Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2025

Đặng Thơ Thơ – Rong chơi ngoài thời gian, cõi vạn hoa của sáng tạo

 Nguyễn Thị Khánh Minh

Một lần, khi bước lên tam cấp bằng gạch tàu xưa của một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô Sài Gòn, tôi cảm thấy rất sống động, bóng ba tôi trong bộ quần áo màu mỡ gà của ngày ông ra đi, cầm một cây gậy tre đứng dưới bóng cây, tôi nghe rõ như hồi tôi 19 tuổi, ba sẽ làm một hòn non bộ dưới gốc cây này, và tôi đã viết, ở đó, câu thơ … hãy bước lên bậc-tam-cấp-thời-gian, quá khứ-hôm nay-và ngày mai. Và chọn một giấc mơ … đó là điều gắn bó tôi với ba bậc thềm tam cấp. Không phải vì cái ý nghĩa của ba chủ thể Trời – Đất – Con Người trong tri giác tam sinh, để nhắc nhở vô thường Sinh Lão Bệnh Tử, mà tôi cảm giác ba bậc thềm ấy như một dòng thời gian hư ảo. Khi bước lên nó như thể bước vào ngưỡng của giấc mơ. Nó là kinh nghiệm tôi có được khi cảm giác ấy được lặp đi lặp lại, thành một quy ước vô thức mà tôi cho rằng chỉ những ai sống thường trực trong nó mới cảm biết. Nó lại rơi vào khái niệm thời gian phi tuyến tính mà triết gia John William Dunne đề cập đến trong một nghiên cứu của ông và kết luận rằng, “Giấc Mơ là một minh chứng cho quan điểm trục thời gian đa chiều đồng hiện diện.” Tôi cảm thấy tôi có cái gì đó hơi khác – cái khác mơ hồ – rằng ở tôi,  giấc mơ là khởi đầu vụ mùa, ở J. W. Dunne giấc mơ là thu hoạch, dù ngẫu nhiên cả hai đều minh chứng cho sự không trật tự cùng xuất hiện của thời gian. Tôi thấy mình rất dễ để lọt vào và rất ổn thỏa sống trong cái lộn xộn đó.

Cũng tâm thái ấy, tôi có được khi đọc Phòng Triển Lãm Mùa Đông của nhà văn Đặng Thơ Thơ, và sau đó lại xoay sở cho lọt vào những con chữ mang đầy ý nghĩa bứt phá hiện thực.

Tôi đọc lần này, cách lần trước 15 năm. Vẫn cảm được cái huyễn ảo, huyền ảo của phong khí[1] ấy, nhưng khác trước, lần này không những tôi Đọc, mà tôi Sống cùng thảy những tầng lớp ngữ nghĩa, ngữ cảnh của nhà văn. Một lần tôi chủ động, một lần tôi bị động.

Chủ động cảm xúc của mình tiếp nhận một cách chủ quan.

Bị động vì sự quyến rũ của những cánh cửa suy tưởng của nhà văn mở ra thách thức. Bị động nên mất phương hướng trong miệt mài tìm kiếm, và tôi bị lạc trong cái quy ước tâm linh của chính tôi. Hóa ra trong cái chập chùng tôi tưởng là phi trình tự vẫn theo một xoay chuyển có lập trình của vô thức. Cõi giấc mơ hiện ra trong sự không định vị Không gian và thời gian, ở Đặng Thơ Thơ, ngoài vai minh chứng cho cái phi tuyến tính của thời gian – còn cho cả cái linh hoạt của không gian. Ngữ cảnh Thơ Thơ xoay chuyển mọi ngõ ngách. ký ức của quá khứ, ký ức của hiện tại và ký ức của tương lai, nó đồng loạt sống dậy, khi nhà văn cần đến, lội ngược dòng cái nhìn cố hữu, giải mã ổn thỏa phi thực- thực, đem lại hiệu quả tái cấu trúc hiện thực với những tầng lớp thời-không gian trong từng cung bậc của cảm nhận tương ứng.

Tôi tự hỏi,

Có phải hiện thực được thấu thị bởi cụ thể và siêu thực mà cấu trúc truyện có nền của hiện thực huyền ảo[2]? Chẳng hạn như truyện Vườn Lan.

Có phải hiện thực được nhìn từ cặp đôi ảo-thực mà cấu trúc dàn dựng truyện có nét hiện thực huyễn ảo[3], truyện Phòng Triển Lãm Mùa Đông là một điển hình.

Sự phi tuyến của thời gian và sự biến dịch của không gian cái nào là nhân cái nào là quả, để Đặng Thơ Thơ chớp được tất cả những sự kiện đã-đang-sẽ-xảy-ra-đồng-thời, dưới một giọng văn vừa điềm tĩnh vừa hàm súc nội tâm?

Và tưởng là đầy triết lý tính nhưng lại toát được cái thơ mộng hồn nhiên của một tâm hồn nhạy cảm tinh tế, khiến những nhân vật phụ như thời tiết hoa cỏ trái cây mưa nắng… trở thành nhân vật chính, và minh chứng cho sự có mặt của Tôi-nhà văn với hiện tại.

Sự tự hỏi trên đã dẫn tôi đi đến những cảm nhận trong hai tiểu đoạn sau. Tôi có chủ quan không khi nói rằng, những cảm nhận ấy là phản xạ của cảm xúc những ai khi đi vào cõi văn chương Đặng Thơ Thơ?

1.

Phải nói, để lọt được vào “phong khí” của Đặng Thơ Thơ không phải dễ, nếu kể lại rành mạch nó với tính cách học thuật thì không đúng hẳn, bởi cái hồn tinh túy, kỳ ảo của ẩn dụ có thể bạn sẽ bỏ qua, như tôi trong lần đọc đầu tiên, chỉ cảm nhận được hiện thực ấy trên một bề phẳng. Hơn nữa, nếu chỉ nghiêng về học thuật, bạn sẽ bối rối bởi cách Đặng Thơ Thơ phá vỡ những cảm nhận thông thường của suy tưởng và hành văn.

Bạn dùng con mắt nào, cảm thức nào để nhìn ra cái lệch-lạc-đúng trong tranh Picasso?

Bạn sẽ có kinh nghiệm như tôi, mất mình để đi theo mọi phóng kích của các góc khuất của sự kiện và tâm lý con người để lôi ra và chấp nhận những phi lý như là khả thể trong văn chương Đặng Thơ Thơ?

Tôi phải dùng rất nhiều “tôi” để lọt vào bao vỏ không gian và mấy lớp thời gian ở Một Nơi Để Viết:

Tất cả công việc viết lách của tôi diễn ra trong căn phòng đó. Người ta không biết đến nó, ngoài đời không có căn phòng nào như thế. Tuy chỉ là nơi tưởng tượng, nhưng nó rất thật đối với tôi, thật hơn tất cả những căn phòng tôi đã ở, có lẽ còn thật hơn tất cả những gì có thật trên đời. Phòng có hai cửa chính. Một cửa mở ra bao lơn nhìn xưống đường phố – để cuộc sống bên ngoài có thể tràn vào trong.

… Phòng hơi tối, ánh sáng như trong những hình chụp nghệ thuật, luôn luôn chiếu từ một góc nào đó ra, đi từ đậm qua nhạt, rồi loãng vào một vùng không khí lơ lửng giữa phòng. Đồ đạc thì hầu như cố định, hình dáng không quá rõ rệt làm cho thô thiển, mỗi vật gắn với một tên người nào đó, gây một cảm giác thân mật. Cái ghế ngựa vẫn đu đưa nhịp nhàng, loáng thoáng hình ảnh một người già đọc báo với cây kiếng lúp. Trong lò sưởi có ngọn lửa mẹ đốt từ năm lên chín tuổi. Bình hoa trên bàn từ lần sinh nhật thứ mười ba, có những búp màu hường nhạt như phấn tiên, tiết ra một mùi hương ngọt ngào. Trong lò sưởi có ngọn lửa mẹ đốt từ năm lên chín tuổi… (Một Nơi Để Viết)

 

Một căn phòng được lôi từ một điểm nhỏ của chữ, rồi phình ra, rồi tồn tại, định vị một chỗ, nơi đó có hiện tại một người đang viết, một Tôi hiện hữu, sống, viết, song song thời gian sống động của các nhân vật, nơi chốn của riêng từng nhân vật và người. Họ đến họ đi tự do trong cảnh chữ, không gian thoắt ẩn thoắt hiện, tất cả cùng linh động và bất động, như những khái niệm có được chọn lựa để giới thiệu mình trong tình huống thích hợp. Chẳng hạn, sự trở về của quá khứ vào hiện tại trong một không gian ảo: … Trong lò sưởi có ngọn lửa mẹ đốt từ năm lên chín tuổi, vẫn-đang cháy. Bình hoa trên bàn từ lần sinh nhật thứ mười ba, vẫn-đang tiết ra một mùi hương ngọt ngàoCái ghế ngựa -vẫn- đu đưa nhịp nhàng chở một hình ảnh đã xa -người già đọc báo với cây kiếng lúp-. Tất cả được phân mảnh rồi ghép lại tự nhiên vào hiện tại như một ăn khớp hoàn hảo làm không khí truyện tngào ngạt hấp lực.

…Đường phố đã đổi tên mà tôi không hay, mỗi con đường hóa thành một ca khúc của anh. Trong một góc công viên, chợt rực lên một vùng còn nắng, khác hẳn nơi chúng tôi đứng, những cánh chim bay không mỏi mệt, bay từ nắng qua mưa, từ thu vào hạ, từ xuân đi ngược về đông. Cuối cùng một đám sương đục bay lùa đến, không còn nhìn thấy gì nữa. Tôi rùng mình nghĩ, mình cũng có thể bị cuốn đi như thế, vào trong mịt mù… (Lời Chia Tay Cuối): Bước bốn mùa của cánh chim bay ẩn hiện vào bước người trên con phố lời ca khúc, rồi tất cả biến mất vào sương đục, hiện tại nào trong không gian ảo này qua cái rùng mình -Đặng Thơ Thơ-?

… “Lại mùa xuân...”, tôi nghe tiếng mình vang vang từ một tiềm thức. Tôi trở lại căn phòng ấy vào đúng mùa xuân…

Và điều gì xảy ra? Căn phòng ký ức bỗng tượng hình chiếm một chỗ trong căn phòng nơi Tôi vừa trở lại, kéo theo những hình ảnh đang bất động hồi sinh, và Bà, và những gì thuộc về lúc đó… Nhân chứng khung cửa sổ, nơi chứa đựng mọi hình ảnh phóng chiếu của nội tâm Bà và cháu. Nhưng khung cửa màu xanh ấy vẫn cứ lung linh, vì nó là cửa kính, trong suốt – phản chiếu – soi rọi. Nó tô màu mọi hình ảnh bên ngoài, nó thu hút mọi năng lượng của tâm thức. … (Mùa Xuân Trắng)

…Tôi khó lòng nhận ra ngôi nhà của bà ngày nào nữa, cho tới khi bất chợt nhìn ra cửa sổ… Cây lê cổ thụ đang thả đầy hoa trắng ngoài kia, màu trắng non mong manh và thanh thoát cứ lay động không ngừng, tưởng chừng như gió đang thổi lên từ đó, không có gì thay đổi cả, dù đây là lần đầu tôi phải khóc khi nhìn thấy nó. Nó tồn tại bởi những ánh mắt nhìn qua nó, bởi sự vĩnh hằng của linh hồn trắng hoa lê và vô thường của cánh hoa rơi. Ở đây, tác giả cho ta cảm nhận được nỗi mong manh lấp lóe trong thường hằng.

 

… Khung cửa giờ đã lấy lại tất cả những gì từng thuộc về nó, ánh sáng của những buổi chiều, không gian nó đã từng phản chiếu, những ký ức hắt hiu, và cả đôi mắt đã từng nhìn ngắm nó… (Mùa Xuân Trắng). Khung cửa sổ là điểm duy nhất gặp gỡ của không gian và thời gian. Sẩy một nhịp để gặp nhau, nhịp sẩy ấy là tâm cảnh con người. Như vậy, chẳng thể tách được nhân quả. Nó là một cặp đôi, cái phi trình tự của thời gian nối kết những mảnh không gian rời.

CHO TA BƯỚC VÀO KỲ ẢO CỦA TIÊN TRI VÀ NHỮNG GIẤC MƠ

Khi đọc Vườn Lan, tôi đã từng nghĩ, những tâm cảnh dồn dập xảy đến có thể nào tích tụ thành lớp lớp nơi tiềm thức, rồi qua sàng lọc bất ngờ nào đó của một thứ giác quan chưa được biết đến, lóe sáng cái nhìn gở, không, một trực giác mang khả năng huyền bí của tiên tri:

… người ta vẫn nói đôi mắt người sắp đi xa mang hình ảnh nơi họ sẽ tới. Tôi muốn tìm trong mắt cô bóng dáng con thuyền trên mặt biển xanh ngắt, hoặc đường phố rộn ràng đèn sáng như sao. Nhưng không hiểu sao chỉ thấy những cánh đồng hoang vắng ngút ngàn; hình ảnh một đoàn tàu lửa đập vào đầu tôi, băng qua những bụi lau chập chùng vô tận…

… căn phòng này, những cuốn sách này, tấm bản đồ này, và chuyến đi chấm dứt ở một nơi không du khách nào muốn tới. Cũng chẳng có lối về.  (Vườn Lan)

Cộng với cái nhìn tiên tri là sự cộng hưởng sinh tử không lý giải được giữa lan Vanda và nhân vật Tường, một sợi dây nối số mệnh của hoa và người chăm sóc nó, điều đó là gì nếu không phải là một thứ trực giác về siêu hình mà Đặng Thơ Thơ cho chúng ta thấy tác giả rất tin vào sự có mặt của chúng.

… Mới sáng nay chúng còn mọng nước và tươi mát. Bây giờ cánh hoa mỏng tanh, tôi nhìn được những đường gân cong quắt. Những đóa hoa bị hút kiệt sinh lực. Chúng khô héo và tàn tạ. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến một sự kiện lạ lùng như vậy. …Tôi ngồi suốt đêm với những bông hoa tàn, và một hồ sơ hoa rỗng. Ai đó đã xóa sạch nội dung. File Vanda 2001 chỉ còn là một cái tên. Tôi nhớ ra chú chưa kịp đặt tên cho cây lan này, như một điềm báo trước… (Vườn Lan)

 

Với cái nhìn gở tiên báo về tương lai, – hình ảnh đoàn tàu và cánh đồng hoang vắng – đúng như trong hành trình đi đến cõi chết của nhân vật Tường, làm Vườn Lan mang không khí Hiện Thực Huyền Ảo, điều không lý giải được về cái nhìn tiên tri tham dự vào đời sống nhân vật được xem như một tất yếu của sự vượt ngoài lý trí.

Còn nữa. Người đọc thử nối kết giấc mơ ở truyện Ba Sẽ Về Ngày Mai. Mọi thời điểm, quá khứ, hiện tại và tương lai, đều “đang xảy ra” đồng thời trong giấc mơ, có thể nói, không phải tất cả, nhưng sau đây là hai trích đoạn, minh chứng cho lý thuyết thời gian và giấc mơ tiên tri của John William Dunne:

 Giấc mơ trong Ba Sẽ Về Ngày Mai:

Giấc mơ đám tang cứ diễn ra nhiều lần, mỗi lần nó nghĩ ra một cách mới để hành hạ tôi. Càng lúc nó càng đến gần tôi hơn. Lần chót nó đuổi theo tôi ráo riết. Tôi nghe đoàn người áo trắng nói với nhau: Bắt lấy nó nhốt vào cỗ áo! Bắt lấy nó nhốt vào cỗ áo! Tôi hiểu ngay trong áo quan không có người nằm, và họ muốn giam tôi vào đó. Tôi chạy như điên từ phòng này qua phòng khác, từ dưới nhà phóng lên lầu. Đám ma đuổi theo tôi sát gót. Và cuối cùng tôi lọt vào một căn phòng, trên tường treo đầy những tấm gương thật lớn, khung gỗ mun, có chạm trổ hoa văn.

Và tôi nhìn thấy ba.

Ba đã mặc xong bộ complet xám và đang đứng trước gương thắt cà vạt. Mặt ba nghiêm nghị và điềm tĩnh. Một vẻ bình thản vô bờ toát ra từ mắt môi ba. Tự dưng tôi thấy nỗi sợ của mình là vô lý, hết sức vô lý. Ba nhìn tôi mỉm cười, không nói gì, chỉ phác một dấu hiệu mơ hồ. Cửa phòng tự động mở ra. Đám tang bước vào phòng, đột nhiên họ trở nên im lặng khác thường. Họ từ từ tiến về phía bức tường, họ bước qua khung gỗ mun, họ đi xuyên suốt qua gương như băng một cánh cửa. Đó là lần đầu tiên tôi biết rằng tấm gương ấy có thể mở ra một con đường mới. Đám tang đi sâu hút vào trong, rồi biến mất. Sau giấc mơ đó, me bị bịnh nặng. Mặt me trắng như tờ giấy lúc me gọi chúng tôi vào phòng. Tôi nhớ giọng nói run rẩy của me: “Các con ơi, ba các con đã mất rồi!” (Ba Sẽ Về Ngày Mai)

Và giấc mơ trong Phòng Triển Lãm Mùa Đông:

Trong giấc ngủ tôi thấy mình nắm tay chị đi men theo hồ. Chị đứng sát bờ, thả một mảnh lụa trắng toát xuống hồ nước mờ đục. “Chị làm gì đó?”. Tiếng chị trả lời lẫn trong tiếng gió ào ào “Chờ một chút đi cho nước thấm vào khăn.” “Chi vậy chị?” “À, chị sẽ vẽ một bức tranh màu nước hồ, màu này không ai pha được, phải lấy từ chính nước hồ này”. Mảnh lụa trắng bập bềnh giữa một dòng lá khô hình dáng như những con mắt mòn mỏi. Chị nghiêng mình, nghiêng nữa, cánh tay xoãi ra, mái tóc dài rũ rượi trên nước thành những cọng rong đen nhánh nổi lềnh bềnh. Mảnh lụa trôi ra giữa hồ, tôi hét lên: “Chị, coi chừng, coi chừng!” Tiếng tôi bị gió át đi ngay. Tôi đạp những bước nhẹ hẫng vào khoảng không trước mặt, tôi gào lên, “Coi chừng, coi chừng, coi chừng!!!”. Những luồng gió tàn bạo quất ngược vào mặt, một bàn tay chặn ngang họng khiến âm thanh nghẽn lại không thành tiếng...

 Và sau đó: Không ai tìm thấy dấu vết cuối cùng vào, và những người đi lạc trong sương rồi sẽ tìm ra lối về. Điều này, chính những cảnh sát địa phương vẫn thường xác nhận. Đã bao năm rồi, tôi chờ đợi một con đường nhỏ bên kia hồ – con đường đã hiện lên trong đôi mắt chị.

 

HÃY ĐI QUA NHỮNG CÁI CHẾT MANG NHIỀU BIỂU TƯỢNG VÀ ÁM ẢNH TRONG THỜI GIAN ĐẶNG THƠ THƠ TÁI LẬP LẠI

Cái chết, cứ nhắm mắt đi và không hề biết nơi mình sẽ đến như Bà trong Mùa Xuân Trắng, cái chết đến trong sự chờ đợi biết trước như của Mẹ trong Mùa Hè…Từng Đoạn Ngắn. Cái chết như sự quyến rũ của sáng tạo của nhân vật Chị trong Phòng Triển Lãm Mùa Đông, cái chết như thể theo đuổi một mục đích vô cùng lãng mạn như của Tường trong Vườn Lan. Phá vỡ mọi sợ hãi về cái chết. Nó có sức mạnh của một hẹn hò sống lại. Tôi bị ám ảnh nhiều về cái chết của người mẹ trong cơn bão nhiệt.

Khi đã chìm vào cơn mê choáng nắng người ta không còn thấy nóng nữa. Họ cứ khăng khăng đòi đến sát mặt trời... Người con cảm thụ được sau cái chết của người mẹ: Trong trạng thái giữa mê và tỉnh, tôi nhận ra sức sống khủng khiếp đang bùng nổ khắp nơi… Ở đối cực sống chết, mang vẻ đẹp đau đớn đầy cảm động của ước muốn phút cuối cùng, “Để yên... cho mẹ ngắm mùa hè... cho mẹ ngửi một chút mùa hè đi....”.  Quá khứ ấy sẽ ở lại nơi mùi táo chín và mùa hè bất tận trong cây. …trong mùi cỏ mới cắt tôi nhận ra mùi táo chín. Mùa hè của tôi còn đang ở trên cây… (Mùa Hè…Từng Đoạn Ngắn)

Đặng Thơ Thơ sử dụng rất hiệu quả, sự đan xen thời gian không gian nơi tháng ngày Bà nằm bệnh, nơi cái chết của Bà, hơi thở của bà tan vào nơi không màu - không ánh sáng - không bóng cây, không tiếng chim - không nắng - không hình ảnh, không thời gian, không còn gì hết… nhưng người cháu vẫn nghe mùa xuân đang ở đó đập cùng bà nhịp vào sinh tử: … bà tôi đã chết trong căn phòng đó, mùa xuân sẽ luôn luôn còn đó... (Mùa Xuân Trắng).

Cũng với thủ pháp đem huyễn ảo làm linh hồn cho hiện thực, ta có được ở Phòng Triển Lãm Mùa Đông một cách đọc hỗ tương, Ta đọc và ta đi vào với nhân vật trong cách thế lắp ráp, trực diện. Nhân vật ở đó, cảnh tượng ở đó ẩn hiện bất ngờ không theo chiều suy tưởng làm đôi khi ta va phải một đụng chạm ngoài ý muốn. Không có một trật tự nào cả để dẫn đường cho lớp lang suy nghĩ. Vì không được dự báo trước nên cảm xúc lạ lẫm đã được học cách để cảm nhận.

Sự song hành của tưởng tượng, của mê hoặc cùng với những tầng lớp không gian hiện ra theo cảm xúc của hai chị em, đánh lạc hướng người đọc, phá vỡ những cách hiểu cố hữu về cái đẹp, về sự tương phản, về sự đam mê, về sáng tạo, cả về cái chết, đánh bật tất cả khỏi biên giới của sự thật.

Đây là những cú rơi của tôi khi nghe tiếng va chạm vang dội của thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài. Sau khi đọc không hiểu tôi đã biết cách chạm đất chưa…

Chị đứng đầu giường, đèn trong phòng đã tắt, không khí trong phòng lạnh buốt. Không hiểu chị đã mở cửa sổ từ lúc nào, màn cửa bay phần phật, tôi nhận ra đó chính là tiếng gió tôi nghe trong mơ. “Đi xuống hồ chơi không?” chị rủ. Tôi dụi mắt, cố tìm khuôn mặt chị trong bóng tối, nhủ thầm đây là thực, không phải mơ…

Chị nắm chặt cánh tay tôi, tay chị lạnh như nước đá và đẫm mồ hôi: “Dậy ra coi bức tranh của chị đi!” giọng chị khẩn khoản một cách bất thường. “Em coi rồi, mới coi hồi nãy mà,” cách từ chối của tôi cũng đầy vẻ bất thường, có thể là tôi đang sợ một điều gì đó từ bức tranh của chị. Giọng chị tha thiết: “Bây giờ khác rồi. Kỳ lắm! Bị sương che hết rồi. Không còn thấy gì nữa.” Cơn sợ lại ập đến, tôi ôm chặt lấy chị muốn thét lên ghê quá, ghê quá nhưng chị đã bịt miệng trước khi tôi kịp la lên, rồi chị thì thầm: “Đừng sợ, đừng sợ. Trên bức tranh giờ chỉ có một con đường thôi.” “Đường nào? Em không nhớ?” “Chị cũng không nhớ. Nhưng có thể mình đã thấy nó rồi.” Trong ký ức mù mờ của tôi, chung quanh hồ không có một con đường nào cả, chỉ toàn là cỏ gai cao quá đầu gối lẫn vào cây cối bìa rừng: “Nhưng mà chị có vẽ vào tranh chưa?” “Chị cũng không chắc”, chị nói giọng ngập ngừng, “Em nhớ lại coi. Làm sao tự nhiên nó lại hiện ra được?” Tôi rùng mình, kéo chăn tận cổ. Gió càng lúc càng dữ, hơi nước ùa vào từng khối ngập phòng, tôi chỉ còn thấy màu áo trắng nhờ nhờ của chị di động như trong một giấc mơ lạ…

Tôi vùng dậy, quờ quạng trong bóng tối dày đặc, nhìn quanh quất cố tìm ra màu áo trắng của chị. Hình như chị đang đứng cạnh giá vẽ. Tôi vội vàng chộp lấy tay chị. Nhưng không có bàn tay nào cả. Chỉ là cái áo khoác chị vẫn mặc khi làm việc, mắc hờ lên giá, cánh tay áo đu đưa trong gió…

 

Chị đam mê, quyết liệt đeo đuổi, thao thức sáng tạo, như đang thực hiện phép tu khổ hạnh. Tôi không chắc sự đối thoại trên có không, hay chỉ là độc thoại của một trong hai chị em. Có thể là chị, vì quyền năng rủ rê của sáng tạo chỉ có hiệu lực với chị, đã kéo chị trôi ra ngoài đêm.

Chị đi xuyên qua bức tranh mình để tìm một con đường đã biến mất trong sương. Nó khích động chị đi đến đích của cái đẹp, “À, chị sẽ vẽ một bức tranh màu nước hồ, màu này không ai pha được, phải lấy từ chính nước hồ này”, nhưng sự quyến rũ kỳ bí của màu xanh thẳm nước hồ, cũng phải chăng chỉ là mảnh xương khô ẩn sau đóa lan Vanda rêu mà nhân vật Tường say mê săn đuổi? Đó có phải là ẩn ý của Đặng Thơ Thơ, mọi theo đuổi ước mơ chỉ là vô vọng? Mặt khác, tôi cũng mường tượng đến ẩn dụ khác, đi đến cùng có nghĩa là tan mình đi, là sáng tạo khác tái sinh.

Văn phong, cấu trúc truyện Phòng Triển Lãm Mùa Đông, tiêu biểu nét mà tôi gọi tên là Hiện Thực Huyễn Ảo, các yếu tố ảo ảnh, giấc mơ, ký ức, trực giác, chen vào hiện tại bằng cảm thức ám ảnh nhân vật, tôi dùng Hiện Thực Huyễn Ảo, vì nó dường như rất đúng với cảm nhận của tôi trước tấm gương thực-huyễn của Phòng Triển Lãm Mùa Đông.

2.

Từ trong lá cây thoảng ra những ngọn gió màu xanh thẫm. (Mùa hè…Từng Đoạn Ngắn)

Bạn dùng con mắt nào, cảm thức nào để nhìn ra cái sắc xanh trong con gió, cái quấn quýt của con nắng?

Chính ngọn gió màu xanh thẫm này đưa tôi vào Phòng Triển Lãm Mùa Đông lần thứ hai. Tôi không nhớ hết cảm giác đọc của mình cách đây mười lăm năm, nhưng lần này chợt thấy mình chạm phải đến giật mình, sự tinh tế đầy thơ mộng của một tâm hồn nhạy cảm và bình đẳng với thiên nhiên, với những vật vô tri, như thế, nơi Đặng Thơ Thơ.

Chính nơi những câu văn đem thiên nhiên vào tâm hồn mình, nhìn những vô tri cử động có ý thức, tôi nhận thấy một Đặng Thơ Thơ như một hành giả đang trọn vẹn với phút giây đang-là trong dòng thời gian lớp lớp xô đẩy, trong từng mảnh biến dịch của không gian rời. Đặng Thơ Thơ tung hê khái niệm thời gian, mà lạ thay, nhà văn đang Ở Đó, và chia động từ của chủ thể tôi ở thì hiện tại. Một hiện tại chứa đựng vẻ đẹp của miên viễn, vẻ đẹp tâm linh của thiên nhiên, của đồ vật, nhìn thấy được qua hơi thở của sống động, chẳng phải nhà văn đã lôi ra cho chúng ta thấy cái đẹp thường hằng trong mong manh? Đó là một tuệ giác về vô thường.

Nhưng chỉ ở đây — ngồi hóng gió dưới bóng cây, nghe tiếng võng kêu rời rạc mơ màng — tôi mới có thể ném thời gian qua cửa sổ, buông thả tất cả để trở nên lười biếng như mùa hè. (Mùa Hè…Từng Đoạn Ngắn)

 

…Nhân vật của tôi đã đến nhưng còn chùng chình ngoài cửa. Cô gái đang nhoài người khỏi thành cầu thang nhìn xuống phố, mái tóc chảy dài thành miếng lụa đen buông thõng trên nền áo đỏ. (Một Nơi Để Viết)

Chi tiết tỷ dụ mái tóc và miếng lụa đen hiện lên rờ rỡ ánh nhìn sinh động của người quan sát làm mất mọi ranh giới ảo của không gian, thời gian. Cũng vậy, ở đây:

 

…Tôi suy nghĩ về cuộc đối thoại, linh cảm một điều gì đó đang chờ đợi mình. Đồng thời, cảm giác có một vệt nóng dán lên bàn chân làm tôi nhìn xuống. Thì ra là nắng. Nắng ở ngạch cửa, đã bò vào tận giữa phòng, luồn dưới bàn viết. Tôi đu đưa chân qua lại giữa luồng nắng, những sợi nắng không chịu nằm yên trên sàn, chúng bám vào chân tôi như muốn lôi kéo. Tôi nhìn ra ngoài xem nó đến từ đâu, nắng ở đằng sau rặng cây sát bao lơn, trong vòm cây gió đang thì thầm, bầy chim đang hát đồng ca, những âm thanh tạt qua theo luồng gió như đang rủ rê, đang hứa hẹn nhiều điều. Tôi lại nhìn xuống chân. Nắng vẫn ở đấy, không chịu đi xa nữa, cũng không chịu lùi bước, quấn quít, chờ đợi và mời gọi. Thế là tôi quyết định. Tôi đứng dậy, đi theo vạch nắng nối từ chân ra cửa. Cũng có thể những sợi nắng cuốn lấy tôi kéo băng ra ngoài. Tôi muốn quay lại nhìn, xem nắng có còn nằm lại phía sau không, hay đang cuốn lại như một tấm thảm..., nhưng không kịp, một mãnh lực đẩy tôi ra khỏi phòng, tuột theo cầu thang, thả tôi xuống giữa hè phố (Một Nơi Để Viết)

 

Sự cảm thụ nắng biến nắng thành một chủ thể hướng dẫn hành động nhân vật tôi-đang-hưởng thụ trọn vẹn phút giây theo tác động của Nắng (tôi viết hoa vì Nắng ở đây là một nhân vật chủ động.)  Cái vệt nóng dán lên bàn chân, … bò vào tận giữa phòng, luồn dưới bàn viết sợi nắng cuốn lấy tôi kéo băng ra ngoài… Và tất nhiên một cách -không gian phải co dãn theo. Cảm được sự bầu bạn như thế có phải là Tôi nhận ra mình đang độc thoại?  Đúng, Đặng Thơ Thơ đang nói chuyện một mình, hết mình, với cảnh vật chung quanh, nên mới có được những chữ xé toạc cảm xúc người đọc đến sững sờ, xin để ý những hình ảnh và những động từ trong những đoạn văn trích dẫn sau, nó có sức mạnh thuyết phục, nó là cái sườn hiện tại chống đỡ những bước lang thang của thời gian, và lấp lánh cho một không gian tưởng chừng sắp biến mất.

Đồ đạc hiện hình rõ dần dưới những tia sáng mỏng tanh đâm qua khe cửa… (Phòng Triển Lãm Mùa Đông)

những ngọn gió tinh khiết đùa giỡn những trang giấy của tôi, chúng mang theo những âm thanh tạp dưới đường, tiếng chim hát đồng ca trong rặng cây sát bao lơn... những âm thanh tạt qua theo luồng gió như đang rủ rê, đang hứa hẹn nhiều điềuTiếng đàn vẽ lại dòng xe trên đường phố chật hẹp, dòng người trầm ngâm trong tiếng chuông lễ chiều, dòng nắng đã tàn phai, dòng trăng chảy từ trời xuống những vòm cây, vào tận trong này… Có một nhịp điệu chung giữa dòng nhạc và dòng tư tưởng liên miên bận rộn đang chạy đuổi trong đầu tôi… (Một Nơi Để Viết)

Dáng đứng uể oải cắt lên khung cửa, tạo thành một mảnh tối ngăn giữa khu vườn và màu đỏ của những quả táo… … Một quả táo được cất giữ rất lâu thành ra rượu và vẻ đẹp, trải đầy những ý tưởng của Cézanne lên bàn, từ đó mùa hè trở nên bay bổng thênh thang… … Đó là lúc mẹ ngồi ngoài hiên dưới giàn hoa giấy, vẻ chói chang của nắng làm gạch lát thềm trông càng thêm nứt nẻ. Những chiếc gối lót vẫn rực rỡ trên ghế mây cũ mòn, khăn bàn phủ hơi lệch về phía đĩa táo, và con dao gọt lấp loáng những gợn nắng mỗi lần gió thổi đến từ bụi dừa cuối vườn…

Tôi lắc nhẹ ly, uống âm thanh của đá chạm vào thành thủy tinh, áp mặt hứng những bọt nước lủi sủi sắp vỡ tan thành khí. (Mùa hè… Những Đoạn Ngắn). Có phải đấy là tâm trạng hoàn toàn tĩnh, có thế mới “uống” được cái “động” của âm thanh?

Cũng đối cực tĩnh-động ấy, nơi ánh mắt:

Đôi mắt chứa đựng quá nhiều điều cùng lúc không sao nắm bắt và ghi nhận kịp. Cũng có lúc, ánh mắt ấy phản chiếu một tâm hồn khép kín như một khu rừng mịt mùng không lối, cái nhìn thăm thẳm của một vực sâu, hút tất cả vào lòng không âm hưởng nào vọng lại. (Phòng Triển Lãm Mùa Đông)

Tôi đi theo anh ra đường, linh cảm một điều buồn bã lắm. Một cơn mưa mới đi ngang qua đây vài khắc trước, và cứ tiếp tục đi trước chúng tôi, rất khó lòng đuổi theo kịp nó. Phố vào giờ vắng người bỗng nhiên quá rộng, thời khắc trễ nải của chiều làm bạc màu những đóa hoa bên đường, trên đầu tôi những chiếc lá lung linh cứ nhỏ đều đều từng giọt. Những giọt nước nặng như thủy ngân, lạnh buốt chân tóc, kêu coong coong, boong boong, âm sắc trong ngần như một tiếng chuông xa.

Chúng tôi đứng ngoài nhìn vào, những bức tranh trong căn nhà cuối cùng anh ở đã trổ ra những cánh cửa vòm trời. Gió lật xành xạch những trang nhạc. Về đêm, tường trong phòng vọng lại những âm vang thu được của ngày – tiếng xôn xao của người, tiếng ồn ào của ngõ, tiếng lào rào của gió đã lẩn trốn vào đây.... (Lời Chia Tay Cuối)

Từ bốn góc phòng đồng thanh trổi dậy những dòng nhạc ưu phiền, thì ra tất cả những bài ca trong bao nhiêu năm tháng đã lưu trữ vĩnh viễn ở đó, trong những vách tường tưởng là câm lặng. (Lời Chia Tay Cuối).  Bạn có thấy khả năng cảm thụ bị kích thích bởi vẻ kỳ ảo của bức tường lưu trữ âm thanh những bài ca?

 

KẾT

 

Văn phong Đặng Thơ Thơ, thể hiện tính trầm tĩnh, những nhận xét tinh tế mà trữ tình, những khám phá mới về cảm nhận hiện hữu qua chuyển động không ngừng giữa các đối cực tĩnh-động, hư-thực, sống-chết, để trình bày một sự kiện xảy ra xuyên không-thời gian, một trạng thái tâm lý của nhân vật theo hướng phá vỡ những định kiến.

Cấu trúc đan xen hư-thực không gian thời gian, những lát cắt  ảo khiến người đọc trực diện với đa dạng của hiện thực cùng lúc những câu hỏi được đặt ra. Và, có nghi vấn sẽ đẩy cảm thụ phong phú hơn.

Tất cả, được Thơ Thơ bổ sung đầy hiệu quả với lối viết thích hợp, độc lập với tình huống, nhân vật của mình. Do có chút kinh nghiệm thất bại, nên tôi có thể nói rằng, người viết rất khó bóc tách cái tôi của mình khỏi cảm xúc nhân vật. Cách Đặng Thơ Thơ cho nhân vật của mình tự do thật bản lĩnh, vừa làm chủ quan niệm mình vừa công nhận quyền của chữ, quyền của ý tưởng khi phản kháng lại mình. Một thủ pháp, một cấu trúc mà những nhà văn muốn chọn đoạn trường mà đi:

 … Khi có quá nhiều người chui vào thì tôi phải đi ra, hoặc căn phòng biến đi mang theo tất cả những người trong đó…

…Nếu anh ta ra đi không phải là giải pháp thì anh ta sẽ quay về. Nếu cô không muốn làm việc thì cô có thể đi xuống đường phố rong chơi cho đến hết ngày. Còn tôi thì đã có hẹn với xấp giấy này rồi, tôi phải làm việc, phải đào bới, phải vắt óc, phải cày ra chữ cho nó. (Một Nơi Để Viết)

Tôi luôn tự nhủ thầm, phải bước thật nhẹ nhàng, bởi vì mọi thứ đang yên nghỉ. Dù không thấy ai, nhưng biết đâu mình đang bị quan sát. Một đôi mắt lấp ló sau cánh cửa, hoặc một tia nhìn trầm ngâm từ những bức tranh, đều có thể làm tôi hoang mang giữa thực tại, tưởng tượng, và xúc động… (Phòng Triển Lãm Mùa Đông)

Tác động được với người đọc theo chiều hướng ấy của Đặng Thơ Thơ, theo cảm nhận của tôi, là do nội lực trí tuệ, sự thông minh, được tính lãng mạn thơ mộng trong sâu thẳm tâm hồn tương tác.

Lọt vào cõi văn chương vô cùng quyến rũ ấy, như được rong chơi ngoài thời gian, được sống theo vạn hoa tái sinh của sáng tạo, vô hình trung, bật ra được ý nghĩa của sự có mặt và tồn tại của chúng ta  trong sự phi lý thường trực của cõi nhân sinh.

Đặng Thơ Thơ, một hiện hữu đầy quả cảm và thơ mộng.

NTKM

Upland, tháng 7.2015

[1] Phong khí, chữ của Bùi Vĩnh Phúc, xin cảm ơn “đồng xu mới” của nhà văn Bùi Vĩnh Phúc được lưu hành trên thị trường chữ nghĩa, tôi rất đắc ý khi được dùng nó trong bài viết này.

[2] Hiện thực huyền ảo (Magical Realism): Phong trào phát sinh từ hội họa, sau nở rộ ở trường phái văn chương thế kỷ 20, nhất là ở châu Mỹ La Tinh, kết hợp giữa cái đời thường và cái phi thường, chấp nhận các hiện tượng lạ, phép mầu như một tự nhiên trong cuộc sống hiện hữu (tổng hợp từ Internet).

[3] Hiện thực huyễn ảo (Dream-infused Realism): Lối viết kết hợp Hư-Thực, đa phần là giấc mơ, dùng lăng kính hư ảo để phản chiếu sự kiện đang xảy ra hay làm nổi bật tâm lý nhân vật. Trong hiện tượng huyễn ảo có nét của một liên tưởng lãng mạn thơ mộng, khác với hiện thực huyền ảo. Tôi dùng khái niệm Hiện thực huyễn ảo vì nhận thấy nó đúng với bản chất cảm nhận của tôi trước tác phẩm mà thực huyễn là hai mặt của một tấm gương, như truyện của Đặng Thơ Thơ (NTKM).