Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Tư tưởng dân túy và phê phán của các triết gia Nga

Nguyễn Văn Trọng

I- Sự hình thành giới trí thức Nga đối đầu với chế độ Nga hoàng

Nga hoàng Piôt Đại đế (1689-1725, hay Pie Đại đế theo cách gọi Pháp) được xem là vị minh quân hiện đại hóa nước Nga bằng cách mở cửa sang phương Tây. Trước triều đại của Piôt nước Nga còn chìm trong sự chia rẽ và mông muội, phải chống trả với sự xâm lăng thường xuyên của rợ Mông-Thát. Tuy đã tiếp nhận Kitô giáo, nhưng đây là Kitô giáo thuộc nhánh Orthodox phổ biến ở Đông Âu và Hy lạp, không có nhiều sức mạnh kết nối như các nhánh Catholic hay Tin lành ở phương Tây và bị phụ thuộc nhiều vào Nga hoàng. Kitô giáo Orthodox ở nước Nga không có vai trò tích cực trong quá trình lập quốc như Kitô giáo ở các nước phương Tây. Solzhennitsyn cho rằng Nhà thờ ở Nga “ngay trước khi cách mạng xảy ra đã già nua và phân rã...”. Giới trí thức xuất hiện trong xã hội Nga là do cuộc cải cách mở cửa sang phương tây của Piôt Đại đế.

Triết gia Anh Sir Isaiah Berlin (1909-1997) trong tiểu luận “Một thập kỷ đáng ghi nhớ” (trang114-209)[1] đã viết: “Phần lớn các sử gia Nga đều đồng ý rằng sự ly khai xã hội to lớn giữa những người có giáo dục và những người tăm tối ở nước Nga nảy sinh ra từ vết thương do Piôt Đại đế gây ra cho xã hội Nga. Trong cơn nhiệt tình cải cách của mình Piôt đã gửi những thanh niên được chọn lọc sang thế giới phương tây, và khi họ học được ngôn ngữ phương tây cùng những kỹ năng và các khoa học xã hội mới nảy sinh từ cuộc cách mạng khoa học thế kỷ XVII, họ được đưa trở lại để thành những người lãnh đạo một trật tự xã hội mới mà ông ta vội vàng áp đặt một cách tàn nhẫn và hung bạo cho đất nước phong kiến của ông ta. Bằng cách đó ông ta đã tạo nên một giai tầng nhỏ những con người mới, nửa Nga, nửa ngoại quốc – được giáo dục ở nước ngoài, ngay cả khi họ sinh ra ở nước Nga; những người này vào lúc thích hợp sẽ trở thành một nhóm nhỏ thủ lĩnh quản trị và hành chính, đặt lên trên dân chúng, họ sẽ không chia sẻ trong văn hóa vẫn còn mang tính trung cổ của dân chúng nữa; bị cắt lìa khỏi dân chúng để không bao giờ còn quay trở lại được.” (Sự ra đời của giới trí thức Nga, trang 117)

Theo Solzhennitsyn thì Nga hoàng Piôt không hề mong muốn có giới trí thức như nước Nga đã có. Nga hoàng Piôt chỉ muốn đào tạo một lớp người có kỹ năng làm việc cho bộ máy quan liêu của ông. Nhưng việc nước Nga mở cửa ra châu Âu đã tạo điều kiện cho giới quý tộc Nga tiếp xúc với các tư tưởng và học thuyết khai minh của phương Tây. Nửa đầu thế kỷ XIX toàn bộ trí thức Nga đều là quý tộc hoặc quan chức. Nga hoàng Piôt đã có công mở mang bờ cõi nước Nga thông ra biển Baltic và biển Caspian, biến nước Nga thành một cường quốc châu Âu. Nhưng ông cũng như các Nga hoàng kế vị đã duy trì đế chế của mình trong một chế độ chuyên chế- nông nô hà khắc với một bộ máy quan liêu chuyên nghiệp khổng lồ. Nền chính trị chuyên chế ấy tương phản rõ rệt với những lý tưởng nhân văn thời khai minh của phương Tây mà giới trí thức quý tộc Nga chịu ảnh hưởng. Sự xung đột tinh thần là tất yếu, nhưng kịch bản nào phải xảy ra như kết quả của sự xung đột ấy?

Berlin [1] đã nhận xét rằng trong suốt thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX chính quyền Nga hoàng lúc thì đàn áp lúc lại ôn hòa: khi nữ hoàng Catherine Đại đế cảm thấy ách áp bức quá nặng nề hoặc xảy ra những sự việc quá man rợ thì bà ta giảm bớt sự cứng rắn của nền chuyên chế và được Voltaire và Grimm ca tụng một cách ngu ngốc. Nhưng khi tình thế dẫn đến những kích động bất ngờ và có quá nhiều sự phản kháng, cũng như có quá nhiều người có học bắt đầu so sánh các điều kiện tồi tệ của nước Nga với phương tây, thì bà ta đánh hơi thấy những khởi đầu của cái gì đó có vẻ lật đổ; cuối cùng thì cuộc cách mạng Pháp làm bà ta hoảng sợ và bà ta lại ra tay ngăn chặn. Tình hình cũng không khác đi dưới triều Alexander I. Đại đa số dân chúng Nga hãy còn sống trong tăm tối, các giáo sĩ đần độn chẳng có uy tín đạo đức nào, bộ máy quan liêu không hiệu quả, đàn áp mỗi lúc một nặng nề hơn đám nông dân cứng đầu. Giữa những kẻ đàn áp và dân chúng bị đàn áp là một giai tầng nhỏ có văn hóa. Phần đông họ là những người ý thức sâu sắc được sự khác biệt giữa công bằng và bất công, giữa văn minh và man rợ, nhưng cũng hiểu rõ rằng rất khó thay đổi được các điều kiện ấy, rằng họ đã đặt cược bản thân họ quá nhiều vào chế độ và cuộc cải cách có thể sẽ làm sụp đổ toàn bộ cấu trúc.

Cuộc xâm lăng của Napoleon đã làm thay đổi tình thế, đưa nước Nga vào giữa châu Âu. Tựa như chỉ qua một đêm mà nước Nga bỗng thấy mình là một cường quốc ở giữa lòng châu Âu, ý thức được sức mạnh hủy diệt của mình. Berlin viết: “Chiến thắng trước Napoleon và cuộc hành tiến vào Paris là những sự kiện cực kỳ quan trọng trong lịch sử tư tưởng Nga giống như những cải cách của [Nga hoàng] Piôt. Những sự kiện ấy làm cho nước Nga ý thức được tính thống nhất quốc gia của mình, tạo ra trong nó một sự tự ý thức mình như là một quốc gia châu Âu, được thừa nhận như là thế; như không còn là một đám man rợ bị khinh miệt ở bên kia Vạn lý trường thành, chìm đắm trong tăm tối trung cổ, cố bắt chước các mô hình ngoại quốc một cách tẻ nhạt và vụng về.” (Sự ra đời của giới trí thức Nga, trang 118) [1]. Hơn thế nữa, cuộc chiến tranh kéo dài với Napoleon đã đem đến một tinh thần yêu nước nồng nhiệt như kết quả của sự cùng tham gia vì lý tưởng chung. Tinh thần yêu nước ấy khiến cho nhiều thanh niên nhiệt huyết bắt đầu cảm nhận thấy những gắn bó mới mẻ giữa họ và quốc gia mà nền giáo dục tự thân nó đã không thể truyền cảm hứng cho họ. Sự gia tăng lòng ái quốc kéo theo cảm nhận trách nhiệm trước tình cảnh hỗn loạn, nghèo khó khốn cùng, tính không hiệu quả, sự tàn bạo, sự mất trật tự kinh khủng ở nước Nga. Nỗi lo âu chung có tính đạo đức ấy tác động mạnh tới những thành viên mẫn cảm của giai cấp thống trị. Trùng hợp với thời kỳ này là phong trào lãng mạn đang lên ở phương tây với ý tưởng cho rằng mỗi cá nhân, mỗi đất nước có một mục tiêu nội tại độc nhất vô nhị mà bản thân nó là một thành tố hữu cơ trong một mục tiêu rộng lớn hơn của toàn nhân loại, rằng ý thức được mục tiêu chung ấy có nghĩa là cùng tham gia vào cuộc hành tiến hướng về ánh sáng và tự do. Thể biến điệu thế tục ấy của một niềm tin tôn giáo cổ đại đã gây ấn tượng mạnh mẽ lên tâm trí các thanh niên Nga.

Cuộc đảo chính bất thành của trí thức quý tộc Nga tháng chạp năm 1825 đã đi vào lịch sử Nga như một dấu son cho những người tham gia: hậu thế gọi họ là Những người tháng chạp với lòng tôn kính tinh thần xả thân vì chính nghĩa của họ. Người Nga thường nhớ tới cuộc khởi nghĩa Tháng chạp 1825 với lòng khâm phục tinh thần bất khuất và những phẩm cách cao thượng của những người tham gia mà ít để ý đến nội dung các yêu sách chính trị của họ. Những người Tháng chạp mơ tưởng một nhà nước có nghị viện theo kiểu phương Tây với sự cai trị pháp quyền hạn chế tính chuyên chế của Nga hoàng. Họ hình dung cách thức thực hiện là áp đặt nền dân chủ từ bên trên theo kiểu mà nước Phổ sau đó sẽ làm.

Chính quyền Nga hoàng e ngại ảnh hưởng của cách mạng Pháp nên ngăn cản thanh niên đến nước Pháp và khuyến khích họ đến nước Đức hơn, Nhưng kết quả lại ngược hẳn với suy tính của chính quyền, vì phong trào lãng mạn ở Đức lúc đó còn nhiều tính bạo lực hơn nước Pháp. Các nhà sử học lãng mạn Đức ra sức thuyết giảng quan điểm cho rằng phương tây suy đồi là do chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy vật; còn nước Đức không bị những ảnh hưởng ấy, tuy còn hoang dại nhưng tràn đầy sức trẻ, sẽ tiếp quản di sản để lại từ bàn tay yếu ớt của người Pháp. Người Nga còn đi xa hơn nữa: nếu trẻ trung, hoang dại, thiếu giáo dục là tiêu chí của một tương lai vinh quang thì họ còn có nhiều hy vọng hơn người Đức. Họ diễn giải học thuyết Tinh thần của Hegel theo chiều hướng tất yếu cách mạng, trong khi đó còn có những cách diễn giải khác. Berlin viết: “Trong khi ở phương tây những ý tưởng kiểu này đã thịnh hành trong nhiều năm – các lý thuyết và các ý kiến, triết học, xã hội, thần học, chính trị, ít nhất cũng từ thời Phục hưng, đã xung đột và va chạm nhau theo rất nhiều kiểu cách khác nhau và tạo nên một quá trình chung của hoạt động trí tuệ phong phú, trong đó không một ý tưởng hay ý kiến nào có thể giữ ưu thế tối cao được lâu – nhưng ở nước Nga thì lại hoàn toàn khác.” (Sự ra đời của giới trí thức Nga, trang 122) [1].

Berlin đưa ra bức tranh sau đây về nước Nga thế kỷ XIX: “Như vậy bạn có thể hình dung tình thế ở nước Nga có ba yếu tố chính nổi bật: một chính quyền chai lì, đàn áp, thiếu đầu óc, chủ yếu là thích đè nén thần dân của mình, ngăn chặn sự thay đổi phần nhiều vì sợ sẽ dẫn đến thay đổi tiếp nữa, ngay cả dẫu cho những thành viên có trí tuệ hơn của nó mơ hồ hiểu rằng cải cách - chính là cải cách thật cấp tiến – thí dụ như đối với hệ thống nông nô, hay các hệ thống tư pháp và giáo dục – vừa đáng mong muốn vừa không thể tránh khỏi. Yếu tố thứ hai là điều kiện của số đông quần chúng nhân dân Nga – giới nông dân cùng khổ về kinh tế, bị đối xử tệ hại, u tối rên rỉ không thốt nên lời, nhưng rõ ràng quá yếu ớt và không được tổ chức để hành động tự bảo vệ mình một cách hiệu quả. Cuối cùng, giữa hai yếu tố ấy là một giai tầng nhỏ có giáo dục, bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng phương tây một cách sâu sắc và đôi khi đầy bức bối, tâm trí bị trêu tức bởi các cuộc viếng thăm châu Âu và bởi phong trào xã hội và trí tuệ to lớn ở các trung tâm văn hóa châu Âu.” (Sự ra đời của giới trí thức Nga, trang 123) [1]. Các tầng lớp có học ở Nga có một khoảng trống trí tuệ do thiếu vắng một truyền thống Phục hưng, thiếu vắng một nền giáo dục thế tục, bị kìm nén bởi một chế độ kiểm duyệt hà khắc của chính quyền, bởi nạn mù chữ rộng khắp, bởi thái độ nghi ngờ và cảnh giác khi xem xét tất cả mọi ý tưởng như tự thân chúng là thế, bởi những hành động của giới quan liêu đầy tức giận và thường rất xuẩn ngốc. Trong tình trạng như vậy những ý tưởng mà ở phương tây đã phải cạnh tranh với rất nhiều học thuyết khác trong cuộc vật lộn trí tuệ đầy khắc nghiệt để sống sót và trở nên nổi bật, thì ở nước Nga các cá nhân tài năng đã tiếp thu, say mê chúng, thường chỉ đơn giản vì không có các ý tưởng khác thỏa mãn nhu cầu trí tuệ của họ.

Một mặt, chế độ chuyên chế hà khắc của Nga hoàng trong hoàn cảnh văn hóa mông muội với nhiều tàn tích Mông-Thát đã khiến cho cuộc sống của nông dân-nông nô Nga vô cùng bi đát mà họ lại chiếm số đông trong dân chúng. Mặt khác, kinh tế nước Nga vẫn tiếp tục đi lên theo hướng tư bản, nhất là trong nửa cuối của thế kỷ XIX: các đô thị mọc lên và phát triển, hệ thống đường sắt ngày càng mở rộng, thương nhân làm ăn phát đạt, các địa chủ sống phong lưu...tuy sự phát triển tư bản cũng có nét bệnh hoạn với nền công nghiệp chậm phát triển, giai cấp tư sản công nghiệp chậm ra đời. Cùng với sự phát triển kinh tế là sự phát triển giáo dục và sự xuất hiện của tầng lớp tiểu tư sản thị dân. Nhiều người trong tầng lớp này và một bộ phận sinh viên các trường đại học cũng nhập vào giới trí thức Nga khiến cho tính chất quý tộc của nó phai nhạt dần. Bất chấp nhiều thành tựu kinh tế sự xung đột tinh thần giữa trí thức Nga và chính quyền chuyên chế của Nga hoàng vẫn ngày càng gia tăng.

Hoàn cảnh lịch sử đặc thù ấy của nước Nga đã khiến cho diện mạo của giới trí thức Nga có hình thức tư tưởng-chính trị mang tính thù địch và ly khai đối với nhà nước như nhận định của Struve trong tập Những cột mốc [2]. Struve còn cho rằng hình thức ấy là bất biến trong khi nội dung tư tưởng-chính trị thường có thay đổi.

Mục đích của tiểu luận này giới hạn trong việc tìm hiểu những quan điểm dân túy thịnh hành trong giới trí thức Nga thế kỷ XIX mà không đánh giá phẩm chất trí tuệ của họ. Nếu vì vậy mà tạo nên ấn tương về khả năng trí tuệ thấp kém của trí thức Nga thời đó thì ấn tượng ấy không phù hợp với đánh giá của triết gia I. Berlin là người nghiên cứu tường tận các nhà tư tưởng Nga. Berlin cho rằng trí thức Nga thế kỷ XIX là những người có sức mạnh trí tuệ rất cao, tư duy sáng sủa, rành mạch, cực kỳ logic.

II- Tư tưởng dân túy

Berlin trong tiểu luận “Chủ nghĩa dân túy Nga” (trang 210-237) [1] đã nhận định như sau: “Chủ nghĩa dân túy Nga không phải là tên gọi của một đảng phái riêng biệt nào, cũng không phải là một nội dung mạch lạc của một học thuyết nào, mà là một phong trào cấp tiến phổ biến rộng rãi ở nước Nga vào giữa thế kỷ XIX. Phong trào này sinh ra trong cuộc náo động trí tuệ theo sau cái chết của Nga hoàng Nicholas I và cuộc thất trận cùng nỗi nhục nhã của cuộc chiến tranh Crưm (Crimée), nhanh chóng thành danh và gây ảnh hưởng trong những năm 1860 và 1870, đạt đến đỉnh điểm với vụ ám sát Nga hoàng Alexander II, sau đó nhanh chóng suy thoái. Những người lãnh đạo phong trào này là những người rất khác nhau về nguồn gốc xuất thân, về quan điểm và về khả năng, chưa thời kỳ nào vượt quá những nhóm nhỏ gồm những kẻ âm mưu hay các cảm tình viên, hoạt động độc lập, lỏng lẻo, tản mạn, đôi khi cùng hợp nhất trong một hành động chung và vào thời gian khác thì lại hoạt động đơn độc. Những nhóm ấy có khuynh hướng khác nhau cả về mục tiêu lẫn phương thức thực hiện. Mặc dù vậy họ cùng giữ chung những tín niệm nhất định và có đạo đức cùng tình đoàn kết chính trị đủ để gọi họ là một phong trào riêng.

A. Herzen và N. Chernyshevsky được coi là những người khởi xướng phong trào dân túy. Các tư tưởng gia dân túy nổi tiếng có thể kể đến như Bakunin, Lavrov, Tkachev... Biểu tượng của chủ nghĩa dân túy là lợi ích của nhân dân, thỏa mãn các nhu cầu của số đông. Phụng sự cho mục đích ấy là nghĩa vụ cao cả duy nhất của con người giác ngộ. Macxim Gorki tuyên bố rằng Thượng đế thực chất là nhân dân. Mục tiêu chủ yếu của chủ nghĩa dân túy là công bằng xã hội và bình đẳng xã hội. Những người dân túy cho rằng thực chất mô hình xã hội công bằng và bình đẳng như thế đã tồn tại ở nước Nga trong hình thức công xã với tên gọi mir. Đó là một hiệp hội tự nguyện của những người nông dân Nga, theo định kỳ phân phối lại với nhau diện tích đất canh tác. Quyết định của công xã mọi thành viên đều phải tuân theo. Những người dân túy tin rằng hình thức hợp tác công xã này là cơ hội cho một hệ thống xã hội tự do và dân chủ ở nước Nga bắt nguồn từ những bản năng đạo đức và các giá trị truyền thống Nga. Họ tin rằng tất cả những người lao động dù ở thành thị hay nông thôn đều có thể xây dựng một hệ thống như thế với sự ép buộc ít bạo lực hơn so với quá trình công nghiệp hóa đã diễn ra ở phương Tây.

Sự thất bại của các phong trào theo khuynh hướng tự do và cấp tiến ở phương Tây năm 1848-1849 khiến những người dân túy tin rằng sự cứu rỗi không nằm ở các chính khách hay các đảng phái chính trị: rõ ràng là các đảng phái theo chủ nghĩa tự do không hiểu và không quan tâm tới những lợi ích cơ bản của dân chúng bị áp bức. Những người dân túy cho rằng đại đa số nông dân Nga (hay những người lao động ở châu Âu) cần được ăn no mặc ấm, cần được chăm sóc sức khỏe và được học hành. Còn các quyền chính trị, quyền bỏ phiếu, nghị viện, các thể chế cộng hòa đều vô nghĩa và vô dụng đối với những con người ngu tối man rợ và đói rách, các cương lĩnh chính trị như thế chỉ nhạo báng sự cùng khổ của họ.

Lúc đầu những người trí thức Nga theo chủ nghĩa dân túy đi về nông thôn hòa mình sống cùng nhân dân với mục đích bác ái. Hoạt động của họ nhằm vào việc truyền bá giáo dục văn hóa và giúp đỡ nông dân cải thiện cuộc sống.

Về sau tư tưởng chính trị của phong trào dân túy có sự chuyển hướng triệt để: tin tưởng rằng tất cả cái ác trên thế gian đều do lỗi lầm và ác tâm của một số ít người và một vài giai cấp chiếm thiểu số; tin tưởng rằng điều kiện cho hạnh phúc con người bao giờ cũng hiện diện, chỉ cần xóa bỏ sự bất công của số ít bọn bóc lột cùng sự tăm tối không hiểu được của số đông bị áp bức là có thể tạo ra thiên đường trên trái đất. Giác ngộ nhân dân đứng lên xóa bỏ sự thống trị của thiểu số bóc lột để xây dựng xã hội công bằng là mục tiêu của phong trào dân túy. Những hoạt động bác ái cụ thể bị coi là những điều vặt vãnh không đáng làm.

Tư tưởng tôn thờ nhân dân thay cho thượng đế kết hợp với niềm lạc quan về việc cải tạo thế giới để tạo ra thiên đường trên trái đất đã trở thành một thứ tôn giáo cuồng tín trong giới trí thức Nga thể hiện trong những tín niệm tạo thành tinh thần thời đại của nước Nga trước cuộc cách mạng năm 1917 với một số đặc điểm như sau:

1) Tính cuồng tín thể hiện trong việc trung thành tuyệt đối với ý tưởng phụng sự nhân dân theo một cung cách xác định như trên. Lòng trung thành với ý tưởng đòi hỏi con người phải tận tụy hy sinh và thực hiện những chiến công vĩ đại, đồng thời giữ thái độ bất khoan dung đối với mọi biểu hiện không phù hợp với ý tưởng ấy.

2) Phong trào Khai minh của phương Tây chấm dứt ảnh hưởng bao trùm của Kitô giáo thời trung cổ, nhưng chỉ tạo ra một tình trạng mà Kitô giáo mất đi ảnh hưởng trước đây của mình. Trong khi đó ở nước Nga thế kỷ XIX tinh thần cuồng tín dân túy đã dẫn đến một chủ nghĩa vô thần hung hãn, xem Kitô giáo nói riêng và tôn giáo nói chung là thế lực phản động luôn câu kết với bọn bóc lột để nô dịch nhân dân. S.N. Bulgakov đã nhận xét rằng chủ nghĩa vô thần trở thành đức tin mà tất cả những ai bước vào nhà thờ nhân văn của trí thức đều phải làm dấu chữ thập [2].

3) Được cổ vũ bởi tôn giáo dân túy giới trí thức Nga cảm thấy họ được trao vai trò thiên mệnh đối với tổ quốc của mình. Họ ý thức mình là người duy nhất đem đến ánh sáng và học vấn châu Âu cho nước Nga (S.N. Bulgakov [2]). Nhưng họ tiếp thu các học thuyết đến từ châu Âu theo một cung cách riêng: chỉ tiếp thu những gì mà họ cho là biện minh cho lý tưởng dân túy, đôi khi cố đạt điều này bằng cách bóp méo học thuyết mới, đồng thời cũng bác bỏ mọi học thuyết mà họ cho là cản trở cho lý tưởng ấy. Họ không quan tâm đến chân lý khách quan (N.A. Berdyaev [2]).

4) Tư tưởng dân túy coi hạnh phúc của nhân dân là mục đích tối thượng, nhưng khái niệm hạnh phúc lại được hiểu trong ý nghĩa thuần túy vật chất và việc phân chia công bằng vật chất được xem là mục tiêu quan trọng nhất: chỉ cần tước đoạt của cải mà thiểu số đang chiếm đoạt một cách bất công và vĩnh viễn không cho thiểu số ấy có cơ hội chiếm đoạt lại là có thể đảm bảo hạnh phúc lâu dài cho nhân loại (S.L. Frank [2]).

5) Những người theo tư tưởng dân túy xem mọi hoạt động sáng tạo đỉnh cao, dù là trong lĩnh vực triết học, khoa học hay nghệ thuật đều là một thứ gì đó phi đạo đức, phản bội lại sự nghiệp của nhân dân hay ít nhất cũng xa rời nhiệm vụ đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân. Ngay trong lĩnh vực vật chất, tư tưởng dân túy cũng chỉ quan tâm đến vấn đề phân phối bình đẳng mà không quan tâm đến vấn đề sáng tạo trong sản xuất (S.L. Frank [2]).

6) Tư tưởng dân túy là một tập hợp đa tạp các ý tưởng có gốc rễ từ các khuynh hướng tư tưởng khác nhau của phong trào Khai minh ở phương Tây và từ ảnh hưởng của cuộc cách mạng Pháp, nhưng bị biến dạng trong hình thức cực đoan cuồng tín của phong trào dân túy. Năm 1881 Nga hoàng Alexander II bị ám sát, nhưng cách mạng không nổ ra. Nga hoàng mới nối ngôi tăng cường đàn áp các phong trào chống đối. Nhiều lãnh tụ của phong trào dân túy bị bắt và bị đi đầy, những người khác trốn ra nước ngoài. Tình hình xã hội Nga cũng có biến đổi: chủ nghĩa tư bản trong đà phát triển của nó đã xóa sạch hình thức công xã mir. Như vậy hình thức quan hệ xã hội mà những người dân túy đặt kỳ vọng sẽ là khuôn mẫu để họ cải cách xã hội, đã không còn trên thực tế. Trong bối cảnh ấy nhóm lãnh tụ hãy còn tự do là Plekhanov và Akselrod dần dần ngả theo chủ nghĩa Marx (I. Berlin [1]). Các tư tưởng dân túy được biến cải mang màu sắc của chủ nghĩa Marx: thần tượng nhân dân được thay bằng giai cấp vô sản như đội tiên phong của nhân dân lao động, cuộc đấu tranh xây dựng xã hội công bằng trở thành cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, ý tưởng đấu tranh giai cấp được tiếp thu trọn vẹn, đạo đức được xem là những giá trị không có ý nghĩa tuyệt đối mà mang tính giai cấp. Những đặc điểm khác của tư tưởng dân túy hầu như không có gì thay đổi.

III- Phê phán tư tưởng dân túy của các triết gia Nga

Trong nửa cuối thế kỷ XIX ở nước Nga có khá nhiều đảng phái chính trị chống lại chế độ Nga hoàng với những cương lĩnh chính trị khác nhau. Tuy các đảng phái chính trị này mâu thuẫn và đấu tranh với nhau quyết liệt, nhưng nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy họ đều có chung những đặc điểm nêu trên của tư tưởng dân túy. Thực chất các đảng phái chính trị chỉ tranh cãi nhau về cương lĩnh hành động mà thôi.

Đứng ngoài các đảng phái chính trị ấy là các triết gia Nga, đa số đều thuộc đại học Saint Peterbourg và Moskva. Nền triết học Nga được hình thành muộn hơn so với châu Âu và tiếp thu các thành tựu của triết học phương Tây trong cách tiếp cận duy lý. Đóng góp độc đáo của các triết gia Nga là họ xem xét đời sống tinh thần của con người không chỉ như một lĩnh vực đặc biệt của thế giới hiện tượng mang tính chủ quan mà luôn nhìn thấy nó như một hiện thực đặc thù liên hệ với sự hiện hữu của thượng đế ở trong chiều sâu của hiện thực ấy. Họ không phải là các học giả khép mình trong tháp ngà triết học hàn lâm, mà luôn hướng toàn bộ tâm trí vào những vấn đề sinh tử cho tương lai của nước Nga. Họ luôn thao thức với các vấn đề tư tưởng của giới trí thức Nga, ủng hộ thái độ dấn thân của trí thức Nga, nhưng luôn nghiêm khắc phê phán những khuynh hướng tư tưởng mà họ xem là nguy hiểm cho tương lai đất nước.

Những biến cố năm 1905-1906 đưa nước Nga vào tình trạng hỗn loạn khắp nơi. Một nhóm các triết gia tên tuổi nhất của nước Nga đã công bố các bài viết tập hợp thành cuốn sách Những cột mốc (xuất bản năm 1909) [2]. Trong Lời nói đầu của tập sách các tác giả thống thiết nói rằng “các bài báo được viết không phải để lên án giới trí thức Nga từ trên cao của chân lý được nhận thức một cách khống luận và với sự khinh miệt cao ngạo đối với quá khứ của nó, mà với sự đau xót cho quá khứ ấy trong nỗi lo âu cháy bỏng cho tương lai của đất nước thân yêu.” Họ muốn kêu gọi giới trí thức Nga xem xét lại các tín điều của mình, thay đổi hướng đi lầm lạc có thể dẫn nước Nga vào tử lộ. Đáng tiếc là giới trí thức Nga, dù có những màu sắc chính trị rất khác nhau, đều đồng loạt bác bỏ sự phê phán của Những cột mốc và cho rằng giới trí thức phải tiếp tục sự nghiệp của mình mà không cần thay đổi gì hết. Những diễn biến lịch sử của nước Nga sau đó chúng ta đều biết: cách mạng năm 1917, những năm nội chiến khốc liệt, chế độ Xô viết với vô số các điều chỉnh, sự sụp đổ của nhà nước Xô viết năm 1991 mà nguyên nhân của nó tới nay vẫn còn được tranh cãi thảo luận.

Năm 1922 nhóm triết gia Nga tham gia tập sách Những cột mốc kể trên cùng nhiều trí thức nổi tiếng khác đã bị chính quyền Xô viết trục xuất khỏi nước Nga buộc họ phải sống cuộc sống lưu vong ở các nước phương Tây. Họ được các trường đại học phương Tây tiếp nhận, nhờ vậy họ có điều kiện tiếp tục nghiên cứu triết học. Dù buộc phải sống xa tổ quốc nhưng các triết gia Nga vẫn không thôi thao thức cho số phận của đất nước. Ngày nay đọc các tác phẩm của họ viết trong thời kỳ này ta không khỏi thán phục trước những suy tư triết học sâu sắc đầy lo âu cho đất nước của họ mà không gợn một chút nào hận thù cá nhân. Các phê phán được tập trung vào những vấn đề sau đây:

1) Tư tưởng cao đẹp phụng sự nhân dân bị những người dân túy đẩy xa tới thành sùng bái nhân dân. P.I. Novgorodsev đã nhận xét rằng những người dân túy xem “nhân dân lúc nào cũng sẵn sàng, cũng trưởng thành và toàn thiện toàn mĩ, rằng chỉ cần phá bỏ trật tự nhà nước cũ là ngay lập tức nhân dân có thể thực hiện được những cuộc cải cách căn bản nhất, có thể thực hiện được sự nghiệp xây dựng vĩ đại nhất.” Nhưng nhân dân trong hiện thực chỉ là tập hợp những con người sống trong những điều kiện lịch sử nhất định, vận động theo những bản năng và lợi ích. Trong khi ấy học thuyết dân túy không đặt ra nghĩa vụ nào của nhân dân và cũng không đặt ra nhiệm vụ giáo dục nào cho bản thân nhân dân. Một vấn đề có tầm quan trọng sinh tử cho một xã hội văn minh là nhận thức pháp quyền đã bị giới trí thức Nga coi nhẹ một cách khó hiểu. Vấn đề này đã được một tác giả của Những cột mốc [2] là B.A. Kistiakovsky phân tích rất đầy đủ và sâu sắc trong bài viết Biện chính cho pháp luật. Bài viết này đã được Phan Nguyên Trường dịch trong tập Về trí thức Nga [3] với tựa đề Trí thức và nhận thức pháp quyền. Chỉ vì lý do đó mà chủ đề nhận thức pháp quyền không được đề cập tới trong tiểu luận này, mặc dù người viết ý thức được tầm quan trọng của nó.

P.I. Novgorodsev trong bài viết Bàn về phương hướng và nhiệm vụ của giới trí thức Nga (1918) (Phạm Nguyên Trường dịch trong tập Về trí thức Nga [3]) đã nhận xét rằng mỗi dân tộc đều tạo ra một khối thống nhất về tinh thần, đều có lịch sử, nền văn hóa và thiên chức riêng của mình. Ông cho rằng chỉ có những nguyên tắc mang tính toàn dân tộc mới đứng trên tất cả, còn các khẩu hiệu cương lĩnh đảng phái chỉ làm cho người ta chia rẽ thêm mà thôi. Ông cảnh cáo: “Nhưng nếu cuộc đấu tranh chống lại cái ác trong xã hội là nhiệm vụ cao cả nhất của quá trình xây dựng quốc gia thì thử nghiệm việc đào tận gốc trốc tận rễ ngay lập tức và toàn triệt cái ác chỉ là niềm tin mù quáng của lý trí con người, hóa ra lại là một cái ác khủng khiếp hơn rất nhiều và sẽ đưa đến những tai họa còn nặng nề khó chịu hơn nhiều.

Trong bài viết “Đạo đức học của chủ nghĩa hư vô” ở tập Những cột mốc [2] S.L. Frank nhận xét: “Về mặt lý thuyết niềm tin dân túy hướng tới hạnh phúc của nhân dân, nhưng là một lý tưởng trừu tượng về hạnh phúc tuyệt đối trong tương lai xa. Người theo tư tưởng dân túy trên thực tế không yêu thương những con người cụ thể mà chỉ say mê với ý tưởng hạnh phúc toàn nhân loại của anh ta. Vì ý tưởng ấy anh ta sẵn sàng hy sinh thân mình và không ngần ngại hy sinh tính mạng của những người khác. Trong những người cùng thời với mình, anh ta chỉ thấy có hai loại: một phía là các nạn nhân của cái ác toàn thế giới (cái ác mà anh ta mơ ước triệt bỏ), phía kia là những kẻ thủ ác phạm tội. Anh ta thương sót các nạn nhân, nhưng không thể giúp đỡ trực tiếp điều gì cho họ, vì hoạt động của anh ta nhằm tới lợi ích cho con cháu xa xôi của họ. Anh ta căm thù những kẻ mà anh ta cho là nguồn gốc của cái ác và nhiệm vụ trước mắt của anh ta là đấu tranh với chúng để thực hiện lý tưởng của mình. Cái cảm xúc căm thù các kẻ thù của nhân dân ấy tạo thành cơ sở tâm lý thực sự cho cuộc sống của anh ta. Như vậy từ tình yêu vĩ đại đối với nhân loại tương lai sinh ra lòng căm thù vĩ đại với con người, niềm đam mê tạo dựng thiên đường trên trái đất trở thành niềm đam mê phá hủy, người theo tư tưởng dân túy trở thành nhà cách mạng.

2) N.A. Berdyaev trong bài viết Chân lý của triết học và sự thật của người trí thức (Những cột mốc [2]) đã vạch ra những căn bệnh về nhận thức của giới trí thức Nga: say mê lý tưởng xã hội chủ nghĩa và biến lý tưởng ấy thành tín điều của mình, chỉ tiếp nhận tri thức mới khi cho rằng tri thức mới biện minh cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa của họ, đôi khi cố đạt điều này bằng cách bóp méo học thuyết mới, đồng thời cũng bác bỏ mọi học thuyết mà họ cho là cản trở cho lý tưởng ấy. Berdyaev đã chỉ ra những sai lầm cụ thể của giới trí thức trong nhận thức triết học và kết luận rằng: “Giới trí thức Nga do hoàn cảnh lịch sử của nó đã gặp phải nỗi bất hạnh sau: tình yêu công bằng mang tính cào bằng, tình yêu điều thiện, tình yêu hạnh phúc cho nhân dân đã làm tê liệt tình yêu chân lý, gần như giết chết sự quan tâm đến chân lý. Bài viết này cũng đã được dịch ra tiếng Việt trong tập Về trí thức Nga [3].

S.L. Frank trong bài viết đã dẫn ở trên cũng nhận xét: “Trí thức Nga không biết tới những giá trị tuyệt đối nào hết, không biết tới chuẩn mực nào, định hướng nào trong cuộc đời ngoài việc phân định con người, hành vi, trạng thái rạch ròi theo tốt và xấu, thiện và ác...” Ông viết: “Chân lý lý thuyết, khoa học, tri thức nghiêm ngặt và thuần túy chỉ nhằm hiểu biết, nỗ lực bất vụ lợi hướng tới phản ánh thế giới một cách trí tuệ thật đầy đủ và làm chủ thế giới ấy chưa bao giờ đã có thể bén rễ vào ý thức của người trí thức [Nga]. Toàn bộ lịch sử phát triển trí tuệ của chúng ta nhuốm màu sắc nổi bật của tính đạo đức-công lợi... Đặc điểm này của tư duy trí thức Nga – sự thiếu phát triển cái mà Nietzsche gọi là lương năng trí tuệ, thật hiển nhiên và ai cũng biết đến nỗi tranh cãi chuyện này không phải là chuyện xác nhận nó hay không, mà chỉ có thể là đánh giá nó thế nào thôi. Frank nhận xét tiếp về nhận thức mỹ học của trí thức Nga như sau: “Mỹ học là thứ xa xỉ không cần thiết và nguy hiểm, nghệ thuật chỉ được dung nạp như hình thức bề ngoài cho việc rao giảng đạo đức, – tức là dung nạp không phải chính nghệ thuật thuần túy, mà chỉ là cái đã biến dạng có dụng ý, – đó là tín niệm đầy dẫy trong công luận tiến bộ của chúng ta suốt hàng mấy chục năm ròng rã, bây giờ thì nó đã thành một thứ tôn giáo công khai đáng hổ thẹn, phủ bóng ảm đạm của nó lên toàn bộ đời sống tinh thần của chúng ta.

N. Chernyshevsky, người sáng lập chủ nghĩa dân túy và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới thế giới quan của trí thức Nga, đã khẳng định rằng chức năng của nghệ thuật là để giúp cho con người thỏa mãn các khát vọng của mình một cách hợp lý, để truyền bá kiến thức, để chiến đấu chống laị sự ngu tối, mê tín và các đam mê phản xã hội, để cải thiện đời sống theo nghĩa đen hẹp hòi nhất của từ ngữ này. Chernyshevsky giảng giải rằng ý nghĩa chủ yếu của các bức họa vẽ cảnh biển khơi là giúp cho người dân Nga ở sâu trong lục địa chưa từng nhìn thấy biển, thấy được biển khơi thế nào. (Bây giờ có TV khắp nơi, nếu Chernyshevsky còn sống chắc sẽ cho rằng các họa sĩ không cần thiết phải vẽ tranh về biển nữa!). Chernyshevsky xem Nekrasov là nhà thơ vĩ đại nhất từ trước đến nay vì thơ của ông này khiến người ta cảm thông với dân chúng bị áp bức nhiều hơn tất cả các nhà thơ khác, kể cả Pushkin.

Frank cho rằng trí thức Nga xa lạ và có phần nào thậm chí thù địch với khái niệm văn hóa trong ý nghĩa chính xác và nghiêm ngặt của từ ngữ này, mặc dù trí thức Nga luôn nói về trình độ sinh hoạt lạc hậu của nhân dân và mong ước nâng cao nó. Vấn đề là trí thức Nga không chấp nhận khái niệm văn hóa thuần túy vốn đã ăn sâu một cách hữu cơ trong ý thức của người châu Âu có học. Frank viết: “Sự phát triển khách quan, có giá trị tự thân các điều kiện sống ngoại tại và nội tâm, sự nâng cao hiệu suất vật chất và tinh thần, sự hoàn thiện các hình thức giao tiếp về chính trị, xã hội và sinh hoạt, sự tiến bộ về đạo đức, tôn giáo, khoa học, nghệ thuật, nói gọn là công việc nhiều mặt nhằm nâng cao sự hiện hữu tập thể lên một mức cao hơn một cách khách quan – đó chính là khái niệm văn hóa sinh động và hùng mạnh về ảnh hưởng tới tâm trí, khái niệm văn hóa ấy đang cổ vũ cho người dân châu Âu.” Frank nhận xét rằng khái niệm văn hóa như thế dựa trên niềm tin vào giá trị khách quan, cho nên theo ý nghĩa đó văn hóa có thể được định nghĩa trực tiếp như “tập hợp các giá trị khách quan được thực hiện trong đời sống xã hội”. Ông viết: “Theo quan điểm ấy văn hóa tồn tại không phải vì lợi ích nào hay để dùng làm gì, mà chỉ vì chính bản thân nó; sáng tạo văn hóa có nghĩa là sự hoàn thiện bản chất con người và sự thể hiện vào cuộc sống những giá trị lý tưởng, trong tư cách ấy văn hóa bản thân nó chính là mục đích tự túc của hoạt động con người”. Ngược lại, trí thức Nga theo tư tưởng dân túy coi văn hóa là một thứ gì đó hữu ích, là một phương tiện nào đó nhằm thực hiện mục đích khác. Frank nhận xét: “Sự què quặt, sự nghèo nàn về tinh thần của toàn bộ đời sống tinh thần chúng ta khiến cho tình yêu trực tiếp đối với văn hóa không xuất hiện được và không vững mạnh được, tựa như giết chết bản năng văn hóa và làm mất đi cảm thụ với ý tưởng văn hóa”. Tình trạng này khiến cho người trí thức dân túy không biết quý trọng văn hóa đỉnh cao, coi nó là thứ gì đó không cần thiết và có tính quý tộc.

Trong tác phẩm Triết học của sự bất bình đẳng [4] viết năm 1918 Berdyaev cũng khẳng định: “Tính ưu tiên hàng đầu về tinh thần trong đời sống xã hội thuộc về văn hóa. Những mục đích của xã hội được thực hiện không phải trong chính trị và không phải trong kinh tế, mà trong văn hóa. Giá trị và phẩm chất của xã hội được đo lường bằng mức độ phẩm chất cao của văn hóa.” Ông viết tiếp:” Văn hóa đỉnh cao chỉ cần cho một số ít. Số đông quần chúng trung bình chỉ cần văn hóa trung bình. Điều này nói lên cấu trúc đẳng cấp của văn hóa. Mục đích tối thượng của đời sống thế giới và lịch sử liên quan đến những thứ mà chỉ một số ít hiểu được và thực sự cần đến. Thế nhưng toàn thể thế giới và toàn bộ lịch sử về tinh thần đều dựa vào chính những thứ ấy, những thứ cần thiết và hiểu được chỉ bởi một số ít thôi.

3) S.N. Bulgakov trong bài viết Chủ nghĩa anh hùng và tinh thần hy sinh quên mình (Những cột mốc [2]) bàn về chủ nghĩa vô thần trong giới trí thức Nga. Ông nhận xét rằng giới trí thức Nga không quan tâm đến tôn giáo như một vấn đề quan trọng của văn hóa nên họ đã tiếp thu chủ nghĩa vô thần một cách nhẹ dạ và giáo điều từ một số học thuyết của phương Tây mà họ không thấu hiểu cội rễ của chúng. Ông nhận xét rằng không thể coi văn minh phương Tây là vô tín ngưỡng trong nền tảng lịch sử của nó, mặc dù quả thực nó đang trở thành như vậy trong ý thức của những thế hệ sau này. Đối với giới trí thức Nga vai trò của thời kỳ trung đại “tăm tối” tựa như biến mất trên bình diện lịch sử văn hóa phương Tây. Thoạt tiên là sự man rợ, sau đó là văn minh bừng sáng, tức là khai minh, chủ nghĩa duy vật, vô thần, xã hội chủ nghĩa ấy là tất cả hiểu biết triết học lịch sử của một trí thức Nga trung bình. Chủ nghĩa vô thần trong giới trí thức Nga dựa trên những khẳng định sai lầm rằng khoa học có thẩm quyền giải quyết vấn đề tôn giáo và giải quyết theo hướng phủ định. Bulgakov nhận xét rằng nhiều nhà tư tưởng tôn giáo Nga rất sâu sắc như V.S. Soloviev, A.M. Bukharev, S.Trubetskoy... đã kêu gọi trí thức hãy bừng tỉnh cơn mê giáo điều mà suy tư sâu hơn về tôn giáo. Đáng ngạc nhiên là giới trí thức tuyệt nhiên chẳng thèm để ý tới lời kêu gọi này, thậm chí cũng thờ ơ ngay cả với lời kêu gọi tương tự của các nhà văn vĩ đại như Dostoevsky và Tolstoy, mặc dù họ vẫn giữ sự kính trọng đối với các thiên tài văn học ấy. Bulgakov cho rằng trong quan hệ với tôn giáo giới trí thức Nga chưa ra khỏi thời kỳ ấu thơ. Trí thức Nga cứ tưởng họ cao hơn tôn giáo trong khi thực ra họ ở bên ngoài tôn giáo.

Trong khi vứt bỏ tôn giáo cùng các chuẩn mực đời sống do tôn giáo thiết lập thì giới trí thức Nga lại biến chủ nghĩa vô thần thành những giáo điều của tôn giáo sùng bái con người. Giáo điều cơ bản của tôn giáo này là lòng tin vào sự hoàn hảo tự nhiên của con người, vào sự tiến bộ mãi mãi được thực hiện bởi sức mạnh con người, nhưng mọi thứ được hiểu theo cách thức cơ giới. Vì mọi điều ác đều là do hoàn cảnh sống kém tổ chức nên không có tội lỗi cá nhân cũng không có trách nhiệm cá nhân; toàn bộ nhiệm vụ tổ chức lại xã hội là nhằm khắc phục những yếu kém ngoại tại ấy, dĩ nhiên là bằng những cải cách cũng ngoại tại. Trong khi phủ nhận Thiên mệnh thì con người lại đặt mình vào địa vị Thiên mệnh và tự coi mình là cứu tinh cho mình. Bulgakov [2] viết: “Được cổ vũ bởi tôn giáo ấy, giới trí thức của chúng ta cảm thấy mình được trao cho vai trò Thiên mệnh đối với tổ quốc của mình. Họ ý thức mình là người duy nhất đem đến ánh sáng và học vấn châu Âu cho đất nước này, là nơi đang bao trùm tăm tối dày đặc, là nơi mọi thứ đều thật hoang dại và xa lạ đối với họ. Họ tự thừa nhận mình là người đỡ đầu cho đất nước và quyết tâm cứu vớt đất nước theo cách thức họ hiểu và theo cách thức họ biết làm.” Những đau khổ gây ra bởi chế độ cảnh sát bạo tàn biến người trí thức trẻ thành vị anh hùng muốn vươn tới cái tối đa với những dấu hiệu cuồng tín tư tưởng. Bulgakov cho rằng điều này giải thích vì sao những khuynh hướng cực đoan luôn chiến thắng trong cách mạng. Những khuynh hướng cực đoan ấy ngày càng mạnh lên, lấn át các khuynh hướng ôn hòa. Bulgakov chỉ ra sự khác biệt sâu xa giữa chủ nghĩa anh hùng “thế thiên hành đạo” của trí thức Nga với tinh thần hy sinh quên mình của Kitô giáo: tín đồ Kitô giáo chân chính hướng sự hoàn thiện vào cuộc sống riêng của bản thân, không đặt ra nhiệm vụ Thiên mệnh mà chỉ nhìn thấy nghĩa vụ của mình trước Thượng đế.

4) I.A. Ilin (1882-1954) triết gia Nga và nhà nghiên cứu pháp luật, cũng là một trong những người bị trục xuất khỏi nước Nga năm 1922. Trong một bài báo viết vào những năm lưu vong [5] ông đã đề cập đến vấn đề công bằng và bình đẳng. Ông lưu ý rằng nhân dân Nga đã đi theo những người bolshevik trong những cuộc tìm kiếm đầy mù mờ và bất lực để có một sự công bằng mới vì họ thấy “cái cũ” là bất công. “Cái mới” quyến rũ họ vì “tính công bằng”. Lẽ dĩ nhiên thêm vào đó là những động cơ không mấy tốt đẹp: lòng tham lam, hận thù, thói độc ác, háo danh, v.v. và họ đã bị chính cuộc cách mạng trừng phạt vì ác tâm ấy. Nhưng để hiểu đúng cách mạng thì cần phải hiểu cả sự lầm lẫn của thiện chí. Chỉ có người nào trở lại những cuộc tìm kiếm công bằng lúc ban đầu thì mới có thể đưa nhân dân Nga thoát khỏi cuộc cách mạng. Ông tin rồi sẽ có lúc mọi dân tộc đều sẽ hiểu rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản nói chung không dẫn đến sự công bằng, mà dẫn đến một sự bất bình đẳng mới, rằng bình đẳng và công bằng không phải là một.

Vấn đề nằm ở chỗ con người do bản chất tự nhiên khác nhau về rất nhiều phương diện. Không thể có công bằng nếu đòi hỏi đối xử như nhau với những người khác nhau. Sẽ không công bằng nếu dành cho những người khác nhau những quyền bằng nhau và những cơ hội sáng tạo giống nhau. Thực ra sự công bằng tuyệt nhiên không đòi hỏi điều đó, ngược lại nó đòi hỏi quyền và nghĩa vụ của con người cũng như cơ hội sáng tạo của họ phải tương xứng với những đặc điểm tự nhiên của họ, khả năng và công việc của họ. Chính sự công bằng đòi hỏi phải mở ra cho những người có khả năng các ngả đường đời bị đóng lại với những người không có khả năng. Cào bằng tất cả mọi người trong mọi chuyện là bất công, ngu xuẩn và có hại. Tuy nhiên, Ilin cũng lưu ý rằng có những bất bình đẳng chính đáng và những bất bình đẳng không chính đáng.

Ilin nhận xét rằng cào bằng mọi người ở “mức cao” là điều bất khả dĩ. Bất cứ sự cào bằng nào nhanh chóng và có chủ tâm thì chỉ có thể là sự cào bằng xuống “mức thấp”, tức là làm cho mọi người đều không được học hành tử tế, rách rưới, nghèo khổ...như nhau. Nhưng kinh nghiệm cách mạng cho thấy sự cào bằng như thế cũng không thể thực hiện được. Cào bằng cách mạng xuống “mức thấp” dẫn đến tình trạng là những con người xấu xa nhất (bọn hám danh lợi, đạo đức giả, lũ nịnh hót, cơ hội, bọn vô lương tâm...) xông lên trước và ngoi lên trên, còn những người tốt nhất bị ngạt thở và bị săn đuổi đủ kiểu. Kết quả là những con người xấu xa nhất đoàn kết lại thành một tầng lớp đặc quyền mới, tạo ra một sự bất bình đẳng ngược lại, - sự bất lực của nhân dân bị bần cùng trước những quan chức đảng hùng mạnh, những kẻ mật báo chính trị và những tên đao phủ.

Ilin kết luận rằng sự công bằng thật đa diện vì cuộc sống rất phức tạp. Sự công bằng không thể được đảm bảo bằng những lề luật chung; nó còn đòi hỏi phải có những con người công bằng nữa. Nếu trong đất nước không có ý thức pháp luật sống động và công bằng thì chẳng có luật pháp nào, dù là hoàn hảo nhất, có thể giúp được cả. Cần phải hiểu rằng sự công bằng không được tiếp nhận dưới dạng có sẵn và du nhập vào theo đơn thuốc, mà phải được tìm kiếm một cách sáng tạo, cùng toàn dân vượt qua khổ ải để đạt được nó. Công bằng là nhiệm vụ vĩ đại vĩnh viễn của toàn dân, không thể nào giải quyết được một lần cho mãi mãi.

Trong tác phẩm [4] Berdyaev cũng bàn về tầm quan trọng của giới tinh hoa đối với xã hội. Ông nhận định rằng mọi quá trình xã hội mà ta quan sát thấy ở loài người đều dẫn đến một mục tiêu, còn chuyện mục tiêu ấy có đạt được hay không lại là một vấn đề khác. Theo Berdyaev thì mục tiêu ấy chính là: khám phá cho được able man (người có khả năng) của mình và trao cho người ấy những biểu tượng khả năng: sự vĩ đại, vinh quang hay là gì đó tùy ý, chỉ cốt sao cho anh ta có được cơ hội thực sự lãnh đạo mọi người tương ứng với khả năng của mình.” Berdyaev nói rằng ý tưởng ấy vốn là mơ ước không tưởng của Plato, nhưng trong niềm mơ ước ấy có điều gì đó mang tính vĩnh hằng. Nguyên tắc tinh hoa mang tính bản thể, còn mọi nguyên tắc dân chủ chỉ có tính hình thức. Ông nhận xét: “Nền dân chủ dễ dàng bị biến thành công cụ hình thức cho việc tổ chức các lợi ích. Việc tìm kiếm những người tốt nhất bị đánh tráo bằng việc tìm kiếm những kẻ thích hợp hơn cho các lợi ích, những kẻ phục vụ tốt hơn cho các lợi ích. Nền dân chủ tự thân nó không có nội dung bản thể nội tại, cho nên nó có thể phục vụ cho những mục đích trái ngược hẳn với nhau.” Theo Berdyaev thì hy vọng “nền dân chủ sẽ là quyền lực của số đông nhân dân” là một hy vọng mang tính tự huyễn bởi vì xưa nay bao giờ cũng là số ít cai trị số đông và sau này cũng vẫn sẽ như vậy. Số ít này bị thay thế bởi số ít khác. Vấn đề chỉ là cái “số ít” cai trị ấy tốt hơn hay xấu hơn mà thôi. Trong thực tế đích thực hiện hữu thì vấn đề luôn luôn là: “tinh hoa thắng thế hay cặn bã thắng thế.” Berdyaev viết: “Bất kỳ cấu trúc sống nào cũng đều mang tính đẳng cấp và có bộ phận tinh hoa của nó. Chỉ có đống rác mới không có tính đẳng cấp và cũng chỉ trong đống rác mới không có bộ phận tinh hoa của nó.” Ông khẳng định: “Sự ghen tỵ với giới tinh hoa và lòng hận thù đối với giới ấy chính là tinh thần bầy đàn.Theo nghĩa này thì một con người chất phác từ trong dân chúng có thể không có tính bầy đàn. Và khi ấy thì trong một người nông dân có thể có những nét tinh hoa chân chính mà không bao giờ ghen tỵ, có thể có những nét đẳng cấp của dòng giống mình do Thượng đế ban cho.

5) Những người dân túy tôn thờ sự dấn thân vì nhân dân và coi trọng đức khổ hạnh, nhưng họ quan niệm đạo đức chỉ mang tính tương đối, các chuẩn mực đạo đức đều do giai cấp thống trị đề ra để bảo vệ lợi ích của bản thân chúng. Các triết gia Nga giữ quan điểm ngược lại: đạo đức là những giá trị mang tính tuyệt đối và khách quan. V.S. Soloviev (1853-1900) là người có nhiều đóng góp xây dựng triết học đạo đức mà những ai quan tâm nội dung chi tiết có thể tìm đọc nội dung học thuyết ấy trong tác phẩm dịch thuật của Phạm Vĩnh Cư [6].

Chủ đề tranh luận về giá trị khách quan của đạo đức được biết đến từ thời văn minh Hy Lạp thông qua tác phẩm Đối thoại của Plato viết về cuộc tranh luận của Socrates với những kẻ ngụy triết (sophistes). Soloviev đã viết một khảo luận nhan đề Bi kịch cuộc đời Plato (xem [6] trang 346-394) để trình bày quan điểm của mình về chủ đề này.

Soloviev nhận xét rằng những thường dân đi biển Hy Lạp thời đó đã tạo nên sự xuất hiện các khu di dân phá vỡ lối sống quốc nội khép kín cổ truyền và đem về thành quốc quê hương sự quen biết với vô số những thứ dị biệt ngoại bang. Những người đi biển phát hiện ra tính ước lệ của luật pháp quốc gia trong không gian, còn người Athens phát hiện ra nó trong thời gian. Nền triết học tối cổ, tức là nền triết học tiền Socrates, chĩa thẳng vào các thần linh và các luật lệ quốc gia, có thể diễn đạt bằng một từ – tính tương đối. Sau hai thế kỷ vận động trí não, ở Hy Lạp nảy sinh một lớp người có năng lực tư duy phát triển về hình thức, có học vấn văn chương và có mối quan tâm trí óc sinh động những người đã mất hết niềm tin vào mọi kỷ cương rường cột đã lung lay của nếp sống dân tộc cổ truyền, nhưng lại không có được thực tài đạo đức-tinh thần để toàn tâm toàn trí tìm kiếm những chuẩn mực tốt đẹp hơn, những chuẩn mực chân chính của cuộc sống. Những nhà ngụy triết ấy đã ham thích vồ lấy khái niệm tương đối, nâng nó lên thành một nguyên tắc phổ quát không giới hạn. Họ tuyên bố rằng không chỉ các tín ngưỡng và luật lệ của các thành quốc, mà nói chung tất cả đều là tương đối, đều là ước lệ, đều không chính xác; không có gì là tốt hay xấu, thật hay giả về bản chất, mà tất cả đều tùy thuộc vào điều kiện hoặc tình huống; vì vậy nên kim chỉ nam duy nhất trong mọi việc vẫn chỉ là tính hợp đích thực tiễn, còn đích thì chỉ có thể là sự thành công. Nhưng các nhà ngụy triết đã không thành công trong việc thuyết phục cả nước Hy Lạp tin vào chủ nghĩa hoài nghi tuyệt đối của họ. Đã xuất hiện Socrates, ông đã làm được cái việc chê cười các nhà ngụy triết, mở ra cho triết học những con đường mới. Sự thù địch của giới ngụy triết với Socrates là dễ hiểu. Nhưng có vẻ như kỳ lạ là trong mối thù ấy, một đảng khác hóa ra cũng đồng tình với những nhà ngụy triết và còn vượt trội họ. Đảng khác ấy là phe bảo thủ.

Tưởng như phe bảo thủ, những người chủ trương giữ nguyên trạng những tín ngưỡng và chuẩn mực của lối sống cổ truyền, sẽ có sự thù địch với giới ngụy triết. Có sự thù địch ấy, nhưng không dẫn đến diễn biến bi kịch. Các nhà ngụy triết vẫn ung dung hưởng lợi, còn toàn bộ sức nặng công kích của phe bảo thủ trút xuống các triết gia chính diện, những người khẳng định ý nghĩa thiện và chân của trật tự vũ trụ và trật tự xã hội, và đặc biệt là trút xuống Socrates. Soloviev nhận xét rằng trước vụ án Socrates, phe bảo thủ và giới ngụy triết đã không còn hiềm khích gay gắt nữa vì cùng hợp nhất nỗ lực để tự giải thoát khỏi hiện thân của công lý và chân lý cao nhất mà họ cùng căm ghét như nhau. Cái gắn bó họ chính là sự không phải của họ.

Trong khi ấy thì Socrates không có thái độ thù địch tuyệt đối không thể dàn hòa với cả hai phe bảo thủ và ngụy triết. Ông chân thành thừa nhận cái phần chân lý có cả ở phe này lẫn phe kia. Cùng với các nhà ngụy triết ông khẳng định quyền và lẽ tất yếu của hoạt động nghiên cứu phê phán và biện luận; cũng như họ ông chống lại niềm tin mù quáng vô ý thức; ông không muốn chấp nhận một cái gì mà không thử nghiệm trước đã. Mặt khác Socrates cũng thừa nhận chân lý và ý nghĩa cả ở những tín ngưỡng dân gian và ở quyền uy thực tiễn của luật lệ quốc gia. Vậy lấy gì để cắt nghĩa mối thù không đội trời chung của cả hai phe đối với Socrates? Theo Soloviev, vấn đề ở đây không phải là mâu thuẫn lý thuyết, mà là mâu thuẫn của cuộc sống, mâu thuẫn thực tiễn. Socrates đã nói với hai phe những điều họ tuyệt đối không chịu nổi mà lại không tìm được lý lẽ nào để phản bác.

Với phe bảo thủ, Socrates bảo rằng các vị muốn bảo vệ kỷ cương rường cột của cuộc sống cộng đồng là đúng, nhưng các vị bảo vệ rất tồi. Các vị không biết cần bảo vệ cái gì và bảo vệ thế nào. Các vị hành động mò mẫm hú họa như kẻ đui mù. Sự mù lòa của các vị là do thói tự phụ. Thói tự phụ là bất chính, nhưng có thể châm chước được vì không phải do ác ý mà do ngu dốt. Soloviev tự hỏi: có thể đáp lại phê phán đó của Socrates bằng gì ngoài nhà tù và thuốc độc?

Với phe ngụy triết Socrates nói rằng các vị suy luận, bàn luận; mọi thứ đều được các vị biến thành đối tượng thử thách của tư duy phê phán. Việc này là tuyệt vời. Chỉ có điều các vị là những nhà tư tưởng tồi, không hiểu cả mục đích lẫn phương pháp của phê phán và biện luận đích thực. Soloviev kết luận: Socrates là hiện thân sống động của những nguyên tắc bảo thủ chân chính và phê phán chân chính nên đã làm mất lòng cả những kẻ bảo thủ tồi và những anh phê phán tồi. Không có ông thì hai đảng sẽ không bằng lòng nhau, nhưng mỗi đảng sẽ bằng lòng tuyệt đối với mình.

Soloviev cho rằng “tội” của Socrates là ở chỗ ngay cái nhìn của ông đã bóc trần thực chất tư tưởng của cả hai phe. Socrates khẳng định rằng nghĩa vụ vô điều kiện, nhưng chỉ đối với cái mà bản thân nó là vô điều kiện, cái mà về bản chất là tốt hay xứng đáng. Socrates khẳng định: có cái đó, cái vô điều kiện, có chuẩn mực gốc cho sự sống con người, có cái Lương Hảo tự thân tự tại. Nếu tín ngưỡng dân gian và luật lệ quốc gia phù hợp hay có thể gắn kết với cái chuẩn mực tuyệt đối ấy của sự sống, thì cần phải chấp nhận và phục tùng chúng. Có nghĩa là cần đánh giá minh bạch tất cả cái hiện tồn; cần suy xét phê phán để tìm kiếm chân lý. Tin vào sự tồn tại của cái Thiện tuyệt đối, Socrates không cấp trước cho nó bất kỳ một giới thuyết gần cận nào; với ông, nó là cái tìm kiếm; nhưng không thể tìm một cái gì đó, nếu không tin là nó có.

Để thật sự đạt được cái duy nhất xứng đáng ấy, điều kiện đầu tiên là bãi bỏ tất cả những gì không xứng đáng, coi tất cả cái đó là hư không. “Tôi chỉ biết là tôi không biết cái gì cả.” Nhưng nếu Socrates chỉ tự giới hạn về sự không hiểu biết của mình thì ông sẽ là người dễ chịu cho cả phái bảo thủ lẫn phái ngụy triết. Chủ nghĩa ngu dân của phái thứ nhất và thói ba hoa thiên địa của phái thứ hai đòi hỏi như nhau một sự không hiểu biết. Tuy nhiên, chứng minh cho mọi người thấy nó không biết gì cả, triết học của Socrates rút ra từ đấy những kết luận bất an, nhưng duy nhất xứng đáng với con người: “Ai đã nhận thức được sự không biết của mình, người ấy đã biết một cái gì đó và có thể biết nhiều hơn; bạn không biết – thế thì bạn hãy biết đi; bạn không nắm được chân lý – hãy đi tìm nó; khi bạn tìm, nó đã ở bên bạn, có điều nó còn che mặt đi, và sẽ tùy thuộc vào lao động trí óc của bạn để nó hiện ra với bạn”.

Như ta biết, Socrates bị buộc tội là đã “không tôn kính các thần linh được cả thành quốc tôn kính, mà lại dẫn nhập những thần khác, thần mới” và còn “làm hư hỏng thế hệ trẻ”. Những lời cáo buộc dối trá ấy làm lộ rõ bản chất sự việc. Sự thực Socrates vẫn tôn kính cả những thần linh của thành quốc, nhưng tôn kính họ vì bản chất, vì quan hệ nội tại của họ với cái tuyệt đối, chứ không vì hoàn cảnh. Soloviev chua chát nhận xét rằng “tội ác” của Socrates chính là ở đấy. Nó còn nặng thêm vì ông “đã dẫn nhập những thần khác, thần mới”. Ông đã không bớt đi mà còn gia tăng vốn liếng của lòng sùng tín dân gian. “Tội ác” nữa của Socrates là nhiều người nghe theo ông. Ông đã “làm hư hỏng thế hệ trẻ” vì đã làm nổ tung trong họ sự tín nhiệm và kính trọng đối với những người lãnh đạo ngu dốt và rỗng tuếch, đối với những kẻ mù dẫn dắt người mù.

Trên đây là tóm lược một phần của khảo luận Bi kịch cuộc đời Plato của tác giả Soloviev đã được Phạm Vĩnh Cư dịch đầy đủ sang tiếng Việt trong tác phẩm [6]. Tôi không trình bày phần còn lại của khảo luận vì nó ra ngoài chủ đề được đề cập ở đây.

Ta dễ dàng thấy Soloviev có ngụ ý một sự tương đồng nào đó của hoàn cảnh nước Nga thế kỷ XIX với thành quốc Hy Lạp thời Socrates. Cũng là tình huống lịch sử: xuất hiện những dị biệt ngoại bang (các học thuyết đến từ châu Âu) làm lung lay rường cột nếp sống dân tộc cổ truyền của thành bang (tức là nước Nga thế kỷ XIX). Cũng có phe bảo thủ ngu dốt (chế độ Nga hoàng) và giới ngụy triết (giới trí thức Nga) đối lập với các triết gia Nga tìm kiếm chân lý theo gương Socrates. Soloviev kiên quyết đứng về phía Socrates bảo vệ lập trường cái Thiện tuyệt đối và xem lập trường đạo đức mang tính tương đối của giới ngụy triết Nga là cực kỳ nguy hại.

Frank là triết gia đi theo con đường của Soloviev. Trong bài viết Đạo dức học của chủ nghĩa hư vô ở tập Những cột mốc [1] ông đã bàn về tính vô nguyên tắc của đạo đức học trong giới trí thức Nga thế kỷ XIX dẫn đến sự phủ nhận về nguyên tắc mối quan hệ công bằng và khách quan đối với kẻ thù. Frank dẫn lại bài báo của A.I Ertel viết năm 1893 phê phán giới trí thức Nga: khi phản đối hành động đàn áp bằng bạo lực của chính quyền đối với “phe ta” đã không phản đối bản thân cái ác trong hành động bạo lực. Bởi vì khi hành động đàn áp bạo lực hướng vào “phe địch” thì họ lại hoan nghênh. Frank chỉ ra gốc rễ của đạo đức học trong ý thức của giới trí thức Nga chính là chủ nghĩa hư vô, phủ nhận cái Thiện tuyệt đối. Điều đó giải thích tình trạng nghịch lý là những con người trong sáng tận tụy phục vụ cho lý tưởng của mình lại đứng trong cùng một tổ chức với bọn côn đồ và tội phạm. Frank nhận xét rằng điều kinh khủng nhất trong sự việc này là chủ nghĩa hư vô của giới trí thức vô tình phê chuẩn cho tội ác và thói côn đồ, tạo cơ hội cho chúng khoác áo tư tưởng và tiến bộ.

IV - Phê phán của S.L. Frank đối với chủ nghĩa nhân văn

Trong tác phẩm Ánh sáng trong bóng tối [7] xuất bản ở Paris năm 1949 Frank đã triển khai một sự phê phán triết để đối với chủ nghĩa nhân văn xuất hiện từ phong trào Khai minh ở châu Âu. Chủ nghĩa nhân văn dựa trên niềm tin vào phẩm giá và sứ mệnh cao cả của con người trên trần thế. Lạc quan về sự tiến bộ, tức là sự hoàn thiện tất định của con người, những người theo chủ nghĩa nhân văn tin tưởng vào khả năng xây dựng một thế giới trọn vẹn của sự thật và điều thiện. Sự chào đời của chủ nghĩa nhân văn mang tính chất một cuộc nổi loạn đầy kiêu hãnh của con người chống lại các lực lượng nô dịch và làm nhục nó. Thoạt tiên niềm tin nhân văn còn bao phủ một bầu không khí tôn giáo chung nào đó, bất chấp sự đối lập gay gắt của nó với thế giới quan Kitô giáo thời trung cổ. Nhưng tới thế kỷ XVIII, vào thời đại Khai minh của Pháp, niềm tin nhân văn đã đoạn tuyệt với niềm tin tôn giáo. Chủ nghĩa nhân văn trở thành niềm tin kết hợp vô tín ngưỡng tôn giáo với thế giới quan tự nhiên và duy vật.

Frank nhận xét: “Nhưng chủ nghĩa nhân văn trong hình thức này của nó chứa đựng mâu thuẫn sâu sắc không sao vượt qua được. Sự sùng bái con người, niềm tin lạc quan vào sứ mệnh vĩ đại của nó là thống trị thế gian và khẳng định địa vị bá chủ của lý trí và điều thiện trong con người, được kết hợp trong đó với quan niệm lý thuyết về con người như một thực thể thuộc về vương quốc tự nhiên và hoàn toàn phụ thuộc vào các thế lực mù quáng của tự nhiên.”

Cho đến đầu thế kỷ XIX người ta vẫn còn có thể tin vào vị trí cao cả của con người dựa trên quan niệm từ xa xưa về con người như một thực thể có đẳng cấp đặc biệt, khác hẳn với thế giới động vật còn lại, chẳng hạn như con người có lý trí hoặc có ý thức đạo đức như một nét khác biệt. “Thế nhưng – Frank viết – cơ sở lý thuyết của những giả định ấy (ngay từ đầu đã khá mơ hồ) đã bị học thuyết Darwin giáng cho một đòn quyết định. Học thuyết Darwin đã phá hủy luận điểm vốn có từ xa xưa về sự khác biệt có tính nguyên tắc của con người với thế giới tự nhiên còn lại và thay thế nó bằng quan niệm rằng con người đơn giản chỉ là một bộ phận của thế giới động vật, là bà con gần huyết thống với loài khỉ, là hậu duệ của một thực thể giống như loài khỉ. Ngay trong ký ức chúng ta mô-tip nhân chủng học của học thuyết Darwin – sự tố giác khoa học lòng kiêu ngạo của ý thức tự giác ở con người – đã tìm được thêm một khẳng định mới trong học thuyết phân tâm học (ý nghĩa này của phân tâm học, chính Freud, người sáng tạo ra nó, đã nhấn mạnh): chuyện con người hóa ra là một thực thể giống như loài khỉ vẫn còn là ít; từ nay nó còn được công nhận như một cục xác thịt sống mà cuộc sống tâm hồn và mọi ý tưởng của nó được quyết định bởi một cơ chế mù quáng của ham muốn tình dục; không phải ý thức lý trí, không phải linh hồn và không phải lương tâm, mà là những thế lực của tiềm thức đầy hỗn mang điều khiển đời sống con người.

Frank nhận xét rằng những đòn đánh như thế giáng vào niềm tin ở phẩm giá và sứ mệnh cao cả của con người thực chất là không tránh khỏi, do chủ nghĩa nhân văn tự ràng buộc mình với thế giới quan tự nhiên. Ông viết: “Dù cho tư duy của châu Âu có ngoan cố tiếp tục mù quáng khẳng định niềm tin, thì tất cả các cơ sở khách quan của niềm tin ấy đã bị phá hủy, trạng thái tinh thần đầy mâu thuẫn này không thể nào bền vững và kéo dài vô thời hạn; rốt cuộc thì mâu thuẫn phải nổ ra từ bên trong và hủy hoại bản thân thế giới quan của chủ nghĩa nhân văn. Ngay từ những năm 40 của thế kỷ XIX, vào thời đại nỗ lực đầy cuồng nhiệt của niềm tin chủ nghĩa nhân văn thô thiển, một nhà tư tưởng Đức đơn độc đã dũng cảm và trắng trợn khẳng định quyền tự nhiên của con người, hòa hợp với bản chất tự nhiên của nó, chối bỏ mọi sự phục vụ cho các lý tưởng cao cả và công khai làm kẻ vị kỷ không biết thẹn thùng (Max Stirner). Bằng cách này đã rút ra kết luận logic duy nhất từ học thuyết nhân văn của Feuerbach tuyên cáo con người là cái tuyệt đối tự đầy đủ và thừa nhận rằng con người trong tôn giáo và trong ý tưởng Thượng đế chỉ làm xa lạ bản thân mình một cách hư ảo và tự hạ thành niềm tin của mình vào chính bản thân mình, vào địa vị tối cao tuyệt đối của mình. Lý thuyết mang tính hư vô của Stirner tuy nhiên mới chỉ là cuộc tấn công mở màn, thực tế còn vô hiệu quả, vào pháo đài của niềm tin nhân văn. Nhưng chẳng bao lâu sau một người học trò khác của Feuerbach đã đi đến một học thuyết mà theo định mệnh không những đem đến những chấn động to lớn nhất cho thế giới, mà còn phá hủy chính những nền tảng của niềm tin nhân văn. Một sự trùng hợp đáng ghi nhớ: vào năm xuất hiện Nguồn gốc của giống loài của Darwin (1859) cũng xuất hiện cuốn sách của Karl Marx Phê phán kinh tế-chính trị học mà trong lời tựa của nó lần đầu tiên đã hệ thống lại học thuyết chủ nghĩa duy vật kinh tế vô cùng nguy hại cho số phận của chủ nghĩa nhân văn thô thiển. Trong tư cách niềm tin vào sự thực hiện tất định trong tương lai gần của chủ nghĩa xã hội như chiến thắng tuyệt đối của lý trí và điều thiện trong đời sống con người (niềm tin thậm chí ở đây còn mang diện mạo của một tiên đoán khoa học chính xác), chủ nghĩa Marx tiếp tục truyền thống niềm tin đầy lạc quan vào sự tiến bộ cái mô-tip nền tảng của chủ nghĩa nhân văn thô thiển. Thế nhưng bản chất con người ở đây đã không còn được xác định là thiện và có lý trí nữa, mà là độc ác và hám lợi: nhân tố chủ yếu của lịch sử hóa ra là thói hám lợi, là cuộc đấu tranh giai cấp nhằm chiếm đoạt những lợi ích trần thế, là lòng căm thù giữa người giàu và người nghèo. Nghịch lý vĩ đại nhất mang tính đặc trưng của chủ nghĩa Marx, được bộc lộ ra như sự tha hóa hiển nhiên của chủ nghĩa nhân văn, là học thuyết cho rằng con đường duy nhất dẫn đến vương quốc xã hội chủ nghĩa, vương quốc của điều thiện và lý trí, chính là buông thả cuộc đấu tranh giai cấp - buông thả cho những bản năng độc ác của con người. Trong chủ nghĩa Marx niềm tin vào con người và tương lai vĩ đại của nó dựa trên niềm tin vào sức mạnh sáng tạo của cái ác. Hoàn toàn không phải tình cờ mà có sự kết hợp điều này với sự thay thế con người, như một bản diện cá nhân, bằng sự sùng bái giai cấp hay tập thể. Vì rằng nếu như mọi thứ cao cả, tốt đẹp, tinh thần được thực hiện trong hình dạng con người như một bản diện cá nhân (bởi vì chính nhân diện là hình ảnh của Thượng đế trong con người), thì sức mạnh tự phát của cái ác thể hiện thích đáng trong con người như một phần tử vô diện mạo của đám đông, của quần chúng, của tập thể. Vì vậy, chủ nghĩa Marx theo lẽ tự nhiên đã là một cái gì đó khác, chứ không còn là chủ nghĩa nhân văn thô thiển, phi tôn giáo nữa: nó là chủ nghĩa nhân văn phản tôn giáo và phản đạo đức. Niềm tin vào con người ở đây không những bị đặt đối lập với niềm tin vào Thượng đế, mà còn đối lập với niềm tin vào điều thiện nữa. Trong chủ nghĩa Marx chủ nghĩa nhân văn được dự tính trở thành chủ nghĩa thần nhân Titan, như niềm tin vào sự chiến thắng của khởi nguyên nổi loạn trong con người, được thực hiện thông qua sự buông thả sức mạnh của cái ác. Mâu thuẫn giữa quan niệm về mục đích và tương lai của con người và quan niệm về bản chất đích thực của con người, hay là giữa mục tiêu tiến bộ của con người và các phương tiện để thực hiện nó, ở đây đã đạt tới độ căng thẳng khiến cho có thể nói về sự tha hóa nội tại của tư tưởng nhân văn ở trong chủ nghĩa Marx.

Frank nhận xét rằng, khi sự sùng bái bóng tối như sức mạnh sáng tạo được trao sứ mạng thực hiện trạng thái lý tưởng của thế gian, thì bản thân nó suy đồi thành sự vô liêm sỉ thuần túy. Ông viết: “Sự vô liêm sỉ hay là sự vô tín ngưỡng trâng tráo là sự phủ định bản thân khởi nguyên của vật thiêng liêng cũng như sự cần thiết tôn kính vật thiêng liêng. Đó chính là định hướng trí tuệ theo đúng nghĩa xứng đáng được gọi là chủ nghĩa hư vô. Theo một ý nghĩa nhất định có thể nói rằng chính chủ nghĩa nhân văn thô thiển – niềm tin vào con người đã mất đi các cơ sở tôn giáo và siêu hình và dựa trên sự thay thế niềm tin vào các giá trị khách quan, tuyệt đối bằng sự phục vụ các giá trị thuần túy chủ quan của con người, ngay từ ban đầu đã ẩn chứa trong mình nó một mô-tip hư vô nào đó. Vì vậy nó có khuynh hướng nội tại chuyển thành chủ nghĩa hư vô nhất quán. Những kẻ hâm mộ sự sùng bái lăng xăng con người, những đệ tử của niềm tin vào sự thực hiện dễ dàng và mau chóng thiên đường trên trái đất - thiên đường không có Thượng đế, thuần túy bằng các phương tiện ngoại tại của con người – do tính vô căn cứ nội tại của niềm tin ấy và sự vỡ mộng không tránh khỏi mà kinh nghiệm cuộc sống đem lại cho họ, – nói chung hay có khuynh hướng thiên về chuyển từ niềm tin sùng bái lăng xăng sang vô tín ngưỡng trâng tráo. Họ dễ dàng chịu đựng được sự sụp đổ niềm tin của mình, như là sự sụp đổ bất cứ niềm tin nào nói chung; buổi hoàng hôn của các thần tượng không-thể-tránh-khỏi được họ tiếp nhận như sự hạ bệ của vật thiêng liêng nói chung; và một khi không thể thiết lập vương quốc của sự thật và điều thiện cho toàn nhân loại thì chắc hẳn không có gì khác ngoài việc quay lưng lại với việc phụng sự lý tưởng nói chung – còn bản thân thì lo sắp xếp tiện nghi cho mình trên trái đất này. Có vẻ như khuynh hướng tâm lý của bất cứ cuộc cách mạng nào dựa trên giấc mơ thực hiện trạng thái lý tưởng bằng sức lực con người, cũng đều như vậy cả: sự cuồng tín ban đầu do vỡ mộng không-thể-tránh-khỏi, được thay bằng tâm trạng vô tín ngưỡng trâng tráo.

Tuy nhiên, cái khuynh hướng này bộc lộ ra trong mức độ hoàn toàn đặc biệt ở niềm tin của chủ nghĩa nhân văn suy đồi được mô tả ở trên, niềm tin dựa trên sự sùng bái cái ác và trông mong đạt được lý tưởng bằng việc buông thả các sức mạnh độc ác – niềm tin vào chủ nghĩa không tưởng ma quỷ. Những hậu quả thực tiễn của niềm tin ấy khiến cho con người bắt đầu phải nuốt nghẹn cái ác trong sức mạnh buông thả bởi chủ nghĩa không tưởng này. Vì rằng những sức mạnh độc ác đó, bất chấp kỳ vọng, không đưa đến sự cứu rỗi mong đợi, vì rằng do vậy mà cứ cần phải buông thả liên tục trong hy vọng đạt được kết quả mong muốn, cho nên dần dần trong con người được bồi đắp thói quen với cái ác như mục đích tự thân; cái ác trở nên có vẻ như tình trạng bình thường, tự nhiên; trong những điều kiện ấy nói chung rất dễ dàng mất đi niềm tin vào mục đích tối hậu của sự buông thả cái ác ấy, hơn thế nữa - mất đi ngay cả bản thân sự ham muốn mục đích tối hậu ấy. Trên con đường này dễ dàng củng cố ý thức không những xem chiến thắng của cái ác là tự nhiên, mà còn cho chiến thắng của cái ác như tự thân nó là hợp quy luật và chính đáng trong đời sống con người. Cái ác, lúc đầu được hiểu và được sử dụng như phương tiện thực hiện, nếu như chưa phải điều thiện đạo đức, thì chí ít cũng một trạng thái nào đó cao hơn, đầy lý tưởng và chính đáng, nay đang biến thành mục đích tự thân. Uy quyền đích thực của quỷ dữ đang lên ngôi thống trị trái tim con người, trong những trái tim ấy đang chết đi niềm tin vào vật thiêng liêng vốn làm sinh động tâm hồn con người; hàng loạt dân chúng bị đem dâng cho thánh lễ đen tối. Những kẻ ham quyền lực và những kẻ hám lợi đầy tàn bạo trâng tráo cười nhạo thầm trên đám đông quần chúng đã bị chúng làm ngu dại đi bằng cách rao giảng phục vụ cho mục đích cao quý nào đó, nhưng thực tế bắt họ phục vụ cho riêng chúng mà thôi, biến họ thành bầy đàn ngoan ngoãn, có thể tùy ý bị vắt sữa hay đem giết chết để cho những kẻ thống trị có thể sống cuộc sống truy hoan. Đó chính là kết quả thực tế của chủ nghĩa chuyên chế vô giới hạn mà chủ nghĩa không tưởng ma quỷ dẫn tới.

V - Một vài suy nghĩ về mối liên quan đến chúng ta

Nhan đề của tiểu luận này thoạt tiên có thể khiến ai đó có đôi chút khó hiểu vì nghĩ rằng tư tưởng dân túy trong giới trí thức Nga thế kỷ XIX thì liên quan gì đến chúng ta. Tuy nhiên, nếu làm quen với những nội dung tư tưởng dân túy được đề cập đến ở trên thì chắc rằng thắc mắc đó sẽ được hóa giải: có quá nhiều công thức tư duy của một bộ phận không nhỏ trong chúng ta mang dấu ấn sâu đậm của tư tưởng dân túy.

Có hai vấn đề có thể được đặt ra:

1) Những dấu ấn nào của tư tưởng dân túy là phổ biến ở ta?

2) Những phê phán của các triết gia Nga đúng đắn trong mức độ nào?

Có lẽ dấu ấn tư tưởng dân túy bộc lộ sớm nhất ở nước ta là cuộc tranh luận: văn học vị nghệ thuật hay vị nhân sinh. Ta có thể tìm thấy trong phê phán của Frank và Berdiaev (chương III, mục 2) những gợi ý nào cho nhận thức về văn hóa của chúng ta hiện nay? Nhưng vấn đề lớn nhất có lẽ là ở bản thân ý tưởng dân túy về con đường thực hiện xã hội công bằng: chỉ cần tước đoạt của cải mà thiểu số đang chiếm đoạt một cách bất công và vĩnh viễn không cho thiểu số ấy có cơ hội chiếm đoạt lại là có thể đảm bảo hạnh phúc lâu dài cho nhân loại. Những phê phán của Novgorodsev (chương III, mục 1) của Ilin và Berdiaev (chương III, mục 4) có xác đáng đối với chúng ta hay không? Bulgakov (chương III, mục 3) phê phán giới trí thức Nga không nhận thức được tôn giáo như một vấn đề quan trọng của văn hóa và theo chủ nghĩa vô thần một cách thiếu suy xét. Chúng ta có liên quan gì trong vấn đề này hay không? Quan niệm về đạo đức của chúng ta có gì chung với giới ngụy triết trong cách nhìn của Soloviev (chương III, mục 5) hay không? Phê phán của Frank đối với chủ nghĩa nhân văn và đặc biệt là đối với chủ nghĩa Marx (chương IV) có đụng chạm đến chúng ta hay không và chúng ta có gì để phản bác lại sự phê phán ấy?

Tài liệu tham khảo

1 - Isaiah Berlin, Russian Thinkers, Penguin Books, 1978. (tiếng Anh)

2 - Vekhi, sbornik statiei o russkoi intelligentzii 1909 (voa@chat.ru) (tiếng Nga)

Tuyển tập các bài báo về giới trí thức Nga. Tuyển tập gồm các bài: M.O. Gershenzon Lời nói đầu; N.A. Berdyaev Chân lý triết học và sự thật của người trí thức; S.N. Bulgakov Chủ nghĩa anh hùng và tinh thần hy sinh quên mình; M.O. Gershenzon Tự ý thức sáng tạo; B.A. Kistiakovsky Biện chính cho pháp luật; P.B. Struve Trí thức và cách mạng; S.L. Frank Đạo đức học của chủ nghĩa hư vô; A.S. Izgoev Về giới trí thức trẻ.

3 - Về trí thức Nga, nhiều tác giả, La Thành - Phan Nguyên Trường sưu tầm và dịch, NXB Tri thức, 2009. (tiếng Việt)

4 - N.A. Berdyaev, Philosophia neravenstva, Triết học của sự bất bình đẳng

http://www.vehi.net/berdyaev/neraven/index.html (tiếng Nga)

5 - I. Ilin, V poiskakh spravedlivosti, www.patriotika.ru/religion/ilin_sprav.html, (tiếng Nga) Về sự tìm kiếm công bằng.

6 - V.S. Soloviev, Siêu lý tình yêu, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch, giới thiệu, NXB VHTT, Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, 2005. (tiếng Việt)

7 - S.L. Frank, Đukhovnye osnovy obshestva, Svet vo tme, trang 405-470, Moskva Izdatelstvo Respublika, 1992. (tiếng Nga) Cơ sở tinh thần của xã hội, Ánh sáng trong bóng tối.