Miền Nam còn ở lại trong nước, ngoại trừ một số nhà văn mà Viên Linh gọi là “tập đoàn” là “cán bộ” thì họ xoay ra hướng “mới”, bắt nhịp, thích nghi một cách nhanh chóng với loại văn chương “cung đình” một cách loè loẹt, sàm sỡ, nồng nặc mùi các tính… tâng bốc, tô vẽ, chỉ điểm, tố cáo nhau…

Riêng với Võ Hồng thì không. Tuyệt nhiên không hề thấy ông có những trang viết nào “véo von” (chữ ông thường hay dùng để ám chỉ sự xu nịnh) theo kiểu gió chiều nào ngã theo chiều ấy. Ông vẫn bình thản viết, tiếp tục viết như xưa nay vẫn viết. Ông viết vì những tình cảm chân thành, gắn bó; ông viết vì những cảm xúc trước mọi sự, mọi vật xảy ra quanh ông, không vồ vập mời chào, không chớn chở se sua, không xum xoe vẫy cánh vẫy đuôi quanh cây cột cháy đen thui để sờ nắm như người khiếm thị xem voi…

Trong số 14 tác phẩm sau này ông viết bằng nỗi niềm hoài nhớ quê hương, viết về người cha, người thầy, về các em nhỏ, về cây mãng cầu, bụi ớt… mà không mở rộng ra như Hoài Cố Nhân, Vết Hằn Năm Tháng, Con Suối Mùa Xuân, Như Cánh Chim Bay, Người Về Đầu Non… trước 75.

Trong tất cả những đầu sách này (XB sau 75) đều “dễ thương”, bởi người đọc sau khi gấp sách lại, hình như cảm thấy trong truyện có bóng dáng mình, bạn bè, người thân của mình thấp thoáng đâu đó, có mái trường mà hồi xưa, ngày còn trẻ thơ đã thênh thang cắp sách vở đi về ngày hai buổi… và mỉm cười thích thú với những hồi tưởng mang mang… trải bay nhẹ theo cơn gió nồm chiều.

Nhưng trong số ấy, tôi chú ý nhất vẫn là quyển Chúng Tôi Có Mặt, một tập truyện không có bóng dáng con người, con người bị đẩy xuống hàng thứ yếu, bị đẩy qua bên kia chiến lũy, bị lên án… để cho loài vật hiện diện, làm chủ cái tập thể gia súc, gia cầm, chồn, cáo, beo, gấu, niềng niễng, bọ chét, rệp… Ngay Lời Mở Đầu của tập truyện, ông nói: “Tôi viết tập truyện nhỏ này với niềm say mê thích thú chưa từng có. Một mình trên căn gác, suốt ngày tâm hồn đắm vào thế giới loài vật những cọp, những beo, cáo, gấu, chìa vôi, bìm bịp, chèo bẻo… tôi tưởng như chúng đang chạy nhảy và đối thoại quanh tôi. Thật là những giờ phút kỳ diệu.

Viết xong từng đoạn, đọc lại, cười. Như đọc văn của ai. Thích hơn khi viết vê Người, bởi nghĩ rằng viết về Người đã có nhiều ngòi bút khác viết rồi. Đằng này do mình tưởng tượng dựng ra thì hy vọng chúng mang trọn vẹn bản sắc của tâm hồn mình.”

Đến tác giả mà thú nhận viết xong đọc lại thấy thích thú, thì chắn chắn độc giả sẽ được tăng lên gấp bội phần niềm thích thú đó sau khi đọc xong? Vậy, trong Chúng Tôi Có Mặt, ông viết, kể lại những gì?

Ngay truyện đầu tiên Cố Vấn Luôn Luôn Có Lý, viết về con bò Cộ ghen bóng gió với vợ. Truyện khởi đầu bằng mẫu đối thoại hết sức duyên dáng: “..Về chuồng mắng vợ lẳng lơ, nó nạt lại:

– Vô duyên. Ghen lảng xẹt!

– Lảng cái chỗ nào? Rõ ràng nó chụp ôm lưng mày.

– Chụp đâu? Ôm đâu? Chỗ đường chật, mạnh ai nấy lấn chớ chụp cái gi?”

Tuy được vợ giải thích, nhưng bò Cộ vẫn cất công tìm đủ mọi cách để hạ thằng tình địch bò Bĩnh, bằng cách hỏi ý kiến của các cố vấn Dê, Heo, Cò nhằm thay đổi nhân dạng, lấy bớt cái mình có thay vào bằng những thứ của người chỉ cốt để loại thằng tình địch, nhưng khốn thay, kết quả không đi tới đâu mà còn bị cả tập thể các loài thú khinh bỉ, xa lánh…

Hình ảnh của bò Cộ dường như ta cũng bắt gặp đâu đó trong cuộc đời thật, cuộc đời có những con người luôn nghi ngờ người khác và cũng chẳng tin ở bản thân mình, trở thành thuộc tính yếu đuối trong bản chất của họ.

Trong một truyện khác Tinh Thần Ái Hữu, Võ Hồng mô tả một cảnh tranh luận trong sân nuôi gà vịt, mà đầu dây mối nhợ cũng do anh Cồ Chuối bày ra, đứng ra kêu gọi mọi vật “sống kề cận nhau phải thương yêu nhau”, ý tưởng đó được Cồ Chuối giải thích: “Ý tôi muốn nói là các loài thương yêu nhau. Đừng có gây sự cãi cọ, cắn đá nhau. Chẳng hạn gà đá vịt, bò húc heo, ngỗng mổ bồ câu…”. Cả sân bắt đầu tranh luận khá sôi nổi về tinh thần đoàn kết thương yêu nhau, và mặc dù có khá nhiều ý kiến không mấy thuận thảo với những đề nghị của Cồ Chuối, song cuối cùng cũng lập ra được cái hội “Ái hữu gia súc gia cầm ở số nhà 51 Hồng Bàng” với Ban Chấp Hành gồm Hội trưởng Cồ Chuối, Hội phó Bò, Tổng thư ký Ngỗng. Thừa lúc Hội chưa kịp ra mắt, các con vật tranh thủ giải quyết những mâu thuẫn nội bộ từ rất lâu: gà Tre nhảy đá vào đầu Bò; Dê thò chân đá lén vào hông Thỏ; Vịt cồ xoạc cánh thanh toán thằng vịt Xiêm ve vợ nó; gà Tía trả thù thằng Cồ Chuối ức hiếp mình. Cả sân náo loạn cả lên, xông vào nhau ẩu đả, cắn xé: “Vậy là nhen lên những lò lửa chiến tranh mới: Cãi cọ, chửi bới, giằng xé. Khắp sân rộn rịp. Lũ gà Giò hăng máu cũng sẵn sàng nhớ lại những mối bất hoà cũ, những vụ tranh chấp chưa ngã ngũ… và vậy là những cuộc đọ sức nổ rải rác đó đây. Khắp sân rộn rịp trong không khí đấm đá tưng bừng. Không còn ai đứng ra tuyên bố Hội Ái hữu gia cầm và gia súc ở số 51 Hồng Bàng sẽ tái nhóm vào ngày nào.”

Có thật là Võ Hồng trong tình thế hiện tại, không thể xoay trở, không thể viết theo ý mình, từ những cảm xúc chân thật, những nhìn ngắm khách quan đang diễn ra trước mắt… theo như dòng văn chương ông viết trước đây, nên ngán ngẩm, xoay ra đùa giỡn chơi với trẻ con (Hồn Nhiên Tuổi Ngọc), đùa giỡn với chính mình và nhân thế trong một giới hạn được hạn định, rào đón trước?

Dẫu ông nói gì, phân bua những gì gì chăng nữa trong lời tựa đầu sách, và cho dẫu những hàm ý được che giấu dưới lớp giấy mực gây chút ngạc nhiên, chút cười thú vị qua từng cử chỉ, ngôn ngữ của các con vật, với tôi, tôi vẫn thấy ẩn hiện đâu đó nỗi lòng quặn thắt của người cầm bút trong rất nhiều truyện trong tập Chúng Tôi Có Mặt này. Ví như trong truyện Lâu Đài Trên Cát , Võ Hồng mở đầu bằng một kiểu “trích ngang lý lịch” về mối quan hệ giữa Khỉ và Người: “Không còn nhớ rõ vào trường hợp nào và do miệng ai nói mà Khỉ Thọt có ý niệm “Khỉ là Tổ tiên của loài Người”. Từ những ý niệm ban đầu cho đến những suy nghĩ đeo bám, riết thành nỗi ám ảnh khiến Khỉ Thọt phải lục tìm, tra cứu các thư tịch có liên quan tới loài Linh trưởng, cùng với sự giúp đỡ của mụ Két, Khỉ Thọt đã bới tìm được một số thông tin ban đầu, rằng “tụi nó không lót ổ… tụi nó chun vô chun ra những cái hộp có khoét lỗ… Lông nó ít hơn ông… Mình nó nhiều màu, hoặc trên trắng dưới đen, hoặc trên vàng dưới nâu… (tụi nó giống ông) y như đúc khuôn…”. Vậy là Khỉ Thọt quyết tâm lên đường đi tìm lũ cháu chắc là lũ người và cuối cùng cũng tìm thấy chúng, có cả thảy bốn đứa. Thay vì nhận họ hàng của nhau, bốn thằng người kia hết ném đá xua đuổi ông Tổ, rồi lại lấy súng bóp cò: “Khỉ Thọt quay lên nhìn mấy đứa cháu, ngơ ngác không hiểu. Chợt một tiếng “đoàng” nữa. Lũ chồn, thỏ, cáo, hưu đi tiễn cất tiếng la hoảng hốt và co chân chạy rầm rập. Mụ khỉ vợ nhảy thót lên cành cây, tay chân siết cổ, lão gần nghẹt thở. Cái chân bên mặt sao bỗng nhức buốt như xé. Khỉ Thọt nhăn mặt. Đau rát đến nỗi không khóc mà sao nước mắt cứ chảy tuôn thành dòng.

Khỉ Thọt thẫn thờ nhìn bốn loài Người. Nhìn chăm chăm. Rồi chầm chậm quay lưng, bước lảo đảo trên những lối cũ. Những giọt máu rơi lộp độp trên tầng lá, màu đỏ tươi, như đánh dấu con đường trở về…” Đoàn ông Tổ khỉ Thọt trên đường hành hương tìm lại cội nguồn con cháu thằng Người đã bị lũ con cháu  đón tiếp bằng cách thẳng tay xua đuổi, chối từ mối quan hệ có thật trên sách vở!

Đọc đến đoạn cuối của truyện này (LĐTC), bỗng dưng nghe như toàn thân đau nhói bởi những liên tưởng vu vơ (xin lỗi nhà văn Võ Hồng kính mến): Tôi liên tưởng đến lời kêu gọi 10 điểm của CPLT CHMNVN cận kề tháng 4/75, đến cái gọi là đoàn kết, hoà giải, hòa hợp… đầu môi chót lưỡi!

Tôi nhớ đến những bàn chân chạy thất thần trên bãi cát mặn chát muối, mồ hôi, nước mắt và cả máu; đêm tối ngằn ngặt những tiếng khóc trẻ con bịt kín miệng bằng chiếc nùi giẻ; tiếng súng nổ, tiếng la thất thanh. Chiếc thuyền tách bãi len qua vực lách, nhận chìm trong dòng nước xoáy. Những con thuyền nan lênh đênh, dòng người lênh đênh trôi giạt như phận rong rêu, mong manh không bờ bến, lang thang suốt một kiếp nhân sinh cùng những đắng cay tủi nhục.

Những lang thang, tủi nhục này sẽ còn tiếp diễn  khi mà những giả trá, xảo ngôn, lộng ngữ không thiếu chỗ hở để chen chân vào chốn lương thiện, khi mà những kẻ đầu cơ, những tên lừa lọc, lừa đảo vẫn nguỵ biện bằng những vầng hư danh “tổ tiên”, vẫn cúi dựa vào cái xác chết thúi rữa hôi tanh mà bóp hầu bóp họng lũ con cháu anh Khỉ Thọt ngu ngơ, kéo theo “những giọt máu đỏ tươi, như đánh dấu con đường trở về”, cho đến khi nào triệt tiêu hết lũ con cháu theo lý thuyết số học và sự hiển nhiên cơ học thì lũ “con cháu Tổ tiên” mới hài lòng, hả dạ? (Hình như đi hơi xa vấn đề, xin quay trở lại).

Mặc dầu trong lời tựa, ông cất công giải thích rằng: “Những truyện loại này người ta quen gọi là Ngụ ngôn. Với tôi thì không hẳn đúng bởi tôi không có hậu ý dạy điều khôn dại mà chỉ muốn người chơi vui với một thế giới hồn nhiên dễ thương…”.  Những dè dặt, rào đón này xem chừng không thừa đối với các nhà văn còn giữ được chút ít trong sạch cho tâm hồn, giữa thời buổi VIẾT LÁCH này, nếu không muốn tự trói tay đi vào chỗ bị bóp méo, bị quy chụp, kết án này nọ…hoặc là bị mòn xói theo đà trượt dài của những ngoa ngữ hàm hồ… đã từng xảy ra với đám nhà văn “theo đóm ăn tàn”.

Quay sang một cách viết khác, chọn lựa đề tài khác cũng là một thái độ của người cầm bút, để người đọc thấy được anh Hương Quản Bọ Hung hành sử ra sao sau khi toàn thể đám côn trùng khu Đầm Lác được anh Bọ Hung đứng ra bảo vệ, giữ gìn trật tự trị an… : “Thấy rồi! Thấy vì sao rồi. Mùi hôi không phải do chị Bọ Xít mà do những ngón chân của Bọ Hung dính đầy phân heo. Tôi mới lén bò lại gần coi rõ. Ngửi kỹ nữa. Mùi phân heo rõ ràng mà. Do phân heo nơi chân của ổng mới hôi nồng nặc cỡ đó” (Hãy Tìm Cái Xấu Nơi Mình Trước).

Không cố công cào xới, không vạch tìm ám chỉ, nhưng khi khép trang sách lại trên môi vẫn nở nụ cười, nhưng là nụ cười méo xệch với một chút thẫn thờ, một chút nhói đau trên suốt 30 truyện của Võ Hồng trong tập Chúng Tôi Có Mặt, lẫn lộn những tâm sự và tâm trạng chồng chất.

Cảm ơn ông, nhà văn Võ Hồng với tấm lòng nhân ái, những chất phác quê mùa thơm mùi bùn non, cứt trâu, cứt bò ngào ngạt trong cơn mưa lất phất cuối đông, làm ấm lên chút tình người mong manh, để lũ con cháu lang thang này còn nơi chốn mà nhớ về, tưởng đến với chút ngậm ngùi hè xưa nát lòng.

Tháng 8.2005

(Trích Trang sách&Những giấc mơ bay tập I, TAAQ, HK 2010)

Tiểu sử nhà văn Võ Hồng

Các bút danh khác: Ngân Sơn, Võ An Thạch và Võ Tri Thủy (sau năm 1975). Sinh ngày 21.1.1923 tại làng An Thạch, Ngân Sơn, Tuy An, Phú Yên. Mất ngày 31.3.2013 tại 51, Hồng Bàng, Nha Trang.

Thời Việt Minh có thời gian ông làm hiệu trưởng trường trung học Lương Văn Chánh, Tuy An, Phú Yên. Sau 1954 ông dạy học tại Nha Trang.

Đến nay Võ Hồng có trên 20 tác phầm đã xuất bản trước và sau năm 75, hầu hết là truyện, tiểu thuyết và một tập thơ…

Truyện ngắn đầu tay Mùa Gặt đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hà Nội năm 1939 ký tên Ngân Sơn khi ông là học sinh lớp Đệ Tam niên, Qui Nhơn.

Tác phẩm đầu tay: Hoài Cố Nhân, NXB Ban Mai,1959. Lá Bối tái bản 1969, Trẻ tái bản 1996.