Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

Về tự do (kỳ 10)

Tác giả: Timothy Snyder

Việt dịch: Nguyễn Quang A

Nhà xuất bản Dân Khí, 2025

Tính xác thực (Factuality)

Sống thật

Chúng ta có được tác dụng đòn bẩy dựa vào tự do khi chúng ta hiểu các sự thực về sự tồn tại của chúng ta. Nếu chúng ta biết cái gì đó về sự phát triển của trẻ em, chúng ta có thể nuôi nấng trẻ em để trở nên tự chủ. Nếu chúng ta hiểu media xã hội, chúng ta có thể tránh bị tiên đoán. Nếu chúng ta biết lịch sử của chủ nghĩa Nazi, chúng ta có thể nhận ra chính trị của sự sụp đổ sinh thái. Nếu chúng ta có sự hiểu thấu nào đó về lịch sử tự nhiên, chúng ta có thể tưởng tượng những cấu trúc mở ra tương lai. Tự tin về những sự thật lớn của khoa học, chúng ta có thể kháng cự các tông đồ của tự do phủ định và những sự chắc chắn giả mạo của họ.

Tự do phủ định là huyễn tưởng rằng vấn đề là hoàn toàn vượt quá chúng ta, và rằng chúng ta có thể trở nên tự do đơn giản bằng việc dỡ bỏ một chướng ngại vật. Chúng ta đã đối mặt với vài hình thức của tự do phủ định: chỉ cần loại bỏ tài sản (Marx); chỉ cần loại bỏ những người Do thái (Hitler); chỉ cần loại bỏ bọn đế quốc (những người chống-thực dân); chỉ cần loại bỏ chính phủ (những người Mỹ). Tự do phủ định tự giới thiệu mình như cách mạng, nhưng cách mạng mà nó đòi hỏi lại bỏ qua địa hình quan trọng: cách chúng ta nghĩ về bản thân mình và cách chúng ta đánh giá thế giới. Phiên bản Mỹ đương thời của tự do phủ định được trình bày như sự thật phũ phàng, nhưng nó hoàn toàn không xử lý được cách thế giới thực sự hoạt động. Nó không tiêu hóa được tri thức căn bản nhất: sinh học, hóa học, và vật lý học; sự sinh, cái chết, sự già đi; trái đất mà chúng ta sống trên đó; chỗ của chúng ta trong vũ trụ; sức mạnh của chúng ta để xem xét chỗ đó.

Cuộc sống, tự do, và sự mưu cầu hạnh phúc. Một quyền sống bắt đầu với sự hiểu biết: cuộc sống là gì; cuộc sống diễn ra thế nào; làm sao cuộc sống là có thể trên trái đất. Nếu chúng ta bỏ qua sự hiểu biết đó, chúng ta ngừng tồn tại. Chúng ta dễ bị tổn thương với tự nhiên và với những người muốn 1thao túng và làm hại chúng ta. Thế nhưng nếu chúng ta có được và áp dụng sự hiểu biết về năng lực của cuộc sống, chúng ta có thể không chỉ tránh điều tồi tệ nhất mà bảo đảm điều tốt đẹp nhất. Vũ trụ của chúng ta không khiến chúng ta tự do cũng chẳng ngăn cản chúng ta khỏi trở nên tự do. Nó để ngỏ một vương quốc của những gì nên là, một quy luật tự do cho phép chúng ta tạo ra vô số sự kết hợp các đức hạnh. Các ràng buộc của nó trở thành các năng lực nếu chúng ta hiểu chúng và áp dụng sự hiểu biết của chúng ta với một mục đích.

Tự do phủ định bị vướng vào sự nói dối. Rằng chúng ta không cần chính phủ nào là một sự giải thích sai về chúng ta và thế giới, được những người bóp méo thế giới bảo vệ. Bởi vì việc đốt các nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến cho cuộc sống là không thể, những người được lợi bằng cách ấy truyền bá những lời nói dối dẫn tất cả chúng ta theo hướng chết. Ngược lại, các nguồn năng lượng, mà cũng sẽ cho phép chúng ta sống, sẽ cho phép chúng ta làm vậy một cách tự do và lương thiện hơn. Các lựa chọn thay thế như năng lượng mặt trời và fusion (tổng hợp hạt nhân, nhiệt hạch) là khó để tập trung và vì thế không tạo thuận lợi cho chế độ đầu sỏ. Chúng phù hợp với những gì chúng ta hiểu về cuộc sống trên Trái Đất và như thế không đòi hỏi một mạng lưới tuyên truyền chí tử. Nếu bây giờ chúng ta có thể phá vỡ sự nói dối đầu sỏ tài phiệt, một tương lai tươi đẹp hơn đang chờ.

Các Mặt Trời

Quyền sống đến trước quyền tự do trên danh sách của Jefferson, và vì lý do chính đáng. Chúng ta phải hiểu cuộc sống để có được tự do. Khi chúng ta biết những sự đều đặn của vũ trụ dừng ở đâu, và cảm hứng của chính chúng bắt đầu ở đâu, chúng ta có thể lái vùng biên cương ở giữa. Chúng ta phải tôn trọng cái gì là, rời khỏi nó theo hướng khác, biến đổi nó, và tạo ra cái gì đó chúng ta nghĩ nên là.

Chúng ta càng biết về các sự thực của vũ trụ, chúng ta càng được trang bị để làm thay đổi nó bằng việc thực hiện các giá trị. Và chúng ta biết một số lượng lạ thường. Đối với một số nhà tư tưởng cổ xưa, Trái Đất là trung tâm của vũ trụ. Trong Iliad, Achilles trở lại trận chiến với một chiếc khiên mới được thần thợ rèn, Hephaestus, rèn cho ông. Chiếc khiên được chạm nổi bằng những việc làm của toàn bộ thế giới con người. Nhân dân ở trung tâm, với mặt trăng và mặt trời ở bên cạnh.

Các nhà Lập Quốc Hoa Kỳ đã biết kỹ hơn. Sống hơn hai ngàn năm sau khi Iliad được chép lại, họ là những người con của thiên văn học và vật lý học hiện đại. Họ đã hiểu rằng Trái Đất đi theo quỹ đạo quanh mặt trời. Tại Hy Lạp cổ xưa, Aristarchus đã đề xuất đúng đắn heliocentrism (thuyết nhật tâm lấy mặt trời làm trung tâm), nhưng Aristotle bác bỏ cách nhìn của ông. Rồi thuyết địa tâm (geocentrism-lấy trái đất làm trung tâm) được Ptolemy phong thánh đã thắng thế trong hơn một ngàn năm trăm năm. Copernicus làm sống lại giả thuyết của Aristarchus và bắt đầu lật đổ quan điểm Ptolemaic (địa tâm) trong năm 1543. Kepler đã bảo vệ quan điểm nhật tâm Copernic trong năm 1596, Galileo muộn hơn một chút. Trong năm 1687, khoảng nửa thế kỷ trước khi các nhà Lập Quốc ra đời, khoảng một thế kỷ trước cuộc cách mạng họ tạo ra, Newton đã giải thích các quỹ đạo của các hành tinh qua trọng lực. Jefferson đã quan tâm đến sự phát hiện ra hành tinh Uranus (Sao Thiên Vương) và đã quan sát một sự che khuất (nhật thực).

Chúng ta không ở trung tâm của mọi thứ. Chúng ta là đặc biệt không phải nhờ vị trí mà nhờ năng khiếu. Không phải nơi chúng ta ở, mà là những gì chúng ta làm, đó mới là điều quan trọng. Và để làm, chúng ta phải biết. Các nhà Lập Quốc biết về vũ trụ nhiều hơn những người cổ xưa; chúng ta biết nhiều hơn các nhà Lập Quốc. Các nhà Lập Quốc có ý tưởng về trọng lực nhưng đã không biết rằng mặt trời gồm plasma. Họ đã sở hữu các trang trại (và thường các nô lệ) nhưng họ đã không biết thực vật làm trung gian năng lượng mặt trời cho chúng ta như thế nào. Jefferson là 2người có thẩm quyền được công nhận về các hóa thạch, mà ông gọi là “các xương,” nhưng ông hiểu lầm móng vuốt của những con lười đất (ground sloth) đã bị tuyệt chủng là móng vuốt của những con sư tử đang sống, và nghĩ Trái Đất chỉ có tuổi sáu ngàn năm.

Là không hợp lý để kỳ vọng những người đến trước chúng ta là những người lý tưởng. Chỉ các bạo chúa mới giới thiệu các bậc tiền bối của họ như các thần tượng, trơ và hoàn hảo. Điều tốt nhất mà những người tự do có thể hy vọng là một di sản của sự tự-hiệu chỉnh. Các nhà Lập Quốc đủ khôn ngoan để mong đợi chúng ta biết nhiều hơn họ đã biết. Họ đã ghi vào Hiến pháp một định chế (một tổng cục patent) để thúc đẩy “sự Tiến bộ của Khoa học và nghệ thuật hữu ích.” Họ tin rằng những sự tiến bộ khoa học có thể cải thiện đời sống chính trị. John Adams áp dụng một sự tương tự từ sự cân bằng vật lý để bảo vệ các sự kiểm soát và cân bằng (checks and balances) của Hiến pháp. Jefferson đã thích thú trong “sự lặng lẽ theo đuổi khoa học” và đã nói nửa đùa trong những bức thư rằng ông thích nông học hơn chính trị. Benjamin Franklin đã cố gắng để hiểu điện.

Chúng ta biết, khi các nhà Lập Quốc và những người cổ xưa đã không biết, rằng 3con người không phải là đỉnh cao của sự sáng tạo trên một Trái Đất non trẻ. Nếu giả như lịch sử sự sống trên Trái Đất là một cuốn sách dày năm ngàn trang, chúng ta chỉ xuất hiện trên trang cuối cùng. Những con lười đất khổng lồ, mà Jefferson nhầm với sư tử, đã sống ở châu Mỹ trong hàng chục triệu năm, một khoảng thời gian không thể tưởng tượng nổi đối với các nhà Lập Quốc. Thế mà đó cũng chỉ là một phần nhỏ lịch sử của sự sống trên Trái Đất. Chúng và các động vật có vú khổng lồ khác—như voi mammoth, mastodon (voi răng mấu), và tê giác khổng lồ—tiếp sau các khủng long; và ngay cả các khủng long, trong sơ đồ lớn của các thứ, là khá trẻ, mới tuyệt chủng chỉ sáu mươi sáu triệu năm trước. Những con trilobite (bọ ba thùy), hóa thạch cực quý của Hạt Clinton trong thời trẻ của tôi, đã ở đó trong một phần tư tỷ năm trước, trước khi tuyệt chủng khoảng một phần tư tỷ năm trước. Việc này đưa chúng ta quay lại một nửa tỷ năm—mà chỉ là khoảng một phần tám của con đường tới sự bắt đầu.

Các nhiên liệu hóa thạch là bằng chứng của các sinh vật cổ có thể so sánh được. Chúng ta luôn luôn nói “các nhiên liệu hóa thạch” mà không hoàn toàn từng nghe về sự liên kết giữa sự đốt hàng ngày của chúng ta và quá khứ cổ xưa. Than đá, gas, và dầu tự nhiên là các tàn dư đã biến đổi về mặt hóa học của sự sống từ hàng trăm triệu năm trước. Kể từ khoảng thời gian Cách mạng Mỹ, con người đã đào các nhiên liệu hóa thạch lên và tiêu thụ năng lượng do sự sống quá khứ bỏ lại. Bằng cách ấy chúng ta tạo ra và làm chủ điện nhưng cũng đã làm thay đổi khí hậu. Về mặt vật lý khi chúng ta tiêu thụ các tàn dư của sự sống trước kia, chúng ta nghi ngờ tương lai của sự sống.

Chúng ta là một loài tiêu diệt các loài khác. Hầu hết các động vật có vú lớn hơn của châu Mỹ, kể cả những con mastodon và những con lười đất, đã tuyệt chủng sau khi con người vượt qua từ châu Á đến khoảng hai mươi ngàn năm trước. Sự đến gần đây của con người từ châu Âu khoảng năm trăm năm trước đã trùng với khoảng năm trăm loài diệt chủng thêm. Con người cũng có thể tạo ra những điều kiện của sự tuyệt chủng của chính chúng ta.

Không giống các loài khác, chúng ta có thể biết về sức mạnh của chúng ta và sự nguy hiểm của chúng ta và chọn để tồn tại. Để làm vậy, chúng ta phải dám biết thế giới xung quanh chúng ta và thế giới bên trong chúng ta, để biết những gì là có thể và làm sao để giữ chúng ta lại. Ngày nay chúng ta biết đủ để cung cấp năng lượng cho bản thân mình mà không đốt các nhiên liệu hóa thạch. Việc làm thế sẽ làm cho tương lai ai toàn hơn và hiện tại mở hơn cho tự do.

Nhiệt hạch (Sự Nung chảy-Fusion)

Chúng ta sẽ không tự do, chúng ta cũng chẳng sống sót, nếu chúng ta bỏ qua các giới hạn của Trái Đất của chúng ta hay phủ nhận các quy tắc của vũ trụ của chúng ta. Tự do và sự sống sót phụ thuộc vào việc nhận ra các ràng buộc và việc biến chúng thành có lợi cho chúng ta.

Khi chúng ta tìm ra những gì chúng ta biết về sự sống, chúng ta hiểu rộng hơn về nó và cho phép một quan niệm rộng hơn về tự do. Không giống các nhà tư tưởng cổ xưa, và không giống các nhà Lập Quốc Hoa Kỳ, chúng ta biết rằng vũ trụ của chúng ta là trò chơi tới lui của vật chất và năng lượng. Sự sống là một hình thức đặc biệt của trò chơi đó. Chúng ta là một hình thức đặc biệt của sự sống, có khả năng đối với 4phẩm giá của sự hiểu biết.

Tự do của chúng ta không phải là cái gì đó bên ngoài vũ trụ hay chống lại vũ trụ mà là một cách học để hoạt động với vũ trụ, và vì thế là cái gì đó chúng ta thêm vào vũ trụ. Nếu chúng ta bắt đầu với vũ trụ là gì, chúng ta có thể tìm đường của mình về với bản thân chúng ta.

Những điều cơ bản là không khó. Hầu như tất cả vật chất hữu hình của vũ trụ là đơn giản: các nguyên tử hydrogen và các nguyên tử helium, được tìm thấy trong các ngôi sao. Khoảng ba phần tư vật chất nhìn thấy được trong vũ trụ là hydrogen, và khoảng một phần tư là helium. Tất cả các vật chất khác, cùng nhau, chiếm một phần nhỏ.

Một nguyên tử (atom) là đơn vị nhỏ nhất của vật chất thể hiện các tính chất cụ thể. Nó (thông thường) gồm ba loại hạt dưới nguyên tử: các proton, neutron, và electron (điện tử). Mỗi nguyên tử có một lõi trung tâm, hay các hạt nhân, gồm các proton (với điện tích dương) và các neutron (không có điện tích). Quanh các hạt nhân là các lớp, hay các vỏ, chứa các electron (với một điện tích âm, thường cân bằng các proton).

Mỗi điện tử về căn bản là giống hệt với mọi electron khác; mỗi proton về cơ bản là giống hệt với mỗi proton khác; mỗi neutron về cơ bản là giống hệt với mỗi neutron khác. Tính giống nhau cũng xác định các hạt còn nhỏ hơn nữa, các quark, tạo thành các proton và neutron. Neutron luôn luôn gồm hai quark xuống (d) và một quark lên (u), proton gồm hai quark lên và một quark xuống.

Các nguyên tử với các số proton khác nhau là các chất, được biết đến như các nguyên tố, thể hiện các phẩm chất khác nhau. Hydrogen và helium là các nguyên tố đơn giản nhất. Hydrogen có một proton duy nhất, một electron duy nhất, và thông thường zero neutron; helium có hai proton và thông thường hai neutron. Sự khác biệt giữa hydrogen và helium là sự bắt đầu của một sự thay đổi giữa các chất. Cả hai là khí ở nhiệt độ trong phòng; các bạn đang hít thở một lượng nhỏ của cả hai khí ngay lúc này. Trong khi helium là khí trơ, hydrogen sẽ liên kết với các nguyên tố khác. Cả hai đều nhẹ hơn không khí, nhưng hydrogen dễ cháy hơn helium. Đây là vì sao khí cầu được nhồi đầy bằng helium.

Trọng lực tác động lên mọi khối lượng trong vũ trụ theo cùng cách, tuy nhiên nó cũng khởi đầu sự đa dạng cơ bản này. Đầu tiên trọng lực gom các đám mây hydrogen lại. Nếu đám mây trở nên đủ lớn, trọng lực có thể thắng sức đẩy tĩnh điện của các nguyên tử hydrogen, đưa chúng vào tầm đủ gần cho lực hạt nhân mạnh tác dụng và để bắt đầu sự nung chảy (tổng hợp hạt nhân-fusion) của chúng thành helium. Và như thế một ngôi sao được hình thành, và quá trình tiếp tục.

Sự nung chảy như vậy cũng tạo ra các nguyên tố lớn hơn helium. Khi các ngôi sao chết, chúng phình ra và rồi co lại; và trong việc làm thế nung chảy nhiều nguyên tố lớn hơn và phức tạp hơn về mặt hóa học, với nhiều proton và neutron hơn. Các khối xây dựng của thân thể bạn, các phân tử carbon (với sáu proton) và oxygen (với tám proton), được tạo ra theo cách này bởi sự nung chảy bên trong một ngôi sao thế hệ trước. Thân thể con người của chúng ta là các kho lưu trữ của vũ trụ, các hồ sơ về sự sống và cái chết của các ngôi sao.

Các nguyên tố, khác nhau, tạo ra một mức khác nữa của tính đa dạng bằng việc kết hợp với nhau. Vật chất, mà chúng ta chạm vào, nhìn, nghe, và ngửi thấy, gồm các hợp chất, các vật chất được tạo thành từ hai hay nhiều nguyên tố, liên kết với nhau theo những quy tắc đơn giản. Electron hay các electron của một nguyên tử tìm thấy các quỹ đạo trong các lớp quanh hạt nhân của nó. Những lớp vỏ này có một số khe nhất định nơi các electron có thể ăn khớp. Hai nguyên tử liên kết khi một electron chiếm một khe trong một lớp vỏ trong cả hai nguyên tử. Khi các nguyên tử của hai nguyên tố khác nhau liên kết, chúng tạo ra một phân tử thể hiện những tính chất mới.

Trên Trái Đất chúng ta chứng kiến những kết quả của những sự biến đổi như vậy, được biết đến như những thay đổi hóa học, mọi lúc. Quả thực, chúng ta là một kết quả như vậy. Hãy xem xét nước. Thân thể chúng ta chủ yếu là nước. Các hình thức sống sớm hơn, mà từ đó chúng ta tiến hóa, đã sống dưới nước. Các tổ tiên gần hơn đã mang nước lên bờ bên trong thân thể của chúng. Nước gồm hai nguyên tử hydrogen và một nguyên tử oxygen. Ở nhiệt độ trong phòng, hydrogen và oxygen cả hai đều là khí, nhưng nước do chúng tạo ra là một chất lỏng, với các tính chất phi thường. Khi nước đóng băng, nó nổi, mà cho phép sự sống tiếp tục dưới bề mặt. Không có đặc điểm đó, loài chúng ta đã không tiến hóa.

Sự nung chảy bên trong các ngôi sao khởi đầu sự đa dạng của vũ trụ, tạo ra tất cả các nguyên tố ngoài hydrogen và helium (và những lượng vết của lithium), mà đến lượt kết hợp để hình thành các hợp chất.

Sự nung chảy cũng tạo ra năng lượng cần để làm sinh động vật chất trong các hình thức chúng ta gọi là sự sống. Không quan trọng bạn nhận được ánh sáng và nhiệt bạn cần để sống và đọc, nguồn cuối cùng của nó là các phản ứng nhiệt hạch trong mặt trời của chúng ta (hay các ngôi sao thế hệ trước). Năng lượng do các phản ứng nhiệt hạch ở trong lõi của mặt trời từ từ lan ra bề mặt của nó. Sau hàng ngàn năm, các gói năng lượng được gọi là các photon phát ra bên ngoài từ mặt trời, chiếu sáng và làm nóng Trái Đất. Sự nung chảy vì thế là nguồn ban đầu của hầu như tất cả năng lượng cần của sự sống trên Trái Đất. Nếu chúng ta có thể khai thác nó trực tiếp, một loại tự do mới sẽ xuất hiện.

Vật lý học cung cấp cho chúng ta những món quà tiềm ẩn. Trong một vũ trụ nơi một sự ràng buộc có thể trở thành một khả năng, tự do và sự sống sót có thể ở quanh một góc bất ngờ, kết quả của một bước đầu thông minh mà chúng ta tự khởi xướng.

Sống Hài hòa

5“Trong cuộc đấu tranh giữa bạn và thế giới”, Kafka nói, “hãy chọn bên thế giới.” Tự do không phải là phủ định, không phải là một vấn đề chúng ta phá vỡ những gì xung quanh chúng ta. Tự do không phải là chúng ta chống lại thế giới mà là chúng ta ở bên trong thế giới, là việc biết nó và việc thay đổi nó. Tự do gồm việc biến những ràng buộc thành các khả năng, một thói quen mà có thể cứu loài của chúng ta. Loại cuộc sống của chúng ta xuất hiện bên trong một tập hợp các ràng buộc mà bắt đầu với phản ứng nhiệt hạch bên trong các ngôi sao bị trọng lực giam hãm.

Các photon nảy quanh lõi mặt trời trong một thời gian dài trước khi tìm được đường của chúng tới bề mặt của mặt trời, từ đó chúng phát tán vào vũ trụ với tốc độ ánh sáng. Từ góc nhìn của mặt trời, Trái Đất là một chấm bé tẹo, cách xa chín mươi ba triệu dặm. Một phần rất nhỏ của năng lượng do mặt trời phát xạ đến hành tinh của chúng ta, mang lại nhiệt và ánh sáng. Nó là đủ cho chúng ta. Nếu bạn đọc dưới ánh sáng mặt trời, các photon mà cho phép bạn phân biệt các chữ trên trang giấy cần tám phút để đến với bạn—nhưng chúng đã xuất hiện trong lõi mặt trời hàng ngàn năm trước khi bảng chữ cái này được sáng chế ra, có lẽ vào khoảng thời gian con người bắt đầu dùng những ký hiệu để viết ở châu Á hay giết những động vật có vú khổng lồ của Bắc Mỹ.

Thân thể của chúng ta được hòa hợp với bức xạ do các photon sinh ra: những gì chúng ta xem như ánh sáng, các màu giữa màu chàm và đỏ, và tần số thấp hơn, hồng ngoại, mà chúng ta cảm thấy trên da mình như nhiệt. Sự trải nghiệm này về năng lượng cho phép chúng ta biết và đặt tên thế giới. Một buổi sáng tôi biên tập chương này cạnh một hồ bên rìa rừng; tôi đã có thể đoán trước khi nào sẽ có đủ ánh sáng để làm việc, và khi nào mặt hồ sẽ đủ ấm để bơi. Một hay hai đoạn được viết trong thời gian cần cho các photon để rời bề mặt của mặt trời và đến võng mạc của tôi. Nhưng mọi sự kiện trong lịch sử con người, mà cho phép tôi nghĩ về tự do, đã xảy ra giữa khi các proton đó được hình thành trong lõi mặt trời và khi chúng đến bề mặt của nó.

Chúng ta có thể dùng ánh sáng để nhìn và các tia hồng ngoại để cảm thấy ấm áp. Nhưng chúng ta không cấp năng lượng cho thân thể chúng ta trực tiếp từ mặt trời. Các lá thực vật hút dioxide carbon từ không khí và hấp thu năng lượng mặt trời, rồi tung hứng các nguyên tố để tạo ra các phân tử giàu năng lượng hóa học. Trong quang hợp, năng lượng nhiệt hạch mặt trời đóng góp cho năng lượng hóa học của đời sống chúng ta, dưới dạng vật chất mà chúng ta có thể ăn và khai thác. Nếu chúng ta ăn các động vật khác, chúng ta cũng có được năng lượng từ các phân tử của chúng.

Quang hợp cùng-tạo ra một bầu khí quyền mà cho phép cuộc sống của chúng ta. Dioxide carbon giữ phát xạ hồng ngoại (nhiệt) từ mặt trời trong khí quyển: hiệu ứng nhà kính. Bằng việc hút dioxide carbon, các thực vật giữ Trái Đất khỏi trở nên quá nóng. Các thực vật giải phóng oxygen, nguyên tố mà thân thể chúng ta cần để biến đổi vật chất mà chúng ta ăn thành năng lượng. Oxygen bước vào phổi chúng ta khi chúng ta hít vào, và nó được máu của chúng ta chuyển tới các máy phát năng lượng nhỏ (mitochondria) trong mỗi tế bào của chúng ta. Máu của chúng ta làm cho oxygen tràn đầy não chúng ta sao cho chúng ta có thể sống và suy nghĩ—và hỏi để sống và suy nghĩ có nghĩa là gì và hỏi cái gì là đúng và tốt. Theo cách này, cái bắt đầu trong lõi của các ngôi sao kết thúc như vẻ duyên dáng trong lõi của chúng ta.

Theo nghĩa nào đó, chúng ta biết tất cả điều này, ít nhất theo một cách tổng quát. Nhưng chúng ta phải biết rằng chúng ta biết nó, để còn sống với sự hiểu hiết của chúng ta về nó, để sống trong sự thật. Khi chúng ta biết về những sự hài hòa sống mà bắt đầu với trọng lực, chúng ta có thể tìm thấy những con đường để giải phóng bản thân chúng ta.

Những ngôi Sao Nhỏ

Việc tán thành quyền sống do Jefferson đề xuất có nghĩa là việc áp dụng những gì chúng ta biết. Chúng ta phải áp dụng tri thức của chúng ta về mặt trời cho Trái Đất. Sự nung chảy mặt trời đã diễn ra trong khoảng 4,5 tỉ năm, quang hợp trong khoảng 3,5 tỉ năm. Chúng ta tồn tại giữa các cơ hội mà chúng tạo ra như một loài trong ít hơn một triệu năm, như các nền văn minh biết chữ trong khoảng năm ngàn năm, và như các nền văn hóa công nghiệp làm thay đổi khí quyển trong khoảng hai trăm năm.

Con người đã lấy đi một phần ba số cây khỏi bề mặt Trái Đất. Chúng ta đã học để thống trị các sinh vật đồng loại của chúng ta. Một mình những con người chúng ta vượt quá hai mươi lần tất cả các động vật có vú trên đất hoang dã; gia súc của chúng ta nặng hơn các động vật có vú bên ngoài hàng rào ba mươi lần. Sự thống trị kéo dài vào quá khứ. Chúng ta lấy năng lượng của mình bằng việc bóc trọc trái đất và đốt những tàn tính của sự sống trước kia. Trong việc thiêu đốt quá khứ, chúng ta cũng đốt tương lai.

Các động cơ hơi nước, đốt than đá (các thực vật hóa thạch), đã là sự bắt đầu của một cách mạng công nghiệp mà vài thập niên tiếp sau là Cách mạng Mỹ. Thời đại Công nghiệp mang lại những hình thức mới của sự đau đớn và sự bất bình đẳng nhưng cũng truyền bá các năng lực mà có thể cho phép số người lớn hơn bao giờ hết để là tự do. Các nhà Lập Quốc biết về các động cơ hơi nước, nhưng họ không có khái niệm nào rằng việc đốt các nhiên liệu hóa thạch sẽ làm thay đổi khí hậu đến mức đe dọa nền văn minh công nghệ và quả thực đời sống con người.

Kể từ thời các nhà Lập Quốc, con người, và trên hết tất cả những người Mỹ, đã phá hủy thời tiết toàn cầu mà xuất hiện từ một sự cân bằng nào đó của sự nung chảy và quang hợp—một sự cân bằng đã giữ vững khi các tổ tiên của chúng ta tiến hóa ở châu Phi một triệu năm trước hay khoảng thế và vẫn giữ vững khi Jefferson viết về sự sống, tự do, và sự mưu cầu hạnh phúc. Chúng ta đã biết về nó trong năm mươi năm hay hơn. Chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta có khoảng hai mươi năm để tìm ra một sự cân bằng mới giữa sự nung chảy và quang hợp mà sẽ cho phép chúng ta tiếp tục sống.

Giống khoa học cơ bản của cuộc sống, công nghệ cơ bản của sự sống sót là không phức tạp. Những cách tao nhã để tìm ra một sự cân bằng mới bền vững là để trồng cây, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, và dùng năng lượng mặt trời và gió và năng lượng tái tạo khác dọc đường. Chúng ta gần với việc biết làm thế nào để 6tạo ra sự tổng hợp hạt nhân có thể dùng được một cách an toàn trên Trái Đất, sử dụng deuterium (một đồng vị của hydrogen) từ nước biển như nhiên liệu. Các phản ứng tổng hợp hạt nhân được điều khiển hứa hẹn năng lượng rẻ và vô tận mà không có sự biến đổi khí hậu. (Vì chúng ta còn quá ít thời gian, chúng ta sẽ cũng 7cần các biện pháp khác, như thu giữ carbon và các lò phản ứng phân hạch tiên tiến.)

Thật sốc, đầu tư toàn cầu vào tổng hợp hạt nhân là ít hơn 1 phần trăm của trợ cấp toàn cầu cho các nhiên liệu hóa thạch, mà khi tôi viết lên đến 8khoảng 7 ngàn tỉ $ một năm. Bảng cân đối tài khoản này là một lá thư tuyệt mệnh. Có lẽ nó là điều kỳ lạ nhất về chúng ta. Tổng hợp nhiệt hạch là loại công nghệ biến đổi, được thế kỷ thứ hai mươi hứa hẹn cho thế kỷ thứ hai mươi-mốt. Chúng ta cần nó tới được thế kỷ thứ hai mươi hai.

Những tàn tích của sự sống trước kia, các hóa thạch chúng ta đã dùng như nhiên liệu, 9nên ở trong lòng đất. Sự tôn trọng quá khứ sâu sẽ cho phép một tương lai kéo dài hơn. Nếu chúng ta xây dựng các nhà máy điện nhiệt hạch, chúng ta sẽ bắt chước năng lượng mặt trời bằng việc chiếu sáng các ngôi sao nhỏ trên Trái Đất. Cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác, đó sẽ là một giải pháp duyên dáng, mang lại cả tự do và sự sống sót.

Nếu chúng ta hành động để đưa nhiệt hạch đến Trái Đất, chúng ta sẽ áp dụng sự hiểu biết nào đó của chúng ta về vũ trụ và bằng cách ấy làm thay đổi nó. Vũ trụ khác hơn một chút rồi, vì chúng ta đã xây dựng các dụng cụ nhiệt hạch trên Trái Đất mà tạo ra nhiều năng lượng hơn chúng tiêu thụ. Một vũ trụ trong đó một dạng-sống tự-nhận thức sử dụng nhiệt hạch để phát đạt là một vũ trụ khác với vũ trụ mà trong đó tia lửa của sự sống trong tự do được phép chết đi.

Vòng xoáy Tuyệt chủng

Hitler đã nói dối về thiên nhiên. Bề mặt Trái Đất là một vương quốc của sự cạnh tranh chết người, ông nói; các chủng tộc phải chiến đấu vì đất và thức ăn để sống sót; nước Đức, trong việc tàn sát những người Do thái, đã chỉ cho phép thiên nhiên đi đúng hướng của nó.

Tầm nhìn này, ngoài sự kinh khủng vốn có của nó, đã dựa vào điều giả dối. Trong cuốn Mein Kampf, Hitler đã phủ nhận tính hiệu quả của các công nghệ nông nghiệp như thủy lợi và phân bón. Để làm cho cuộc đấu tranh chủng tộc vô tận có vẻ là không thể tránh khỏi, ông 10đã phải làm mất uy tín các giải pháp khoa học. Giống các công nghệ năng lượng tái tạo của đầu thế kỷ thứ hai mươi-mốt, các công nghệ nông nghiệp của đầu thế kỷ thứ hai mươi đã trong sự phát triển đầy đủ và sẽ hoạt động. Nước Đức nếu không có cuộc chiến tranh lẽ ra đã mau chóng có khả năng để nuôi bản thân mình. Quả thực, sau chiến tranh, nó đã có thể và có khả năng đó, như kết quả của khoa học và sự hợp tác, không phải chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và sự xâm chiếm.

Sự nói dối của chúng ta về tự nhiên rằng không có sự nóng lên toàn cầu, hay rằng nếu có sự nóng lên toàn cầu, nhưng không có giải pháp công nghệ nào cả. Không giống Hitler, một số nhà tài phiệt hóa thạch tài trợ lời nói dối này được sự khát khao lợi nhuận thúc đẩy. 11Họ tài trợ sự tuyên truyền bảo chúng ta rằng các hydrocarbon là an toàn và rằng năng lượng tái tạo là rủi ro. Một số người trong số họ chia sẻ quan điểm của Hitler về cuộc sống như sự xung đột: họ tưởng tượng khi thảm họa đến, tiền của họ sẽ cho phép họ trốn thoát, hay rằng chủng tộc của họ sẽ được tha.

Tại nước Đức của Hitler, sự hư cấu sinh thái đã làm việc cùng với một sự hư cấu chính trị. Nếu cuộc sống là một cuộc chiến tranh chủng tộc, thì một đảng chủng tộc nên kiểm soát nhà nước, và dân chủ nên bị phá hủy. Trong nền chính trị của riêng chúng ta, theo một cách ít đinh tai hơn, một sự nói dối sinh thái cũng làm việc cùng với một sự hư cấu chính trị. Ở Hoa Kỳ, 12đảng chính trị phủ nhận (hay bỏ qua) sự nóng lên toàn cầu cũng chặn sự bỏ phiếu. Việc phá vỡ nền dân chủ cũng phá vỡ sinh quyển.

Chúng ta phản ứng càng chậm với sự nóng lên toàn cầu, các hậu quả sẽ càng tàn khốc, và sự cám dỗ sẽ càng mạnh để đổ lỗi cho những người bị đau khổ. Sau đó lời nói dối sinh thái hoàn lại sự thiên vị và củng cố lời nói dối bầu cử: chính trị, trong thời thảm họa, trở thành một vấn đề trừng phạt những người yếu thay vì ngăn chặn những tai họa do những người giàu gây ra. Đó là cái vòng xoáy tuyệt chủng sẽ trông giống.

Công nghệ có thể giúp đỡ. Nhưng nó phải là kiểu công nghệ đúng, cho phép chúng ta chuyển từ ba chiều vào bốn và năm chiều, hơn là đẩy chúng ta vào hai hay một chiều, một màn hình phẳng hay một đường lối đảng.

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thực sự là như vậy khi nó 13trả lời những chất vấn phù phiếm của chúng ta bằng việc chỉ ra rằng chúng ta đang đốt hành tinh và nên dừng lại. Một AI thật sự sẽ nhắc nhở chúng ta rằng (theo tính toán riêng của Google) chúng ta đưa khoảng hai ngàn tấn dioxide carbon vào khí quyển mỗi ngày với một mình sự tìm kiếm Web—và rằng mỗi sự truy vấn đến các chương trình bây giờ được gọi là “trí tuệ nhân tạo” đốt khoảng mười lần nhiều như mỗi sự tìm kiếm Web. Chúng ta không thấy các trang trại server dễ sợ được điều hòa không khí chạy bằng than đá mà chúng ta kích hoạt với lưu lượng internet của chúng ta, và như thế không nghĩ về việc nhìn chằm chằm vào màn hình của mình như sự nóng lên toàn cầu và sự hủy hoại-Trái Đất. Thế mà nó là vậy. Chúng ta nghĩ về các click như các trò ma thuật, nhưng mỗi click đốt một chút quá khứ và một chút tương lai.

Lượng rất lớn thời gian chúng ta tốn trước màn hình khiến chúng ta sao lãng những sự thay đổi mạnh mẽ trong thế giới vật lý xung quanh chúng ta. Sự biến đổi khí hậu (giống media xã hội) là một nữ thần báo ứng do các thiếu sót của chúng ta gây ra: sự lưỡng lự để biết thế giới như nó vốn là; sự hiểu lầm về tự do như tự do phủ định; sự bất bình đẳng của cải; chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Ở Hoa Kỳ, những người phủ nhận sự biến đổi khí hậu là 14những người đàn ông da trắng một cách không cân xứng. Chắc có khả năng nhất, những gì những người như vậy thực sự muốn nói là họ tin rằng những người khác sẽ đau khổ trước tiên. Họ rất có thể đúng. Những người nghèo và những người da Đen chắc có nhiều khả năng hơn để sống gần các nhà máy và các địa điểm chất thải nguy hại, mà có nghĩa rằng sự lũ lụt có thể giết họ nhanh hơn những người khác.

Sự tương tác của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc Mỹ và sự biến đổi khí hậu không phải là một sự suy đoán về tương lai. Đó là dòng thời gian chúng ta đang sống. Hãy xét cuộc bầu cử định mệnh 2000. Al Gore đã thắng với một sự chênh lệch nhỏ—đủ sít sao, đáng tiếc, đến mức Tòa án Tối cao đã có khả năng từ chối chức tổng thống cho ông bằng việc ra lệnh ngừng sự đếm phiếu ở Florida. 15Một lý do cuộc bầu cử đã sít sao đến vậy là sự giam giữ hàng loạt đã loại bỏ rồi bốn triệu người Mỹ khỏi danh sách cử tri, gồm hơn hai mươi phần trăm người da Đen ở Florida (và các trọng tội ở Florida là một phạm trù rất rộng). Nếu giả như không có sự tước đoạt quyền bầu cử liên kết đó, Gore lẽ ra đã là tổng thống, chiến tranh Iraq lẽ ra đã không xảy ra, chúng ta lẽ ra đã không phải vay tiền từ Trung Quốc để đánh nhau trong cuộc chiến tranh đó, và sự nóng lên toàn cầu lẽ ra đã được giải quyết. Trong thế giới đó, lẽ ra chúng ta đều tự do hơn; chúng ta đã bỏ lỡ nó do sự nhầm lẫn sự giải phóng với sự trừng phạt trong các năm 1970, các năm 1980, và các năm 1990.

Chúng ta sẽ không có khả năng chiều theo chủ nghĩa dân túy khoái ác của chúng ta lâu hơn nữa. Căn cứ vào vật lý học của sự nóng lên toàn cầu, nhà dân túy khoái ác đề xuất theo dõi những người khác đau khổ đầu tiên sẽ gây ra cái chết hàng loạt. Việc chờ đợi những người nghèo hơn hay da đen hơn phải rời khỏi nhà vì lụt lội có nghĩa là đưa dioxide carbon vào không khí mà sẽ khiến cuộc sống của chính gia đình chúng ta là không thể sống được.

Đời tôi là một nửa-thế kỷ thất bại. Chúng ta đã biết trong toàn bộ đời tôi rằng sự biến đổi khí hậu đe dọa sự sống sót của các loài. Tôi ra đời vài tháng sau chuyến bay Apollo đưa một người lên mặt trăng. Giả như chúng ta đã xem sự biến đổi khí hậu với cùng sự nghiêm túc như sự thăm dò mặt trăng, lẽ ra chúng ta đã giải quyết nó từ lâu—và chắc có khả năng đã tạo ra các công ty spin-off mà lẽ ra đã tăng tốc du hành không gian.

Chúng ta đã làm khác đi. Chúng ta đã thay thế các nỗi sợ hãi và cố thủ những sai lầm. Hai chính sách đối nội Mỹ nổi bật của đời tôi là sự khuyến khích các nhà đầu sỏ tài phiệt và sự tống giam những người Mỹ gốc Phi. Hai thứ hoạt động cùng nhau. Khi chúng ta tạo ra một nhà nước Mỹ nhà tù, chúng ta làm yếu các cấu trúc mà một thời đã cho các gia đình Mỹ một cơ hội tốt hơn để nuôi nấng con cái họ trong tự do.

Sự thô ráp Đầy ý nghĩa

Chúng ta đã đặt tên ba hình thức đầu tiên của tự do: sự tự chủ, sự không thể dự đoán được, và sự di động. Tính xác thực (factuality) là hình thức thứ tư. Để thành công trên thế giới, chúng ta phải kiểm tra bản thân mình và những niềm tin của mình. Tính thật không phải là một từ cổ hay một tính kỳ cục mà là một sự cần thiết cho cuộc sống và một nguồn của tự do. Khoa học về sự nóng lên toàn cầu là một ví dụ về một sự thật tổng quát. Chúng ta có thể không muốn nghe về nó; nhưng nếu chúng ta bỏ qua nó, 16chúng ta ít tự do hơn.

Không có tính xác thực, mọi hình thức tự do bị đe dọa. (Không có tính xác thực, thì) Chúng ta không thể biết bộ não phát triển thế nào và như thế không thể giáo dục cho sự tự chủ. Chúng ta không thể biết các thuật toán hoạt động thế nào, nên chúng ta không thể đương đầu với các vấn đề của media xã hội. Chúng ta không biết làm sao vài người lại có nhiều tiền đến thế, chúng ta cũng chẳng thấy các rào cản đối với sự di động khiến chúng ta không tự do. Không có các sự thực (facts, dữ kiện), chúng ta không thể đo sự thay đổi về khí hậu.

Khi chúng ta mở với các sự thực, chúng giúp chúng ta trở nên không thể dự đoán được và vì thế tự do. Các sự thực không phải là những gì chúng ta kỳ vọng hay muốn. Chúng không phù hợp với các định kiến của chúng ta mà đục các lỗ hổng trong các định kiến đó. Chúng thách thức những gì những người xung quanh chúng ta nghĩ. Các sự thực tôi luyện tâm trí chúng ta để kháng cự lại sức mạnh của máy để dự đoán chúng ta. Goethe, người vĩ đại nhất trong số các nhà văn Đức, 17nói về “sự thô ráp đầy ý nghĩa (significant roughness)”: khi chúng ta trải qua cuộc đời, chúng ta chịu những cú đánh từ những sự thật đau đớn, mà khiến chúng ta mạnh khỏe và phóng túng.

Chúng ta không thể làm cho tự do là có thể nếu không có các định chế, mà chúng ta không thể xây dựng nếu không có cảm giác chung nào đó về thực tế. Các giá trị sẽ thay đổi từ người này sang người khác. Và như thế phải là các sự thực neo cuộc đối thoại về các cấu trúc nào chúng ta quyết định cùng nhau xây dựng. Nếu chúng ta có các giá trị khác nhau, tuy nhiên đôi khi chúng ta sẽ phải có một lợi ích chung trong hành động. Nhưng nếu chúng ta có các sự thực khác nhau, thì sự hòa hợp là không thể. Chúng ta có thể không đồng ý về làm thế nào chúng ta có được nước sạch. Nhưng nếu chúng ta không đồng ý về liệu chì có độc hay không, thì chúng ta sẽ không tiến xa được.

Các sự thực cho phép sự tự chủ bằng việc cho phép mọi người quyết định cho chính mình, mà không dựa vào các nhà chức trách. Các sự thực là cần cho các phán quyết tòa án và cho các cuộc bầu cử. Các sự thực cho phép sự tự-bảo vệ chống lại những người giàu có và hùng mạnh. Vì chúng có thể được biết phổ thông, chúng có thể cho phép một cá nhân tìm kiếm các đồng minh và, cùng với họ, tìm kiếm công lý. Nếu được thống nhất rằng các sự thực là không khác với các ý kiến, người tự do không có cơ sở nào để đưa ra một lập trường. Nếu các sự thực không được tính đến, thì cái mà James Madison gọi là 18“tiếng la hét và những sự kết hợp” sẽ luôn luôn thắng, mà có nghĩa rằng các bạo chúa và các nhà đầu sỏ tài phiệt sẽ luôn luôn thắng. Khi các sự thực được tôn trọng, mỗi chúng ta có quyền ít nhất đối với một cuộc điều trần và có một lá chắn chống lại hàng loạt sự chỉ trích dận dữ. Ngay cả khi chúng ta thất bại, có phẩm giá trong việc cố gắng.

Trong bài thơ “Lá Chắn của Achilles” của Tomas Venclova sự thật là một rào cản đối với sự không-tồn tại sau một tai biến:

Toàn bộ các thành phố biến mất. Thay cho thiên nhiên,

Một lá chắn trắng, đối trọng với sự không-tồn tại.

Trong “Lá Chắn của Achilles” rất khác của W. H. Auden, chính sự vắng mặt của sự thật là cái gây ra tai họa:

Rằng các cô gái bị hiếp, hai cậu con trai đâm cậu thứ ba bằng dao,

Là những chân lý đối với người ta, mà đã chẳng bao giờ nghe

Về bất kể thế giới nào nơi các lời hứa được giữ,

Hay một người có thể khóc bởi vì người khác đã khóc.

Đường lối Đảng

Lời nói dối lớn (big lie) cộng sản là, đảng luôn luôn đúng. Nó là một loại siêu-nói dối (meta-lie), một sự nói dối về tất cả các lời nói dối khác. Nó đòi hỏi năng lực để thích nghi với bất cứ thứ gì, nhất là với sự mâu thuẫn.

Đường lối đảng cộng sản 19đã đảo ngược với sự mau lẹ chóng mặt. Ở Liên Xô trong các năm 1920, các nông dân sở hữu đất là đồng minh của đảng trong cách mạng; rồi trong các năm 1930 họ trở thành mảnh vụn của một quá khứ vô dụng. Các anh hùng của cách mạng 1917 bị xử tử hai mươi năm sau như bọn phản bội của nó, rồi hai mươi năm sau nữa được phục hồi sau khi đã chết. Trong năm 1933 chủ nghĩa phát xít chỉ là một hình thức nữa của chủ nghĩa tư bản; trong năm 1935 nó là một kẻ thù đòi liên minh với những người không-cộng sản; trong 1939 nó là một bức tường thành chống lại chủ nghĩa đế quốc Anh tư bản chủ nghĩa (khi Liên Xô liên minh với nước Đức Nazi); và trong 1941 chủ nghĩa phát xít là kẻ thù lớn (sau khi Hitler phản bội Stalin). Sau 1945 những người Tây Đức là những kẻ phát xít nhưng những người Đông Đức bằng cách nào đó thì không; trong Chiến tranh Lạnh một tên phát xít đơn giản là một kẻ thù được chọn.

Trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell, bối cảnh là một chiến tranh thế giới. Quê hương của vai chính, Oceania, đột nhiên thay đổi từ việc liên minh với Eastasia chống lại Eurasia sang liên minh với Eurasia chống lại Eastasia. Chẳng ai được cho là cần để ý. Orwell gợi lại thuật nhào lộn đầy chấn thương của một đường lối Stalinist xây dựng sự tuân thủ tập thể từ lương tâm bị tan vỡ. Chủ nghĩa Stalin tiết lộ khả năng con người để có niềm tin vào một thực thể mà những lời phát biểu của nó không có nội dung cố định nào, không theo quy tắc bằng chứng nào, và thường mâu thuẫn nhau. Mọi người có khả năng thay đổi hoàn toàn quan điểm của họ, và hành động cứ như chúng đã chẳng bao giờ thay đổi cả, và sẵn sàng để thay đổi chúng lần nữa trong tương lai gần. Orwell đã sáng chế một từ cho nó: doublethink.

Chủ nghĩa Stalin có thể có vẻ giống niềm tin kỳ quặc của một quá khứ xa xôi. Nhưng ở nước Nga thế kỷ thứ hai mươi mốt, cũng thế, mọi người có thể theo một đường lối thay đổi: Hôm qua một cuộc chiến tranh chống lại những người Ukrainia anh em của chúng ta là không thể tưởng tượng nổi; hôm nay một cuộc chiến tranh chống lại những người Ukrainia kẻ thù của chúng ta là không thể tránh khỏi.

Các nhà bất đồng chính kiến đã bác bỏ lời nói dối lớn và đánh giá cao những sự thật địa phương hàng ngày. Công việc trung tâm của họ trong khối cộng sản đã là sự ghi chép, lập danh sách những chi tiết cụ thể về sự đau khổ con người và sự bất công. Khắp thế giới cộng sản, những người đối lập đã cố gắng hết sức để ghi lại tên của những người bị tống vào nhà tù tâm thần hay vào Gulag. Rồi bản thân họ bị tống vào nhà tù tâm thần hay vào Gulag.

Những người dũng cảm này đã hiểu rằng các sự thực là một điều kiện của tự do, và rằng các sự thực không tự ghi bản thân chúng (thành các dữ kiện). Các sự thực cần chúng ta, và chúng ta cần các dữ kiện.

Các Nạn nhân Hoàn hảo

Đối với bọn Nazi, không chỉ là đảng luôn luôn đúng, mà là những người Do thái luôn luôn sai. Những người Do thái là nguồn của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, Đạo Thiên chúa, luật, nhà nước, vật lý học hiện đại, các giải pháp công nghệ đối với sự khan hiếm—bất cứ thứ gì cản đường của cuộc đấu tranh chủng tộc. Trong đại-hư cấu này, những người Do thái đã cản trở chủng tộc Đức bằng việc cám dỗ phụ nữ, mua chuộc đàn ông, bắt cóc các trẻ sơ sinh, và việc lây nhiễm đầu óc.

Nếu những người Đức đã thất bại trong quá khứ, điều này cũng là lỗi của những người Do thái. Những người Do thái phải chịu trách nhiệm về sự thất bại trong Chiến tranh Thế giới I. Nước Đức lẽ ra đã thắng, huyền thoại tiếp tục, giả như những lính can đảm của nó không bị “đâm sau lưng.” Điều hư cấu này đã làm cho một chiến tranh thế giới nữa có khả năng hơn. Nó duy trì một phân tích sai về cuộc chiến tranh trước, mà nước Đức đã có thể thắng một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận với những người Mỹ tham gia. Nó cũng xác định các nạn nhân của bất kể cuộc chiến tranh nào như những người Đức (không-Do thái), với những người Do thái như những kẻ xâm lược. Từ điều này suy ra rằng bất cứ thứ gì những người Đức đã từng làm với những người Do thái sẽ đều là sự tự-vệ. Khi nước Đức bắt đầu thua Chiến tranh Thế giới II, lập luận như vậy trở thành một sự biện minh cho sự hủy diệt những người Do thái.

Được phát biểu như các mệnh đề thế này, một lời nói dối lớn có thể có vẻ phi lý: nhưng chính xác phạm vi khổng lồ của lời nói dối, như bản thân Hitler nói, là cái làm cho nó thành công. Trong cuốn Mein Kampf, Hitler giải thích chiến lược quan hệ công chúng mà những người khác đã theo kể từ đó: hãy nói một lời nói dối to lớn đến mức những người đi theo bạn không thể tưởng tượng nổi rằng bạn lại đánh lừa họ trên một quy mô lớn đến vậy. Bởi vì chính sự hùng vĩ của lời nói dối, mọi người được đầu tư quá mức về mặt tâm lý khi họ chấp nhận nó, và họ không thể thoát ra mà không có sự đau đớn. Một lời nói dối lớn là một sự giả dối quá lớn để thất bại.

Một lời nói dối lớn cho phép những tội ác kịch liệt mà, một khi đã phạm, củng cố sự giữ vững nó trong tâm trí. Đôi khi chúng ta có thể chấp nhận rằng chúng ta đã bị lừa, và đôi khi chúng ta có thể chấp nhận rằng chúng ta đã giết; nhưng chúng ta không thể chấp nhận rằng chúng ta đã tàn sát vì một lời nói dối. Một khi chúng ta đã giết, nó đã hẳn phải phục vụ cho cái gì đó đúng. Một khi những người Đức bắt đầu giết những người Do thái, họ đã cần lời nói dối lớn của Nazi về một âm mưu Do thái quốc tế hơn trước đó. Một khi những người Đức bắt đầu thua cuộc chiến tranh, họ cần sự nói dối nhiều hơn nữa. Khi Đồng minh ném bom xuống nước Đức, nhiều người Đức thực sự đã 20nghĩ nó là một cuộc tấn công Do thái. Chỉ sự đánh bại cuối cùng nước Đức Nazi đã làm chậm lời nói dối cá biệt này.

Một lời nói dối lớn là nhiều hơn sự vắng mặt của sự thật và sự có mặt của sự lừa dối. Nó có sức mạnh để định hình tâm trí và vì thế cách các xã hội hoạt động ra sao. Nó khiến người ta ngoảnh mặt khỏi Leib của những người khác và những sự thật nho nhỏ xung quanh họ. Nó cung cấp một sơ đồ diễn giải cho tất cả các sự thực (dữ kiện) và các giá trị, cho phép chúng ta sống mà không có nỗ lực tuyên bố và thích ứng nào. Khi một lời nói dối là đủ lớn, nó xác nhận quyền lực của Lãnh tụ, mà trở thành trọng tài của thực tế. Một lời nói dối lớn bước vào các định chế, phóng đại sức mạnh của riêng nó. Nó tạo ra các kẻ thù, những người không muốn theo điều mới của đức tin tự phát, hay những người quá chậm để làm vậy.

Một lời nói dối lớn có thể kéo đổ toàn bộ một nước. Thế kỷ thứ hai mươi lẽ ra đã là thế kỷ của nước Đức, nhưng những người Đức đã bị mắc vào một câu chuyện. Thế kỷ thứ hai mươi-mốt có thể là thế kỷ của nước Mỹ, nhưng những người Mỹ…

Chú thích:

Tính xác thực (Factuality)

1thao túng và làm hại chúng ta: Trong Leviathan (1651), Thomas Hobbes nói rằng chính “sự không biết các nguyên nhân” khiến một số người phụ thuộc vào những người khác.

2người có thẩm quyền được công nhận về các hóa thạch: Thomas Jefferson, Notes on the State of Virginia (Philadelphia: Mathew Carey, 1794); Keith Thomson, “Jefferson’s Old Bones,” American Scientist 99, no. 3 (2011): 200.

3con người không phải là đỉnh cao: Về những hệ lụy của thời gian [niên đại] địa chất đối với sự-tự-nhận-thức con người, xem Stephen Jay Gould, Time’s Arrow, Time’s Cycle (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1987). Xem cả Rebecca Woods, “Telling Time with Mammoths,” Journal for the History of Knowledge 4 (November 2023).

4phẩm giá của sự hiểu biết: Một điểm tôi lấy từ David Denby, Lit Up (New York: Picador, 2018).

 5“Trong cuộc đấu tranh giữa bạn và thế giới”: Franz Kafka, Nachgelassene Schriften und Fragmente, vol. 2 (Frankfurt am Main: Fischer, 1992). So sánh Paul North, The Yield: Kafka’s Atheological Reformation (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 2015).

6tạo ra sự tổng hợp hạt nhân có thể dùng được: Jason Parisi and Justin Ball, The Future of Fusion Energy (London: World Scientific, 2019).

7cần các biện pháp khác: Chúng ta cũng sẽ phải loại bỏ khí methane. Xem Katherine Bourzac, “Clear the Air,” Science News, November 19, 2023.

8khoảng 7 ngàn tỉ $ một năm: Simon Black et al., “Fossil Fuel Subsidies Data: 2023 Update,” International Monetary Fund Working Paper, August 24, 2023.

9nên ở trong lòng đất: Trong tiểu thuyết, Ein Mord, den jeder begeht, năm 1938 của mình Heimito von Doderer thú vị về “sự tiến bộ bốc mùi hôi thối của dầu.”

10đã phải làm mất uy tín các giải pháp khoa học: Adolf Hitler, Hitler’s Second Book: The Unpublished Sequel to Mein Kampf, ed. Gerhard L. Weinberg, trans. Krista Smith (New York: Enigma Books, 2010), 16, 21, 74, 103. Stalin đã thúc đẩy khoa học nông nghiệp bị mang tai mang tiếng: Edouard I. Kolchinsky et al., “Russia’s New Lysenkoism,” Current Biology 27, no. 19 (2017): R1042–47.

11Họ tài trợ sự tuyên truyền: Xem Naomi Klein, This Changes Everything: Capitalism vs. the Climate (New York: Simon & Schuster, 2014).

12đảng chính trị phủ nhận: Matthew T. Ballew et al., “Climate Change in the American Mind: Data, Tools, and Trends,” Environment 61 (2019): 4–18.

13trả lời những chất vấn phù phiếm của chúng ta: “Since we do not have any way of making computers wise, we ought not to give computers tasks that demand wisdom.” Joseph Weizenbaum quoted in Timothy Garton Ash, Free Speech: Ten Principles for a Connected World (London: Atlantic Books, 2016), 178.

14những người đàn ông da trắng một cách không cân xứng: Matthew Ballew et al., “Which Racial/Ethnic Groups Care Most About Climate Change?,” Yale Program on Climate Change Communication, April 16, 2020; Aaron M. McCright and Riley E. Dunlap, “Cool Dudes: The Denial of Climate Change Among Conservative White Males in the United States,” Global Environmental Change 21, no. 4 (2011): 1163–72.

15Một lý do cuộc bầu cử đã sít sao đến vậy: Traci Burch, “Did Disfranchisement Laws Help Elect President Bush?,” Political Behavior 34, no. 1 (2012): 1–26.

16chúng ta ít tự do hơn: Về chủ nghĩa phủ nhận biến đổi khí hậu, xem Naomi Oreskes and Erik M. Conway, Merchants of Doubt: How a Handful of Scientists Obscured the Truth on Issues from Tobacco Smoke to Global Warming (New York: Bloomsbury, 2010); James Laurence Powell, The Inquisition of Climate Science (New York: Columbia University Press, 2011); Spencer Weart, “Global Warming: How Skepticism Became Denial,” Bulletin of the Atomic Scientists 67, no. 1 (2011): 41–50.

17nói về “sự thô ráp đầy ý nghĩa (significant roughness)”: Johann Wolfgang von Goethe, Gedenkausgabe der Werke, ed. Ernst Beutler (Zurich, 1949), 13:1.

 18“tiếng la hét và những sự kết hợp”: James Madison, Federalist no. 10, November 23, 1787.

19đã đảo ngược với sự mau lẹ chóng mặt: Về những sự lôi cuốn của chủ nghĩa Stalin, xem Marci Shore, Caviar and Ashes: A Warsaw Generation’s Life and Death in Marxism (New Haven: Yale University Press, 2006); François Furet, Le passé d’une illusion (Paris: R. Laffont/Calmann-Lévy, 1995); Richard Crossman, ed., The God That Failed (New York: Harper, 1949).

20nghĩ nó là một cuộc tấn công Do thái: Victor Klemperer nhớ lại điều này trong I Will Bear Witness 1942–1945: A Diary of the Nazi Years, vol. 2 (New York: Modern Library, 2001). Nhật ký của ông ban đầu được xuất bản bằng tiếng Đức trong năm 1955.