Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Văn học Nhật Bản: đa dạng trong thống nhất

Dương Thắng dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Le Japon offre une variété de genres quasi unique”, đăng trong “Dossier: La littérature japonaise”. Le Magazine Littéraire, số tháng 5, 2012.

Thị trường văn học Nhật Bản có những đặc trưng, những sắc thái rất dị biệt. Một cuộc trò chuyện với Anne Bayard-Sakai, Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Nhật Bản tại INALCO, thực hiện bởi Maxime Rovere. 40+27

*****

Anne Bayard-Sakai, nguyên là trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn minh Nhật Bản tại Inalco (Học viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông, Paris, Cộng hòa Pháp), hiện là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Nhật Bản tại Inalco. Cô là một trong những chuyên gia giỏi nhất về văn học hiện đại và đương đại Nhật Bản.

- Có thể nói gì về những khung cảnh của thị trường văn học đương đại Nhật Bản?

Anne Bayard-Sakai: Cần phải nhắc tới một yếu tố mà ở Pháp người ta còn ít được biết đến. Cách thức phổ biến nhất để xuất bản một cuốn tiểu thuyết ở Nhật Bản, khởi đầu từ những năm 1915-1925 và vẫn còn tiếp tục cho đến tận hôm nay, đó là cho in (dài kỳ) trên các tạp chí văn chương. Các tác phẩm thành công nhất cũng được sáng tác từng bước một. Các tác giả không xuất bản trực tiếp và trọn vẹn ngay tác phẩm của mình, họ sáng tạo tác phẩm như “chưng cất” chúng và rót dần từng chén bằng những mẩu đăng dài kỳ trên các tạp chí. Việc đó kéo theo rất nhiều hệ quả. Thứ nhất, đó là tầm quan trọng của thể loại truyện ngắn, bởi vì các tạp chí văn chương, theo tính chất đặc thù của chúng, thích hợp cho việc tiếp nhận các văn bản có độ dài dao động từ 20 đến 40 trang. Hệ quả thứ hai đó là sự tồn tại của những chuỗi các phân đoạn, mỗi lần nhà văn giao nộp bản thảo, đó là một phân đoạn nằm trong cuốn tiểu thuyết, chúng có tính độc lập tương đối. Việc giao nộp liên tiếp các phân đoạn ấy cuối cùng sẽ kết thúc bằng việc tạo ra một loại tác phẩm, ở đó người ta có thể bắt đầu đọc, bắt đầu tiếp cận tác phẩm bằng một chương bất kỳ nào.

- Cái cách thức sáng tác như vậy sẽ áp đặt cho các tác giả những điều kiện lao động hết sức đặc biệt?

Đúng thế, các tác giả được hâm mộ nhất hay nói cách khác, “ăn khách nhất”, sẽ tiến hành viết các truyện ngắn hay các tiểu thuyết dài kỳ với một nhịp điệu và một áp lực viết đặc biệt cao. Họ phải có những phương pháp để gắn kết mình với công việc viết lách bằng một thứ kỷ luật có tính chuyên nghiệp. Một tác giả, sau khi đạt được một giải thưởng văn chương quan trọng nào đó, sẽ trở nên nổi tiếng và sẽ nhận được từ các tạp chí văn học vô số các lời mời, cái đó sẽ thúc ép họ trong mỗi tháng phải viết một số lượng trang viết khổng lồ, đôi khi là những con số “không tưởng”. Điều lạ lùng là cái đó không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự đi xuống của chất lượng tác phẩm, trái lại là đằng khác. Ở Nhật Bản, vì thế số lượng các nhà văn sống được bằng ngòi bút của mình nhiều hơn hẳn ở nước Pháp. Đó thực sự là một tín hiệu lạc quan cho thị trường văn học Nhật Bản.

- Có một sự phân ranh mạnh mẽ và dứt khoát giữa các thể loại văn chương bình dân và văn chương bác học ở Nhật Bản?

Đúng như vậy, khoảng cách và biên giới phân chia giữa hai thể loại văn chương này rất rõ ràng, thậm chí có thể nói là đã được “thể chế hóa”. Những giải thưởng văn chương hàng năm ở Nhật Bản, cũng giống như ở Pháp, có rất nhiều, nhưng chúng được phân thành những lĩnh vực rất chuyên biệt theo các dạng và các kiểu khác nhau. Với các nhà xuất bản, tình trạng cũng hoàn toàn tương tự. Có một số lượng vô cùng lớn các tủ sách được các nhà xuất bản tung ra với đủ các thể loại, khổ sách. Chỉ nói đến riêng các thể loại kinh điển như: tiểu thuyết trinh thám, lịch sử, tình cảm… cũng có sự phân đoạn, phân vùng theo lứa tuổi hay giới tính của người đọc. Như vậy tấm bản đồ văn chương Nhật Bản được phân chia vùng miền rất rõ nét, đó là hệ quả của việc phân công chặt chẽ và chuyên nghiệp của giới xuất bản ở đây, cái mà ở nước Pháp sau nhiều năm vẫn chưa thực hiện được. Nếu như chỉ căn cứ trên những tựa sách Nhật Bản đã được dịch ra tiếng Pháp, chúng ta khó lòng nhận thấy được điều này bởi vì phần lớn các tác giả được dịch ra là thuộc dòng văn chương bác học. Những tác giả này sẽ có những độc giả tuyệt vời của họ, những người đồng cảm và cùng chia sẻ với họ những tiêu chuẩn văn chương. Nhưng những tác phẩm này thường lại chiếm một vị trí khá khiêm tốn trên thị trường xuất bản nếu đứng trên quan điểm về số lượng sách được xuất bản (tirage) để đánh giá. May mắn là thể loại sách trinh thám của Nhật Bản cũng đẫ được ưu ái dịch khá nhiều ra tiếng Pháp, như một yếu tố giúp cân bằng lại tình trạng mất cân đối đang diễn ra trong việc chọn lựa các tác phẩm thuộc dòng văn chương bác học hay bình dân để dịch ra tiếng Pháp. Nước Nhật đã cho thấy hình ảnh một thị trường văn chương rất phong phú và đa dạng trong một tổng thể có tính thống nhất cao. Sự đa dạng ấy đôi lúc làm chúng ta phải băn khoăn tự hỏi, bằng cách nào mà tất cả các mảng sách trong các lĩnh vực xuất bản khác xa nhau đến thế đều có thể cùng trụ vững và phát triển như vậy.

- Người ta có thể nhận thấy sự phong phú ấy được phản ánh trên các kệ sách của các nhà sách ở Nhật Bản?

Hệ thống các hiệu sách “tổng hợp” vẫn đang đóng một vai trò rất quan trọng ở Nhật Bản. Giống như ở Pháp hiện nay, những hiệu sách nhỏ nằm các khu phố thực sự đang sống “thoi thóp”, Nhưng ở trung tâm của các đô thị lớn vẫn tồn tại một mạng lưới các nhà sách lớn, đặc trưng này rất khác với tình trạng hiện nay ở Pháp. Một số thuộc vào chuỗi các cửa hàng của một thương hiệu nổi tiếng nào đó, một số khác lại là kết quả của sự hợp tác với các siêu thị. Người ta có thể tìm thấy rất nhiều chủng loại sách trong các siêu thị sách này, kể cả những loại đang “hot” nhất. Phải thừa nhận rằng, dù cho các nhà sách ở Nhật Bản vẫn đang phải vất vả chống đỡ sự cạnh tranh quyết liệt của các trang web bán sách qua mạng, những đóng góp và vai trò của các nhà sách với đời sống xã hội Nhật Bản hiện nay vẫn còn rất quan trong.

- Trong những thời gian gần đây, phải chăng đã có một sự thay đổi lớn trong phương pháp sáng tác?

Trong vòng mười năm trở lại đây, có nhiều thứ đã làm thay đổi tận gốc rẽ thói quen đọc sách. Trước khi điện thoại và các thiết bị di động xuất hiện ở Nhật Bản (sự xuất hiện này còn sớm hơn rất nhiều so với ở Pháp), tất cả mọi người đều đọc sách trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm… Hình ảnh đó thật đẹp, thật ấn tượng. Giờ đây sự phổ biến của điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị đọc sách khác đã làm thay đổi điều đó, tạo ra những hiệu ứng / ảnh hưởng rõ rệt tới sức khỏe của các hiệu sách. Nhưng những tiến bộ công nghệ này không hề hủy hoại hay làm tổn hại cho việc đọc sách. Ví dụ như từ những năm 2000 đã xuất hiện thể loại ketai shôsetsu (tiểu thuyết đọc trên điện thoại di động, đa phần dành cho phụ nữ). Các văn bản của thể loại ketai shôsetsu được phân phối bởi một số trang web, họ gửi chúng qua mạng Internet tới các máy điện thoại đi động thế hệ 2 (với màn hình nhỏ). Cách thức này đã áp đặt những ràng buộc chặt chẽ lên người viết cả về hình thức và về nội dung của tác phẩm, đặc biệt là về phong cách: rất nhiều đối thoại, không có chuyện tả cảnh hay phân tích tâm lý ở đây, mỗi đơn vị trang phải được viết cho thích ứng với khuôn khổ của cái màn hình kích thước nhỏ xíu là 5 x4 cm2. Những cuốn tiểu thuyết được đọc nhiều nhất sau đó sẽ được chuyển qua dạng sách in trên giấy thông thường và chúng cũng bán được hàng triệu bản! Thật là ngạc nhiên khi các nhà xuất bản nhận ra rằng sự thành công của bản sách in trên giấy lại phụ thuộc vào mức độ tuân thủ các ràng buộc gắn chặt với cái màn hình nhỏ bé của điện thoại di động. Các nhà xuất bản buộc phải tôn trọng cái quy tắc đọc trên màn hình (khi đọc trên màn hình người ta đọc theo chiều ngang từ trái qua phải, nhưng thông thường người Nhật lại đọc theo phương thẳng đứng, từ trên xuống dưới – ND). Họ cũng phải giữ lại những khoảng trắng “phân cách” giữa “các trang màn hình” đã tồn tại như những phân đoạn trong phiên bản đọc trên điện thoại trước đây ngay cả khi chuyển qua in chúng trên giấy.

- Một vài bộ phận của văn học Nhật Bản chắc sẽ có thể thích ứng tốt hơn những bộ phận khác đối với cách thức truyền bá tác phẩm mới này?

Đừng quá lạc quan, vào năm 2008, cách thức sáng tác mới này gần như đi đến chỗ bão hòa. Những ràng buộc về nội dung (những câu chuyện tình cảm thường lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thực, những chuyện đó lại thường bị khép kín trong những xúc cảm cô đơn, những ảo ảnh lấp lánh và mong manh như một bong bóng xà phòng) mạnh đến mức các kiểu viết dạng đó rồi cũng đã cạn kiệt. Và những nữ độc giả của thế hệ đầu tiên cũng đã quay lưng lại để đến với những cuốn sách kiểu khác… tuy vậy sự ra đời của thể loại ketai shôsetsu này đã đặt nền móng cho một cách viết mới và một cách đọc mới. Khoảng cách giữa những người “phụ nữ – tác giả” và những người “phụ nữ – độc giả” của những cuốn tiểu thuyết này đã được rút gắn tối đa đến mức họ có thể hoán đổi vai trò cho nhau, điều này chưa từng xảy ra trong quá khứ. Các “tác giả”, theo tiến độ và khối lượng những trang viết gửi đi, sẽ nhận được những tin nhắn, bình luận gây ra sự tương tác lên các diễn biến / các sự kiện của những phần tiếp theo, sự tương tác như vậy liên tục xẩy ra trong quá trình triển khai viết và đưa tác phẩm lên mạng. Như vậy có thể nói, vách ngăn cách giữa sự viết và sự đọc gần như là biến mất.

Một hiện tượng văn học khác, ra đời trước thể loại ketai shôsetsu và còn tồn tại đến hôm nay, liên quan đến làn sóng của những light novels. Các tiểu thuyết này nhắm đến đối tượng thanh thiếu niên, được sáng tác trong mối liên hệ mật thiết với thế giới manga và các trò chơi vidéo. Đó là những cuốn tiểu thuyết có hình minh họa, bìa được giao phó cho các họa sĩ nổi tiếng, còn nội dung truyện cũng rất gần với manga. Dẫu rằng những cuốn sách này không phải lúc nào cũng hấp dẫn (chúng cũng được phân chia ra thành các nhánh nhỏ), hiện tượng này cũng có ích khi chỉ rõ cho chúng ta thấy được khả năng uyển chuyển của nền văn học Nhật Bản để thích ứng và tồn tại trước mọi biến đổi. Cái đó rất có giá trị với các nhà xuất bản, các tác giả và với cả độc giả. Tất nhiên không phải tất cả những loại hình văn chương mới đó được chào đón niềm nở, luôn luôn có những sự chống đối lại những sự tiến hóa và những cuộc cách mạng. Nhưng sự uyển chuyển và mền mại của thị trường văn chương Nhật Bản với tôi thực đáng khâm phục, đó là một đất nước đã sản sinh ra và truyền bá mạnh mẽ nhiều thể loại văn chương mới.