Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2025

Phát biểu trước dân: Vì sao lãnh đạo Chính phủ phải nắm chắc nghị quyết và luật?

 Tô Văn Trường

Cuối tháng 7/2025, tại buổi tiếp xúc cử tri ở Gia Lai, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gây chú ý khi bày tỏ quan điểm tại sao chúng ta lại không xây dựng một bộ sách mà phải làm nhiều bộ sách? “Thời chúng tôi học cả nước có một bộ sách thôi, anh học xong thì chuyển cho em học.” (https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phot-noi-dong-quan-diem-cu-tri-ve-1-bo-sach-giao-khoa-20250723113619384.htm) Phát biểu này, xuất phát từ việc lắng nghe ý kiến của cử tri về sự rối rắm trong việc chọn sách, nhưng cũng dấy lên một câu hỏi lớn: Lãnh đạo Chính phủ, khi phát biểu trước Nhân dân, có cần bảo đảm rằng ý kiến của mình bám sát các nghị quyết và luật pháp hiện hành hay không?

Câu chuyện này không chỉ là tranh cãi về việc nên có “một bộ” hay “nhiều bộ” sách giáo khoa. Điều quan trọng hơn là nhắc lại một nguyên tắc cơ bản: mọi phát biểu của lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội và đảng viên đều phải dựa trên cơ sở pháp lý và định hướng chính trị thống nhất, để vừa lắng nghe dân, vừa củng cố niềm tin vào các chính sách quốc gia.

Nghị quyết và luật: Nền tảng không thể bỏ qua

Chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” không phải là ý tưởng mới nảy sinh, mà là kết quả của quá trình nghiên cứu, thảo luận và ban hành nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ suốt hơn một thập kỷ. Nghị quyết 29-NQ/TW (2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh việc “đa dạng hóa học liệu, xã hội hóa biên soạn SGK, mỗi môn học có một hoặc một số sách đạt chuẩn “ Chủ trương này được cụ thể hóa tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, tái khẳng định bởi Kết luận 91-KL/TW (2024) của Bộ Chính trị, và triển khai bằng Nghị quyết 51/NQ-CP (3/2025) của Chính phủ.

Các văn kiện này đều nhất quán: Việt Nam phải thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, trên cơ sở đó cho phép mỗi môn học có nhiều SGK phù hợp với chương trình để vừa bảo đảm chuẩn kiến thức quốc gia, vừa khuyến khích sáng tạo và đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh. Đây là sự lựa chọn chiến lược, không phải thử nghiệm tạm thời.

Vì vậy, khi lãnh đạo Chính phủ phát biểu trước dân, ngoài việc lắng nghe, truyền đạt ý kiến cử tri tới các cơ quan lãnh đạo, cần đồng thời giải thích chính sách đúng mực, dựa trên các nghị quyết và luật pháp, tránh tạo cảm giác rằng chính sách hiện hành là sai hoặc gây mâu thuẫn với định hướng đã được thống nhất.

Nhiều bộ SGK – Kinh nghiệm quốc tế và yêu cầu đổi mới

Việt Nam không đơn độc khi áp dụng mô hình nhiều bộ SGK. Nhiều nền giáo dục tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ đã áp dụng mô hình này từ lâu và chứng minh rằng nó có thể vận hành hiệu quả.

Ở Nhật Bản, Bộ Giáo dục thẩm định 8–10 bộ SGK cho mỗi cấp học, các trường được tự do lựa chọn trong danh mục phê duyệt nhưng vẫn phải dạy theo chuẩn chương trình và nội dung thi quốc gia. Hàn Quốc hiện có hơn 20 bộ SGK cho một số môn, nhưng cơ chế kiểm định nghiêm ngặt và hệ thống thi cử đồng bộ bảo đảm công bằng cho mọi học sinh. Ở Mỹ, các bang và quận được quyền chọn từ hàng trăm đầu sách đã được kiểm định tạo sự linh hoạt tối đa cho giáo viên, đồng thời bảo đảm chuẩn đầu ra.

Những kinh nghiệm này cho thấy: nhiều bộ SGK không đồng nghĩa với hỗn loạn. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ quản lý và giám sát chất lượng, chứ không phải ở số lượng bộ sách. Khi được vận hành đúng, mô hình này không chỉ nâng cao chất lượng học liệu nhờ cạnh tranh lành mạnh, mà còn giúp học sinh ở những điều kiện khác nhau tiếp cận kiến thức theo cách phù hợp hơn.

Cử tri bức xúc – Gốc rễ từ cách làm, không phải chủ trương

Phản ánh của cử tri về gánh nặng chi phí, sự rối rắm trong lựa chọn sách, hay lo ngại về lợi ích nhóm, là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng nguyên nhân chính không nằm ở chủ trương nhiều bộ SGK, mà ở cách triển khai chưa minh bạch và thiếu đồng bộ.

Khâu thẩm định và kiểm định chưa được công khai rõ ràng, dẫn đến nghi ngại về chất lượng và sự công bằng. Nhiều giáo viên và trường học thiếu hướng dẫn cụ thể, khiến việc chọn sách đôi khi bị chi phối bởi yếu tố ngoài chuyên môn. Hệ thống thi cử chưa điều chỉnh kịp, gây cảm giác bất công cho học sinh học các bộ SGK khác nhau. Chính những lỗ hổng này làm gia tăng phản ứng xã hội và dẫn đến tâm lý muốn quay lại “một bộ sách duy nhất” – điều không còn phù hợp với mục tiêu đổi mới và hội nhập.

Vì sao “một bộ sách duy nhất” không thể là giải pháp?

Duy trì một bộ SGK duy nhất có thể tạo sự thống nhất hình thức nhưng đi kèm nhiều hệ lụy. Thứ nhất, nó dễ dẫn đến độc quyền, triệt tiêu động lực cải tiến và sáng tạo trong biên soạn sách. Thứ hai, với đặc thù đa dạng về văn hóa, xã hội và điều kiện học tập của Việt Nam, một bộ sách khó đáp ứng đồng đều nhu cầu của học sinh từ miền núi, vùng sâu đến đô thị. Thứ ba, tiếp tục duy trì bộ sách “của Nhà nước” (thực chất do một doanh nghiệp nhà nước làm) là tiếp tục lấy tiền từ ngân sách, trong khi lẽ ra có thể tiết kiệm khoản chi phí này để chi vào những việc khác.

Quan trọng hơn, giáo dục hiện đại không chỉ dừng ở việc truyền thụ kiến thức, mà phải hình thành kỹ năng tư duy phản biện, tự học và sáng tạo. Điều này khó đạt được nếu mọi học sinh đều học theo một khuôn mẫu cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Quay lại mô hình cũ chẳng những đi ngược xu thế quốc tế, mà còn kìm hãm nỗ lực nâng tầm trí tuệ và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Làm thế nào để nhiều bộ SGK trở thành động lực?

Thay vì sa vào tranh cãi “một hay nhiều bộ sách”, điều quan trọng là làm cho chủ trương nhiều bộ SGK vận hành minh bạch, công bằng và hiệu quả. Một số giải pháp then chốt cần triển khai:

  1. Minh bạch hóa thẩm định và kiểm định: Công khai tiêu chí, mời chuyên gia độc lập, đại diện giáo viên và phụ huynh tham gia hội đồng.
  2. Đảm bảo công bằng trong thi cử: Đề thi và kiểm tra dựa trên chuẩn chương trình, không thiên vị bất kỳ bộ SGK nào.
  3. Kiểm soát giá sách và hỗ trợ học sinh khó khăn, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách cấp kinh phí mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập
  4. Đào tạo và trao quyền cho giáo viên: Giáo viên cần được tập huấn và có quyền quyết định lựa chọn SGK dựa trên chuyên môn, không bị áp lực từ bên ngoài.
  5. Ứng dụng công nghệ và học liệu số để tăng cơ hội tiếp cận và hỗ trợ phương pháp học tập hiện đại.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp này, nhiều bộ SGK sẽ trở thành động lực đổi mới giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng và sự công bằng trong tiếp cận tri thức.

Đổi mới phải đi đôi với trách nhiệm và đồng thuận

Phát biểu của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho thấy mối quan tâm chính đáng của cử tri, nhưng cũng đặt ra yêu cầu rõ ràng với lãnh đạo Chính phủ: lắng nghe dân, nhưng khi phát biểu phải dựa trên nghị quyết và luật, giải thích chính sách đúng mực, và truyền tải ý kiến xã hội theo hướng xây dựng.

Một chương trình giáo dục thống nhất, với nhiều SGK đạt chuẩn, giám sát chặt chẽ và minh bạch, là con đường Việt Nam đã chọn và phải kiên định theo đuổi. Chỉ khi đó, cải cách giáo dục mới không chỉ nằm trên giấy tờ, mà trở thành động lực thực sự để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và nâng tầm đất nước trong kỷ nguyên hội nhập.