Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Cái chết (3)

Truyện James Joyce
Trịnh Y Thư chuyển ngữ từ ấn bản Dubliners, NXB Alfred A. Knoff, 1991

Nho khô, hạnh nhân, sung, táo, cam, sô-cô-la và kẹo giờ đây được bày ra khắp bàn và dì Julia mời tất cả các vị khách uống bia đen hoặc rượu sherry. Lúc đầu, ông Bartell D’Arcy từ chối uống nhưng người bên cạnh huých ông một cái nhẹ và nghiêng đầu thì thầm điều gì đó vào tai ông, và ông cho phép rót đầy ly của mình. Khi cốc rượu cuối cùng được rót đầy, cuộc trò chuyện cũng dần dà lắng xuống. Tiếp theo là sự im lặng, chỉ bị gián đoạn bởi tiếng cốc ly va chạm và tiếng ghế lắc lư. Ba cô cháu nhà Morkan nhìn xuống tấm khăn trải bàn. Có người ho một hai tiếng rồi vài quý ông vỗ nhẹ lên bàn ra hiệu im lặng. Sự im lặng bao trùm và Gabriel đẩy ghế ra.
Tiếng vỗ tay ngay lập tức to hơn như để khích lệ rồi ngừng hẳn. Gabriel chống mười ngón tay run rẩy lên mặt khăn trải bàn, miệng mỉm cười nhưng không giấu được vẻ hồi hộp. Anh nhìn xuống thấy hai dãy người trong bàn cùng ngước mặt lên anh, chờ đợi. Anh ngửng đầu, đưa tia mắt nhìn lên cây đèn bách đăng trên trần. Tiếng piano đang dạo một điệu valse và anh có thể nghe thấy tiếng váy loạt xoạt lướt qua cửa phòng khách. Bên ngoài, có lẽ có người đang đứng trên tuyết từ bến cảng nhìn lên những ô cửa sổ sáng đèn và lắng nghe điệu nhạc valse. Không khí ở đó chắc là trong lành lắm. Xa hơn là công viên nơi cây cối trĩu nặng tuyết. Đài tưởng niệm Wellington đội một lớp tuyết dày lấp lánh chiếu sáng về phía tây trên cánh đồng Mười Lăm Mẫu tuyết phủ đầy.
Anh bắt đầu:
“Kính thưa quý vị, tối nay, cũng như những năm trước, tôi đã có cơ hội thi hành một nhiệm vụ rất thú vị nhưng là một nhiệm vụ tôi e rằng năng lực làm diễn giả kém cỏi của tôi hoàn toàn không đáp ứng nổi.”
“Không, không đâu!” Ông Browne kêu lên.
“Nhưng dù thế nào chăng nữa, tôi chỉ có thể yêu cầu quý vị tối nay hãy mở lòng dành cho tôi sự chú ý của quý vị trong giây lát để tôi cố gắng bày tỏ với quý vị bằng lời nói cảm xúc của tôi trong dịp này là gì.
“Thưa quý vị, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta tụ họp dưới mái nhà hiếu khách này, quanh khu nhà hiếu khách này. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta là người nhận – hoặc có lẽ, tôi nên nói cho chính xác hơn, những kẻ không đòi mà được hưởng – lòng hiếu khách của một số quý bà, quý cô tốt bụng.”
Anh giơ tay vẽ một vòng tròn trong không khí và tạm thời ngưng nói. Mọi người ai nấy cất tiếng cười hay mỉm cười với dì Kate, dì Julia và cô Mary Jane, ba người đỏ mặt vì sung sướng. Gabriel tiếp tục nói một cách mạnh dạn hơn:
“Mỗi năm trôi qua, tôi lại cảm thấy mình tin tưởng một cách mạnh mẽ hơn rằng đất nước chúng ta không có truyền thống nào tốt đẹp hơn lòng hiếu khách và chúng ta phải kiên quyết bảo vệ nó. Đó là một truyền thống hiếm có, gần như độc nhất vô nhị cho đến nay, theo kinh nghiệm của tôi đi thăm viếng nhiều nơi ở nước ngoài trong số các quốc gia hiện đại. Có lẽ có người cho rằng đó là một thất bại hơn là bất cứ điều gì đáng tự hào. Nhưng ngay cả thế, trong tâm trí tôi, đó là một thất bại đáng quý, một điều mà tôi tin tưởng là sẽ được nuôi dưỡng thật lâu bền trong tâm thức chúng ta. Ít nhất tôi tin chắc một điều, đó là khi nào mái nhà này còn che chở những người phụ nữ tốt bụng tôi vừa đề cập – và tôi thực tâm mong ước điều đó vẫn tiếp tục trong rất nhiều tháng năm dài sắp tới – thì truyền thống hiếu khách ấm áp và chân tình của dân tộc Ireland, mà tổ tiên chúng ta đã truyền lại cho chúng ta và đến lượt chúng ta truyền lại cho con cháu mình, vẫn còn tồn tại trong chúng ta mãi mãi.”
Tiếng rì rầm tán thưởng nồng nhiệt nổi lên lan ra khắp bàn. Gabriel chợt nhớ cô Ivors không có ở đó, cô đã bỏ ra về một cách bất lịch sự: và anh nói với sự tự tin chắc nịch:
“Thưa quý vị, một thế hệ mới đang lớn lên giữa chúng ta, một thế hệ được thúc đẩy bởi những ý tưởng mới, những nguyên tắc mới. Nghiêm túc và nhiệt tình, những ý tưởng mới này với tính cách sôi động của nó, ngay cả khi bị định hướng sai lạc, tôi tin rằng ở bản chất là chân thành. Nhưng chúng ta đang sống trong một thời đại đầy hoài nghi và, nếu tôi có thể sử dụng cụm từ này, một thời đại bị giày vò về tư tưởng: và đôi khi tôi e sợ rằng thế hệ mới này, dù được giáo dục đầy đủ, thậm chí còn hơn thế nữa, nhưng lại thiếu những phẩm chất về tính nhân đạo, lòng hiếu khách, tính hài hước tử tế, vốn là thuộc tính của các thế hệ xa xưa. Tối nay khi nghe quý vị nhắc đến tên tuổi những ca sĩ lừng lẫy trong quá khứ, tôi phải thú nhận rằng chúng ta đang sống trong một thời đại kém rộng rãi. Thời đó ta có thể không ngoa gọi là thời của những ngày rộng rãi: và nếu chúng ta không thể tìm lại được những ngày tháng đó thì ít nhất chúng ta hãy hy vọng rằng trong những cuộc tụ họp như thế này chúng ta vẫn nhắc về nó với niềm tự hào và lòng yêu mến, vẫn ấp ủ trong lòng ký ức về những con người vĩ đại đã chết, đã ra đi không bao giờ trở lại mà danh tiếng họ thế giới không thể chôn vùi.”
“Nghe! Nghe!” Ông Browne bật lên nói to.
“Tuy nhiên,” Gabriel nói tiếp, giọng nhẹ nhàng hơn, “trong những buổi tụ họp như thế này, luôn luôn có những những suy nghĩ buồn bã quay trở lại tâm trí chúng ta: những suy niệm về quá khứ, tuổi trẻ, những đổi thay, những khuôn mặt không có nơi đây mà chúng ta cùng nhau tưởng nhớ đến. Đường đời chúng ta rải đầy những kỷ niệm buồn bã như vậy: và nếu chúng ta cứ mãi đau buồn suy ngẫm về những điều đó, chúng ta sẽ không thể nào tìm đâu ra tâm sức để tiếp tục một cách dũng cảm với công việc của mình giữa những người đang sống. Tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ sống và cuộc sống này luôn đòi hỏi, và đòi hỏi một cách đúng đắn, những nỗ lực khó khăn vất vả của chúng ta.
“Vì vậy, tôi sẽ không nán lại quá khứ. Tôi sẽ không để bất kỳ đạo đức u ám nào xâm chiếm chúng ta ở đây tối nay. Ở đây chúng ta tụ họp lại với nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi sau những nhộn nhịp lo toan tất bật của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta gặp nhau ở đây như những người bạn, trên tinh thần bằng hữu tốt đẹp, với tư cách là đồng nghiệp, và ở mức độ nào đó, trên tinh thần huynh đệ chí thiết thực sự, và với tư cách là khách của – tôi phải gọi họ là gì đây? – Ba Nữ thần [20] của thế giới âm nhạc thành phố Dublin.”
Với ám chỉ này, cả bàn vỗ tay rào rào và phá lên cười thích thú. Dì Julia ngơ ngác yêu cầu từng người ngồi xung quanh thuật lại những gì Gabriel vừa nói cho dì nghe, nhưng chẳng ai bận tậm, cuối cùng Mary Jane quay sang bảo dì:

“Anh Gabriel gọi chúng ta là Ba Nữ thần, dì Julia ạ.”
Dì Julia vẫn chẳng hiểu gì cả nhưng bà ngước lên, mỉm cười với Gabriel, trong lúc anh tiếp tục nói với giọng như cũ:
“Thưa quý vị, tối nay tôi sẽ không cố gắng diễn vai trò mà Paris đã đóng [13]. Tôi chỉ cố gắng hoàn tất nhiệm vụ với tất cả khả năng kém cỏi của mình, và đây quả là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với tôi. Vì khi tôi lần lượt nhìn họ, cho dù đó là bà chủ nhà, người có trái tim nhân hậu, trái tim quá nhân hậu, đã trở thành cái gì quá quen thuộc với tất cả những ai quen biết bà, hay người em của bà, người dường như được ban tặng tuổi trẻ suốt bao năm và giọng hát của bà hẳn là một ngạc nhiên thích thú, một khám phá đối với tất cả chúng ta tối nay, hoặc, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, khi tôi nhắc đến cô chủ nhân trẻ tuổi nhất của chúng ta, tài năng, vui vẻ, chăm chỉ và là cô cháu gái tốt lành nhất, tôi đành thú nhận một điều, thưa quý vị, rằng tôi không biết nên trao giải cho ai trong số ba người phụ nữ khả ái này.”
Gabriel liếc xuống các dì của mình thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dì Julia, và những giọt nước mắt long lanh trong mắt dì Kate. Anh vội vã bước đến gần, nâng ly rượu của mình lên một cách trịnh trọng, trong khi mọi trong bàn cùng nhau nâng ly và nói lớn:
“Chúng ta hãy cùng nâng ly chúc mừng cả ba người nhé. Chúng ta hãy uống mừng sức khỏe, sự giàu có, cuộc sống trường thọ, hạnh phúc và thịnh vượng của họ, và cầu mong họ tiếp tục duy trì lâu dài vị trí đáng kiêu hãnh và tự lực mà họ nắm giữ trong công việc cũng như vị trí danh dự và tình cảm của họ trong trái tim chúng ta.”
Đoạn tất cả đứng dậy, ly trong tay cùng hướng về phía ba người phụ nữ đang ngồi, đồng thanh hát, với ông Browne là người dẫn đầu:

For they are jolly gay fellows,
For they are jolly gay fellows,
For they are jolly gay fellows,
Which nobody can deny. [21]

Dì Kate cầm khăn tay lên chậm nước mắt, và ngay cả dì Julia cũng có vẻ xúc động. Ông Freddy Malins đánh nhịp bằng chiếc nĩa ăn bánh pudding và mọi người quay mặt vào nhau, như thể đang cùng nhau hội ý, trong khi rướn cổ hát lớn:

Unless he tells a lie,
Unless he tells a lie,

Sau đó, một lần nữa họ quay về phía hai bà dì và cô Mary Jane, hát:

For they are jolly gay fellows,
For they are jolly gay fellows,
For they are jolly gay fellows,
Which nobody can deny.

Nhiều vị khách khác bên ngoài cửa phòng ăn cũng góp tiếng tung hô, họ lặp lại hết lần này đến lần khác, ông Freddy Malins đóng vai chỉ huy với chiếc nĩa giơ lên cao.

***

Không khí buổi sáng lạnh buốt ùa vào gian sảnh nơi họ đang đứng khiến dì Kate phải nói vọng ra:
“Ai đó đóng cửa lại giùm. Bà Malins sẽ chết vì lạnh đấy.”
“Ông Browne đang ở ngoài đó, thưa dì Kate,” Mary Jane nói.
“Cái ông Browne này thì có mặt ở khắp mọi nơi,” dì Kate hạ giọng nói.
Giọng bà làm Mary Jane phải bật lên cười.
“Thật đấy, dì ạ,” cô nói một cách tinh quái, “ông ta lúc nào cũng quan tâm sẵn lòng giúp đỡ mọi người.”
“Suốt mùa lễ Giáng Sinh ông ấy ăn nằm ở đây như bị nhiễm hơi ga,” dì Kate vẫn giữ giọng nói như cũ.
Lần này bà cười như pha trò rồi nói nhanh:
“Nhưng cháu ra bảo ông ta vào nhà đi, và đóng cửa lại. Dì cầu xin Chúa là ông ta không nghe dì nói gì.”
Đúng lúc đó cửa hành lang mở ra và ông Browne từ ngưỡng cửa bước vào, cười như thể tim ông vỡ tan. Ông mặc chiếc áo khoác dài màu xanh lục với cổ tay áo và cổ áo bắt chước kiểu Astrakhan [22] và đội trên đầu một chiếc mũ lông hình bầu dục. Ông giơ tay chỉ về phía bến cảng phủ đầy tuyết, nơi phát ra những tiếng huýt sáo chói tai kéo dài.
“Teddy đang gọi tất cả các xe ngựa ở Dublin đến đón mọi người ra về,” ông vừa cười vừa nói.
Gabriel từ phòng gửi áo choàng bước ra, loay hoay vừa mặc áo vừa nhìn quanh quất gian sảnh, hỏi:
“Gretta chưa xuống à?”
“Gabriel, cô ấy đang mặc quần áo,” dì Kate bảo anh.
“Ai đang chơi nhạc trên đó thế?” Gabriel hỏi.
“Không có ai cả. Họ về hết rồi.”
“Ồ không, dì Kate,” Mary Jane nói. “Ông Bartell D’Arcy và cô O’Callaghan vẫn chưa về.”
“Có người đang gõ piano,” Gabriel nói.
Mary Jane liếc nhìn Gabriel và ông Browne, cô rùng mình, nói:
“Chỉ cần nhìn thấy anh Gabriel và ông Browne áo quần dày cộm như vầy là em đã cảm thấy lạnh sống lưng rồi. Nếu là em thì chắc em không thể về nhà vào giờ này được.”

Ông Browne đáp lời cô:

“Vào giây phút này, đối với tôi chẳng có gì thú vị bằng một cuộc đi dạo ở vùng thôn dã hoặc chạy xe thật nhanh với một con ngựa chiến.”
“Ở nhà chúng tôi thuở xưa cũng có một con ngựa và một chiếc xe rất tốt,” dì Julia buồn bã nói.
“Johhny, không-bao-giờ-quên,” Mary Jane cười nói.
Dì Kate và Gabriel cũng cười theo.
“Sao vậy, Johnny có cái gì tuyệt vời thế?” ông Browne hỏi.
“Thuở đó ông của chúng tôi, tên là Patrick Morkan,” Gabriel giải thích, “ông cụ thường được biết đến trong những năm cuối đời như là một cụ già khả kính, nhưng thời trẻ cụ làm thợ nấu keo.”
“Ồ, Gabriel này,” dì Kate ngắt lời Gabriel vừa nói vừa cười, “ông cụ làm chủ một xưởng máy xay bột, chứ không phải thợ nấu keo.”
“Ừm, keo hay bột gì đó,” Gabriel nói, “ông cụ có một con ngựa tên là Johnny, và Johnny từng làm việc trong xưởng của ông cụ, ngày ngày nó đi vòng quanh để lái cái cối xay. Mọi chuyện bình thường êm thắm cả; nhưng chuyện bi hài về Johnny bỗng xảy ra. Một ngày đẹp trời, ông cụ bỗng nảy ra ý định muốn có một chiếc xe ngựa oai vệ để đi tham dự buổi diễu hành ngoài công viên.”
“Xin Chúa thương xót linh hồn ông cụ,” dì Kate nói giọng đầy vẻ xót thương thông cảm.
“Amen,” Gabriel nói tiếp. “Thế là ông cụ thắng dây cương con ngựa Johnny lắp vào xe và đội chiếc mũ đẹp nhất cùng chiếc áo có cổ áo nổi bật nhất rồi chễm chệ đánh chiếc xe ra khỏi khu nhà từ bao đời tổ tiên để lại tọa lạc đâu đó gần Back Lane, tôi nghĩ vậy.”
Cách kể chuyện dí dỏm của Gabriel khiến mọi người đều cười, kể cả bà Malins, dì Kate nói thêm vào:
“Ô, Gabriel, ông cụ đâu có sống ở Back Lane. Chỉ có nhà máy ở đó thôi.”
“Ra khỏi ngôi nhà của tổ tiên,” Gabriel kể tiếp, “ông cụ ra roi oai vệ cùng Johnny bon bon chạy. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp cho đến khi Johnny trông thấy tượng đài Vua Billy [23]: và chẳng hiểu vì yêu con ngựa Vua Billy đang cưỡi hay nghĩ rằng đã trở lại nhà máy, thế là nó cứ nhẩn nha đi vòng vòng quanh pho tượng.”
Với đôi ủng đi tuyết đã xỏ vào chân, Gabriel làm một vòng quanh gian sảnh giữa tiếng cười vang của những người khác.
“Chiếc xe ngựa cứ thế chở ông cụ đi vòng quanh tượng đài Vua Billy,” Gabriel nói tiếp, “và ông cụ, một ông cụ có tính khoa trương nặng, vô cùng tức giận. ‘Đi tiếp đi chứ, thưa ông! Ý ông là thế nào, hử? Johnny! Johnny! Quả là chuyện phi thường! Thật không thể hiểu được con ngựa!’”
Tiếng cười rộn rã vang mãi sau khi Gabriel kể và diễn lại cái sự kiện buồn cười đó, nó chỉ lắng xuống khi có tiếng gõ cửa gấp rút. Mary Jane chạy ra mở cửa cho ông Freddy Malins vào. Với chiếc mũ lật ngược trên đầu và đôi vai gù lên vì lạnh, ông Freddy Malins đứng thở hổn hển, như muốn bốc hơi sau khi gắng hết sức đứng ngoài lạnh gọi xe ngựa cho mọi người.
“Tôi chỉ gọi được đúng một chiếc xe mà thôi,” ông nói.
“Ồ, không sao, chúng tôi sẽ tìm xe khác dọc bến cảng,” Gabriel bảo ông.
“Ừ,” dì Kate bảo. “Tốt nhất đừng để bà Malins đứng trước luồng gió lạnh.”
Ông Freddy Malins và ông Browne cùng hiệp lực đỡ bà Malins bước xuống bậc thềm phía trước nhà, và sau nhiều phen lúng túng vật lộn với bà già, hai người mới nâng được bà lên đưa vào trong xe. Freddy Malins leo theo sau và phải mất một lúc lâu nữa để giúp bà ngồi vào ghế, ông Browne đứng dưới đường luôn mồm bảo làm này làm nọ. Cuối cùng bà Malins ổn định chỗ ngồi thoải mái và ông Freddy Malins mời ông Browne lên xe. Lại một hồi lâu bàn tính đủ thứ chuyện lộn xộn nữa, và cuối cùng ông Browne trèo lên xe. Người xà-ích trải tấm khăn dày lên đùi mình rồi cúi xuống hỏi địa chỉ nơi đến. Ông Freddy Malins và ông Browne thò đầu ra ngoài cửa sổ chiếc xe ngựa, tranh nhau chỉ đường, nhưng mỗi ông chỉ một đường khác nhau, hai ông cứ thế nói, càng lúc càng rối mù. Cái khó là không biết nên thả ông Browne ở đâu dọc đường. Dì Kate, dì Julia và Mary Jane đứng từ ngưỡng cửa cũng góp ý thêm vào, nhưng toàn những lời trái chiều, mâu thuẫn, ba người vừa nói vừa cười rũ rượi. Về phần Freddy Malins, ông cười đến nỗi không nói thành tiếng. Mỗi lần có cơn gió mạnh thổi tới ông sợ bay mất mũ nên thụt đầu vào xe, nhưng lại thò ra ngay, ông thuật lại cho mẹ nghe cuộc thảo luận đang diễn ra tưng bừng như thế nào, cho đến khi cuối cùng ông Browne hét lên với người xà-ích đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì mà mọi người cười ầm ỹ như vậy:
“Đi đi! Ông ơi, ông biết trường Cao đẳng Trinity không?”
“Vâng, thưa ngài, tôi biết,” người xà-ích nói.
Ông Browne nói: “Được rồi, ông cứ thẳng đường đâm vào cổng trường Trinity cho tôi, rồi chúng tôi sẽ chỉ cho ông biết nơi nào cần đến. Bây giờ ông đã hiểu chưa?”
“Vâng, đã hiểu, thưa ngài.”
“Hãy bay như chim đến trường Trinity giùm tôi!”
“Đúng vậy, thưa ngài.”
Người xà-ích quất roi con ngựa và chiếc xe lóc cóc chuyển bánh dọc theo bến cảng giữa những tràng cười và lời chào tạm biệt.
Gabriel không theo mọi người ra cửa. Anh đứng trong một góc tối gian sảnh nhìn lên cầu thang. Anh thấy một phụ nữ đứng trên lầu gần thang gác đi xuống, cũng ở trong bóng tối. Anh không thấy rõ khuôn mặt cô nhưng anh có thể nhìn thấy những mảng màu đất nung và hồng cá hồi trên chiếc váy cô đang mặc mà bóng tối khiến nó trông như hai màu đen trắng. Chính là vợ anh chứ không ai khác. Cô đứng dựa vào lan can và đang lắng nghe cái gì đó. Gabriel ngạc nhiên thấy cô im lặng, anh cũng cố lắng nghe nó là tiếng gì, nhưng anh chẳng nghe được gì nhiều ngoài tiếng cười nói inh ỏi từ bậc thềm ngoài cửa trước vọng vào. Hình như là tiếng piano, vài hợp âm đàn dạo vẳng lại, và giọng hát rời rạc của một người đàn ông.
Anh đứng yên trong bóng tối của gian sảnh, cố lắng nghe tiếng hát và ngước nhìn vợ mình. Có cái gì duyên dáng và bí ẩn trong tư thế của cô như thể cô là biểu tượng cái gì đó. Anh tự hỏi người phụ nữ đứng trong bóng tối trên cầu thang, nghe tiếng nhạc xa xăm, là biểu tượng của điều gì. Nếu anh là họa sĩ anh sẽ vẽ cô trong tư thế đó. Chiếc mũ nỉ màu xanh lục của cô làm nổi bật mái tóc màu nâu đồng trong bóng tối và trên chiếc váy những mảng sẫm màu làm nổi bật những mảng sáng. “Tiếng nhạc xa vời,” anh sẽ đặt tên cho bức tranh của anh như thế nếu anh là họa sĩ.
Cửa ra vào được khép lại; dì Kate, dì Julia và Mary Jane cùng bước vào sảnh, miệng vẫn chưa dứt tiếng cười.
“Chà, cái ông Freddy này thật là tệ khủng khiếp.” Mary Jane nói.
Gabriel không nói gì mà chỉ tay lên cầu thang về phía vợ anh đang đứng. Cửa ra vào đã đóng, giọng hát và tiếng đàn piano nghe rõ hơn. Gabriel giơ tay ra hiệu cho ba người kia im lặng. Khúc hát hình như là một bài cổ ca của Ireland và ca sĩ có vẻ ngập ngừng, không mấy chắc về cả ca từ lẫn giọng hát của mình. Vì khoảng cách từ xa vẳng lại và do giọng khản đục của người hát, âm điệu bài hát nghe bi cảm, não nề, mơ hồ diễn tả câu hát với những lời lẽ bày tỏ nỗi đau buồn, thương cảm:

O, the rain falls on my heavy locks
And the dew wets my skin,
My babe lies cold...

“Ô,” Mary Jane kêu lên. “Đấy chính là ông Bartell D’Arcy đang hát, ông ấy suốt buổi không chịu hát. Ồ, em sẽ bắt ông ấy hát một bài trước khi ra khỏi đây.”
“Ô, Mary Jane, cháu yêu cầu ông ta hát đi.” dì Kate nói.
Mary Jane bỏ mọi người chạy vội tới cầu thang, nhưng trước khi cô tới đó, tiếng hát và tiếng đàn đột nhiên im bặt.
“Ồ, thật đáng tiếc!” cô kêu lên. “Chị Gretta ơi, ông ấy có xuống đây không?”
Gabriel nghe vợ trả lời có và thấy cô đi xuống phía họ. Đi sau cô vài bước là ông Bartell D’Arcy và cô O’Callaghan.
“Ô, ông D’Arcy,” Mary Jane kêu lên, “sao ông lại ngưng hát như thế trong khi tất cả chúng tôi đang say sưa lắng nghe ông!”
“Suốt tối nay tôi năn nỉ ông ấy hát,” cô O’Callaghan nói, “cả bà Conroy cũng nói vào nữa, nhưng ông nói ông bị cảm nặng và không thể hát được.”
“Ô, ông D’Arcy,” dì Kate nói, “ông chỉ khéo bịa chuyện để thoái thác chứ gì.”
“Quý vị không thấy giọng tôi khàn như con quạ sao?” Ông D’Arcy cộc lốc trả lời.
Ông đi vội vào phòng gửi áo choàng lấy áo mặc. Mọi người ai nấy sửng sốt trước cách nói năng không mấy tao nhã của ông nên đứng lặng im, không biết nói gì. Dì Kate cau mày ra hiệu cho những người khác đừng nói gì thêm. Ông D’Arcy đứng đó quấn khăn quàng cổ cẩn thận, cau mày.
“Rõ là vì thời tiết,” dì Julia nói sau một lúc im lặng.
“Đúng vậy, ai cũng bị cảm lạnh,” dì Kate nói liền tiếp theo, “tất cả mọi người.”
“Người ta bảo là,” Mary Jane nói, “đã ba mươi năm rồi chúng ta mới có nhiều tuyết như thế này; sáng nay em đọc báo thấy nói rằng tuyết đang phủ kín khắp Ireland.”
“Tôi thích cảnh tuyết rơi,” dì Julia nói giọng buồn buồn.
“Tôi cũng thế,” cô O’Callaghan nói, “tôi nghĩ Giáng Sinh không bao giờ thực sự là Giáng Sinh trừ phi chúng ta có tuyết trên mặt đất.”
“Nhưng ông D’Arcy đáng thương thì không thích tuyết,” dì Kate mỉm cười nói.
Ông D’Arcy từ phòng gửi áo choàng bước ra, cổ quấn khăn và áo cài khuy kín mít, với giọng nói như ân hận về thái độ thiếu lịch sự của mình ban nãy, ông kể chuyện ông bị cảm lạnh như thế nào. Mọi người lại thi nhau khuyên giải, an ủi ông, nói thật đáng tiếc và khuyên ông nên hết sức cẩn thận với cổ họng của mình khi ở ngoài trời ban đêm. Gabriel nhìn vợ mình, cô không tham gia vào cuộc trò chuyện của mọi người. Cô đứng ngay dưới ánh đèn quạt trần bụi bám, ánh đèn ga trong nhà giọi sáng mái tóc màu đồng sẫm của cô mà anh thấy cô sấy khô trên ngọn lửa vài ngày trước. Cô vẫn giữ thái độ tư lự và hình như cô chẳng màng gì đến chuyện mọi người đang nói xung quanh. Cuối cùng, cô quay mặt về phía họ và Gabriel thấy má cô ửng hồng, đôi mắt long lanh sáng. Một niềm vui chợt dâng lên trong lòng anh.
“Ông D’Arcy,” cô nói, “tựa bài hát ông vừa hát là gì vậy?”
Cô gái làng Aughrim,” ông D’Arcy đáp lời cô, “nhưng tôi không nhớ rõ lắm. Tại sao? Cô biết bài hát đó chăng?”
Cô gái làng Aughrim,” cô lặp lại. “Thế mà tôi cố nhớ mãi không ra.”
“Bài hát nghe thật hay,” Mary Jane nói. “Thật đáng tiếc tối nay giọng ông không được khỏe.”
“Này, Mary Jane,” dì Kate nói, “cháu đừng làm phiền ông D’Arcy nữa nhé. Ông đang khó chịu trong người, đừng làm ông khó chịu thêm.”
Thấy tất cả đã sẵn sàng ra về, bà đưa họ ra cửa và nói lời tạm biệt.
“Chào dì Kate, cảm ơn dì đã cho chúng cháu một buổi tối vui vẻ.”
“Chào Gabriel. Chào Gretta!”
“Chào dì Kate, cảm ơn dì rất nhiều. Chào dì Julia.”
“Ồ, chào Gretta, nãy giờ dì không thấy cháu đâu.”
“Chào ông D’Arcy. Chào cô O’Callaghan.”
“Chào bà Morkan.”
“Chào lần nữa.”
“Chào tất cả mọi người. Về nhà an toàn nhé.”
“Xin chào. Xin chào.”

(Còn tiếp)


Chú thích của người dịch:

[20]  Ba Nữ thần: The Three Graces, xin xem chú thích [12].

[21]  “For He’s a Jolly Good Fellow” là một bài hát phổ biến được hát để chúc mừng một người về một sự kiện quan trọng, chẳng hạn như thăng chức, sinh nhật, đám cưới, nghỉ hưu, kỷ niệm ngày cưới, sinh con hoặc chiến thắng trong một sự kiện thể thao, v.v. Giai điệu  nguồn gốc từ bài hát tiếng Pháp “Malbrough s’en va-t-en guerre” (Marlborough ra chiến trường.)

[22]  Loại vải len có lông được cắt và uốn cong trông giống như lông xoăn làm từ da cừu non được nuôi gần Astrakhan, một thành phố cảng ở phía tây nam nước Nga.

[23]  Tức vua William III của Anh, theo đạo Protestant, người chinh phục xứ Ireland, làm vua Vương quốc Anh, Ireland và Scotland cho đến khi băng hà năm 1702.