Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Bí mật Thi sĩ máy

Thái Kế Toại

This image has an empty alt attribute; its file name is image-47.png

Châm Văn Biếm - Ngô Huy Bỉnh, tác giả truyện ngắn Thi sĩ máy

Truyện ngắn Thi sĩ máy rất nổi tiếng trong Nhân văn - Giai phẩm.

Nó là một trong những đối tượng bị phê phán dữ dội nhất như bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán, truyện ngắn Ông Năm Chuột của Phan Khôi, bài thơ Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt, bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần, truyện ngắn Đống máy của Minh Hoàng… Nhưng có một điều bí ẩn là tác giả của nó, cái tên Châm Văn Biếm thì gần như mọi người không biết là ai. Có người biết láng máng hình như là Như Mai. Thậm chí có người mắc sai lầm tai hại như ông Hoàng Văn Chí, người đã tập hợp được đáng kể sáng tác của Nhân văn - Giai phẩm trong cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc in ở Sài Gòn năm 1960. Ông Hoàng Văn Chí khẳng định rằng Châm Văn Biếm là nhà giáo Hoàng Như Mai:

“là bút hiệu của Hoàng Như Mai sinh năm 1918 ở làng Hoàng Mai gần Hà Nội. Là con một gia đình tiểu công chức, ông học từ nhỏ ở Hà Nội, đỗ tú tài năm 1943, sau đó học trường Đại học Luật khoa ở Hà Nội. Học chưa xong thì cuộc kháng chiến đã xảy ra nên ông phải bỏ dở.

Nhưng ngay từ khi còn là sinh viên ông đã bắt đầu viết sách. Nguyên là một thanh niên ham mê chủ nghĩa cộng sản, ông dịch cuốn Les Principes du Leninisme từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, và tiếp theo ông viết cuốn Đời sống Lê nin.

Cũng trong thời gian đó Như Mai xuất bản một cuốn kịch nhan đề Tiếng trống Hạ Hồi, ngày nay vẫn còn giá trị và vẫn thường được nhắc tới.

Năm 1946 Như Mai lấy vợ cũng là văn sĩ, hai vợ chồng cùng gia nhập Việt Minh và cùng công tác về kịch. Năm 1948 cả hai vợ chồng được cử vào Nam, hoạt động trong ban văn công của Đoàn quân Giải phóng Nam bộ trong ba năm. Đến năm 1951 hai vợ chồng được triệu ra Việt Bắc, hoạt động trong ban văn nghệ trung ương cho đến ngày trở về Hà Nội. Suốt trong thời gian kháng chiến hai vợ chồng chỉ đóng kịch, không sáng tác.

Về Hà Nội từ năm 1954 đến nay hình như ông vẫn sống yên lặng vì báo chí ở Hà Nội không thấy nhắc đến ông. Nhưng thực sự thì ông có tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm vì tình cờ đọc bản thú tội của Trần Dần, chúng tôi biết rằng bài Thi sĩ máy đăng trong báo Nhân văn số 5 với bút hiệu Châm Văn Biếm chính thực là của Như Mai. Như vậy rất có thể ông có viết nhiều bài khác mà giấu tên, nên chúng tôi không biết.

Bài Thi sĩ máy là một bài mà ai cũng công nhận là có giá trị. Tuy là một câu chuyện tưởng tượng, nhưng bài ấy cũng nói lên sự thực chua chát trong lòng người nghệ sĩ sống dưới chế độ cộng sản là một chế độ chủ trương tiêu diệt mọi tình cảm và biến con người thành một thứ máy sản xuất mọi thứ theo mẫu đặt hàng của Đảng.”

Trong khi đó tại Hà Nội thỉnh thoảng người ta cũng thấy bút danh Như Mai trên một số bài báo về khoa học thường thức. Quả là có một ông Như Mai thật, trẻ hơn chuyên viết về khoa học nhưng không phải nhà báo Như Mai, tác giả của Thi sĩ máy bí ẩn.

Trong số những văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm, đại đa số có đời sống, lý lịch rõ ràng nhưng cũng có một số ít người biến mất bí ẩn, hoặc không xuất hiện trong đời sống với tư cách văn nghệ sỹ nữa. Ví dụ ông Trúc Lâm, Quế Lâm, Trần Thanh Bình, Hoàng Huế, Lê Nguyên Chí…

Minh Hoàng, tác giả truyện ngắn Đống máy cũng thế.

Truyện ngắn Đống máy in trên báo Văn số 34 ngày 17-12-1957 được cho là rất phản động vì nó phơi bày tình trạng vô trách nhiệm, quan liêu, lãng phí máy móc của các nước bạn xã hội chủ nghĩa viện trợ trong sản xuất công nghiệp. Nhưng sau đó không ai biết tác giả Minh Hoàng là ai. Phê phán thì cứ phê phán nhưng không có án vì Minh Hoàng không thuộc bất kỳ cơ quan văn nghệ nào.

Ông Hoàng Văn Chí cũng sai lầm khi cho rằng Minh Hoàng là Vũ Tuyên Hoàng một sinh viên du học ở Tiệp Khắc về, làm phiên dịch cho các chuyên gia Tiệp Khắc ở Hà Nội. Có một ông Vũ Tuyên Hoàng thật con của nhà văn Vũ Ngọc Phan và nữ sỹ Hằng Phương, anh của họa sỹ Giáng Hương người được Hữu Loan viết tặng bài thơ Những làng đi qua. Nhưng ông Vũ Tuyên Hoàng chỉ làm khoa học nông nghiệp không dính líu gì đến văn chương.

Tôi đã mất nhiều công đi tìm Minh Hoàng. Mãi sau mới biết được đó là ông Hoàng Minh Tiệp, một người bạn đã học thiếu sinh quân ở Quế Lâm với dịch giả Thúy Toàn, với ông Lê Thanh Dũng rồi về công tác ở Tổng cục Bưu điện cho đến lúc về hưu. Ông được tha thứ vì gia đình ông là cơ sở cách mạng ở một làng ven sông Hồng thuộc Đông Anh đã che giấu các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt… Đến tận năm 2013 khi vấn đề Nhân văn - Giai phẩm đã giải tỏa, tôi tìm đến nhà ông nhưng ông không muốn nói chuyện với lý do không thể để dân làng biết ông là phản động!

Như Mai tên thật là Ngô Huy Bỉnh (chữ Bỉnh có nghĩa là ngọc – ông Như Mai giải thích). Viên ngọc sáng họ Ngô này, quê Hưng Yên, sinh năm 1924 tại Hải Phòng, lớn lên và học tập ở Hà Nội. Ông tham gia hoạt động cách mạng ở Hà Nội từ tháng 10.1944. Ông phụ trách Thanh niên Cứu quốc Liên khu 2. Năm 1947 ông làm báo Cứu Quốc cùng với Như Phong, Hồng Hà, Đồ Phồn... Bút danh Như Mai là tên ghép hai người yêu Như và Mai của ông. Có người sau này là vợ ông. Một người còn lại là bà Nguyễn Thị Như, từng tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào (1945), sau này có thời gian làm Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam...

Như Mai làm báo thời đó thường viết tạp văn. Ông thừa hưởng lối tạp văn nhạy bén của cụ thân sinh. Cụ thân sinh của ông là Ngô Huy Văn (nguyên Tổng cục phó Tổng cục Bưu điện) thường kí bút danh là Chu Thượng trên báo Trung Bắc tân văn thời Pháp thuộc. Mới đây, Như Mai lấy lại bút danh Chu Thượng viết tới 23 số báo (báo Lao Động) trong mục “Truyện cổ tân trang”. Như Mai còn có họ hàng với nhà văn Học Phi, Chu Lai…

Ông Như Mai - Châm Văn Biếm đang từ cán bộ của Sở Báo chí trung ương mang vợ con về sống ở Quảng Ninh làm một nhân viên cho báo tỉnh Quảng Ninh. Rất may mắn là giữa tên thật, lý lịch và cái bút danh nhất thời Châm Văn Biếm không có liên tưởng gì với nhau giúp ông lẩn tránh được những đàm tiếu, thị phi của cơ quan và địa phương, một nơi xa Hà Nội.

Trong bối cảnh phong trào Nhân văn - Giai phẩm đang hình thành, Như Mai công tác tại Sở Báo chí. Năm 1956, Trung ương tổ chức một trại sáng tác tại Hà Nội, viết về thành công của cải cách ruộng đất, ông đã tham dự với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm ở trại viết này. Mấy ngày đầu ngẫm ngợi ông thấy bí câu chữ. Trang giấy mà Nguyễn Tuân gọi là “pháp trường trắng”, làm ông day dứt. Bỗng một hôm, đọc xã luận báo Nhân dân, thấy báo phê phán lối sáng tác máy móc, rập khuôn, ông “vụt” ngay ra cái tứ của truyện với hình tượng “thi sĩ máy”. Thi sĩ máy ra đời lập tức gây sóng gió, “có vấn đề” cùng với báo Nhân văn.

Nhà thơ Trương Thiếu Huyền có viết:

“Năm 1958, Như Mai về báo Vùng mỏ (sau là báo Quảng Ninh) làm tổ trưởng tổ công nghiệp, rồi thư kí toà soạn. Năm 1987, tôi về Quảng Ninh dạy học cũng là năm ông Như Mai nghỉ hưu, sau 40 năm hoạt động báo chí. Ông tâm sự: - Đời mình cái con số 16 nó nghiệm lắm. Năm 1956 vụ “Thi sĩ máy”, 16 năm sau là năm 1972, mình lại khốn khó về bài điều tra “Phải biết căm giận những con số không trung thực”. Bài báo có cách nhìn trái ngược với tu tưởng “vui vẻ” thi đua vượt kế hoạch ở những năm ấy. Hồi đó, rất hiếm các cơ sở không vượt kế hoạch. Bài báo chỉ ra việc khai khống 3 triệu mét khối đất đá (làm mất đi 1 triệu 500 ngàn đồng, thời năm 1971) của xí nghiệp Vận tải ô tô Cẩm Phả. Giám đốc xí nghiệp làm đơn xin thôi việc. Bài báo đã đề cập đến tính trung thực trong công nghiệp. Cơ quan báo chí, nhiều người cho rằng, khí thế thi đua cả tỉnh đang lên, nhà báo lại đi bới thối! Có người chân tình: “Người khác viết thì được, ông viết thế thì ông chết!”. May sao, Thứ trưởng ngành Than Vũ Anh đến báo Quảng Ninh, cảm ơn tác giả bài báo, mình mới thở phào! Sau năm 1972, đến 1988, đúng 16 năm, mình lại “dính” vào vụ đưa chuyện tiêu cực của hai ông nguyên chủ tịch và nguyên bí thư tỉnh Quảng Ninh trên báo Hạ Long. Lại nghiêng ngửa một dạo, may mà được dư luận ủng hộ, nên mình cũng qua.

Quay trở lại nội dung Thi sĩ máy. Tại sao nó bị cho là rất nguy hiểm vào năm 1956?

Nội dung của truyện vui này tóm tắt như sau:

Đầu năm 2000… Các báo chí xuất bản đều sôi nổi đăng tin tức quan trọng về máy “viết văn” dưới những đầu đề “giật gân” lớn…

Tờ Công thức trong bài xã luận “Nhiệt liệt chào mừng các văn nghệ sĩ máy!” đã giới thiệu như sau: “Nhờ áp dụng những khả năng mới nhất của khoa học điện tử, máy 'viết văn' đã hoàn thành thoả mãn được nhu cầu văn nghệ ngày một tăng của loài người.

Những tác phẩm của nó, vừa kịp thời vừa minh họa đúng chính sách, sẽ giải quyết được mọi khẩu hiệu phức tạp của cuộc sống. Mỗi giây đồng hồ máy đó có thể sản xuất được từ 7.000 đến 8.000 dòng văn thơ. Nếu dùng sức óc và tâm hồn người thì phải hàng ngàn văn nghệ sĩ với một trình độ sách vở rất cao, cặm cụi hàng trăm năm mới làm nổi…

Do tính chất 'Nhân văn' của máy nên ta tạo cho nó cái vỏ bọc ngoài, hình dáng một anh chàng: trẻ, khoẻ, đẹp, chỉ khác người 'thật' là đứng nguyên một chỗ, không nói, cười, chạy nhảy, nhất là không yêu đương lãng mạn lôi thôi…”.

Hơn một năm sau, hàng loạt văn sĩ máy, thi sĩ máy, kịch sĩ máy được tung ra thị trường. Một số cán bộ phụ trách về văn chương sính máy móc thi nhau mua về sử dụng. Còn văn nghệ sĩ bằng xương, bằng thịt thì bị gạt ra ngoài: Nữ sĩ Trong Trắng ném bút làm nghề đỡ đẻ. Thi sĩ Mây Nước ra Bờ Hồ làm nghề bói Kiều tán róc về thành phần giai cấp cho những người còn đầu óc mê tín dị đoan. Văn sĩ Đắng Văn Cay phải ra chợ Giời làm nghề bán văn kiêm bán săm.

Một bộ phận văn nghệ sĩ tơi bời rối loạn. Ai cũng thù ghét lũ người máy mới ra đời kia, nhưng ai cũng chịu thua. Vì cứ công bằng mà nói thì “máy móc” quả là kịp thời sự, thông kinh sử, lại đúng khuôn phép, “tốt ăn tốt ở” hơn người thực ở cõi đời này.”

Mặc dù là truyện vui, giả tưởng nhưng Thi sĩ máy bị liệt vào tác phẩm nguy hiểm nhất bởi vì nó ngẫu nhiên phê phán chủ trương, đường lối biến văn nghệ thành công cụ truyên truyền, hạ thấp khả năng sáng tạo của văn nghệ sĩ của bộ máy tuyên huấn thời kỳ đó.

Tuy nhiên dự báo của Thi sĩ máy đã đi trước thời gian khá lâu, bây giờ vẫn còn đang thời sự. Một nền văn nghệ nhiễm bệnh tuyên truyền lâu năm mặc nhiên đã sinh ra rất nhiều Thi sĩ máy!

Ngô Huy Bỉnh không bị kỷ luật về văn nghệ vì ông không phải hội viên của một hội văn học nghệ thuật nào nhưng ông bị kỷ luật tại Sở Báo chí trung ương và phải chuyển về cư trú ở Quảng Ninh.

Ông kinh qua đủ vị trí từ phóng viên, biên tập viên, họa sĩ, thư ký tòa soạn, thậm chí có lúc còn được giao sửa mo-rát, chữa bản bông nhà in… Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành.

95 năm đã qua, Như Mai chỉ có duy nhất tập thơ do Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh đỡ đầu 20 năm trước để trình làng. Ngẫu hứng với 33 bài thơ, lại độn thêm 6 bài viết của bạn văn mà vẫn chưa đầy 100 trang sách.

Như Mai làm thơ để thoả nỗi niềm riêng tư nhất. Thơ ông viết cho chính mình, bởi thế nó chứa đựng tâm tưởng của cá nhân thi sĩ một cách chân thành. Ông chọn 9 bài thơ, chế bản điện tử, rồi “phô tô” thành tập Ngẫu hứng để tặng bạn bè. Cả 9 bài thơ viết trong thời gian 40 năm đều để nói với EM:

Và đối mặt với EM – hướng về cái ĐẸP

tôi thiêu mình

                      trên ngọn lửa THIỆN CHÂN

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tô Minh Bình đã gọi ông là “anh lão đa tình”. Tâm hồn ông vẫn cháy lên “cái nguyên xanh thời trai trẻ” ở tuổi 70. Ông vẫn say mê làm báo. Tờ văn nghệ Hạ Long (Hội Văn nghệ Quảng Ninh) do ông “cố vấn” đã ngày một được bạn đọc Đông Bắc mến mộ.

Nhà ông ở phố Nhà thờ Hòn Gai – những căn nhà chi chít bám vào sườn đồi – đặc trưng của Đất mỏ. Ông thường đạp xe đi khắp thị xã, khi thì ở Hội Văn nghệ, khi thì nhà in, khi thì ngồi ở nhà các bạn văn chương. Cánh trẻ chúng tôi thường gọi thân mật: Bố Mai! Cái ông Châm Văn Biếm xa xưa, nay được là “anh lão đa tình”, vang thầm trong tôi những vần thơ mà ông đọc tặng:

Tóc trắng phớ trò dâu kia bể nọ

nay lại vỡ lòng

lọ mọ học YÊU - TIN

Tuy đã sống thu mình lại nhưng số phận vẫn vùi dập ông.

Đang thời kì chiến tranh phá hoại ác liệt thì người vợ yêu quý của ông bị đổ bệnh mất sớm. Ông phải đi bước nữa với người vợ của một liệt sỹ. Tháng 5-1977 ông bị Tỉnh ủy Quảng Ninh khai trừ ra khỏi đảng vì những tội trong quá khứ trong đó có tội Nhân văn - Giai phẩm.

Một người bạn của ông, nhà văn Sao Mai kể lại trong hồi ký: “Bây giờ Như Mai vẫn còn đang làm báo Hạ Long của Hội Văn nghệ Quảng Ninh, giọng anh vẫn khèm khẹp như vịt đực rỗng bụng, và vẻ ngoài vẫn như anh chàng ốm đói. Nhưng cái ông già Như Mai kia, khi hữu sự vẫn có thể nhanh như con sóc, chạy chỗ này chỗ khác nếu không thì cũng chịu khó ngồi còm lưng để sửa “mo-rát” cho tờ tuần báo nói trên”.

Nhà văn Sỹ Hồng cho biết: “Những lần đến Quảng Ninh công tác, bao giờ Nguyên Hồng cũng tìm gặp Như Mai. Tôi không tiện hỏi về mối quan hệ giữa hai ông. Mãi sau này đọc hồi ký của Nguyên Hồng mới biết Như Mai – con người lúc nào cũng trợn trừng trợn trạc (chữ của Nguyên Hồng) – đã nhiều năm làm báo Cứu Quốc với Tô Hoài, Nguyên Hồng, Như Phong do Xuân Thủy làm chủ nhiệm.”

Trong bài thơ tự bạch có tên Tôi là ai, ông viết:

Em hỏi tôi là ai?

Tôi đâu tự biết

Là Ma vương? Quỷ sứ?

Thiên thần…?

Hay tất cả ở trong tôi, tất cả

Chọn tim tôi làm mảnh đất tranh phần

Trong căn hộ Người Đời

Phật và Ma cùng ở

Tôi đâu cần áo giấy với cà sa!

Khoác bộ cánh hề mồi hề gậy…

Tôi tin mọi cách nhìn bè bạn

Đánh giá tôi Tốt - Xấu không lầm

Và đối mặt với EM – hướng về cái ĐẸP

Tôi thiêu mình

trên ngọn lửa THIỆN CHÂN

Như Mai, tạ thế lúc 0 giờ 15 phút rạng sáng ngày 29.2.2020, tại nhà riêng, hưởng thọ 97 tuổi.

Cuộc đời vẫn còn dành một chút may mắn cho Như Mai. May mắn trước khi ông bị khai trừ đảng, người con trai cả của ông Ngô Hà Thái được đi học tại Cộng hòa dân chủ Đức và sau này trở thành Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Năm 2018 Ngô Hà Thái được đạo diễn Phạm Lộc và tôi giúp đỡ đã làm được bộ phim chân dung cho người bố lận đận của mình. Bộ phim Tôi là ai.

Người xem thấy rất ấn tượng với cảnh ông già 90 tuổi trồng cây chuối ngược bên bờ Vịnh Hạ Long với hậu cảnh một con tàu cũ nằm bẹp trên đống sắt vụn…

Hà Nội, 10-2024