Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Tản văn của Thái Hạo: Em tôi

 Thái Hạo


Năm ấy tôi 7 tuổi, em gái tôi 5 tuổi. Không biết bằng cách nào đến nay tôi vẫn nhớ những chuyện li ti về em. Tôi nhớ đôi chân em ngắn cũn và ú nu, có những cái ngấn sâu phải dùng hai ngón tay tách ra mới thấy một đường chỉ hồng bé tí chạy một vòng tròn xinh xinh quanh cổ chân. Em đi lại lạch bạch như một con vịt con, hết trong nhà lại ra sân. Cả nhà gọi em là Bé, chứ không gọi tên riêng.

Ở nông thôn, ngày xưa nghèo, bố mẹ tôi thì lam lũ, nhưng em tôi thì trắng trẻo và sạch sẽ lắm. Da em như trứng gà bóc, mái tóc óng ánh, tay chân hay áo quần mà chỉ cần hơi bẩn là em bắt phải rửa, phải thay ngay. Nhìn đứa bé con như cây nấm trắng thơm tho mọc trên đồng cỏ xanh, ai cũng muốn bế vào lòng.

Một lần nọ, không biết ai cho mà em có được tờ tiền 200 đồng, em chạy vào trong buồng hồi lâu rồi trở ra, mặt đầy kiêu hãnh: “Em giấu tiền trong thúng gạo của mẹ rồi, đố anh tìm được nữa”. Nói rồi bỏ đi chơi. Tôi cũng giả vờ không tìm được, sau đó lén vào lấy đi mua kem ăn mất. Vụ đó mẹ phải đền tiền cho em, vì nó khóc ăn vạ ghê quá. Chúng tôi đã ở bên nhau như thế.

Rồi một ngày, không hiểu vì sao, ở nơi chân răng em, máu cứ nhỉ ra, ngày một nhiều, không cầm được. Đưa em đến các ông bà thầy lang trong làng, người ta cho thuốc, nhưng uống hoài không hết. Đến khi thấy em ngày càng xanh xao hơn, bố mẹ đưa em đi bệnh viện ngoài thành phố. Bác sĩ nói phải nhập viện, em bị mất máu quá nhiều. Rồi người nhà phải kéo ra bệnh viện thử máu, mong tìm ra nhóm máu phù hợp để truyền cho em. Cả gia đình chỉ có dì tôi là lấy được. Máu đã được truyền sang cho em, nhưng bác sĩ vẫn không tìm ra bệnh.

Lúc ấy ở nhà, tôi lại bị con chó nhà ông nội cắn vào tay, chẳng biết chó lành hay cho dại, thế là phải vào trong thị trấn để tiêm phòng. Tôi không nhớ là phải đi bao nhiêu chuyến, nhưng là đi bằng xe đạp. Một người anh em họ hàng nào đó chở tôi đi, vì bố mẹ đều ở ngoài bệnh viện chăm em.

Em mất. Ai đó đã nói với tôi như thế. Lúc đó tôi mới đi tiêm về, trên tay còn cầm chiếc mũ nan rộng vành. Tôi không nhớ mình có khóc không, nhưng tôi muốn về với em, mà không ai cho tôi về, vì mọi người nói đám ma sẽ làm bệnh dại bị phát lên, không chữa được. Tôi phải ở lại nhà một người thân bên thôn khác. Mãi đến khi tôi được về thì không còn thấy em nữa. Tôi đã không bao giờ được gặp lại em tôi.

Mẹ tôi đã ốm nhiều năm sau ngày em mất. Còn bố thì mỗi ngày thường dẫn tôi và chị gái tôi lên mộ em, đốt nhang cho em và ngồi ở đó thật lâu. Mộ em ở trên một khu đồng đất cát có rất nhiều cỏ màn màn và cỏ gấu mát rượi. Tôi đã nhiều lần thấy bố khóc ở đây. Còn mẹ, thì mãi sau này khi đã nguôi ngoai đi nhiều, bố mới cho mẹ đi, vì mẹ sẽ khóc đến ngất đi và về nhà lại ốm hàng tháng trời. Tôi vẫn còn nhớ cái không khí u buồn suốt nhiều năm sau đó trong nhà tôi. Mỗi lần dọn cơm mẹ luôn lấy thêm một đôi đũa và một cái bát, mẹ không bao giờ quên nhắc em về cùng ăn.

Tám năm sau ngày em mất, mẹ sinh em trai tôi. Rồi tôi có hai đứa em trai. Nay thì các em trai tôi đều đã là những người đàn ông trưởng thành.

Đã hơn 30 năm trôi qua, bây giờ thì tôi cũng bắt đầu già, bố mẹ nay đã thành ông thành bà, nhưng hình ảnh em tôi thì còn đó, như mới ngày hôm qua. Dường như em chưa bao giờ vắng mặt trong gia đình tôi, vì bố mẹ và mọi người vẫn luôn nhắc em. Tôi thì nhớ em như nhớ một cây nấm trắng xinh và thơm tho. Có đôi lúc nhớ dáng em một mình chạy ra ngõ tôi lại hình dung ra một con vịt bầu có đôi mắt thật tròn và hai bàn chân hồng hào bé xíu.

Thương nhớ em, chỉ tiếc là tôi chưa kịp mua cây kem mùa hè mát lạnh để đền cho em mà em đã vội bỏ đi. Tôi nhớ, ngày em mới mất, có ai đã nói rằng, em là một thiên thần, chỉ xuống đây chơi vài năm là phải quay về. Ừ mà chắc thế thật . Vì em đẹp như vậy, làm sao có thể ở đây mãi được...

Em tôi đã không lớn lên nữa, mãi mãi là một em bé trong nỗi nhớ của bố mẹ và chị em tôi. Gia đình thật kỳ lạ. Em chỉ đến với chúng tôi có mấy năm ngắn ngủi, nhưng một lần ra đi là để lại mãi mãi một khoảng trống mênh mông không bao giờ khỏa lấp được trong lòng người ở lại. Những hình ảnh thơ ấu ấy và cái thiêng liêng của tình máu mủ có một sức sống lâu dài hơn bất kỳ điều gì trên đời này chăng?

Món ngon

Hè về, bỗng nhớ một mùi hương xôn xao trong nắng, mùi của một ly xoài đá 30 năm còn đọng, cứ mỗi lần nhớ về là lại nghe mát lành, thơm lịm trên bàn tay.

Lần ấy tôi ốm, bố chở tôi bằng xe đạp ra thành phố để khám bệnh. Tôi không nhớ mình bị bệnh gì và đã khám đã chữa ra sao, tôi cũng không nhớ hình ảnh của khu bệnh viện, không nhớ gì hết tất cả cái chuyến đi và về ấy; nhưng tôi nhớ một ly xoài đá lạnh trên vỉa hè. Đó cũng là cái hình ảnh duy nhất còn lại sau một trận ốm và một chuyến đi xa đầu tiên trong đời.

Bố dắt tôi ra vỉa hè. Trên đường phố, người qua lại ngược xuôi. Mùa hè, trời nóng như lửa cháy, bố gọi cho tôi một ly xoài dầm đá, còn bố thì uống nước trà. Tôi còn nhớ được cả cái màu vàng của lát xoài lẫn với những viên đá lạnh lóng lánh mờ dần sau lớp hơi nước đọng trên thành ly thủy tinh. Cái hương vị ngọt thắm của xoài tan ra cùng cái mát lạnh của những viên đá, mãi mãi đọng lại trong tôi, kết thành một mùi hương không tan.

Ngày xưa quê tôi không có xoài, tôi chưa từng biết tới một trái xoài. Chợ cũng không có. Thời đó chưa có trái cây miền Nam ra như bây giờ, ở làng thì chỉ có ổi dại, táo xanh, một ít dừa và hiếm hoi lắm mới có nhà có cây mít được vài quả, quý như vàng. Xoài là thứ xa xỉ, ở đâu đó trên thành phố phù hoa mới có. Rồi một ngày tôi được một trái xoài vàng sóng sánh trong chiếc ly thủy tinh.

Bây giờ thì xoài nhiều lắm, xoài ở khắp nơi, tôi có thể dễ dàng mua chúng chỉ với một chút tiền lẻ. Và xoài bây giờ có lẽ còn ngon hơn cả ngày xưa với những trái đầy thịt và đủ mọi màu sắc, hình dáng. Tôi vẫn còn thích xoài, đó là thứ trái cây tôi mê nhất, nhưng một ly xoài dầm đá trên vỉa hè thành phố tuổi thơ thì không còn có thể tìm lại nữa.

Hương thơm của trái xoài, cái mát lạnh của một ly đá hay bàn tay bố...., tôi không biết nữa. Bố đã chở tôi bằng xe đạp, 30 cây số, con đường ấy xa đến thế nào với một đứa trẻ con lần đầu ra khỏi làng? Ở một nơi xa lạ, đầy những người xa lạ, bố dắt tôi đi và ngồi bên tôi, nhìn dòng người qua lại bên một ly xoài dầm đá đọng đầy mồ hôi trên thủy tinh sóng sánh, vị ngon của một ly xoài hay mùi của một chuyến đi xa đầy hạnh phúc vì tôi có bố bên cạnh? Tôi không biết nữa.

Trong đời tôi còn có một lần khác, tôi đã ăn và nhớ mãi. Trưa hôm đó tôi mang cơm cho bố tôi. Bố chăn vịt trên một cánh đồng ở làng bên vì họ vừa gặt xong, lúa rụng còn rơi dưới chân gốc rạ. Đường xa, phải đi men theo chân núi có đầy những ngôi mộ nằm lặng im dưới nắng. Tôi đã sợ đến phát khóc trên chiếc xe đạp của mình, hai chân như muốn khuỵu xuống.

Cuối cùng tôi cũng đến được chỗ cái chòi của bố, là một chiếc giường một được úp bằng tấm cót nứa mỏng uốn vòm. Bên cạnh là một cái nồi thật lớn, bố mở vung, một con vụt vàng ươm, mùi thơm nghi ngút bay ra. Bố cầm con vịt lên, xé ra một cái đùi rồi bỏ vô nồi, đậy nắp lại. Bố chỉ tay về chỗ một ngôi nhà lấp ló sau những bụi tre và nói với tôi là trả chiếc nồi cho nhà đó, kêu họ là mình biếu cái đùi vịt này.

Tôi đi trả nồi rồi trở ra, thấy con vịt đã được đặt trên một tàu lá chuối xanh, mỡ chảy ra lóng lánh, mùi thơm ngây ngất. Hình như bố tôi làm thịt nó và bỏ vào chiếc nồi kia, lấy rơm chất xung quanh và đốt. Tôi bỏ cái cặp lồng xuống cùng với ít thức ăn mẹ tôi đã chuẩn bị ở nhà để bố ăn cơm. Bố xé cái đùi còn lại của con vịt đưa cho tôi và giục tôi ăn. Dù tôi đã ăn cơm ở nhà rồi nhưng mùi thơm béo ngậy này làm bụng tôi cồn cào lên.

Nó không phải là một một món luộc, cũng không phải chiên rán mà cũng chẳng phải vịt quay. Đó là món thịt vịt ngon nhất trong cuộc đời mà tôi đã được ăn. Tôi ngồi ăn cùng bố giữa cánh đồng mênh mông xa lạ bốn bề là núi đồi lô xô. Xa kia, cây thập giá của ngôi nhà thơ xóm đạo im lìm trong trời thẳm. Tôi và bố ngồi ăn trên cỏ xanh ngút ngàn. Cũng 30 năm rồi, một hương vị chưa tan.