Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Một truyện kỳ ảo của Jorge Luis Borges

Jorge Luis Borges

Liễu Trương dịch

Jorge Luis Borges (1899-1986) là một nhà thơ, nhà văn Argentina và là một học giả uyên bác. Những tác phẩm của ông, đặc biệt những biên khảo và truyện ngắn kỳ ảo đã đi vào văn học của thế kỷ 20. Trong các truyện của Borges, ranh giới giữa hư cấu  và hiện thực lắm khi lu mờ.

Năm 1955, Borges giữ chức Giám đốc Thư viện Quốc gia, đồng thời ông là giáo sư Đại học Văn khoa ở Buenos Aires. Borges bị một chứng bệnh di truyền khiến ông dần dần mù mắt và mù hẳn năm 1955.

Giới phê bình văn học chỉ khám phá Borges năm 1950, và đầu những năm 1960 ông được thế giới nhìn nhận là một nhà văn lớn. Borges nhận được nhiều giải thưởng:

Năm 1961: Giải Quốc tế của các Nhà Xuất bản, nhận chung với Samuel Beckett, và Giải Cervantes.

Năm 1979: Giải Ngôn ngữ Pháp của Hàn Lâm Viện Pháp.

Năm 1980: Giải Balzan và Giải Toàn Cầu Cino–Del-Duca.

Sau đây là một truyện kỳ ảo với chủ đề kẻ song trùng được Jorge Luis Borges sáng tác vài năm trước khi ông mất.

Liễu Trương dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Pierre Bernès,

© Maria Kodama Borges, 1993, và Nxb Gallimard, 1993.

Trích từ cuốn Le Double của Nhóm Catherine Couvreur, Alain Fine, Annick Le Guen, Nxb Presses Universitaires de France, 1995.

 

NGÀY 25 THÁNG 8 NĂM 1983

 

Trên đồng hồ nhà ga nhỏ tôi thấy đã hơn 11 giờ đêm. Tôi đi về khách sạn. Cũng như vào những dịp khác, tôi cảm thấy những nơi chốn rất quen thuộc gây cho mình sự chấp nhận và sự thanh thản. Cái cửa chính được để mở và toà nhà chìm trong bóng tối. Tôi đi vào tiền sảnh nơi những tấm gương nhợt nhạt phản chiếu những chậu cây ở phòng khách. Một cách kỳ lạ, người chủ khách sạn không nhận ra tôi và ông ta đưa cuốn sổ cho tôi. Tôi lấy cây bút được gắn vào bàn viết, chấm vào bình mực bằng đồng thanh và khi tôi cúi xuống cuốn sổ được mở ra thì xảy ra sự bất ngờ đầu tiên trong nhiều bất ngờ mà cái đêm nay sẽ đem lại cho tôi. Tên tôi, Jorge-Luis Borges, đã được viết sẵn, và mực chưa ráo.

Người chủ khách sạn nói với tôi:

– “Tôi tưởng ông đã lên phòng rồi chứ.”

Rồi ông ta chăm chú quan sát tôi và nói tiếp:

– “Xin lỗi ông. Bởi vì người kia giống ông quá, nhưng ông, ông trẻ hơn.”

Tôi hỏi:

– “Người đó ở phòng số mấy?”

– “Ông ta đòi phòng số 19”, đó là câu trả lời.

– “Chính là điều tôi lo ngại.”

Tôi đặt ngòi bút xuống và chạy lên cầu thang. Phòng số 19 ở tầng hai và nó mở ra một cái sân tồi tàn, đổ nát, nơi đó có một cái lan can và – tôi nhớ – một cái ghế dài. Đó là cái phòng cao nhất của khách sạn. Tôi mở cái cửa đóng hờ. Người ta không tắt chùm đèn. Dưới cái ánh sáng tàn nhẫn tôi nhận ra tôi: Tôi đấy, quay lưng ra, trên một cái giường sắt hẹp, tôi già hơn, mệt mỏi và rất xanh xao, đôi mắt lạc lõng nhìn lên phía các đường chỉ bằng thạch cao. Tiếng nói vang đến tôi. Đích xác không phải là tiếng tôi, đó là tiếng nói mà tôi vẫn nghe trong những cuốn băng ghi âm tôi, một tiếng nói tầm thường và không có chút gì là hấp dẫn.

– “Lạ thay” – tiếng nói vang lên – “chúng ta là hai và chúng ta chỉ là một. Nhưng, thật ra, không có gì là kỳ lạ trong những giấc mơ.”

Tôi kinh hãi hỏi:

– “Vậy là, tất cả chuyện này là một giấc mơ?”

– “Đó là giấc mơ cuối cùng của tôi, tôi chắc như thế.”

Với bàn tay người đó chỉ tôi một cái lọ trống không trên chiếc bàn đá hoa cạnh giường.

– “Tuy nhiên bạn sẽ phải nằm mơ rất nhiều, trước khi đạt tới cái đêm này. Hôm nay là ngày nào đối với bạn?”

– “Tôi không biết rõ”, tôi trả lời, choáng váng, tôi chỉ biết rằng hôm qua tôi được sáu mươi mốt tuổi.

– “Khi chứng mất ngủ của bạn đạt tới cái đêm này, thì bạn đã được tám mươi bốn tuổi hôm qua. Hôm nay là ngày 25 tháng 8 năm 1983.”

– “Vậy tôi phải chờ nhiều năm nữa”, tôi thì thầm.

– “Giờ đây, không còn gì là của tôi”, người đó nói một cách thô bạo. “Tôi có thể chết bất cứ lúc nào, tôi có thể lạc lõng trong những cái mà tôi không biết và tôi tiếp tục mơ đến kẻ song trùng của tôi, cái chủ đề nhàm chán đó mà những tấm gương và Stevenson[1] đưa đến cho tôi.”

Tôi cảm thấy việc gợi tên của Stevenson là một cách vĩnh biệt chứ không phải là cách tỏ ra thông thái rởm. Tôi là người đó và tôi hiểu. Những giây phút bi thảm nhất không thể đủ để người ta thành Shakespeare hoặc để người ta rơi vào những câu nói đáng ghi nhớ. Tôi nói để giải khuây ông ta:

– “Tôi biết rằng điều đó sẽ xảy tới cho ông. Ngay ở đây, cách đây nhiều năm, trong một những căn phòng dưới kia, chúng ta đã phác thảo tờ giấy nháp của chuyện tự sát này.”

– “Đúng”, ông ta chậm rãi trả lời, tưởng như ông ta tập hợp những kỷ niệm. “Nhưng tôi không thấy sự liên hệ. Trong cái giấy nháp, tôi có lấy một vé đi đến Androgué, và, khi đến khách sạn Las Delicias, tôi lên phòng số 19, cái phòng xa nhất. Chính ở đấy tôi đã tự sát.”

– “Chính vì lý do đó mà tôi có mặt ở đây”, tôi nói với ông ta.

– “Ở đây? Nhưng chúng ta luôn luôn ở đây mà. Chính từ nơi này tôi đã nằm mơ đến bạn, trong cái nhà này ở đường Maipú. Chính tại đây tôi tắt thở, trong cái phòng này là phòng của Mẹ.”

– “Là phòng của Mẹ, tôi lặp lại mà không muốn hiểu. Tôi, thì tôi thấy ông trong giấc mơ trong cái phòng số 19 này, ở trên cao.”

– “Ai nằm mơ thấy ai? Tôi biết rằng bạn ở trong giấc mơ của tôi nhưng tôi không biết đến phiên tôi tôi có ở trong giấc mơ của bạn không. Đã nhiều năm qua khách sạn ở Androgué đã bị phá hủy, hai mươi năm, có lẽ ba mươi năm. Ai biết được?”

– “Chính tôi đã nằm mơ”, tôi cãi lại một cách khiêu khích.

– “Bạn không thấy rằng điều cốt yếu chính là soát lại để xem chỉ một người trong hai chúng ta nằm mơ, hay cả hai chúng ta cùng nằm mơ.”

– “Tôi, tôi là Borges, tôi thấy tên ông ghi trên sổ và tôi lên đây.”

– “Borges chính là tôi, tôi người đang chết, ở đường Maipù.”

Có sự im lặng, và người kia nói với tôi:

– “Chúng ta sẽ đưa ra chứng cớ. Cái giây phút nào ghê gớm nhất trong đời chúng ta?”

Tôi cúi xuống trên người ông ta và cả hai chúng tôi nói cùng một lúc. Tôi biết là cả hai chúng tôi cùng nói dối.

Một nụ cười nhợt nhạt làm sáng lên gương mặt già nua của ông ta. Tôi cảm thấy nụ cười phản ánh, một cách nào đó, nụ cười của tôi.

– “Chúng ta đã nói dối với nhau, ông ta nói, bởi vì chúng ta ngỡ mình là hai chứ không là một. Sự thật chúng ta là hai và chúng ta chỉ là một.”

Cuộc chuyện trò này làm tôi bực mình và tôi đã nói cho ông biết. Tôi nói thêm:

– “Và ông, năm 1983, ông không thể cho tôi biết điều gì về những năm còn lại của tôi trên đời này sao?”

– “Tôi có thể nói điều gì hở anh bạn Borges tội nghiệp của tôi? Những tai họa mà bạn đã quá quen thuộc sẽ tái diễn. Bạn sẽ tiếp tục sống một mình trong cái nhà này. Tay bạn sẽ chạm đến những cuốn sách không chữ, đến hình chạm Swedenborg[2] và chạm đến cái khay gỗ với cái Hình chữ thập của liên bang. Chứng mù không phải là thế giới của tăm tối; đó là một hình thức của cô đơn. Bạn sẽ trở lại Islande.”

– “Islande,  Islande của đại dương!”

– “Tại Roma bạn sẽ lặp lại những câu thơ của Keats[3], mà cái tên, cũng như mỗi tên, đã từng được viết trên nước.”

– “Tôi chưa bao giờ đến Roma.”

– “Và rồi bạn cũng sẽ viết ra bài thơ hay nhất của chúng ta, một  khúc bi thương.”

– “Cho cái chết của…”, tôi nói thêm. Nhưng tôi không đánh bạo nói ra cái tên.

– “Không, bài thơ sống lâu hơn bạn.”

Chúng tôi im lặng. Người kia nói tiếp:

– “Bạn sẽ viết cuốn sách mà chúng ta đã mơ nhiều. Vào khoảng năm 1979, bạn sẽ hiểu rằng cái thay thế cho tác phẩm không gì khác hơn là một loạt nháp, những bản nháp linh tinh, và bạn sẽ không cưỡng được sự cám dỗ vô ích và dị đoan, để viết tác phẩm lớn của bạn, vì cái sự dị đoan mà những tác phẩm như Faust của Goethe, Salammbô hay Ulysse[4] bắt chúng ta phải nhận chịu. Tôi đã viết vô số trang một cách không tưởng tượng được.”

– “Và cuối cùng ông đã hiểu là mình đi lầm đường.”

– “Tệ hơn nữa, tôi tưởng đó là một tác phẩm, theo cái nghĩa nặng nề nhất. Những chủ tâm tốt của tôi không vượt quá những trang đầu; trên những trang khác có những tình trạng phức tạp, những con dao, con người tưởng mình là một hình ảnh, cái ánh phản chiếu tưởng mình là thật, con hổ về đêm, những trận đánh diễn lại trong máu, Juan Murana mắt mù và thảm hại, tiếng nói của Macedonio, chiếc tàu được xây dựng với những móng tay của người chết…

– “Viện bảo tàng đó quen thuộc đối với tôi”, tôi nói một cách mỉa mai.

– “Và rồi, những kỷ niệm giả, trò chơi đôi của biểu tượng, những kê khai dài dòng, việc dùng câu văn tầm thường, những đối xứng không hoàn hảo mà các nhà phê bình vui thích phát hiện, những câu dẫn không phải lúc nào cũng chính xác”

– “Ông có cho xuất bản cuốn sách đó không?”

– “Lúc đầu tôi có cái ý định lâm ly, mà không chắc lắm, là sẽ phá hủy nó, có lẽ bằng cách đốt, và cuối cùng tôi cho xuất bản ở Madrid, dưới một bút danh. Vậy là người ta nói đến một kẻ đã mô phỏng Borges một cách thô thiển, khốn thay kẻ đó không phải là Borges và kẻ đó lặp lại những hình thức bên ngoài của cái mẫu.”

– “Điều này không hề làm tôi ngạc nhiên”, tôi tuyên bố. “Mọi nhà văn cuối cùng trở thành đệ tử của mình, thứ đệ tử ít thông minh nhất.”

– “Cuốn sách đó là một trong những con đường đã đưa tôi đến đêm nay. Về những con đường khác… Sự nhục nhã của tuổi già, sự tin chắc đã sống mỗi ngày…”

– “Tôi sẽ không viết cuốn sách đó”, tôi nói với ông ta.

– “Bạn sẽ viết. Lời nói của tôi hôm nay là hiện tại sau này sẽ chỉ là ký ức của một giấc mơ.”

Giọng nói độc đoán của ông ta làm tôi khó chịu, tất nhiên đó là giọng nói tôi dùng khi tôi dạy học. Sự giống nhau quá mức của chúng tôi khiến tôi chán ghét, cũng như cái sự kiện có lợi cho ông là ông không bị trừng phạt vì ông sắp chết. Để trả thù, tôi nói:

– “Vậy ông chắc chắn là sẽ chết?”

– “Đúng”, ông ta đáp lại. “Tôi cảm thấy một nỗi êm dịu, thanh thản mà trước kia tôi không bao giờ cảm thấy. Tôi không biết giải thích. Tất cả các từ ngữ đòi hỏi một kinh nghiệm được chia sẻ. Tại sao bạn có vẻ quá bực tức bởi những gì tôi nói?”

– “Tại vì chúng ta giống nhau quá. Tôi ghét gương mặt của ông, nó là cái hình châm biếm của tôi, tôi ghét tiếng nói của ông, nó nhại tiếng nói của tôi, tôi ghét câu văn thống thiết của ông bởi vì cũng là câu văn của tôi.

– “Tôi cũng thế, người kia nói, và vì thế mà tôi đã quyết định tự sát.”

Ngoài kia một con chim hót.

– “Đó là con chim cuối cùng”, người kia nói.

Bằng một cử chỉ, ông ta gọi tôi đến bên ông ta. Bàn tay ông ta tìm bàn tay tôi. Tôi thụt lùi, sợ hai bàn tay có thể lẫn lộn nhau. Ông ta nói:

– “Các nhà theo chủ nghĩa khắc kỷ dạy chúng ta rằng chúng ta không nên phàn nàn về cuộc đời; cửa nhà tù đã mở ra. Tôi vẫn hiểu như thế nhưng sự lười biếng và tính hèn nhát khiến tôi chậm trễ. Cách đây khoảng mười hai ngày, tôi thuyết trình ở La Plata về ca khúc thứ sáu của sử thi Énéide[5]. Khi ngắt nhịp câu thơ sáu âm tiết, tôi bỗng biết được con đường của tôi. Tôi quyết định điều đó. Kể từ giây phút đó, tôi tự cảm thấy mình không thể bị tổn thương được. Số mệnh của tôi sẽ là số mệnh của bạn. Bạn sẽ thình lình nhận được sự tiết lộ, giữa tiếng La tinh và thi hào Virgile, và bạn sẽ quên hẳn cuộc đối thoại tiên tri lạ đời này, cuộc đối thoại diễn ra trong hai thời gian và hai không gian khác nhau. Khi bạn nằm mơ thấy lại cuộc đối thoại này, bạn sẽ là cái người chính tôi đây và bạn sẽ là giấc mơ của tôi.”

– “Tôi sẽ không quên điều đó và tôi sẽ viết ra ngay từ ngày mai.”

– “Đối thoại đó sẽ ở dưới đáy sâu nhất của ký ức bạn, dưới làn thủy triều của những giấc mơ. Khi bạn viết ra, bạn sẽ tưởng mình sắp xếp một truyện kỳ ảo. Nhưng sẽ không xảy ra vào ngày mai, bạn còn thiếu nhiều năm nữa.”

Ông ta ngừng nói và tôi hiểu rằng ông ta đã chết. Bằng một cách nào đó tôi đã chết với ông ta. Tôi kinh hoàng cúi đầu xuống cái gối nhưng chẳng còn ai.

Tôi rời khỏi căn phòng bằng cách chạy trốn. Ngoài kia tôi không thấy lại cái sân phía trong, những cầu thang bằng đá hoa, cũng không thấy lại ngôi nhà lớn lặng lẽ, những cây khuynh diệp, những tượng đá, cái vòm cây, những máy nước, cái hàng rào lưới sắt của ngôi nhà trong thành phố Adrogué.

Ngoài kia nhiều giấc mơ khác đang chờ tôi.


[1] Stevenson (1850-1894) là tác giả của truyện kỳ ảo nổi tiếng trên thế giới: Trường hợp lạ lùng của Y sĩ Jekyle và ông Hyde (1885). Jekyle và Hyde là hai bộ mặt thiện và ác của một con người duy nhất.

[2] Swedenborg (1688-1772): nhà thần trí học, gốc Thụy Điển.

[3] Keats (1795-1821): nhà thơ Anh thuộc phái lãng mạn.

[4] Faust: tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Đức Goethe (1749-1832).

Salammbô: tiểu thuyết của nhà văn Pháp Gustave Flaubert (1821-1880).

Ulysse: tiểu thuyết của nhà văn Ireland James Joyce (1882-1941).

[5] Énéide: sử thi của thi hào La tinh Virgile (khoảng 70-19 trước Công nguyên) gồm 12 ca khúc. Sử thi kể lại người dân của thành Troie đến ở nước Ý và báo hiệu sự thành lập thành Roma. Thi hào Virgile có ảnh hưởng lớn đối với các nền văn học La tinh và Tây phương.