Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Ngọn đèn xanh

Truyện ngắn của Châu Diên

                                                                                    “Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai”…

Khúc Nhập đề

Bạn nói: “Anh có biết giờ phút sung sướng nhất đời của một nhà văn viết truyện ngắn là lúc nào không? … Không, chứ gì? … Tôi sẽ kể anh nghe… Đó là một thời khắc rất lạ … Nó chỉ xảy đến vào cái lúc hết sức mong manh khi nhà văn chợt nảy ra một ý, và anh ta đang dùng mấy ngón tay vê vê cái cục đất sét mơ hồ cho thành những hình thù những mảnh đời …”. “Có vậy thôi ư?”. “Có vậy thôi… nhưng bên trong là cả một mênh mông bí mật … anh ta cười một mình khi nghĩ đến những người bạn sẽ đọc truyện của mình, ha ha ha … họ sẽ cười tít vì những ý nghĩ hồn nhiên rồ dại của mình … ha ha ha …ta phải viết đây …”.

“Có thế thôi ư? Nhà văn chỉ có vậy thôi ư?”.

“Gì nhỉ ?… Mình muốn viết về cái cô gái mặc áo trắng ngực thắt đai hồng cô sao quá trẻ quá đẹp quá trong trắng đang đi trong đoàn người kia… Mình muốn bạn mình là thằng cu Xuân biệt hiệu Xuân Lêu Têu trong câu chuyện mình sắp viết ra sẽ trở thành người yêu của cô gái ấy và gì gì nữa nhỉ và hôm chúng nó nắm tay nhau đến trước mặt mình để báo tin chúng sẽ thành đôi thì… ôi, mình sắp òa lên khóc mất …”.

“Ôi, anh không thể hiểu nổi một nhà văn nếu anh không trông thấy tôi vào cái lúc ấy … tôi nén lại tôi nén lại tôi nén lại nhưng rồi tôi khóc tôi khóc tôi khóc tôi nức nở vô cớ mà khóc khóc khóc như con trẻ ấy…  không bị đòn không bị mắng không bị oan mà khóc chỉ vì nghĩ đến việc hai đứa ấy, cô gái áo trắng kia và bạn tôi thằng Xuân Lêu Têu hai đứa nắm tay nhau đứng trước tôi như con chiên đứng trước một bức tượng… và bức tượng bỗng cử động, tượng bỗng giơ bàn tay bằng đá ra, bàn tay đá đã trở nên mềm mại, bàn tay đá nắm lấy bàn tay thằng Xuân Lêu Têu bắt nó xòe ra và dẫn đường cho bàn tay thằng Xuân Lêu Têu nắm lấy bàn tay cô gái …”.

“Chỉ có thế mà nó khóc …?”.

“Vâng, vì nó là nhà văn …”.

Nhưng rồi liền sau đó, khi nhà văn tiếp tục thả sức cho tưởng tượng để các nhân vật nhấp nha nhấp nhổm chờ ở vạch xuất phát đợi đến lúc vọt bay lên cao xa, khi ấy anh ta mắt ráo hoảnh, những ngón tay cứng quèo gõ gõ gõ, anh ta không khóc nữa, để chuẩn bị cho độc giả khóc, nếu có thể …    

Khúc hai – Thủy Tiên

Thủy Tiên trả tiền ông xe ôm. Ông xe ôm móc túi lấy tiền lẻ trả lại. Nhưng Thủy Tiên đã vội vã bỏ đi. Từ hôm ba chết, Thủy Tiên không sao có thể nhìn một bác xe ôm mà không nấc nghẹn một cái. Cứ thấy ông xe ôm nhất là ông nào có cái mũ bảo hiểm tuột quai là Thủy Tiên lại muốn bật khóc. Thế nhưng hôm nay, sau cuộc biểu tình, bỗng dưng Thủy Tiên lại ngoắc tay vẫy một ông xe ôm.  Cô cần về nhà thật nhanh.

Thủy Tiên chạy vào nhà và chạy vội lên cầu thang gác trước vẻ ngơ ngác của bà ngoại, của mẹ, của em trai, của thằng cháu được cả nhà gọi tên là thằng Bi… Thủy Tiên cởi áo dài, chiếc áo dài trắng đi biểu tình sáng nay. Chiếc áo dài vướng mấy cái đinh kẹp giấy để giữ tấm băng vắt ngang người có những hàng chữ vàng thương nhớ các “liệt sĩ Hoàng Sa – Trường Sa”. Thủy Tiên ngồi vào bàn làm việc, bật máy. Mắt cô nhìn vào tấm hình người cha mới qua đời. Thủy Tiên bỗng mỉm cười như muốn khoe với bố: “Con phải xem ảnh của anh ấy ngay bây giờ. Để muộn lát nữa sẽ hết cảm hứng ba nhé. Ba chờ con. Con không quên ba đâu, nhưng hôm nay ba hy sinh cho con, để con được gặp anh ấy một lát”.

Nào ai biết vì sao Thủy Tiên lại đinh ninh rằng mở máy ra, vào mạng bây giờ, dứt khoát Thủy Tiên sẽ được nhìn thấy anh. Chắc chắn sẽ có người chụp ảnh anh và đưa lên mạng và mình sẽ được gặp anh ngay bây giờ đây…

Có thế chứ! Cô đã nhận được phần thưởng. Cô đã thấy người ta tung lên mạng ảnh của cô trong tấm áo trắng như tuyết bay trong trời nắng hè Hà Nội. Và gần với chỗ cô đứng là cái đầu tóc bạc với lớp tóc dầy dặn chụp lấy gương mặt trẻ trung … Anh ấy trong ảnh đây, anh cho một em bé cưỡi lên đôi vai, hai bàn tay nhỏ em bé bám lấy mớ tóc bạc trắng úp chặt lấy cái đầu tròn của anh …  À, mình nhớ ra rồi, ông này là nhà sử học! Thủy Tiên đinh ninh vậy. Mình gặp ông ấy rồi. Ông ấy làm Quốc Hội. Ông ấy hay nói. Ông ấy nói gì cũng hay. Chẳng ai bẻ được ông ấy…

Một ý tưởng lóe lên trong đầu: một nhà Sử học đi biểu tình, chắc là để ghi lại nỗi đau lớn Đằng Giang tự cổ huyết do hồng ôi nhưng ta nhỏ bé quá, ta chỉ có một nỗi đau riêng có tên gọi là nỗi đau Thủy Tiên. Ta nhỏ bé hèn kém quá so với điều anh ấy sẽ ghi lại

Thủy Tiên chợt giật mình như thể mình vừa gọi to chính tên mình! Những người đang vấn vương thường vẫn có những thoáng giật mình như thế. Ôi chao,  hay thật đấy, mình mong chờ anh ấy, thật sự chờ, thật sự nhớ nhung hết sức vô lý, để làm gì nhỉ? Lúc này hình như mình đang nhớ anh ấy… một nỗi nhớ người dưng … nhớ gì như nhớ người dưng … một nỗi nhớ không tên gọi …  nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai …

Ôi, anh là ai? Sao chỉ thoáng qua trong cuộc biểu tình, có cả trăm người, có cả ngàn người, sao em lại vương vấn chỉ một mình anh? Liệu em có còn bao giờ được gặp anh?

Tiếp khúc nhập đề

Em tóc trắng của tôi. Chẳng có lý do cơn cớ gì hết, tôi muốn em hãy yêu cô gái mặc áo dài trắng đi gần em trong đoàn biểu tình.

Tại sao à?

Chẳng tại sao hết. Cô gái trong trắng thế. Cái áo dài lụa trắng bó sát người cô. Tôi nghĩ chỉ có em là người giúp cho cô áo dài trắng đó được hạnh phúc.

Tại sao tôi nghĩ vậy?

Vì tôi biết hạnh phúc khó lắm. Và em là người biết quá rõ hạnh phúc khó lắm. Những cuộc tình của em, như những cuộc trèo lên cây bưởi hái hoa, như những cuộc hái nụ tầm xuân… Vì lêu têu thế mà em hiểu giá trị của hạnh phúc.

Em hãy nghe tôi, hãy đi tìm bằng được cô áo dài trắng đó, hãy hẹn hò, hãy nhỡ hẹn, hãy hẹn tiếp, hãy săn đón, hãy nịnh nọt, hãy quỳ xuống chân cô gái áo trắng đó, hãy cứ bỏ ngoài tai mọi tiếng xầm xì, chẳng sao hết, hãy yêu, hãy biết là minh yêu, mình yêu yêu yêu …

Hãy yêu và che chở cho cô gái mặc tấm áo dài trắng mong manh đó…

Khúc ba – hai bên hàng rào

Chàng trai đi sát bên cô gái, chờ cô hô xong khẩu hiệu Hoàng Sa Trường Sa thì anh chàng nói khẽ vào tai cô khi bước chân họ vẫn cùng đều bước:

-Em… Hôm trước, đi biểu tình về, ngay buổi trưa, anh mở máy vào mạng tìm em… Anh tìm em, và anh đã tìm thấy em … Anh không ngờ chủ nhật này hai chúng mình lại đứng gần nhau đến thế này … Gần nhau hơn chủ nhật tuần trước… Anh đang nhìn thẳng vào mắt em đây. ..

Thủy Tiên hơi sững người một chút. Hóa ra lần trước khi mình mở máy vào mạng tìm anh ấy thì anh cũng nhớ và tìm đến với mình. Và anh cũng vào mạng để tìm mình.  Ôi, chẳng nhẽ cuộc sống hiện đại lại có những trùng hợp ranh ma như vậy sao?

Cô rụt rè hỏi anh:

-Anh có ghi được nhiều sự kiện không?

-Sự kiện gì kia?

-Sự kiện lịch sử của những ngày hôm nay.

-Anh chỉ ghi một sự kiện thôi. Một sự kiện có tên gọi là áo trắng.

Thủy Tiên cúi đầu xuống. Đúng là anh ấy nói đến mình rồi!

-Mà có biết bao nhiêu là áo trắng…

-Có cả triệu triệu tà áo trắng, nhưng chỉ có một tà áo trắng cho riêng mình thôi. Có cả triệu triệu bông hồng nhưng chỉ có một bông hồng bên ta những khi ta ngồi nhìn mặt trời lặn …

Thủy Tiên thấy chân tay mình nhè nhẹ run lên. Yêu là thế này sao? Bọn bạn chúng nó dặn mình những gì nhỉ, quên sạch rồi. Có đây. Chúng nó dặn là khi bắt đầu yêu và yêu thực thụ thì thế nào cũng run khắp người. Mình đang run khắp người chưa nhỉ? Chưa, chắc là sắp run. Ôi mình mong cái khoảnh khắc run nó tới cho nhanh!

Chàng tóc bạc ghé sát tai cô gái áo trắng, nói khẽ:

-Tên anh là Xuân … Anh yêu em …

Đúng lúc ấy có ai hô khẩu hiệu về Hoàng Sa – Trường Sa, khẩu hiệu về những người đã chết về những người đang sống về những con tàu câu mực tả tơi về những trận cuồng phong giữa biển do ông Giời và do bọn cướp biển trên những con tàu ma chúng vừa cuộn cờ lại lá cờ cũng màu đỏ để lặng lẽ phóng trong đêm và đâm đâm đâm và hành động như những kẻ không cha mẹ không ông bà không tổ tiên không bè bạn không có một người để mà yêu …

Chàng trai tóc bạc tên Xuân thành ra có cách hô của riêng mình… Còn cô gái thì bặm môi lắng nghe anh yêu em … Hoàng Sa … anh yêu em … Trường Sa … anh yêu em … Sói biển Mai Phụng Lưu … anh yêu em … Nhà Giàn  … anh yêu em … áo trắng … anh yêu em … áo trắng … anh yêu em … áo trắng … anh yêu em … áo trắng …

Khi chia tay nhau trưa chủ nhật đó, cô gái áo dài trắng bảo Xuân:

-Tên em là Thủy Tiên.

-Tên anh là Xuân, bè bạn gọi anh là Xuân Lêu Têu…

Hai người coi như là quen nhau từ lúc đó.

Khúc bốn – ngọn đèn xanh

Đêm nào cùng vậy, bây giờ Xuân Lêu Têu và Thủy Tiên đã quen chat với nhau trên máy. Bên cạnh tên và địa chỉ, ngọn đèn xanh nhỏ bé thắp lên…

Thủy Tiên ôi!”.

“Anh Lêu Têu của em”.

Anh đứng bên này hàng rào, anh nhìn qua ngõ nhỏ nhà em, thấy ngọn đèn con hiu hắt vẫn đó, và thế là anh thấy mình vững tâm … anh vẫn còn đang sống, anh vẫn còn được sống, anh vẫn đang thở và hy vọng…”.

“Vâng dạ … anh Lêu Têu…”.

Anh cần nói rõ để em hiểu, Lêu Têu là một cái tên xấu xí do bè bạn vừa yêu vừa ghét đặt cho, chúng nó gọi thì không sao, nhưng mỗi lần nghe em gọi Lêu Têu anh lại thấy nhói đau ở một nơi nào đó trong người trên người … Lêu Têu là toàn bộ hành trang anh đi tìm một bóng áo dài trắng cho riêng anh … Thủy Tiên ôi, anh muốn nói với em chỉ một điều này: đừng hắt hủi anh em nhé.

“Vâng dạ anh …”.

Cuộc sống của cả bầy đoàn đã dẫn anh tới bên em và bây giờ đây anh sung sướng vỗ ngực được lêu têu bên em…”.

“À, quên em chưa hỏi: anh có phải là nhà Sử học không?”.

“Không. Anh không làm nghề viết Sử. Anh chỉ là người lêu têu. Lịch sử là những âm thanh và cuồng nộ lặng câm. Lịch sử là những hạt đã và đang và mãi mãi im lặng nảy mầm. Không ai nhìn thấy cái hạt ủ dưới kẽ đá từ cách đây vạn vạn triệu triệu tháng ngày. Nhưng hôm nay cái cây bỗng bùng nở trước mắt người đời. Ôi, sợ quá, nếu là cái hạt thối nếu là cái hạt bị ung thư nếu là cái hạt dị dạng từ trong trứng!

“Làm sao bây giờ, anh Lêu Têu của em?”.

Có một con đường. Từng đôi từng đôi ta bên nhau ta cứu vớt nhau ta hòa vào những từng đôi khác… đừng nghe ai nói dại nói khôn đừng nghe đừng nhìn đừng tin … chỉ còn lại vĩnh viễn và mong manh một cuộc lứa đôi Em và Anh…

“Ôi sao nghe tiếng anh hoảng loạn vậy?”.

Trong dòng thác người thì anh thấy yên lòng. Nhưng khi chỉ còn lứa đôi anh lại thấy hoang mang. Anh lo sợ đánh mất đóa Thủy Tiên của đời mình.”

“Anh đừng lo. Anh sẽ có bông Thủy Tiên”.

Khúc kết

Trước hôm nhà văn chết, nói luôn, nhà văn đã chết rất nhẹ nhàng, bữa đó Xuân Lêu Têu đứng cạnh bên giường chỗ nhà văn đang nằm, người sắp ra đi không còn nói không còn nghe được nữa, chỉ nhìn nhìn và nhìn, nhìn rồi đọc những dòng chữ của Xuân Lêu Têu: “Ông anh ơi, Lêu Têu của anh đây. Thủy Tiên viết “Anh sẽ có bông Thủy Tiên”. Anh yên lòng nhắm mắt”.

Nhà văn từ từ nhắm mắt, mặc dù nhà văn biết Xuân Lêu Têu đã không nói thật. Hạnh phúc khó lắm. Thủy Tiên chưa đến. Thủy Tiên hẹn đến, nhưng chắc gì đã đến?  Mà cho dù Thủy Tiên có đến, thì làm sao một đóa hoa có thể cùng đi bên ta trọn kiếp trọn đời mà chẳng thối rữa?

Đời một nhà văn là một đời hy vọng và hết hy vọng vào các loài hoa. Nguyễn Du không còn hy vọng vào hoa lựu và trà mi và đỗ quyên nữa và nhà thơ đã sẽ sàng báo tin “lạnh đến chân rồi”. Goethe cũng chỉ còn thấy “tối tăm tối tăm tối tăm”. Một nhà văn nữa cũng sắp nói “cuộc sống này …”.

Những lời nói cuối đời của một con người bao giờ cũng bị ngắt quãng như thế đấy. May mà còn cất lên được tiếng nói dù là nói nửa câu. Chứ không lặng câm như những tấm bia mộ gió…

Hà Nội, sau ngày 24-7-2011

Tác giả gửi Văn Việt.