Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2025

Thuyền – một không gian đầy sóng

 Ý Nhi

 

Thuyền là câu chuyện của những người vượt biển vào những năm tám mươi của thế kỷ trước – một cuộc ra đi “khóc ra máu đầm đìa” được ghi khắc lại.

Nhưng, câu chuyện này không được kể liền mạch như vẫn thường.

Về hình thức, Thuyền được ngắt ra thành 54 đoạn, có độ dài ngắn khác nhau.

Mỗi đoạn hàm chứa một nội dung, một cách diễn đạt.

Mỗi đoạn có thể đứng độc lập như một truyện ngắn, một thiên ký sự và đôi khi là một bài thơ.

Người ta cũng có thể khai thác Thuyền thành một kịch bản điện ảnh với độ dài của hành trình, với những tình huống gay cấn, những câu chuyện sinh động và với nhiều thân phận có bề dày đời sống đủ để tạo dựng nhân vật.

Vậy, điều gì làm nên chất keo cần có, tổ chức cần có cho một cuốn tiểu thuyết. Điều gì giúp Thuyền chắc chân trong thể loại Tiểu thuyết với 200 trang sách.

Với tôi, đó chính là sự vận động tâm trạng của người viết, sự xung động nội tâm của người viết- điều mà tôi gọi là sóng, thể theo một định nghĩa về thơ của nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc mà tôi từng đọc: “[T]hế giới thơ là một không gian đầy sóng. Sóng âm thanh, sóng ngữ nghĩa, sóng hình ảnh, tư tưởng, liên tưởng đan quyện vào nhau”. (Bùi Vĩnh Phúc/Mấy suy nghĩ về Thơ/ Văn Việt 20/3/2025).

Xem ra, đó không chỉ là định nghĩa dành riêng cho Thơ. Mọi tác phẩm văn chương đều cần phải tạo ra một “không gian đầy sóng”.

1.

Những con sóng đầu tiên của Thuyền, theo tôi, chính là ý thức, là những suy nghĩ về sự viết, sự kể lại.

Viết, với tác giả, là một chọn lựa không thể khác.

Ngay từ chương thứ 2 miêu tả cảnh những người vượt biên bị dồn lại trong một căn nhà chật chội, hôi hám, nhìn những bộ mặt lo âu, sợ hãi, nhìn cảnh người đàn ông buộc những đứa con gái của mình uống thuốc ngừa thai… nhân vật của chúng ta đã nhận ra: “tính chất thiêng liêng của thời đại này cùng lúc tính bạo liệt gây chấn thương của nó” và đã tự hỏi: nhưng làm sao kể lại?Thời đại chúng ta thiếu mất cấu trúc của câu chuyện kể”. (Bến Ninh Kiều).

Viết, kể lại là một nhu cầu tự thân: “…tôi đến với văn chương từ đó, từ những ngày nằm ngồi trên chiếc sà lan nóng bỏng dưới mặt trời thiêu đốt trên mặt biển, nhớ Liên Hương điên dại… tôi biết rằng tôi cần một ngôn ngữ khác, một ngôn ngữ hình ảnh, vượt ra ngoài ngôn ngữ thông thường để diễn tả cảm giác ấy, về sự mất mát về sự cứu chuộc, về ý nghĩa của tồn tại. (Cơn sốt).

Viết, kể lại là một giải thoát, một cách để có thể sống: “Viết lại cái chết, làm cho chúng chiếu sáng trên khuôn mặt những người chưa kịp sống. Nhờ thế, những trang viết, cẩu thả hoặc sửa đi sửa lại nhiều lần, vẽ lại được tấm bản đồ trên biển, như trên bề mặt của ý thức dân tộc”. (Xập xòe én liệng)

Không một sự việc nào, không một cảnh trí nào của Thuyền thiếu vắng những suy nghĩ nung nấu, đau đớn của người viết, về sự viết.

Không phải không có lý khi Nguyễn Đức Tùng dành riêng một chương để nói về việc viết – chương Người kể chuyện và một chương khác – Người đọc.

Sau một thời gian dài trong cuộc sống bình yên, nhân vật của chúng ta bắt đầu đọc lại tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca và nhận ra: “không một tác phẩm nào dù vĩ đại đến đâu kể đúng câu chuyện của anh, chúng nói về tất cả mọi thứ trừ chính câu chuyện ấy”, “Đã có nhiều cuốn sách viết về người vượt biển. Những bản tường trình báo chí. Những hồi ký và tiểu thuyết tiếng Việt tiếng Pháp tiếng Anh… Mọi thứ được kể lại. Vậy mà ở đó, ở những câu chuyện ấy không có Liên Hương, chuyến đi của chúng tôi, câu chuyện dị thường của chúng tôi”. (Con mắt).

Nhu cầu nói về câu chuyện của chính mình bức thiết đến độ anh không thể trì hoãn, anh phải lập tức đặt bút xuống trang giấy.

Viết trên những mảnh giấy rời, trong những thời khắc khác nhau, những cảnh huống khác nhau nhưng “những mảnh đứt gãy” ấy “nối liền nhau bằng một sợi dây vô hình, sự tưởng tượng, niềm hối tiếc, nỗi phản kháng vô hình đối với số phận, anh không thể đi một con đường nào khác… dù viết về đề tài nào thì cuối cùng anh cũng lần ra ở những rải rác ấy, mạch ngầm của câu chuyện cũ”. (Người kể chuyện)

 “Nếu có thể sống, thì sống mà kể lại” – đó không chỉ là câu kết của một đoạn văn. Đó là một lời nguyền.

2.

Mạch ngầm của câu chuyện – sóng ngầm của những trang viết – chính là sự nhớ lại: “tất cả những hình ảnh xung quanh tôi, những người đàn ông những người phụ nữ, những tên cướp, mặt biển đen như một mảng thạch, ngọn lửa, củi thông nổ lách tách. Những hình ảnh đó làm nên hình ảnh của tôi, làm nên ký ức của tôi…” (Lửa trên thuyền).

Từng chương từng chương một, chương nọ tiếp chương kia là những nỗi đau, sự khổ ải, sự mất mát, nỗi thất vọng, niềm khát khao… của hàng trăm con người trên chuyến vượt biên thảm khốc ấy.

Người viết đã không thể rời bỏ, không thể quên đi, hơn thế, không cho phép mình quên đi: “Khi còn trẻ, tôi nghĩ rằng kể một câu chuyện là đi tìm lại những gì đã mất. Bây giờ, tôi nghĩ rằng kể một câu chuyện là đi tìm những gì vẫn còn ở đó, chưa bao giờ mất”. (Một người di dân).

Nhiều khi, sự nhớ lại ấy đã trở thành một cơn đau thể chất: “Người tôi nóng hầm hập nhưng đo nhiệt kế thì nhiệt độ không lên, trán vã mồ hôi, mắt nhìn mờ đi, ớn lạnh như cơn sốt rét mà tôi từng mắc phải những ngày ở trại tị nạn biên giới”. (Tóc vàng sợi nhỏ).

Một mặt hồ yên tĩnh, một cơn mưa bất chợt, một bông hoa lạ trong vườn, một hình bóng của ai đó, một giọng nói, một ô cửa sáng đèn, mối tình với một người phụ nữ, cuộc trở lại quê nhà trong đêm… Tất cả đều gợi lại, nhắc nhớ những ngày tháng cũ khiến anh muốn, đúng hơn, là phải nhớ lại, phải kể lại, coi đó là “phương cách mà con người tồn tại cho đến khi hắn không còn tồn tại nữa”. (Mưa phải rơi trên mỗi mặt người)

Tôi đã được đọc một số truyện ngắn của Thanh Việt Nguyễn, Nam Lê, Nguyễn Thị Thảo An viết về các chuyến vượt biên nhưng đó thường chỉ là một mảng nhỏ của một hành trình.

Thuyền của Nguyễn Đức Tùng là câu chuyện của cả một chuyến đi dài, một hành trình từ khi bắt đầu đầy lo âu, phấp phỏng, trải qua không biết bao nhiêu cay đắng, cơ cực cho đến khi may mắn được cứu bởi một con tàu hút dầu ngoài biển.

Đó là câu chuyện bị tước đoạt hết tài sản trước chuyến đi, câu chuyện một đứa bé khát sữa nhưng buộc không được khóc để giữ bí mật khi đi qua các trạm kiểm soát, câu chuyện những ngày con thuyền mất cánh buồm, mất buồng lái, mất tài công, nước ngập khoang tàu, cảnh người mẹ phải thủy tán đứa con bé bỏng của mình, những người phụ nữ bị cướp biển cưỡng hiếp, cái tát tàn độc của trưởng trại tị nạn, cơn đói, những cơn khát cháy họng, nỗi lo sợ… những chịu đựng quá sức của con người.

E rằng, việc kể lại sẽ vô tình làm mờ đi màu vẻ, âm thanh, sắc thái của bản gốc.

Tôi nghĩ, cách tốt nhất để nói về Thuyền là trích dẫn và trích dẫn thật nhiều.

Tôi vẫn tin, các câu thơ, các đoạn văn nói được nhiều hơn những lời bình.

Anh chết ngay trong phát đạn đầu. Trúng ngay thái dương, óc vọt ra. Ngã xuống không một tiếng động, như trong một trò chơi. Anh có người vợ bị chúng chỉ mặt, kéo ra, lôi đi. Chị là người đầu tiên bị chọn, đêm đầu tiên. Một thằng mặc xà rông, cao nhất trong bọn, tóc dài bó lại sau gáy, nắm lấy tay chị bẻ ngoặc, chị phản ứng, nó lột quần chị xuống ngay trước mắt anh và mọi người”. (Lửa trên thuyền)

Anh, Chị, Nhỏ, cậu bé, những đứa con gái, người đàn bà, ông cụ, nữ tu… thậm chí những người có tên như Liên Hương, Lãm, anh Châu, Xíu… là những danh từ chung để chỉ những con người trên con tàu ấy, chuyến đi ấy.

Họ không phải là một cá nhân, họ là nỗi khổ nhục tận cùng của kiếp người: “Có tám người phụ nữ bị tách ra một bên, người nhỏ tuổi nhất là một cô bé mười ba hay mười bốn. Nó sợ quá, ngất đi. Sàn thuyền im lặng… Bọn cướp tỏ ra thong thả, chúng tra hỏi tìm tiền bạc, vàng vòng, lục tung chăn chiếu, áo quần, quần lót phụ nữ, tã trẻ con… chúng bắt những người phụ nữ đứng lên cầm tay nhau thành vòng, nhảy múa cùng với chúng. Họ vừa hát vừa khóc… một tên còn trẻ, say quá, tuột xà rông ra, không có quần lót, tồng ngồng đi quanh. Dí dương vật vào mặt những người phụ nữ… cuối cùng người đàn bà đầu tiên đầu hàng, cô sợ quá lột hết ra. Áo, quần, áo ngực, quần lót. Những người khác líu ríu làm theo… chỉ còn tám người phụ nữ làm vật tế thần, trần truồng, da trắng nõn, mua lấy sự sống sót tạm thời cho hơn một trăm ba mươi tám hay một trăm bốn mươi tám người khác”. (Lửa trên thuyền)

Nhiều lần, Nguyễn Đức Tùng đã sử dụng giọng văn tường thuật khô khan, tỉnh táo khi miêu tả những cảnh huống tàn khốc, như cảnh những người phụ nữ bị làm nhục: “…cuối cùng những người phụ nữ được lệnh đứng lên, sắp hàng thành đoàn dài, nối tiếp nhau đi từ phía buồng lái đến những thanh gỗ bắc ngang làm cầu. Có người kêu khóc, không bước lên được, liền bị chúng xềnh xệch lôi đi… Hơn một nửa còn đứng lại trên sàn thuyền, bọn cướp bao quanh họ, khép chặt lại, dao quắm trong tay. Tôi nhìn thấy rõ Liên Hương trong số ấy…Tôi vẫn nhìn thấy Liên Hương, một chân nàng đã đặt lên tấm ván, rướn người lên…Tôi nhìn thấy Liên Hương bước đi, nàng bước không run rẩy, từng bước chậm chạp nhưng chắc chắn…Liên Hương đột ngột biến mất. Nàng lao xuống biển như một con chim én. Không một tiếng động. (Con mắt)

Hay cảnh thủy táng đứa bé gái:

Khi con bé chết, người mẹ ôm nó trong tay, im lặng. Chung quanh không ai nói gì, một hồi lâu, chị ngất đi, buông bàn tay ra. Đứa bé rơi xuống tay một người đàn bà khác, chị cúi xuống thật lâu nhìn mặt đứa bé. Khuôn mặt bụ bẫm kháu khỉnh miệng nói bi bô lúc mới xuống thuyền sau mười mấy ngày giờ đây xanh tái, gò má nhô cao, môi xám, hố mắt hõm sâu vì mất nước do tiêu chảy nhiều ngày… Sinh vật nhỏ bé không còn sự sống được chuyền trên tay những người bên cạnh, rồi cuối cùng trở lại với người mẹ. Nhìn mặt con, lúc này chị mới òa khóc… đứa bé nằm trên cái chiếu cói nửa xanh nửa đỏ không biết ai kiếm ở đâu ra, tay chân buông thõng, mắt nhắm, thoạt nhìn tưởng như một đứa trẻ đang ngủ… người mẹ được dìu đến sát bên con, hai tay chị ôm chặt lấy con giờ đây nằm gọn trong chiếu cuộn lai, không nói năng không khóc… tôi và ba thanh niên khác, mỗi người cầm một góc chiếu giữ chặt, chúng tôi quỳ im lặng một hồi, để những người phụ nữ cùng cầu nguyện… mảnh chiếu giờ đây đã cuộn tròn đứa bé vào trong vừa phủ kín, sắp rách, không nhìn thấy mặt nó nhưng cái chiếu bày đôi bàn chân ra hẳn bên ngoài, khẳng khiu, rồi một chiếc dép rơi xuống bên cạnh. Chỉ có một chiếc… người mẹ hôn lên mặt chiếu một lần nữa trước khi buông hẳn tay ra, lùi một quãng khá xa, mắt mở to, sững sờ… chúng tôi đứng thẳng người lên, giữ chặt mép chiếu trong tay, nâng cao nó hơn, giữ thăng bằng, im lặng một lúc, đưa mắt nhìn nhau, lấy đà ném đứa bé ra thật xa xuống biển…” (Thủy táng)

Hoặc khi nói về cái chết của Xíu:

Bây giờ thì Xíu nằm nhắm mắt lại, hai tay đưa lên bắt chuồn chuồn, môi khô, mắt trũng vì thiếu nước. Nó không đùa nữa. Chị nó ngồi bên cạnh ôm lấy em nhưng con bé không khóc vì nước mắt không còn chảy ra được nữa từ cặp mắt đen láy. Đêm bắt đầu. Cơn mê sảng bắt đầu… Thằng Xíu gọi tên các món ăn bắt chước thực khách sang trọng vào nhà hang gọi bồi. Cuối cùng nó cũng quên hết, chỉ còn nhớ một câu. Mì xào giòn mì xào giòn đây. Nhỏ ôm em vào lòng, đôi vai của nó rung lên mới đầu còn chậm, về sau nhanh lên… đứa chị ôm lấy đứa em như để ngăn nó nói những chữ vô nghĩa, đôi vai nó rung lên như giành giật cái chết... thằng Xíu giữa hai cơn mê sảng đôi khi chụm môi thổi sáo những bản nhạc. Nó có thể thổi những bản cổ điển và tân thời, tôi nghe như từ một thế giới nào xa lắm. Giờ đây Xíu bò đi bò lại trên sàn thuyền, mất ngôn ngữ, nó cởi hết áo ra, có lẽ vì nóng quá, nó muốn chống lại cái chết đang đến gần… nhìn gương mặt nó, tôi biết rằng Xíu đang đi qua một đoạn đường khổ ải chí có một mình nó… Thằng bé đang đi. Nó mới mười bốn tuổi”. (Nhỏ Xíu) …

Rất khó cho chúng ta – những người ngoài cuộc – bằng cách nào đó, có thể dẫn lại, có thể thuật lại câu chuyện này trong một ngôn ngữ khác, một giọng nói khác.

Tôi nghĩ, đây là lời kể, là câu chuyện của một người trong cuộc. Và bởi vậy, Thuyền mang đậm dấu vết của một tự truyện.

Sự kìm nén của người viết, ý thức hạ nhiệt đến mức thấp nhất của cảm xúc khiến cho người đọc như đông cứng lại, nghẹt thở, trước khi có thể bật lên một tiếng kêu, một tiếng nấc.

Phải chăng, đây là một thủ pháp nhằm tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ hay chỉ đơn giản là sự kìm nén tự nhiên của một người đã trải qua những cung bậc cảm xúc cao nhất, những cảnh ngộ gây hấn nhất những lựa chọn sống chết khắc nghiệt nhất trong cuộc đời mình?

3.

Nhưng,

Đọc Thuyền với Mẹ tôi, Cái giếng, Sông Hậu, , Mùa hè, Chim biển, Tuyết, Mùa tựu trường, Xập xòe én liệng, Mái tóc và khá nhiều đoạn trong những chương khác, lòng ta chợt như được dịu lại, tựa như giữa cơn bão cuồng nộ, ở phía xa kia ta nhìn thấy hửng lên một vệt sáng dịu dàng, mời gọi.

Cái vệt sáng ấy đã níu người ta lại trong giây phút họ muốn buông tay, muốn rời bỏ.

Có phải, đó là cách mà Nguyễn Đức Tùng gọi là “nhìn thấy mặt bên kia của đời sống”.

Có phải đó là cách mà nhân vật của ông vừa chạy vừa nhìn quanh để “tìm cái đẹp” (Cầu khỉ), là giây phút nằm trên cỏ, hai mắt cá chân đau buốt, thắt lưng, hông, đầu gối rời rã, rũ xuống mà vẫn nhìn thấy “hàng triệu ngôi sao trên bầu trời, có vô vàn va chạm, im lặng bao la. (Cầu khỉ). Là “…giây phút khi bạn bị đẩy vào chân tường, nhắm mắt lại, nhìn thấy ông Phật có hai bàn tay che mặt, sự tầm thường trở nên cao quý, bạn nhớ lại thức ăn đã từng ăn và âm nhạc đã từng nghe và mặt nước đã từng cúi xuống và tô bún riêu nóng”. (Thầy bói).

Vâng,

Đó là hình ảnh người mẹ được nhắc lại nhiều lần giữa các trang viết – người mẹ mảnh người, giọng nói cao thanh, có mái tóc dài, ngồi têm trầu đón người bạn cũ – người mẹ dịu dàng, kiên nhẫn, can trường chịu đựng nỗi đau mất con, ngày ngày quỳ xuống, lặng lẽ cầu nguyện sự bình an cho người thân, cho đất nước (Mẹ tôi).

Đó là hình ảnh cô nữ tự vệ trẻ tuổi hồn nhiên, nhận hậu “băng qua bên kia đường… dáng cô nhanh nhẹn mà thong thả như một con bướm bay dọc lề đường, chậm rãi, lập lòe, lập lòe, rồi loáng cái đập cánh bay vù mất. (Cái giếng).

Là những dòng miêu tả cuộc làm tình của hai người trên con tàu vượi biển giữa đêm đen: “khổ sở và sung sướng, giờ đây những giọt mồ hôi cuối cùng được vắt kiệt bắt đầu lấm tấm trên da bụng của tôi, tôi cầm tay nàng đặt lên chỗ ấy, Liên Hương chạm tay vào, bàn tay của nàng sáng lên trong bóng tối… Chúng tôi nằm im như thế, tôi ở bên trong nàng như ở bên trong buổi chiều mưa… nhìn vào mặt nàng, nhìn vào hai con mắt, đen trong bóng đêm, cầm lấy bàn tay nhỏ bé giờ đây đã hết giá lạnh… sung sướng ngạt thở vì ý tưởng về sự kết hợp, về sự thèm muốn”. (Đêm).

Cái Đẹp là sự cứu rỗi nhưng người ta chỉ có thể nhận ra nó khi đứng trước hiểm nguy, cùng khốn, khi phải xuống đến đáy của tuyệt vọng. Chỉ khi ấy, người ta mới có thể “bắt đầu đi tới sự nghiêm khắc hòa ái mà những kẻ tầm thường không hiểu được”. (Cầu khỉ).

Dưới đáy của tuyệt vọng, khi con thuyền chết máy, trôi vô định giữa biển khơi, người ta mới nhận ra vẻ huy hoàng của cảnh tượng bầy cá heo từ đâu đó xuất hiện, nhảy múa thật đẹp mắt, vui nhộn, nghịch ngợm, chào đón, mừng vui, bơi trước con thuyền “dẫn chúng tôi đi, chậm, rồi nhanh lên, buồm bắt đầu bọc gió, đi xa, rất xa về phía nam”. ()

Chỉ trong nỗi cô đơn, buồn chán giữa một lần trở về, cảm thấy sự lạc lõng, vô vọng của mình người ta mới nhận ra ánh sáng dẫn đường của bầy đom đóm trong đêm: “Tôi chăm chú vào thứ ánh sáng ở đuôi đom đóm. Hàng trăm con ào ra như ánh sáng của ngọn đuốc lập lòe bốn phía, một thứ ánh sáng dịu dàng, hớn hở, âu yếm… Những con đom đóm đưa tôi trở lại với con đường cái quan thật rộng chạy từ đầu làng đến cuối làng, có nhiều hố bom mìn, chạy ngang qua quốc lộ một. Tôi đi gần tới chỗ kết thúc tuổi thơ ấu của mình. (Đường về)

Ở vài chương đoạn khác, ta lại gặp những bầy bướm, những bầy chim én, những bầy chim thiên di, những vạt nắng, vạt mây, những khúc hát… hiển hiện như niềm an ủi, sự chở che, dẫn dắt, đem lại xiết bao buồn, vui, nhớ tiếc, hy vọng.

 Những con chim biển bay thành đàn hàng trăm con, che kín bầu trời trong một buổi sáng ấm áp khiến “lòng tôi không thể không rạo rực, sung sướng, mọi nỗi đau buồn đều phai nhạt, mọi vết thương ngừng chảy máu”. (Chim biển).

Và, còn bao nhiêu nữa những giọng hò, những trang sách, những bờ giếng, những ngọn lửa, những bông hoa, ngọn gió, con sóng, mùi củi ướt, mùi thơm của nồi cá kho, của tô bún riêu… đọng lại trong ký ức về những ngày vượt biển nhọc nhằn, cơ khổ, cay đắng ấy.

Sự xen lẫn giữa các chương sách, giữa những đoạn văn trong một chương khi miêu tả về nỗi khốn khổ của hành trình và những gì đẹp đẽ, tinh khiết, sự song hành, sự đối lập giữa chúng là một lựa chọn kỹ thuật hay đơn giản chỉ là những cảm xúc tự nhiên của con người, là nỗi “thèm khát vô cùng một đời sống bình thường”. (Vịnh Thái Lan).

Hay sự nhớ lại đã trở thành sự nhận ra.

4.

Đọc Nguyễn Đức Tùng không dễ, đúng hơn là, khó, thậm chí, rất khó, dù là ở truyện ngắn, tản văn, thơ, trường ca, phê bình hay tiểu thuyết.

Không bày mọi thứ trên cùng một mặt phẳng, Nguyễn Đức Tùng, cách nào đó, buộc người đọc phải đối diện với những tầng nấc, những xô dạt, những sắc thái, những biến số trong mỗi văn bản của mình.

Thuyền là một trong những.

Với 54 chương, Thuyền là câu chuyện vừa liền lạc vừa đứt đoạn.

Đọc tên các chương, nhiều khi ta ngỡ ngàng, tưởng như chúng chẳng có mối liên quan, ràng buộc cùng nhau.

Ví như, sau Cầu khỉ, Chợ Cầu MuốiCái giếng; sau Cái giếng lại là Vòng cẩm thạch; sau Sông Hậu, Cửa biểnSữa; sau Hải phận quốc tế, Vịnh Thái Lan lại là Mẹ tôi

Và, giữa ĐêmNhỏ Xíu, giữa Chim biểnVàng xưa đầy dấu chânBúp bê; giữa Trại biên giớiBài hát của cỏ lauCuốn sách đầu tiên

Rồi lại, trước Cơn sốt ác tínhLớp học tiếng Anh, Bài hát của cỏ lau, trước TuyếtKyra, rồi Kyra, một lần nữa

Không hề là sự tùy hứng, sự sắp xếp ngẫu nhiên. Đây chính là biểu hiện của sự vận động bên trong tâm tưởng mà tôi từng đề cập ở những dòng đầu tiên của bài viết này.

Người đọc, một cách tự nhiên, buộc phải tự mình tìm ra mối liên hệ ruột rà giữa các sự kiện trong mỗi chương và các rường mối nối kết giữa chúng để tìm ra mạch chuyện.

Đọc văn chương nói chung là đứng trước một thách thức (không phải thách đố).

Đọc Nguyễn Đức Tùng cũng là đứng trược sự thách thức vậy.

Xin trở lại với Thuyền.

Tôi muốn nói đến sự xuất hiện vô vàn những câu hỏi, những suy nghĩ, những định nghĩa của người viết giữa các câu chuyện, các biến cố, các chương sách.

Ví như: “Ý nghĩa của sự ra đi/Biến mất khỏi đời sống/ Tức là chết?/Không. Từ chối nó” (Thầy bói); “Tình yêu là gì?/ Là một người/ Không. Hơn thế nữa. Là sự khai triển cái tôi của bạn” (Bến Ninh Kiều); “Làm sao để biết tôi làm trái lẽ thường?/ Biết tiến mà không biết lui, biết còn mà không biết mất” (Bến Ninh Kiều); “Ý thức có tạo ra hạnh phúc không?/ Có” (Cái giếng); “Làm sao tôi có tự do nếu tôi thuộc về người khác?/ Chính là trong khi thuộc về người khác mà tôi có tự do” (Sữa), “Khi một dân tộc sung sướng, người ta làm gì?/ Ôm lấy nhau. Khóc/ Người ta làm gì nữa? Tha thứ. Tha thứ hết” (Hải phận quốc tế); “Tôi cần sống để gặp lại Liên Hương trong nhục nhã hay tôi cần cái chết để tránh sự nhục nhã, cho ai, cho tôi?” (Khoảnh khắc); “Người ta có thể sống mà không hy vọng?/Không” (Biển động); “Có một chữ nào đồng nghĩa và thay thế được cho chữ tự do?” (Ngọn lửa trên biển); “Làm sao để yêu được thế giới này sau tất cả những đau khổ?” (Vịnh Thái Lan)...

Và, có vô vàn những định nghĩa, những suy nghĩ của người viết xen vào các sự kiện trong từng chương mục, kiểu như: “Sự liên tục làm nên tính cách của một dân tộc. Sự gián đoạn phá hủy nó” (Mưa phải rơi trên mỗi mặt người); “Ký ức đang chờ bạn ở đó, cuối đường kia, không phải để níu giữ bạn như một người cũ, mà để chỉ đường”. (Mùa tựu trường); “Quá khứ chờ tôi phía trước” (Kyra, một lần nữa); “Đừng nghĩ tới những người đã biến mất, hãy nghĩ tới những người đang tồn tại, những người biến mất sẽ trở lại” (Kyra, một lần nữa); “Lòng hương xót là tình yêu đạt đến cực điểm” (Sốt rét ác tính); “Chúng ta nhìn mọi vật rõ hơn qua làn nước mắt” (Búp bê), “Những người đàn bà Việt Nam đã khóc quá nhiều trong đời họ” (Mẹ tôi); “Nước là thứ mềm mại nhất và là thứ quyền năng nhất” (Vịnh Thái Lan)…

Những câu hỏi, những suy nghĩ này được đặt vào câu chuyện không phải là những vật trang sức, không phải là những ghi chú bên lề hay trong các ngoặc đơn mà chính là nội dung của câu chuyện, chúng giúp người đọc ý thức về những gì đang được nhìn thấy, nghe thấy.

Chúng là một phần hữu cơ của Thuyền.

Người đọc phải tự mình tìm ra lời đáp.

Người đọc phải tự mình tìm ra con đường mà tác giả đưa dẫn mình, tìm ra mạch sống của tác phẩm, tìm ra sự liền mạch của những đứt đoạn, phải tự mình vẽ lại “tấm bản đồ trên biển” này.

Và, sau cùng, người đọc cần hiểu những gì tác giả nhắn gửi: “Ký ức đối với tôi không chỉ là sự ghi lại quá khứ, việc gìn giữ những kỷ niệm thời thơ ấu, những đau buồn của tuổi trẻ, vàng son của tự do mà còn là tấm bản đồ dành cho tương lai, cho con đường vận động về phía trước. Ký ức trở thành động lực cho những ngày sắp tới…những mất mát cũng làm nên vốn liếng cho thế hệ mai sau… hy vọng rằng những ngày tháng đau khổ ấy sẽ được viết ra, được đọc, đọc lại một lần nữa bởi những người khác, đồng bào tôi, từ những hoàn cảnh khác, được thấu hiểu như trong ký ức của loài bướm kia về hàng cây phương bắc xa xôi, sáu tháng ngâm mình trong tuyết lạnh. Ký ức ấy sẽ được gửi cho con cháu của chúng, dẫn đường cho chúng, như ngôi sao trong đêm tối, như mùi hương của loài vật truyền tin cho nhau. Và gieo xuống trong những tế bào kia, tình yêu miên viễn”.

5.

Tôi tin, sau tất cả, chúng ta đã hình dung được cái “không gian đầy sóng” của Thuyền với những “sóng âm thanh, sóng ngôn ngữ, sóng hình ảnh, tư tưởng, liên tưởng đan quyện vào nhau.

Bắt đầu từ định nghĩa Thơ của một nhà nghiên cứu, phê bình văn học, tôi muốn kết thúc bài viết này bằng nhận định về Thơ Nguyễn Đức Tùng của một nhà phê bình khác: “Trong cõi nhớ này, các chiều kích không/ thời gian vừa tiếp nối vừa song hành, vừa tuần tự vừa bất định. Chúng có thể kéo dài miên man đồng thời cũng liên tục thay đổi, tựa như những phiến phong cảnh không ngừng đổi thay khi ta nhìn qua ô cửa toa tàu trên đường xa vạn dặm. Đó là hành trình tâm tưởng, nó không bị (và không thể) găm cứng bởi bất cứ cái mốc hạn định nào. Nó liên tục vận động, chảy trôi, không ngừng va đập trong những xúc cảm trái ngược, trong nỗi hoài nhớ và cảm giác bất an thường trực (đó là lý do bài thơ đôi khi hơi loãng ý và dài dòng). Tựu trung, đó là ký ức của một cá nhân, chưa bao giờ (trong ý thức và có lẽ, trong cả vô thức) lìa xa cội rễ đã sinh thành ra nó- một bối cảnh đầy máu và nước mắt của lịch sử dân tộc và từ trên những vách đá chất ngất đau thương, thù hận, biết nở ra những đọt mầm của hy vọng” (Lê Hồ Quang, Thơ Nguyễn Đức Tùng – “Nơi câu chuyện bắt đầu bằng ngôn ngữ khác”, Văn Việt 12/3/20230.

Vẻ như, Lê Hồ Quang không chỉ nói về thơ Nguyễn Đức Tùng mà là nói đến toàn bộ văn chương của ông – những không gian đầy sóng.

Vả chăng, ngày nay ranh giới thể loại đã trở nên “mềm mại”nhiều rồi.

Sài Gòn, tháng 4/2025