Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA TRIẾT GIA TRẦN ĐỨC THẢO

(tiếp theo)

Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê

Đột tử trước thềm chân lý…!

Nhưng rồi bỗng bác Thảo không cần tới những may mắn đến dồn dập ấy nữa…!

Chiều hôm sau đó, tôi đang lái xe trên đường về nhà thì nghe đài “France Info”, mà tôi có thói quen mở nghe tin tức khi lái. Bỗng đài này loan tin giáo sư Trần Đức Thảo, nhà triết học Việt Nam vừa qua đời! Tin đột ngột ấy làm tôi lạnh người và buột miệng:

-Ôi! Thế là cuốn sách không còn cơ hội chào đời! Phải chăng tên đao phủ đã ra tay?

Việc đầu tiên là tôi tìm gặp ngay bà Bích Hồng để được nghe bà kể thật chi tiết.

Thật là quá bất ngờ! Bác Thảo hằng ngày vẫn có nếp ăn uống rất tinh khiết, không bao giờ ăn thức ăn cũ. Vậy mà ngay xẩm tối hôm thứ năm ấy, bỗng bác bị “thượng thổ, hạ tả” như bị trúng độc: vừa nôn mửa, vừa đại tiện tràn lan đến mệt lả đi. May là lúc đó bà Bích Hồng đang có mặt. Bà vội dìu bác vào nhà tắm, tắm rửa bằng nước nóng cho sạch sẽ, rồi lấy quần áo sạch thay cho. Sau đó đưa bác vào nằm tạm trong một căn phòng ở ngay tầng dưới ấy. Đấy là phòng của một cán bộ của sứ quán, lúc đó đi vắng xa. Bác Thảo dần dần tỉnh táo lại, nằm nghỉ và không hiểu tại sao, đã ăn phải thứ gì mà bị ngộ độc như thế. Bà Bích Hồng vào hỏi thăm. Bác cảm ơn sự săn sóc của bà, rồi bác tâm sự một cách rất lạc quan và tự tin:

-Này bà Bích Hồng này! Mai mốt, tôi thuê nhà ra ở riêng, bà về làm cho tôi. Mỗi tháng tôi biếu bà năm trăm. Như vậy chúng ta sẽ sống thoải mái, tự do hơn là sống ở đây.

Câu nói ấy chứng tỏ bác Thảo vẫn không có ý thức gì về tình hình giá cả trong đời sống: vì số tiền lương đề nghị ấy là quá nhỏ, không đáng kể.

Bà Bích Hồng tới đặt tay lên trán bác, thấy vẫn có nhiệt độ cao, tức là vẫn còn đang bị sốt.

Đêm ấy, bác chỉ uống một ly sữa nóng rồi nằm nghỉ. Sau thấy nhức đầu quá nên được cho uống một viên Aspirine. Cả đêm bác rên rỉ vì cơn sốt vẫn cao. Đến gần trưa hôm sau, thứ sáu, cơn sốt tăng đến mê sảng, chốc chốc lại giật mình la hét lên. Bà Bích Hồng chạy vào lay gọi cho tỉnh lại để bớt rên la. Bỗng bác ngồi nhỏm dậy, mặt đỏ gay vì mê sảng, hốt hoảng, tay nắm thật chặt lấy cánh tay phải bà Bích Hồng miệng la lớn:

-Nó kiểm điểm! Nó kiểm điểm!

Bà Bích Hồng lay gọi:

-Bác Thảo! Bác Thảo! Bác buông tay tôi ra! Bác làm tôi sợ quá! Buông tay tôi ra!

Bị lắc người thật mạnh, bác Thảo buông tay bà Bích Hồng ra, rồi nằm vật mình xuống. Nhưng yên được một lúc thì lại lên cơn mê sảng, rồi ngồi phắt dậy, mặt vẫn đỏ gay, hoảng hốt rồi thét lên như đang trong cơn ác mộng:

-Đông Âu đấy! Đông Âu đấy!

Nói rồi lại nằm xuống, xuội lơ, duỗi thẳng tay chân, không còn biết gì nữa…Bà Bích Hồng sợ quá vội kêu la cầu cứu ầm ĩ. Cán bộ Hào từ trên tầng lầu xuống, tới gần quan sát, rồi chạy ra gọi điện cho sứ quán.

Một lát sau, đại sứ Trịnh Ngọc Thái tới, ông quyết định gọi xe cấp cứu của hệ thống cấp cứu công cộng SAMU.

Bác sĩ của toán cấp cứu hỏi:

-Trước đó bệnh nhân đã làm gì để rồi rơi vào hôn mê?

-Ông ta trước đó, đã bị ngất xỉu rồi bị té ở cầu thang!

-Bị ngất xỉu đến té ngã như vậy, sao không thấy thương tích gì trên người?

-Cái đó thì tôi không rõ, nhưng ông ta cũng đã cao tuổi rồi và rất yếu…

Bác sĩ cấp cứu quyết định cấp tốc đưa bệnh nhân vào nhà thương. Nơi gần nhất và thích hợp cho trường hợp này là bệnh viện đa khoa Les Broussais, cách đó chỉ vài phút xe hơi. Tới nơi, bác sĩ cấp cứu trực của bệnh viện chích cho bác Thảo một mũi thuốc an thần, và giữ lại tại phòng hồi sinh để theo dõi. Đêm ấy bác Thảo vẫn sốt, nằm bất tỉnh, ngủ li bì. Đến khoảng năm giờ rưỡi sáng ngày 24 tháng tư, năm 1993, bác sĩ trực phòng hồi sinh ghi nhận bác Thảo đã trút hơi thở cuối cùng! Ngay sau đó, bệnh viện làm thủ tục đưa người quá cố xuống nhà xác.

Khi được tin, tôi tìm tới nhà xác của bệnh viện. Nhìn bác nằm đấy, vẻ mặt đăm chiêu như vẫn còn đang suy nghĩ, sắp xếp những chương mục cho cuốn sách, tôi không khỏi ngậm ngùi thương cảm cho số phận nghiệt ngã của bác.

Than ôi! Thế là một cuộc đời khổ ải đi tìm chân lý, đi tìm cách mạng…đã vụt tắt. Một cuồng vọng nói lên sự thật, bất chấp bao đe dọa, cuối cùng đã bị chặn lại bởi một cái chết đột biến, tức tưởi. Hành trình đầy triển vọng, với mộng ước thực hiện một cuộc cách mạng huy hoàng cho dân tộc và cho cả nhân loại, với phát minh một “lý thuyết hiện tại sống động”, với một “lô- gích vừa biện chứng, vừa hình thức” từ nay bị dang dở! Cả một sự nghiệp triết học trải nghiệm công cuộc cách mạng Việt Nam rồi đây sẽ chìm vào quên lãng…

Và cuốn sách mang hi vọng “giải mã, giải tà quá khứ để giải thoát, giải phóng hiện tại và tương lai…để chuộc tội” mà bác nóng lòng hoàn thành, nay đã vĩnh viễn chìm vào im lặng!

Một cuộc đời thanh bạch, chân thật, không hạnh phúc, không danh vọng đã kết thúc thật oan nghiệt!

Nghĩ lại những giây phút vui mừng, lạc quan, tràn đầy hi vọng, tưởng như cuối cùng, may mắn và hạnh phúc đã đến với bác Thảo. Nhưng chúng đã bị tan biến thật phi lý.

Nhìn bác khiêm tốn nằm đấy, ai cũng nghẹn ngào. Không cầm được nươc mắt, khóc thương cho một kiếp người tận tụy với lý tưởng, với chân lý, nhưng rồi giấc mộng đã không thành…

Chỉ còn biết nguyện cầu cho vong linh bác được an nghỉ từ đây!

Sáng hôm chủ nhật 25 tháng tư, Canh rủ tôi vào thăm lại bác lần cuối. Tơi nơi thì thấy đã có mấy người thân với bác lúc cuối đời đang ngậm ngùi chung quanh bác. Tôi chỉ nhận ra bà Bích Hồng, bà Hồng Hạnh là hai người đang sụt sùi khóc, giáo sư Boudarel, và một nữ ký giả Pháp, và vài người nữa tôi không nhớ tên…Nhờ anh LT lúc đó có mang theo máy chụp hình nên đã ghi lại được giây phút cảm động này.

Trong nhà xác của bệnh viện, lúc ấy, bác Thảo tạm nằm đó, trên một giường sắt cũ kỹ giản dị như cuộc đời bác: một tấm vải drap cũ trắng ngà của bệnh viện che phủ cao lên tới tận cổ, chỉ để hở phần mặt. Trên bụng bác, ai đó đã đặt một bó hoa cúc trắng. Bác nhắm mắt đăm chiêu, nhưng nét mặt vẫn cau có, tập trung, như trong đầu, tư tưởng, tinh thần, nghị lực vẫn đang sôi sục vận hành, như vẫn đang suy nghĩ về những vấn đề trọng đại của triết học, của con người…Vậy mà bộ óc cất giữ cả một kho tàng về chiến tranh, về cách mạng ấy, nay đã tan vào…hư vô!

Nhìn bác cô đơn, khiêm tốn nằm đấy, tôi cảm thấy thật là hụt hẫng, như vừa mất một cái gì cần thiết cho cuộc sống tinh thần của chính tôi, như cuộc đời bỗng mất hết ý nghĩa! Cái chết của người đang nằm đây làm cho kẻ tầm thường như tôi phải băn khoăn tự hỏi: cuối cùng, sống lặng câm, vất vả, ngược xuôi, chịu đựng bao dằn vặt, cặm cụi làm việc suốt cả đời như thế để làm gì? Để cho ai? Để còn lại gì? Tôi chỉ ghi nhận một điều này: lúc cuối đời, bác Thảo đã hăng say, hào hứng, hăm hở hoàn thành một cuốn sách “để đời”, “để trả nợ đời”…nhưng chưa viết xong phần mở đầu thì đã bị cái chết chặn lại. Cái chết đã tàn nhẫn chấm dứt sự bắt đầu của một công trình lớn! Thật là tiếc, vì bao người đang bồn chồn, nóng lòng chờ đợi cuốn sách mang thông điệp “giải thoát, giải phóng” mà bác Thảo đã hứa: “Khi cuốn sách này được xuất bản thì các anh sẽ thấy mọi nút thắt, mọi trói buộc, mọi sức ép sẽ được tháo gỡ ra cho bằng hết…để minh bạch vấn đề công tội trong lịch sử…Công của ai, tội của ai? Đấy là cách chuộc tội của Trần Đức Thảo này!” Nay thì điều mong ước ấy đã tiêu tan. Đây không phải lần đầu tiên tôi thấy kẻ nhận trách nhiệm và tỏ hối hận khi đã quá trễ. Nhưng trường hợp hối hận và muốn chuộc tội bằng một công trình triết học mà bác Thảo đang làm, như tôi thấy, thì đấy thật là một bi kịch lớn. Bởi đấy là một sự sám hối chân thành, căng thẳng, bồn chồn vội vã, sau gần cả một đời im lặng tư duy về mối tương quan giữa chân lý và cách mạng, chứ không phải chỉ là cách nói vớt vát đãi bôi lúc cuối đời của nhiều nhà chính trị…

Đến bản tin buổi trưa, đài phát thanh “France Info” (Pháp quốc tin tức) là đài đầu tiên loan báo: “Nhà triết học Việt Nam, Trần Đức Thảo, vừa qua đời tại bệnh viện Les Broussais, lúc 7 giờ sáng ngày 23 tháng tư vừa qua ở tuổi 76. Trước năm 1951, ông nổi tiếng ở Paris là một nhà hiện tượng học. Sau đó ông trở về Việt Nam và đã rơi vào im lặng trong suốt bốn mươi năm. Ông mới trở lại Paris năm 1991.”

Nhật báo Le Monde phát hành vào chiều thứ 2 nhưng đề là ngày 27 tháng tư, nơi trang trọng chuyên đăng tin cáo phó của tờ báo, người ta đọc được lời cáo phó nguyên văn như sau:

“Phòng hộ tịch lãnh sự quán Việt Nam tại Paris đau buồn loan báo: cựu giáo sư triết học Trần Đức Thảo của đại học Hà Nội, đã tạ thế ngày 24 tháng 4 năm 1993, thọ 77 tuổi.” (Le Monde ngày 27 tháng tư)

Tuy không được thông báo rộng rãi ngày giờ làm lễ hỏa tang, nhưng ngay từ lúc tin bác Thảo qua đời, từng nhóm thân hữu đã tới bệnh viện Les Broussais để nghiêng mình tiễn chào trước linh cữu của bác.

Rồi gần trưa ngày 29 tháng tư, cũng là vào ngày thứ năm, đã có mặt ở khu hỏa táng của nghĩa trang Père Lachaise của thành phố Paris, khoảng bốn chục người, đa số là những người có đôi chút thân tình với bác Thảo từ khi bác trở lại Paris. Họ đợi khá lâu, tới lúc gần trưa thì xe nhà đòn chở quan tài bác đến. Theo sau không có xe thân nhân gia đình, điều đó dễ hiểu. Nhân viên nhà đòn đưa ngay quan tài xuống phòng lễ tang, để chờ được đưa vào lò thiêu. Tại tầng hầm rất rộng ấy, có ba phòng lễ tang như vậy.

Quan tài bác Thảo được đặt giữa một phòng lễ tang. Hai bên đầu quan tài là hai vòng hoa cỡ lớn: một của “Mặt Trận Tổ Quốc” do Sứ quán đặt theo lệnh từ Hà Nội, một của “Amicale Trần Đức Thảo” do tiền còn lại từ những đóng góp để bác chi tiêu lúc sống. Và vài bó hoa cầm tay lẻ tẻ của người không thuộc nhóm thân hữu Trần Đức Thảo. Nhưng nghi thức hỏa thiêu chưa bắt đầu, mọi người bỏ lên sân chờ đợi cho thoáng mát, vì đây là một buổi sáng sớm có nắng đầu xuân. Tất cả chờ. Họ tụm nhau ở góc sân bên trái, để thì thầm bàn tán về cái chết đột ngột có quá nhiều nghi vấn của bác Thảo. Thông lệ là kiều bào ở đây rất hiếm cơ hội gặp nhau, nên chỉ có thể nói chuyện, trao đổi thăm hỏi tin tức trong những dịp ma chay như thế này.

Bỗng một xe Mercedes đen lớn, bóng loáng mang biển số màu xanh của ngoại giao đoàn lao tới. Xe ngưng ngay cạnh góc phải của sân, một vệ sĩ cao lớn mà người Pháp thường gọi với tiếng bình dân là “đười ươi” từ phía cạnh tài xế, vội tung cửa nhào nhanh ra để trịnh trọng mở cửa cho đại sứ Trịnh Ngọc Thái bước ra khỏi xe. Ông đại sứ nhìn thấy đám đông ở góc trái, thay vì tiến lại bắt tay trò chuyện với kiều bào của ông, ông lại ngần ngại, tránh né, bước qua góc phải đứng một mình một góc xa họ. Vài nhân viên sứ quán bỏ phía chúng tôi từ từ, khúm núm tới đứng quanh ông đại sứ.

Sau đó đại sứ Trịnh Ngọc Thái đi xuống phòng tang lễ, mọi người xuống theo. Đợi mọi người vào hết, đại sứ Trịnh Ngọc Thái chậm rãi rút ra từ túi áo vét, một tờ giấy, để chuẩn bị đọc. Ai cũng nóng lòng chờ đợi xem “đảng” và nhà nước tỏ thái độ ra sao qua bài điếu tang sắp được đọc đễ tiễn biệt người quá cố một thời nổi tiếng ngay tại Paris này.

Rồi ông đại sứ đọc. Hóa ra đây không phải là một bài điếu văn, mà chỉ là một bức điện tín vô cảm, ngắn gọn chỉ có vài dòng. Bức điện cho biết giáo sư Trần Đức Thảo được truy tặng huân chương Độc Lập. Chỉ có vậy thôi. Không một câu chữ lịch sự tối thiểu ca ngợi hay thương tiếc dành cho người quá cô. Đọc xong mẫu điện tín ngắn ngủi ấy, quan tài được chuyển vào lò thiêu. Ông đại sứ ra về ngay sau đó. Mọi người xì xào bình luận về bài điếu tang vắn tắt, vô cảm như thế. Một cụ cao tuổi lắc đầu, buồn rầu nói:

-Chắc bác Thảo nằm trong quan tài, cũng phải giật nẩy mình khi nghe thấy mình được gắn huân chương Độc Lập. Thật là không thể ngờ có một lối ứng xử hai mặt trái ngược nhau lúc sống, lúc chết như thế!

Vậy là chấm dứt một cuộc đời gian nan đầy ngang trái. Cầu cho vong linh nhà bác được vĩnh viễn…an nghỉ từ đây.

Chết rồi vẫn…gian nan!

Nhưng rồi sau cái chết, vong linh bác vẫn chưa được an nghỉ!

Bởi sau đó, thiên hạ lại bàn tán ồn lên về một tin buồn thảm: bình tro của bác đã được gửi về Hà Nội, nhưng bị bỏ vô thừa nhận dưới gầm cầu thang của một nhà đòn đám ma…ở ngay giữa thủ đô của nước Cộng hoà Xã Hội Chủ NghĩaViệt Nam!

Rồi nghe nói tình trạng này đến tai bà Nhất, người bạn đời đứt quãng của bác Thảo, làm cho bà trăn trở. Bà quyết định xin được đứng ra lo mồ mả cho bác. Và mấy người thân của bác ở Hà Nội đã cố vận động để xây cho bác một mộ phần ở trong Nghĩa Trang Liệt Sĩ Mai Dịch, nơi dành cho những bậc có công với đất nước. Vì bác đã được ghi công bằng tấm huân chương Độc Lập. Nhưng sự vận động xin đất ấy đã bị chính quyền từ chối. Một cuộc tranh cãi và phản kháng nhỏ đã diễn ra. Chính quyền giải thích: nghĩa tràn liệt sĩ Mai Dịch chỉ dành cho bậc có công lao với đất nước. Còn với huân chương Độc Lập không thôi, thì Trần Đức Thảo chưa đủ tiêu chuẩn. Chẳng lẽ coi mấy cái nghiên cứu thuần sách vở ấy là công lao với đất nước…sao? (!)

Cuối cùng nắm tro tàn ấy đành phải mang về để trong một ngôi mộ do bà Nhất lo xây cất tại nghĩa địa của thường dân ở Văn Điển…Nhưng “người ta” đã đặt cách cho phép xây ngôi mộ ấy ở một đầu dãy! Thôi như thế cũng là một cách đối xử, tuy vẫn là một sự phân biệt giai cấp, nhưng cũng là tương đối tử tế. Chuyện phân biệt giai cấp, công lao kia cũng chỉ là thứ phù phiếm, chắc người như bác Thảo chẳng thèm khát thứ danh vọng ấy.

Nhưng rồi đến năm 2000, hương hồn bác Thảo lại bị phiền hà thêm một lần nữa. Bởi được nhà nước lại lôi vong linh bác ra để nhận thêm Giải Thưởng Hồ Chí Minh.

Nhưng rồi vong linh ấy vẫn chưa hết gian nan, vẫn còn bị sách nhiểu thêm nhiều lần nữa chứ chưa hẳn là đã được yên nghỉ! Vì cho tới nay vẫn cứ lai rai còn những bài báo “lê phải”, khi thì lôi ra những nghiên cứu vớ vẩn của bác để ca ngợi, để bày tỏ bác là người được chế độ. Khi thì để đề cao bác có tư tưởng rất trùng hợp với “tư tưởng Hồ Chí Minh”!!! Người ta tiếp tục tô hồng, đánh bóng lại một vóng dáng tiều tuỵ, uốn nắn lại một Trần Đức Thảo, không phải là cô đơn, mà là rất gần gũi, thân thiết với lãnh đạo!

Thực ra thì trong dư luận, đã có một phản ứng mỉa mai cay đắng ngay sau khi bác vừa về với cát bụi: hàng loạt bài báo ngậm ngùi tố cáo cách đối xử tàn nhẫn với một bộ óc hiếm có của dân tộc! Họ đã tả thực bằng cách giễu cợt cuộc sống gian khổ của một nhà triết học “từng tranh luận với Giăng Pôn Sác”, mà nay trở thành một kẻ ngớ ngẩn, túng quẫn, đói khổ, lúc nào cũng như ngơ ngác không biết thích nghi với cuộc đời và xã hội. Chỉ cần đọc lại mấy mẫu hí hoạ rất thản nhiên, rất “vô cảm” như thường thấy của một nhà văn lớn của “đảng” là Tô Hoài, trong hai cuốn “Chiều Chiều” và “Cát bụi chân ai…,” khi ông kể lể về một Trần Đức Thảo tiều tuỵ, đang cố tập ăn mặc nâu sồng, tập chịu đựng sốt rét…để bắt kịp “đà tiến bộ của các cậu,” nghĩa là của những người như Tô Hoài! Không thấy ai nói tới một sự chăm sóc, quí mến của lãnh đạo đối với “nhừ triết học lừng danh và được kính trọng” ấy.

Câu chuyện dài về một trí thức lớn, một nhà triết học quí hiếm của một dân tộc nhược tiểu, từ nơi quê hương kém mở mang, lạc hậu, nhưng luôn luôn tự hào một đất nước có mấy ngàn năm văn hiến, và đang chuyển mình thành một “con rồng” của châu Á, câu chuyện ấy đã không thể chấm dứt bằng một cái chết. Càng về sau, càng có nhiều bài báo giới thiệu, giải thích, ca ngợi về những gì nhà trí thức ấy đã nghiên cứu, đã viết, đã được công bố, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng…Tuy ở chính đất nước có ngàn năm văn hiến ấy, nhà trí thức ấy đã sống một kiếp đoạ đầy, không thấy một ai dám bênh vực, không thấy một hội đoàn, một cơ quan văn hoá, văn minh nào dám gióng lên một tiếng kêu cứu, để giúp nhà triết học có thể sống đàng hoàng, để che chở ông lúc bị đám đông “trí thức” xúm vào đánh đòn hội chợ. Vậy mà nay ông chết rồi, thì ông lại được huân chương, giải thưởng cao quí, lại được học trò cũ lao xao ca ngợi. Nay không ít người hãnh diện tự khoe từng là người thân cận, từng là bạn, là đồng chí, là học trò của nhà triết học ấy! Không thể hiểu thời địa này là thời đại gì mà lại lắm “thân thích” với nhà triết học như thế!

Điều đáng tiếc, đáng buồn là ít ai biết được rằng lúc cuối đời, chính con người, một thời từng chân thành tự nhận mình là người mác-xít ấy, đã giác ngộ, đã can đảm nhìn nhận thái độ a dua hèn hạ, đã thú nhận sai lầm của mình, để bác bỏ, phủ nhận những gì đã viết trong cái thời sai lầm vì cuống tín ấy. Và từ đó, nêu ra nhận thức mới, để đánh giá lại tư tưởng, sự nghiệp, với vấn đề công tội của Marx! Rồi nhà triết học ấy đã vội vã lao mình vào một công trình biên soạn một cuốn sách, “để chuộc lại những lỗi lầm, sai lầm” của mình!

Mấy người đã chứng kiến rõ sự việc này, tới nay vẫn còn im lặng. Không biết là họ bảo vệ ông Marx hay để bảo vệ chính họ? Hay là họ còn e ngại, sợ sệt…trước quyền lực ma quái vẫn đang bao trùm lên thân phận họ và lên xã hội mà họ đang sống?

Dù thế nào thì việc đánh giá cuộc đời và sự nghiệp Trần Đức Thảo sẽ là môt công việc khó khan. Bởi việc trả lại công lý cho Trần Đức Thảo cần tới lòng dũng cảm, cần có tinh thần lương thiện trí thức (mà không biết có hay không?), cần tới trí tuệ. Bởi con người ấy đã sống, đã nghiên cứu, đã trải nghiệm trong bối cảnh đầy nhiễu loạn tư tưởng, đầy diễn biến đau đớn, sôi động, phức tạp, trong cái thời lương tri con người bị lu mờ vì chiến tranh, vì cách mạng, tức là cái thời tràn đầy những thủ đoạn chính trị, những mưu kế gian xảo, vừa ngu tín, vừa cuống tín, khi thì đòi xét đi, khi thì phải “xét lại”, rồi là lại “chống xét lại”…!

Dù sao thì nhà triết học ấy đã tự bào chữa bằng sự can đảm thú nhận cái hèn, cái sai của chính mình, bằng sự kiên trì giữ vững lập trường chân thật của mình cho tới cùng.

Không ít người cho rằng cuộc đời ấy là một thất bại, vì đã không biết thoả hiệp với quyền lực đương thời, không biết thích nghi dù chỉ là trong một giai đoạn tạm thời, để “đi với Bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”! Nhưng cũng nhờ vậy mà nay những gì mà nhà triết học để lại đều thuộc về một sự nghiệp khả tín, chân thật.

Không rõ sự thất bại trong chính trị của nhà triết học, có được coi là một thành tựu có ích cho triết học? Dù thế nào thì cuộc đời ấy cũng là sự trải nghiệm tuy đau đớn nhưng quí hiếm trong hiện thực khai triển cách mạng, chứ không phải trong sách vở. Đây là một bài học về sự vận động của thời gian, do con người, cho con người và cho xã hội, trong lịch sử cận đại…

Có người cho rằng nhà triết học Trần Đức Thảo đã thất bại vì cái tội ngông cuồng muốn làm một việc không thể làm, là trở về quê hương cộng tác với “cụ Hồ” xây dựng một mô hình cách mạng mới mẻ mà loài người mơ ước! Và ông đã chết vì tội thứ nhì là lúc cuối đời đã cố chứng minh cái gốc của mọi sai lầm và tội ác là do cụ tổ Marx, trong khi cung đình vẫn sùng bái, vẫn quả quyết bảo lưu rằng Marx “đúng” “duy nhất đúng”! Nhưng đối với tôi cả hai tội vừa kể đều không thể coi là tội, bởi mơ ước và hành động sám hối chuộc lỗi đều là quyền cơ bản cao quý của con người trí thức chân chính.

Tôi tin rằng trước ông đã có, rồi sau ông sẽ còn có, những người tiếp tục những công trình đội đá vá trời như thế. Nên sự ra đi đột ngột của ông tuy có thể là một dang dở, một tổn thất, nhưng không thể là một chấm dứt, một mất hẳn, một thất bại của triết học. Vì chứng tích của sự nghiệp ấy còn đó, cái “hiện tại sống động” mà ông đang hào hứng triển khai vẫn còn đó. Hậu thế vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu nó để tìm hiểu nó thật cặn kẽ…

Nay thì những năm tháng cứ tiếp tục trôi đi, sự chờ đợi thành vô vọng. Lớp bụi thời gian cứ phủ lên mỗi lúc mỗi thêm dầy! Quái ác hơn nữa, theo sau sự quên lãng ấy, là những lớp bụi rậm, những lớp rác rưởi đã, vô tình hay cố ý, bao phủ, che khuất, như muốn lấp kín mọi sắc thái tư tưởng đích thực của ông!

Trần Đức Thảo đã cố gắng làm sáng tỏ chân lý bằng cách sống và cách làm việc của ông. Đó là vì tôn trọng sự thật, tôn trọng con người, chứ không vì danh lợi, không vì địa vị. Vì vậy, việc truy tặng huân chương và trao giải thưởng, dù là cao quý, dù là một cách chuộc lại những gì còn có thể chuộc của một thời lịch sử đã bị ô nhiễm vì gian dối. Thế nhưng hành động ấy có thể lại gây thêm một ngộ nhận, một sự phản bội lại tư tưởng độc lập của nhà triết học. Bởi Trần Đức Thảo đã có nhận xét về một lịch sử đã bị làm hỏng, làm bẩn, mà người ta khéo léo gọi đó là một thời đầy những “mảng tối”! Hu vọng rồi đây, sẽ tới một thời trong sáng, sạch sẽ, liêm khiết, một thời dũng cảm, để làm công việc giải tà, dọn rác cho lịch sử, chứ không phải để cố duy trì những cái “duy nhất đúng.” Bởi những cái “duy nhất đúng” ấy đã làm ô danh cả lãnh tụ, cả “đảng” lẫn cả cách mạng.

Sau này, chừng nào hậu thế đó có đủ điều kiện lương thiện trí thức, để mở lại vụ án<< Nhân Văn – Giai Phẩm>>, để có thể trả lại công lý cho cái phong trào tư tưởng tiến bộ ấy, cho lớp người thật sự là “tiên tiến” như Trương Tửu, như Nguyễn Hữu Đang…như cả Trần Đức Thảo…thì lúc đó mới có thể làm sáng tỏ để đánh giá tầm vóc cuộc đời và sự nghiệp, và cả về cái chết đột ngột, của Trần Đức Thảo.

Chỉ lúc ấy, hậu thế mới có thể biết rõ được giá trị sự nghiệp mà Trần Đức Thảo đã hết lòng mơ ước và đã dày công tạo dựng là như thế nào.

Đấy là một Trần Đức Thảo bi thảm, như tôi đã thấy đã gặp và đã được nghe ông trải bầy tâm sự.

Đấy là một con người tàn tạ trong gian nan, hối hận. Đấy là một cuộc đời bi thảm …mang đầy thương tích thối tha của hận thù và bạo lực. Nhưng bộ óc ấy vẫn trong sáng, không oán thù ai, mà chỉ hối hận về sai lầm, về sự im lặng của chính mình, tự thấy mình mang tội đồng lõa với sai lầm trong một thời gian quá dài. Đấy là công, tội của một kẻ tôn thờ chân lý. Không ít người cho đấy là một nỗi đau, một thất bại của nhà triết học khi đã dại khờ lao mình vào đống rác của lịch sử…với giấc mộng cuối cùng, là sẽ mang công sức và trí tuệ của mình ra để làm sạch lịch sử, làm sạch cách mạng!

Tuy vô tài, bất tướng, văn dốt, vũ dát, tôi cũng muốn gắng làm chứng cho bộ óc thông thái vô cùng bi thảm ấy. Bi thảm vì thấy mình uổng phí cuộc đời: lúc có thể, lúc nên nói, nên vùng dậy để bênh vực con người và những giá trị văn minh văn hoá, để dũng cảm ngăn chặn tội ác, để uốn nắn cách mạng theo hướng thiện, thì ông đã không làm. Nay thấy cái sự im lặng trong suốt mấy chục năm qua là đã đồng loã với cái sai, với cái dối, cái ác. Bỉ thảm vì vào lúc hoàng hôn cuộc đời, nỗi hối hận đã thiêu đốt ông, đã hối thúc ông phải vùng dậy để thành công, để chuộc tội. Nhưng than ôi, đã quá trễ! Cái chết không cho ông chuộc lại tội đã uổng phí cuộc đời, uổng phí bao nhiêu năm ăn học, uổng phí bao nhiêu năm nghiền ngẫm suy tư…về cách mạng!

Với bài học của đám trẻ nghèo khổ phải kiếm sống trên những bãi rác bao la, nhưng chúng có con mắt tinh anh, bén nhạy, nhanh tay bới tìm ra từ đống rác đó nhưng gì còn dùng được, tôi cũng muốn cố bới tìm trong đống rác lịch sử đương đại, để nhặt nhạnh, từ cuộc đời và sự nghiệp dang dở Trần Đức Thảo, một chút gì còn dung được. Chẳng lẽ một cuộc đời đầy ắp tư duy thông thái ấy đã không để lại được chút gì hữu ích cho hậu thế? Chẳng lẽ tôi cứ thản nhiên, vô cảm đứng nhìn cái cái đống rác thối rửa vĩ đại ấy vĩnh viễn vùi lấp ông sâu vào thối tha và quên lãng? Như vậy thì cuộc đời bi thảm ấy thật là lãng phí. Bởi thế, tôi cố kể lại, chia sẻ cùng bạn đọc, cái may mắn của tôi vì đã được triết gia Trần Đức Thảo coi như người thân, để ông tâm sự nỗi niềm. Tôi đã lắng nghe ông vì cuộc đời ông tuy bi thảm, nhưng đã tích luỹ nhiều điều thật hay, cũng hữu ích cho người nghe, là…tôi.

Phục lục

Chép lại từ cuốn băng ghi âm mấy lời tâm sự của gs Trần Đức Thảo mười hai ngày trước khi ông lìa đời.

(Hôm ấy, là thứ Ba 12 tháng Tư năm 1993, vào khoảng gần 6 giờ chiều, mấy an hem chúng tôi tới “Nhà Việt Nam” ở đường Cardinal Lemoine, quận 5, Paris, để nghe gs Trần Đức Thảo thuyết trình tiếp như thường lệ mấy phần đầu của một cuốn sách đang được ông soạn thảo, thì bất ngờ thấy nhiều người có vẻ bực tức, lục tục bỏ ra về. Khi chúng tôi vừa tới, họ mách bảo: “Buổi thuyết trình bị cấm rồi”…Nhưng sau đó, chúng toi cũng vào được để tìm hiểu lý do. Lúc đó gs Thảo đang thầm thì với anh Dũng, bên cạnh đó anh Lê Tiến (LT) trong phòng hội của “Nhà Việt Nam”. Anh LT cùng gs Thảo kéo tôi bước sang một phòng nhỏ phía sau để nói chuyện cho kín đáo tránh những cái nhìn đang thắc mắc tại sao bỗng nhiên lại có lệnh cấm buổi nói chuyện đã được loan báo từ trước. Chính trong căn phòng nhỏ này, tôi đã ghi âm lại những lời tâm sự mà nay nó trở thành những lời trăn trối quan trọng và rất cảm động).

Và sau đây là bản chép ra từ phần ghi âm ấy.

Như những lời trăn trối

Trước sự thất vọng vì buổi thuyết trình dự trù đã bị cấm quá đột ngột, gs Thảo đã bực bội nói ra những gì bác đã cất giấu trong đầu lúc đó. Bác lớn tiếng, tay đập xuống bàn, dằn từng tiếng mà nói:

-Chỉ tại tôi muốn nói ra là chính Marx sai.

Tôi hỏi:

-Tại sao bây giờ bác mớ nói Marx sai?

Bác Thảo lại đập mạnh tay trên bàn một cách giận dữ:

-Bây giờ tôi mới nhận ra là chính ông Marx sai. Chứ không phải là ông Marx nói đúng rồi học trò học sai. Chính ông Marx cũng sai.

-Nhưng bây giờ lại có phong trào đòi “đọc lại kinh điển”…

-Đấy! Thì mấy cái thằng đòi đọc lại kinh điển, rồi chúng nó vẫn cứ thế…Đến lúc có gì kiểm thảo lại thì lại bảo: sai là chúng tôi sai, chúng tôi sẽ đọc lại Marx. Nhưng mà chính ông Marx cũng sai. Rồi cứ thế luẩn quẩn mãi thế…

-Bác phải chỉ cho họ thấy chứ!

-Thì hiện nay tôi đang chỉ, vì thế mà chúng nó muốn đè đầu tôi. Nếu mà không nhận ra là ông Marx sai thì không thể nào thoát ra khỏi chỗ này được.

-Nhưng mà “lần này” là còn phải bao lâu nữa bác mới chỉ rõ cho họ biết được?

-Còn độ vài tháng nữa thôi. Có lẽ tôi cũng phải làm sớm hơn, có lẽ cũng chỉ hai ba tháng nữa thôi. Tại vì để lâu quá rồi. Vì chúng nó vẫn cố giữ địa vị. Hiện nay thất bại như thế rồi nhưng vẫn cố giữ địa vị, cố giữ cái món ăn tiền…cứ bảo vệ ông Marx. Bảo sai là chúng tôi sai, nhưng ông Marx ấy đúng. Cứ bảo vệ ông Marx.

-Bây giờ có mấy cái nghị quyết muốn xiết lại…

-Tai hại nhất là cái thằng Balibar ấy, cái thằng ấy là nó lại là siêu Marx! Nó giả vờ đứng về phía Marx để nịnh mấy cái thằng kia đã vốn đội Marx lên trời…Nhưng nó lại còn quá nữa, nó còn siêu hơn cả Marx nữa…

-Tức là thứ ultra đấy…

-Ừ tức là lũ ultra đấy. Thế mà cứ loanh quanh mãi…Rồi nói là chúng ta học sai. Rồi lại cứ ông Marx mãi.

-Nếu vậy thì bác phải kịp thời chỉ ra cho họ thấy chứ!

-Thì tôi đang chỉ cho họ thấy, thì cũng độ sáu tháng nữa…vì thế mà chúng nó đàn áp tôi. Nếu mà không rời ông Marx thì cứ luẩn quẩn mãi…

Anh LT chặn lại:

-Bác nói ai sai cũng được, nhưng mà phải khiêm tốn một chút…Cũng như khi Euclide viết ra cái định đề toán học, cũng có người nói ông ấy sai, nhưng…

-Không! Cái này không thể chỉ như toán học được…

-Nhưng mà bây giờ muốn hỏi bác, bác nhận thấy Marx sai từ lúc nào?

-Từ cuối năm ngoái (Tức cuối năm 1992). Tôi nhận ra rằng ông Hegel ông ấy sai, rồi ông Marx lấy lại cái phương pháp của ông Hegel. Chính cái phương pháp ấy sai. Ông Marx bảo phương pháp ấy đúng, ta cứ lấy lại…nhưng thực ra là phương pháp ấy sai…

-Bác phải chỉ ra cho rõ cái điều ấy chứ…

-Ừ thì đấy, tôi đã chỉ ra trong cái bài đầu. Bài đầu và bài thứ hai. Chính là phương pháp ấy sai, ông Marx lại lấy lại phương pháp ấy…

-Nếu thế thì bác phải phủ nhận những gì đã viết ra từ trước tới giờ?

Bác Thảo (gõ mạnh xuống bàn):

-Tất nhiên rồi. Tôi nói rõ ra như vậy, tất nhiên là phải phủ nhận. Tất nhiên là phải phủ nhận! (Chúng tôi nghe và im lặng hồi lâu như bị sốc). Ông Marx tưởng là ông Hegel đúng, ông Marx lấy lại phương pháp của ông Hegel, khổ thế. Chính là ông Hegel cũng sai.

-Bác phải làm sao chỉ ra như vậy chứ.

-Thì trong hai cái bài đầu, tôi đã chỉ ra ông Hegel sai…

-Nhưng mà chưa rõ lắm.

-Nếu mà không vạch ra được ái chỗ ấy thì cứ luẩn quẩn mãi. Cái bi kịch của cách mạng ta là cứ bảo Marx đúng, nhưng mà ta không hiểu, nên ta vận dụng sai, rồi cứ luẩn quẩn đi học Marx mãi.

Anh LT:

-Cái bi kịch của cách mạng ta, dù sao đi nữa thì cũng có hai giai đoạn, một giai đoạn cách mạng dân tộc giành độc lập cho đất nước…

-Đấy không phải là giai đoạn cách mạng vô sản, sau rồi nó mới làm cách mạng vô sản, rồi nó mới chia ruộng, mới đấu tố…Còn cách mạng dân tộc thì đúng quá rồi! Cách mạng dân tộc thì đúng quá rồi! Nhưng mà cái mà đưa ông Marx vào ấy, bảo rằng cách mạng dân tộc chưa ăn thua gì hết, phải theo đường lối: của nhà nước là của chung ấy…chiếm công vi tư theo cái kiểu nhà nho…

Anh LT:

-Dù sao thì trong giai đoạn đầu…

Bác Thảo chặn lại:

-Giai đoạn ấy thì chưa thò ông Marx ra…

-Nhưng mà ở nhà bây giờ người ta lại nêu ra tư tưởng Hồ Chí Minh…

-Nói tư tưởng Hồ Chí Minh thì cũng lại là lòi ông Marx… (Tay đập bàn) Mà vận dụng Marx là nó sai từ gốc! Ở nhà chúng nó cứ bảo tôi: cứ giữ danh nghĩa ông Marx thì ăn tiền. Chúng nó biết tôi nghiên cứu về Marx thì nói thế. Chính cái anh học mót về Marx ấy bảo tôi: “Sai là chúng tôi sai vì chúng tôi dốt nên chúng tôi sai, bây giờ chúng tôi lại học Marx…”

Anh LT:

-Nhưng bây giờ người ta nói tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều hơn…

-Thì Hồ Chí Minh thì vẫn là Marx, tất nhiên ông ấy khôn hơn, ông ấy nói ra một cách đại chúng … nhưng cũng vẫn là Marx, nghĩa là sai tận gốc…

-Như cải cách ruộng đất thì có phỉa là Marx không?

-Cải cách ruộng đất chính là theo tinh thần Marx. Vì thế mà nó sai. Nó sai vì ông Marx, chứ không phải nó sai vì hiểu lầm.

Anh LT:

-Từ trước tới giờ không có ai nói là Marx sai…

-Ông Marx sai trước hết là vì ông Marx lấy lại phương pháp của ông Hegel, mà chính ông Hegel sai, sai vì phương pháp. Lại thêm một điểm nữa là vì ông Hegel nói trên trời thì không đến nỗi tai hại quá… Marx lấy lại tư tưởng phương pháp của Hegel làm cho cái học thuyết nó sai... Như là trong cái chính sách kinh tế mới của Lénine ấy…

Anh LT tiếp tục chặn lại:

-Cái kinh tế mới ấy là đúng nhưng con người thi hành kinh tế mới ấy chưa phải là con người xã hội chủ nghĩa.

-Kinh tế mới là đúng, nhưng có người nói theo Marx là nó sai, thế nên Lênine thua. Mà chính là do Marx sai nên mới dẹp nó đi…

-Dù thế nào thì bác cũng chưa nói thật rõ…

-Thì trong hai cái bài đầu, tôi chứng minh là cái dialectique của Hegel là sai, mà ông Marx lại lấy cái dialectique ấy thì lại càng sai. Vì sao? Vì Marx đưa từ trên trời xuống dưới đất.

-Sao bác không nói thẳng ra như vậy…

-Không thể nói thẳng, nó rõ ngay ra tất cả như thế được. Vì chúng nó đang đả tôi như thế, chúng nó đánh cho vỡ đầu ra…Nhưng nay đã là quá lắm rồi, đã sai lầm như thế rồi mà chúng nó cứ mác-xít mãi, chúng nó cứ vin vào bảo Marx đúng, sai là chúng tôi sai… Nhưng thật ra đã sai từ gốc…

Anh LT lại nói:

-Cháu chưa thấy ai đã nói ra như vậy.

-Ở nhà không có ai dám nói ra như vậy. Mà ở đây cũng không có ai nói ra như vậy. Mà tôi nhận thấy nếu không nói ra như vậy thì cứ luẩn quẩn mãi, đã thất bại như thế lại cứ ông Marx mãi…cứ đọc lại kinh điển

Anh LT:

-Bác không dung marxisme nữa thì dung cái gì?

-Thì phải dùng cái khác!

-Cái khác là cái gì?

-Là cái mà tôi đang xây dựng. Cái mà tôi đang xây dựng bước đầu, là hoàn toàn mới. Chứ mà cứ theo Marx mãi là không được…

Anh LT:

-Theo trong lịch sử triết học thì phương đông kể từ Khổng Tử, Mạnh Tử rồi Lão Tử, còn phương tây thì là từ Aristote tới Descartes…

-Tất cả những cái đó thì nó sai rồi…

Anh LT:

-Bác nói như thế thì từ khi con người xa rời cái thế cầm thú mà bác nói nó sai thì…

-Những cái của thời đó thì có thể thử nghiệm được, nhưng nay thì nó không còn dung được…

(…Cuộc tranh luận giữa gs Thảo và anh T trở nên gay go và lộn xộn rất khó nghe rõ nên xin gác qua đoạn này để chú ý đến lời lẽ của gs Thảo sau đó).

Anh LT:

-Cháu thấy bác dù sao cũng nên thận trọng…

-Thì nay mới bước sang phần thứ tư, còn trong ba cái phần đầu, chúng nó có nói gì nổi đâu. Nếu chúng nó mà phá được, thì tôi chết rồi… Tôi không còn ngồi đây nữa. Nhưng đánh vào quyền lợi của nó thì tuy nó không làm được gì, nhưng nó bịt đầu, bịt đuôi không cho sống. Nếu mà nó đánh được thì chết ấy chứ.

-Nhưng bác phải chỉ rõ cái đường hướng mới ấy chứ.

-Thì những cái mà tôi đã viết, nhất là trong ba cái bài đầu ấy, chính chúng nó không bẻ được thì tôi mới còn sống…

Anh LT:

-Cháu nói cái này cũng chỉ là để information thôi, để mà thấy chuyện chung thôi, chứ không phải là phê bình bác. Nhiều người, trong đó có những người đã viết thư cho bác… Thì người ta nói những điều bác viết, những điều bác nghĩ cũng như mấy cái proposititons của bác, thì… (mấy tiếng Pháp này nghe không rõ…) nhưng tới bây giờ trên phương diện trao đổi giữa người với người, xưa nay chưa có ai nói những cái như bác viết…

-Thì cho tới nay tôi chưa đưa ra được những điểm cần thiết…Làm thì không thể nào trong bốn tháng mà làm xong được… Cái mà tôi nhận ra thì mới trong sáu tháng thôi.

Anh LT:

-Mà bây giờ thì thời gian cũng không có, vấn đề sức khoẻ của bác rất là giới hạn, rồi chương trình công tác nó đòi hỏi nóng hổi, phải nhanh phải lẹ. Mà với điều kiện sinh sống của bác như thế này, với phương tiện vật chất của bác như thế này, thì cũng pahir làm cho lẹ…

-Những cái tôi làm, không thể đi thẳng vào vấn đề, vào con người và xã hội hiện nay… Mà xã hội hiện nay nó xuất phát từ cả một lịch sử xã hội…Mà lịch sử xã hội nó xuất phát từ cả một cái lịch sử động vật… Tất cả những cái đó là cần thiết phải thông qua… Thì đấy, tôi cũng đã nói rất là đơn giản, nhưng mà cũng phải nói, cũng mất công…Mà công thì không thể nào bốn tháng mà làm xong được. Làm xong thì cũng chỉ năm hay nói chậm ra cũng chỉ sáu tháng thôi… Mà hiện nay tôi tới tuổi già rồi mới nhận ra, mà tới tuổi già rồi mới có điều kiện nhận ra, chứ trước có ai dám động tới cụ Marx đâu.

(Mấy câu này do gs Trần Đức Thảo nói ra để phác hoạ mấy chương của cuốn sách mà ông đang hình thành, nhưng không kịp nữa.)

Trở lại với cuộc đối thoại, anh T lại nói:

-Cái đó là thói quen của bác ở trong nước, chứ ở đây nó đụng tơi bời…

-Nó đụng nhưng nó không có một chính truyền… Tôi là người đầu tiên dám đụng tới Hegel. Ở ngoài không ai dám đụng tới Hegel, cứ nghe ông Hegel như là thánh, còn thì là do không hiểu, nên không ai đụng tới Hegel…

Anh LT:

-Ở đây thì họ vẫn đụng tơi bời…

-Nhưng không ai đi vào cái gốc tức là cái phương pháp.

-Tức là logique và dialectique…?

-Thì đấy! Thì cái ấy đấy, chưa ai đụng đến. Nếu đụng tới thì anh phải có một cái mới…Nếu mà không có một cái mới thì không ai dám làm gì…

Anh LT:

-Có thể là từ Marx tới bây giờ thì chỉ có một ông Trần Đức Thảo dám đặt lại vấn đề…

-Tôi không phải là người đầu tiên, mà có từ ấy…Nhưng mà tôi là tôi nói cho nó rõ, rồi tôi phát triển được… nhưng cái đó thì mới lắm…chưa bao giờ…Mới bắt đầu có từ những năm ba mươi, thì tôi phát triên được… Ông Husserl thì nói từ những năm ba mươi nhưng ông ấy theo phe duy tâm…

Anh LT:

-Bây giờ lại nói Marx là học trò ông Hegel… thì bây giờ…

-Không! Bây giờ thì phải làm lại… Lần đầu tiên tôi làm đến nay, nghĩa là những cái tôi làm rồi thì chưa ai bẻ được. Mà không thể nào bẻ được. Thì là lần đầu tiên với một phương pháp mới, chưa bao giờ có cái phương pháp ấy… Trước đây ấy, có hai qui trình: qui trình vin vào dĩ vãng… rồi cứ nhớ lại dĩ vãng. Rồi nó lý tưởng háo dĩ vãng, thần thánh nó…lấy nó làm gốc. Thế rồi có những cái nó lại đi trước, nó thiên về tương lai… khổ nhất là Marx…ông ấy đã đặt cái tương lai lên trước cái hiện tại…để bảo rằng: “Sau này thì sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản…thì sẽ gì, gì đấy…”

Đến đây thì cuốn băng bị hết nên không ghi âm được đầy đủ phần chứng minh của gs Thảo nói về vấn đề “chính Marx đã sai…”

Cũng xin nói thêm cho rõ: đáng lẽ rag s Thảo tới Nhà Việt Nam hôm ấy là để diễn thuyết về đề tài “La Théorie du Présent vivant comme Théorie de l’Associativité (Lý thuyết hiện tại sống động như là lý thuyết của liên hợp tính).”

Nhưng anh Dũng người trực phiên tại Nhà Việt Nam hôm ấy cho biết có lệnh thôi không cho tổ chức các buổi thuyết trình như vậy nữa. Hôm ấy gs Thảo cầm tới một số tư liệu sao ra bằng photocopie về các đề tài đã thuyết trình bằng tiếng Pháp để bán. Trong đó có đề tài của buổi thuyết trình hôm ấy, nhưng rồi bbij cấm. Tập tư liệu bằng tiếng Pháp ấy bác ghi rõ là “Edité par l’auteur (do tác giả ấn hành)” và có ghi ngày in là 12-4-1993.

Rồi có tin bác giận dữ tính họp báo để tuyên bố chọn tự do!

Nhưng tiếc thay, đến ngày 24-4-1993 thì bác Thảo đột ngột qua đời.

Cũng xin nói thêm là cuốn băng ghi âm này và vài cuốn băng ghi âm mấy buổi nói chuyện khác của bác, tôi sẵn sang trao lại cho những ai muốn nghiên cứu về bác Thảo, đặc biệt là nếu có thư viện nào muốn lưu trữ tư liệu của chính Trần Đức Thảo.

2013

(còn tiếp)

Nguồn: Trích từ sách “Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối” của Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ 2014. Tựa đề của VV. Bản điện tử của VV