Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

những mối quan hệ

Nguyễn Đạt

clip_image001

Mỗi khi ai hỏi tôi chỗ ở ra sao, tôi đều trả lời một câu nhất định: “Hai đứa chúng tôi ở đủ rộng.” Đứa thứ hai chung sống với tôi là một con chó, chỉ chiếm diện tích khiêm tốn trong căn nhà. Tên nó là Lucky, một con chó lai giống ngoại quốc, tầm vóc trung bình. Không ai biết điều ấy ngoài cô bạn tôi, tuy nàng chưa đến nhà tôi lần nào. Chúng tôi gặp nhau tại một quán tôi uống cà-phê mỗi sáng. Tôi quen nàng chừng một năm nay, nàng thường hẹn gặp tôi ở đó nhưng rất ít đến, và lần nào đến cũng trễ tràng. Không ngờ có lần nàng đến sớm, tôi quá mừng, nói với nàng: – Em dễ thương như con Lucky. Nàng giận, mặc dầu nàng từng nghe tôi kể lại rất nhiều lần rằng con Lucky dễ thương như thế nào. Nàng nghiêm mặt, nghiêm giọng nói: – Con chó của anh có thể dễ thương như anh nói, nhưng anh không thể so sánh em với nó. Tôi không thể nói gì được nữa, khi nàng cho rằng tôi đã so sánh giữa nàng và con Lucky. Tôi kể cho nàng nghe lần chúng tôi đói meo, một ổ bánh mì chia hai cho bữa ăn trưa. Lucky ăn hết ngay phần của mình. Đến bữa chiều, nửa của tôi vẫn chưa ăn, tôi để lại cho nó. Lucky không ăn nửa ổ bánh mì ấy, cứ nhìn tôi rồi nhìn nửa ổ bánh mì. Tôi cảm nhận rõ rệt nó nghẹn ngào vì không thổ lộ được bằng tiếng nói của con người: “Ông phải ăn đi chứ, đây là phần của ông.” Hai giọt nước mắt của nàng rơi tuột xuống, nhanh không ngờ; nàng nói: “Anh từng khổ như vậy sao?”

Tôi biết nàng xúc động vì tôi, chứ không phải nàng xúc đông vì chúng tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ có một tính chất loài mèo trong nàng: bỗng dưng nàng vắng mặt bằn bặt, tôi gần tuyệt vọng thì nàng xuất hiện tươi tắn dễ thương như thường lệ. Tôi từng nuôi một con mèo, một con mèo duyên dáng mỹ miều như mọi con mèo, đột nhiên nó đi mất biệt. Một đêm tôi chợt thức giấc trước đôi mắt mở rộng nhìn tôi, hai vòng tròn rực sáng, những cọng râu trắng của con mèo đen ấy găm vào bóng tối. Tôi sởn gai ốc cùng mình: trong hai vòng tròn rực sáng không phải là lửa, mà là vàng lạnh của kim loại, im ắng hun hút, đang phán xét tôi. Tôi đưa tay muốn chạm vào con vật đã trở về, nó vụt vùng dậy nhảy đi mất dạng. Tôi đến tìm nàng ở nhà hai lần, anh nàng có vẻ trí thức và nghiêm nghị, luôn luôn hiện diện ở ngay trong phòng khách. Gặp tôi buổi đầu, anh nàng nói với nàng: “Bạn trai của cô làm nghề gì vậy? Trông chàng ta như một gã du thủ du thực!” Lần sau tôi tới lúc nàng và anh nàng đang xem trận đấu quyền Anh trên màn ảnh truyền hình. Tôi nói chuyện với hai người về quyền Anh, nghĩ là như vậy thích hợp, về một nhà vô địch quyền Anh mà tôi mến mộ, ông ấy không bao giờ hạ đối thủ nằm thẳng cẳng trên sàn đấu. Tôi nói với anh nàng: – Marcel Cerdan luôn luôn thắng đối thủ bằng những cú đấm kỹ thuật, chứ không phải bằng những cú đấm nặng hàng tạ, và những cú đấm đo ván – knock out ấy. Nàng kể lại, sau lần đó anh nàng khẳng định về tôi: – Tôi đã nói mà cô không tin, bạn trai của cô là một tên du đãng. Hắn ưa thích môn võ quyền Anh đầy bạo lực. Nàng nhất định không đến căn nhà tôi ở, “Đến nhà anh nguy hiểm lắm.” Tôi không biết nàng hiểu tôi ra sao. Có thể tôi nồng nhiệt như con Lucky, nhưng tôi không hề âm mưu lẩn lút như loài mèo. Vậy là nàng và tôi gặp nhau ở các quán nước; lần nào sau đó nàng cũng có sáng kiến đi chơi ở chỗ khác nữa. Trước khi đến đâu, nàng đều bảo tôi: “Em tạt qua đây có tí việc, anh chờ em một chút xíu mà thôi.” Tôi phải hiểu một chút xíu của nàng luôn luôn kéo dài gấp hai ba chục lần, tôi cứ an tâm chờ đợi ở đầu một con hẻm chẳng hạn, để nàng mất hút trong đó.

Sáng nay nàng có chút việc gì đấy ở khu vực Bà Quẹo, đầu hẻm nàng rẽ vào có quán cà-phê bình dân. Tôi ngồi uống ly cà-phê bít-tất đợi nàng. Trong quán có nhiều người đổ cà-phê ra dĩa cho mau bớt nóng để uống nhậm lẹ. Những chiếc xe ngựa thồ hàng chạy qua lại trên đường phố. Bên kia đường, một chiếc xe ngựa trống không dừng lại dưới tàn bóng mát cây lớn. Người xà ích băng qua đường phố, vào quán ngồi chung bàn với tôi. Tôi ngó khắp châu thân ông ta, muốn nhận xét đặc điểm của một người xà ích, nhưng tôi chẳng thấy gì lạ, khác biệt những người không phải là xà ích. Tôi đành nhận xét: đặc điểm của người xà ích, là người đó làm việc ở giữa chiếc xe và con ngựa. Tôi bắt chuyện với người xà ích có vẻ giản dị chân thật: – Con ngựa của bác ăn no quá sức. Tôi thấy cái bụng con ngựa căng lớn. Con ngựa đứng cúi đầu ở phía trước cái xe. – Nó có thai đó. – À ra vậy. Tôi không rành về ngựa. Người xá ích chợt ngó tôi chăm chú, nói: – Coi chú em thiệt văn nhã. Chú em có biên thơ biên văn chi không? – Dạ… tôi chỉ là một độc giả văn nghệ mà thôi, nhưng tôi rất ưa thích văn thơ. Gương mặt người xà ích phấn chấn thấy rõ. Ông ta nói: – Nói thiệt với chú, tui sanh ra ở chuồng ngựa, nhưng được ông chủ cho ăn học chút đỉnh, tui càng ưa thơ văn lắm, nhứt là thơ văn về ngựa. Ngập ngừng một lát rồi ông ta nói, giọng trầm hẳn xuống: – Chú em có tin tui biên văn biên truyện không? Mà tui chỉ biên những bài văn ngắn thôi, bài nào cũng ngắn. – Cũng có nhà văn danh tiếng chỉ viết những cái ngắn. Người xà ích rộ lên vẻ vui mừng, nói: – Tui biên văn biên truyện về ngựa không hà. Những thơ văn tui ưa đọc cũng đều liên can tới ngựa. Để chú em nghe thử có đặng không, bài văn tui mới biên bữa hổm. Người xà ích thuộc lòng bài văn ông ta mới viết, rành mạch trôi chảy như đang ngó vào trang sách để đọc: Có một bài thơ về ngựa trong cuộc đua chạy với tàu hỏa*, một con ngựa nâu thiệt hùng dũng: Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu. Nhưng kết cục chỉ là bi thảm mà thôi, cái cuộc đua chạy giữa một sản phẩm thiên nhiên và một sản phẩm văn minh: Trên cánh đồng xanh một thảm nâu. Con ngựa kiệt sức té trên cánh đồng, còn tàu hỏa thì cứ lao tới mức đến của người ta. Thế còn ông già đánh xe ngựa trong một chuyện nọ** thì chẳng có một người nào chia sớt nỗi buồn con chết của ông già. Tối đánh xe về, ông già vô vọng đành ôm cổ con ngựa mà thở than. Và con ngựa, cái đầu cúi xuống, mũi sụt sịt, chia sớt nỗi buồn của ông già. Những ngày tháng sống bên chuồng ngựa, đã nhiều đêm nghe cái tiếng mũi sụt sịt của ngựa. Con ngựa ấy cảm thương gì mà sụt sịt hoài, và con ngựa ấy có đau bịnh thấp khớp không mà gõ móng xuống sàn thâu đêm. Hay con ngựa ấy bồn chồn vì cái ảo vọng của một cuộc lữ hành, con ngựa kéo xe khá gầy còm. Người xà ích đọc hết bài văn, tôi lại mong cô bạn chưa xong chút việc để được nghe thêm văn của người xà ích. Ông ta ngồi im, tư lự. – Bác chép cho tôi bài văn vừa đọc vào cuốn sổ của tôi nhé. Tôi chợt nhớ ra điều quan trọng ấy, đưa cuốn sổ và cây viết cho người xà ích. Ông ta vui vẻ bằng lòng. Vừa lúc ông ta chép xong bài văn thì tôi thấy nàng từ trong hẻm sâu chạy xe ra. – Chú em đọc lại, đừng cười tui nghen. Người xà ích có tên là Phạm Văn Vạng ghi dưới bài văn, nói với tôi như vậy, và gật đầu chào nàng. Đi song song với nàng trên đường, tôi nói: – Bác xà ích thật là tuyệt vời. Nàng nhíu mày, hỏi: – Xà ích anh nói là cái gì vậy? Tôi nói xà ích là người đánh xe ngựa. Nàng cười rũ và nói giễu tôi: – Đánh xe ngựa mà anh cũng bảo là tuyệt vời.

*Bài thơ Cánh Đồng, Con Ngựa, Chuyến Tàu của Tô Thùy Yên
**Một truyện ngắn của Anton Tshekhov

Nguồn: Da Màu