Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2025

Sách vừa mới xuất bản của Bọ Lập!

 Phạm Hiền Mây


I. NGUYỄN QUANG LẬP, NHÀ SÁNG TẠO NGÔN NGỮ

Nguyễn Quang Lập viết tiểu thuyết hay truyện ngắn, cũng đều hay.

Giọng văn của ông cuốn hút lạ lùng, bắt đầu đọc rồi là không thể nào buông ra được nữa. Nó rốp rẻng, chuyện này kéo sang chuyện kia, khiến kẻ đã lỡ trót đọc, bận mấy, vội mấy, cũng phải cố nán lại mà xem cho dứt, cho xong, chớ không thì nó ấm ức lắm, chịu không nổi.

Nguyễn Quang Lập có lối tả người qua hành vi, cử chỉ, điệu bộ, thói quen của họ. Nhân vật nào vào tay ông cũng “tới”, cũng ngay lập tức gây ấn tượng với độc giả: “Khi ông Bộ, ba anh ho một tràng dài chừng vài phút là ba giờ sáng. Mệ Bộ ngáp là năm giờ sáng. Mệ ngáp hay lắm, bắt đầu ôi ôi, kéo dài cả chục tiếng ôi từ to đến nhỏ và kết thúc bằng hai tiếng mạ ôi. Sáu giờ mệ ra quét sân. Ông Bộ cầm cái ca ra đứng trước hiên nhà súc miệng, nhổ cái toẹt giữa sân” (tr. 10).

Không chỉ văn tả người mới độc đáo, văn tả cảnh của Nguyễn Quang Lập cũng hấp dẫn, làm say mê người đọc không kém. Ông biết tận dụng thế mạnh của ông, vốn là người sinh ra và lớn lên ở làng quê, nên ông tập trung vào tả những cảnh, mà ở thành phố, mà ở nội đô, không có, hoặc vắng, hoặc thưa, như nắng, như bướm, như dòng sông, như hoàng hôn, phố chợ: “Đi từ đầu đê đến cuối đê là Bến Ván, bướm trắng túa ra hai bên, đi tới đâu bướm túa ra tới đó như những mảnh giấy trắng chao liệng giữa cỏ xanh” (tr.13).

Hết thảy các nhân vật, từ người đến con vật hay đồ vật, đã qua tay Nguyễn Quang Lập, thì tất cả đều biết nhảy múa, hát ca, khóc cười, buồn vui đủ kiểu, nghĩa là rất sinh động: “Ông Kiếm nhảy lò cò, vừa nhảy vừa ngâm nga khúc Á Tế Á Ca [...]. Ông Sào vỗ tay đánh bốp, đi một đường quyền rồi nhảy lên múa may, vừa múa vừa hát [...]. Ông Kiếm một chân quay mòng mòng, tay đập đôn gò tôn làm ghế ngồi queng queng queng, nói rứa đo, rứa đo [...]. Ông Sào say lắm rồi vẫn vươn cổ hát líu cả lưỡi, mãi không xong câu hát, ông vẫn cố cất lên” (tr.30).

Đọc truyện Nguyễn Quang Lập, người đọc luôn phải trải qua muôn cung bậc của cảm xúc: vui, buồn, tức giận, khoái chí, đương nhiên, cả thích thú lẫn sợ hãi nữa. Không chỉ đường rừng có cọp, beo, gấu, rắn, mà còn là những oan hồn, những bóng ma muôn kiếp chưa nguôi nỗi giận. Ngay cả khi, ông viết về cây cỏ thôi, mà cũng nghe lành lạnh, rờn rợn khắp châu thân như thường: “Đường rừng trâm bầu tưởng dễ mà khó. Đêm sợ hổ báo, lợn lòi, ngày sợ lạc. Lòi cát không có lối mòn, rừng cát đâu cũng như đâu, toàn cây trâm bầu cổ, cây nào cũng giống cây nào. Nhiều khi đi lạc cả chục cây số mà không biết. Lại thêm rừng trâm bầu cổ ở lòi cát toàn cây cao to, không có bụi nhỏ, đụng sự không biết nấp vào đâu” (tr. 73).

Người ta thường cho rằng, chính các nhà làm văn chương, làm thi ca, là những nhà sáng tạo ngôn ngữ. Tôi cho rằng, nói như vậy, cũng chẳng ngoa ngôn chút nào. Nguyễn Du há chẳng phải để lại cho đời hàng ngàn câu thơ, mà câu nào cũng có thể viện dẫn, nhằm giải thích, nhằm chứng minh, nhằm làm sáng rõ cho ý nào đó của mình thêm đó sao. Rồi “em thơ, chị đẹp em đâu” của Huyền Kiêu trong Tình Sầu, viết từ chín mươi năm trước, không phải nay người ta vẫn mượn của ông để mà dùng trong ái ngữ “chị đẹp” đấy ư. Hoặc “làm sao cắt nghĩa được tình yêu” của Xuân Diệu nữa, nay cũng trở thành câu lý giải của người đời khi nói về chuyện yêu đương. Nhiều lắm, nhiều lắm, không thể kể hết, như hôm nay, tôi tìm thấy sáng tạo ngôn ngữ ấy trong truyện của Nguyễn Quang Lập: “Trời xui Chúa khiến” (tr.18).

******

II. NGUYỄN QUANG LẬP, GIỌNG VĂN TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ

Phải lâu lắm rồi, tôi mới được đọc một tác phẩm có giọng văn trong trẻo, hồn nhiên, ngây thơ đến như vậy. Tác phẩm càng hay, tôi càng thầm khen “lão làng” Nguyễn Quang Lập. Sao ông lại có thể, ở tuổi này, U70, mà vẫn có thể viết một truyện dài cho thiếu nhi tuyệt đến như thế nhỉ. Rồi tôi nghĩ, chẳng gì không thể. Người lớn viết được truyện cho thiếu nhi, là bởi vì, giấu bên trong dáng vẻ người lớn bên ngoài ấy, vẫn tươi tắn một tâm hồn thơ trẻ, vẫn xanh um những ký ức ngậm ngùi nhưng ngọt ngào, khổ đau nhưng yêu thương tràn ngập.

Nhân vật dẫn chuyện xưng “em”, nay đã là bà lão chín mươi, kể về người anh hàng xóm thân thiết, đã sớm hy sinh khi tuổi còn xuân. Tình cảm thời thanh xuân của họ như trái chín dở, ương ương, vừa là tình anh em chòm xóm, vừa nhen nhóm tình yêu nam nữ thuở ban đầu.

Tôi đặc biệt thích các câu văn mang tính triết lý của Nguyễn Quang Lập. Nó chính là những đúc kết của cả một đời người, sau biết bao thăng trầm, may rủi. Mà Nguyễn Quang Lập thì, tôi đồ chừng, những may rủi, thăng trầm của ông, không chừng, phải gấp đôi, gấp ba người khác:

- Chiều tàn, chợ cũng tàn (tr. 29).

- Xong một cuộc vui là một cuộc vắng (tr. 71).

******

III. NGUYỄN QUANG LẬP, VIẾT VĂN LÀ VIẾT SỬ

Đọc văn Nguyễn Quang Lập, như đọc sử. Truyện nào, cũng đầy rẫy những chi tiết có thật về cuộc chiến tranh kháng Pháp và cuộc chiến tranh hai mươi năm của thế kỷ hai mươi. Đọc văn ông, độc giả đang còn cười haha, cười thích thú về các chi tiết dí dỏm, hài hước, chưa xong, thì đã ngay lập tức, xúc động đến rơi nước mắt vì những bi thương có thực của quê hương Việt Nam, xứ sở của hàng ngàn năm trong vòng nô lệ trói buộc: “Cuối năm Giáp Thân 1944, càng gần Tết càng buồn. Chợ Ba Đồn người bán buôn thưa dần, người ăn xin nhiều lên. Ra chợ là gặp người ăn xin, kẻ đứng người ngồi khắp chợ. Có cả người đói từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào nữa. Chợ tàn, bốn đình chợ chật người ăn xin tìm chỗ trú thân. Mùi người đói bốc lên nồng nặc khắp chợ. Cứ tưởng như mọi năm chỉ đói năm bữa nửa tháng, đâu biết gần Tết rồi vẫn đói. Rau má hai bên đường làng cứ gần Tết là thi nhau mọc lên xanh um, giờ không còn một ngọn. Một mùi mơ hồ dậy lên khắp nơi, người ta nói đó là mùi đói” (tr. 72).

Hơn hết thảy, vẫn là những câu khiến người đọc như tôi, không sao ngăn được dòng lệ ứa khi đọc đến: “ Có phải trên trời quá đơn côi, anh lại về với làng mình? Giữa trảng cát mênh mông, bà già bảy hai tuổi, đứng khóc tu tu như cô bé mười hai tuổi năm nào” (tr. 97).

Truyện kết thúc bằng nỗi bi thương, khó bút mực nào kể xiết: “Ba phát trúng anh. Một viên qua trán, một viên qua cổ, một viên qua ngực. Có hai phát bắn trượt. Nhưng cả năm phát đạn đều trúng tim em” (tr. 249).

******

IV. NGUYỄN QUANG LẬP, NHÀ VĂN VỚI SỨC SÁNG TẠO KHÔNG NGỪNG

Với tất cả các biệt tài ấy khi viết văn, Nguyễn Quang Lập đã sáng tạo không ngừng, cho ra đời không ngừng những câu văn đẹp như thơ, đẹp như mơ, để khiến những ai, một lần trót đọc văn ông rồi, là muôn niên sau vẫn mê, vẫn thích: “Em ngủ trên lưng anh, giấc ngủ trôi trên đường làng. Lá cọ che nắng trôi cùng em và khúc ca ru em dập dềnh suốt buổi chiều đầy nắng (tr.41).

Đọc đến đây, thể nào cũng có người bực mình thốt, nãy giờ đọc quá trời đọc, mà vẫn không thấy tên truyện, chẳng biết bả (cổ), muốn giới thiệu cái gì.

Thì đó, là tôi giới thiệu về cuốn sách mới ra tức thì của Bọ Lập, còn tên sách là gì, cách tìm mua ra làm sao, xin các bạn liên lạc với tác giả vậy.

Câu kết bài, là câu riêng tư của tôi và Bọ Lập. Anh đề tặng Hiền Mây xinh đẹp, làm đêm qua, khi nhận được sách, Mây soi gương tới sáu mươi sáu lần cả thảy, cho đến khi hai mắt mở không ra mới thôi.

Để làm gì ư? Để xác tín, mình có thật là xinh đẹp như lời Bọ Lập đã đề tặng trong sách không ấy mà!

Sài Gòn 22.05.2025