Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

HAI ANH EM/KẺ THÙ

Truyện ngắn

Trần Kỳ Trung

Thấy ông Ba cứ xăm xăm đi lại phía gốc mít sau nhà, đến chỗ hầm bí mật thì đứng lại, nhìn rất kỹ nắp hầm đã được ngụy trang bằng đám cỏ dày, Má biết chắc là hầm đã bị lộ rồi.

Không biết ông Ba theo dõi chuyện Má đào hầm từ lúc nào, mà nhằm đúng lúc ông Hai từ trên núi về trốn dưới hầm từ tối qua, thì chiều nay ông Ba về nhà, đi một mình, không mang theo súng, không lính bảo vệ, khác hẳn thường ngày. Điều đó làm Má ngạc nhiên:

-Hôm nay sao con đi một mình, mà có việc gì lại về sớm vậy?

Ông Ba không trả lời Má, hỏi lại:

-Có phải tối qua anh Hai về không? Má kêu anh Hai lên đây cho con hỏi chuyện…

Má giật mình hoảng sợ, mặt biến sắc, nói không còn bình tĩnh:

-Anh Hai về hồi nào mà con lại nói với Má như vậy?

Ông Ba lắc đầu:

-Má đừng giấu con. Con còn biết má đào hầm bí mật để anh Hai từ trên núi về ở. Đám dân vệ ở đây báo cho con hết… Nếu con đồng ý, chúng nó đã bắt anh Hai từ lúc mới đột nhập vào làng. Nhưng con không cho, vì có tin báo anh Hai đợt này không mang súng, chỉ gặp Má, lấy lương thực. Hơn nữa, anh em con đã xa nhau hơn chục năm, chẳng lẽ lúc gặp nhau không nói được với nhau một lời tử tế… Con về đây để gặp ảnh có Má chứng kiến, nói chuyện phải trái, xem ai đúng ai sai…

Má lặng im, thế là thằng Ba đã biết chính xác mọi chuyện. Còn việc thằng Hai từ bắc trở về miền Nam, mới đầu Má cũng nghe phong thanh không biết chuyện có thật hay không. Rồi chính thằng Ba nói với Má: “Anh Hai đã từ Bắc trở về trong đám chính quy Bắc Việt để phá chính thể Việt Nam Cộng Hoà. Một thằng chiêu hồi đã cho con biết. Thế nào ảnh cũng tìm cách về gặp Má”.

Nghe tin ấy, Má nửa mừng nửa lo. Mừng vì Má sẽ gặp lại con. Còn lo là giờ đây, hai đứa con Má đang ở hai đầu chiến tuyến. Thằng Hai theo Việt Minh từ hồi kháng chiến chống Pháp, sau năm năm tư tập kết ra bắc. Thằng Ba theo ông bác vào Sài Gòn rồi qua Mỹ, sau năm năm tư được đào tạo rồi về làm trưởng chi cảnh sát Quận M của quốc gia. Má biết theo bên nào… Khó cho Má quá.

Với cách mạng, Má quá nặng tình. Nhà của Má hồi kháng chiến chống Pháp là chỗ đi về của anh em đằng mình. “Tuần lễ vàng, hũ gạo kháng chiến Má tham gia nhiệt tình với tất cả tấm lòng của người dân yêu nước. Rồi thằng Hai trở thành anh lính vệ quốc đoàn theo Việt Minh. Má biết động cơ của nó: “Con đi theo cụ Hồ để giành độc lập cho dân tộc, không còn cảnh người bị áp bức, để dân được sống tự do, hạnh phúc…”.

Ngày thằng Hai tập kết ra bắc, Má khóc hết nước mắt. Thằng Hai ôm Má, nói nghẹn ngào: “Con đi chỉ hai năm rồi về. Má ở nhà chăm sóc, chỉ bảo thằng Ba.  Dù ở đâu, làm gì, Má nói nó đừng đi theo địch, đừng làm hại cách mạng. Con thương nó lắm”.  Bảo Má bỏ thằng Hai, không thương, là điều vô lý. Chưa nói đến tấm lòng người Mẹ, “nước mắt chảy xuôi”. Dứt ruột đẻ ra, con nào lại không thương.

Còn với thằng Ba, Má thương vì nó là thằng có hiếu nghĩa. Ngày giỗ của ông cố, ông nội, ngày mất của ba, nó lo rất chu toàn, bà con họ hàng không ai có thể trách cứ dù chỉ một câu. Nó là chi trưởng cảnh sát được bà con thị trấn  mến vì tính cương trực, thấy bất bằng là chẳng tha. Nó giữ an ninh địa bàn rất tốt, bọn trộm cắp đĩ điếm không có đất hoành hành, mấy thằng cố vấn Mỹ ngông nghênh chọc gái bị nó tát tai. Đối với cộng sản, thằng Ba căm ra mặt. Bắt được cán bộ cộng sản nào, phải tự tay thằng Ba tra hỏi. Nó nói với Má: “Con hỏi Má, mấy ông xã trưởng, chỉ huy dân vệ có tội tình chi mà đặc công cộng sản vào giết chết rồi gài bản án lên ngực mấy ổng: “Làm tay sai cho đế quốc bị cách mạng tiêu diệt”. Dã man quá . Con không chấp nhận. Anh Hai về đây, nếu làm những việc như vậy thì đừng trách con… Lúc đó sẽ không còn ruột thịt máu mủ chi hết”.

Má nghe ông Ba nói vậy, nước mắt chảy vào trong.  Giá như thằng Ba cũng đứng về phía cách mạng, anh em khỏi đánh nhau. Giá như năm năm sáu, hai miền hiệp thương thống nhất đất nước, gia đình đoàn tụ, anh em gặp nhau, có phải tốt biết bao nhiêu…

Một đêm khuya, Má chưa ngủ, bỗng nghe thấy tiếng động lạ sau vườn. Má cầm cái đèn dầu đi ra… Chỉ chút nữa Má làm rơi cái đèn. Thằng Hai bằng xương bằng thịt ở ngay trước mặt Má. Vậy là lời nói của thằng Ba với Má hôm nào rất chính xác…

Má con ôm nhau nhau trong bóng đêm mừng mừng tủi tủi. Khi nghe tin ông Ba là chi trưởng cảnh sát, nét mặt ông Hai đanh lại, mắt trợn trừng lên làm Má sợ:

-Trời ơi… Ở ngoài bắc, có người bạn thân cho con hay tin này nhưng con không tin. Con nghĩ, nó phải tự hào về truyền thống quê hương, về anh của nó, lẽ nào nó cầm súng làm tay sai cho đế quốc bắn vào đồng bào mình, bắn vào anh ruột... - Ông Hai rít lên- Nó mà đứng đây, con giết. Mà sao Má lại để thằng Ba làm việc đó?

Má chỉ biết khóc:

-Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Má có muốn nó như vậy đâu… Nhưng nó nói với Má nó không ưa cộng sản…

Ông Hai lắc đầu, giận dữ:

-Đầu óc thằng Ba mụ mị điên loạn rồi. Nó không hiểu ai đã xâm lược, giày xéo mồ mả ông bà nó… Má thương con mà sao không bảo ban nó. Con buồn quá!...

Má phải tìm cách giãi bày với ông Hai:

-Má thương cả hai anh em bây, nhưng hồi bọn con nhỏ, nếu con hư hay thằng em con hỗn, Má sẽ lấy roi đánh. Còn bây giờ các con lớn hết rồi, mỗi đứa chọn đường đi, Má đâu cản được. Thằng Ba nói với Má: “Nếu cộng sản như cụ Hồ cũng còn có thể trọng, chớ chỉ toàn là lũ lưu manh, thấy người ta có ruộng có tiền thì cướp giết không biết gớm tay, con thề sống chết với tụi nó!”- Má nhìn ông Hai, gợi ý- Hay con gặp nó, chuyện trò phân phải, biết đâu nó nghe theo con, đi về với anh em đằng mình…

-Mà nó có chịu gặp con không?

-Để Má nói với nó…

Ý định của Má là sẽ tìm mọi cách cho hai anh em gặp nhau. Trong thâm tâm, Má vẫn muốn thằng Ba theo thằng Hai, đi theo con đường của cán bộ đằng mình như hồi kháng chiến. Đó là “Con đường của cụ Hồ, thương người, có thiện có đức”. Nhưng bây giờ thực tế không để cho Má thực hiện ý định đó. Làng của Má là vùng giáp ranh, bom đạn liên miên, ban ngày pháo bắn, ban đêm cối nổ… Rồi liêp tiếp những cuộc “tảo thanh” của quân đội Việt Nam Cộng Hoà, còn bên cách mạng cũng liên tục cuộc chống càn quét… Người của hai bên ngày nào cũng chết. Dân lọt giữa hai làn đạn cũng chết nhiều không xiết. Thằng Ba có lần nó quỳ xuống, vái Má: “ Má ơi, phải khỏi vùng này ngay. Đây là vùng chiến sự, nhà mình trơ trọi thế này dễ ăn đạn cối của cộng sản lắm!”. Má cương quyết lắc đầu: “Má không đi đâu. Má ở lại giữ nhà, giữ mồ mả cha ông, có chết cũng chết trên miếng đất nhà mình”.

Chuyện Má cương quyết ở lại vùng đất nguy hiểm ngoài việc chăm giữ mồ mả tổ tiên, còn việc chỉ ở đây Má mới có thể gặp thằng Hai. Nếu có việc nó cần, nhất là lương thực thực phẩm, Má sẽ cung cấp. Má chỉ sợ thằng Hai đói. Má bí mật đào hầm ở gốc cây mít sau nhà. Ông Hai từng nhiều lần trú trong hầm bí mật đó, không bị lộ. Có đợt, quá bức bách về lương thực, ông cũng hai người nữa hóa trang từ cứ về nhà Má giữa ban ngày. Ngang qua đám dân vệ đang gác ở đầu làng, chúng chỉ ngó nghiêng, hỏi vài câu chiếu lệ rồi cho cả đám đi qua. Mấy lần rồi, và lần này thì ông Hai không mang vũ khí, đi tay không để có điều kiện mang nhiều gạo hơn về cứ.

Có một điều ông Hai không biết, tất cả những lần ông Hai về làng, ông Ba đều được mật báo, đều bị đám dân vệ theo dõi sít sao. Cả chuyện Má đào hầm bí mật, ông Ba cũng biết. Ông Ba yêu cầu cứ để ông Hai đi về, không cần bắt. “Để cho ổng chủ quan đưa cả bộ sậu về núp trong hầm đó, rồi bắt cũng không muộn!”.

Thực ra, ông chưa muốn mạnh tay với ông Hai. Vì còn tình ruột thịt anh em, và lớn hơn , là tình thương của người Mẹ. Ông Ba muốn thuyết phục ông Hai tự nguyện rời hàng ngũ cộng sản về với chính nghĩa quốc gia, muốn cuộc nói chuyện giữa hai người phải đủ tính thuyết phục, để ai chứng tỏ được mình đúng thì người kia phải nghe theo. Má sẽ không phải rơi nước mắt trước tình cảnh anh em xô xát, bắn nhau.

Vì lẽ đó, nghe tin ông Hai về mà không mang vũ khí, đang ở trong hầm bí mật, ông Ba bèn đi tay không đến, muốn Má mời ông Hai lên nói chuyện…

Thấy Má lưỡng lự, ông Ba giục:

-Má gọi ảnh lên đi. Con muốn trò chuyện đàng hoàng với ảnh- Ông Ba xoè hai bàn tay ra - Má nhìn rõ, con không mang vũ khí, không cho bọn lính đi theo, anh Hai đừng sợ. Má gọi ảnh lên đi…

Ông Ba chưa dứt câu, nắp hầm bí mật phủ một đám cỏ dày được từ từ nâng lên. Từ dưới hầm ông Hai ngoi lên, gằn rõ từng tiếng :

-Mày không phải giục Má, tao lên đây.

Nghe tiếng rồi thấy cái đầu của ông Hai ngoi lên từ miệng hầm, ông Ba hơi giật mình. Rồi ông trấn tỉnh rất nhanh:

-Anh lên đây tôi với anh nói chuyện.

Ông Hai lên hẳn mặt đất, chìa hai tay ra trước, nhìn ông Ba thách thức:

-Mày cho lính của mày đến bắt tao đi, để lập công với mấy thằng chủ của mày.

Ông Ba cười gằn:

-Tôi đến gặp anh, nói chuyện cho ra ngô ra khoai chớ không phải để bắt anh.Tôi muốn bắt thì đã làm trong những lần trước rồi… Anh tưởng tôi không biết anh về sao?

Ông Hai gầm lên:

-Thằng khốn, giờ thì mày thoả nguyện rồi. Tao không mang vũ khí. Mày cho lính đến bắt đi. Tao mà biết mày thế này, thì từ hồi nhỏ, đi chăn trâu, tao đã dìm cho mày chết nước. Làm tay sai cho bọn đế quốc mà không thấy nhục…

Ông Ba cố giữ bình tĩnh:

-Anh ăn nói cẩn thận, tôi biết cái liều của cán binh cộng sản và tôi cũng biết lý luận của anh. Nhưng anh nói tôi là “tay sai”, anh chửi tôi mà không nhìn lại mình…

Ông Hai sấn sổ lao đến, nhổ vào mặt ông Ba một bãi nước miếng. Ông Ba tránh được, nhìn ông Hai không chớp, cố kìm cơn tức giận:

-Anh đừng làm những việc thô lỗ như vậy trước mặt Má, và nhất là trên miếng đất của ông bà tổ tiên. Tôi với anh nói chuyện có sự chứng giám của ông bà…

Nghe ông Ba nói vậy, nét mặt của ông Hai giảm bớt căng thẳng nhưng ánh mắt của ông nhìn người em vẫn lộ rõ sự căm thù. Má đứng cạnh chứng kiến hết. Đau lòng quá. Má nói với hai người:

-Thôi các con đừng cãi nhau nữa. Hơn mười năm rồi anh em bây mới gặp nhau. Gặp nhau lẽ ra phải vui chớ sao lại cãi nhau. Má chỉ muốn em thì nghe anh còn anh thì thương em…

Ông Hai nói:

-Mày có nghe Má nói gì không?

Ông Ba lắc đầu:

-Má nói đúng với điều kiện, anh nói đúng làm đúng, là tấm gương tốt cho tôi noi theo. Còn giờ đây…

-Giờ đây làm sao?

-Anh đi sai đường, nghe theo bọn Trung Cộng, Nga Xô về miền Nam phá hoại, gây tội ác với bà con…

-Mày đừng láo! Chính thể của mày là tay sai cho đế quốc Mỹ. Bao nhiêu tội ác giết người kháng chiến cũ, để cho tụi Mỹ rải bom khắp quê mình. Mày nhìn kìa, hố bom ngoài kia là của ai?

-Vậy những hố cối nằm ngoài ruộng, trong vườn này, mà đuôi đạn cối có chữ Trung Cộng chúng tôi đang giữ, ai bắn? Nếu như các anh thực hiện đúng hiệp định Giơ-neo không để lại vũ khí ở miền Nam, tôn trọng chủ quyền của chính thể cộng hòa thì làm gì có chuyện trên. Các anh bất chấp hiệp định, chỉ muốn cả đất nước nhuộm màu Cộng Sản nên chúng tôi không chấp nhận…

-Câm mồm! Mày nói ai không chấp nhận? Chỉ có lũ tay sai, nô lệ cho đế quốc Mỹ mới không chấp nhận!

-Anh nghĩ kỹ đi! Các anh cũng tự nhận là tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa mà. Vậy tôi là tay sai thì các anh cũng tự nhận là tay sai…

Má quỳ xuống, dập đầu sát đất, nói trong nước mắt:

-Má lạy cả hai đứa. Anh em phải thương nhau, Má đẻ ra đứa nào cũng là máu mủ từ cha mẹ. Nỡ nào cùng giọt máu của ba má mà các con lại như vậy…

Đến lúc đó, ông Hai và ông Ba mới ngừng cãi nhau, xúm vào nâng Má dậy. Ông Hai nói trong nghẹn ngào:

-Con xin lỗi Má… Nhưng má ơi, làm sao con thương nổi thằng Ba khi nó là thằng ác ôn, tay sai cho lũ cướp nước…- Rồi ông Hai quát vào mặt ông Ba- Tao sai lầm là hôm nay không mang vũ khí về đây!

Ông Ba sững người khi nghe ông Hai nói vậy. Ông buông tay đang đỡ Má, lùi ra xa, làm như phản xạ, định rút súng đeo bên hông. Chợt nhớ mình cũng không mang súng, ông gầm lên:

-Tôi muốn chuyện tử tế, về đây để gặp anh để nói chuyện phải trái. Tôi tưởng anh dù bị cộng sản nhồi sọ nhưng trước mặt Má, trên mảnh đất của ông bà, anh cũng có chút tử tế. Té ra, anh vẫn là một kẻ đáng bị bên tôi tiêu diệt. Anh tiếc không mang theo vũ khí à? Tôi còn tiếc hơn anh. Vì bọn dân vệ nói với tôi, đừng có tin cộng sản lắm âm mưu mà tôi không nghe lời chúng nó. Giá như tôi có khẩu Côn ở đây…

-Mày muốn bắn tao hả? Tao đứng đây, mày ra gọi đám dân vệ vào bắn tao đi, thằng mất dạy!

Ông Ba cười gằn:

-Anh không phải thách. Tôi nói cho anh rõ, hôm nay tôi không bắt anh cũng không bắn anh. Tôi lấy danh dự để nói điều đó. Anh vào lấy gạo rồi lên núi đi. Nhưng bắt đầu từ mai, tôi và đám lính của tôi gặp anh ở đâu, bắn bỏ ở đó…

Chứng kiến cảnh đó, ruột gan Má như bị băm vằm.

-Các con ơi, còn gì là anh em máu mủ, ruột rà nữa… Các con có còn là con của Má hay không?

Ông Ba quay sang Má:

-Má hãy tin con không bao giờ bất hiếu với ông bà, cha mẹ, một lòng thờ phụng tổ tiên… Nhưng với cộng sản, với anh Hai, con không thể đi chung đường…Chào Má, con đi!

Ông Ba coi như không có ông Hai đang đứng ngay đấy.

Ông Hai nhìn theo.

-Thằng này rồi sẽ giết con đó, má à. Nó thực sự là một thằng phản động con chưa từng gặp. Phải tiêu diệt…

-Sao anh em con nói năng đối xử với nhau như thế… Vì sao các con lại coi nhau như kẻ thù không đội trời chung vậy?

-Vì nó là tay sai của bọn đế quốc, là thứ bán nước. Sao Má nghĩ là nó tử tế? Con không bao giờ tin điều đó- Ông Hai hạ giọng- Có thể đợt này con về gặp Má là lần cuối. Thằng Ba đã biết con về, thế nào cũng sai lính bắn chết con. Nhưng dẫu có như thế, đồng đội con sẽ trả thù cho con. Má có gặp thằng Ba hãy nói với nó như thế!

Má lắc đầu:

-Lúc hai con bực mình thì nói với nhau vậy thôi, chớ bình tỉnh lại, hai anh em con cố hiểu, cố tìm con đường đúng mà đi…

Lới Má nói lại làm ông Hai bực mình:

-Sao Má lại nói với con như thế? Thằng Ba đi sai đường, chỉ có con, chỉ người cách mạng bọn con mới đi con đường đúng. Má không cần nói chuyện với nó nữa… Con với nó từ giờ một mất, một còn…Thôi chào Má, con đi…

-Con không lấy thêm gạo à? Má nhắc. .

Nhưng ông Hai hình như không nghe thấy, bỏ đi ngay…

Má nhìn theo, lo lắng.

Không biết ngoài kia có chuyện gì không? Biết đâu thằng Ba đang cho lính phục đợi bắt thằng Hai. Hoặc tình thế xấu hơn, lính của thằng Ba sẽ bắn…

Má lặng lẽ đi theo…

Phía trước, ông Hai vẫn cắm cúi bước, thỉnh thoảng ông ngó quanh quất, đầy vẻ dè chừng, không hề biết Má vẫn đang theo sau.

Ông Hai đã ra khỏi làng.

Chung quanh vẫn yên tĩnh…

Trời đã gần tối.

Bỗng nhiên có tiếng đạn rít, rồi tiếng cối nổ, tiếng pháo bắn không biết từ đâu… Phía trước, ông Hai lăn vội ra phía bờ đất để tránh…

Má thấy ông Hai lăn ra đất, quá hốt hoảng không còn nghĩ đến chuyện đạn cối, đạn pháo đang nổ, chạy vội đến chỗ ông Hai. Những bước chân lụi hụi, hớt hải, ngả nghiêng…

Xung quanh Má đạn vẫn nổ rát, dầy đặc…

-Hai ơi, con có làm sao không?

Một quả đạn đã rơi trúng chỗ Má khi Má đang cố chạy đến chỗ ông Hai.

Tiếng kêu của Má tắt lịm nửa chừng…