Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2025

Tháng Hai, không ai quên!

Nguyễn Thị Hậu

1. Tháng Hai thường là tháng Giêng âm lịch, xuân đã về nhưng giá rét ngày đông chưa bớt. Trên vùng cao đào mận bắt đầu nhú lộc xanh non giữa sương mù bên những hàng rào đá dọc con đường cheo leo ngoằn nghèo dốc đứng. Năm nào cũng vậy, tháng hai đến những ký ức nóng bỏng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 lại tràn về trong trái tim trong trí óc mỗi chúng ta...

Những năm 1977 - 1978 chúng tôi đang học đại học. Khi cả nước còn đang ngổn ngang khó khăn sau cuộc chiến 30 năm thì ở phía Nam đã có nhiều đợt nhập ngũ cho chiến trường biên giới Tây Nam. Bất ngờ, ngày 17/2/1979 một “sự phản bội ghê tởm nhất lịch sử” đã xảy ra: Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Mượn bày tay kẻ khác dùng dao rựa dùng cán cuốc gậy gộc giết người Việt chưa thỏa, Trung Quốc đã trực tiếp gây chiến giết hại hàng trăm ngàn thường dân Việt Nam, hàng chục ngàn người lính Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến anh dũng bảo vệ biên cương... Máu đã đổ trong những ngày tháng hai 1979 và kéo dài nhiều năm sau đó...

Và từ đó, là người Việt Nam không ai quên tháng Hai. Cũng từ đó người Việt đã biết về Hoàng Sa tháng 1.1974 và Gạc Ma tháng 3.1988 và cũng sẽ không bao giờ quên!

2. Cuối năm 2011 tôi nhận được tin nhắn từ gia đình bạn học cùng thời phổ thông đã hy sinh vào tháng hai 1979 “đơn vị của nó đã cùng về nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), con có dịp ra Bắc thì lên thăm nó...”. Đúng ngày 17 tháng Hai 2012 tôi đã đến đây. Nghĩa trang vắng lạnh, chỉ có vài vòng hoa đã không còn tươi, nhang khói lơ thơ vài ngôi mộ. Từ rất nhiều năm trước không hiểu vì sao vào ngày này đến một vòng hoa một nén nhang cho nơi đây cũng không thể! Nước mắt chúng tôi tràn ra... Chúng tôi cùng vài người khách viếng nghĩa trang lặng lẽ đi đến từng ngôi mộ thắp một nén nhang tạ lỗi với các anh...

Chỉ đến gần đây một số nghĩa trang của chiến tranh biên giới phía Bắc mới được ấm áp khói nhang vào ngày 17.2, ngày 27.7 hay lễ tết, quốc khánh... Nhưng nhân dân thì luôn nhớ đến những người đã hy sinh, đã đổ máu xương bảo vệ đất nước. Tháng Hai, trên mạng xã hội là hình ảnh những bông hoa sim, những chuyến xe với những gương mặt trẻ măng đi lên biên giới phía Bắc, và bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” và nhiều bài hát khác lại vang lên...

Bốn mươi năm đã qua, hẳn những người đã ngã xuống luôn cảm thấy rất ấm áp vì họ mãi sống trong trái tim trong tấm lòng người dân... Còn hơn có những người được chôn trong nghĩa trang cao cấp hay khu mộ hoành tráng mà lạnh lẽo muôn kiếp vì không bao giờ được nhân dân nhớ đến.

3. Từ năm 2019, sau 40 năm xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, truyền thông đã được đăng nhiều loạt bài về sự kiện này: chứng tích tội ác, diễn biến những trận chiến, ký ức những con người tham gia cuộc chiến... Nhưng đáng tiếc là còn thiếu vắng những công bố chính thức về hồ sơ, tài liệu lịch sử và công trình nghiên cứu về giai đoạn và sự kiện này và cả những gì liên quan còn trong vòng bí mật “hư hư thực thực”, như sự kiện Hội nghị Thành Đô 1990, chẳng hạn.

Với người “láng giềng” có truyền thống bành trướng và xâm lược, chừng nào lịch sử chưa được công khai minh bạch thì chừng đó chúng ta còn phải đối phó với nguy cơ chiến tranh và tội ác như cuộc chiến 1979!

 

(Bài viết tháng 2.2019, có bổ sung)