Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2025

Nền móng của quản trị quốc gia – Nhìn từ góc độ triết học

 Tô Văn Trường

Làm công việc lãnh đạo quốc gia, ai cũng phải luôn tự hỏi: Điều gì là đúng đắn? Cái gì nên ưu tiên? Đâu là giới hạn cần tôn trọng và giá trị nào cần gìn giữ đến cùng? Những câu hỏi tưởng như trừu tượng ấy, thực ra lại là cốt lõi của mọi quyết định.

Trong thực tế, có lúc hành động chính trị được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp bách, có lúc bởi niềm tin chủ quan hoặc áp lực từ hoàn cảnh. Nhưng để kiến tạo một nền quản trị nhân văn, bền vững và có tầm nhìn, người lãnh đạo không thể thiếu một nền tảng tư duy sâu sắc đó chính là triết học.

Triết học, nếu hiểu đúng nghĩa, không phải là thứ học thuật cao siêu dành riêng cho giới hàn lâm. Nó là năng lực nhìn xa trông rộng, phân biệt đúng-sai, lường trước hệ quả, và phản tỉnh một cách thấu đáo. Trong thời đại bất định và nhiều biến động, chính triết học là ánh sáng soi đường cho tư duy chính sách giúp người lãnh đạo không chỉ phản ứng với hiện tại, mà còn chủ động kiến tạo tương lai với tinh thần trách nhiệm và chiều sâu văn hóa.

Phân biệt lỗi hệ thống với hệ thống sai

Trong diễn ngôn quản trị, cụm từ “lỗi hệ thống” được lặp đi lặp lại, như một cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng từ góc nhìn triết học, cần phân biệt rõ:

“Lỗi hệ thống” là các sai sót trong quá trình vận hành, có thể sửa chữa.

“Hệ thống sai” là khi bản thân hệ thống được thiết kế sai từ nguyên lý, từ tư duy gốc, từ cấu trúc ban đầu.

Một bộ máy vận hành trơn tru nhưng dựa trên nguyên lý sai vẫn có thể dẫn đến khủng hoảng toàn diện. Do đó, thay vì sửa lỗi cục bộ, chúng ta cần thiết kế lại hệ thống dựa trên các giá trị triết học cốt lõi: công bằng - hiệu quả - bền vững - tự điều chỉnh. Quản trị không thể chỉ dừng ở xử lý tình huống, mà phải được soi sáng bởi một tầm nhìn dài hạn.

Từ “quy hoạch cán bộ” đến triết lý về con người

Việc quy hoạch cán bộ không nên chỉ là sắp xếp chức danh mà phải dựa trên một triết lý nhân sự đúng đắn: cán bộ không phải là đối tượng bị quản lý, mà là chủ thể sáng tạo, có tư duy độc lập và có khả năng đóng góp vào sứ mệnh chung.

Nếu không có cạnh tranh công khai, đánh giá minh bạch và đào tạo liên tục, hệ thống sẽ hình thành tình trạng ”hôn nhân chính trị cận huyết” – luân chuyển nội bộ khép kín, thiếu đổi mới, ngại sáng tạo và lười phản biện. Đây là biểu hiện của suy thoái triết học tổ chức, khi cá nhân bị đồng hóa và tập thể chỉ còn là sự kế thừa lặp đi, lặp lại.

Một nền công vụ tiến bộ cần: Đánh giá năng lực dựa trên hiệu quả, không phải hồ sơ cá nhân. Tạo cơ hội phát triển cá nhân gắn với trách nhiệm cộng đồng. Có cơ chế sàng lọc mở, minh bạch và mang tính cạnh tranh.

Tự diễn biến - Tự chuyển hóa

“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” là cụm từ thường xuyên bị phê phán mà đôi khi người sử dụng chưa thực sự nắm rõ nội hàm triết học của nó. Trong thực tế, vận động và chuyển hóa là thuộc tính cơ bản của mọi sự vật, hiện tượng. Vấn đề cốt lõi không phải là “có tự diễn biến, tự chuyển hóa” hay không, mà là sự chuyển hóa đó diễn ra theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực, có lợi hay có hại cho đất nước.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, con người luôn có xu hướng sống theo thói quen, nên việc tự đổi mới, đặc biệt là đổi mới tư duy, chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, chính sự “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong tư duy, khởi đầu từ những người lãnh đạo cấp cao nhất, đã tạo nên những bước ngoặt vĩ đại. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (1986), với sự đổi mới tư duy kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, là một minh chứng hùng hồn. Tổng Bí thư Trường Chinh, với bản lĩnh và tư duy đổi mới, đã dũng cảm chuyển hóa phương thức quản lý kinh tế, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đạt được những thành tựu phát triển đáng kể.

Quan trọng là cần tạo ra một môi trường khuyến khích sự đổi mới, tư duy phản biện, nơi những ý kiến trái chiều được tôn trọng và tranh luận để cùng nhau tìm ra chân lý, phục vụ sự phát triển của đất nước. Vì thế, cần phân biệt giữa “tự chuyển hóa nguy hại” và “tự chuyển hóa sáng tạo”  để từ đó xây dựng một không gian phản biện lành mạnh, thay vì buộc tội bất kỳ sự khác biệt nào.

Giải pháp chính sách: Phân biệt “chuyển hóa tích cực” và “chuyển hóa tiêu cực”. Bảo vệ không gian phản biện, không hình sự hóa tư tưởng. Thiết kế thể chế đủ linh hoạt để người đổi mới không bị trừng phạt.

Tư duy nhiệm kỳ và ai không dám làm thì đứng ra một bên

Cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” thường được gán cho ý nghĩa tiêu cực, ám chỉ sự suy nghĩ ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, bản thân “nhiệm kỳ” chỉ là một khái niệm thời gian. Vấn đề không nằm ở nhiệm kỳ, mà ở bản chất và năng lực của người cán bộ được giao trọng trách.

Một cán bộ “tư duy nhiệm kỳ” theo nghĩa tiêu cực là người chỉ cốt giữ yên ổn đến  hết nhiệm kỳ, không nghĩ đến xây dựng nền móng lâu dài, thậm chí tranh thủ cơ hội vơ vét lợi ích. Việc đánh giá những hành vi này là “không xứng đáng” và “cần rút kinh nghiệm” hoàn toàn chưa đủ uy lực để có thể chấm dứt tình trạng đó. Cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh hơn, đi thẳng vào bản chất của hành vi gây hại cho dân, cho nước.

Tương tự, câu nói “ai không dám làm thì đứng ra một bên” thoạt nghe có vẻ quyết liệt, nhưng lại tiềm ẩn nhiều bất cập. Trong một nhà nước pháp quyền, vấn đề không phải là “dám làm” hay “không dám làm”, mà là có dám làm đúng pháp luật, làm đúng quy trình hay không. Khi nhiều quy định còn chưa rõ ràng, chồng chéo, thậm chí vô lý, việc yêu cầu cán bộ “dám” làm một cách mơ hồ sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện, lạm dụng quyền lực và thay đổi trắng đen theo “khẩu vị” cá nhân.

Giải pháp căn bản khắc phục vấn đề này: Minh bạch pháp lý, rõ ràng quy trình, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo trên cơ sở trách nhiệm và pháp luật.

Chủ nghĩa cá nhân – Giải oan cho một khái niệm bị hiểu sai

Trong nhiều diễn ngôn chính trị ở Việt Nam, “chủ nghĩa cá nhân” thường bị gán với nghĩa tiêu cực: ích kỷ, vụ lợi, đối lập với “chủ nghĩa tập thể” và lý tưởng cộng đồng. Nhưng trên thực tế, chính sự hiểu sai khái niệm này đang cản trở một trong những điều kiện cốt lõi để phát triển xã hội hiện đại: sự khai phóng cá nhân.

Triết học chính trị hiện đại không đối lập cá nhân với tập thể. Ngược lại, nó nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng: không có cá nhân tự do thì không thể có tập thể mạnh; và nếu không có sự cộng hưởng, thì cá nhân dù tài giỏi cũng chỉ là một mảnh rời, không tạo nên sức mạnh hệ thống. Cái gọi là “tập thể vững mạnh” không thể được xây dựng bằng sự đồng hóa tư duy hay khuôn mẫu hành vi, mà chỉ có thể được kiến tạo từ sự cộng hưởng giữa những con người có năng lực độc lập, biết suy nghĩ, biết phản biện và biết chịu trách nhiệm.

Một nền quản trị quốc gia văn minh, vì thế, phải lấy con người tự do và có trách nhiệm làm trung tâm của thiết kế thể chế. Tôn trọng cá nhân không chỉ là một giá trị đạo đức, mà là một yêu cầu chiến lược. Bởi lẽ, không có tự do tư tưởng thì sẽ không có sáng kiến; không có tư duy độc lập thì sẽ không có đổi mới; không có cá nhân chịu trách nhiệm thì toàn bộ bộ máy sẽ rơi vào tâm lý ỷ lại và an toàn hình thức.

Vừa chạy vừa xếp hàng và  sắp xếp lại giang sơn

Trong bối cảnh cải cách toàn diện hiện nay, cách làm “vừa chạy vừa xếp hàng” – vừa triển khai, vừa điều chỉnh có thể tạm chấp nhận trong giai đoạn khởi đầu nhằm thử nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, nếu kéo dài thì mô hình này sẽ bộc lộ nhiều bất cập, dễ dẫn đến chắp vá, thiếu nhất quán. Một cuộc cải cách đúng nghĩa đòi hỏi phải có lộ trình bài bản, được thiết kế công phu và chuẩn bị kỹ lưỡng trên cả ba phương diện: thể chế, nhân sự và nguồn lực tài chính. Sự linh hoạt là cần thiết, nhưng phải nằm trong khuôn khổ của tư duy chiến lược, nếu không sẽ trượt dần sang tùy tiện, cảm tính và thiếu kiểm soát, dẫn đến hệ quả “dục tốc bất đạt.”

Việc Đài Truyền hình Việt Nam đặt tên cho chương trình cầu truyền hình ngày 30/6 là “Sắp xếp lại giang sơn” là một cách dùng từ chưa chuẩn xác, đặc biệt dưới góc nhìn triết học và hành chính học hiện đại. “Giang sơn” là khái niệm mang tính biểu tượng, thường gắn với hình ảnh non sông đất nước trong bối cảnh lịch sử hoặc văn học, không phản ánh đúng bản chất kỹ thuật và pháp lý của hoạt động sắp xếp đơn vị hành chính.

Việc tổ chức lại bộ máy nhà nước, tinh gọn biên chế, điều chỉnh địa giới hành chính là một tiến trình cải cách thể chế có cơ sở khoa học và pháp lý rõ ràng, không thể gọi một cách cảm tính, mơ hồ. Cách dùng từ như vậy dễ gây hiểu nhầm, thậm chí tạo cảm giác bất ổn trong tâm thức người dân. Để truyền tải đúng tinh thần cải cách, cần sử dụng các khái niệm chính xác hơn như: “Tái cấu trúc đơn vị hành chính”, “Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước” hoặc “Sắp xếp địa giới hành chính vì hiệu quả quản trị”. Trong lĩnh vực chính luận, ngôn ngữ không chỉ để thu hút mà còn phải dẫn dắt nhận thức đúng đắn, đặc biệt khi liên quan đến vận hành quốc gia.

Trong triết lý Á Đông, “giang sơn” không chỉ là lãnh thổ địa lý mà còn là không gian sống gắn bó mật thiết giữa thiên nhiên, con người, lịch sử, và là ký ức của dân tộc. Mỗi địa danh, mỗi vùng đất đều mang trong mình những câu chuyện, những giá trị văn hóa vô hình nhưng vô cùng quý giá. “Giang sơn” cần được nhìn nhận như một tài sản bất biến, một giá trị cốt lõi.

Bộ máy hành chính có thể và cần phải thay đổi để phục vụ sự phát triển, nhưng “giang sơn”  linh hồn quốc gia, bản sắc dân tộc không thể bị uốn nắn hay tùy tiện thay đổi theo những sơ đồ hành chính cứng nhắc. Việc xóa bỏ, gộp lại hay đổi tên địa phương nếu thiếu cân nhắc kỹ lưỡng và sự đồng thuận rộng rãi có thể tạo ra những khoảng trống văn hóa, khiến người dân có cảm giác “mất quê hương”, mất đi một phần bản sắc văn hoá. Sự tuân thủ trên hình thức có thể lại che giấu nỗi niềm sâu kín, sự bất mãn ngấm ngầm, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội về lâu dài.

Lời kết

Triết học không nằm ngoài đời sống, mà chính là nền tảng của tư duy đúng và hành động đúng. Trong quản trị quốc gia, việc hiểu và sử dụng chuẩn xác các khái niệm – đặc biệt là những khái niệm có tính triết lý không chỉ giúp nâng cao chất lượng hoạch định chính sách, mà còn góp phần nuôi dưỡng một nền quản trị có chiều sâu, có đạo lý và có tầm nhìn.

Một quốc gia muốn phát triển bền vững không thể dựa vào tư duy nhiệm kỳ hay những khẩu hiệu hình thức. Sức mạnh thật sự phải đến từ tinh thần đối thoại, sự tôn trọng lẽ phải, và bản lĩnh thay đổi khi thực tiễn đòi hỏi. Tư duy – chứ không phải quyền lực – mới là động lực sâu xa đưa đất nước tiến lên một cách căn cơ và có phẩm giá.

Chính trị không nên chỉ là kỹ thuật vận hành quyền lực, mà cần được nâng tầm thành nghệ thuật phụng sự con người. Quản trị quốc gia, nếu đặt trên nền móng triết lý đúng đắn, sẽ là con đường dẫn tới một Việt Nam phát triển hài hòa vừa hiện đại, hiệu quả, vừa giữ được chiều sâu văn hóa, nhân cách và trí tuệ dân tộc trong thế kỷ 21.