Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2025

Trò chuyện mùa Xuân với nhà văn Nguyễn Viện: Chúng ta bị ràng buộc ngay trong giấc chiêm bao

  

 

Tuấn Khanh:

Lại một năm nữa đã trôi qua, văn chương Việt Nam như đứa trẻ gầy guộc ngay trên chính quê hương của mình. Điểm lại thử nửa thế kỷ qua, ông nhìn thấy những điều làm được, và cả thất bại của văn học trong nước lẫn hải ngoại là gì?

 

NGUYỄN VIỆN:

Thấm thoát, chúng ta đã có 50 năm hoà bình. Cả với người Việt hải ngoại hay trong nước, thắng cuộc hay thua cuộc, chúng ta đã xây dựng được gì cho mình và cho tương lai của dân tộc? Chúng ta đã bình tâm chưa hay chúng ta vẫn tự kỷ chuyện thắng - thua, vàng - đỏ?

Cho đến tận hôm nay, sau 50 năm máu lửa, có vẻ như chúng ta vẫn máu lửa với nhau, vẫn nghi kỵ một mất một còn với nhau. Trong bối cảnh hận thù chia rẽ ấy, hệ luỵ trong đời sống cá nhân hay sự phát triển của đất nước hẳn là không tránh được ảnh hưởng.

Tôi có thể nói ngay, một số thành tựu về kinh tế và phát triển của đất nước mà không ít người trong nước tự hào, hoàn toàn không tương xứng với thời gian và tiềm lực chúng ta có. Trong lãnh vực văn học cũng vậy, sự thống khổ mà cả dân tộc này đã hứng chịu vượt tầm thời đại, nhưng sự sáng tạo của chúng ta lại không lớn hơn một bàn nhậu. Có vẻ như chúng ta muốn trả thù đời hơn là chúng ta muốn trở thành những con người khoan dung. Chúng ta không thoát được cái tâm lý nhược tiểu ngay cả khi chúng ta “tự hào quá Việt Nam ơi” hoặc “chưa bao giờ Việt Nam được như hôm nay”. Chúng ta sợ nhìn vào chính mình, vào dân tộc mình. Chúng ta thiếu dũng cảm để đối diện với sự thật.

Nền giáo dục trong nước đào tạo được rất nhiều người có bằng cấp, nhưng không tạo ra được một tầng lớp trí thức như một mũi nhọn điều hướng và động lực phát triển. Nơi chúng ta sống, trí thức như lươn trạch và xu thời. Họ sống hai mặt, cần kiếm cơm hơn lòng tự trọng và lương tâm công chính.

Chúng ta thất bại từ nội tại mỗi cá nhân. Bởi thế, cái thất bại trong văn học của chúng ta không phải là thiếu tính nhân loại, mà văn học của chúng ta thiếu tính cá nhân.

 

Tuấn Khanh:

Vẫn miệt mài sáng tác từ trước đến giờ và trung thành với con đường tự do sáng tạo, dù được mặc định đó là một phong cách không thể thay đổi của cá nhân, nhưng ông có thấy mình mòn mỏi và dị biệt trong một thế giới sống mà hôm nay, sự tự do sáng tác đã trở thành một định nghĩa khác, thậm chí là chấp nhận tự do có định mức để được tồn tại với sáng tác?

 

NGUYỄN VIỆN:

Cho đến thời điểm này, tôi vẫn viết như tôi từng viết và không ngừng kiếm tìm cái mới cho chính mình. Cái mới cho tôi niềm hưng phấn không mòn mỏi. Dị biệt với tôi là sự sống còn. Vì thế, chẳng có lý do gì tôi lại phải chấp nhận tự do có định mức để tồn tại. Cũng vì bởi, tôi không cho rằng tự do là thứ được ban phát. Trong đời sống xã hội, không một ai trên thế giới này thoát khỏi những luật định. Nhưng trong sáng tạo, chẳng có luật định nào cho một tâm thức tự do. Với tôi, hoặc là không tất cả, hay là có tất cả. Điều hiển nhiên, tôi không phải kiếm cơm bằng cách viết. Nếu phải theo đuổi danh vọng (cái danh vọng hão ấy) thì chẳng phải tự do danh giá hơn lệ thuộc sao?

 

Tuấn Khanh:

Một nhà phê bình văn học từ hải ngoại về trong nước làm việc, đã phát biểu rằng "một tác phẩm chỉ được gọi là tồn tại, khi được chính thức in ra và đến với độc giả". Là một trong những nhà văn hiếm hoi của Việt Nam trong suốt 50 năm qua ông vẫn viết và tự in, gửi đi hàng loạt tác phẩm không thông qua kiểm duyệt, ông nghĩ sao về nhận định nói trên?

 

NGUYỄN VIỆN:

Tôi và tác phẩm của tôi vẫn tồn tại đấy chứ. Sách tôi vẫn được in ra và đến với độc giả. Vấn đề chỉ là cách thức xuất hiện và tiếp nhận, cũng như cách thức xác lập vị trí của một tác giả trong mối tương quan với độc giả, bối cảnh xã hội và lịch sử. Không kiểm duyệt, cũng có nghĩa là sách in ra không được quảng bá chính thức trên các phương tiện truyền thông của nhà nước và không được bày bán trong các cửa hàng. Nhưng thời đại hôm nay, không chỉ có các phương tiện truyền thông nhà nước và các cửa hàng ngoài phố. Cũng không chỉ có trong nước khi chúng ta đang sống một thời đại toàn cầu. Có phải bạn đang phỏng vấn tôi như cách nhìn nhận một tồn tại?

Nói thật, tôi chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi vì không một nhà phê bình nào trong nước đề cập đến văn chương tôi. Tôi là kẻ không đáng nói đến, hoặc họ là những người không đáng để tôi quan tâm, cũng chỉ là ở chỗ đứng hay góc nhìn thôi, phải không?

 

Tuấn Khanh:

Năm 2024 sôi động với câu chuyện một nhà văn nữ châu Á, người Hàn Quốc đã đoạt giải Nobel. Cũng có những bình luận từ phía Việt Nam mơ ước rằng một ngày nào đó Người Việt cũng sẽ có một tác phẩm đoạt giải Nobel như vậy, ông nghĩ sao và nhận định này, và về chuyện được hay không được thì ông bình luận như thế nào?

 

NGUYỄN VIỆN:

“Một ngày nào đó Người Việt cũng sẽ có một tác phẩm đoạt giải Nobel.” Mơ ước thì không tốn tiền. Cũng nên mơ để còn có niềm tin hay động lực cho cái nghề của mình. Tuy nhiên, để có ngày đó, ngoài những nỗ lực cá nhân của người viết, tôi nghĩ cần có một chiến lược quốc gia cho việc giới thiệu văn chương Việt với thế giới. Bởi vì Viện Hàn lâm Thuỵ Điển hay hội đồng xét giải của các giải thưởng uy tín khác không đọc được tiếng Việt. Theo tôi cũng còn một lý do khác để văn học Việt có thể tìm được chỗ đứng trên bản đồ thế giới, đó là vị thế quốc gia. Bản thân tiếng Việt đã là một ngôn ngữ yếu thế, nếu vị thế quốc gia không đủ mạnh thì hẳn nhiên chúng ta khó cầu mong sự quan tâm của thế giới.

 

Tuấn Khanh:

Nhà văn Han Kang của Hàn Quốc đuợc coi là một nhà văn thể hiện đầy tính chính trị, diễn đạt lịch sử với những ngóc ngách chân thực nhất mà xã hội không phải ai cũng dám chạm đến. Một cây viết người Hàn Quốc Kim Bo-young phát biểu rằng "giải thưởng này trực tiếp bác bỏ sự ngu ngốc của việc cố gắng che giấu và bóp méo lịch sử quá khứ của Hàn Quốc.”

Rõ ràng lịch sử và sự thật nó nằm trong sức mạnh văn chương của thời đại hôm nay, nhưng ông nghĩ gì về nhà văn với lịch sử chân thực và lịch sử phục vụ, mà Trung Quốc đã từng có một nhà văn quân đội là Mạc Ngôn từng đoạt giải Nobel với văn chương phục vụ nhà nước, vậy thì theo ông, viết chọn trung thành với sự thật lịch sử, tự do sáng tác theo ý của mình mà ông vẫn theo đuổi, có là một lựa chọn sai lầm của thời buổi văn chương hôm nay?

 

NGUYỄN VIỆN:

Tôi là người vốn quan tâm đến lịch sử cũng như bối cảnh chính trị đương thời, vì thế khi Han Kang của Hàn Quốc nhận giải Nobel và biết bà cũng là một tác giả dám đương đầu với sự thật lịch sử nơi bà đang sống, tôi lại càng tin rằng mình đã có một chọn lựa đúng. Cho dù trước đó, một ông quan văn nghệ của Trung Quốc cũng đã nhận được giải thưởng danh giá này là Mạc Ngôn như chúng ta đã biết.

Có một số vấn đề cần phải được nhìn nhận lại:

Một là chúng ta cần phải thấy giải Nobel Văn học vẫn bị chi phối bởi yếu tố chính trị mà Mạc Ngôn không phải là trường hợp duy nhất trong toàn bộ lịch sử của giải này. Ngay tại Trung Quốc, chúng ta cũng từng chứng kiến những phản ứng chính trị khác nhau của chính quyền nước này với các giải Nobel Văn học lần lượt dành cho Cao Hành Kiện (mang quốc tịch Pháp), Mạc Ngôn và một Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba.

Hai, một số tác phẩm của Mạc Ngôn như “Phong nhũ phì đồn”, “Tửu quốc”… không chỉ là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” theo tiêu chí Đảng Cộng sản về văn nghệ, mà trong đó chúng ta còn thấy một xã hội Trung Quốc sa đoạ về nhân tính. Chẳng phải đấy cũng là sự thật lịch sử sao?

 

Tuấn Khanh:

Di sản hôm qua và hiện thực hôm nay nó có tác động như thế nào đối với những tác phẩm của ông, khác với những nhà văn ở hải ngoại thì viết và chất đầy những vấn đề của quá khứ, những nhà văn trong nước thì viết và vẫn mang theo đường ray của chuyến tàu chính trị ý thức hệ, còn với ông thì sao?

 

NGUYỄN VIỆN:

Trong đầu của bất cứ nhà văn trong nước nào cũng có một Ban Tuyên giáo và một ông công an tư tưởng văn hoá hiện hữu một cách thường trực, kể cả trong giấc ngủ hay chiêm bao. Chưa kể, chúng ta còn một gánh nặng của di sản lịch sử và truyền thống văn hoá. Nhà văn hải ngoại cũng không trút bỏ được quá khứ. Chúng ta quá bận tâm với những thứ như “sứ mệnh”, “nhiệm vụ”…

Dẫu sao với tôi, viết vẫn là một nhu cầu bức thiết. Nhưng, cái chúng ta gọi là tự do sáng tạo, thật ra cũng không đơn giản. Tôi không tự đeo cái vòng kim cô của chế độ lên đầu. Nhưng truyền thống văn hoá vẫn là một bàn tay xương xẩu bóp cổ tôi. Vì thế, nhiều khi tôi cũng không khỏi ú ớ khi muốn diễn đạt sự thật theo cách chân thật vốn có của nó.

 

Tuấn Khanh:

Tự do trong chế độ độc tài có phải là sự tưởng tượng của cá nhân hay không và làm sao ông có thể biến sự tưởng tượng đó thành ngôn ngữ viết hoàn chỉnh trong tiểu thuyết của ông được?

 

NGUYỄN VIỆN:

Bạn nói đúng, tự do trong chế độ độc tài là một tưởng tượng như cách tự an ủi. Đường lối hay định hướng của Đảng chi phối mọi thứ của đời sống, hay nói cách khác, Đảng lãnh đạo toàn diện. Điều này được minh định cụ thể trong điều lệ của các hội nhà văn. Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng sẵn lòng để Đảng lãnh đạo. Rất tiếc, như mọi kẻ tầm thường khác, nhà văn phần lớn lại rơi vào những định kiến hay những mặc định về nghệ thuật, và họ thật sự không thể vượt thoát khỏi những khuôn khổ, mẫu mực.

Thật ra, trong điều kiện bị áp chế, vẫn không thiếu những tài năng xuất chúng đâu đó lộ diện. Tôi cho rằng đó là do năng lực tự tại nơi mỗi cá nhân, sự dũng cảm và liêm khiết trong nhân cách.

Phần tôi, làm sao có thể biến cái ảo tưởng về tự do ấy thành ngôn ngữ viết hoàn chỉnh trong tác phẩm của mình? Bí mật này, chỉ có Chúa biết.

 

Tuấn Khanh:

Người chọn sáng tác tự do trong một chế độ độc tài kiểm duyệt, có phải họ đang dựng một giấc mơ của bản thân mình về văn bản không bị trói buộc ý thức, có thể vượt qua, tìm thấy mình ở một nơi khác ngày mai, tìm được một lớp độc giả chân thành mà người viết không thể nghĩ tới. Điều đó có phải là một giấc mơ quá mong manh và thậm chí là còn là một sự an ủi để tự mình đi ngoài bóng tối kiểm duyệt?

 

NGUYỄN VIỆN:

Có vẻ như bạn đã biết bí mật của tôi. Ít nhất là trong thời điểm này, tôi đã chọn để văn bản văn chương của mình khai sinh bên ngoài biên giới quốc gia, và bên ngoài sự can thiệp của bức tường lửa trên không gian mạng. Quả thực, giấc mơ cho ngày mai là một giấc mơ mong manh và đầy tính an ủi, nhưng nếu không có giấc mơ xa xỉ ấy, làm sao con người còn hy vọng cho sự hiện hữu tối tăm này?

Nhưng nói cho đúng hơn, tôi lại nghĩ tôi chẳng có một giấc mơ nào. Đơn giản là tôi chỉ đang làm điều phải làm cho chính bản thân mình. Không băn khoăn.

 

Tuấn Khanh:

Hãy thử cho một cái nhìn về văn chương Việt Nam nói chung - và ý khác nếu ông muốn phân tích riêng biệt với văn chương Người Việt hải ngoại và văn chương trong nước - ông hình dung bức tranh nào cho tương lai?

 

NGUYỄN VIỆN:

Với thế hệ nhà văn tuổi khoảng 50 trở lên, trong và ngoài nước, tôi coi như đã xong. Họ có viết nữa cũng chỉ đến thế. Riêng ở hải ngoại, chẳng bao lâu nữa, sẽ không còn người đọc tiếng Việt. Ở trong nước, một thế hệ mới sẽ hình thành. Tất nhiên, chúng ta không thể trông cậy vào số đông. Tính bầy đàn và hội hè sẽ mãi mãi tồn tại. Cái làng nhàng vẫn mãi mãi là thị hiếu. Nhưng tôi tin vào sự đột phá của một vài cá nhân kiệt xuất. Cho dù, chế độ chính trị vẫn là độc tài, nhưng con đường đi tới của dân tộc không phải là tuyệt lộ. Những mầm mống tươi sáng vẫn được gieo trồng. Những khát vọng vươn dậy vẫn tiềm tàng đâu đó. Và may thay, chúng ta vẫn đồng hành cùng nhân loại, vẫn cập nhật được mọi tri thức và thông tin cần thiết. Cánh cửa mở ra với thế giới không đóng kín. Ai có chân thì đi. Cứ đi thì sẽ tới.

 

Tuấn Khanh:

Cuối cùng, ông có ấp ủ ý tưởng nào mới, hoặc muốn giới thiệu tác phẩm nào đến với người đọc trng năm 2025?

 

NGUYỄN VIỆN:

Mặc dù viết vẫn là một nhu cầu bức thiết như tôi đã nói, nhưng tôi không bận tâm hay ấp ủ điều gì. Cái gì phải đến sẽ đến. Những ý tưởng mới cho một tác phẩm thường là ngẫu nhiên. Và tôi không phải mất công “thai nghén”. Bởi thật sự chẳng có gì mới, mọi thứ trong tôi như một trầm tích, cơ duyên đến thì nó mở ra. Tôi viết rất nhanh.

À, ngoài viết văn, tôi cũng làm thơ. Số thơ chưa in còn rất nhiều. Có thể trong những ngày còn lại, tôi sẽ in thêm một tập thơ để đắp trên nấm mộ gió đời mình, bớt lạnh.

 

Tuấn Khanh

(thực hiện)

 

Nguồn: Giai phẩm Xuân Saigon Nhỏ 2025