Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Chất phồn thực trong “Đĩ thúi” của Nguyễn Viện

Nguyễn Lệ Uyên
Truyện Kiều của Nguyễn Du, sau khi được khắc bản in, lập tức có sức lan toả rộng rãi trong quần chúng. Tính phổ quát của Truyện Kiềuhơn hẳn những tác phẩm trước và sau nó để, từ tầng lớp bình dân cho chí các trí thức khoa bảng đều có các đánh giá khác nhau qua mỗi thời đại. Bởi ở đó, từ những nhân vật trong truyện, mỗi người có thể tìm ra những vấn đề tương đồng, những cá tính từng nhân vật như một phiên bản luôn có mặt như những thực thể sinh động trong mọi thời đại.
Đó cũng là lý do tại sao, kể từ khi có chữ viết riêng (Quốc ngữ), có báo chí, Truyện Kiều được mang ra mổ xẻ khá kỹ, với nhiều luồng trái ngược nhau. Dưới con mắt các nhà nho luôn ôm Luận ngữ, Đại học… làm sách gối đầu như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng thì Truyện Kiềuchỉ là loại dâm thư không hơn kém: “Nói cho đúng ra Truyện Kiều chỉ là một dâm thư, rõ ràng không có ích gì mà có hại”. Trong khi đó, những Phạm Quỳnh, Chu Mạnh Trinh thì lại hết lòng ca ngợi, xem Truyện Kiều như một loại “ngọc tỉ” truyền quốc: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn” – (Phạm Quỳnh).
Sức sống của Truyện Kiều không chỉ ở nội dung, nghệ thuật miêu tả trong thể loại thi ca đặc hữu của ViệtNam: Lục bát; mà còn ở tính cách của từng nhân vật. Những mẫu người như Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Sở Khanh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến… thời đại nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy họ hiển lộ, trong những con người khác, một cách đậm đặc. Có lẽ vì thế, các nhân vật này luôn là nguồn cảm hứng cho dòng văn học Việt Nam hậu Tự lực Văn đoàn, đặc biệt là dòng văn học miền Nam trước 1975.
Nguồn cảm hứng ấy, không chỉ dừng lại ở một Dương Nghiễm Mậu với một Từ Hải bất lực mà, hôm nay còn lan rộng ra với một Nguyễn Viện. Bằng một nhãn quan khác, ông cầm chiếc đũa của gã phù thuỷ, đẩy họ lên sân khấu, diễn lại tấn tuồng thời đại: Ở đó là cả một sự ô-uế-thánh-thiện, cưỡng-hiếp-toàn-bích, bỉ-ổi-sáng rực, lưu-manh-hoàn-hảo… nhất so với các nhân vật lưu manh mà ta từng đọc ở các tiểu thuyết Âu Á.
clip_image001
Nếu như hơn hai trăm năm trước, Nguyễn Du đã gom dắt bầy con cháu nhà Hán từ tay Thanh Tâm Tài Nhân, rồi qua 3.245 câu lục bát để thành những con người mang thân phận tiêu biểu nhất, trong xã hội phong kiến đầu thế kỷ XIX; thì ngày nay Nguyễn Viện đã mượn các nhân vật này của Nguyễn Du từ tay Nguyễn và hoá thân đúng theo chức năng của một ông “bầu sô”, kéo dắt họ (các nhân vật) ra trước ánh đèn màu, cho họ nhập đồng, lên vai trong tư thế đồng đẳng với thời đại. Đó là thời đại tan tác, ươn sình mà người đọc chỉ có thể tìm thấy sự lừa lọc, lưu manh của loại hảo-hán-trí-thức-a-tu-la. Những phẩm hạnh và đạo đức làm người bị dục vọng thấp hèn thế chỗ. Thời đại đã dựng lên những con người như thế. Và những con người đó lại khoác lên mình dáng dấp như loại “chó nhà tang[i] nhảy bàn độc, nắm thóp thời đại mà quay, mà ném, mà lia. Đây là  chiếc chong chóng khổng lồ của một triều đại không được đặt tên bởi tính chất nhân bản không có chỗ đứng xứng hợp; chỉ có thể xem đây là “thế giới của ảo tượng văn chương” như Nguyễn Viện thừa nhận.
Từ thế giới đã được xác lập, ở Đĩ thúi, sau khi khép lại những dòng cuối cùng, tôi không hề nghĩ ông viết theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo, hay “phản tiểu thuyết” như Phạm Thị Hoài nhận xét: “phản lịch sử, phản hư cấu, phản hiện thực và phản tiểu thuyết này… bước thẳng ra từ hư cấu và lịch sử để lăn lộn trên một bàn cờ thế sự quái đản mà tất cả chúng ta dường như đều có mặt”, mà ông đã sử dụng tính chất phồn thực (fertilité) tồn tại hàng ngàn năm nay trên thế gian này, lồng vào hiện thực thời đại để gửi đi nỗi bi phẫn và trách nhiệm nhà văn trước một xã hội đầy những mưu toan, bất trắc.
Đọc Đĩ thúi, điều chúng ta dễ dàng nhận ra, là tất cả các nhân vật chỉ có bộ mặt mà thiếu vắng một tấm lòng; tấm lòng ấy, có chăng chỉ có ở Kiều Nhi, Đạm Tiên và Thuý Kiều, khi họ hợp sức mở quán bia ôm, tân trang trinh tiết phục vụ tận tình đấng mày râu theo phương châm “ăn bánh trả tiền”. Chí ít, việc các em “bành chân dạng háng” được khẳng định “là một thứ lao động giản đơn thuần tuý kinh tế thị trường” và trên hết “nó là một quá trình hình thành bởi các cuộc cách mạng công nghệ và ý thức hệ”.
Với Kiều, tài và sắc của nàng, được Nguyễn Du mô tả là toàn vẹn. Khốn thay, xã hội nàng đang sống không cho phép nàng sử dụng nhan sắc và tài hoa để trở thành nhân vật danh giá, chí ít là để làm người chính danh! Thuyết “tài mệnh tương đố” từ Nguyễn Du đã đẩy nàng trở về với tâm thế của người đàn bà bước vào con đường phồn thực thênh thang. Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề là khởi đầu hành trạng của Kiều từ lúc nàng phải bán mình chuộc cha theo qui chuẩn đạo đức “chó nhà tang” của Khổng Tử. Trước đây mấy trăm năm, Kiều đã là sự hoàn thiện của các ngón ăn chơi đĩ thoã, thì nay, một Mã Kiều Nhi, vốn là nguyên mẫu của Thúy Kiều trong lịch sử, xuất hiện trở lại như một nàng Kiều thứ hai và đồng thời, dưới mắt Nguyễn Viện, Kiều Nhi có thừa các ngón nghề tuyệt kỹ, là sự kết tinh của nền văn hoá lầu xanh, của các cung A Phòng, chốn hậu cung của quyền lực tối thượng, xứng với tầm cao thời đại: “Đó là một Mã Kiều Nhi tài hoa. Cầm kỳ thi hoạ đủ món ăn chơi vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề, đặc biệt là món thổi kèn điêu luyện theo đúng tinh thần Karma Yoga”.
Mã Kiều Nhi dưới ngòi bút của Nguyễn Viện, là cô gái xinh đẹp và e lệ. Vì vậy e lệ được xem như thuộc tính của phái nữ. Nhưng khi làm người, đã là con người, thì mọi chuyển động về sinh lý, buộc phải tuần hoàn theo một chiều kích tự nhiên: “Xinh đẹp và e lệ thì cũng đến lúc phải đi tiểu… vì thế nàng đã phải đi hơi xa để tìm một chỗ kín đáo”. Thực ra, Mã Kiều Nhi cũng chẳng cần kín đáo làm gì, đơn giản là nàng muốn giấu tung tích gái giả trai để vượt biên, dễ dàng tung hoành trên miền đất mới.
Và, kể từ khi bước chân qua biên giới, được sự hỗ trợ đắc lực của Đạm Tiên, Mã Kiều Nhi bắt đầu thể hiện tài năng “kéo đầu từng người áp vào hĩm nàng” để trở thành “một thương hiệu toàn cầu và mang tính phổ quát”. Nàng đã trở thành “đĩ quốc tế”. Nàng rơi vào vòng sa đoạ nhưng cũng chưa hẳn là vong thân, bởi các đối tượng đến với nàng đều cần nàng từ một nhu cầu gốc, cho nên “tất cả đều tôn thờ nàng. Nhưng tất cả đều miệt thị nàng”. Nàng biết vượt lên trên vũng lầy để trở thành “người của bá tánh, vì bá tánh và cho bá tánh”. Ý thức một cách rõ ràng về triết lý nhân sinh “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, tức khái niệm vay trả sòng phẳng nên nàng ngẩng cao tâm hồn để làm đẹp thân xác: “bành hai chân, dạng háng uy nghi trước mọi nền văn minh nhân loại”.
Xem ra nhân cách và đạo đức làm người của Mã Kiều Nhi vẫn có chút gì đó cao đẹp hơn nhiều lần so với những nhân vật khác, bởi tính cách “vì mọi người” của nàng “Tôi chỉ thiếu mỗi danh hiệu áp trại phu nhân thôi, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi cũng cho các anh cai tù bóp vú một cách kín đáo”. Đó là chưa kể, cả “tập đoàn đĩ” và cụ tổ Bạch Mi cũng thừa tình thương với kẻ hoạn nạn, ra tay cứu vớt quan đầu triều Hồ Tôn Hiến nằm mộng thấy mình gặp rắc rối, dẫu biết Hồ là loại người lưu manh thượng đẳng: “Tôi có những giấc mơ giữa ban ngày. Đại thể, đó là những sinh linh, không, không phải những sinh linh, mà là những ngọn cỏ. Trên đầu ngọn cỏ có những cái miệng. Những cái miệng đó phun ra máu làm đỏ cả bầu trời. Vâng, cỏ non xanh rợn chân trời và máu tươi chói lọi tầng không. Còn ban đêm thì lại khác cô ạ. Đêm trắng. Trắng không có bất cứ cái gì hiện hữu. Tôi không an tâm.
Người luôn cảm thông, được chia sẻ và gần gũi với Kiều Nhi là Nguyễn. Chàng luôn bị mặc cảm làm người giày vò, bởi thân phận trí thức thuộc loại “hàng thần lơ láo”. Nguyễn vừa công nhận, vừa phủ nhận Kiều Nhi là đĩ quốc tế, để sau đó, khi đưa lên bàn cân tình cảm, chàng lại xác quyết rằng: nàng là một cô gái vẹn toàn tiết trinh. Đĩ chỉ là cái vỏ bọc. Đĩ chỉ tồn tại ở thân xác. Nhưng tâm hồn thì hoàn toàn trong trắng. Ở đâu và lúc nào, Nguyễn cũng thấy “nàng luôn luôn trinh bạch”. Chàng đã khám phá “khuôn mặt thật của em dưới lớp da nhân tạo” luôn là một trinh tiết mới mẻ mỗi khi chàng gần gũi Kiều Nhi và Đạm Tiên. Nó vượt qua sự ô uế để mỗi lúc một gần hơn với cái đẹp muôn thuở. Niềm tin đó đã xác quyết trong con người chàng, luôn là điều xác tín: “Nguyễn thấy mình căng phồng như một quả bóng. Nhục dục và siêu thoát… Trong một chớp loé sáng của ý thức, Nguyễn thấu cảm ngẫu tượng tôn giáo của Linga và Yoni” ngay cả khi chàng ngủ với nàng trong nhà trọ bị công an bắt giữ, tống giam.
Khoảng không gian vừa rộng vừa hẹp mà tập đoàn Mã Kiều Nhi hoạt động, thoạt nhìn, có vẻ như những nhà thổ hạ cấp, đôi khi rất gần với những nhà trọ, phòng ngủ nhan nhản khắp mọi hang cùng ngõ hẻm ở một xứ sở vĩ đại, đồng bóng ngày nay. Hành trạng của họ qua ngòi bút Nguyễn Viện, chưa thấy bày ra cảnh nhếch nhác, ô uế; trái lại, nó vượt lên trên, hết thảy và trở thành những thiên sứ đáng nể phục.
Đã đành, khẩu hiệu đồng thời là mục tiêu đề ra của họ là “ăn bánh trả tiền”. Đành rằng họ là giai cấp đĩ bị khinh miệt. Nhưng cũng có lúc, chính những kẻ lưu manh, những tên bán buôn lịch sử đã phải cần đến họ, quỵ luỵ trước bản thân vừa nhơ nhớp trong suốt vừa trinh bạch thanh cao của họ. Chính Hồ Tôn Hiến, một thượng đẳng công thần lừng lững, quyền uy đỏ rực từ đầu đến đít cũng phải tất tả cầu cứu các nàng:
Một trăm ngày sau, trước bàn thờ Bạch Mi là Vương Thuý Kiều loã thể nằm trên tấm thảm có in hình trống đồng Đông Sơn. Rượu Minh Mạng 14 ly đặt chung quanh. Đạm Tiên đứng thắp hương vái lạy thần tổ…
Hồ Tôn Hiến thưa: “Làm thế nào để bảo toàn gia nghiệp?”
Bạch Mi phán: “Cất giữ vàng thật, phát hành tiền giả.”
Hồ Tôn Hiến thưa: “Làm thế nào để tiêu diệt kẻ thù?”
Bạch Mi phán: “Muốn tiêu diệt thù ngoài thì phải củng cố nội lực. Muốn tiêu diệt thù trong thì phải gia tăng âm phúc. Muốn làm được cả hai việc đó thì trước hết phải xây dựng lại tổ đình xã tắc.”
Hồ Tôn Hiến thưa: “Còn muốn bảo toàn tính mạng?”
Bạch Mi phán: “Bồi dưỡng chân khí bằng miên trường âm hộ của trinh nữ thuần Việt. Muốn hỏi gì nữa không? Đã đến giờ ta thượng hưởng.”
Các nhân vật của Nguyễn Viện đều bước ra từ thế giới của ảo tượng, trên nền tảng văn hoá văn minh phồn thực đã hiển lộ từ lâu và tiếp tục tồn tại. Truyền thống văn hoá Linga và Yoni vẫn tồn tại khi cái ý thức truyền thống không bị mai một, ngược lại đang được phát huy dưới cái nhãn “đậm đà bản sắc dân tộc” thì sẽ vẫn cần những Đạm Tiên như một hữu thể tồn tại: “tượng Linga dâng cúng cho Đạm Tiên không có đế, vì thế nó trở thành cái đế cho Yoni Đạm Tiên vì sự to lớn của nó. Nàng vẫn ngồi trên tượng Linga này trong tất cả mọi lúc rảnh rỗi. Đạm Tiên bảo:”nó đâm thấu suốt em”.
Nguyễn Viện đã thấu suốt, đã dẫn ra. Vì vậy văn hoá phồn thực sẽ tiếp tục trong thời đại chúng ta và mãi mãi, cho đến khi nào bầy người lúc nhúc biến mất khỏi trái đất này!
Nguyễn là nhân vật điển hình đang bơi trong vùng không khí loãng của thời đại. Tri thức không giúp gì cho chàng khi đối mặt với những nghịch cảnh buộc phải sa vào. Nội việc phải đi tù lần thứ hai vì tội viết đơn thuê cho dân oan khiếu kiện vẫn là một quán tính nghiện ngập của trí thức, đúng như nhận xét của trùm an ninh nội chính Thúc Sinh: “cả ông Nguyễn cũng sẽ phải biến thái như cậu.Vì đó là guồng máy, không cho phép bất cứ ai có bản sắc cá biệt”.
Trong vũng lầy, Nguyễn cố gắng vũng vẫy, cố gắng trồi lên bên trên vùng trơn nhớt, nhầy nhụa. Chàng nói: “Vâng, chúng ta cần sống như những người văn minh” sau khi nghe Từ Hải thay đổi sách lược (được chỉ đạo từ trên): “Đã qua cái thời đấu súng. Cho dù đối mặt với kẻ điếc, chúng ta vẫn cần đối thoại”.
Nguyễn nói: “Tôi là con người tự do.
Từ Hải nói: “Vứt mẹ cái tự do của anh đi.
Như vậy sự chọn lựa Tự Do coi như niềm tin cuối cùng của Nguyễn cũng đã bị bóp dẹp như người ta bóp một con muỗi, máu tung toé. Chàng muốn mình được làm người tự do, một người bình thường như mọi người khác: Đánh máy viết đơn thuê cho giai cấp nông dân cùng khổ bị bóp chẹt. Một ý tưởng giúp người rất thánh thiện, rất cộng đồng. Nhưng lập tức Kim Trọng xuất hiện, cảnh cáo:
Nếu ông muốn sống yên thân và chơi gái thì hãy ở trong thành phố, sáng cà phê chiều nhậu, đừng dây dưa vào chuyện thiên hạ. Nếu ông muốn nổi loạn, cứ nổi loạn với chữ nghĩa. Nếu ông muốn làm người hùng, cứ làm người hùng trong văn chương. Nếu ông đi lạc chỗ, tụi tôi sẽ xử lý ông ngay.”
Nguyễn nói: “Lạc chỗ hay không đó là lựa chọn của tôi. Các anh không có quyền…”
Kim Trọng: “Anh biết là chúng tôi có quyền. Đi lạc chỗ đồng nghĩa với chống đối và chúng tôi sẽ xử lý anh.”
Nguyễn nói: “Đây là quyền của tôi: Cút khỏi nhà tôi.”
Kim Trọng bảo: “Khi cần đuổi thì người đuổi sẽ là tôi chứ không phải anh.”
Nói xong Kim Trọng đi ra.
Đây là lằn roi cuối cùng quất vào mặt anh trí thức Nguyễn. Chàng đã bị phỉ nhổ, bị tước mất tất cả mọi quyền tự do, quyền sống làm người tử tế. Có thể vất đi cái vỏ trí thức, nhưng không chịu làm người mất nhân cách, nên giải pháp cuối cùng vừa loé trong đầu là quay về quê cũ “mở dịch vụ vi tính, viết đơn thuê”, tức thì Kiều Nhi tán thành: “Anh trồng rau, em mở tiệm hớt tóc massage phục vụ cho các anh giai làng…”. Kiều Nhi thêm: “Làm đĩ là một quyền mưu sinh chính đáng. Nhưng em sợ rằng anh sẽ mất hết uy tín khi trong nhà ông cách mạng có người làm đĩ.
Và thân phận của Nguyễn được các em trinh bạch định đoạt trong nháy mắt “ vậy thì anh cứ sáng cà phê, chiều nhậu, tối kiếm gái ngủ là tốt nhất”. Nguyễn thật sự rơi vào lỗ hổng đen ngòm, mất cả phương hướng và đành cam chịu bất lực như một Từ Hải của Dương Nghiễm Mậu bất lực:
Vương Thúy Kiều nói: “Về nông thôn, em có nguy cơ sẽ phải bán mình lần nữa để chuộc cha bởi bọn cường hào ác bá ở địa phương bây giờ ác hơn thời xưa. Nhưng em nói rồi, Vương viên ngoại còn có thể chuộc được, chứ Từ Hải hay anh chỉ có cách chết đứng hoặc để cho người ta xử tùy tiện thôi. Cả hai cách đều dở. Anh nên quên cái cơn lãng mạn nửa mùa ấy đi.”
Nguyễn hút thuốc. Và chàng cay đắng quăng điếu thuốc đi. Nhưng rồi chàng lại đốt điếu khác. Đốt nhiều điếu khác cho đến khi chàng trở nên khô rỗng.
Vương Thúy Kiều lại nói: “Đàn ông làm cách mạng chỉ đưa nhân loại đến chỗ khốn cùng.”
Nguyễn quăng linh hồn vào bóng tối và chàng lấy dao rạch lên những quyển sách, móc từng chữ ra khỏi trang giấy.
Vương Thúy Kiều nói: “Đàn bà làm cách mạng không phải lồn hoang độc lập, tự do, hạnh phúc và đái ỉa vào mọi giáo điều như bọn đàn ông nói.”
Nguyễn nhét từng con chữ cho vào miệng. Nhai rồi nhổ.
Vương Thúy Kiều nói: “Không phải đàn bà nằm trên là nữ quyền. Nhưng nó là khởi đầu cho mọi cuộc cách mạng khác.”
Nguyễn tiếp tục ăn những con chữ rồi nhổ ra.
Vương Thúy Kiều nói: “Hãy làm điều mình muốn.”
Điều Nguyễn “muốn” cuối cùng là hiến kế cho tên điếm Từ Hải “nếu biết liên kết  các sự kiện, nó có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền”. Từ Hải lập tức mang kế này trộn vào đám đông phẫn nộ gồm nhiều đối tượng, nhiều nỗi oan ức khác nhau, nhưng “lần nào Từ Hải cũng bị bắt và bị đánh trong đồn công an”. Kế của anh trí thức Nguyễn không thành. Và rồi Từ Hải và nhiều Từ Hải khác bị bẻ tay bẻ chân… để sau đó, tất cả từ từ mất tích, chỉ vì “bọn thú vật này không muốn sống” – lệnh từ Hồ Tôn Hiến.
Từ thời phong kiến, Nguyễn Du đã là kẻ lạc lõng, bơ bơ giữa dòng xoáy chính trường. Bước qua thế kỷ XXI, Nguyễn càng ưu uất, lạc lõng hơn giữa cơn cuồng phong thời đại. Dung nhan của chàng muôn thuở là ý thức tự do, là trách nhiệm, là sự độc lập cá tính. Nhưng đó chỉ là những tư tưởng nằm sâu trong đầu, chưa bao giờ Nguyễn dám đứng thẳng, đành phải để Từ Hải hơn hai trăm năm trước chết đứng giữa trận tiền, và hai trăm năm sau các đệ tử Kim Trọng, Từ Hải kẻ đòi đuổi chàng, kẻ phỉ báng tư tưởng tự do của chàng.
Nguyễn là nguyên khối cô đơn đồ sộ.
Nguyễn là kẻ lạc lõng giữa bầy sói trên thảo nguyên đỏ, giống chiếc đòn gánh đè sụm đôi vai gầy guộc, xương xẩu của bầy người tôi mọi. Do vậy chàng sống mà như đã chết, không chết đứng như Từ Hải xưa kia mà chết bởi những ray rứt, dằn vặt… ngày một ít, một ít…:
Nguyễn vùi mình trong bóng tối của nhà tù. Chàng tuyệt vọng như sau những ngày vừa giải phóng 1975. Cái cảm giác của sự chấm dứt giày vò chàng. Đối với việc viết văn, sự chấm dứt lại càng trở nên khốc liệt hơn. Nó giống như sự băm vằm. Nguyễn phải sống một cuộc đời khác, nếu muốn tồn tại. Chưa bao giờ ý nghĩ thỏa hiệp có trong đầu chàng. Cái thôi thúc của một nhà văn không phải là tìm kiếm danh vọng, lại càng không phải miếng cơm manh áo. Trong điều kiện bắt buộc của chữ nghĩa nô lệ, thì việc trở thành nhà văn chỉ là một hành động tự phỉ báng về nhân cách. Vì thế, Nguyễn đã sống như không sống. Đã chết mà vẫn lay lắt. Vả lại, cũng chẳng có bất cứ điều gì buộc Nguyễn phải viết, thế thì cớ gì chàng phải khom lưng làm một kẻ xu nịnh viết những điều dối trá?.
Một anh chàng “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” là Kim Trọng ngày trước, giờ đây trở thành tên trí thức biến chất, đốn mạt đến không tưởng “cho đến muôn đời sau vẫn là một anh trí thức mà Mao Trạch Đông coi không bằng cục phân. Những cục phân ấy luôn tự an ủi mình trong cõi ta bà rằng “ăn cây nào rào cây ấy” theo đúng đạo nghĩa nho gia”. Anh chàng này khom lưng, quỳ gối trước các ngài Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến, đôi khi với tay đàng điếm Từ Hải để có thể cát cứ một phương, nhưng không phải giúp dân mà “với chức vụ này, chàng đủ điều kiện để hủ hoá mang tính chất mặt trận tổ quốc, đồng thời thu vén được cả một gia tài cho con cháu hưởng lộc đến muôn đời sau”.
Để đạt được mục tiêu này, anh trí thức nho nhã đẹp trai Kim Trọng trở thành tên thượng đội hạ đạp, khom lưng lòn cúi ngay cả người có ít nhiều nợ oan cừu là Thúc Sinh của Nguyễn Du. Tài khôn vặt của Kim Trọng, có lẽ do quá trình tích luỹ kinh nghiệm lăn lộn chốn quan trường, vừa mang bộ mặt sói vừa là bộ mặt cừu:
Thúc Sinh bí mật gặp Kim Trọng, nói: “Ông là người nắm rõ thái độ chính trị của tất cả mọi người. Ai là kẻ cơ hội. Ai là kẻ bất mãn. Ai là người lý tưởng. Vì thế, tôi nhờ ông chuẩn bị cho một danh sách các nhân vật mà ta có thể sử dụng được cho một tổ chức đối lập trong tương lai, kể cả ông. Tôi cũng nhờ ông chuẩn bị một kịch bản cho sự xuất hiện của họ một cách công khai.”
Kim Trọng e dè bảo: “Chúng ta không chia sẻ quyền lực. Quyền lãnh đạo của chúng ta là tuyệt đối.”
Thúc Sinh nói: “Vẫn biết thế. Nhưng tình hình mới buộc chúng ta phải có kế sách, tránh một cuộc lật đổ đẫm máu.”
Kim Trọng tỏ ra hoài nghi, ông nói: “Chúng ta vẫn vững vàng và tôi tuyệt đối trung thành với đồng chí đại ca Hồ Tôn Hiến, cho nên tôi chỉ có thể gửi ông bản danh sách các nhân vật mà ông cần. Còn cái kịch bản gì đó thì xin phép ông cho tôi đứng ngoài.”
Thúc Sinh nói: “Ông cần một xác nhận từ Hồ Tôn Hiến?”
Kim Trọng bảo: “Tôi không dám đòi hỏi. Nhưng tôi sẵn sàng tuân lệnh cấp trên.”
Thúc Sinh nói: “Ông sẽ nhận được điều ông muốn.”
Kim Trọng bảo: “Tôi không tin bọn trí thức.”
Thúc Sinh nói: “Đúng. Nhưng chúng ta có thể sử dụng chúng, vì bởi bọn chúng lúc nào cũng chỉ mong muốn được người khác sử dụng. Bọn chúng cần một vai trò và chúng ta sẽ cho chúng tham gia cái trò chơi lịch sử này.”
Kim Trọng: “Tôi e ngại tình thế có thể vuột khỏi tầm kiểm soát của chúng ta.”
Thúc Sinh: “Đấy là nhiệm vụ của ông. Hồ Tôn Hiến tin ông.”
Kim Trọng: “Không sợ tôi cướp cờ à?”
Thúc Sinh: “Đấy không phải là tính cách của ông.”
Kim Trọng cũng thuộc giuộc ấy, cũng chỉ “mong muốn được người khác sử dụng”. Và Kim Trọng đã chấp nhận chơi trò đùa giỡn lịch sử với những tham vọng không nhỏ, được che giấu cẩn thận!
Từ Hải của Nguyễn Du là tay hảo hớn có một không hai “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng khi qua tay Nguyễn Viện, từ một tên vô sản bần cố nông đã được lột xác, đổi đời thành một tên trí thức tiểu tư sản hèn nhát và không kém chất lưu manh. Từ Hải quăng cả gươm giáo, mò vào nghề báo lề phải, tập tễnh làm thơ viết văn, lập khách sạn dắt gái, làm ma cô để ăn chia phần trăm với Mã Kiều Nhi, Đạm Tiên… Trong chớp mắt, Từ được Thúc Sinh sử dụng như một thằng mõ làng, như một con rối trong cuộc chơi đảo điên nhân thế. Dẫu cho bóng ma vừa là con người có da thịt thật Đạm Tiên đã cảnh báo “khi chính trị và và văn học nghệ thuật ăn cánh với nhau, con người bị giết chết… văn nghệ sĩ chính thống là kẻ đồng loã với tội ác”. Nhưng cái đám văn nghệ sĩ Từ Hải, Mã Giám Sinh đều mặc, bỏ ngoài tai… cuối cùng bị sập vào cái bẫy của Sở Khanh và Hồ Tôn Hiến:
Sở Khanh tâu với Hồ Tôn Hiến: “Văn nghệ sĩ và các loại tương cận đều rất háo danh, để sai khiến được bọn này cần ban tặng cho chúng các chức danh này nọ. Vì các chức danh, chúng sẽ như lũ thiêu thân.”
Hồ Tôn Hiến bảo: “Được. Ta biết sức mạnh của các nghệ sĩ. Đồng chí rất thâm sâu. Ta sẽ ban cho chúng mọi tước vị cao cả.”
Sở Khanh tâu tiếp: “Văn nghệ sĩ và các loại tương cận cũng đều rất thích được sai khiến, xin hãy giao việc cho chúng vì chúng sẽ tưởng đấy là điều cao cả.”
Hồ Tôn Hiến bảo: “Được. Hãy tập hợp chúng lại dưới ngọn cờ vinh quang của ta.”
Sở Khanh trở thành Hội trưởng của Hội Văn nghệ sĩ và các loại tương cận.
Nhiệm vụ của Hội là lừa tình toàn thể bầy cừu. Nhưng làm gì thì cũng cần phải lo cho bản thân trước. Cơ hội không phải lúc nào cũng có. Vì thế, Sở Khanh lừa ngay bọn háo danh muốn trở thành văn nghệ sĩ cung đình. Chúng sẵn sàng cống nạp cho Sở Khanh tất cả mọi thứ kể cả vợ con.
Xét cho cùng, trí thức thời đại nào cũng khom lưng quỳ gối trước cái bóng sừng sững của loại chính trị đen ám. Nhớ lại, hơn 2.500 năm trước Khổng Tử cũng đã ôm mớ giẻ rách “chính danh định phận” chu du khắp thiên hạ rao bán, như ngày nay người ta quảng cáo băng vệ sinh phụ nữ! Không một nhà nước phong kiến nào thời Xuân Thu (770-476 trước CN) chịu sử dụng ông, bố thí cho chức quan nhỏ hay một chân “thầy dùi quân sư quạt mo”, ông đành phải ôm mớ giẻ rách quay về quê cũ mở trường dạy học trò. Không thấy sử sách chép Khổng Tử dạy bao nhiêu học trò thành quan tước triều đình, chỉ thấy lơ thơ vài tên Nhan Hồi, Tử Lộ… xiển dương cái “chính danh định phận” của Ngài (!). Mãi đến khi Khổng chết, lũ học trò chết tất, đám phong kiến tranh bá đồ vương kia mới sáng mắt thừa nhận đống giẻ kia là thánh thư, mang ra áp dụng và rất thành công trong việc kềm hãm sức bật của  xã hội, vun vén quyền lực bằng máu và xương của dân trên 2.000 năm để xây dựng những đế chế coi dân như lũ giòi bọ! Tầng lớp trí thức phải luôn sống trong nỗi sợ hãi, bất an. Và tài năng thì không bằng cục phân như hậu duệ Mao sau này, phê phán. Thân phận trí thức thời nào cũng như con chó ở nhà có tang, mất chủ, ngơ ngáo không còn biết chủ là ai?
Những bộ mặt trí thức qua các nhân vật Từ Hải, Kim Trọng và Nguyễn của Nguyễn Viện là sự nhếch nhác của chữ nghĩa từ hàng ngàn năm trước và tiếp tục đến hàng ngàn năm sau cũng chỉ là sự đê tiện bạo lực, nhục nhã của thân phận làm người trí thức:
Sở Khanh gặp Nguyễn bảo: “Ông làm đơn xin vô Hội Văn nghệ sĩ đi.”
Nguyễn nói: “Tôi không có khả năng chung chi.”
Sở Khanh bảo: “Cũng rẻ thôi mà.”
Nguyễn hỏi: “Bao nhiêu?”
Sở Khanh: “300 triệu.”
Nguyễn bảo: “Trả góp nhé?”
Sở Khanh nói: “Ông chỉ đùa.
Những nhân vật khác, từ Thúc Sinh, Sở Khanh, Mã Giám Sinh… đều là lũ đĩ bợm, lưu manh thuộc cánh hẩu của Hồ Tôn Hiến. Chúng tiếp tục băm nát chiều ngang lịch sử, nhưng không hề chịu trách nhiệm trước lịch sử! Chúng coi lịch sử như nhà hát cô đầu, như lầu Ngưng Bích thuần dưỡng gái lầu xanh. Mỗi người mang một bộ mặt khác nhau. Nhưng lại có điểm chung nhất là thiết lập mối quan hệ theo phương pháp lợi ích tương đồng, tương lân để đạt được tiền của và danh vọng cao nhất. Chúng mang những chiếc mặt nạ người, đội trên đầu trách nhiệm của lịch sử bằng loại vàng mã trong các đền miếu hoang phế. Tính chất nham nhở, trơ tráo của chúng thừa cả bề dày lẫn bề sâu trong các chu trình xoay chuyển lợi ích cá nhân mang tính tập thể.
Thúc Sinh là một tên đểu cáng, lưu manh vào loại nhất nhì, chẳng những cật lực buôn gái, buôn chính trị… để thu lợi, mà còn dám phỗng tay trên Hồ Tôn Hiến: “Thúc Sinh tiến cử một chân dài Nam Bộ. Trong kiệu màn che trướng rủ, Thúc Sinh động tà tâm hiếp cô này ngay giữa đường tiến cung. Cô mang dòng máu phản bội trong người về với Hồ Tôn Hiến. Có người bảo, Thúc Sinh buôn vua theo cách của Lã Bất Vi.
Bản chất của Thúc Sinh vốn dĩ là vậy. Nên trong tình thế nan giải của xã hội, Thúc không ngần ngại bày tỏ quan điểm sống của mình:
Từ Hải hỏi tiếp: “Anh chọn cách nào?”
Thúc Sinh nói: “Không chọn cách nào cả.”
Từ Hải hỏi mà dường như không nhắm vào ai: “Vậy thì chúng ta đang vui chơi, hay làm cách mạng?”
Thúc Sinh cười, nói: “Chúng ta đang kiếm ăn.”
Sở Khanh là tay lừa lọc thuộc loại thượng hạng ngoại hạng. Gã bước ra từ Nguyễn Du chí Nguyễn Viện bây giờ đều với tư thế của tên đón gió trở cờ, lừa lọc tình và lừa lọc chủ. Đóng bộ mặt của người đương thời, cộng với tài năng báo lá cải, cái  mồm dẻo cùng khát vọng chứa đầy dục vọng, gã ton hót và bỗng chốc trở thành Hội trưởng Hội Văn nghệ sĩ và các loại tương cận, có nhiệm vụ chăn dắt bầy cừu: “Nhiệm vụ của Hội là lừa tình toàn thể bầy cừu… Sở Khanh lừa ngay bọn háo danh muốn trở thành văn nghệ sĩ cung đình. Chúng sẵn sàng cống nạp cho Sở Khanh tất cả mọi thứ kể cả vợ con”.
Từ khi Thúc Sinh nói với Từ Hải: “Cậu phải biến đi” thì lập tức Từ Hải biến mất khỏi vòng tròn Thúc Sinh. Lập tức Mã Giám Sinh được gọi đến thế chỗ của Từ để làm thầy dùi cho quan nội chính Thúc Sinh trong các thương vụ buôn gái ra nước ngoài, và bị Đạm Tiên cho là “cạnh tranh không lành mạnh”. Mã không cần đạo đức lành mạnh hay lành yếu. Hắn chỉ cần tiền. 2.000 đô trên mỗi đầu gái kiếm chồng ngoại để hắn bỏ túi là phương châm bất di dịch. Bản chất bỉ ổi của Mã không chỉ dừng lại ở chỗ “tuyệt đối trung thành với cam kết gìn giữ nguyên trạng với khách hàng. Nhưng hắn tận dụng ưu thế của mình để kiểm tra “hàng” một cách thích đáng”, mà còn “đưa cô gái về phòng mình trong khách sạn và cắt tiết cô cũng như ngày xưa hắn hắn đã cắt tiết Vương Thuý Kiều”. Biết cô gái là con Thuý Kiều, nhưng Mã không dung tha, chỉ trả lại 2.000 đô là chỗ tiền thế chân, coi như đó là món tiền bỏ mua trinh tiết! Và rồi hắn lý giải cho hành vi của mình: “người ta có sẵn sàng cho anh hiếp không?… đấy là vấn đề dân trí. Dân trí để cho anh hiếp thì tại sao anh lại không hiếp?”.
Và bộ mặt thật của Mã tự chính hắn khẳng định: “Hãy nhớ điều này: Đểu cáng thì không ai bằng Mã Giám Sinh”!
Chỉ tội cho Vương Quan. Chàng chỉ được phép xuất hiện vào hồi cuối vở diễn. Chức quan trong triều thì nhỏ, cộng với lý lịch chẳng mấy sạch sẽ của gia đình và bản chất nhân hậu đã khiến chàng bị coi là “mất lập trường giai cấp”, là lực cản lớn nhất trên con đường hoạn lộ. Dẫu vậy, khi tấn tuồng đã gần hết cảnh, hết hồi, sắp đến lúc phải hạ màn thì cũng chính tay lưu manh Thúc Sinh xuất hiện kéo chàng vào trò chơi bán buôn lịch sử. Lời Thúc Sinh: “Thượng phương bảo kiếm sẽ được giao cho cậu” cũng đồng nghĩa với việc thanh tẩy “ngôi nhà chung… càng lúc càng bốc mùi hôi thối”. Thanh tẩy là chuyện quốc gia đại sự hàng đầu, thuộc nhóm hàng cơ mật. Nhưng có Thượng phương bảo kiếm trong tay, thay vì hành xử theo “việc nước trước thù nhà” thì anh em Vương Quan lại bàn nhau khử tất cả những kẻ đã làm nhục, làm tan nát gia đình: “tôi vẫn ấm ức về vụ chị Thúy Kiều xưa kia. Nỗi đau của anh cũng như nỗi nhục của gia đình chúng ta đến lúc cần phải được thanh tẩy. Hơn nữa, dân chúng cũng đang nổi loạn, đây là cơ hội để chúng ta rửa hận. Hồ Tôn Hiến và Mã Giám Sinh phải bị quăng vào lửa. Ngay trước khi tôi công bố tội trạng của chúng, anh phải bắt được cả hai. Nếu thất bại, anh biết hậu quả sẽ ra sao”.
Và, để cho thiên tiểu thuyết “phản tiểu thuyết” của mình có hậu, Nguyễn Viện viết thêm một cảnh rất nhỏ, như thể để giải toả nỗi uất ức trong nhân vật “quần chúng” chỉ được gọi tên, không có mặt; đồng thời cũng để giải toả những bi phẫn chất chứa trong ông. Cảnh đó diễn ra nhanh và gọn đúng với ý đồ của những tay buôn bán lịch sử:
Trước ngày xảy ra phiên tòa xét xử Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh vào trại giam đưa cho Hồ Tôn Hiến một chai thuốc độc.
Mã Giám Sinh hỏi: “Ông còn nhớ cái bùa chú mật tông thỉnh từ Tây Tạng trên cục đá mẹ ở Đền Hùng và 2301 cục đá con xuyên Việt không?”
Hồ Tôn Hiến nói: “Nhớ. Mày đã đánh tráo nó?”
Mã Giám Sinh bảo: “Phải. Muôn năm trường trị là của Mã Giám Sinh chứ không phải Hồ Tôn Hiến.”
Nghe xong, Hồ Tôn Hiến hộc máu tung tóe, tim ngừng đập. Tuy nhiên, Mã Giám Sinh vẫn đổ hết chai thuốc độc vào miệng Hồ Tôn Hiến.
Lịch sử ghi: Năm Gia Tĩnh thứ 43 (1565), Hồ Tôn Hiến bị bắt giam. Đến ngày 3 tháng 11 năm ấy, Hồ Tôn Hiến uất ức tự vẫn, chết trong ngục.
Khép lại những dòng cuối cùng của Đĩ thúi trên procontra.asia, đồng thời cũng chuẩn bị khép lại những dòng cuối bài viết này, tôi lại nhớ tới đoạn ray rứt nội tâm của Nguyễn, như những ray rứt của Nguyễn Viện trước một thời đại không tên không tuổi, mông lung hư ảo. Thời đại đó vừa là quá khứ xa xôi mà cũng là hiện tại gần. Những con người trong đó, bước ra trên trang sách của ông có thể đang dần hoá thạch mà cũng mới tinh khôi như vừa bước ra từ một buổi sớm mai dầm dề máu me dối trá, lừa mị. Tôi tự hỏi, ông đã trải lòng trên quyển tiểu thuyết này hay chính những nhân vật ông dựng nên đã xô đẩy ông như ông đã xô nhân vật Nguyễn đang “nằm bẹp gí trong nhà Mã Kiều Nhi” với câu hỏi hơn bốn trăm năm trước của Shakespeare “to be or not to be”? Nhưng tồn tại để làm gì, hành xử như thế nào trong mối tương quan giữa quần chúng và lịch sử, giữa tự do hành động tiệm cận tự do dẫu cho họ thừa biết “máu thịt sản sinh máu thịt”? Có lẽ đây mới chính là máu và nước mắt trong những thổn thức dằn vặt của cả hai, tác giả và nhân vật: “Với Nguyễn, Hồ Tôn Hiến dù thế nào vẫn là một nhân vật tiểu thuyết. Nhưng nhân vật ấy đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chàng, một tai nạn của bệnh tiêu chảy, trở thành một tác nhân độc lập và hành xử theo cách của hắn. Nguyễn biết, không có cách nào khác để loại trừ hắn là để chính cái hệ thống đang vận hành hắn xử hắn. Tính cách trí thức của chàng, như thế một lần nữa, đè bẹp chàng. Thay vì đóng vai trò của một chủ thể lịch sử, chàng buông xuôi cho cái hệ thống mù lòa ấy đưa đẩy.
An nhiên tự tại hay từ khước chính mình cũng chỉ là một cách trốn chạy thực tại.
Buengkan–Laos6/2013
© 2013 Nguyễn Lệ Uyên& pro&contra
Nhà văn Nguyễn Viện (1949) hiện sống tại Sài Gòn. Ông là tác giả của 9 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn, kịch, thơ, tạp bút và tiểu luận.
Ảnh của Trần Tiến Dũng

[i] Táng Gia cẩu: Ngã độc Luận ngữ, Lý Linh, NXB Nhân Dân Sơn Tây, Trung Quốc, 2007
Nguồn:
Ấn bản mới ĐĨ THÚI & PHẦN CÒN LẠI Ở CÕI CHẾT của Nguyễn Viện vừa được NXB Chương Văn (Hoa Kỳ) phát hành rộng rãi trên Amazon.com (http://www.amazon.com/Thui-Phan-Con-Chet-Vietnamese/dp/1508658692/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1425771750&sr=8-1&keywords=di+thui) và các nhà sách tại Mỹ. Tiểu thuyết và phản tiểu thuyết, ở đó không một linh hồn nào được an nghỉ.
clip_image003