Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2025

“Người lính già đầu bạc / Kể mãi chuyện Nguyên Phong”

 Nguyễn Thị Tịnh Thy

Đó là người lính già Nguyên Ngọc trong cuốn sách Dọc đường 2 (Nxb. Hội Nhà văn, 2025). Người lính già sống gần một thế kỷ, đi qua ba cuộc chiến tranh: chống Pháp, chống Mỹ, chống quân Pol Pot và một thời “hoà bình khó nhọc”. Ông nói rằng, sống đã rồi mới viết, và ông sống nhiều hơn viết. “Sống” với ông, là sự dấn thân, là đến những nơi xa xôi nhất như Đồng Văn - Mèo Vạc, Tây Nguyên; khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất như chiến trường Quảng Đà; chuyển mình cam go và sục sôi nhất để đổi mới cả về xã hội và văn chương như thủ đô Hà Nội. Vì vậy, tất cả những gì ông viết đều ngồn ngộn hiện thực, thấm đẫm suy tư và chiêm nghiệm.

“Chuyện Nguyên Phong”* trong Dọc đường 2 của người lính già Nguyên Ngọc chia làm 3 phần. Phần I: “Cho cuộc đi tới của chúng ta” trình bày những suy nghĩ của tác giả về “Cách mạng, văn hoá và giáo dục”. Theo ông, “cách mạng là vĩ đại, nhưng cách mạng chỉ dọn đường, chỉ có thể là dọn đường, chứ nhất định không thể làm được việc chữa trị cho xã hội và con người”. Công việc đó phải do giáo dục. Bởi vì giáo dục là cốt lõi, là nền tảng của văn hoá. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đặt bài viết về chí sĩ Phan Châu Trinh ở đầu cuốn sách. Nhìn lại sau một thế kỷ, ông khẳng định Phan Châu Trinh “đã tiến một bước rất xa trong nhận thức về số phận dân tộc”. “Phan Châu Trinh là người có lòng tin khổng lồ vào sức mạnh của tri thức. Ông tin tưởng sâu sắc rằng nhân dân có tri thức thì có thể lay trời chuyển đất. Ông căm ghét đến xương tuỷ sự ngu muội, chính sách ngu dân, chống lại nền giáo dục hư học chỉ nhằm ngu dân, nhốt chặn dân tộc trong vòng u mê tối mò”.

Nguyên Ngọc cho rằng, việc của giáo dục “là làm lại con người, từ con người hôm qua, mà cách mạng đã cởi xiềng cho nhưng vẫn còn nguyên xi là con người nô lệ trong tâm hồn, thành con người tự do thật sự, nghĩa là con người tự do từ tận bên trong của chính mình […]. Nếu giáo dục không hiểu được điều đó, thì có thêm mấy vạn tiến sĩ nữa, xã hội này cũng vẫn là xã hội của những công cụ nô lệ”.

Tương tự, nhà văn cũng có những nhận xét, định nghĩa về văn hoá khiến người đọc phải suy ngẫm: “Những gì gọi là văn hoá chúng ta đang làm thường rất ồn ào, mà văn hoá thật thì không ồn ào. Nó thâm trầm. Cái thắng có ồn ào bao giờ đâu, trừ phi phải thắng khẩn cấp vì sắp chết đến nơi! Chúng ta chưa thật sự làm văn hoá. Có phải thật thế không?” Thiết nghĩ, câu hỏi của nhà văn không khó để trả lời, vấn đề là chúng ta làm được không, sửa được không.

Phần II của cuốn sách có chủ đề “Tôi với Tây Nguyên”. Tây Nguyên là máu thịt của cuộc đời Nguyên Ngọc. Đó là “nơi học nghề làm người” của nhiều người, trong đó có ông. Cũng như nhà dân tộc học Condominas, Nguyên Ngọc đã gắn bó với Tây Nguyên như một “loại hình sống”. “Bếp lửa nhà sàn”, “Hạt kiền kiền”, “Sấm và Sét, Đàn ông và Đàn bà, lạ lùng Gia Rai”, “Nước mội, rừng xanh và sự sống”, nhà rông, tượng nhà mồ,… tất cả những đặc trưng văn hoá ấy đang dần mất đi trên mảnh đất Tây Nguyên. Gần suốt một tháng trời, ông và các cộng sự đi tìm một cái làng Tây Nguyên thật sự, nguyên sơ, nhưng không thể có. “Không tìm ra. Hoặc là xơ xác quá rồi. Hoặc là lai căng quá rồi”. Tây Nguyên – “trên ấy” – “vùng đất đến để mà say mê” – hơn hai mươi năm trước đã là nỗi da diết âu lo đối với nhà văn. Bây giờ thì lại “càng da diết và âu lo”.

Phần III của cuốn sách có hai đề tài: Chiến tranh và hoà bình. Nguyên Ngọc viết về chiến tranh từ trải nghiệm của một người lính thực thụ – một kẻ lang thang suốt chiều dài, ngâm mình vào chiều sâu cuộc chiến. Ông thừa nhận rằng, chiến tranh ngấm vào ông đến từng tế bào. Niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau, thắng lợi và thất bại, anh hùng và hèn nhát, được và mất, sống và chết, ý nghĩa và vô nghĩa của chiến tranh, như chất acid cực nồng thẩm thấu vào cơ thể một người vừa cố tình, vừa tự nguyện, vừa vô tình, ngẫu nhiên rơi vào dòng lũ điên cuồng của nó. Vì vậy, chiến tranh trong bút ký của Nguyên Ngọc “là một hiện thực khác, hiện thực khắc nghiệt”. Chiến tranh “là đất trắng, là nhầy nhụa, là hỗn độn, là vô lý, là nghịch cảnh, là phi nhân, là tàn bạo”, “là cái giá khủng khiếp của chiến thắng”. Đọc những gì Nguyên Ngọc viết, có thể hiểu vì sao ông tâm đắc với Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đến vậy.

Tiểu luận cuối cùng của cuốn sách Dọc đường 2 là “Hoà Bình khó nhọc”. Ngay nhan đề cũng đã chất chứa sự bất thường. Và quả thật, hoà bình là chấm dứt cuộc chiến bom đạn, nhưng lại mở ra những cuộc chiến khác không kém phần cam go, đau đớn. Người lính trở về với đời thường, “họ từng sống rất đẹp” trong chiến tranh, tận hiến cho lý tưởng; nhưng trong hoà bình, có người bị lãng quên, có người không vượt qua được thử thách cơm áo nên đã phạm những sai lầm đáng tiếc, có người lại luôn day dứt với với sự sống sót của mình – mang “nỗi buồn được sống sót” suốt phần đời còn lại.

Sự “khó nhọc” nhất đối với Nguyên Ngọc là viết – viết khác với trước đây, thay đổi chính mình, thay đổi nền văn học. Ông lại tiếp tục dấn thân vào “công cuộc làm mới văn học, làm mới xã hội và đất nước… rất phức tạp, gian nan, cả nhiều hiểm nguy hơn”. Ông viết Đề dẫn cho Đại hội Nhà văn lần thứ Ba, đỡ đầu cho những tác phẩm xuất sắc được xuất hiện trên tờ báo Văn nghệ…, và trả giá bằng sự ra đi. Đằng sau sự ra đi của Nguyên Ngọc, một nền văn học đang chuyển mình, đang đổi mới và gặt hái nhiều thành tựu.

Nhiều chân dung văn học hiện ra đầy sống động trong các bút ký của Nguyên Ngọc. Ông có những nhận định sắc bén về vai trò, vị trí, phong cách của nhiều nhà văn và giá trị của các hoạt động văn học. Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Ngọc Tấn, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh,… qua ngòi bút của Nguyên Ngọc đều như được khẳng định lại một cách chắc chắn hơn và mới mẻ hơn. Với tiểu thuyết Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, “văn học viết về chiến tranh ở ta bước sang một bước khác”.  Nguyễn Huy Thiệp “Tục tĩu đến mức nhầy nhụa. Thanh cao hết mực thanh cao […]. Anh khiến những người cầm bút chúng ta, dù muốn hay không, dù yêu hay ghét anh, đều cảm thấy rõ rằng mình không thể tiếp tục viết như trước nữa”. “Trong văn học Việt Nam… có hai cuốn sách đặc sắc về cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn để giữ lấy tính người, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn là một, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là hai”. Về Nỗi buồn chiến tranh, “Chỉ cần tâm hồn anh còn chưa bị xơ cứng, đầu óc anh chưa bị ám muội tối tăm vì những giáo điều nhồi nhét. Và trong anh còn chút can đảm để thật sự làm người, thì anh không thể bỏ qua cuốn sách này”. Đọc Lạc rừngĐêm nguyệt thực của Trung Trung Đỉnh, “ta bỗng thấy hiện lên, sống dậy một Tây Nguyên trong tất cả chiều sâu văn hoá, chiều sâu minh triết vừa giản dị, thô mộc, vừa thăm thẳm, vừa thường ngày, gần gụi, cụ thể, vừa huyền hoặc, hư ảo”. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 là giải thưởng “hay nhất từ trước đến nay”…

Dọc đường 2 cuốn hút người đọc bằng cách kể chuyện rất thẳng – thẳng băng. Thẳng để mang lại cái thực: người thực việc thực. Được và mất, thắng và thua, trung thành và phản bội, đúng đắn và nhầm lẫn, đẹp đẽ và xấu xa, cao thượng và thấp hèn,… đều thực. Thẳng và thực ấy là kết tinh của chất lính, chất Quảng, chất kẻ sĩ - trí thức. Nó tạo nên phong cách của Nguyên Ngọc, nó khiến ta liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “So chính khí đã đầy trong trời đất”. Nguyên Ngọc thấy buồn, “và hơi ngượng nữa”, khi đọc những gì người khác viết về Tây Nguyên (kể cả đôi ba tác giả là người có gốc Tây Nguyên hẳn hoi), bởi vì cái họ mang lại “là Tây Nguyên giả, Tây Nguyên làm ra vẻ, Tây Nguyên pha chế – nếu nói nặng lời thì là Tây Nguyên xuyên tạc”. Trước Đại hội Nhà văn lần thứ Ba, ông Đào Duy Tùng mời nhà văn Nguyên Ngọc đến “làm việc”. Trong cuộc trò chuyện dài, Nguyên Ngọc đã nói về giới trí thức, “lớp sĩ phu ươn hèn” ở nước ta (chủ yếu trong văn nghệ) với bài học đau đời của họ: “Phải biết sợ để mà sống”. “Các anh thường hỏi: tại sao chúng ta chưa có tác phẩm lớn? Tôi xin trả lời: vì chúng ta chưa có những nhân cách lớn”. “Có lẽ cũng ít có chế độ nào nâng niu chăm sóc bao cấp cho văn nghệ sĩ bằng chế độ ta. Nhưng đó là kiểu nuôi nấng o bế một đám con hát, một đám cung văn. Chúng tôi không cần cái ấy, chúng tôi chiến đấu cho một tư thế độc lập, tự do, đàng hoàng và đầy trách nhiệm của nhà văn trước đất nước…”. Những lời tâm huyết đó của Nguyên Ngọc bộc bạch từ hơn 40 năm trước đến bây giờ vẫn còn là mối quan tâm của bao người.

Dọc đường 2 là một chặng đường dài mà nhà văn Nguyên Ngọc đã đi cùng lịch sử đất nước và lịch sử văn học Việt Nam. Chặng đường ấy lắm chông gai, đầy hy sinh và trả giá – cái giá của chiến tranh và hoà bình, của vặn mình đổi mới mà cá nhân ông và cả dân tộc phải trải qua. Chặng đường ấy có rất nhiều sự kiện, nhiều số phận, nhiều tấm gương, nhiều bi kịch, nhiều tính cách mà nguyên Ngọc mắt thấy tai nghe, tay nắm chân chạm và lòng cảm thấy, để rồi tái hiện một cách sống động trong gần 500 trang sách. Vô số gương mặt của yếu nhân, người nổi tiếng lẫn người vô danh được khắc tạc bằng lối kể chuyện đầy sôi nổi và ngôn từ sắc bén của tác giả (Phan Châu Trinh, Cao Huy Thuần, Nguyên Hồng, Nguyễn Trọng Oánh, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Trần Độ, Hồ Nghinh, Tố Hữu, Tô Hoài, Phan Tứ, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Đình Thi…) ; nhưng ấn tượng nhất, vĩ đại nhất vẫn là Nhân Dân: Nhân dân bền bỉ, nhân dân cui cút, nhân dân minh triết, nhân dân hiền hoà, nhân dân thiệt thòi, nhân dân bất khuất, “Nhân dân lầm lũi. Nhân dân vô danh. Nhân dân bất tận… Nạn nhân tận cùng và anh hùng vô danh và vô tận của chiến tranh”. Biết đến bao giờ mới trả hết ân tình, ân nghĩa của nhân dân?

Dọc đường 2 là những chuyện đã qua nhưng chưa cũ, nỗi thao thức của nhà văn Nguyên Ngọc về lịch sử, văn hoá, giáo dục, văn học; về cá nhân và dân tộc vẫn cứ tươi mới. Ông nể phục tư tưởng của chí sĩ Phan Châu Trinh; tiếc sự “đứt phựt cuộc đời” khi “lăn lộn” với đời lẫn “ẩn dật” với mình của Phạm Quỳnh bị dở dang; bịn rịn tiễn đưa người vợ “sau một cuộc đời hơn tám mươi năm, vừa anh hùng vừa bình thường một cách kỳ lạ”. Tác phẩm là tư liệu quý về sự chuyển mình, “tỉnh thức” đầy khó nhọc của văn học Việt Nam từ sau 1975, được viết ra bởi một nhà văn – trí thức – người lính già đầu bạc – tự gánh lấy trách nhiệm “không để cho ai bằng lòng với tất cả những gì đã tưởng là đương nhiên”.

Văn chương của Dọc đường 2 toát ra uy lực của con sư tử già trong khu rừng văn học Việt. Chỉ cần ông hạ bút, là trên trang sách ầm ào những bom rơi đạn nổ khốc liệt và đói khát chết chóc rợn người của chiến trường, hoặc xôn xao náo nhiệt những âm mưu và dương mưu phức tạp của trường văn trận bút. Những bút ký của ông, dù ngắn hay dài, dù hiện thực trần trụi hay lãng mạn bay bổng, dù chuyện riêng hay chuyện chung, cũng đều chất chứa sức nặng của văn hoá, lịch sử và nghệ thuật. Và, hơn tất cả là tấm lòng hiểu bản chất con người; hiểu cả những yếu đuối, thấp hèn, sai lầm, vô ơn của họ. Hiểu, không phải để kết tội hay thứ tha, mà để thản nhiên đi tiếp trên đường đời – không ngạc nhiên, không lên án, không thất vọng. Con sư tử già ấy, từng dũng cảm lao vào, vượt qua bao khó khăn sinh tử, trong chiều muộn của cuộc đời, đã có một đúc kết khiến ta không thể thờ ơ: “Nhưng hoá ra ở đời còn có một sự dũng cảm khác, có khi còn cần thiết, quan trọng, và có thể khó hơn: dũng cảm để sáng suốt tự thay đổi khi thế cuộc đã cho phép nhìn lại, soát lại từ những lựa chọn ban đầu của mình”.

Lặng nghe! Người lính già đầu bạc đang kể về những chuyện dọc đường đời người và dọc đường dân tộc – một dân tộc bạc đầu qua bao cuộc chiến tranh. Người lính ấy nói rằng: “Chiến tranh đã qua. Cuộc sống lại tiếp. Dân tộc phải trẻ lại. Cái dân tộc bạc đầu ấy phải trẻ lại, và phải khác.

Tôi cũng vậy, phải trẻ lại, để làm lại tất cả, trong một hoà bình quá đắt giá, và nhọc nhằn”.

Ông vẫn trẻ trong khí chất, tư duy và bút lực của mình. Ông vẫn vậy, đầy chất Ngọc – Nguyên Ngọc!

* Trích Xuân nhật yết Chiêu Lăng của Trần Nhân Tông.

 

 Trong buổi giới thiệu sách Dọc đường 2 tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng sáng 25/4/2025.