Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2025

TCHERFUNITH (kỳ 11 - hết)

 Inrasara                                                                                             Tiểu thuyết

VĨ THANH 2

Viết VĨ THANH 1, tôi biết mình sai quá đỗi sai. Tôi bị mắc mưu T’maung. Không, hắn không đánh lừa mà chi phối tôi bởi cá tính mạnh mẽ của hắn, cái tính cách cá biệt thường thấy ở một lãnh tụ chính trị lớn, hay bậc đạo sư tôn giáo cao cường. Hắn buộc tôi nhìn hiện thực theo cách nhìn của hắn, chính xác - theo cách nhìn mà hắn muốn hiện thực phải là thế. Nhìn, và hướng tiểu thuyết diễn biến theo ý muốn đó. Cái ý đồ định hướng nghệ thuật có mặt mọi lúc mọi nơi trong đầu óc kẻ làm chính trị, là thế. Thứ chủ nghĩa thường được mệnh danh là hiện thực xã hội chủ nghĩa đâu phải chỉ tồn tại ở đầu óc lãnh đạo hôm nay, mà nó có mặt từ muôn đời. Và sẽ tồn tại cho tận nhân loại hết làm chính trị và nghệ thuật. Tôi không hèn, nhưng tôi đã bị cuốn hút bởi cá tính T’maung.

Tôi biết mình sai lớn.

Trong khi thực sự công cuộc đào hầm diễn biến kiểu khác. Công dân Hầm và sinh linh Cham đã phải chịu đựng thứ sinh phận hoàn toàn khác.

1

Trước tiên, kế hoạch làng làng đào hầm của T’maung thất bại khởi từ ‘palei’ Bal Riya nằm sát sạt Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận II. Mắc mớ gì phải đào hầm, ông Than Kon vỗ đùi cái bốp, và vỡ cười như thể chuyện trẻ con. Đạo trời đất tổ tiên Cham còn chả ngán, huồng hồ. Ông bà ta từng ikak mưa, ikak gió được, thì nhầm nhò gì ba cái lẻ tẻ do loài người tạo ra, dẫu nó mang tên là điện hạt nhân hay là gì gì nữa. Dân làng tin nghe Than Kon, và bỏ. Nhớ cái năm đồng lúa cả vùng bị giặc chuột xơi gọn chỉ qua đêm, hai mẫu ruộng nhà ông cứ bình an vô sự. Dân Bal Riya đinh ninh ông ikak lũ rắn hổ quanh bờ ruộng, đố lũ chuột dám xớ rớ. Còn cái năm Gà cả xã phải nạn mưa máu. Ba làng Việt lân cận bị kinh nhất. Có nhà cả bốn bức tường trắng mới tinh nhuộm đỏ màu máu. Thế mà ‘palei’ Bal Riya ông chẳng hề hấn. Họ tin vào Than Kon, và họ làm hỏng chương trình của T’maung.

- Ngu thế chứ! Tổ tiên dòng dõi Chàm này có giỏi sao không ikak Jagug đi, mà để cho nước mất.

Dây thần kinh má phải hắn giật vài phát, rồi thôi.

- Tình thế cần xoay chuyển ngay tức thì… - T’maung đập nắm đấm xuống bàn gỗ.

Còn đỡ. Cái ngu của dân Katuh mới khiến T’maung điên tiết tợn. Họ dứt khoát không ủng kế hoạch hắn, lại còn phao tin đồn thất thiệt. Chả việc gì phải sợ điện hạt nhân. Lò nguyên tử mới nổ, chứ hạt nhân thì ích nước lợi dân, làm gì có chuyện hạt nhân nổ. Nổ thì trên xây để làm gì cơ chứ. Ông đảng viên đứng trả lời phỏng vấn trên tivi đường đường đố có sai. Người ta nói và người ta làm. Người ta nói và người ta ở lại sờ sờ đó chớ có chạy trốn đâu mà mình hãi. Mạng họ ếch nhái sao. Báo chí nói an toàn tuyệt đối, ông Tuyến trên xuống tận ‘palei’ đưa tận tay tờ báo phôtôcôpi cho bà con coi. Hà cớ phải sợ. Người ta bỏ tiền ra làm báo in giấy trắng mực đen đâu phải viết chơi. Ông thôn trưởng kêu ngoài kia diễn biến hòa bình, bà con ta nghe là mắc phải bã bọn phản động.

Cái ông T’maung trên Chakleng điên thì có.

2

Tôi đọc thấy trong Nhật kí của Sam.

Ngày 18-2-2020

Sáng hôm qua, đèo anh T’maung ra Bal Riya. Đến đầu làng, anh hỏi chị tóc quăn nhà ông Than Kon. Chị ta dòm dòm anh rồi chỉ tay về miệt cuối làng.

- Chú đến chẹt lớn nhà cửa ngõ có giàn thanh long ấy, - chị nói, vẫn nhìn chằm chằm anh.

- Đi, - anh thúc tay vào mạn sườn tôi.

Tôi nghĩ anh T’maung kém giao tiếp. Tôi tính ngoái lại nói cảm ơn, nhưng thôi.

- Đứng ngoài đợi anh, - anh T’maung nói. 

 Tôi dựng xe dưới bóng cây me, đi đến với đám trẻ mặt mũi nhem nhuốc đang chơi ném lon ngoài nắng. Thấy người lạ, chúng ngưng chơi, ngó nhau, toét miệng cười.  

- Mấy đứa chơi đi, - tôi nói - chú lượm nè.

Tôi lượm cái lon méo ném cho đứa cao nhất bọn. Nó chụp hụt. Nó bận nhìn về phía nhà sau lưng tôi. Tôi thấy anh T’maung xô cửa bước ra, mặt hầm hầm. Hỏng rồi! Anh T’maung đâu phải là nhà thuyết pháp, tôi biết.

- Đi, - anh nói.

- Mấy đứa vui nhé, - tôi vẫy tay với bọn nhóc.

Suốt đường về làng, anh T’maung câm như ngậm cám. Anh Mai từ Katuh về chiều hôm ấy cũng không một lời. Tối, họ ngồi với nhau ngoài sân, lặng lẽ. Chị Halang bảo tôi bưng ấm trà sang. Anh Mai kêu:

- Chị ngồi đây với tụi tôi.

Chị Halang kéo ghế ngồi cạnh anh T’maung.

- Chúng còn cho tôi bị diễn biến hòa bình nữa mới điên… - anh Mai nói, giọng là lạ.

-  Chú nó đảng viên, chú nó bỏ cơ quan, chú nó về ‘palei’ Cham đào hầm… - Anh T’maung nói, gõ gõ tách trà xuống bàn gỗ.

- Chị có cách nào không? - Anh Mai quay sang chị Halang.

Chị nhìn anh, rồi nhìn sang anh T’maung, không nói.

- Thằng Thuan bảo ngoài đó họ kêu tôi diễn biến hòa bình… - anh Mai nói.

Tôi không hiểu anh Mai ám chỉ gì.

Đó là năm thứ bảy tính từ ngày mở màn chiến dịch đào hầm. Công cuộc tiến triển chậm chả thua kém gì giờ hành chính. Mấy nhóm sinh viên chán, lục tục quay lại Sài Gòn. Công cuộc ở 5 ‘palei’ Padra, Boh Dana, Boh Bini, Cok và Kacak coi như đã phá sản. Cuốc xẻng sắm để tồn kho. Nhóm chống đối kêu Cham đang theo đuổi kế hoạch bọn khỉ đột cười. T’maung cho chuyển tất sang ‘palei’ Pabhan, Palau, Thon nhưng rồi cả ba cũng bỏ dở nửa chừng. Phong trào phản tuyên truyền trong cộng đồng Cham như lửa phân trâu, âm ỉ.

- Nó diễn ra ngay nội bộ cộng đồng hầm, mới ngu chứ, - Mai nói.

- Ném cho chó ăn thứ miệng lưỡi phản tuyên truyền kia, - T’maung nói.

- Cậu Thuan thế nào? - Mai hỏi.

T’maung không trả lời.

- Hay mình cứ tập trung vào ba ‘palei’ điểm, - Halang nó.

Tôi liếc qua Halang. Cái thai sáu tháng khiến dáng thanh mảnh của nàng thành hơi nặng nề. Dáng điệu lờ đờ mệt mỏi, chỉ có ánh mắt là linh hoạt. Đứa bé sẽ chào đời đúng vào ngày Hầm số 1 mở cửa, trước ngày khai trương cái Ninh Thuận I một năm. T’maung đã tính toán đâu đấy. Hầm Chakleng suôn sẻ, đang bước vào giai đoạn cuối. Hầm ‘palei’ Pabblap do Mai chỉ đạo thì miễn chê. Hầm Ram được T’maung phân công cho Sam coi ngó cũng tiến đều đều. Cả Hầm Hamu Tanran, hầm duy nhất do nhóm trí thức Chàm trong ‘palei’ chủ trì nằm ngoài tầm kiểm soát của T’maung cũng đang xúc tiến mạnh.

- Phải thế thôi, - Mai nói.

- Tệ nhất là đám nhóc chống phá. Chúng chống đối Yuôn thì không sao. Còn ngứa mồm chống phá chương trình hầm hóa ‘palei’ Cham, thì rất đáng cho vài bạt tai.

T’maung im lặng. Tôi nói:

- Chàm ngoài đó đang lây lan bệnh dịch…

Không phải là thứ dịch điên như từng hạ sinh và lan truyền trong cộng đồng Chakleng ở thập niên sáu mươi khiến ông Klơng Man phải ra tận chợ Phú Quý giải thích và giải thích không xong đến hội đồng giáo sĩ làng họp lên họp xuống mãi tận ngày bộ đội tràn vào Ninh Thuận mới tạm yên; không phải thứ dịch chữ nghĩa hành đến cả đám thanh niên mấy chục làng Cham đổ xô đi nghiên cứu để làm gì không hiểu, mà là loài dịch thứ con đẻ của thời đại toàn cầu hóa, chỉ thời đại đó mới nảy sinh thứ dịch kia, và chỉ nơi cộng đồng Chàm nó mới lây lan khiếp thế.

- Nạn email nặc danh ấy mà, - tôi nói.

Nhóm Champaka với nhóm theo Ban Biên soạn ném email nặc danh vào mặt nhau. Champaka.info, Thành Công Hoàng, Thúy Diễm, Po Tao chửi bới lộn tùng phèo. Chế Linh, Chế Mỹ Lan, Lâm Gia Tân, Tiến sĩ Thành Đài, Nguyễn Văn Tỷ, rồi Tiến sĩ Quang Cẩn… xắn tay áo nhảy vào can thiệp. Nạn dịch không thuyên giảm mà nguy cơ bùng phát, lôi kéo cả đám trẻ nhập cuộc cãi vã vô cùng tận. Bạt ngàn email với vô số ngôn từ đao búa được huy động. Chó săn với trí thức bán nước, phản động hay phản bội dân tộc, tay sai chế độ hay đội ngũ bút chiến Hà Nội, vân vân… Để làm gì không hiểu nữa…

- Anh lôi mấy thứ kia về đây làm gì không biết, - T’maung nói.

- Nó đang xảy ra với cộng đồng Chàm ngoài kia, - tôi nói.

- Khoái lắm à? - T’maung cười gằn.

- Đó là hiện thực. Không thể từ chối một hiện thực…

- Tôi thì cầu cho nạn dịch kia lây lan nhanh hơn cho chúng ngoẻo sớm hơn…

- Dù sao họ vẫn là Chàm…

- Đúng, là Chàm được chia ở thì quá khứ, - T’maung nói.

- Cả đám chống phá ta à? - Mai hỏi.

- Hãy để chúng tiêu phí thời gian của cái đời vô vị của chúng đập mớ bong bóng do chính đầu óc lú lẩn của chúng tạo ra, - T’maung nói, đứng phắt dậy.

3

Vừa bước lên bậc thềm nhà ông Than Kon ở Bal Riya thì tôi nhận được lá thư của Thuan.

- Anh Thuan gửi chú, - Sam nói.

Sài Gòn ngày 5 tháng 12 năm 2019.

Chú Sara kính mến!

Có lẽ cháu không về Ninh Thuận nữa, chú à. Miền đất yêu thương cháu hằng mơ tưởng lại là miền đất dữ ở tương lai không xa. Có thể cháu cắt đứt quan hệ với Cham Pangdurangga, dù dòng máu kia đang chảy rần rật trong tim cháu. Cả ngày mai và ngàn sau nữa…

Buồn ghê lắm. Không ai hiểu cháu cả.

Kế hoạch đầy tham vọng của anh T’maung đã kéo anh em cháu lại gần nhau, anh em từng một trời cách biệt của đại gia đình Thằng Hoang. Cũng chính kế hoạch ấy đã đẩy cháu ra xa anh em cháu. Mãi mãi.

Chú Sara hiểu cho cháu. Chương trình Hầm hóa cộng đồng Cham chỉ là ảo tưởng, một hoang tưởng lớn. Ngay từ ban đầu, cháu đã phản đối nó, dù cháu có yêu quý anh T’maung tới đâu, cháu không thể chấp nhận ảo tưởng nguy hại ấy.

Cháu không phê phán chú đâu. Cháu thì không thể. Phải có một biện pháp khác, cháu từng nói thế. Cháu nhớ chú nói: khủng bố không giải quyết được gì cả, ngoài kêu gọi thù hận. Cháu có đòi khủng bố đâu, cháu chỉ nói, phải có một giải pháp khác, thực tiễn hơn, chứ không phải đào hầm. Tại sao không là thỉnh nguyện thư? Tại sao không biểu tình? Chú và anh T’maung đủ thông minh để nghĩ ra giải pháp nào đó hay hơn chứ.

Dù cháu có nói thêm, giết một người cứu vạn người, nhưng đó không đồng nghĩa với đòi khủng bố. Cháu là Muslim, nên dễ khiến mọi người nghi sai, bậy thế chứ.

Anh Mai gán oan cháu thế, có khác nào nộp cháu cho công an. Buồn là vậy.

Chính quyền mong chương trình kia phá sản, cháu thì cầu chương trình kia không nên ra đời, hai chuyện hoàn toàn khác.

Dù anh Mai cảm ơn cháu về vụ bình xăng, nhưng ảnh đã hiểu sai cháu. Cháu không can hệ gì với đám chống phá chương trình Hầm hóa cả. Đám ngốc đó, chúng nói mà không biết mình nói gì. Phát âm cho ồn ào vậy thôi.

Mợ từng cản cháu chớ dây dưa với “đám con Thằng Hoang”, cháu vẫn yêu quý và tìm đến dòng máu mình. Mợ thất vọng về cháu, cháu thì thất vọng với anh em cháu. Cháu thương vô cùng thằng Sam, nó thông minh và dám xả thân. Dẫu sao cháu vẫn quý trọng hai anh của cháu.  Họ sai lầm, nhưng cái sai lầm của họ [và cả của chú] còn giá trị gấp trăm lần lối suy nghĩ thiển cận đầy ích kỉ của mấy trí thức yếu hèn ngoài kia.

Cháu quý tinh thần bác M’sa. Mợ thì không thể làm được như bác ấy.

Hiện cháu không biết đi đâu nữa. Không biết phải làm gì cho Cham nữa.

Cầu Allah phù hộ chú Sara và hai anh. Cầu bình an cho Sam và bác M’sa.

Nếu có điều gì đáng tiếc với cháu, là cháu không kịp cho cha biết ông có một đứa con là Thuan, kẻ đã bỏ quên bình xăng ở buổi sáng định mệnh đó.

Kính chú. Cho cháu gửi lời từ biệt hai anh và bác M’sa.

Cháu Thuan.

Tôi xin lỗi chủ nhà về chuyện ông đợi tôi đọc xong bức thư.

- Chuyện lớn, bác à. Tôi nói, vẫn còn ám bởi bức thư. Khi ông Than Kon ngồi xếp bằng đối diện tôi trước ấm trà nóng trên ván gụ, tôi mất cả hứng thú.

- Cái thằng chuyên gia ngửi cứt gà nhà ông ấy… - Than Kon nói như hét, - hắn có mà cả đời đi ngửi cứt gà… chớ gì mà chống hạt nhân… Hắn còn mò tận đây dạy lão khoa học… lão nói vào mặt hắn không hiểu tinh thần Chàm thì có mà đi ngửi cứt gà… Po Klaung Girai đã chẳng từng đuổi giặc Tàu bằng đám hani sao… còn mấy thứ lò hạt nhân kia… lão cũng đã đọc qua hết mấy bài báo rồi… ừ thì cứ để cho các ông trí thức la lối… để thế giới nhớ trái đất này còn nòi giống Chàm… lão thì miễn… ông làm cái rẹt là xong…  

- Bác có đọc… - Tôi hỏi.

- Đọc… đọc tất… đọc để mà biết nó ra làm sao để mà ikak… đó mới là khoa học chính hiệu… nó xì… lão xoay hướng gió thổi đám bụi hạt nhân kia bạt sang Nga sang Nhật cho họ biết thế nào là Cham…

- Bác tin thế?

- Làm nhà văn chớ để đầu óc cho khoa học hiện đại nó ám…

- Thế các ‘palei’ Cham khác thì sao?

- Ai thích ngửi cứt gà… thì hãy cứ để mặc chúng ngửi cứt gà… lão đang đào luyện vài xeh… nay mai chúng sẽ tỏa đi khắp…

Tôi không nói gì thêm.

- Phải sống như con người… chớ nên như con chuột… - Ông Than Kon nói, đứng dậy, hai bàn tay úp mạnh vào nhau.

Trưa, tôi chạy xe vào thành phố Phan Rang, tính tạt qua Katuh. Bất chợt tôi nghe cụt hứng. Không thể thay đổi định kiến của một tập thể rộng lớn. Mai bảo dân Katuh còn đáng tợn ngàn lần hơn Bal Riya. Bà con chỉ đọc mỗi báo Ninh Thuận, báo Nhân dân với xem VTV1 để hiểu thế giới, thêm loa phường để biết thời sự tỉnh nhà. Còn muốn thưởng thức thể thao thì đã có VTV3. Chấm hết. Mai đã thử đưa vài tờ tạp chí Tia Sáng, báo Đất Việt với vài hình ảnh từ báo chí Nhật, Pháp cho bà con xem qua. Hắn đã hố nặng.

Mai Kanh Cụ, Mai bỏ đảng, Mai bị cơ quan kỉ luật thì có thể bị quy cho diễn biến hòa bình; còn tôi nhà văn chắc không đến nỗi. Katuh tôi có nhiều người quen, nhiều bạn học cũ. Có thể không? Tôi dừng xe khá lâu ở ngã quẹo dẫn lên đồi cát Nam Kương. An toàn tuyệt đối… an toàn tuyệt đối… Tôi chạy xe đi trong vô số ý nghĩ rối rắm. Cuối cùng tôi cho xe ngưng ngay cổng Làng Văn hóa Tuấn Tú. Tôi còn không biết mình sẽ nói gì với bà con. Tôi còn không biết nói gì với Trung, bạn tôi. Bảo bà con đào hầm ư? Ngay tôi còn không tin vào nó. Hay giảng cho bà con hay hạt nhân với nguyên tử chỉ là một? Hoặc giả thuyết cho bà con hiểu rằng không hề có chuyện an toàn tuyệt đối… an toàn tuyệt đối… như chuyên gia đầu ngành kia? Nhưng để làm gì! Tôi có nên đưa chén thuốc đắng ra thay thế li nước đường? Có cần thiết phải khuấy rối sự yên bình giả tạo này?

Tôi không hiểu tôi muốn gì nữa, hoàn toàn không hiểu… Một nhà văn không còn giữ được mối tương liên với cộng đồng, khác đi - không còn tin vào cộng đồng mình đang chung sống, thì có còn đáng không? Tôi đã làm đứt sợi dây ở đâu, bao giờ?

Tôi rồ ga cho xe chạy băng qua đường ‘palei’ thẳng đồi cát Nam Kương. Không biết bao nhiêu lần tôi lên đây, nhưng đồi cát vẫn có sức cuốn hút tôi kì lạ. Dưới lòng đồi cát là thành phố đang sống với cánh cổng bí hiểm dẫn vào. Sau khi Pangdurangga tan rã, Cham đã ở lại, và dựng lên thành phố này, trú ẩn qua thời tao loạn. Chắc thế! T’maung cho đào hầm ngầm nối các ‘palei’ Cham dẫn qua đây thì có hay hơn không, sao lại phải cực thế. Hai thế kỉ, thành phố Nam Kương bình an dưới lòng đất, vô sự trước biến thiên trời đất và nỗi người. Pháp đến rồi Nhật về, thế chiến thứ nhất bắc qua thế chiến thứ hai, cộng sản và Mỹ, hậu cộng sản và toàn cầu hóa. Rồi hôm nay - điện hạt nhân…

Tôi bước tới vũng sâu hơn phía bên kia đồi cao nhất. Gió, màu cát và nắng chiều làm nhòe bóng tôi lẩn với cát. Gió đẩy tôi đi nhanh hơn. Chắc chắn có một lối dẫn vào cổng thành, ở dưới này. Tôi bước qua vài cụm cây lò-đo gượng xanh. Vài đụn cát thấp thẫm màu hơn bình thường. Tôi đi loanh quanh. Rồi tôi như mất phương hướng. Tôi thấy vài bóng người vừa đi khuất sau đồi cát, một bóng người cao lớn lưng quay về phía tôi. Tôi cố bước nhanh hơn cho kịp. Người kia như bước nhanh hơn. Không phải, người kia bước đúng nhịp chân tôi. Tôi đứng lại, người kia cũng đứng lại. Tôi sực nghĩ hay đó chính là bóng mình? Tôi nhìn lên tìm mặt trời. Chẳng thấy mặt trời đâu. Ông già từ từ quay lại. Ông vẫy tôi lại gần, trong khi ngồi xuống một tảng đá như bất ngờ ở đâu có ai vừa mang đến đặt vào chỗ ông muốn ngồi. Ông ra dấu tôi ngồi xuống. Tôi ngồi xếp bằng lên mặt cát đối diện ông. Tôi định hỏi ông già lối đi ra khỏi chập chùng đồi cát, nhưng họng tôi đã khô cứng lại. Ông nói… 

tôi nhiều lần thấy cậu lên đây ngồi trầm tư - đó là duyên phần hiếm hoi - con người luôn luôn được chọn - như mai văn kuan kẻ được chọn

sẽ không còn ai có thể hiểu - không thể hiểu ẩn ngữ của cát - ẩn ngữ ở đằng sau bề mặt của cát - cũng là của cõi người

đồi cát chập chùng thế kia - ai có hiểu được dưới đó là gì - chớ tin vào bề mặt của cát - bề mặt ‘palei’ katuh là một giả dối ẩn chứa đằng sau nó sự thật cần được khai mở

- huyền thoại luôn cần đến sự khai mở - ở một thời đại tương thích

khi lưu kỳ tông cướp ngôi champa ông bà katuh thiên di sang hải nam - tạm trú vùng đất ấy vài chục năm - họ vượt đại dương tìm về cố quốc - họ không quành lại amaravati mà xuôi xuống tận pangdurangga - và trụ luôn đất này

hải sử champa cũng cần được khai vỡ - chính ông bà ‘palei’ katuh ngàn năm trước đã sang tận nhật bổn để lại điệu lâm ấp - qua java sang mã lai gieo vãi hạt giống cham

sẽ không còn ai có thể đón nhận huyền nghĩa của huyền thoại ẩn giấu - lớn như huyền thoại cây krek - nhỏ như huyền thoại họ yang in

khi minh mạng xua đuổi cham lên núi - người katuh bất phục tùng - mà vượt đại dương qua cù lao chàm - mãi yên họ mới quay trở lại 

người cham đã làm bao nhiêu cuộc đi - những cuộc đi đầy huyền thoại - chính cuộc đi kia là huyền thoại

ai có thể khai vỡ ẩn ngữ này - sẽ không còn ai cả

làng hiếu thiện là ‘palei’ palao - dân biển ở ngoài khơi cù lao xa - khi biến loạn họ dời về miệt cà ná - để sang thời tây mất an ninh - bà con dắt díu nhau chuyển đến định cư ở làng hiện tại - kí ức kia có bị đánh mất

chớ lo về vụ cham bị thông tin hiện đại nhồi - khi kí ức chưa bị đánh mất thì không có gì mất cả - ở đây vẫn còn vài người hiểu - hiểu nhưng im lặng - ai có thể hiểu nỗi im lặng sấm sét kia

loài người đang kì suy thoái - con người học nói mà chưa biết học im lặng - sự giàu sang của ngôn từ đang giết chết ngôn ngữ - lịch sử hay huyền sử - nguyên tử hay hạt nhân

ông bà cham dọc ngang khắp biển đông thì hoàng sa với trường sa không là gì cả - họ tự đánh mất mình khi lịch sử bị đánh tráo - kí ức bị đánh tráo - sự thật bị đánh tráo

cắt đuôi cửa đại chiêm để thành cửa đại là một cách đánh tráo đầy dại dột

chế bồng nga ba bận đại náo thăng long nhưng ngài không ở lại - không phải đất ông bà thì ông bà không ở lại - không phải đất ông bà thì ông bà không chiếm lấy - đó là sức mạnh từ chối chiếm hữu cái không thuộc về mình

còn ai có thể hiểu ẩn ngữ kia hôm nay - con người thời đại bị uốn dẻo như loài sứa

đây là thử thách cuối cùng - điện hạt nhân chỉ là một nhánh nhỏ

thế nào chăng nữa tinh thần cham vẫn sống - sống mạnh hơn bao giờ hết - để sẵn sàng trỗi dậy vào đúng giờ phút - khi định mệnh cất tiếng gọi

có cái gì đó còn cao hơn mạng sống con người - là kí ức hay đức tin hoặc cả hai - ai biết

cậu hãy xuống katuh tìm đến nhà ông kwat em ruột tôi - chú ấy sẽ cho cậu văn bản - không phải văn bản chữ viết - mà là kí ức được kể lại

câu đi đi

 

Ông Già Cát đứng phắt đậy, quay lưng, bước về phía sau đồi cát bóng tối. Tôi muốn hỏi ông gì đó, nhưng tôi không thể mở miệng. Tôi nhìn theo bóng ông tan vào màu cát. Rồi bất chợt tôi thấy mình thoát ra ngoài khoảng tối ở sau lưng ngọn đồi cao nhất. Mặt trời ném ánh nắng chát chúa vào mặt tôi như muốn xua đuổi tôi đi khỏi chốn huyền hoặc này. ‘palei’ Cwah Patih với vài hàng cây lơ thơ hiện ra trước mắt. Xa hơn và chếch về phía biển là nhà máy điện hạt nhân.

Định thần khá lâu tôi mới xác định được hướng đi về căn chòi gửi xe máy.

4

Tôi tính tạt qua Chakleng để tin cho Mai biết, chợt nhớ mình cần vào Sài Gòn ngay. Ba tháng loay hoay đất Sài Gòn, mãi nghe tin Halang sinh đứa con gái, tôi mới trở lại Phan Rang. Đó là buổi sáng ngày 20 tháng 5 năm 2020.

- Công dân Hầm đúng nghĩa đầu tiên, - giọng T’maung đầy kiêu hãnh.

Thế rồi chưa đầy hai năm sau, ngày 12 tháng 4 năm 2022, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I bị sự cố. Loạt sự kiện diễn ra sau đó nhanh và bất ngờ đến không kịp thở. Đến T’maung cũng không lường được.

Không ai ý định giấu gì cả, mới lạ. Tin sự cố được đưa nhanh đến tận xó xỉnh thôn xóm. Báo, đài, tivi, và cả loa phát thanh gắn trên xe dân công chạy lên xuống suốt sáng trưa chiều tối.  Họ loa cho hay chính phủ đã có chương trình sơ tán trật tự. Họ loa đồng bào hãy bình tĩnh. Bình tĩnh cái con c.!

Đám đông ùn ùn đổ ra quốc lộ số Một. Người xe bóp còi inh ỏi. Hơn cả trưa bộ đội tràn vào Phan Rang. Trăm lần hơn. Cham lẫn Việt. Một nhóm dân Thành Tín kéo nhau theo chiều ngược lại. Không phải đi vào Nam mà ra Phước Nhơn. Họ có bà con ở đó. 27 cây số cách Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận I là rất đáng kể. Có bị bức xạ cũng giảm nhẹ đi nhiều.

Ngoài số ít có tiền nhanh chân chạy vào Đồng Nai, gần như cả cộng đồng Cham gồng gánh kéo nhau lên mạn ngược. Đi đâu, họ không biết, nhưng vẫn đi. - Như thời Thak Wa ấy, - già Kwat nói.

Kẹt xe ngay khúc qua Cà Ná. Xảy ra mấy vụ giành đường, chưởi rủa và đánh nhau ở đó.

Tôi quẹo qua lối rừng mé bên kia đường xe lửa, cho xe chạy len giữa rừng người theo chiều ngược lại. X, ông bạn thân thuở Pô-Klong loa tay chửi tôi: - Mi điên rồi, mi điên rồi...

Mai nói: - Dân ‘palei’ Ram tin Hầm, đang trụ lại.

Người Hamu Tanran cũng trụ lại, - tôi biết tin này khi vừa đến Phú Quý.

Dân Katuh hết tin vào an toàn tuyệt đối, đã tản rất nhanh, bỏ làng nằm chổng gọng. Như thể làng ma ấy. Ông già Kwat kể: - Tôi vừa bắt gặp tay Tròn đùm đề vợ con tranh đường với đám đông. Tôi níu ông ta lại, hỏi chớ sao không ở lại ‘palei’ ăn cái rau an toàn tuyệt đối, mà phải bỏ chạy như loài chuột chũi thế kia.

Ông già Kwat nói:

- Tôi về Chakleng để chiến cùng các cậu.

T’maung rút vào Hầm. Sam chạy lên chạy xuống qua lại giữa hai thế giới, làm liên lạc. Mai thì không. Ông già Kwat cũng không.

Hãy cho vợ chồng Halang sống sót, để còn tiếp tục chiến, - già Kwat nói.

Sáng ngày tôi chạy xe qua ‘palei’ Bal Riya. Một nhóm người đứng túm tụ ngay khúc quẹo xuống Chakleng. Nỗi hoang mang nhảy múa trên từng khuôn mặt. Vẫn còn đủ chỗ, - tôi nói không với ai cả, phóng xe đi.

Không còn bóng mấy xe gắn loa phát thanh nữa, thay vào đó hai cái trực thăng quần đảo bầu trời xám làm nhiệm vụ bảo đồng bào hãy bình tĩnh.

Bình tĩnh cái con c.!

Dân Bal Riya vẫn vô sự, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tôi không thể gặp ông thánh Than Kon. Đúng hơn, bà con không cho tôi gặp. Ông mỗi ngày ăn một bữa cơm đạm bạc, rồi lên làm sứ mạng định mệnh giao phó.

Ngồi kiết già trên cái tông do người làng lập lên, ông nhìn trừng trừng về phía biển. Kè kè bên ông duy nhất một xeh đã đạt đạo sẵn sàng thay phiên ông. Ông quyết đánh chặn từ xa. Xa và trước khi kịp xảy ra sự cố. Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận II đã không thể vận hành. Còn cái Ninh Thuận I thì quá 30 cây số. Không quá cũng chả hề hấn gì cả. Đã có thánh Than Kon.

Dân Bal Riya không phải đi đâu cả.

Ông đã cho mươi xeh đi qua Chakleng cậu rồi đó, - anh Bao cho tôi biết.

Tôi chạy xe về. Tôi tránh bóng tối và đám đông đen nghịt trên quốc lộ Một, đi theo ngả làng Từ Tâm. Đến Chakleng thì trời vừa tối.

Ông bố Halang đang làm dữ với Mai trước Hầm. Ông hét tui không cho phép con gái tui chết theo cái thằng T’maung khùng kia được. Sam tách ông ra khỏi Mai, cố đẩy ông ra khỏi cửa Hầm. Già Kwat với Mai đang huơ tay về chuyện gì đó. Mai nắm tay già kéo đi, ông dùng dằng, gỡ ra. Mai nắm vai ông bằng cả hai tay như muốn đẩy ông đi.

Tôi cố len đám đông để đi được nhanh hơn, nhưng không thể. Tôi nhìn thấy Halang đi ra, tay bồng bé gái. Cả T’maung nữa cũng đi ra. Tiêu rồi. Tôi thấy T’maung hôn bé gái, rồi quay sang Halang. Họ ôm hôn nhau, chừng một phút. Vợ chồng Cham nắm tóc nhau giữa đàng giữa xá thì được, chớ đời tôi chưa thấy ai hôn nhau trước mặt làng xóm bao giờ, - sau này già Kwat đùa, - đây phải là ca vô tiền khoáng hậu.

Halang bế đứa con lên xe với ông Vam. Tôi đưa tay vẫy vẫy nàng. Dường như nàng nhìn thấy, vẫy lại.

5

Ba năm đi qua, cuộc sống dường yên bình trở lại. Một thứ yên bình ma mị. Chính quyền xua đuổi dân chúng ra khỏi vùng đất nhiễm xạ. Họ hứa sẽ bồi thường xứng đáng. Cham ra đi, và không trở lại. ‘palei’ Padra, Hamu Crauk, Cwah Patih, Thon… đã làm hoang. Các ‘palei’ Chakleng, Ram, Hamu Tanran mỗi ‘palei’ còn vài chục người già bám đất. Họ quyết ở lại, chấp nhận làm công dân Hầm. Mai cho biết, cả thảy 247 người. Con số công dân Hầm chính hiệu bao nhiêu thì T’maung vẫn muốn bí mật.

Bốn xeh ông Than Kon ngày đêm thực thi sứ mệnh. Mỗi ngày, một xeh đi 7 vòng quanh ‘palei’ Chakleng, một xeh khác đi 9 vòng quanh Hầm, một còn lại xeh Thêu túc trực ngay cửa Hầm giữ cho lư trầm hương luôn cháy. Và một nữa, làm dự bị.

Chuyện bốn xeh ông Than Kon qua ‘palei’ Chakleng, T’maung phó cho Mai lo tất.

- Tui không trách nhiệm vụ này, - T’maung nói. - Tui chỉ muốn nhổ vào cái lão lẩm cẩm với mấy thứ phù phép lẩm cẩm của lão.

- Thầy chưa hiểu kadha ginrơh của Cham nên mới nói thế, - xeh Thêu nói.

- Ginrơh cái con khỉ! - T’maung nói như muốn hét.

- Thầy vẫn còn mang cái giận từ Bal Riya hôm ấy về tận đây sao?

Im lặng.

- Như vũ trụ gồm thâu mặt đất bầu trời và khoảng không thể thấy, Gru nói trong mỗi con người tồn tại thân xác trí tuệ và linh hồn, cả ba không thể tách rời, Gru nói nếu thiếu đi một thì con người không thể thành con người như nó là thế, Gru nói…

- Biết rồi… biết rồi… - T’maung xua tay lia lịa.

- Thầy chưa sống với Cham nhiều nên không biết…

- Thế sao? – T’maung cười gằn.

- Thầy biết Mai Văn Kuan không? - Bất ngờ xeh Thêu hỏi.

T’maung đột ngột quay lại, ngó xeh Thêu, không nói gì.

- Thầy biết tại sao vạn kẻ Cham bỏ nhà đi tìm đất sống trong lúc ngàn người Cham ở lại không? Thầy biết tại sao người người cố giữ mạng sống của mình, riêng ông Kuan đã quyết chết không? Cái gì có thể giúp thầy lí giải chuyện đó. Gru nói, đó chính là phần tinh túy nhất của tinh thần văn hóa Cham…

- Để làm gì chứ, cái chết ấy?...

- Có thật thầy muốn hỏi câu đó? Vậy chớ để làm gì những người đã tình nguyện ở lại với thầy để sống đời sống Hầm? Để làm gì cả răm sinh viên bỏ Sài Gòn về tham gia chương trình đào hầm của thầy? Vì mảnh đất cằn quanh năm nắng gió này sao?

- Có thật tâm thầy muốn hỏi câu hỏi đó? – Xeh Thêu hỏi lại.

- Bản thân thầy cũng là một phần của tinh túy, không phải sao? Tại sao thầy không ở lại Nha Trang mà về đây, trong khi cha mẹ thầy bỏ thầy? Tại sao thầy không dẫn cô đi xa, mà ở lại đây, để đào cái hầm này? Ai và cái gì đã khiến thầy làm thế, thầy có bao giờ hỏi mình câu hỏi cốt tủy đó chưa?

T’maung không nói gì.

- Gru nói cần thám hiểm vào chiều sâu thẳm của tâm hồn Cham mới thấy được cái bí nhiệm của tinh thần con người Cham và phần tinh túy nhất của nền văn hóa ấy.

- Nó có liên can gì đến chuyện ikak phóng xạ ở đây? – T’maung nhìn vào mắt xeh Thêu.

- Có. Ở khoảng không nhìn thấy… - Xeh Thêu nói.

- Khi mà ai mạnh nấy lo hạnh phúc gia đình, lo vợ con yên ấm thì ông Kuan bỏ làng đi, thầy biết ông ta muốn tìm gì không? Khi cuối cùng ông trở về, để chỉ làm mỗi chuyện đó, thầy hiểu nó mang ý nghĩa gì không?

T’maung quay lưng bỏ đi. Xeh Thêu nói với theo:

- Cả bản thân thầy nữa…

T’maung đứng nhưng không nhìn lại.

- Thầy có biết sức mạnh vô hình nào đã kéo thầy về, giữ thầy ở lại, và đào hầm không? Chớ vội trả lời, mà hãy suy nghĩ về mấy câu hỏi đó đi…

T’maung bước tới. Mai đi theo, nói:

- Dù gì ta cũng có thêm bốn công dân Hầm nữa, anh à.

Hai ngày sau, T’maung cho người mời ông Than Kon qua Chakleng uống trà.

6

Từ hơn năm trước, Halang đã trốn vào vùng đất cấm, trở lại Hầm, với T’maung. Thống kê không chính thức, năm thứ hai sau sự cố, hơn trăm người trốn về ‘palei’. Mùa lũ xuống, họ lẩn với đám lục bình theo con mương Nhật về Tanran, rồi xuôi xuống Chakleng khi trời chưa kịp sáng.

Hai năm không là dài, nhưng đất không người đã bị hoang hóa đến không kịp nhớ. Từ làng Raglai Kunhuk, tôi men lối tắt qua Thon rồi vào Hamu Tanran. Tôi lấy chiếc Dream gửi nhờ nhà người quen chạy xuống Chakleng. Đường hoang. Tôi cô độc giữa trống vắng đến rợn người. Đám cây dại mọc lô xô vô lối. Từng đám lớn cỏ dại bò lan khắp mặt đường nhựa. Tôi đi tránh cơ man là cành cây ngã đổ chắn ngang đường.

Mặt trời đỏ sắp lặn vào trái núi sau lưng. Tôi trở lại làm gì ở nơi chốn chết chóc này? Ruộng đất, sông nước, làng mạc, tháp đền… tất cả đã nhiễm xạ. Tất cả đang mang mầm chết. Cả vài trăm sinh linh ở lại. Cả bản thân tôi. Để làm gì? Chứng minh với thế giới rằng Cham tôi vẫn tồn tại? Hay để cảnh báo nhân loại về thứ hiểm họa tự tạo? Và gì nữa?

Trước mặt tôi là miền đất chết. Miền đất quen thuộc đang chết. Miền đất trăm lần tôi chạy trốn cô đơn từng về nằm trong vòng tay ấm áp tình thương yêu nay đang chờ đợi tôi với bao dọa nạt vô hình.

Tôi cho xe dừng trên đường ray xe lửa, quan sát thị trấn. Thị trấn Phú Quý nằm chết trong trời chiều.

Không bóng người. Không tiếng động của đời sống con người. Heo mẹ nghe tiếng xe máy, vội khịt bầy con, kéo nhau lủi vào ngôi nhà hoang bên kia đường có lẽ chúng tự ý lót ổ bấy lâu. Cửa hàng phân bón Tâm Mai cửa sắt đóng kín mít với hai ổ khóa to đùng đến buồn cười. Tôi cho xe chạy băng qua con đường chính của thị trấn, nhấn ga đều đều. Bảng hiệu Trường Tiểu học Phú Quý, Tạp hóa Hoa, Đại lý thuốc tây Như Thừa… ố vàng bị gió thổi xiêu vẹo. Quốc lộ Một trở thành quốc lộ chết.

Quành xuống đường ‘palei’ Chakleng, tôi thấy hai tay tôi run lên. Tôi vừa trở lại quê nhà. Quê hương tôi đang chết. Tôi nắm chặt tay lái, và nghe nhịp tim mình đập loạn xạ. Loạn hơn cả lần đầu trở về quê nhà sau tháng đầu tiên vào Sài Gòn làm sinh viên. Tôi sắp phải giáp mặt với những sinh linh tình nguyện chết. Giáp mặt từng giây phút với định phận họ, và cả định mệnh tôi.

Dưới cầu sông Lu, bầy bò vô chủ trở thành bò rừng ngơ ngác ngó lên cầu, như thể tôi là sinh vật lạ vừa lạc vào miền đất riêng của chúng. Trên triền sông, lũ thỏ nhảy nhót trên đám cỏ. Vài loài chim lạ bay qua trời chiều kêu với tiếng kêu lạ lẫm. Chưa tới nửa năm trở lại mà nghe như tuổi thơ, thời Ngô Đình Diệm tôi lên chiếc xe trâu theo cha vào rừng chặt củi.

Tháng sau là lễ nhập ‘Kut’ họ Gađak. Năm mươi cái klaung, cả klaung dì Mơi, dì Bề, và của Thằng Hoang nữa.

Giơ tay vẫy chào già Kwat, tôi đi thẳng Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani. Tôi dựng xe trước cửa, ngó qua, tản bộ xuống Nhà Thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Cả đống tiền của đổ vào đây, để rồi nó làm hoang. Không người bán hàng, không khách hàng, không cả kẻ vãng lai. Bầy dơi chiều động bóng người, bay vụt.

Chakleng đang chết. Thi thoảng xuất hiện vài chiếc xe từ cầu sông Lu chạy theo lối mòn đi xuống miệt biển. Thi thoảng hơn, vài chục bóng người mặc áo chống xạ dạo quanh vùng đất cấm. Họ tạt vào đây, đứng lại, ngó quanh, rồi đi. Hệt tôi, chiều nay. Khoảng sân xi măng rộng rêu bám lôm nhôm, ba căn nhà to cao đang lên mốc từng mảng lớn, bốn tường thành chắc nịch mặc tình cho các loại dây bò leo vô trật tự. Như thể sáng dậy, tất cả công nhân viên đột ngột tiêu mất, bỏ chúng lại cho gió, mưa và nắng làm gì thì làm.

Mai cho tôi biết tình hình mấy người trẻ trốn về. Chính quyền cả lo, tính làm căng. Mai, Sam, tôi và cả bốn xeh Than Kon nằm trong danh sách bị trục xuất. Họ sắp tới, - Mai tin cho biết thêm. Cùng đoàn quốc tế cố thuyết phục lần cuối đám dân Cham cứng đầu dời đi.

Đất lành thì ở, đất lở thì đi, - già Kwat nói, - Chàm tui đất có lở đến đâu, vẫn ở lại để cùng chết trên mảnh đất này. Đây là đất tổ tiên chúng tôi, đây là số phận chúng tôi, chúng tôi tự do sử dụng nó, không phiền gì các ông cả. 

Ra dáng ngang tàng thế, già Kwat vẫn lo.

- Rán khất họ để qua vụ đưa ông Kuan vô ‘Kut’ đã, - già nói.

Lễ nhập ‘Kut’ trên Hamu Tanran xong hôm qua, tôi thấy hai paxeh từ Hamu Tanran lặn lội xuống. Cả vài thầy Acar từ Ram sang. Có lẽ họ muốn qua thăm bà con ở đây. Katê năm ngoái, hai giáo sĩ thuộc hai giáo phái khác nhau này cũng lên tháp Po Rome lễ. Đính kèm mấy xeh Than Kon. 

- Chuyện vô tiền khoáng hậu, - già Kwat tuyên.

Lễ nhập ‘Kut’, đây là ngày cuối cùng của đời người một sinh phận Cham Ahier, tôi nghĩ họ không đến nỗi tệ, mà để cho Cham yên. Nhưng không. Mặt trời mọc chưa quá cây sào, đã thấy lù lù ba chiếc xe biển xanh ló đầu khỏi cầu sông Lu chạy thẳng xuống Chakleng, theo sau là hai chiếc màu trắng gắn biển UN. Đám người ào tới với lỉnh kỉnh máy, quay phim, chụp ảnh. Họ tụ nhau ngay trung tâm ‘palei’ Chakleng ngã tư trước ‘Kut’ Gađak, chỉ chỏ cái gì đó.

Tôi tính đến gặp họ nói chuyện, thì tay cầm Camera có lẽ dân Pháp reo lên Ô là là và chạy trờ về phía hầm như thể vừa bắt gặp mỏ vàng, tên thông dịch chạy theo. À, thì ra xeh Khoen đang khởi động cho bài phù chú. Xeh Khoen vận bộ áo Mưdwơn trắng tinh tươm, chống cây trượng đứng trước cửa hầm, e hèm và đọc, giọng rền và trang trọng:

Di Ong nưmas Sibac kayong

Di Ong nưmas Gru Than Kon kuw kala bbauk

Kuw mưrai dơng tani

Kuw tau di grơp yang Bimong yang Kalan

Kuw yap bitơl angan kluw pluh tajuh Nưbi 

 

Ni tanưh riya Pangdarang kuw

Glac xuk mưng ribuw thun rai rak

Glac xuk di lithei hawk ia mưnhum di tian mưbai di hatai kanhjah

Glac xuk di kalin kal brơm par limưn jwak

Glac xuk di Jaguk nau tapa Jawa likau wơk

 

Hơx di Ong nưmax Sibac Kayong

Ni hư angan kamưlai takhat hatai mưbai janưk

Hư angan bhut bhaung raung rạih glaih glar

Hư abaw lew mai mưblah ia blauh lac ngap nưgar

Hư bimong kalan o thuw ka duh akhar ta’puk’ o thuw xakrưn

Hư ba mưnwix ngap ĐienHatnhan hư ngap twa riya ia xwa ia lix

 

Di Ong nưmas Sibac kayong

Di Ong nưmas Gru Than Kon kuw kala bbauk

Kuw mưrai dơng tani

Anưk Cam kuw

Peda thun peda bilan peda harei

Thun jhak bilan crih, thun bih bilan kơm, thun yuw bilan cauh

Peda di ciew đih anih padei, peda di lithei hwak ia mưnhum

Peda di mưnuk jruw asuw likau

Peda di xơp đom panwơc pwơc urang kurba yai yak patak parai

Peda di yang dơr kalan

Peda di jalan nau tappa kraung ribaung ia di tuk bak jala, jalan canah dwa canah kluw

Peda di kayuw dhwa ralo urang padei di krưh ppak pađiak

Peda di ia nhjak ia nhjơr di than ginuk di likuk yang dhwa di agha kayuw, patuw patih, abih gaun Yang

 

Helaih…

 

Nhân danh Shiva thần thánh

nhân danh Gru Than Kon hiền tài

ta đứng đây

ta đọc tên thần Tháp thần Đền trên mảnh đất này

ta gọi tên ba mươi bảy Nưbi khắp thế gian này

 

Đất đai Pangdarang ta

Tội lỗi từ ngàn năm từ vạn năm rủ rê nhau kéo tới

Tội lỗi từ lời ăn tiếng nói từ tâm địa nhỏ nhen

Tội lỗi từ can qua do tên bay bởi voi giày

Tội lỗi từ quân Jaguk đi qua lính Jawa bước lại

 

Nhân danh Shiva thần thánh

này đây mi tên Ác Quỷ phát tán tâm căm thù

này đây mi yêu ma đủ loài ô tạp lúc nhúc

là mi Ốc Ma cướp nước người mà la mở đất

là mi tháp thiêng không biết thờ kinh sách không thông hiểu

là mi sai người làm Điện Hạt nhân là chính mi khiến hạn khô làm bão lũ

 

Nhân danh Shiva thần thánh

nhân danh Gru Than Kon hiền tài

ta về đứng nơi đây

con Cham ta

tội lỗi năm tội lỗi tháng tội lỗi ngày

năm xung tháng hạn, năm độc tháng tang, năm chẵn tháng lẻ

tội lỗi cùng chiếu ngủ chỗ ngơi, tội lỗi ở cơm ăn nước uống

tội lỗi bởi gà nhảy qua chó bước lại

tội lỗi do lời ăn tiếng nói có kẻ kiện cáo buộc tội tại tòa án trần gian

tội lỗi ở khắp tháp thần

tội lỗi lối đi qua sông nước giữa trưa ngày, đường ngã hai ngã ba

tội lỗi dưới cây cao bóng cả người người nghỉ chân trưa bao la nắng

tội lỗi chốn nước hạn giếng khô, dưới tàn cây um tùm, sau bóng tháp hoang, bên gốc cổ thụ, nơi tảng đá trắng

tội lỗi với mọi mọi lệnh thần

 

Amen.  

 

Tay người Pháp có vẻ hả hê lắm, quay sang tôi. D’ou venez vous? – tôi hỏi bừa.

- Nói tiếng Việt, nói tiếng Việt… - Tên nhỏ con kêu lên, kéo tay tay người Pháp nhập chung nhóm. Hắn quay sang hỏi tôi:

- Ông thầy kia đọc cái gì thế?

- Bài phù chú yểm lò hạt nhân, yểm luôn mấy ông đó, - tôi nói. Hắn dịch cho tay người Pháp, rồi lôi anh ta đi tiếp. Tay cao lớn chặn đường tôi, đưa cho tôi hồ sơ kết quả nhiễm xạ đợt xét nghiệm trước.

- Quý ông bà nhiễm hết rồi, - giọng gã nghe rất khoái, nghe chỉ muốn đấm vào mặt.

- Thì sao nào, - Mai nói. Chả có ma nào muốn lật xem hồ sơ nói gì. Tay cao lớn đút nó vào cặp trở lại.

- Quý ông bà cho đoàn xét thêm 10 người mới, cộng với 5 người cũ, là 15. - tay nhỏ con dịch lời của người Liên hiệp quốc.

Cả bọn đi về phía Nhà Trưng bày. Bỗng có tiếng hét lớn phía sau lưng:

- Xem đây… xem đây…

Tôi thấy Thuan ngồi kiết già bên chiếc Bonus dựng góc sân trường Tiểu học, trước hàng biểu ngữ giăng găm vào tường thành:

TÔI SINH RA Ở ĐÂY - SỐNG Ở ĐÂY - VÀ CHẾT Ở ĐÂY

ĐẢ ĐẢO LÒ SÁT NHÂN!

Hắn lôi cái gì đó như thể bật lửa từ trong túi áo model phi hành gia Apollo.

- Mở to mắt mà nhìn đây… nhìn đây… - Hắn hét lớn.

Lửa bùng cháy. Vài tiếng kêu từ nhóm phụ nữ. Mọi người ùa tới. Mấy tay an ninh định can thiệp. Chúng không biết làm gì và làm với cái gì. Chúng chạy đi chạy lại nhốn nháo, rồi đứng nhìn. Người Liên hiệp quốc bấm máy lia lịa. Tay mập chửi thề:

- Ngu thế chứ!

- Cậu ngu thì có, - già Kwat nói. Gã gườm ông, quay đi.

Chúng tôi đứng vây quanh cột lửa ngùn ngụt bốc cháy. Đứng đó, nhìn trừng trừng. Không làm gì cả. Cho đến khi ngọn lửa tàn lụi. Tôi nghe tiếng thầy Acar lầm rầm đọc kinh cầu nguyện sau lưng. Tôi nghe tiếng Mai bật khóc bên cạnh. T’maung đi tới, nắm vai tôi lắc lắc, thả ra và bước mạnh về phía Hầm.

Bên an ninh lệnh thu máy móc. – Thu hết, thu hết - Tay mập bước tới chỗ tôi. Tôi đưa máy ảnh và cái mobile cho Sam:

- Cháu về Sài Gòn với họ đi.

Một tay an ninh quen mặt nói, giọng lệnh lạc:

- Nhà văn cũng nên đi với chúng tôi.

- Ông có muốn xem cột lửa khác ở đây không? - Tôi trừng hắn.

Hắn khựng lại, nín thinh.

- Có muốn bị méo miệng không đây, - một xeh Than Kon bước tới. Hắn lui lại.

- Dọa tôi à… làm loạn à?

- Cần gì. Cho mấy câu sunuw đủ cho tụi bây méo miệng cần gì tới quả đấm. - Xeh Than Kon dấn tới. Tay mập lui thêm mấy bước, quay đi và bước nhanh về phía Nhà Trưng bày. Tôi thấy gã dắt chiếc Dream ra, đẩy nó lên xe an ninh. Ngốc thế chứ! Tôi đã quên khuấy đi.

- Chúng tôi sẽ trở lại, - tay mập quay lại, nói.

- Chúng tôi sẽ đợi, - thầy Paxeh nói vói theo.

- Đám nhóc láo, - xeh Than Kon nói, quay đi.

Tôi nhớ, khi tôi bảo một chí sĩ không được phép dùng máu người khác để nói lên tư tưởng, mà phải bằng máu của chính hắn. Thuan đã cãi, biểu tình không phải là máu của người khác. Hôm nay Thuan đã sử dụng chính sinh mệnh để thể hiện tư tưởng. Qua hành động cao cường kia, tôi tin, linh hồn hắn sẽ nhanh chóng tiếp cận linh hồn của Thằng Hoang Mai Văn Kuan - cha đẻ hắn, hơn bao giờ.

7

Thuan chết, để lại cái Agenda 2022. Trong khi mọi người loay hoay với đám tro cùng vài mảnh xương thừa Thuan để lại, tôi đút túi Agenda, đi về phía Nhà Trương bày.

Tối, tôi lật qua mấy trang cuối để tìm xem do đâu Thuan đi đến quyết định tréo ngoe thế. Nhưng rồi, tôi hoàn toàn bị hút về chuyện khác…

22-10-2022

Hai ngày nữa là Kate, sinh linh Cham từ đâu kéo đến đông như sâu như kiến. Cả Chàm kiều nữa, đám người tôi cho là lũ chuột nhắt bỏ con thuyền đắm đó, nay bỗng ùn ùn kéo về. Hành hương Pangdurangga, họ kêu thế.

Mặt trời vừa ló đầu, khối người phá vỡ vòng vây an ninh, bỏ cả chục chiếc xe nhà binh với xe công an cùng lính tráng sau lưng. Cái loa phát thanh kêu ỏm tỏi yêu cầu bà con ta bình tĩnh… bà con sẽ được hành lễ Kate sau khi Nhà nước ta đã rửa sạch đất… sang năm thôi không lâu đâu… bà còn thật bình tĩnh… hãy trở về nơi tạm trú ở Tuy Phong… năm nay bà con tạm làm Kate ở Po Dam và Po Xah Inư… Nhà nước và chính phủ đang xúc tiến… hãy tin tưởng vào đảng vào nhà nước… bà con chú ý bà con chú ý… sức khỏe của nhân dân là trên hết… xin bà con hãy thật bình tĩnh… 

Lũ người ùn ùn kéo đi.

bình tĩnh ia darah jauh laiy tao đây…

ơ cái chị này… ngày Chabbur Kate mà văng tục nè…

đây còn muốn tĩu nữa ở đó mà chớ tục…

Lũ người tiếp tục đi. Xe con, xe máy đèo ba đèo bốn ních đường bóp còi vang vào vách núi dội lại inh tai. Phía sau mấy xe công an hú còi liên tục nhưng vẫn không phá vỡ khối đông, đành chịu lọt tọt rù rì theo.

Tôi nghe tiếng hô lớn tagok… tagok…tagok…

Khối sinh linh Cham ào thẳng hướng cái chốt chặn cuối cùng được dựng lên ở eo biển Cà Ná. Tôi nghĩ nó sắp vỡ tới nơi, nhưng không, nó vững như đá tảng. Tiếng la ó của khối sinh linh Cham chỉ muốn làm điếc cái lỗ tai mình chớ hề hấn gì đâu. Mấy chục công an đứng sau hàng rào dây thép bung cầm ba-toong với lăm lăm tay súng như những hình nộm di động. 

chúng không dám đâu… không dám đâu… làm tới luôn đi…

Tới thế nào mà tới, dây thép bung giằng giịt thế kia. Cả đống hòn đá lớn bé đủ cỡ ném qua chỉ làm sướt mặt đường chứ có làm đứt sợi lông ai đâu mà ném. Thế là mệt, và nghỉ. Bà con tạt vào mấy quán bỏ hoang dọc đường nghỉ uống nước với ăn trưa. Và cười nói, và kể đủ thứ chuyện trên đời.

chú nó cũng về kịp à…

theo ngả núi Kraung… rút kinh nghiệm năm ngoái…

à… chiều ta đi ngả núi…

ở đó mà lừa Việt cộng… chúng sống trên đó mấy chục năm chớ có đùa…

không đùa đâu… hay đấy… tui đây biết đường…

chớ con hỏi bác đây là đất ai mà kêu mình không biết…

một ít ở lại đấu tại đây giả bộ mình lui… số đông sẽ leo núi đi qua…

mình vượt núi đến đây được… thì cũng vượt núi qua Panrang được…

năm ngoái họ làm dữ quá…

chú mầy về bao giờ…

dạ hôm qua… chạy xe ra đây luôn… đường sá Việt Nam lộn xộn quá…

kajap karo lei?

dạ con tạm được… chú Sang với con cháu thầy đi ngả Đà Lạt…

Tôi nhìn qua tay Chàm kiều thấy mặt mũi có vẻ linh lợi. Thêm lỉnh kỉnh mấy phụ tùng camera, máy ảnh đời mới với cái xế con chắc thuê ở Sài Gòn. Tôi xấn tới.

từ Mỹ à… Mình em trai T’maung đây…

ừ… Mỹ… nổi tiếng lắm… anh hùng phải biết…

okei… ta nhập nhóm đi… chiều nay đi ngả Đà Lạt…

Tôi kéo tay anh ta cùng thằng em nữa tách đoàn. Bỗng mưa Kate đổ ào tới, khiến khối sinh linh Cham tản ra chạy tìm chốn trú mưa.

vào đây đi… vào đây đi…

Tôi chạy theo hai Chàm kiều chui vào trong xe con.

ông anh chớ nghĩ Chàm kiều là chuột nhắt hết…

Chàm kiều hành hương là đã cắt đứt thân phận chuột nhắt… bạn lo gì…

anh làm vài miếng socola nha…

à… trước khi đi theo ông bà cũng nên thưởng thức socola Chàm kiều để biết mùi… 

sao… không đảm bảo à…

không… không có gì… không có gì… đi ngay giờ cũng không sao…

Chúng tôi cho xe trở lui, nó bò chậm như rùa già giữa khối đông. Tiện nghi xe đời mới cho chúng tôi cái vô sự giả tạo, nhưng nó vẫn là loài rùa già. Loan tay cầm canera quay, chốc chốc rủa đường sá Việt Nam.

chưởi cả ngày không hết chuyện… cứ lo làm việc mình đi…

Tôi thấy một đám lớn khác kéo trở về giạt đám an ninh đi theo ngả núi. Khối sinh linh Cham đội mưa đi. Lầm lũi.

Họ hi vọng sẽ kịp lễ Kate trên tháp Po Rome vào sáng mốt. Năm ngoái họ bị lừa bởi kế hoãn binh của tay tuyên giáo Tỉnh, đến giờ lễ thì hết hạn. Ừ, thì năm ngoái toàn ông bà già với chục chú U60, tan đàn cũng phải. Cả sư Dhya phải xuống Baganrac rồi trải chiếu cói hành lễ cho lũ người xúm lại khấn lạy tạ ơn trời đất. Rồi ai về nhà nấy.

ba năm không thờ phụng tháp sẽ thành tháp hoang…

ông Dhya bảo Kate nào cũng mưa… mưa trôi hết phóng xạ… lo gì mà lo…

Năm nay chớ hòng. Sinh linh Cham xé lẻ ra đi bằng nhiều cách khác nhau nhiều phương tiện khác nhau qua nhiều lối khác nhau hướng đến một điểm duy nhất là cái chốt Cà Ná. Để làm thành cả khối người ngợm thế kia. Máy quay, máy chụp, máy thu âm gắn khắp. Đố đứa nào dám thu. Có khiêng lò hạt nhân qua đây mà xì.

cánh tay bác còn vết thẹo nè… năm ngoái họ làm dữ lắm…

mỗi phút là mỗi bắn lên mạng toàn cầu… cả thế giới biết Cham ăn Kate thế nào…

bận này họ ở đó mà dám xớ rớ…

Loan lúi húi với camera, tay gạt mù mưa, tay quay. Đứa em thì mải mê dòm.

mỗi phút là mỗi bắn lên… em vừa bắn hình ông anh lên nè…

thấy chi lạ không Mỹ con…

tên em nó John Chế…

cái tên cừ lắm… hi… how are you…

xalam… kajap karo lei…

Nó ngoảnh lại, nhe hai hàng răng ra cười.

karo… karo… anh mầy tưởng cứ Chàm kiều thế hệ một rưỡi là quên hết tiếng mẹ rồi…

em nó học nhanh lắm…

Một khóm lớn người đi theo sau xe chúng tôi, thêm hai tay an ninh dẹp đường, nên con rùa bò có vẻ nhanh hơn.

bye… bye…

chúng tưởng mình bỏ cuộc…

Không ai trả lời tôi.

ớ… ớ… bà con đi đâu thế nhể…

qua bên kia núi là tháp rồi… tôi cứ tưởng ông câm…

Tôi thấy lũ người đột ngột quẹo về phía núi. Hai tay an ninh đuổi theo. Họ đi hút vào núi.

 

23-10-2022

Chúng tôi ngủ lại Đà Lạt tối hôm đó. Chàm kiều chả có gì để nói ngoài mấy câu ông anh T’maung của anh nổi tiếng như cồn đó… rất đáng nể…

Sáng sớm chúng tôi cho xe lả lướt xuống đèo, đến Sông Pha thì bị hỏi giấy. Qua được thì bị chặn lần nữa ở khúc Sông Cái đoạn queo vào ‘palei’ Cang. Chốt này căng họ làm căng quá biên giới Campuchia. Vài nhóm sinh linh Cham đang túm tụ trong mấy quán lè tè. Anh tài câm cho xe tạt vào hiên quán ra vẻ nhất.

ta xuống đây đi…

bạn Chàm kiều có biết ‘palei’ Cang nghĩa là gì không…

là gì…

làng Chờ đó… họ biểu ta chờ ở đây ăn nghỉ… rồi bàn mưu tính kế gì đó thì bàn…

đây đến tháp Po Rome còn bao xa…

ba chục kém…

từ Cali còn bay qua được thì mấy nả kia nhằm nhò gì…

chú Loan nó đích thị Chàm kiều tiến bộ…

ơ… cả gia đình ông Sang còn đó kia kìa… mình qua nhập bọn đi…

dạ thầy…

họ dứt khoát lắm… thầy tính ghé ‘palei’ Cang thăm sui gia rồi quay về Sài Gòn thôi…

đây cách lò băm mốt cây thì đã miễn xạ… mấy em tính sao…

thầy ấy nói dzậy chớ hỏng phải dzậy… mai thầy đùm đề vợ con lên Po Klaung cho mà coi…

Cali còn bay qua được thì đây với đấy… khỏi…

 

Buổi chiều chúng tôi bày một cuộc nhậu ra trò, kéo thêm chục nam thanh nữ tú mới xuống tới, cả mấy tay an ninh nữa nhập cuộc. Mấy chú nghe Chàm kiều Mỹ đãi bia với rượu Tây cũng ham.

xong tối quay trở lại Đà Lạt thôi…

ừ… các anh chị nên về… chớ xuống đó không hay lắm…

dzô đã mới tin…

 

9 giờ tối, để lại anh tài câm với chiếc xe đỗi sau hẵng mầy chạy xe lên… kiếm nhà nghỉ nào đó ở Sông Pha… chiều mốt quay lại đón tụi này… nhớ nhé… chúng tôi lẻn qua miệt rừng. Đám Cham toàn đầu xanh tuổi trẻ chia làm mấy tốp mỗi tốp ba, bốn mạng theo lối mòn khuất lùm cây cách quãng nhau dăm chục bước, xuôi sông Cái đi xuống.

Mưa trút lên đầu đám người từng khối nặng trịch đến áo mưa Mỹ cũng không chịu thấu. Tốp tôi có ba mạng, John Chế Mỹ kiều chính hiệu đi chưa nửa canh đã kêu gai đâm lê chân hết nổi nữa. Tôi ngó qua Loan ôi là lủng lẳng nhóc thứ, với chốc chốc chạy lui tới cho máy chạy rè rè trong bóng đêm. Thêm món ôm khư khư camera tránh bị ướt nữa.

đây anh mầy cõng cho… để qua bên nớ còn nhớ ông anh mầy…

Tới ‘palei’ Bạuh Bini thì đã quá khuya. Dọc đường đám người đụng vài đợt ba xe máy an ninh mặc áo chống xạ đi trinh sát, rồ ga tiếng to như giặc với đèn chiếu sáng quá ban ngày. Cham Sài Gòn bé gan đã núp khuất vào lùm cây mà còn run như nhái.

lo gì… làm bộ làm tịch thôi… mấy chả ngán phóng xạ thấy bà… chạy vèo vài vòng qua loa cho có để chấm công…

Chúng tôi tạt vào một ngôi nhà hoang thay quần áo với nghỉ lấy hơi.

tranh thủ lẹ đi mấy đứa…

ừa… khéo không kịp…

đây có cô em nào bị gai đâm không… chớ nhóc này tưởng nhẹ cân mà nặng quá bao tải ấy… tui muốn gẫy lưng rồi nè…

Có vài tiếng cười khúc khích. Tôi quay lại, dưới ánh nến nhờ nhờ, một ánh mắt rất ngọt liếc qua tôi, che miệng cười.

nhỏ nhỏ thôi mấy đứa… chúng tó cả lũ bi giờ…

Tôi lại cho Mỹ con lên lưng. Chúng tôi đi. Không xé lẻ nữa mà nhập chung. Đến ‘palei’ Thon thì gà vừa gáy sáng. Có cả khối nhà hoang ở đó. Tha hồ mà chọn.

OK rồi…. mấy cô mấy cậu tha hồ ngủ lấy sức đi… mai mình lên tháp sớm…

Đám sinh linh Cham lăn ra ngủ trên nền gạch bông bụi bặm cùng bầy muỗi đói. Cả hộp nhang muỗi mấy cô mang theo được đốt lên chả thấm vào đâu. Những sinh linh kia cứ thoải mái thả giấc để mai còn lên với Pô. Tôi không tin Pô, không tin Allah hay thần thánh chi chi cả, nhưng tôi tin tháp. Lần đầu tiên trong đời tôi về với tháp.

Tôi không thể nhắm mắt được, dù thằng nhóc làm tôi ê cả lưng. Mai tôi lên tháp, nghĩ đến điều đó thôi cũng đủ làm tôi run lên. Nhất là trong hoàn cảnh oái ăm này.

Cô gái có ánh mắt rất ngọt đến ngồi cạnh tôi. Nàng cũng không ngủ được, có lẽ. 

tên em Mưlan…

mình Thuan…

em từ Pháp… về với ông anh…

em sợ quá…

ừ… một kiểu hành hương chả giống ai…

em biết anh là em ruột… anh T’maung…

ừ… may đoàn không chết ai như Mecca…

em nghe nói anh sẽ ở lại Panrang… sau chuyến này…

ừ…

anh biết hát bài Thei mai không…

không… mình biết chế bom…

Tôi nghe tiếng Mưlan cười.

anh Thuan ngủ đi…

Mưlan ngủ đi… mình canh muỗi cho…

buồn quá anh à…

trời sắp sáng rồi… mình ra ngó qua ‘palei’ đi anh…

nhưng em vui lắm…

Tôi và Mưlan đi ra. Tiếng gà rừng eo óc…

24-10-2022

Mặt trời vừa ló khỏi chân trời, chúng tôi đã khăn gói lên đường. Vẫn nhóc Mỹ con trên lưng tôi, nó đòi đi bằng cái chân cà nhắc, nhưng tôi thôi… anh mầy đèo cho nhanh… để còn kịp… Mưlan đi bên cạnh tôi suốt chặng đường. Tôi không ngờ sinh linh Cham tụ về đông như thế. Gần như cả khối người mắc kẹt ở chốt Cà Ná đều qua đây được. Không hiểu. Nhưng vui. Mưlan cũng rất vui. Tôi đã xưng anh với nàng.

Có cả đám an ninh với chục xe bốn bánh lẫn mô-tô nữa. Dĩ nhiên họ mặc áo chống xạ, Cham thì miễn. Mưlan dân Tây với cả cánh Chàm kiều nữa cũng khỏi. Lạ, chúng không làm khó dễ Cham, còn nhiệt tình chạy lên xuống giữ an ninh trật tự.

Mặt trời quá cây sào thì mọi người đã tề tựu trên đồi tháp. Đủ màu áo. Tiếng nói và nụ cười. Điệu múa và tiếng hát. Mưlan hòa với mọi người, cũng múa hát. Chốc chốc nàng tìm ánh mắt tôi. Tôi nghe thèm múa và hát quá. Tôi không biết tí ti gì cả, nhưng vui.

Tôi thấy Mưlan cúi rạp người lạy ba lạy. Rồi hay tay chấp lại vẫn để trên đầu, nàng quỳ ngồi trên gót chân, nói gì đó, mắt nhắm lại. Tôi thấy nàng đẹp một cách linh thánh. Nàng đứng dậy và ngoắc tôi. Tôi đến đứng bên cửa tháp, cạnh nàng.

buộc như thế này nè anh… thôi để em buộc cho…

lạy như mọi người đi anh…

Tôi tiến tới, và quỳ xuống, lạy.

mình tìm góc nào ngồi nhé…

Chúng tôi trải áo mưa ngồi dưới bóng cây góc phía tây tháp. Tôi muốn chết quá. Mưlan múa đẹp lắm…

Mưlan cười. Nàng bày bánh trái ra tấm khăn bàn nhỏ. Học đâu thế…

Nàng cười. Em có nụ cười đẹp lắm…

anh hát đi…

mẹ không dạy hát… bố dượng thì không cho hát…

em hát cho anh nghe nhé… Nàng hát.

Thei mai mưng deh thei o
Drơh phik kuw lo yaum sa urang
Caik tian mưng xit tơl praung
Bbuk pauh di raung hu ka urang
Caik tian mưng xit đih đang
Hu ka urang wan lo lingik
Ai về từ ấy ai kia
Giống người ta yêu, riêng chỉ một người

Để lòng từ nhỏ đến lớn

Tóc vỗ bờ vai lại được cho người
Để lòng từ còn nằm ngửa
Rồi được cho người, oan lắm trời ơi
Tôi muốn khóc quá.

Tôi chép lại lời bình của cei Sara tôi sưu tầm được.

Đấy là thân phận tình yêu thuở ban đầu, là nỗi hoài nhớ giấu kín nơi mọi con người. Chúng ta ai mà chẳng một lần yêu đương và mơ mộng, cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.

Trong cái trinh tân, thanh thoát và vô tội của tâm tuổi trẻ, chúng ta những tưởng đó phải là tình yêu duy nhất “yaum sa urang”, cuộc tình đầu tiên “caik tian mưng xit” và cuối cùng. Rồi ngày qua, tháng qua… chúng ta trở thành người lớn, chúng ta cũng đã vội quên đi nỗi hoài nhớ với tiếng kêu oan này khi chúng ta có vợ con, khi chúng ta ngập đầu trong những lo toan thường nhật. Nhưng thật bất ngờ và khôn lường, một giây phút chểnh mảng mơ màng, như từ cõi miền thẳm sâu của vô thức, tiếng kêu oan ấy, trên bờ môi ta, vỡ ra và vọt lên làm lạnh cả bầu trời ‘Hu ka urang, wan lo lingik’.

Khác với lục bát Việt Nam, ariya Cham gieo cả ở vần bằng lẫn trắc. Và thanh trắc ở cuối bài ca dao mang ở tự thân vừa cái vang ra và cái dội lại. Vang ra cõi vô tận và dội vào thành tim ta. Vang ra tương lai xa xăm và dội vào quá khứ mịt mù.

Lời kêu oan này, qua làn điệu lâm li ai oán này trong những đêm khuya tĩnh lặng nơi thôn trang, chúng ta như vừa hội ngộ định mệnh chúng ta đồng lúc bắt gặp linh hồn người thiên cổ. Từ ngàn năm trước, ông bà ta đã hát như thế: “Thei mai mưng dei thei o”. Ngày nay, chúng ta cũng hát như vậy. Và có lẽ ngàn năm sau, con cháu ta cũng sẽ lặp lại ý thơ, dòng nhạc đó. Dù thời cuộc có đổi thay, dù thế hệ mai sau có quên đi cội nguồn, tiết tấu của bài dân ca ấy vẫn như một sợi chỉ định mệnh xuyên suốt xâu chuỗi dân tộc - quá khứ - hiện tại - tương lai. Mãi mãi không dứt.

Tôi hứa với lòng sẽ in ra và kí tặng nàng. Nhưng làm sao?

Lễ vãn khi mặt trời còn chưa tới đỉnh đầu. Chúng tôi theo mọi người đi xuống đồi tháp. Nhóm sinh linh Cham tối qua sẽ cuốc bộ ngược lên sông Cái theo đường mương Nhật. Xe đang chờ ở đó, để đưa họ lên Đà Lạt rồi về Sài Gòn. Tôi sẽ tạt vào Hamu Tanran, một mình. Bác Kwơk đang đợi, cùng với chiếc Bonus giấu từ tháng trước.

khi nào anh về Sài Gòn…

anh không biết nữa…

về tới… anh phone cho em ngay nhé…

Hai chiếc xe an ninh rú ga chạy tới. Chúng chậm lại.

tối nay về Đà Lạt ngủ thôi…

Chúng rồ ga. Ấy… cho Mỹ con này quá giang với…

Một chiếc dừng. Tôi nắm chặt tay John Chế rồi vỗ vỗ vai nó.

anh Thuan kajap karo po pajiơng nhưk “bình an”

Đến ngả quẹo qua ‘palei’ Padra, tôi và Mưlan tụt lại phía sau. Cả hai dừng lại. Nàng đưa cho tôi cuốn sổ nhỏ ghi số của nàng. Rồi chiếc khăn tay. Tôi cầm lấy. Nàng nhìn thật lâu vào mắt tôi. Tôi nhìn lại, rồi nhìn tránh mắt nàng. Tôi thèm khóc quá.

nhớ phone anh nhé…

Ông anh Mưlan đi trở lại bắt tay tôi.

mình đi em… để anh Thuan còn về…

Không ngoái lại, tôi bước nhanh vào lối mòn về ‘palei’ Hamu Tanran. Mưa Kate bắt đầu trút xuống.


25-10-2022

Bác Kwơk ra mở cổng. Bác và bác Lâm Mạnh là bạn học cũ của cha. Họ không chịu dời đi, ở lại với mẹ già. Bên an ninh cũng chịu.

Mấy con gà mẹ với lũ con đang mổ một con mồi ngoài sân, chốc chốc chạy núp dưới mái hiên bên cạnh. Mưa đã ngớt.

chiều ni phải làm một con chiêu đãi cậu…

cái thằng giống cha như đúc ấy…

trển năm nay sao con… già này cẳng chân yếu rồi không đi đâu được…

dạ đông vui bà ạ…

Bà lão ngước lên nhìn tôi rồi, cúi lượm mấy hạt gạo bị mọt khỏi rá. Tôi trờ đến với bà.

cứ để đấy cho bà con…

năm nay họ con nghe làm mạnh tay đó bác…

cả trăm người trốn về Chakleng mà…

dạ…

Tôi nói con vào làng xíu rồi bước ra cổng. Lác đác vài căn nhà bốc lên khói nấu cơm chiều. Có vài sinh linh sống trong đó, lầm lũi di động như bóng ma. Thấy bóng tôi, họ biến nhanh vào nhà. Tôi bước vào cổng, nửa chừng, dừng lại, quay đi. Ở đây không ai biết tôi. Hàng rào thành một khuôn viên nhà khá sang trọng bị đổ nguyên dãy, ba ngôi nhà cửa đóng kín mít, ba bốn thứ dây leo tôi không biết tên bò phủ khắp mái ngói xõa tàn lá xuống tận nền biến ngôi nhà trông như một quả đồi nhỏ. Tôi đi vào hành lang xám tối ẩm mùi mốc. Ngôi nhà ma. Tôi nghe rờn rợn.

Có ngôi nhà còn sống cho tôi ghé vào hỏi thăm không? Tôi đi loanh quanh loanh quanh. Hầu hết cánh cửa đóng im ỉm, có khi khóa chỉ là những vòng dây, như để giấu kín một bí mật nào đó của đời người. Cham còn hi vọng ngày nào đó trở về chăng?

Đến đầu đường đất cuối xóm, ba con chó hoang từ đâu xấn tới sủa ỏm tỏi. Tôi liệng chúng chạy đi. Tôi quành vào một con hẻm nhỏ theo rìa làng, lũ heo con thấy tôi lủi nhanh vào ngôi nhà hoang. Làng như thể làng chết. Hamu Tanran là làng lớn nhất Cham, và được xem là trung tâm sinh hoạt văn hóa xã hội Cham mấy chục năm qua, nay đã chết. Chỉ còn thoi thóp qua hơi thở của vài sinh linh già nua, ốm yếu.

Mưa đã tạnh hẳn. Tôi đến ngồi lên thành cầu bên mương Nhật nhìn dòng nước đục ngầu xiết vào bờ đá. Tôi nghe nhớ Mưlan, thứ nhớ rất kì lạ tôi chưa từng biết đến. Tôi nhớ ánh mắt nàng, nụ cười trên đôi môi của nàng, tiếng hát của nàng, mái tóc xõa dài tỏa mùi nước hoa của nàng. Rồi tôi không còn nhớ gì nữa. Tôi nghe nước mắt chảy lăn xuống mép nghe mằn mặn. Tôi biết mình đang khóc. Và khóc thành tiếng. Tôi gục mặt lên thành cầu. Tiếng cá quẫy nước làm tôi tỉnh lại. Mặt trời đỏ như quả cầu lửa từ từ lặn sau Núi Đen. Tôi quyết định quay về ăn bữa cơm chiều.

mai cháu xuống Chakleng sớm… con sẽ không quên bình xăng đâu…

8

Tối nay, tôi lên sân thượng nhà mẹ, nằm, nhìn lên trời. Trăng sáng vằng vặc. Sao hôm, sao Bắc đẩu, sao chòm… từ từ dịch chuyển trên nền trời xanh trong. Chúng vẫn sống, như triệu triệu năm trước. Sống, như thời thơ bé tôi đã thấy chúng sống. Chỉ có mặt đất đang chết, hôm nay, cùng với quê nhà tôi đang chết. Bên cạnh nhà mẹ là nhà dì Mơi, ba căn bỏ hoang cả ba. Bên kia nữa là nhà bà Nóc - bà mất tám năm trước, thọ non trăm tuổi - cũng hoang nốt. Phải đến khuôn rào thứ ba mới có ánh đèn. Già Kwat đang “sống” ở đó với gia đình ba cụ già. 

‘Palei’ tối nay vắng lặng lạ thường. Tôi nhìn đồng hồ tay, mới tám giờ tối. Vài tiếng chó hoang tru ma nơi xa xa. Gần hơn, tiếng muôn trùng. Tôi thử định tâm để nhận biết từng loại trong số chúng, nhưng không thể. Tôi thèm nghe tiếng người. Khắp xung quanh không một tiếng động con người. Chỉ cần vài mươi bước là tôi có thể qua “nhà” hàng xóm tán gẫu, nhưng không. Tôi thèm cuộc cãi vã chiều nay. Để bớt đi nỗi cô độc đang đè nặng. Dẫu sao nó còn mang dáng dấp đời sống, còn lúc này – không. Tôi nhỏ bé cô độc trong lòng khí quyển chết chóc. ‘palei’ Chakleng đang chết. Những sinh thể nhiễm xạ kia đang mang cái chết trong thịt xương mình. Năm ngoái Tổ chức Y tế Thế giới đi xe vào vùng cấm phát áo chống nhiễm xạ, họ nhận, nhưng ngoài Sam - không ai chịu mang nó cả. Vô ích! Họ muốn chết. Cả tôi, quá lục thập rồi, tôi cũng không thiết sống nữa.

Không phải. Chúng tôi vẫn ham sống, nhưng không phải sống trong vỏ bọc của loại áo nặng trịch kia, mà là làm một với quê hương giữa trời đất. Nhưng không thể. Sinh thể mang tên con người không là gì cả giữa vô vàn biến thiên vô tình kia.

Tôi đứng dậy đi về góc sân thượng, quan sát khuôn viên ngôi nhà tuổi thơ tôi. Cất ngôi nhà này, dù cha từng suy gẫm đạo vô thường của trời đất, chắc chắn cha không tưởng tượng nổi nó sẽ chết, như đêm nay nó đang chết. Chỉ bởi tham vọng ngông cuồng của con người. Ngôi nhà, phải sau mười bảy năm định cư Chakleng cha mới dựng nên nổi. Ruộng rẽ trâu thuê, với cha, đó là kì tích. Đêm nay nó đang chết. Chết với ‘palei’ Chakleng ngàn năm văn vật. Chết với tháp Po Rome, tháp Po Klaung Girai. Trên miền đất Pandurangga này, sẽ không còn Katê, không còn ai đi ‘Ghur’ tảo mộ, hết còn lễ nhập ‘Kut’, hết tất tần tật lễ Rija với các điệu múa Biyen, Tiaung, Mưmang, Mrai… hết tất cả. Tôi thấy một nền văn minh đang chết. Nó đang thở hơi thở cuối cùng ở chính nơi nó sinh ra đời. Và tôi, T’maung, già Kwat, Mai, Halang cùng vài trăm sinh thể ở lại đang chết với nó.

Sao Bắc đẩu đã chếch đi nhiều. Sao chòm có vẻ sáng hơn. Ngoài đồng trống, tôi thấy mấy chú hươu đùa giỡn dưới trăng, một thôi rồi chúng chạy đi mất về miệt Phú Quý. Tôi chờ chúng quay lại nhưng vô ích. Tôi nghe tiếng cổng mở. Bóng Halang hiện rõ dưới ánh trăng. Nàng vẫn đẹp thiên thần, ý nghĩ chạy thoáng qua đầu tôi.

- Cháu lên đây, - tôi nói.

Halang mang theo ấm trà. Tôi đi xuống, đỡ nàng lên. Nàng mong manh như lá.

Halang rót trà vào hai chén. Chúng tôi ngồi trên chiếc chiếu cũ, lặng lẽ uống trà và nhìn vào trời trăng. Chỗ lũ hươu biến mất, hai con đỏ vừa xuất hiện. Chúng ngơ ngáo nhìn quanh một hồi rồi chạy về phía ‘palei’ Bal Caung. Người Cham quan niệm đỏ vào ‘palei’ là điềm xấu, cần làm lễ tẩy uế làng. Sau bóng hai chú đỏ bỏ lại là lũ chó, không phải sói, mà là chó nhà thành hoang. Năm con cả thảy. Con to nhất không nhập bầy mà đứng lại, tru. Tiếng tru dội về phía chúng tôi, khá to và kéo dài.

- Cháu chưa nhìn thấy chó tru bao giờ, - Halang nói.

- Nhiều loài thú hoang cháu à... chúng sinh sôi nhanh… sắp tới sẽ có nhiều đoàn tham quan đến đây… Cham mình cũng thành một đối tượng...

Tôi ngưng. Tôi biết Halang hiểu, nen tôi không nói nữa. Halang chêm trà vào chén tôi. Rất lâu, Halang nói, giọng nhỏ như thể cho chính nàng nghe:

- Cháu có thai, cei Sara à.

Tôi biết, sớm hay muộn, tôi sẽ nhận được tin này. Tôi biết, tôi bất lực. Như mọi người bất lực. Như T’maung đã bất lực:

- Anh T’maung bảo cháu cần vào Sài Gòn…

Quyết thế, T’maung tự thú chương trình hầm thất bại. Hơn thế, là ông nội của thất bại - phá sản. Không thể triết lí rằng đó là sự thất bại đầy ý nghĩa. Không thể. Chúng tôi đang tự sát tập thể. Không để làm gì cả. Không phải viện cớ yêu đất đai tổ tiên mà chúng tôi ở lại. Nhiều người bỏ đi, không phải họ không yêu thiết tha, nhưng họ thực tế hơn. Họ đi để còn có cơ may trở lại, khi đất đã được rửa sạch – như chính phủ hứa. Còn chúng tôi, tất cả đang tự sát. Đất lành thì ở, đất lở thì đi – đây không còn là đất lở, mà là đất chết. Cả lũ chúng tôi đang rủ nhau tự sát. Không phải để tố cáo kẻ mang dự án đến vùng đất văn vật này, không phải, vì vô ích.

Vài tổ chức quốc tế đã cho chuyển thực phẩm sạch tới, chúng tôi xài chúng, và ăn luôn những gì chúng tôi tự trồng. Thậm vô ích. Ngày mai, chúng tôi sẽ nhập một với lũ nai, hươu, bò rừng, chó hoang cùng vô số cây rừng bán sa mạc… cho khách tham quan.

- … mai sớm… với cei Sara, - Halang tiếp, giọng nhỏ hơn.

Halang cần tránh cho bào thai nhiễm xạ. Có thể không? Nàng đã từ chối bộ áo chống xạ, cả từ chối đoàn kiểm tra đo độ nhiễm xạ.

- Anh T’maung bảo cháu ở lại nhà cha mẹ…

Tôi không nói gì. Tôi không có gì để nói.

- Nhưng cháu sẽ trở lại, - một lát sau, Halang nói.

 

Khởi viết tại Đồi Thơm Sao Việt, TP Tuy Hòa, 15-4-2012

Fukushima, Orchid Island Taiwan, 2019

Xong tại Chakleng, 20-9-2023.

 

TCHERFUNITH - NHÂN VẬT

 

  1. Nhân vật chính và các mối quan hệ

Mai Văn Kuan, hay Thằng Hoang

Ông Pỏn: cha Mai Văn Kuan

Bà Mơi: mẹ Mai Văn Kuan

Anh Cả: anh Mai Văn Kuan

Jung: em trai Mai Văn Kuan

Ông Klơng: ông họ Mai Văn Kuan

M’Nhơ: cháu gái ông Pỏn

4 người vợ + 1 người yêu của Mai Văn Kuan, có:

[1] M’sa: con là T’maung tức Mai văn Chiêm, nhân vật chính

Phú Hoanh: cha M’sa, bà Vàng: mẹ M’sa

Halang: vợ T’maung

Ông Vam: cha Halang

[2] Bùi Lâm Thảo Dung, hay Thảo

Mai Xuân Quang, tức Mai: con của Mai Văn Kuan, vợ là Hân, có con gái là bé Nhã

Loan: thư kí, Xanh: nhân viên, và Tân: lái xe của Quang

[3] Mai Lan ở Gò Dầu – Tây Ninh, có con trai là Sam, con gái là Mỵ

[4] H’Mai, người Churu, có đứa con gái với Mai Văn Kuan

[5] Hải Yến, người yêu Quang, một Việt kiều ở Đức

 

  1. Các nhân vật khác

Abdul: nhân vật nam

Anh Bao: nhân vật nam

Bá Dĩ: người đi Fulro trốn thoát về Việt Nam

Cei Huynh: nhân vật nam

Cei Trăng: nhân vật nam

Chay Mala: nhân vật nam

Chế Khan: nhân vật, người được trích Sổ ghi

Chinh: nhân vật nam

Đ: trung đội trưởng Fulro Chàm

Giak: người chú họ Bá Dĩ ở Bàu Trúc

Hân: nhân vật nữ, phụ trách ‘Thang Halam’

Hòa: nhân vật nam

Huynh: nhân vật nam

Hùng: nhân vật nam, nhân viên an ninh

Jaman: sinh viên, người yêu là Nari

Kai [bác]: nhân vật nam

Khang: nhân vật, sinh viên

L: nhân vật nam

Lan: nhân vật nữ

Luật sư Tài: nhân vật, người đỡ đầu cho T’maung

Lưu Văn: nhân vật nam

M3, M4: nhân vật, công dân Hầm

M7, M9: nhân vật, sinh viên

May Yum: người nữ ở Campuchia

Min: nhân vật, hướng dẫn viên du lịch

Mưhuê: nhân vật nữ, ở làng Bicam, người yêu Chế Khan

My: nhân vật nữ chính trong chương “‘palei’ có gì lạ không em?”

Ông Đột: người thôn Palao Ba thuộc xã Vĩnh Trường, tỉnh An Giang

Ông Già Cát: nhân vật mang tính huyền thoại

Ông già Kwat: nhân vật lớn tuổi, công dân Hầm

Ông Than: người Cham chạy loạn lên Churu

Quân: nhân vật nam

Quỳnh: nhân vật nữ, tiếp tân nhà hàng

Sara hay Inrasara, Trạm, nhân vật “tôi”, cei sứ giả

Shito: nhân vật, triệu phú người Nhật

Tâm: nhân vật nam

Than Kôn: nhân vật, thầy pháp

Thằng Lung: nhân vật nam

Thuan: nhân vật, sinh viên, con rơi của Mai Văn Kuan

Thuman: nhân vật, sinh viên

Tiến sĩ M: nhân vật nam

Tùng: nhân vật nam

Twơn Phauw: trường ca cổ Cham

Xêh Thêu: học trò Than Kôn

 

Nick hay tên thật có tên trong tiểu thuyết thảo luận về Điện hạt nhân:

Palei Krong, Trà Vigia, Thành Công Hoàng, Thúy Diễm, Po Tao, Chế Linh, Chế Mỹ Lan, Lâm Gia Tân, Tiến sĩ Thành Đài, Nguyễn Văn Tỷ, Kiều Maily, Tiến sĩ Quang Cẩn.

 

Tên người

Amư Nhân: nhạc sĩ Cham

Baba Isao: nghị sĩ Namie, nông dân

Chế Linh: ca sĩ Cham

Đàng Thị Thanh Hương: Đại biểu Quốc hội Cham

Dương Tấn Ngọc: trưởng Trạm Thủy nông huyện Ninh Phước, Ninh Thuận

Dương Tấn Sở: thiếu tá quân đội Việt Nam Cộng hòa

Hiroaki Koide: Đại học Kyoto, Nhật Bản

Les Cosem: thủ lĩnh phong trào Fulro

Michiko Yoshii: giáo sư Đại học Okinawa

Naoko Sato: phóng viên báo The Tokyo Simbun

Ogihara Chiaki: phóng viên báo The Asahi Simbun

Ông Muhammad Yusoh: cháu năm đời của Dukam Hadj Ahmad, Ấp Châu Giang và ấp Phum Soài thuộc xã Châu Phong, An Giang

Quảng Văn Đủ: giám thị Trường Trung học An Phước

Sakurai Kunitoshi, Hiệu trưởng Đại học Okinawa 2004-2010

Sato Daisuke, Trưởng Ban No Nukes Asia Forum Japan

Shigeki Hiroe: phóng viên báo Kyodo News

Shimoji Teruaki, 72 tuổi, hướng dẫn viên du lịch hòa bình

Shimoji Teruaki: hướng dẫn viên du lịch hòa bình

Thành Phú Bá: Hiệu trưởng Trường Trung học An Phước

Thanh Tâm Tuyền: nhà thơ

Tomoko Shinjo: MC

Wakamatsu Jotaro: nhà thơ 

 

INDEX

 

akhar thrah: chữ Cham phổ thông

akhar: chữ

Amaravati: tên một khu vực lịch sử văn hóa Champa cổ

Ariya Bini - Cam: tên tác phẩm cổ điển Cham

Ariya Glơng Anak: trường ca cổ Cham 

Ariya Twơn Phauw: tên tác phẩm cổ điển Cham

aw dhai: áo dài Cham

Ba Tháp: tháp Cham, thế kỉ IX, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận

Bắc Ninh: tên tỉnh Việt Nam có dân ca Quan Họ được cho là xuất phát từ dân ca Cham

Ban Biên soạn sách chữ Chăm: cơ quan soạn sách giáo khoa chữ Cham - Ninh Thuận

Baranưng

Bicam: tên một làng Cham - Tánh Linh - Bình Thuận

Biến cố Lê Văn Khôi: biến cố lớn cuối cùng của lịch sử Champa 1833-1834

bimong: tháp

cakung: khung úp lên thi thể trong đám tang Cham Bà-la-môn

cei: chú

Cham Awal: Cham Bà-ni ở Pangdurangga

Cham Birau: Chàm Mới, ten gọi khác của Cham Islam

Chàm cổ hay Cham Hroi: dân tộc Cham ở Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa

Chamyouth.com: một trang mạng người trẻ Cham ở Mỹ

Chân dung Cát: tên tiểu thuyết Inrasara

Chí Tôn ca: kinh cổ Ấn Độ

Chiêm Thành hay Champa: tên vương quốc cổ

Chiên Đàn: tháp Cham ở Quảng Nam

Churu: dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Churu: tên tộc người dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng

ciet: giỏ đan bằng trẻ lát dùng đựng sách, bánh trái

Có 500 năm như thế: tên tác phẩm nghiên cứu của Hồ Trung Tú

Công ty Hương Trầm: một công ty của gia đình người Cham ở TP Hồ Chí Minh

Đá Chẻ hay Patuw Tablah: di tích thuộc làng Chung Mỹ - Ninh Thuận

Danauk Po Bin Thwơr: đền Chế Bồng Nga ở làng Bính Nghĩa - Ninh Thuận

Đàng Năng Quạ: một nhạc sĩ Cham

Đào Tiến Khoa, Tiến sĩ - Việt Nam

Đền Po Nưgar: thuộc làng Hữu Đức - Ninh Thuận

Dhaung Panan: tên làng Cham - Bình Thuận

Dôm bloh dôm kadok: một thành ngữ Cham, nghĩa là việc đã qua thì hãy cho qua

Dostoievski: văn hào Nga

Dục Lạc kinh: kinh cổ Ấn Độ

đwa karun: cảm ơn

Ghur: nghĩa trang tộc mẫu Cham Bà-ni

Giarai: dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Ginơng: trống đôi Cham

Gru Kalơng: thầy lễ Tẩy trần.

Hadj Hôsên: người ở Ấp Châu Giang, Phum Soài, xã Châu Phong, An Giang

Hàm Bộ: tác giả Tự ngôn

Hàng mã kí ức: tên tiểu thuyết của Inrasara 

“Hận Đồ Bàn”: tên một ca khúc của Xuân Tiên

Heidegger: triết gia Đức

Heleh: từ cuối trong một bài kệ

ikak: nghĩa đen: buộc; buộc bằng bùa chú.

Ikan Krwak (cá rô): ám chỉ phong trào Fulro

Inrasara.com: tên trang mạng của Inrasara

Java Kur: người Cham ở Khmer

jwa: hoang, vắng

Kabbon Muk Thruh Palei: gia huấn ca cổ Cham

Kabo Abe: nhà văn Nhật Bản

Kanh Cụ: chỉ người Cham lai Việt

Kate hay Katê: lễ lớn của người Cham Pangdurangga

Khánh Vinh: nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ “Apsara vũ nữ Chàm”

khơn mưthơm: khăn choàng tắm Cham

khơn: váy Cham

Khotiyah: người nữ Cham ở Cambodia

klaung: lọ bằng gốm hay đồng đựng 9 tinh cốt người Cham Bà-la-môn.

Kơho: dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Kơho: một tộc người thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng

Kompong Chàm: tên một tỉnh Cambodia

Kraung, hay Krong: khu vực thuộc huyện Tuy Phong - Bình Thuận

Krek: cây lim thần trong huyền thoại Cham

Kur, Miên: Khmer

Kura-ưn: kinh Coran

Kut Gađak: tên ‘Kut’ ở Chakleng

Kut: nghĩa trang tộc mẫu Cham Bà-la-môn

Lễ Tẩy trần tháng Tư: tên tập thơ của Inrasara

Liêu Thái: nhà thơ, người phỏng vấn Inrasara

Lingik tathik yang labang: thành ngữ Cham, nghĩa trời đất quỷ thần

Lương Sơn: một huyện thuộc Bình Thuận

Mondulkiri: tên một tỉnh Cambodia

Moussay [Gérard-]: linh mục sáng lập Trung tâm Văn hóa Chàm trước 1975

Mưdwơn: một chức sắc Cham

Muk Buh: một chức vụ trong đám tang Cham

Mụk: bà, phương ngữ

Mưkah: Mecca

mưtai bhaw: chết hoang, chết không lành theo quan niệm dân gian Cham

Mỹ Sơn: thánh địa Champa cổ

Nguyễn Khắc Nhẫn - Giáo sư, Pháp

Nguyễn Thị Thềm: được cho là công chúa cuối cùng của Champa

Nguyễn Văn Tỷ: một tác giả Cham

Nietzsche: triết gia Đức

Pabhan hay Vụ Bổn: tên một làng Cham - Ninh Thuận

pagrơk harơk’, tức là diệt cỏ bằng phương pháp “nhận” nước

Pajai hay Ma Lâm: tên một khu vực Cham thuộc Bình Thuận

palei: làng

Pangdurangga: khu vực gồm Ninh Thuận Thuận và Bình Thuận ngày nay

Panrang: Phan Rang

Parik hay Phan Rí: khu vực thuộc tỉnh Bình Thuận

patrip: một nghi thức sau đám tang Cham

Pauh Catwai: trường ca cổ Cham 

Paxeh: chức sắc Cham Bà-la-môn

Phạm Nguyên Quý - Tiến sĩ, Nhật Bản

Phan Minh Tuấn: Phó trưởng Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận

Phật Triết: đại sư Champa thế kỉ VII

Phùng Liên Đoàn, Tiến sĩ, Pháp

Phước Dinh: tên một xã người Việt - Ninh Thuận

Phước Hữu: tên một xã thuộc huyện Ninh Phước - Ninh Thuận

Po Bin Thwơr hay Chế Bồng Nga: vua Champa cổ

Po Cơng: vua Champa cổ

Po Klaung Girai, hay Pô Klong Girai: vua Champa cổ

Po Nai: công chúa Champa có linga thuộc núi Chà Bang - Ninh Thuận

Po Rome: vua Champa cổ

Po Yang: thần Yang

Pôn Pôt: thủ lĩnh Khmer Đỏ

Puk: xóm

Quán Thẻ: tên một khu vực thuộc huyện Thuận Nam - Ninh Thuận

Raglai: tên tộc người thiểu số ở Ninh Thuận

siep: khăn Cham

Sông Lu: tên một con sông thuộc Chakleng

Sự cố Kiều Minh Vũ: vụ một thanh niên Cham bị đâm chết ở Ninh Thuận năm 2006.

Sử Văn Ngọc: nhà nghiên cứu Cham

Surao: nhà chùa nhỏ

Tạ Chí Đại Trường: sử gia

Tagalau: Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu văn hóa Cham

Tak Kayuw: một nghi thức trong đám tang Cham Bà-la-môn

takai akhar thrah: dấu chân chữ truyền thống Cham

talơh khan aw: nghi thức trong đám cưới Cham

Tày: dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Thak Wa: tên một người [cuộc] khởi nghĩa - đầu thế kỉ XIX

Thang Halam: một dạng nhà cổ Cham

Tháp nắng: tên tập thơ của Inrasara 

Thục Quyên - Tiến sĩ, Đức

thuk siam: tốt lành

Trần Văn Bình - Tiến sĩ, Đức

Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm: ở Phan Rang sau 1990

Trung tâm Văn hóa Chàm: ở Phan Rang do Cha Moussay thành lập trước 1975

Trường Trung học An Phước: trường dành cho Cham ở Ninh Thuận trước 1975

Trường Trung học Pô-Klong: tên mới của Trường An Phước

Tư Lũy: biệt danh thần đèn

Twơn Phauw: tên một người [cuộc] khởi nghĩa - đầu thế kỉ XIX

Vijaya hay Đồ Bàn: thủ đô Champa cổ

Xakawi: lịch Cham

xalam: chào

xeh: học trò, đồ đệ

yaung: giúp, ăn chực

Yuôn hay Ywơn, Kinh: người Việt

 

Các làng Cham ở Ninh Thuận có tên trong tiểu thuyết

Thành Tín Cwah Patih, Tuấn Tú Katuh, Nghĩa Lập Ia Li-u & Ia Binguk, Văn Lâm Rơm, Nho Lâm Ram Kia, Hiếu Thiện Palau, Vụ Bổn Pabhan, Chung Mỹ Bal Caung, Mỹ Nghiệp Caklaing hay Chakleng, Bàu Trúc Hamu Crauk, Hữu Đức Hamu Tanran, Hậu Sanh Thon, Như Bình Padra, Hoài Trung Bauh Bini, Chất Thường Bauh Dana, Hiếu Lễ Cauk, Phước Đồng Bblang Kacak, Phú Nhuận Bauh Dơng, Thành Ý Tabơng, An Nhơn Pabblap, Phước Nhơn Pabblap Biruw, Bính Nghĩa Bal Riya, Lương Tri Cang.

 

Các địa danh khác

Làng Thái An, Vĩnh Trường, Tri Thủy, Sơn Hải, Phú Quý, Hòa Thủy

Canar hay Tịnh Mỹ: tên thủ đô cũ Champa thuộc Bình Thuận

Núi Chà Bang: tên núi thuộc huyện Ninh Phước - Ninh Thuận

Thị xã Châu Đốc: thị xã tập trung nhiều người Cham Islam ở An Giang

Thị xã Chợ Lầu: địa danh thuộc huyện Bắc Bình - Bình Thuận

Crauh Tang hay Nông Tang: địa danh cũ thuộc Bình Thuận

Làng Jawi: làng cũ của người Churu - Lâm Đồng

Kunhuk: làng người Raglai ở Ninh Thuận.

Nam Kương: đồi cát ở Ninh Chữ, Ninh Thuận

Xuân Quang và Xuân Hội: tên hai làng Kanh Cụ thuộc Bình Thuận