Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (15)

Thụy Khuê

Chương 8

Việc truyền giáo dưới thời chúa Trịnh Tạc và chúa Hiền

This image has an empty alt attribute; its file name is image-15.png

Lambert de la Motte

II-Truyền giáo ở Đàng Trong

Những vụ đầu độc

Lambert de la Motte tới Đàng Trong lần thứ nhất

Tình hình ở Đàng Trong

Cuộc tranh luận về Nghi lễ (La querelle de Rites) kéo dài hàng thế kỷ, đối chất các dòng tu với nhau về vấn đề Nghi lễ Trung Hoa, Ấn Độ và Châu Mỹ La tinh, là các nền văn minh lâu đời, khác biệt với văn minh châu Âu. Thái độ chính thống của Tòa thánh là độc tôn truyền đạo Gia-Tô, loại trừ tất cả các hệ thống tư tưởng và tôn giáo của các nền văn minh khác, trong đầu người công giáo, qua các sắc lệnh của Giáo hoàng, lập lại nhiều lần, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX (xem kỳ trước).

Dòng Tên chủ trương giảng đạo dung hòa với nền văn minh bản địa, và gặt hái những kết quả tốt đẹp (như chúng ta đã thấy ở Đại Việt). Có thể sự thành công này gây đố kỵ trong lòng các dòng tu, nên ngay từ 1634, đã có khuynh hướng chống lại: các dòng Franciscain, Dominicain, và kể từ 1660, Hội Thừa Sai Paris (xuất thân Dòng Tên), đều chủ trương triệt để áp dụng luật Cấm Nghi lễ của Toà thánh và phản bác kịch liệt đường lối của Dòng Tên.

Ban đầu Dòng Tên còn nhiều thế lực, sau giảm dần, vì vua chúa châu Âu nghiêng về phe chính thống. Đến năm 1773, Dòng Tên bị Giáo Hoàng Clément XIV (1769-1774) giải tán, phải 41 năm sau, Giáo hoàng Pie VII (1800-1823) mới cho phép lập lại (1814).

Nhưng mãi đến năm 1939, Giáo hoàng Pie XII (1939-1958) mới cho giáo dân được phép thờ cúng tổ tiên, và luật này, từ đó tới ngày nay, không sửa đổi nữa.

Đàng Trong, thế kỷ XVII, “thân” Bồ Đào Nha, nên có nhiều người Bồ (giáo sĩ và nhà buôn), tình hình phức tạp hơn Đàng Ngoài. Các giáo sĩ Dòng Tên (Bồ, Ý) đến đây truyền đạo từ 1615 đến 1660, theo đường lối Dòng Tên, đã gặt hái kết quả tốt. Lại thêm Joao Da Crus (Jean de la Croix), người Bồ lai Ấn, đúc súng cho chúa Hiền, thường xuyên được chúa sai đi Ấn Độ (lúc đó gọi là Tiểu Tây) mua hàng, và thông báo cho chúa biết tình hình các nước Tây phương, nên được hưởng những ân sủng đặc biệt: Da Crus có nhà thờ và linh mục riêng để giảng đạo. Ảnh hưởng của Dòng Tên và người Bồ rất mạnh, nên các giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris đã gặp sự chống đối kịch liệt của cộng đồng Bồ ở Đàng Trong.

Khi chúa Hiền đã cho phép Lambert de La Motte, Giám mục Tông tòa, đến Triều đình, năm 1675 và cho phép các giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris được quyền “giảng đạo tự do”, chúa vẫn ngại không tiếp Lambert de La Motte vì sợ làm mất lòng người Bồ, như ta sẽ thấy. Mặt khác, các giáo sĩ Bồ, một số, vẫn ở lại Đàng Trong, nhưng rút về các giáo phận riêng của họ, giảng đạo theo quy luật Dòng Tên và được giáo dân ủng hộ. Ngoài ra, chính trong nội bộ của Hội Thừa Sai Paris cũng có hai khuynh hướng đối chọi nhau: phe triệt để theo chính thống và phe âm thầm cho giáo dân được phép thờ cúng tổ tiên.

Tất cả những tình tiết, âm mưu, kình chống này dẫn đến những cái chết bí ẩn trong hàng ngũ các giáo sĩ đã dám đặt nghi vấn hoặc làm trái lệnh Vatican về Nghi lễ, khiến hành trình truyền giáo của Lambert de La Motte, Đại diện Tông toà ở Đàng Trong đầy chông gai, hiểm trở.

Mặc nhiên trong ba Giám mục được phong chức Đại diện Tông toà năm 1658: François Pallu Đại diện Tông toà Đàng Ngoài, Pierre Lambert de La Motte, Đại diện Tông toà Đàng Trong, và Ignace Cotolendi, Đại diện Tông tòa Nam Kinh, thì Cotolendi, qua đời trên đường nhậm chức, François Pallu, một năm sau bỏ cuộc, trở về Pháp, chỉ còn Pierre Lambert de La Motte, một mình ở lại, ra Bắc vào Nam, tranh đấu không ngừng và đã dựng lại “họ đạo mới” cho Hội Thừa Sai Paris, trên nền tảng vững chắc mà các giáo sĩ Dòng Tên, Bồ, Ý đã xây dựng từ năm 1615, với hơn hai trăm nhà thờ và hơn ba trăm ngàn giáo dân, chỉ riêng miền Bắc, theo thống kê của Pallu. Trong Nam không có thống kê.

Hành trình của Pierre Lambert de la Motte

Pierre Lambert de La Motte, Giám mục Đại diện Tông toà Đàng Trong đến Xiêm trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông phải đối phó hai mặt: phiá nội bộ Hội Thừa Sai Paris và phiá người Bồ. Nhưng ông đã lập được kỳ công trong việc thuyết phục chúa Hiền Nguyễn Phước Tần cho ông được quyền tự do ra vào Đàng Trong, tức là tự do giảng đạo, qua sự giúp đỡ của linh mục người Việt Lữ Y Đoan (Louis Đoan) và sự tận tình của linh mục Mahot.

Pierre Lambert de la Motte sinh ngày 16-1-1624 tại Lisieux (Calvados) Pháp, trong một gia đình quý tộc; thọ tước Giám mục Bérythe hay Bérite ngày 19-7-1658, và Đại diện Tông toà Đàng Trong ngày 9-9-1659. Khởi hành truyền giáo ngày 18-6-1660, đến Xiêm năm 1662 và qua đời tại Juthia (kinh đô Xiêm) ngày 15-6-1679, ở tuổi 55[1].

Lambert de La Motte thường được gọi ngắn gọn bằng tước hiệu của ông là Giám Mục Bérythe, hay Bérithe. Hoạt động của ông được ghi trong một số bài Ký sự của Hội Thừa Sai ở Xiêm, Đàng Trong và Đàng Ngoài (Relation des Missions de Siam, Cochinchine et Tokin), nhưng người có công, viết về toàn bộ hành trình này là linh mục Bénigne Vachet, từng tháp tùng Giám mục Tông toà đi nhiều nơi, đã để lại những bản tường trình chi tiết về việc truyền giáo của ông ở Á Đông, qua đấy, ta được biết khá rõ hành trình của Giám mục Lambert de la Motte, tức Bérythe. Vachet cũng có chỗ nhớ lầm, viết sai, nhưng có thể dựa vào các bản tường trình của các giáo sĩ khác gửi về Hội Truyền Giáo ở Rome, hay Hội Thừa Sai Paris, để so sánh và sửa lại được.

Bénigne Vachet sinh tại Dijon (Côte d'Or) ngày 31-10-1641, đi truyền giáo ngày 13-2-1669. Qua đời tại Paris ngày 19-1-1720[2].

Theo hồi ký của Vachet, ngày 20-6-1660, Giám mục Bérythe và giáo sĩ de Bourges khởi hành từ Paris với một người hầu cận (không nói đến François Deydier)[3]. Đến Lyon, Giám mục bị bệnh nặng nhưng qua khỏi, ông tiếp tục hành trình, qua các xứ Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Ấn Độ[4]... và đến Xiêm năm 1662.

Theo bài Mgr Pierre Lambert de la Motte (1624-1679) in trên mạng Missions Étrangères de Paris ngày 10-3-2020[5], Giám mục Bérythe rời Paris ngày 18-6-1660, lên tàu ở Marseille ngày 27-11-1660, đi cùng với hai giáo sĩ: Jacques de Bourges và François Deydier (điểm này đúng hơn Vachet).

Đến Xiêm năm 1662, Giám mục Bérythe gặp nhiều khó khăn: trước hết là sự chống đối, dường như của chính nhân sự Hội Thừa Sai, tố cáo ông thiếu sức khoẻ, nên năm sau, 1663, ông đã phải viết đơn xin từ chức. Rồi sau đó, ông lại gặp sự chống đối mạnh mẽ của giáo đoàn Bồ, không nhận sự điều khiển của giáo đoàn Pháp và uy quyền của Đại diện Tông tòa.

Sự phản đối này, còn do hai lý do khác:

- Giáo sĩ Pháp mới “vào nghề”, chưa đủ kinh nghiệm nên đã phá vỡ không ít những gì giáo sĩ Bồ xây dựng từ năm 1616. (Trường hợp Louis Chevreuil ở Đàng Trong, xem chương 7).

- Chính sách truyền đạo của Hội Thừa Sai Paris, theo lệnh Vatican, triệt để cấm Nghi lễ, không thích hợp với văn hóa và phong tục Việt Nam, và đi ngược lại lập trường của các giáo sĩ Dòng Tên.

Mặc dù bị nhiều áp lực, Giám mục Bérythe vẫn hết lòng hoạt động, ông cử Chevreuil làm Tổng đại diện, đến Đàng Trong ngày 17-6-1664. Chevreuil ở lại Đàng Trong 8 tháng, thất bại, trở về Xiêm ngày 27-3-1665.

Năm sau, 1666, Giám mục Bérythe lại gửi Louis Chevreuil và Antoine Hainques đi Đàng Trong, Chevreuil bị bệnh phải ở lại dọc đường, sau đi Cam-bốt, Hainques vào được Đàng Trong, và với cách truyền giáo phù hợp với tinh thần văn hóa Việt, ông lập được họ đạo Quảng Ngãi, nhưng bốn năm sau ông bị đầu độc chết (1670).

Năm 1669, mặc dụ cấm đạo của chúa Tịnh Tạc (1664 và 1669), Giám mục Bérythe vẫn bí mật trốn vào Thăng Long, và phong linh mục cho 7 thầy giảng người Việt. Năm 1670, ông tổ chức Công đồng Phố Hiến (đại hội công giáo); và thành lập Dòng mến thánh giá dành cho nữ tu ở Kiên Lao[6]. (xem kỳ trước).

Trở về Xiêm, ông tìm cách đi Đàng Trong, hai lần:

Lần thứ nhất (1671-1672): Khởi hành từ Xiêm cùng với Vachet ngày 20-7-1671. Đến Nước mặn (Quy Nhơn) cả hai đều bị đầu độc, nhưng qua khỏi.

Tới Quảng Ngãi, Giám mục viếng mộ hai giáo sĩ Hainques và Brindeau, bị đầu độc chết năm 1670 (xem ở dưới). Lập Dòng Mến thánh giá cho nữ tu, giống như ở Bắc.

Tháng giêng năm 1672, ông đến Hội An, mở Công đồng Hội An, để tìm cách dàn xếp những tranh chấp giữa giáo hội Pháp và Bồ, và trở về Xiêm ngày 29-3-1672[7].

Tại công đồng Hội An, giáo sĩ Guyart, người đã được Giám mục gửi sang Đàng Trong trước để chuẩn bị cho chuyến đi này của Giám mục, và đã cứu nguy cho Giám mục Bérythe và Vachet khỏi chết vì thuốc độc ở Nước Mặn, được thụ phong chức Tổng đại diện Đàng Trong. Ngày 3-6-1673, Guyart đang khoẻ mạnh cũng chết đột ngột.

Việc truyền giáo ở Đàng Trong trở thành một nghiệp chướng.

Với những cái chết không giải thích được, có mầu sắc thanh trừng trong hàng ngũ giáo phẩm, trong không khí đầu độc, rất giống tiểu thuyết Le nom de la Rose (Tên đóa hồng) của Umberto Eco viết về giáo hội Tây phương thời Trung Cổ, được Jean-Jacques Annaud dựng thành phim với tài tử Sean Connery.

Trước những hiểm nguy và trở lực, Giám mục Berythe, vẫn tìm cách trở lại Đàng Trong lần thứ hai (1675-1676), ông khởi hành từ Xiêm ngày 23-7-1675 và về lại Xiêm tháng 10-1676. Chuyến đi này là một thành công lớn: Đạo Gia-tô được chúa Hiền chính thức công nhận.

Bản Ký sự về những chuyến đi từ năm 1672 đến 1675 của các Giám mục, ghi chép như sau:

Tất cả mọi trở ngại đều được tháo gỡ. Đức Giám mục de Bérythe đi [Đàng Trong] với sự thừa nhận của chúa [chúa Hiền] cùng với giấy thông hành cần thiết. Ông xuống thuyền ngày 23-7 [1675]; ngày 25, đức Giám mục cử hành Thánh lễ tại dinh cơ của Ô. de Chandebois; hai ông Mahot và Vachet làm lễ Saint Jacques le Majeur. Bốn ngày sau, đức Giám mục và các giáo sĩ sung sướng lên tàu của hoàng gia Đàng Trong, chu tất chở đi, như họ hằng mong đợi[8].

Trong thư Giám mục Bérythe viết cho ông Brisacier ngày 16-11-1676, có thêm những chi tiết:

Xiêm, ngày 16, tháng 11, năm 1676.

Tháng trước, tôi từ xứ Đàng Trong mến yêu trở về [Xiêm] lần thứ hai, nơi đây những địch thủ [người Bồ] và lũ thám tử của chúng hoành hành trong vô vọng, chúng buộc tội tôi lẻn ra Đàng Ngoài, rồi vào lậu Đàng Trong và bắt cóc nhiều người; nhưng những điều đó đã không ngăn cản tôi được Triều đình tiếp kiến và chúa đã cấp giấy chấp chiếu cho tôi quyền đi về trong vương quốc này hoặc gửi người đến, nếu tôi muốn (cela n'a pas empêché que je n'aie été bien reçu à la Cour et que le roi ne m'ait accordé des patentes de pouvoir aller et venir en son royaume ou y envoyer quand je le souhaiterai).”[9]

Hội Thừa Sai Paris viết “thời kỳ ông ở Đàng Trong, là một trong những thời kỳ “tuyệt vời” nhất của lịch sử truyền giáo ở Việt Nam (un des temps les plus heureux de l'histoire du catholisme dans ce pays)”[10].

Giám mục Lambert de la Motte qua đời ba năm sau đó.

Tuy nhiên, tất cả đã không tàu ra một cách dễ dàng, và công lao Giám mục Bérithe xin chúa Hiền cho “tự do tôn giáo” (nhờ đó mà đạo Chúa đã được tự do truyền giảng ở Đàng Trong trong một thời gian dài) đến ngày nay, vẫn chưa được Hội Thừa Sai Paris chính thức công nhận như một thắng lợi. Bởi vì nội dung lá thư Giám mục gửi chúa Hiền xin cho đạo Gia-tô được chấp nhận, có những điểm không phù hợp với quan niệm chính thống. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này.

Những khó khăn đầu tiên khi đến Xiêm: Lambert de la Motte xin từ chức

Năm 1662, khi mới đến Xiêm, Giám mục Lambert de la Motte tức Bérithe, Đại diện Tông tòa Đàng Trong, trước sự chống đối mãnh liệt đến từ nhiều phiá, đã phải viết đơn xin từ chức.

Về việc này, Launay, in hai tài liệu rút trong Văn khố Hội Thừa Sai (A.M.E): Một bản đơn xin từ chức [gửi cho triều đình Pháp] và một lá thư gửi cho Giáo hoàng:

1- Bản “nhận tội” và xin từ chức, tiếng Pháp, lời lẽ như sau:

Tôi ký tên Giám mục Bérithe, Đại diện Tông tòa, nhìn nhận sự bất trung với Chúa Trời và cực kỳ bội bạc với chúa Giê-su của tôi, khiến tôi không xứng đáng với chức vụ thiêng liêng và hưởng ân huệ của một kẻ sống đời vô tư và biết ơn (mené une vie innocente et reconnaissante), vì vậy, tôi kính cẩn xin vua (le roi) vui lòng cử N. vào chức này, vĩnh viễn cho một giám mục Trung Hoa (un évêque de la Chine) mà hoàng thượng đã ban cho tôi, dưới ý chỉ của đức Giáo hoàng và Toà Thánh, người tên... xứng đáng và đặc biệt có đức hạnh để thay thế tôi.

Bản thú tội và thừa nhận này (Le présent aveu et consentement) làm tại kinh đô Xiêm La, ở vĩ tuyến 14 rưỡi.

Ký bằng chữ ký của tôi và niêm phong bằng con dấu bình thường của tôi.[11]

Lá thư xin từ chức này không đề ngày, nhưng có thể đoán là viết trong năm 1663, cùng năm với thư gửi Giáo hoàng, tức là chỉ một năm sau khi Giám mục đến Xiêm; cũng không đề gửi cho ai, nhưng qua nội dung, ta có thể hiểu là thư gửi cho Triều đình Pháp [thời Louis XIV]. Được Launay ghi là tài liệu của Văn khố Hội Thừa Sai (A.M.E, quyển 121, trang 127).

Trong thư này, Giám mục đề nghị một người tên N. có thể thay thế ông. Và như ta sẽ thấy trong bài của giáo sĩ de Bourges dưới đây, sự công kích dựa trên sức khoẻ yếu kém của vị Giám mục, vì vậy, chắc hẳn đến từ nội bộ Hội Thừa Sai Paris, chứ không phải từ “bọn Dòng Tên” (người Bồ không có lý do gì phải tố cáo tình trạng sức khoẻ của Lambert de la Motte, để xin đổi người khác). Văn bản này cũng cho biết vua Pháp (Louis XIV) đã phong cho Lambert de La Motte chức vụ Giám mục Trung Quốc (Evêque de la Chine). Chức vụ này không thấy ghi lại trong các tài liệu của Hội Thừa Sai Paris. Có lẽ vì ông đã tìm đường sang Trung Quốc nhưng không thành.

2- Tài liệu thứ hai, là bản trích lá thư từ chức, tiếng La Tinh, gửi cho Giáo hoàng (tài liệu A.M.E, quyển 877, trang 102), có đề ngày và nơi gửi, để trong ngoặc (Xiêm, 12-7 và 13-10-1663):

Ô danh vì muôn ngàn tội lỗi, nhỏ lệ nhận nỗi đớn đau, tôi chỉ còn biết quỳ dưới chân Đức Chí Tôn (Votre Sainteté) xin cho người khác thay tôi, một người có đạo đức và đặc biệt xứng đáng, có thể làm trọn nghiã vụ Giám mục và Đại diện Tông tòa ở đây bằng phương pháp thích hợp. Với lá thư này, tôi xin từ nhiệm. Đứa lãng tử khốn nạn trình bày tai ương của nó để hy vọng được đức thánh cha cứu giúp, một sự cứu trợ mà nó không xứng đáng được hưởng. Với niềm tin tưởng lớn lao, tôi khẩn cầu sự ban phước thánh thiện nhất của Tòa Thánh (Siège Apostolique) trong lúc tôi sắp đi Trung Quốc”.[12]

Theo tài liệu này, lá thư xin từ chức gửi Giáo hoàng viết ngày 12-7 và 13-10-1663.

Launay chép lại tài liệu trong Văn khố Hội Thừa Sai, ghi hai ngày 12-7 và 13-10-1663, nhưng ông không chú thích tại sao có hai ngày này. Ta có thể tạm hiểu là thư viết ngày 12-7 nhưng Giám mục còn do dự chưa gửi, đến ngày 13-10 mới gửi đi.[13]

Giáo sĩ de Bourges, là người thân cận của Lambert de la Motte, trong bài phân tích việc từ chức của Giám mục Tông toà, ngỏ những ý sau (xin tóm tắt):

Về việc từ chức này, cần phải xem ý kiến của ông Lesley, Tổng quản Hội Thừa Sai ở Rome (Procureur à Rome de la Société des Missions Étrangères) về những “tội lỗi” của Giám mục Bérithe:

- Rằng Giám mục Bérithe có thật là không xứng đáng với trách nhiệm.

- Rằng sự khiêm tốn khiến ông một lần nữa nhận mình không đủ khả năng tiếp tục nhiệm vụ.

- Rằng ông vẫn muốn phục vụ Chúa như một người thợ (un ouvrier).

- Rằng ông bị công kích vì tình trạng sức khoẻ suy nhược cần có người thay thế.

- Rằng sẽ không còn vấn đề gì, nếu [Toà Thánh] chấp nhận sự từ chức của ông để thay bằng một người khoẻ mạnh hơn.

Và de Bourges tin rằng, Vatican sẽ không chấp nhận việc từ chức này, nhưng sau đó còn phải làm sao chứng tỏ rằng hạnh kiểm (conduite) của Giám mục Bérithe cũng như của giáo đoàn Pháp ở Xiêm, đã bị Vatican nghi ngờ, phải được phục hồi.[14]

Tóm lại, việc công kích Giám mục Bérithe vì điều kiện sức khoẻ, chứng tỏ những người công kích ông, ở trong Hội Thừa Sai, muốn chiếm chỗ của ông, hơn là người Bồ, phe Dòng Tên.

Trong tình trạng rối ren như thế, ngày 27-1-1664, Francois Pallu, Giám mục Tông Toà Đàng Ngoài tới Xiêm, nhưng không vào được Thăng Long, nên đã dàn xếp với Lambert de la Motte, để trở về châu Âu giải thích những khó khăn của giáo đoàn Pháp ở Xiêm La.

Tuy nhiên, những khó khăn này vẫn không ngừng tiếp diễn:

Năm 1672, sau khi Giám Mục Bérithe từ Đàng Trong trở về Xiêm, các nhà buôn và giáo sĩ Bồ công kích ông kịch liệt, họ cho rằng ông chẳng phải là Giám mục cũng không phải là Đại diện Tông tòa, và từ chối phục tòng ông. Hai giáo sĩ Fragoso và Marini quyết liệt nhất: Marini

về Roma “tố cáo sự bất tài” của de la Motte và xin Tòa thánh gọi ông về. Fragoso, đại diện Tôn giáo pháp đình Goa (l'Inquisition de Goa) ở Xiêm, năm 1666, ra lệnh khai trừ ông khỏi đạo (excommution)[15]

Những sự chống đối này, chỉ giảm dần, với các nghị định của Giáo hoàng:

Ngày 4-6-1669, Giáo Hoàng IX (1667-1669) nâng cơ sở ở Xiêm lên hàng Đại lý Giáo hoàng (Vicariat apostolique) và giao cho Hội Thừa Sai Paris quản trị (việc này đã có từ nghị định 1665). Ngày 13-9-1669, Giáo hoàng Clément IX tuyên bố người công giáo phải tuân lệnh Giám mục Tông tòa.

Ngày 10-11-1673, Giáo Hoàng Clément XIV (1769-1774) kết án những hành động của Tôn giáo pháp đình Goa[16] và sau đó ra lệnh giải tán Dòng Tên.

Nhưng trước khi bước vào sự nghiệp gian nan của Giám mục Tông tòa Lambert de la Motte, chúng ta hãy theo chân linh mục Hainques, người đầu tiên của Hội Thừa Sại Paris, đến và đã thành công trong việc truyền giáo ở Quảng Ngãi.

Linh mục Hainques (1637-1670) xây dựng họ đạo ở Quảng Ngãi

Như ta đã biết Louis Chevreuil sau tám tháng ở Đàng Trong, thất bại, trở về Xiêm.

Ngày 8-8-1665, giám mục Bérythe gửi Louis Chevreuil trở lại Đàng Trong cùng với Antoine Hainques. Chevreuil bị ốm, phải ở lại dọc đường, sau đi Cam-bốt.

Một mình Hainques đi Đàng Trong, cập bến Phan Rí (thuộc Bình Thuận), rồi đi Phú Yên. Sau cùng dừng ở Quảng Ngãi.

Trong 5 năm, từ 1665 đến năm 1670, Hainques đã xây dựng họ đạo ở Quảng Ngãi, được giáo dân mến mộ và coi ông như một “vị thánh”.

Antoine Hainques (có chỗ viết là Haincq hay Haincque) sinh ngày 24-1-1637[17] tại giáo khu Saint-Etienne, Beauvais (Oise). Đi truyền giáo ngày 6-1-1661. Qua đời cuối tháng 12 năm 1670, tại Phố Mới hoặc tại Bình Sơn, Quảng Ngãi (tuỳ theo nguồn)[18].

Trong thư viết ngày 17-10-1666 từ Xiêm gửi Giám mục Pallu ở Paris, Giám mục Lambert de la Motte đã hết sức khen ngợi Hainques:

Tôi đã gửi các ông Chevreuil và Hainques đi Đàng Trong. Hainques đã vào xứ ấy như một người anh hùng công giáo, chân đất, mặc quần áo Nhật, vác trên vai túi đựng vật dụng trang trí nhà thờ, rượu và bánh thánh để làm lễ, không có người hầu. Ông ấy đã ở năm ngày và năm đêm tại Vanri [Phan Rí], kinh đô Chàm, để giảng đạo, nghe xưng tội và làm lễ rửa tội, v.v. và ở Fumoy [Phú Yên], hải cảng Đàng Trong mười ngày, mười đêm. Trong bốn tháng, ông ấy đã huấn luyện và làm lể rửa tội cho 41 người.[19]

Đến tháng 10 năm 1667, Hainques đào tạo được thầy giảng người Việt đầu tiên, tên thánh là Joseph, 28 tuổi, gửi về Xiêm để Giám mục Bérithe phong linh mục[20].

Đây là vị linh mục đầu tiên người Việt.

Thấy mọi việc tiến hành tốt đẹp, Giám mục Bérithe gửi Brindeau vào Đàng Trong trợ giúp.

Pierre Brindeau (1636-1670) sinh khoảng 1636, tại Rennes (Ille-et-Vilaine) Pháp, đi truyền giáo ngày 8-11-1661. Tới Xiêm, ông được gửi đi Trung Hoa. Brindeau là giáo sĩ Pháp đầu tiên tới Macao, nhưng không thể vào được Trung Quốc, phải ở lại Macao; rồi ông bị bắt đưa về Goa, trình diện trước Tôn giáo pháp đình, nhưng được pháp quan tha tội. Brindeau trở lại Xiêm, nhận nhiệm vụ đi Đàng Trong trợ giúp Hainques. Ông qua đời, tháng 1-1671, trong vùng Pho-moi [Phố Mới], có thể ở Bau-tay (Ba Tơ?), Quảng Ngãi[21].

Cả hai giáo sĩ Hainques và Brindeau đều bị đầu độc chết ở Quảng Ngãi, ở tuổi 33 và 34. Họ là những nạn nhân đầu tiên.

Hainques và Brindeau bị đầu độc chết

Hai vị linh mục chết cách nhau ít ngày. Giáo sĩ Vachet kể lại:

Ông [Hainques] mất cuối năm 1670.

Ông Brindeau, qua đời sau ông [Hainques] mấy ngày và vì hai người cùng chết trong một thời gian ngắn, nên không thể giải thích cho giáo dân hiểu tại sao hai vị hy sinh một cách hết sức bất công như thế. Chúng từ Hội An đến, chúng là bè đảng của bọn Bồ Đào Nha và ở trọ nhà bọn này, chúng giả bộ nói là chúng từ xa tới và với sự giả dối đáng ghê tởm, chúng dự Thánh lễ để dễ bề thực hiện kế hoạch ghê ghớm của chúng, nên bề ngoài không ai nghi ngờ. Ông Brindeau, là người rất cường tráng, trong cơn co dật dữ dội, còn nói được rằng ông có cảm tưởng như mình bị đầu độc và phải phái người đi ngay báo cho ông Hainques đến thăm ông, nhưng đã quá muộn. Giáo dân Bin-sung [?] trả lời bằng những lời rên siết đớn đau vô cùng, mặc dầu sự mất mát thứ hai này không làm họ đau đớn hơn lần đầu[22].

Tất nhiên Vachet chép lại những thông tin buộc tội người Bồ “Chúng từ Hội An đến, chúng là bè đảng của bọn Bồ Đào Nha và ở trọ nhà bọn này. Nhưng sự kết án này không thể coi là bằng chứng xác thực.

Trong bài Ký sự truyền giáo ở Xiêm, Đàng Trong và Đàng Ngoài, một tác giả không ký tên, viết:

Thi hài của ông Hainques được trưng bày trong bốn ngày sau khi chết, không khâm liệm và cũng không bị hư thối, thật đúng là một phép lạ ở xứ rất nóng này; sau khi người ta mặc cho ông y phục Tăng lữ, họ đặt ông vào quan tài, ủ vôi và để ông ở trạng thái như thế trong ba tháng để thoả mãn lòng thành của giáo dân đến viếng. Không thể để lâu hơn được nữa, người ta muốn đưa thi hài ông về chôn gần mộ ông Brindeau[23] cách đó 5 dặm[24]. Nhưng Đức Ông Lớn trong làng, dù người ngoại đạo, cũng không chịu cho chôn ở ngoài làng, bảo rằng: nếu chôn một vị thánh ở trong làng thì không hề gì. Còn nếu trái lệnh, Đức Ông sẽ trình chúa. Vì thế mọi người phải tuân theo, chôn ông ở đây, và làm một nhà nguyện nhỏ cho những người công giáo đến cầu kinh và người ngoại đạo đến lễ.”[25]

Theo những lời này, thì thi hài Hainques được “ủ vôi để giữ trong ba tháng, và “Đức Ông Lớn ngoại đạo trong làng đòi chôn Hainques ở trong làng như một vinh dự, lại còn đe dọa nếu không làm như thế thì sẽ trình chúa, tức là sinh hoạt tôn giáo ở đây công khai, không phải giấu diếm gì.

Hainques và Brindeau, giảng đạo theo phong cách của Dòng Tên, thì không thể bị người Bồ giết. Nhất là theo thư cuả linh mục Mahot từ Xiêm gửi cho Giám đốc Hội Thừa Sai ngày 11-6-1671, viết như sau:

Chúng tôi nhận được tin buồn về cái chết của các ông Hainques và Brindeau, sau những năm làm việc ngày đêm và đạt được kết quả vinh hiển, vô cùng xứng đáng, cuối cùng lại phải chết, kế tiếp nhau vài ngày.

Tất cả Đàng Trong khóc những mất mát này, đặc biệt ông Hainques như cha chung của họ, không ai sánh được. Tất cả người Bồ giữ một lòng kính trọng ông Brindeau, đều thương tiếc ông”.[26]

Linh mục Mahot, người viết những dòng thư trên đây, trở thành Giám mục Tông tòa Đàng Trong, mười ba năm sau, cũng chết ngày 1-6-1684 một cách bí ẩn, như hầu hết các giáo sĩ không giảng đạo theo đúng đường lối chính thống.

Dù không biết rõ ai là thủ phạm, nhưng ta cũng thấy việc Hainques, Brideau, không thực thi đúng chính sách truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris và Toà thánh là một tội nặng. Cộng thêm hiện tượng giáo sĩ Bồ mất độc quyền quản trị truyền giáo, ảnh hưởng đến thương nhân Bồ trong việc buôn bán ở Viễn Đông, khiến việc tranh chấp tôn giáo trở thành tranh chấp quyền lợi thương mại và chính trị.

Về cái chết của hai giáo sĩ Hainques và Brindeau, trong cuốn Đạo giáo ở nước Nam (La Cochinchine Religieuse), Louvet viết như sau: Trong những ngày cuối cùng của tháng mười hai, hai ông Haingues và Brindeau bị đầy tớ đầu độc (Dans les derniers jours de Décembre, MM. Haigues et Brindeau furent empoisonnés par leur domestique).[27]

Lời buộc tội này, tưởng không quan trọng, nhưng thực ra là sự xuyên tạc trắng trợn: linh mục Louvet quy tội sát nhân cho người đầy tớ Việt -người Việt không dính dáng gì đến cuộc tranh chấp này- chỉ để nhấn mạnh sự Persécution, ở trong một vùng [Quảng Ngãi] mà các giáo sĩ được phép truyền đạo và giáo dân kính mộ Hainques như một vị thánh.

Công lao của linh mục Hainques

Cái chết của linh mục Hainques, và sự thương tiếc và tôn sùng của giáo dân Quảng Ngãi chứng tỏ ông đã làm điều tốt lành, điều ấy là gì?

Vachet kể: Năm 1671, khi ông tháp tùng Giám mục Bérythe đi thăm mộ cha Hainques, hai người nghe thấy con chiên quỳ sụp xuống đất miệng lâm râm khấn câu “Ou thanh [Ông Thánh] Anton Haincq cha yeu chung toi, cau cho chung toi, mới đầu ông không hiểu, sau thấy họ cứ nhắc đi nhắc lại hai tiếng Anton Haincq [Antoine Hainques] ông mới hỏi thông ngôn nghiã câu này là gì và ông đã báo ngay cho Giám mục biết; Giám mục liền cấm họ không được cầu câu kinh này, vì Giáo hội chưa cho phép, phải đợi khi nào Giáo hoàng chính thức công nhận ông Hainques là thánh, thì mới được cầu nguyện ông thánh Hainques. Nhưng Hainques không bao giờ được Vatican công nhận là thánh.

Câu chuyện này đưa đến câu hỏi: Tại sao giáo dân Quảng Ngãi lại yêu mến và tôn sùng Hainques như vậy?

Hainques biện hộ cho một chính sách truyền giáo hòa hợp với văn hóa Việt

Ngày 26-2-1670, Antoine Hainques viết một lá thư rất dài bằng chữ La tinh gửi Hội Thừa Sai Paris, chúng tôi không đọc được, nhưng trong thư trả lời bằng tiếng Pháp của Giám mục Lambert de la Motte, có nhắc lại một phần nội dung lá thư của Hainques với mấy điểm sau đây:

1- Xin lập thien ku [?] tức ban thờ trong nhà giáo dân (trả lời: không có trở ngại).

2- Xin cho phép trồng cây nêu ngày Tết để trừ ma quỷ (trả lời: cũng không cấm, nhưng phải bỏ lệ treo giỏ đồ ăn để dụ dỗ ma quỷ đến rồi trừ khử).

3- Xin làm giỗ ông bà, cha mẹ, v.v. (trả lời: phải theo đúng lệnh giáo hoàng [Alexandre VII] và Thánh Hội (La Sacrée-Congrégation) 1656)[28].

Vậy, tám tháng trước khi qua đời, linh mục Hainques đã viết bản thỉnh cầu gửi về Hội Thừa Sai Paris xin thay đổi luật Toà thánh cho phù hợp với đời sống tinh thần và phong tục của người Việt.

Giám mục Lambert de la Motte trả lời nước đôi, châm chước cho một vài điểm, nhưng vẫn buộc phải áp dụng quy chế Cấm Nghi lễ của Tòa thánh.

Hai linh mục Hainques và Brindeau đã chết trong điều kiện tăm tối, nhưng với lòng thương tiếc yêu kính của giáo dân Quảng Ngãi, có thể vì hai ông đã cho phép họ thờ cúng tổ tiên.

Tiếp đó, trên đường Giám mục Bérithe và Vachet đi truyền giáo ở Đàng Trong, đến Nước Mặn, cũng bị đầu độc nhưng qua khỏi.

Cuối cùng, hai giáo sĩ trung thành và tận tình giúp đỡ Giám mục Tông toà và được ông coi là hai người sẽ nối nghiệp ông, là linh mục Guyart, Tổng đại diện Đàng Trong và linh mục Mahot (sau trở thành Giám mục Tông tòa Đàng Trong), cũng có những câu hỏi về vấn đề Nghi lễ, và cũng bị chết trong những điều kiện mờ ám. Chưa kể đến cái chết của linh mục Lữ Y Đoan, cũng trong thơi điểm đó.

Một thế kỷ sau, vua Gia Long từ chối không công nhận đạo Gia Tô, cũng chỉ vì đạo này không cho phép thờ cúng tổ tiên. Và Giám mục Bá Đa Lộc cũng đã tranh đấu tuyệt vọng với Tòa thánh về điều khoản này cho tới khi qua đời.

Giám mục Bérithe dừng chân lập “giáo xứ” đầu tiên ở Lam-Thuyen (Lâm Tuyền?)

Hainques và Brindeau qua đời cuối năm 1670.

Năm sau, 1671, Giám mục Lambert de la Motte quyết định đến Đàng Trong lần thứ nhất. Ông đi cùng với hai giáo sĩ Mahot Vachet, khởi hành từ Xiêm ngày 20-7-1671 và trở về Xiêm ngày 29-3-1672[29]. Mahot sẽ nổi lên trong thời kỳ này, như một nhà truyền giáo trẻ tuổi, có tài, được Giám mục tin cậy và trao trọng trách.

Guillaume Mahot sinh khoảng 1630-1640 ở Argentan (Orne) [thuộc vùng Ile de France]. Đi truyền giáo ngày 8-11-1665. Ngày 29-1-1680, được phong chức Giám mục Bide. Năm 1682, nhậm chức Giám mục Tông toà Đàng Trong. Ông qua đời ở Hội An ngày 1-6-1684.

Bénigne Vachet sinh tại Dijon (Côte d'Or) ngày 31-10-1641. Đi truyền giáo ngày 13-2-1669. Qua đời ở Paris ngày 19-1-1720[30].

Theo lời Vachet kể, ngày 20-7-1671, Giám mục Bérithe, Mahot và Vachet, lên một chiếc thuyền do bốn người Việt chèo. Hành trình đầy khó khăn và sóng gió, sau khi vượt hàng ngàn hải lý, để đến miền “Đất hứa” (La Terre promise) như “Moise đã làm”, và bao nhiêu người đã từ bỏ hạnh phúc, của cải, gia đình, nhưng đã thất bại.

Vachet viết:

Tư tưởng này hết sức an ủi chúng tôi, mặc sự sợ hãi sẽ bị khám phá ngay từ lúc mới tới và bị đưa đến trình chúa và các quan. Để tránh nỗi bất hạnh này, có thể dẫn đến khả năng giáo dân bị hành hạ, chúng tôi chọn một nơi an lành để bí mật cập bến ban đêm, một trong số thầy tu người Việt (un des prêtes annamites) đi báo tin cho một vài giáo dân chủ yếu, và ngày hôm sau, ông ta trở lại khoảng 10 giờ sáng, kèm với hai thầy giảng, một lớn, một nhỏ, và hai người khác trong làng tên là Lam-Thuyen [chưa định rõ được ở đâu, nhưng chắc chắn trong vùng Nha Trang, Diên Khánh], niềm vui rộn rã cả phiá họ lẫn phiá chúng tôi.

Những người khốn khổ này chưa bao giờ thấy một giám mục, và họ cũng không có linh mục từ khi hai ông Hainques và Brideau qua đời [1670], họ như được sống lại khi nhìn thấy chúng tôi và ta có thể đoán được tình cảm trong tim họ. Sau khi bàn bạc với họ phải làm gì, chúng tôi quyết định, ban ngày trốn trong thuyền, 7 giờ tối lên bờ để đi đến một nơi cách biển một dặm (une lieue)[31], là nhà của một giáo dân có lệ tụ họp ngày chủ nhật và ngày lễ, ông ta sẽ cho người đến đón chúng tôi.[32]

Vachet kể tiếp (xin tóm tắt): Đêm ấy, chúng tôi lặng lẽ lên bờ, Giám mục đi cáng, Mahot và tôi mặc quần áo Đàng Trong. Họ đến nhà giáo dân mời đón họ:

Chúng tôi vào căn nhà của người công giáo tốt bụng này ngày 1-9-1671, khoảng hai tháng sau khi khởi hành từ nước Xiêm. Tôi coi căn nhà này như Giáo xứ đầu tiên của nước Nam (la première paroisse de la Cochinchine), bởi vì chúng tôi đã gặp ở đây số đông tín đồ khao khát thánh lễ. Một đoàn hơn 800 con chiên kẻ trước người sau đến đây nhận lễ ban phúc của đức cha mà họ gọi bằng tiếng của họ là đức Cha Cả (Grand Père). Chúng tôi buồn vì không thể nghe được tất cả mọi người xưng tội, tôi không biết tiếng Đàng Trong, và phải mất hơn một tháng đức Giám mục và ông Mahot mới tạm nói và tạm nghe được tiếng Việt. Để an ủi họ, chúng tôi hứa là sẽ trở lại hai tháng sau, khi đã có đủ khả năng để phục vụ họ.”[33]

Vậy, nơi Giám mục dừng chân, là nhà giáo dân đầu tiên tại làng Lâm Thuyên, cách biển khoảng một dặm (une lieue). Giáo dân vùng này, ở tình trạng rất sơ khai, chưa bao giờ được gặp một Giám mục và cũng chưa có linh mục, vì ở đây chưa có cơ sở đạo Chúa nào. Nhưng tất cả con chiên quanh vùng đã đến nhận thánh lễ của Đức Giám mục, và căn nhà Giám mục ở được coi là Giáo xứ đầu tiên của nước Nam, dưới thời Hội Thừa Sai Paris, như lời Vachet ghi nhận.

Giám mục Bérithe sẽ chọn Lam-Thuyen[34] làm “trụ sở” đầu tiên của ông ở Đàng Trong.

Hai chữ Lam Thuyen người Âu viết không có dấu, nếu thêm dấu thành Lâm Thuyên, cũng không có nghiã gì. Ta lại biết rằng: người Việt hầu như không khi nào đặt tên chữ cho thôn làng mà không có nghiã, nên chắc các nhà nho đã đặt tên làng của họ là Lâm Tuyền (nơi có rừng và suối) và người Âu phiên âm thành Lam Thuyen. Vì thế, chúng tôi sẽ dùng Lâm Tuyền, mà không theo những chữ Lâm Toản hay Lâm Toàn, cuả các tác giả khác đề nghị, phỏng theo sách địa bạ thời Gia Long (1811) của ông Nguyễn Đình Đầu. Đơn giản là vì nếu đức Giám mục Bérithe và đoàn tuỳ tùng nghe thấy tên Lâm Toản hay Lâm Toàn vào năm 1671, dĩ nhiên Vachet phải ghi là Lam Toan rồi.

Thành Diên Khánh, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, “trước đây là thủ sở Nha Trang[35]. Ngay cạnh thành Diên Khánh (do Nguyễn Vương xây sau này) có nhà thờ Hà Dừa, nhỏ, đẹp, rất cổ kính, có thể đã được xây để kỷ niệm chỗ đức Giám mục Tông tòa dừng chân ở vùng này. Vậy theo dự đoán của chúng tôi, Lâm Tuyền có nhiều khả năng là chính nơi chốn đó.

Đức Giám mục coi Lâm Tuyền là giáo xứ đầu tiên của Hội Thừa Sai ở phía nam Đàng Trong, vùng Khánh Hoà, là đất do chúa Hiền Nguyễn Phước Tần mới chinh phục được, cũng có một ý nghiã sâu xa: mong chúa Hiền cho phép ông ra vào Đàng Trong “tự do giảng đạo” và ba năm sau ông đã được toại nguyện.

Xin nhắc lại: trước đó Đàng Trong, đã có ba trung tâm: Hội An, Quảng Nam (Đà Nẵng) Nước Mặn (Quy Nhơn), do các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ xây dựng.

Vachet cũng nhắc đến bốn linh mục người Việt (les prêtres annamites) đầu tiên được Giám mục Bérithe thụ phong: hai người được phong ở Xiêm, và hai người ở Đàng Trong. Và ông kể: lúc đó chúa vẫn ra lệnh cấm đạo và cấm đón tiếp cha cố ngoại quốc, nhưng có một ông quan đại thần kính mộ đức Giám mục, giới thiệu ngài với một ông quan Trấn thủ, và bảo đảm là quan Trấn thủ sẽ giữ bí mật. Quả nhiên quan Trấn thủ hứa: nếu đừng hội họp đông và lộ liễu quá thì không sao, ông còn cho thêm một ân huệ nữa: ông muốn gặp đức Giám mục ở nhà quan đại thần.

Quan Trấn thủ đến một mình, vào nửa đêm, khi mọi người đã ngủ hết, ông hứa sẽ bảo trợ đạo Chúa và đức Giám mục. Ông muốn mời ngài về ở trong dinh, nhưng vì dinh có nhiều người ra vào, nên nếu ngài muốn ở lại trong vùng, ông sẽ cấp một nhà riêng, có vườn bao quanh, kín đáo hơn. Ông nói hiện giờ hãy cứ tạm ẩn náu đã, đợi đến lúc mọi sự dễ dàng hơn, nhưng nếu gặp khó khăn ở các vùng khác, vẫn có thể trở về đây, quan Trấn thủ nói:

Tôi tin rằng đạo các ông rao giảng là đạo đích thực của Chúa Trời, chức nghiệp buộc tôi phải theo đạo của chúa thượng, nhưng mọi sự rồi sẽ thay đổi, biết đâu một ngày nào đó, dân ở đây sẽ được tự do theo đạo của các ông[36].

Đức Giám mục cử hành thánh lễ đầu tiên ở nhà vị đại thần. Ngài rửa tội cho ba mươi đứa trẻ và bàn việc củng cố tình trạng đạo Chúa ở vùng này.

Mahot được phái ở lại để trông coi giáo phận Lâm Tuyền

Vì mục đích chính là đi Hội An, nên Giám mục cử ông Mahot ở lại đây trông coi địa phận Lâm Tuyền và hai vùng Nha TrangNha-Phu [phiá bắc Nha Trang]. Vẫn theo lời kể của Vachet: Mahot đi thăm tất cả nhà thờ trong vùng ông cai quản, và hứa sẽ ở lần lượt ở mỗi nhà thờ bốn tháng: Fu-moy [Phố Mới?] là một vùng rộng lớn, luôn luôn được coi là vùng đông giáo dân nhất Đàng Trong, lúc đó, mới tập họp được khoảng bẩy, tám trăm tín đồ, nhưng hai năm sau, Mahot đưa con số lên đến 4.000.

Chúng tôi [đức Giám mục và Vachet] dừng lại ở Nha Phu vài ngày đề uỷ lạo giáo dân ở đây. Đức Giám mục làm lễ lần thứ hai với gần 100 người dự. Quan Trấn thủ vùng này gửi người đến dẫn chúng tôi về nhà ông. Cả gia đình ông tiếp đón niểm nở và cám ơn chúng tôi đã giảng những điều tốt đẹp về Phúc âm. Đêm sau, quan Trấn thủ đến nhà thờ thăm đức Giám mục và nói, ông sẽ sai đem gạo, sáp ong và tiền đến biếu, nhưng Giám mục từ chối, nói rằng ngài đến đây để cho chứ không phải để nhận. Nhưng khi chúng tôi lên thuyền, đã thấy quan Trấn thủ sai người, đem đến từ trước, nào đường phèn, nào mứt, gạo hảo hạng, hơn 60 sáp ong và ông còn muốn tặng thêm thuyền và bao hết chi phí cho chúng tôi đi khắp vùng Nước Mặn, là nơi chúng tôi sẽ đến, bình thường phải đi mất 4 ngày, nhưng lần này chỉ đi một ngày một đêm[37].

Tới Nước Mặn, phái đoàn gặp cha Barthélemy d'Acosta, Dòng Tên, người Nhật, nghe tin đức Giám mục đến, tới chào và cho chúng tôi hay tin buồn: năm ngoái [1670], một chiếc tàu đến Macao, trên có cha Marquez, nghe đồn, bị đắm[38]. Theo Đỗ Quang Chính, cha Marquez chết vì bị tàu bị đắm ở gần đảo Hải Nam năm 1670[39].

Tóm lại, năm 1671, Giám mục Bérithe đến làng Lâm Tuyền (Diên Khánh), thành lập giáo khu Lâm Tuyền, cử giáo sĩ Mahot ở lại cai quản các họ đạo Lâm Tuyền, Nha Trang, Nha Phu, và cả vùng Khánh Hoà, Phú Yên.

Lambert de la Motte và Vachet bị đầu độc

Từ Lâm Tuyền, Giám mục đi Nước Mặn (Quy Nhơn). Nước Mặn ngày trước là trung tâm công giáo đầu tiên ở phiá nam Đàng Trong, do ba cha Dòng Tên Cristoforo Borri, Francesco Buzomi và Francesco de Pina, sáng lập những năm (1618-1622), vì vậy là cơ sở tiên khởi của đạo Chúa ở vùng này; cho nên Nước Mặn gắn bó với Dòng Tên, tức là phe Bồ Đào Nha, nhiều hơn các vùng khác.

Nước Mặn cũng không phải là nơi Giám mục Bérithe định dừng lại lâu, nhưng không ngờ đức Giám mục và Vachet bị đầu độc, phải ở lại đây sáu tuần.

Tình trạng của Giám mục Tông Tòa cực kỳ trầm trọng khiến Vachet phải thuê người đi Hội An, tìm giáo sĩ Guyart, và một thầy thuốc đến chữa. Guyart là người thân cận, được Giám mục phái đi Hội An trước để “tổ chức” chuyến đi này của Giám mục. Khi Đức Giám mục chỉ còn chờ chết, đã sai làm di chúc, chỉ định hai người thay thế, theo thứ tự: Guyart trước. Nếu Guyart chết, thì Mahot sẽ thay thế. Giám mục đòi làm Tẩy lễ lâm chung cho ông, trước khi ông bị hôn mê. May thay, 15 ngày sau, Guyart và thầy thuốc từ Hội An về kịp.[40]

Về câu chuyện đầu độc này, Vachet kể lại như sau (xin tóm tắt):

Khi đức Giám mục đến Nước Mặn, thì biết tin có cha Barthélemy d'Acosta, từ triều về cùng với quan Trấn thủ (Vachet luôn luôn nói le gouverneur, nhưng không nói rõ Trấn thủ tỉnh nào). Barthélemy d'Acosta, người Nhật, Dòng Tên, là thầy thuốc của chúa Hiền, rất thân với Jean de la Croix, người Bồ lai Ấn, thợ đúc súng của chúa. Viên quan Trấn thủ này, theo lời Vachet, hồi nhỏ đã được rửa tội, sau lấy vợ công giáo, rồi phản đạo vì có tới ba, bốn nàng hầu. Vẫn theo lời Vachet, d'Acosta bị đức Giám mục cảnh cáo về việc cho phép giáo dân thờ cúng tổ tiên, nên ông ta “chuồn” ngay về nhà Jean de la Croix [ở Huế?]. Quan Trấn thủ hứa sẽ đuổi nàng hầu đi và làm một nhà thờ trong dinh, mượn giáo sĩ đến giảng đạo, và mời đức Giám mục đến nhà. Vachet kể tiếp:

… Chúng tôi được đưa vào một phòng, bầy bữa ăn chơi rất thịnh soạn; ông ta [Trấn thủ] tự tay mời khách. Trước hết, ông ta đặt vào hai bát sứ trước mặt chúng tôi mỗi bát một quả mứt cam tàu, dẹt, là thứ mứt tuyệt vời nhất ở đây. Đức Giám mục ăn nửa quả và tôi ăn phần còn lại, tức là một quả rưỡi. Ông ta khẩn khoản mời chúng tôi nghỉ lại nhà ông ta, nhưng rồi không thu xếp được chỗ, nên ông ta sai đưa chúng tôi trở lại nhà thờ. Hai giờ sau, chúng tôi ngủ thiếp đi trên ván gỗ có trải chiếu.

Khoảng nửa đêm tôi giật mình tỉnh dậy, vì bị nhức đầu kinh khủng, tôi cảm thấy như lửa đốt cháy ruột gan, và thấy căn phòng quay cuồng lộn ngược. Tôi nghe thấy mơ hồ tiếng Đức Giám mục Bérithe như xa xăm lắm, mặc dù ông nằm cạnh tôi. Tôi cố gắng hỏi ông: Có phải cha gọi con không? Ông bảo: Phải.[41]

Sau khi cố tìm được mấy viên thuốc của Giám mục, uống xong ngủ được vài tiếng, Vachet bò ra sân, nhưng rồi cũng ngã lăn ra bất tỉnh. Vachet sẽ bị bệnh trong 18 tháng, ông kể:

Còn Giám mục Bérithe, không sốt nặng nhưng cơn sốt kéo dài 24 ngày làm mất sức. Chúng tôi rụng hết tóc và móng tay vàng khè như vàng ròng; chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh như thế thì ông Guyart và ông Maurillon về kịp. Ông Maurillon là người điều chế thuốc đã cho thuốc và ông nói những dấu hiệu này cho thấy chúng tôi bị đầu độc với những triệu chứng đích thực là như vậy.[42]

Vachet kể tiếp: Sau khi đức Giám mục hết sốt, chúng tôi lên đường đi Quảng Ngãi. Trước khi đi, chúng tôi được cha Luc, người bản xứ, cho biết: viên Trấn thủ bị thiêu nửa người trong vụ cháy phòng ngủ. Ông ta đã thú tội trước vợ con là mình đầu độc đức Giám mục và người trợ tế, bằng hai quả mứt cam Tàu, theo lệnh của một kẻ tên là... (Cha Luc “ghê tởm” nên “không thèm” nhớ tên!) đã cho ông ta chất liệu và chỉ cách thi hành, nên ông ta bị Chúa Trời trừng phạt. 24 giờ sau, ông ta qua đời.[43]

Giáo sĩ Guyart kể: Tôi đến Nước Mặn cùng với ông Maurillon là thầy thuốc, để chữa cho đức Giám mục. Thấy Đức ông đã bớt, chúng tôi chuyển ngài lên Quảng Nghiã [Ngãi]. Cả đoàn mặc y phục bên lương. Đức ông nằm võng, tôi và ông Vachet đi ngựa. Ai hỏi thì bảo chúng tôi là những người buôn bán; tàu đậu ở Hội An, đến đây thương lượng giá cả. Đi như thế suốt vùng nam từ Nước Mặn lên Quảng Ngãi, với 40 người hầu, chở đồ đạc quần áo. Đến Quảng Ngãi, tôi đi Hội An, để Đức ông ở lại đây hơn 2 tháng[44].

Guyart viết thêm:

Trước khi bị bệnh, Đức ông đã nghiêm túc cảnh cáo cha Barthélemy d'Acosta, Dòng Tên, có máu Nhật Bản [sang japonais] phải theo chỉ dụ của giáo hoàng Clément IX [đạo luật 1669 của Clément IX: cấm Nghi Lễ] nhưng ông này không muốn chấp hành, còn cả gan nói rằng ông Chưởng khế Tòa thánh đã cấp cho ông ta bản sao chỉ dụ không đúng với bản chính; và ông ta cần quái gì đến sự chuẩn y của Giám mục, cũng chỉ hơn ông ta có ba điểm: ra lệnh, chuẩn y và xức dầu thánh. Sau khi tôi [Guyart] chỉ cho ông ta thấy cái xấu: nói bậy như thế là làm sống lại cảm tình chống Toà thánh bằng cách kích thích những kẻ nổi loạn và ngăn cản các giáo sĩ trong nhiệm vụ, ông ta mới hứa là sẽ không nói như thế nữa.[45]

Hai câu chuyện của Vachet và Guyart trên đây có mấy điểm đáng chú ý:

Cả hai giáo sĩ của Hội Thừa Sai Guyart và Vachet đều đưa ra một số nhân vật khả nghi “đầu độc” đức Giám mục: quan Trấn thủ được Vachet chỉ định rõ ràng, ông này tuân thủ mệnh lệnh của một kẻ không rõ tên. Guyart và Vachet đều chỉ trích Barthélemy d'Acosta (người Nhật), hỗn hào, không nghe lệnh của Giám mục, đồng loã với Jean de la Croix (người Bồ). Việc đổ tội cho phiá thân Bồ, tương đối “có lý”, nhưng còn viên quan “trấn thủ”?

- Trấn thủ, Vachet gọi là gouverneur, nhưng trấn thủ tỉnh nào? Nếu là quan trấn thủ thật, thì chỉ cần ra lệnh bắt Giám mục là xong. Việc gì phải nghe lệnh ai? Bởi vì Giám mục vào “lậu”, không có giấy tờ hợp pháp, đủ lý do để bắt.

Chưa kể câu chuyện Trấn thủ đầu độc Giám mục xong thì bị Chúa Trời phạt chết cháy ngay! Phép lạ này hơi thiếu tự nhiên.

Nhưng dù thủ phạm là ai chăng nữa, việc đầu độc là có thực, cho thấy tầm mức hết sức nguy hiểm, khi Giám mục Tông toà đến vùng Nước Mặn, là thủ phủ đầu tiên của đạo Chúa ở Quy Nhơn do các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ và Ý lập ra.

Về việc Giám mục Bérythe dừng lại ở Quảng Ngãi, cũng nên biết thêm:

Có hai lý do khiến Giám mục dừng ở Quảng Ngãi tới hai tháng, mà không đi thẳng Hội An với Guyart:

Thứ nhất, để thăm mộ Hainques và Brindeau.

Thứ hai, để tiếp xúc với Giáo dân Quảng Ngãi, họ đạo do Hainques và Brindeau gây dựng, nơi hội tụ nhiều trí thức nho học công giáo, và chắc chắn để gặp Lữ Y Đoan, tác giả tập Kinh Thánh diễn nôm Sấm Truyền Ca. Lữ Y Đoan (Louis Đoan) là một nhân vật quan trọng, Giám mục sẽ còn phải nhờ cậy ông nhiều. Nên Giám mục đến Quảng Ngãi, không chỉ để gặp Lữ Y Đoan, vì tiếng đồn về bản Kinh Thánh diễn nôm, nhưng còn để nhờ Lữ Y Đoan viết dùm lá thư chữ Nôm đệ trình chúa Hiền, xin chúa cho “tự do giảng đạo” như ta sẽ thấy ở chương sau.

Thành lập Dòng mến Thánh giá (Les Amantes de la Croix)

Theo Vachet, khi tới Quảng Ngãi, Giám mục ở nhà bà Luce, một góa phụ mộ đạo, quen biết cha Hainques khi ông còn sống. Nhân việc một số thiếu nữ đồng trinh muốn hiến trọn đời phụng sự Chúa, Giám mục hỏi bà Luce có thể che chở cho những thiếu nữ này được không? Bà góa phụ nhận lời. Và nhà bà sẽ trở thành tổ ấm của những thiếu nữ đồng trinh này. Giám mục Bérythe bèn thành lập hội nữ tu Dòng Mến Thánh Giá (Les Amantes de la Croix) tại An Chỉ với những điều luật gần giống như của dòng Visitation do thánh François de Sales đã lập ra ngày trước.

Dòng Mến Thánh Giá, ban đầu có tám nữ tu, Sơ chủ trì ba mươi tuổi, là em gái tu sĩ Joseph[46], linh mục đầu tiên người Đàng Trong do cha Hainques đào tạo và gửi sang Xiêm, ông được thụ phong linh mục tháng 10 năm 1667. Hai anh em ông là hai tu sĩ người Việt đầu tiên ở Đàng Trong có chức vụ quan trọng: Bà là Sơ chủ trì Dòng Mến Thánh Giá và ông sẽ được cai quản địa phận Nước Mặn như cha Xứ, do Giám mục Bérythe sắp đặt trước khi trở về Xiêm.

Công đồng Hội An 1672

Mặc dù các linh mục Fuciti và Baudet đã đi khỏi, cha Marquez không còn nữa, nhưng giáo sĩ Pháp vẫn không chiếm được ảnh hưởng đối với người công giáo Hội An.

Vì vậy, giáo sĩ Guyart được gửi tới Hội An bốn tháng rưỡi trước khi Giám mục Bérythe sang, để vận động việc tổ chức Công đồng Hội An, với mục đích “phô trương lực lưọng” và “thống nhất lòng người”, nhưng ông phải hoạt động dưới nhãn hiệu nhà buôn, không phải giáo sĩ.

Việc tổ chức Công đồng (Synode), tức đại hội công giáo, nhân dịp đức Giám mục đến Đàng Trong, là đúng lúc và cần thiết. Cho nên Guyart đã từ Nước Mặn về thẳng Hội An trước, để lo liệu việc tổ chức Công đồng, trong khi Giám mục ở lại Quãng Ngãi hai tháng, để gặp gỡ Lữ Y Đoan và những trí thức nho học, thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ, Quảng Ngãi.

Ngày 15-1-1672, Giám mục Bérythe đến Hội An[47].

Hội An là thành phố “quốc tế”, có một cộng đồng Gia-Tô lớn, lâu đời, theo Vachet, Baonhé [Bến Nghé?] là một tổng nhỏ mà hầu như toàn bộ là người công giáo, có khoảng 8.000 tín đồ với 4 nhà thờ. Phái đoàn phải dành 12 ngày để nghe xưng tội, rửa tội, và làm những lễ khác.

Tại Bến Nghé, Giám mục Tông toà triệu tập Công đồng Hội An. Gồm có: sáu giáo sĩ Âu châu, bốn linh mục bản xứ và hơn 80 thầy giảng.[48]

Mục đích của Công đồng là xác định quyền uy của Giám mục Tông toà Đàng Trong. Công bố năm chỉ dụ Giáo hoàng, mà bốn là của Giáo hoàng Alexandre VII [phong chức Giám mục Tông tòa người Pháp cho Đàng Trong, Đàng Ngoài] và chỉ dụ thứ năm của giáo hoàng Clément IX [cấm Lễ Nghi]. Chỉ dụ này sẽ được Giáo hoàng Clément X, kế nghiệp, tiếp tục.

Tóm lại Công đồng Hội An 1672 nhắm vào các điểm:

- Xác định điạ vị Giám mục Tông toà, lúc đó vẫn chưa được các cha Dòng Tên ngưòi Bồ công nhận.

- Xác định quan điểm của Giáo hội La Mã và Hội Thừa Sai Paris về việc cấm Nghi lễ.[49]

- Giáo sĩ Guyart được phong chức Tổng đại diện Đàng Trong (Vicaire général), làm cha Bề Trên, thay mặt đức Giám mục, đóng ở Hội An.

Ngày 15-2-1672, Giám Mục Bérythe rời Hội An để trở về Xiêm, trên đường đi, ông ghé Nước Mặn, là nơi ông bị đầu độc khi mới đến, đem theo một số thiếu niên về Xiêm học đạo, cùng với một thầy giảng, tuy ông biết việc này là cấm. Giáo dân Nước Mặn, thấy Giám mục hoàn toàn bình phục rất mừng. Trong tám ngày đêm, ông không ngừng làm các lễ kiên tín (confirmation), lễ xưng tội và lễ rửa tội. Cha Joseph, linh mục bản xứ đầu tiên ở Đàng Trong, được Giám mục phong Cha Xứ (Curé) cai quản địa phận Nước Mặn.

Giám mục xuống Fumoy [Phú Yên] thuộc vùng giáo sĩ Mahot phụ trách, uỷ lạo giáo dân rất đông và trung thành ở đấy. Rồi ông xuống Nha Phu, để lên thuyền về Xiêm, nhưng thời tiết quá xấu, phải chờ đợi và chia tay Guyart, Tổng Đại diện Đàng Trong, đã tiễn chân ông tới đây.

Ngày 29-3-1672, Giám mục Bérythe lên thuyền rời Đàng Trong, về tới Xiêm cuối tháng tư[50],

Claude Guyart, Tổng đại diện Đàng Trong

Claude Guyart, (có chỗ ghi Guiart) là một giáo sĩ đầy tài năng và nhiệt huyết.

Thân phụ Guyart là một trong những người thợ kim hoàn nổi tiếng ở Paris, ông sinh khoảng 1636, có lẽ trong giáo phận Saint-Barthélemy, đi truyền giáo ngày 8-11-1665. Qua đời ngày 24-5-1673 ở Bau-Nghe [?] Quảng Ngãi.

Năm 1665, khi linh mục Jacques de Bourges[51] từ Xiêm trở về Pháp để mộ thêm giáo sĩ, Guyart đã đi theo[52]. Lúc đó ông 29 tuổi.

Đầu năm 1671 Guyart được gửi sang Đàng Trong để chuẩn bị cho chuyến đi Đàng Trong của Lambert de la Motte. Là người được Giám mục tin cậy nhất, vì khi bị đầu độc, nghĩ mình không qua khỏi, Giám mục đã trăn trối với Vachet: Guyart kế nghiệp, nếu Guyart chết, sẽ đến phiên Mahot. Sự việc rồi sẽ diễn ra như vậy. Hai giáo sĩ trẻ tuổi, tài năng đức độ và đầy nhiệt huyết này sẽ chết trong hoàn cảnh đau thương bí mật.

Trong thư viết từ Xiêm ngày 11-7-1671, gửi Hội Truyền Giáo, Guyart kể lại rằng:

Được Giám mục gửi đi Đàng Trong, ông trá hình làm người đi buôn, đến Hội An sống với ông Maurillon, một thương nhân người Pháp và là thầy thuốc có tín nhiệm, được gần gụi chúa Hiền [Maurillon chính là người chữa cho Giám mục và Vachet bị ngộ độc ở Nước Mặn]. Theo Guyart, Maurillon cho ông một căn nhà ở Hội An và nhận ông làm trợ lý. Là người có thế lực, Maurillon có thể xin chúa cho phép một linh mục vào xứ hay đuổi đi. Nếu chúa bằng lòng, đức Giám mục có thể đàng hoàng sang đây, không cần phải trốn tránh[53]. Tuy nhiên lúc đó Giám mục Bérythe chưa biết thông tin này và ông đã trốn vào Đàng Trong không có giấy thông hành, nên phải đi đêm như ta đã thấy.

Bài Ký sự truyền giáo về Tổng Đại diện Đàng Trong của Hội Thừa Sai, viết rằng:

Khi Giám mục từ giã Đàng Trong, ông đã dặn Tổng đại diện Guyart phải đi thăm hết các nhà thờ ở đây, và Guyart làm ngay.

Ông luôn luôn đi ban đêm, chân đất, mặc quần áo nghèo khổ, để khỏi bị chú ý. Nhưng vì ông biết chữa bệnh, nên cũng có thể ăn mặc như thầy thuốc và xin chúa giấy phép hành nghề, nhưng ông thấy không tiện, nên vẫn di chuyển kín đáo[54].

Ngày 6-2-1672, Guyart viết một thư về Hội Thừa Sai tường trình tình trạng thiếu tu sĩ để truyền đạo:

Tôi đang ở giữa những người lính [entre des soldats] phải sống như một thầy thuốc chữa bệnh thân thể để cấp cho họ sức khỏe tâm hồn. Tôi sống dễ dàng vì quen biết nhiều người ngoại đạo, nên có thể đi khắp các tỉnh. Có đến hàng trăm tu sĩ cũng không đủ, vì những người bên lương ở đây rất dễ theo đạo, chỉ thiếu các cha để giảng cho họ tin theo...

Công việc bây giờ bận rộn lắm, không thể làm hết được [...] Ba đêm cuối cùng này, tôi rửa tội cho 26 người sắp trưởng thành, và đã phải từ chối nhiều người chưa đủ trình độ. Ấy là chưa kể rất nhiều người muốn xin được nhận lễ rửa tội, và xin làm phép cưới, mà tôi chưa xét để ban phép lành.

Thức suốt đêm và một phần ngày để nghe xưng tội, chúng tôi chỉ được nghỉ hai giờ trên hăm bốn. Cha Joseph, linh mục người Đàng Trong, cũng bận rộn như vậy.

Phải thú thật rằng, tim tôi rướm máu khi thấy bao nhiêu tâm hồn chìm đắm hoạc héo mòn vì thiếu giáo sĩ. Một thầy giảng cho biết ông đã làm lễ rửa tội cho 2.400 người từ khi hai ông Hainques và Brindeau qua đời. Tôi nghĩ rằng, chúng tôi cũng đã rửa tội cho khoảng 500 người từ khi tới đây[55].

Nhưng quan trọng nhất là lá thư Guyart viết ngày 10-3-1673 gửi về Toà Thánh, lúc này Giám mục Bérythe đã về Xiêm được gần một năm, Guyart nêu lên những thắc mắc liên quan đến việc truyền giáo theo lệnh của Hội Thừa Sai.

Những thắc mắc của Guyart

Sau khi Giám Mục về Xiêm, Guyart tiếp tục đi thăm những nhà thờ trong xứ, theo lệnh đức Giám mục, để tìm hiểu tình hình chung của giáo dân. Ông nhận thấy rằng: nhiều người đến xin làm lễ rửa tội, nhưng sau khi nghe những điều kiện bắt buộc phải theo, họ bỏ. Sự ngã lòng này không phải vì chúa Hiền ra dụ cấm đạo [cho tới ngày nay, chưa tìm thấy dụ cấm đạo nào của chúa Hiền] mà vì những điều lệ bắt buộc của Hội Thừa Sai.

Vì thế, trong thư ngày 10-3-1673 gửi về Toà Thánh, viết cho các Hồng Y trong Hội Truyền Giáo La Mã, Guyart đặt một số câu hỏi chính xác, và mong được trả lời rõ ràng.

Guyart tường trình tình trạng: một năm sau khi Hainques và Brindeau qua đời, số tín đồ vẫn lên rất cao: thầy giảng tên Hilaire, kể lại cho ông nghe một mình đã rửa tội cho 2.400 người và những thầy giảng khác cũng làm được khoảng 600.

Nhưng từ khi Giám mục Bérythe vào Đàng Trong cho tới lúc ông đi khỏi, tức là trong gần một năm, người ta chỉ làm lễ rửa tội được cho tất cả có 2.000 người, chưa kể trong số đó có những đứa bé bị chết, mặc dù ông Mahot và ông, hai tu sĩ Pháp, cùng với hai tu sĩ Việt, đã làm hết sức mình. Trong khi Barthélémy d'Acosta, linh mục Dòng Tên, chỉ có một mình với một thầy giảng, mà cũng rửa tội được cho cùng số người như vậy[56].

Guyart đặt vấn đề: Chính điều kiện nhập đạo của Hội Thừa Sai Paris đã làm nhụt ý theo đạo của những người ngoại đạo. Ở đây, ta thấy Guyart đã thay đổi 180 độ, khác hẳn quan niệm lúc đầu, ông chỉ trích Barthélémy d'Acosta và chủ trương theo sát quan điểm của Hội Thừa Sai.

Guyart trình bày vấn đề giống như Hainques ngày trước: ông chỉ trích việc cấm thờ cúng tổ tiên đã ngăn chặn người bên lương theo đạo. Bằng chứng là Barthélémy d'Acosta, theo lối truyền đạo của Dòng Tên, thu phục được số tín đồ gấp đôi.

Ba tháng sau Guyart qua đời. Ở tuổi 37.

Vachet chỉ viết vài dòng ngắn ngủi về cái chết của Guyart:

Chưa bao giờ Ô. Guyart khoẻ mạnh như thế, bỗng đột nhiên ông cảm thấy gan ruột đau quặn thắt. Chưa đầy hăm bốn giờ sau, ông qua đời. Ông thay đổi tử kiếp bằng cuộc sống vĩnh cửu. Ông ra đi ngày 3-6-1673.

Như thế kết thúc cuộc đời Claude Guyart, Tổng Đại diện Đàng Trong. Người ta làm cho ông một ngôi mộ đẹp tuyệt vời trong xứ và nếu tin lời những người ngoan đạo, đến nay ông vẫn còn ban nhiều phép lạ... ”.[57]

Trong phần tiểu sử Guyart mà chúng tôi chép ở trên, Hội Thừa Sai ghi ông mất ngày 24-5-1673 ở Bau-nghe, tỉnh Quảng Ngãi[58].

Sau đó không thấy ai viết gì thêm về Guyart nữa.

Phải chăng Hainques, Brindeau, Guyart đều đã áp dụng và đòi hỏi cho giáo dân những điều không thể thực hiện được vì Bề trên không muốn, nên họ phải chết?

(Còn tiếp)


[1] Launay, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, tập I, trang 1. Chúng tôi dựa theo tài liệu của Launay, bởi vì ông chép lại Văn khố của Hội Thừa Sai (Archives des Missions Étrangères) (A.M.E). Tiểu sử Lambert de la Motte trên mạng Hội Thừa Sai Paris, đôi khi có những khác biệt.

[2] Launay Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, tập I, trang 76.

[3] François Deydier là người sẽ được Giám mục Bérythe cử đi Đàng Ngoài, và đã gây dựng lại họ đạo ở Đàng Ngoài (xem kỳ trước).

[4] Hồi ký của Vachet, in trong Launay, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, tập I, trang 7.

[5] https://missionsetrangeres.com/mgr-pierre-lambert-de-la-motte-1624-1679.

[6] Theo bài Mgr Pierre Lambert de la Motte (1624-1679), mạng: Missions étrangères de Paris, và bài Đức cha Pierre Lambert de La Motte (Lisieux. 1624-1679) của Trinh Nguyên, mạng: Giáo xứ Việt Nam Paris: http://giaoxuvnparis.org/chi-tiet/duc-cha-pierre-lambert-de-la-motte-lisieux-1624-1679-trinh-nguyen.html

[7] Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ,1658-1717, trang 78-116.

[8] Ký sự về những chuyến đi trong năm 1672-1675, Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, trang 177.

[9] Thư Giám mục Lambert de la Motte gửi ông Brisacier ngày 16-11-1676, in trong Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, của Launay, trang 177.

[10] Theo bài Mgr Pierre Lambert de la Motte (1624-1679), in trên mạng: https://missionsetrangeres.com/mgr-pierre-lambert-de-la-motte-1624-1679.

[11] Thư từ chức của Giám mục Lambert de la Motte, in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, I, trang 10.

[12] Mrg Lambert de La Motte au Pape (Thư Giám mục Lambert de La Motte gửi Giáo Hoàng), A.M.E, vol 876, p.103, in lại trong Launay, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, tập I, trang 11. Nguyên mẫu tiếng La tinh, chúng tôi nhờ Google dịch sang tiếng Pháp, và chúng tôi dịch lại, từ bản tiếng Pháp của Google.

[13] Nhưng bài Mgr Pierre Lambert de la Motte (1624-1679) trên mạng Missions Étrangères de Paris, lại ghi ngày 3-10-1663. Chúng tôi tin rằng thông tin của Launay bảo đảm hơn bài viết của Hội Thừa Sai, trên Internet, vì bài này không ghi xuất xứ và không biết ai là tác giả.

[14] Etat des affaires et des propositions qui doivennt être exposés par M. de Bourges, in trong, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay I, trang 11.

[15] Theo bài Mgr Pierre Lambert de la Motte (1624-1679) trên mạng https://missionsetrangeres.com/mgr-pierre-lambert-de-la-motte-1624-1679.

[16] Theo bài Mgr Pierre Lambert de la Motte (1624-1679) trên mạng https://missionsetrangeres.com/mgr-pierre-lambert-de-la-motte-1624-1679.

[17] Hoặc 14-6-1637, tùy theo tư liệu.

[18] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay, quyển I, trang 44.

[19] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay, quyển I, trang 46.

[20] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, quyển I, trang 62.

[21] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay, quyển I, trang 45-46.

[22] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay, quyển I, trang 63-64.

[23] Thi hài Brindeau chỉ trưng bày 2 ngày chưa khâm liệm và 20 ngày sau khi liệm.

[24] 5 dặm: khoảng 21km500.

[25] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay, quyển I, trang 64.

[26] Thư Ô. Mahot gửi ban giám đốc Hội Thừa Sai, in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay, quyển I, trang 63.

[27] La Cochinchine Religieuse của Louis-Eugène Louvet in năm 1885, quyển 1, trang 287.

[28] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay, quyển I, trang 53-54.

[29] Lịch sử truyền giáo ở Nam kỳ, 1658-1717, Launay, trang 78-116.

[30] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 76.

[31] Dặm (une lieue), thay đổi tuỳ nơi, từ gần 2 cây số đến gần 5 cây số.

[32] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 82.

[33] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 83.

[34] Về Lâm Thuyên có bài viết tựa đề Giám mục Lambert de la Motte đến thăm họ đạo có tên Lâm Thuyền hay Làm Thuyền? của Nguyễn Văn Nghệ in trên tạp chí Xưa và Nay, số 553 tháng 7-2023. Chúng tôi xin nhắc lại: Lam Thuyen là nơi Giám mục Tông Toà dừng chân đầu tiên, lúc đó chưa có gì, chứ không phải khi Giám mục đến, đã có họ đạo có tên Lâm Thuyền, và cuối bài, Nguyễn Văn Nghệ viết rằng: “Đúng tên của nó là Lâm Toản, hoạc Lâm Toàn, nhưng dân địa phương gọi là Lâm Tuyền”.

[35] Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, Nxb Thuận Hoá, 1992, trang 93.

[36] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 84-85.

[37] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 85- 86.

[38] Vachet viết lại câu chuyện sau đây: Chúa Hiền giao cho cha Marquez 10.000 écus đem sang Macao mua hàng, nhưng hàng không tới, nên chúa trả thù, làm đắm tàu. D'Acosta cho rằng từ đó, không có tầu nào dám đi từ Macao, vì sợ bị chúa bắt, tịch thu hàng hoá, để bù vào tiền chúa bị mất. Đoạn này rất khó tin: Tại sao chúa lại đánh đắm chiếc tầu trên có cha Marquez? Vì tầu đắm, cha Marquez chết, chúa mới mất tiền, vậy chúa còn trả thù ai? Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 86-87.

[39] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 22, chú thích số 1.

[40] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 87-88.

[41] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 93.

[42] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 94.

[43] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 92-93-94.

[44] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 94.

[45] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 94.

[46] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 97, 114.

[47] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang104.

[48] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 106.

[49] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 107.

[50] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay I, trang 112- 116.

[51] Jacques de Bourges cùng với François Deydier, là hai người đầu tiên theo Giám mục Bérythe sang Xiêm, về sau hai người này sẽ trở thành Giám mục Tông toà Đàng Ngoài.

[52] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay I, trang 75.

[53] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay I, trang 118.

[54] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 119.

[55] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 118-119.

[56] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 119- 120.

[57] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 121.

[58] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 75.