Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2025

Mấy dặm sơn khê

 Nguyễn Thị Tịnh Thy

 

Sơn Khê là bút danh mà Phan Thúy Hà sử dụng trong cuốn sách vừa xuất bản tháng 5/2025: NHỮNG NGÀY THÁNG NĂM. Nhìn tên tác giả ở trang bìa, đọc nội dung của 260 trang sách, tôi liên tưởng đến bài hát “Mấy dặm sơn khê” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Vẫn biết Sơn Khê đơn giản là miền núi non, nhưng Sơn Khê với “Những ngày tháng năm” còn là một hành trình vạn dặm. Hành trình ấy lắm nhọc nhằn và trắc trở khiến tác giả Phan Thuý Hà vốn không ưa sự màu mè, cầu kỳ, nay lại phải thay tên đổi họ khi in cuốn sách này.

Về nghĩa đen, mấy dặm sơn khê là những ngày vượt suối băng đèo lên tận Khe Sanh, sang tận Paris, rồi Huế, Sài Gòn… để tìm tư liệu và gặp gỡ các nhân chứng. Về nghĩa bóng, mấy dặm sơn khê là công việc hậu kỳ đầy lao tâm khổ tứ để cuốn sách được ra mắt độc giả, để những người hôm nay hiểu người người hôm qua, để “nghìn sau nối nghìn xưa”.

Vẫn chọn lối trần thuật phi hư cấu - nhân vật tự thuật, Phan Thuý Hà cho người đọc được lắng nghe chuyện đời của biết bao người phải đi qua những ngày tháng năm khốc liệt của chiến tranh lẫn hoà bình. Chiến tranh là một đề tài không thể coi là mới hay cũ, mà là khác hay giống. Mỗi cá nhân có một trải nghiệm khác nhau, cho nên khi nhân vật của Phan Thuý Hà tự kể, từ điển về chiến tranh sẽ thêm những nhân tố khác, yếu tố khác, đau thương mất mát khác. Một trong những cái khác độc đáo trong “Những ngày tháng năm”, là câu chuyện về một gia đình thực dân đi khai thác thuộc địa và trở thành nạn nhân của chiến tranh. Eugène Poilane là thành hoàng của Khe Sanh – ông tổ của giống cà phê Phi Lip ở xứ sở hoang vu này. Bút ký “Một gia đình ở Khe Sanh” viết về gia tộc ông là câu chuyện lạ nhất, khác biệt nhất, xúc động nhất về chiến tranh của cuốn sách “Những ngày tháng năm”. Nó vừa phảng phất vẻ đẹp hoang dã của “vùng đất mê hoặc” như “Châu Phi nghìn trùng” của Isak Dinesen; vừa mang dáng vẻ trầm mặc nên thơ với ngôi biệt thự lẻ loi giữa núi rừng trùng điệp đã điêu tàn vì bom đạn; lại vừa thể hiện sự tổn thất nặng nề về nhân mạng, sự nghiệp, sản nghiệp của một gia tộc ngoại bang mà dường như văn học Việt đã bỏ quên họ. Câu chuyện về gia đình Eugène Poilane đã mở ra trận chiến khốc liệt ở chiến trường Khe Sanh, đồi 861, vào năm 1968. 50 năm sau (2018), Hội cựu chiến binh Khe Sanh ở Mỹ đã lên đến 3.000 thành viên. Năm 2023, bước chân sơn khê của Phan Thuý Hà cho ta gặp lại những người trong cuộc cùng hồi ức, nỗi lòng của họ…

Phan Thuý Hà đặt phụ đề cho “Những ngày tháng năm” là “Cuốn sách cuối cùng về chiến tranh”, nghĩa là chị sẽ không trở lại với đề tài này nữa. Dĩ nhiên, cuối cùng với Phan Thuý Hà thôi, còn với văn học thì như ai đó đã từng nói: cuộc chiến tranh trong đời thực chỉ có một nhưng cuộc chiến tranh trong văn học thì vô số. Cuối cùng, bởi vì Phan Thuý Hà đã chuyển hướng đề tài sang thời kỳ kế tiếp: hậu chiến. Chị dành một nửa dung lượng để viết về hậu chiến. Thời gian chiến tranh luôn có hạn định, nhưng thời gian hậu chiến thì vô cùng, nó tuỳ thuộc vào di chứng của chiến tranh và những ứng xử trong thời bình của các bên thắng cuộc và thua cuộc.

Xung đột ý thức hệ, chủ nghĩa lý lịch, chính sách cải tạo, tịch biên tài sản, vượt biên,… là một ngàn lẻ một chuyện hậu chiến sẽ còn được kể nữa, kể nhiều. Bởi vì, những cuộc chiến không cân sức, không tiếng súng này có quá nhiều đau thương và bi kịch. Hậu chiến trong “Những ngày tháng năm” là ký ức “sống mà nhớ lấy” của cá nhân và cộng đồng được Phan Thuý Hà ghi lại theo lời kể của người trong cuộc một cách nhẹ nhàng mà nhức nhối tận tâm can.

Vẫn vậy, như các cuốn sách trước đây, “Những ngày tháng năm” có lối-viết-mộc rất Phan Thuý Hà. Mộc nghĩa là duyên chứ không phải đẹp, là tốt gỗ chứ không phải tốt nước sơn. Cái mộc, một khi đã ngấm, đã thấm thì rất bền chắc. Nó khiến người ta nhớ lâu, nghĩ sâu; khiến người ta có thể theo nhân vật đi đến vạn dặm sơn khê của thấu cảm, suy tưởng và suy nghiệm.

Khổ đau, phi lý đến không thể hình dung nổi, “Những ngày tháng năm” đã qua ấy khiến “nghìn sau nối nghìn xưa”, “nghìn sau tiếc nghìn xưa”.

Phía sau cuốn sách trong hình là mảnh bom còn sót ở Quảng Trị. Hình do một bạn đọc ở Quảng Trị chụp, tôi lấy từ fb của Phan Thúy Hà.