Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Đọc Sống sao trong thời đại số? của dịch giả Hoàng Thạch Quân

Cao Thu Cúc

sach 2 001clip_image002

The New Digital Age: Reshaping the Future of People, Nations and Business. Quyển sách của hai tác giả Eric Schmidt và Jared Cohen xuất bản năm 2013, quyển sách dày hơn 300 trang và được tiến sĩ Hoàng Thạch Quân dịch ra tiếng Việt, Nhà Xuất Bản Trẻ ở Sài Gòn xuất bản tháng 3 năm 2014 với đề tựa: Sống Sao Trong Thời Đại Số? Sách dịch dày 508 trang.

Eric Schmidt và Jared Cohen là hai nhà tư tưởng hàng đầu thế giới trong lãnh vực công nghệ và quan hệ đối ngoại. Hai tác giả đã dày công suy tư nghiên cứu trong nhiều năm để viết cuốn sách này, đã liên hệ gặp gỡ phỏng vấn biết bao nhiêu nhân vật tên tuổi trên thế giới, đã lấy tài liệu từ rất nhiều nguồn đáng tin cậy… để cho ra một công trình đồ sộ với những dự kiến về cuộc sống mới khi thế giới càng ngày càng có thêm nhiều người kết nối mạng.

Hào hứng và phấn khích

Các bạn thử tưởng tượng đi, nếu thế giới có thêm năm tỉ người kết nối mạng nữa thì sẽ lúc đó sẽ như thế nào? Hai tác giả đã trình bày cho ta thấy, đồng thời phân tích những đổi thay của kỹ thuật số tác động đến cuộc sống, dự đoán những gì có thể xảy ra, qua một bức tranh vô cùng phức tạp của thời đại kỹ thuật số mới trong vài thập kỷ sắp tới và xa hơn nữa, trong đó, tác giả khẳng định sẽ có cái xấu, cái tốt và cái làm cho ta lo lắng.

Trước hết là những lợi ích vô tận dành cho con người ở mọi ngõ ngách trên địa cầu, một lượng thông tin vô tận để cho mọi người có cơ hội học hỏi.

Kỹ thuật số đem đến một kho tàng kiến thức nằm trên đầu ngón tay của mọi người, điều này sẽ làm một cuộc cách mạng trong ngành giáo dục, người thầy sẽ phải thay đổi cách dạy và học trò sẽ không còn học theo cách truyền thống nữa. Việc này sẽ vô cùng thú vị đây.

Kỹ nguyên kỹ thuật số mới sẽ tạo ra hai thế giới thật và ảo tồn tại song song, hai thế giới chồng chéo nhau, tác động lên nhau, ảnh hưởng lẫn nhau tạo ra nhiều tình huống không dễ chiụ. Nhờ kỹ thuật số, con người sẽ tự do hơn, hiểu biết hơn, có nhiều năng lực làm việc hơn, sống an toàn và khoẻ mạnh hơn…Thời đại cũng sẽ làm thay đổi đời sống, thay đổi cách thức làm việc, nhiều ngành nghề sẽ không còn làm theo kiểu truyền thống nữa, nhưng dĩ nhiên sẽ tạo ra nhiều ngành nghề mới, những rào cản về ngôn ngữ, địa lý, thông tin không còn, tạo ra một không gian rộng lớn cho con người tự do bay cao bay xa.

Con dao hai lưỡi

Những gì đã viết lên trên mạng sẽ không xoá được nữa. Nhân thân trên mạng cũng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Vấn đề này mới thật nguy hiểm, trước hết là đối với trẻ vị thành niên, cha mẹ sẽ phải nói chuyện với con cái thường xuyên hơn để ngăn ngừa những gì có thể làm hại chúng sau này. Đối với đời sống xã hội, chính trị, kết nối mạng tạo cơ hội đồng đều cho mọi người, con người có liên kết rộng hơn, có thêm sức mạnh, có nhiều tiếng nói hơn. Tác giả viết: “Mỗi công dân có thiết bị di động là một nhân chứng và là thanh tra tiềm năng, họ có mặt khắp mọi nơi nhiều hơn cả cơ quan luật pháp và sẵn sàng ghi lại bằng chứng phạm tội.” Đồng thời nhờ sự tồn tại vĩnh viễn của bằng chứng trên mạng, con người sẽ trở nên tốt hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn.

Kỹ thuật số mang lại vũ khí cho người dân thì cũng mang lại sức mạnh cho chế độ độc tài, những kẻ khủng bố, những phần tử cực đoan. Các nhà nước độc tài sẽ lợi dụng để theo dõi, kiểm soát, thắt chặt gọng kềm, đàn áp… những kẻ chống đối. Chiến tranh và khủng bố vẫn tiếp diễn với mức độ tàn phá ghê gớm hơn, tác giả viết: “Xung đột và chiến tranh là một phần của lịch sử nhân loại cũng như của xã hội loài người.” Chương viết về khủng bố trong tương lai thật là hồi hộp và gay cấn. Nhưng rồi tác giả cho thấy, sức mạnh của khoa học chính nghiã, của lương tâm loài người, của sức mạnh quần chúng, sự hỗ trợ của thế giới, cuối cùng sẽ thắng, và cuộc tiến hành xây dựng tiếp theo đó, nhờ kỹ thuật số sẽ nhanh hơn và đem đến nhiều lợi ích hơn cho mọi người.

Nhìn chung, tác giả cho thấy, khoa học kỹ thuật phát triển là nhằm phục vụ con người, giúp đời sống ngày càng tốt hơn. Tác giả viết: “Ích lợi của kết nối mạng thực sự thuộc về người dân.” Kỹ thuật số cung cấp cho kẻ xấu vũ khí để hại người nhưng luôn luôn có những phát kiến mới để ngăn chặn, khống chế… Mục đích cuối cùng của kỹ thuật vẫn là lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của toàn nhân loại. Tác giả cho ta một cái nhìn đầy ưu tư lo lắng nhưng cũng có phần lạc quan về thế giới ngày mai: nhờ kỹ thuật số, lực lượng hổ trợ thế giới ngày càng mở rộng và mức độ đáp ứng ngày càng nhanh. Hãy tưởng tượng, một cú điện thoại nhận được từ đống đổ nát sau trận động đất ở Haiti năm 2010: “Tôi bị chôn dưới đống gạch. Nhưng tôi vẫn còn sống.” và những gì diễn ra sau đó có phải giống như một phép lạ không?

Khoa học kỹ thuật là một con dao hai lưỡi. Con dao đầy quyền lực này được sử dụng như thế nào còn tùy thuộc vào lương tâm của người sử dụng nó. Một cuộc sống rất hào hứng và đầy sóng gió đang chờ đón nhân loại ở phía trước.

Một công trình dịch thuật công phu, đáng tin cậy

Đọc xong cuốn sách, càng phục hai tác giả bao nhiêu tôi càng phục dịch giả Hoàng Thạch Quân bấy nhiêu, người đã công phu cần mẫn ngồi dịch từng câu từng chữ, nhất là phần phụ chú với những câu những con số những ký hiệu buồn chán, Hoàng Thạch Quân đã dịch trọn vẹn đầy đủ tất cả. Thật là một công trình dịch thuật rất công phu, đáng tin cậy và đáng khâm phục. Quyển sách dịch cũng cho tôi biết thêm nhiều từ chuyên môn, từ đó tôi hiểu sâu hơn những khái niệm phức tạp mới mẻ của kỹ thuật số như: Augmented reality (tương tác thực tế), Router (bộ định tuyến) Cloud computing (điện toán đám mây)… Cuốn sách dịch xuất hiện rất sớm kịp thời đem đến cho độc giả Việt Nam những thông tin rất có giá trị về kỷ nguyên kỹ thuật số mới đã và đang tiếp tục diễn ra quanh ta.

Đọc xong tác phẩm tôi bâng khuâng tự hỏi: Tôi là kẻ may mắn, hay thiếu may mắn, khi không phải sống trong thời đại bão táp của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong vài thập kỷ sắp tới?

Cám ơn hai tác giả và dịch giả đã cho tôi những khoảnh khắc sống tràn đầy phấn khích./.