Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Con bé bịt mắt

Truyện ngắn

Lynh Bacardi

“3000 là đủ!”. Đó là câu nói thường xuyên của bà, câu nói mà tôi vẫn nghe được mỗi khi bà thì thầm với một gã nào đó đứng sát cận da thịt tôi. Không chỉ mình bà nói câu đó, ngoài tiếng gió thổi làm lao xao những ngọn tóc già nua, tôi còn nghe những bà khác đứng gần đó nói y hệt như vậy. Nhưng giọng nói của bà khác họ, nó là một kiểu thẳng thừng mà lại chẳng kém phần van vỉ. Nó khác với chất giọng của những người đàn bà đến với tôi trước đó. Nó làm tôi thấy thích thú vì ý nghĩ: mình đang thật sự có ích cho một kẻ chân thật, theo kiểu chân thật của riêng họ.

Hình như con bé đó đã làm phiền bà. Hình như bà đã làm gì với con bé đó. Nó đã lớn lên nơi đây, dưới chân tôi, dưới cái bóng rộng lớn của tôi. Bà cất nó trong một chiếc rổ nhỏ. Rồi trong cái nôi. Rồi đặt nó lên vài tờ báo với tấm bao nylon màu xanh da trời che xung quanh. Bây giờ nó đã biết ngồi, vì thế, chẳng cần cái rổ, cái nôi, mấy tờ báo hay cái bao nylon màu xanh da trời nữa. Nó có cặp mắt tròn đen, làn da trăng trắng, ốm như con thằn lằn vẫn bò xung quanh bức tường sau lưng. Hình như vậy, chẳng biết tôi tả có đúng không, bởi bà mang nó đi đâu đó vào ban ngày, tôi chỉ nhìn thấy nó vào ban đêm, lúc số cột đèn ít ỏi trên con đường này uể oải bật lên thứ ánh sáng vàng vàng nhạt thếch. Nó chẳng bao giờ mở miệng. Nó không nhìn tôi, mà muốn nhìn cũng chẳng được, vì khi vừa đến chỗ tôi bà luôn lấy một dải vải buộc lên mắt nó, bà nói, “Bịt mắt bắt dê”. Nó nghểnh mặt để bà nhét thêm vào tai nó hai cục bông gòn. Nó ngồi xếp bằng dưới chân, đàng sau lưng tôi. Khỏi phải đợi, vì bà sẽ đặt vào bàn tay xinh xắn màu sữa của nó một cái nĩa bằng inox. Nó sẽ tỉ mẩn đào lớp đất dưới chân tôi, như đang đào tìm một người bạn nhỏ nào đó thất lạc đã lâu năm.

“3000 là đủ!”. Đêm nay tôi không nghe câu đó, bằng chất giọng đó nữa. Con đường dài ngoẵng vẫn như mọi tối, với những bước chân liêu xiêu của những gã xỉn ca hát yêu đời. Những chiếc xe tốc bụi mịt mù của những kẻ lịch thiệp phóng hết tốc độ qua đoạn đường, không quên để lại ánh nhìn nghi hoặc ở hai bên đường, nơi chúng tôi sống gần trăm năm nay, và đó là nơi bà vẫn đứng lấp ló. Những bà khác vẫn chăm chỉ với câu “3000 là đủ!” gần đó. Những cái quần vẫn tụt xuống vội vàng. Kéo lên vội vàng. Những cái miệng mệt mỏi vẫn chùn chụt vội vàng. Những giọt nước trắng đục vẫn bắn vào bức tường nồng mùi nước tiểu cũng theo kiểu vội vàng. Vẫn đúng với câu “3000 là đủ!”, không một chút gia giảm khuyến mãi.

Bất chợt con bé ngưng tay không đào đất nữa. Nó đứng lên, không kéo dải vải ra khỏi mắt. Cái đầu nho nhỏ quay lần tìm hướng phát ra tiếng hét của bà. Nó quên mất hai cục bông trắng muốt đang lún sâu trong tai như muốn tuột dần đến tận cùng. Gã đàn ông gương mặt cũng trắng muốt, cười nhăn nhở chạy đi với cái núm vú trong miệng. Vệt máu chảy dài dưới cằm khiến gương mặt trắng của gã thành một anh hề trên sân khấu phố huyện. Những bà khác nghiêng đầu nhìn qua, rồi đổi hướng nhìn ra đường tiếp tục chờ đợi. Bà ngơ ngác nhìn theo, sực nhớ mình vẫn chưa lấy 3000.

Trăng lên đến đỉnh đầu tôi. Đêm nay có lẽ họ sẽ thức khuya hơn. Trăng thường làm cho người ta mơ mộng hoặc cảm thấy cô đơn. Tôi nghĩ, nếu bà có ở đây, bà cũng sẽ chẳng về trước khi trăng biến mất khỏi bầu trời. Con bé sẽ lăn ra ngủ kềnh dưới chân tôi, với một chút hơi thở khò khè nhè nhẹ như người bệnh suyễn. Tôi nhớ bà, thật vậy, nhớ tiếng hát khàn khàn khe khẽ. Nhớ mùi mồ hôi nồng nặc mà lần đầu tiên tôi tin rằng bà mà đến gần chút nữa, tôi sẽ bị sặc sụa đến ứa mủ. Bà không dùng nước hoa như những bà kế bên, dù chỉ là loại nước khử mùi rẻ tiền nhất. Vậy mà tôi lại thích lúc nào chẳng biết. Tôi cũng nhớ cái mùi đặc trưng của những gã đàn ông nhỏ thó, dù cái mùi đó hiện giờ đã ăn sâu vào thịt da tôi, đã lấn át cả cái mùi đặc biệt của giống loài tôi, vì mỗi đêm họ thường bắn tung toé lên da thịt tôi đến vài lần. Thú thật, cả tiếng rên rỉ giả vờ của bà tôi cũng nhớ, tôi ước được nghe nó. Tôi muốn kéo tất cả mọi gã đàn ông về phía bà, để được nghe câu “3000 là đủ!” bằng chất giọng thẳng thừng mà van vỉ, để âm thầm thưởng thức những âm thanh kỳ cục của loài người. Hay cái co mình đỏ mặt. Cái kiểu giẫy đành đạch khi sự sung sướng đến gần. Và cái khốn khổ vô căn cứ hiện trên mặt họ lúc đưa cho bà 3000 như thoả thuận.

Đêm nay, con bé bịt mắt không ngồi đây nữa. Tôi không còn nhồn nhột bởi những nhát đào lơi nhơi yếu ớt của nó. Nó đã biết định hướng tiếng thét của bà chưa? Những cục bông trắng muốt đã trôi tuột vào tai nó chưa. Nó có biết tháo dải vải xuống để gỡ màn đêm bít bùng ra khỏi mắt. Từ đàng xa, một người đàn bà lạ xuất hiện. Bà đi dần đến chỗ tôi. Ngồi xuống. Mắt nhìn ra đường chờ đợi. Tôi nhìn xuống chân mình, ở đó, một cái hốc nho nhỏ cỡ bằng đồng bạc, nhưng sâu hoắm, nằm im lìm như một vết thương hiển nhiên, như đó là dấu tích tuổi thơ mà bà muốn con bé dành riêng cho tôi.