Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2025

Chế Lan Viên và “Hội An”

 Huỳnh Duy Lộc

Dù sau khi sáp nhập với thành phố Đà Nẵng, Hội An chỉ còn là cái tên của ba phường Hội An, Hội An Đông và Hội An Tây, Hội An vẫn mãi mãi là thành phố Hội An vì như nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi có nói:

Có những tiếng vang ở Hội An lặn sâu vào ký ức. Có những ký ức ở Hội An chợt vang trong hồn ta mỗi khi nhớ lại. Vì nơi ấy hội tụ những an lành. Nơi ấy khiến du khách tìm được những phút giây thư thả nhất, bình lặng nhất, mà cũng âm vang sâu thẳm trong tâm hồn nhất”. (Thanh Thảo, Hôn một lần ở Hội An, https://thanhnien.vn/hon-mot-lan-o-hoi-an-185820595.htm)

Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23 tháng 10 năm 1920 tại Nghệ An. Ông lớn lên ở Điện Bàn, Hội An và Bình Định, đậu bằng thành chung (trung học cơ sở hay cấp II hiện nay) thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Bình Định là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn ông như lời ông kể: “Quê cha mẹ tôi ở ngoài Quảng Trị. Cha mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong gió Lào và khoai sắn Bình Trị Thiên. Nhưng sau đó, khi tôi lên 7 thì cả gia đình chuyển vào Bình Định:

“Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ

Cái giếng, vườn rau, căn nhà nho nhỏ”

Ký ức tôi ngược thời gian thì nó vẫn đi về qua lại thường xuyên giữa các đồi sim mua Quảng Trị và góc thành Bình Định này. Ngỡ như tính cách tâm hồn và bút pháp thơ tôi đều bắt nguồn từ hai nơi ấy…”

Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông cho xuất bản tập thơ đầu tay có nhan đề Điêu tàn. Ông kể vì sao ông đã lấy bút danh Chế Lan Viên: “Tôi làm thơ lúc 12, 13 tuổi ở huyện lỵ An Nhơn. Lủi thủi làm và cũng không ý thức đó là thơ. Ký những cái tên chỉ là địa danh ngoài Quảng Trị: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Phải xuống Bình Định, gặp Yến Lan, có bạn thơ soi vào nhau, thì tôi mới hiểu ý nghĩa của việc làm thơ và có danh hiệu của mình: Lan Viên. Chắc là bị ảnh hưởng bởi tên Lan của bạn và vườn của nhà bạn có nhiều hoa ấy:

“Vườn lan ai ấy tưới thay con” (Yến Lan)

Nhưng phải chờ 16, 17 tuổi xuống Qui Nhơn theo học trung học, thì tôi mới thành một người làm thơ thực sự phát ngôn huênh hoang về công việc của mình: “Làm thơ là một sự phi thường”. Tôi đã gặp một người anh về thơ: Hàn Mặc Tử. Cũng từ đấy, trước chữ Lan Viên, bỗng thêm chữ Chế. Vì sao có chữ Chế ấy? Chỉ biết rằng trong tập Nắng Xuân, một tập giai phẩm in năm 1936 ở Quy Nhơn biên tập bởi nhà thơ lãng mạn Hàn Mặc Tử, có một bài Hàn Mặc Tử tặng cho tôi. Bài “Thi sĩ Chàm” tặng Chế Bồng Hoan. À, thì ra còn cả tên đó nữa. Có lẽ Tử đặt ra chăng? Với chữ Chế, dù là Chế Lan Viên hay Chế Bồng Hoan, tôi đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc”. (Chế Lan Viên, Tựa của Tuyển tập thơ Chế Lan Viên, nxb Hội Nhà văn, 2017).

Cái tên Chế Lan Viên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là “Bàn thành tứ hữu” của Bình Định.

Chế Lan Viên đã dạy học cùng với nhà thơ Lưu Trọng Lư và thầy Phan Khoang ở Trường trung học Chấn Thanh, Đà Nẵng – một trường tư thục trên đường Thái Phiên ngày nay, do nhà giáo Phan Bá Lân, con trai cụ Phan Thành Tài sáng lập. Cô nữ sinh Đà Nẵng tên Nguyễn Thị Giáo là học trò của ông ở trường Chấn Thanh, cũng là một trong bốn nữ sinh xinh đẹp được mệnh danh là “Chấn Thanh tứ đại mỹ nhân”.

Sau khi thành hôn với cô Nguyễn Thị Giáo, Chế Lan Viên rời Trường trung học Chấn Thanh để ra Huế tiếp tục dạy học. Ông có với cô Nguyễn Thị Giáo ba người con: Phan Lai Triều, Phan Trường Định và Phan Thị Chấn Thanh. Thế nhưng, sau khi vợ chồng ông tập kết ra miền Bắc, đến năm 1958 thì xảy ra sự cố khi ông sang Trung Quốc chữa bệnh. Cuộc hôn nhân tưởng chừng không gì có thể lay chuyển được ấy đến đây đã tan vỡ: người vợ yêu dấu của ông có con với một người đàn ông khác!

Chế Lan Viên thương ba con, đã cố gắng níu kéo, nhưng không thể. Cuối cùng, hai vợ chồng đành phải ra tòa ly hôn. Trong phiên tòa, ông ngồi im lặng suốt buổi. Sau khi hoàn tất các thủ tục, ông mới đứng lên đọc bài thơ thay cho lời cuối:

Đến chỗ đông người anh biệt em

Quay đi thôi chớ để anh nhìn

Mày em trăng mới in ngần thật

Cắt đứt lòng anh trăng của em”.

Năm 1960, Chế Lan Viên kết hôn lần thứ hai với nhà văn Vũ Thị Thường, có thêm hai người con gái. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông đưa gia đình vào sống tại TP.HCM. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, TP. HCM ở tuổi 69, một thời gian ngắn sau khi mổ khối u ác tính trong phổi.

Chế Lan Viên đã viết bài thơ Hội An tại bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 9 tháng 9 năm 1988, trước khi mổ phổi. Bài thơ đã được đưa vào quyển Di cảo thơ Chế Lan Viên tập III.

Nhà thơ Thanh Thảo có viết về bài thơ Hội An của Chế Lan Viên: “Đây là một bài thơ hiếm hoi của Chế Lan Viên, trong đó ẩn rất sâu những xúc động chân tình, những day dứt riêng tư nhất của nhà thơ. Nếu không phải Hội An, chắc gì Chế Lan Viên đã làm bài thơ ấy?

Ngày đó, Hội An chưa lớn như bây giờ, nhưng vẫn là một Hội An thanh bình, nhỏ nhẹ, thật thà… Bây giờ đã khác. Nhưng câu thơ “Một đời vang thủy triều” của Chế Lan Viên lại thêm một tầng nghĩa mới: Có những tiếng vang ở Hội An lặn sâu vào ký ức. Có những ký ức ở Hội An chợt vang trong hồn ta mỗi khi nhớ lại. Vì nơi ấy hội tụ những an lành. Nơi ấy khiến du khách tìm được những phút giây thư thả nhất, bình lặng nhất, mà cũng âm vang sâu thẳm trong tâm hồn nhất” (Thanh Thảo, Hôn một lần ở Hội An)

Mở đầu bài Hội An, Chế Lan Viên đã viết mấy dòng như lời thanh minh: “Tôi chẳng yêu ai ở Hội An cả, nhưng tôi yêu đô thị ấy. Tuổi thơ tôi đã ở đấy (6, 7 tuổi). Nhân xem các tranh Lưu Công Nhân vẽ về cao lâu Hội An, tôi tặng riêng anh bài này. Cũng là tấm lòng tôi mến anh và tài năng anh”.

HỘI AN

.

Hội An chẳng là quê

Mà là hương, khổ thế

Quên quê, ai có thể

Hương ư? Ôi dễ gì.

.

Phephô* ta phe nào?

Ôi, A Di Đà Phật!

Cái phe toàn nước mắt,

Chỉ phô toàn khổ đau!

.

Yêu ở đâu thì yêu

Về Hội An xin chớ

Hôn một lần ở đó

Một đời vang thủy triều.

.

Xin chớ hôn gần bể

Từng đêm sóng đuổi người

Hồn ta hóa tượng Hời

Nửa khôn rồi nửa dại.

.

“Anh là khỉ chùa Cầu”

Mắng xong anh, em khóc

Hương chùa hay hương tóc

Mắng khỉ mà người đau.

 

Thế rồi ta xa nhau

Anh lên đài Vọng Hải

Tìm em mùa hoa dại

Hoa đây còn em đâu?

.

Không cần gặp Thiên Tào

Đòi một đời hạnh phúc

Chỉ cần cùng nhau khóc

Một giờ trong cao lầu.

 .

*Phephô: Chế Lan Viên đã đọc sai tên Faïfo thành Phephô. Đúng ra, phải đọc là Phaiphô. Người Pháp ghi tên cũ của Hội An là Faïfo với hai dấu chấm trên đầu chữ i (i trema), nghĩa là tương đương với hai chữ i, nên Faïfo phải đọc là Phaiphô.

Nhà thơ Chế Lan Viên và nhà thơ Đông Trình ở Chùa Cầu, Hội An