Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (29)

Đông Ngàn Đỗ Đức


HỌA SĨ ĐỨC HÒA

Họa sĩ Đức Hoà là con trai họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp.

Năm đầu, khóa học 1966 về Yết Kiêu tôi đã tìm đến thầy Hợp. Vì hồi học trung cấp ở Việt Bắc, thầy Tấn Hoài Trần Quốc Tiến nói với tôi: Giảng viên trường Yết Kiêu có ông Hợp vẽ đen trắng hay nhất. Tôi vẽ mực nho nên rất quan tâm đến đen trắng nên có ý tìm sư phụ.

Vừa đến trường được mấy hôm, tôi đã mon men tìm thầy Hợp ngay. Và lần đến nhà ấy gặp luôn Đức Hoà con trai thầy. Hoà chưa đến 20 tuổi, cặp mắt sáng, hiền hậu. Thấy khách của bố thì chào và gọi tôi bằng chú. Chắc lúc ấy trông tôi già lắm. Vẫn thời bao cấp đói rụng răng!

Lúc ấy Hoà đã xong trung cấp, vào học hệ đại học. Anh đã nổi tiếng với những tranh màu bột gam xanh đẹp như ngọc. Được biết Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tập một số tranh đó. Lơ ngơ ở núi về, qua tranh đã thấy Hoà như thần tượng để bám đuổi.

Rồi Hoà lặng lẽ ra trường về làm việc tại Vụ Mỹ thuật Bộ Văn hóa. Một thời gian sau Hoà được đi thực tập sinh ở Pháp 18 tháng. Nhoáng cái lại nghe thấy Hoà về dạy tại Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Những năm ấy tôi thi thoảng gặp Hoà khi anh từ Sài Gòn ra, có lần đến thăm tôi. Đến chơi đôi lúc anh nói về những chuyến một mình khoác ba lô lặng lẽ đến các địa danh xa lắc xa lơ vùng biên ải như Mường Tè, Bản Giốc, Pác Bó, những nơi xa xôi tôi đã từng đến trong những chuyến công tác nhưng chỉ đến xã huyện, còn Hòa lần mò sâu hơn vào thôn bản. Có lần anh đến một địa điểm xã Kí Phú phía Nam Đại Từ, Thái Nguyên trên vùng đất trú quán của gia đình tôi, chỉ để xem thực địa và chụp ảnh tư liệu để vẽ một cuốn tranh truyện trong bộ truyện lịch sử Việt Nam bằng tranh mà Nhà xuất bản Trẻ đặt hàng. Nói chung Hoà là người chịu đi. Đi lầm lũi của chất người khám phá. Lại nhớ năm trước đi Lai Châu qua suối Bản Bo gặp bãi đá nhiều hòn bị lũ mài mòn như quả trứng, hòn vài lạng, hòn nặng cả cân. Hoà hỏi, ghi địa chỉ, bảo: Lần này về em sẽ tìm lên bản Bo! Hòa là thế, ham hiểu viết thích khám phá, Với anh tư liệu cuộc sống như là món ăn đồ uống hàng ngày để giải tỏa cơn khát kiến thức, nên chẳng có khảo sát tìm hiểu nào là thừa với anh. Bất chợt tôi lại nhớ đã đọc ở đâu đó, tuổi trẻ Tư Mã Thiên cũng từng là người lang thang thực địa như thế và sau đó để lại cho nhân loại tác phẩm Sử kí vĩ đại!

Sau nhiều năm lăn lộn Hoà kết luận chắc nịch với tôi: Giấy điệp chính xác là sản phẩm phát minh của người Việt anh ạ. Em đã khảo sát từ Trung Quốc đến cả vùng Đông Nam Á, không nơi nào có. Tôi tin anh đã có đủ tư liệu gốc để khẳng định. Với đồ họa anh có nhiều nỗi niềm suy nghĩ. Anh cũng khắc gỗ, chất liệu mà thầy Hợp bố anh ngày trước từng làm rất nhiều. Nhìn tranh biết là tay kĩ thuật không vừa. Anh giỏi khắc chi tiết và đi những nét dẻo như vẽ tay, có những tranh khắc đẹp hoàn hảo về đề tài nông thôn. Tôi đã có lần được xem mấy tranh.

Nhưng anh ưu tiên dành thời gian cho đọc và nghiên cứu nhiều hơn cả. Là người đọc và chịu ghi chép, rồi nhiều năm đứng trên bục giảng trường đại học (trong đó có Đại học Sân khấu), Hoà là người thầy luôn cẩn trọng kĩ lưỡng tư liệu, bài viết và trong giáo án.

Hai lần đổi vị trí làm việc tại Cục Mỹ thuật, rồi trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Hòa đã bước ra khỏi biên chế, làm việc tự do. Sau này khi đã nghỉ hưu tôi mới càng hiểu, với nghề vẽ và nghiên cứu rút chân ra khỏi cái gông biên chế là tốt biết mấy cho những ai có nghề vững chãi, ham việc. Cái nghề rất cần sự yên tĩnh và cần nhiều thời gian…

Trong tất cả những nhà phê bình nghệ thuật thì tôi tin có Hoà là số một về sự chính xác trong tư liệu! Chính vì thế mà khi viết về những triển lãm toàn quốc đầu tiên và các triển lãm tiếp theo do Vụ Mỹ thuật đặt hàng, anh luôn yêu cầu hợp đồng chặt chẽ, tiền nong rõ ràng mới viết. Rất chuyên nghiệp. Tôi đã từng xem tư liệu thống kê của anh đến từng tác giả tác phẩm chi tiết tỉ mỉ đến ngạc nhiên! Có lần hai anh em trao đổi về tranh lụa, nguồn gốc và sự phát triển... không nhớ tôi đã nói gì mà Hoà đã nghiêm giọng nhìn thẳng mặt tôi: Một tuần nữa em sẽ có đủ tư liệu chúng minh cho anh tâm phục khẩu phục là nguồn gốc tranh lụa xuất phát từ Trung Hoa!

Hoà là người chịu đọc và có trí nhớ tốt. Còn nhớ một lần cùng đi thực tế Tây Bắc với Hoà trong đoàn của Hội Mỹ thuật Việt Nam, anh đã nói với cả nhóm họa sĩ về lịch sử vùng đất này hơn cả một nhà sử học, về biến thiên niên đại, các nhân vật lịch sử, các tù trưởng và vua nước Lạng Xạn, những trận đánh nổi tiếng... Lần ấy tôi thực sự kinh ngạc về trí nhớ và đặc biệt và lòng yêu thích lịch sử đất nước trong anh. Nó vô bờ bến và không có điểm dừng.

Hoà thường viết những bài nghiên cứu ngắn nhưng sâu. Nhưng anh là người cẩn trọng từng chi tiết, đôi lúc có phần cứng nhắc đến cực đoan. Đó cũng là một thói quen khoa học của mỗi người làm nghiên cứu. Khi cực đoan là rất tự tin về sự chính xác những dữ liệu mình đã nắm được. Nhưng bài viết nào dù ngắn hay dài đã in đâu đó của Hòa thì tôi đều cố gắng tìm đọc. Với tôi Hoà có khối kiến thức thuộc loại đồ sộ và đáng tin nhất trong giới. Anh là người sống có kỉ luật và nghiêm khắc với bản thân. Tôi nhớ có một lần đến nghe hội thảo ở Hội, tan buổi thì đã gần 12 giờ trưa, tôi rủ anh sang phố Bà Triệu ăn cơm. Lúc chuẩn bị ăn, tôi bảo để anh trả tiền thì Hoà dứt khoát: Không! Em trả tiền phần em. Ban nãy anh rủ em đi ăn chứ có nói mời em đâu!

Biết thói quen độc lập rất khó can thiệp tôi thuận luôn. Không hiểu sao một chuyện nhỏ đến gần bốn mươi năm mà mỗi lần nhớ đến Hoà lại hiện ra nó thân thương gần gũi một cách khác thường.

Bệnh viện Hữu Nghị, 13/7/2023!