Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Những người thợ mộc (từ tập Những mẩu chuyện Kolyma)

Varlam Shalamov

Phạm Ngọc dịch từ nguyên tác tiếng Nga “Колымские рассказы”, Nxb FTM 2010.

Suốt ngày đêm sương mù trắng xoá dày đặc đến mức chỉ cách hai bước chân cũng không nhìn rõ mặt người. Vả lại cũng chẳng phải đi đâu xa một mình. Chỉ có mấy hướng – nhà ăn – trạm xá – trạm gác – đều có thể đoán mò bằng bản năng sẵn có tựa như cảm giác phương hướng mà loài vật sở đắc rất hoàn hảo và trong những hoàn cảnh phù hợp, nó được đánh thức ngay cả ở con người.

Người ta không cho đám lao động cải tạo xem nhiệt kế, mà cũng không cần thiết – nhiệt độ nào thì cũng phải ra ngoài làm việc. Hơn nữa, những sói già trong trại hầu như luôn xác định được chính xác bao nhiêu độ âm mà không cần nhiệt kế: nếu có sương mù, nghĩa là bên ngoài âm 40 độ; nếu trong hơi thở ra có tiếng ù ù, nhưng chưa đến nỗi khó thở – nghĩa là âm 45; còn tiếng ù ù cộng thêm khó thở – nghĩa là âm 50. Âm trên 55 độ – là nước miếng đông thành đá ngay khi vừa nhổ ra khỏi miệng. Nước miếng đông thành đá khi vừa mới nhổ ra đã được hai tuần nay rồi.

Sáng nào Potashnikov cũng thức giấc với hi vọng – đã bớt lạnh chưa? Hắn biết theo kinh nghiệm của mùa đông năm ngoái, dù nhiệt độ có thấp thế nào, để cảm nhận được cái ấm thì quan trọng là sự thay đổi đột ngột, sự tương phản. Ví thử thậm chí giá rét còn 40-45 độ âm – trong hai ngày sẽ ấm, còn dự trù quá hai ngày là việc làm vô nghĩa.

Nhưng giá rét không bớt, và Potashnikov hiểu rằng mình không còn chịu đựng nổi nữa. Bữa sáng nhiều nhất cũng chỉ đủ làm việc được một giờ, sau đó bắt đầu thấm mệt, và rét thấu xương – câu nói dân gian hoàn toàn không phải là ẩn dụ. Chỉ có thể vung vẩy dụng cụ lao động và nhảy lò cò hết chân này đến chân kia để khỏi bị cóng trước bữa trưa. Bữa trưa nóng, món súp hổ lốn nổi tiếng và hai muôi cháo, chưa đủ hồi sức, nhưng cũng ấm người lên được chút. Rồi cũng chỉ đủ sức làm việc được một giờ, sau đó một ham muốn lại xâm chiếm Potashnikov, không hẳn như được sưởi ấm, không hẳn như được nằm trên những viên đá sắc nhọn, lạnh cóng và chết. Một ngày rồi cũng kết thúc, và sau bữa tối, sau khi uống no nước và với mẩu bánh mì, không một tù cải tạo nào ăn bánh mì cùng với súp tại nhà ăn mà đều đem về lán, Potashnikov đi ngủ.

Hắn ngủ, tất nhiên, ở giường tầng trên – giường tầng dưới là một cái hầm đông lạnh, và những ai nằm ở tầng dưới, thì một nửa thời gian ban đêm phải nán lại bên lò sưởi, thay phiên nhau ôm lấy cái lò sưởi còn chút hơi ấm. Củi bao giờ cũng thiếu: để lấy củi phải đi bộ 4 cây số sau giờ làm việc, và mọi người bằng mọi cách đều lẩn tránh cái nghĩa vụ này. Ở tầng trên có ấm hơn, tất nhiên dù sao người ta cũng mặc đồ nằm ngủ y như lúc đi làm – đội mũ, áo bông, áo khoác, quần bông. Ở trên có ấm hơn, nhưng sau một đêm tóc tai cũng đông cứng dính chặt vào gối.

Potashnikov cảm thấy càng ngày sức càng kiệt dần. Hắn, một gã đàn ông 30 tuổi, thế mà khó khăn lắm mới leo nổi lên giường tầng trên và cũng khó khăn lắm mới tuột xuống được. Gã nằm giường bên cạnh mới chết hôm qua, đơn giản là chết, sáng không dậy nữa, và cũng chẳng ai bận tâm hắn chết vì lẽ gì, cứ như thể chỉ có một nguyên nhân duy nhất mà ai cũng biết. Tay trực nhật lấy làm mừng là gã kia không chết lúc tối mà vào buổi sáng – tay trực nhật được hưởng khẩu phần của người chết trọn ngày hôm đó. Ai cũng hiểu điều này, Potashnikov đánh bạo đến gần tay trực nhật: “Chia cho tớ chút nhé”, nhưng tay trực nhật chửi bới rất dữ, kiểu mà chỉ những đứa khỏe hơn đứa khác mới dám chửi vì biết rằng sẽ không bị sao hết. Chỉ có những trường hợp đặc biệt thì thằng yếu mới dám chửi thằng khỏe – nhưng đấy là sự liều lĩnh tuyệt vọng. Potashnikov im lặng bỏ đi.

Phải tìm ra giải pháp, phải nghĩ ra một cái gì đó với não trạng ọp ẹp của mình. Hoặc là chết. Potashnikov không sợ chết. Nhưng có một ham muốn cháy bỏng thầm kín, một sự bướng bỉnh cuối cùng – mong muốn được chết tại một bệnh viện nào đó, trên giường bệnh, trong chăn nệm, trong sự quan tâm của người khác, kể cả người nhà nước, chứ không phải chết ngoài đường, trong giá rét, dưới gót giày của lính canh, hoặc trong lán giữa tiếng chửi thề, sự bẩn thỉu và sự thờ ơ của mọi người. Hắn không kết án mọi người vì sự thờ ơ. Hắn đã hiểu nguồn gốc của sự trì độn, sự lạnh lẽo của tâm hồn từ lâu. Giá rét, chính nó, thứ khiến nước miếng đông thành đá khi vừa nhổ ra khỏi miệng, đã ngấm sâu vào tâm hồn con người. Nếu xương cốt có thể đông cứng, thì não cũng có thể đông cứng và trì độn, và tâm hồn cũng đóng băng lại. Trong giá buốt thì chẳng thể nghĩ ra được gì. Rất đơn giản. Trong cái rét và cái đói, não hấp thụ chất bổ kém, tế bào não khô lại – đó là quá trình vật chất rõ ràng và có trời mới biết, quá trình này có thuận nghịch hay không, như người ta nói trong y học, tương tự như hoại tử vì lạnh, hoặc hủy hoại vĩnh viễn.. Tâm hồn cũng vậy – nó bị cóng, co lại và có lẽ vĩnh viễn trở thành lạnh lùng. Tất cả ý nghĩ của Potashnikov trước đây – bây giờ chẳng còn gì ngoài mong muốn có thể chịu đựng được, sống qua được trận rét này.

Tất nhiên, cần sớm tìm ra biện pháp cứu vãn. Không có nhiều đâu. Phải trở thành đội trưởng hoặc người giám sát, nói chung là thân cận với các sếp quản giáo. Hoặc gần bếp ăn. Nhưng có đến cả hàng trăm đứa cạnh tranh suất phục vụ bếp ăn, còn chức đội trưởng thì Potashnikov đã từ chối từ năm ngoái, vì hắn đã tự hứa với bản thân không lợi dụng để hiếp đáp người khác ở đây. Thậm chí ngay cả để không bị chết, hắn cũng không muốn những người bạn tù hấp hối ném vào mặt hắn những lời nguyền rủa trước khi chết. Potasnikov chờ chết từng ngày, ngày ấy có lẽ cũng sắp đến rồi.

Nuốt hết bát súp nóng, nhai nốt mẩu bánh mì, Potashnikov lê đến chỗ làm việc, khó nhọc lắm mới nhấc nổi chân. Cả đội đứng xếp hàng trước khi bắt tay vào việc, và bước dọc theo hàng là một người mập mạp, mặt mũi đỏ hồng, đội mũ da hươu, đi ủng da hươu kiểu của người Yakut và mặc áo lông ngắn màu trắng. Y nhìn những khuôn mặt kiệt sức, bẩn thỉu, dửng dưng của đám cải tạo. Mọi người im lặng dậm chân tại chỗ, đợi kết thúc sự trì hoãn bất ngờ. Đội trưởng đứng ngay đó, kính cẩn nói điều gì với người đội mũ da hươu:

- Tôi cam đoan với sếp, Alexander Yevgenyevich, ở đội tôi không có những người như thế. Sếp đến chỗ đội Sobolyev và bọn thường phạm ấy, còn ở đây toàn bọn có học hành, thế mới khổ chứ.

Người đội mũ da hươu ngưng nhìn đám người và quay sang đội trưởng:

- Đội trưởng mà không biết người của đội mình, không thèm biết, không muốn giúp quản trại chúng tao – y cất giọng khàn khàn.

- Tùy sếp định liệu, Alexander Yevgenyevich.

- Được, tao cho mày thấy đây. Họ tên mày là gì?

- Ivanov, thưa sếp.

- Xem đây. Ê, mọi người chú ý. – Người đội mũ da hươu đứng trước đội. – Ban quản lí trại cần thợ mộc để đóng thùng chở đất.

Tất cả im lặng.

- Đấy, sếp thấy đấy, Alexander Yevgenyevich, – đội trưởng thì thầm.

Đột nhiên Potashnikov nghe thấy giọng nói của chính mình:

- Có. Tôi là thợ mộc. – Và bước lên một bước.

Từ cánh bên phải một người khác cũng lặng lẽ bước ra. Potashnikov biết hắn – đó là Grigoryev.

- Đấy, – người đội mũ da hươu quay qua đội trưởng, – đúng là đồ ăn hại. Hai đứa theo tao.

Potashnikov và Grigoryev lê bước theo người đội mũ da hươu. Y ngừng lại.

- Nếu đi kiểu này, – giọng y khàn khàn – đến trưa cũng không tới. Thế này. Tao đi trước, tụi bay đến xưởng mộc gặp xưởng trưởng Sergeyev. Biết xưởng mộc ở đâu không?

- Biết, biết! – Grigoryev la lớn. – Làm ơn cho điếu thuốc đi sếp.

- Lại bài ca cũ rích, – người đội mũ da hươu lầm bầm qua kẽ răng, không móc bao thuốc ra khỏi túi áo mà chỉ rút hai điếu.

Potashnikov đi trước, suy nghĩ rất lung. Hôm nay sẽ được sưởi ấm ở xưởng mộc – mài lưỡi rìu và đẽo cán rìu. Rồi mài lưỡi cưa. Chẳng việc gì phải vội. Trước bữa trưa họ sẽ nhận dụng cụ, kê biên, tìm thủ kho. Đến tối nay, khi phát hiện hắn không biết đẽo cán rìu, không biết dùng cưa, người ta sẽ đuổi hắn, và ngày mai hắn sẽ trở về đội. Nhưng, sẽ được sưởi ấm cả ngày hôm nay. Mà cũng có thể cả ngày mai, rồi ngày kia hắn sẽ trở thành thợ mộc không chừng, nếu như Grigoryev là thợ mộc. Hắn sẽ làm thợ phụ cho Grigoryev. Mùa đông chấm dứt. Hè đến, hắn sẽ sống sót qua mùa hè ngắn ngủi.

Potashnikov dừng lại đợi Grigoryev.

- Cậu có biết… làm mộc không? – hắn hỏi, thở gấp, hồi hộp với hi vọng bất ngờ.

- Cậu thấy đấy, – Grigoryev trả lời vui vẻ, – tớ là nghiên cứu sinh đại học ngữ văn Moskva. Tớ nghĩ một người có trình độ đại học, lại là khoa nhân văn, chắc chắn phải biết đẽo cán rìu và sử dụng cưa. Nhất là làm việc ấy bên cạnh lò sưởi.

- Nghĩa là, cả cậu…

- Chẳng có nghĩa là gì hết. Chúng ta sẽ lừa họ hai ngày, rồi sau đó – rồi sau ra sao thì ra.

- Chúng ta lừa họ được một ngày thôi. Ngày mai họ trả ta về đội.

- Không đâu. Trong vòng một ngày họ chưa kịp để ý ở xưởng mộc đâu. Còn phải trình báo, danh sách các thứ. Sau đó mới đuổi về…

Cả hai người vất vả lắm mới đẩy nổi cánh cửa đóng băng dính cứng. Chính giữa xưởng mộc đặt một lò sưởi bằng sắt cháy đỏ rực, năm người thợ, không mũ lông, không áo bông, đứng cạnh bàn làm việc của mình. Hai người mới đến quỳ gối trước lò sưởi, trước thần ánh sáng, một trong những vị thần đầu tiên của nhân loại. Họ tháo găng, xoa xoa tay hơ trước hơi nóng, như muốn thọc cả tay vào ngọn lửa hồng. Những ngón tay bị cóng lâu ngày, trở nên mất cảm giác, chưa kịp cảm thấy hơi ấm ngay tức thì. Khoảng một phút sau, Grigoryev và Potashnikov gỡ mũ lông và cởi áo khoác, vẫn còn quỳ gối chưa đứng lên.

- Các cậu có việc gì? – một người thợ mộc hỏi họ với vẻ không thân thiện.

- Chúng tôi là thợ mộc. Đến đây làm việc. – Grigoryev trả lời.

- Theo lệnh của Alexander Yevgenyevich. – Potashnikov nhanh nhảu tiếp lời.

- Vậy là xưởng trưởng đã bảo rồi, đưa các cậu lưỡi rìu để tra cán, – Armshtrem, một thợ làm dụng cụ đứng tuổi, đang tra cán vào xẻng ở một góc xưởng nói.

- Chúng tôi, chúng tôi…

- Cầm lấy, – Armshtrem nhìn họ không mấy tin tưởng và bảo. – Đây, hai lưỡi rìu, cưa và dũa. Sau đó trả lại dũa. Dùng rìu của tôi đẽo hai cán rìu đi.

Armshtrem mỉm cười.

- Tiêu chuẩn một ngày là 30 cán rìu đấy, – ông ta bảo.

Grigoryev nhận thanh gỗ từ tay Armshtrem và bắt đầu đẽo. Hồi còi báo giờ ăn trưa vang lên. Armshtrem vẫn chưa mặc áo khoác, im lặng nhìn Grigoryev làm việc.

- Bây giờ đến cậu, – ông ta bảo Potashnikov. Potashnikov đặt thanh gỗ lên khúc gỗ kê, cầm cái rìu từ tay Grigoryev và bắt đầu đẽo.

- Thôi được rồi, – Armshtrem bảo.

Mấy người thợ mộc đã đi ăn trưa, và trong xưởng chỉ còn ba người.

- Lấy hai cái cán này của tôi mà tra vào rìu. – Armshtrem đưa Grigoryev mấy cái cán rìu đã làm xong – Mài lưỡi cưa đi. Hôm nay và ngày mai ngồi bên lò sưởi mà hơ. Ngày kia trở về chỗ cũ. Này, cầm mẩu bánh mì mà ăn trưa.

Hôm nay và ngày mai bọn họ được hơ ấm bên lò sưởi, đến ngày kia cái lạnh sẽ chỉ còn âm ba mươi độ – mùa đông đã hết.

1954

Dịch giả gửi Văn Việt.