Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Chuyện kể năm 2000 (kỳ 12) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

Hắn ở nhà ba ngày. Ba ngày ấy, hắn sống bằng cả ba kiếp sống. Cái hội chứng sống nhiều kiếp trong một lúc chỉ hắn mới có, chỉ những người mới ở tù ra mới có. Thực ra hắn chưa biết có nó. Hắn chưa ý thức được rằng mình mang bệnh ấy. Sống mà luôn nghĩ tới quá khứ, những ngày chưa bị bắt và nhưng ngày ở trong ấy, từ chuyện này lan man sang chuyện khác. Đúng là từ chuyện này lan man sang chuyện khác. Khi con Nguyệt nhổ tóc sâu cho hắn, thủ thỉ bên tai hắn, hạnh phúc êm đềm đến thế, hắn lại nghĩ đến con Thương ngày nào còn bé hơn con Nguyệt tẩm quất cho hắn. Và nghĩ đến Giang. Giang cũng nhổ tóc sâu cho hắn. Rồi con Nguyệt kéo tay hắn hớn hở: “Con với bố đi đếm xem có bao nhiêu quả dứa đi. Năm nay dứa sai lắm, bố ạ”. Hắn dan tay con bé đi dọc bờ những rãnh xẻ trong vườn. Hai hàng dứa trồng hai mép rãnh đang ra những quả non. Hai bố con cùng đếm.

Con Nguyệt liến thoắng:

- Một, hai, ba, năm, cây này hai quả đấy, bố ạ. Một quả chúc xuống rãnh đây này, bố trông thấy không, sáu, bảy…

Hắn cũng đếm. Hắn chỉ đếm được đến mười thì nghĩ đến cái tên Vịt Bầu. Nghĩa là chậm. Vì số 10 là niềm tự hào của Vịt Bầu. Vịt Bầu chậm, nhưng cũng tạt được khoai khi xới khoai. Vặn củ khoai non lau vào vạt áo cho hết đất cát phân gio, rồi tém gọn vào mồm ngậm, nhai. Khi xới ngô cũng thổi ác-mô-ni-ca, cho bắp ngô vào mồm xoay một vòng là hết mấy hàng hạt…

Và nương dứa của trại ập đến. Nương dứa mênh mông vạc vào một bìa rừng, cỏ mọc rậm rịt. Những bụi le cao vút chen với dứa, lá sắc như dao cạo che khuất hắn. Nhưng dứa vẫn rất nhiều quả. Lại nhiều quả đang bắt đầu chín. Hắn lại chỉ đi một mình. Thật là thiên tải nhất thì, nghìn năm có một. Hắn trẩy đúng mười quả. Dễ lắm. Lấy chân đá vào cuống dứa. Gẫy ngay. Toàn những dứa thơm căng. Cho vào thùng, rồi quẩy lủi vào một bụi rậm giữa rừng. Khợp.

Không có dao, hắn tìm một chỗ gồ lên của rễ cây. Đập quả dứa vỡ đôi. Gặm. Ngon. Thơm. Ngọt lịm. Đúng là cơ hội ngàn năm có một. Quả thứ hai vẫn ngon. Quả thứ ba đã thấy rát lưỡi. Đã thấy lợi như bị cào. Nhưng vẫn ngon. Nước dứa ngấm vào người rần rật. Rát lưỡi đấy, nhưng không được bỏ. Có thể yểm vào một chỗ, để dành, nhưng biết bao giờ mới quay lại mà ăn. Tù nay làm đồi này mai làm đồi khác, có khi vài tháng sau mới quay lại nơi làm cũ. Hắn gặm. Tiếp tục đập. Tiếp tục gặm. Lợi đã chảy máu. Máu đỏ tươi khi hắn quệt mép. Máu đỏ hồng ở chỗ thịt dứa dính vào mảnh vỏ hắn cầm trên tay.

Quả thứ bảy. Mỗi lần gặm đau như xé lợi. Máu tươi chảy xuống tới cằm.

Quả thứ tám. Lưỡi vừa chạm vào miếng dứa đã rụt ngay lại như chạm vào sắt nung đỏ. Cố. Phải cố. Phải ăn hết. Không được bỏ. Đây là lượng. Đây là chất. Nhai trệu trạo thôi. Rồi nuốt. Nhưng hàm ếch cũng chảy máu tươi rồi. Cũng bong hết lớp da non, cũng rách toạc ra rồi.

Quả thứ chín. Khá lắm. Đã được tám quả. Còn quả này nữa. Hắn đau đớn giàn giụa nước mắt. Giá có dao gọt, xắt thì đỡ hơn. Đằng này lại gặm. Dứa tác động đến mồm miệng nhiều gấp mấy lần. Hắn thừ người nhìn quả dứa thứ chín đã đập vỡ làm hai, Nước quả dứa bị giập trong khi đập ri rỉ, óng ánh. Nước dứa dính bết tay hắn. Ở miệng hắn, nước dứa dính lẫn máu hồng hồng.

Hắn gặm nửa quả dứa thứ chín. Tra tấn. Đúng là tra tấn. Giá mà để dành được. Đau. Mồm như bị lở loét xối lên óc. Hắn gặm nửa quả dứa còn lại. Máu chảy nhiều quá. Hắn giằng mạnh cái lõi. Nó bựt ra, kéo theo nhiều thịt dứa. Hắn gặm chỗ thịt ấy. Đỡ đau hơn khi nó còn dính vào vỏ, lúc gặm thỉnh thoảng lại có một cái mắt dứa cào vào lưỡi như dao cạo khía. Nhưng vẫn là tra tấn. Vẫn là máu me nhầy nhụa. Hắn ăn hết quả dứa thứ chín và ngắm nghía cái lõi. Nó tròn tròn phủ kín một lượt máu, hồng hồng như một khúc xương lợn còn dính thịt. Hệt khúc xương lợn còn dính thịt nham nhở. Hắn vất cái lõi hồng hồng ấy vào đám vỏ dứa đã gặm.

Hắn nhìn quả dứa thứ mười.

Hắn thở dài, đứng lên, ném quả dứa vào bụi. Không ai có thể làm được một việc quá sức mình. Hắn chỉ cố được chín quả. Dù là nghìn năm có một vẫn phải vứt đi thôi.

Hắn lần mò xuống suối. Mồ hôi như tắm. Bỗng thấy ngứa ran khắp người vì nóng, vì muỗi đói, ruồi vàng. Hắn ngâm mình dưới suối và thấy tỉnh táo trở lại. Bữa trưa hôm ấy, hắn chỉ xúc vài thìa lấy lệ. Vì đau. Vì no. Chỗ cơm còn lại hắn phơi khô, để dành cho những sáng chủ nhật bị treo mỏ.

Từ ấy Vịt Bầu không còn là Vịt Bầu nữa. Chỉ Vịt Bầu mới tạt được một lúc mười quả dứa. Cứ bảo Vịt Bầu chậm mãi đi. Thần tạt đấy. Nhưng sự đánh giá mới ấy không bền. Ít lâu sau anh em trong toán lại trêu chọc Vịt Bầu, vì Vịt Bầu cùng Dần đi tạt sắn bị Thuận sứt bắn rụng.

Hai người đã cẩn thận lắm. Không đi từ dưới lên mà tạt từ rừng xuống. Chui vào giữa nương thì Dần bảo: “Nghe như có tiếng mõ trâu. Khéo thằng Thuận sứt ở đây đấy”. Hắn sợ. Thuận sứt chăn trâu không tha một ai. Hắn và Dần nằm xuống thảm lá sắn nghe ngóng động tĩnh. Vẫn im ắng. Một đàn chim thiên đường sặc sỡ từ đâu bay tới đỗ xuống bìa rừng. Nhớ đến một chuyện của Hemingway viết về chiến tranh Tây Ban Nha, về con quạ trên cây thông lối đi vào trận địa bay lên là bọn phát-xít tới, hắn bảo Dần theo dõi đàn chim. Con chim cuối cùng vừa đáp xuống thì con đầu đàn đã tung lên kéo theo cả đàn. Hắn và Dần nằm im một lúc nữa. Rồi cùng bò đến một gốc sắn mập dầy mắt. Đầu tiên là phạt đứt cái chạc ba ngọn sắn đã. Để nó khỏi rung rinh. Và nhổ. Được gốc đầu tiên. Bốn củ gẫy. Xoắn vặn bốn củ. Hơi tiếc vì phần ngon nhất còn nằm dưới đất. Gốc thứ hai. Đất rắn quá. Lâu không mưa. Cong lưng. Nín thở. Vãi cả rắm mà không suy suyển. Nào. Cố. Hai ba nào. Ị… Ị… Ự… Ự… Bỗng Dần ngồi phịch xuống đất, đưa tay về phía lưng kêu lên khe khẽ:

- Bỏ mẹ rồi! Chết cha rồi! Sút lưng rồi!

Và nằm ngửa giơ bốn vó lên giời, quằn quại trên lớp lá sắn khô.

Vừa lúc ấy một giọng khoái trá vang lên: “Các anh làm gì ở đây?” Thuận sứt! Thuận sứt cười hề hề, nhặt bốn củ sắn gẫy về báo cáo cán bộ. Trông rất đểu. Cái thằng chó má ấy chỉ chừa tật bẩm báo, khi Hỉn Sán bắt quả tang nó đang “làm tình” với con trâu cái của toán ở dưới suối. Nó đã vào rất sâu trong rừng. Nó đã tháo cả mõ trâu ra. Nhưng nó lại kêu “họ, họ” lúc làm tình. Thế là Hỉn Sán túm được.

Mình chỉ bị hạ mức ăn. Dần còn bị sút lưng, nằm ngồi dặt dẹo. Lẽ ra phải biết khi đàn chim văn công (1) bay đi là chắc chắn có người ở bên dưới. Lẽ ra để lùi lại. Đừng tạt ngay hôm ấy…

- Nhưng làm sao chờ đợi được. Sắn đang xuống củ. Tất cả trí tuệ hướng về nương sắn, mong được bữa bành.

- Bố bảo gì? Con đếm hết hàng này là một trăm hai bốn quả. Bố đếm được bao nhiêu?

Con Nguyệt giật tay áo kéo hắn, ngước cặp mắt long lanh nhìn hắn.

Hắn ép con vào sườn mình. Hai bố con cùng đi đếm tiếp mà lòng hắn quặn đau. Con học giỏi mà làm gì? Đời con rồi khổ đấy. Con không còn là một đứa trẻ bình thường nữa. Lỗi tại bố. Tất cả là tại bố. Con chưa hiểu gì đâu. Nhưng bố thấy trước rồi. Đen tối lắm. Lý lịch của con sẽ ghi “Bố: Đi tù”. Các cấp sẽ xác nhận: “Bố phản động. Đi cải tạo năm năm”. Dòng chữ ấy bám vào con suốt đời. Không chỉ đời con. Đời con con nữa. Con là thịt xương của mẹ, của bố. Giá con là con một người nào khác, đời con sẽ không đến nỗi…

Hắn ôm lấy con gái. Hôn vào má nó.

Hắn cứ tưởng về quê với bố mẹ, hắn có thể thư thái lại. Như trước đây “bước vào tới cổng là bỏ lại sau lưng tất cả”.

(1) Tức chim thiên đường.

Khi mới nhận giấy tha từ tay ông Quân, bước những bước đầu tiên trong trại V.Q thấy nhẹ băng băng, hắn đã nghĩ tới cái lực hút nhà tù không còn tác động đến hắn. Thật ngu xuẩn và nông cạn. Nó là cả một từ trường như từ trường quả đất, luôn kéo mũi kim la bàn chỉ về hướng Bắc. Có xoay la bàn thế nào chăng nữa, kim chỉ rung rinh chuyển động, rồi lại im lìm một hướng quay về phía Bắc.

Cái kim la bàn trí não hắn có nghĩ tới chuyện gì rồi cũng lại quay về đó.

Những chuyện trong tù cứ tự nhiên nó đến. Nhiều khi chẳng cần một mối liên hệ nào. Khi bà Chân ngồi ở cửa bếp mổ cá, gọi: “Nguyệt ơi! Trèo lên hái cho bà mấy cái lá me đi”, hắn hiểu rằng mong ước của hắn đã biến thành sự thật. Trong tù hắn đã ao ước được nhìn thấy mẹ đi chợ về biết bao. Và khi từ Trần Phú lên Q.N lần thứ hai, được giữ chân coi vườn, đem màn xuống suối vây cá, bắt những con cá suối bé tý gầy nhom bỏ vào ca, vẩy cá bám vào tay, hắn nghĩ đến đúng cảnh này.

Vậy mà ngay lúc ấy, ngay lúc lũ gà xông vào mổ vây cá, ruột cá trên thớt, mẹ lấy dao huơ đuổi làm chúng giạt ra, hắn lại thấy trước mắt những ô vuông trên cánh cửa xà lim và những đôi mắt xà lim đầu tiên nhìn hắn, hắn cũng chăm chăm nhìn lại. Những đôi mắt xà lim 75 im lặng ướm chườm lên mắt hắn vào cái hôm hắn từ 76 chuyển sang.

Sau nửa năm 76 không một bóng người, sang 75, lần đầu tiên nhìn thấy những đôi mắt ấy. Những đôi mắt trong những ô vuông xà lim đối diện nhìn sang. Giống nhau. Rờn rợn. Câm lặng. Âm thầm. Khắc khoải. Dò hỏi. Rã rời. Cam chịu. Nhẫn nhục. Chờ đợi. Tò mò. Cảnh giác. Và hình như cả vui vẻ nữa, vì có thêm người cùng chung cảnh ngộ. Những đôi mắt thoi thóp chút ánh sáng còn leo lét bên trong. Những đôi mắt nói rất nhiều. Không thể diễn đạt bằng lời những đôi mắt ấy. Chỉ có thể thể hiện nó bằng ống kính. Nhất là khi mới chân ướt, chân ráo bước vào. Ngơ ngác vì sự chuyển buồng. Ngơ ngác với cái chuồng mới của mình. Vất nội vụ vào một góc và bước ra cửa xà lim quan sát thế giới qua cái ô vuông bằng bàn tay. Lom khom nhìn ra hành lang tối. Nhìn sang bên kia. Bắt gặp những đôi mắt sau những ô vuông xà lim đối diện nhìn lại. Không thấy người. Chỉ những đôi mắt. Lần đầu tiên thấy những đôi mắt xà lim. Những đôi mắt xà lim nhất loạt hiện ra nhìn lại. Những đôi mắt từ đường chân trời bên kia nhìn lại.

Ai? Họ là ai? Người. Không. Con người không nhìn nhau như thế. Những đôi mắt như những tấm gương soi, soi rõ cuộc đời mình. Mỗi ô vuông chỉ vừa đôi mắt. Không thấy mặt. Không thấy người. Không biết tuổi tác. Không thể chỉ bằng đôi mắt đã biến dạng mà biết được già hay trẻ, cao hay thấp. Chỉ có hai con mắt. Con mắt cửa sổ tâm hồn. Con mắt cửa sổ xà lim. Con mắt của những cuộc đời xà lim, những số phận khác nhau, lần đầu gặp gỡ quan sát làm quen, bởi vì mãi sau mới là câu chào đón tiếp đầu tiên: “Bị lâu chưa?” Những đôi mắt mà hễ ai nhìn thấy dù chỉ một lần cũng đủ cả đời ám ảnh.

Còn khi bố cầm chổi quét sân, tiếng chổi quèn quẹt trong mảnh sân nhỏ còn vương lại ánh nhợt nhạt cuối cùng của một ngày và trong nhà con Nguyệt đã châm đèn thì còn có thể nghĩ đến một cái gì khác, một ai khác ngoài Sơn. Tiếng chổi cuối cùng của một ngày vẫn hứa hẹn một buổi tối bình yên, đầm ấm, hạnh phúc, êm ả đến phẳng lặng của nông thôn sum họp bây giờ đây nghe mà buồn đến tái lòng. Không thể tách bạch được đâu là tiếng chổi của bố, đâu là tiếng chổi của Sơn.

Sơn kỹ sư bốc xếp, án ba năm, đêm đêm khoanh tay nhìn bó hoa đen trên tường nhà mét, Sơn đã được giao quét trại khi anh tù chuyên quét trại mãn án. Không thể không nhớ tới đôi lồ của Sơn. Nhớ tới cô giáo Hạnh vợ Sơn lên thăm Sơn. Và nghĩ tới Phượng, dì Sơn. Người quen trong thời oanh liệt, người mới biết trong nhà gặp mặt trại Q.N.

Lần đầu tiên gặp Hạnh hắn không để ý. Hắn chỉ gật đầu chào Phượng. Lúc ấy Phượng đang ngồi cạnh Ngọc. Lúc ấy hắn mới biết Sơn là cháu gọi Phượng bằng dì. Hai dì cháu chắc chỉ hơn nhau dăm tuổi.

Thoạt nhìn thấy Phượng hắn cảm thấy nhục nhã vì bộ quần áo tù hắn đang mặc trên người, vì dáng vẻ tiều tụy của hắn trước các ông công an. Bởi Phượng là người đã chứng kiến hắn từng sống như thế nào, bởi Phượng có một thời đã đem lòng yêu hắn. Phượng đánh máy ở cơ quan Ngọc. Ngọc vẫn nhờ Phượng đánh máy bản thảo cho hắn. Những bản thảo đã in, chưa in, bị công an tịch thu đều do Phượng đánh máy hộ. Coi như Phượng đã đọc toàn bộ sáng tác của hắn. Hình như Phượng quý hắn. Hắn cảm ơn Phượng về sự giúp đỡ. Hắn ký tặng Phượng sách. Ngọc mời Phượng đến ăn cơm những ngày chủ nhật, những khi hắn có nhuận bút. Hắn để Ngọc tiếp chuyện Phượng. Hắn nấu

ăn. Hắn nấu ngay ở lò sưởi trong nhà và quay lại:

- Cô chủ, cô khách quay đi nhé. Tôi nếm đây.

Dạo ấy Phượng còn ở tập thể. Một mình Phượng trong căn buồng hẹp ở công ty. Chồng Phượng dạy học trên Hà Nội thỉnh thoảng mới về. Cao lớn, nước da bánh mật, răng trắng đều, lại được hai lúm đồng tiền trên má, đôi mắt lấp lánh, Phượng rất tươi tắn và quyến rũ. Ngọc kể lại: Ông phó chủ nhiệm công ty đã tán tỉnh sàm sỡ với Phượng bị Phượng cự tuyệt thẳng thừng. Tuy nhiên để ông yên tâm, hoàn hồn, Phượng nói với ông sẽ giữ bí mật cho ông chuyện đó, không báo cáo với lãnh đạo. Phượng đã giữ lời hứa. Phượng chỉ nói với Ngọc thôi. Không biết Phượng đã nói với Ngọc những gì về hắn mà một hôm đi làm về, Ngọc nửa đùa nửa thật bảo hắn:

- Cái Phượng nó yêu anh đấy.

Hắn cười. Hắn biết Phượng là người ham đọc sách, đã đọc hết tủ sách còm cõi của hắn. Đã đọc nhiều sách khác. Phượng yêu văn học. Phượng yêu những trang hắn viết. Rồi Phượng có cảm tình với người viết những trang ấy. Có thể là như thế.

Một buổi sáng, hắn ở nhà viết bài thì Phượng đến gặp hắn, chỉ giữa hai người thôi, không có Ngọc. Lần đầu tiên chỉ có hai người, không có Ngọc.

Phượng đưa cho hắn những trang bản thảo quyển Hải Đăng mới đánh máy xong. Cũng lại là lần đầu tiên Phượng tự mang đến. Những lần trước Phượng đều gửi Ngọc cầm về. Hắn đỡ xếp giấy trong tay Phượng, cảm ơn Phượng và nói:

- Phượng đánh máy đẹp quá.

- Anh viết đến đâu rồi. Đưa tiếp cho em.

Hắn đưa xếp bản thảo tiếp theo cho Phượng. Phượng cúi nhìn những dòng chữ li ti của hắn, những chỗ hắn dập xóa, những chỗ hắn thêm vào.

- Chữ tôi có khó đọc lắm không?

- Đọc được. Em quen với chữ anh rồi.

Phượng nhìn thẳng vào mắt hắn trìu mến:

- Văn anh đẹp lắm.

Và hỏi hắn về quyển Hải Đăng, về những dự định sáng tác của hắn. Đôi mắt Phượng lấp lánh. Nụ cười của Phượng càng sâu hơn những lúm đồng tiền. Phượng bỗng trở nên nhí nhảnh, duyên dáng, hóm hỉnh, nũng nịu. Hắn nhớ đến thời hạn nộp bài cho ban biên tập và hỏi Phượng mấy giờ rồi. Phượng không trả lời. Tay Phượng đang để trên bàn, đỡ xếp bản thảo. Áo sơ-mi ngắn tay, bắp tay Phượng tròn đầy màu bánh mật. Cổ tay Phượng đeo cái đồng hồ nhỏ xíu. Phượng hơi nhíu mày về sự quấy rầy của hắn, càng như mải chăm chú đọc những trang mới viết của hắn và đưa cả cánh tay tròn trĩnh có đeo đổng hồ sát về phía hắn. Để hắn xem giờ. Để hắn cầm lấy tay Phượng đưa lên mà tự xem giờ. Đó là một kiểu mời yêu. Một kiểu nói: “Em yêu anh. Em là của anh”. Hắn cầm lấy tay Phượng. Hắn cầm lấy cả cánh tay mát rượi có đeo đồng hồ ấy kéo về phía mình. Phượng rời xếp bản thảo đứng lên, ngoan ngoãn bước lại gần hắn. Hắn cũng đứng lên. Hắn ôm hôn Phượng. Hẳn Phượng vẫn chờ đợi cái hôn ấy, vì Phượng ép chặt vào người hắn.

Hắn thở gấp. Phượng cũng thở gấp. Hình như mặt hắn tái đi, vì mặt Phượng cũng tái đi. Hắn nhìn Phượng, thấy đôi mắt Phượng trong trẻo long lanh như mắt thiếu nữ. Phượng bỗng trở thành thiếu nữ. Thiếu nữ đến tuổi yêu, đang yêu và được yêu. Hắn nắm tay Phượng lần nữa, nhưng Phượng khẽ khàng gỡ ra, lắc đầu chỉ ra cửa như muốn nói: “Chúng mình hãy cẩn thận. Nhỡ có người lên”. Phượng vuốt lại tóc, cầm xếp bản thảo trên bàn, nhìn hắn gật gật như hỏi: “Em về nhé. Đồng ý nhé”. Và xuống thang. Phượng xuống thang như nhảy từng bậc một dù vẫn nhẹ nhàng. Từng bước chân thiếu nữ nhún nhảy, nhí nhảnh, nghịch ngợm, vai khẽ nhô lên hạ xuống theo từng bậc thang. Hắn nhìn theo mà thấy Phượng trẻ lại như chỉ mười sáu mười bảy tuổi.

Câu chuyện xảy ra lúc mười giờ và kết thúc hai tiếng đồng hồ sau đó khi Ngọc đi làm về. Không hiểu sao Ngọc đã biết tất cả.

Đã lâu quá rồi. Gặp Phượng ở nhà gặp mặt trại Q.N, những kỷ niệm ấy chỉ thoi thóp ở một nơi nào đó của ký ức, không đủ sức cựa mình dưới chiều dày lớp chăn liệm của thời gian và sự kiện. Cái hôn duy nhất thoảng qua của một thời đã chết và không bao giờ còn tái sinh được nữa, chẳng gợi gì đối với một người đang sống trong tù ngục với cái đói, với u uất, với xà lim, với lao động khổ sai, với tiêu diệt cuộc đời. Hắn chỉ cảm thấy xấu hổ vì tư thế súc vật của hắn. Và ngạc nhiên: Không biết Phượng thăm ai. Nhà Phượng cũng có người sa vào thiên la địa võng này ư? Ngọc bảo:

- Phượng lên thăm cháu. Cũng ở đây. Em với Phượng cùng đi với nhau lên hôm qua. Phượng gửi cho anh gói cà-phê đây này. Nhưng không biết các ông ấy có cho nhận không?

Nhìn Sơn ngồi đối diện với Phượng, hắn mới hiểu vì sao hắn thấy Sơn quen quen, như đã gặp nhau ở đâu rồi. Sơn rất giống Phượng. Ngày ấy Sơn đã khoanh tay đăm đăm đứng nhìn ngọn đèn không bóng, nhìn bó hoa đen ở cửa nhà mét.

Từ ấy hắn và Sơn thân nhau hơn. Hai người rủ nhau đi xa kiếm vả. Không có vả chín, họ ăn vả ương và cả hai cùng bị say, nôn thốc nôn tháo cho đến khi dạ dày chỉ còn nước chua. Rủ nhau vào các nhánh suối cạn. Lật những hòn đá, bắt cua. Bắt nhái. Tìm ráy. Ráy hay mọc ở đầu những nhánh suối cạn lúc nào cũng ẩm ướt và bên trên là cây cối dây leo chằng chịt. Tìm món này có cái nguy hiểm là sẵn vàt. Giống vắt cắn rất êm. Không đau. Chỗ nó cắn máu cứ chảy mãi. Phải lấy lá nón dán vào mới cầm được máu. Thuốc lào cũng chẳng ăn thua gì. Có con cắn no máu về đến buồng giam cũng vẫn không biết. Nó hút máu quá căng, nên rời ra chiếu rồi mà máu từ mồm nó vẫn cứ ựa ra đỏ tươi. Sơn bỏ các thứ vào cặp lồng. Cả nhái, cả cua, cả rau tàu bay, mẩu khoai lang, ráy nấu thành một thứ sền sệt. Đúng là sột sệt. Ôi! Đại tiệc!

Sau này đi làm miến với Giang, hai anh em ngồi ở chỗ làm, đêm khuya nhìn con chim săn mồi vụt qua quầng sáng ngoài cửa sổ, cánh vỗ êm ru, hắn lại nhớ đến Sơn. Vì hắn nghĩ đến những con chim rừng, những con sóc cũng bay êm như thế. Rồi nghĩ đến tiếng vắt đo trên lá mục. Chim bay êm, còn vắt đo lại nghe tiếng rào rào.

Hôm ấy, đang đi tìm ráy với Sơn, hắn thấy vắt ngay trước mặt, chỗ hắn định đặt chân xuống. Hắn quay sang chỗ khác. Lại vắt. Chỗ nào cũng vắt.

Hắn nhảy lên một gốc cây to bị cưa cụt gần đó. Một gốc cây cao lưng lửng. Hắn đứng im trên gốc cây nhìn ra chung quanh. Nhìn xuống xem có khóm ráy nào không. Nhìn lên xem có thấy dây gắm, quả vả nào không. Và hắn bỗng nghe như có tiếng rì rào. Hắn lắng nghe. Quả là có tiếng rì rào thật. Hắn chăm chú nhìn xuống. Vắt. Vắt đói đo trên những lá mục. Cơ man là vắt nhỏ nhít như những sợi tóc vàng vàng. Bốn chung quanh, vắt ngóc đầu về phía gốc cây hắn đứng. Mỗi chiếc lá mục phải đến mấy con vắt. Mà lá rừng thì nhiều vô kể. Vắt ngửi thấy hơi người dồn đến. Vòng vây đang thít quanh hắn. Hàng vạn con vắt hăm hở hướng tới quăng mình như những con sâu đo.

Hắn nhìn xuống gốc cây hắn đứng. Đoàn vắt tiên phong đang leo lên gốc cây. Hắn hoảng sợ, nhún người nhảy vọt qua vòng vây của vắt, chạy xuống suối, ngồi phệt trên một tảng đá, kiểm tra từng kẽ chân, vén quần lên xem chỗ khoeo sau gối…

Hắn hú gọi Sơn. Có tiếng hú cúa Sơn đáp lại từ xa. Một lúc lâu thấy Sơn xách về một củ ráy to. Ở chân Sơn, mấy vết máu chảy: Vắt cắn.

Khi anh tù quét trại mãn án, Sơn được thay chân ấy. Hắn mừng cho Sơn. Đó là một công việc được tin tưởng. Sơn quét không chê vào đâu được. Quét suốt ngày. Từng buồng giam. Cọ rửa nhà mét. Cái đòn gánh luôn trên vai. Khi gánh nước. Khi đôi lồ. Và chổi. Các loại chổi. Chổi cùn cọ nhà mét. Chổi dài – làm bằng một loại cành cây mềm đã rụng hết lá – quét buồng, quét chung quanh. Luôn chân luôn tay. Khi đã sạch sẽ tất cả, Sơn ngồi vào chỗ khuất nghỉ một tý. Nhưng chỉ thoáng thấy bóng ông quản giáo ông vũ trang mãi ngoài cổng, Sơn đã đứng lên vớ lấy cái chổi. Lại quét.

Rõ ràng Sơn quét trại tốt hơn anh tù trước. Rác rưởi cây que quanh nhà xí công cộng cũng không còn (anh em tù người dân tộc chùi đít bằng cây que, đóm, nứa… vương vãi khắp nơi). Gánh nước cọ gần chục nhà mét. Quét gần chục buồng giam. Quét chung quanh các buồng. Quét lối đi. Dọn nhà đái, nhà xí công cộng… Khối lượng công việc thật đồ sộ. Sơn im lặng làm. Sạch sẽ. Cẩn thận. Chu đáo. Nhặt từng đầu mẩu thuốc lá. Từng cái đầu đóm. Cải vỏ kẹo. Cái lá rụng. Không một ông quản giáo nào chê Sơn. Sức lao động Sơn bỏ ra phải gấp mấy lần khi Sơn còn đi làm cùng với toán.

Bù lại, Sơn được ra vào trại tự do. Và nhất là được biên chế vào toán nhà bếp. Được ngủ được ăn với toán nhà bếp. Được bành. Bành, nhưng trông Sơn vẫn chẳng thấy khác đi tý nào. Vẫn cứ xanh bóng. Vẫn khó đăm đăm. Không biết về toán nhà bếp Sơn có còn đứng ở cửa nhà mét nói chuyện với bó hoa đen nữa không? “Vả lại không có hoa màu đen trong các loài hoa.” Mác đã viết như vậy. Thế mà có đấy. Cái vụ anh-giếch-tơ, béc vòi phun, Sơn kiếm được bao nhiêu? Cái giá phải trả thật là ghê gớm. Rồi hắn cười chua chát:

- Ít ra Sơn còn kiếm được tiền để phải trả giá ba năm. Còn gần năm năm của mình là cái giá phải trả vì mình đi viết văn, đi làm báo, vì những ý nghĩ ngu xuẩn, dại dột, ngông cuồng của tuổi trẻ. Đáng đời thằng cáo! (1)

*

*        *

Những ý nghĩ bi quan nhất rồi cũng qua đi. Hắn từ biệt cha mẹ ra phố với quyết tâm của một người lính xông vào cuộc chiến đấu mới. Hắn tự nhủ:

(1) Tên một bộ phim hoạt hình.

Tất cả đã qua rồi. Năm năm tù đã qua rồi. Nỗi đắng cay của Ngọc đã qua rồi. Những lo nghĩ xót xa đau đớn của bố mẹ cũng qua rồi. Cả chuyện thằng Hiệp đánh gẫy răng thằng bé thôn Nội cũng qua rồi. Cuộc sống ở phía trước. Đối với hắn phía trước là gì nhỉ? Chắc chắn nhất phía trước của hắn là bốn đứa con. Là thằng Hiệp đã thành một thiếu niên. Là con Thương chịu thương chịu khó. Là con Nguyệt quần phíp vá tung tăng đến trường. Là bé Dương nằm trong lòng hắn hỏi hắn: “Bố ơi! Sao bố đi lâu thế. Bố già chưa hả bố?” Và còn dặn đi dặn lại “Bố mẹ bắt gà ra cho con nhé”. Chính vì bốn đứa con mà hắn không thể lùi bước. Phải tìm mọi cách khôi phục công lý. Phía trước của hắn là làm sao đền đáp được công ơn cha mẹ. Ông Chân đã bảo hắn, khi hắn trở ra phố:

- Bố mẹ chẳng mong gì hơn là con cháu khỏe mạnh, bình an. Con về là bố mẹ mãn nguyện rồi. Con người ta tránh không khỏi số. Bố mẹ được như thế này là quý lắm. Cảm ơn trời phật tổ tiên. Người ta còn ông, mất bà. Còn bà, mất ông. Được song toàn hiếm lắm. Tuy tuổi cao, nhưng giời còn để cho khỏe mạnh, kinh tế chưa phải nhờ đến con cái. Các cụ để lại cho mảnh vườn, còn gọ gẵng sống được. Hơn người rồi. Bom đạn Pháp, Mỹ, gia đình ta nguyên vẹn. Thế là phúc cả mả dày. Con ra ngoài ấy cố gắng cùng với mẹ Ngọc bàn cách làm ăn. Mẹ nó tốt thật đấy. Có gian khổ mới thấy được. Làm dâu, làm vợ như nó hiếm đấy.

Phía trước của hắn là phải gặp được ông Trần, các ông Thường Vụ. Phải đòi được bản thảo. Phải tìm mọi cách đòi lại cuộc sống đã bị tước đoạt.

Trở về P trên chiếc xe ô-tô khách hôm trước, hôm sau hắn sắp xếp giấy tờ ra đồn công an đăng ký hộ khẩu. Hắn xem lại tờ lệnh tha mà cô trung sĩ ở tổng trại V.Q đã đưa cho hắn. Có hai điều hắn nhớ:

- Tha hắn về địa phương hắn ở trước (thành phố P).

- Hắn được tha vì cải tạo tốt.

Điều thứ nhất là vô cùng quan trọng. Người ta có thể tha hắn về nguyên quán, nghĩa là về quê, nghĩa là hắn không thể đăng ký hộ khẩu ở thành phố, nghĩa là không sổ mùn, không sổ gạo. Nghĩa là hắn phải ở chui với Ngọc, với các con hắn. Điều thứ hai mang tính chất thủ tục nếu không nói là hài hước. Ai được về mà không cải tạo tốt.

Ngày hắn trở lại Trần Phú, nếu được tha thì cũng đã cải tạo tốt từ ngày ấy rồi. Về chữ cải tạo này, Dần lái xe kẹp chết người đã có ý kiến nghe cũng có lý: “Cải tạo là thay đổi bản chất. Những người bản chất tốt vào đây sẽ được xấu đi. Có đúng không nào?”

Hắn suy nghĩ: Sao người ta lại tha hắn nhỉ. Hắn vẫn làm đơn kêu oan. Hắn vẫn không chịu nhận những gì người ta muốn hắn nhận. Người ta có thể kéo dài thời hạn đi tù của hắn. Làm gì được? Có thể họ vẫn còn một chút lương tâm, một chút lòng trắc ẩn. Có thể có người nào thấy năm năm ông ta sống với vợ con đã là lâu, nên sực nhớ ra năm năm tù của hắn cũng là quá lâu rồi so với cái tội chủ quan, tự kiêu tự đại, viết nhiều, không muốn vào Đảng của hắn. Kể ra năm năm cũng là lâu chứ. Quá nửa cuộc trường kỳ chống Pháp còn gì. Hẳn phải có ý kiến ông Trần. Chắc ông Trần trong một cuộc họp nào đó đã cười bảo bọn ông Quảng, ông Lan:

- Thằng Tuấn tù thế cũng đủ rồi đấy. Các cậu liệu làm thủ tục cho nó ra đi.

Thế là hắn được tha. Được về, được thoát khỏi tù tội.

Hắn nộp giấy tờ ở đồn mà lo. Nhiều người đi tù về không được đăng ký hộ khẩu đấy. Dù lệnh tha có ghi rõ. Người ta nhận giấy, nhận sổ hộ khẩu và bắt hắn làm đơn hứa sẽ nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, sửa chữa khuyết điểm… Hắn làm đơn. Người ta bảo hắn chờ.

Hắn chờ.

Đó là thời gian nhiều bạn bè đến thăm hắn. Họ đã biết hắn về. Người ta đến thăm hắn cho phải đạo. Để có thể nói với người khác: “Tuấn về rồi, biết chưa. Mình mới đến thăm xong”. Câu ấy có nghĩa: Mình là người trung thực. Không sợ hãi. Thủy chung như nhất.

Hắn biết vậy vì những người đó chỉ đến thăm hắn có một lần thôi. Rồi biệt tăm. Cái máu sĩ của anh em văn nghệ vốn rất nặng.

Tiếp những người bạn cũ hắn nghi nghi hoặc hoặc. Ai cũng có thể là đặc tình của công an. Đặc tình là chữ hắn học được ở trong tù. Đó là cộng tác viên (lâu dài hay một vụ việc cụ thể) của công an. Hắn nghi có cơ sở. Hắn vẫn không hiểu vì sao các ông công an đến khám nhà hắn lại thông thạo như vậy. Vào nhà là kéo ngay cái hòm đựng sách. Mãi sau này mới biết công an có bộ phận kỹ thuật, chuyên mở khóa trộm, hắn nghĩ: Cũng có thể công an đã mở khóa vào nhà hắn nhiều lần khi hắn đi vắng.

Trong những ngày chờ đợi hộ khẩu, hắn và Bình tha hồ trò chuyện cùng nhau. Đó là hai người bạn hiểu nhau, hiểu từng chân tơ kẽ tóc, đến từng cái xấu của nhau, có thể nói hết mọi chuyện cùng nhau như nói với chính mình. Và dù có phải xa nhau bao lâu, khi gặp lại, họ vẫn có thể nói với nhau về tất cả, như chỉ mới chia tay nhau hôm trước và tiếp tục câu chuyện dở dang.

Giờ đến lượt Bình kể về những ngày Bình sống xa hắn. Nỗi nhớ hắn mỗi khi heo may về.

- Những ngày ấy tao sờ thấy kỷ niệm. Thèm được kéo mày ra một quán cà-phê. Uống và im lặng nghe heo may. Thế thôi. Những lúc ấy tao càng thấy thiếu mày.

Hắn cũng đã biết tình cảnh của Bình khi hắn bị bắt qua những thông tin vắn tắt vào trại và những câu chuyện bập bõm Bình nói mấy hôm trước đây. Nhưng hắn không ngờ người ta làm ghê gớm thế. Bình bị gọi hỏi, căn vặn. Hẳn rồi. Người ta nói với Bình rất đúng:

- Hai anh là một mà lại. Có điều gì các anh không nói với nhau.

Người ta hỏi Bình về bài thơ chống thuế nông nghiệp của hắn. Bình cả quyết không có bài thơ nào như vậy. Đến khi các ông công an đưa ra những bằng chứng cụ thể, thì Bình ngớ người vì đó là một bài nhại thơ Chinh phụ ngâm của Yên Thao. Hắn đọc. Để cười. (Con người ta cũng cần cười chứ).

Thuở trời đất nổi cơn thuế má

Bọn nhà nông nhiều gã lao đao

Xanh kia thăm thẳm tầng cao.

Vì ai gây dựng nên tao thế này

Trống ngoài đình lung lay bóng nguyệt…

Hắn cười:

- Đúng! Đúng. Trong ấy họ cũng hỏi tao về bài thơ ấy. Tao nói rõ đầu đuôi và khẳng định, nếu bài thơ có nói về thuế thì đó là thuế chế độ cũ vì có câu Trống ngoài đình lung lay bóng nguyệt. Chế độ ta không có trống thúc thuế.

Hắn chẳng thể nào nói được với các ông ấy về tài nhại thơ của Yên Thao, là người hắn không quen mà chỉ nghe Vũ Mạc nói lại. Hắn bảo Bình:

- Trong ấy họ hỏi tao rất nhiều về mày.

- Họ hỏi những gì?

- Không chịu rèn luyện, lập trường tiểu tư sản bấp bênh. Coi thường đảng viên. Tự kiêu tự đại. Tự do vô tổ chức. Nhưng hỏi nhiều nhất là truyện Người chết không cô độc của mày.

Bình cười nhạt. Anh lại cảm thấy mình rơi vào một trò chơi ngu ngốc. Đó là truyện đạt tới giá trị nhân bản cao của anh. Và người bạn bao giờ cũng khắt khe với những gì anh viết là hắn cũng đánh giá nó cao. Truyện viết về một người bị bệnh ung thư, biết rõ thời hạn sống còn lại của mình. Trong những ngày cuối cùng ấy anh ta sống như thế nào với những người chung quanh, kẻ xấu người tốt, người anh yêu, người anh ghét. Truyện chưa in. Không hiểu sao họ cũng biết và hỏi anh dữ thế.

Gọi hỏi Bình là một việc. Họ còn cử hàng đoàn trinh sát theo Bình không rời. Đó là điều đến bây giờ hắn mới biết. Hắn tròn mắt, nhớ lại câu nói của Vũ Lượng về điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả có một ông trời gõ cửa đi vào nhà mình uống chè. Bình bàng hoàng khi biết mình có “đuôi”. Đến lúc ấy anh mới thực sự hiểu điều bạn anh đang chịu là sự mất tự do. Anh như ngửi thấy cái mùi của nhà tù. Anh bắt đầu biết anh bị theo dõi vào một buổi chiều thứ bảy, khi đèo Thao về một làng ngoại thành thăm hai đứa con trai sơ tán ở nhà chú em. Anh đang mải miết đạp, Thao ngồi ở poócbaga bỗng bấu vào tay anh, nói khẽ:

- Hình như có ai đang theo dõi chúng mình.

Đó là đòn đánh ngang đầu. Là đất sụt nơi mình đứng. Là cuộc đời bỗng nhiên không còn là cuộc đời nữa.

Trời đất đảo lộn. Cuộc sống dù sao cũng là cuộc sống. Vẫn có trời. Có gió. Có mây. Có cánh đồng, có đường phố. Có lúc giận vợ. Có lúc nô đùa với các con. Và viết. Nay sắp mất tất cả. Không. Ăn bánh nắp hầm, ăn ngô bung cũng được. Sống với sự giả dối cũng được. Nhưng đừng bị vào tù. Bởi vì còn sống còn hy vọng. Bị bắt là chết. Chết cả chút hy vọng cuối cùng.

Cuộc sống với bao vất vả khó khăn lo lắng, nhiều lúc đến mụ mị đi của anh có thể bị tước đoạt bất kỳ lúc nào. Giờ đây anh tính từng ngày, như người ung thư trong “Người chết không cô độc”. Nghe vợ báo tin có người theo, anh thấy trống rỗng ở ngực. Cảm giác ấy anh đã thấy một lần vào buổi sáng thứ sáu họp cơ quan, nghe Phan Lâm nói: “Tên Tuấn đã bị bắt.”

- Em để ý lâu rồi. Hai đứa.

Giọng Thao run run:

- Cứ thấy họ đi cách mình một quãng. Mình đạp nhanh, họ đạp nhanh. Mình đạp chậm, họ đạp chậm. Đừng. Đừng quay lại. Cứ thế. Kệ em.

Thao áp hẳn vào lưng anh mà nói. Anh nghe rõ từng tiếng, dù gió mùa

đông bắc ào ào qua tai. Anh sôi lên vì sợ hãi, tuyệt vọng. Và có cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng lồng lộn nhưng không sao thoát được. Thì ra họ có toàn quyền làm những việc họ thích. Họ huy động cả guồng máy khổng lồ để hại mình. Đạp xe đi, anh cứ thấy vương vướng ở phía lưng. Dinh dính ở gáy. Một cảm giác lạnh ở phía sau. Lạnh. Và bẩn. Và dính. Anh thở dài. Cuộc đời đến thế là hết. Lẽ ra mình phải biết trước. Mình chủ quan như thằng Tuấn chủ quan. Cứ nghĩ rằng mình hoàn toàn vô tội thì không bị bắt. Lẽ ra phải biết người ta có thể bắt mình bất cứ lúc nào. Anh điên lên đạp như người mất trí. Thao kêu khẽ:

- Anh làm gì thế? Chậm thôi!

Thao biết chồng đang nghĩ gì. Thao biết Bình đang sôi sục.

- Họ cũng đạp nhanh. Hoàn toàn đúng rồi.

Bình đột ngột phanh xe, bảo vợ:

- Đái.

Anh đưa xe cho Thao giữ, bước những bước thong thả và đưa mắt nhìn rất nhanh về phía sau. Cách chỗ anh đứng khoảng năm mươi mét có hai người vừa dừng xe đang làm ra vẻ thản nhiên giơ tay chỉ trỏ về phía làng xa… Anh bật diêm châm một điếu Trường Sơn. Thứ thuốc này đắng ngắt và anh cũng chẳng thèm thuốc, nhưng anh cần kéo dài thời gian để xem những người bạn đồng hành kia diễn những trò gì, diễn bao lâu nữa. Anh thấy họ vẫn đứng múa chân múa tay như đang tranh luận sôi nổi lắm. Anh lững thững xuống bờ ruộng và đi mươi bước. Anh làm cái việc tiểu tiện. Tiểu tiện thật. Thong thả anh quay trở lại. Lúc này tha hồ nhìn. Hai người đều áo bông xanh. Một quần xanh công nhân. Một quần màu sáng. Xa quá. Vả lại đã chiều tà, nên anh không nhìn thấy mặt họ, nhưng trông dáng người anh biết họ còn trẻ.

Họ đang chụm đầu lại. Cũng hút thuốc lá. Hình như họ chuẩn bị lên xe vì thấy anh đã nắm vào ghi-đông và ghếch một chân qua yên. Đúng lúc ấy, anh bảo Thao: “Em đi giải đi”.

Thao hiểu ý anh. Thao đi. Đi xa hơn Bình. Tìm chỗ khuất. Bình đứng trên vệ đường làm ra vẻ bình thản. Anh quay nhìn tứ phía cho có vẻ vô tư, rồi mới nhìn phía sau. Họ đã lên xe đạp. Đạp được mấy vòng, một người xuống xe. Người kia cũng xuống. Họ cúi cúi như kiểu lồng lại cái xích bị tuột. Đó là vở diễn của họ. Nghiệp vụ của họ.

Đủ quá rồi. Hiểu quá rồi. Khi Thao khẽ ngồi lên xe, anh đạp một mạch.

Không thèm quay đầu lại. Thao cũng im lặng. Chỉ một lần anh nghe Thao nói:

- Chúng nó vẫn theo.

Cái cảm giác mình như một con mồi và họ như những người thợ săn đến với anh lúc đó. Anh biết anh chưa bị bắt thôi, chứ anh đã bị mất tự do rồi. Không thể gọi là tự do khi mình đi đâu, làm gì (kể cả đi đái), gặp ai, trò chuyện bao lâu cũng có người quan sát và ghi vào sổ: “Đối tượng P2 về thăm con. Không đi la cà các nhà hàng xóm. Ngủ ở nhà…”. Vì chắc anh cũng phải có một bí số. Nhưng không biết họ đặt cho anh bí số gì nhỉ? P2 hay A18? Hay T5? Thật là một trò chơi chết người. Và thật buồn là mình lại ở trong vòng chơi đó.

Vợ chồng anh dắt xe vào căn nhà quen thuộc của chú em. Anh ôm hai đứa con trai và nghĩ đến những đứa con của Tuấn. Nghĩ đến bạn anh lúc bị bắt mà không biết trước rằng sẽ bị bắt như anh. Từ nay cái gì cũng nhắc anh nghĩ đến nhà tù, đến những hình phạt bạn anh đã chịu và anh sắp phải chịu.

Anh uống trà với chú em mà không biết mình uống gì. Anh đang nghĩ đến những cái đuôi. Cẩn thận thật. Những hai cái đuôi. Hai cái đuôi hôm nay cũng có mặt ở đây. Ở làng này. Mà không ai biết. Vậy là họ đã theo anh lâu rồi. Từ bao giờ nhỉ? Mình đã mất tự do từ lâu rồi, nhưng vẫn cứ tưởng là mình tự do. Mình vẫn vô tư, vẫn cứ tưởng mình như những người bình thường khác. Được là người bình thường sung sướng biết bao.

Anh ra sân, đứng nhìn trời đêm. Làng quê ban đêm thật im ắng và buồn tẻ. Mới chập tối đã chẳng thấy tiếng động nào. Ngoài tiếng chó sủa. Cả làng không ai biết có một cuộc săn đuổi chết người, một trò chơi chết người cũng êm ả như thế này đang xảy ra ở đây. Những người dân quê bao giờ cũng chất phác và đơn giản. Anh thèm được như họ. Anh thèm đánh đổi những hiểu biết của anh, cái đầu của anh lấy cái đầu của họ. Anh thèm đánh đổi số phận của anh lấy số phận của họ.

- Tao thấy Đông và Tây gặp nhau. Bố tao nói: Ngu si hưởng thái bình. Còn Gribôiêđôp có vở kịch “Nỗi khổ vì có trí tuệ”. Tao đã bao lần căm thù cái trí tuệ ít ỏi nghèo nàn mà mình trót có. Giá tao cứ ở quê cày ruộng thì sao bị bắt.

Hắn tạm ngắt câu chuyện Bình kể. Bình cười:

- Và trước đây chính chúng mình đã phê phán nộị dung tiêu cực trong câu nói của các cụ. Nó mang cái bi quan của người làm nô lệ. Giờ đây chúng

mình là chủ. Không phải chỉ là chủ xã hội, chủ chế độ. Còn làm chủ khoa học,

làm chủ thiên nhiên và…

Hắn rống lên cùng với Bình, như song ca:

- Làm chủ bản thân mình!

Cả hai được một trận cười. Hắn nói những điều đã nghiền ngẫm:

- Chúng ta quá rành việc phê phán. Chúng ta vạch những hạn chế của tất cà những người, những chế độ, những chủ nghĩa đi trước chúng ta và chỉ có chúng ta mới đúng. Chúng ta đứng cao hơn họ. Hêghen hạn chế. Cách mạng Pháp hạn chế. Hugo hạn chế. Tolstoi hạn chế. Nguyễn Du hạn chế. Hạn chế bởi nhân sinh quan. Hạn chế bởi giai cấp. Bởi triết học. Bởi lịch sử. Bởi thời đại. Vân vân và vân vân. Chúng ta là chân lý. Chúng ta cao hơn họ một đầu. Nhưng người ta đọc Hugo. Đọc hàng thế kỷ. Tất nhiên không phải ai cũng là Hugo, cũng là Nguyễn Du. Nhưng cái điều phải soi lại mình thì không làm. Phải tìm xem tại sao các nhà văn Việt Nam viết về những người đang sống, viết về người ta mà người ta lại không đọc, hoặc đọc rất ít. Người ta xô nhau tìm đọc một ông Shakespeare đã chết từ đời nào bên Anh viết về những người La Mã cách đây hàng bao thế kỷ? Đó là cái gì?

Bình trở lại câu chuyện về những cái đuôi:

- Đêm ấy tao đang đứng ở sân một mình, nhìn trời nhìn đất cho tĩnh trí thì một bóng đen ở phía vườn bước ra. Tao giật mình. Tưởng họ đến. Tưởng họ đến đọc lệnh bắt. Nhưng hóa ra Thao. Thao vừa đi xem xét xung quanh nhà. Tao nghĩ thương Thao quá. Mày đã biết từ trước tới nay tao chưa hề yêu Thao. Thao chưa được tao đối xử một lần như mày đối với Ngọc. Tao ôm lấy Thao ở giữa sân. Thao khóc. Tao đoán không phải Thao khóc vì sợ, mà khóc vì được tao thương yêu. Thao thì thầm: “Anh đừng nói gì với chú Tụy (thằng em tao) cả nhé”. Tao đáp: “Tất nhiên rồi”.

Đó là đêm ghê gớm nhất của Bình. Còn sau này anh cũng dần quen với việc có đuôi. Dần quen với ý nghĩ sớm muộn mình cũng bị bắt. Anh hiểu rằng nếu Tuấn bị bắt, thì anh cũng có đủ tiêu chuẩn để bị bắt. Tuấn có tội, anh cũng có đủ số tội Tuấn mắc. Ai chả có lúc kêu ca mậu dịch. Ai chả có lúc kêu độn nhiều ngô quá. Nhận xét các đồng chí đảng viên có thật còn là những người tiền phong gương mẫu không là bậy bạ rồi. Lại còn đụng đến bí thư nữa. Người bí thư bao giờ cũng đại diện cho một đảng bộ. Đụng đến bí thư Bách là đụng đến Đảng. Ai chẳng thấy phần lớn những sáng tác hiện nay rơi vào công thức sơ lược, minh họa một chiều. Ai cũng muốn viết hay hơn, những nhân vật với những số phận, những kẻ thù có thực, những nhân vật với chiều sâu nội tâm, chứ không phải là những người phát ngôn chính sách, hoặc những người lười chuyển biến. Nhưng không ai nói gì. Còn mình thì cứ bô bô.

Sau khi Thao phát hiện anh bị theo dõi chặt chẽ, không rời nửa bước, anh hiểu tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Càng choáng váng hơn trong tinh mơ thứ hai, khi hai vợ chồng đạp xe về thành phố. Dậy sớm. Đồng hồ báo thức để lúc hai giờ. Cả hai đều mới chợp mắt. Cả đêm trằn trọc suy nghĩ, sợ hãi và căm phẫn. Khẽ khàng ra khỏi chăn. Hai đứa con vẫn ngủ. Đánh răng rửa mặt. Pha một ấm trà. Nước phích từ tối qua nguội. Nhưng không sao. Đã thành thói quen. Cứ phải uống một tý vào buổi sáng. Tụy cũng đã dậy. Nhìn các con đang ngủ mà quặn lòng. Đưa tay nhẹ lên má chúng, ấm sực. Bụng nghĩ: “Nếu chưa bị bắt thì hết học kỳ này phải đưa chúng về phố thôi. Nếu mình bị bắt thì vẫn phải để chúng ở đây, một mình Thao trông sao nổi.” Lại nghĩ: “Không biết cá chìm còn ở đây không?” Cả ngày hôm qua chủ nhật, Thao trong khi chợ búa đã để ý, nhưng không bắt gặp họ. Họ lặn ở đâu? Rất kỹ.

Sương xuống. Xuyên qua áo bông. Buốt vai. Trăng tròn và to chênh chếch đỉnh đầu. Hai vợ chồng đạp xe đi. Áo bông, khăn bịt tai mà vẫn run. Cả làng còn ngủ. Thanh bình quá. Con đường trục chạy qua làng, trăng sáng gập ghềnh. Không một ai. Đi trong hun hút. Sớm thế này chắc đuôi chẳng biết. Hai vợ chồng không nói, nhưng cùng chung một cặp mắt dò tìm. Hoang vắng. Không cả tiếng chó. Chỉ có sương và trăng đỏ chênh chếch phía Tây. Tiếng Thao xuýt xoa ở ngay lưng.

Đã qua một chỗ ngoẹo và sắp tớí nơi họp chợ. Một người đang đi bách bộ trong ánh trăng suông ở giữa đường. “Kia rồi”. Với mẫn cảm của người bị săn lùng, cả hai cùng nghĩ như vậy và cùng bấu vào nhau thay lời nói. Im lặng đạp xe đi tới. Người ấy vẫn đi bách bộ, như không quan tâm đến ai, như đang mang trong lòng một nỗi phiền muộn lớn. Nhìn thẳng vào người ấy từ xa. Lúc đi ngang qua cố nhìn rõ mặt. Đó là tự nhiên thôi. Đêm hôm gặp người, ai chẳng cố nhìn cho rõ mặt. Không nhìn mới là không tự nhiên. Người ấy cũng nhìn mình. Một khuôn mặt trẻ, bình thản nhẫn nại trên đôi vai so lại dưới sương. Đã vượt qua người ấy. Hẳn Thao nhìn rõ hơn. Họ theo dõi mình ghê quá. Như một đối tượng cực kỳ nguy hiểm. Một con thú lớn. Bình không ngờ bộ máy chuyên chính mà anh vốn kính trọng và lãng mạn hóa qua những cuốn tiểu thuyết phản gián lại huy động đến mức này để thực hiện sự chuyên chính với anh. Chắc Tuấn cũng bị theo dõi chặt chẽ như vậy mà không biết. Có lẽ như nó lại hơn. Ít nhất nó vẫn được sống bình thường cho tới khi bị bắt.

Đi quá chợ mươi mét, anh thấy thấp thoáng sau bờ tre thưa một ngôi nhà có ánh lửa. Một người đang đi ở sân. Quần áo tề chỉnh. Rõ ràng người thành phố. Thì ra họ chốt ở nhà này. Nhà ai nhỉ? Nhà thằng Tâm, một ngụy binh đã bị ta bắt, nhưng cho “hưởng lượng khoan hồng”. Ở nhà này thật tiện. Ít khách khứa ra vào. Bất ngờ. Lại sát ngay đường cái.

Bình đạp xe thong thả. Để cho hai cái đuôi khỏi vội vã. Để cho họ thấy anh chẳng biết gì, hoặc có biết nhưng rất bình tĩnh, tự tin. Khỏi đầu làng, quay lại, thấy hai cái đuôi đen đen đã ở một cự ly thích hợp. Cự ly theo dõi đường trường.

Sao đêm ấy trăng to đến thế. To đến mức kỳ lạ. Quá cỡ. Và đỏ. Đỏ như máu đỏ. Sương xuống. Giá buốt. Cánh đồng đất ải trắng mờ. Im lặng tuyệt đối. Đi mãi vẫn một vầng trăng to, đỏ như máu. Một cánh đồng đất ải vắng tanh, sương giăng mù mịt. Và hai bóng đen im lặng phía sau.

- Khi sang phà Bính còn vắng. Thấy hai “bạn” dắt xe xuống. Đứng xa chỗ chúng tao. Chúng tao đạp xe đi quành lối phà Kiến An sang Rế. Phà Kiến An vắng. Không thấy bọn họ. Tưởng là nó thôi không bám nữa. Hai vợ chồng đạp xe và không thấy có người theo. Bắt đầu trò chuyện, nhưng đến gần Ngọ Đường, dắt xe dọc đường tàu, lại thấy sau lưng mình hai cái bóng ấy. Như từ dưới đất chui lên. Mày hình dung được không?

Bình nhăn mặt vẻ ghê sợ. Cho đến bây giờ anh vẫn còn thấy rõ mồn một cảnh tượng kỳ quáỉ đó. Nó kỳ quái như một chuyện của Jack London: Trên Bắc cực mênh mông tuyết trắng, không một sinh vật, một con sói bò theo một con người. Cả hai im lặng bò. Quyết bò đến chết. Quyết bò đến sống. Như đó là mục đích sinh ra ở đời này.

Anh đã quen với những cái đuôi. Và anh dễ dàng nhận ra nơi họ đặt vị trí để theo dõi anh khi anh về nhà anh ở thành phố. Một lần anh đạp xe ra cổng và bất chợt thấy cánh cửa chớp ngôi nhà bên kia đường hơi giật mình. Thoáng một bóng người sau khe hở dọc cánh cửa sổ và bờ tường chỗ bản lề. À, họ đứng rình mình ở đó. Thản nhiên, anh đạp xe đi. Và dừng lại mua một điếu thuốc lá. Anh nhìn thấy đuôi. Đuôi dừng mỗi khi anh dừng. Nhưng cũng có lúc đuôi đạp xe qua và chờ anh ở phía trước. Có lần thử cắt đuôi. Đạp nhanh, rẽ vào những lối ngoắt ngoéo. Anh đã làm được. Nhưng chỉ để thử thôi. Chứ anh biết đó là cả một thiên la địa võng, không thể nào thoát được. Anh phát hiện ra đặc điểm dễ nhận nhất của đám trinh sát này là: Trẻ. Dép nhựa Tiền Phong trắng có quai hậu, thứ hàng cực hiếm và sang trọng, giá mậu dịch chỉ có mấy đồng, nhưng giá chui những hai mươi nhăm đồng, nửa cái cán sự mỗi (1), nửa cây xoan của anh. Vậy là họ cũng móng trắng.

Thế rồi một hôm Bình thấy một thanh niên đi vào nhà ông bà Toàn ngay bên cạnh nhà Bình. Còn trẻ, dép nhựa trắng Tiền Phong có quai hậu. Móng trắng dắt xe đạp, ở poóc ba-ga có buộc một cái hòm gỗ thông còn mới đánh dầu bóng màu đỏ, đi thẳng từ bậc cấp qua mảnh sân nhỏ bên nhà ông bà Toàn vào nhà, và ở lì trong đó.

- Mày còn nhớ bà Toàn không nhỉ?

Bình hỏi. Hắn vừa cười vừa gật đầu:

- Nhớ. Nhớ chứ.

Một chuỗi hồi ức sống lại. Bà Toàn, răng đen, ngoài năm mươi, chỉ cao một mét ba thôi, nhưng tất cả mọi người trong căn nhà đông hộ Bình ở phải kiêng nể. Cái miệng bà quang quác, quang quác. Giành nhau một tý đất. Một chỗ để sọt rác. Chửi mèo mắng chó. Nghe xem nhà ai động dao thớt, nhà nào rán mỡ. Ai mua ở đâu mà được cả xe mùn. Cây chuối nhà sát cửa gầy gò mà ra một buồng quá to… Bà chẳng sợ ai, sẵn sàng đấu khẩu lẫn phê bình… vũ trang. Bà quắc mắt hỏi một bà ở dãy nhà ngang:

- Tay bo à? Tay bo thì tay bo!

Bà vỗ đùi nhảy lên để nhấn mạnh cho lời thách đấu. Sự phẫn nộ, vẻ khinh bỉ lộ rõ trên nét mặt bà đang hừng hực ý chí quyết thắng.

Bình đã tổng kết: Trong một số nhà trước đây chỉ có một chủ, nay lúc nhúc nhiều tổ ấm, những tổ ấm này lại đang sinh sôi nảy nở, ắt phải xảy ra tình trạng thập nhị sứ quân và sẽ tiến lên “thế chân vạc”. Rồi đến tập quyền. Một vị có đủ phẩm chất, sẽ chiến thắng các sứ quân khác, trùm lợp lên tất cả. Ở chỗ Bình, người chiến thắng là bà Toàn.

Nhà Bình và nhà bà Toàn là hai căn buồng liền nhau, vuông vắn, xinh đẹp nhất chỗ đó. Hai căn buồng ở và tiếp khách của chủ Tây ngày trước, thông nhau bằng một cánh cửa, phía dưới bưng bằng gỗ, phía trên là những ô

(1) Cán sự một, mức lương thấp nhất của ngạch cán sự.

kính nhỏ. Những ô kính vỡ đã được bịt kín bằng giấy. Tuy nhiên vẫn không ngăn được tiếng động. Bên kìa kéo ghế, bên này nghe tiếng. Nghe được cả tiếng ho. Để kín hơn nữa, bên ông bà Toàn căng một cái rèm. Bình đặt vào chỗ hõm của bờ tường (cánh cửa ở phía ông bà Toàn nên phần bờ tường hõm là của anh) những thanh gỗ làm giá sách. Và để những thứ linh tinh: ống đựng bàn chải đánh răng, phin pha cà-phê, gói thuốc lào hút dở, lọ thuốc đau mắt… Đôi bên cách biệt hơn trước. Cách âm cũng tốt hơn trước.

Phía trước nhà hai người có một mảnh sân. Cuộc đàm phán ngăn đôi mảnh sân kéo dài. Vì ở phía nhà Bình có hai cây xoan. Nhà bà Toàn chẳng có cây nào. Cuối cùng anh đồng ý chia đôi: Mỗi người một cây. Anh bắt chặt ngay. Để khỏi muỗi. Bà Toàn đẵn xoan mang về. Còn cây xoan của Bình, Bình bán. Bà Toàn bảo: “Để tôi mua cả một thể”. Ông Toàn bảo: “Tôi giả anh cái cán sự mỗi”. Nghĩa là năm mươi đồng, tương đương với lương cán sự một. Bình đồng ý ngay, tuy cây xoan giá những cán sự ba, nghĩa là sáu tư, sáu nhăm đồng. Đẵn xoan xong, đến việc rào ngăn. Bà Toàn bảo bà chưa có điều kiện, chưa có tiền mua cây que, vì bà biết một mình Bình, Bình cũng làm. Quả nhiên, đúng vậy.

Không chịu được cách khôn lỏi, quá đáng của bà Toàn, Bình quyết phản công. Phản công êm dịu. Một cách tấn công hòa bình. Hay đúng hơn, một thứ tâm lý chiến. Bình xuống bếp (làm ở ngoài sân, gần bếp nhà bà Toàn) đem dao thớt ra chặt nhát một như người chặt thịt gà. Những nhát đanh. Lại gọi vợ:

- Sang bác Tuấn suốt mấy cái lá chanh nhé. Thịt gà không lá chanh như anh không nàng.

- Mua ớt chưa? Cơm không ớt như quật thớt vào mặt.

- Lần sau mua con gà non non tý nhé. Con này khí cao tuổi đấy. Làm một tý “rạo” (rượu) nữa chứ nhỉ?

Bình cứ oang oang những mệnh lệnh “âm sâm” như vậy. Và phải nói Bình ứng tác nhưng câu tục ngữ về ăn uống rất cừ. Thao và hai cậu con giai chết lặng vì cười. Vừa thở như sắp đứt ruột vừa rên rỉ, lại phải cố trả lời với một giọng điệu tự nhiên, sao cho đừng có tiếng nào vỡ toác ra vì cười.

- Con xin lá chanh rồi.

- Làm gì cứ ầm ĩ lên thế?

Bình không cười. Bình vẫn tỉnh khô. Anh đang tưởng tượng ra một con

gà nằm trên thớt và tập trung tư tưởng vào những nhát dao. Những nhát dao đúng là chặt thịt gà, những nhát dao nhói lòng hàng xóm.

Nhà Bình có một con gà. Kể ra nó cũng có vẻ gà trống thật. Trụi. Trụi cả lưng, cả bụng. Da đỏ hon hỏn. Mào to đỏ đọc rủ về một bên mắt, trông càng dữ. Như một chú gà trống choai. Thế nhưng nó đẻ trứng. Hai cậu con giai gọi bố í ới ngay chỗ chuổng gà cạnh hàng rào thưa mới ngăn hai nhà:

- Ơ, bố này, con gà sống nhà mình nó đẻ, bố ạ!

- Đâu?

- Trứng đây này, to không?

Ba bố con cầm con gà trụi, da đỏ, mào đỏ rủ về một bên mắt ấy lên, vuốt ve âu yếm như nó là một con gà đẻ ra vàng vậy. Nó đẻ cách nhật, nhưng ngày nào ba bố con cũng reo:

- Lại một quả trứng nữa đây này!

Con gà đẻ mà cứ im thin thít, chẳng thấy cục ta cục tác. Đúng là gà trống đẻ thật rồi. Trứng lại to, đỏ au.

Bà Toàn giả điếc, không thèm để ý đến chuyện vặt ấy. Nhưng rồi bà không chịu được. Như chính bà vừa bị mất cướp. Bà kêu lên:

- Nhà người ta trồng lau ra mía. Nhà mình trồng củ tía ra củ nâu.

Mấy bố con lại cười. Cười lặng lẽ. Khi đó Bình đã bảo hắn:

- Chẳng còn gì vui nữa. Thì vui bằng sự đau khổ của người khác vậy.

  Hắn cũng đã bảo lại Bình:

- Và ngược lại, thấy người khác hơn mình thì mình đau khổ. Thế mới bỏ mẹ chứ!

Khi thấy móng trắng vào nhà ông bà Toàn, Bình giật mình. Anh cài trái cửa và rón rén đi về phía giá sách, áp tai nghe ngóng. Êm ả. Chẳng nghe được tiếng nói chuyện. Họ làm gì mà im ắng thế. Có tiếng kéo ghế. Rồi lại im lặng.

Đứng lâu quá, mỏi chân, muỗi đốt, Bình lăn ra giường. Hẳn là họ đến đặt máy ghi âm. Cái hòm gỗ thông quang dầu mới tinh ấy hẳn là đựng máy móc. Không biết họ mới đến lần đầu hay đến nhiều lần rồi? Cũng có thể anh ta là khách hay con cháu bà Toàn đến chơi. Bình tự tranh cãi. Nhưng anh này trông rất lạ. Chưa thấy đến lần nào. Dù sao cũng phải cảnh giác. Chờ đến khi nghe tiếng líp xe đạp giòn lách tách từ sân ra cửa, anh nhỏm dậy và nhìn thấy phía lưng người đó. Đặc một dáng vẻ của những cái đuôi anh vẫn gặp. Cái hòm gỗ thông cũng không còn trên poóc ba-ga xe đạp nữa. Cố trấn tĩnh, anh

ra sân. Ông bà Toàn cũng vừa bước ra. Bà Toàn hỏi anh:

- Anh Bình hôm nay không đi làm à?

Câu hỏi đầy ẩn ý. Nụ cười của ông Toàn cũng có vẻ thế nào ấy. Rõ ràng họ đã biết hết chuyện về mình. Họ biết mình bị đình chỉ công tác. Biết mình bị theo dõi.

- Không, hôm nay cháu mệt, nghỉ ở nhà.

Bình trả lời một cách thản nhiên. Anh quay vào buồng. Lại cài trái cửa. Im lặng. Khẽ khàng nhấc từng quyển sách ra khỏi giá. Từng thứ trong cái đống vặt vãnh của sinh hoạt gia đình. Đến lúc ấy anh mới biết cái rèm nhà ông bà Toàn không treo nữa. Và thấy đầu một sợi dây đồng nhỏ, sáng bóng từ bên ông Toàn xuyên qua tờ giấy dán thay cho một ô kính bị vỡ. Anh khom khom nhìn đầu sợi dây đồng. Anh giơ tay định sờ vào sợi dây. Bàn tay anh chững lại khi gần chạm vào nó. Có tiếng gõ cửa. Anh giật mình, nhìn đống sách vở ngổn ngang. Anh im lặng nghe ngóng. Gõ cửa nữa. Ai? Không thể để cho họ thấy cảnh anh đang dọn dẹp, tìm tòi này. Tiếng Thao:

- Mở cửa cho em.

Bình thở phào. Bước vào nhà, Thao giật mình:

- Làm gì thế này, anh?

Bình giơ tay huơ huơ ra hiệu im lặng. Anh cài cửa và hỏi Thao:

- Em về sớm thế?

- Còn sớm gì nữa. Mười một giờ hơn rồi.

Đến lúc ấy anh mới biết đã tan tầm. Đã trưa rồi. Anh kéo Thao, chỉ cho Thao mẩu dây đồng mới, sáng đỏ lên. Hai vợ chồng xuống bếp nói chuyện. Thao im lặng. Rồi Thao thì thào:

- Có thể là một sợi dây ông ấy buộc cái gì đó. Nó đâm sang. Nhưng mình cứ phải cảnh giác. Để em sang xem…

Vốn rất tháo vát nhanh nhảu, Thao vớ cái bát con và cái cùi-dìa, xăm xăm sang ông bà Toàn. Bình chỉ biết nhìn Thao, lo lắng, không dám gọi Thao lại dặn dò.

Anh nghe thấy tiếng Thao vui vẻ trong buồng nhà ông bà hàng xóm:

- Ông bà còn mỡ không, cháu vay một thìa. Nhà chẳng có cái gì ăn. Định chưng ít mắm tôm mà lại hết mỡ.

Một thoáng sau, Thao cầm thìa bát trở về, nói to từ sân bên ấy:

- Ông bà cũng hết mỡ rồi, anh ạ.

Và Thao kéo Bình ra góc xa nhất, ghé sát tai Bình, nhưng Bình đã nói to:

- Thôi, ăn mắm tôm sống cũng được.

Thao thì thầm:

- Cái hòm gỗ thông để ở giáp cửa thông sang nhà mình. Phủ vải, nhưng em vẫn nhận ra. Cao đúng bằng đầu giường chúng mình.

Bình thót ruột. Tai họa đã đến gần lắm, sát đầu giường anh. Thao im lặng. Cả hai khẽ khàng xếp lại sách vở trên giá. Không gây ra một tiếng động nhỏ.

Bình và Thao định chuyển giường về đầu buồng kia, không kê ở sát giá sách nữa, cho xa sợi dây đồng. Nhưng bàn đi tính lại, lại thôi. Cứ phải giữ nguyên sự sắp xếp như cũ. Để không ai có thể nghĩ mình đã biết, đã đề phòng. Chỉ có điều bây giờ nằm trên giường chớ than thở về những khó khăn. Lại càng không được kêu ca bất cứ chuyện gì. Đừng thở dài. Chỉ được nói chuyện vui. Đúng. Tương kế tựu kế. Chỉ nói chuyện vui. Chỉ lạc quan cách mạng. Không bao giờ bi quan. Lại càng không bất mãn. Nhưng cả hai đều rất vụng về. Năm ấy sương muối, rét đậm. Lúa chiêm mới cấy chết khô. Hoa màu cháy lá. Cau rụng xuống gốc từng đống. Nhưng vừa nằm vào giường Thao đã láu táu:

- Năm nay thời tiết thế này được mùa lớn đấy anh ạ.

- Được mùa chứ. Các hợp tác xã bây giờ thâm canh ghê lắm. Có những huyện đạt 5 tấn rồi. Bây giờ Thái Bình đang quyết tâm xây dựng toàn tỉnh đạt 5 tấn.

- Được mùa vài năm chẳng mấy chốc mà sướng.

Bình định nói một câu đầy phấn khởi nữa tiếp theo, nhưng thấy Thao cười rung cả chăn, anh cũng cười, hai vợ chồng cười không thành tiếng. Bình trở mình ôm lấy Thao, thì thầm vào tai Thao: “Nói như cứt ấy”. Và luồn tay vào người Thao. Hai vợ chồng càng cười dữ hơn. Vẫn không thành tiếng. Sức cộng hưởng làm giát giường rung cành cạch…

Mỗi tối một chuyện. Họ phải thống nhất đề tài trước khi lên giường, ai nói trước, ai nói sau, không quên rút kinh nghiệm vở diễn tối hôm trước. Địa điểm hội nghị là giữa sân. Không phải trong bếp. Vì dưới bếp cũng sợ. Biết đâu đấy. Hai người ngồi xổm giữa sân. Âu sầu, ủ ê lo lắng, nhưng cũng có lúc tinh nghịch, hài hước, vì cũng cần cười lên tý chút, căng thẳng quá lâu rồi,

chán quá rồi.

- Báo cáo đồng chí chứ… – Thao nói khẽ với giọng phát biểu trong các

cuộc họp cơ quan – đề tài chiến đấu hơi nhiều rồi đấy. Hay là chuyển sang mục ngành thương nghiệp xây dựng tổ lao động xã hội chủ nghĩa, thực hiện điều Bác dạy: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng.

Bình đáp lại lời vợ bằng giọng lưu manh đường phố:

- Tớ vẫn thấy cần phải nói về nông nghiệp. Vì nông nghiệp là cơ bản. Nhưng đằng ấy phát biểu đếch ra làm sao. Đang sương muối bỏ mẹ đi. Lúa chiêm xuân chết gần hết, đằng ấy lại bảo thời tiết thuận lợi…

Thế là trên chiếc giường sát với cửa ngách thông sang nhà ông bà Toàn, hai vợ chồng tối nào cũng nói những lời ca ngợi, hôm nay là nhà máy xi-măng khôi phục sản xuất, ngày mai là giọng hát Tường Vi…

Bình cảm thấy không chịu đựng được nữa rồi. Nhiều lúc anh nghĩ: Thà bị bắt ngay còn hơn lo sợ phấp phỏng mãi thế này. Những lúc ấy anh mong được như hắn.

Suốt ngày một mình quanh quẩn như một cái bóng trong căn buồng im lìm vắng lặng. Không ai đến chơi với anh nữa. Người ta sợ anh như sợ bệnh truyền nhiễm. Rất tự trọng, khinh bỉ cuộc đời đen bạc, khinh bỉ những người từng xoắn xuýt, cởi mở với anh, nay tìm cách lánh xa anh, anh làm như không quen họ. Cho nên anh thật sự sung sướng, cảm thấy hạnh phúc, một niềm an ủi lớn lao, khi Lê Bàn xuống thăm anh.

Anh đang ngồi dựa lưng vào tường đọc sách và chờ đợi điều sẽ phải đến thì có tiếng gõ cửa. Anh giật thót người. Nhìn ra: Lê Bàn. Lê Bàn từ Hà Nội về. Anh bật dậy, ra đón. Lê Bàn nắm chặt tay anh, nhìn anh như không tin vào mắt mình. Cái nhìn sung sướng, nhưng vẫn còn vẻ hoảng sợ của một người vừa thấy người thân sống lại.

- Thằng Bình! Chúng nó đồn ầm lên là mày bị bắt rồi.

Tiếng Bàn xen lẫn tiếng thở vì xúc động. Bàn vẫn có kiểu nói oang oang như vậy. Bình giơ tay lên miệng ra hiệu “suỵt” và ghé vào tai Bàn thì thào:

- Khẽ chứ. Nói gì ra ngoài. Nhưng hãy vào đây uống nước đã.

Bàn nhìn lên trần nhà, rồi lại nhìn quanh. Anh hiểu Bình đang bị theo dõi chặt chẽ.

- Thao đâu?

- Bà ấy đi làm chưa về.

- Thằng Vũ Mạc gặp tao. Nó bảo nó gặp thằng Lê Phong. Thằng Lê Phong bảo nó là mày bị…

Bàn lại bỏ dở câu nói. Anh chưa quen được với cách nói chuyện lúc to, lúc thì thầm, cùng một lúc diễn ra hai cuộc nói chuyện. Một cuộc nói chuyện công khai để cho người thứ ba nghe và một cuộc nói chuyện bí mật chỉ có hai người.

Bàn nhíu mày khe khẽ:

- Chúng mày gay quá nhỉ?

Và anh nói to:

- Uống nước đi, trà ngon quá.

Nhưng anh không uống nước mà ghé tai Bình:

- Thằng Vũ Mạc cũng định xuống thăm cái Ngọc luôn thể, nhưng nó bị ngã, gẫy chân. Nằm bệnh viện năm ngày rồi. Bó bột. Khổ quá, anh em…

Bình nhìn Bàn, cười. Niềm vui của Bình quá lớn. Đã bao lâu rồi anh không có một người bạn để mà trò chuyện, mà tâm sự, mà trút nỗi niềm. Anh cứ đọc một mình câu thơ của Trần Dần. Câu thơ chưa in, anh chỉ được nghe Vũ Mạc đọc lại:

Hãy chỉ cho tôi nơi nào tôi đổ bớt được tôi đi.

Anh quen Lê Bàn, Vũ Mạc qua hắn. Cả đám bạn Hà Nội của hắn là bạn anh. Tuổi trẻ, nghề nghiệp và nhất là cách sống đã gắn bó họ lại.

Sau khi hắn bị bắt, Lê Bàn đã về thăm Ngọc. Biết Ngọc đi học, Bàn chọn ngày xuống thăm. Ngày lễ Noel. Bàn cùng Ngọc chuẩn bị đồ tiếp tế cho hắn. Bàn gửi vào bọc quà của Ngọc tý chút của anh: Hai gói thuốc lá (Anh còn định gửi nhiều nữa, nhưng Ngọc bảo thôi vì ở Trần Phú người ta cho nhận ít lắm). Bình làm cơm mời Bàn và Ngọc. Lúc đó Bình chỉ blết là mình sẽ gay go thôi, chứ không ngờ lại đến mức này. Bình kéo Bàn xuống bếp, nhưng rồi lại thấy không an toàn, anh và Bàn ra giữa sân ngồi:

- Mày về đây cũng bị theo dõi đấy. Thôi, đừng về nữa. Nguy hiểm lắm.

- Căng quá nhỉ?

Bình gật.

- Cái Ngọc có nhà không?

Bình lắc.

Bàn thở dài:

- Lâu quá tao không gặp cái Ngọc. Có tin tức gì về thằng Tuấn không?

- Nó không có thư ra.

Vừa chuyện, Bình vừa để ý bên nhà ông Toàn. Bà Toàn đi xuống bếp, rồi lại đi lên. Một cách rất đáng ngờ. Bình lại kéo Bàn vào trong nhà. Lấy sách ra đọc. Và đi chơi phố. Bình để ý: Có đuôi bám. Bình bảo Bàn: “Có đuôi đấy”. Tức mình, vào một hiệu cà-phê bất chợt. Chẳng cần biết đuôi ngồi đợi ở chỗ nào.

Bàn ở lại với Bình đến chiều và trở về Hà Nội bằng tàu tối. Bình nhớ lời dặn của Bàn:

- Có gì bảo Thao báo chúng tao ngay nhé!

Hai người chia tay mà đều nghĩ không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau.

Ít ngày sau, lại một biên tập viên một nhà xuất bản ở Hà Nội về công tác, gặp Bình ngoài phố. Anh ta gọi Bình rất to, vẻ mừng rỡ:

- Lên Hà Nội đi. Cần đấy. Thu xếp lên Hà Nội mấy ngày. Thật đấy.

Bình hiểu ý anh biên tập viên tốt bụng. Trên ấy đã ầm lên cái tin anh bị bắt. Sự hiện diện của anh là một lời cải chính. Nhưng anh không lên Hà Nội. Việc đó không cần thiết. Vả lại anh đã thoát khỏi hiểm nghèo đâu. Anh vẫn chờ tai họa đến.

Anh có một thói quen mới: Tới đâu cũng phải nhìn trước nhìn sau, quan sát xem họ có đặt máy ghi âm không. Kể cả nhà chú em ở ngoại thành. Anh không được tự do trên chiếc giường anh nằm, ngay trong căn buồng của anh. Những lúc ngủ với vợ, anh cũng không dám gây ra những tiếng động. Không dám thì thầm vào tai vợ những điều anh bất chợt nghĩ ra lúc đó. Cứ lặng lẽ. Hùng hục. Như những con vật. Anh không nghĩ ra được điều gì nữa. Anh chỉ nghĩ đến cái máy ghi âm. Anh không muốn làm trò cười cho họ qua cái băng ghi âm khi họ chụm đầu nghe lại. Hóa ra anh đã phải làm vụng làm trộm cái việc này với vợ anh. Nhưng vẫn có một cặp mắt lạnh lùng ở đâu đấy chăm chú im lặng nhìn anh. Một thời gian dài anh không làm được việc ấy, mặc dù trước đây anh vốn là người chăm chỉ. Một thời gian dài anh hoàn toàn bị liệt.

Đuôi vẫn bám. Họ thay đuôi luôn. Anh biết mình đang đứng sát bờ vực thẳm. Chân trong nhà tù. Chân ngoài nhà tù. Anh nằm quay mặt vào tường, lẩm nhẩm một mình, ca ngợi mậu dịch, những người làm dâu trăm họ. Chửi phim Số phận con người, Bài ca người lính là sợ hãi chiến tranh, ca ngợi hợp tác xã nông nghiệp là một biện pháp để làm giàu tập thể, đi lên sản xuất lớn.

Bình cười. Nước mắt, nước mũi giàn giụa, như đứt hơi:

- Lúc đó tao nghĩ đến mày. Nếu mày sang, thấy tao như vậy hẳn mày lạ lắm. Tao sẽ giải thích mày hiểu tao đang luyện để khi nằm mơ cũng không nói sai chính sách.

Bây giờ Bình cười. Chứ lúc đó Bình lo đến mụ người. Bản thảo đưa về nhà chú em, hóa ra không ổn. Lại phải đưa đi nơi khác. Anh bảo Thao giắt bản thảo vào người mang dần ít một đến gửi ở nơi bất ngờ nhất: Nhà ông anh họ Thao làm giám đốc trưởng Đảng. Khi về, Thao bảo anh: “Xong rồi. Anh yên tâm. Không có ai theo em cả. Em đã kiểm tra cẩn thận”. Anh sợ những bản thảo của anh bị cơ quan bảo vệ văn hóa thu, rồi để mục nát trong kho như hắn đã bị như vậy. Người có thể bị bắt, nhưng cố cứu lấy bản thảo. (Sau này, một trong những bản thảo ấy là quyển tiểu thuyết Năm tháng đã qua được giải thưởng viết về công nhân).

Thao vốn đoảng, ít săn sóc tới Bình, nay bỗng trở nên chu đáo. Thao mua thêm cái màn một. Thao mua vải bảo chồng cắt thêm bộ quần áo. Thao xin ở đâu về cái ba-lô con cóc bộ đội cũ. Nhìn cái ba-lô, Bình hiểu ngay ý nghĩa mục đích (Hai vợ chồng đã quen nói chuyện bằng cách nhìn nhau.) Rồi quần đùi, áo may ô. Khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng. Bình im lặng nhìn vợ loay hoay, nhấc ra xếp vào, chăm sóc cái ba-lô. Thao khẽ hất hàm như muốn hỏi anh:

- Được chưa?

Anh gật đầu.

Ngày nào Thao cũng phải mở ba-lô một lần. Hôm cho thêm vào đó nắm thuốc lào, cái lược. Hôm chục bao diêm, dăm gói thuốc lá Berati. Hôm mấy tờ báo để đi vệ sinh. Hôm gói tăm. Anh lục trong tủ sách lấy ra hai quyển Chuông nguyện hồn ai anh thích. Anh cho vào ba-lô cùng với quyển học tiếng Nga. Chớ có quên món sách. Vào trong ấy không có gì đọc, buồn chết. Thao xuống bếp cầm lên cái ca, cái cùi-dìa. Rồi lại một thứ quan trọng: Cái chăn Nam Định. Chưa hết. Hôm sau lại thêm một cân đường. Một gói thuốc APC. Chẳng khác gì một cửa hàng tổng hợp. Anh nhấc chiếc ba-lô nặng và phồng căng, khoác lên vai, đi bách bộ quanh nhà như đang tập hành quân. Anh toét miệng cười:

- Được rồi. Cứ thế này đi…

Anh bỗng im bặt và ghé sát tai Thao thì thào: Vào Trần Phú được rồi.

Thao nói to:

-… đi biển. Kỳ này anh định đi biển bao lâu?

Đây là câu nói dành cho máy ghi âm, câu nói tiếp vào câu nói dở dang của Bình. Không thể để máy ghi âm ghi câu nói lơ lửng của Bình: “Được rồi. Cứ thế này đi ” mà không thêm vào đó một ý cho trọn nghĩa.

Hai vợ chồng cứ thế âm thầm chuẩn bị cho việc đi tù của Bình. Và chính thời gian đó họ sống như trong tuần trăng mật. Rất ít khi đụng đến kim chỉ, giờ đây Thao ngồi hàng tiếng đồng hồ đính lại những cúc áo bị đứt, khâu lại những chỗ bị sứt chỉ trên quần áo của Bình. Rủ nhau đi ăn phở. Đi uống cà-phê. Trong chuyện “sinh hoạt văn hóa” (danh từ Bình gọi việc vợ chồng yêu nhau) Bình đã xác định lại “Không thể để như người impuissant (1)” . Như thế là không được. Là thua. Là đã bị nốc-ao. Không thể đo ván sớm thế. Tự do là sự nhận thức được tất yếu khách quan và hành động theo tất yếu. Ta đã biết tất yếu khách quan. Ta phải giành lại phần tự do tối thiểu. Họ lại yêu nhau chăm chỉ. Cả ban ngày lẫn ban đêm. Họ tạm quên đi những lủng củng vẫn chia rẽ họ.

Cứ mỗi lần anh nhận đước giấy mời (và cả giấy gọi nữa) lên Sở Công an thẩm vấn, anh lại nhìn cái ba-lô. Anh nghĩ mình có thể đi luôn. Không quay lại nữa. Nhưng chẳng lẽ lại khoác ba-lô đi để người ta thẩm vấn. Người thẩm vấn anh là ông Quảng, trưởng phòng bảo vệ văn hóa. Ông Quảng hỏi anh về hắn. Về anh. Cái logic ông Quảng đưa ra là: Bọn anh là những kẻ bất mãn. Từ bất mãn cá nhân đi đến nhận thức sai lạc về xã hội và bất mãn đối với chế độ. Thật là một logic quái đản, quá sơ lược và hạ thấp con người. Nhưng anh không bắt bẻ cái logic ấy. Anh trình bày rằng anh không bất mãn cá nhân. Anh được cơ quan đánh giá đúng mức. Anh được tạo điều kiện thâm nhập thực tế, viết bài, sáng tác.

Họ hỏi anh về “Người chết không cô độc”. Anh nghĩ: Thật ra đó là một chuyện rất lành, ca ngợi con người mới, nhưng nó trở thành con ngoáo ộp vì cái tên của nó.

Ông Quảng cười nhạt:

- Anh và anh Tuấn đã nói với nhau là sẽ bẻ bút không viết nữa cơ mà.

(1) Liệt dương.

Anh lại thừ người suy nghĩ. Khi đã nhớ và hiểu ra, anh nói cho ông trưởng phòng bảo vệ văn hóa biết hai cảm giác đối lập của người viết văn: Lúc tự cho mình là thiên tài, coi thường tất cả. Lúc lại thấy mình hoàn toàn bất tài, bất lực, ngu ngốc. “Những lúc đó, chúng tôi tự thấy mình nên bẻ bút, đừng tự huyễn hoặc mình. Nên chấm dứt hoàn toàn việc viết lách đi thôi”.

Ông trưởng phòng bảo vệ văn hóa lắc đầu, không che giấu thất vọng về sự thiếu thành thật ấy:

- Anh đừng ngụy biện. Thái độ tốt nhất của anh là chân thành. Điều đó có lợi cho anh hơn. Anh và anh Tuấn phản đối đường lối văn nghệ của Đảng, phản đối viết “người mới, cuộc sống mới”.

Anh nghĩ: Có lẽ ông Quảng muốn nói người thật, việc thật. Đúng là văn chương nếu quá nhấn mạnh người thật việc thật như hiện nay thì thật đáng buồn. Đó là chủ nghĩa thực dụng đến thô thiển, là giết chết nền văn học và ngu xuẩn. Nhưng anh trả lời đúng vào câu hỏi của ông Quảng:

- Chúng tôi không phải là Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân để có thể viết về cuộc sống cũ. Chúng tôi chỉ có thể viết về cuộc sống mới. Vì vậy chúng tôi không có lý do gì phản đối viết người mới, cuộc sống mới. Và thực tế những sáng tác đã in hay đang viết của chúng tôi đều viết về người mới, cuộc sống mới.

Họ kể cho anh nghe những tội lỗi hắn đã nhận trong tù (mà anh biết ngay là bịa đặt). Anh lễ phép trả lời.

- Đến bây giờ tôi mới biết.

Qua những buổi thẩm vấn, anh hiểu rằng họ không buộc tội được hắn, không kết luận được hắn mắc tội gì. Khi Ngọc ở trường về, anh sang nói cho Ngọc biết mọi diễn biến chung quanh việc họ hành anh. Mặc cho đuôi bám. Mặc cho việc đó đến tai Sở Công an. Anh không thể bỏ mặc Ngọc trong cơn hoạn nạn. Con ngựa đau cả tàu chê cỏ. Anh cố gắng đối xử sao cho bằng một con ngựa. Anh đưa cho Ngọc gói bích-quy, gói chè để Ngọc gửi vào cho hắn. Anh nói Ngọc cố học, đừng bỏ dở. Ngọc biết anh lúc nào cũng như trước đây, thầm cảm ơn anh vì anh đã động viên Ngọc rất nhiều. Nhưng Ngọc không biết rằng chính Ngọc đã có sức mạnh động viên vợ chồng Bình sống. Nhìn thấy Ngọc, họ hiểu ngay rằng họ vẫn còn quá hạnh phúc.

Anh nói cho Ngọc biết những suy nghĩ của anh: Hắn sẽ được tha vì họ không buộc tội được hắn. Đến bây giờ họ vẫn còn đang tìm tội hắn. Tìm làm

sao được vì lẽ giản đơn: Hắn không có tội mà tìm. Bình nói:

- Tôi biết trong ấy Tuấn rất triệt để và giữ vững nguyên tắc. Điều ấy là một bảo đảm an toàn cho tôi. Đến giờ phút này tôi tin rằng họ không bắt tôi đâu. Đó là nhờ Tuấn.

Ngọc im lặng. Ngọc không tin ở điều gì nữa. Bình tiếp:

- Một hòn đá, không nhá được. Nhá thêm hòn đá nữa làm gì.

Nghe Bình kể, hắn bảo:

- Tính tao mày biết. Có thì nhận. Không có thì không nhận. Dù “điện giật, dùi đâm, dao cắt lửa nung” (1). Dù phải ở năm năm, sáu năm xà lim như người tù huýt sáo bài “Qu’ avez vous fait de mon amour” cũng vậy thôi. Chỉ có điều các đồng chí đối với tao quá thể.

Bình không bị bắt. Không bị tù nội trú như hắn. Bình tù ngoại trú. Hắn bật cười vì từ ngữ mới lạ ấy. Bình tròn mắt:

- Chữ ấy không phải của tao, của thằng Lê Bàn đấy. Không khác gì tù thật mà. Chỉ không bị bắt thôi. Mày cô đơn trong tù thì tao cô đơn ở ngoài tù. Mày suy nghĩ căng thẳng, tao cũng vậy. Mày bị nhốt thì tao bị giám sát. Mày không được viết, tao cũng vậy.

Hắn biết Bình bị đình chỉ công tác gần một năm. Nhưng hết đợt hỏi cung ấy Bình vẫn sáng tác. Quyển tiểu thuyết giải A của Bình được hoàn thành trong thời gian ấy. Hắn hỏi:

- Quảng, trưởng phòng bảo vệ văn hóa. Quảng người thế nào nhỉ?

- Hơn tuổi chúng mình. Cao lớn, mặt mũi đầy đặn, phúc hậu.

Mãi gần hai năm sau khi ra tù hắn mới gặp ông Quảng, ông trưởng phòng bảo vệ văn hóa trong buổi gặp ông Trần. Đúng như Bình nói: ông Quảng cao lớn, đầy đặn, phúc hậu, đáp ứng được điều mong mỏi của hắn về diện mạo. Vì trước khi gặp ông Quảng, hắn thấy những người sát hại hắn đều có vẻ mặt dữ dằn độc ác. Ông Trần có dáng dấp gian hùng. Ông Lan thì mặt ngựa. Ông chánh giám thị Q.N da sát xương… Mà nếu tả như vậy người ta sẽ bảo hắn là xuyên tạc, là bôi xấu các ông ấy. Tự hắn cũng phản đối cách miêu tả như vậy. Văn chương ta hay rơi vào công thức ấy. Vì sao lại tả Mỹ như con khỉ đột? Tả ngụy như con quỷ hiện hình. Họ cũng như chúng ta, là những con người, là bố, là chồng, là anh, là em. Họ có những khuôn mặt con người.

Những đao phủ thời nay, có những kẻ tai dơi mặt chuột, nhưng nhiều

(1) Thơ Tố Hữu.

người có lời nói dịu dàng, nhân đức, có bộ mặt đầy đặn, phúc hậu, nụ cười của

đức Phật tòa sen. Bát Lê (1) hiện đại là như vậy. Bát Lê không hoa quất (2). Bát Lê chỉ cứu người. Khuôn mặt béo tốt, đầy đặn, dáng người bệ vệ của ông Quảng đã đáp ứng được những điều hắn mường tượng về người đao phủ mới.

Đình chỉ công tác một năm, Bình lại được viết báo. Nhưng phải ký tên khác. Bình ký: Anh Lê. Có nghĩa là anh Lê Bình. Tưởng rằng chỉ ký tên ấy một thời gian thôi. Ai ngờ lâu thế. Hắn hỏi:

- Thế liệu bao giờ mày ký tên Lê Bình?

Bình cười:

- Cứ thế thôi. Anh Lê. Rồi Ông Lê. Rồi Cụ Lê thôi.

Bình đã đem cho hắn mấy số báo “để có cái mà đọc cho đỡ buồn”. Có số đăng bài của Anh Lê. Sắc sảo, súc tích, chữ nghĩa rất khá. Trau chuốt. Bao giờ Bình viết cũng hơn hẳn các phóng viên khác. Tội nghiệp. Có anh còn chưa biết đặt câu. Viết tin chưa xong. Phổ biến là kiểu này: Để hưởng ứng đợt thi đua chào mừng ngày Quôc tế lao động 1-5. Chấm. Chấm luôn ở đây. Rồi mới đến Xí nghiệp X đã tổ chức đợt thao diễn. So sánh Bình với những người ấy là sỉ nhục Bình. Hắn không bao giờ đi so sánh như vậy. Bằng những bài báo chất lượng, Bình muốn nói với mọi người: Đừng vùi dập một con người. Bình muốn tỏ rõ mình làm việc tốt và bình tĩnh trước mọi biến cố. Bình vẫn là Bình. Như trước đây. Và tất nhiên là vẫn như trước đây cả trong quan hệ với hắn.

Khi hắn chuyển lên trại Q.N, Bình lên thăm hắn. Phải có giấy tờ. Bình xin cơ quan, xin tổng biên tập Phan Lâm. Phan Lâm không cho giấy. “Báo không làm việc này. Đồng chí xin giấy của công an”. Đó là điều Bình không làm được. Công an không cấp giấy cho Bình. Công an chỉ cấp giấy cho Ngọc. Bách bảo:

- Đồng chí định đi thăm anh Tuấn, cái đó tùy đồng chí. Nhưng theo tôi thì không nên. Anh Tuấn phạm pháp, bị pháp luật xử lý. Đồng chí nên tỏ rõ lập trường trong lúc thử thách này. Thử thách với đồng chí là nghiêm trọng đấy. Báo chúng ta là báo Đảng.

Có thể những điều Bách nói là chân tình. Anh cũng chân tình đáp lại:

- Cảm ơn những điều đồng chí đã khuyên tôi. Tôi nghĩ: Nếu anh Tuấn

(1) Nhân vật đao phủ của Nguyễn Tuân

(2) Một loại kiếm. Bài hát của Bát Lê: Ta hoa thanh quất(…) sống không thù nhau,

chết không oán nhau, hỡi hồn hỡi quý không đầu.

có tội là có tội với Nhà nước, với Đảng và đã bị Đảng, Nhà nước trừng trị. Tôi

với anh Tuấn là bạn. Tôi đi thăm động viên anh ấy cải tạo cũng là điều tốt chứ ạ.

Bình tới Q.N vớì thẻ nhà báo của mình. Đi với Ngọc. Dù anh biết đó là điều nguy hiểm. Nó như một kiểu thách thức dư luận. Như một kiểu chọc tức các nhà chức trách, mặc dù anh không nghĩ thế. Anh chỉ nghĩ: Nếu anh còn là anh thì anh phải lên thăm hắn. Và chỉ đến lúc đó Bình mới hiểu nỗi vất vả, gian khổ trong mỗi chuyến đi thăm chồng của Ngọc. Bình đã chuẩn bị cho cái xe Thống Nhất tòng tọc của Ngọc ở trạng thái tốt nhất. Anh lau dầu, thay bi moay-ơ, trục, phuốc. Anh rút lại dây phanh. Anh mang theo kìm, cờ-lê, nhựa vá. Anh bảo Ngọc:

- Yên tâm rồi. Chỉ còn mỗi đứt xích là chịu thôi.

Lời Bình rất độc. Xe đứt xích. Đứt xích lúc Ngọc đầm đìa mồ hôi gò lưng leo dốc, những cái dốc đường rừng ngủ mơ thấy cũng sợ. Cái xích quá cũ. Đạp cứ cời lên. Lên dốc nó không chịu nổi. Chữa ở đâu đây. Bốn chung quanh là rừng núi. Hai người dắt xe đi mãi mới thấy một quán sửa xe ven đường vắng vẻ. Sung sướng, mừng rỡ như vớ được của.

Sửa xong xe lại mải miết đạp. Không ai nói một câu. Đường heo hút, cô quạnh. Tới một chỗ gió mát. Bến đò kia rồi. Ngọc động viên anh:

- Qua bến đò đi bảy cây số nữa là đến thôi.

Hai người dừng xe thở. Triều xuống kiệt. Chỉ thấy một dòng nước mãi xa. Một con đò cắm mãi xa. Còn là bãi sa bồi thoai thoải.

- Mày không thể hình dung được cảnh buồn như thế nào. Mặt trời đã lặn. Phía xa một dòng nước không biết về đâu. Bãi sú… Tao cởi dép, xắn quần vác xe có bọc tiếp tế lội xuống bãi lầy. Lút đến gối. Ngọc vác xe không. Rút mãi mới kéo được chân lên. Cái xe đè ở cổ. Loạng choạng. Lội mãi tới nơi. Lúc lên đò phù sa ở chân trơn suýt ngã. Ông lái đò cởi trần chít khăn đầu rìu, chắc như nắm cơm, đen đủi, phong sương chống sào đẩy thuyền ra. Đến giữa sông mới hỏi: “Sao cô chú đi muộn thế”. Hẳn là ông ta đã chèo đò ở đây bao năm rồi và ông biết những khách qua đò của ông sẽ đi tới chốn nào. Chúng tao vác xe lội bùn lên bờ, còn nghe thấy ông ấy nói: “Đạp nhanh, không tối đấy”. Hai “thằng” lại mải miết đạp. Rừng chiều buồn thật. Càng buồn vì đường đi đến nhà tù. Tới trại, Ngọc còn phải lo biết bao việc: Trình báo giấy tờ. Mượn nồi nấu cơm ăn tối và để sáng mai nấu cơm nếp cho mày… Đêm ấy dù đạp xe mệt nhừ người, nhưng chẳng làm sao ngủ được. Tao nằm gian đầu này. Ngọc nằm gian đầu kia. Chỉ mong trời sáng. Chưa sáng đã mở cửa đi về đầu nhà phía Ngọc. Tao gọi: “Ngọc dậy chưa?” Bà ấy trả lời ngay giọng rất tỉnh táo: “Anh Bình đấy à?” Và mở cửa ngay. Thì ra bà ấy cũng không ngủ và đang ngồi chờ sáng.

Hắn cắn môi. Cắn chặt môi để khỏi thở dài. Vì hắn lại thấy nhói đau. Lần ấy ra gặp mặt, trông thấy Bình mà nước mắt hắn cứ trào ra. Đấy là lần duy nhất hắn khóc – mà khóc vì trông thấy Bình. Gặp Ngọc, hắn chưa khóc bao giờ. Hắn khóc vì hắn đã làm bạn vất vả, vì những điều khổ ải hắn đã chịu, vì thương cho thân phận hắn và vì bất lực trong uất hận. Hắn khóc vì Bình lên thăm hắn, vì cuộc đời vẫn dành cho hắn những điều tốt đẹp đến thế. Hắn cắn môi vì thương Ngọc. Giá Ngọc lấy người khác thì đâu đến nỗi.

Theo chồng về biển, biển ly loạn

Thương cho đời mẹ, hận cho chồng

Những câu thơ của ai đó hắn vẫn đọc cho Ngọc nghe, không ngờ lại là sự thật.

- Lần đần tiên tao thấy một trại tù. Tao cứ nhìn lối đi vào trại mà nghĩ, mà tưởng tượng mày đang nằm trong ấy. Không biết trong ấy thế nào. Đúng là một thế giới khác, bí mật, không ai có thể biết. Tao chỉ muốn được nhìn thấy chỗ mày ngủ, được sờ vào cái bờ rào nhốt mày. Lại cái đận lên V.Q. Tao choáng người vì nó bảo mày cải tạo không tốt, không được gặp. Tao công nhận Ngọc bình tĩnh. Không có gì tỏ ra buồn hay thất vọng, mặc dù tao biết Ngọc choáng như thế nào. Tao cũng choáng cơ mà. À, cái tay thượng sĩ ấy tên là gì nhỉ?

- Ông Thanh Vân.

- Tên hay đấy nhỉ! Nghe quê đặc. Cố làm ra tỉnh, nhưng vẫn lộ chất quê ra. Ngẫm cho cùng tay ấy là người tốt.

Hắn cười:

- Khi tốt, khi xấu, chẳng biết ra làm sao. Giáo giở như thời tiết vậy.

Ông Thanh Vân, ông Quân, ông Lâm… Những con người tạo thành kiếp trước của hắn. Hắn mới xa các ông ấy chưa được nửa tháng mà như đã lâu lắm rồi. Ở đây thời gian không được đo bằng chiều dài thông thường. Một ngày không phải tính bằng một vòng trái đất tự quay quanh trục. Thời gian được tính bằng chất lượng cuộc sống.

Hình như phải đến hai tháng sau khi được tha, hắn mới được hộ khẩu. Anh hộ tịch cầm quyển sổ hộ khẩu đến tận nhà đưa cho hắn, kèm theo giấy mời hắn ra đồn. Đồn phó Nguyễn Thị Yên ký. Vậy là hắn đã được đăng ký hộ khẩu. Quyển hộ khẩu do Ngọc đứng chủ hộ. Dòng chữ ghi tên hắn ngay dưới tên Ngọc đã bị xóa đi – Một dòng chữ bên cạnh: Đi cải tạo ngày 08- 11- 1968. Nay tên hắn dưới tên bé Dương. Dòng cuối cùng. Một hàng chữ ghi chú: Đi cải tạo về ngày… tháng… năm…

Bây giờ lại là một giai đoạn mới. Đến phòng lương thực xin tiêu chuẩn gạo. Đến phòng thương nghiệp xin tiêu chuẩn thực phẩm, công nghệ phẩm. Rồi về cửa hàng gạo đăng ký, cửa hàng thực phẩm đăng ký… Ở đâu cũng một chồng sổ cao, ở đâu cũng dày đặc người. Ở đâu cũng là khổ ải. Những chuyện đó làm được đến đâu thì làm. Từ từ cũng được. Quan trọng nhất là hộ khẩu. Hắn đã làm xong. Và hắn ra đồn theo giấy hẹn.

*

*        *

Hắn đến đồn đúng giờ. Cái giờ hẹn lửng lơ: Chín giờ sáng. Hắn đưa giấy cho anh công an thường trực. Người thường trực chỉ vào buồng trong. Phòng trong đông người. Những bộ sắc phục công an màu vàng bao giờ cũng làm hắn nhớ đến những năm tháng vừa trải qua ở các nhà tù. Những giây, phút, giờ, ngày, đêm, tháng, năm ấy dù đã qua rồi nhưng vẫn chưa đi vào kỷ niệm. Nó lừng lững bên hắn. Đổ bóng xuống hắn như đỉnh Phan Si Păng chất ngất đổ bóng xuống người đứng ở dưới chân.

Bà Yên một phụ nữ còn trẻ, thu lại cái giấy do chính bà ký và đưa hắn vào một phòng bên cạnh. Một người mặc thường phục đang ngồi trước bàn làm việc chờ hắn.

Hắn có trấn tĩnh để đứng vững.

Để khỏi ngã.

Để khỏi bật ra một tiếng kêu thảng thốt.

Để bình tĩnh nhìn vào định mệnh.

Ông Lan! Hắn lại nhìn thấy ông Lan! Hắn nhìn thấy ông Lan đang ngồi chờ hắn. Bà Yên ngồi xuống chiếc ghế ở đầu bàn. Hắn ngồi xuống cái ghế đối diện với ông Lan, theo lời mời của bà Yên. Hắn hiểu bà Yên chỉ ký giấy mời hắn ra đồn. Người đối thoại với hắn là ông Lan.

Ông Lan vẫn như vậy. Nghiêm khắc. Không có tuổi. Sắc lạnh. Quyền uy. Ý thức được công việc mình làm là cao cả thiêng liêng. Vững tin ở sức mạnh trong tay để bắt hắn quy phục dù hắn có cựa quậy, chống đối. Ông hỏi thăm tình hình hộ khẩu của hắn, tem phiếu của hắn. Đấy quả là điều quan trọng nhất đối với cuộc sống con người, đối với hắn. Nhưng hắn hiểu ông Lan không quan tâm đến điều ông vừa hỏi. Ông thừa biết hắn đã được hộ khẩu. Câu hỏi thăm nhập đề của ông dịch nghĩa ra là lời kể ơn: “Chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi cho anh”. Hắn thành thật cảm ơn ông Lan, bà Yên, cả Sở Công an nữa về điều ấy. Khi cầm quyển sổ hộ khẩu có tên hắn, hắn đã thấy nét mặt Ngọc sáng lên như thế nào. Điều ấy mang giá trị to lớn về mặt pháp lý. Công nhận hắn dủ tiêu chuẩn nhập hộ khẩu thành phố bảo đảm mọi tiêu chuẩn cho hắn như những công dân khác, xác nhận hắn được ở với vợ con hắn.

Có thể ông Lan tin những lời cảm ơn của hắn là thành thật vì ai cũng biết điều ấy mang lại cho hắn nhiều thứ cơ bản lắm. Ông hỏi về dự kiến tổ chức cuộc sống của hắn. Hắn thở dài. Hắn cũng chưa biết sinh sống bằng cách gì. Vấn đề đó sẽ phải nghĩ đến, nhưng bây giờ thì chưa. Hắn cũng còn một ít tiền. Tiền các anh chị cho. Bình cho. Mười cân gạo của bố mẹ mà Ngọc đèo đi. Một người anh em kết nghĩa của anh Chân là thợ gò, rất quý hắn cho hắn những năm chục đồng. Quần áo cũng kha khá. Mỗi người cho một bộ. Hơn nữa hắn lại quen kham khổ. Ngọc cũng vậy. Cả lũ trẻ nữa. Đều quen kham khổ. Hắn chẳng cần thuốc men bồi dưỡng. Hắn chỉ cần nghỉ ngơi ít ngày.

Hắn lễ phép nói với ông Lan:

- Thưa ông, tôi cũng chưa nghĩ được rằng mình sẽ sống bằng cách nào. Làm gì để sống. Không ngờ được gặp ông hôm nay, tôi xin ông cho tôi xin lại số bản thảo của tôi. Đó là công sức mười năm lao động của tôi.

Ông Lan nghiêm khắc nhìn hắn:

- Chúng tôi sẽ trả anh vào một thời điểm thích hợp.

Đó là một cách nói không cho bàn cãi, van xin. Như cách nói của một ngườl giàu có đuổi người ăn mày ngày nào cũng được mình cho của bố thí nay lại đến quấy rầy trong lúc đang ăn.

- Đi đi, để lúc khác.

Hắn dị ứng với hai tiếng thời điểm của ông. Một cách hẹn trả để không bao giờ trả. Hắn biết nói nữa cũng vô ích. Hắn ngồi im. Ông Lan động viên hắn ở nhà tích cực chấp hành chính sách, nhìn về tương lai. Con cái hắn đã lớn đang cần sự có mặt của hắn, của người bố. Chính vì vậy mà Sở đã để cho hắn về. Và tin rằng hắn sẽ biết rút kinh nghiệm, trở thành người công dân tốt.

Điều nhân đức của ông làm hắn nhếch mép cười. Không kìm giữ được, hắn nói thẳng với ông Lan:

- Thưa ông. Việc đầu tiên tôi phải làm là trình bày vấn đề của tôi trước Đảng. Điều ấy chứng tỏ tôi còn tốt, tôi vẫn có lòng tin. Nếu tôi không đặt vấn đề ra để Đảng xem xét lại nữa thì tôi xấu rồi, tôi mất lòng tin rồi.

Ở đồn công an về, hắn cứ bàng hoàng mãi. Hắn không ngờ lại gặp ông Lan. Không ngờ số phận hắn gắn chặt với ông Lan đến thế. Ông Lan vẫn không buông tha hẳn. Vẫn không quên hắn. Năm năm rồi ông vẫn không quên hắn. Cả khi hắn đi các trại. Cả khi hắn được tự do, hắn được ra tù. Hắn hiểu quãng đời còn lại của hắn thế là hết. Bởi vì nó gắn chặt với ông Lan, với Sở Công an. Họ không rời hắn. Như Gia- ve không chịu rời Jean Valjean. Không. Không đúng. Sự so sánh ấy khập khiễng. Jean Valjean ít ra còn có tội. Hắn thì không. Chưa ai buộc tội hắn. Ông Lan cũng không phải là Giave. Thật ra Giave là một cảnh sát rất có trách nhiệm, tận tụy và vô cùng trung thực. Đất nước này đang cần những Giave.

Gặp ông Lan hắn lại nhìn rõ những ngày hắn mới bị bắt. Hắn cùng ông Lan soạn đống bản thảo. Phòng hỏi cung vắng vẻ. Dãy xà lim 76 hoang vắng. Dãy xà lim 75 tối tăm. Những trại tù. Những người tù mòn mỏi và những vùng rừng trùng điệp heo hút.

Và điều khủng khiếp nhất đã đến với hắn trong suốt một thời gian dài sau đó. Gặp ai, ở đâu hắn cũng tưởng như gặp lại bạn tù cũ. Nhìn những người đi trên đường, hắn giật mình: “Quái nhỉ. Ở trại nào nhỉ. Quen quá. Không biết đã gặp ở đâu rồi. Được về bao giờ nhỉ”. Những người đi trên đường không một ai cười. Giống nhau. Xam xám. Đăm chiêu. Khắc khổ. Suy nghĩ. Uể oải. Mệt mỏi. Đi mà chẳng nhìn thấy gì, chỉ thấy nỗi lo mang nặng trong lòng. Đi như co người lại. Như kéo lê quá khứ. Và sợ hãi tương lai.

Đó là một cảm giác kỳ lạ. Hắn luôn gặp những khuôn mặt tù quen quen. Những khuôn mặt tù ngờ ngợ. Không biết ở trại nào. Hẳn họ cũng như hắn. Mới được ra trại.

Thoạt đầu hắn cho là hắn mắc bệnh quên. Trí nhớ hắn suy giảm, nên hắn không nhớ được những người bạn tù ấy.

Nhưng rồi hắn giật mình: “Chẳng lẽ lại nhiều người đi tù về đến thế. Đất nước lắm người đi tù đến thế?”

Và hắn hoảng lên: “Mình hỏng mất rồi! Đầu óc mình hỏng mất rồi!”