Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2025

Hiện tượng Nguyễn Hữu Liêm (3)

Bảo Tích

C. GIÁO SƯ NGUYỄN HỮU LIÊM VÀ HỌC THUYẾT LIÊMISM

Thực ra thì những phần sau phần B là không thực sự cần thiết vì những hai phần trên đã đủ để cho thấy rằng ông NHL không có bất cứ cơ sở kiến thức nào trong những lĩnh vực mà ông đề cập. Tuy nhiên, xem xét như vậy có phần không được công bằng lắm đối với những gì ông NHL đã viết. Bởi vậy, phần này sẽ tập trung phân tích những triết thuyết mà ông NHL sử dụng để phát triển học thuyết của riêng mình (tức ‘Liêmism’). Một chủ đề khác cũng sẽ được bàn luận trong phần này là một số quan điểm của ông về văn hoá Việt Nam, vì đây cũng là một chủ đề mà ông thường nhắc đến.

Ông NHL viết và nói về rất nhiều chủ đề khác nhau, dù ông thường ‘tẩu hoả nhập ma’ với chính những thuật ngữ mà mình dùng và không biết gì về chủ đề mình đang nói cả (xem phần B). Để cô đọng, phần này sẽ tập trung phân tích và phê phán ngắn gọn học thuyết Liêm (Liêmism), mà ông NHL nói là triển khai từ học thuyết lịch sử thế giới của Hegel kết hợp với Ken Wilber. Sau đó, chúng tôi sẽ nhắc đến một số bài viết mà ông NHL đã viết về âm nhạc và văn chương Việt Nam, vì theo ông NHL thì ‘văn hoá Việt Nam là một thứ phong hoá văn chương’.

 

I. HỌC THUYẾT LỊCH SỬ CỦA HEGEL QUA LỜI KỂ CỦA GS NGUYỄN HỮU LIÊM

Một trong những học thuyết mà ông NHL thường nhắc đến trong các bài giảng của mình là học thuyết sự phát triển của thế giới là theo chiều từ Đông sang Tây, giống như chuyển động biểu kiến của Mặt trời. Như ông NHL kể lại trong bài giảng ‘Hiện tượng luận Trí năng’ của ông như sau:[54]

“Mà lịch sử là gì? Lịch sử là những cái bi kịch được tạo ra bởi những nhân vật lịch sử, con người lịch sử, historical person. Những con người lịch sử này tự họ là một cái tang thương, một cái bi kịch, mà cái bi kịch của họ là mong được công nhận, mong được thế gian công nhận. Các văn nghệ sĩ cũng vậy, mong được công nhận. Cái này nó trở thành một cái năng lực lịch sử.

Mà lịch sử nó đi từ phương diện quả địa cầu, không gian, nó đi từ phương Đông qua phương Tây. Lịch sử khởi đầu từ nước Nhật Bản, như là mặt trời lên, thành ra là cờ của Nhật Bản là có cái mặt trời, nền trắng.

Nó nhiễu động và nó đi vào cái thế giới của China, Trung Quốc, Trung Hoa đó, là như là một cái tập hợp nhiễu nhương và trong đó và trong đó có nhiều cái hết sức xuất sắc, nhưng phần lớn là hỗn độn và nhiễu nhương và ở tầng tiến hoá tương đối rất là thấp. Con người Trung Quốc, người Trung Hoa, người Tàu, là không có ý thức về tự do. Chỉ có, đối với Hegel, ở Trung Quốc chỉ có một người tự do mà thôi, đó là ông Hoàng đế, the Emperor. Người đó nhân danh thượng đế, tức là thiên tử xuống để cai trị thần dân. Ở văn minh Trung Quốc không có ý niệm về công dân mà chỉ có thần dân, nên xã hội và lịch sử Trung Quốc rất khó có được tự do theo được ý thức mà cái ý niệm xã hội công dân và trật tự chính trị công dân (...).

Cái năng lực của lịch sử, mà tinh thần thế giới, khi đi vào cái cõi của con người và lịch sử đó, cái World Spirit theo Hegel, thì đi tiếp về hướng Tây thì đi đi qua Ấn-độ. Cái văn minh Ấn-độ, Hindu á, là cái văn minh mơ mộng và ở đó là Thượng Đế, Thần Đế, Chúa, Vishnu cho đến Brahman cho đến này nọ, nghĩa là nhiều hơn là người Eskimo có tên gọi cho tuyết nữa, quý vị biết là người Eskimo ở phía Bắc có hàng ngàn tên gọi cho tuyết, giống như người Ấn-độ có hàng trăm tên gọi khác nhau cho Thượng Đế, cho Chúa. Thì cũng giống như bà già trầu chửi gà nhà quê, thì cái văn hoá nhà quê của mình chửi nhau thì có nhiều chữ lắm, là những cái chữ mà rất là nặng nề, thì nó phát huy rất là nhiều. Nhưng những cái chữ cao đẹp, có mang nội dung về khái niệm, ý niệm, nó phát huy rất là ít. Là vì văn hoá của mình nó bị đắm chìm ở cái cõi làng xóm và cạnh tranh ở mức độ sống của một cái tập thể, cái năng lực tự ý thức nó tương đối còn khiêm tốn. Cho nên cái xã hội văn minh Ấn-độ nó vẫn là xã hội của những người nằm mê, nằm mơ (...)”

[đến đây thì ông NHL giảng về Yoga và trình bày học thuyết ‘chakra Việt Nam’, từ phút 47:42]

“Rồi cái Tinh thần Thế giới nó tiếp tục đi về phương Tây. Thì nó đi qua cái xứ Persia, tức là xứ Iran, xứ Trung Đông bây giờ á, nó cũng trở thành rất nhiễu loạn tiếp, nó trở thành radicalize, tất nhiên là nó trở thành cái gì rất là cực đoan. Và cái giai đoạn kế tiếp của Trung Đông là cái giai đoạn của Ai Cập, thì khi đó cái năng lực tự ý thức nó bắt đầu hiện lên, cái thân của con thú, mà cái đầu là của con người. (...) Nhưng mà cái tâm của cái xứ Trung Đông, ý thức á, tức là Tâm á, tức là citta, xứ Trung Đông, xứ Ai Cập, là cái xứ rất là vọng động, và khi qua văn minh Ai Cập là nguồn gốc của văn minh Tây phương, nên nhớ những nhà toán học như Pythogaras, và những ông thánh bên Thiên chúa Giáo như Augustine, và rất nhiều bằng chứng cho biết chúa Jesus cũng là người Ai Cập. (...)

Văn minh Hi-lạp là cái văn minh discovers the mind, là cái văn minh khám phá ra được trí, tư duy. Người Hi-lạp là cái văn minh đầu tiên mà đánh thức awaken cái Rationality, cái năng lực Lí tính của tinh thần thế giới đi từ Nhật Bản qua Trung Quốc, qua Ấn Độ, qua Trung Đông, qua Ai Cập, bây giờ đi tới Hi-lạp. À bây giờ cái Hi-lạp này á, nó bắt đầu là toán học, bắt đầu về hình học, bắt đầu về siêu hình học, bắt đầu ý niệm về dân chủ, những cái cuốn sách về dân chủ sau này mà tác giả mà tác giả viết từ 500 năm trước Công nguyên, cuốn sách mà mình đọc vô là có cảm tưởng giống như các founding fathers của nước Mĩ là vậy á. Tất nhiên là họ cái sự phát huy của trí tuệ Hi-lạp, là cái nôi của văn minh Tây phương, mà nếu không có cái sự thức dậy lí tính của văn minh Hi-lạp á, thì không có văn minh Tây phương. Nhưng theo Hegel thì văn minh Hi-lạp thì nó tạo ra một sự chấn động, sự chấn động này là sự phân chia giai cấp giữa chủ và nô, lord và bondage (...)

[Đến đây thì ông NHL nói về quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ, chiến tranh và một vài thứ khác]

Khi cái năng lực tinh thần của Tây phương tiếp tục chuyển qua Tây Âu thì cái năng lực tinh thần đó, cái năng lực ý thức của Hi-lạp đó nó trở thành Self-Consciousness. Tức là con người awaken, bắt đầu tỉnh thức, tự cho mình ‘ta tôn thờ Thượng đế, và Chúa Trời bây giờ đã hiện thân xuống như là một ý niệm, trở thành thân xác, và chính cái thân xác trở thành lại tinh, và chúng ta dần dần chúng ta phải có một món quà mà, tức là không phải mơ mộng thiên đường như là ở trên thiên đường như một ý niệm, cầu nguyện viển vông, mà là một cái điều, một cái mệnh lệnh trần gian là phải xây dựng trần gian này như là một thiên đường trong đó khả năng lí tính (Mind is divine), tất nhiên là khả năng, cái trí tuệ là linh thiêng, và cái khả năng trí tuệ linh thiêng phải có một cái nhiệm vụ thay vì cầu nguyện xin ân sủng từ Thượng đế, thì ta có nhiệm vụ nấu một ngón ăn ngon để dâng lên Thượng đế. Món ngon đó là Ý chí dân chủ, Ý chí cộng hoà. (...)”

Ông NHL dành khoảng 30 phút / 90 phút bài giảng Hiện tượng luận trí năng tức Phänomenologie des Geistes để kể chuyện lịch sử nói trên. Đây hẳn là một câu chuyện mà ông rất thích vì ông đã dành một khoảng thời gian lớn để kể câu chuyện này mặc dù nó không hề nằm trong cuốn Phänome­nologie des Geistes mà nằm trong bộ Vorlesungen über die Philosophie der Geschichte (‘Những bài giảng về Triết học Lịch sử’), tập hợp những bài giảng của Hegel được công bố sau khi nhà triết học qua đời.

Chuyện mà ông NHL đang kể ở đây chủ yếu nằm trong phần Dẫn nhập hay Mở đầu của bộ Những bài giảng về Triết học Lịch sử (sau đây gọi tắt là ‘triết học lịch sử’.) Có lẽ điều đầu tiên cần phải được nhắc đến ở đây là không ai ở thế kỉ 21, với những dữ liệu khoa học về các dân tộc, các nền văn minh không phải phương Tây phong phú hơn rất nhiều so với thời của Hegel, lại đi kể lại chuyện thời của Hegel như là một chân lí hiển nhiên như là ông NHL đang làm ở đây. Người đọc chỉ cần đọc qua một vài đoạn văn Hegel viết về các dân tộc khác để thấy sự hiện diện rõ ràng của một chủ nghĩa chủng tộc (hay chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, racism), với chủng tộc thượng đẳng nhất, tiến hoá nhất tất nhiên là người da trắng ở Tây Âu. Cách nhìn của Hegel về các dân tộc khác, không chỉ ‘khinh mạn’ như ông NHL viết (tr. 66, Phác thảo), mà đơn giản là sai lệch, méo mó. Điều này không có gì khó hiểu vì Hegel cũng là một đứa con của thời đại của ông, cũng như nhiều nhà triết học khác, ông không tránh khỏi những thiên kiến của chủ nghĩa chủng tộc khi nói về những chủng tộc không phải người da trắng. Ngày nay, những khía cạnh này đều ít nhiều được làm thành chủ đề nghiên cứu, bàn luận, tất nhiên là không phải là để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của các triết gia nói trên, mà là để có một cái nhìn đa chiều, khoa học, khách quan hơn về những triết gia này cũng như về những giới hạn thuộc về thời đại của họ. Không một nhà khoa học nghiêm túc nào bây giờ, gần 200 năm sau khi Hegel qua đời, lại vẫn đi lặp lại lời nói Hegel như là chân lí như ông NHL đang làm.

Cũng phải nói ở đây là học thuyết mà ông NHL kể, cũng như đã được nhắc tới ở trên, là một học thuyết đã bị ông ‘xào nấu’, ‘biến đổi’. Hegel không hề nhắc đến tên đất nước Nhật Bản trong toàn bộ cuốn Triết học lịch sử. Mục đầu tiên của phần đầu tiên Die orientalische Welt (‘Thế giới Đông phương’) là Trung Quốc[55], Trung Quốc là điểm xuất phát cho quỹ đạo lịch sử thế giới như Hegel trình bày. Ông viết:

“Mit China und den Mongolen, dem Reiche der theokratischen Herrschaft, beginnt die Geschichte.” (Triết học lịch sử, tr. 59)

“Với Trung Quốc và những người Mông Cổ, cái cõi của sự cai trị thần quyền, lịch sử bắt đầu.”

Ông NHL có lẽ dự đoán được rằng nếu nói về chuyển động của Mặt trời mà không nhắc đến Nhật Bản thì sẽ bị nghi ngờ nên ông đã bổ sung ngay tên nước này vào trong câu chuyện lịch sử của mình. Tuy nhiên việc này cũng không giúp gì lắm vì ông chỉ nêu tên chứ không kể chuyện gì về Nhật Bản cả, ông chỉ lặp lại lời của Hegel từ Trung Quốc trở đi.

Việc Hegel cho mình toàn quyền đâu là lịch sử thế giới cũng cho thấy cách nhìn nhận lịch sử đầy thiên kiến (bias), đậm màu chủ nghĩa chủng tộc của ông. Một trong những mục đầu tiên của cuốn Lịch sử thế giới là ‘Cơ sở địa lí của Lịch sử thế giới’ (Geographische Grundlage der Weltgeschichte), trong đó Hegel giải thích lí do vì sao ông loại bỏ một số đất nước và dân tộc ra khỏi ‘lịch sử thế giới’ (nói cách khác thì có một số quốc gia không thuộc vào ‘thế giới’). Chẳng hạn, sự chuyển động của lịch sử thế giới không thể diễn ra ở những vùng nóng và vùng lạnh vì điều kiện ở đây là cực đoan, con người phải quan tâm quá nhiều đến thiên nhiên, như ‘mặt trời thiêu đốt’ hay ‘cái lạnh băng giá’.[56] Hegel như vậy đã gạt bỏ xong các nước thuộc Hàn Đới và Nhiệt Đới ra khỏi ‘lịch sử thế giới’. Sân khấu thực sự của lịch sử thế giới là khu vực ôn hoà, và phải là phần nằm ở trên Bắc Bán Cầu vì đây là lục địa và có hình dạng giống như cái ngực của thế giới, như Hegel trích dẫn câu nói của người Hi-lạp.[57] Thế các châu lục như châu Mĩ hay châu Đại dương thì sao? Hegel, không (thể) phủ định được tuổi địa chất và sự tồn tại của hai châu lục này, nói rằng hai châu lục này là ‘non trẻ’ về mặt ‘đặc tính thể chất và tinh thần’ (physische und geistige Beschaffenheit). Những quần đảo nằm giữa Nam Mĩ và châu Á thì cho thấy một sự ‘thiếu trưởng thành về mặt thể chất’.[58] Châu Úc cũng cho thấy một sự thiếu trưởng thành không kém. Nói chung, theo Hegel thì các dân tộc, các nền văn minh mà không nằm trong vùng ôn đới của lục địa Á-Âu thì kém cỏi hạ đẳng, ‘ không trưởng thành’, ‘non nớt’, không phải chỗ cho ‘lịch sử thế giới’.

Nếu đọc những gì Hegel viết về các dân tộc khác thì có lẽ người ta sẽ phải dựng tóc gáy vì mức độ phân biệt chủng tộc mà ông thể hiện. Để minh hoạ, chúng tôi sẽ chỉ trích dẫn ít điều mà Hegel đã nói về các thổ dân bản địa tại châu Mĩ:

“Châu Mĩ đã luôn và vẫn đang cho thấy một sự bất lực về mặt thể chất và tinh thần. Vì những thổ dân địa phương (die Eingeborenen), sau khi người châu Âu đặt chân lên châu Mĩ, đã dần dần tàn lụi trước hơi thở của hoạt động châu Âu (europäische Tätigkeit). Tại các quốc gia tự do Bắc Mĩ [tức Hợp chúng quốc Hoa Kì], tất cả những công dân đều là hậu duệ của người châu Âu, những người bản địa cũ đã không thể hoà nhập với họ, mà bị đẩy ngược ra ngoài. Nhưng thổ dân địa phương cũng đã tiếp thu từ người châu Âu một số loại nghệ thuật, trong số đó là nghệ thuật uống rượu Brandy, thứ đã gây ra một tác động phá huỷ đến bọn họ.”[59]

Nhưng đoạn văn trên vẫn chưa là gì so với những gì mà Hegel viết tiếp sau đó:

“Sự yếu đuối của thể trạng châu Mĩ là lí do chính của việc mang những người da đen (Neger) vào châu Mĩ, để thông qua sức lực của bọn họ mà những công việc có thể được hoàn thành, vì người da đen có khả năng tiếp thu văn minh châu Âu vượt xa người Anh-điêng (Indianer); một nhà chu du người Anh đã trích dẫn những ví dụ cho thấy rằng người da đen đã trở thành những giáo sĩ, y sĩ, v.v. thành thạo (người da đen trước hết đã khám phá ra việc sử dụng cây canh ki na), trong khi nhà chu du này chỉ biết đến một người thổ dân mà có đủ khả năng [trí tuệ] để có thể đi học, nhưng người này chẳng mấy chốc đã chết vì uống Brandy quá nhiều.”[60]

Nếu như Hegel viết về thổ dân châu Mĩ với thái độ như trên thì độc giả chắc cũng hình dung ra được thái độ mà triết gia này có khi viết về các dân tộc châu Á như Trung Quốc, Ấn-độ. v.v. Nhưng vấn đề không nằm ở Hegel vì ông, như đã nói, là đứa con của thời đại của mình. Vấn đề nằm ở chỗ ông NHL, gần hai thế kỉ sau khi Hegel qua đời, khi những dữ kiện khoa học về lịch sử, văn hoá về các dân tộc khác phong phú hơn gấp nhiều lần thời của Hegel, vẫn nhiều lần thao thao bất tuyệt lặp lại lời của triết gia này như là một chân lí, như thể chính ông NHL đã tận mắt chứng kiến sự tiến hoá của các dân tộc (mà dân tộc ‘kém tiến hoá nhất’, ‘nhiễu nhương nhất’ chính là dân tộc Trung Hoa).

Hiểu biết của Hegel về Ấn-độ cũng như nền văn hoá và triết học của đất nước này cũng đầy sai sót và phân biệt chủng tộc. Chẳng hạn, dưới đây là miêu tả của Hegel về hình tượng Đức Phật:

“Da das Eine als das Substantielle gefaßt wird, so liegt darin unmittelbar die Erhebung über die Begierde, den einzelnen Willen, die Wildheit, – das Versenken in diese Innerlichkeit, Einheit. Das Bild des Buddha ist in dieser denkenden Stellung, Füße und Arme übereinandergelegt, so daß ein Zehe in den Mund geht, – dies Zurückgehen in sich, dies An-sich-selbst-Saugen.” (tr. 469, Religion).

Tạm dịch:

“Vì cái Một được nắm bắt như là cái có thực chất, do vậy, trực tiếp nằm trong đây là sự vượt qua khao khát, ý chí cá nhân, sự hoang dã, – sự đắm mình vào trong nội tâm, nhất thể. Hình ảnh của Đức Phật chính là trong tâm thái tư duy này, chân tay vắt chéo vào nhau để cho một ngón chân đi vào trong miệng, – đây là sự đi trở lại vào chính mình (Zurückgehen in sich), sự Tự-mút-chính-mình (An-sich-selbst-Saugen)”.

Phần lớn mọi người đều đồng ý rằng hình tượng mà Hegel đang miêu tả ở đây không phải là Đức Phật mà là một đạo sư Yoga. Nhưng ngay cả cách miêu tả tư thế của người mà Hegel tưởng là Đức Phật cũng rất đáng ngờ, qua những từ ngữ như ‘một ngón chân đi vào trong miệng’, hay ‘sự Tự-mút-chính-mình’. Hegel có nhận xét về thiền (‘Meditation’) và Không tính (Hegel gọi là das Nichts) trong Phật giáo, song không cần nói thêm thì độc giả cũng biết là Hegel hiểu những khái niệm này với đầy thiên kiến và sai sót. Chẳng hạn, theo Hegel thì thiền là một sự ‘làm việc với chính mình’ (‘Selbstbeschäftigung mit sich’), có lẽ không khác lắm với sự ‘Tự-mút-chính-mình’, trong đó thì trạng thái nội tâm (Innerlichkeit) có khả năng biến mọi tính khách quan thành cái tiêu cực (‘alle Objektivität in ein Negatives zu verwandeln’), đây là một sự hư vinh, kiêu ngạo (‘Eitelkeit’). Thiền, theo Hegel, tạo ra một sự tự do vô hạn, không phụ thuộc vào bất cứ ai khác và cũng không có ai được phép chen vào sự tự do này:

“Ý tưởng về sự bất tử nằm ở chỗ con người đang tư duy, đang trong sự tự do nơi chính mình; như thế thì hắn ta độc lập tuyệt đối, một thứ gì đó khác (ein Anderes) không thể xâm nhập vào tự do của hắn; hắn ta chỉ quan tâm đến chính mình, cái khác không thể có hiệu quả lên hắn.”[61]

Những kiến thức cơ bản nhất cho Phật giáo cũng cho biết rằng thiền trong Phật giáo hoàn toàn không liên quan đến ‘chỉ quan tâm đến chính mình’, hay thiền là để tạo ra một sự tự do cho riêng mình mà không thứ gì chen vào được. Không ai bây giờ lại đi tiếp tục rao giảng những quan điểm đầy sai lầm, thiên kiến và phân biệt chủng tộc của Hegel như ông NHL cả.[62] Hay là ông NHL chưa đọc những điều mà Hegel viết? Hoặc đọc rồi nhưng không hiểu? Thực ra thì hai điều này cũng không khác nhau lắm. Nếu độc giả muốn biết trình độ tiếng Anh của ông NHL thì có thể đọc phần B.II ở bên trên.

Thêm vào đó, nếu như ông NHL vẫn muốn kể chuyện cổ tích lịch sử như thể thế giới vẫn còn ở thời của Hegel thì có lẽ ông không nên so sánh khái niệm ‘Geist’ của Hegel với những khái niệm triết học của các dân tộc ‘kém tiến hoá’, ‘không có tinh thần’ như ‘Đạo’ của Trung Hoa .Vì theo Hegel thì:

“Đặc điểm của dân tộc Trung Hoa trong tất cả khía cạnh là thế này. Cái nổi bật của nó là, tất cả thứ gì thuộc về Tinh thần, như phẩm đức tự do (freie Sittlichkeit), đạo đức, tâm tình, tôn giáo nội tâm, khoa học và nghệ thuật thực sự, đều xa vời.”[63]

Chắc ông NHL sẽ nói là đấy là do Hegel chưa biết nhiều về người Trung Hoa nên mới nói vậy còn bây giờ chúng ta biết nhiều hơn thì ta sẽ thấy Đạo và Tinh thần thực ra cũng giống nhau. Nhưng nếu thế thì sao ông không nhận ra những điểm sai lầm trong cách hiểu của Hegel về lịch sử mà vẫn đi kể nguyên câu chuyện mà Hegel đã vẽ ra rồi coi điều này nghiễm nhiên là đúng?

Song ngay cả cách ông NHL kể lại câu chuyện này cũng không phải là không có mâu thuẫn. Trước bài giảng Hiện tượng luận Trí năng, ông NHL có một lần nữa kể về tiến trình lịch sử khi nói chuyện tại chùa Giác Ngộ (tháng 8.2022):[64]

“Cái nước Mĩ là nó, cái tiến hoá của nó đã có từ lâu rồi, nó đã có 200 năm, nó phát xuất từ một cái nền văn minh tiên tiến nhất của nhân loại, đó là Tây Âu. Ông Hegel nói là Mặt trời đi từ Nhật, từ Trung Quốc, đi qua xứ Ấn-độ là nhiễu loạn, thành ra người Ấn-độ và cái văn minh của nó là cái văn minh mê ngủ, mơ mơ hồ hồ vậy. Đi qua Trung Đông là khuấy động lên thành văn minh Hi-lạp, văn minh Hi-lạp rồi mới văn minh Thiên chúa giáo đi qua Tây Âu, rồi Tây Âu… Mặt trời mà, nó đi theo cái hướng đó, rồi đi đến nước Mĩ. Tất nhiên là thế kỉ thứ 17 là Bồ Đào Nha, thế kỉ thứ 18 là Tây Ban Nha và Ý, thế kỉ thứ 19 là Anh Quốc, 20 là Mĩ và 21 có thể là của Trung Quốc.”

Một vài phút sau thì ông NHL nói rằng:[65]

“Tất nhiên là đạo Phật, đây là cái sự, cái bước kế tiếp của tiến hoá về tâm thức cho nhân loại.”

Nhưng chẳng phải Phật giáo cũng phát sinh từ Ấn-độ, nơi mà ông NHL nói là ‘văn minh mê ngủ’, ‘mơ mơ hồ hồ’?

Song điều buồn cười nhất nằm ở câu cuối cùng khi ông NHL ‘diễn giải’ triết học lịch sử của Hegel, đi từ Bồ Đào Nha, đến Tây Ban Nha, đến Anh Quốc, rồi Mĩ. Nhưng ông NHL có nhận ra là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha nằm ở phía Tây nước Anh chứ không phải ở phía Đông? (!) (chúng tôi không tính các thuộc địa của các nước này vì đây không phải ‘sân khấu của lịch sử thế giới’ như Hegel nói.) Chẳng lẽ Mặt trời bây giờ lại đi từ Tây sang Đông? Mặt khác thì tốc độ di chuyển của Mặt trời lịch sử cũng rất thú vị, trong thế kỉ 17, 18, 19 thì Mặt trời di chuyển được một quãng đường là khoảng 500 km (từ Lisbon sang Madrid) và 1300 km (từ Madrid đến London) theo hướng từ Tây sang Đông (như ông NHL nói). Nhưng đến thế kỉ 20 thì Mặt trời băng qua Đại Tây Dương, phóng thẳng đến châu Mĩ sau khi vượt qua quãng đường dài gần 6000 km. Rồi đến thế kỉ 21 (mới hết 1/4 thế kỉ khi chúng tôi viết bài này) thì Mặt trời lại lao sang Trung Quốc với tốc độ kỉ lục: khoảng 11000 km/ 25 năm hay 44000 km/thế kỉ. Tại sao Mặt trời lịch sử của ông NHL lại di chuyển với tốc độ thất thường như vậy? Mặt khác, nếu như không biết tốc độ di chuyển của ‘Mặt trời lịch sử’ thì người ta sẽ không thể biết gì vì tiến trình lịch sử, vì ‘Mặt trời’ này có thể di chuyển nhanh chậm tuỳ ý, không theo quy tắc gì cả.

Có lẽ lời giải thích đơn giản nhất là ông NHL không biết mình đang nói cái gì, mà có lẽ là ông cũng không quan tâm đến việc điều mình nói có mâu thuẫn gì hay không. Hoặc cũng có thể là ngay từ đầu thì học thuyết lịch sử của Hegel đã chẳng phải là một chỗ dựa tốt để ông NHL bám vào. Chúng tôi sẽ trích một đoạn mà Bertrand Russell phê bình học thuyết lịch sử của Hegel:

“Tôi không thấy bất cứ sự biện hộ chính đáng nào, dựa trên cơ sở siêu hình học của ông ấy [Hegel], cho quan điểm rằng lịch sử thế giới lặp lại những sự chuyển tiếp của sự biện chứng (dialectic), nhưng đây lại là học thuyết mà ông đã phát triển trong cuốn Triết học Lịch sử. Đây là một học thuyết thú vị, đưa ra sự thống nhất và ý nghĩa cho các cuộc cách mạng của trạng huống sự vụ của con người. Giống như các học thuyết lịch sử khác, nó yêu cầu, nếu nó muốn tạo ra vẻ đáng tin, một sự bóp méo nào đó các sự thực và một sự vô minh đáng kể. Hegel, giống như Marx và Spengler sau ông, đều sở hữu những tiêu chuẩn này. Thật kì lạ khi một quá trình được trình bày là có tính vũ trụ lại hoàn toàn xảy ra trên hành tinh của chúng ta, và phần lớn nhất của nó xảy ra xung quanh Địa Trung Hải. Và cũng chẳng có lí do gì, nếu thực tại là vô thời (timeless), giải thích tại sao những phần muộn hơn của một quá trình sẽ thể hiện những phạm trù cao hơn so với những phần sớm hơn, trừ khi một người chấp nhận cái giả định báng bổ là Vũ trụ đang dần dần học triết học Hegel.” [66]

Giờ chúng ta đi đến với học thuyết lịch sử thực sự của ông NHL, học thuyết ‘Thời quán’, dù ý nghĩa chính xác của từ này vẫn đang còn là một bí ẩn.

II. HỌC THUYẾT ‘THỜI QUÁN’ CỦA GIÁO SƯ NHL

 

Trước hết sẽ cần phải nói rằng, ông NHL khi đề ra học thuyết lịch sử của riêng mình mà không hề trả lời những câu hỏi, những nghi ngờ đã được đặt ra cho thuyết sử luận của Hegel, giống như Russell (như trong đoạn văn trích bên trên, lấy từ cuốn The History of Western Philosophy) hay Popper (trong cuốn The Poverty of Historicism). Có lẽ kháng biện hay nhất mà ông NHL sẽ đưa ra là những triết gia này ‘khoa học’, ‘không thấy được cõi Cao hơn’ và ‘không có Trí Huệ’ để nhìn được sự biến đổi của lịch sử như ông NHL đã thấy.

Sơ đồ khái quát của học thuyết Thời quán của ông NHL được trình bày trong những trang đầu của cuốn Phác thảo. Sơ đồ biểu diễn quá trình lịch sử này là:

Ông NHL trình bày khung sườn học thuyết của mình như sau:

“Bổ sung vào mô hình “four quadrants” của Ken Wilber, đây là một Phác thảo tổng quan và vĩ mô về Lịch sử Thế giới vốn được khởi đi từ khi con người có Ý thức về Sử tính, ở “thời Trục” 2500 năm trước, theo vòng tròn chuyến động bốn góc của chữ Vạn – Swastica [Swastika] – như sau:

Bước thứ Nhất, góc trên bên trái, là Thời quán khởi động của Tự-Ý thức về Ta (“I”) – mà đại diện cho năng lực này là Phật Thích Ca bằng tuyên ngôn “Thiên thượng địa hạ, duy Ngã độc tôn.” “Minh tâm, kiến tánh – Hãy tự biết chính Ta” đã là châm ngôn cho Thời quán này. Socrates, Khổng Tử cũng đều rao giảng chân lý rằng “Cái Ta quyết định tất cả.”

Bước thứ Nhì, góc trên bên phải, khi lịch Công nguyên bắt đầu, năm thứ 1, là sự trỗi dậy của năng lực “Chúng Ta” (“WE”) – vốn đặt nền tảng cho văn hóa, tôn giáo và luân lý. Trong Thời quán này, Chân lý là tính liên đới, mà nhân vật biểu trưng là Chúa Jesus: “Ta với cha Ta là Một.” Châm ngôn của Thời quán “Chúng Ta” là “Văn hóa/Đức tin là Định mệnh”.

Bước thứ Ba, góc dưới bên phải, đến thế kỷ XV, năng lực Tự-Ý thức tiến bước bằng Ý chí khách thế hóa chính mình vào vũ trụ vật thể nhằm đặt để Chân lý vào góc độ Khoa học thực nghiệm. Đây là Thời quán của “Nó” (“IT”) khi Ý thức con người ký thác chính mình vào khách thể tính, và vũ trụ vật thể là một hiện thực độc lập tách rời ra khỏi Ý chí và Ý thức cá nhân. Đây là lúc mà Ta và Chúng Ta trở nên xa lạ với chính mình. Nhân vật biểu trưng cho khởi đầu Thời quán khoa học thực nghiệm là Nicolaus Copernicus và kết thúc bởi Albert Einstein. Đây là giai Thời mà khẩu hiệu Chân lý được nắm đầu bởi khoa học gia, rằng, “Sinh học/Vật lý là định mệnh”.

Bước thứ Tư, góc dưới bên trái, ở thế kỷ XVII, nhân loại đi tìm chính mình qua Ý thức hệ. Đây là Thời quán của “Chúng Nó” (“THEY”) khi mà khẩu hiệu được nâng cao rằng “Chính trị là Định mệnh.” Chân lý bị tha nhân cướp mất và trật tự thế gian phải được xây dựng bởi Ý chí Lịch sử. Biện minh cho trật tự không còn có từ huyền thoại tôn giáo, từ trên xuống, mà là Ý chí đồng thuận của cá thể, từ dưới lên. Thomas Hobbes khởi đầu, và Karl Marx kết thúc, cho năng lực hệ Ý thức này.

Bước vào Thời quán đương đại, thế kỷ XXI, trở về góc trái trên, Ý thức về Ta từ bỏ huyền thoại Tôn giáo, nghi ngờ Chân lý Khoa học thực nghiệm, chia tay tính cuồng nhiệt của Ý thức hệ, để tìm lại năng lực Tự-Ý thức ở một tầm mức Tiến hóa cao hơn. Toàn thể văn minh nhân loại – và từng cá nhân – đồng thời là thực tại vừa là biểu tượng cho Thời quán Ý thức mới này. Đây là lúc mà cái TA, vốn bị tha hóa vào Sử tính suốt 2.000 năm qua, bắt đầu đi tìm lại chính TA để khép lại vòng tròn Biện chứng Tự-Ý thức qua hành trình chuyển hóa đầy bi tráng của Lịch sử.”

Xuyên suốt tác phẩm của mình, ông NHL trích dẫn Kinh Thánh, Kinh Phật, các trích đoạn của các triết gia như Jaspers, Plato hay Hegel để đưa ra bằng chứng cho học thuyết của mình. Nhưng như chúng tôi đã chỉ ra trong phần B, những trích dẫn được ông NHL sử dụng thường đã bị ông xuyên tạc, bóp méo đến độ không thể nhận ra được nữa. Điều này phần là vì ông NHL có trình độ ngoại ngữ quá thấp nên không thể đọc đúng được văn bản, phần là vì ông, vi phạm đạo đức học thuật, muốn bóp méo tất cả các dẫn chứng cho phù hợp với học thuyết mà mình đề ra. Tự điều này đã đủ để rút đi nền móng cho toàn bộ lí thuyết của ông NHL. Nhưng nếu bỏ qua điều này thì lí thuyết ‘Thời quán’ của ông không phải đã hết vấn đề.

Vấn đề lớn nhất đầu tiên nằm ở cách phân chia Thời quán của ông NHL. Nếu ông NHL đưa ra bốn thời quán như là bốn giai đoạn luân phiên chuyển tiếp nhau như các phần của một bánh xe như mô hình được vẽ thì các giai đoạn này phải tách rời và nối tiếp nhau, không trùng lấp lên nhau. Nhưng người ta dễ dàng nhìn ra điểm mâu thuẫn đầu tiên ở đây, thời quán thứ Ba (‘Nó’) bắt đầu từ Nicolaus Copernicus (1473-1543) và kết thúc ở Albert Einstein (1879-1955); nhưng thời quán thứ Tư (‘Chúng nó’) lại bắt đầu từ Hobbes (1588-1679) và kết thúc với Karl Marx (1818-1883). Vậy thì thời quán ‘thứ tư’ nằm gọn trong thời quán ‘thứ ba’, nhưng chưa hết thời quán ‘thứ ba’ thì làm sao đi đến thời quán ‘thứ tư’ được? Hay là đang ở thời quán thứ ba thì vọt lên thời quán thứ tư một đoạn, sau đó thì lại bị thụt lại thời quán thứ ba? Nhưng nếu thế thì bánh xe lịch sử của ông NHL có thể quay được cả hai chiều, như vậy thì làm sao biết được là bánh xe sẽ đi theo chiều tiến lên hay lùi xuống, xuất phát từ thời quán III, tại sao lại tiến lên thời quán IV mà không lùi lại thời quán II? Còn nếu ông NHL lúc nào cũng có cả bốn thời quán hiện diện thì khi đó đâu còn xác định được chiều hướng của lịch sử qua các thời quán nữa?

Nếu đọc chi tiết phần này thì người ta sẽ còn thấy rối trí hơn. Ông NHL viết, thời quán ‘NÓ’ bắt đầu từ Corpernicus (tr. 308), sau đó ông bắt đầu ‘phân tích’ Hegel và Kinh Lăng-già (tr. 325), về thiên văn học và chiêm tinh thuật (xem mục B.III), rồi đến Apple ở California, Samsung ở Hàn Quốc (tr. 351), xong rồi chuyển sang kĩ thuật điện toán, công nghệ số và Internet (tr. 365), rồi ông nói về tiền bạc (tr. 381) và công nghệ thông tin (tr. 400). Xin lưu ý, rất nhiều thứ mà ông NHL nhắc đến, như Apple, Samsung hay Internet, xuất hiện khoảng 20 năm sau khi Einstein đã qua đời, nhân vật mà ông NHL chọn làm điểm kết thúc thời quán này. Mặt khác, khi viết đến Samsung, Apple hay Internet thì chúng ta đã ở thời hiện đại, làm sao để đi đến thời quán tiếp theo?

Đến chương 47, ông NHL mở đầu bằng việc miêu tả sự tha hoá của con người do công nghệ hiện đại: ‘Sau khi tiêu hóa chính mình vào Thời quán NÓ, cái ta Ngã thể được kinh qua cõi thuần Vật chất, Khoa học Thực nghiệm và Kỹ thuật’ (tr. 403). Sau đó ông NHL chuyển sang bàn về Tha nhân, Ngã Thể v.v rồi đùng một cái nhắc đến Napoleon nói về chính trị (tr. 409). Rồi ông NHL tua lại lịch sử khoảng 400 năm về thời của Hobbes, người ‘mở đầu Ý thức Chính trị’. Ơ kìa, thời quán IV lẽ ra phải xuất hiện sau khi cái ta Ngã thể ‘tiêu hoá chính mình vào thời quán Nó’ qua vật chất, khoa học thực nghiệm, kĩ thuật (tức có cả Apple, Samsung và Internet). Tại sao nói chuyện loanh quanh một hồi thì giờ lại mọc ra Napoleon và Hobbes, những người chắc chắn không biết Internet và iPhone là gì? Sau đó thì ông NHL kể về sự phát triển của triết học chính trị từ Hobbes, đến Rousseau, Adam Smith, rồi Marx như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Để phù hợp với lí thuyết ‘Thời quán’, ông NHL sẵn sàng ‘tua lại’ lịch sử theo ý muốn của mình.

Các cách chọn thời quán của ông NHL cũng đầy cảm tính, ngẫu nhiên và không có lí do gì cả. Chẳng hạn, ông NHL viết về thời quán đầu tiên:

“Know ThyselfHãy minh tâm, kiến tánh. Đó là mệnh lệnh đạo lý của Phật, Khổng và Socrates từ thời Trục.” (tr. 44, Phác thảo)

Nhưng Know Thyself rất có thể là một khẩu hiệu đã xuất hiện từ trước cả Socrates rồi. Chẳng hạn, nhà viết tiểu sử thời cổ đại là Diogenes Laertius gán câu nói này cho Thales vùng Miletus, một nhà triết học, khoa học sinh ra trước Socrates hơn một thế kỉ. Bên cạnh đó, những nhân vật như Đức Phật và Khổng Tử cũng không đột nhiên xuất hiện từ hư vô, họ xuất hiện trong bối cảnh lịch sử, triết học của họ. Việc chọn ra ba nhân vật này có lẽ xuất phát từ tác phẩm Die großen Philosophen của Karl Jaspers, trong đó nhà triết học gọi Socrates, Buddha, Khổng Tử và Jesus là những con người lập tiêu chuẩn (die maßgebenden Menschen). Ông NHL đã chọn ba người đầu tiên vào một thời quán rồi đưa Jesus sang thời quán khác.

Nhưng điều này cũng lại đặt ra những câu hỏi khác. Tại sao thời quán đầu tiên thì có Socrates ở Hi-lạp, Đức Phật ở Ấn-độ và Khổng Tử ở Trung Quốc, sang đến thời quán thứ hai thì ông NHL chỉ phân tích mỗi Thiên chúa giáo ở Tây Âu? Thời quán thứ hai này kéo dài từ năm 0 cho đến năm 1473, năm sinh của Copernicus, trong gần 1500 năm này thì chỉ có mỗi châu Âu có lịch sử, còn cả thế giới đứng im? Có lẽ ông NHL sẽ giải thích giống như Hegel, đó là những chỗ như Trung Quốc hay Ấn-độ nói chung là non nớt, nhiễu nhương, mơ mơ hồ hồ, không có tinh thần nên cũng không có lịch sử.

Ngoài ra, phải nói thêm là cuốn sách của ông NHL tràn ngập những câu mâu thuẫn lẫn nhau mà chính ông không nhận ra. Chẳng hạn, theo thuyết chiêm tinh thuật, được nhiều nhà lí thuyết ‘nghiêm chỉnh và uy tín’ ủng hộ, thì:

“Cũng theo Gurdjieff thì chiến tranh là kết quả của ảnh hưởng bởi hành tinh. What is war? It is the result of planetary influences. Từ trên không gian xa xăm bao la kia, quỹ đạo chuyển động và vị trí các hành tinh trong quan hệ tương tác lẫn nhau sẽ tạo ra những căng thẳng trên mặt đất và con người bắt đầu chém giết nhau. Đừng nghĩ rằng chiến tranh là do con người gây ra, từ chủ nghĩa này, vì quốc gia kia, bởi phe phái nọ, chính phủ kia. Những phong trào, xung đột dân sự, hay quân sự, chủng tộc, tàn sát đều có nguyên nhân từ ngoài không gian” (tr. 370, Phác thảo).

Như vậy thì chiến tranh xảy ra là do quỹ đạo chuyển động và vị trí các hành tinh (bởi vì chúng ‘tương tác lẫn nhau’ và ‘tạo ra những căng thẳng trên mặt đất’), không phải do ‘con người gây ra’, không phải do ‘chủ nghĩa’, ‘quốc gia’, ‘phe phái’, ‘chính phủ’. Vậy thì ai phải chịu trách nhiệm cho khủng bố, tội ác chiến tranh, thanh trừng, thảm sát, diệt chủng, sử dụng vũ khí hoá học, vũ khí sinh học, bom nguyên tử? Theo ông NHL thì không ai cả, tất cả là tại trời hết, do các chòm sao ‘ngoài không gian gây ra’ chứ con người làm sao mà gây ra chiến tranh được. Một lúc sau thì ông lại viết:

“Hầu hết các cuộc chiến tranh tự căn nguyên sâu xa đều phát xuất từ mâu thuẫn Tôn giáo hay Văn hóa – tức là xung đột giữa các tầm mức Tiến hóa của Ngã thể, tức là giữa các khối khác biệt màu sắc theo liệt kê trên.” (tr. 539, Phác thảo)

Vậy là chiến tranh ‘tự căn nguyên sâu xa’ là do mâu thuẫn tôn giáo hay văn hoá gây ra. Song mới ngay trước thì ông NHL nói là chiến tranh không do ‘chủ nghĩa’, ‘quốc gia’ hay ‘phe phái’ gì cả, mà chỉ do các chòm sao ‘ngoài không gian’ mà thôi. Vậy cái nào mới là cái nguyên nhân chiến tranh?

Cuốn sách của ông NHL còn nhiều điều thú vị hơn nhưng giới hạn giấy viết không cho phép chúng tôi viết thêm. Nói gọn, học thuyết của ông NHL không hơn gì một hỗn hợp của sự tưởng tượng không có cơ sở và một thiên kiến xác nhận (confirmation bias) ở dạng tệ nhất. Từ vô số nền văn minh của nhân loại (chẳng hạn văn minh Ấn-độ, Trung Quốc, Lưỡng Hà, Ai Cập, Hi-lạp, những nền văn minh ở Nam Mĩ, châu Phi, v.v.), ông NHL nhặt ra được một vài ví dụ phù hợp nhất với quan điểm của ông rồi bỏ đi phần còn lại, lịch sử thế giới cũng chỉ được tính từ khoảng 500 năm trước Công nguyên. Lẽ ra tên cuốn sách của ông NHL nên là ‘Phác thảo về một triết học cho lịch sử thế giới, trong đó ‘lịch sử’ chỉ mới kéo dài 2500 năm, còn ‘thế giới’ thì chỉ bao gồm Ấn-độ, Trung Quốc và châu Âu, thỉnh thoảng Việt Nam cũng sẽ được nhắc đến’. Hơn nữa, học thuyết lịch sử của ông NHL sẽ kết hợp như thế nào với học thuyết lịch sử của Hegel mà ông thường giảng cho mọi người? Trong thời quán đầu tiên, Mặt trời đi đến Ấn-độ (thời của Đức Phật), sau đó chạy về Trung Quốc (thời của Khổng Tử), rồi lại phi sang Hi-lạp (thời của Socrates)?

Rời khỏi thuyết lịch sử thế giới (tức lịch sử khoảng 2500 năm của lục địa Á-Âu mà chủ yếu là của châu Âu), chúng ta đến với chủ đề gần gũi hơn; đó là học thuyết mà ông NHL đã phác thảo cho Việt Nam dựa trên việc ‘khai giải Hegel’. Chúng tôi đặt tên học thuyết này là thuyết Xa luân Việt Nam.

III. HỌC THUYẾT XA LUÂN VIỆT NAM CỦA GIÁO SƯ NHL

 

Trong bài giảng ‘Hiện tượng luận trí năng’, trong lúc kể chuyện lịch sử thế giới thì ông NHL đã áp dụng học thuyết lịch sử của Hegel vào bản đồ Việt Nam để tạo ra thuyết Xa luân 車輪[67] Việt Nam. Đây là kí âm của đoạn này:[68]

“Tuy nhiên, nói trong cái thân xác của người Hin-đu thì nó có bảy cái luân xa (tức là chakra). Ở dưới thấp nhất là dục. Cái thứ hai là ý chí, thành ra, cái lưng của con người khi mà có ý chí, mà trong quân đội, là đứng phải thẳng lưng, kỷ luật. Cái thanh niên Việt Nam có tướng đứng thường thường rất là cần phải sửa, là đứng cẳng thấp cẳng cao, cái bụng ưỡn ra đằng trước, thành ra cái lưng đằng sau nó cong vẹo, những con người đó là những con người rất là thiếu ý chí, khom lưng. [sau đó NHL kể về các luân xa còn lại] Thứ năm là trái tim, cho nên đạo Hồi giáo và đạo Hin-đu, và đạo Thiên chúa giáo, nhất là Catholic, là nó nhấn mạnh về đức tin qua cái trái tim rất là mạnh. Tôi đang nói qua về vấn đề của Hin-đu. Vì cái trái tim, bởi vậy, thế nên Chúa Jesus trong các biểu tượng là có cái hình của Chúa Jesus là cái trái tim nó sáng rực lên với hào quang, trong khi Đức Phật là cái hào quang ở trên đầu, đó là chakra thứ sáu và thứ bảy.”

Chúng tôi xin tạm dừng ở đây một chút. Tại điểm này, người ta lại được chứng kiến thiên kiến xác nhận và khả năng bóp méo tư liệu của ông NHL. Đúng là có các biểu tượng, linh ảnh của Chúa Jesus với trái tim sáng rực (Thánh Tâm Chúa Giêsu, Sacred Heart), nhưng hầu như lúc nào thì hình ảnh Chúa cũng xuất hiện với hào quang trên đỉnh đầu, tính cả những hình minh hoạ Chúa với Thánh Tâm. Đâu phải chỉ mỗi hình ảnh Đức Phật mới được khắc hoạ với hào quang trên đỉnh đầu đâu để ông NHL so sánh tuỳ tiện rồi liên tưởng đến sự khác biệt xa luân như vậy. Ở một khía cạnh khác, ông NHL nhầm xa luân trái tim từ thứ tư thành thứ năm, song điều này không đáng kể.

Từ trái qua phải: Thánh Tâm Giêsu, tranh minh hoạ Bồ Đào Nha (thế kỉ 19); Christ Pantocrator, tu viện Saint Catherine (thế kỉ 6), trích đoạn tranh Sự phục sinh, Piero della Francesca, (thế kỉ 15).[69]

Sau đó, ông NHL bắt đầu nói về Việt Nam:[70]

Thì cái dân tộc Việt Nam, tôi nói ra như là cái footnote, thì cái dân tộc Việt Nam mình thì nó có hình ảnh một cái thân thể con người đang ngồi, phía trên đội cái nón lá. Thành ra cái chakra ở dưới, thứ một, thứ hai là cái bụng dạ, là dục, là vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành ra cái người miền Nam bụng dạ họ để ngoài da, họ rất là dễ thương, nhưng họ rất là nghèo ý chí và về tri thức họ cũng không có tham vọng, mặc dù họ rất là thông minh.

Cái người mà bắt đầu phát triển cái ý chí cao cấp mà làm đồ vệ [không rõ], là cái người ở khoảng Bình Định, tức là chakra thứ tư. Bình Định là đại diện cho Tây Sơn, Quang Trung ba anh em, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ. Đó, khi mà vùng lên Tây Phương [tức Tây Sơn] thống nhất sơn hà, thì 1778, thì cái giai đoạn đó là sự rising của cái chakra thứ tư, tức là cái dân Quy Nhơn – Bình Định. Quy Nhơn, Bình Định và đã bao gồm Quảng Nam.

Thì cái chakra thứ năm là về tình cảm, là cái dân Huế, dân Bình-Trị-Thiên. Bởi vậy cho nên cái dân Huế nó rất là cảm tính, nó rất là u uất, mà quý vị nghe cái giọng nói người Huế không ạ? Nghe là cũng đã mệt rồi. Rồi cái nhạc Huế như là nhạc của Dương Thiệu Tước, nghe là muốn nhảy xuống sông Hương tự tử thôi, còn người Huế nó rất là đa cảm đa sầu.

Rồi đi đến người Thanh-Nghệ-Tĩnh là gần như cái chakra thứ năm nó biến hoá thành chakra thứ sáu. Cho nên dân Thanh-Nghệ-Tĩnh là cái dân mà nó rất là năng động. Ý thức về vấn đề cách mạng, về vấn đề văn học là họ năng động lắm, phần lớn tất cả người nổi tiếng về trí thức ở Hà Nội đều là gốc Thanh-Nghệ-Tĩnh cả.

Và khi đến người Hà Nội, đến miền Bắc là người ta phát triển cái tri thức. Thành ra miền Bắc là về cái đầu óc, về Huế, miền Trung, là về cái trái tim. về khoảng Bình Định, Đông Nam Phần là cái ý chí. Và về cái bụng dạ, bụng ruột thật thà là người Nam. (...)

Dĩ nhiên Hegel không bao giờ mà nói gì đến Việt Nam hết, cái đó là tôi phiên giải ra mà thôi.”

Vậy là ông NHL đã phiên giải học thuyết lịch sử thế giới mang tính phân biệt chủng tộc của Hegel thành một học thuyết lịch sử Việt Nam mang tính phân biệt vùng miền. Để dễ hình dung, chúng tôi tạm minh hoạ học thuyết xa luân này bằng hình ảnh dưới đây.

Ông NHL không nói vị trí xa luân thứ ba nằm đâu trên bản đồ Việt Nam nên chúng tôi không thể xác định được vị trí của xa luân này. Nhìn vào bản đồ xa luân mà ông NHL vạch ra cho Việt Nam thì người ta không khỏi thấy một sự tuỳ tiện, vô ý. Tại sao vùng đồng bằng sông Cửu Long thì là trung tâm của tận hai xa luân, trong khi có những vùng không có xa luân nào như Tây Nguyên hay khu vực trung du miền núi phía Bắc? Đối với trung du miền núi phía Bắc thì ông NHL chắc sẽ nói rằng khu vực này giống như cái ‘nón lá’ của đất nước Việt Nam, không phải ‘thân thể con người’, cho nên không có xa luân. Còn ông có thể nghĩ ra lí do gì để gạt khu vực Tây Nguyên ra khỏi bản đồ xa luân thì chúng tôi không rõ. Cũng không rõ là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc xa luân nào, có lẽ là thuộc cùng vào với khu vực hành chính có xa luân tương ứng (tức thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hoà), dù không chắc là xa luân có phải chịu ảnh hưởng của các yếu tố hành chính hay không.

Những miêu tả của ông NHL về con người ở từng xa luân thì toàn những lời nói không có cơ sở, những cliché và những thiên kiến mang tính phân biệt vùng miền. Chẳng hạn, người đồng bằng sông Cửu Long thì ‘nghèo ý chí’ và ‘về tri thức thì cũng không có tham vọng’, phải đến người Bình Định thì người ta thì mới phát triển ‘ý chí cao cấp’ (tức là người đồng bằng sông Cửu Long thì chỉ có ‘ý chí hạ cấp’?). Dân Huế thì có cái giọng nói ‘nghe cũng đã mệt’, người dân thì ‘cảm tính’, ‘u uất’, nhạc Huế thì nghe xong ‘chỉ muốn nhảy xuống sông Hương tự tử’. Toàn là những khuôn mẫu sáo rỗng, thô sơ, phân biệt vùng miền (‘nghèo ý chí’, ‘u uất’, ‘nhảy xuống sông Hương’, v.v.) mà ông NHL cứ nói liên hồi một cách rất tự tin, cũng lại như thể đây là những chân lí cho người Việt mà ông đã phát hiện ra do nhìn được cõi Cao hơn.

Nhưng cũng như những lần trước, ông lại tự mâu thuẫn với chính mình mà không biết. Giả như chấp nhận cái thuyết xa luân của ông NHL, thì nơi sinh ra của một người quyết định đặc tính ‘luân xa vùng miền’ của người đó, vì ông nói: ‘phần lớn tất cả người nổi tiếng về trí thức ở Hà Nội đều là gốc Thanh-Nghệ-Tĩnh cả’, do người Thanh-Nghệ-Tĩnh ‘năng động về vấn đề cách mạng, văn học’. Nhưng nếu đã vậy thì Dương Thiệu Tước đâu phải là người Huế để mà ông nhắc đến khi nói đến Huế? Dương Thiệu Tước là quê ở làng Vân Đình, Hà Nội, sau này ông vào Huế rồi vào Sài Gòn, nhạc sĩ đáng ra phải thuộc về ‘luân xa Hà Nội’.[71] Mặt khác thì các sáng tác của Dương Thiệu Tước rất đa dạng, đâu phải chỉ có các ca khúc liên quan đến Huế như Đêm tàn bến Ngự, Thuyền mơ hay Tiếng xưa. Người viết bài này khó tin được là ai nghe những bài hát khác như Đêm ngắn tình dài, Bóng chiều xưa hay Chiều lại muốn ‘nhảy xuống sông Hương tự tử’. Đấy là chưa kể việc bài hát gây ra ấn tượng gì nơi thính giả còn phụ thuộc rất nhiều vào ca sĩ và cách phối bản nhạc đó, thính giả có thể so sách hai phiên bản bài Bóng chiều xưa được thể hiện bởi Lê Dung (tại đây) và Anh Ngọc (tại đây), hay bài Đêm tàn bến Ngự được thể hiện bởi Ánh Tuyết (tại đây) và Minh Trang (tại đây).

Song đây vẫn chưa phải điểm đáng nói nhất trong học thuyết xa luân của ông NHL. Ông NHL có vẻ như cho rằng học thuyết xa luân là một quy luật lịch sử đã luôn tồn tại trên mảnh đất Việt Nam, vì ông nói ‘Bình Định là đại diện cho Tây Sơn’, khi mà ba anh em ‘thống nhất sơn hà’ thì đây là sự ‘rising [trỗi dậy] của cái chakra thứ tư’. Nhưng ông NHL có để ý là lãnh biên giới, hình dạng lãnh thổ của Việt Nam có sự thay đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, đâu phải lúc nào mà phần đất liền nước Việt Nam cũng có hình chữ S như bây giờ, hình dạng mà ông NHL miêu tả là giống ‘thân thể con người đang ngồi, phía trên đội cái nón lá’. Vậy thì trước khi mở rộng về phía Nam thì những ‘luân xa Việt Nam’ sẽ rút ngắn lại để tương ứng với lãnh thổ hiện giờ? Hay ông NHL sẽ nói rằng một vùng đất cũng có ‘luân xa Việt Nam’ kể cả vào những thời điểm mà vùng đất này chưa thuộc về Việt Nam (chẳng hạn như Bình Định)? Hay là đến khi đất nước Việt Nam có hình dạng S như chúng ta biết ngày nay thì bỗng dưng các chakra xuất hiện?

Người ta có thể đề ra nhiều lí thuyết khác nhau để giải thích cho cùng một hiện tượng, nhưng có một số lí thuyết có cơ sở, có thể được kiểm chứng và hữu ích hơn các lí thuyết còn lại. Một người có thể dựa vào những yếu tố địa lí, thuỷ văn, nhiệt độ, độ ẩm, đặc điểm gió mùa v.v để giải thích lí do vì sao miền Trung thường gặp thiên tai, và từ những cơ sở trên thì con người có thể dự báo và nêu ra những biện pháp phòng, chống, ứng phó trước thiên tai. Còn nếu ai đó, chẳng hạn, giải thích lí do miền Trung hay gặp thiên tai là ‘do xung đột năng lượng giữa xa luân thứ tư và thứ năm của Việt Nam, tức xung đột giữa ý chí cao cấp và tình cảm, khiến cho trường năng động vô thức bị nhiễu loạn’ thì phát biểu như vậy là không thể kiểm chứng được bằng bất cứ cách nào, và có lẽ cũng không mang lại ích lợi gì cả. Nếu gọi đây là nói nhảm thì cũng không quá đáng lắm.

Đến đây, chúng ta như vậy đã bàn qua về những học thuyết chính mà ông NHL đã phác thảo và trình bày. Bên cạnh triết học, ông NHL cũng thường nói về văn hoá Việt Nam, và đây là phần cuối trong chương này.

IV. VÀI GÓC NHÌN VỀ VĂN HOÁ VIỆT NAM CỦA GS NHL

 

Chúng tôi nói về văn hoá vì đây có vẻ cũng là mối quan tâm lớn của ông NHL. Trong một bài viết được đăng tải trên báo Dân Việt với tựa đề: ‘Câu chuyện của GS Nguyễn Hữu Liêm: Từ chàng trai bốc gạch đến triết gia danh tiếng’[72], có một câu khá thú vị: ‘Ông có những đóng góp quan trọng về triết học phương Tây, đặc biệt là văn hóa Việt Nam’. (?) Chúng tôi không biết nên hiểu câu này như thế nào, vậy thì ‘văn hoá Việt Nam’ là một phần của ‘triết học phương Tây’? Dù sao thì chúng ta cũng sẽ xem và lắng nghe một số quan điểm của ông NHL về hai khía cạnh của văn hoá Việt Nam, đó là văn chương và âm nhạc.

Khác với những phần trước, chương này chủ yếu chỉ trình bày lại những trích đoạn mà ông NHL đã viết để độc giả tự đánh giá chứ không phân tích chi tiết. Song vẫn như những phần trước, những điểm mâu thuẫn trong quan điểm của ông NHL nếu xuất hiện thì sẽ được chỉ ra.

1. VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM CỦA CÁI NHÌN CỦA GS NHL

 

Một trong những bài viết của ông NHL về văn hoá Việt Nam cách đây khá lâu là: ‘Cái Tật Văn Chương Tào Lao’, đăng ngày 22.8.2003 (xin xem tại đây, chúng tôi khuyến khích độc giả đọc toàn bộ bài này). Sau đây là một vài trích đoạn:

Văn hóa Việt Nam là một thứ phong hóa văn chương: một quá trình dàn dựng sự thể của sự kiện nhân sinh vào một mâm cỗ ngôn ngữ, cho thêm nhiều gia vị, và không được chuyển hóa. Người ăn mâm cổ văn chương tiếng Việt phải chấp nhận cái tươi mát và sống sượng của cuộc đời làm thực phẩm cho mình. Và dù họ có nhận thấy sự giới hạn và nghèo nàn của thức ăn sống, họ cũng không có chọn lựa nào vì con người và văn chương Việt Nam chưa bước lên tới bình diện tư tưởng để chuyển hóa sự thể sống sượng của sự đời. (...)

Các tạp chí nhan nhản khắp nơi ở hải ngoại, kể cả các mạng điện tử, đều cũng chỉ có cái màn kịch – và trò chơi – văn học. (...)

Với cái tật văn chương, và là một hệ quả từ đó, con người trí thức Việt ở khắp nơi, mang một năng ý lạ: ý chí làm báo. Báo chí là một thứ văn chương: dọn các mâm cỗ chỉ có diễn tả sự kiện còn sống sượng. Tật làm báo cũng như tật viết văn, làm thơ – tham dự vào các trò bát nháo. (...) Người Việt mình suy nghĩ cả năm mà còn chưa viết lên được một câu ra hồn; huống gì bây giờ họ viết lách theo tốc độ của điện.

Người Việt ở ngoài Bắc thì ưa viết văn, người Trung thì làm thơ, người Nam thì làm báo. Viết văn thì mang cái bệnh đểu, bệnh "sâu sắc" của diễn tả bóng gió, nói cay, nói đắng, lấy cái gia vị của ớt, của gừng làm cái ngon miệng – vì thức ăn chính thì chẳng có gì. Dân Bắc viết văn thì cũng giống như ăn một chén cơm gạo sống mà hai phần ba là gừng, là tỏi, là nghệ. Thế mà bà con cứ ào lên mà khen hay. Ðọc Nguyễn Huy Thiệp, Nguyệt Dung, Phạm Thị Hoài, hay gần đây, Phạm Hải Anh, thì sẽ thấy điều đó.

Dân Trung thì đem cái máu thi ca vớ vẩn biến thành cuộc đời: ý chí đi làm cách mạng và đi tu. Xứ nào càng khổ thì càng nhiều thi sĩ. Các thi sĩ này biến thi ca thành ý chí hiện sinh: các tu sĩ và chính trị gia chỉ là các nhà thơ thất chí với cuộc đời. Dân gốc Quảng Trị, Quảng Nam bị cái bệnh thi ca này nhiều nhất vì không có cái xứ nào vừa nghèo, vừa đầy nhắp các tu sĩ của các tôn giáo, và nhiều con người muốn hy sinh cuộc đời cho cách mạng và chính trị như vậy. Còn dân Nam thì ưa nhậu. Và khi nào xỉn xỉn lên là hay ca vọng cổ. Tôi đề nghị là Sài gòn nên đặt tên cho đúng bản chất của nó và con người ở đó: thành phố Nhậu. Khi nhậu say lên là dân Nam ta nói chuyện làm báo. Vì báo chí là một kiểu nhậu khác – nhậu văn chương.

Nhưng dân Việt cả ba miền, viết văn, làm thơ, hay là làm báo, đều cũng chỉ là một loại: thứ mắc bệnh văn chương. Dân Bắc bây giờ bị đồng hóa bởi dân Nam qua cái bệnh nhậu, bệnh làm báo. Thử hỏi: nếu cái niềm vui duy nhất – và cao nhất – của dân Bắc bây giờ là ngồi bệt xuống chiếu bên bờ đê sông Hồng để ăn thịt chó và uống bia hay rượu đế, thì mần răng mà dân ta có tư tưởng cho được? Không những chỉ ở ngoài Bắc, mà là cả nước, đi đâu cũng là những bàn nhậu ồn ào, ăn tục nói phét, mà ở đó con người hành động thiếu tư cách, thiếu nhân phẩm, hạ cấp. (...)

Hãy đứng lên và bước ra khỏi vũng bùn của sự kiện – cái văn chương tào lao – để bước đi.

Độc giả có thể quay lại những phần trước, đọc vài câu trong những tác phẩm triết học của ông NHL để biết về văn phong trong những tác phẩm của ông. Chỉ có điều, trước khi bước chân vào cánh cửa tâm thời cơ thức của triết học thời quán do ông NHL phác thảo, độc giả có thể sẽ phải nắm lấy thời vận dùng cái trí năng để vượt qua cái năng lực dục thức và lí trí tiểu thể đang gào thét, kêu rên quằn quại vì bị tra tấn bởi những cơn lũ thuật ngữ – What is this, these are floods of terms! – đang tuôn ra như vỡ đập từ những tác phẩm uyên nguyên, điêu luyện chứa đầy Ngã thể của ông NHL. Sau khi đọc các tác phẩm tuyệt vời này rồi, độc giả sẽ trực kiến được cái Trí năng Đại thể, tức cái Trí Huệ vượt qua cái Trí Tuệ bình thường, nhìn được cái cõi Cao hơn mà phàm nhân với ngã thức bình thường, kẻ vẫn đang bị hành hạ trong năng ý Khát sống trên con đường mò mẫm trở về Chân tâm Ngã thức, kẻ trong cơn say điên loạn nhất cũng không dám mơ về cái cõi Cao hơn kia. Lúc đó, độc giả sẽ được tiến hoá siêu nghiệm – Transcendental Enlightenment – thời quán của độc giả, một Thời Nhân, sẽ được hợp nhất với thời lý trong một thời ý tự phủ định chính mình qua một thời thức bốn chiều, một khoảnh khắc giác ngộ mà thời tính sẽ biến thành thời thể – the Shape of the Time – sau một thời lượng nhất định, tất cả chỉ cần độc giả sử dụng thời gian và thời giờ của mình để đọc cái thời triết sâu sắc hơn nhiều lần tất cả các loại thời báo đã được xuất bản trong toàn thể Thời-Không, chính là học thuyết Liêmism.

….

Sau đây, chúng tôi xin được viết tiếp bằng tiếng Việt.

Quan điểm của ông NHL văn học Việt Nam này được ông duy trì một thời gian dài mà không hề thay đổi. Trong cuốn Phác thảo được ông xuất bản gần 20 năm sau đó, ông viết:

“Tức là giữa hai bờ của khả năng đang có đối với lý tưởng muốn có, cái ta văn chương tiếng Việt chỉ có thể vươn đến tầm mức viết truyện ngắn, làm thơ hay phiên dịch các tác phẩm ngoại ngữ. Vì thế, giấc mơ hay hoài bão cao nhất, và thịnh hành nhất, cho một khối khá đông Trí thức Việt là được làm nhà thơ, nhà văn, dịch giả. Cả nước đi ra đường là gặp chỉ có anh hùng và thi sĩ.” (tr. 565)

Chúng tôi chỉ có một thắc mắc là nếu không được làm ‘nhà thơ’, ‘nhà văn’ để sáng tác, rồi cũng không được dịch các tác phẩm nước ngoài nốt thì người Việt Nam lấy đâu ra văn tiếng Việt để đọc? Đọc văn tiếng Việt ở cõi Cao hơn?

Nếu nói về tác phẩm văn học nổi tiếng nhất ở Việt Nam thì người ta hẳn sẽ nghĩ ngay đến Truyện Kiều. Để kết thúc, chúng ta sẽ nghe giáo sư NHL bình luận về tác phẩm này:[73]

“Mới đọc Truyện Kiều. Là nó ảnh hưởng một cái không khí tiêu cực. Tôi thấy cái Truyện Kiều là cái chuyện dở nhất.

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh ấy là ghét nhau.

Cái câu đó là sai từ cơ bản. Tại sao tài thì phải thay đổi cái mệnh của mình chứ, tại sao lại ‘ghét nhau’ rồi chấp nhận? Nhất là mấy bà, cứ đọc Truyện Kiều rồi bị thất tình, rồi cha mẹ mắng là ôm gối khóc, rồi cứ đọc Truyện Kiều cứ thâm nhiễm thêm cái bi quan, tiêu cực. Cuối cùng cuộc đời là vì chữ Hiếu rồi đi lấy chồng, rồi cuối cùng là tung thân xuống sông Tiền Đường tự tử chết, rồi mới được nhà sư... cô... sư gì... cứu lên. Mà câu chuyện đó có gì là nguyên thuỷ đâu, câu chuyện của người Tàu kia mà.

Rồi thơ tôi thấy cũng không hay gì hết. Thơ thì lâu lâu được vài câu hay, còn:

Thanh minh trong tiết tháng ba

Nào là tử ngộ ấy là đạo tiên

Rồi:

Sề sề ngọn cỏ ven đường

[ngọn thì gì gì] chữ vàng chữ xanh

Thơ như thơ trung học vậy đó! Tại sao rồi cứ thi hào, rồi đại thi hào, rồi kỉ niệm, rồi hội thảo khoa học. Rồi kinh nhất là nhà Phật của mình tôn sùng ông Linh [không rõ là ai] như là một cái gì... mà tôi thấy... nếu cái đời sống tâm linh, tâm thức và tri thức của con người Việt Nam mà cứ lấy Truyện Kiều như là một cái tiêu chuẩn, nó trở thành văn học, bây giờ nhìn đâu cũng thấy là văn chương bi đát thôi...”

 

2. ÂM NHẠC VIỆT NAM QUA CÁI NHÌN CỦA GS NHL

 

Ông NHL viết ít nhất hai bài bình luận về âm nhạc Việt Nam, đó là bài ‘Cái âm điệu tủi thân bi đát’ (7.2023) (xin đọc tại đây) và bài ‘Từ Lệ Thu đến Hồng Nhung – ba lần chết của nhạc Việt’ (18.1.2021) (xin đọc tại đây). Chúng tôi chỉ tóm tắt và ghi ra một vài trích đoạn. Trong bài ‘Cái âm điệu tủi thân bi đát’, ông NHL phê bình gay gắt nền âm nhạc người Việt ở hải ngoại, ông viết:

“Cái thứ tân nhạc được đem theo từ miền Nam trước 1975 qua đây và vẫn cứ tiếp tục là một dòng âm nhạc bi đát, yếu đuối, trống rỗng và băng hoại. (...)

Mà "đi vô, đi ra cũng thằng cha khi nãy" – cũng chừng đó ca sĩ, chừng đó emcees, chừng đó bản nhạc, và nhất là vẫn chừng đó cái âm điệu ai oán, bi đát rẻ tiền của các cô cậu ca nhạc sĩ Việt Nam hải ngoại.”

Để làm dẫn chứng cho lập luận của mình, ông NHL phê bình ba ‘ca sĩ hàng đầu’ của phái nữ là Khánh Hà, Khánh Ly và Ý Lan. Ông viết:

“Cũng một bài ca đó, mà khi Khánh Hà hát lên thì mức độ não nùng bi đát tăng lên gấp bội. Có những đoạn không đáng gì bi thảm, nhưng Khánh Hà cứ nức nở hóa một cách quá trớn, thành ra như tiếng khóc, trộn lẫn với một chất điệu yếu đuối, não nề. (...)

Cũng một bản nhạc đó, mà khi Ý Lan hát lên thì thành ra tức tưởi, bi ai – và đặc biệt là tính đĩ. (...) tiếng hát của Ý Lan là của văn hóa Bolsa, đầy nhộn nhịp của bầy kiến nhiều thương tích, nhưng hoàn toàn trống rỗng và vô vị.

Cũng một bài hát đó, của Trịnh Công Sơn chẳng hạn, nhưng khi Khánh Ly hát lên thì nó trở thành mê muội, lạc lõng. Cái giọng lè nhè của Khánh Ly không được cân bằng với một âm sức cao và mạnh để cứu lấy âm điệu cho toàn thể âm cảnh đã làm cho bản nhạc trở nên một sự đày đọa cho người nghe. Không ai phá nát nhạc Trịnh Công Sơn và làm mất âm hưởng của chúng hơn là Khánh Ly.”

Những ca sĩ này là đặc điểm đại diện cho tâm thức của một cộng đồng người Việt, ông NHL viết:

“Nhưng bách tính thiên hạ của người Việt ở Mỹ rất được thoả mãn với các giọng ca này. Vì sao? Vì tâm chất họ được thể hiện qua các giọng ca đó. Quần chúng nào thì âm nhạc đó; tâm thức nào thì ca sĩ đó. Khánh Hà, Ý Lan và Khánh Ly là những biểu tuợng âm thanh của một tập thể dân chúng muốn được ru mình bằng cái não nề, lẳng lơ, yếu đuối. Ðây là những bài văn tế cho những tâm hồn mất quê hương và mất nước.”

Ông NHL so sánh điều này với ‘âm nhạc mất nước của dân tộc Chàm’ đã thâm nhập vào Huế kể từ nhà Nguyễn.[74]

“Từ khi nhà Nguyễn thẩm nhập cái âm nhạc mất nước của dân tộc Chàm bằng những lời ca Huế thì triều đại này chỉ còn đi xuống dốc. Nghe nhạc Huế thì chỉ còn có muốn nhảy xuống sông Hương mà tự vận – cứ nghe thử nhạc của Dương Thiệu Tước thì biết. Một triều đại quyền lực, một trung tâm chính trị quốc gia lẫy lừng khi thống nhất đất nước mà từ khi bị nhiễm lấy cái vi khuẫn của loại nhạc "mất hồn" của dân Chàm thì chỉ cần một thời gian ngắn là cả hệ thống chính trị Việt Nam bị suy đồi từ tri thức cho đến ý chí, từ tình cảm cho đến nghệ thuật.”

Sau đó ông NHL so sánh âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại và âm nhạc trong nước:

“Tôi về Việt Nam và có dịp nghe các ca sĩ trong nước sau 1975 hát – như Mỹ Linh, Trần Thu Hà, như Hồng Ngọc, như Thu Phương. Cái khác hẳn là tính mạnh và sắc sảo của thế hệ âm nhạc mới này. Và vắng bóng hoàn toàn cái bi đát, não nùng. Có phải chăng các ca sĩ này biểu lộ được tâm thức và ý chí của những kẻ chiến thắng – từ vô thức tập thể? Dĩ nhiên, đây không phải là một chính sách văn hóa của chính quyền. Cái mạnh và tự tin của các lời ca mới đại diện cho cái collective unconscious­ness của phe thắng cuộc.”

Không thể thiếu được trong các bài viết của ông NHL là các khái niệm triết học Đông-Tây được sử dụng một cách tuỳ tiện (dù ông NHL không hiểu gì về chúng), nên trong đoạn kết, ông bắt đầu nói về Socrates, Khổng Tử, Nietzsche, ‘logos của tâm thức’, ‘cõi hiện hữu’, ‘amor fati’ ... Chúng tôi sẽ không trích lại đoạn này ở đây nữa.

Gần 20 năm sau, ông NHL lại bàn về tân nhạc Việt Nam trong bài ‘Từ Lệ Thu đến Hồng Nhung – ba lần chết của nhạc Việt’. Cùng nói về một đối tượng (âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại), lần này ý kiến của ông NHL quay ngoắt 180 độ.

Mở đầu, sau khi lẩy hai câu Kiều, một tác phẩm ‘thơ trung học’ ‘dở nhất’, ông trích lời Nguyễn Ánh 9 phê bình một số ca sĩ, ‘Hồng Nhung, hay Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều là những ca sĩ được đào tạo bài bản, nhưng chính kỹ năng của họ đã giết chết âm nhạc khi trình diễn’ (có lẽ ‘tính mạnh’ và ‘sắc sảo’ của họ đã biến mất’). Giọng của Hồng Nhung, Bằng Kiều ‘mang âm hưởng của cái gì đó không thật, nghe ra thì nông cạn – và nhất là cái âm sắc giả dối’.

Bây giờ, ông NHL bắt đầu khen nền tân nhạc miền Nam trước 75 là ‘có nhiều nhạc sĩ ở tầm cao’, như Phạm Duy, Lê Thương, Cung Tiến, Ngô Thuỵ Miên, v.v. Nhưng chẳng phải chính ông NHL trước kia viết rằng: ‘Cái thứ tân nhạc được đem theo từ miền Nam trước 1975 qua đây và vẫn cứ tiếp tục là một dòng âm nhạc bi đát, yếu đuối, trống rỗng và băng hoại’. Tại sao vẫn là dòng nhạc đó đang ‘bi đát’, ‘băng hoại’ giờ lại thành ‘ở tầm cao’? Sau đó ông tuyên bố ở miền Nam Việt Nam trước kia chỉ có hai người xứng đáng là ca sĩ, ‘[đ]ó là Lệ Thu và Chế Linh’.

“Lệ Thu là biểu trưng một thể loại nhân cách, tầm mức ưu hạng từ tri thức đến giọng nói, của một tâm hồn miền Bắc trước 1954 di cư vào Nam; trong khi Chế Linh là một niềm rung cảm từ một văn minh đã bị diệt vong của miền Trung mà giọng ca ngọt ngào và chân tình bi đát của anh phản chiếu một âm hưởng bi hùng ở nơi một linh hồn vong quốc.”

Nhưng không phải trước kia thì chính ông NHL viết rằng âm nhạc ‘dân tộc Chàm’ là ‘âm nhạc mất nước’, được ông so sánh như là một loại dịch bệnh truyền nhiễm, ‘cái vi khuẫn [khuẩn] của loại nhạc "mất hồn" của dân Chàm’, một loại bệnh ác tính đến độ làm cho cả hệ thống Việt Nam ‘bị suy đồi từ tri thức cho đến ý chí, từ tình cảm cho đến nghệ thuật’. Tại sao bây giờ ông NHL lại ca tụng giọng ca của Chế Linh, liên quan đến dân tộc Chàm, là ‘ngọt ngào’, ‘chân tình bi đát’, một ‘âm hưởng bi hùng’? Chúng tôi tưởng theo ông NHL thì ‘âm nhạc Chàm’ là một thứ virus làm huỷ diệt tất cả và là nguyên nhân khiến Việt Nam ‘mất nước’?

Sau đó ông NHL viết:

“Trong khi đó, ở miền Bắc từ 1954, sau cái Thời của nhạc Tiền chiến và Văn Cao, khi mà năng lực quốc gia chỉ để dành cho chiến tranh, ta chỉ còn thấy một sa mạc hoang vu cho tân nhạc và ca sĩ.”

Một là, cách phân chia giai đoạn âm nhạc của ông NHL rất kì lạ khi ông ghi ‘Thời của nhạc Tiền chiến và Văn Cao’. Những người nghe nhạc Việt Nam có lẽ sẽ đồng tình là những sáng tác của Văn Cao có thể được chia làm hai nhóm, nhóm những ca khúc lãng mạn và nhóm những ca khúc liên quan đến phong trào nhân dân, cách mạng. Ở đây có thể ông NHL chỉ muốn nói đến những ca khúc lãng mạn của Văn Cao (tức các ca khúc không liên quan gì đến chiến tranh), nhưng như vậy thì các ca khúc này đều thuộc về thời âm nhạc tiền chiến, như Buồn tàn thu (1939), Thiên Thai (1941), Cung đàn xưa (1942), Trương Chi (1942), Bến xuân (1942), Suối mơ (1943). Tại sao lại viết ‘thời của nhạc Tiền chiến và Văn Cao’? Thêm vào đó, sau năm 1954, ở miền Bắc ít nhất vẫn còn một nhạc sĩ sáng tác ca khúc lãng mạn nổi tiếng là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và người bạn ông đề tên chung là Từ Linh. Một số ca khúc nổi tiếng của ông sau năm 1954 là Lá đổ muôn chiều (1954), Tà áo xanh (1955), Vàng phai mấy lá (1955), Gửi người em gái miền Nam (1957), nhiều trong số bài hát này được biểu diễn ở cả hai miền Nam-Bắc, dù phần lời thường bị thay đổi để phù hợp với các yếu tố chính trị.[75]

Sau đó, ông viết tiếp về nguồn gốc giọng hát của các ca sĩ mà ông đã một thời khen ngợi:

Từ trong hoang mạc âm thanh đó, những Bằng Kiều, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh phát sinh. (...) Cho dù Hồng Nhung, hay Thanh Lam, Mỹ Linh, có cố gắng bao nhiêu đi nữa thì họ cũng sẽ không khai mở và chuyên chở được giòng mạch ngầm linh cảm của nhạc Trịnh được.

Vậy là nghệ thuật của ca sĩ Mỹ Linh mọc lên từ một cái ‘hoang mạc âm thanh’. Nhưng trước kia thì ông NHL đã viết về ca sĩ này là: ‘Cái khác hẳn là tính mạnh và sắc sảo của thế hệ âm nhạc mới này. Và vắng bóng hoàn toàn cái bi đát, não nùng. Có phải chăng các ca sĩ này biểu lộ được tâm thức và ý chí của những kẻ chiến thắng – từ vô thức tập thể?’ Vậy hoá ra ‘tâm thức và ý chí của những kẻ chiến thắng’ là ‘hoang mạc âm thanh’?

Sau đó thì ông NHL viết tiếp về tình hình âm nhạc của Việt Nam như sau:

“Hằng đêm, khi ta đi vào bất cứ ngõ phố nào, làng quê nào, thì các loa karaoke inh ỏi cũng muốn bắt chước Hồng Nhung, Bằng Kiều để mà giết chết Chế Linh và Lệ Thu. Trong thao thức vì mất cơn ngủ bởi đám ca sĩ miệt vườn eo éo thâu đêm bên hàng dậu, ta mới cảm nhận được cái ý từ câu ca của nhà Trịnh, “Người chết (ba) lần thịt da nát tan.””

Và kết bài ông viết:

“Cho nên khi nghe tin Lệ Thu vừa qua đời ở California, chúng ta phải cùng tiếc nuối. Bởi vì, cái chết của Chị là dấu ngoặc cho một Thời Quán âm nhạc Việt Nam đã đi qua và không bao giờ trở lại. Nhạc Việt đã bị giết chết từ lâu. Kể từ nay sẽ không còn một Lệ Thu, một Chế Linh nào cho chúng ta nghe và đồng cảm nữa.”

Vậy là bài viết này ông NHL tôn vinh Lệ Thu và Chế Linh, hai ca sĩ duy nhất của một nền âm nhạc ‘ở tầm cao’ như ông NHL viết. Nhưng ông NHL có nhận ra là hai ca sĩ này cũng thuộc về cái ‘thứ âm nhạc hải ngoại’ mà ông từng nhận xét là ‘bi đát, yếu đuối, trống rỗng và băng hoại’? Ba ca sĩ có giọng hát ‘não nề’, ‘lẳng lơ’, ‘yếu đuối’ từng được ông NHL nhắc đến là Khánh Hà, Ý Lan, Khánh Ly. Ca sĩ Lệ Thu (1943–2021) và Chế Linh (1942–) thuộc cùng vào với thế hệ của ca sĩ Khánh Ly (1945–), Ý Lan (1958–) và Khánh Hà (1953–) là hai ca sĩ của thế hệ sau. Tại sao trước kia khi viết về âm nhạc ở hải ngoại thì ông NHL chọn ra Khánh Hà, Ý Lan, Khánh Ly (với những giọng hát ‘não nùng’, ‘tức tưởi’, ‘mê muội’, ‘lè nhè’, ‘vô vị’) để phê phán, giờ thì ông lấy Lệ Thu và Chế Linh, cũng thuộc về nền âm nhạc đó, ra để chứng minh rằng đây là nền âm nhạc độc nhất vô nhị, không thể quay trở lại nữa?

Chúng tôi thấy khó hiểu về sự thay đổi quan điểm 180 độ cho cùng một chủ đề (âm nhạc miền Nam Việt Nam ở hải ngoại sau năm 1975). Chúng tôi không nghĩ rằng đây là biểu hiện của chứng mất trí nhớ, vì ông NHL vẫn giữ và không thay đổi quan điểm Việt Nam chỉ có một văn hoá ‘văn chương tào lao’ trong suốt 20 năm. Có lẽ sự thay đổi quan điểm này là biểu hiện của một sự tráo trở thì đúng hơn. Có thể vào những năm 2000, để chuẩn bị trước cho những chuyến trở lại Việt Nam của mình, ông NHL viết bài phê bình nền âm nhạc èo uột, bèo bọt, não nề ở hải ngoại rồi tung hô các ca sĩ trong nội địa. Rồi sau này, có thể là vì không còn lợi ích gì ở Việt Nam nữa, ông ‘quay xe’, chuyển sang tâng bốc nền âm nhạc hải ngoại nói trên thành một nền âm nhạc tuyệt phẩm, ‘độc nhất vô nhị’, còn âm nhạc trong nước là hoang vu, khô cằn, đầy thứ ‘âm sắc giả dối’.

Ở đây chúng tôi chưa bàn đến tuyên bố của ông NHL rằng nền âm nhạc miền Nam Việt Nam chỉ có hai ca sĩ là Lệ Thu và Chế Linh. Những người quan tâm đến tân nhạc Việt Nam đều biết ông NHL đã bỏ qua một loạt các ca sĩ nổi bật khác như Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao, Hà Thanh, nam ca sĩ Anh Ngọc ‘Tiếng hát trượng phu’ và nhất là ‘đệ nhất danh ca’ Thái Thanh, người duy nhất mà ca sĩ Lệ Thu ngả mũ kính nể theo lời kể của chính bà. Ông NHL thích Lệ Thu và Chế Linh cũng được, nhưng ông không nên tuyên bố sở thích của mình như là một sự thật triết lí giống như trên.

Chưa kể, những ca sĩ mà ông NHL nhắc đến mới chỉ là một khía cạnh rất nhỏ của âm nhạc Việt Nam, ông NHL không có cơ sở gì để lấy một khía cạnh rất nhỏ (mà ông cũng chưa hiểu hết nốt) để đánh giá tâm thức của cả đất nước Việt Nam. Âm nhạc Việt Nam không phải chỉ có mỗi ‘bolero’, ‘nhạc vàng’, ‘nhạc sến’, như người ta thường gọi một cách nôm na, nền tân nhạc Việt Nam mà khởi đầu là âm nhạc tiền chiến là một nền âm nhạc đa dạng phong phú. Người ta cứ thử nghe các sáng tác trải dài trên đủ các thể loại khác nhau của nhạc sĩ Phạm Duy thì sẽ biết. Ngay cả các ca khúc hùng ca, âm nhạc cách mạng cũng có giá trị nghệ thuật của nó. Đó là mới chỉ là tân nhạc, Việt Nam còn có âm nhạc truyền thống, ‘cổ nhạc’, những làn điệu dân ca, những loại hình sân khấu cổ truyền. Không thể không nhắc đến là nhã nhạc cung đình Huế, một di sản văn hoá UNESCO. Những dân tộc không phải dân tộc Kinh cũng có âm nhạc của riêng họ, nổi bật nhất là những bản nhạc cho cồng, chiêng trong không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên hay nghệ thuật hát Then của các dân tộc miền núi phía Bắc, hai vùng đất không tồn tại trong thuyết ‘chakra Việt Nam’ của ông NHL. Bên cạnh thanh nhạc (vocal music), âm nhạc Việt Nam cũng có cả khí nhạc (instrumental music), với các sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Việt, Hoàng Dương, Trọng Bằng, Đàm Linh hay gần đây hơn là Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc v.v. Nền âm nhạc hiện đại Việt Nam, cả khí nhạc và tân nhạc, cũng rất đa dạng. Ông NHL có phân biệt được giữa ‘những thứ mà ông biết’ và ‘những thứ thực sự đang tồn tại’ hay không để mà lúc nào cũng khái quát hoá một khía cạnh rất nhỏ lên thành ‘tâm thức’, ‘ngã thể’ của người Việt nói chung? Chẳng lẽ một người tự nhận mình là ‘giáo sư triết học’ lại có thể phát biểu hồ đồ, hấp tấp và vô căn cứ như thế?

Để nói rõ, chúng tôi không nói là phải khen Việt Nam hết mình theo kiểu ‘người Việt cao quý’, cái gì của Việt Nam cũng là hay, âm nhạc Việt Nam là tuyệt hảo nhất thế giới, v.v. Nền văn hoá nào cũng có cái được, cái chưa được, ai, thuộc về nền văn hoá nào, cùng đều cần nhìn nhận một cách phê phán (critical) đối với nền văn hoá mình thuộc về. Ngay cả đối với Truyện Kiều, các học giả đã tranh luận về giá trị của tác phẩm này từ lâu, như cuộc tranh luận giữa Phạm Quỳnh và Phan Khôi chẳng hạn. Song không có ai bàn về Truyện Kiều mà không biết nghĩa của từ Hán-Việt, trích được ba cặp câu Kiều sai hết cả ba rồi nói tác phẩm này là ‘thơ trung học’ như ‘giáo sư’ NHL. Chúng tôi cũng không chấp nhận một thứ chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa dân tộc méo mó, cực đoan, không chỉ riêng với Việt Nam mà là với tất cả các quốc gia trên thế giới. Như đã nói, chúng ta phải phân tích để nhìn nhận một cách phê phán đối với văn hoá Việt Nam, nhưng không phải theo cách phiến diện và ngớ ngẩn như là ‘giáo sư triết học’ NHL đang làm.

Nếu có thứ gì xuyên suốt các phát biểu của ông NHL về Việt Nam thì chắc đó là thái độ khinh người và một sự phân biệt vùng miền không lẫn đi đâu được. Người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long thì ‘thiếu ý chí’, ‘không có tham vọng’ tri thức, người dân Huế thì ‘u uất’, có cái giọng nói ‘nghe đã thấy mệt’, dân gốc Quảng Trị, Quảng Nam thì ‘vừa nghèo’, ‘vừa đầy nhắp các tu sĩ của các tôn giáo’. Văn hoá duy nhất mà Việt Nam có là một thứ ‘văn chương tào lao’. Người miền Bắc hay viết văn thì ‘mang cái bệnh đểu’, ‘nói cay, nói đắng’, mà điển hình như là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Người miền Trung thì có ‘cái máu thi ca vớ vẩn’, chắc điển hình là Truyện Kiều, thứ ‘thơ trung học’ thuộc loại ‘dở nhất’. Dân miền Nam ‘ưa nhậu’ thì hay viết báo, vì báo chí là một kiểu ‘nhậu văn chương’. Nói chung, ‘cả nước, đi đâu cũng là những bàn nhậu ồn ào, ăn tục nói phét, mà ở đó con người hành động thiếu tư cách, thiếu nhân phẩm, hạ cấp’.

Lúc nào ông NHL nói về người Việt là ông sẽ sử dụng ngay mấy chữ ‘làm thơ’, với ‘awaken’. Ví dụ, ông nói:[76]

“Bởi vậy học Triết là tôi dạy luôn cái logic và critical thinking. Con người Việt Nam mình chung chung là làm thơ, nói mơ mơ hồ hồ thì được thôi, chứ còn suy luận cho nó thấu đáo, cho nó logic, đến nơi đến chốn thì phải qua một cái quá trình awakening, thức tỉnh của tri thức, đầu óc u u mờ mờ ưa làm thơ, suốt ngày ước mơ lớn nhất là trở thành thi sĩ thì không bao giờ mình có khả năng để lí luận được.”

Chúng tôi hi vọng là ông NHL sẽ làm gương cho người Việt với cái ‘suy luận thấu đáo’, ‘đến nơi đến chốn’ bằng cách học từ Hán-Việt để biết Long Thọ không phải con rồng già, Verstand không đọc là ‘vơ-đen’, xem bản đồ thế giới để biết Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không nằm ở phía Đông nước Anh, trong Truyện Kiều không có câu ‘nào là tử ngộ ấy là đạo tiên’ hay Dương Thiệu Tước không phải người Huế. Mặt khác, ông cũng có thể biên soạn một quyển Từ điển Nguyễn Hữu Liêm để mọi người biết được ‘thời quán’, ‘năng thức’, ‘năng ý’, ‘dục thức’, ‘trí năng’, v.v. thực sự có nghĩa là gì vì hiện giờ thì những từ này, do chính ông NHL chế ra, đang được sử dụng một cách rất lộn xộn. Ông NHL còn chưa ‘thức tỉnh’ thì người Việt Nam nào có thể ‘thức tỉnh’ được đây?

V. KẾT LUẬN

 

Trong phần này, chúng tôi đã trình bày và phân tích một số học thuyết triết học mà ông NHL đã đề xuất và giảng dạy. Ông NHL sử dụng học thuyết lịch sử của Hegel, thứ từ lâu đã bị phê phán trong giới khoa học cả về mặt lí thuyết lẫn tính chất phân biệt chủng tộc của nó, làm cơ sở cho thuyết Liêmism của mình. Song như đã được chỉ ra, thuyết Liêmism của ông cũng chứa đầy những mâu thuẫn, trong đó mâu thuẫn nổi bật nhất có lẽ là các xác định những ‘thời quán’, một khái niệm của ông NHL mà đến nay vẫn chưa được cắt nghĩa rõ ràng. Sau đó, ông NHL áp dụng học thuyết lịch sử của Hegel để tạo ra một học thuyết xa luân (cakra) có tính phân biệt vùng miền của chính mình, thứ một lần nữa cũng không có cơ sở gì cả. Chúng tôi cũng nhắc đến một số quan điểm của ông NHL về văn hoá, trong hai khía cạnh là văn chương và âm nhạc, cũng lại là hai lĩnh vực mà ông NHL không hề có kiến thức gì cho đàng hoàng. Dù vậy, ông lại rất mạnh miệng biến những ý kiến chủ quan của mình thành những sự thật triết học cho toàn bộ người dân Việt Nam, bằng cách trộn lẫn những quan điểm thuần tuý cá nhân của ông với các thuật ngữ triết học như logos, tinh thần, Socrates, Nietzsche, v.v. Nhưng tất cả những điều trên đã được dự báo từ trước, vì như đã được chỉ ra trong phần B, ông NHL có một trình độ ngôn ngữ tệ hại đến độ không thể đọc hiểu được một văn bản đơn giản (như của Feyerabend), song lại có cái sở thích kì lạ là đi viết, đi phát biểu về những gì mình không hề biết.

Sau khi đã xem xét những gì ông sáng tác, tới đây chúng ta sẽ xem xét những gì ông NHL viết về các triết gia khác và qua đó đánh giá trình độ triết học thực sự của vị giáo sư này.


[54] Xin xem tại đây, 40:06 và 43:05.

[55] Để đơn giản hoá, chúng tôi sẽ dùng biên giới và tên gọi hiện đại của những nước đang được đề cập đến ở đây, dù chắc chắn rằng đây là những yếu tố thay đổi xuyên suốt trong lịch sử.

[56] Nguyên văn: ‘Zunächst ist hier nun auf die Natürlichkeiten Rücksicht zu nehmen, die ein für allemal von der weltgeschichtlichen Bewegung auszuschließen wären: in der kalten und in der heißen Zone kann der Boden weltgeschichtlicher Völker nicht sein (...) Aber in jenem Extrem der Zonen kann die Not wohl nie aufhören und niemals abgewendet werden, der Mensch ist beständig darauf angewiesen, seine Aufmerksam­keit auf die Natur zu richten, auf die glühenden Strahlen der Sonne und den eisigen Frost’ (Triết học lịch sử, tr. 43).

[57] ‘Der wahre Schauplatz für die Weltgeschichte ist daher die gemäßigte Zone, und zwar ist es der nördliche Teil derselben, weil die Erde sich hier kontinental verhält und eine breite Brust hat, wie die Griechen sagen’ (Triết học lịch sử, tr. 43).

[58] ‘Die Welt wird in die Alte und Neue geteilt, und zwar ist der Namen der neuen daher gekommen, weil Amerika und Australien uns erst spät bekannt geworden sind. Aber diese Weltteile sind nicht nur relativ neu, sondern überhaupt neu, in Ansehung ihrer ganzen physischen und geistigen Beschaffenheit. Ihr geologisches Altertum geht uns nichts an. Ich will ihr die Ehre nicht absprechen, daß sie nicht auch gleich bei Erschaffung der Welt dem Meere enthoben worden sei. Doch zeigt das Inselmeer zwischen Südamerika und Asien eine physische Unreife.’

[59] Nguyên văn: ‘Physisch und geistig ohnmächtig hat sich Amerika immer gezeigt und zeigt sich noch so. Denn die Eingeborenen sind, nachdem die Europäer in Amerika landeten, allmählich an dem Hauche der europäischen Tätigkeit untergegangen. In den nordamerikanischen Freistaaten sind alle Bürger europäische Abkömmlinge, mit denen sich die alten Einwohner nicht vermischen konnten, sondern zurückgedrängt wurden. Einige Künste haben die Eingeborenen allerdings von den Europäern ange­nommen, unter andren die des Branntweintrinkens, die eine zerstörende Wirkung auf sie hervorbrachte’ (Triết học lịch sử, tr. 44).

[60] Nguyên văn: ‘Die Schwäche des amerikanischen Naturells war ein Hauptgrund dazu, die Neger nach Amerika zu bringen, um durch deren Kräfte die Arbeiten verrichten zu lassen; denn die Neger sind weit empfänglicher für europäische Kultur als die Indianer, und ein englischer Reisender hat Beispiele angeführt, daß Neger geschickte Geistliche, Ärzte usw. geworden sind (ein Neger hat zuerst die Anwendung der Chinarinde gefunden), während ihm nur ein einziger Eingeborner bekannt ist, der es dahin brachte, zu studieren, aber bald am Übergenusse des Branntweins gestorben war’ (Triết học lịch sử, tr. 44).

[61] Nguyên văn: ‘Der Gedanke der Unsterblichkeit liegt darin, daß der Mensch denkend ist, in seiner Freiheit bei sich selbst; so ist er schlechthin unabhängig, ein Anderes kann nicht in seine Freiheit einbrechen; er bezieht sich nur auf sich selbst, ein Anderes kann sich nicht in ihm geltend machen’ (Religion, tr. 574).

[62] Về chủ đề Hegel và Phật giáo, xin tham khảo thêm bài: Han, Byung-Chul. ‘HEGELS BUDDHISMUS’ Hegel-Jahrbuch, vol. 2004, no. 1, 2004, pp. 298–302.

[63] Nguyên văn: ‘Dies ist der Charakter des chinesischen Volkes nach allen Seiten hin. Das Ausgezeichnete desselben ist, daß alles, was zum Geist gehört, freie Sittlichkeit, Moralität, Gemüt, innere Religion, Wissenschaft und eigentliche Kunst, entfernt ist’ (Hegel: Band 12, S. 173 f.).

[64] Xin xem tại chỗ này, 1:00:45

[65] Xin xem tại đây, 1:06:21

[66] The History of Western Philosophy, trang 727.

[67] Cách gọi ‘luân xa’ cho cakra (viết tả âm theo Anh văn chakra) như ông NHL dùng là là không chính xác dù đây là cách gọi phổ biến, cakra nên được gọi là ‘xa luân’ vì đây là cấu trúc Hán–Việt. Cakra cũng được gọi là mạch luân 脈輪 hoặc trung khu 中區 ‘khu vực trung tâm’.

[68] Xin nghe tại đây, 46:05.

[69] Nguồn hình ảnh tại: [1], [2], [3]

[70] Xin nghe tại đây, 47:37.

[71] Thêm một vài thông tin thú vị thì Dương Thiệu Tước là cháu nội nhà thơ Dương Khuê (Khóc Dương Khuê, Nguyễn Khuyến), có họ hàng với nhạc sĩ Dương Thụ.

[72] Xin đọc tại Dân Việt.

[73] Xem tại đây, 43:43

[74] Đây là một chi tiết sai về mặt lịch sử, xin xem thêm bài này.

[75] Nhân nhắc đến hai gương mặt nhạc sĩ nổi bật ở miền Bắc này, có một sự trùng hợp thú vị là ngày mất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (15.11.2001) giống với ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (15.11.1923). Nhạc sĩ Văn Cao mất năm 1995, trong băng VCD ‘Buổi sáng có trong sự thật’, thước phim tài liệu cuối cùng về ông, chúng ta có thể thấy hình ảnh nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đang được dìu đến chỗ đặt linh cữu của Văn Cao. (Xem tại đây) Hiện giờ, chúng tôi chỉ biết đây là đoạn tư liệu ghi hình duy nhất cho tang lễ của nhạc sĩ Văn Cao.

[76] Xin nghe tại đây, 53:21