Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Những người không chịu lùi bước trước nghịch cảnh

Đoàn Thanh Liêm

Hồi đầu tháng 8 mới đây, tôi được nhà báo Thanh Thương Hoàng dẫn đi tham dự một buổi trình diễn văn nghệ thật là đặc sắc diễn ra tại Trung tâm Hội Nghị của thành phố Santa Clara gần với San Jose. Các nghệ sĩ trình diễn đều là những người khuyết tật, người thì cụt hết cả cánh tay mặt như nhạc sĩ Thế Vinh, người thì bị mù lòa như nhạc sĩ Hà Chương, người thì bị câm ngọng hồi còn nhỏ như ca sĩ Thủy Tiên v.v... Cử tọa hôm đó gồm đến 600 người ngồi chật kín cả cái sảnh đường được trang trí như là một rạp hát và mọi người đều nhiều lần đứng lên vỗ tay tán thưởng các mục trình diễn cùa những nghệ sĩ khuyết tật - vừa có người mới từ trong nước qua, vừa có người đã định cư lâu năm tại Mỹ.

I – Từ chương trình văn nghệ “Ngọc Trong Tim” của Việt Nam đến các cuộc thi đua thể thao “Special Olympics” của Mỹ.

Buổi trình diễn văn nghệ nói trên là một trong những tiết mục sinh họat được tổ chức lưu động tại nhiều địa điểm trên thế giới, nơi có đông bà con người Việt sinh sống. Chương trình này nhằm giới thiệu tài năng và cố gắng luyện tập hết sức công phu bền bỉ của những người khuyết tật hầu đạt tới trình độ cao về nghệ thuật sáng tác và trình diễn âm nhạc cũng như trong một số bộ môn khác. Chương trình có tên gọi là “Ngọc Trong Tim” ngụ ý diễn tả cái kho tàng quý báu vẫn còn chứa chất trong trái tim con người – cụ thể như tấm lòng trắc ẩn cảm thông trước nỗi khổ đau của người khác - mà đặc biệt là sự quan tâm chăm sóc đến sự phát triển tài năng của lớp người bị thua thiệt do số phận ngặt nghèo của tật nguyền gây ra. Điển hình là Trung tâm Hướng Dương do nhạc sĩ Thế Vinh thiết lập ở Bình Dương để giúp nơi ăn chốn ở và hướng dẫn việc học tập cho các em khuyết tật.

Chương trình “Ngọc Trong Tim” này làm chúng ta nhớ đến tổ chức “Special Olympics” (Thế vận hội Đặc biệt) dành riêng cho người khuyết tật tham gia thi đua tranh tài về thể thao tại nhiều thành phố trên đất Mỹ. Chương trình này xuất phát là nhờ ở sáng kiến vận động và tổ chức khôn khéo của bà Eunice Kennedy Shriver (1921 - 2009) là người em gái của Tổng Thồng Kennedy – mà cũng là phu nhân của ông Sargent Shriver người lãnh đạo tài ba tiên khởi của chương trình Peace Corps nổi tiếng của chính phủ Mỹ bắt đầu từ năm 1961. Khỡi sự từ năm 1968 - các cuộc tranh tài Special Olympics này đã được nâng lên tầm mức quốc gia không những tại nước Mỹ, mà còn được nhiều nơi trên thế giới mô phỏng theo nữa. Và hiện nay thì các người con của ông bà Shriver cũng đang tiếp nối góp phần vào việc điều hành chương trình này.

Cố gắng vượt qua sự hạn chế của tật nguyền do các nghệ sĩ cũng như các vận động viên thể thao nói trên mà thực hiện được – thì rõ rệt đã làm cho chúng ta nhớ lại nhận xét thật sâu sắc của cụ Nguyễn Du qua câu thơ trong Truyện Kiều, đó là :

Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.

II – Chuyện về một số người “bất chấp bệnh tật”.

Trên đây là một số chương trình có tầm vóc lớn dành riêng cho số đông người khuyết tật có thể tham gia trong lãnh vực văn nghệ cũng như thể thao. Nhưng trong đời sống thường ngày của các cá nhân, ta vẫn thấy có rất nhiều người đã có những cố gắng bền bỉ phi thường để vượt qua được những nghịch cảnh trớ trêu của số phận – mà tôi xin ghi lại dưới đây một số trường hợp của những người trong số thân quen gần gũi với mình.

Trong số những bạn hữu tôi quen biết, thì cũng có khá nhiều người có ý chí vươn lên để vượt qua được nghịch cảnh do tuổi già hay do tật bệnh gây ra. Bài viết này xin được ghi lại một số chuyện “người thật, việc thật” của vài ba người mà tôi được biết từ bấy lâu nay. Và để công chúng được biết thêm về các chuyện đáng chú ý này, tôi xin các bạn được nói đến trong bài cho phép tôi được tiết lộ đôi chút trong cuộc sống riêng tư của mỗi người. Xin được ghi trước ở đây lời cảm ơn chân thành đến các bạn.

1 – Tác giả Nguyễn Công Luận vẫn không ngừng công việc nghiên cứu biên khảo, dù đã đau bệnh từ 25 năm nay.

Sau khi đi tù “cải tạo” về nhà ít lâu, thì Thiếu tá Nguyễn Công Luận mắc chứng bệnh Parkinson run rảy chân tay, đi đứng khó khăn. Nhưng anh vẫn kiên trì nhẫn nại theo đuổi công việc nghiên cứu sáng tác của mình - nhất là từ khi qua định cư ở bên Mỹ anh được tự do viết lách và phổ biến công trình biên sọan của mình. Anh được mời làm Phụ tá Chủ biên (Associate Editor) cho bộ sách dày 1,200 trang có tên là “The Encyclopedia of the Vietnam War” (Bách khoa Tòan thư về cuộc chiến tranh Việt nam) xuất bản năm 1998 – trong đó anh đã tham gia viết đến cả chục bài.

Và đặc biệt là cuốn Hồi ký do anh Luận viết trực tiếp bằng Anh ngữ trên 600 trang do nhà xuất bản Đại học Indiana ấn hành năm 2012. Cuốn sách này đã được nhiều người Mỹ vốn am hiểu tình hình Việt nam và nhất là các sĩ quan cao cấp trong Quận đội Mỹ ca ngợi nhiệt tình. Về phía người Việt, thì đã có nhà văn Mặc Giao ở Canada và cả tôi cũng đã viết bài giới thiệu cuốn Hồi ký này với độc giả trước đây nữa…

2 – Nhà báo Trương Gia Vy vẫn lo điều hành tuần báo Viet Tribune và còn tham gia công tác từ thiện nhân đạo, dù bị bệnh tật ngặt nghèo.

Từ nhiều năm nay, dù bị bệnh phải thay lọc máu mỗi ngày, mà nhà báo Trương Gia Vy vẫn sát cánh cùng với phu quân là nhà văn Nguyễn Xuân Hòang trong việc điều hành tờ báo Viet Tribune ở San Jose. Vào đầu tháng 8 mới đây, khi được tin anh Hòang bị đau nặng, tôi đã tìm cách đến thăm anh chị tại nhà riêng ở thành phố Milpitas – thì tôi thấy anh Hòang tuy đau yếu gày còm, nhưng vẫn còn bình tĩnh tỉnh táo và chuyện trò vui vẻ với bạn hữu đến thăm. Thế nhưng anh cho biết hiện lúc đó là vào 10 giờ sáng ngày thứ Bảy mà bà xã Gia Vy vẫn còn đang phải lo việc lọc máu mỗi ngày.

Ấy thế mà vào chiều ngày Chủ nhật hôm sau, tôi lại thấy Gia Vy có mặt tham gia với Ban Tổ chức chương trình “Ngọc Trong Tim” tại Santa Clara Convention Center như đã ghi ở trên. Chị là một trong 2 người được trao phó việc kiểm số tiền do công chúng đóng góp cho cơ sở Hướng Dương bữa đó. Khi báo cáo về số tiền đã kiểm được, Gia Vy nói : “Dù đang còn yếu mệt, chị vẫn cố gắng tham gia với cộng đồng trong lọai công việc nhân đạo từ thiện rất có ý nghĩa như thế này...”

Nhà báo Thanh Thương Hòang - là người đã từng sinh sống nhiều năm ở San Jose - cho tôi biết : “Trương Gia Vy là người phụ nữ rất năng nổ tích cực trong công tác từ thiện nhân đạo – mặc dầu chị bị bệnh tật lâu ngày và lại rất bận rộn trong việc điều hành tờ báo. Mà nay lại còn phải lo chăm sóc cho ông xã cũng đang bị chứng bệnh nan y nữa. Đó quả thật là một con người có ý chí nhẫn nại và tấm lòng nhân ái – đáng ca ngợi trong cộng đồng người Việt tại khu vực miền Bắc California này…”

3 – Họa sĩ Trần Bản Anh đến khi về hưu ở tuổi 70 mới ghi tên đi học vẽ.

Chị Bản Anh theo học ban Trung học tại trường Quốc Học ở Huế từ cuối thập niên 1940 qua đầu những năm 1950. Sau khi lập gia đình, chị đi làm nhiều năm tại Bộ Kinh tế ở Saigon. Qua Mỹ đầu năm 1990 với diện HO theo ông xã là anh Dương Công Liêm trước 1975 là Đại tá ở Cục Công Binh. Anh chị vẫn tiếp tục đi làm ở thành phố Los Angeles và sau năm 2000 mới về nghỉ hưu và hiện định cư ở San Jose.

Chừng 7 – 8 năm nay, chị Bản Anh mới đi theo học về hội họa theo lối Tàu với một giáo sư người Trung quốc. Nhận thấy chị có năng khiếu đặc biệt, nên ông thày ra sức khuyến khích và tận tâm chỉ dẫn cho chị. Và từ vài ba năm gần đây một số bức tranh của chị đã được ông thày tuyển chọn để gửi đi triển lãm ở bên Đài Loan. Kết quả là họa sĩ Bản Anh của chúng tôi đã mấy lần nhận được bằng khen của Ban Tổ chức cuộc triển lãm cũng như của chánh quyền của một thành phố bên đó.

Vốn tính khiêm tốn, chị không để cho giới nhà báo phỏng vấn để viết bài ca ngợi thành công của một họa sĩ nghiệp dư ở lứa tuổi đã cao. Mà chị chỉ để cho các bạn hữu thân thiết đến thưởng thức tác phẩm hội họa của mình tại nhà trong chỗ riêng tư, âm thầm kín đáo mà thôi. Trường phái hội họa Trung quốc đã có từ lâu đời với phong cách cổ điển mà người Việt chúng ta quen biết từ lâu nay. Nhưng tranh của họa sĩ Bản Anh vẫn có một sắc thái mới, hài hòa, điềm đạm kèm theo những nét vẽ và màu sắc có tính chất hiện đại, tươi mát – tất cả biểu lộ một tâm hồn phóng khóang và óc sáng tạo phong phú.

Tuy vậy, mặc dầu là chỗ quen biết gần gũi với anh chị đã lâu, tôi cũng chưa được chị gửi cho ảnh chụp bức tranh nào của chị để mà giới thiệu với công chúng bạn đọc được.

III – Chính khí ngất trời của Tổng Đốc Hoàng Diệu (1828 – 1882).

Lịch sử nước ta đã ghi lại rất nhiều tấm gương đẹp đẽ tuyệt vời của những vị anh hùng lẫm liệt đã hy sinh xả thân mình trong cuộc tranh đấu bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của ngọai bang. Một trong những vị anh hùng đó là Tổng Đốc Hòang Diệu – ông đã tự kết liễu đời mình khi quân Pháp xâm lược đánh chiếm được thành Hanoi do ông trấn giữ vào năm 1882. Ông đã tuẫn tiết bằng cách tự treo cổ mình trên một cành cây – để tránh không cho quân giặc bắt được vị chỉ huy pháo đài thành lũy.

Vì thế mà sau này trong dân gian nhiều nơi bà con ta vẫn truyền tụng bài thơ “Hà Thành Chính Khí Ca”- để ca ngợi tấm gương tiết tháo anh hùng của ông.

Chuyện của ông có một chi tiết đặc sắc này mà chỉ gần đây tôi mới được biết đến – đó là do một hậu duệ của cụ Phạm Phú Thứ thuật lại. Xin lược ghi lại như sau :

Khi được triều đình Huế cử ra nhậm chức Tổng Đốc Hà Thành ngòai miền Bắc, cụ Hoàng Diệu đã đến thăm và vấn kế bậc đàn anh và cũng là người đồng hương từ đất Quảng Nam với mình : đó là cụ Phạm Phú Thứ người đã cùng với cụ Phan Thanh Giản đi sứ qua Pháp vào năm 1864 để bàn thảo chuyện thương thảo ngọai giao giữa hai nước Việt và Pháp sau khi quân Pháp đánh chiếm đất Nam Kỳ vào năm 1860 - 61. Cụ Phạm lúc đó đã nghỉ hưu, nhưng cũng giúp cụ Hoàng bằng cách phân tích chi tiết về tương quan thế lực giữa bên Việt nam ta và bên phía quân Pháp đối nghịch – với phần ưu thế ngả hẳn bên phía địch quân. Cụ Phạm kết luận là nhiệm vụ của vị Tổng Đốc Hà Thành thật là nặng nề khó khăn lắm đấy.

Cuộc hội kiến giữa hai cụ Hòang và Phạm chấm dứt. Trước khi vị khách ra về, hai vị chủ và khách đều “LạyTạ nhau” lúc từ biệt. Xin ghi rõ là hai cụ Lạy Tạ nhau, chứ không phải là vái, là xá nhau theo như lối chào hỏi xã giao thường lệ. Vì lý do là cả hai cụ đều biết rõ là vị Tổng Đốc Hà Thành sẽ phải đi vào chỗ chết, vì không có cách nào mà chống trả nổi thế lực quá ư hùng hậu mạnh mẽ của quân Pháp. Và đó là cử chỉ bày tỏ sự Vĩnh biệt giữa hai người bạn thân thiết quý trọng lẫn nhau. Mà cũng đúng như lịch sử đã ghi lại rành rành là : “Tổng Đốc Hòang Diệu đã phải tuẫn tiết sau khi Hà Thành thất thủ về tay quân xâm lược – lúc ông mới có ngoài 50 tuổi.”

Thành ra cụ Hoàng Diệu, dù biết trước nỗi hiểm nguy của chức vụ trấn thủ thành Hanoi, thì cụ cũng không hề nhát gan khiếp nhược để mà thóai thác cái nhiệm vụ nặng nhọc bi đát đó. Mà trái lại cụ vẫn lên đường và sẵn sàng đi vào cõi chết để giữ vững tiết tháo trung trinh của bản thân mình đối với đất nước - cũng như để bảo tồn được danh dự cho giống nòi.

Vào năm 1928, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổng Đốc Hoàng Diệu (1828 – 1928), nhà báo Phan Khôi là người cháu ngọai của cụ đã cho phổ biến rộng rãi trên báo chí nguyên văn bài hùng sử ca “Hà Thành Chính Khí Ca” – mà trước đó chỉ mới được phổ biến hạn chế trong dân gian theo lối truyền khẩu mà thôi.

Nhân tiện cũng xin ghi là khí phách rạng ngời của nhà báo kỳ cựu Phan Khôi trong vụ đòi tự do dân chủ thời phong trào Nhân Văn Giai Phẩm hồi năm 1955 – 1957 ở miền Bắc – thì chắc chắn là phải bắt nguồn từ cái truyền thống anh hùng bất khuất của Vị Tổng Đốc Hà Thành vốn là ông ngọai của nhà báo. Quả thật Phan Khôi là một hậu duệ rất xứng đáng của Tổng Đốc Hòang Diệu vậy/

Costa Mesa California, Mùa Vu Lan Quý Tỵ 2013