Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

CHÀNG LÃNG TỬ CỦA THỜI GIAN

(Về thơ Lữ Kiều)
Nguyễn Thị Khánh Minh
Lữ Kiều thuộc thế hệ những chàng lãng tử. Đi trong thời gian tang thương nhất của vận nước. Thế hệ sinh ra và lớn lên, trưởng thành, đều lọt hẳn vào chiếc võng đu đưa với những điệu ru buồn nhất của mẹ Việt Nam. Từ cách sống-với để thích ứng và chịu đựng số phận, đôi khi rất nghiệt ngã, mà một lứa bên trời lận đận ấy đã khắc hoạ được nét riêng trong nền văn chương nghệ thuật Việt Nam một thời.
So với lứa tuổi chúng tôi, thì dường như họ được sống nhiều hơn.(Mà đâu ai lựa chọn đau thương để được sống nhiều, phải không. Định mệnh thôi).
Bất hạnh ấy, lại như đặt vào tay họ chiếc chìa khoá để mở cánh cửa của văn chương nghệ thuật. Họ có cách đó để hoá giải thân phận. Và vì vậy, mà văn chương nghệ thuật từ họ toả ra khí u buồn khắc khoải, từ họ vẽ nên một bức tranh thơ mộng bi thương, cụm từ này tôi đã nhắc đến khi nói về nhà thơ Lữ Quỳnh.
Những kinh nghiệm - không thể chọn lựa ấy - vô hình chung làm cuộc sống họ có chút gì quyến rũ và trong tình cờ của số phận đã chắt chiu được những hoa thơm thương khó. Cộng trừ nhân chia xem.Định Mệnh đâu lấy của họ tất cả. Họ cũng gặt hái ít nhiều hoa màu từ đau thương ấy đó chứ.Cuộc đau thương nào cũng kích thích và nuôi giàu cảm xúc.
Nhờ vậy, mà Lữ Kiều có Lãng Ca.
Chàng lãng tử vừa đi vừa hát khúc ca buồn… Lãng Ca, thời gian ơi, những bước thao
thức của năm mươi năm.
Tôi không viết.Tôi đang là người đọc thơ. Trong chiều mưa tầm tã ở thành phố Santa Ana, cơn mưa cùng với gió đông bắc se sắt cuối mùa thu, tôi đi theo những thì thầm
của thơ Lữ Kiều.
“… Thời nhỏ, tôi sống bên một dòng sông thơm ngát - dòng Hương Giang. Có những ngày xuân, tơ hồng bay khắp trời, những ngày mùa Thu mùa Hạ bất tuyệt, những ngày Đông mưa dầm co ro đến trường. Và nhất là những mùa trăng, cùng đôi người bạn đi dạo chơi trên những lối cổ thành trăng khuya.Đúng là một thời nhỏ mơ mộng. Đó là cái thời còn tin ở ngôn từ, tin vào cái Đẹp trong mọi dạng thức của cuộc sống, đó là cái thời xao xuyến, quả tim như cây đàn rung lên từng thanh âm tế nhị nhất. Đó là thời ngợi ca. Những bài thơ như những trang nhật ký, viết ra trong những phút lòng mềm như lụa, trong ấy có khuôn mặt của thiên nhiên, của bằng hữu. Và dĩ nhiên, của tình yêu.Và cả của lòng Vọng Tưởng”. (Lữ Kiều, Bạt).
Vâng, cái thời rất đẹp, đến nỗi người trôi qua nó mà: bước nhẹ như là chưa bước qua. Mong manh. Và đẹp đến nỗi bước chân không dám đi.Đọc câu thơ này thấy lòng chàng sao đẹp như tơ, của gió.
Lối cũ rất êm nguời bước nhẹ
Bước nhẹ như là chưa bước qua
(Niềm Hạ, 1960)
Thời tuổi trẻ chỉ một lần thơ dại
Mùa thu qua sương khói cũng xa bay
Con hươu xưa đã lạc về trong phố
Hơi rừng sâu chừng còn dấu trên vai
(Bài Áo Lụa, 1962)
Con huơu ngây thơ ơi, hơi rừng sâu còn mãi hoài trên vai, một lần bỏ rừng tìm về mộng tưởng phố xá. Chàng có đi đâu đến đâu thì cũng không dứt được quê hương của hoài niệm.Ngôn từ chàng mang thông điệp đẹp đẽ vậy sao còn nghi ngờ chi, mà lòng giận mình đã thúc thủ trước những điều quá Đẹp?
… Tôi mọc thêm ngàn tay với mênh mông…
Đúng là với tuổi trẻ thì cái gì cũng có thể. Cả giấc mơ. Thử tưởng tượng trên con đường chàng đi, nghe hoài đâu đó một ánh mắt níu chân:
Con mắt em thắm thiết
Như ngọn nến khuya
Bên thành cửa sổ
Một nhà nguyện ngoại ô
(Từ Biệt, 1985)
Hình ảnh đẹp và lãng mạn nên thơ quá sức.Ngọn nến diễm lệ ấy là một mong chờ.Và tại sao ra đi?
… Giận cho tôi đã mang giày vạn dặm
Để sau lưng từng tiếng gọi với theo
Một lời ru một tiếng cười dạo nhỏ
Rồi bước chân dài băng khỏi tuổi thơ
(Bài Áo Lụa, 1962)
Vậy chứ mà vẫn nghe bước chân đứa trẻ khúc khích theo hòn bi lăn:
… Giọt nến tàn đêm khuya
Rơi trên bàn tôi lặng lẽ
Đứa trẻ trong ta vẫn cuồng ngông
Hồn nhiên lăn theo hòn bi đỏ
… Con thạch sùng sau cánh tủ
Tắc lưỡi tiếc thương
Ròng rã trong đêm khuya
Ngọn nến thức cùng ta cay đắng
(Từ Biệt, 1985)
… Thuyền dong buồm khi gió nổi thì xuôi
Có bến hoang vu cho lòng lãng mạn?
(Tâm Sự,1962)
Khi chân gõ bước giữa đời
Con tim xa lạ vẫn hoài thủy chung
Ôi mai sau còn có xứ con người
Còn có anh có em ta hãy còn vụng dại…
(Đêm Về Mùa Xuân, 1964)
Nghe vậy thì biết chàng vẫn còn tin thiết tha vào cái đẹp của cuộc đời chàng đã từng sống, vì nếu cho trở lại, chàng vẫn sống như đã. Đó là niềm Thơ Mộng để chàng sống còn.
Và cái phút mà giấc mơ lãng tử bị thời gian đánh động:
Một tiếng cười giữa phố đông
Mà nghe sấm dậy bon bon chuyến tàu
(Khi Nhận Ra,1962 )
Ở Phú Nhuận có những đêm không ngủ được
máy bay rì rầm và tiếng động trong tim ta
Ở một nơi nào trên quê hương ta
Đứa trẻ lồng ngực mỏng
Dội từng tiếng đạn bom
Ở một nơi nào
Trên quê hương chúng ta
Người con trai chưa có tình nhân
Môi chưa hái nụ đời
Gục chết
Ở Phú Nhuận có những đêm
Mọi người đều tỉnh thức
Ôi đêm sâu như hỏa châu
Như hố thẳm
Như lòng vĩnh biệt
Phải không?
(Ở Phú Nhuận, 1964)
Đêm sâu trôi qua thế hệ này là hố thẳm, lòng vĩnh biệt ẩn hiện ma trơi hoả châu. Đôi mắt của thế hệ này, là ngập ngừng lửa… Bạn ơi, có nghe tiếng Bi Thương của nước mắt ngân tức tưởi trong đáy con ngươi?
Hãy cho anh xin tờ báo chiều em đọc
Để anh giấu em tin chiến sự trong ngày
Bạn bè anh từng đứa chết trong rừng
Từng đôi mắt ngập ngừng cơn lửa đỏ
Quê hương ơi
Hay tôi gửi cho người lòng tôi đầy ước vọng
Người đem thanh bình chia khắp non sông
Hay tôi gửi cho người cây cờ phất phơ
Cho người đắp lên bia tàn đá lạnh
Hay tôi gửi cho người bàn chân đen du mục
Mai sớm lên đường tìm dấu tương lai
(Thư Quê Hương, 1964)
…Ta muốn nhạc cao hơn niềm yên lặng
Hỡi chim xanh hãy hát nỗi ngọt ngào
Mắt bạn ta bây giờ không mở nữa
Tay đã xuôi và trán đã bình an…
… Những sớm hư vô những chiều bè bạn
Những đêm về khu phố nhỏ có nhau
Vỉa hè bâng qươ tiếng giày gõ nhịp
Những ngậm ngùi tan cuộc rượu chia tay…
(Đêm Ở Sài Gòn Nghe Tin Bạn Chết, 1966)
… Ta đã sống qua những ngày biển lửa
Có chút vui nào không đượm nỗi đao binh ?
Còn gặp mặt, thôi, yên tâm còn sống
Kẻ vắng tin? đành chép miệng thở dài..
(Mậu Thân,1968)
Cứ thế, song hành với đớn đau, bóng chàng lãng tử hút đi từng nỗi đường dài.Đem Thơ Mộng hoà lên Bi Thương.
Một tiếng gọi xưa, một lời năm cũ
Trong mắt kia hòn cuội nhỏ vô tình…
Còn một chút rêu xanh nằm trên ngói
Còn chút đời tôi lận đận rồi
(Đoá Hoa Trong Vườn Cũ, 1968)
… Huống hồ chi một mảnh trời trăng lạnh
Mỗi ngôi sao là một hạt lệ em…
(Bài Xuân Hoài Cảm, 1970)
Hạt lệ ấy là ánh sáng chỉ đường thì hỏi sao mà không thắp đời chàng nỗi hy vọng? Xin bạn cùng hoà vào niềm lạc quan Thơ Mộng này:
Bởi tôi có những đứa con
Nên lòng đầy ước vọng
Nên lòng tôi không ngớt lạc quan
Xây dựng tương lai…
(Bài Thơ Ở Trại Cải Tạo Trảng Lớn, 1976)
Giờ thì đã sắp chiều tàn, khoảng thời gian rất đồng tình với tâm sự:
“… Và giờ đây, tôi đã sống thêm cả khoảng thời gian dài của nửa đời về sau. Những gì đã đến cho đời ta vậy?
Những tai ương của phận người giữa cái biến động của cả một thế hệ. Chiến tranh. Ý thức hệ. Cuộc sống. Cuộc sống hiện thực không dấu che, rộng lớn vô cùng mà thi ca không bắt kịp được.Bèn bỏ làm thơ. Quả thật, ngoài hai mươi tuổi, còn làm thơ được là một hạnh phúc... (LK-Bạt)
Những người chết đã đầy trong trí nhớ
Sớm hôm nay soi mặt bên sông này
Ta bỗng thấy viên đạn chì đầu đỏ
Nằm bình yên bên cạnh lũ đá đen
(Mậu Thân, 1968)
Nghe con nước nấc một mình
Sóng vu vơ vỗ vào kinh đêm dài
Nỗi niềm còn nặng hai vai
Này em có tiếng thở dài hay không
(Tặng Lữ Quỳnh, 1961)
... Đời sống đã đưa tôi đến những chân trời cách biệt, nhưng bao giờ trong lòng tôi cũng vang vọng tiếng sóng vỗ của dòng sông tuổi nhỏ.Và mỗi lần như thế là mỗi lần thấy lòng nghèo đi những xúc động cũ. Mới hoảng hốt thấy mình đã đi quá xa đường hẹn ước, bèn làm một bài thơ, như ghi dấu một cái mốc của đời mình… (LK-Bạt).
Hình như ta đã tin vào điều Thiện
Ngày nhỏ cùng mẹ vô chùa
Cổng tam quan thơm ngát hương ngâu
Đã nửa thế kỷ
Mùi thơm ấy theo ta ray rứt
(Thời 50 tuổi, 1993)
… Những điều tưởng như rất cũ xưa kia, giờ đây đã khác. Đã có sự giả hình, lòng khinh bạc, có cả sự thù hận lẫn trong tình thương yêu. Nghĩa là đã có những sợi tóc bạc len vào câu thơ đen... (LK-Bạt).
Trong nỗi buồn của ta
Đã có chút gì mật đắng
Những thất vọng của một thời
Như bóng con ruồi đen
Bay hoài trong mắt đau
Hình như ta không còn trẻ
Một góc đời khép cửa
Tất cả đều qua đi
Đã qua đi những vùng xanh sẹo cũ
(Thời 50 Tuổi, 1993)
....Phải, tôi đã biết học tập để hiểu đời sống này hơn… Dù ra đi, hay trở về, cho hay là nhận, quả tim của chúng ta cũng biết giữ im lặng. Đó là sự vô ngôn của Đất Trời. Của Thời Gian. Của sự sống trôi đi, của sự chết không rời.
Làm thơ, để bày tỏ nỗi im lặng hùng vĩ kia, quả thật là một cái gì vượt cao hơn ngôn ngữ. Mới hiểu ra cái bất lực của thi ca. Kẻ làm thơ nhìn thấy giới hạn của mình.Trong tình trạng ấy, làm thơ cũng là một cách vác thập tự mà đi. Nhưng đường lên núi Sọ thì không tới... (LK-Bạt).
Tôi nghĩ khác. Với những điều đã được đọc từ thơ của Lữ Kiều, Thi Ca của chàng lãng tử này chí ít nó đã đóng góp vào kho cảm xúc con người những nhịp đập trái tim thiết tha yêu cuộc sống, để biết trong cõi - dẫu cô đơn, im lặng- vẫn có những ngườivác thập tự Thơ Ca tìm đường cứu chuộc, đường lên núi Sọ có tới hay không, không cần thiết, chỉ biết chàng đã đặt xuống con đường những bước đi. Có gì quan trọng hơn thế?
… để nhận ra chân tướng mình là gã lang bạt kỳ hồ trong ngôn ngữ cũng như trong cuộc đời…
Hỡi ơi đời đã nặng
Ta ngã đầu được chăng
(Tự Thán, 1965)
Giờ trở lại xin ngồi bên mộ mẹ
Con chim già đậu xuống mái chùa xưa
Mở lòng tay, vẫn đường vòng viễn mộng
Mới hay con phiêu bạt đã nửa đời
(Ngồi Bên Mộ Mẹ, 1983)
Cánh cửa màu tím than
Của một thời lãng mạn
Ta vịn lên, lạnh ngắt nỗi đau
Dòng nước mắt lặng lẽ
Và đêm đen trên đầu chúng ta
(Chào Con Vượt Biên, 1989)
Không còn ảo tưởng
Bầy ruồi vo ve bên tai
Tiếng chim ngàn kêu thương
Cay nghiệt
Vết sẹo khi mặt trời lên
Trần trụi bức tranh Không
(Triển Lãm,1987)
Tôi thấy những hình ảnh như tan trong sương.Lặng lẽ phai.Chàng là người cuối cùng đóng cánh cửa.Và cũng thành một khói sương của quên lãng. Đơn độc.
Vậy là phòng tranh đã đóng cửa
Những bức tranh đã ra đi
(Triển Lãm, 1987)
May mắn, là còn hạt nước mắt kim chỉ lặn lội trôi theo người:
Lòng ta ơi, xót vô cùng
Bóng riêng giọt lệ thủy chung theo mình.
(Lòng Ta Ơi! 2000)
Bạn cũ gọi về trong trí nhớ
Lá vẫn bay và ta cuối năm
Đôi mắt nhung đen, hàng lệ nhỏ
Thì thôi, lá chọn đất ân cần.
(Những Chiếc Lá Cuối Năm)
Hình như con phố vừa xôn xao đấy mà giờ quạnh quẽ, như lòng người, như bài thơ vừa viết những chữ cuối… Lòng hư vô mà chiều cuối năm…
Trong ngực ấm tim vẫn đều nhịp cũ
Kề tai nghe như vỗ gõ áo quan
(Từ Biệt, 1981)
Và, để hiểu hơn nhịp tim mà nghe như tiếng gõ áo quan kia, tôi muốn trích ra đây định nghĩa về Hạnh Phúc của Lữ Kiều trong vở kịch “Những Người Đi Một Mình”.
“THIẾU NỮ (thở ra): Anh, em hạnh phúc.
THANH NIÊN: Em hãy đọc chữ hạnh phúc.
THIẾU NỮ: Hạnh... phúc...
THANH NIÊN: Là gì hở em?
THIẾU NỮ (nhanh nhẹn): Là tình yêu.
THANH NIÊN: Thật ư?
THIẾU NỮ (ngây thơ): Là anh hôn em.
THANH NIÊN: Thật ư?
THIẾU NỮ: Là chính anh. Anh của em.
THANH NIÊN (cười):Em cạn ý rồi.
THIẾU NỮ: Là gì hở anh?
THANH NIÊN (riễu cợt): Là hư vô.
THIẾU NỮ (giận dỗi): Anh riễu em rồi. Anh biết em ngu ngốc, em không hiểu, sao anh không cắt nghĩa cho em.
THANH NIÊN: Hạnh phúc chính là điều không hiểu ấy.
(Im lặng, một lát)
THIẾU NỮ: Thí dụ như tiếng chim... Tiếng chim chíu chít.
THANH NIÊN: Tiếng chim sao hả em?
THIẾU NỮ: Chiều nào cũng có tiếng chim ríu rít dưới mái ngói nhà ta. Chiều nào đàn chim cũng rộn ràng.Có phải đó cũng là hạnh phúc.
THANH NIÊN: Hạnh phúc không thể lập lại. Đó chỉ là niềm vui mừng hân hoan.
THIẾU NỮ: Còn cảm giác mỗi lần em gặp anh. Em cho đó là hạnh phúc.
THANH NIÊN (thương hại): Mỗi lần đến với nhau, chúng ta mỗi khác. Có khi đó là hạnh phúc.Có khi không phải. Hạnh phúc giống như một người quen lẫn trong đoàn người đông đảo diễn hành qua trước mặt, khi ta nhận ra thì người quen đã đi mất, ta chỉ còn thấy cái lưng.
THIẾU NỮ: Cái gì?
THANH NIÊN: Cái lưng”.
Hạnh Phúc. Rột cuộc. Ta chỉ còn thấy cái lưng của nó. Đó là một đòn bẩy khiến cho chàng lãng tử miệt mài đi.
Lãng Ca, như một ghé chân bên dòng suối, vốc một ngụm nước trong, sau những lãng du buồn bã. Có thể, không, chắc chắn, chàng sẽ đi tiếp, ai biết được trên con đường dong ruổi ấy….
Chàng lãng tử của thời gian, thì chỉ có thời gian mới biết.
NTKM
Santa Ana, tháng 30-11-2014