Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

TRẦN ĐỨC THẢO – Những lời trăng trối hay Nhận thức và ân hận muộn màng?

Hiếu Tân
Khi đọc (trên mạng) những trích đoạn Trần Đức Thảo nói (chuyện với Lê Tiến) được ghi âm lại, tôi thấy khả nghi: lẽ nào một nhà triết học, nói về một lí thuyết triết học, mà không có lập luận gì cả, chỉ nhắc đi nhắc lại Marx sai, chính Marx đã sai, rồi Hegel sai, và Marx theo Hegel Marx cũng sai! Rồi đập bàn, nóng này, giận dữ. Không có vẻ một nhà triết học, nhà nghiên cứu.
Nhưng sau khi đọc cả tài liệu, đến đoạn cuối này như một bằng chứng, thì tôi thấy có thể là thật. Thì ra trước đó tôi đánh giá TĐT cao hơn, hay nói cách khác, kì vọng hơn. Và tôi buồn cho ông.
Cuốn sách mỏng cho thấy một đoạn đời TĐT, đoạn cuối cùng, từ khi ông sang Pháp đến khi chết. Người thuật lại có một tình cảm quý trọng chân thành đối với TĐT, và tôi cảm ơn ông về điều đó. Nhờ có cuốn sách mà chúng ta hiểu TĐT rõ hơn.
Cầm trên tay “Những lời trăng trối” của TĐT , người đọc nghĩ gì? Chúng ta mong được thấy những suy tư triết học của một người được coi là nhà triết học gần như duy nhất của đất nước, người do một sự lắt léo của số phận mà thành “người quan sát trong cuộc” của cách mạng cộng sản ở VN, và người cuối cùng đã phản tỉnh, đã nhìn thấy “mặt thật” và từ bỏ nó. Con đường ‘le chemin de tourment’ đã qua và những suy tư của một đầu óc tầm cỡ triết gia như ông sẽ giúp cho nhiều người đi sau thoát khỏi lầm lạc chăng? Bây giờ, cái gì là đúng cái gì là sai đã rõ ràng, nhưng là nhà triết học, ông có thể giúp cho ta nhìn lại cái phương pháp, để trong muôn vàn rối rắm, biết tách ra khỏi cái sai mà tìm về gần với chân lí. Kì vọng của chúng ta đặt vào nhà triết học là vậy, chứ không phải những kiến thức rối mù trong suy tư trừu tượng rút ra từ núi sách vở mà ông đã đọc.
Ta gặp trong sách chuyện kể về những đoạn đời chủ yếu của TĐT từ khi về nước (1951) đến khi trở lại Pháp (1992) những nỗi niềm, cay đắng, bức xúc, những băn khoăn, trăn trở, qua trải nghiệm thực tế của nhà triết học. Lời thuật nói chung là khả tín. Một điều đáng tiếc nhỏ, là đôi khi người thuật có xu hướng “tiểu thuyết hóa”, dường như là do muốn bổ sung cho câu chuyện bớt sơ sài. Chẳng hạn chuyện kể CCRĐ: bắt rễ - xâu chuỗi – họp đội – xử án địa chủ, quá tỉ mi – là cách kể của nhà văn cho người đọc – không phải giọng trò chuyện riêng, và thiếu những nhận định khái quát. Có những chi tiết đã nhiều người biết, như vụ xử bà Năm, nhưng vụ cố vấn TQ nêu tấm gương ‘cụ Hồ xử bắn bà Năm’, tôi cho là không thực. Về CCRĐ, điều mà tôi muốn biết là khi đó TĐT đã viết gì về CCRĐ, ý kiến có tính triết học? (Được biết TĐT có bài viết về CCRĐ, nhưng hình như ngoài những hệ lụy tồi tệ đối với tác giả, bài viết không có tiếng vang đáng kể nào.)
Ngoài ra trong sách có một số chi tiết không đúng thời điểm: Điện hạt nhân – xe lửa cao tốc – khách sạn 5 sao, những vấn đề chỉ gần đây mới có: (Thảo ra đi 1993!). Có những ý như “lãnh đạo tuyên bố hi sinh đến người dân cuối cùng để chiến thắng,” “hi sinh đến giọt máu cuối cùng ca người dân cuối cùng”... dường như là những suy diễn quá trớn. (Nghe như câu ‘Mao muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng’.)
Rất nhiều chuyện “thời sự xã hội” mọi người đều biết, nêu ra không mang lại một giá trị nào cả, vì nhà triết học cũng chỉ “ca cẩm” như những người khác, không có một kiến giải độc đáo nào.
Những nhận định về hiện tình xã hội và con người thời “cách mạng”: Sùng bái. Gian dối. Dân chủ giả hiệu. Công an mật vụ. Bon chen, giành giật, cướp đoạt, phân biệt đối xử, chia rẽ, bức hại thanh toán, bòn mót vơ vét, lạm dụng quyền lực chính trị, trả thù, tận dụng bạo lực cách mạng, không tin dân: canh chừng, thống trị.
Xoay sở, chui luồn, thích nghi, Ham chơi ham ăn, dâm ô, háo danh háo quyền,
Dân số tăng, nạo phá thai vô tội vạ..
Xã hội tranh ăn như muông thú. Luật rừng rú.
Khủng bố tinh thần. Đe dọa. Đấu tranh giai cấp. Đạo lí và chân lí bị chôn vùi.[i]
Vấn đề đặt ra với TĐT là, trong cái “hiện tại sống động ấy”, suy tư và phản biện trực diện là dấn thân, còn suy lí tư biện trừu tượng là tránh né. Vậy thật ra TĐT đã thế nào?
Trong một rừng những điều tiêu cực ấy, TĐT đã không tìm thấy cái gốc ở đâu. Cách nhìn của ông là mặc nhiên chấp nhận hiện tại, rồi phê phán những xấu xa ngang trái lẻ tẻ của nó.
Những quan điểm của TĐT về chiến tranh và hòa bình giống với của nhóm xét lại, vậy thời gian ấy TĐT ở đâu, làm gì, đã viết gì? Ông được HCM mời nói về đề tài này, và kết quả là HCM nghe với thái độ khó chịu. Nhưng những lập luận của ông cho thấy dường như ông không hiểu lập trường của “phe cách mạng” về chiến tranh, và nói chung, bạo lực. Đối với họ, chiến tranh đâu phải chỉ là tàn phá, chết chóc, đau khổ, tụt hậu...? đối với họ, chiến tranh còn là (hay chính là) phương thức, là cơ hội để đạt những mục tiêu “cách mạng” của họ. Bài nói đó có lẽ chỉ thích hợp với một chính phủ dân tộc không cộng sản.
Những suy tư sau báo cáo của Khrouschev: đúng ra TĐT phải theo xét lại: nhưng có lẽ (do hoàn cảnh) không có sự liên hệ cá nhân, nên điều đó đã không xảy ra.
Những đoạn thuật lại trải nghiệm riêng của TĐT có lẽ là những đoạn chân thực, thuyết phục nhất. (Ba lần gặp HCM, cuộc tranh luận giữa bố và con ở HN sau “giải phóng thủ đô”, quan hệ và tiếp xúc với những nhân vật cụ thể… Đặng Thai Mai – Trần Văn Giàu – Trần Bạch Đằng –“Sông Trường” [Hà Xuân Trường - tại sao phải giấu tên?] Phạm Huy Thông.
Qua những trải nghiệm ấy, ta thấy được bước đường tư tưởng của Trần Đức Thảo – “nhà triết học”. Đang là một nhà triết học thuần túy tư biện, (hay đúng hơn là người “học rất giỏi” triết học, vì chưa thấy Thảo có gì sáng tạo hay phát triển) trong trường biện chứng Hegel và hiện tượng luận Husserl, nghiên cứu Marx và liên hệ với ĐCS Pháp, sau khi Việt Nam độc lập, năm 1946 TĐT muốn xin về “giúp cụ Hồ dựng nước”. Tham vọng tưởng sánh ngang nhưng mưu cơ hơn kém nhau một trời một vực, Thảo thất bại cú đầu tiên. Năm 1951 về nước, cũng với tham vọng là nhà lí luận (tất nhiên là hàng đầu, nếu không nói số một) của Đảng, trong cách mạng Việt Nam. Và từ đó đến cuối đời, là thất bại cay đắng. Thất bại toàn diện. Và trong nhiều khía cạnh: đầu hàng. Một người như Thảo có cơ may thành công không, trong tham vọng của mình? Có đấy, nhưng với một điều kiện mà Thảo không có: cơ hội. Không phải cơ hội bên ngoài, mà là bên trong: tính cơ hội. Thảo không có, đó là nguyên nhân không thành công, và là ưu điểm lớn nhất của Thảo.
Về tư tưởng, Thảo nổi danh ở trong nước nhờ giai thoại về một cuộc “tranh luận” với J-P Sartre - người khổng lồ của triết học phương Tây lúc đó. Nội dung tranh luận được hé lộ trong cuốn “Vấn đề con người và chủ nghĩa lí luận không có con người”[ii] (Lời nhà xuất bản): té ra Thảo bảo vệ chủ nghĩa Marx chống luận điểm của Sartre “chủ nghĩa Marx không nhân bản, chủ nghĩa hiện sinh vô thần xin ứng làm nhân bản học của chủ nghĩa Marx”. Ý tứ trong sách thì dường như Thảo thắng, phe Sartre thua. Nhưng làm gì có thắng thua trong lí luận, bằng lập luận! Chính thực tiễn mới là người phân xử. Và trong những ngày cuối đời, khi Thảo cứ một mực: “Marx sai, chính Marx đã sai”, tôi ước gì lúc đó TĐT có thời gian để xem lại cuộc tranh luận ấy.
Ngoài tham vọng làm nhà lí luận của cách mạng, sau này Thảo thổ lộ, ông muốn về nước để được đắm mình trong hiện thực cách mạng, đem lí luận gắn với thực tiễn. Nhưng cái thực tiễn ấy không chỉ khiến Thảo thất vọng não nề, mà còn đầy đọa thân xác Thảo, dằn vặt tâm hồn Thảo. Tuy nhiên, những đau khổ của Thảo, cái vị thế không có gì đáng nể của Thảo dù nhìn dưới góc độ nào, có nguồn gốc từ ngay trong tư tưởng của “Thảo-nhà tư tưởng”. Ông thấy cán bộ “u trĩ - vụng về - ngu dốt – tùy tiện – thô bạo”. Và ông cho là “do nóng vội, thiếu kinh nghiệm” (dù mục tiêu tốt/ đúng?), động cơ là mong tiến nhanh đến mục tiêu. Thế còn bản thân “mục tiêu”? Vì đấy mới là vấn đề! Ông có thể nhìn thực tế với lương tri lành mạnh để thấy những tồi tệ của nó, những cái gọi là sai lầm (sai với cái gì?) của nó. Nhưng một nhà triết học mà chỉ nhìn và suy nghĩ theo chủ quan, không thấy tính qui luật, không đi sâu đến tận cùng bản chất của vấn đề, không có khả năng đào sâu vấn đề đến những gốc gác cùng kiệt của nó, thì không mong cống hiến được gì mới cho nhận thức. Ông nhiều lần bực bội về sự “sùng bái” “ngu tín”, “cuồng tín”, nhưng ông cũng lại thường nghĩ “Marx có nói thế đâu” (ý rằng sai lầm chỉ trong thực hiện, đã không làm theo Marx!), nghĩa là Marx vẫn là chỗ dựa bất di bất dịch, một sự sùng bái không phải trong lời nói, mà trong suy nghĩ và hành động.
Tên tuổi TĐT được gắn với “nhóm Nhân Văn Giai Phẩm” bị đảng lên án và bị đẩy ra ngoài lề suốt phần đời còn lại, nhưng khi đọc những ý kiến của ông tôi hoàn toàn thất vọng. Người ngoài cuộc đã có ý kiến đánh giá cả nửa thế kỉ rồi, nhưng không hề thấy một nhận định khái quát, sâu sắc nào của nhà triết học.
Về thái độ sống, ông sống co ro trong sợ hãi (nhờ sợ hãi mà còn tồn tại), thu mình, (bị bắt phải) tuân phục; cố tỏ ra sùng bái cụ Hồ (không thành tâm). Ông đã không sống đích thực (mà làm sao đích thực được, trong một thân phận như thế), và không thoát khỏi chữ “ngụy tín” (mauvais foi) của Sartre. Về mặt này so với những Nguyễn Văn Cừ, Minh Khai.. ông không thể bằng, vì, dù sao, họ đã sống và chết cho niềm tin của mình. Ông đã tin vào “chuyên chính vô sản” và hăng hái nhiệt thành chứng minh, biện hộ cho nó (không ư?), có khi nào ông thấy mình đang là một nạn nhân “đích thực” của cái CCVS ấy không?
Trong truyện Tây Du Kí có chuyện Tôn Ngộ Không vẽ một cái vòng trên mặt đất, để bảo vệ thày trò Đường Tăng nếu đứng trong đó và không ra khỏi vòng. Cuộc đời TĐT cũng có một cái vòng như thế, mà ông chưa bao giờ có ý định bước ra khỏi: hệ tư tưởng Marx Lenin! Nguồn gốc mọi bi kịch mang tên Trần Đức Thảo là ở đó.
Ông có đọc những tác phẩm hiện đại về tư tưởng bác bỏ CN Marx không? Có, nhưng ông đọc với tâm thế phê phán, như ngày nào ông phê phán Sartre, trên lập trường Marx Lenin. Điều đáng buồn là ông đã đọc Giai cấp mới của Djilas, nhưng trong tư tưởng ông lúc đó không thấy gì tương đồng cả. Trong cuộc “đấu tranh tư tưởng” một người bình thường cũng có thể nhận ra những luận điểm “đấu tranh giai cấp”, “giai cấp lãnh đạo”.. chỉ là những chiêu bài, nhưng với TĐT thì nó vẫn là một thứ chân lí. Đơn giản: ông không bước ra khỏi vòng. Ông cũng nhận thấy giai cấp thống trị, đặc quyền đặc lợi đang hình thành, nhưng vẫn “kiên trì lập trường cách mạng”, không dinh tê, không vào Nam. Ông thấy các nghệ sĩ “nhân văn” đòi tự do sáng tác, tự quản văn nghệ là đúng, nhưng vẫn say sưa suy tư biện luận, bảo vệ, cải tiến “chủ nghĩa”.
Vào cuối thập kỉ 70, TĐT có viết bài phê phán chủ nghĩa Mao (chắc theo đặt hàng của đảng). Cuối thập kỉ 80, (hình như ?) ông có viết bài bác bỏ Hà Sĩ Phu (Nguyễn Xuân Tụ). Và trong những đầu thời kì đổi mới kinh tế, ông có bài trên báo Nhân Dân, chứng minh “chủ nghĩa tư bản,” Mỹ, Nhật vẫn là bóc lột. Những bài viết đóng góp cho Trung ương, cho Sài gòn, chỉ là góp ý sửa chữa, điều chỉnh chính sách (không biết có được nghe không?). Cuốn “Vấn đề Con người và Chủ nghĩa Lý luận Không có Con Người”: chống giáo điều, chống chủ nghĩa cá nhân!
Đang ở trong môi trường tự do tư tưởng, TĐT tự nguyện quay về chui đầu vào “bức màn sắt” không biết lối ra, rồi “intellectually masturbate”. Bị tách rời khỏi sự phát triển tư duy của thế giới. Thảo và Tụ đều xuất phát từ sự hình thành của con người. Nhưng tư duy Tụ là phương pháp, còn Thảo là sùng bái, nên vẫn lẩn quẩn trong vòng Tôn Ngộ Không: biện chứng! Duy vật sử quan!
TĐT phê phán quan điểm “Đảng không bao giờ sai lầm” “biện chứng duy tâm”? Nói đảng “duy nhất đúng” là gian dối về lý luận! Nhưng “không bao giờ sai lầm/duy nhất đúng” sao lại là biện chứng, nó là siêu hình chứ! Và duy tâm chỗ nào? Tôi nghi ngờ ý tưởng này của nhà triết học.
Thảo và Đảng:
Thảo sợ Đảng: Rõ!
Đảng có sợ Thảo không: No! Never!
Những phân tích của Thảo không hơn những người khác. Sức mạnh lí luận trong những cái Thảo viết không đáng sợ, vì né tránh trực diện, né vấn đề cơ bản. Và vì vẫn “trong vòng”.
Tôi cho rằng những trí thức cũ, người Kháng chiến cũ không thể nghe Thảo: vì nhận thức của họ cao hơn Thảo, đi trước Thảo. Vì họ không bị vướng.
Trong thời kì đổi mới kinh tế, Thảo thể hiện thái độ ghét tư bản nói chung: CNTB man rợ ở phương Tây đem lại? Đau lòng vì đô la Mỹ tung hoành? Độc lập về kinh tế? Ông buồn vì đất nước ngả sang kinh tế thị trường “của khối tư sản” [vẫn “phe ta/phe địch”]
CNXH theo định hướng thị trường! vẫn cai trị theo kiểu cũ (CNXH) nhưng theo một thứ CNTB mới rất tàn nhẫn
Nếu Marx đúng khi phê phán TB thì phải lấy Marx để phê phán chế độ TB “rừng rú” này chứ (mói mọc lên ở VN). Ai phân tích hay hơn Marx về KT hàng hóa?
Những nhận thức đơn giản ban đầu, chưa đào sâu. Ông đứng ở hàng đầu về lí luận Marx. Đằng sau quay: ông ở cuối!
Mấy cơ sở mà TĐT hay dựa vào: biện chứng/ duy vật sử quan. Phép biện chứng Hegel đã bị Karl Pope phê phán đáo để. Duy vật sử quan đã tỏ ra sự bất lực và thiếu căn cứ của nó. Phải tìm một sử quan mới! Đâu? TĐT đã bao giờ nghĩ đến điều này chưa?
Khi nhận ra cần thay đổi thì đã muộn! Đáng buồn! Ông luôn mồm Marx sai, cả Marx cũng sai! Nhận ra Marx sai từ bao giờ? Cuối 1992! Cái nóng nảy của ông chứng tỏ đó là cơn bức xúc khi vừa mới ngộ ra, nóng lòng muốn thổ lộ.
Marx đã bị bỏ lâu rồi,nhưng ở ta vẫn dùng làm bình phong
Lần đầu tiên phát biểu về vấn đề dân chủ tự do, là sau đổi mới kinh tế (1985) Ông dẫn tấm gương Singapore “độc tài, toàn trị sáng suốt”. Singapore và VN khác nhau gi? Nhà nước Pháp quyền. Các quyền của người dân vẫn được tôn trọng, TĐT có nghĩ đến không?
Thời kì ông sống là thời kì chế độ toàn trị đang trên đường hình thành, chưa hoàn thiện, vẫn mang cái vỏ dân chủ (hay thân dân) dễ lừa dối những người đứng ngoài. TĐT là người đứng trong, có phản tỉnh, có tri thức, đứng bên lề - không được dùng. Liệu TĐT có thấy được rằng: CS, “thiểu số cầm quyền tham lam - ôm đồm - kiêu ngạo - chủ quan - tùy tiện”, (như ông nói): là vì họ thấy mình toàn quyền, không có bất cứ sự giám sát hay ngăn chặn nào từ bên ngoài. Sống trong một xã hội toàn trị, một nhà triết học như ông đã bỏ lỡ cơ hội phê phán một cách sâu sắc và quán xuyến nó, góp phần vào lí luận cua loài người hiểu chủ nghĩa toàn trị. Ông đã hiểu chủ nghĩa toàn trị một cách mơ hồ, vụn vặt. Không biết ông có đọc Brezinski? Ông nghĩ gì trước những sự kiện: Bức tường Berlin sụp đổ, Thiên An Môn 1989?
Trên thân phận của Mao còn cái bóng vĩ đại rất ám ảnh của Marx” !? Làm gì có! Với Mao, Marx là gì? Chỉ là dụng cụ thôi!
Chê Đặng Tiểubình vẫn giữ “Hồng và Chuyên” “Hồng mà dốt và gian thì hỏng hết”: hóa ra “hồng” (mà giỏi) là tốt, chỉ có dốt (tức không “chuyên”) là hỏng. Nhưng người ta nói “hồng và chuyên” cơ mà.
Gấp quyển sách lại, tôi buồn. Thương ông, một cuộc đời bị đày đọa, một bộ óc thông minh nhưng cả cuộc đời chẳng biết có ích cho ai. Cái bi kịch trí thức của ông là điển hình của những trí thức ấu trĩ ngây thơ trước thực tiễn đầy hung hiểm, bị rơi vào một cái bẫy vùng vẫy không thoát ra được, hay tự lấy dây quấn chặt lấy thân mình nên càng dẫy dụa càng bị thắt chặt, và đến khi thoát ra thì đã muộn, quá muộn rồi.
10 March 2015

[i] Những chữ in nghiêng là lời (hoặc ý) dẫn trong cuốn “Trần Đức Thảo - những lời trăng trối”
[ii] Đây là một cách dịch đánh lạc hướng: antihumanisme lẽ ra phải dịch là “chủ nghĩa phi nhân bản”.