Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Hải trình ven bờ (2)

Jorge Amado

PRAHA, 1951 – SIBELIUS

Giữa đống tin tức, báo chí, tư liệu tưởng nhớ Alberto Moravia [1907-1990, nhà văn Italia – ND], một bậc thầy tiểu thuyết, một người bạn thân thiết vừa qua đời, tôi bỗng thấy có chỗ nhắc tới tên mình.

Trên báo La Republica một cộng tác viên đã bày tỏ sự phẫn nộ về việc Moravia chết đi mà không được nhận giải Nobel, một sự bất công mà theo tác giả bài báo là do sự chống đối dai dẳng của vị viện sĩ Thụy Điển Artur Lundkvist (1906-1991) một trong năm thành viên của Viện Hàn lâm lựa chọn giải Nobel văn học hàng năm, nhà báo nói rõ. Ông viết thêm: chính cái ông Lundkvist ấy đã ngăn cản việc trao giải Nobel cho Nicos Kazantzakis [1883-1957, nhà văn Hy Lạp – ND] và phản đối tên tuổi Jorge Amado. Hây, tên tôi? được nêu ra cho giải Nobel, được bàn luận, tôi như bay trên mây, được nhắc một chút thế đã làm tôi sướng rơn, ngay cả khi người Thụy Điển không để ý đến tôi: chưa bao giờ tôi mơ mình được đề cử giải Nobel.

Về câu chuyện tôi sắp kể đây, ông bạn già của tôi Pablo Neruda (ông cũng là bạn của Lundkvist, người đã dịch ra tiếng Thụy Điển một số bài thơ của ông từ tập Canto general – Bài ca cho tất cả mọi người) đã cho tôi biết: Artur cực lực chống lại cậu, ông ta không nuốt trôi được vụ phủ quyết Sibelius, tớ đã định thuyết phục ông ta là cậu không có lỗi gì cả nhưng ông ta không muốn nghe tớ. Nhiều năm sau, một ông bạn già khác của tôi là Miguel Angel Asturias, người cũng được giải Nobel, từ một cuộc họp ở Stockholm trở về đã hỏi tôi ở Paris trước món lợn rừng hầm rất đáng được khen: này cái chuyện giải thưởng cho Sibelius mà cậu phá đám là gì vậy, người anh em? Lundkvist không tha thứ cho cậu chuyện đó đâu, ông ta ghét cậu lắm. Tôi lau chút nước sốt rớt xuống cằm và nói với Miguel là cái ông nhà văn Thụy Điển đó không nhầm đâu: tôi sẽ kể anh nghe đầu đuôi mọi chuyện, compadrito.

Năm 1949, cùng với việc thành lập Hội đồng hòa bình thế giới, người ta đã lập ra giải thưởng hòa bình thế giới với số tiền mười lăm nghìn dollar (do Liên Xô cấp) trao hàng năm cho ba nhân vật trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật tạo hình, khoa học, điện ảnh và âm nhạc. Những người được giải do một ban giám khảo quốc tế gồm các nhà lãnh đạo phong trào hòa bình lựa chọn.

Chúng tôi, Pierre Cot [1895-1977, chính khách Pháp – ND] và tôi, ở trong ban giám khảo và được chỉ định thay phiên làm chủ tịch và thư ký. Khi làm thư ký, phần việc của tôi là điều phối các ứng viên dự giải, chuyển hồ sơ cho các thành viên khác trong ban giám khảo cũng như thông báo tình hình cho các tù trưởng xô viết nắm dây cương của Hội đồng – tôi không giấu là ở vào cương vị như thế tôi có được một số quyền nhất định trong việc điều hành và quyết định trong những giới hạn chính trị cho phép. Trong số các thành viên ban giám khảo có viện sĩ Thụy Điển Arthur Lundqvist đại diện cho các chiến sĩ hòa bình vùng Scandinave.

Để hiểu rõ tầm quan trọng của giải thưởng này tưởng cũng nên nhắc lại đây một số nhân vật đã từng nhận nó: Pablo Picasso, Charlie Chaplin, nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet, nhà tiểu thuyết Iceland (về sau được giải Nobel) Halldor Laxness, Joris Ivens, Wanda Wachlewska, Rafael Anberti, Chostakovich, Leopoldo Mendez, Tề Bạch Thạch, nhà điện ảnh Ba Lan Wanda Jacubowska, một người Brazil: Josué Castro.

Vào năm 1951 ấy, trong danh sách các ứng viên ban đầu có tên nhạc sĩ Jean Sibelius [1865-1957, nhạc sĩ Phần Lan – ND] do Lundqvist giới thiệu. Ngay trước khi bản danh sách được thông qua chính thức, tôi đã được Alexandre Korneichuk (1905-1972) triệu tập đến gặp. Ông là nhà viết kịch – tôi đã xem một vở duy nhất của ông ở Moskva, không hay lắm – phó chủ tịch Ucraina, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngoài phận sự công việc ra, ông là một người bạn cùng mâm dễ mến, thích phụ nữ và đồ uống, đó là mặt đáng yêu nhất của ông. Năm 1952 tại Hội nghị hòa bình thế giới ở Viên, tôi đã giới thiệu cho ông Maria della Costa, một thành viên trong đoàn đại biểu Brazil, Korneichouk choáng váng, ngây ngất luôn.

Nhưng khi triệu tôi đến, ông không choáng mà rất nghiêm, ông chỉ ngón tay vào cái tên Sibelius trong bản danh sách dự kiến và nói: người này thì không bao giờ! Là nhạc sĩ nổi tiếng, nhà yêu nước nồng nhiệt, Sibelius đã soạn những bài hát ca ngợi đồng bào mình đứng lên với những vũ khí thô sơ chống lại quân đội xô viết trong cuộc chiến tranh Nga - Phần Lan năm 1939: Sibelius bị đưa vào danh sách, Liên Xô muốn thấy ông chết đi và chôn vùi luôn. Cưới nhà tiểu thuyết Wanda Wachlewska, gốc Ba Lan, công dân xô viết, cố vấn của Stalin, một phụ nữ xấu xí và nghiêm nghị, mặc dù đó là một người bạn tốt, chúng tôi vẫn chơi với nhau, Korneichuk qua vợ biết được việc đề cử nhà nhạc sĩ trước khi tôi trình lên ông bản danh sách. Giải thưởng sẽ không được quyết nếu không có sự phê chuẩn của lãnh đạo Xô Viết.

Tôi nói cho Korneichuk biết quan điểm của Pierre Cot ủng hộ việc đề cử Sibelius, nhưng ông không hề động lòng: nói với Cot rằng người này thì không bao giờ. Cứ để ông ấy đến gặp tôi trình bày nếu muốn. Pierre Cot, chính khách lớn người Pháp, nghị sĩ, cựu bộ trưởng Hàng không, một trong những đồng minh đáng kính nhất của Đảng Cộng sản Pháp, một nhân cách lớn, đã lồng lên khi nghe ý kiến của Korneichuk, người đã coi thường ông. Ai quyết định giải thưởng? Ban giám khảo quốc tế hay Đảng Cộng sản Liên Xô? Tôi sẽ nói cho ông ta biết rõ công việc, ông tuyên bố với tôi trước khi đến gặp vị phó chủ tịch Ucraina. Tôi thán phục sự liêm khiết và lòng dũng cảm của ông.

Ông trở về dịu lại, đi cùng với Fréderic Joliot-Curie [1900-1958, nhà vật lý Pháp – ND], chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới, một nhà bác học lớn, giải thưởng Nobel (1935), một người cộng sản kiên trung. Chắc hẳn Joliot-Curie đã giúp Pierre Cot nuốt nhục, một nỗi nhục lớn: tên của Sibelius bị gạch khỏi danh sách. Nhưng Lundqvist thì không nuốt nổi chuyện này, nó mắc ngang cổ họng ông, khiến ông từ bỏ ban giám khảo và phong trào hòa bình, rút về công việc của mình ở Viện hàn lâm Thụy Điển. Tôi không biết ông có tức giận Korneichuk và Pierre Cot không, tôi ngờ điều đó. Lỗi này có phần trách nhiệm của tôi khi đã không bảo vệ được một người, nhưng tôi không phải là tác giả tội ác, tôi chỉ đơn giản là kẻ tòng phạm. Tuy nhiên, toàn bộ lỗi lầm đã trút lên tôi, đây không phải một lần tôi bị thế này mà đã từng bị mắc vào những hoàn cảnh kiểu như vậy khiến cho tôi càng bị thù ghét mạnh mẽ và dai dẳng.

Nếu Arthur Lundqvist ngăn cản tên tôi khi xét giải Nobel do thất bại trong việc đề cử Sibelius, tôi không coi ông là người có lỗi. Nếu ngược lại ông từ chối tôi hoàn toàn khoan dung vì ông thấy những trích đoạn các tiểu thuyết tôi viết là kém thì ông càng có lý hơn. Tôi không viết để kiếm giải thưởng, cảm hứng và định hướng của tôi là từ những lý do khác, việc không được giải Nobel chẳng hề làm tôi đau khổ, tôi không bao giờ nghĩ mình xứng nhận nó, tôi biết các giới hạn của mình rõ hơn bất cứ nhà phê bình nào đánh đập các tác phẩm của tôi. Hơn nữa, tôi cho nhà văn làm việc và sáng tạo chỉ để kiếm giải thưởng và vinh quang là người bất hạnh, dù cho đó là giải thưởng lớn, món tiền kha khá và sự đề cử xứng đáng: cái đó sẽ làm giảm bớt, hạ thấp và hạ giá sự sáng tạo của anh ta.

Tôi biết có một số nhà văn dằn vặt như thế ở Brazil và Bồ Đào Nha, họ sống trong những nỗi lo sợ hài hước đến thành ra bi kịch. Họ đau khổ dằn vặt vì ganh đua, vì mưu mô, họ khép mình trong cơn mê sảng tự quảng cáo khuếch trương mình, họ tạo nên một cảnh tượng buồn, lố bịch. Đối với họ, giải Nobel không phải là một giấc mơ, đó là cơn ác mộng.

 

This image has an empty alt attribute; its file name is image-30.png

Ảnh: Jean Sibelius, 1913.

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Pháp theo bản dịch từ tiếng Bồ Đào Nha của Alice Raillard: Jorge Amado. Navigation de cabotage. Notes pour des mémoires que je n’écrirai jamais, Gallimard, 1996.)