Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2025

Bi kịch mang gương mặt đàn bà

 Ngô Thị Kim Cúc

Vô cùng thương tiếc nhà văn Mai Ninh.

Nguyện cầu cho chị sớm siêu sinh cõi an lạc.

Xin đưa lại bài đọc sách tiểu thuyết Cá voi trầm sát của chị (nxb Trẻ, 2004) trên báo Thanh Niên.

Văn Việt




Tất cả nhân vật đều xưng tôi. Ngôi thứ nhất: cái nhìn từ chính đôi mắt, những bộc lộ từ chính bản ngã, lời xưng tội với chính số mệnh mình. Không ai làm thay ai điều đó. Không ai chính xác hơn tôi về tất cả những gì liên quan đến mình.

Chín khúc, chín câu chuyện, chín truyện ngắn, đan cài vào nhau thành một tiểu thuyết, một giao hưởng cuộc đời, một lịch sử dòng họ, mà dường như phần nào trùng khớp với lịch sử dân tộc. Có rất nhiều thương yêu gắn kết nhưng cũng nhiều những đối kháng chia rẽ, phân rã và ly cách, trốn chạy và luân lạc, cô đơn đến tận cùng, và bi kịch như không thể bi kịch hơn được nữa.

Và bao giờ những người đàn bà cũng nhận chịu nhiều nhất. Họ như đất, tất cả đều sinh ra từ đất và cuối cùng trở về đất. Ba thế hệ đàn bà. Đẹp và đầy nữ tính, tràn trề năng lượng sống, họ bị trừng phạt vì chính những chọn lựa của mình.

Công nương Trung Hoa gót sen ba tấc, mồ côi cha mẹ, mười ba tuổi từ kinh đô về Phúc Kiến ở nhờ nhà bác, mười sáu tuổi yêu anh trai con bác, bị đem gả cho một viên chức An Nam.

Theo chồng về Hà Nội, là vợ quan tuần nhưng lại bị đày đọa trong gia đình quan án sát cha chồng. Ba con trai chết trẻ, ba con gái nối tiếp cuộc đời đa truân của mẹ theo cách của mình.

Người thứ nhất sống cho những trách nhiệm gia đình, đơn độc tới cuối đời, đã bí mật bán rẻ đời con gái cho lính Nhật ngoài đường khu chứa gái, sau khi bị cướp mất số tiền bán áo để lo cho gia đình trong tháng ngày đói khổ chạy trốn ông bà nội.

Người thứ hai yêu chính anh ruột của mình, thất vọng vì anh không đáp lại mà đi cưới vợ, sau ngày anh chết, cũng lấy chồng nhưng không sinh nở được, ám ảnh mãi mối tình không được phép và không bao giờ có được với chồng cảm giác thân thiết như từng có với anh trai.

Người thứ ba, dữ dằn, không khoan nhượng với cả cuộc đời lẫn những người thân, nhưng lại chọn cuộc sống yên ấm, lại bị một đòn khác: con trai duy nhất chết bất đắc kỳ tử vì bị xe đâm, sau khi lá thư viết cho cô em con cậu bị cha phát giác.

Đứa con gái là nguyên nhân cái chết ấy, bắt buộc trở thành niềm hy vọng của gia đình lớn, đã chiều theo gia đình, đi du học xa, bỏ lại mối tình học trò không có đoạn kết với người yêu chiến trận.

Đứa con gái ấy, thế hệ thứ ba, lại lặp lại bi kịch: Miên đã gặp và đã yêu đã sống hết mình, vô cùng hạnh phúc với một người đàn ông trên đất Pháp, cho tới khi khám phá người ấy chính là chú thúc bá.

Bi kịch đã không tha ai trong gia đình ấy, cho dù sống chung dưới một mái nhà hay trôi nổi đến chân trời tít tắp.

Không quá kỹ thuật, tác giả Mai Ninh hầu như chỉ miên man kể lại những ký ức đòi đoạn, về cuộc đời giống như bị ám của những người đàn bà trong một gia đình.

Vì sao bi kịch cứ tìm đến họ? Phải chăng vì không gặp được những người đàn ông tương xứng nên họ đành yêu người gần mình nhất, giống mình nhất, trong cùng một gia đình?

Như Miên đã tìm cách lý giải: “... Nếu tình yêu đã đến mức độ này, có phải chăng chính vì nó phát sinh từ một hòa trộn mật thiết, tận cùng, một hòa trộn từ máu thịt ?”.

Không ai trả lời được. Chính Miên là người đã xâu chuỗi các sự việc, đã quay phim và chiếu lại từng gương mặt người thân, như là cách để giải thoát chính mình.

Tên các chương sách đã bộc lộ điều tác giả nhắm tới: Ngày ngâu đổ, Chim khuyên lựu đỏ, Ngược dòng, Cỏ ám, Nến trong kẽ liếp, Sao rơi về đất...

Chương Cỏ ám, với nhân vật Phượng, có lẽ là chương bộc lộ đớn đau nhất của người đàn bà với tình yêu không được phép.

Phượng đã không đổi thay gì được cuộc đời mình sau khi lấy chồng, kể cả sau khi anh trai đã chết.

Chị đã phải vin vào một lời nguyền bởi không còn biết phải trốn tránh ra sao: “Định mệnh cuối cùng đã hoàn tất lời nguyền hay lời nguyền dẫn dắt định mệnh?”.

Và một ngày, “Khi tấm gương trả ngược cho tôi hình ảnh già nua tàn tạ. Tôi quyết định ngừng đi thăm Đô từ buổi đó”.

Nhưng Phượng vẫn không đi xa nổi con đường tàu hỏa mà từ đó anh trai đã ra đi, chỉ có điều, tất cả đã vuột qua, kể cả đời người: “Cứ nhắm mắt, con tàu lại rúc từng hồi còi dài và tôi thấy mình đứng cạnh đường rầy, hai bên bờ giờ trắng bạc cỏ lau”.

Âm hưởng của tiểu thuyết là cái gì đó rất đau, một nỗi đau xưa cũ, một cái gì quá mức Việt Nam vẫn lẩn khuất đâu đó trong những con người của một thời chưa qua.

Người đọc muốn giữ lại chút đó, cái đẹp bạc mệnh, nỗi buồn lung linh giúp cho tâm linh con người không thiếu vắng.

Tác giả đã viết về những cặp tình-nhân-cá-voi trôi dạt vào bờ cát: “Cá có vào đây yêu đương cũng không dại dột yêu đến trầm sát như trăm năm xưa. Chúng đã trở về với biển”.

Hay như phản ứng của đứa con gái thế hệ thứ tư trước cái chết của mẹ nuôi: “Nó không kiếm ra cách nào khác hơn là dùng chính thân xác mình để đương đầu với cái chết và mất mát tận cùng. Ngớp lên những tiếng thở, hét ra những tiếng kêu, oằn lên những vùng thịt, tống ra máu me sâu thẳm, tất cả phải chăng là để thay tiếng khóc đã không thể bật ra trước quan tài ?”.

Chọn lựa đó khác hẳn với ba thế hệ trước, và hình như điều ấy làm cho người đàn bà tên Miên đỡ âu lo hơn. Chị đã có thể tĩnh tâm rút ra điều gì đó cho chính mình : “Phải chăng sau khi chạm đến đáy sâu của cô đơn và thất lạc, con người mới có khả năng trồi lên, hòa nhập lại cuộc đời, cho dù không còn là chính mình ngày trước?”.

Điều đáng nói sau cùng về tập sách: đây là tiểu thuyết đầu tay của một nữ tiến sĩ vật lý đang sống và làm việc tại Pháp, sau tập truyện Ảo đăng cũng in ở Việt Nam vào năm trước.

.................................

Mai Ninh là người Pháp gốc Việt. Sinh tại Sài Gòn. Năm 1968 du học Pháp. Năm 1974 bảo vệ luận án Tiến sĩ Vật lý Quốc gia, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp, ngành nghiên cứu chính hiện nay là Chất siêu dẫn và điện tử.

Bắt đầu sáng tác truyện ngắn, tùy bút,ký và thơ từ khoảng năm 1990.