Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (20)

 Thụy Khuê

Chương 11

Trương Vĩnh Ký (1837-1898)

I- Cuộc đời

 

Bối cảnh lịch sử

Nửa đầu thế kỷ XIX, Việt Nam dười triều Gia Long và Minh Mạng, giai đoạn quan trọng trong lịch sử cận đại: Gia Long hoàn tất việc thống nhất đất nước, Minh Mạng xây dựng một quốc gia hùng mạnh ở Đông Á khiến các nước Tây phương không thể xâm phạm.

Về tình hình truyền giáo, quyết định cấm đạo Gia Tô của Nguyễn Vương khởi sự từ tháng 7-1789[1] kéo dài qua các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Tùy theo nguy cơ ngoại xâm hay nội loạn, việc cấm đạo cấm thừa sai trốn vào, có lúc nhẹ nhàng, có lúc khắc nghiệt, và đó là lý do chính đưa đến sự căm hận của giới thừa sai, khiến họ tìm đủ cách “tố cáo sự tàn sát dã man” đạo Chúa của nhà Nguyễn.

Tại Pháp, kể từ cách mạng 1789, vương quyền công giáo bị triệt hạ, giáo sĩ chạy trốn ra nước ngoài. Hội Thừa Sai Paris phải di tản sang Luân Đôn, tình trạng khốn đốn trong hơn mười năm. Đến khi Napoléon Đệ nhất lên ngôi (1804-1815), tái lập chế độ vương quyền, cho phục hồi Hội Thừa Sai Paris với mệnh lệnh:

“Ta có ý lập lại Hội Thừa Sai; các giáo sĩ của hội này có thể phục vụ cho ý đồ thực dân của ta tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ, ta sẽ gửi họ đi dò thám tình hình các nước. Chiếc áo chùng sẽ che chở cho họ và che giấu những ý đồ chính trị và thương mại của ta. Bề trên của họ không còn ở Rome nữa mà ở Paris”[2].

Nhưng Napoléon I xung đột với Toà Thánh, vì chỉ muốn lợi dụng thừa sai làm nô bộc, nên Toà Thánh phản đối, bắt giáo sĩ trở về với nhiệm vụ tông đồ. Ngày 26-9-1809, Napoléon I hạ lệnh đóng cửa Hội Thừa Sai Paris.

Năm 1814, Napoléon I thua trận bị loại, Louis XVIII (1814-1824) lên ngôi, mở đầu giai đoạn Vương Chính Trùng Hưng (La Restauration) (1814-1830).

Ngày 2-3-1815, Louis XVIII ký nghị định cho phép Hội Thừa Sai Paris hoạt động trở lại: Linh mục de la Bissachère, tác giả cuốn sách nổi tiếng Ký sự Bissachère[3] bôi nhọ vua Quang Trung và Gia Long, từ Anh trở về Pháp, được xem là khuôn mặt giáo sĩ “lẫy lừng”, đã sống ở Việt Nam trong 16 năm, từ 1790 đến 1806, giảng đạo ở vùng Nghệ An, trở thành “chuyên gia” về Việt Nam và Á Đông; năm 1817, lên làm Giám đốc Hội Thừa Sai Paris[4].

De la Bissachère, còn là hiệu trưởng Chủng viện của Hội Thừa Sai, ông đã đào tạo ra một tầng lớp giáo sĩ mới, được đưa vào lậu dưới thời Minh Mạng. Những người này, không chỉ truyền đạo mà còn âm thầm hướng dẫn giáo dân tham dự những tổ chức nội loạn nhân danh nhà Lê, lật đổ triều Nguyễn. Bissachère qua đời năm 1830.

Năm 1821: Ba giáo sĩ Ollivier, Gagelin và Taberd, được Chaigneau bí mật đưa về Việt Nam.

Vua Minh Mạng ban đầu dùng chính sách ôn hoà, ra lệnh đưa các giáo sĩ về kinh dịch sách, nhưng ít lâu sau họ tìm cách trốn đi, hoặc sống ẩn dật với giáo dân, hoặc thuyết phục giáo dân tham dự những tổ chức chống lại triều đình, như phò trợ Lê Văn Lương nổi loạn nhân danh nhà Lê ở Bắc, hoặc làm cố vấn cho Lê Văn Khôi, như linh mục Marchand (Cố Du), trong Nam rồi bị bắt cùng với bộ tham mưu loạn quân và bị xử tử (1833). Từ đó cho đến cuối đời, vua Minh Mạng khắc nghiệt hơn, xử thêm ba án tử hình giáo sĩ.

Năm 1847, dưới thời Thiệu Trị, Giám mục Lefèbvre trở thành “lá bài thừa sai”: bị bắt hai lần được vua thả ra hai lần, mà Hải quân Pháp vẫn mượn cớ “giải phóng” ông, để đến vịnh Đà Nẵng tiêu diệt năm thuyền đồng của triều đình rồi bỏ chạy. Vụ này chấm dứt cảm tình của nhà Nguyễn với quân Pháp và sự khoan hồng của vua đối với các thừa sai.

Năm 1857, dưới thời Tự Đức, linh mục Huc, linh mục Legrand de la Liraye và Giám mục Pellerin, dâng Napoléon III, sách lược đánh chiếm Việt Nam. Việc này sẽ được trình bày chi tiết trong Chương 14: Vua Tự Đức.

Từ 1862, sau khi mất ba tỉnh Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, triều đình phải ký hòa ước Nhâm Tuất ngày 5-6-1862, một mặt trận văn hóa, được Pháp bày ra, với hai chủ ý:

- Xoá hẳn đời sống tư tưởng của người Việt từ nguồn, bằng cách: thay đổi chữ viết, bỏ hẳn chữ Nôm và chữ Hán, để họ bị cắt đứt hoàn toàn với nền văn hóa hai nghìn năm; đồng thời vô hiệu hóa thành phần trí thức nho học đang cai trị đất nước, cầm đầu việc chống Pháp.

- Viết lại lịch sử xâm lăng bằng lịch sử chính nghiã: dạy học trò rằng người Pháp đến Việt Nam để trừng trị “tội ác” của nhà Nguyễn đối với đạo Chúa, cứu giáo dân “bị tàn sát trong hơn hai thế kỷ”.

Từ đây, các chủng viện cũng huấn luyện những “chiến sĩ” công giáo, trong tinh thần căm thù nhà Nguyễn, tố cáo “sự bạo tàn, khát máu” của vua Minh Mạng, “sự tồi tệ thối nát” của các quan lại và “sự đói rét lầm than” của dân chúng, rên siết dưới “chế độ bạo tàn”, mong nước Pháp văn minh đến giải thoát cho họ.

Trương Vĩnh Ký là trường hợp điển hình, được đào tạo từ nhỏ ở nhà chung, trong tinh thần này. Và ông đã phục vụ trung thành cho chính quyền thuộc địa trong ba mươi năm.

Sự nghiệp chính trị và văn hoá của ông có thể chia làm ba mốc chính:

1- Làm việc cho Soái phủ Sài Gòn trong thời gian Pháp chiếm Nam Kỳ và ký các hòa ước.

2- Tái lập và quảng bá chữ quốc ngữ để xây dựng một nền văn hóa mới: xoá bỏ nền văn học cổ điển chữ Nôm và chữ Hán.

3- Giữ trách nhiệm việc giáo dục: ông được bổ làm hiệu trưởng các trường đào tạo thông ngôn và công chức cho chính quyền thuộc địa. Ông dạy học trò chấp nhận sự đô hộ và ông viết lại lịch sử cận đại theo quan điểm thực dân: quy tội mất nước cho nhà Nguyễn.

Vì vậy, sự nghiệp chính trị và văn hóa của ông đã có ảnh hưởng sâu xa đến nhiều thế hệ người Việt. Việc tìm hiểu Trương Vĩnh Ký của chúng tôi ở đây, chỉ là thử nghiệm đầu tiên về một nhân vật mà ảnh hưởng đã bao trùm lên toàn thể dân tộc, từ cuối thế kỷ XIX đến ngày nay. Việc làm này chỉ là sơ khởi, còn thiếu sót rất nhiều, vì khả năng hạn hẹp và vì sống xa quê hương, thiếu tài liệu gốc, mong những nhà nghiên cứu trong tương lai sẽ bổ khuyết những thiếu sót và sửa lại những sai lầm.

Nền cai trị của Pháp tại Nam Kỳ

Trước khi tìm hiểu Trương Vĩnh Ký, ta cần biết qua về tổ chức cầm đầu của Pháp tại Nam Kỳ:

Sau khi Trung tướng Hải quân (Vice Amiral) Rigault de Genouilly chiếm được thành Gia Định năm 1859, Pháp bắt đầu đặt nền cai trị:

- Những người cầm quyền đầu tiên là những vị nguyên soái: Đứng đầu là Thống đốc (Gouverneur militaire), gồm các tướng tá hải quân kế tiếp nhau: Trung tướng hải quân (Vice Amiral) Rigault de Genouilly (từ 1-9-1958 đến 1-9-1859), Đại tá hải quân (Capitaine de vaisseau) quyền Thống đốc Jauréguiberry (từ tháng 3-1859 đến tháng 3-1860), Thiếu tướng hải quân (Contre-Amiral) Page (kiêm các chức khác, từ 12-3-1859 đến tháng 3-1860), Đại tá Ariès (từ 1-4-1860 đến 7-2-1861), Trung tướng Charner (Tổng tư lệnh Hải quân Pháp ở Thái Bình Dương, từ tháng 3-1859 đến tháng1-1860), Thiếu tướng Bonard (từ 30-11-1861 đến 1-5-1863), Thiếu tướng de la Grandière (từ 1-5-1863 đến 31-3-1865), Thiếu tướng Roze (từ 1-4-1865 đến 30-10-1865), v.v.

- Kể từ ngày 1-10-1884, Pháp đặt chính quyền dân sự, đứng đầu là Thống sứ (Résident Général, ngày trước dịch là Tổng Trú sứ), người nhậm chức đầu tiên là Lemaire, Đặc sứ (Ministre plénipotentiaire) kiêm Thống sứ (Résident Général) (từ 1-10-1884); rồi tới Tướng Roussel de Courcy, Tư lệnh Quân đội Viễn chinh ở Bắc Kỳ, kiêm Thống sứ (từ 31-5-1885 đến 26-1-1886); Tướng Warner (Tư lệnh Quân đội Viễn chinh ở Bắc Kỳ, kiêm Thống sứ (từ 27-1-1886 đến 7-4-1886); Paul Bert (từ 8-4-1886 đến 11-11-1886); Paulin Vial (từ 12-11-1886 tới 28-1-1887); Bihourd, quyền Thống sứ (từ 29-1 đến 11-9-1887); Berger (từ 11-9 đến 27-10-1887); Bihourd (từ 27-10 đến 27-11-1887); Berger (từ 17-11-87 đến 25-6-1888).

- Cuối năm 1887, chính phủ Pháp thành lập xong khối Đông Dương Pháp, đặt chức Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur Général de l'Indochine Française). Người đầu tiên là Ernest Constant (từ 16-11-1887 đến tháng 4-1888), Etienne Richaud (22-4-1888 đến 25-6-1888)…

Trương Vĩnh Ký và các tác giả đương thời

Tác phẩm đầu tiên viết về Trương Vĩnh Ký là một cuốn sách mỏng của một người Pháp, tưạ đề: Petrus J.B Truong Vinh Ky, un Savant et un Patriote Cochinchinois (Trương Vĩnh Ký, một Nhà bác học và Nhà ái quốc người Nam Kỳ) của Jean Bouchot, in năm 1925 (97 trang); được nhà xuất bản Nguyễn Văn Của ở Sài Gòn in lại lần thứ ba, năm 1927. Cuốn sách này chúng tôi không có, nhưng được Nguyễn Văn Trung cho là có giá trị như cuốn Trương Vĩnh Ký -Biên khảo của Lê Thanh. Như vậy, xin tạm hiểu là hai cuốn sách này có những điểm giống nhau, nhưng Lê Thanh viết sau. Tác phẩm nhỏ của Bouchot có ảnh hưởng rất lớn, như một thứ kim chỉ nam cho những người Việt viết sau, kể cả những trí thức, học giả, họ thường dựa vào hai danh hiệu Nhà bác học, Nhà ái quốc của Bouchot để định vị Trương Vĩnh Ký.

Tiếp đến là cuốn Trương Vĩnh Ký hành trạng của Đặng Thúc Liêng, Xưa Nay, in ở Sài Gòn năm 1927[5]. Tác phẩm gồm ba phần:

- Trương Vĩnh Ký hành trạng: viết về tiểu sử của Trương Vĩnh Ký.

- Trương Vĩnh Ký hàn uyển lục: dịch sang tiếng Việt 7 bức thư trao đổi giữa Trương Vĩnh Ký và Paul Bert, sau được Nguyễn Văn Trấn in lại trong Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật).

- Thi, Văn của Đặng Thúc Liêng và Điếu từ đám tang Trương Vĩnh Ký.

Đặng Thúc Liêng là người sống cùng thời với Trương Vĩnh Ký và ngưỡng mộ ông như một người thầy. Phần tiểu sử và dịch thư Trương Vĩnh Ký và Paul Bert trong sách này rất quan trọng, giúp chúng ta có một số văn bản cơ sở do Trương Vĩnh Ký viết ra, để tìm hiểu con đường chính trị của ông.

Tác phẩm thứ ba là bài luận văn tiếng Pháp tựa đề Petrus Truong Vinh Ky (1837-1898) của Nguyễn Văn Tố, viết năm 1937[6]. Bài này được coi là bài kinh điển của một “học giả lão thành” xác nhận “sự nghiệp bác học và ngôn ngữ học” của Trương Vĩnh Ký. Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt, tựa đề Đôi nét về danh nhân văn hóa Trương Vĩnh Ký (1837-1898), in trên mạng Viện Phan Châu Trinh[7] không rõ năm nào, và được in lại trong Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo Trương Vĩnh Ký, Cali, 2019.

Năm 1941, Lê Thanh in cuốn Trương Vĩnh Ký-Biên khảo[8], với bài Tựa của Nguyễn Văn Tố. Qua bài “Những sách báo đã tham khảo để viết tập này”, in trên đầu sách, ta thấy cuốn Trương Vĩnh Ký, một Nhà bác học và Nhà ái quốc người Nam Kỳ của Jean Bouchot đứng đầu, sau đó phần lớn là những tài liệu báo chí không quan trọng, bởi vì khi Lê Thanh vào Sài Gòn để kiếm tài liệu về Trương Vĩnh Ký, thì hầu như không còn gì. Sách của Lê Thanh có bài tiểu sử Trương Vĩnh Ký khá đày đủ  tên là Cuốn sổ bình sinh, chắc ông tổng hợp lại phần viết của Trương Vĩnh Ký, Jean Bouchet và Đặng Thúc Liêng. Nội dung sách Trương Vĩnh Ký - Biên khảo rất tình cảm, nhắc lại những kỷ niệm của một người đứng trước gia sản tinh thần của một “nhà bác học” bị mai một; vinh danh tài năng và biện hộ cho “lòng yêu nước của Trương Vĩnh Ký, thí dụ: không chịu vào dân Tây (lý do không mấy thuyết phục, sau này được rất nhiều người sao chép); vả lại, Trương Vĩnh Ký cũng đã viết rất thành thực là ông không vào dân Tây, vì làm việc với Tây mà lại vào dân Tây thì không ai tin mình nữa.

Năm 1965, xuất hiện phần biên khảo có giá trị về Trương Vĩnh Ký của Phạm Thế Ngũ, trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3 [9].

Đến năm 1993, có hai cuốn sách:

Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật) của Nguyễn Văn Trấn [10] Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa của Nguyễn Văn Trung[11] trong đó in bài Trương Vĩnh Ký trong lịch sử ngôn ngữ học Việt Nam của Cao Xuân Hạo[12].

Đó là những sách mà chúng tôi cho là tiêu biểu về Trương Vĩnh Ký; chưa kể cuốn Trương Vĩnh Ký nỗi oan thế kỷ của Nguyễn Đình Đầu[13] đã bị thu hồi, và tập Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo Trương Vĩnh Ký, in tại California năm 2019.

Tóm lại, trong khoảng 92 năm, từ 1927 đến 2019, Trương Vĩnh Ký không ngừng được vinh danh như một “nhà văn hóa lớn” của nước ta.

Bây giờ đọc lại các tác giả kể trên, chỉ Phạm Thế Ngũ là có những nhận định đúng đắn, chừng mực về chữ quốc ngữTrương Vĩnh Ký, đến nay vẫn còn giá trị, nhưng không mấy ai để ý, còn những sự đề cao, thổi phồng, lại được sao chép, in lại không ngừng trong một thế kỷ.

Trong bài “Kính cẩn mấy lời thay Tựa”, Nguyễn Văn Trấn mở đầu bằng câu:

“Dưới mắt bạn, đây là tập tiểu sử và hành trạng của một nhà yêu nước, một bác học, triết gia, một danh nhơn của nước Việt Nam ta”[14].

Câu này cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của cuốn Trương Vĩnh Ký, một Nhà bác học và Nhà ái quốc người Nam Kỳ của Jean Bouchot, in năm 1925, và tất cả sự hãnh diện của người Việt có một “nhà bác học, một triết gia, một danh nhơn”, được người Pháp công nhận. Thậm chí cái tên sách Trương Vĩnh Ký, Nhà văn hóa của Nguyễn Văn Trung cũng lập lại Bouchot và không đi ra ngoài sự hãnh diện ấy.

Đó cũng là chiến thuật của người Pháp: tung ra một nhà bác học người Việt lại là người ái quốc, để chinh phục những trí thức danh tiếng, sung sướng vì “nước ta có một nhà bác học lừng danh thế giới” mà lại “yêu nước”, tại sao không tôn vinh làm người anh đầu đàn, dìu dắt dân tộc ra khỏi vòng u tối, mặc dù, phần lớn chưa từng nghiên cứu [kỹ] hành động chính trị và nội dung các tác phẩm của “nhà bác học ái quốc” này.

Nguyễn Văn Tố là người đầu tiên, đã viết những lời ca tụng hàm hồ, dựa theo các tác giả Pháp. Nguyễn Văn Trung và Cao Xuân Hạo là hai trường hợp tiêu biểu của thế hệ sau.

Tiểu sử Trương Vĩnh Ký

Cuốn Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật) của Nguyễn Văn Trấn, viết rất chi tiết về tiểu sử Trương Vĩnh Ký, theo lối kể chuyện thân tình, pha lẫn tài liệu. Cũng như Lê Thanh, ông không chỉ viết tiểu sử mà còn biện hộ cho những hành động có thể gây hiểu lầm về “lòng yêu nước” của Trương Vĩnh Ký; nhưng ông lại hết sức ngây thơ: Đọc thư Trương Vĩnh Ký xin Thống đốc Duperré “bảo hộ” cả đất Bắc, ông lấy làm cảm kích. Dịch những đoạn sử Trương Vĩnh Ký vu khống vua Minh Mạng và nhà Nguyễn, ông tấm tắc khen hay. Tuy nhiên, ông cũng cung cấp một số thông tin đáng tin cậy và nhất là đã cho in lại cả 7 lá thư Trương Vĩnh Ký trao đổi với Paul Bert do Đặng Thúc Liêng dịch, ông có sửa chữa đôi chút cho lời văn dễ hiểu hơn, và chúng tôi đã dùng văn bản của ông, thay vì bản gốc của Đặng Thúc Liêng. Sau cùng, Phạm Thế Ngũ cung cấp một số những bổ sung cần thiết.

Phần tiểu sử dưới đây, chúng tôi đúc kết những thông tin thu lượm được trong sách của Nguyễn Văn Trấn, Đặng Thúc Liêng, Lê Thanh và Phạm Thế Ngũ.

Trương Vĩnh Ký sinh ngày 16-12-1837 tại Cái Mơn, làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh (hồi đó thuộc tỉnh Vĩnh Long, nay [1993] là Bến Tre). Cha là Trương Chánh Thi, làm quan võ hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị, mẹ là Nguyễn Thị Châu.

Trương Vĩnh Ký là con út, đầu lòng có một chị, mất sớm, thứ đến, anh Trương Chánh Sử làm Đốc phủ sứ. Được rửa tội, tên thánh là Jean Baptiste, “tên thêm sức” là Petrus. Ba tuổi, cha mất. Lên năm, được mẹ cho học chữ nho với ông đồ tên là Học. Năm 1846, (9 tuổi), Cố Tám người Việt, trước chịu ơn của ông Trương Chánh Thi, đi truyền đạo ghé qua nhà, thấy cảnh “mẹ vá con côi”, xin về nuôi trong giáo đường, cho học kinh và chữ quốc ngữ. Cố Tám qua đời. Một linh mục khác ở Pháp sang, tên Việt là Cố Long, được phái về giáo phận Cái Nhum, dạy thêm chữ La tinh, rồi đưa Vĩnh Ký lên Nam Vang học trường Pinhalu. Ông đốc trường này là Cố Hòa, người Pháp, tên Belleveaux. Sống chung với nhiều sắc dân, Trương Vĩnh Ký học được mấy thứ tiếng nữa: Xiêm, Miến Điện, Tàu, Lào, Miên[15].

Năm 1851 (14 tuổi), trường Pinhalu tuyển ba học sinh xuất sắc nhất cho sang học tại một trường đạo lớn ở Pinang, ngoài khơi Ấn Độ Dương, do người Anh cai trị. Cố Long dẫn ba học trò xuyên rừng, núi, sông, biển, tới Pinang, vào trường nhà chung nổi tiếng Séminaire général des Missions étrangères en Extrême Orient (Chủng viện trung ương của Hội Thừa sai tại Viễn Đông). Đây là một trường đạo lớn, dạy nhiều môn: thần học, triết học, chữ Hy lạp, La tinh. Học trò Âu Á lên tới hơn 300. Là người có khiếu vượt bực về ngôn ngữ, Trương Vĩnh Ký đoạt giải nhất một cuộc thi chữ La Tinh. Ở đây, Vĩnh Ký học tiếng Pháp, Anh, Ấn, Nhật.

Sau 6 năm học, từ 1852 đến 1858, Trương Vĩnh Ký trở về quê Cái Mơn, ở tuổi 22, giúp cố Hòa, thày cũ, dạy chữ Pháp và chữ La tinh ở Cái Nhum.

Thời kỳ này, lịch sử xâm lăng cũng bắt đầu:

Tháng 9-1858, Trung Tướng Rigault de Genouilly được lệnh Napoléon III, chỉ huy liên quân Pháp-Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng, Giám mục Pellerin dẫn đường. Gặp khó khăn không thể vượt được, de Genouilly xuống đánh Gia Định ngày 9-2-1859.

Liên quân Pháp-Y tấn công thành Gia Định, ngày 17-2-1859, thành vỡ, de Genouilly vào thành, chiếm kho vũ khí, lương thực, cướp kho tàng, đốt dinh trại, san thành bình địa, rồi trao cho Jauréguiberry cai quản, quay trở lại đánh Đà Nẵng.

Sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký bắt đầu từ tháng 12-1859, khi được Giám mục Lefèbvre tiến cử làm thông ngôn cho Jauréguiberry. Bốn tháng sau, ngày 1-4-1860, Jauréguiberry được gọi sang Trung Hoa, Đại tá hải quân Ariès thay thế. Trương Vĩnh Ký phục vụ các nguyên soái kế tiếp: Ariès, Charner, Bonard... trong suốt thời kỳ liên quân Pháp-Y đánh chiếm Nam kỳ, từ 1859 đến 1862.

Năm 1861, ông lập gia đình với cô Vương Thị Thọ.

Có 9 người con: 1- Vĩnh Thế, Tri phủ; 2- Thị Gia; 3- Vĩnh Viết, Đốc phủ sứ; 4- Thị Tự; 5-Vĩnh Trọng; 6-Vĩnh Mỹ; 7- Vĩnh Kỳ; 8 - Vĩnh Tiên, 9- Vĩnh Tống[16].

Năm 1863, với tư cách Đệ nhất Thông ngôn của Soái phủ, ông cầm đầu nhóm Người Việt của Đông Dương Pháp đi Pháp, cùng tầu với phái đoàn Phan Thanh Giản.

Trở về Sài Gòn ngày 18-3-1864, ông tiếp tục công việc thông ngôn và dịch tài liệu cho tờ công báo chữ Pháp Le Courrier de Saigon (Tây Cống Nhật Báo) ra đời ngày 1-1-1864.

Năm 1866, ông làm trợ bút cho Gia Định Báo; tờ báo quốc ngữ đầu tiên; năm 1868, lên chức chủ bút[17]. Đồng thời được thăng chức Giáo sư, rồi Hiệu trưởng Trường Thông ngôn (mở cửa từ 16-7-1864)[18].

Từ năm 1867 trở đi, ông bắt đầu in sách, phần lớn đều là sách dạy học trò: chữ quốc ngữ, chữ Pháp, lịch sử...

Ngày 1-1-1871, ông được phong chức giáo sư Trường Sư phạm Thuộc địa và nhận chức Tri Huyện hạng nhất. Năm 1873, ông điều hành Trường Tham biện Hậu bổ (École des Administrateurs stagiaires).

Năm 1875, ông in hai cuốn sách nổi tiếng nhất trong hành trình văn học và lịch sử của ông: Kim Vân Kiều phiên âm sang chữ quốc ngữ và Giáo trình lịch sử An nam (Cours d'histoire annamite).

Từ thời kỳ này, ông được chính quyền thuộc địa giao trách nhiệm đào tạo thanh niên ra làm việc với Pháp trong ngành giáo dục và quan lại, để thay thế tầng lớp nho học. Những sách, diễn văn hay bài giảng ông viết, được nhà xuất bản của chính quyền thuộc địa in, thường là bài giảng trong các trường ông cai quản, đôi khi chỉ có vài trang.

Theo Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký lãnh lương: Tri Huyện 2.400 quan, Giám đốc Trường Sư phạm: 3.600 quan, Giáo sư Trường Tham biện Hậu bổ: 3.000 quan. Tổng cộng: 9.000 quan[19] một năm. Hẳn là một số tiền không nhỏ, thời ấy.

Năm 1876, Trương Vĩnh Ký được Thống đốc Duperré điều ra Bắc, để “nghiên cứu tình hình” Trở về ông viết bài hồi ký “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất hợi” và làm Bản báo cáo dài đề ngày 28-4-1876, nội dung nói dân Bắc Kỳ đang trông đợi được Thống đốc bảo hộ như dân Nam kỳ. Ông được Duperré thăng chức.

Sáu năm sau, sự “trông đợi được bảo hộ của dân Bắc” thành sự thật: Việt Nam phải ký hòa ước Giáp Thân (1884) còn gọi là hiệp ước Patenôte, mất chủ quyền, miền Bắc trở thành thuộc địa trá hình của Pháp, triều đình Huế chỉ còn hư vị.

Paul Bert là vị Thống sứ thứ ba, ông đến Hà Nội năm 1886.

Tháng 2 năm 1886, Paul Bert tới Sài Gòn, vời Trương Vĩnh Ký tháp tùng ra Huế và bổ nhiệm vào Cơ Mật Viện, trước khi đi Hà Nội[20]. Một số thừ từ của Trương Vĩnh Ký trao đổi với Paul Bert giúp chúng ta hiểu thêm nhiệm vụ của ông tại Huế và ước vọng của ông cùng Paul Bert xây dựng Đế quốc Đông Dương.

Tháng 4-1886, Paul Bert ra tới Hà Nội. Ngày 11-11-1886, ông đột ngột qua đời vì bệnh thổ tả (choléra), tại chức 7 tháng. Trương Vĩnh Ký đang nghỉ ở Sài Gòn. Không được trở lại Huế, và cũng không nhận được phận sự gì khác. Ông viết thư cho Thủ tướng Pháp Freycinet, hỏi về số phận mình, không có hồi âm[21].

Paulin Vial -cộng sự viên chính, được Paul Bert đề đạt lên Bộ trưởng như người có khả năng nhất thay mình[22]- lên thay Paul Bert, Trương Vĩnh Ký viết thư hỏi Vial, được trả lời rằng:

“Tốt hơn là ông không nên trở ra Huế nữa, vì xét về mặt quyền lợi của đất nước, thì cần thiết nước Pháp phải được thay mặt ở thủ phủ ấy bằng một người duy nhứt, đại diện chánh thức mà không cần có một nhân vật quan trọng nào khác ở bên cạnh”.

Trương Vĩnh Ký bị Pháp tẩy chay toàn diện.

Nguyễn Văn Trấn kể: “Về Sài Gòn lần nầy, ông bị đám quan viên Tây làm khó dễ. Chúng định bãi chức ông tuốt luốt. Nhưng may, những người thân hữu bên Tây can thiệp, nên ông giữ được chức dạy học, lương bổng 1.880 quan một năm”.

Phạm Thế Ngũ viết: “Nhờ sự can thiệp của nhiều thân hữu Pháp, ông mới được một chân dạy chữ Hán và tiếng Miên, với lương bổng 1800 [quan] một năm”[23].

Lương bổng đang từ 9.000 quan một năm, sụt xuống còn 1.880 quan, ông cay đắng viết thư cho Vial: “Tôi tớ cũ của nhà nước, tôi làm việc và trông đợi tăng lương chớ có đâu phải chịu sụt lương. Tôi không cần nói thêm, đồng bào tôi coi như vậy là tôi bị trừng phạt cho “đáng đời”[24].

Câu này thành thật và phản ảnh ba sự thật:

1- Làm “tôi tớ” cho Pháp trong 30 năm (1859-1886).

2- Cuối cùng bị sụt lương gấp 5 lần.

3- Bị đồng bào cho là “đáng đời”.

Sự bỏ rơi này chỉ là trường hợp vắt chanh bỏ vỏ: Trương Vĩnh Ký đã giúp nước Pháp trong những thời điểm gay go nhất, từ lúc chiếm thành Gia Định, năm 1859, đến năm 1886, Pháp chinh phục xong Bắc Kỳ, họ đã hoàn tất việc “bình định”, không cần đến ông nữa: Năm 1888, trường Thông ngôn đóng cửa, tiếng Pháp được dạy trực tiếp trong các trường học ở trong Nam.

Trương Vĩnh Ký tiếp tục viết sách, nhưng những cuốn sách sau này không được Imprimerie Coloniale (Nhà in Thuộc địa) in nữa. Những danh vị: Nhà văn hóa, Nhà bác học, Hàn lâm, biến mất, không thấy những “nhà bác học Tây lên tiếng bênh vực.

Ông qua đời ngày 1-9-1898, tại Chợ Quán, vì bệnh lao, trong nghèo túng, quên lãng, thọ 61 tuổi. Di sản văn hoá của ông không được hậu duệ (trừ người con út Trương Vĩnh Tống) chăm sóc, mất mát, mối mọt, diệt dần.

Lê Thanh, tác giả cuốn Trương Vĩnh Ký - Biên Khảo, viết:

“Tôi đã đến đây hàng tháng, trong những chồng sách đã cũ, đống giấy đã nát, tìm kiếm tài liệu để viết tập tiểu sử Tiên sinh. […]

Phải mời các ngài, đi với tôi đến tận nơi cùng tôi đi sâu vào những tập thư, quyển nhật ký... gần mục nát, phải được đặt trước các ngài một chồng giấy mỏi mệt hơn nữa, phần bị gián nhấm, mọt đục chỉ còn lờ mờ ít dòng chữ và mùi mực nhạt[25].

Hiện nay, còn bản Thư mục Trương Vĩnh Ký do chính ông viết tay do Nguyễn Văn Trung sưu tầm, là đáng quý, giúp chúng ta có thể biết chính xác Trương Vĩnh Ký đã viết những sách gì, mà tìm trong các thư viện còn lưu trữ.

Con đường sự nghiệp - Giám mục Lefèbvre đỡ đầu

Từ trước đến nay, khi viết về Trương Vĩnh Ký, người ta thường tách ông ra khỏi bối cảnh lịch sử, như một trí thức sống đạm bạc, làm thông ngôn và viết sách, trong một nước Việt “yên bình” dưới thời Pháp thuộc, lấy “công” với chữ quốc ngữ, để chuộc “tội” làm thông ngôn cho Pháp. Thực ra, không một người nào có thể sống tách rời xã hội, lặng yên làm việc mà bịt tai không nghe những tiếng động của lịch sử chung quanh mình.

Vì vậy, việc làm của chúng tôi là thử tìm lại cuộc đời Trương Vĩnh Ký trong bối cảnh lịch sử sôi động của dân tộc trong ba mươi năm đối đầu với chiến tranh xâm lược.

Người đỡ đầu Trương Vĩnh Ký trên đường sự nghiệp là Giám mục Lefèbvre.

Như trên đã nói: Năm 1859, sau khi học ở Chủng viện trung ương của Hội Thừa Sai Viễn Đông tại Penang, ông trở về Cái Mơn, ở tuổi 22 và được Giám mục Lefèbvre giới thiệu vào làm Thông ngôn cho Jauréguiberry ở Soái phủ.

Nguyễn Văn Trấn kể rằng: ông đang dạy học ở trong làng, thì có việc “vây bắt các cha cố Tây dương hội họp ở Cái Nhum”, ông phải trốn trong 5 tháng mới về tới Sài Gòn, “Tá túc nhà Giám mục Lefèbvre. Có linh mục Đoan làm bạn. Từ nhà nầy Vĩnh Ký nhảy vào đời”. “Tháng 12-1859, Jauréguiberry trở vào nội thành, mở rộng diện chiếm đóng ra Chợ Lớn. Nó thiếu một thông ngôn và cậy Giám mục Lefèbvre tìm. Ông nầy chỉ Trương Vĩnh Ký”[26].

Những dòng trên đây của Nguyễn Văn Trấn có cơ sở: Việc các “cha cố Tây” hội họp để tổ chức “gián điệp” giúp quân Pháp, khi họ đánh Gia Định, là bình thường, nên họ bị chính quyền truy nã, cũng là điều dễ hiểu, nhưng Giám mục Lefèbvre là một tên tuổi có tầm cỡ và có lẽ nhiều độc giả chưa biết ông là ai.

Vậy trước hết: Giám mục Lefèbvre là ai?

Ông là người được vua Thiệu Trị thả ra hai lần nhưng vẫn tìm cách trốn trở lại Việt Nam. Tháng 3 năm 1847, Đô đốc Cécille, Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, trao cho Đại tá hải quân Lapierre, nhiệm vụ tiến vào Đà Nẵng “giải cứu” Giám mục Lefèbvre “đang bị giam giữ”, việc mà Cécille rất tiếc, không “thân hành” làm được[27].

Ngày15-4-1847, Đại tá Lapierre điều khiển trung hạm La Gloire, 57 đại bác, và Thiếu tá Rigault de Genouilly, điều khiển tiểu hạm La Victorieuse, 24 đại bác, mượn cớ giải thoát Giám mục Lefèbvre [đang trốn vào lại Sài Gòn], bắn chìm năm chiến thuyền đồng của vua Thiệu Trị, đậu ở Đà Nẵng rồi bỏ đi. Việc này được coi như trận chiến xâm lăng lần thứ nhất mà Lefèbvre là nguyên nhân chính.

Vua Thiệu Trị buồn bực, bẩy tháng sau qua đời. Tự Đức kế nghiệp cha.

Mười năm sau, Rigault de Genouilly, trở thành Trung Tướng, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, ngày 1-9-1858, được lệnh Napoléon III, điều khiển liên quân Pháp-Y pha nho, tấn công Đà Nẵng với 15 chiến hạm, do Giám mục Pellerin hướng dẫn. Rigault de Genouilly thắng được trận đầu, nhưng sau đó, gặp sự chống trả mãnh liệt của quân ta, không thể tiến sâu vào đất liền được và cũng không thể vượt đèo Hải Vân để chiếm Huế, theo sự đòi hỏi cấp thiết của Giám mục Pellerin, để thấy Tự Đức phải đầu hàng. De Genouilly phải đổi chiến thuật, xuống đánh Gia Định. Tháng 2-1859, Giám mục Pellerin nổi giận, bỏ đi Hồng Kông, rồi Manille, Pinang, không bao giờ trở lại nữa[28].

Tại Sài Gòn, Giám mục Lefèbvre, ngày 16-2-1859 ở làng Tam Hoi [?], đi thuyền ra chiến hạm Phlégéton chào Trung Tướng de Genouilly và cung cấp thông tin[29].

Ngày 16-2-1859 liên quân Pháp-Y tấn công thành Gia Định, quân ta chống cự trong hai ngày, ngày 17-2-1859, thành hãm, Hộ đốc Võ Duy Ninh thắt cổ chết, Án sát Lê Từ tuẫn tiết.

Chiếm thành Gia Định, de Genouilly được kho vũ khí, cướp kho tàng, đốt thóc gạo, san bằng binh trại. Cuối tháng 3-1859, de Genouilly để Jauréguiberry ở lại cai quản, trở ra Đà Nẵng.

Cuối năm 1859, Giám mục Lefèbvre đưa Trương Vĩnh Ký vào giúp việc Soái phủ, trung tâm cuộc chiến, bên cạnh Giám mục và Nguyên soái cầm đầu.

Tại Đà Nẵng, de Genouilly trực diện với Nguyễn Tri Phương, không thể thắng, bèn điều đình. Không xong. Ngày 21-9-1859, de Genouilly tấn công Đà Nẵng lần chót, rồi xin về Pháp. Thiếu tướng hải quân Page sang thay.

Vua Tự Đức được tin Rigault de Genouilly bỏ Đà Nẵng xuống đánh Gia Định, bèn phái Thượng thư bô Hộ, Tôn Thất Cáp làm Thống đốc quân vụ Đại thần, đi ngay để chặn giặc, nhưng chưa đến nơi thì thành Gia Định đã thất thủ[30].

Dưới sức tấn công thường trực của Tôn Thất Cáp, Jauréguiberry phải rút khỏi thành Gia Định, chạy về phiá nam. Ngày 21-4-1859, nhờ đoàn bộ binh La Marne (550 người) đến tiếp viện, liên quân Pháp-Y chiếm lại Chợ Lớn[31].

Trận Chí Hoà

Thấy tình hình Nam Kỳ vẫn căng thẳng, tháng 9-1960, vua Tự Đức phong Nguyễn Tri Phương làm Tổng thống quân vụ đại thần quân thứ Gia Định[32]. Đây là thời điểm chiến tranh ác liệt nhất giữa quân ta và quân Pháp.

Nguyễn Tri Phương và Phan Thế Hiển đến Gia Định, đắp hệ thống đại đồn Chí Hoà (Pháp viết là Kỳ Hòa). Theo Thomazi “Đồn hình chữ nhật, khoảng 3.000mx900m, dùng xà ngang chia làm 5 gian, bao bọc bằng những bức tường cao 3m50, dầy 2m, thiết bị 150 khẩu đại bác đủ cỡ. Bên ngoài phòng bị: hố bẫy, hào nước, rào tường, thành gỗ đóng chông, tre được xử dụng tài tình, bụi gai bao quanh toàn bộ tường luỹ[33].

Liên quân Pháp-Y tấn công nhiều lần đều thất bại.

Tháng 12-1860, liên quân Pháp-Y lại tấn công, thua, 132 người bị bắn chết và đâm chết tại trận[34].

Cuối năm 1860, Trung tướng Hải quân Charner, Tổng tư lệnh Hải quân Pháp ở Thái Bình Dương, kết thúc chiến tranh Trung Hoa, dồn hết lực lượng đánh Việt Nam.

Theo Taboulet, đại binh gồm có: 68 chiến hạm (55 hơi nước, 13 buồm), chở 474 đại bác, 80 tầu buôn (thuê), một sư đoàn thủy quân lục chiến 3.500 người, 12 đại đội thủy binh, một pháo đội rưỡi đại bác, công binh, một số kỵ binh. 600 phu khuân vác mượn ở Quảng Đông[35].

Ngày 7-2-1861, Charner và liên quân Pháp-Y tiến về Gia Định.

Ngày 24 và 25-2-1861, Charner họp với quân của Page, đã đóng tại Sài Gòn, tổng tấn công đại đồn Chí Hoà[36]. Theo Thực Lục, với 30 tàu chiến và 10.000 lính, đổ bộ vào các chỗ núi gò, bốn mặt quay vào Đồn mà bắn[37]. Đánh nhau ác liệt trong hai ngày, đồn Chí Hòa vỡ, Nguyễn Tri Phương bị thương. Tán lý Nguyễn Duy (em Nguyễn Tri Phương) và Tán tương Tôn Thất Trĩ tử trận. Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Cáp, Phạm Thế Hiển phải rút về Gia Định rồi Biên Hòa[38]. Phiá Pháp-Y: Thiếu tướng Vassoigne, Đại tá Palanca (Y) và hơn 300 người bị thương, 12 người tử trận, trong đó có Trung tá Testard[39].

Taboulet viết: “Khoảng 20.000 quân chính quy người Việt và 10.000 trợ dịch, dưới lệnh Thống chế Nguyễn Tri Phương, đã bị thương ở cánh tay, kiên trì chống trả trong hai ngày với liên quân Pháp-Y Pha Nho, khiến họ phải biểu dương những cố gắng siêu phàm để xuyên thủng hệ thống phòng thủ chằng chịt của người Nam kỳ. Bởi sự quan trọng của số quân hai bên, bởi sự dữ dội của cuộc chiến, trận Chí Hoà là trận quan trọng nhất trong tất cả các trận đánh dẫn tới sự chinh phục Nam kỳ của người Pháp”[40].

Trong trận chiến khốc liệt này, Trương Vĩnh Ký làm gì ở Soái phủ Nam Kỳ-Tổng tư lệnh quân đội Pháp? Mà sau này ông có thể viết câu: “Những vị quan lại thường hay hỏi, có phải nước Pháp muốn xâm chiếm nước ta? Tôi đã trả lời rằng không[41]“.

Charner phá được hệ thống đại đồn Chí Hoà, tháng 2-1861, thừa thắng chiếm Mỹ Tho, tháng 4-1861. Nguyễn Tri Phương bị thương phải lui về Bình Thuận, rồi về quê Phong Điền (Thừa Thiên) chữa trị. Phạm Thế Hiển về đến Phú Yên thì qua đời. Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Cáp, Phạm Thế Hiển thua trận, bị triều đình “luận tội”, vua cử Nguyễn Bá Nghi chỉ huy quân thứ Gia Định, người này chỉ muốn hòa, không muốn đánh. Tinh thần chủ hoà lan rộng trong đám quan lại của triều đình được gửi xuống miền Nam, cho đến khi Phan Thanh Giản nộp thành cho Pháp, uống thuốc độc tự vận.

Bonard sang thay Charner, đánh Biên Hòa, tháng 12-1861, chiếm Vĩnh Long tháng 3-1862.

Nguyễn Văn Trấn viết một câu nhiều ý nghiã:

“Tất nhiên là Tây cũng biết dùng người mà không dùng thông ngôn Petrus như thông ngôn Paulus.[Paulus Của]

Ngồi bên cạnh Pháp soái, người như Petrus Ký, nếu không làm thì thôi, còn làm thì ra làm, với học lực và sự cần mẫn của mình. Petrus Ký được Tây khen:

“Sự hợp tác của Trương Vĩnh Ký được mến phục. Ông là một phụ tá đặc biệt quý báu đối với quan chỉ huy quân đội Pháp đang tổ chức và bình định những vùng mới chiếm được.(Jean Bouchet)[42].

Câu này hé mở cho thấy nhiệm vụ tất yếu của Trương Vĩnh Ký trong thời kỳ này ở Soái phủ: ông không thể làm thông ngôn thuần túy như Huỳnh Tịnh Của (Paulus Của), vì ông được Lefèbvre đỡ đầu và Giám mục là người cung cấp thông tin tình báo cho Bộ chỉ huy Pháp.

Nhưng quan trọng hơn cả là ông đã thuyết phục được các quan đại thần có dịp tiếp xúc với ông, như Nguyễn Đình Nghi, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, tinh thần khiếp sợ và khuất phục quân Pháp, đầu độc họ bằng sự tin tưởng: Pháp không muốn chiếm Việt Nam, để họ bó tay đầu hàng trước.

Hiệp ước Nhâm Tuất (1862)

Mất Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, triều đình phải ký với Bonard hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5-6-1862. Vai trò của Trương Vĩnh Ký lại đặt ra.

Nguyễn Văn Trấn viết: “Trương Vĩnh Ký được Tây giao trọng trách là đi Huế, trên chiến thuyền Forbin, với thuyền trưởng Simon, trao thơ đòi bồi thường: Đòi vua Tự Đức đóng vào kho bạc Pháp và Y Pha Nho 4 triệu đồng bạc con cò Mễ Tây Cơ”[43].

Câu trên được hiểu là sau khi ký hiệp ước Nhâm Tuất, Trương Vĩnh Ký được phái ra Huế đòi vua Tự Đức trả tiền “bồi thường”.

Nhưng Taboulet ghi khác: “Tàu Forban, tháng 4-1862 [hai tháng trước khi ký hiệp ước Nhâm Tuất] được Bonard gửi ra [Bắc] để chặn (intercepter) gạo từ Bắc gửi vào Trung, bảo đảm an ninh cho Sài Gòn, rồi [tàu này] lại được gửi trở lại [Huế] với một tối hậu thư (un ultimatum) cho chính phủ Việt Nam: phải ứng trước 100.000 quan tiền (ligatures) bồi thường chiến tranh và gửi ngay hai sứ giả vào Nam[44].

Đúng là vừa cướp nước, vừa đòi tiền mãi lộ “bồi thường chiến tranh”, trước khi ký hiệp định đình chiến!

Về việc này, Đại Nam thực lục ghi:

“Nguyên soái Phú Lang sa là Phô Na Xai Suy Mong [Bonard sai Simon] chạy tầu máy vào cửa biển Thuận An (một chiếc tầu máy và ba chiếc thuyền tam bản đi theo có tới hơn 200 người, hai tầng ở bên tả bên hữu tầu ấy chia đặt súng lớn, đêm đốt hai cây đèn sáng để đo nước của biển) để đưa thư bàn việc hòa”[45]. Sau đó Thực lục viết tiếp (xin tóm tắt):

Thư nói ba việc:

1- Đặt toàn quyền. 2- Bồi trả quân nhu. 3- Đưa trước 10.000 quan để làm tin.

Vua, triệu tập đình thần, dụ rằng nên tạm thời trả tiền để đòi lại ba tỉnh đã mất. Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp xin đi. Triều đình bàn luận và dự thảo những điều ước sẽ ký, trước khi sứ lên đường.

Thực lục ghi rõ: Sứ đi thuyền Thụy nhạc vào Gia Định ngày 24-4 năm Nhâm Tuất [22-5-1862], ký hòa ước ngày 9-5 [5-6-1862], trở lên thuyền ngày 11-5 [7-6-1862] và về đến Kinh ngày 14-5 [10-6-1862][46].

Triều đình không biết việc tàu Forban, trước khi tới Huế, đã ra Bắc cướp gạo, rồi mới trở về Huế để đòi tiền bồi thường trước.

Trương Vĩnh Ký ở trên tầu Forban, trong suốt hành trình này: ông đã dự việc Pháp cướp gạo ở Bắc, và khi đến Huế, hẳn ông đã nghe trực tiếp hoặc nghe ngóng và biết ý vua. Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp được vua dặn kỹ trước khi đi: Không nhượng đất. Không cho giảng đạo[47].

Nhưng cuối cùng, chỉ trong có hơn 10 ngày, phái đoàn Phan Thanh Giản-Lâm Duy Thiếp đã ký xong hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862) nhượng hẳn cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Bỏ lệnh cấm đạo trên toàn quốc. Mở ba cửa khẩu: Đà Nẵng, Ba Lạt và Quảng Yên cho Pháp-Y tự do ra vào. Và triều đình phải “bồi thường chiến tranh” 4 triệu đô la cho Pháp-Y Pha Nho!

Vua Tự Đức giận lắm, vua không muốn mất một tấc đất nào của tổ tiên để lại, nên đến khi qua đời, vua vẫn không hiểu tại sao Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp lại cưỡng lời ông mà ký một hiệp ước ô nhục như vậy.

Vua than: “Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì? Hai viên này không những là người có tội của bản triều mà là người có tội của nghìn muôn đời vậy!”[48]

Bây giờ nhìn lại, ta có thể đặt câu hỏi: lúc đó lực lượng quân ta còn mạnh, mới thua vài trận, chưa phải đầu hàng, vua chỉ cho phép trả tiền “bồi thường” là để lấy lại ba tỉnh đã mất.

Phải chăng hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp, vì nghe lời khuyên của Trương Vĩnh Ký nên mới chấp nhận dễ dàng những điều kiện mà phía Pháp không đặt ra.

Theo Thực lục, khi tới Huế, họ chỉ đòi hỏi ba điều, đã ghi ở trên:

Đặt toàn quyền. 2- Bồi trả quân nhu. 3- Đưa trước 10.000 quan để làm tin.

Vậy, phải chăng đã có sự trục trặc lớn trong khâu dịch thuật mà Trương Vĩnh Ký là Đệ nhất thông ngôn? Vấn đề trầm trọng này, hiện chúng tôi không có tài liệu và chưa thấy ai điều tra đến nơi đến chốn.

Cầm đầu nhóm Người Việt của Đông Dương Pháp

Năm sau, 1863, vua sai Phan Thanh Giản cầm đầu phái đoàn (cùng Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản) (Lâm Duy Thiếp đã qua đời) sang Pháp trên tàu Européen, để điều đình chuộc lại ba tỉnh đã mất. Trương Vĩnh Ký cũng đi Pháp trên tàu Européen, nhưng với tư cách là Thông ngôn hạng nhất và trưởng nhóm được gọi là “Người Việt của Đông Dương Pháp cùng đi Pháp với phái đoàn của Vua Tự Đức” (Annamites de la Cochinchine française allant en France avec l'Ambassade du roi Tu-Duc), hiểu nôm na là nhóm người Việt đi theo [do thám?] phái đoàn của Vua Tự Đức, cho Soái phủ Nam kỳ.

Nguyễn Văn Trấn chép: “Phan Thanh Giản lại xin được Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn[49] là sai, không biết cố tình hay hữu ý, và hầu như tất cả các bài viết khác sau này đều chép như vậy. Chúng tôi được bà Phạm Lệ Hương, chuyên gia thư viện ở Mỹ, gửi cho bài viết của ông Trần Giao Thủy, tựa đề Petrus Trương Vĩnh Ký trong chuyến đi Tây 1863 in trên mạng (http://dcvonline.net/2017/01/25/petrus-truong-vinh-ky-trong-chuyen-di-tay-1863/). Trong tài liệu này, ông Thủy đã chụp lại danh sách của cả hai phái đoàn.

Phái đoàn của triều đình gồm có Phan Thanh Giản [viết nhầm là Giang] với Nguyễn Văn Trương [hay Trường] là thông ngôn. Tất cả phái đoàn Phan Thanh Giản (nhân viên, tùy tùng và lính hầu) gồm 63 người.

Danh sách những người của Soái phủ được gọi là Những người Việt của Đông Dương Pháp cùng đi Pháp với phái đoàn của Vua Tự Đức (Annamites de la Cochinchine française allant en France avec l'Ambassade du roi Tu-Duc). Trương Vĩnh Ký, đứng đầu danh sách Những người Việt của Đông Dương Pháp, với chức vụ Đệ nhất thông ngôn. Còn có một thông ngôn nữa là Petrus Sang. Đoàn của Soái phủ tất cả 9 người.

Nhìn lại danh sách những Người Việt của Đông Dương Pháp cùng đi Pháp với phái đoàn của Vua Tự Đức, ta thấy nhóm này toàn người Việt, Trương Vĩnh Ký là trưởng đoàn, mà lại có tới hai thông ngôn (Ký và Sang) và hai nhà nho, vậy nhiệm vụ của họ là gì?

Tên Petrus Ký ở đây bị ghi lầm là Petrus Key. Có lẽ đây là đầu mối của cái tên Petrus Key, đã gây tranh luận nhiều năm tại hải ngoại.

Tài liệu này giúp chúng ta hiểu được, tại sao Trương Vĩnh Ký không có mặt trong buổi phái đoàn Phan Thanh Giản tiếp gia đình bà Nguyễn Thị Sen, vợ ông Chaigneau Nguyễn Văn Chấn, làm quan dưới thời Gia Long, và những công tác Trương Vĩnh Ký nhận được trong thời gian ở Pháp, về việc tái lập chữ quốc ngữ.

Theo Nguyễn Văn Trấn Chuyến đi tám tháng này [lên tàu ngày 4-7-1863, trở lại Sài Gòn ngày 18-3-1864] là sự kiện quan trọng nhứt trong đời Trương Vĩnh Ký[50]. Câu này dường như có ý nói: trong chuyến đi Pháp, ông đã có cơ hội tiếp xúc để phát triển việc truyền bá quốc ngữ tại Việt Nam. Việc này sẽ được bàn đến trong phần II: Sự nghiệp văn học của Trương Vĩnh Ký.

Trở về Sài Gòn ngày 18-3-1864, Trương Vĩnh Ký tiếp tục làm thông ngôn cho Soái phủ và dịch tài liệu cho tờ công báo Le Courrier de Saigon. Tờ Gia Định Báo ra đời năm 1865, nhưng ông chưa được làm chủ bút, đến năm 1866, ông mới được làm trợ bút; và năm 1868, được chính thức lên chức chủ bút.

Đồng thời ông làm giáo viên, rồi Hiệu trưởng Trường Thông ngôn, mở cửa từ ngày 16-7-1864. Nhiệm vụ giáo dục của ông thực lớn: Tháng giêng 1871, ông được phong Giáo sư Trường Sư phạm Thuộc địa (đồng thời nhận chức Tri huyện). Năm 1873, ông điều hành Trường Tham biện Hậu bổ.

Cũng trong năm 1873 này, Hà thành thất thủ lần thứ nhất, Nguyễn Tri Phương, bị thương, bị bắt, không nhận sự chữa chạy của Pháp, qua đời ngày 20-12-1873.

Ngày15-3-1874, Triều đình phải ký hòa ước Giáp Tuất (1874), với những khoản chính:

Nhường đứt cho Pháp 6 tỉnh Nam kỳ. Để cho giáo sĩ tự do giảng đạo và dân chúng tự do theo đạo. Phải mở thêm các cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn), Ninh Hải (Hải Phòng), thành Hà Nội và sông Hồng cho người ngoại quốc vào buôn bán. Nước Pháp được phép đặt lãnh sự ở khắp các cửa bể và thành thị đã mở, vv...

Năm sau, 1875, Trương Vĩnh Ký cho in cuốn sử thời danh để dạy học trò Cours d'Histoire Annamite (Giáo trình lịch sử An nam), viết lại lịch sử nhà Nguyễn, vu khống vua Minh Mạng những “tội ác tầy đình” “tàn sát giáo dân”, và tố cáo thời Tự Đức “tham quan ô lại”, dân chúng lầm than... để giải thích tại sao Pháp phải can thiệp vào Việt Nam. Nội dung sách này sẽ được bàn tới trong phần II: Sự nghiệp văn học của Trương Vĩnh Ký.

Xin Duperré “cứu vớt” dân chúng Bắc Kỳ

Về chuyến đi Bắc năm 1876 của Trương Vĩnh Ký, Phạm Thế Ngũ viết:

Năm 1876, ông được đô đốc Duperré, Thống đốc Nam kỳ biệt phái ra Bắc Kỳ nghiên cứu tình hình chính trị (thật ra để thăm dò cho việc mở rộng thế lực người Pháp ngoài đó). Ông ở lại Bắc Kỳ ba tháng, làm công việc điều tra cho súy phủ Pháp đồng thời thâu thập tài liệu cho tập hồi ký sau này (Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất hợi). Trở về ông được Duperré cử vào Hội đồng Thành phố Sài Gòn (hội viên duy nhất và đầu tiên người Nam), Hội đồng Học chánh Thuộc địa, và trở lại với công việc trước tác, được bổ Officier d'Académie (1883)[51].

Không hiểu tại sao Trương Vĩnh Ký lại không viết thẳng Bản báo cáo tình hình đất Bắc cho Duperré, mà lại viết dưới dạng lá thư ngày 28-4-1876, gửi Tham mưu trưởng Regnault de Promesnil, nhờ chuyển cho Thống đốc Duperré[52]. Lá thư này có nội dung kín đáo ngỏ ý xin [nước Pháp] đô hộ cả đất Bắc.

Phần đầu thư, Trương Vĩnh Ký trình lên Thống đốc tình trạng tồi tệ ở Bắc: hận thù lương, giáo; quan lại từ tổng đốc đến hương làng hạng chót, mỗi người lấy một thứ thuế theo ý mình, bóc lột người dân đến tận xương tuỷ, nhân dân thống thiết chờ mong “một sự lãnh đạo mới”. Sau đó ông viết tiếp:

Sự đói nghèo trong dân đà quá mức, khắp nơi rống tiếng hét gào sửa đổi, đòi một sự cai trị đủ sức trị an, để đem ngày mai lại cho dân […] Tóm lại là kéo họ lên khỏi vực thẩm, kéo ra khỏi nạn đói, dân đen đang hấp hối […]

Người dân khao khát một sự lãnh đạo trong sạch, mà cũng vì khao khát quá cho nên luôn luôn bị thất vọng […] Vì vậy nên không phải là không thèm thuổng mà họ ngóng về số phận của đồng bào họ ở Nam Kỳ.

Những vị quan lại thường hay hỏi, có phải là Pháp muốn xâm chiếm nước ta? Tôi trả lời rằng, không. Tôi nói vậy là dựa vào hiệp ước hòa hảo và thương mại, và dựa vào những điều lợi mà những hiệp ước ấy [hiệp ước Giáp Tuất (1874)] đảm bảo cho nước An Nam. Vả chăng lãnh sự Pháp và quân trú phòng có mặt ở Bắc Kỳ đã là một bảo đảm lớn cho nhà nước An nam được bình yên [...] Điều đó chứng minh rằng bây giờ mới có cái an ninh hằng mơ ước [...]

Người ta còn hỏi:

Vậy phải xử sự thế nào với người Pháp để được lợi nhứt?

Tôi trả lời:

Dạ thưa, quý vị nên nghĩ rằng, nước Pháp muốn chiếm nước này, thì họ đã làm việc đó lâu rồi và cũng dễ. Vì vậy, các vị chịu là mình yếu, đến nỗi muốn đứng lên phải có người đỡ. Các vị chỉ cần tin cậy vào những người đồng minh có danh tiếng của các vị, và thật thà đưa tay cho họ kéo lên. Nhưng phải thật thà, không ngoại ý, không ám muội, đưa cả hai tay, chớ không phải đưa tay nầy mà giữ tay kia. Bằng không nước Pháp thấy các vị do dự, ngờ vực và có thể thối chí, mà không giúp đỡ các vị, để cho các vị xuôi theo phận số của mình […]

Đó là những chi tiết nổi bật nhứt mà tôi đã vạch ra... nói chung là những ông quan ấy […] đều nhận rằng, không thể kháng cự với người Pháp, và nếu nước Pháp muốn lấy nước này thì có thể lấy không khó khăn và cũng không mấy tốn hao. Tôi cũng có chú ý trong cuộc đàm đạo, không lần nào nghe họ mở miệng nói với tôi tên một dân tộc nào khác hơn là tên dân tộc Pháp. [...]

Trong lòng tôi đọng lại niềm tin thắm thiết rằng triều đình Huế, nếu không có sự giúp đỡ [của Pháp] thì không đủ sức làm cái công việc đồ sộ [cải cách chính trị, kinh tế, tài chính] như vậy và chỉ có nước Pháp là có sức đỡ đần dân tộc đang héo hắt này, nếu triều đình thiệt lòng tin cậy vào sự giúp đỡ, bảo hộ của nó[53].

Thực ra, sự hận thù lương, giáo được chính các thừa sai kích thích để gây nội loạn, như ta sẽ thấy, trong phần viết về Tự Đức.

Tất cả hoài bão của Trương Vĩnh Ký “được nước Pháp đô hộ cả hai miền Nam Bắc”, chứa đựng trong lá thư này, với những luận điểm:

1- Nước Pháp không hề có ý định chiếm nước ta, nếu muốn thì họ đã chiếm từ lâu rồi.

2- [Sau khi chiếm] Nước Pháp giữ vững việc trị anđưa nước ta ra khỏi sự bần cùng, nghèo đói, để đạt tới văn minh tiến bộ.

3- Ta phải thật tình đưa tay nắm lấy bàn tay cứu độ, để họ kéo ta ra khỏi vũng lầy.

4- Triều đình Huế bất tài, nếu không có người Pháp [chỉ bảo] thì không làm được việc gì.

5- Người dân Bắc Kỳ chỉ thèm muốn số phận [được đô hộ] của người dân Nam kỳ.

Cuối cùng, ông thả ra một lời van xin: “Tôi mong rằng Quan Toàn Quyền đã có chủ tâm rất lớn đến quyền lợi của dân chúng khốn khó, thì hãy ban cho các câu chuyện mà tôi vừa kể một sự rộng xét và tin tưởng.[54]

Lời “ban xin này sẽ trở thành sự thực, khi Pháp chiếm xong Bắc Kỳ.

Vua Hàm Nghi

Ngày 25-4-1882, Hà thành thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết.

Vua Tự Đức qua đời ngày 19-7-1883, linh cữu còn quàn ở điện Cần Chánh. Tổng uỷ (Commissaire Général) Harmand, Thiếu tướng Bouet và Thiếu tướng Courbet hội nhau ở Hải Phòng, tính chuyện đánh Huế.

Ngày 15-8-1883, Courbet, Harmand đem 6 chiến hạm tới uy hiếp cửa Hàn và cửa Thuận An, đưa tối hậu thư cho quan Trấn thủ thành Trấn Hải là Đô thống Lê Sĩ; hết hạn, bên ta không trả lời, hạm đội bắn lên, quân ta bắn lại. Ngày 20-8-1883, quân Pháp đổ bộ, vây thành Trấn Hải, Thống chế Lê Chuẩn, Đô Thống Lê Sĩ và Trưởng Vệ Nguyễn Trung tử trận. Thành mất. Tham tri Lâm Hoằng, Trần Thúc Nhẫn, nhẩy xuống sông tự vận.

Triều đình bắt buộc phải ký hiệp ước Harmand, ngày 25-8-1883: Nước Nam công nhận sự bảo hộ của nước Pháp, với 27 điều khoản.

Tỉnh Bình Thuận sát nhập vào xứ Nam Kỳ của Pháp. Địa hạt của Triều đình Huế thu hẹp từ bắc Bình Thuận tới Đèo Ngang. Sĩ phu trong nước bất phục tòng. Quân pháp chiếm các thành trì ở Trung và Bắc.

Ngày 6-6-1884, hòa ước Giáp Thân (1884) được thành lập còn gọi là hòa ước Patenôte, gồm 19 khoản. Từ đây Việt Nam mất chủ quyền.

Kiến Phúc làm vua được 8 tháng thì qua đời, triều đình tôn em ông, sinh năm 1871, lên ngôi, ngày 2-8-1884, là Hàm Nghi, 13 tuổi.

Vua mới lên ngôi, hòa ước Giáp Thân chưa ký, Pháp đem quân chiếm đồn Mang Cá.

Đêm 4 rạng ngày 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết và em là Tôn Thất Liệt cùng Trần Xuân Soạn phản công, đánh đồn Mang Cá. Trận chiến khốc liệt xẩy ra, nhưng quân ta thất bại.

Tảng sáng, Tôn Thất Thuyết rước vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị. Ngày 13-7-1885, Tuyên hịch Cần Vương. Các quan theo hịch bỏ triều “đi kháng chiến. Nghiã quân ở Nam Kỳ nổi dậy từ đời Tự Đức gia tăng, lan khắp nước với phong trào Cần Vương.

Ngày 19-9-1885, Pháp lập Đồng Khánh thay thế.

Vua Đồng Khánh, sinh 19-2-1864, lên ngôi 19-9-1885, 21 tuổi. Qua đời 28-1-1889, 25 tuổi.

Trong những năm 1885, 1886, 1887, 1888, vua Hàm Nghi bôn ba khắp miền rừng núi từ Huế tới Quảng Bình. Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Ngụy Khắc Kiều, thế cùng, chạy sang Quảng Đông cầu cứu rồi chết ở Tàu.

Hai con trai Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp, và Lê Trực, ba thanh niên bảo vệ vua đến cùng trong những điều kiện nghiệt ngã, đói khát, phản bội, trong hơn ba năm. Nửa đêm 2-11-1888 vua bị bắt. Tôn Thất Thiệp nằm cạnh vua, hy sinh. Tôn Thất Đạm cầm quân bao bọc vòng ngoài, tự vẫn.

Triều đình, dưới sự chỉ đạo của Pháp, gạch tên Tôn Thất Thuyết cùng các anh em và các con trong sổ Tôn phổ, đến năm Khải Định thứ hai (1917) mới được khôi phục lại.

Giúp việc Paul Bert

Vua Hàm Nghi đang chạy trốn trong rừng.

Tháng 2-1886, Paul Bert tới Sài Gòn.

Paul Bert (1833-1886) nhậm chức Thống sứ An Nam - Bắc Kỳ (Résident Général d'Annan-Tonkin) ngày 31-1-1886, tới Hà Nội ngày 8-4-1886, qua đời ngày 11-11-1886 vì bệnh thổ tả. Tại chức bẩy tháng.

Xuất thân Cử nhân luật (1857), Bác sĩ y khoa (1863), Tiến sĩ khoa học (1866), Giáo sư sinh lý học, cựu Bộ trưởng Giáo dục và Văn hoá (từ 14-11-1881 đến 30-1-1882). Thành viên của hội Hàn lâm Khoa học Pháp (1882), Paul Bert soạn nhiều sách giáo khoa về nhân chủng học, để dạy học trò, trong có những đoạn:

“Bọn Mọi, da đen, tóc xoăn như sợi len, răng vổ, mũi tẹt, chúng kém thông minh hơn dân Tầu, nhất là dân Da trắng (…) Phải nhận rằng dân Da trắng thông minh hơn, chịu khó làm việc hơn, can đảm hơn những giống người khác, đã chiếm cả thế giới và đe dọa tàn phá hoặc khuất phục tất cả mọi chủng tộc dưới người. Có những hạng thực là hạ đẳng. Như Úc châu, toàn một loại người nhỏ thó, da đen nhờ nhờ, tóc đen cứng, đầu rất bé, sống thành bộ lạc nhỏ, không có văn hóa, không có người hầu (trừ một loại chó) và rất kém thông minh[55]“.

Paul Bert được nhiều người [Việt] tôn là bác học, và là nhân vật mà Trương Vĩnh Ký ngưỡng mộ và chờ đợi, ông kể đã được gặp Paul Bert tại Pháp. Ông viết trong thư ngày 10- 5-1886, ở Huế: “Đại nhân là người có lòng chiếu cố tôi hồi tôi ở Chợ Quán, việc ấy tôi không thể nào mà quên được[56]. Thực vậy, khi đến Sài Gòn, Paul Bert đến nhà Trương Vĩnh Ký và vời ông ra giúp việc, thư viết ngày 22-3-1886, có giọng sai phái:

“Tôi cậy Ông lập Sổ biên tên những người An nam trên khắp xứ An nam có thể làm người Thông ngôn tốt ở bên cạnh những công sứ của tôi. […]

Sau đó bởi vì Ông muốn đi theo ông bạn Pène [Siefert] ra Huế để xem xét hiện trạng của những hồ sơ lưu trữ quốc gia An Nam, và tìm trong đó những gì giúp cho sự phân định ranh giới và những vấn đề khác thì tôi xin Ông hãy tìm một số bạn sáng suốt và chắc chắn để tiến hành dưới sự chỉ đạo của Ông, những phó thác cần thiết mà chúng ta đã nói với nhau trong lần gặp mặt đầu tiên[57]“.

[Pène Siefert là thầy tu được ủy nhiệm ra Huế, ông này sẽ điều động việc đưa người Việt vào [thám thính?] trong triều. Khi đến Huế, tháng 5-1886, Trương Vĩnh Ký viết cho Paul Bert: “Tôi hết lòng khâm phục cái việc ông Pène tính dùng người bản xứ, nên tôi liền tâu cho Hoàng Thượng và trình với Cơ Mật làm theo liền”[58]].

Trong thư trả lời Paul Bert ngày 31-3-1886, viết từ Sài Gòn, Trương Vĩnh Ký cho biết: Ông đã làm xong danh sách tiến cử những người thông ngôn. Và ông đã viết xong “bài dụ” [diễn văn] cho Paul Bert [đọc] ở Huế, dịch ra ba thứ chữ [nhưng Trương Vĩnh Ký sẽ đọc thay]. Trong thư trả lời ngày 31-3-1886, Paul Bert chỉ viết vắn tắt mấy chữ: “Tôi đã ngỏ lời với nhà cai trị thuộc địa, xin người ta tạm thời giao Ông cho tôi. Người ta đã bằng lòng[59]“. Câu này cho thấy: một “nhà văn hoá” khi đã phục vụ thực dân, cũng chỉ được đối xử như một gia nhân.

Vào Cơ Mật Viện

Việc “giao” này được người Pháp nhận định:

“Để tăng cường những phần tử trong triều bao quanh vua, ông Paul Bert đã cho vào Cơ Mật một nhà học thức có danh tiếng rất lớn của nước Nam Kỳ thuộc Pháp, tên là Trương Vĩnh Ký[60]“.

Đây là lần đầu tiên Triều đình phải nhận một “gián điệp” vào Cơ Mật Viện. Trương Vĩnh Ký được phong chức Cơ Mật viện tham tá sung Hàn Lâm viện thị giảng học sĩ, bề ngoài mũ áo cân đai làm quan với triều đình, bên trong là người giúp việc cho Paul Bert.

Trong thư trả lời Paulin Vial ngày 18-12-1886, Trương Vĩnh Ký xác nhận:

“Chánh trị của tôi theo đuổi trên cương vị khó khăn của tôi ở Huế, cũng chẳng qua là chánh trị của ông Paul Bert. Thiếu điều là ổng đọc cho tôi làm, tôi đã làm theo những chỉ biểu cần thiết”[61].

Trong thư viết tại Huế ngày 17-6-1886, Trương Vĩnh Ký báo cáo sự việc cho viên Thống sứ:

“Tôi sẽ dẹp bỏ bọn sàm nịnh hết thảy, tôi sẽ lựa người thật có tài kinh tế mà hầu cận giúp cho Hoàng Thượng và sung vào Cơ Mật Viện […]

Trong bộ Sử ký tôi viết, thời tôi cũng đã tỏ cái ý ấy rồi. Rồi đây tôi sẽ ráng mà diễn giải cho các nhà Nho-Học họ hiểu rằng: Nếu không có Pháp-Quốc thời Annam không làm nên việc gì được, mà chống cự với Pháp-Quốc cũng không nổi, bởi vậy phải tay nắm tay, đừng có chúc ngoại ý [đừng mong nghĩ khác], đã sẵn có người hảo tâm như Đại-Nhân thời cứ nương lấy đó mà cậy nhờ[62]“.

Đây là lần đầu tiên Cơ Mật Viện bị chi phối trực tiếp bởi một sức mạnh ngoại bang. Trương Vĩnh Ký kiêu hãnh với nhiệm vụ mới, ông cho biết ông có quyền rất lớn, chọn cả người sung vào Cơ Mật Viện, và “dạy” các nhà nho trong triều tư tưởng chủ đạo: Chỉ có con đường theo Pháp. Nếu không có Pháp thì nước Việt không làm được gì, mà chống Pháp thì không nổi. Cơ Mật Viện sẽ trở thành nơi biểu quyết những điều lệnh do Pháp chỉ huy.

Paul Bert ở Hà Nội viết thư dặn Trương Vĩnh Ký dạy Đồng Khánh tiếng Pháp[63] và phải bỏ học tiếng Anh[64]. Đồng Khánh như đứa trẻ được Paul Bert uốn nắn qua Trương Vĩnh Ký.

Ngày17-6-1886, Đồng Khánh ra Bắc phủ dụ Hàm Nghi ra hàng, có quan quân hộ giá, có Đại uý Billet mang quân Pháp theo hầu, “triều đình” ghé Quảng Trị rồi ra Quảng Bình, đi đến đâu cũng bị cựu thần đem quân chống cự. Ở Đồng Hới hơn hai tuần, ngày 23-9-86, Đồng Khánh phải đáp tầu thuỷ về Kinh.[65] Một việc quan trọng như vậy, Đồng Khánh không thể tự ý làm. Phạm Thế Ngũ viết: “Theo một vài tài liệu thì chính Trương Vĩnh Ký bày ra chước cho vua Đồng Khánh “ngự giá” ra Quảng Bình dụ an[66].

Việc “dụ an” càng gây thêm loạn, cuối tháng 9-1886, Paul Bert phải thân hành vào Kinh tổ chức chính sách “hồi chánh” toàn diện: Phục chức cho Hoàng Tá Viêm [bị phạt vì thua trận ngày trước] sai đem quân ra Quảng Bình, với dụ của Đồng Khánh phong cho Hàm Nghi, nếu chịu về, sẽ được làm Tổng trấn ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và dụ tất cả các cựu thần nếu ra hàng sẽ được phục chức cũ. Vô hiệu.

Về phần Trương Vĩnh Ký, trong hoàn cảnh lịch sử cực kỳ rối ren này, ông đã hết lòng trung thành với Paul Bert, với Pháp, nhưng chỗ đứng của ông không được lâu dài: Paul Bert qua đời quá sớm, chính phủ Pháp loại ông ra và đặt chức Khâm sứ bên cạnh triều đình.

Chính sách của Paul Bert

Trong thư trả lời Trương Vĩnh Ký ngày 29-6-1886, Paul Bert nhấn mạnh lại điểm này:

“Pháp-Quấc không bao giờ chịu bỏ xứ nầy mà về đâu; đừng có trông mong như vậy mà lầm lạc [Chẳng nói chi tới danh dự][67]. Quyền lợi của chúng tôi ở xứ nầy đã nhiều rồi, nên dầu bên phương Tây có nổi giặc, chúng tôi cũng không lui bước được. Có lẽ chúng tôi sẽ rút bớt binh lính, bỏ chút đỉnh phần đất của chúng tôi đã chiếm, mà chừng thới bình rồi, thời chúng tôi sẽ chinh phục lại còn dữ dội hơn nữa.

Đã vậy mà dầu có vận hội gì, khiến cho nước Pháp phải bỏ xứ nầy mà đi chăng nữa, các ông tưởng nước Việt Nam [nguyên văn chữ Pháp: Annam] được độc lập tự chủ như hồi đời Gia Long và Minh Mạng vậy sao? Sái xa lắm. Dân Anh Kiết Lợi, dân Tây Ban Nha, nhất là dân Đức quốc sẽ đến đây liền. Chừng ấy nước Việt Nam so sánh mới biết, thay đổi như vậy là lợi hay là hại! Các ông sẽ thấy tánh cường bạo của quân lính nước Đức là như thế nào?[68]

Một giọng đe dọa, khủng bố, kiểu Bố Già, không chút thân thiện đối với “người bạn tâm giao”, mà lại hoàn toàn bịa đặt, vì nước Đức chưa bao giờ đánh chiếm thuộc địa. Nhưng Trương Vĩnh Ký vẫn điềm đạm ca tụng những lời của Đại nhân trong thư ngày viết ngày 7-7-1886, tại Huế:

“Trong bức thơ ngày 29-6-1886, Đại nhân có tỏ ý cao thượng về vấn đề tôn giáo và về vận mạng nước Việt Nam. Đọc thơ ấy, tôi càng thêm thấy trí rộng tài cao của Đại nhân nữa. Thật Đại nhân là nhà chính trị mà cũng là nhà triết học và bác học nữa.

Tôi đã dịch bức thư ấy cho Hàn lâm viện rồi. Tôi chắc nó sẽ được hoan nghinh và sẽ làm cho vừa lòng các nhà Nho học[69].”

Không những Trương Vĩnh Ký phục tòng mệnh lệnh, mà ông còn tự ý dịch những lời vàng ngọc ấy cho Hàn Lâm Viện đọc, ông lại “chắc” triều đình sẽ “hoan nghinh”, và những nhà nho học sẽ “vừa lòng” trước những lời hăm dọa của quan Thống sứ.

Paul Bert đã có chính sách rõ ràng: xây dựng một Đế quốc Đông Dương tự trị, phồn vinh, rộng lớn. Trương Vĩnh Ký không những phò trợ chính sách ấy, mà còn đi xa hơn, ông viết thư cho Paul Bert, ngày 5-10-1886, nhấn mạnh một lần nữa: Việt Nam cần sự bảo hộ của người Pháp:

“Xứ An nam mà Đại nhân sẽ cho tự trị thì nhứt định sẽ phải nhờ sự giám hộ của người bảo hộ nó với cái thế song trùng của nước Pháp ở phiá Bắc và ở phiá Nam, thì những phương sách làm cho tâm phục sẽ thành đạt chắc chắn. Tôi am hiểu tâm sự chơn thật của người An nam để dám cam đoan với Đại nhân rằng đường lối chánh trị ấy là đường lối tốt hơn hết[70]“.

Tiếp đó ông trình bày cho “Đại nhân” những lợi nhuận trước mắt: “Mặt khác, Đại nhân sẽ tìm thấy những cái lợi không kém thực tế cho các người đồng bang của Đại nhân, trong cái xứ Bắc Kỳ giàu có này, mà sự an ninh của nó tuỳ thuộc một cách đương nhiên vào sự bình yên ở An nam Trung Kỳ và ở biên giới phiá bắc[71]“.

Câu này so với câu ông viết trong thư gửi Duperré đã trích ở trên, nghiã trái nhau:

Năm 1876, để thuyết phục Thống đốc Duperré chiếm Bắc Kỳ, ông viết rằng ở Bắc Kỳ “sự đói nghèo trong dân đà quá mức”, dân đang mong Thống đốc đến “kéo họ lên khỏi vực thẩm, kéo ra khỏi nạn đói, dân đen đang hấp hối...”

Trong lá thư viết cho Paul Bert lần này, năm 1886, tức là hai năm sau hiệp ước Bảo hộ Patenôte, 1884, nước đã mất rồi, vua đang bị lùng bắt, ông chỉ cho Paul Bert biết: “Trong cái xứ Bắc Kỳ giàu có này, Đại nhân sẽ tìm được nguồn lợi cho những người đồng hương”.

Và trong lúc Việt Nam rối loạn, không biết số phận vua Hàm Nghi ra sao, Trương Vĩnh Ký mách cho Paul Bert “tội” của vua:

“Ai còn không biết, Hàm Nghi là đựợc hai thượng thơ phụ chánh toàn quyền [Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết] đặt lên ngai vua giấy, để củng cố thế lực của họ. Bởi vì Hàm Nghi không hề được dạy làm vua, cũng không phải là con nuôi của vua Tự Đức...[72]

Nhưng tồi tệ và bán nước hơn cả là câu này:

“Đại nhân thừa biết, người Sài Gòn bấy lâu mơ ước, họ sẽ vui mừng được thấy lập thành Đế quốc Đông Dương, lấy Sài Gòn làm thủ đô và đặt dinh Toàn quyền tại đó. Người ta sẽ cấp niên phí một triệu cho vua An nam. Xứ Bắc kỳ sẽ đứng vào liên bang, cùng với An nam và Cao Miên, và sẽ có một phó Toàn quyền. […]

Vì vậy, tôi xin nhắc Đại nhân cái dự án bình định với những phương cách hành động mà chúng ta đã hiệp ý để đạt tới sự mong ước. Chỉ cần nóng chí thêm lên thì sứ mạng của Đại nhân kể như đã thỏa. Về phần tôi, Đại nhân hãy cầm chắc sự giúp đỡ (không được bao nhiêu) của tôi, vì mối tình từ buổi sơ giao đã trở thành chơn tình trung hậu của tôi đối với Đại nhân[73]“.

Trương Vĩnh Ký đã dám nhân danh dân tộc cả hai miền Nam Bắc để nói với người cầm quyền Pháp rằng họ mong ước được Pháp đô hộ.

Chương trình Đế quốc Đông Dương của Paul Bert và Trương Vĩnh Ký “đi trước thời đại” một năm.

Cuối năm 1887, Pháp thành lập khối Đông Dương Pháp, đặt chức Toàn quyền Đông Dương. Đồng Khánh qua đời ngày 28-1-1888. Nhưng những Toàn quyền Đông Dương đến sau chưa thấy ai dám tuyên bố trước mặt các hoàng đế ấu thơ: mỗi năm cấp niên phí một triệu cho vua [để trở thành bù nhìn] như lời đề nghị của Trương Vĩnh Ký.

Hàm Nghi                    Thành Thái                   Duy Tân

Hàm Nghi sinh ngày 3-8-1871; lên ngôi ngày 2-8-1884, 13 tuổi; đêm 4-7-1885 xuất bôn, 14 tuổi; bị truy nã trong hơn 3 năm; bị bắt đày đi Alger (Algérie) ngày 3-11-1888, 17 tuổi. Phong trào Cần Vương lớn rộng, kéo dài tới Phan Bội Châu.

Thành Thái sinh ngày 14-3-1879, lên ngôi ngày 2-2-1889, 10 tuổi, thầm lặng chống Pháp 18 năm, bị ép thoái vị ngày 3-9-1907.

Duy Tân sinh ngày 19-9-1900, lên ngôi ngày 5-9-1907, 7 tuổi, công khai chống Pháp mặc dù tuổi nhỏ. Ngày 15-6-1916, vua 16 tuổi, Trần Cao Vân và Thái Phiên đón đi kháng chiến. Việc không thành. Hai ông bị xử tử, vua bị bắt, đi đày cùng với cha (Thành Thái) ở đảo Réunion. Nhưng phong trào Duy Tân không hề dập tắt, kéo dài tới Phan Châu Trinh.

Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, đều lên ngôi lúc tuổi thơ, tay không chống Pháp cho đến khi bị đi đày, họp thành ba cột trụ cuối cùng của nhà Nguyễn, liên tục soi đường cho chính nghiã dân tộc trong hơn nửa thế kỷ.

(Còn nữa)


[1] Từ sau khi Hoàng tử Cảnh từ Pháp trở về nước, không chịu lạy trước bàn thờ tổ tiên, đã nói trong chương 10.

[2] Trích Opinions de Napoléon sur divers sujets de politique et d'administration, recueillis par un membre de son Conseil d'Etat, par le Baron Pelet (de la Lozère) membre de la chambre des députés (Firmin Didot Frères, 1883, Paris) trang 208-209. Tài liệu do Nguyễn Quốc Trị đưa ra trong Nguyễn Văn Tường, tập I, tác giả tự xuất bản, Maryland USA, 2013, trang 380.

[3] Cuốn sách này chúng tôi đã trình bày trong cuốn Vua Gia Long và người Pháp, Thụy Khuê, Chương 9: Ký sự Bissachère, thủy tổ sự bóp méo lịch sử, trang 215-232.

[4] Theo tiểu sử de La Bissachère do Maybon soạn, trong bài Introduction (Nhập đề) tác phẩm La relation sur le Tonkin et le de la Cochinchine de Mr de La Bissachère (Ký sự về Bắc Hà của ông Bissachère), Nxb Champion, Paris 1920, trang 13-14.

[5] Năm 1927 là năm Trương Vĩnh Ký được dựng tượng ở đường Norodom (nay là Lê Duẩn), ngang dinh Toàn Quyền (nay là dinh Độc Lập), tác giả cho “in 10.000 bổn đặng dưng cho công chúng tường lãm”.

[6] In trong Bulletin de l'Enseignement Mutuel du Tonkin, t. XVII, no 1-2, janvier-juin, 1937, tr.25-67.

[7] http://www.quyphanchautrinh.org/ngoi-den-tinh-hoa-van-hoa/ChiTiet/713/danh-nhan-van-hoa-truong-vinh-ky.

[8] Lê Thanh, Trương Vĩnh Ký-Biên khảo, Phổ Thông Chuyên San, Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1941.

[9] Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập 3 (1965) Đại Nam chụp và in lại tại Mỹ, tr. 76-80.

[10] Ban Khoa học Xã hội Thành uỷ, Thành phố HCM,1993.

[11] Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 1993.

[12] In lại trong Trương Vĩnh Ký nhà văn hoá của Nguyễn Văn Trung, NXB Hội Nhà Văn, 1993, tr.160-168.

[13] Nxb Trí Thức, Nhã Nam, Hà Nội 2016.

[14] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), Ban Khoa Học Xã Hội Thành Ủy, Tp Hồ Chí Minh, 1993, trang 7.

[15] Sách Trương Vĩnh Ký, một Nhà bác học và Nhà ái quốc người Nam Kỳ của Jean Bouchot, in lần thứ ba, Nxb Nguyễn Văn Của, Saigon, 1927, chép hơi khác về tên của những ông Cố này.

[16] Đặng Thúc Liêng, Trương Vĩnh Ký hành trạng, trang 12.

[17] Quyết định của Thống đốc Dupré, ký ngày 16-9-1868, Nguyễn Văn Trấn Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 29.

[18] Nguyễn Văn Trấn Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 28-29.

[19] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 30.

[20] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 9-30.

[21] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 91.

[22] Georges Taboulet La Geste Française en Indochine (Huân trạng của người Pháp ở Đông Dương), Nxb Andrien-Maisonneuve, Paris 1956, tome II, trang 875.

[23] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên, tập 3, trang 69-70.

[24] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), các trang 91-92-94.

[25] Lê Thanh, Trương Vĩnh Ký-Biên khảo, Phổ Thông Chuyên San, Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1941, trang 9-10.

[26] Nguyễn Văn Trấn, (con người và sự thật), trang 16-17.

[27] Georges Taboulet, La Geste Française en Indochine (Huân trạng của người Pháp ở Đông Dương), Andrien-Maisonneuve, Paris 1956, Tomet I, trang 369.

[28] Georges Taboulet, La Geste Française en Indochine (Huân trạng của người Pháp ở Đông Dương), Nxb Andrien-Maisonneuve, Paris 1956, tome II trang 437.

[29] Georges Taboulet, La Geste Française en Indochine, tome II, trang 441.

[30] Đại Nam thực lục, tập bảy, quyển 1, trang 595.

[31] Georges Taboulet, La Geste Française en Indochine, tome II, trang 444.

[32] Đại Nam thực lục, tập bảy, quyển 1, trang 667.

[33] Thomazy, La Conquête de l'Indochine (Cuộc Chinh phục Đông Dương), Payot, Paris, 1934, trang 47.

[34] Đại Nam thực lục, tập bảy, quyển 1, trang 689.

[35] Georges Taboulet La Geste Française en Indochine, tome II, trang 459.

[36] Georges Taboulet La Geste Française en Indochine, tome II, trang 459.

[37] Đại Nam thực lục, tập bảy, quyển 1, trang 699.

[38] Đại Nam thực lục, tập bảy, quyển 1, trang 700.

[39] Phan Khoang, Việt Nam pháp thuộc sử, trang 152.

[40] Georges Taboulet La Geste Francaise en Indochine, tome II, trang 459-460.

[41] Thư Trương Vĩnh Ký gửi Regnault de Promesnil nhờ chuyển cho Thống đốc Duperré, Nguyễn Văn Trấn, sđd, trang 40.

[42] Trích theo Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 22.

[43] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 23.

[44] Georges Taboulet, La Geste Française en Indochine (Huân trạng của người Pháp ở Đông Dương), tome II, Andrien-Maisonneuve, Paris 1956, trang 473.

[45] Đại Nam thực lục, tập bảy, quyển 1, trang 767-768.

[46] Đại Nam thực lục, tập bảy, quyển 1, trang 770-771.

[47] Đại Nam thực lục, tập bảy, quyển 1, trang 770.

[48] Đại Nam thực lục, tập bảy, quyển 1, trang 771.

[49] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 24.

[50] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 25.

[51] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, trang 68-69.

[52] Duperré làm Thống đốc hai lần từ 30-9-1874 đến 30-1-1876, và từ 7-7- 1876 đến 16-10-1877.

[53] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 39, 40, 41, 42.

[54] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 42.

[55] Nguyên văn tiếng Pháp “Les Nègres ont la peau noire, les cheveux frisés comme de la laine, les mâchoires en avant, le nez épaté; il sont bien moins intelleligents que les Chinois, et surtout que les Blancs (…)

Il faut bien voir que les Blancs étant plus intelligents, plus travailleurs, plus courageux que les autres, ont envahi le monde entier et menacent de détruire ou de subjuger toutes les races inférieures. Et il y a de ces hommes qui sont vraiment inférieurs. Ainsi l' Australie est peuplée par des hommes de petite taille, à peau noirâtre, à cheveux noirs et droits, à tête très petite, qui vivent en petis groupes, n'ont ni culture ni animaux domestiques (sauf une espèce de chien) et sont fort peu intélligents”. (Paul Bert 1888, trang 17-18).

[56] Thư Petrus Ký gửi Paul Bert từ Huế ngày 10-5-1886, Nguyễn Văn Trấn, trang 59.

[57] Thư Paul Bert gửi Trương Vĩnh Ký ngày 22-3-1886, tại Sài Gòn, Đặng Thúc Liêng dịch, Nguyễn Văn Trấn, trang 53-54.

[58] Thư Trương Vĩnh Ký gửi Paul Bert từ Huế ngày 10-5-1886, Nguyễn Văn Trấn trang 59.

[59] Nguyễn Văn Trấn, trang 55-56.

[60] Chailley, Paul Bert au Tonkin (Paul Bert ở Bắc kỳ) Nguyễn Văn Trấn, trang 56.

[61] Thư Trương Vĩnh Ký trả lời Paulin Vial, ngày 18-12-1886, Nguyễn Văn Trấn, trang 92.

[62] Thư Trương Vĩnh Ký viết ở Huế ngày 17-6-1886 cho Paul Bert, do Đặng Thúc Liêng dịch, in lại trong Kỷ Yếu và triển lãm hội thảo Trương Vĩnh Ký, Ban Tổ chức Triển lãm xuất bản, 2019, California, trang 152.

[63] Thư Paul Bert ngày 23-6-1886, Nguyễn Văn Trấn, trang 71.

[64] Thư Paul Bert ngày 25-9-1886, Nguyễn Văn Trấn, trang 84.

[65] Việt Nam Pháp thuộc sử, Phan Khoang, trang 391.

[66] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, trang 69.

[67] Câu này bị Nguyễn Văn Trấn cắt bỏ.

[68] Thư Paul Bert trả lời Trương Vĩnh Ký, viết tại Hà Nội ngày 29-6-1886, Nguyễn Văn Trấn, trang 68-69.

[69] Thư Trương Vĩnh Ký trả lời Paul Bert, viết tại Huế ngày 7-7-1886, Nguyễn Văn Trấn, trang 72.

[70] Thư viết ở Sài Gòn ngày 5-10-1886, Nguyễn Văn Trấn, trang 86.

[71] Thư viết ở Sài Gòn ngày 5-10-1886, Nguyễn Văn Trấn, trang 86.

[72] Thư viết ở Sài Gòn ngày 5-10-1886, Nguyễn Văn Trấn, trang 87.

[73] Thư viết ở Sài Gòn ngày 5-10-1886, Nguyễn Văn Trấn, trang 88-89.