Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

Hiện tượng Nguyễn Hữu Liêm (2)

 

Bảo Tích

 

B. CƠ SỞ KIẾN THỨC CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN HỮU LIÊM

 

Trong phần trước, chúng ta đã được thấy trình độ ngôn ngữ không chắc chắn của ông NHL. Một điều tất nhiên là với trình độ ngôn ngữ thấp như vậy thì ông NHL không thể tìm hiểu và nghiên cứu triết học theo đúng tiêu chuẩn học thuật, vì ông không đọc được ngôn ngữ gốc của tác phẩm và không hiểu chính xác nghĩa của các từ mình đang sử dụng. Phần này sẽ phân tích rõ hơn những gì ông NHL đã viết để cho thấy trình độ kiến thức nói chung của ông NHL rất yếu kém, cả trong lĩnh vực triết học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội-nhân văn. Những triết thuyết mà ông NHL lập ra cũng chứa không ít mâu thuẫn và những sắc thái phản khoa học. Dẫn chứng trong phần này chủ yếu được lấy từ cuốn Phác thảo, tác phẩm mới nhất của ông NHL. Song bên cạnh đó, chúng tôi cũng lấy ra những trích đoạn khác từ các tác phẩm khác của ông NHL như Dân chủ Pháp trị, Thời Tính và Sử Tính, để cho thấy những lỗi sai của ông NHL là những lỗi sai có hệ thống và xuất hiện xuyên suốt các tác phẩm của ông. Một nguồn tư liệu khác cho phần này là các bài viết của ông NHL về triết học, được đăng trên Tạp chí Triết học và Tư tưởng, nơi ông hiện đang là chủ biên.

I. THẾ NÀO LÀ LÀM VIỆC MỘT CÁCH KHOA HỌC TRONG TRIẾT HỌC?

Triết học hiện nay được xếp vào một trong những bộ môn khoa học xã hội và nhân văn, với những tiêu chuẩn học thuật rõ ràng. Rõ ràng, triết học không phải là kể chuyện ‘trên trời dưới biển’, phát ngôn không tuân theo một chuẩn mực gì, hay liên tục nói ra những điều không thể kiểm chứng được bằng bất cứ hình thức nào. Các tiêu chuẩn khoa học khi học và nghiên cứu triết học là những điều mà hầu như mọi sinh viên được đào tạo bài bản về môn học này đều phải biết. Dưới đây là một số tiêu chuẩn cụ thể tạo nên tính khoa học khi làm việc với triết học nói riêng và các ngành khoa học nói chung, trích từ tài liệu của khoa Khoa học nhân văn (Humanwissenschaft­liche Fakultät) tại Đại học Köln.[19]

1. Hoạt động tư duy độc lập: Biện luận cường độ cao (intensiv) với những tài sản tư tưởng (Gedankengut) không phải của chính mình: thiết lập những mối quan hệ, thảo luận về tính khái niệm (Begrifflichkeit) và các định nghĩa, phê phán các cách lập luận, phát triển và giải thích những quan điểm của bản thân.

2. Quy trình làm việc có định hướng và được kiểm soát về mặt phương pháp: Cấu trúc và cách chia đoạn tuân theo một trình tự logic nội tại, thứ được tác giả nêu ra và giải thích.

3. Tính hữu hiệu phổ quát (Allgemeingültigkeit): — Tính khách quan (Objektivität): Các kết quả thu được là độc lập với cá nhân (Person) của người làm việc khoa học; — Tính hữu hiệu (Validität): Một công trình (Arbeit) là hữu hiệu, khi nó nghiên cứu hoặc định lượng chính xác thứ mà nó tuyên bố sẽ nghiên cứu hoặc định lượng; — Tính đáng tin cậy (Reliabilität): Quy trình được thực hiện dưới những điều kiện giống nhau sẽ cho ra những kết quả giống nhau.

4. Đặt cơ sở cho những phát biểu (Fundierung der Aussagen): Những chuỗi lập luận (Argumentationsstränge) là chi tiết và có chiều sâu.

5. Cách hành văn: Cách hành văn là có thể hiểu được (verständlich) và chính xác.

6. Tính minh xác về mặt khái niệm (Begriffsklarheit): Những khái niệm cơ bản được giải thích tường tận và thảo luận.

7. Các khía cạnh hình thức và kĩ thuật: Trích dẫn, paraphrase...

8. Tính trung thực: Tất cả những tài sản tư tưởng không phải của chính mình phải được ghi rõ.

Có nhiều cách trình bày khác để trình bày các tiêu chuẩn khoa học này, nhưng nội dung cốt lõi của chúng về bản chất là không khác nhau. Những tiêu chuẩn này được ghi rõ ràng ở đây để cung cấp thông tin cho một số độc giả không quen thuộc với lĩnh vực này. Chính ông NHL cũng thường liên tục nhấn mạnh tính khoa học và hàn lâm của triết học. Chẳng hạn, trong Tạp chí Triết số 5, ông NHL viết:

“Triết học thuộc về lãnh vực chuyên ngành, mang tính học thuật cao, đòi hỏi trình độ và phẩm chất hàn lâm – và người tham dự phải đã được huấn luyện theo tiêu chuẩn khoa học. Triết không như văn chương hay thi ca vốn tràn ngập các diễn đàn tiếng Việt từ trong nước đến hải ngoại bấy lâu nay. Ai trong người Việt cũng có thể viết truyện ngắn, bút ký, sáng tác thơ – nhưng nếu không được huấn luyện chuyên môn trong ngành Triết thì không thể hiểu Triết hay viết Triết. (...) Triết là một khoa học như các nghành khoa học Tây phương khác vốn đặt cơ sở trên lý luận, logic, và theo quy tắc và nguyên lý học thuật mà truyền thống Triết học thế giới đã xây dựng từ hằng ngàn năm qua.”[20]

Hoặc ông NHL viết như sau trong Tạp chí triết số 7:

“Triết học, lần nữa, không phải là thi ca, văn chương mà chữ viết thường được dùng như là những vòng hoa trang điểm cá nhân. Mà hơn nữa. Triết học là nỗi thao thức trong tinh thần nghiêm chỉnh theo chuẩn mực học thuật về những vấn đề rất thực tế mà kẻ trí phải tìm cách khai mở bằng lý tính và phương pháp luận cũng như diễn đạt đúng tiêu chỉ” [sic].

Khi ông NHL nhấn mạnh những đặc điểm ‘đặt cơ sở trên lý luận, logic, và theo quy tắc và nguyên lý học thuật’ hay ‘nghiêm chỉnh theo chuẩn mực học thuật”, ‘phương pháp luận’, người ta được phép kì vọng rằng những tác phẩm và bài viết về chủ đề triết học của ông NHL cũng phải đạt những tiêu chuẩn này. Đáng tiếc, tính khoa học là một thứ không thể được tìm thấy trong tác phẩm và các bài viết của ông NHL.

Như đã nói, sự rõ ràng của các thuật ngữ được sử dụng, giải thích chính xác các khái niệm, diễn giải đúng những tài liệu được trích dẫn là các yếu tố cơ bản của khoa học. Ngược lại, trong những tác phẩm của ông NHL, người ta sẽ thấy một sự thiếu nhất quán của các thuật ngữ, có những thuật ngữ do ông NHL tạo ra mà ông cũng không biết từ đó có nghĩa gì, những khái niệm khoa học bị bóp méo và giải thích sai, nguồn gốc những dẫn chứng được ông NHL đưa ra cũng không tuân theo một quy tắc và tiêu chuẩn nào. Những ‘triết thuyết’ mà ông NHL đưa ra đôi khi không là gì khác ngoài một sự tưởng tượng hoặc liên tưởng không có cơ sở. Chúng ta sẽ phân tích những điều này trong các phần sắp tới.

II. CƠ SỞ KIẾN THỨC CỦA GS NHL

Phần này sẽ phân tích những tác phẩm mà ông NHL đã viết, đặc biệt là các tác phẩm được ông công bố trong thời gian gần đây. Độc giả nếu như đã từng đọc một tác phẩm nào đó của ông NHL thì sẽ bắt gặp ngay một hệ thống các thuật ngữ ‘Hán-Việt’ dày đặc và không kém phần lạ lùng của tác giả. Phần đầu tiên của chương này sẽ đề cập đến vấn đề sử dụng thuật ngữ của ông NHL; tính từ nhẹ nhàng nhất để miêu tả hệ thống thuật ngữ của ông NHL có lẽ sẽ là tính từ ‘lộn xộn’. Sau đó, cơ sở kiến thức của ông NHL sẽ được xem xét, thông qua việc xem xét cách ông NHL đọc hiểu những văn bản của các nhà triết học khác nhau. Cuối cùng, cách ông NHL đọc hiểu và phân tích các chủ đề liên quan đến khoa học tự nhiên sẽ được bàn luận.

1. CÁCH SỬ DỤNG THUẬT NGỮ TRIẾT HỌC CỦA GS NHL

A. GS NHL VÀ TỪ GEIST

Trong triết học, việc sử dụng những thuật ngữ một cách rõ ràng và nhất quán là một điều kiện tiên quyết để người đọc có thể hiểu được nội dung văn bản. Dưới đây là một số thuật ngữ triết học quen đã thuộc đối với độc giả học triết học và là những thuật ngữ trung tâm trong triết học duy tâm Đức.

Trong lúc dịch văn bản triết học, không biết tại sao mà ông NHL đã không dịch thống nhất những thuật ngữ này. Chẳng hạn, ông NHL đã viết trong trang 92, cuốn Phác thảo:

“Tuy nhiên, Ấn và Hoa chưa phải là nơi mà năng lực Lý tính – rationalitycủa Trí năng – Mindxuất hiện – mà là ở một Không gian khác, cùng Thời quán của Trục. Nơi đó là Athens của Văn minh Hi Lạp.”

Như vậy thì ông NHL đã chọn dịch Vernunft (Reason, Rationality) là ‘lí tính’, còn Geist (Mind) là ‘trí năng’, đây cũng là cách dùng thuật ngữ của ông trong bài giảng ‘Hiện tượng luận trí năng’ (Phänomenologie des Geistes) đã nhắc đến ở trên.

Tuy nhiên, khi nhắc đến cụm từ ‘the cunning of Reason’, thì ông NHL lại dịch thuật ngữ này là ‘tính giảo hoạt của trí năng’ (tr. 446, Phác thảo) hoặc ‘phức tạp’ hơn nữa thì thành ‘sự giảo hoạt của Trí năng Tạo hoá’ (tr. 460, Phác thảo). ‘The cunning of Reason’ là cách dịch tiếng Anh của thuật ngữ ‘List der Vernunft’ trong tiếng Đức, có nghĩa là ‘thủ đoạn của lí tính’. Nhưng vì sao chữ Vernunft hoặc Reason đã được dịch là ‘lý tính’ nhưng ở đây lại thành ‘Trí năng’?

Thêm vào đó, chữ ‘Trí năng’ vẫn được sử dụng để dịch ‘Mind’ trong tiếng Anh hoặc ‘Geist’ trong tiếng Đức. Chẳng hạn như ‘philosophy of mind’ hay ‘Philosophie des Geistes’ (thường được dịch là ‘triết học tinh thần’ ở Việt Nam) được ông NHL dịch là ‘Triết học Trí năng’ (tr. 350, Phác thảo). Vậy cuối cùng thì ‘trí năng’ là Geist (tinh thần) hay Vernunft (lí tính), hay là cả hai? Và vì sao cùng một chữ ‘Reason’ lúc là ‘Trí năng’, lúc là ‘Trí năng Tạo hoá’?

Chữ Geist trong tiếng Đức hay Mind trong tiếng Anh cũng là nơi mà ông NHL thường cho thấy những liên tưởng của mình nhất. Chẳng hạn, ông NHL viết tại trang 460–1:

“Đạo lý được dùng ở đây là từ Việt cho Geist của Hegel. Geist là Chân Tâm, là Tinh Thần, là Thượng đế, mà thuộc tính của Geist là Lý tính – Reason – và Khái niệm – Concept.”

Trước đó, ông NHL còn gọi ‘Intuitive Mind’ là ‘Trí Huệ’ (một từ mà ông NHL nghĩ là khác với ‘Trí Tuệ’) như sau (tr. 368, Phác thảo):

“Khi Trí Huệ – Intuitive Mind – đi xuống cõi Trí Tuệ – Individual Wisdom – và tiếp theo là Kiến thức – Knowledge – đến xuống cấp hơn là Tin tức – Information.”

Theo sau là một đoạn văn theo lối ‘tổng hợp’ điển hình của ông:

“Tức là, quy trình bước xuống cõi Hiện tượng Vật chất là một sự Dấn thân của Chân Tâm – Logos – trở nên Thân xác nhằm khôi phục cõi Vô cơ đã coi như là Chết được Sống lại với năng lực Tự-Ý thức nguyên thủy.”

Như vậy thì từ Logos, trước kia được ông NHL cho là đồng nghĩa với Pháp tính, nay lại được ông cho là đồng nghĩa với Chân Tâm. Nhưng Chân Tâm cũng lại đồng thời là Geist như ông viết ở trang 460. Vậy là Logos, Pháp tính, Chân tâm, Đạo, Thượng đế, Trí năng, Lí tính, v.v. tất cả đều là một và là Geist trong tác phẩm của ông NHL? Phương pháp ‘tổng hợp’, ‘đồng hoá’ các khái niệm triết học có vẻ đã đi hơi quá xa ở đây.

Phải nói thêm, việc ông NHL so sánh một loạt các thuật ngữ với nhau như kể trên không phải là biểu hiện của một chuyên môn triết học xuất sắc, mà đôi khi chỉ là dấu hiệu của việc ông NHL không thể phân biệt được nghĩa của các thuật ngữ khác nhau và trộn lẫn tất cả với nhau. Ông NHL giảng trong bài ‘Suy niệm về khổ và an lạc trong đạo Phật’:[21]

“Thành ra khi thánh Augustine ở bên Thiên Chúa giáo là ông đạt được khoảng mấy giây cái gọi là satori, bên Phật giáo mình gọi là samadhi, tất nhiên là Định á. Một phút giây Định đó thôi thì ông biết là tất cả các khoái lạc trên đời này chỉ là rơm rác.”

Khái niệm đầu tiên mà ông NHL nhắc tới là satori (tiếng Nhật: 悟り) tức là ‘ngộ’, còn samādhi có gốc Phạm văn, dịch ý là ‘Định’ 定 (dịch âm là Tam-ma-địa 三摩地) làm sao mà ông NHL có thể coi ‘Ngộ’ và ‘Định’ đồng nghĩa với nhau? ‘Giới, Định, Tuệ’ là phương tiện, (Giác) ngộ là mục đích, đây là hai phạm trù khác hẳn nhau. Việc ông NHL hoá đồng ‘Ngộ’ và ‘Định’ là một điều không thể chấp nhận được. Việc gộp các khái niệm hoàn toàn khác nhau thành một như ở đây chỉ cho thấy một điều là ông NHL không biết những khái niệm mình đang nhắc đến là gì hoặc mình đang giảng giải chủ đề gì.

Quay trở lại chữ Geist, trong một đoạn văn sau đó, ông NHL lại viết:

“Chân lý là trò chơi giảo hoạt của Trí năng mà Đạo lý con người chính là bản sắc chính trị Công dân.”

Đạo lý ở đây chắc là Geist, Mind hay Tinh thần (như ông viết trong đoạn văn được trích dẫn ở trên), còn Trí năng ở đây chắc là chữ ‘Reason’ hay ‘lí tính’, nhưng trước đó thì Trí năng lại cũng có nghĩa là Geist. (!?) Tại sao chỉ có mỗi mấy thuật ngữ đơn giản này thôi mà cũng không thể thống nhất và sử dụng nhất quán trong toàn bộ tác phẩm? Và nếu như không chắc chắn về những gì mình đang viết thì cứ dùng theo quy ước thông dụng ở Việt Nam (Geist là Tinh thần, Vernunft là Lí tính, Verstand là Giác tính), đâu cần phải tạo ra chữ mới rồi không biết là mình đang dùng chữ gì với nghĩa gì?

Sau này thì ông NHL còn dịch ‘the Mind’ thành ‘tri thức’ khi viết về Freud. (!)[22] Nhưng ‘tri thức’ là ‘Những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội (nói khái quát)’, tức ‘knowledge’ trong tiếng Anh, đâu liên quan gì đến ‘the Mind’?

Geist là một thuật ngữ trung tâm của Hegel, việc ông dịch và sử dụng thuật ngữ này một cách không nhất quán có lẽ đã cho thấy rằng ông NHL không kiểm soát được rằng mình đang viết thứ gì. Có lẽ là ban đầu ông định dịch Mind thành ‘trí năng’, nhưng đến nửa chừng thì ông quên mất mình đã viết gì và lại coi ‘trí năng’ đồng nghĩa với Reason chăng? Dù câu trả lời có là gì, việc dịch từ ‘Geist’ thành nhiều thuật ngữ không liên quan như ông NHL làm cho thấy ông không thể kiểm soát được ngôn ngữ mà mình đã sử dụng. Nhưng sự lộn xộn này sẽ còn trở nên tệ hơn nữa khi nhắc đến những thuật ngữ do ông NHL tạo ra.

B. THUẬT NGỮ DO GS NHL TẠO RA

Để trình bày triết học của mình, ông NHL đưa ra một hệ thống thuật ngữ có chữ Thời như sau, được lấy từ trang 13 cuốn Sử tính của ông:

Như chúng tôi đã nói ở trên, thuật ngữ tiếng Anh tương ứng với chữ ‘Thời thể’ trong cuốn Thời tính là ‘Time-Form’, nhưng trong cuốn Sử tính thì lại là ‘The Shape of the Time’, tuy nhiên điều cũng có thể được giải thích là do hai chữ này còn có nét nghĩa giống nhau. Nhưng có một thuật ngữ mà ông NHL thường xuyên sử dụng nhưng hình như chưa bao giờ định nghĩa cho rõ ràng, đó là chữ Thời Quán. Câu hỏi cần phải được đặt ra ở đây là chữ Quán này là chữ Quán gì? Đây là chữ Quán 慣 trong ‘tập quán’, ‘quán tính’, hay là chữ Quán (quan) 觀 trong ‘quán 觀 chiếu’, ‘nội quán 觀’, chữ Quán 館 trong ‘hội quán 館’, ‘đại sứ quán 館’, hay là chữ Quán 貫 trong ‘quán 貫 triệt’, ‘quán 貫 xuyến’ ...?

Chúng tôi không biết chữ Quán nào có thể được sử dụng ở đây để phù hợp với nét nghĩa mà ông NHL gán cho chữ này. Trong cuốn Thời tính, ông NHL viết (tr. 26):

“Triết học thắp sáng không gian Hiện Hữu bằng giá trị Thời Tính: sự chuyển đạt chân lý trên chiều dài Thời Thể như là những Thời Quán, Moments.”

Như vậy thì ‘Thời Quán’ có nghĩa là ‘sự chuyển đạt chân lí trên chiều dài Thời Thể’, và được coi là đồng nghĩa là ‘moment’; như vậy có thể mang hai nghĩa, một là ‘mô-men’ (vật lí), hoặc là ‘khoảnh khắc’, ‘chốc lát’. Sau đó, ông NHL viết:

“Mỗi đời người là một Thời Quán ý chí trong Thời Ý mà nấc thang tiến hoá được xây đắp bằng nội dung Ý Thức về Thời tính.” (tr. 28)

“Mỗi con người là một Thời Quán Pháp tính trong năng thức của Thời Tính – sự vật lộn giữa những bản năng sinh vật theo nhu cầu nghiệm thể đối với mệnh lệnh nguyên tắc Thời Ý.” (tr. 36)

Như vậy thì mỗi đời người là một Thời quán? Vậy là vào mỗi thời điểm trên thế giới thì sẽ có khoảng 8 tỉ Thời quán khác nhau? Đời người là ‘Thời Quán ý chí’, còn con người là ‘Thời quán Pháp tính’, hai ‘Thời Quán’ là một hay là hai thứ khác nhau? Nếu hai thời quán là một thì Ý chí là Pháp tính, còn nếu đây là hai Thời quán khác nhau thì thế giới vào mỗi thời điểm sẽ có 16 tỉ Thời quán khác nhau? Thời quán theo một định nghĩa của ông NHL là ‘sự chuyển đạt chân lý trên chiều dài Thời Thể’, nhưng sau đó thì các nấc thang Thời Quán ‘được xây đắp bằng nội dung Ý Thức về Thời tính’?

Chúng tôi sẽ dừng lại tại đây để không làm độc giả bị choáng váng với những chữ Thời của ông NHL. Ta sẽ sang một tác phẩm gần đây hơn của ông NHL là Phác thảo về một triết học cho lịch sử thế giới.

Lúc này, chữ ‘thời quán’ có vẻ dễ nắm bắt hơn một chút qua sơ đồ mà ông NHL phác thảo:

Như vậy thì có bốn Thời quán là ‘Ta’, ‘Chúng ta’, ‘Nó’ và ‘Chúng nó’ (tr. 15–17, Phác thảo). Nhưng nếu vậy thì những định nghĩa ‘Thời quán’ cũ như ‘sự chuyển đạt chân lý trên chiều dài Thời Thể’, ‘Thời Quán ý chí trong Thời Ý mà nấc thang tiến hoá được xây đắp bằng nội dung Ý Thức về Thời tính’ và ‘Thời Quán Pháp tính trong năng thức của Thời Tính – sự vật lộn giữa những bản năng sinh vật theo nhu cầu nghiệm thể đối với mệnh lệnh nguyên tắc Thời Ý’ hay ‘đời người’ thì liên quan gì đến định nghĩa mới này?

Người ta có thể lập luận rằng, Thời quán có hai mặt, một mặt là thời quán chủ quan, tức ‘đời người’, ngoài ra thì có thời quán khách quan, tức là mô hình bốn thời quán mà ông NHL trình bày. Nhưng ngay cả mô hình thời quán khách quan này cũng không nhất quán. Trong các trang 15–17, ông NHL trình bày bốn thời quán là:

— Thời quán khởi động của Tự-Ý thức về Ta (‘I’) bắt đầu với Đức Phật, cách đây hơn 2500 năm.

— Thời quán Chúng ta (‘WE’), bắt đầu vào năm 1 Công nguyên.

— Thời quán của Nó (‘IT’), bắt đầu với Copernicus và kết thúc với Einstein.

— Thời quán của Chúng Nó (‘THEY’), bắt đầu với Hobbes và kết thúc bởi Karl Marx.[23]

Nhưng trong Thư Toà Soạn Tạp chí Triết số 12, ông NHL viết:[24]

“Lịch sử nhân loại qua thời quán Khai sáng mà Kant đã sống vẫn còn đang bị ngự trị bới ý chí quyền năng mà văn minh Tây Âu – dù đã thừa kế di sản triết học lý tính Hy Lạp – vẫn chỉ là một giai thời bình minh ló dạng cho các nguyên lý về tự do cá thể, khoa học kỹ thuật (...)

Vậy thì bây giờ lại có thêm cả thời quán ‘Khai sáng’ (Enlightenment hay Aufklärung)[25] nữa? Hoặc ngay trong cuốn Phác thảo, tại trang 126, ông NHL viết:

“Cho đến khi Thời quán Lý tính xuất hiện, mọi năng lực Tự ý thức đều phát xuất từ ý chí Ái dục – và Tự-Ý thức chính là Ái dục, điều mà chúng ta đã giải thích.”

Rồi ở trang 127:

“Đây là lúc mà cái ta bước vào Thời quán Khổ đau mới. Khái niệm từ võng lưới Ngôn ngữ nay trở nên là một lớp cảm nhận mới từ cơ năng Ngã thức đến với thế gian chồng chất bên trên tầng cảm giác lục căn của thân xác.”

Giờ thì thêm cả Thời quán Lý tính với Thời quán Khổ đau. Vậy cuối cùng là có bao nhiêu thời quán và thời quán thực sự có nghĩa là gì?

Một thời gian dài, chúng tôi không thể hiểu được nghĩa mà ông NHL muốn nhắc đến khi sử dụng chữ Thời Quán, cho đến khi chúng tôi tìm ra được thuật ngữ tiếng Anh tương ứng với từ ‘thời quán’ bí ẩn này. Tại trang 147, ông NHL viết:

“Với sự gia tăng giàu có và quyền lực, Rome đi vào Thời quán thứ hai, bước lên sân khấu thế giới vốn bao quanh người dân Rome như một quang cảnh rộng lớn bao gồm cả Địa Trung Hải. Với sự đánh bại quân của Carthage, Rome đã trở nên nàng quận chúa cho cả vùng biển này lẫn tất cả lãnh thổ chung quanh nó”.

Đoạn trích nguyên gốc tiếng Anh là:

“With its increasing wealth and power, Rome entered into a second period, into a world theater that lies around the Romans like a panorama, the entire perimeter of the Mediterranean Sea. With its defeat of Carthage, Rome became mistress of the Mediterranean and all the lands around it.” (tr. 119, Shapes of Freedom)

Vậy là ‘thời quán’ là chữ mà ông NHL dùng để dịch chữ ‘period’ trong tiếng Anh, tức ‘giai đoạn’ hay ‘thời kì’. Nhưng ‘period’ ở đây là một từ tiếng Anh bình thường, không có ý nghĩa triết học gì, tại sao tự nhiên lại được dịch thành ‘Thời quán’, nhất là lại còn được viết hoa? Không biết tổng cộng Rome có bao nhiêu thời quán và từ đâu lại có con số đó? Bên cạnh đó, bây giờ thì thành phố (như ở đây là Rome), không chỉ ‘con người’, cũng có ‘thời quán’? Vậy thì thời quán thực sự áp dụng cho đối tượng nào, con người hay khu vực địa lí? Hơn nữa, trước kia thì ‘thời quán’ có nghĩa là ‘moment’, bây giờ ‘thời quán’ lại là ‘period’, nếu như ông NHL đổi ý liên tục mà không đưa ra lí do thì làm sao độc giả hiểu được ông đang định trình bày điều gì? (nếu quả thực những gì ông NHL viết là có nghĩa).

Khái niệm Thời quán của ông NHL, lúc thì áp dụng cho ‘con người’, lúc thì áp dụng cho ‘đời người’, lúc thì là ‘ý chí’ và Thời Ý, lúc thì là ‘Pháp tính’ và Thời Tính, có lúc thì Châu Âu là một thời quán, có lúc thì thành phố là một thời quán, có lúc thì cả thế giới ở trong một thời quán, lúc thì chủ quan, lúc thì khách quan, vậy cuối cùng thì khái niệm này có nghĩa là gì? Hình như ông chưa từng giải thích rõ ràng khái niệm này. Mặt khác, số lượng của các thời quán cũng là một điều rất khó hiểu, ông NHL liệt kê tên gọi bốn thời quán là Ta, Chúng Ta, Nó, Chúng Nó, nhưng một lúc sau thì có thêm các loại thời quán khác là Khai sáng, Lí Tính, Khổ Đau?

Nếu như đọc thêm một chút nữa thì người đọc sẽ thấy vô số các loại Thời quán khác bắt đầu thi nhau xuất hiện, chẳng hạn như Thời quán Chia cắt (tr. 150, Phác thảo), Thời quán Ngã mạn (tr. 168), Thời quán Hi Lạp-La-mã (tr. 170), Thời quán Đại thể La-mã (tr. 177), Thời quán Đế quốc La-mã (tr. 224), Thời quán Chính trị quốc thể (tr. 142), Thời quán đồng quy (tr. 271), Thời quán Luther (tr. 274), Thời quán Giác ngộ (tr. 282), Thời quán Hiện đại (tr. 335), Thời quán Chân lý (tr. 343), Thời quán Không-còn-là (tr. 350), Thời quán Kỹ thuật và Máy móc (tr. 371)… Lúc thì chữ Thời quán được gắn với trạng thái của ý thức như ‘Ngã mạn’, ‘Giác ngộ’, lúc thì lại được gắn với tên nền văn minh, lúc thì với giai đoạn lịch sử, lúc thì với thể chế chính trị, lúc thì với tên người, lúc thì với tên hành động v.v. không biết là lấy tiêu chuẩn nào để ông NHL xác định các thời quán, ngoài việc là ông lấy bất kì một khoảng thời gian nào đó rồi bắt đầu đặt một cái tên tuỳ ý nào đó? Đấy là còn chưa kể ngay trong cùng một quyển sách mà ông NHL cũng dùng chữ Thời quán này một cách không nhất quán, có lúc thì ông dùng nó với nghĩa ‘giai đoạn’, ‘thời kì’ (period), có chỗ ông lại dùng nó với nghĩa của ‘moment’ (?), chẳng hạn ông viết trong cuốn Phác thảo:

“Cuộc đời hành Đạo và cái chết của Chúa Jesus trên Thánh giá là một Thời quán Thực tại – the Moment of Actuality – của Chân Tâm diễn ra trên bình diện hiện tượng và biến cố.” (tr. 196)

Nếu như tác giả NHL còn không biết là mình đang dùng từ gì với nghĩa gì (moment hay period) thì làm sao người đọc hiểu được nội dung mà ông đang muốn trình bày?

Trên đây chỉ là hai ví dụ cho rất nhiều những thuật ngữ khác mà ông NHL chế ra. Đọc các văn bản do ông NHL, người ta không khỏi thấy được một sự lộn xộn trong các thuật ngữ được ông sử dụng. Các thuật ngữ được sử dụng rất không nhất quán, cùng một thuật ngữ gốc nhưng khi dịch ra tiếng Việt thì thành năm bảy thuật ngữ Đông-Tây không liên quan với nhau, nội hàm của cùng một thuật ngữ tiếng Việt cũng bị thay đổi liên tục, hơn nữa thì rất nhiều trong số đó là những từ do ông NHL (một người không hiểu thật rõ các thành tố Hán-Việt như phần I đã cho thấy) tạo ra, tức không ai biết nghĩa chính xác của những từ này trừ chính ông (mà có thể là ông NHL cũng không biết rõ nghĩa của những từ mà mình đã tạo ra nốt). Một sự lộn xộn (và cẩu thả) về mặt các thuật ngữ như ở đây là không thể chấp nhận trong khoa học.

2. DỊCH SAI CÁC ĐOẠN VĂN TRÍCH TỪ CÁC TRIẾT GIA KHÁC NHAU

A. CÁC TRÍCH DẪN TỪ CÁC TÁC GIẢ VÀ TRIẾT GIA KHÔNG PHẢI HEGEL

Có một vấn đề rất lớn trong số những đoạn văn mà ông NHL trích dẫn để ủng hộ cho học thuyết Liêmism của mình, bên cạnh vấn đề là ông trích dẫn không đúng quy tắc và tiêu chuẩn khoa học, khiến cho việc tìm ra văn bản gốc là rất khó khăn (hay đây cũng là một chủ ý của ông NHL?). Trong khoa học nghiêm túc, những dẫn chứng đáng ra phải được trình bày một cách khách quan, tức không phụ thuộc vào tác giả bài viết. Nhưng ở đây, những trích dẫn được ông NHL trích đã bị ông cắt xén, bóp méo, không giống gì với nguyên bản. Hai lí do chính cho hành động này thì khá rõ ràng, một là ông NHL cố tình bóp méo các dẫn chứng để làm cho học thuyết Liêmism của mình thuyết phục hơn, và hai là trình độ tiếng Anh của ông NHL không đủ để có thể dịch đúng được những dẫn chứng này.

Để thấy rõ phương thức làm việc phản khoa học của ông NHL, chúng ta sẽ xem xét đoạn trích về Rome đã được nhắc đến bên trên, tại trang 147, ông NHL dịch một đoạn trong cuốn The Shapes of Freedom như sau:

“Julius Caesar xuất hiện như là một hình ảnh cho chủ đích của Rome, một con người không muốn gì hơn là trở nên một nhà cai trị không được kiềm chế bởi luân thường. Ông đã chịu chung số phận với những vĩ nhân vốn giẫm chân lên những gì mà ông ta đã sống cho...”

Đoạn này trong nguyên tác tiếng Anh là:

“Julius Caesar emerged as the consummate image of Roman purposive­ness, a man who wished nothing other than to be the ruler, undeterred by ethical constraints. He suffered the fate of all such great individuals, having to trample underfoot what he lived for. After making inroads into Gaul and Germania, he turned against the republic, cleansed Rome of base interests, and established the emperor as the one person whose will dominated all.”

Trong câu đầu tiên, ‘purposiveness’ là tính có chủ đích/mục đích (tương tự Zweckmäßigkeit’) trong tiếng Đức, không chỉ là ‘chủ đích’ (purpose/ Zweck). Nhưng cái sai nghiêm trọng hơn nằm ở câu thứ hai, câu này phải được dịch là:

‘Ông chịu cùng số phận của những con người vĩ đại như vậy, đó là phải giẫm chân lên những gì mà mình từng sống vì nó’.

không phải ‘chịu chung số phận với những vĩ nhân vốn giẫm chân lên những gì mà ông ta đã sống cho’. Caesar qua đời do bị ám sát, nhưng đấy đâu phải số phận của ‘những vĩ nhân vốn giẫm chân lên những gì mà [người đó] đã sống cho’ (độc giả có thể liên tưởng đến Napoleon, người từng đấu tranh cho lí tưởng cách mạng, lật đổ chế độ quân chủ, nhưng sau này lại lên ngôi Hoàng đế nước Pháp). Trong nguyên tác tiếng Anh, câu văn tiếp theo giải thích rõ hơn, Caesar đã chống lại nền cộng hoà La-mã mà ông từng tranh đấu và thiết lập vị trí hoàng đế là người cai trị duy nhất.

Ông NHL dịch đoạn tiếp theo như sau:

“Hegel diễn tả nguyên lý này rằng, “(Từ Caesar), tinh thần hoàn tất năng lực khách thể hóa, cái duy chủ ý, năng thức hữu hạn không bị giới hạn.””

Đoạn trích trong bản tiếng Anh:

“Hegel describes this principle as that of “spirit’s complete coming-out-of-itself, the utter, intentional, deliberate finitude that is without constraint.””

Chúng ta sẽ xem xét cách ông NHL diễn giải Hegel ở đây, nhất là khi một trong những biệt danh của ông NHL là ‘Hegel của Việt Nam’[26], nguyên văn đoạn trích tiếng Đức là:

“Die Imperatoren, diese Kaiser, drücken das völlige Außersichgekom­mensein des Geistes aus, die vollendete, wissende und wollende Endlich­keit, die unbeschränkt ist”.[27]

Câu này có nghĩa là:

“Những thống soái, những hoàng đế này, biểu đạt cái Đã-đi-ra-ngoài-chính-mình (Außersichgekommensein) hoàn toàn của tinh thần, tính hữu hạn (Endlichkeit) đã được hoàn tất, có tri thức và mong muốn, thứ [tính hữu hạn] không bị giới hạn”.

Đoạn tiếng Anh trích từ chỗ ‘cái Đã-đi-ra-ngoài-chính-mình’ đến cuối câu. Nếu so sánh câu được dịch từ tiếng Đức và câu mà ông NHL đã dịch, người ta dễ dàng thấy rằng câu mà ông NHL gần như không liên quan gì đến nguyên tác cả, đặc biệt là ông NHL còn bịa thêm vài từ như ‘duy chủ ý’, ‘năng thức hữu hạn’:

“tinh thần hoàn tất năng lực khách thể hóa, cái duy chủ ý, năng thức hữu hạn không bị giới hạn”.

Xin lưu ý, lỗi này nằm hoàn toàn ở cách ông NHL ‘khai giải’ Hegel, vì bản gốc tiếng Anh dịch khá sát với nguyên tác tiếng Đức.

Sang đến câu tiếp theo thì khả năng tưởng tượng của ông NHL còn lớn hơn nữa:

“Nguyên lý này đạt đỉnh cao ở Caesar Augustus, và trong sự đối nghịch với ông nhằm đánh lại tình trạng vi phạm nghiêm trọng nguyên lý tinh thần, để mà cái đối trọng phải xuất hiện, tức là tính Vô hạn – infinity – một Vô hạn không phủ định hữu hạn mà bao dung nó.”

Nguyên văn tiếng Anh là:

“This principle reached its consummation in Caesar Augustus, and in opposition to him, to this “great breach” in spirit, there appeared its opposite, namely infinity—an infinity that did not negate finitude but encompassed it.” (L 442–7).

Đoạn tiếng Anh này có thể được dịch là:

“Nguyên lí này đạt tới đỉnh cao của nó ở Caesar Augustus, và đối nghịch với ông ta, đối nghịch với ‘sự đứt gãy lớn’ trong tinh thần này, cái đối lập của nó đã xuất hiện, cụ thể là tính vô hạn – một tính vô hạn không phủ định cái hữu tận mà bao chứa nó.”

Không biết làm thế nào mà ông NHL dịch ra được câu ‘và trong sự đối nghịch với ông nhằm đánh lại tình trạng vi phạm nghiêm trọng nguyên lý tinh thần’. Đoạn văn nguyên tác tiếng Đức đang được nhắc đến ở đây là:

“Der Geist ist schlechthin außer sich, und dieser Geist regiert die Welt, zu dieser Ordnung ist der absolute Grund geworden, gegeben. Indem also die ganze Welt die eine Willkür beherrschte, wurde damit der große Bruch herbeigeführt”.[28]

Tạm dịch:

“Tinh thần hoàn toàn ở bên ngoài chính mình, và tinh thần này cai trị thế giới, cơ sở (/lí do) tuyệt đối (der absolute Grund) cho trật tự này đã trở thành, đã được đưa ra (/đã tồn tại). Bởi một sự chuyên chế (Willkür) duy nhất thống trị thế giới, một sự đứt gãy/đột phá lớn (der große Bruch) đã được dẫn khởi (herbeigeführt, sát nghĩa ‘được chiêu trí’)’”.

‘The great breach’ hay ‘der große Bruch’ là ‘một sự đứt gãy/đột phá lớn’, không phải là ‘tình trạng vi phạm nghiêm trọng nguyên lý tinh thần’ (rồi được ông NHL bịa thêm ‘nhằm đánh lại tình trạng’). Đoạn văn này rõ ràng được ông NHL dịch một cẩu thả và không hề trung thực với nguyên tác. Qua ví dụ này, người ta cũng có thể thấy là ông NHL không hề có kiến thức khoa học gì về Hegel vì dịch sai từ tiếng Anh những đoạn tương đối dễ như được trích ở trên. Điều này càng cho thấy rõ hơn rằng, không có nguyên ngữ, như ở đây là tiếng Đức, thì một người không thể học triết học một cách chính xác và hàn lâm được.

Những đoạn văn được dịch một cách tuỳ tiện như trên của ông NHL nằm rải rác trong cuốn sách, thậm chí, tìm được một đoạn văn mà ông dịch chính xác nguyên tác còn khó hơn tìm được một đoạn văn mà ông NHL dịch sai lệch. Chúng tôi ở đây chỉ lấy ra một số ví dụ được trích từ các vị trí khác nhau trong cuốn sách. Tại trang 37, ông NHL dịch Jaspers như sau:

“Hoán chuyển lớn nhất của nhân loại (ở Thời Trục khi Phật xuất hiện) là năng thức tinh thần hóa (spiritualisation). Thái độ vô tư chấp nhận gánh nặng cuộc đời được nới lỏng, tính yên bình của cực tính (polari­ties) nay trở nên phản khắc và đối nghịch. Con người không còn đóng cửa trong chủ quan tính. Hắn hết chắc mãn về chính mình và từ đó mở ra những khả thể mới và vô hạn. Hắn bắt đầu nghe và hiểu được những gì mà chưa ai nghe nói tới. Cái chưa từng nghe tới nay đã hiện ra. Hắn cùng với Ý thức chủ quan và thế gian, Hữu Thể (Being) nay được cảm nhận, nhưng chưa có câu trả lời tối hậu. Câu hỏi lớn vẫn còn đó.”

Nguyên tác tiếng Anh là:[29]

“This overall modification of humanity may be termed spiritualisation. The unquestioned grasp on life is loosened, the calm of polarities becomes the disquiet of opposites and antinomies. Man is no longer enclosed within himself. He becomes uncertain of himself and thereby open to new and boundless possibilities. He can hear and understand what no one had hitherto asked or proclaimed. The unheard-of becomes manifest. Together with his world and his own self, Being becomes sensible to man, but not with finality: the question remains.”

Tạm dịch:

“Sự biến đổi tổng quát này của nhân loại có thể được gọi là ‘tinh thần hoá’ (spritualisation, Vergeistigung). Sự nắm bắt cuộc đời một cách không nghi ngờ được nới lỏng, sự yên bình của những đối cực trở thành sự bất an của những cặp đối lập và nhị luật bội phản 二律背反 (anti­nomies). Con người không còn đóng kín trong chính mình nữa. Người đó trở nên hết chắc chắn về chính mình và cởi mở trước những khả năng mới và vô hạn. Người đó có thể nghe và hiểu những điều trước đây không ai từng hỏi hoặc từng tuyên bố. Cái chưa từng được nghe tới giờ hiển hiện. Cùng với thế giới của mình và chính mình, con người giờ có thể cảm nhận được sự tồn tại (Being), nhưng không phải với quyết định tính: câu hỏi vẫn còn đó.”

Câu văn đầu tiên được ông NHL xuyên tạc thành ‘Hoán chuyển lớn nhất của nhân loại’, trong khi Jaspers viết khiêm tốn hơn rất nhiều, ‘sự biến đổi tổng quát’ hoặc ‘die gesamte Veränderung des Menschseins’ trong bản gốc tiếng Đức. Câu thứ hai được ông cắt bỏ chữ ‘disquiet’ (Unruhe) khi dịch và tự thêm vào ‘gánh nặng cuộc đời’. Câu thứ ba thì ông NHL tự nhiên cho thêm chữ ‘chủ quan tính’ (subjectivity) vào, một từ không hề xuất hiện trong cả bản tiếng Anh và tiếng Đức.[30] Sang đến câu thứ năm thì cụm ‘what no one had hitherto asked or proclaimed’ được dịch thành ‘những gì chưa ai nghe nói tới’? Đoạn văn theo sau cũng được ông NHL vừa dịch vừa ‘sáng tạo’ giống như trên:

“Lần đầu tiên trong Lịch sử nhân loại, triết gia xuất hiện. Con người dám tự lực vào chính mình trên cơ bản cá nhân. Từ các đạo nhân cô độc lãng tử ở Trung Hoa, đến các nhà tu khổ hạnh ở Ấn Độ, hay là triết gia ở Hy Lạp, các đấng tiên tri ở Do Thái, tất cả đều mang một nội dung tâm thức chung, dù bao khác biệt và đa dạng, nhưng tư tưởng và lý tưởng của họ cùng của một mẫu số chung. Ở đó, con người bắt đầu soi chiếu chính mình ra với vũ trụ để tìm ra được nguyên ủy mà từ đó hắn có thể vực dậy tự chính mình và với thế gian.”

Nguyên tác tiếng Anh:

“For the first time philosophers appeared. Human beings dared to rely on themselves as individuals. Hermits and wandering thinkers in China, ascetics in India, philosophers in Greece and prophets in Israel all belong together, however much they may differ from each other in their beliefs, the contents of their thought and their inner dispositions. Man proved capable of contrasting himself inwardly with the entire universe. He discovered within himself the origin from which to raise himself above his own self and the world.”

Tạm dịch:

“Lần đầu tiên, các triết gia xuất hiện. Con người đã dám dựa vào chính mình như là các cá nhân. Những ẩn sĩ và những tư tưởng gia chu du ở Trung Quốc, những nhà tu khổ hạnh ở Ấn Độ, những triết gia ở Hi Lạp và những nhà dự ngôn ở Israel thuộc cùng vào một nhóm (belong together), dù họ có khác nhau nhiều đến thế nào trong những niềm tin của họ, nội dung tư tưởng của họ và khuynh hướng nội tại của họ. Con người cho thấy khả năng có thể, một cách nội tại, đặt mình tương phản với toàn bộ vũ trụ. Người ta đã tìm thấy trong chính mình nguồn gốc mà từ đó người ta có thể tự nâng mình lên cao hơn chính mình và thế giới.”

Câu thứ hai ‘Từ các đạo nhân... mẫu số chung’ trong đoạn văn được ông NHL dịch hoàn toàn không giống gì với nguyên tác tiếng Anh. Hai câu cuối cũng được ông NHL dịch tuỳ tiện và xuyên tạc không kém với những từ như ‘soi chiếu chính mình’, ‘vực dậy tự chính mình’ và ‘với thế gian’? Đương nhiên là bản dịch của ông NHL cũng không giống gì với nguyên tác tiếng Đức.

Dưới đây là một đoạn văn khác mà ông NHL dịch tác giả Jaspers, ở đây là nói về Socrates, tại trang 93:

“Tuy nhiên, theo Jaspers, thì Socrates ‘cảm thấy mình mang một sứ mệnh linh thiêng. Như là một nhà tiên tri, ông rất chắc mãn về công việc của mình, nhưng không như các tiên tri khác, ông không có gì để tuyên ngôn. Không có Thượng đế nào chọn ông và bảo ông phải rao giảng điều gì. Hành trạng của ông chỉ là đi tìm tình thân hữu với con người, mà ông là một. Đặt câu hỏi không ngừng nghỉ, khai mở tất cả những nơi che giấu, ông đòi hỏi không ở ai và không ở chính ông, nhưng chỉ nhất quyết nhấn mạnh đến suy tưởng, vấn hỏi, thử nghiệm, và nhắc từng cá nhân hãy tham chiếu về chính mình. (The Great Philosophers)”

Việc liệt kê tài liệu tham khảo của ông NHL có cũng như không vì ông không nêu tên người dịch, nhà xuất bản, năm xuất bản cũng như vị trí của đoạn trích dẫn. Nguyên văn tiếng Anh đoạn trích này là như sau:[31]

“But he was filled with an awareness of his vocation of a divine mission. Like the Prophets, he was certain of his calling; unlike them, he had nothing to proclaim. No God had chosen him to tell men what He commanded. His mission was only to search in the company of men, himself a man among men. To question unrelentingly, to expose every hiding place. To demand no faith in anything or in himself, but to demand thought, questioning, testing, and so refer man to his own self.”

Tạm dịch:

‘Nhưng ông [Socrates] chứa đầy sự ý thức về lời gọi cho một sứ mệnh linh thiêng. Giống như những nhà tiên tri, ông chắc chắn về lời thiên triệu; không giống họ, ông không quả quyết điều gì cả. Chẳng có Thượng đế nào đã chọn ông để nói cho con người điều mà Ngài ra lệnh. Sứ mệnh của ông là đi tìm kiếm cùng với con người, chính ông cũng là một con người. Là không ngừng đặt câu hỏi, để phơi bày mỗi chỗ ẩn giấu. Không đòi hỏi phải tin vào một điều gì hay tin vào ông, nhưng đòi hỏi tư tưởng, nghi vấn, kiểm tra, và theo cách này thì một người quy chiếu lại chính mình.

Nguyên tác tiếng Đức cho phần này là:[32]

“Aber er wurde ergriffen von dem Bewußtsein seines Berufes, eines göttlichen Auftrags. Dieses Berufes gewiß, wie die Propheten, hatte er doch nichts zu verkünden wie sie. Kein Gott hat ihn beauftragt, den Menschen zu sagen, was er ihm befahl. Er hatte nichts als den Auftrag, zu suchen mit den Menschen, selber ein Mensch. Er soll unerbittlich fragen, aus jedem Versteck auf­scheuchen. Er soll keinen Glauben verlangen an irgend etwas oder an ihn selbst, aber er soll Denken verlangen, Fragen und Prüfen, er soll den Menschen damit auf sich selbst stellen’.”

Đoạn văn mà ông NHL dịch đã dịch không chính xác chữ ‘calling’ (lời gọi, thiên triệu) thành ‘công việc’, dịch ‘sứ mệnh’ (misssion) thành ‘hành trạng’. Nhiệm vụ của ông không phải là ‘đi tìm tình thân hữu với con người, mà ông là một’ mà là ‘đi tìm kiếm cùng với con người’, tức ‘to search in the company of men’ chứ không phải ‘to search the company of men’. Trong nguyên văn tiếng Đức thì rất rõ ràng: ‘zu suchen mit den Menschen, selber ein Mensch’. Những câu sau đó cũng đã bị dịch thiếu và dịch lệch nghĩa rất nhiều. Một cách dịch thiếu chính xác như vậy là không thể chấp nhận được trong khi làm việc khoa học.

Lời của Socrates, mà Plato viết trong tác phẩm Cộng hoà, cũng được ông NHL dịch sai khá nhiều. Tại trang 94, ông NHL viết:

“Khi mà mạch máu của cá nhân là trung hòa và khoẻ mạnh, và trước khi đi ngủ hắn đã đánh thức khả năng Lý tính dể nuôi dưỡng nó bằng tư duy cao đẹp và suy tưởng, tự soi chiếu tâm thức bằng Thiền định; sau khi không ăn uống quá nhiều hay quá ít, nhưng chỉ vừa đủ để có thể ngủ được, nhằm ngăn cản không nhu cầu cơ thể khuấy phá vào các Nguyên lý cao hơn – để hắn đi vào cõi đơn độc thuần trừu tượng, tự do để tư duy và ước vọng đến tri kiến về cõi bất khả tư nghị từ quá khứ, đến hiện tại hay tương lai. (...)”

Nguyên tác tiếng Anh ở đây là:[33]

But when a man’s pulse is healthy and temperate, and when before going to sleep he has awakened his rational powers, and fed them on noble thoughts and enquiries, collecting himself in meditation; after having first indulged his appetites neither too much nor too little, but just enough to lay them to sleep, and prevent them and their enjoyments and pains from interfering with the higher principle–which he leaves in the solitude of pure abstraction, free to contemplate and aspire to the knowledge of the unknown, whether in past, present, or future. (...)”

Tạm dịch:

“Khi mạch đập của một người là khoẻ mạnh và điều độ, và trước khi đi ngủ người này đã đánh thức những sức mạnh lí trí của mình, nuôi dưỡng chúng bằng những suy nghĩ cao thượng và những tham vấn, làm tâm mình an bình trong suy tưởng; sau khi không chiều chuộng những ham muốn của mình quá nhiều hoặc quá ít, mà chỉ đủ để đưa chúng [những ham muốn] vào giấc ngủ, và ngăn cản chúng, sự vui thú và đau đớn của chúng khỏi ảnh hưởng đến nguyên lí cao hơn-thứ [nguyên lí cao hơn] mà anh ta để trong cái cô độc của sự trừu tượng tuyệt đối, tự do để suy tưởng và khát khao tri thức cái chưa được biết đến, dù là trong quá khứ, hiện tại, hay tương lai. (...)”

Phải chỉ ra ở đây rằng mặc dù ‘meditation’ dễ khiến người ta liên tưởng đến phương pháp ‘thiền’, nhất là trong bối cảnh liên quan đến Phật giáo, từ này ở đây hoàn toàn không có nghĩa như vậy. ‘Meditation’ xuất phát từ động từ La-tinh meditāri (meditor, Hi-lạp μέδομαι), và từ đó danh từ meditatio phái sinh, mang nghĩa là ‘suy tưởng, tư duy’. Chỉ sau này thì từ này mới được dùng để dịch khái niệm Thiền trong các văn bản liên quan đến Ấn-độ và Phật giáo. Tựa đề của một tác phẩm nổi tiếng của Descartes là Medi­tationes de prima philosophia, có nghĩa là ‘Những suy tưởng về triết học đầu tiên’[34], không hề liên quan đến ‘thiền định’ như nghĩa mà người ta hay liên tưởng khi nhắc tới chữ ‘meditation’. Đoạn sau đó bị ông NHL dịch sai khá nhiều, chẳng hạn như ‘them’ trong ‘lay them to sleep’ là ‘những ham muốn’ (appetites, số phức), và cụm từ này có nghĩa là ‘khiến cho những ham muốn im lặng’ hay ‘đưa chúng vào giấc ngủ’, song lại được ông NHL dịch sai rất nghiêm trọng là ‘để [người đó] có thể ngủ được’ (!). Cụm ‘which he leaves in the solitude of pure abstraction’ thì ‘which’ chỉ đến ‘nguyên lí cao hơn’ (ở đây chỉ có một nguyên lí cao hơn với mạo từ xác định ‘the’ và ‘principle’ đứng ở dạng số đơn), nhưng chỗ này bị ông NHL bỏ qua và dịch thành ‘để hắn đi vào cõi đơn độc thuần trừu tượng’ (?).

Chúng tôi chọn những đoạn văn trên vì chúng là những đoạn văn của các triết gia nổi tiếng như Jaspers, Hegel hay Plato và triết học có thể nói là ‘chuyên môn’ của ông NHL. Nếu như ông NHL có khả năng đọc và hiểu đúng những văn bản gốc thì không có lí do gì để ông dịch sai những trích dẫn như được chỉ ra ở đây, mặt khác thì những lỗi sai mà ông mắc phải cũng không hề là những lỗi sai nhỏ (đặc biệt là trong đoạn văn ông NHL dịch Plato). Thêm vào đó, bản dịch của ông NHL có nhiều chỗ tự ý thay đổi rõ ràng nguyên tác (như ở trích đoạn Jaspers). Từ đây, người ta được phép kết luận là cách trình bày những dẫn chứng của ông NHL không khách quan và do vậy hoàn toàn không có tính khoa học. Ông có vẻ như cũng không có đủ kiến thức tiếng Anh để có thể đọc được các văn bản triết học (xin xem lại cách ông NHL dịch trích đoạn của Plato).

Ngoài những văn bản triết học, ông NHL còn dịch rất nhiều các loại văn bản khác trong tác phẩm Phác thảo, từ Kinh Lăng-già, Kinh Thánh Tân Ước hoặc các tài liệu thứ yếu (secondary literature) khác. Để tránh dài dòng, chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết tại đây, chỉ cần nói rằng rất nhiều những đoạn mà ông NHL dịch đều không chính xác, bị pha trộn hoặc bị bóp méo như vừa nhắc đến ở trên. Vì ông NHL dịch sai ngay cả những văn bản triết học bằng tiếng Anh, tạm coi là sở trường của ông, nên việc ông dịch sai những văn bản thuộc các chủ đề khác là điều không có gì lấy làm ngạc nhiên. Những ví dụ mà chúng tôi trình bày chỉ là một vài ví dụ ngẫu nhiên được lấy từ những trang khác nhau rải rác trong cuốn Phác thảo. Sự phổ biến của những đoạn văn được dịch không chính xác cho thấy đây là một lỗi hệ thống và liên quan đến phương pháp làm việc của ông NHL.

Cũng phải nhắc đến ở đây rằng những sai sót giống như trên xuất hiện xuyên suốt các tác phẩm khác nhau của ông NHL chứ không chỉ riêng cuốn Phác thảo. Chúng tôi chỉ phân tích kĩ một ví dụ tại đây, đồng thời chỉ ra rằng kiến thức ngoại ngữ là không thể bị coi thường trong khi học triết học, trong cuốn Dân chủ pháp trị, tác phẩm được xuất bản trước cuốn Phác thảo khoảng 30 năm, ông NHL cũng ghi lại một trích dẫn của Jaspers (tại trang 56) và dịch trích dẫn này:

“Freedom is the overcoming the external and which coerces me... But freedom is also the overcoming of one’s own arbitrariness. Freedom coincides with the inwardly present necessity of the true... The demand upon liberty is, therefore, to act neither from caprice nor from blind obedience, but from judgement.”

Bản dịch của ông NHL:

“Tự do là sự vượt thắng chướng ngại khách quan và những gì trói buộc... Nhưng tự do còn có nghĩa là sự vượt thắng chính mình. Tự do đồng nghĩa với sự thiết yếu của đời sống nội tâm... Do đó, cái yêu cầu của tự do là sự tác động, không từ phóng túng hay phục tùng mù quáng, mà phải có từ phán đoán.”

Đây là một trích dẫn mà ông NHL đã dịch lệch gần như hoàn toàn so với phiên bản tiếng Anh. Tạm dịch:

“Tự do là sự vượt qua thứ ở bên ngoài cưỡng ép tôi... Nhưng tự do cũng là sự vượt qua sự tuỳ ý/sự chuyên chế của chính mình. Tự do trùng hợp với sự tất yếu của cái đúng tồn tại bên trong... Yêu cầu cho tự do, do đó, là hành động không phải từ sự thất thường hay từ sự phục tùng mù quáng, mà là từ phán đoán.”

Dễ thấy, ông NHL bỏ qua ‘arbitrariness’ không dịch, trong khi đây là chỗ rất quan trọng. Câu sau đó bị ông NHL dịch lệch hoàn toàn vì ở đây không hề nhắc đến sự ‘thiết yếu của đời sống nội tâm’. Và ở câu cuối cùng thì ‘to act’ trong nguyên tác có nghĩa là hành động (mang nghĩa chủ động cho chủ thể), không biết tại sao lại được ông NHL dịch thành ‘tác động’ (tức có tính bị động cho chủ thể). Đoạn văn này trong nguyên tác tiếng Đức là:[35]

“Freiheit ist Überwindung des Äußeren, das mich doch bezwingt. (...)

Freiheit ist aber auch Überwindung der eigenen Willkür. Freiheit fällt zusammen mit der innerlich gegenwärtigen Notwendigkeit des Wahren.

[Bin ich frei, so will ich nicht, weil ich so will, sondern weil ich mich vom Rechten überzeugt habe.] Der Anspruch an die Freiheit ist daher, weder aus Willkür noch aus blindem Gehorsam zu handeln, sondern aus Einsicht.”

Tạm dịch:

“Tự do là sự vượt qua thứ bên ngoài cưỡng ép tôi. (...) Nhưng tự do cũng là sự vượt qua sự chuyên chế của chính mình. Tự do trùng hợp với sự tất yếu của cái chân thật đang hiện hữu bên trong. [Nếu như tôi tự do, tôi không muốn một điều vì tôi muốn điều đó, mà là vì tôi đã tự thuyết phục mình về tính đúng đắn của điều này.] Yêu cầu đối với tự do, vì thế, là hành động không phải từ sự chuyên chế hay sự phục tùng mù quáng, mà là từ nhận thức sâu sắc.”

Chúng tôi trích thêm một câu không có trong bản dịch của ông NHL vì câu này giúp giải thích rõ ràng hơn quan điểm về ‘tự do’ của Jaspers và cho thấy việc ông NHL bỏ qua ‘arbitrariness’ là một lỗi rất nặng. Một điểm đáng chú ý khi so sánh nguyên tác tiếng Đức và bản dịch tiếng Anh là, câu cuối trong đoạn trích sử dụng từ ‘Einsicht’, giống với ‘insight’ hơn là ‘judgement’ (Urteil trong tiếng Đức). Nếu như chỉ sử dụng tiếng Anh, một người không thể biết đến sự khác biệt này và do vậy không thể tránh được việc hiểu nhầm ý của Jaspers, dù từ ‘judgement’ dùng để dịch ‘Einsicht’ ở đây không sai hoàn toàn.

Một trong những trọng tâm của các tác phẩm của ông NHL là triết học Hegel. Ông NHL đã viết nhiều sách ‘khai giải’, phân tích triết học Hegel ở nhiều khía cạnh khác nhau trong một thời gian dài, có người đã gán cho ông danh hiệu là ‘Hegel của Việt Nam’ mà sau này ông có trích dẫn lại. Người ta sẽ kì vọng rằng ông NHL có thể đọc hiểu và dịch đúng được những đoạn văn của Hegel, vì đây là một trong những cơ sở cho hệ thống triết học của ông. Trong phần tới, chúng ta sẽ xem cách ông NHL đọc hiểu triết gia người Đức này như thế nào, dù độc giả khi đọc đến đây cũng đã đoán được kết quả của sự xem xét này.

B. CÁCH GS NHL HIỂU NHỮNG ĐOẠN VĂN CỦA HEGEL

 

Ông NHL đã viết nhiều sách ‘khai giải’, ‘phiên giải’, ‘áp dụng’ triết học Hegel từ gần ba mươi năm nay, giờ đây chúng ta sẽ xem ông NHL đọc và hiểu triết gia này (bằng bản dịch tiếng Anh) như thế nào. Để xứng đáng với sự nghiệp gần 30 năm diễn giải Hegel, phần này sẽ tương đối dài vì trích dẫn nhiều dẫn chứng. Trong phần này, phần dịch tiếng Việt của ông NHL sẽ được so sánh với nguyên tác tiếng Đức của Hegel chứ không thông qua trung gian là bản dịch tiếng Anh như một số ví dụ nói trên. Bản dịch tiếng Anh sẽ được trích dẫn chỉ để đối chiếu và sẽ không được dịch.

Ông NHL mở đầu đoạn trích Hegel với câu sau tại trang 62, Phác thảo:

“Hegel diễn tả ngoạn mục về tâm thức cái ta cá nhân trong văn minh Ấn giáo”

Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét phần dịch tiếng Việt cũng ngoạn mục không kém của ông NHL:

“Quan điểm của người Ấn về mọi vật là chủ nghĩa Universal Pantheism (Thần vật phổ quát) mà trong đó, nội dung của nó là năng lực Tưởng tượng, chứ không là Lý tính. Chỉ có một bản chất thấm nhập vào Tổng thể vạn vật, và tất cả những cá thể tính đều được sinh động hóa trực tiếp vào những năng lực đặc thù.”

Bản dịch tiếng Anh:

“The Indian view of things is a Universal Pantheism, a Pantheism, how­ever, of Imagination, not of Thought. One substance pervades the Whole of things, and all individualizations are directly vitalized and animated into particular Powers.”

Nguyên tác tiếng Đức:[36]

“Die indische Anschauung ist ganz allgemeiner Pantheismus, und zwar ein Pantheismus der Einbildungskraft, nicht des Gedankens. Es ist eine Substanz, und alle Individualisierungen sind unmittelbar belebt und beseelt zu eigentümlichen Mächten.”

Tạm dịch:

“Thế giới quan của người Ấn-độ hoàn toàn là một thứ phiếm thần luận phổ quát (allgemeiner Pantheismus), song là một phiếm thần luận của lực tưởng tượng, chứ không phải của tư tưởng (Gedanken). Chỉ có một thực chất (Substanz) duy nhất, và tất cả những sự cá thể hoá (Indivi­dualisierung) đều được trực tiếp ban sức sống (belebt) và ban linh hồn (beseelt) thành những quyền lực đặc thù.”

Đoạn ‘nội dung của nó là năng lực Tưởng tượng, chứ không là Lý tính’ là do ông NHL tự thêm vào, ngay cả bản dịch tiếng Anh cũng chỉ viết, ‘a Pantheism, however, of Imagination, not of Thought’. Mặt khác, Thought hay Gedanken trong tiếng Đức là ‘tư tưởng’, ‘tư duy’, không phải ‘lí tính’ (Reason hay Vernunft) như ông NHL dịch. Từ ‘Individualisierung’ trong nguyên tác hay ‘individualization’, có nghĩa là ‘sự cá thể hoá’, được ông NHL dịch thành ‘cá thể tính’ (?).

Liên quan đến cụm từ ‘cá thể tính’ này, ngay ở đầu cuốn sách, ông NHL chú thích ‘individuality’ là ‘cá thể tính’. Nhưng sau này, ông NHL lại dùng cụm ‘cá thể tính’ để dịch một thuật ngữ khác hoàn toàn là ‘personality’, như đoạn trích từ trang 202 dưới đây. Đây lại là một bằng chứng nữa cho thấy sự thiếu nhất quán trong thuật ngữ hiện diện xuyên suốt các tác phẩm của ông NHL:

“Đây là Cơ đồ phát huy và trưởng thành cho Ngã thể mà Jung gọi là Nhân thức hóa – individuation – là sự phát triển Ngã thức qua Cá thể tính – personality – mà trong đó bao gồm các bình diện của năng lực Tinh thần.”

Tại câu cuối cùng, ‘all individualizations are directly vitalized and animated into particular Powers’, ông NHL dịch thiếu ‘animated’ (được ban hồn, beseelt), ‘sinh động hoá’ mới chỉ dịch được ‘vitalized’ hay ‘belebt’ trong nguyên tác.

Tiếp tục với trích đoạn của Hegel được ông NHL dịch:

“Những gì được cảm nhận bởi giác quan được đón tiếp và đưa chúng vào Tổng thể chung vô hạn. Nó không phải là một trạng tính mà trong đó hình thái thẩm mỹ cá thể được giải phóng ra khỏi tổng thể chung để trở nên cá thể đặc thù, nhưng chúng chỉ được phóng tác vào cõi vô hạn và bất định, để từ đó tính thể Linh thiêng hiện thân ra một cách kỳ quặc lạ lùng, mơ hồ, không rõ rệt.”

Bản dịch tiếng Anh:

“The sensuous matter and content are in each case simply and in the rough taken up, and carried over into the sphere of the Universal and Immeasurable. It is not liberated by the free power of Spirit into a beautiful form, and idealized in the Spirit, so that the sensuous might be a merely subservient and compliant expression of the spiritual; but [the sensuous object itself] is expanded into the immeasurable and undefined, and the Divine is thereby made bizarre, confused, and ridiculous.”

Nguyên tác:

“Der sinnliche Stoff und Inhalt ist in das Allgemeine und Unermeßliche nur aufgenommen und roh hineingetragen und nicht durch die freie Kraft des Geistes zur schönen Gestalt befreit und im Geiste idealisiert, so daß das Sinnliche nur dienend und sich anschmiegender Ausdruck des Geistigen wäre; sondern es ist zum Unermeßlichen und Maßlosen erweitert und das Göttliche dadurch bizarr, verworren und läppisch gemacht.”

Tạm dịch:

“Chất liệu và nội dung của cảm giác chỉ bị tiếp thụ vào trong cái phổ biến và cái bất khả lượng (das Unermeßliche) và bị mang vào một cách thô sơ, không được giải phóng thành hình thái đẹp thông qua năng lực tự do của tinh thần và không được lí tưởng hoá trong tinh thần; để cho cái cảm giác được (das Sinnliche) đã có thể có tính phục vụ (dienend) và là một biểu đạt của tinh thần tự uốn mình thuận theo (sich anschmiegend); thay vào đó, nó [cái cảm giác] bị khuếch trương thành cái bất khả lượng và cái cực độ (das Maßlose) và cái linh thiêng bởi vậy mà trở nên kì lạ, rắc rối và lố bịch.”

Đây là một đoạn văn mà ông NHL lại dịch sai và hoàn toàn tuỳ tiện. Tại câu đầu tiên, bản tiếng Anh ghi tách biệt rõ ‘the Universal and Immea­surable’, nhưng ông NHL lại hợp nhất thành ‘Tổng thể chung vô hạn’ (bỏ qua ‘and’). Câu văn thứ hai bị ông NHL đọc sai và dịch sai lệch hoàn toàn so với bản dịch tiếng Anh (và nguyên tác), mặt khác thì ông cũng tự tiện cắt đi một đoạn khá dài của chính Hegel. Câu văn cuối cùng cũng bị ông NHL dịch sai ở nhiều chỗ giống như hai câu trước đó.

Tiếp đến:

“Đây là những giấc mơ không mang tính biểu ngôn (fables) – một màn kịch mà trí tưởng tượng đưa linh hồn vào cơn say đùa cợt, phóng đãng: tất cả đều bị đánh mất vào hình thái bất định, bị xô đẩy ngang dọc bởi những cơn mơ được coi như là sự thật của một thực tại nghiêm trang. Nó bị giao hoán vào những vật thể hữu hạn và được tôn vinh như là Thần đế và ngôi Chúa. Mọi thứ, do đó, – từ mặt Trời, Trăng, ngôi Sao, sông Hằng, sông Indus, thú dữ, hoa dại – mỗi cái là một Thiên chúa.”

Tiếng Anh

“These dreams are not mere fables — a play of the imagination, in which the soul only revelled in fantastic gambols: it is lost in them; hurried to and fro by these reveries, as by something that exists really and seriously for it. It is delivered over to these limited objects as to its Lords and Gods. Everything, therefore — Sun, Moon, Stars, the Ganges, the Indus, Beasts, Flowers — everything is a God to it.”

Nguyên tác tiếng Đức:

“Diese Träume sind nicht leere Märchen, ein Spiel der Einbildungskraft, so daß der Geist darin nur umhergaukelte, sondern er ist darin verloren und von diesen Träumereien als von seiner Realität und seinem Ernste hin und her geworfen, er ist diesen Endlichkeiten preisgegeben als seinen Herren und Göttern. So ist also alles, Sonne, Mond, Steine, der Ganges, Indus, Tiere, Blumen, alles ist ihm ein Gott (...)”

Tạm dịch:

“Những giấc mơ này không phải là những câu chuyện cổ tích trống rỗng, một màn kịch/trò chơi của lực tưởng tượng để mà trong đó tinh thần lộng hành, trái lại, tinh thần thất lạc (mình) ở trong đó và bị quăng quật tới lui bởi những mộng tưởng này, như thể bị quăng tới lui bởi hiện thực và sự nghiêm túc của nó [tinh thần]. Tinh thần bị phó thác cho những thứ có tính hữu hạn này như là những ông chủ và thần linh của nó. Vì vậy mà mọi thứ, mặt trời, mặt trăng, những hòn đá, sông Hằng, sông Ấn, thú vật, hoa lá, tất cả đều là thần linh cho nó.”

Câu đầu tiên bị ông NHL dịch sai thành ‘những giấc mơ không mang tính biểu ngôn’. Đoạn sau đó thì ông NHL vừa dịch vừa xuyên tạc như những lần trước đó. Ngay cả những câu văn đơn giản như ‘everything is a God to it’ cũng bị ông NHL dịch thiếu (‘mỗi cái là một Thiên chúa’), cụm ‘to it’ (cho nó, tức cho tinh thần) đã bị ông NHL bỏ qua không dịch.

Đi tiếp tới một đoạn sau đó, ông NHL dịch:

“Trong việc thần linh hóa mọi sự, mọi vật, mà hệ quả là sự giáng cấp cho cái Linh thiêng, ý niệm về Theanthropy (Thần nhân nhất thể), sự tái sanh của Thượng đế, chưa được nâng lên thành một ý niệm quan yếu. Con chim sáo, con bò, khỉ, chẳng hạn, là hiện thân Thượng đế, nhưng vẫn không vươn cao hơn ra khỏi bản chất thú vật của chúng. Cái Linh thiêng không là một tính thể chủ quan được cá thể hóa, như là một thực tại Tinh thần, mà chỉ là sự thoái hóa xuống cấp độ dung tục và vô nghĩa.”

Bản dịch tiếng Anh:

“In this universal deification of all finite existence, and consequent degradation of the Divine, the idea of Theanthropy, the incarnation of God, is not a particularly important conception. The parrot, the cow, the ape, etc., are likewise incarnations of God, yet are not therefore elevated above their nature. The Divine is not individualized to a subject, to concrete Spirit, but degraded to vulgarity and senselessness.”

Nguyên tác tiếng Đức:

“Bei dieser allgemeinen Vergöttlichung alles Endlichen und ebendamit Herabwürdigung des Göttlichen ist die Vorstellung der Menschwer­dung, der Inkarnation Gottes nicht ein besonders wichtiger Gedanke. Der Papagei, die Kuh, der Affe usf. sind ebenfalls Inkarnationen Gottes und nicht erhoben über ihr Wesen. Das Göttliche ist nicht zum Subjekte, zum konkreten Geist individualisiert, sondern zur Gemeinheit und Sinnlosigkeit herabgewürdigt.”

Tạm dịch:

“Trong sự thần linh hoá phổ quát đối với mọi thứ hữu hạn này, mà cùng với đó là một sự hạ nhục cái linh thiêng, thì ý tưởng về một sự nhập thể làm người (Menschwerdung), hoá thân của Thượng đế, không phải là một tư tưởng quan trọng. Con vẹt, con bò, con khỉ, v.v. do đó cũng đều là những hoá thân của Thượng đế và không được nâng cao lên khỏi bản chất của chúng. Cái linh thiêng không được cá thể hoá thành chủ thể, thành tinh thần cụ thể, mà bị hạ nhục thành sự xấu xa và sự vô nghĩa.”

Vẫn giống những lần trước, khi dịch câu văn đầu tiên trong đoạn này của Hegel thì ông NHL bịa thêm ‘chưa được nâng lên thành’. Điểm buồn cười của đoạn dịch này là ‘the parrot’ (Papagei) rõ ràng là con vẹt, không biết tại sao ông NHL lại dịch thành ‘con chim sáo’? Ông NHL dịch sai hoàn toàn ‘the incarnation of God’ thành ‘sự tái sinh của Thượng đế’, trong khi cụm từ này có nghĩa là ‘hoá thân của Thượng đế’ và được lặp lại ở ngay câu sau. ‘Reincarnation’ hay ‘Resurrection’ mới là ‘tái sinh’. Trong câu cuối cùng, ‘concrete Spirit’, tức ‘tinh thần cụ thể’, được ông NHL dịch thành ‘thực tại Tinh thần’?

Chúng ta sẽ đến với câu cuối cùng trong đoạn này:

“Vạn vật đều bị cướp mất cái hữu lý, cái tồn hữu hợp lý và đồng nhất trong quy luật nhân quả – (bởi vì chúng ta phải ý thức rằng) con người là của một năng lực mang ý chí tinh tấn từ cơ sở cá thể độc lập, của bản sắc cá tính, và của tự do.”

Bản dịch tiếng Anh:

“Things are as much stripped of rationality, of finite consistent stability of cause and effect, as man is of the steadfastness of free individuality, of personality, and freedom.”

Nguyên tác tiếng Đức:

“Die Dinge entbehren ebenso des Verstandes, des endlichen zusammen­hängenden Bestehens von Ursache und Wirkung, als der Mensch der Festigkeit des freien Fürsichseins, der Persönlichkeit und der Freiheit.”

Tạm dịch:

“Cũng như vậy, sự vật khuyết thiếu lí trí (Verstand), sự tồn tại hữu hạn có tính tương quan của nguyên nhân và kết quả, giống như con người khuyết thiếu tính kiên cố (Festigkeit) của sự tồn tại tự do cho chính mình (freies Fürsichsein), của cá tính và tự do.”

Phải nói rằng câu văn này đã cho thấy kiến thức tiếng Anh cực kì kém của ông NHL. Ông không nhận ra rằng bản tiếng Anh khi viết ‘as man is of the steadfastness of free individuality’ thì đã tỉnh lược từ ‘stripped’ (trong cụm ‘stripped of’ của vế câu trước), chỉ để lại giới từ ‘of’, mặt khác thì đây là câu so sánh với tiểu từ ‘as’. Nhưng ông NHL lại đọc nhầm ‘as’ là ‘bởi vì’ rồi bịa ra đoạn đằng sau ‘(bởi vì chúng ta phải ý thức rằng) con người là của một năng lực mang ý chí tinh tấn’. Đến đây thực ra có thể kết luận là ông NHL hoàn toàn không đọc và hiểu đúng được các văn bản tiếng Anh triết học và cũng không hiểu là mình đang dịch cái gì, vì tất cả những câu của ông rời rạc và không liên quan gì đến nhau. Đấy là còn chưa kể, dù không hiểu được bản Anh ngữ đang nói gì nhưng ông lại thường thêm những khái niệm không liên quan đến văn bản như ‘Ngôi Chúa’, ‘tinh tấn’, ‘nhân quả’ v.v. vào đoạn văn được dịch.

Chứng kiến khả năng tiếng Anh của ông NHL qua ví dụ trên (ông NHL dịch sai hầu như không sót câu nào trong đoạn trích) thực ra đã đủ để kết luận là ông không hiểu gì về Hegel và cũng không thể đọc được Hegel bằng tiếng Anh (hay đọc bất cứ văn bản triết học nào bằng tiếng Anh nói chung). Song để làm rõ và chắn chắn hơn điều này thì chúng tôi sẽ lấy thêm một vài đoạn văn khác mà trong đó ông NHL đã dịch Hegel. Tại trang 505–6, ông NHL dịch một trích đoạn khác của triết gia này:

“Khi ý thức đã đánh mất sự chắc mãn về chính mình và tất cả những gì về nó, ngay cả về sự công nhận cho điều mất mát này, hay là về cảm nhận trong năng thức tự-Ngã – cả về tinh hoa cũng như là về chính mình, và điều đó là niềm đau cay đắng cho Ngã thức được biểu hiện trong câu nói, “Chúa Trời đã chết.””

Bản tiếng Anh:[37]

“It is the consciousness of the loss of all essential being in this certainty of itself, and of the loss even of this knowledge about itself – the loss of substance as well as of the Self, it is the grief which expresses itself in the hard saying that 'God is dead'.”

Nguyên tác tiếng Đức:

“Es ist das Bewusstsein des Verlustes aller Wesenheit in dieser Gewissheit seiner und des Verlustes eben dieses Wissens von sich der Substanz wie des Selbsts, es ist der Schmerz, der sich als das harte Wort ausspricht, dass Gott gestorben ist.”

Tạm dịch:

“Đây là ý thức về sự mất mát tất cả tính bản chất (Wesenheit) trong xác tín của chính nó, [ý thức] về sự mất mát của ngay cái biết này về chính nó, về sự mất mát của thực chất (Substanz) cũng như của bản ngã, đây là nỗi đau mà đã phải thốt lên lời nói khắc nghiệt rằng Chúa đã chết.”

Ông NHL đã dịch bừa toàn bộ đoạn văn này, cộng thêm tự tiện cắt xén một số chỗ, đoạn văn của ông NHL không hề giống bản dịch tiếng Anh hay nguyên tác tiếng Đức. Đây lại là một bằng chứng cho thấy có thể ông NHL không đọc được các văn bản triết học bằng tiếng Anh. Ngay đoạn đầu tiên ‘It is the consciousness of the loss of …’. (‘Đây là ý thức về sự mất mát của ...’) được ông NHL dịch bừa thành: ‘Khi ý thức đã đánh mất...’, trong khi cụm từ ‘to be conscious of’ rất thông dụng trong tiếng Anh. Ông NHL sau đó cũng tự thêm những đoạn không có trong nguyên tác như ‘cảm nhận trong năng thức tự-Ngã’ vào đoạn dịch này. Hình như không có trích dẫn của Hegel nào được ông NHL dịch mà không tự thêm một vài từ do chính mình chế ra. Tiếp đến:

“Trong điều kiện quyền hạn và luật pháp, từ đó, thế giới luân thường đã bị tiêu vong, và thể loại tôn giáo này đã được bước qua trong tâm trạng Bi hài – Comedy. Tâm thức bất hạnh này, một linh hồn tuyệt vọng, chỉ là một sự công nhận về sự thể mất mát này. Nó đã đánh mất cả giá trị thế gian với những gì trân quý trên tư cách pháp nhân và trong thể tính tư duy của một kẻ tránh đời. Niềm tin vào quy luật vĩnh hằng từ chúa Trời nay đã im lắng, cũng như các nhà tiên tri cũng trở thành ngu muội – nhưng vẫn giả bộ biết về biến cố thế gian.”

Bản dịch tiếng Anh:

“In the condition of right or law, then, the ethical world and the religion of that world are submerged and lost in the comic consciousness, and the Unhappy Consciousness is the knowledge of this total loss. It has lost both the worth it attached to its immediate personality and the worth attached to its personality as mediated, as thought. Trust in the eternal laws of the gods has vanished, and the Oracles, which pronounced on particular questions, are dumb.”

Nguyên tác tiếng Đức:

“In dem Rechtszustande ist also die sittliche Welt und die Religion der­selben in dem komischen Bewusstsein versunken, und das unglueckliche das Wissen dieses ganzen Verlusts. Sowohl der Selbstwert seiner unmit­telbaren Persoenlichkeit ist ihm verloren, als seiner vermittelten, der gedachten. Ebenso ist das Vertrauen in die ewigen Gesetze der Goetter, wie die Orakel, die das Besondre zu wissen taten, verstummt.”

Tạm dịch:

“Như vậy, trong trạng thái pháp luật (Rechtszustand), thế giới đạo đức và tôn giáo của chính nó đã chìm vào trong ý thức hài kịch (komisch), và ý thức bất hạnh là cái biết về toàn bộ sự mất mát này. Nó đã đánh mất cả giá trị tự thân của cá tính (Persönlichkeit) trực tiếp, cũng như của cá tính được trung giới, tức được suy tưởng. Niềm tin vào những quy luật vĩnh hằng của thần linh, như những lời sấm truyền, thứ tuyên bố rằng đã biết cái đặc biệt, đã im bặt.”

Vẫn như những lần trước, ông NHL dịch sai hầu như toàn bộ đoạn văn. Đáng chú ý là bản tiếng Anh xuyên suốt trích đoạn này của Hegel chỉ dùng từ ‘Consciousness’ (Ý thức, Bewusstsein), nhưng ông NHL dịch từ này ở câu đầu tiên là ‘tâm trạng’, sang câu thứ hai thì là ‘tâm thức’, dù trước đó ông dịch từ này là ‘ý thức’; vẫn là sự lộn xộn trong thuật ngữ thường thấy. Do vốn tiếng Anh hạn chế, ông NHL dịch bừa ‘the worth attached to its personality as mediated, as thought’ thành ‘trong thể tính tư duy của một kẻ tránh đời’ (?). Khi gặp những cấu trúc câu phức tạp, hình như ông NHL chỉ có thể đọc được các chữ tiếng Anh rời rạc như ‘mediated’, ‘thought’, ‘worth’ rồi bắt đầu tưởng tượng, ‘xào nấu’ chúng để dịch ra một câu tiếng Việt? Tại câu cuối cùng, ‘oracle’ trong tiếng Anh vừa có nghĩa là ‘nhà dự ngôn/tiên tri’, vừa có nghĩa là ‘sấm ngôn’, ‘lời tiên tri’, ở đây thì ‘oracle’ mang nghĩa sau, như được xác nhận trong nguyên tác tiếng Đức, nhưng ông NHL đã đọc sai nghĩa của từ này ở đây và sau đó bịa ra thêm phần ‘ngu muội... biến cố thế gian’.

“Những tượng đài hoành tráng nay là những xác chết đá tảng khi mà linh thiêng của chúng đã biến mất, cùng lúc mà lời kinh cầu chỉ còn là ngôn từ mà chẳng còn ai tin vào. Bàn tiệc thần linh nay không còn thức ăn, đồ uống tinh thần, và từ nơi lễ hội hay trò chơi con người không còn nhận được niềm vui hoan lạc trong cảm thức thống hợp với Chân thể uyên nguyên.”

Bản dịch tiếng Anh:

“The statues are now only stones from which the living soul has flown, just as the hymns are words from which belief has gone. The tables of the gods provide no spiritual food and drink, and in his games and festivals man no longer recovers the joyful consciousness of his unity with the divine.”

Nguyên tác tiếng Đức:

“Die Bildsäulen sind nun Leichname, denen die belebende Seele, so wie die Hymne Worte, deren Glauben entflohen ist; die Tische der Goetter ohne geistige Speise und Trank, und aus seinen Spielen und Festen kommt dem Bewusstsein nicht die freudige Einheit seiner mit dem [göttlichen] Wesen[38] zurück.”

Tạm dịch:

“Những bức tượng giờ chỉ là xác chết vì linh hồn làm (chúng) sống đã rời khỏi chúng, cũng như bài tán ca giờ chỉ là những lời nói mà đức tin đã rời khỏi chúng. Những bàn ăn của thần linh không có thức ăn và thức uống tinh thần, và từ những trò chơi và lễ hội thì sự hợp nhất hân hoan giữa ý thức và bản chất thần linh ([göttliche] Wesen) cũng không quay về (cho ý thức) nữa.

Đoạn cuối cùng này thì ông NHL dịch sai ít hơn hai đoạn vừa nhắc đến, nhưng ông vẫn dịch sai và tự thêm thắt khá nhiều khi dịch. Chẳng hạn như dịch ‘living soul’ thành ‘linh thiêng’ hay ‘the joyful consciousness of his unity with the divine’ (ý thức vui mừng về sự hợp nhất của nó với cái thần linh) thành ‘niềm vui hoan lạc trong cảm thức thống hợp với Chân thể uyên nguyên’.

Sau khi ‘dịch’ xong đoạn văn trên, trích từ cuốn Phänomenologie des Geistes, ông NHL bình luận ‘Đó là giọng văn điêu luyện của Hegel’. Phải nói là ông NHL hoàn toàn không có cơ sở gì để đưa ra nhận định này, vì 1) ông không đọc được nguyên tác tiếng Đức để biết giọng văn thực sự của Hegel là như thế nào, và 2) ông cũng không đọc hiểu được bản dịch tiếng Anh của đoạn này, vì ông sai đủ thứ lỗi khác nhau trong lúc dịch và đoạn văn ông ‘dịch’ có nội dung không hề liên quan đến bản gốc. Rất nhiều chỗ trong bản dịch của ông NHL thực ra là những bịa đặt và xuyên tạc của chính ông chứ không liên quan gì đến Hegel.

Giờ thì chúng ta thử đến với một trích đoạn khác mà ông NHL dịch Hegel:

Thông hiểu bản chất của Sự thể là công tác Triết học, bởi vì tất cả mọi sự xảy ra đều là của Trí năng...

Bản dịch tiếng Anh:

To apprehend what is is the task of philosophy, because what is is reason.

Nguyên tác tiếng Đức:

Das was ist zu begreifen, ist die Aufgabe der Philosophie, denn das, was ist, ist die Vernunft.[39]

Tạm dịch:

Nắm bắt [bằng khái niệm, begreifen → Begriff] cái đang diễn ra là nhiệm vụ của triết học, bởi vì cái đang diễn ra chính là lí tính.

Như đã nhắc đến trong phần trước, ‘trí năng’ là từ mà ông NHL thường sử dụng để dịch chữ Geist (Spirit, Tinh thần), đến đây thì ông lại dùng từ này để dịch chữ ‘Vernunft’ (Reason, Lí tính). Những từ như ‘sự thể’ (một từ do ông NHL chế ra) hay ‘công tác’ rất lạc ý so với câu văn gốc của Hegel.

Sau đó ông NHL viết:

Khi công nhận Trí năng là đóa hoa Hồng trên Thánh giá của Hiện tại để mà hoan hỷ trong Hiện tại – Trực kiến Lý tính này chính là sự Hòa giải với Thực tại, vốn là điều mà Triết học ban cho những ai đi theo tiếng gọi Nội tâm nhằm thấu hiểu.”

Bản dịch tiếng Anh:

“To recognize reason as the rose in the cross of the present, and to find delight in it, is a rational insight which implies reconciliation with reality. This reconciliation philosophy grants to those who have felt the inward demand to conceive clearly, to preserve subjective freedom while present in substantive reality, and yet though possessing this freedom to stand not upon the particular and contingent, but upon what is self-originated and self-completed.”

Nguyên tác tiếng Đức:

“Die Vernunft als die Rose im Kreuze der Gegenwart zu erkennen und damit dieser sich zu erfreuen, diese vernünftige Einsicht ist die Versöh­nung mit der Wirklichkeit, welche die Philosophie denen gewährt, an die einmal die innere Anforderung ergangen ist, zu begreifen und in dem, was substantiell ist, ebenso die subjektive Freiheit zu erhalten sowie mit der subjektiven Freiheit nicht in einem Besonderen und Zufälligen, sondern in dem, was an und für sich ist, zu stehen.”

Tạm dịch:

“Nhận ra lí tính như là bông hồng trên thánh giá của hiện tại và vì thế mà vui mừng về điều này, nhận thức hợp lí tính này là sự hoà giải với hiện thực (Wirklichkeit), là thứ mà triết học ban cho những ai đã một lần đón nhận yêu cầu nội tại là lĩnh hội [bằng khái niệm], và cũng như thế, bảo tồn sự tự do chủ quan trong cái thực chất, cũng như phải đứng với sự tự do chủ quan không phải trong một [mối quan hệ] đặc thù và ngẫu nhiên, mà là ngay trong cái tồn tại tự nó và cho nó (an sich và für sich).”

Ở đây thì ông NHL vẫn dịch Reason (Vernunft) là ‘trí năng’, nhưng ‘ratio­nal’ (vernünftig) lại được ông dịch là ‘lí tính’? Câu văn gốc của Hegel còn một đoạn dài đằng sau, nhưng ông NHL đã cắt bỏ (có thể là vì ông không đọc và hiểu được câu này) mà không đánh dấu gì để thông báo cho độc giả. Trước đó, ông NHL dịch một trích đoạn khác của Hegel:

“Đó là một tiến trình Trở nên tự hữu, một vòng tròn mà Chung cuộc là Chủ đích, và Chung cuộc cũng là sự Bắt đầu; nó trở nên Thực hữu và Hiện thực chỉ khi nào được hành hoạt về một chủ đích mà nó dấn thân vào.”

Bản dịch tiếng Anh (ông NHL không chú thích trong ví dụ này là ông sử dụng bản dịch tiếng Anh nào nên chúng tôi sẽ lấy bản dịch tiếng Anh của Miller như các ví dụ trước.)

“It is the process of its own becoming, the circle that presupposes its end as its goal, having its end also as its beginning ; and only by being worked out to its end, is it actual.”[40]

Nguyên tác tiếng Đức:[41]

“Es ist das Werden seiner selbst, der Kreis, der sein Ende als seinen Zweck voraussetzt und zum Anfange hat, und nur durch die Ausführung und sein Ende wirklich ist.”

Tạm dịch:

“Đó là sự Trở-thành (Werden) của chính nó, vòng tròn, thứ tiền giả định kết thúc (Ende) của nó là mục đích (Zweck) của nó và có kết thúc của nó là khởi điểm, và chỉ thông qua sự thực hiện (Ausführung) và kết thúc này mà nó có thực (wirklich).”

Chúng tôi sẽ để cho độc giả tự đánh giá cách hiểu Hegel của ông NHL tại đây.

Nếu như độc giả qua những ví dụ trên nghĩ rằng đã được chứng kiến hết khả năng xuyên tạc, ‘xào nấu’ của ông NHL thì độc giả đã lầm. Chúng ta sẽ đi đến ví dụ cuối cùng trong phần này. Tại trang 195, cuốn Phác thảo, ông NHL dịch:

Lịch sử Thế giới, với tất cả những thay đổi qua bao thiên niên kỷ, là một quá trình Tiến hóa và thực tại hóa cho Tinh thần – đây là tinh yếu của Theodicaea – biện minh từ Chân Tâm trong Sử tính. Chỉ từ trong Trí tuệ thông hiểu này chúng ta mới thấy được sự hóa giải giữa TA và ta, giữa phủ định và xác định, giữa Sử ký với Sử lý – rằng những gì đã xảy ra không phải chỉ là tình cờ, vô nghĩa, nhưng mà tất cả đều nằm trong cơ Trời từ Chân thức.

Bản dịch tiếng Anh, (Philosophy of History, 437):

That the History of the World, with all the changing scenes which its annals present, is this process of development and the realization of Spirit — this is the true Theodicaea, the justification of God in History. Only this insight can reconcile Spirit with the History of the World — viz., that what has happened, and is happening every day, is not only not ‘without God,’ but is essentially His Work.

Nguyên tác tiếng Đức:

Daß die Weltgeschichte dieser Entwicklungsgang und das wirkliche Werden des Geistes ist, unter dem wechselnden Schauspiele ihrer Ge­schichten, – dies ist die wahrhafte Theodicee, die Rechtfertigung Gottes in der Geschichte. Nur die Einsicht kann den Geist mit der Weltge­schichte und der Wirklichkeit versöhnen, daß das, was geschehen ist und alle Tage geschieht, nicht nur nicht ohne Gott, sondern wesentlich das Werk seiner selbst ist.

Tạm dịch:

Rằng bên dưới màn kịch biến chuyển của những lịch sử/câu chuyện, lịch sử thế giới là quá trình phát triển và sự Trở thành (das Werden) thực sự của tinh thần, đó chính là Thần chính luận (Theodicee) thực sự, tức sự biện minh chính đáng cho Thượng đế trong lịch sử. Chỉ có cái nhìn sâu sắc/nhận thức (Einsicht) này mới có thể hoà giải tinh thần với lịch sử thế giới và hiện thực, đó là, thứ đã xảy ra và đang xảy ra hằng ngày không những không vắng mặt Thượng đế, mà về bản chất là tác phẩm của chính Ngài.

Có lẽ ông NHL có thể nên ghi ở đây là ‘theo Hữu Liêm’ chứ không phải ‘theo Hegel’ vì ông vừa sáng tác một đoạn văn mới chứ không hề trích lại Hegel. Chữ ‘History’ thì được ông dịch thành ‘Sử tính’ (tức Substance hoặc Spirit of History như ông chú thích trong cuốn ‘Sử tính’), chữ ‘God’ được ông bịa thành Chân tâm (?), ‘tác phẩm của Thượng đế được ông NHL bịa ra thành ‘cơ Trời từ Chân thức’ (??), vậy thì ‘Chân tâm’ và ‘Chân thức’ giống nhau? Sau đó ông NHL nhét luôn những tưởng tượng của chính mình vào miệng Hegel: ‘sự hoá giải giữa TA và ta, giữa phủ định và xác định, giữa Sử ký và Sử lý’ (???). Đây có lẽ là một trường hợp của ‘treo đầu dê, bán thịt chó’, ông NHL mượn lấy cái tên Hegel, nhưng nội dung bên trong hoá ra lại toàn là sáng chế của chính ông.

Cách ông NHL dịch các đoạn văn của các triết gia lớn như Jaspers hay Plato khiến chúng tôi không thể tin vào mắt mình, bởi ông NHL dịch sai quá nhiều và trong số đó có rất nhiều lỗi sai căn bản về tiếng Anh. Chỉ qua bản dịch tiếng Việt thì người ta mới thực sự đánh giá được trình độ hiểu tiếng Anh của ông NHL, vì khi viết bằng tiếng Anh (như luận án tiến sĩ của ông) thì ông NHL có thể trích nguyên đoạn văn bằng tiếng Anh mà không cần giải thích gì thêm, do vậy mà người đọc không biết là ông có thực sự hiểu đoạn văn này hay không. Triết học có thể tạm coi là sở trường của ông NHL, nhưng ông NHL dịch những đoạn văn của các triết gia nổi tiếng như Jaspers hay Plato vẫn còn sai rất nhiều và đây là những lỗi sai sơ đẳng. Chúng tôi không trình bày ở đây nhưng ông NHL dịch Kinh Thánh, Kinh Phật hay những văn bản khác cũng sai không kém gì những chỗ đã được chỉ ra ở đây.

Vốn tiếng Anh không tốt cộng thêm với trí tưởng tượng quá lớn khiến những đoạn văn được ông dịch không khác gì một trò đùa cho những người biết ngoại ngữ và có kiến thức triết học. Những trích dẫn mà ông NHL trình bày để ủng hộ cho học thuyết Liêmism của mình hoàn toàn không có giá trị gì cả, vì chúng là những trích dẫn không khách quan, đã bị bóp méo, xuyên tạc bởi ông NHL. Thậm chí có thể nói là ông NHL không đọc hiểu được văn bản triết học bằng tiếng Anh chứ đừng nói đến việc diễn giải chúng.

Ông NHL nói và viết nhiều về Hegel, ông cũng đã chấp nhận cái biệt danh ‘Hegel của Việt Nam’ mà có người đã gọi ông. Song có lẽ là ông NHL cũng không hề có kiến thức khoa học nào về triết gia này. Những đoạn văn ông dịch Hegel hầu như không có đoạn văn nào có nghĩa, các câu văn trong cùng một đoạn văn còn không ăn khớp với nhau. Nội dung bản dịch của ông NHL không liên quan gì đến nguyên tác hoặc bản dịch tiếng Anh, có nhiều chỗ thì ông chỉ đọc được một vài chữ tiếng Anh rồi bắt đầu xào nấu, tưởng tượng ra một câu trong tiếng Việt. Bên cạnh đó thì ông NHL nhiều lúc cũng đưa luôn những suy nghĩ của chính ông vào ngay trong văn bản của Hegel. Có lẽ chỉ có thể giải thích hiện tượng này là ông NHL muốn mượn danh Hegel để đánh bóng những suy nghĩ của chính mình. Lối viết ‘mập mờ đánh lận con đen’ này là không thể chấp nhận trong khoa học.

Phải nhớ ở đây rằng cuốn Phác thảo về một triết học cho lịch sử thế giới được viết năm 2020, tức là cuốn sách gần đây nhất của ông NHL, sau khi ông đã có hơn 25 năm kinh nghiệm ‘diễn giải’ triết gia Hegel. Nếu như cuốn sách này vẫn còn những lỗi sai tày trời như vừa được chỉ ra bên trên thì chắc người ta không thể tưởng tượng được là trước kia khi viết về Hegel thì ông NHL còn có thể ‘sáng chế’ ra được những gì. Có lẽ chỉ cần kết luận ngắn gọn ở đây, đó là ông NHL chưa bao giờ có một kiến thức đàng hoàng nào về Hegel cả, thậm chí là về triết học phương Tây nói chung vì ông NHL không đọc hiểu được các văn bản triết học được viết/dịch sang tiếng Anh.

Bây giờ, chúng ta sẽ tạm rời khỏi lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn để sang một lĩnh vực khác mà ông NHL thỉnh thoảng có nhắc đến trong các bài giảng của mình, đó là lĩnh vực khoa học tự nhiên. Chúng ta sẽ xem cách ông NHL hiểu và diễn giải các khái niệm của khoa học tự nhiên như thế nào trong phần sắp tới.

3. GS NHL VÀ KHOA HỌC TỰ NHIÊN

 

Giới hạn giấy viết không cho phép chúng tôi phân tích hết những phát biểu của ông NHL về khoa học tự nhiên. Chúng tôi sẽ phân tích hai chủ đề được ông NHL nhắc lại nhiều lần trong các tác phẩm của mình là ‘tiến hoá’ và ‘chiêm tinh thuật’ (astrology). Dưới đây là một đoạn văn mà trong đó ông NHL giải thích khái niệm tiến hoá theo học thuyết Tân Darwin (Neo-Darwinism). Đây có thể coi là một đoạn văn điển hình cho cách mà ông NHL ‘giải thích’ các khái niệm trong khoa học tự nhiên. Tại trang 122, cuốn Thời tính, Hữu thể và Ý chí, ông NHL giải thích khái niệm ‘tiến hoá’ theo học thuyết Darwin và Tân-Darwin như sau:

Thuyết tiến hóa, theo Darwinism, chủ trương rằng sự biển đổi theo Thời thể cho sinh thái hữu thể, nhất là trên cõi sống của sinh vật, tuỳ thuộc vào năng động phản ứng của sinh thể đối với nhu cầu tồn tại khách quan.

Chỉ riêng câu này đã đủ để kết luận rằng ông NHL không biết mình đang viết cái gì. Học thuyết Darwin nào chủ trương rằng sự biến đổi của sinh vật theo thời gian tuỳ thuộc vào khả năng phản ứng của sinh vật đối với nhu cầu tồn tại khách quan? (Chúng tôi tạm dịch ngôn ngữ NHL thành ngôn ngữ bình thường tại đây.) Học thuyết mà ông NHL đang có trong đầu cùng lắm là học thuyết của Lamarck chứ không phải Darwin. Một cách trình bày điển hình cho học thuyết tiến hoá của Lamarck là:

Các loài sinh vật khác nhau vì chúng có những nhu cầu khác nhau, và do vậy mà chúng sử dụng các cơ quan theo những cách khác nhau để thích ứng với môi trường. Cơ quan được sử dụng nhiều thì sẽ phát triển, cơ quan nào không được sử dụng thì sẽ dần tiêu biến. Những thay đổi hình thành do sự tương tác của sinh vật với môi trường này, những thứ thu được (hay ‘tập nhiễm’, ‘acquired’) trong đời sống của một cá thể, sẽ được truyền lại cho thế hệ sau.[42]

Như đã thấy, quan điểm cho rằng tiến hoá xuất phát từ ‘sinh vật chủ động phản ứng với môi trường’ là đặc trưng của học thuyết Lamarck, được ông minh hoạ qua ví dụ con hươu cao cổ có chiếc cổ dài là do đã vươn cổ dài ra để ăn được lá ở trên cao và đặc điểm này được truyền lại cho thế hệ sau. Các hiểu biết về di truyền học hiện đại nhìn chung đã bác bỏ quan điểm rằng các tính trạng tập nhiễm (acquired traits) có thể được truyền lại như của Lamarck đã nghĩ.[43] Dù vẫn còn nhận được sự quan tâm nhất định, thuyết tiến hoá của Lamarck hiện nay hầu như không còn được chấp nhận như một lí thuyết giải thích quá trình tiến hoá trong giới nghiên cứu sinh học.

Những khái niệm trung tâm của học thuyết tiến hoá của Darwin là ‘hậu duệ với những biến đổi’ (descent with modifications), ‘đấu tranh sinh tồn’ (struggle for existence, một thuật ngữ đã tồn tại trước Darwin) và nhất là ‘chọn lọc tự nhiên’ (natural selection). Sự phản ứng chủ động của cá thể trước điều kiện ngoại cảnh (tức ‘sự biển đổi theo Thời thể cho sinh thái hữu thể’, ‘năng động phản ứng của sinh thể đối với nhu cầu tồn tại khách quan’ trong ngôn ngữ Liêmism) không phải là nội dung của học thuyết Darwin như ông NHL viết.

Sau đó, ông NHL, không có kiến thức khoa học nào về học thuyết tiến hoá của Darwin như vừa chỉ ra, lại bắt đầu giải thích thuyết tiến hoá một cách tuỳ tiện (tr. 125, Thời tính):

“Vì vậy, các trường phái Neo-Darwinism đã phải từ bỏ một số những tiền đề giả định về thuyết tiến hóa mà cả trăm năm nay vẫn được nuôi dưỡng. Ngày nay khoa học không còn cho rằng cái cổ của con hươu cao cổ đã được biến hóa dài ra theo Thời thể vì nó, như là sự kiện khách quan của thân xác, đã bao lần với cổ dài ra để ăn được lá những cành cây cao hơn.

Không biết ‘những tiền đề giả định về thuyết tiến hoá mà cả trăm năm nay vẫn được nuôi dưỡng’ mà ông NHL đang nhắc đến ở đây là gì. Nếu tiền đề giả định mà ông NHL nhắc đến là ‘cái cổ của con hươu cao cổ đã dài ra theo thời gian vì nó với cổ dài ra để ăn lá’ thì tiền đề này đã được tranh cãi và bác bỏ từ lâu, đâu phải ‘cả trăm năm nay vẫn được nuôi dưỡng’? Mặt khác, như đã nói đến ở trên, tiền đề giả định này là đặc điểm của học thuyết tiến hoá Lamarck, liên quan gì đến ‘các trường phái Neo-Darwinism’?

Đoạn văn tiếp theo mà ông NHL viết còn có vẻ thú vị hơn:

Thực ra, cái cổ loài hươu nầy là hệ quả của một năng ý Khát sống đối đầu với khả thể tính của tồn hữu trên căn bản sinh vật – đến một mức độ mà sự kiện cái cổ ngắn đối với năng lực khao khát chủ quan muốn vươn lên cành cây cao đã tạo nên một bàn cờ xác suất mới để cho ý chí tồn hữu của con hươu lại phải tung mình vào bàn cờ xác suất mới nầy để kiến tạo Thời Vận mới cho mình; nó như là của một sự đổi thay của khả năng nòi giống trên một nội dung Thời tính mới được thành đạt trên dạng thể thân xác – tức là cái cổ loài hươu nắm đến Thời Vận để nó được dài ra. Vì vậy, tiến hóa của loài hươu nầy khởi đi từ ý chí chủ quan, như là một sự bực dọc với chính mình vì năng lực nội tại đang bị thử thách tối đa và tột cùng khả năng của nó cho đến khi Cơ Thời mới phải đến trong cửa ngõ Thời Vận mới: cấu trúc của genes trong thân xác con hươu thay đổi để hoàn tất thể trạng của bản thể Thời Ý đã được hiện thân. Sự kiện thiết yếu để tác thành cái cổ con hươu dài ra không phải là nhu cầu tranh sống khách quan mà là năng ý nội tại đã chọn lựa một sự vượt thắng thể trạng Đang Là đề cho Thời Vận chuyển hóa thân xác có thể được hiện thành.” (nhấn mạnh của người viết bài)

Như vậy, ông NHL cho rằng cái cổ của hươu cao cổ dài ra là vì nó khát khao muốn sống. Sự tiến hoá của loài hươu cao cổ này xuất phát từ ý chí chủ quan của chính nó, khiến cho cấu trúc gene của nó thay đổi. Theo cách giải thích này, quá trình tiến hoá không bắt nguồn từ sự cạnh tranh sinh tồn khách quan mà là từ ‘năng ý nội tại’ (không rõ từ này có nghĩa gì) của một sinh vật.

Đến đây thì đoạn văn này đang trình bày học thuyết Liêm về tiến hoá, không phải là Lamarck hay Darwin nữa. Dù ông NHL trước đó viết: ‘Ngày nay khoa học không còn cho rằng cái cổ của con hươu cao cổ đã được biến hóa dài ra theo Thời thể vì nó, như là sự kiện khách quan của thân xác, đã bao lần với cổ dài ra để ăn được lá những cành cây cao hơn’ nhưng học thuyết của ông thực ra vẫn sử dụng ngay tiền đề đã bị bác bỏ này, chỉ khác là thay vì cái cổ con hươu dài ra do nó với cổ cao hơn như trong thuyết Lamarck, thì ông NHL cho rằng cổ con hươu dài ra do ‘năng ý Khát sống’ chủ quan.

Bây giờ thì chúng ta đến với phần thú vị trong thuyết tiến hoá Liêmism. Theo ông NHL, sự tiến hoá như vậy phải bắt nguồn từ ‘ý chí chủ quan’ chứ không phải là do ‘nhu cầu tranh sống khách quan’. Như được chấp nhận trong giới nghiên cứu khoa học, sự đa dạng của thế giới sống là kết quả của quá trình tiến hoá. Dễ thấy, thế giới sự sống xung quanh chúng ta không chỉ bao gồm các loài động vật mà còn cả các loài thực vật, nấm, vi sinh vật các loại. Nếu theo ông NHL giải thích thì tất cả những thứ trên đều có ‘ý chí chủ quan’, bởi vì đây mới là nguồn gốc thực sự của tiến hoá. Vậy thì cây táo, cây lê, rau muống, rau ngổ, mồng tơi, cà rốt, mùi tây, tía tô, hành lá, v.v., tất cả đều có ‘ý chí chủ quan’? Làm thế nào để nhận ra ý chí này, và làm sao để ý chí này có thể tồn tại khi thực vật nhìn chung được chấp nhận là không có hệ thần kinh và không có ý thức?[44] Lưu ý rằng ông NHL đang viết đoạn văn này trong thảo luận về thuyết tiến hoá, tức những câu văn của ông NHL được hiểu theo nghĩa miêu tả khoa học chứ không phải là theo các ẩn dụ hay so sánh như thường xuất hiện trong văn học.

Sự tiến hoá của vi sinh vật (các loại vi khuẩn, cổ khuẩn, vi tảo, vi nấm v.v) là điều hầu như đã được chấp thuận trong giới nghiên cứu sinh học (chẳng hạn như sự tiến hoá của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh). Nếu theo thuyết Liêmism thì sự tiến hoá này cũng xuất phát từ ‘ý chí chủ quan’? Nhưng làm sao mà vi khuẩn lại có ‘ý thức chủ quan’ được? Lưu ý, những nghiên cứu về những hành vi giống như có ý thức (conscious-like) hoặc trao đổi thông tin giữa các tế bào trong một quần thể hoặc quần xã vi khuẩn không hề tuyên bố rằng các tế bào này thực sự có ý thức.[45] Nhưng đối với ông NHL thì vi khuẩn không những có ý thức mà còn có là một ý thức loại cao, vì chúng ý thức được bản thân (‘ý chí chủ quan’) và có khát khao muốn sống (‘ý năng khát sống’), vì nếu không có thứ này thì chúng không tiến hoá được. Nhưng vi khuẩn có ý thức kiểu gì khi chúng là sinh vật đơn bào (chỉ có một tế bào duy nhất) và không có bất cứ đặc điểm gì của một hệ thống truyền thông tin tương tự hệ thần kinh? Nếu như bỏ qua hệ thần kinh mà chỉ coi khả năng tiếp nhận và xử lí thông tin (như phản ứng với môi trường) đã đủ để tạo nên ‘ý thức’ thì người ta phải đi đến kết luận là cái bút bi hay cái lò vi sóng cũng có ý thức, vì chúng phản ứng với các tác động của môi trường, thường là của con người (chẳng hạn như khi bấm bút bi hay bật lò vi sóng). Không biết trong học thuyết Liêmism thì ‘bút bi’ và ‘lò vi sóng’ có ‘năng ý khát sống’ và ‘ý chí chủ quan’ hay không?

Tạm bỏ qua thuật ngữ ‘năng ý khát sống’ và ‘ý chí chủ quan’ tương đối khó hiểu và không thể kiểm chứng bằng khoa học, chúng ta đi đến phát biểu ‘Sự kiện thiết yếu đề tác thành cái cổ con hươu dài ra không phải là nhu cầu tranh sống khách quan mà là năng ý nội tại (...)’. Nhưng chẳng phải ở mấy dòng trên thì ông NHL vừa viết ‘Thực ra, cái cổ loài hươu nầy là hệ quả của một năng ý Khát sống đối đầu với khả thể tính của tồn hữu trên căn bản sinh vật’? Và ‘năng ý khát sống’ nếu không dẫn đến ‘nhu cầu tranh sống khách quan’ thì dẫn đến điều gì? Hay là sinh vật chỉ ‘khát sống’ trong ‘ý năng’ còn ở ngoài thiên nhiên khách quan thì không ‘khát sống’? Tức là cuộc cạnh tranh để có thể sinh sản, cạnh tranh giành thức ăn, giành nơi sống không phải là nhân tố tác động đến tiến hoá vì chỉ là ‘nhu cầu tranh sống khách quan’, trong khi thứ quan trọng phải là ‘năng ý khát sống’?

Nhưng đoạn văn sau còn đáng chú ý hơn nữa:

Vì vậy, tiến hóa của loài hươu nầy khởi đi từ ý chí chủ quan, như là một sự bực dọc với chính mình vì năng lực nội tại đang bị thử thách tối đa và tột cùng khả năng của nó cho đến khi Cơ Thời mới phải đến trong cửa ngõ Thời Vận mới: cấu trúc của genes trong thân xác con hươu thay đổi để hoàn tất thể trạng của bản thể Thời Ý đã được hiện thân.

Như vậy thì ông NHL cho rằng ‘ý chí chủ quan’ và ‘sự bực dọc với chính mình’ sẽ làm thay đổi cấu trúc gene của sinh vật, để ‘hoàn tất thể trạng của bản thể Thời Ý đã được hiện thân’. Nhưng chẳng hạn trong trường hợp của con hươu cao cổ, đang ‘bực dọc’ vì không ăn được lá cây trên cao, tại sao ‘bản thể Thời ý’ không hiện thân thành một con hươu có cánh, con hươu có cái lưỡi dài như con ếch, hoặc con hươu có chân dài khoảng 5 mét mà lại hiện thân là một con hươu có cái cổ cao? Mặt khác, như vậy thì con hươu đã biết trước mình sẽ hiện thân thành cái gì để rồi chỉ cần bực dọc là ‘cấu trúc genes’ của nó sẽ thay đổi cho nó biến thành con vật đó. Vậy thì giá mà con ngựa cũng ‘bực dọc’ với ‘năng lực nội tại’ của chính mình là không có sừng nhọn hay không có cánh bay để chúng ‘tiến hoá’ thành ‘kì lân’ (unicorn) và ‘thiên mã’ (như Pegasus). Và nếu sự ‘bực dọc với chính mình’ là nguồn gốc của ‘tiến hoá’ thì một con báo hoa mai, nếu nó bằng một cách nào đó bị lạc vào một đồng cỏ không có con mồi để ăn thịt, sẽ ‘bực dọc với chính mình’ và tiến hoá trở thành con ‘báo ăn chay’ để ăn cỏ, giúp nó sống sót tốt hơn trong môi trường mới?

Mặt khác thì làm sao ‘ý chí chủ quan’ và ‘sự bực dọc với chính mình’ lại thay đổi được cấu trúc gene của sinh vật? Chúng ta sẽ đến với con người, sinh vật mà chúng ta biết chắc chắn là không thiếu ‘ý chí chủ quan’ và ‘sự bực dọc với chính mình’. Bệnh mù màu (color blindness), phổ biến nhất là mù màu đỏ lục, là một căn bệnh do sai hỏng trên gene gây ra; bệnh này thường gặp ở nam giới hơn nữ giới vì những gene liên quan đến bệnh này liên kết với nhiễm sắc thể X. Người gặp bệnh mù màu chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn với cuộc sống của mình vì những bất tiện mà căn bệnh này gây ra (ví dụ như khó khăn khi quan sát màu đèn giao thông), vậy thì chỉ cần những người này ‘bực dọc với chính mình’ thì cái gene lỗi sẽ được sửa lại và người ta sẽ khỏi bệnh, tức đã ‘tiến hoá’? Một số hội chứng ở con người xuất phát từ việc đột biến số lượng nhiễm sắc thể (NST) như hội chứng Down (thừa một NST số 21), hội chứng Klinefelter (thường là thừa một NST X ở nam giới) hay Turner (thiếu một NST X ở nữ giới). Chỉ cần những người này có ‘ý chí chủ quan’, ‘ý năng khát sống’ và ‘bực dọc với chính mình’ thì bộ NST của họ sẽ bình thường trở lại?

Nói vui một chút, nếu như ông NHL chứng minh được học thuyết của mình bằng các thí nghiệm đúng tiêu chuẩn khoa học thì chắc chắn giải Nobel Sinh lí học và Y học sẽ về tay ông trong một ngày gần nhất, và khi đó thì các phòng thí nghiệm khắp nơi sẽ không cần phải bỏ tiền và công sức để nghiên cứu về các biện pháp chỉnh sửa gene hoặc các liệu pháp gene nữa, vì chỉ cần có đủ ‘ý chí chủ quan’, ‘ý năng khát sống’ và ‘bực dọc với chính mình’ thì gene của con người sẽ được sửa lại và con người sẽ ‘tiến hoá’, ‘để hoàn tất thể trạng của bản thể Thời Ý đã được hiện thân’.

Nghiêm túc trở lại, việc phân tích ví dụ trên đã là đủ để cho thấy ông NHL không có kiến thức khoa học cơ bản nào cả. Nhưng điều kì lạ là tác giả này, như đã một vài lần chỉ ra ở trên, rất thích nói về những chủ đề mà mình không biết. Chắc chắn là ông NHL chưa từng đọc và hiểu đúng được một tài liệu khoa học về chủ đề tiến hoá, vì ông mắc phải một lỗi cơ bản đến độ không phân biệt được học thuyết tiến hoá của Lamarck và Darwin. Sau đó thì ông bắt đầu trình bày học thuyết Liêmism với ‘ý chí chủ quan’, ‘năng ý khát sống’ và một vài khái niệm ‘bí hiểm’ khác do ông NHL nghĩ ra (Thời thể, Thời vận, Thời Ý, Cơ Thời, v.v.). Dù không có chuyên môn về chủ đề mình đang viết, ông NHL vẫn quả quyết:

Những khoa học gia trong truyền thống thuyết Darwinism như Richard Dawkins, Jacques Monod, hay Daniel Dennett, chẳng hạn, là hiện thân của lề lối suy nghĩ thuần duy Sinh hóa, tức là suy nghĩ từ cõi Thấp mà không thể suy ra cái Cao hơn. (tr. 335, Phác thảo)

Kiến thức của ông NHL về Darwinism như thế nào thì không cần phải nhắc lại, song ông lại dùng vốn kiến thức đầy lỗ hổng của mình để đi phê bình những nhà khoa học thực sự (Jacques Monod được nhận giải Nobel Sinh lí học và Y khoa năm 1965). Có lẽ là họ không nhìn thấy cái Cao hơn thật, chẳng hạn như cái ‘năng ý Khát sống’, ‘ý chí chủ quan’ hay cách biến đổi gene bằng ‘sự bực dọc với chính mình’, những thứ này thì xem ra chỉ có ông NHL mới suy nghĩ và nhận ra được. Chỉ có một câu hỏi là sao ông NHL không viết một bài nghiên cứu chi tiết về chủ đề này và đăng lên những tạp chí khoa học quốc tế để toàn bộ giới khoa học biết rằng họ chỉ suy nghĩ từ cõi Thấp mà không suy ra được cái Cao hơn, thứ mà chỉ có ông NHL may mắn đã phát hiện ra và giờ đang đi khải thị cho nhân loại.

Nhân tiện, trong cùng trang này, ông NHL tuyên bố các nhà khoa học không thể giải thích tại sao lại xuất hiện ‘ung thư’:

“Sự chuyển hóa từ Lượng sang Phẩm, ví dụ, được coi là một bước đi Biện chứng – nhưng các nhà Duy vật hay Khoa học không thể giải thích tại sao phát triển có thể chuyển lượng thành phẩm, hay ung thư, mà chỉ nêu lên kết quả để biện minh cho sự thiếu vắng về quy luật Nhân-Quả ở nơi chuyển hóa.”

Thực sự là không hiểu ông NHL đang viết cái gì ở đây, cái gì gọi là ‘thiếu vắng về quy luật Nhân-Quả ở nơi chuyển hoá’? Trong chuyển hoá (meta­bolism), chẳng hạn, một phân tử glucose sau khi đi qua con đường đường phân (glycolysis) phổ biến nhất sẽ được tách thành hai phân tử nhỏ hơn; tất cả các enzyme, các chất phản ứng, và các sản phẩm chuyển hoá của con đường này đã được thống kê và nghiên cứu rõ ràng. Nếu như cơ thể bị trúng chất độc cyanide thì chất này sẽ làm gián đoạn quá trình hô hấp tế bào và gây hậu quả nghiêm trọng, đây là lí do của sự ngộ độc cyanide. Nếu uống cyanide (nguyên nhân), thì quá trình chuyển hoá cơ thể bị biến đổi và nạn nhân thường sẽ tử vong (hậu quả), đây là một điều có lẽ không ai phủ nhận. Dù vậy nhưng ông NHL cho rằng nơi chuyển hoá ‘thiếu vắng quy luật Nhân-Quả’?

Thế giới có thể vẫn chưa tìm ra cách để điều trị dứt điểm ung thư, nhưng quá trình nghiên cứu về căn bệnh này đã dần làm sáng tỏ những yếu tố rủi ro như các tác nhân gây ung thư (carcinogen), bức xạ, các loại virus gây ung thư v.v. Các gene liên quan đến quá trình phát sinh khối u như các gene sinh ung thư (oncogene) và các gene chống lại ung thư như các gene ức chế khối u (tumor suppressor gene) cũng ngày càng được biết đến nhiều hơn. Dựa vào những kiến thức này mà người ta phát triển những phương pháp điều trị ung thư như hoá trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch v.v., cũng như đưa ra các khuyến nghị để phòng ngừa khả năng bị mắc ung thư. Không biết là ông NHL đang học sinh học và y học bằng tài liệu nào (nếu quả thực ông có học về chủ đề này) để có thể phát biểu rằng ‘các nhà Duy vật và Khoa học không thể giải thích tại sao phát triển lại có thể chuyển thành (...) ung thư’?

Như phần trước, đến đây người ta có thể nói ngắn gọn rằng ông NHL không có một kiến thức đàng hoàng nào về các lĩnh vực khoa học tự nhiên mà ông nhắc đến cả. Song vẫn là cái tật nói mà không biết mình đang nói cái gì, ông NHL rút ra thứ mà ông nghĩ là công cụ tối tân nhất trong việc chỉ ra giới hạn của khoa học tự nhiên: các định lí bất toàn (hoặc bất hoàn bị) của Gödel (Gödel’s incompleteness theorems). Ông NHL giải thích định lí này là ‘cái khả năng mà kiến lập một cái hệ thống lí thuyết toàn hảo, bao gồm để mà diễn tả thực tại, thì cái chuyện đó không có, không thể làm được’.[46] Chúng tôi sẽ không giải thích các định lí bất hoàn bị của Gödel ở đây vì để hiểu được những định lí này thì một người phải có một lượng kiến thức nhất định về số học và logic hình thức. Chỉ xin được lưu ý ở đây là, Gödel không chỉ đưa ra các định lí bất hoàn bị, Gödel còn có một định lí hoàn bị (Gödel’s completeness theorem). Vậy thì, giải thích theo cách của ông NHL, theo định lí này thì khoa học có thể ‘kiến lập một hệ thống lí thuyết toàn hảo, bao gồm để diễn tả thực tại’? Những chỗ kiểu như thế này cho thấy ông NHL không hề đọc (được) các văn bản khoa học thực sự mà chỉ đọc những thứ gì trôi nổi trên Internet rồi cứ tưởng thứ mình đọc là đúng, là mình đã biết hết về khoa học, trong khi thực ra thì ông không có kiến thức gì cả.

Cũng phải nói thêm là ông NHL sử dụng khoa học tự nhiên theo một cách rất tiện lợi và đầy tính cơ hội (opportunistic) cho triết học của chính mình. Đối với học thuyết mà ông NHL không thích thì ông dùng ‘khoa học thực nghiệm’ để phản biện, bác bỏ. Đối với những học thuyết mà ông NHL tin nhưng khoa học thực nghiệm không công nhận thì ông nói ‘khoa học thực nghiệm’ không nhìn được ‘cõi Cao hơn’.

Trong bài viết được đăng trên Tạp chí Triết tháng 12, 2024, ông NHL viết bài phê phán Freud, trong đó có mục ‘Một loại khoa học tiếm danh?’. Ông phê bình thuyết Freud bằng khoa học như sau:

Có phải Freud và đứa con phân tâm học của ông chỉ là một thứ khoa học tiếm danh (pseudo-science)?

Freud đã hiểu lầm và trộn lẫn giữa hai phạm trù bằng chứng: giữa minh chứng lý tính (rational proofs) đối với chứng cớ thực nghiệm (empirical evidence). Minh chứng lý tính chỉ biện minh được tính hợp lý từ góc độ logic (logical validity), chứ không phải là cơ sở biện minh cho liên hệ nhân-quả giữa hai định thể tách biệt.

(...) Nhưng tất cả chỉ là những giả định thuần lý thuyết, mang bản chất văn chương hoang tưởng, hơn là có cơ sở khoa học có giá trị thực nghiệm.

Ðây chính là điều mà Sebastiano Timpanaro, dựa theo Karl Popper, có nói, “Cái thực chất phản khoa học của một lý thuyết nằm ở chổ nó có khả năng trốn tránh – bằng nguỵ biện – tất cả mọi khả năng chứng minh sai lầm.”

Ông NHL cũng viết thêm về ‘xảo thuật’ và ‘gian lận về bằng chứng’ cho lí thuyết Freud trong phần phụ chú. Vậy là ông NHL dùng lí thuyết của Karl Popper và bằng chứng của khoa học thực nghiệm để bác bỏ lí thuyết Freud. Song trong cuốn Phác thảo và những bài giảng của mình, ông NHL lại coi ‘chiêm tinh thuật’ (astrology) là một khoa học thực sự, và những nhà nghiên cứu thiên văn học (astronomy) không lĩnh hội được bộ môn bí truyền này. Ông viết tại trang 574, Phác thảo:

“Ví dụ về vấn đề Thiên văn – astronomy – và Chiêm tinh học – astrology – là một trường hợp biểu trưng. (...) Vì thế, khi không tìm ra được sự liên đới giữa hai bình diện Trời và Người, thì các Khoa học gia phủ nhận giá trị của chiêm tinh học vì những gì mà giới chiêm tinh khẳng định – astrological truth claims – không thể bị chứng minh là Sai hay có thể minh xác là Đúng – non-falsifiability and non-verifiability. Theo tiêu chuẩn Thực nghiệm như thế, các chiêm tinh gia cũng không thể chứng minh là những điều họ khẳng định là Đúng được. (...)”

Nhưng đây chẳng phải là cái phi khoa học thực sự (actual non-scientificity) mà ông NHL vừa mới nhắc đến ở trên xong? Những bằng chứng và nghiên cứu cho thấy chiêm tinh thuật là một nguỵ khoa học (pseudo-science) là không hề thiếu, nhưng bộ môn này có thể trốn tránh tất cả sự chứng minh sai lầm (falsification) bằng cách nói rằng chiêm tinh thuật ‘cao hơn’, ‘bí ẩn hơn’, là ‘Mật giáo’ nên khoa học không thể phản bác được, như ông NHL đã làm. Theo trích dẫn của Timparano mà chính ông NHL trích thì đây chẳng phải là một nguỵ khoa học đích thực?

Trong một bài thuyết trình, ông NHL bảo vệ chiêm tinh thuật là một khoa học như sau:[47]

“Astrology, theo ông thầy của tôi Richard Tarnas, mới là khoa học, thành ra tôi mới học với ông. (...) Và khi chiến tranh xảy ra, không phải là vì ý chí cá nhân của một cá nhân, quốc gia, thời đại nào đó phải chịu trách nhiệm. Theo cái lí thuyết này thì không phải là do ông Putin sai lầm hay này nọ, Tây phương, NATO, mà vì cái alignment, cái vị thế của các hành tinh nó tạo ra những cái năng động vô thức (cho) con người trên thế giới. Tất nhiên là relation between planetary alignment and human of here (?) là rất intimate, rất là chặt chẽ.”

Cần phải chỉ ra là có một sự không khách quan rất đáng ngờ ở đây. Ông Richard Tarnas, người hướng dẫn luận án tiến sĩ cho ông NHL, là một người thực hiện chiêm tinh thuật. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một nhà chiêm tinh thuật coi môn học của mình đích thực là khoa học. Phát biểu của người này do vậy không nói lên được điều gì cả, giống như một người nói: ‘Trái đất phẳng, theo như ông thầy tôi, mới là khoa học, và vì tôi cũng tin là Trái đất phẳng nên tôi mới học với ông’. Sau đó thì hình như ông NHL trình bày một loại quyết định luận (determinism) chiêm tinh thuật gì đó, mà theo học thuyết này thì sự kiện trên Trái đất xảy ra là do sự sắp đặt của những vì sao. Không biết là theo như quan điểm này thì hiện giờ con người cần phải làm gì để giải quyết khủng hoảng ở Ukraine? Chờ cho vị trí những chòm sao thay đổi thì vấn đề này sẽ biến mất? Ông NHL giải thích điều này là do ‘năng động vô thức’ của các hành tinh (?). Nếu nhắc đến ‘vô thức’ thì có lẽ người ta mặc định sẽ nghĩ đến Freud, nhưng chẳng phải ông NHL gọi lí thuyết của Freud là ‘khoa học tiếm danh’, là ‘sai lầm vĩ đại’, là ‘trò dễu cợt sâu sắc và quyến rủ’ đã ‘dãy chết từ lâu”? Vẫn trong bài thuyết trình trên, ông NHL nói tiếp:[48]

Thì có 100 nhà khoa học gia viết một lá thư gửi lên Academy of Science phản đối là nói rằng (...) thứ này [chiêm tinh thuật] là pseudoscience, pseudo- là giả hiệu, cái này gọi là khoa học giả hiệu, khoa học nhảm. Nhưng thật sự thì nếu ai hiểu thì mới biết đây mới là khoa học, nhưng mà rất ít người hiểu. (...)

Thì có một nhà triết gia, như lần trước tôi đứng ở đây thuyết trình về triết học về khoa học, triết gia tên là Feyerabend, Paul Feyerabend. Ông này là một cái nhà phản biện về khoa học thực nghiệm. Ông phản đối 100 nhà khoa học mà nói cái này là khoa học giả hiệu, các nhà khoa học này, khoa học thực nghiệm bây giờ khẳng định những điều mà mình không biết. ‘The most ignorance usually affirms the most ignorance’ – ‘tất nhiên là cái gì không biết thì thường thường mình khẳng định là mình biết’. Đó là những lỗi sai của khoa học gia bây giờ, thực ra biết rất ít những bí mật của vũ trụ, không biết thân phận con người là cái gì...

Ông NHL lặp lại quan điểm cho rằng chiêm tinh thuật là khoa học mà không đưa ra thêm bằng chứng gì, ngoại trừ những câu bí hiểm ám chỉ rằng ai không đồng ý với ông thì vô minh, không hiểu gì về thế giới cả (‘nhưng mà rất ít người hiểu’ v.v.).

Việc ông NHL sử dụng Feyerabend để biện minh cho chiêm tinh thuật là một việc rất thú vị. Sự kiện mà ông NHL đang kể đến ở đây là bài viết The Strange Case of Astrology của Feyerabend chống lại bài viết Objec­tions to Astrology: a Statement by 186 Leading Scientists. Việc Feyerabend bảo vệ chiêm tinh học là một sự kiện tương đối nổi tiếng khi bàn về triết học khoa học. Nhưng cần phải chỉ ra ở đây rằng việc Feyerabend chống lại đặc thù bài viết Objections to Astrology không đồng nghĩa rằng ông phản bác toàn bộ khoa học thực nghiệm nói chung. Thêm vào đó, việc Feyerabend ‘bảo vệ’ chiêm tinh thuật (ngoài ra ông còn ‘bảo vệ’ phép thuật voodoo, ma thuật [witchcraft], v.v.) cũng không đồng nghĩa với việc ông coi những điều này là đúng (vì vậy mà chúng tôi đặt chữ ‘bảo vệ’ trong ngoặc kép, xin xem thêm đoạn dưới).[49] Việc Feyerabend chọn ví dụ chiêm tinh thuật này chỉ vì ông thấy tiện lợi chứ không phải vì ông tin hay muốn bảo vệ bộ môn này.[50]

Chính xác thì Feyerabend chỉ trích điều gì trong bài viết của mình? Ông chỉ trích rằng trong bài Objections to Astrology, các nhà khoa học thay vì đưa ra những bằng chứng lập luận chống lại chiêm tinh thuật, thứ có sẵn rất phong phú, lại dựa vào thẩm quyền của mình để thuyết phục công chúng. Trong sự kiện này, cũng đáng lưu ý ở đây là Carl Sagan, một nhà thiên văn học nổi tiếng, người coi chiêm tinh thuật là trò vô nghĩa dở hơi (‘baloney’), cũng không kí tên ủng hộ cho bài viết Objections to Astrology vì ‘giọng điệu mang tính thẩm quyền’ (authoritarian tone) của bài viết này, thứ mà ông cho rằng sẽ không bao giờ thuyết phục được những người đang tin vào nguỵ khoa học, mà chỉ củng cố niềm tin của họ rằng khoa học cứng nhắc, bảo thủ. Feyerabend hay Carl Sagan do vậy chỉ trích cách phê bình của bài Objections chứ không chỉ trích việc những nhà khoa học này phản bác chiêm tinh học.

Thêm vào đó, hình như ông NHL cũng chưa đọc hết bài The Strange Case of Astrology của Feyerabend (hoặc đọc rồi mà không hiểu) vì Feyer­abend viết rõ ngay trong bài viết này rằng:[51]

“Những ghi chú này không nên được diễn giải là một nỗ lực nhằm bảo vệ chiêm tinh thuật như nó đang được thực hiện bây giờ bởi đại đa số những nhà chiêm tinh. Chiêm tinh thuật hiện đại, trong nhiều khía cạnh, giống với thiên văn học thời trung cổ: nó tiếp nhận những ý tưởng thú vị và sâu sắc, nhưng nó bóp méo chúng, và thay thế chúng bằng những bức biếm hoạ thích hợp hơn với hiểu biết hạn chế của người thực hành nó. Những bức biếm hoạ này không được dùng để nghiên cứu; không có nỗ lực nào để tiến triển trong những lĩnh vực mới và mở rộng kiến thức của chúng ta về ảnh hưởng ngoài Trái đất; chúng đơn giản chỉ đóng vai trò là một kho tàng những luật lệ và cụm từ ngây thơ (naive) phù hợp để gây ấn tượng với kẻ không biết gì’.” (in đậm của người dịch, in nghiêng của Feyerabend).

Có lẽ ông NHL nên bổ sung Feyerabend vào danh sách những người không hiểu gì về cõi Cao hơn và không nên dùng người này để biện hộ cho lòng tin của mình vào chiêm tinh thuật nữa. Trích dẫn Feyerabend không giúp gì trong việc bảo vệ chiêm tinh thuật như ông NHL muốn làm, trái lại, càng cho thấy trình độ đọc hiểu kém cỏi của ông. Trong một tài liệu khác mà ông NHL trích dẫn để bảo vệ chiêm tinh thuật (Philosophy of Science and the Occult, xem tại đây), thì ngay trong mục Introduction phần Astrology cũng đã viết rõ rằng: ‘Feyerabend is careful to note that he is not attempting to defend the practice of most contemporary astrologers’ (tr. 11), không biết tại sao mà ông NHL có thể bỏ qua. Là ông NHL không biết đọc tiếng Anh hay đọc nhưng không hiểu (hoặc không muốn hiểu) mà cứ lúc nào nhắc đến chiêm tinh thuật là ông lại lấy ngay Feyerabend ra để bảo vệ bộ môn này?

Mặt khác, người ta không thể không nhận ra một cách kể chuyện đầy tính thao túng tâm lí của ông NHL khi nhắc đến chiêm tinh thuật (‘rất ít người hiểu được’, 100 nhà khoa học đã bị phản bác, khoa học gia thực ra là không biết gì); ông trích dẫn Feyerabend mà cũng không biết Feyerabend thực sự đã chỉ trích khía cạnh nào của khoa học và người này đã nói gì về chiêm tinh thuật, ‘một kho tàng các luật lệ và cụm từ ngây thơ phù hợp để gây ấn tượng với kẻ không biết gì’.

Ông NHL cũng dùng một lối lập luận hết sức buồn cười khác để bảo vệ chiêm tinh thuật:

“Những phong trào, xung đột dân sự, hay quân sự, chủng tộc, tàn sát đều có nguyên nhân từ ngoài không gian. Điều này cũng được chia sẻ bởi Carl Jung, Paul Feyeraband[sic!], Richrad[sic!] Tarnas và nhiều lý thuyết gia nghiêm chỉnh và uy tín khác”. (tr. 370, Phác thảo)

‘Feyeraband’ (tức Feyerabend), như chúng tôi vừa chỉ ra ở trên, coi chiêm tinh học là lí thuyết thiên văn học bị bóp méo, được dùng để gây ấn tượng với người không có kiến thức. ‘Richrad Tarnas’ (tức Richard Tarnas) là một người thực hành chiêm tinh học, tất nhiên là ông phải đánh giá cao thứ mà ông đang thực hành. Carl Jung thì là một nhà phân tâm học, khái niệm ‘synchronicity’ do ông đề xuất là một khái niệm gây tranh cãi và hiện được coi là nguỵ khoa học vì nó không thể được kiểm chứng hoặc bác bỏ bằng các thí nghiệm khách quan. Song điều thực sự đáng nói ở đây là, khi những nhà triết học, khoa học nghiêm chỉnh và uy tín (chẳng hạn, Karl Popper, Thomas Kuhn, Stephen Hawkings, Carl Sagan, Richard Dawkins v.v.) coi chiêm tinh thuật là nguỵ khoa học thì ông NHL nói các nhà khoa học không biết mình đang nói cái gì, ‘không nhìn được cõi Cao hơn’. Nhưng chỉ cần nêu tên một vài ‘lý thuyết gia nghiêm chỉnh và uy tín’ như ông NHL làm ở đây thì đã chứng minh được tính khoa học của ‘chiêm tinh thuật’? Ông NHL có để ý là ông đang dùng lối lập luận từ thẩm quyền (argumentum ad veruncundiam) mà chính Feyerabend đã phê phán?

Ông NHL thích chiêm tinh thuật cũng được, nhưng không rõ vì sao ông NHL rất coi thường thiên văn học và miêu tả bộ môn này là sự ‘suy thoái’ của chiêm tinh thuật, ‘một thể loại Vũ trụ học hạ đẳng’ (tr. 339, Phác thảo), môn học nghiên cứu ‘một tập hợp Vật chất hoàn toàn vô nghĩa’ (tr. 515, Phác thảo). Nhưng không có các nhà thiên văn học đo đạc, thu thập số liệu thì lấy đâu ra số đo, dữ kiện chính xác về vị trí các chòm sao để mà ‘chiêm tinh’? Ngoài ra, nếu độc giả thắc mắc về kiến thức thiên văn học của ông NHL thì dữ kiện sau đây có lẽ sẽ giúp ích: ông NHL cho rằng ánh sáng đi với tốc độ ‘gần 200 dặm một giờ, tức là 300 km một giờ’.[52] (sic)

Lầm tưởng rằng Feyerabend về phe mình, ông tiến tới phê phán tất cả các nhà khoa học nói chung:

“Đó là những lỗi sai của khoa học gia bây giờ, thực ra biết rất ít những bí mật của vũ trụ, không biết thân phận con người là cái gì...”

Chúng tôi sẽ tiết lộ cho độc giả biết một trong những bí mật của vũ trụ mà ông NHL đã phát hiện ra:

“Tuy nhiên, chúng ta đừng nên quên rằng sự vận hành của vũ trụ mà khoa học đã nắm được một khối nguyên tắc không phải là một cõi hiện diện tuyệt đối khách quan. Vũ trụ nầy chuyển động theo trình độ tâm thức Thời Ý của nhân loại mà thôi bởi vì con vi trùng trong cơ thể chúng ta cũng có một vũ trụ riêng của nó mà quy luật khách quan mà nó nắm được phải khác hơn là của chúng ta.” (tr. 92, Thời tính)

Ông NHL có lẽ đang ứng dụng triết học Kant (một cách sai lầm) ở đây.[53] Chữ ‘hiện diện tuyệt đối khách quan’ gợi nhắc đến khái niệm ‘vật tự thể’ (Ding-an-sich) trong triết học Kant, nhưng Kant chưa bao giờ phản đối sự tồn tại của thế giới khách quan cũng như các quy luật vật lí. Người ta sẽ nhận ra được sự khách quan của lực hấp dẫn (gravity) nếu chẳng may đánh rơi cái iPhone 16 từ ban công tầng ba xuống dưới mặt đất. Hoặc chỉ cần lấy đà rồi phi đầu vào tường là người ta sẽ cảm nhận được sự khách quan của Định luật Newton thứ III. Ở đoạn sau, một con vi trùng, theo ông NHL, không những có ý thức (dù không có tế bào thần kinh), mà còn có thể nắm bắt được các quy luật khách quan của vũ trụ; phần này chúng tôi đã viết ở trên nên không cần viết lại ở đây nữa.

Nhưng phát biểu: ‘Vũ trụ nầy chuyển động theo trình độ tâm thức Thời Ý của nhân loại mà thôi’ mới là đáng nói hơn cả. Nguồn gốc của vũ trụ là một câu hỏi chưa được trả lời dứt điểm, nhưng điều này không có nghĩa là con người không biết gì về Vũ trụ. Tuổi của Vũ trụ bây giờ được ước lượng là 13.7 tỉ năm với sai số vào khoảng 200 triệu năm. Tuổi của Trái đất được ước tính là khoảng 4.6 tỉ năm. Hoá thạch sớm nhất thuộc chi Homo (chi Người) có tuổi khoảng 3 triệu năm, loài Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi cách đây khoảng 300 000 năm. Tại sao ‘tâm thức Thời ý’ của một sinh vật mới phát triển cách đây 300 000 năm lại có thể điều khiển sự chuyển động của vũ trụ có tuổi đời hơn 13 tỉ năm? ‘Tâm thức Thời ý của nhân loại’ là một thứ còn xuất hiện trước khi cả Trái đất xuất hiện? Và ‘tâm thức Thời Ý nhân loại’ còn xuất hiện trước cả ‘nhân loại’? Nhưng nếu ‘tâm thức Thời Ý của nhân loại’ xuất hiện mà không cần ‘nhân loại’ thì ‘nhân loại’ đóng vai trò gì, tại sao phải là ‘nhân loại’ mà không phải ‘khủng long’, ‘bọ ba thuỳ’ hay ‘cá vây tay’? Song cũng không nên bàn tiếp nữa, đã gọi là ‘bí mật của vũ trụ’ thì không có người phàm nào hiểu được, trừ một số ít người có ‘trí huệ’ (khác với ‘trí tuệ’), và nhìn được cõi Cao hơn như ông NHL. Ông nói, những điều như thế này, ‘chỉ có thể được thông hiểu bởi một trình độ Trí Huệ cao hơn là Lý tính vốn tự giới hạn chính nó với những Quy trình Thực nghiệm (...)’. (Phác thảo, tr. 575).

Giống như phần trước, kết luận của phần này đơn giản là ông NHL không biết gì về những gì mình đang nói, ở đây là cho lĩnh vực khoa học tự nhiên. Ông không phân biệt được học thuyết tiến hoá Lamarck và học thuyết Darwin, ông ‘phân tích’ thuyết Lamarck nhưng cứ tưởng mình đang phân tích thuyết Darwin, song ngay cả cái ‘phân tích’ này cũng đầy những lỗi sai rất nghiêm trọng.

Việc ông NHL tin vào chiêm tinh thuật không có gì sai, không ai cấm được một người tin những điều mình muốn tin, chẳng hạn như có một tách trà bay quanh sao Hoả hay vũ trụ được tạo ra bởi một con quái vật Spaghetti v.v. Nhưng đứng lên bục giảng tuyên bố những gì mình tin là chân lí lại là một chuyện khác, không những thế, ông NHL còn chặn họng những người định phản bác chiêm tinh thuật luôn bằng việc nói rằng ai không tin giống ông thì là ‘ngu muội’, ‘không biết gì’. Cùng một cách mà ông NHL bảo vệ chiêm tinh thuật, người ta có thể bảo vệ niềm tin vào Trái đất phẳng hay quái vật Spaghetti mà không gặp phải vấn đề gì cả (ví dụ, ‘Ai không tin thế giới này do một con quái vật Spaghetti điều khiển thì chưa có Trí Huệ, chưa đủ tiến hoá Chân tâm để hiểu’). Có điều, ông NHL lại sai lầm khi lấy Feyerabend để bảo vệ chiêm tinh thuật. Hình như ông không biết là Feyerabend cũng coi chiêm tinh thuật là trò nhảm nhí, ‘một kho tàng những quy luật và cụm từ ngây thơ phù hợp để gây ấn tượng với kẻ không biết gì’.

Ông NHL thích nhắc đến cõi ‘Cao hơn’, một cõi mà các nhà khoa học thực nghiệm không biết được vì chỉ nhìn được ‘cõi Thấp’. Nhưng phải nói là giả như ông NHL ‘nhận ra được cõi Cao hơn’, có ‘Trí Huệ’, như ông tuyên bố, thì điều này không đồng nghĩa với việc ông NHL có kiến thức ở ‘cõi Thấp hơn’. Hãy nhớ lại, ông NHL không biết nghĩa các từ Hán-Việt, không đọc được tiếng Đức (Vơ-mânt, Vơ-đen, Gottadamerung), câu phức tạp trong tiếng Anh cũng không đọc được, không biết thuyết tiến hoá là gì, cũng không hiểu Feyerabend đã nói gì nốt. Song ông vẫn quả quyết nói khoa học không biết gì về chuyển hoá và nguyên nhân ung thư, rằng khoa học ‘đang mò mẫm trên hành trình trở Về Chân Tâm’ (?) (Phác thảo, tr. 573), rằng khoa học chỉ là ‘một khe hở nhỏ’, ‘một khí cụ thô sơ’ (tr. 574) để nắm bắt vũ trụ. Vấn đề là ngay cả cái ‘khe hở nhỏ’, ‘khí cụ thô sơ’ này thì ông NHL cũng đã hiểu được đâu? Nếu hiểu rồi thì tại sao vẫn còn viết sai rất nhiều như trên kia? Hình như ‘cõi Cao hơn’ của ông NHL cao quá nên ông không biết gì về thế giới nữa. Tổng hợp lại, ông NHL không có kiến thức gì về khoa học tự nhiên, những phân tích của ông đại đa phần chỉ là bịa đặt và tưởng tượng vô căn cứ.

III. KẾT LUẬN CHO PHẦN B

Phần B là phần dài nhất của bài viết này, song điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên bởi đây có lẽ là phần quan trọng nhất trong bài này. Ông NHL từ hơn 30 năm nay đã ‘khai giải’, ‘phiên giải’ Hegel, bên cạnh đó thì ông cũng bàn luận và phân tích đủ thứ chủ đề khác nhau nữa. Nhưng trước khi bay lên cõi Cao hơn thì sẽ rất có lợi nếu người ta nhìn lại xuống mặt đất mà mình đang đứng. Thực sự có cơ sở kiến thức nào nằm bên dưới những câu chữ phức tạp khó hiểu, bên dưới những khái niệm kì lạ mà ông NHL thường xuyên sử dụng hay không? Có vẻ như câu trả lời sẽ là không. Văn tiếng Việt của ông NHL là một sự hỗn loạn. Dù kiến thức Hán-Việt sai thậm tệ đến mức tưởng ‘Long Thọ’ là ‘con rồng già’, ông NHL vẫn rất tự tin ‘chế’ ra các thuật ngữ ‘Hán-Việt’ mới, không tuân theo một quy tắc nào cả. Có điều, chính ngay sự vô kỉ luật này lại là cái bẫy cho chính ông, vì ông cũng không thể dùng những từ mình chế ra một cách nhất quán, cùng một từ được ông dùng cho ba bốn nghĩa khác hẳn nhau, hoặc ông quên luôn là mình đã dùng từ gì với nghĩa gì. Nhưng đây là những từ do chính ông NHL chế ra, nếu như ông còn không biết điều này thì ai biết từ mà ông dùng thực sự có nghĩa gì. Điều này khiến cho các tác phẩm của ông không thể có tính khoa học (hay thậm chí là không có nghĩa gì cả), vì nó không thể được hiểu một cách rõ ràng, khách quan, theo những tiêu chuẩn khoa học đã tồn tại.

Phần phân tích những khái niệm triết học và khoa học của NHL thì tràn ngập những sai lầm, xuyên tạc, bịa đặt. Không những không biết Hán-Việt (điều cần thiết để có thể tạo và sử dụng thuật ngữ triết học cho đúng), không biết tiếng Đức (một điều cần thiết để có thể đọc được nguyên tác Hegel), ông NHL còn không có một trình độ tiếng Anh đủ để đọc những văn bản triết học hàn lâm, học thuật. Ông không thể dịch được những câu phức tạp trong tiếng Anh, dù đó là tài liệu tham khảo chủ yếu (primary) hay thứ yếu (secondary), liên quan đến Hegel hay là những triết gia khác. Nhưng không những không thể dịch chính xác những văn bản này, thứ mà ông NHL lấy làm dẫn chứng cho thuyết Liêmism, ông NHL còn thường xuyên bóp méo, xuyên tạc những văn bản này theo ý của mình. Nếu như được so sánh ở đây, tuỳ ý xuyên tạc, uốn nắn những dẫn chứng, tài liệu để phục vụ cho một mục đích cá nhân cũng không khác gì việc nói dối, nguỵ tạo chứng cứ trong một phiên toà. Một cách làm việc thiếu trình độ, cẩu thả, không trung thực như của ông NHL là không thể chấp nhận trong khoa học.

Thêm vào đó, cũng giống với sở thích phân tích từ dù không biết thành tố Hán-Việt, ông NHL cũng thích nói về những khái niệm khoa học mà mình không hề có kiến thức. Dù không biết mình đang viết về chủ đề gì, ông NHL quả quyết quy luôn ‘khoa học thực nghiệm’ thuộc về ‘cõi Thấp’, ‘không biết gì về vũ trụ’. Điều đáng nói là ông NHL cũng sử dụng sai bằng chứng để ủng hộ cho quan điểm của mình, nhìn cách ông tưởng Feyerabend bảo vệ chiêm tinh thuật rồi liên tục trích dẫn người này để chỉ trích khoa học thì sẽ thấy rõ cái lố bịch của việc này. Việc ‘nói lưỡi hai chiều’ của ông NHL cũng rất cần lưu ý, nếu ông NHL không thích lí thuyết nào đó thì ông dùng lập luận của Popper và khoa học thực nghiệm để bác bỏ (như lí thuyết Freud), nhưng nếu khoa học thực nghiệm mâu thuẫn với niềm tin của ông NHL, ông sẽ bảo khoa học ‘không biết gì’, ‘thuộc về cõi thấp’. Để nói rõ, chúng tôi không theo một học thuyết duy khoa học hoặc coi khoa học tự nhiên là tất cả kiến thức con người có thể biết được. Đã có nhiều nhà triết học và khoa học nhìn nhận một cách phê phán sự phát triển của khoa học tự nhiên và tác động của sự phát triển này đến con người, có thể kể đến như Heidegger, Kuhn, Carl Friedrich von Weizsäcker, Konrad Lorenz và tất nhiên, Feyerabend. Song không ai trong số những nhà tư tưởng nghiêm túc này phân tích ‘khoa học’ một cách lệch lạc như ông NHL đã làm rồi tự cho mình là đúng, ‘biết được cõi cao hơn’, hạ miệt ‘khoa học’ là ‘hạ đẳng’, ‘thuộc về cõi Thấp hơn’. Có nực cười không khi ông NHL phê phán, hạ miệt một thứ mà ông không biết gì về nó, dù đây chỉ là ‘khe hở nhỏ’, ‘khí cụ thô sơ’ như ông nói?

Sau tất cả, lời khuyên duy nhất mà người ta có thể dành cho ông NHL là ‘Đừng nói về thứ gì mà mình không biết’. Hi vọng trong những tác phẩm sắp tới thì ông sẽ học và tìm hiểu kĩ hơn những gì mà mình định viết, giả như ông thực sự có khả năng tiếp thu thông tin một cách khách quan mà không bóp méo và xuyên tạc tất cả mọi thứ cho phù hợp với cái ‘cõi Cao hơn’ và ‘Trí Huệ’ của mình.


[19] Xin tham khảo tại đây.

[20] Trích từ ‘Từ bàn viết chủ nhiệm’, Tạp chí Triết số 5.

[21] Xin xem tại đây, 39:20.

[22] Xin xem tại đây.

[23] Lí thuyết của ông NHL sẽ được phân tích kĩ hơn trong phần C.II của bài viết.

[24] Dù đề là Ban Biên Tập, người đọc đọc qua văn bản này cũng sẽ xác định ngay tác giả văn bản này chính là ông NHL, nhất là thông qua chữ ‘thời quán’, một phát minh của ông.

[25] Dù phổ biến, song cách dịch này không chính xác, xin xem bài này, tr. 3.

[26] Chúng tôi sẽ bàn thêm về biệt danh này trong phần E.

[27] Trang 417, Vorlesungen über die Philosophie der Weltgeschichte: Berlin 1822.

[28] Trang 428, Vorlesungen über die Philosophie der Weltgeschichte: Berlin 1822.

[29] Trang 3, The Origin And Goal of History, Karl Jaspers.

[30] Nguyên văn: Der Mensch ist nicht mehr in sich geschlossen.

[31] Trích từ trang 15, The Great Philosophers, Jaspers, 1962 (xem tại đây).

[32] Xin xem tại đây (trang 12).

[33] Xin xem tại đây.

[34] Tên đầy đủ của tác phẩm này là Meditationes de prima philosophia, in qua Dei existen­tia et animae immortalitas demonstratur, ‘Những suy tưởng về triết học đầu tiên, mà trong nó sự tồn tại của Thượng đế và sự Bất tử của linh hồn được cho thấy.’

[35] Karl Jaspers, Gesamtausgabe, Band I, tr. 146. Xem tại đây.

[36] Trang 74, Hegel, Vorlesungen über die Philosophie der Geschichte, Reclam Verlag, 1924. Xem tại đây.

[37] Trang 455, bản dịch Phenomenology of Spirit .

[38] Trong bối cảnh của tiết ‘Die offenbare Religion’ (‘Tôn giáo mặc khải’) này thì có thể dễ dàng bổ sung tính từ ‘göttlich’ (‘thần linh’) ở vị trí này, vì Hegel đang phân tích về ‘das göttliche Wesen’ trong tiết này.

[39] Tr. 15, Grundlinien, Hegel

[40] Tr. 10, bản dịch Phenomenology of Spirit.

[41] Tr. 8, Phänomenologie des Geistes.

[42] Tham khảo Futuyma, J. D., & Kirkpatrick, M. (2017). Evolution (4th Ed.). Sinauer, Sunderland, MA: Sinauer Associatesm, tr. 18.

[43] Một số nghiên cứu liên quan đến di truyền ngoại gene (hoặc di truyền biểu sinh, epigenetics) cho thấy học thuyết Lamarck có thể có giá trị trong một phạm vi nhất định, song tương đối hạn chế. Các biến đổi ngoại gene đóng vai trò đến mức độ nào trong quá trình tiến hoá là một vấn đề hiện vẫn đang được tranh cãi.

[44] Có một số nghiên cứu tuyên bố thực vật có ý thức, dù không phải là ‘ý thức’như cách ta thường hiểu, song những lập luận này đa phần có tính chất phỏng đoán và không có cơ sở khoa học vững chắc. Xin xem thêm ở đây.

[45] Độc giả có thể tìm đọc thêm với từ khoá ‘microbial intelligence’ ở những cơ sở dữ liệu đáng tin cậy.

[46] Xin nghe tại đây, 40:07.

[47] Xem ở đây, 54:30 và 55:28.

[48] Xem tại đây, 56:05 và 57:47.

[49] Xin đọc thêm Kidd, Ian James (2016). Why did Feyerabend Defend Astrology? Integrity, Virtue, and the Authority of Science. Social Epistemology, (4), 1–19. doi:10.1080/02691728.2015.1031851

[50] Như ông sau này viết: ‘Bây giờ, tôi có những ví dụ tốt hơn nhiều về những giới hạn của cách tiếp cận khoa học hơn là những ví dụ tôi quen sử dụng (chiêm tinh thuật, voodoo, một chút y học)’. Paul Feyerabend (1987). Farewell to Reason. London: Verso. tr. 318.

[51] Xin xem tại đây, trong đoạn văn cuối cùng của bài viết.

[52] Xin nghe tại đây. Chúng tôi cũng thấy khó hiểu là ông NHL không sửa lại phát biểu của mình khi sau đó ông miêu tả ánh sáng ‘bay từ đây [Mĩ] về Việt Nam rồi trở lại đây là chưa tới một second, một giây.’

[53] Xin xem thêm phần D để biết về cách ông NHL hiểu Kant.